Đọc báo Pháp – 15/10/2020
Covid-19 : Giờ giới nghiêm
Tú Anh
Pháp sẽ giới nghiêm từ 21 giờ đêm đến 6 giờ sáng tại 9 thành phố lớn, trong đó có Paris và vùng phụ cận, ít nhất là trong một tháng, để chống Covid-19 là hồ sơ số một của báo chí Pháp ngày 15/10/2020. Các chủ đề quốc tế không thiếu : từ căng thẳng Ấn-Trung, bầu cử tổng thống Mỹ đến sự kiện Bắc Kinh và Matxcơva được (tái) đắc cử vào Hội Đồng Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc. Trang nước Pháp của Libération đưa độc giả trở lại « ngôi làng Việt Nam » ở Sainte Livrade-sur-Lot.
Giới nghiêm để giành lại thế chủ động chận siêu vi corona
« Giới nghiêm », « Đi ngủ sớm », kèm theo bức ảnh chụp màn hình khi tổng thống Emmanuel Macron trả lời phỏng vấn của hai đài truyền hình Pháp thực hiện tại điện Elysée đêm hôm qua là tựa chung của các nhật báo Pháp hôm nay.
Với tựa « Giới nghiêm để giành lại thế chủ động », Le Figaro tóm ý thông điệp của chủ nhân Điện Elysée : Do tình hình nghiêm trọng, cần phải có một chiến lược đối phó với đợt tấn công thứ hai của Covid-19 theo nghĩa hạn chế sinh hoạt xã hội nhưng không làm ngưng trệ hoạt động kinh tế. Kể từ thứ Bảy, gần 20 triệu dân Pháp phải ở nhà sau 21 giờ đêm cho đến 5 giờ sáng, ít nhất là trong một tháng. Người vi phạm sẽ bị phạt 135 euro lần đầu tiên. Chiến lược này tuy có nhiều trói buộc nhưng nếu áp dụng triệt để, theo giải thích của tổng thống, sẽ tránh cho nước Pháp phải tái diễn tình trạng phong tỏa xã hội như hồi tháng Ba. Còn đối với Le Figaro, viễn ảnh « sống, sinh hoạt, làm việc từ xa » trong nhiều tháng, có thể phải sống chung với siêu vi đến mùa Hè đưa nước Pháp vào « thời kỳ buồn thảm ». Đã thế, chiến lược này có cơ may thành công hay không ? Le Figaro nhấn mạnh vào hai lời kêu gọi của tổng thống Pháp: Mọi công dân cùng góp tay và tôi cần tất cả mọi người. Nhưng theo tác giả bài phản biện « Tìm lại niềm tin đã mất », cần phải chờ xem lời kêu gọi « đoàn kết » và « nỗ lực cộng đồng » của Macron chỉ là một ước mơ hay là một phương tiện để nhìn thấy ngõ ra khỏi đường hầm.
Phải ủng hộ lời kêu gọi « toàn dân liên đới »
Khác với thái độ « chờ xem » của đồng nghiệp thiên hữu, nhật báo Công Giáo, La Croix ủng hộ quyết định của tổng thống Pháp qua bài xã luận « Một cách thẳng thừng ».
La Croix mô tả chủ nhân Điện Elysée là một nhân vật chính trị « đáng kinh ngạc » theo nghĩa tốt. Ông có thể đi sâu vào từng chi tiết nhỏ như là tiền phạt gia tăng bao nhiêu nếu tái phạm nhưng cũng có khả năng làm rung động người nghe khi ca ngợi giá trị đạo đức của tinh thần toàn dân liên đới. Nhật báo Công Giáo tiên liệu sẽ có nhiều phản ứng chống đối quyết định của tổng thống Macron. Vì thế, cần phải nói thẳng thừng là đại dịch này rất nghiêm trọng, nguy hiểm cho người già, hoặc người có bệnh mãn tính. Siêu vi cũng hoành hành rất mạnh trong tầng lớp dân nghèo. Chưa hết, người ta đã thấy hệ thống y tế, bệnh viện đã bị tràn ngập bệnh nhân Covid như thế nào đến mức phải hạn chế số ca mổ các bệnh nhân khác. Vậy thì, chúng ta phải hợp sức với nhau để tránh tình trạng rủi ro tái diễn vào mùa thu năm nay, La Croix kết luận.
Gần như đồng quan điểm về mặt y tế, nhật báo thiên tả Libération làm một loạt phóng sự ở một số bệnh viện công, sau đợt một, tổn hao sinh lực và nhân lực. Từ bác sĩ, y tá cho đến những nhân công cấp thấp nhất trong nhà thương tự biết là trong mọi hoàn cảnh, họ phải tận lực « chèo chống » một mình bởi vì đa số người dân Pháp « mặc kệ ». Trong bài xã luận, Libération đánh đồng tổng thống Pháp với đa số dân Pháp : Macron tìm cách câu giờ theo sở trường quen thuộc vì cho phép dân vui chơi đến 21 giờ. Như vậy có ngăn cản được siêu vi lây lan hay không ? Tổng thống biết nói những lời chín chắn nhưng có đáp ứng những mong chờ của nhân viên y tế hay không ? Dân Pháp cũng thế, Libération kết luận chua chát.
Các nước láng giềng đối phó ra sao ?
Đối chiếu với Pháp, mối đe dọa của Covid-19 tại các thành viên khác trong châu Âu còn nghiêm trọng hơn. Các nước láng giềng chật vật không kém ? Thái độ của công luận như thế nào ?
Tại Đức, nhiều biện pháp trói buộc khó được chấp nhận, cụ thể như cấm cho người từ vùng dịch đến ở tạm. Doanh nhân di chuyển thì được nhưng du khách thì không. Tại Anh, các biện pháp mạnh như đóng cửa các quán rượu, tụ điểm truyền thống của người Anh (đàn ông) làm thủ tướng Boris Johnson mất điểm tín nhiệm. Trái lại tại Ý, dân chúng tin cậy vào thủ tướng Giuseppe Conté, đó là loạt bài trên La Croix.
Với nhãn quan kinh tế, Les Echos cho biết thủ tướng Đức đàm phán rất gay go với lãnh đạo các bang nhưng vẫn chưa đạt đồng thuận trên các biện pháp chống dịch nghiêm ngặt. Cùng lúc đó, giới kinh tế Đức lên tiếng chống các biện pháp quá khắc nghiệt có thể làm nản lòng giới chủ nhân xí nghiệp.
Cũng cùng một chiều hướng, Le Monde kêu gọi Liên Hiệp Châu Âu « đừng bắn vào kế hoạch vực dậy kinh tế ». Ngân sách tài trợ dự kiến gần 1000 tỷ euro nhưng Ba Lan và Hungari vẫn đe dọa ngăn cản. Chính quyền hai nước này không nhiệt tình với điều kiện gắn liền trợ giúp tài chính với nguyên tắc Nhà nước thượng tôn pháp luật.
Biên giới Ấn –Trung : Quân Ấn kéo về tăng viện
Trang quốc tế, thông tín viên của La Croix tại Ấn Độ cho biết tình hình tại biên giới Ấn-Trung căng thẳng thêm.
Bài phóng sự được minh họa qua bức ảnh một người lính Ấn Độ đeo súng canh gác trên một con đường trong vùng Ladakh, nơi xảy ra những cuộc xung đột giữa hai đơn vị Ấn Độ và Trung Quốc hồi tháng Sáu. Nhà báo Vassana Dougnac cho biết « bốn tháng sau vụ đụng độ làm 20 binh sĩ Ấn thiệt mạng, Ấn Độ tăng cường lực lượng đồn trú trong khu vực trước khi băng giá phủ xuống. Từng đoàn quân xa chở binh lính, vũ khí, lương thực được không quân yểm trợ, mỗi ngày vượt qua các ngọn đèo cao ngất về thung lũng ở phía đông sát biên giới Trung Quốc. 50.000 quân đội bên quan sát nhau như bày chó sói.
Mùa đông là thời điểm bất trắc. Chiến tranh Ấn-Trung đầu tiên nổ ra vào năm 1962 cũng vào tháng 10 . Theo giới chuyên gia, quân đội Trung Quốc được trang bị tốt hơn nhưng lính Ấn nắm vững địa hình hơn đối phương ở vùng cao nguyên hiểm trở này. Theo một viên tướng hồi hưu, tương quan lực lượng có lợi cho Ấn Độ.
Lực lượng Ấn có thể sẽ được tăng cường hơn nữa vì mọi vị trí giành được trong tháng 10 sẽ tồn tại cho đến mùa xuân, theo phân tích của một chuyên gia quốc phòng Ấn Độ.
Nga và Trung Quốc « len lỏi sâu » vào nhân quyền
Sự kiện Nga và Trung Quốc được bầu vào Hội Đồng Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc gây một làn sóng phẫn nộ trong giới tranh đấu bảo vệ quyền làm con người.
La Croix cũng phê bình định chế nhân quyền của Liên Hiệp Quốc đón nhận một số thành viên không tôn trọng nhân quyền. Nhưng tại sao các chế độ phi dân chủ lại tìm cách gia nhập ?
Hội Đồng Nhân Quyền là một cơ quan « liên Nhà nước » mà « các Nhà nước là tác nhân làm luật quốc tế »
Theo giải thích của một nhà nghiên cứu Pháp về công pháp quốc tế, Nga và Trung Quốc chui vào Hội Đồng Nhân Quyền vì cơ quan này đang xem xét tình trạng nhân quyền ở 42 nước và có thể lập nhóm điều tra. Thành viên được tự do quyết định tuân thủ hay không.Là thành viên, Bắc Kinh có thể ngăn chận mọi quyết định liên quan đến Trung Quốc. Cho dù Hội Đồng Nhân Quyền không có cách chế tài để làm ngưng các hành động chà đạp nhân quyền tại một nước nhưng các phiên họp luôn công khai. Những lời tố cáo vang động khắp thế giới cũng là cho các chế độ độc tài nhức nhối lắm.
Làng Việt Nam Sainte- Livrade 65 năm sau với nỗi buồn không nguôi
Ở mục « Nước Pháp », và với tựa « Tiểu Việt nam », Libération trở lại thăm ngôi làng Sainte- Livrade nằm giữa Bordeaux và Toulouse như một cuộc hành hương. 65 năm sau từ khi các gia đình tị nạn chiến tranh Đông dương di tản về khu doanh trại của quân đội Pháp bỏ hoang, thời gian không làm ngôi làng Việt thay đổi nhiều.
Những người mẹ đầu tiên đã khuất, thế hệ sau nay cũng gần 60, thế hệ thứ ba muốn tiếp tục sống chung cộng đồng như các thế hệ trước. Một phần lớn nhà trại bị phá hủy sau vụ cháy năm 2005. Chính quyền địa phương xây cất những chung cư mới và các gia đình bám trụ được cấp căn hộ mới tiện nghi hơn. Một số cơ sở cũ vẫn được bảo tồn với một « ngôi chùa » trong căn nhà chung và hai quán ăn. Nhưng 65 năm sau, theo phóng viên Libération, người ta còn cảm nhận được nỗi bất bình của thế hệ thứ tư. Nước Pháp không một lời xin lỗi, không một cử chỉ cám ơn. Một số cụ bà lúc trẻ là giáo viên tại Việt Nam. Có cả một công nương. Lẽ ra chính quyền Pháp phải đối xử tốt hơn với ông bà chúng tôi, bố trí một nơi định cư thuận lợi hơn để làm lại cuộc đời và bồi thường cho những mất mát.
Libération khéo léo đưa tâm trạng bất bình này trong phần kết luận với giai thoại ma (*) ở làng Sainte- Livrade sur Lot « Có những đêm khuya, đôi khi có ma xuất hiện. Đó là những oan hồn trong trại, mặc áo đẹp với nhiệm vụ canh chừng linh hồn của trại ».
Về bầu cử Mỹ, Le Monde để hai trang báo nói về thuyết âm mưu và mạng lưới QAnon lây lan tại nước Mỹ, ủng hộ Donald Trump.
Phóng viên La Croix kể lại kinh nghiệm sống ba tuần với Lực lượng đặc biệt Pháp, trong cuộc tập trận hàng năm. Năm nay, các đơn vị viễn chinh của Pháp tập huấn theo kịch bản chiến trường ở bán đảo Crimée và Donbass
Về thám hiểm không gian, Les Echos cho biết châu Âu sẽ hợp tác với NASA để thám hiểm sao Hỏa và mặt trăng. Tập đoàn Airbus của Pháp sẽ cộng tác với chuơng trình hỏa tinh, còn Thales chọn chị Hằng.
—–
(*) Phải từng một lần đến làng Sainte- Livrade sur Lot (tỉnh Lot et Garonne) trong thập niên 70, 80 mới thấm thía.
Tin tổng hợp
(Kyodo) – Nhật Bản có tầu ngầm thứ 22.
Tầu ngầm “Taigei” (Cá voi lớn) có trị giá khoảng 720 triệu đô la, nặng 3.000 tấn, dài 84 mét, rộng 9,1 mét do tập đoàn Mitsubishi Heavy Industries Ltd sản xuất và sẽ hoạt động từ tháng 03/2022. Bộ trưởng Quốc Phòng Nhật Bản Nubuo Kishi cùng với khoảng 150 người tham gia buổi lễ giới thiệu ngày 14/10/2020 tại xưởng đóng tầu Kobe, tỉnh Hyogo. Tầu ngầm Taigei được sản xuất theo kế hoạch quốc phòng 2010 – nâng đội tầu ngầm từ 16 lên thành 22 – để đối phó với những hoạt động ngày càng gia tăng của Trung Quốc trong những vùng biển quanh Nhật Bản. Tầu Taigei có khả năng tàng hình và có thể ở dưới nước lâu hơn những mẫu trước.
(The Diplomat) – Ngoại trưởng Mỹ có thể công du Sri Lanka.
Ông Mike Pompeo có thể ghé Sri Lanka trên đường đến New Delhi tham dự Đối thoại 2+2 (Ngoại Giao và Quốc Phòng) với Ấn Độ (26-27/10). Ngoại trưởng Mỹ hy vọng có thể đưa Sri Lanka vào chiến lược Ấn Độ-Thái Bình Dương. Trong khi đó, Trung Quốc cũng tìm cách gia tăng ảnh hưởng tại quốc gia Nam Á này. Sau chuyến thăm Sri Lanka ngày 08/10 của ông Dương Khiết Trì, lãnh đạo Ban Đối ngoại Trung ương đảng Cộng Sản Trung Quốc, ngày 11/10, Bắc Kinh thông báo hỗ trợ 90 triệu đô la cho Colombo để phát triển chăm sóc y tế, cung cấp nước và giáo dục ở những vùng nông thôn “thời hậu Covid”, theo thông cáo của đại sứ quán Trung Quốc ở Colombo.
(Reuters) - Hoa Kỳ đề cử điều phối viên về Tây Tạng trong bối cảnh căng thẳng với Trung Quốc.
Chính quyền Trump ngày 14/10/2020, đã bổ nhiệm một quan chức cấp cao về nhân quyền làm điều phối viên đặc biệt về các vấn đề Tây Tạng, một động thái có thể khiến Trung Quốc tức giận. Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo thông báo ông Robert Destro, trợ lý ngoại trưởng về Dân Chủ, Nhân Quyền và Lao Động, sẽ đảm nhận vị trí đã bị bỏ trống kể từ khi Tổng thống Donald Trump bắt đầu nhiệm kỳ vào năm 2017. Cho đến nay, Trung Quốc đã liên tục từ chối tiếp xúc với điều phối viên của Hoa Kỳ, coi đó là hành vị can thiệp vào công việc nội bộ của họ.
(Yonhap) – Quốc phòng : Mỹ -Hàn khẳng định sẵn sàng dời trụ sở cơ quan OPCON.
Bộ trưởng Quốc Phòng Hàn Quốc Suh Wook và đồng nhiệm Mỹ Mark Esper ngày 14/10/2020, tái khẳng định quyết tâm chuyển cơ quan Kiểm Soát Tác Chiến (OPCON) từ Washington qua Seoul. Bộ trưởng Mỹ cho biết trước đó là tiến trình chuyển đổi có thể lâu hơn. Tuy nhiên, trong một tuyên bố chung, cả hai bên đều lưu ý đã đạt được một “tiến bộ” lớn.
(AFP) – Cảnh sát Hồng Kông lại khám soát văn phòng của tỉ phú truyền thông Lê Trí Anh.
Nhà đấu tranh dân chủ Lê Trí Anh (Jimmy Lai) hôm 15/10/2020 phát biểu với báo giới dường như cảnh sát đặc khu hành chính đang tìm đủ mọi cách có thể để truy tố ông, thậm chí còn không chờ đến khi luật sư của ông đến. Điều này là không hợp với Nhà nước pháp quyền. Cảnh sát Hồng Kông hiện chưa trả lời khi được AFP liên hệ.
(Reuters) – Bộ Ngoại Giao Mỹ đề xuất bổ sung công ty Trung Quốc Ant Group vào danh sách đen.
Reuters hôm 15/10/2020 trích hai nguồn tin thông thaok cho biết như trên. Ant Group, thuộc tập đoàn Alibaba, là công ty tài chính sở hữu ứng dụng thanh toán Alipay. Đề xuất của bộ Ngoại Giao Mỹ đã được gửi lên Nhà Trắng. Ứng dụng Alipay hiện giờ vẫn chưa đến tay người tiêu dùng tại Hoa Kỳ, nhưng một số thành viên trong chính quyền Trump lo ngại Trung Quốc sẽ thông qua ứng dụng của Ant Group để truy cập dữ liệu quan trọng của ngân hàng Hoa Kỳ.
(France Info) – Covid-19 : Biện pháp phong tỏa làm giảm lượng khí thải CO2 ở mức chưa từng có nhưng hiệu quả chỉ trong ngắn hạn.
Đây là kết quả một công trình nghiên cứu được công bố hôm 14/10/2020 trên tạp chí Nature Communications. Biện pháp phong tỏa tốt cho hành tinh, lượng khí thải CO2 giảm mạnh hơn cả trong cuộc khủng hoảng tài chính 2008 và Đệ Nhị Thế Chiến, chủ yếu liên quan đến giao thông vận tải, hàng không và lĩnh vực năng lượng. Điều đáng tiếc là đến tháng 07, khi hầu hết các quốc gia dỡ bỏ lệnh phong tỏa, lượng khí thải đã trở lại mức bình thường.
https://www.rfi.fr/vi/qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF/20201015-tin-t%E1%BB%95ng-h%E1%BB%A3p
Điểm tin thế giới sáng 15/10:
Ông Trump: Mỹ sẽ thành ‘siêu cường sản xuất’
không phụ thuộc Trung Quốc
Lục Du
Mục lục bài viết
Ông Trump: Mỹ sẽ thành ‘siêu cường sản xuất’ không phụ thuộc Trung Quốc
Hoa Kỳ tiếp tục có động thái bảo vệ người Hồng Kông
Mỹ bổ nhiệm quan chức chuyên trách vấn đề Tây Tạng
WHO lo ngại số ca tử vong vì covid tăng cao
Thái Lan công bố sắc lệnh khẩn cấp với người biểu tình
Mục Điểm tin thế giới sáng thứ Năm (15/10) của DKN xin gửi tới quý độc giả những tin sau:
Ông Trump: Mỹ sẽ thành ‘siêu cường sản xuất’ không phụ thuộc Trung Quốc
Tổng thống Trump hôm thứ Tư (14/10) cho biết ông sẽ đưa Mỹ thành một “siêu cường sản xuất” không phụ thuộc vào chính quyền Trung Quốc, lực lượng mà ông cảnh báo sẽ “sở hữu” Hoa Kỳ nếu ông thua trong cuộc bầu cử tổng thống vào tháng tới, theo Nikkei.
Phát biểu trước các câu lạc bộ kinh tế trong một buổi trò chuyện trực tuyến, Tổng thống Trump cho biết trọng tâm của ông trong tương lai sẽ là khen thưởng các công ty chuyển việc làm về Mỹ và trừng phạt những công ty làm điều ngược lại.
“Chúng tôi sẽ giữ thuế ở mức thấp đối với các công ty chuyển việc về Mỹ và sẽ áp đặt mức thuế cao đối với bất kỳ công ty nào rời đi”, ông Trump nói. “Họ muốn rời đi? Họ muốn sản xuất sản phẩm của chúng ta và sau đó bán lại sau khi sa thải mọi người? Điều đó sẽ không xảy ra. Họ sẽ bị đánh thuế”.
“Chúng tôi sẽ đưa Mỹ trở thành siêu cường sản xuất của thế giới, chấm dứt sự phụ thuộc vào Trung Quốc một lần và mãi mãi”, ông nói thêm. (chi tiết)
Hoa Kỳ tiếp tục có động thái bảo vệ người Hồng Kông
Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ hôm thứ Tư (14/10) đã chính thức cảnh báo các tổ chức tài chính quốc tế làm ăn với các cá nhân dính líu tới cuộc đàn áp của chính quyền Trung Quốc đối với người dân Hồng Kông, nói rằng họ có thể sớm phải đối mặt với các lệnh trừng phạt, theo Reuters.
Trong một báo cáo gửi Nghị viện mà Reuters tiếp cận được, Bộ Ngoại giao Mỹ liệt kê tên 10 cá nhân, bao gồm cả trưởng đặc khu Hồng Kông Carrie Lam, tất cả đều đã bị trừng phạt vì đàn áp nhân quyền ở Hồng Kông. Báo cáo cho biết trong vòng 60 ngày sẽ xác định các tổ chức tài chính thực hiện các giao dịch quan trọng với những người này.
Đây là động thái trừng phạt mới nhất của Hoa Kỳ đối với các thực thể liên quan tới các hành vi đàn áp nhân quyền ở Hồng Kông. Hành động này tuân theo Đạo luật Tự trị Hồng Kông của Hoa Kỳ mà Tổng thống Trump đã ký thành luật vào ngày 14/7, yêu cầu Bộ Ngoại giao liệt kê những cá nhân bị coi là không đáp ứng các nghĩa vụ đối với Hồng Kông trong vòng 90 ngày và khiến họ phải chịu các lệnh trừng phạt.
Mỹ bổ nhiệm quan chức chuyên trách vấn đề Tây Tạng
SCMP đưa tin, Bộ Ngoại giao Mỹ hôm thứ Tư (14/10) đã bổ nhiệm một quan chức chịu trách nhiệm giám sát chính sách của Hoa Kỳ đối với Tây Tạng. Đây là dấu hiệu mới nhất cho thấy chính quyền Trump ngày càng mạnh tay đối với các vấn đề nhân quyền của Trung Quốc khi quan hệ giữa Washington và Bắc Kinh tiếp tục xấu đi.
Ông Robert Destro, trợ lý ngoại trưởng Mỹ, là người nhận trách nhiệm này. Ông sẽ làm điều phối viên đặc biệt của Hoa Kỳ về các vấn đề Tây Tạng và sẽ được giao nhiệm vụ “bảo vệ bản sắc tôn giáo, văn hóa và ngôn ngữ riêng biệt của người Tây Tạng, nâng cao sự tôn trọng đối với nhân quyền của họ, và nhiều hơn thế hơn nữa”, Ngoại trưởng Mike Pompeo nói.
Ông Pompeo cho biết: Destro cũng sẽ “dẫn dắt các nỗ lực của Mỹ nhằm thúc đẩy đối thoại” giữa Bắc Kinh và Đức Đạt Lai Lạt Ma, nhà lãnh đạo tinh thần lưu vong của Tây Tạng.
WHO lo ngại số ca tử vong vì covid tăng cao
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) hôm thứ Tư (14/10) cảnh báo rằng không nên có tâm lý vui mừng khi tỷ lệ tử vong vì Covid giảm, cho biết với số lượng ca bệnh ngày càng tăng, thì tỷ lệ tử vong cũng sẽ tăng lên, theo Reuters.
Trong khi số ca tử vong trên toàn cầu đã giảm xuống còn khoảng 5.000 người mỗi ngày so với mức cao nhất của tháng Tư là 7.500, chuyên gia y tế hàng đầu của WHO Soumya Swaminathan cho biết số ca tử vong đang tăng trong các đơn vị chăm sóc đặc biệt.
Các ca nhiễm mới Covid đã tăng 100.000 mỗi ngày ở châu Âu. Gần 20.000 ca nhiễm mới đã được báo cáo ở Anh, trong khi Ý, Thụy Sĩ và Nga là một trong những quốc gia có số ca nhiễm bệnh tăng kỷ lục.
Theo cập nhật của Worldometers, tính tới 23:02 (GMT), ngày 14/10, thế giới có 38,717,035 người nhiễm viêm phổi Vũ Hán, trong đó có 1,096,103 người tử vong và 29,102,151 người phục hồi. Mỹ, Ấn Độ, Brazil, Nga và Tây Ban Nha là 5 nước đứng đầu về số người nhiễm Covid. Hai quốc gia Đông Nam Á là Phillipines và Indonesia cũng hiện đã trở thành vùng dịch lớn thứ 18 và 19 thế giới với số người nhiễm nCoV lần lượt là 346,536 và 344,749.
Thái Lan công bố sắc lệnh khẩn cấp với người biểu tình
Chính phủ Thái Lan đã công bố một sắc lệnh khẩn cấp vào sáng thứ Năm (15/10) nhằm đối phó với những người biểu tình trên đường phố ở Bangkok, những người đã dựng trại bên ngoài văn phòng thủ tướng và cản trở đoàn xe hoàng gia, theo Reuters.
Những người biểu tình đã kêu gọi phế truất Thủ tướng Prayut Chan-o-cha, một cựu lãnh đạo quân đội và yêu cầu xây dựng hiến pháp mới. Họ cũng đề nghị cải cách chế độ quân chủ của Vua Maha Vajiralongkorn.
“Có vẻ như nhiều nhóm người đã lôi kéo và kích động các cuộc tụ tập công cộng bất hợp pháp ở Bangkok làm ảnh hưởng đến đoàn xe hoàng gia và có những hành động nghiêm trọng ảnh hưởng đến an ninh quốc gia nên cần phải đưa ra một biện pháp khẩn cấp để chấm dứt việc này một cách hiệu quả và kịp thời để duy trì hòa bình và trật tự”, truyền hình Thái Lan thông báo.
Điểm tin thế giới tối 15/10:
Trump nói Biden là chính trị gia tham nhũng;
Mỹ trừng phạt Carrie Lam
Hải Lam
Mục lục bài viết
Trump nói Biden là chính trị gia tham nhũng
Mỹ trừng phạt Carrie Lam
Báo Nhật: Tổng thống Trump cân nhắc thăm Đài Loan
Tình báo Anh xem Nga và Trung Quốc là mối đe dọa lớn nhất
Mục Điểm tin thế giới tối thứ Năm (15/10) của DKN xin gửi tới quý độc giả những tin sau:
Trump nói Biden là chính trị gia tham nhũng
“Phó tổng thống Biden, ông nợ người dân Mỹ một lời xin lỗi vì hóa ra ông là một chính trị gia tham nhũng”, New York Post dẫn lời Tổng thống Mỹ Donald Trump nói với đám đông người ủng hộ trong cuộc vận động tranh cử ở Des Moines, bang Iowa, hôm 14/10.
“Gia đình Biden coi vị thế phó tổng thống như một tập đoàn hoạt động vì lợi nhuận, bay đi khắp thế giới và thu về hàng triệu USD từ Trung Quốc, Ukraine, Nga và các nước khác”, ông Trump phát biểu thêm.
Trước đó, New York Post công bố các email cho thấy Hunter Biden, con trai của Joe Biden, đã giới thiệu cha mình với một lãnh đạo công ty năng lượng Ukraine, nơi Hunter từng là thành viên hội đồng quản trị từ 2014-2019, trong khi Joe Biden từng phụ trách chính sách Ukraine của chính quyền Obama. Joe Biden từng nhiều lần tuyên bố ông “chưa bao giờ nói chuyện với con trai về các giao dịch kinh doanh ở nước ngoài của con”.
“Những email đã cho thấy cái tuyên bố cửa miệng của Biden về việc ông ta chưa từng trao đổi với Hunter về các giao dịch của con trai [ở hải ngoại] là điều dối trá hoàn toàn”, Tổng thống Trump nói. “Ông ấy đang cố gắng che đậy một vụ bê bối trực lợi lớn trong chính nhiệm kỳ phó tổng thống của mình”.
Mỹ trừng phạt Carrie Lam
Hãng tin AFP hôm nay cho biết, Mỹ gia tăng áp lực với Trưởng đặc khu Hồng Kông Lâm Trịnh Nguyệt Nga (Carrie Lam) theo luật mới được thông qua, nhưng không đưa các ngân hàng vào danh sách trừng phạt.
Trong báo cáo đầu tiên trước Nghị viện hôm 14/10 theo Đạo luật Tự trị Hồng Kông, Bộ Ngoại giao Mỹ nhấn mạnh “sự phản đối liên tục [của Mỹ] đối với các hành động có chủ ý của Bắc Kinh nhằm xói mòn quyền tự do của người dân Hồng Kông và áp đặt các chính sách cưỡng chế”.
Bên cạnh báo cáo này, Bộ Tài chính Mỹ đã bổ sung thêm 10 người vào danh sách đen “Công dân được chỉ định đặc biệt” phải chịu lệnh trừng phạt, trong đó có bà Carrie Lam với cáo buộc phá hoại quyền tự trị của Hồng Kông. Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết trong vòng 60 ngày sẽ xác định các tổ chức tài chính thực hiện giao dịch quan trọng với những cá nhân này.
Báo Nhật: Tổng thống Trump cân nhắc thăm Đài Loan
Theo bản tin đăng trên trang Yukan Fuji của Nhật hôm 13/10, một quan chức tình báo Mỹ cho biết, Tổng thống Donald Trump đang cân nhắc tới thăm Đài Loan và tuyên bố công nhận ngoại giao. Đồng thời Bắc Kinh cũng có kế hoạch sẽ chiếm lĩnh Đài Loan.
Bản tin cho biết: “Dã tâm của Trung Quốc Đại Lục rất rõ ràng, chính là nhắm vào việc đoạt lấy Đài Loan. Hơn nữa sau khi chiếm lĩnh Đài Loan sẽ tiến thêm bước nữa là chiếm đảo Điếu Ngư và tỉnh Okinawa của Nhật Bản”.
Bản tin của tờ Yukan Fuji tiết lộ các thông tin đã được báo cáo cho Nhà Trắng như sau: “Trung Quốc đe dọa Mỹ không được xích lại quá gần Đài Loan, nếu tiếp tục tiến sát thì Trung Quốc sẽ không tiếc một trận chiến”.
“Cao tầng Bắc Kinh cho rằng, cuộc tranh cử giữa ông Trump và ông Biden trong Tổng tuyển cử Mỹ sẽ khiến Mỹ rơi vào hỗn loạn, thậm chí sinh ra khoảng trống quyền lực, và điều này tạo cơ hội cho Bắc Kinh dùi vào sơ hở, dùng vũ lực thống nhất Đài Loan, có thể là trước hoặc sau ngày bỏ phiếu bầu cử Tổng thống Mỹ”.
Tình báo Anh xem Nga và Trung Quốc là mối đe dọa lớn nhất
The Guardian dẫn lời tân Giám đốc Cơ quan An ninh Nội địa Anh, ông Ken McCallum, hôm 14/10 cho biết, các mối đe dọa gián điệp do Trung Quốc và Nga gây ra cho Anh đang ngày càng nghiêm trọng và phức tạp.
Ông McCallum nói: “Nếu câu hỏi đặt ra là lực lượng tình báo nước nào gây nguy hiểm lớn nhất cho Anh vào tháng 10/2020, câu trả lời là Nga. Nếu câu hỏi khác là nước nào sẽ định hình thế giới của chúng ta trong thập niên tới, đặt ra những cơ hội và thách thức lớn cho Anh, câu trả lời là Trung Quốc”.
Tuyên bố của ông McCallum được đưa ra khi chính phủ Anh đang soạn thảo Dự luật Đầu tư và An ninh Quốc gia mới, dự kiến được công bố trong tháng này. Dự luật sẽ kiểm soát các thỏa thuận trong các lĩnh vực gồm quốc phòng và cơ sở hạ tầng trọng yếu, đặt ra các điều khoản để bảo vệ các tài sản trí tuệ nhạy cảm của Anh.
Các nguồn thạo tin nói với trang Bloomberg rằng chính phủ của Thủ tướng Boris Johnson đang lên kế hoạch trao cho các bộ trưởng để minh bạch các khoản đầu tư nước ngoài tại các công ty của Anh, thậm chí áp dụng với cả các thỏa thuận đã hoàn tất, để ngăn các nước có ý đồ xấu giành quyền kiểm soát các tài sản trọng yếu của Anh.
Khác biệt cách nhìn Ấn Độ – Thái Bình Dương,
Quad thiếu chiến lược chung đối với Trung Quốc
Những năm gần đây giới truyền thông và quan sát nhắc nhiều đến một diễn đàn an ninh không chính thức : « Đối thoại an ninh bốn bên – Quad - Bộ Tứ ». Đối thoại quy tụ 4 nền dân chủ lớn và có tiềm lực quân sự : Hoa Kỳ, Nhật Bản, Ấn Độ và Úc. Đi cùng với diễn đàn này là một khái niệm chiến lược nổi tiếng : Ấn Độ – Thái Bình Dương, với một đích ngắm duy nhất là Trung Quốc.
Bộ Tứ được thành lập như thế nào và để làm gì ? Đâu là những chiến lược hành động của nhóm ? Quy mô ảnh hưởng của Bộ Tứ đến đâu ? Bầu cử tổng thống Mỹ có ảnh hưởng đến chương trình hành động của nhóm hay không ? Những câu hỏi của RFI Tiếng Việt sẽ được chuyên gia David Camroux, cộng tác viên Trung tâm Nghiên cứu Quan hệ Quốc tế (CERI), trường đại học Khoa học Chính trị (Sciences Po) tại Paris, giáo sư thỉnh giảng trường đại học Quốc gia Hà Nội lần lượt giải đáp.
***
RFI Tiếng Việt : Thưa giáo sư, ngày 06/10/2020 vừa qua, ngoại trưởng bốn nước, Bộ Tứ – Quad - hay còn gọi là Diễn đàn An ninh bốn bên nhóm họp tại Tokyo nhằm tìm kiếm một chiến lược để đối phó với một Trung Quốc ngày càng hung hăng. Trước hết, giáo sư có thể nhắc lại Bộ Tứ được hình thành như thế nào ?
GS. David Camroux : Có hai mốc thời gian đáng chú ý. Mốc thứ nhất là vào năm 2007, thủ tướng Nhật Bản lúc bấy giờ là ông Shinzo Abe đã đề nghị một đối thoại không chính thức giữa các nước được xem là những nền dân chủ lớn của khu vực tức là Hoa Kỳ, Úc, Ấn Độ và Nhật Bản. Tuy nhiên, diễn đàn này không tồn tại được bao lâu, bởi vì vào tháng 2/2008, trước những phản ứng chống đối từ Trung Quốc, nước Úc dưới thời thủ tướng Kevin Rudd đã rút ra khỏi diễn đàn này.
Bản thân ông Kevin Rudd, vốn dĩ cũng là một người chuộng văn hóa Trung Hoa, nói thạo tiếng Hoa, muốn thắt chặt quan hệ nhiều hơn với Trung Quốc, đối tác thương mại hàng đầu của Úc. Ông ấy cho rằng không thật sự cần thiết làm mất lòng Trung Quốc chỉ vì một diễn đàn đơn giản như vậy.
Còn tại Nhật Bản, người kế nhiệm ông Shinzo Abe là thủ tướng Yasuo Fukuda, cũng không mấy gì hào hứng lắm với diễn đàn này, và tỏ ra hòa dịu với Trung Quốc hơn. Bởi vì, ẩn sau Quad còn chập chờn chiếc bóng của Trung Quốc. Vì thế có thể nói, diễn đàn này được thành lập do có liên hệ đến Trung Quốc. Trong vòng 10 năm, từ năm 2008 cho đến tháng 9/2017, không có một cuộc họp nào của Bộ Tứ được tổ chức. Thế nên, diễn đàn này đã không có một tầm quan trọng to lớn nào cả.
Rồi có những thay đổi trong chính trường Úc với một chính phủ bảo thủ do ông Scott Morrison lãnh đạo, việc ông Shinzo Abe trở lại cầm quyền ở Nhật Bản, và điều quan trọng nhất là ông Donald Trump đắc cử tổng thống năm 2016 ở Mỹ, chúng ta bước vào một diện mạo mới. Ấn Độ với thủ tướng Narendra Modi muốn tái lập một sự tin tưởng nhiều hơn với Mỹ và Nhật Bản. Bên cạnh đó, bốn nước đối tác của Bộ Tứ có những thay đổi lập trường, thái độ, thế nên, Quad cũng bị biến đổi theo một ý tưởng gọi là Ấn Độ – Thái Bình Dương.
Quả thật, khái niệm Ấn Độ – Thái Bình Dương đến từ những nước trong Bộ Tứ, xuất hiện lần đầu trong một tài liệu năm 2013. Tại Úc và Nhật Bản, người ta không nói đến khu vực châu Á – Thái Bình Dương nữa, thay vào đó là Ấn Độ – Thái Bình Dương. Trong một chừng mực nào đó, ông Shinzo Abe đã phát huy thành công ý tưởng này cùng với tổng thống Donald Trump, một người không có nhiều hiểu biết về địa chính trị nhưng tuyệt nhiên có một khái niệm khác với “Xoay trục sang châu Á” của người tiền nhiệm Barack Obama.
Chính ông Shinzo Abe là người đưa ra khái niệm này, nhưng ông Donald Trump đã lấy lại sử dụng theo mục đích của mình. Và ý tưởng này đã được ngoại trưởng Mike Pompeo xúc tiến nhiều hơn nữa trong cuộc họp gần đây nhất tại Tokyo hôm 06/10 vừa qua. Có thể nói Bộ Tứ đã có một chút thay đổi và đã dùng lại khái niệm Ấn Độ – Thái Bình Dương.
Nhưng cho đến giờ dường như Bộ Tứ vẫn chưa cho thấy có một chiến lược chung rõ ràng ? Vì sao ?
GS. David Camroux : Bởi vì mỗi nước thành viên có một cách nhìn riêng về vùng Ấn Độ – Thái Bình Dương. Đối với Nhật Bản, khu vực này dừng lại ở Bombay, Ấn Độ. Còn với New Dehli, Ấn Độ – Thái Bình Dương đi đến tận vùng duyên hải phía đông châu Phi. Đó cũng chính là quan điểm của Úc.
Hơn nữa, Pháp tuy không phải là thành viên của Bộ Tứ nhưng cũng có một khái niệm riêng về Ấn Độ – Thái Bình Dương như trong phát biểu của tổng thống Macron. Bởi vì đối với Paris, khái niệm này mang lại cho Pháp một tính chính đáng nào đó cho những vùng lãnh thổ hải ngoại tại Nam Thái Bình Dương hay như đảo Reunion ở Ấn Độ Dương.
Đúng là ở đây có những khác biệt về cách nhìn Ấn Độ – Thái Bình Dương. Đối với Hoa Kỳ, đó có thể là vùng Thái Bình Dương cộng thêm Ấn Độ. Nhưng có một điểm rất rõ ràng là bộ chỉ huy Thái Bình Dương nằm ở Honolulu đã trở thành bộ chỉ huy Ấn Độ – Thái Bình Dương, nhưng phạm vi hoạt động thì không thay đổi, vẫn gần giống như trước đây.
Vấn đề ở đây không chỉ là việc đổi một tên nhãn mà ở sau đó, còn có một yếu tố khác nữa : Đó chính là sự tiến triển và cách hành xử của Trung Quốc. Rõ ràng là chúng ta đang bước vào một giai đoạn đối đầu giữa Mỹ và Trung Quốc. Thái độ của Bắc Kinh ở vùng biển Nam Trung Hoa, mà Việt Nam gọi là Biển Đông, cùng với đại dịch Covid-19 đã làm cho Trung Quốc không còn là một nước láng giềng khoan dung nhân từ và là một hàng xóm không còn đáng tin cậy nữa.
Theo một thăm dò do viện Pew của Mỹ thực hiện thì do đại dịch Covid-19 hình ảnh của Bắc Kinh đã bị xuống cấp nghiêm trọng. Do vậy, Trung Quốc ngày càng bị xem như là một nước đối thủ, một quốc gia thù nghịch. Điều này đã cung cấp thêm một lý do để Bộ Tứ thay đổi quan niệm của mình sang Ấn Độ – Thái Bình Dương.
Nhưng Trung Quốc cũng là một đối tác thương mại quan trọng đối với các nước thành viên trong Bộ Tứ. Liệu đây có thể là một trong số các yếu tố gây ra những bất đồng trong nội bộ nhóm hay không ?
GS. David Camroux : Dĩ nhiên rồi, Trung Quốc là một đối tác thương mại hàng đầu của Úc, một đối tác quan trọng của Nhật Bản và Hoa Kỳ. Ở đây có một khía cạnh thương mại mà ông Trump đang tìm cách sử dụng trong cuộc chiến với Trung Quốc. Nhưng ông Donald Trump cũng phạm phải một chuỗi các sai lầm. Thay vì để các đồng minh tránh sang một bên, ông ấy lại lôi kéo họ vào trong cuộc đối đầu với Trung Quốc. Những nước này cũng như là ASEAN không có lợi ích gì khi rơi vào thế kẹt trong cuộc đọ sức này với Bắc Kinh.
Quả thật, ở đây một mặt có một vấn đề kinh tế nhưng mặt khác còn có lĩnh vực an ninh nữa. Chúng ta thấy rõ những gì đang diễn ra ở Biển Đông. Hoa Kỳ, Úc và cả Liên Hiệp Châu Âu nữa tuyên bố rất rõ ràng là ủng hộ phán quyết của Tòa Trọng Tài Thường Trực trong vụ kiện do Philippines tiến hành nhằm phản đối các hành động cải tạo và xây dựng đảo nhân tạo ở Biển Đông của Trung Quốc. Phán quyết này cũng được phía Việt Nam tán đồng vì vụ việc này cũng đi theo cùng một hướng lợi ích của Hà Nội.
Do vậy, trong vấn đề quyền chủ quyền lãnh hải, giờ không còn có những bất đồng giữa một số nước, những nước mà trước đây không muốn bày tỏ lập trường vì không muốn làm phật lòng Bắc Kinh, thì nay họ sẵn sàng lên tiếng.
Người ta cũng nhận thấy là ông Tập Cận Bình cũng xứng đáng nhận lấy những gì ông ấy đáng phải hứng chịu do cách hành xử hung hăng đối với các nước láng giềng. Ông ấy đang tạo điều kiện cho việc thành lập, dù chưa hẳn là một liên minh, nhưng là một mặt trận chung chống Trung Quốc. Chính vì thế mà ông Tập Cận Bình cũng đang tìm cách gây chia rẽ ngay trong lòng nội bộ ASEAN.
Như giáo sư có nói ở trên, khái niệm Ấn Độ – Thái Bình Dương là do ông Shinzo Abe đề xuất. Nay ông Shinzo Abe đã từ chức, liệu rằng người kế nhiệm là ông Suga Yoshihide có sẽ tiếp tục đường lối chiếc lược do ông Abe vạch ra hay không ?
GS. David Camroux : Rõ ràng rồi !Theo như tôi biết chuyến công du nước ngoài đầu tiên như thông báo của ông sẽ là Việt Nam, có thể là cả Malaysia và Philippines nhưng tôi biết là ông ấy sẽ đến Việt Nam. Chính sách này đã được Nhật Bản khẳng định.
Nhưng vì chúng ta đang trong bối cảnh đối đầu Mỹ – Trung, cách hành xử của Trung Quốc làm cho các nước Đông Nam Á không muốn phải chọn phe giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ, ngay cả Việt Nam cũng không muốn chọn hẳn một bên nào. Nhưng những gì xảy ra cho Việt Nam và Philippines cũng như nhiều nước khác cho thấy có một sự hâm nóng mối quan hệ với Hoa Kỳ.
Hơn nữa, bất kể ai là tổng thống Mỹ cũng đều biết rằng các mối quan hệ liên minh là rất quan trọng, người ta không thể nào là một đại cường mà không có đồng minh. Chỉ có điều cách hành xử của ông Donald Trump là hoàn toàn phản tác dụng, vì ông ấy đang tìm cách loại trừ các liên minh chỉ vì các vấn đề giao dịch thương mại.
Nhưng tôi tin rằng vẫn có một tính liên tục nào đó, lời lẽ có thể ít chống đối Trung Quốc hơn nhưng tôi tin rằng trên thực địa đang có những thay đổi, chính sách này trong khu vực vẫn sẽ được duy trì.
RFI Tiếng Việt xin chân thành cảm ơn giáo sư David Camroux.
Trong phần hai (phát ngày 22/10), nhà nghiên cứu David Camroux sẽ giải thích tiếp quan điểm của ASEAN về chiến lược Ấn Độ-Thái Bình Dương, Bầu cử Mỹ sẽ có tác động ra sao đến chiến lược này và liệu Quad có thể phát triển thành một liên minh quân sự như NATO hay không. Mời quý vị nhớ đón xem.
https://www.rfi.fr/vi/ch%C3%A2u-%C3%A1/20201015-ando-thaibinhduong-bo-tu-chien-luoc-trung-quoc
0 comments