Việt Nam: Tòa án Hà Nội bắt đầu xét xử ‘vụ Đồng Tâm’
Monday, September 7, 2020
6:21:00 PM
//
- Slider
,
- Tin Việt Nam
BBC
7/9/2020
Sáng 7/9, 29 bị cáo trú tại thôn Hoành đã bị đưa ra xét xử công khai tại Tòa án Nhân dân (TAND) TP Hà Nội trong vụ việc liên quan tới xung đột đất đai ở Đồng Tâm gây chấn động dư luận trong thời gian qua.
Rất đông người dân đã đến Tòa án Nhân dân Thành phố Hà Nội ở số 1 phố Phạm Văn Bạch, phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy để theo dõi khi phiên tòa khai cuộc vào sáng 7/9. Lực lượng cảnh sát cơ động cũng được triển khai dày đặc để bảo vệ an ninh.
Đây là phiên xét xử sơ thẩm vụ án "giết người" và "chống người thi hành công vụ" xảy ra tại thôn Hoành thuộc xã Đồng Tâm, H Mỹ Đức, TP Hà Nội. Vụ án liên quan đến tranh chấp, khiếu nại đất đai căng thẳng xảy ra từ nhiều năm qua, với đỉnh điểm là vụ đụng độ sáng sớm ngày 9/1/2020 khiến 3 cán bộ công an và ông Lê Đình Kình tử vong.
Trong số 29 bị cáo, 25 người bị truy tố và đưa ra xét xử về hành vi "giết người" theo quy định tại Điều 123, khoản 1, điểm a, d, n, o Bộ luật Hình sự năm 2015, gồm: Lê Đình Công, Nguyễn Văn Tuyển, Lê Đình Chức, Lê Đình Doanh, Mai Thị Phần, Nguyễn Quốc Tiến, Bùi Viết Hiểu, Nguyễn Văn Quân, Lê Đình Quang, Bùi Thị Đục, Nguyễn Thị Bét, Nguyễn Thị Lụa, Lê Đình Uy, Trần Thị La, Bùi Thị Nối, Nguyễn Văn Duệ, Lê Đình Quân, Bùi Văn Niên, Bùi Văn Tuấn, Trình Văn Hải, Bùi Văn Tiến, Nguyễn Xuân Điều, Đào Thị Kim, Nguyễn Văn Trung và Lê Thị Loan.
Những người còn lại gồm Bùi Viết Tiến, Lê Đình Hiển, Nguyễn Thị Dung và Trần Thị Phượng bị Viện Kiểm sát Nhân dân thành phố Hà Nội truy tố về hành vi "Chống người thi hành công vụ" theo quy định tại Điều 330, khoản 2, điểm a Bộ luật Hình sự năm 2015.
Hội đồng xét xử gồm 5 người do thẩm phán Trương Việt Toàn, Phó chánh tòa Hình sự TAND TP Hà Nội, làm chủ tọa.
Tham gia bào chữa có 15 luật sư do gia đình các bị cáo mời và 18 luật sư còn lại do tòa án chỉ định bào chữa đối với những bị cáo bị truy tố về tội "giết người".
Phiên sơ thẩm dự kiến diễn ra từ ngày 7 đến 17/9.
Phản ứng dư luận
Về phiên tòa xét xử 'vụ Đồng Tâm', ông Phil Robertson, Phó Giám đốc khu vực châu Á của Tổ chức Giám sát Nhân quyền (Human Rights Watch), bày tỏ sự quan ngại trên Facebook cá nhân:
"Có nhiều điều rất đáng lo ngại về thủ tục tố tụng và quyền được xét xử công bằng đối với 29 dân làng đang bị truy tố vì vụ việc ở Đồng Tâm. Tra tấn và bức cung vẫn phổ biến trong các trại giam của công an Việt Nam. Tòa án độc lập là điều xa vời và các bản án do đảng Cộng sản định sẵn là đặc thù của cái gọi là hệ thống tư pháp Việt Nam. Quyền gặp luật sư của bị cáo cực kỳ bị giới hạn và chỉ được thực hiện sau khi công an đã thực hiện xong việc thẩm vấn, lấy cung và điều tra.
Vẫn còn nhiều câu hỏi chưa được trả lời về những gì đã xảy ra trong vụ đột kích vào Đồng Tâm, và có lẽ sẽ không bao giờ được trả lời trong hoàn cảnh Hà Nội đang gấp rút kết án các bị cáo. Một điều khá rõ là chính quyền muốn trừng trị các bị cáo bằng bản án rất nặng để răn đe những ai dám chống lại quyền lực nhà nước trong tương lai.
Với sự quan tâm rộng khắp của công luận, Việt Nam cần để cho các nhà quan sát độc lập quốc tế - gồm cả giới ngoại giao, báo chí và tổ chức phi chính phủ - theo dõi phiên tòa, và chấm dứt việc sách nhiễu và theo dõi gia đình của các bị cáo".
Trước đó, luật sư Lê Văn Hòa nói với BBC News Tiếng Việt rằng ông đang hỗ trợ pháp lý cho bốn người dân Đồng Tâm gồm ông Lê Đình Công, Lê Đình Chức, Lê Đình Uy, và bà Trần Thị La.
Ông Hòa đánh giá rằng do tính chất vụ án này đặc biệt quan trọng và nghiêm trọng nên công tác an ninh thậm chí còn được nâng cao và thắt chặt hơn các vụ khác.
"Với những thực tiễn mà tôi trải qua, tham gia một số phiên tòa có tính chất nhạy cảm, đặc biệt là các vụ án xét xử tội xâm phạm an ninh quốc gia, việc luật sư được tham gia ở các phòng xét xử thường bị hạn chế rất nhiều.
"Ví dụ như không được phép mang điện thoại, máy ghi âm, máy vi tính vào phòng xử. Việc đi vào phòng xét xử phải trải qua kiểm soát an ninh rất chặt, soi chiếu người đi qua và các phương tiện, túi xách, tài liệu mang vào.", ông Hòa nói.
Vụ xung đột đất đai tại Đồng Tâm bùng lên trong vài năm trở lại đây nhưng có nguyên nhân sâu xa từ hàng chục năm về trước. Năm 1980, Thủ tướng Chính phủ ra quyết định cấp đất xây dựng sân bay Miếu Môn với diện tích 208ha, trong đó có 47,36 ha đất nông nghiệp của xã Đồng Tâm. Tuy nhiên, dự án này đã không được thực hiện.
Đến năm 2015, sau khi có quyết định giao đất cho Tập đoàn Viễn thông quân đội (Viettel) phục vụ mục đích quân sự, xung đột đã dâng lên.
Theo quan điểm người dân địa phương, một diện tích lớn đất người dân đang canh tác bị thu hồi là đất nông nghiệp. Trong khi đó, quan điểm của chính quyền được thể hiện trên truyền thông nhà nước là "có sự lấn chiếm, vi phạm trên đất quốc phòng" ở Đồng Tâm.
Trong quá trình xung đột, chính quyền đã bắt một số người dân đấu tranh ở Đồng Tâm. Đáp lại, nhiều người dân xã Đồng Tâm đã bắt giữ 38 người, trong đó chủ yếu là lực lượng cảnh sát cơ động, để đòi chính quyền thả người vào ngày 15/4/2017.
Sau nhiều ngày căng thẳng, vụ bắt giữ con tin chỉ chấm dứt khi ông Nguyễn Đức Chung, lúc bấy giờ là Chủ tịch UBND Hà Nội, xuống xã Đồng Tâm ký cam kết với người dân.
Vụ bắt giữ con tin chấm dứt nhưng tranh chấp tiếp tục sau đó. Lúc 3 giờ rạng sáng ngày 9/1/2020, công an đã tiến hành bố ráp thôn Hoành và trong quá trình xung đột, 3 cán bộ công an cùng ông Lê Đình Kình đã tử vong.
Phía công an cho rằng một nhóm người trong làng đã dùng dao phóng lợn, bom xăng để tấn công lực lượng chức năng khiến 3 cán bộ công an rơi xuống hố bị đốt tử vong. Công an cũng cho biết họ đã "tiêu diệt" ông Lê Đình Kình trong khi ông này đang "sử dụng tuýp sắt gắn dao phóng lợn, 1 quả lựu đạn tấn công lực lượng công an".
Trong khi đó, các nguồn tin độc lập với chính quyền cho rằng 3 công an đã bị rơi xuống hố tử vong trong quá trình tấn công thôn Hoành chứ không hề bị người dân tấn công. Cũng có nhiều lời tố cáo công an đã giết ông Lê Đình Kình trong hoàn cảnh ông này không có sự chống đối nguy hiểm.
Vụ việc xảy ra tại Đồng Tâm gây nhiều bức xúc trong dư luận về cách chính quyền hành xử. Do đó, phiên tòa khai cuộc vào sáng nay được quan tâm đặc biệt cả trong lẫn ngoài nước. Bên cạnh các tờ báo nhà nước, nhiều tổ chức báo chí độc lập cũng tham gia đưa tin.
0 comments