Ông Trump, đại dịch và quyền hạn của Tổng thống
Nguyễn Quang Duy: Đại dịch xuất phát từ Vũ Hán gây 210,000 người Mỹ chết, trên 7 triệu người nhiễm bệnh, trong số có Tổng thống Trump, nên mở đầu cuộc tranh luận giữa hai ứng viên Phó Tổng thống ngày 7/10/2020, bà Susan Page người điều khiển chương trình đã đặt 3 câu hỏi cho bà Kamala Harris:
Nếu vào tháng 1 và tháng 2/2020, ông Biden và bà Hariss đang cầm quyền thì Chính phủ Biden có làm gì khác với Chính phủ Trump không? Có đóng cửa doanh nghiệp, trường học và phong tỏa các khu vực dịch bệnh không? Có bắt người dân phải đeo mặt nạ (khẩu trang) không?
Bà Harris không trực tiếp trả lời câu hỏi mà tập trung vào việc chỉ trích ông Trump, rồi cho biết ông Biden muốn làm một số việc như bảo đảm quyền thử nghiệm thường xuyên, đáng tin cậy và miễn phí, cũng như đẩy mạnh nghiên cứu và phát triển các phương pháp điều trị và thuốc chủng.
Ông Mike Pence đáp trả những lời chỉ trích Tổng thống Trump và cho biết: những điều mà ông Biden muốn làm Chính phủ của ông Trump đã thực hiện rồi.
Bà Harris được đào tạo và làm việc trong ngành tư pháp, nên biết rõ Hiến Pháp Mỹ không cho phép Tổng thống làm những điều như đóng cửa doanh nghiệp, trường học và phong tỏa các điểm nóng dịch bệnh hay không thể bắt người dân đeo mặt nạ.
Ông Biden muốn làm gì?
Ông Biden từng cho báo chí biết nếu được làm Tổng thống ông sẽ nghe theo các nhà chuyên môn đóng cửa mọi dịch vụ không thiết yếu và bắt mọi người phải đeo mặt nạ phòng chống lây nhiễm.
Trong cuộc tranh luận Phó Tổng thống ông Pence có nhắc là vào giữa tháng 3/2020, bác sĩ Fauci, bác sĩ Birks và các chuyên viên y tế đã khuyến cáo nếu Tổng thống Trump không đóng cửa khoảng một nửa nền kinh tế Mỹ, thì có thể đến 2.2 triệu người Mỹ sẽ chết vì đại dịch.
Con số này là kết quả của mô hình do các chuyên viên về đại dịch thuộc viện the Imperial College of London ước tính và cung cấp cho bác sĩ Fauci.
Khi mô hình được phổ biến công khai vào ngày 16/3/2020, các chuyên viên về dịch vụ y tế công cộng Mỹ đã nhanh chóng chứng minh rằng con số được ước tính quá cao vì các giả thuyết trong mô hình không đúng và thực tế đã chứng minh điều này.
Mô hình không đề cập đến quyền hạn của Tổng thống, cũng như các phí tổn cả về vật chất lẫn tinh thần do đóng cửa các hoạt động kinh tế, hoạt động giáo dục, tín ngưỡng và xã hội.
Trong những trường hợp khẩn cấp, người làm chính trị không thể ngồi đợi các chuyên viên thu nhặt dữ kiện, mô hình, ước tính và cố vấn những việc cần làm, người làm chính trị cần thiết đưa ra những quyết định nhanh chóng, kịp thời, trong quyền hạn và đánh giá đúng mức lợi và hại của mỗi quyết định.
Ông Trump đã làm gì?
Cuối năm 2019 tin về dịch cúm mới bùng phát tại Vũ Hán bị nhà cầm quyền Bắc Kinh phủ nhận, nhưng đến ngày 23/1/2020 Bắc Kinh ra lệnh phong tỏa Vũ Hán rồi phong tỏa toàn tỉnh Hồ Bắc.
Tổng thống Trump ngay lập tức công khai đề nghị gởi một đoàn y tế đến Vũ Hán giúp Trung cộng chống lại dịch bệnh, nhưng lời đề nghị bị phía Bắc Kinh từ chối.
Ngày 21/1/2020, ca nhiễm đầu tiên được phát hiện tại tiểu bang Washington, mười hôm sau ngày 31/1/2020 Chính phủ Trump đã ra lệnh ngừng các chuyến bay đến từ Trung cộng và không cho những người ngoại quốc từ Trung cộng được phép nhập cảnh Hoa Kỳ.
Đó là điều ông Trump đã có thể làm trong phạm vi Hiến Pháp cho phép, nhưng việc ông Trump ra lệnh ngừng các chuyến bay đã bị đảng Dân Chủ, bị Tổ Chức Y Tế Quốc Tế (WHO) và bị nhiều cơ quan truyền thông phản đối là quá cứng rắn.
Trong tháng 1/2020 đã có 390,000 người nhập cảnh Mỹ từ Trung cộng và sau ngày 31/1/2020 vẫn còn 40,000 công dân Mỹ từ Trung cộng về nước, một số những người này mang mầm bệnh nhưng không được kiểm dịch.
Đầu tháng 2/2020, đại dịch bùng phát tại Ý và một số các quốc gia Âu Châu với hằng triệu người từ Âu Châu nhập cảnh vào Mỹ, một số người mang theo mầm bệnh về Mỹ.
Việc kiểm tra dịch bệnh đã được thiết lập ngay tại phi trường để phát hiện những người mang mầm bệnh đến từ Âu Châu, sau đó mọi phi trường bị phong tỏa, việc nhập cảnh Mỹ trở nên vô cùng khó khăn.
Đầu tháng 2/2020, Chính phủ Trump đã thành lập Toán Đặc Nhiệm chống dịch bệnh, Phó Tổng Thống Mike Pence được bổ nhiệm làm trưởng toán với nhiệm vụ cập nhật thông tin và đề ra những biện pháp để kiểm soát nạn dịch.
Đầu tháng 3/2020, Tổng thống Trump ký sắc lệnh trợ cấp khẩn cấp 8.3 tỷ Mỹ Kim cho các cơ quan y tế và hỗ trợ nghiên cứu và phát triển thuốc chủng ngừa.
Cuối tháng 3/2020, Tổng thống Donald Trump đã ký Đạo luật Cứu trợ và An ninh Kinh tế Đại Dịch, với 2,000 tỷ Mỹ Kim giúp mọi người, gia đình, doanh nghiệp đối phó với những tác động thảm khốc do đại dịch gây ra.
Đầu tháng 8/2020 Tổng thống Trump ký sắc lệnh hỗ trợ mỗi người thất nghiệp do đại dịch 300 Mỹ Kim trong vài tuần lễ.
Vừa rồi Tổng thống Trump đề nghị Quốc Hội chi thêm 1,800 tỷ Mỹ Kim, nhưng lời đề nghị chưa được Quốc Hội đồng ý thông qua phía Hạ Viện muốn tăng lên 2,200 tỷ Mỹ Kim.
Quyền hạn tiểu bang
Việc cách ly, kiểm dịch và cô lập từng khu vực thuộc quyền hạn và trách nhiệm của các tiểu bang, hành pháp và lập pháp của mỗi tiểu bang có trách nhiệm đánh giá tình trạng dịch bệnh tại tiểu bang để đề ra những biện pháp đối phó.
Giữa tháng 2/2020, đại dịch bùng phát tại tiểu bang New York, Thống đốc tiểu bang đã ban hành các biện pháp gắt gao bao gồm việc phong tỏa và cô lập các khu vực dịch bệnh hoành hành.
Các dịch cúm Tây Ban Nha (1918-20), dịch cúm Á Châu (1954), dịch cúm Hồng Kông (1968), dịch cúm gia cầm (2003) và dịch cúm heo (2009) hằng triệu người Mỹ bị nhiễm bệnh và nhiều người đã chết.
Đây là lần đầu tiên chính phủ cả liên bang lẫn tiểu bang Mỹ đưa ra những biện pháp khá cứng rắn để giảm thiểu lây lan tại Mỹ.
Ở một số tiểu bang khi một đảng chính trị nắm cả hành pháp lẫn lập pháp, như tại tiểu bang California, đã có một số quyết định như đóng cửa các cơ sở tôn giáo có thể vi phạm Hiến Pháp quyền tự do tín ngưỡng, hay đóng cửa các cơ sở thương mại có thể vi phạm Bản Tuyên Ngôn Độc Lập quyền được sống và quyền mưu cầu hạnh phúc của công dân.
Nhiều người Mỹ lo ngại các biện pháp này sẽ trở thành tiền lệ tước dần các quyền tự do của dân Mỹ nên đã kiện các tiểu bang, thủ tục kiện tụng thường kéo dài nhiều năm và có khi phải đưa lên Tối Cao Pháp Viện.
Sau đại dịch sẽ có những cuộc điều tra chi tiết và tường tận về trách nhiệm của các chính phủ liên bang và tiểu bang trong việc đối phó với dịch cúm lần này.
Tranh luận thật cần thiết
Cuối cuộc tranh luận Phó Tổng Thống, bà Susan Page cho biết một học sinh trung học tên Brecklyn tại tiểu bang Utah đã hỏi:
“Nếu những người lãnh đạo (hai đảng Dân Chủ và Cộng Hòa) không thể sống chung hòa bình, thì làm sao người dân Mỹ có thể chung sống hòa bình được?”
Phó Tổng thống Mike Pence cho biết ngay từ nhỏ ông cũng đã chú ý đến tin tức, ông tin vào các cuộc tranh luận tự do và cởi mở, chính nhờ vậy nước Mỹ mới trở thành quốc gia tự do và thịnh vượng nhất trên thế giới.
Theo ông, tin tức do các cơ quan truyền thông địa phương loan tải không đồng nghĩa với cách hành xử của người Mỹ, ông Pence lấy trường hợp của hai Thẩm phán Tối Cao Pháp Viện ông Antonin Scalia và bà Ruth Bader Ginsburg làm thí dụ.
Tại Tối Cao Pháp Viện, họ thuộc hai cực đối lập: một người rất cấp tiến còn một người rất bảo thủ, nhưng ngoài đời họ và gia đình họ là những người bạn thân thiết nhất.
Tối nay ông và bà Harris tranh luận sôi nổi, nhưng họ đang cùng góp sức để xây dựng một chính phủ Mỹ, một nước Mỹ mỗi ngày tốt đẹp hơn, xứng đáng với sự tin cậy của người dân.Ông nhắn với Brecklyn người đặt câu hỏi rằng: chúng ta nên yêu thích những cuộc tranh luận, vì nó mang chúng ta đến với nhau và chúng ta học được điều khác biệt trong hoàn cảnh khó khăn như năm nay.
Pack the court
Trong cả hai cuộc tranh luận tranh cử ông Joe Biden và bà Kamala Harris đều từ chối trả lời câu hỏi là nếu thắng cử họ có gia tăng số thẩm phán tại Tối Cao Pháp Viện (Pack the Court) hay không?
Ngày 9/10/2020, ông Biden cho biết sẽ trả lời khi ông thắng cử còn nếu ông nói ra bây giờ câu trả lời sẽ lên ngay trang nhất các mặt báo ảnh hưởng đến chiến dịch tranh cử, câu trả lời cho thấy sự quan trọng của vấn đề “Pack the Court”.
“Pack the Court” tạm dịch “Lấp đầy Tòa án” là một thuật ngữ liên quan đến Đối Sách Mới (New Deal) được Tổng thống đảng Dân Chủ Franklin D. Roosevelt (1933-45) đưa ra.
Nhiều chính sách trong Đối Sách Mới đã bị kiện lên Tối Cao Pháp Viện và bị xử là vi phạm Hiến Pháp.
Tổng thống Roosevelt nghĩ tới một kẽ hở của Hiến Pháp là không nêu rõ con số thẩm phán Tối Cao Pháp Viện, nên ông đưa ra một dự luật trao cho tổng thống quyền đề cử một thẩm phán bổ sung cho mỗi thẩm phán trên 70 tuổi và 6 tháng.
Dự luật bị ngay chính các đảng viên đảng Dân Chủ phản đối và bác bỏ, Phó Tổng thống John Garner cho rằng làm như thế là trao cho tổng thống cả quyền kiểm soát ngành tư pháp và làm đảo lộn tam quyền phân lập.
Các đảng viên Dân chủ bảo thủ do ông Al Smith Thống đốc tiểu bang New York lãnh đạo, thành lập Liên đoàn Tự do Mỹ (American Liberty League), hằng ngày trên mặt báo và qua các đài phát thanh các chính trị gia không ai nhường ai, ông Roosevelt bị tố cáo là cộng sản và bị so sánh với Marx và Lênin.
Trong cuộc tranh cử lần này, nếu ông Biden và bà Harris trả lời sẽ “Pack the Court” thì sẽ bị cử tri ôn hòa phản đối, còn nếu trả lời không “Pack the Court” thì sẽ bị cánh tả cấp tiến tẩy chay, họ càng từ chối trả lời thì càng bị các chính trị gia đảng Cộng Hòa và truyền thông chất vấn.
Hiến Pháp giúp Hoa Kỳ vững tiến
Ra tranh chức tổng thống đã khó, thắng cử Tổng thống Mỹ với trách nhiệm rất nặng nề mà quyền hạn bị giới hạn bởi Hiến Pháp, Tư Pháp, Quốc Hội và quyết định bởi lá phiếu cử tri, cho nên Tổng thống có muốn độc tài cũng không thể độc tài.
Người Mỹ hiểu rất rõ chính nhờ bản Hiến Pháp mà Hoa Kỳ đã mở rộng từ Đông sang Tây, từ Bắc xuống Nam, thành cường quốc số 1 trên thế giới.
Thiếu bản Hiến Pháp với tam quyền phân lập rõ ràng, với quyền hạn Tổng thống rõ ràng, Hoa Kỳ tốt nhất cũng chỉ bằng Gia Nã Đại ở phía Bắc, hay hơn Mễ Tây Cơ ở phía Nam một chút.
Nguyễn Quang Duy
Melbourne, Úc Đại Lợi, 12/10/2020
0 comments