Tin Việt Nam – 07/09/2020
Monday, September 7, 2020
7:23:00 PM
//
- Slider
,
- Tin Việt Nam
Việt Nam: Tòa án Hà Nội bắt đầu xét xử ‘vụ Đồng Tâm’
Sáng 7/9, 29 bị cáo trú tại thôn Hoành đã bị đưa ra xét xử công khai tại Tòa án Nhân dân (TAND) TP Hà Nội trong vụ việc liên quan tới xung đột đất đai ở Đồng Tâm gây chấn động dư luận trong thời gian qua.
Rất đông người dân đã đến Tòa án Nhân dân Thành phố Hà Nội ở số 1 phố Phạm Văn Bạch, phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy để theo dõi khi phiên tòa khai cuộc vào sáng 7/9. Lực lượng cảnh sát cơ động cũng được triển khai dày đặc để bảo vệ an ninh.
Đây là phiên xét xử sơ thẩm vụ án “giết người” và “chống người thi hành công vụ” xảy ra tại thôn Hoành thuộc xã Đồng Tâm, H Mỹ Đức, TP Hà Nội. Vụ án liên quan đến tranh chấp, khiếu nại đất đai căng thẳng xảy ra từ nhiều năm qua, với đỉnh điểm là vụ đụng độ sáng sớm ngày 9/1/2020 khiến 3 cán bộ công an và ông Lê Đình Kình tử vong.
Trong số 29 bị cáo, 25 người bị truy tố và đưa ra xét xử về hành vi “giết người” theo quy định tại Điều 123, khoản 1, điểm a, d, n, o Bộ luật Hình sự năm 2015, gồm: Lê Đình Công, Nguyễn Văn Tuyển, Lê Đình Chức, Lê Đình Doanh, Mai Thị Phần, Nguyễn Quốc Tiến, Bùi Viết Hiểu, Nguyễn Văn Quân, Lê Đình Quang, Bùi Thị Đục, Nguyễn Thị Bét, Nguyễn Thị Lụa, Lê Đình Uy, Trần Thị La, Bùi Thị Nối, Nguyễn Văn Duệ, Lê Đình Quân, Bùi Văn Niên, Bùi Văn Tuấn, Trình Văn Hải, Bùi Văn Tiến, Nguyễn Xuân Điều, Đào Thị Kim, Nguyễn Văn Trung và Lê Thị Loan.
Ông Lê Đình Công xuất hiện thú tội trên truyền hình Việt Nam sau vụ cảnh sát vào Đồng Tâm rạng sáng 9/1. Vụ việc khiến 3 cảnh sát và ông Lê Đình Kình, bố ông Công, thiệt mạng
Những người còn lại gồm Bùi Viết Tiến, Lê Đình Hiển, Nguyễn Thị Dung và Trần Thị Phượng bị Viện Kiểm sát Nhân dân thành phố Hà Nội truy tố về hành vi “Chống người thi hành công vụ” theo quy định tại Điều 330, khoản 2, điểm a Bộ luật Hình sự năm 2015.
Hội đồng xét xử gồm 5 người do thẩm phán Trương Việt Toàn, Phó chánh tòa Hình sự TAND TP Hà Nội, làm chủ tọa.
Tham gia bào chữa có 15 luật sư do gia đình các bị cáo mời và 18 luật sư còn lại do tòa án chỉ định bào chữa đối với những bị cáo bị truy tố về tội “giết người”.
Phiên sơ thẩm dự kiến diễn ra từ ngày 7 đến 17/9.
Phản ứng dư luận
Về phiên tòa xét xử ‘vụ Đồng Tâm’, ông Phil Robertson, Phó Giám đốc khu vực châu Á của Tổ chức Giám sát Nhân quyền (Human Rights Watch), bày tỏ sự quan ngại trên Facebook cá nhân:
“Có nhiều điều rất đáng lo ngại về thủ tục tố tụng và quyền được xét xử công bằng đối với 29 dân làng đang bị truy tố vì vụ việc ở Đồng Tâm. Tra tấn và bức cung vẫn phổ biến trong các trại giam của công an Việt Nam. Tòa án độc lập là điều xa vời và các bản án do đảng Cộng sản định sẵn là đặc thù của cái gọi là hệ thống tư pháp Việt Nam. Quyền gặp luật sư của bị cáo cực kỳ bị giới hạn và chỉ được thực hiện sau khi công an đã thực hiện xong việc thẩm vấn, lấy cung và điều tra.
Vẫn còn nhiều câu hỏi chưa được trả lời về những gì đã xảy ra trong vụ đột kích vào Đồng Tâm, và có lẽ sẽ không bao giờ được trả lời trong hoàn cảnh Hà Nội đang gấp rút kết án các bị cáo. Một điều khá rõ là chính quyền muốn trừng trị các bị cáo bằng bản án rất nặng để răn đe những ai dám chống lại quyền lực nhà nước trong tương lai.
Với sự quan tâm rộng khắp của công luận, Việt Nam cần để cho các nhà quan sát độc lập quốc tế – gồm cả giới ngoại giao, báo chí và tổ chức phi chính phủ – theo dõi phiên tòa, và chấm dứt việc sách nhiễu và theo dõi gia đình của các bị cáo”.
Trước đó, luật sư Lê Văn Hòa nói với BBC News Tiếng Việt rằng ông đang hỗ trợ pháp lý cho bốn người dân Đồng Tâm gồm ông Lê Đình Công, Lê Đình Chức, Lê Đình Uy, và bà Trần Thị La.
Ông Hòa đánh giá rằng do tính chất vụ án này đặc biệt quan trọng và nghiêm trọng nên công tác an ninh thậm chí còn được nâng cao và thắt chặt hơn các vụ khác.
“Với những thực tiễn mà tôi trải qua, tham gia một số phiên tòa có tính chất nhạy cảm, đặc biệt là các vụ án xét xử tội xâm phạm an ninh quốc gia, việc luật sư được tham gia ở các phòng xét xử thường bị hạn chế rất nhiều.
“Ví dụ như không được phép mang điện thoại, máy ghi âm, máy vi tính vào phòng xử. Việc đi vào phòng xét xử phải trải qua kiểm soát an ninh rất chặt, soi chiếu người đi qua và các phương tiện, túi xách, tài liệu mang vào.”, ông Hòa nói.
Lưu lại audio,
Vụ Đồng Tâm: ‘Cách hành xử như thời Trung Cổ’
Vụ xung đột đất đai tại Đồng Tâm bùng lên trong vài năm trở lại đây nhưng có nguyên nhân sâu xa từ hàng chục năm về trước. Năm 1980, Thủ tướng Chính phủ ra quyết định cấp đất xây dựng sân bay Miếu Môn với diện tích 208ha, trong đó có 47,36 ha đất nông nghiệp của xã Đồng Tâm. Tuy nhiên, dự án này đã không được thực hiện.
Đến năm 2015, sau khi có quyết định giao đất cho Tập đoàn Viễn thông quân đội (Viettel) phục vụ mục đích quân sự, xung đột đã dâng lên.
Theo quan điểm người dân địa phương, một diện tích lớn đất người dân đang canh tác bị thu hồi là đất nông nghiệp. Trong khi đó, quan điểm của chính quyền được thể hiện trên truyền thông nhà nước là “có sự lấn chiếm, vi phạm trên đất quốc phòng” ở Đồng Tâm.
Trong quá trình xung đột, chính quyền đã bắt một số người dân đấu tranh ở Đồng Tâm. Đáp lại, nhiều người dân xã Đồng Tâm đã bắt giữ 38 người, trong đó chủ yếu là lực lượng cảnh sát cơ động, để đòi chính quyền thả người vào ngày 15/4/2017.
Sau nhiều ngày căng thẳng, vụ bắt giữ con tin chỉ chấm dứt khi ông Nguyễn Đức Chung, lúc bấy giờ là Chủ tịch UBND Hà Nội, xuống xã Đồng Tâm ký cam kết với người dân.
Vụ bắt giữ con tin chấm dứt nhưng tranh chấp tiếp tục sau đó. Lúc 3 giờ rạng sáng ngày 9/1/2020, công an đã tiến hành bố ráp thôn Hoành và trong quá trình xung đột, 3 cán bộ công an cùng ông Lê Đình Kình đã tử vong.
Phía công an cho rằng một nhóm người trong làng đã dùng dao phóng lợn, bom xăng để tấn công lực lượng chức năng khiến 3 cán bộ công an rơi xuống hố bị đốt tử vong. Công an cũng cho biết họ đã “tiêu diệt” ông Lê Đình Kình trong khi ông này đang “sử dụng tuýp sắt gắn dao phóng lợn, 1 quả lựu đạn tấn công lực lượng công an”.
Trong khi đó, các nguồn tin độc lập với chính quyền cho rằng 3 công an đã bị rơi xuống hố tử vong trong quá trình tấn công thôn Hoành chứ không hề bị người dân tấn công. Cũng có nhiều lời tố cáo công an đã giết ông Lê Đình Kình trong hoàn cảnh ông này không có sự chống đối nguy hiểm.
Vụ việc xảy ra tại Đồng Tâm gây nhiều bức xúc trong dư luận về cách chính quyền hành xử. Do đó, phiên tòa khai cuộc vào sáng nay được quan tâm đặc biệt cả trong lẫn ngoài nước. Bên cạnh các tờ báo nhà nước, nhiều tổ chức báo chí độc lập cũng tham gia đưa tin.
Các luật sư phản đối việc Chủ tọa không cho
tiếp xúc các bị cáo trong phiên tòa Đồng Tâm
Ngay trong giờ nghỉ trưa của phiên tòa Đồng Tâm ngày thứ nhất, 10 luật sư bào chữa cho những người dân đã ngay lập tức làm đơn gửi Chánh án TAND Thành phố Hà Nội để khiếu nại đối với hành vi tố tụng trái pháp luật của Thẩm phán chủ tọa phiên tòa.
Cụ thể các luật sư cho rằng, ông Chánh án đã công khai tuyên bố như sau;
“Các Luật sư đã có thời gian nghiên cứu hồ sơ vụ án, đã có thời gian tiếp túc với các bị cáo trước khi xét xử trong trại giam, vì vậy việc tiếp xúc giữa Luật sư với bị cáo tại phiên tòa là không cần thiết.”
Theo các luật sư, hành vi này của Thẩm phán chủ tọa đã vi phạm nghiêm trọng nội dung khoản 4 Điều 256 Bộ luật tố tụng hình sự và xâm phạm đến quyền bào chữa của luật sư và quyền được bào chữa của bị cáo.
Điều này cũng thể hiện sự vi phạm nghiêm trọng quy tắc đạo đức và ứng xử của Thẩm phán theo nội dung điều 6: “Sự công bằng bình đẳng” và 1e khoản 2 điều 10 “Thẩm phán không được gây khó khăn cho người tham gia tố tụng” đã nêu tại Bộ Quy tắc đạo đức và ứng xử của Thẩm Phán.
10 luật sư bao gồm các vị Lê Văn Luân, Đặng Đình Mạnh, Ngô Anh Tuấn, Trương Chí Công, Ngô Ngọc Trai, Nguyễn Văn Miếng, Bùi Hải Quảng, Nguyễn Tiến Dũng, Nguyễn Hà Luân và Phạm Lệ Quyên đề nghị Chánh án Tòa án Nhân dân thành phố Hà Nội giải quyết các yêu cầu như sau:
“Yêu cầu thẩm phán chủ tọa phiên tòa ông Trương Việt toàn cùng hội đồng xét xử phải đảm bảo ngay lập tức quyền tiếp xúc giữa bị cáo và luật sư bào chữa trong suốt thời gian diễn ra phiên tòa.“
Phiên tòa mặc dù còn chỗ trống và rất nhiều người mặc thường phục ngồi dự phía sau nhưng không có thân nhân nào của 29 người bị đưa ra xét xử được tham dự.
Một số người dân Đồng Tâm cho biết các nhà xe đã từ chối chở họ đến phiên tòa và họ đã phải đi bộ từ xã Đồng Tâm huyện Mỹ Đức để đến tòa nhưng không được cho vào.
Vụ án Đồng Tâm luật sư tiết lộ công an CSVN
chờ ông Hiểu ngưng tim mạch mới cho cấp cứu
Tin Vietnam.- Ngày 6 tháng 9 năm 2020, trên trang Facebook mang tên Lê Thăng Long đã loan truyền lá đơn Đề nghị của các luật sư tham gia bảo vệ cho 29 người dân Đồng Tâm đang bị công an Cộng sản giam giữ, và sẽ mang ra xét xử vào ngày 7 tháng 9 năm 2020.
Nội dung của văn bản cho biết, các luật sư đã gặp ông Bùi Viết Hiểu, 77 tuổi trong trại tạm giam. Ông Hiểu kể rằng, ông chính là người chứng kiến công an Cộng sản bắt chết cụ Lê Đình Kình. Hung thủ đã dùng nòng súng to như cổ tay, đứng trước cụ Kình khoảng 1m, rồi nhắm thẳng vào ngực cụ để bắn. Khi cụ Kình nằm ngã xuống sàn nhà, hung thủ đã để chó nghiệp vụ vào kéo xác cụ đi nơi khác.
Giết xong cụ Kình, Công an Cộng sản đã dùng đèn pin rọi vào người ông Hiểu, rồi dùng súng bắn 2 phát vào người ông ở chân và ở ngực. Ông Hiểu cho rằng, việc ông thoát chết là nằm ngoài sự mong muốn của nhà cầm quyền Cộng sản, vì nhóm sát thủ công an đã chĩa súng, nhắm vào ngực ông để bắn vào tim nhưng đạn lại sượt xuống sườn khiến ông bị thủng 3 lỗ hành tá tràng, 2 lỗ đại tràng.
Sau khi giết ông Hiểu, nhóm sát thủ công an chờ cho ông chết, đến gần 11 giờ trưa ngày 9 tháng 1 năm 2020, khi thấy ông Hiểu rơi vào trạng thái hôn mê, tim mạch ngừng nên nhóm sát thủ mới đưa ông Hiểu đến bệnh viện cấp cứu.
Mặc dù ông Hiểu bị thương nặng, như chết đi sống lại nhưng trong bản cáo trạng của Viện kiểm sát Cộng sản Hà Nội lại không hề nhắc đến vết thương trên người ông Hiểu, cũng như nguyên nhân gây ra.
An Nhiên
Có hay không ‘vi phạm thủ tục tố tụng’
ở phiên xử Đồng Tâm?
Phiên tòa sáng 7/9 xét xử vụ Đồng Tâm đã có những vi phạm nghiêm trọng về thủ tục tố tụng, trong đó có việc các luật sư bào chữa bị ngăn không cho tiếp xúc bị cáo, một luật sư tham gia bào chữa nói với BBC News Tiếng Việt.
Luật sư Lê Văn Hòa là người hỗ trợ pháp lý cho bốn người, gồm ông Lê Đình Công, Lê Đình Chức, Lê Đình Uy và bà Trần Thị La.
‘Không triệu tập các bên liên quan’
Hội đồng xét xử gồm năm người, với chủ tọa là thẩm phán Trương Việt Toàn, Phó Chánh tòa Hình sự TAND TP Hà Nội.
“Các luật sư đã hỏi chủ tọa phiên tòa về những kiến nghị mà chúng tôi nộp lên Hội đồng xét xử ngày 31/8 và ngày 4/9, trong đó có đề nghị triệu tập 22 thành phần tham dự phiên xét xử (có bà Dư Thị Thành – vợ ông Lê Đình Kình; và vợ Lê Đình Uy); triệu tập ông Nguyễn Đức Chung – Chủ tịch UBND TP Hà Nội; ông Lương Tam Quang – Thứ trưởng Bộ Công an; ông Hoàng Trung Hải – cựu Bí thư Thành ủy Hà Nội…,” luật sư Lê Văn Hòa nói với BBC.
“Trả lời các kiến nghị này, Thẩm phán, Chủ tọa phiên tòa Trương Việt Toàn cho biết ông Nguyễn Đức Chung và các đơn vị quân đội, lực lượng chức năng tôi nêu không có gì liên quan đến vụ án.”
“Bên cạnh đó, luật sư Đặng Đình Mạnh hỏi vì sao đại diện Công an TP Hà Nội không có mặt thì được trả lời là do trời mưa, tắc đường và thông báo sẽ có mặt sau.”
“Về bà Dương Thị Thành, vợ ông Lê Đình Kình, và chị Nguyễn Thị Duyên, vợ bị cáo Lê Đình Uy, là hai người tôi cho là nhân chứng quan trọng bậc nhất vụ án thì họ bảo không liên quan đến vụ án.”
“Đây là việc là mà tôi cho rằng áp đặt, không tuân theo quy định của pháp luật và kiến nghị của các luật sư chúng tôi,” luật sư Hòa cho biết thêm.
‘Không được tiếp xúc với bị cáo’
Trên trang Facebook của mình, luật sư Lê Văn Luân đã đăng bản khiếu nại về quyền bào chữa và cho đây là tiền lệ chưa từng gặp trong các phiên tòa trước đây.
“Tại phần thủ tục phiên tòa sáng nay, khi chúng tôi đề nghị giải quyết vấn đề gặp bị cáo tại phiên tòa, do trước đó có người mặc thường phục ngăn cản khiến tôi sửng sốt không hiểu chuyện gì xảy ra, vị thẩm phán nói rằng việc tiếp xúc bị cáo này là không cần thiết.
Và ngay lập tức, chúng tôi phải thực hiện việc khiếu nại tới Chánh án Tòa án TP Hà Nội để giải quyết yêu cầu của chúng tôi về hành vi gây khó khăn và ảnh hưởng trực tiếp tới quyền bào chữa, quyền tiếp xúc bị cáo tại phiên tòa của luật sư,” ông viết.
Theo đơn khiếu nại, vào lúc 11 giờ 10 phút, luật sư Đặng Đình Mạnh có đề nghị Hội đồng xét xử thông báo rõ việc các luật sư có quyền tiếp xúc với các bị cáo mà mình đang bào chữa tại phiên tòa nhưng chủ tọa phiên tòa – Thẩm phán Trương Việt Toàn – đã công khai tuyên bố việc tiếp xúc giữa luật sư với bị cáo tại phiên tòa là không cần thiết vì trước đó các luật sư đã có thời gian tiếp xúc với các bị cáo trong trại giam.
Luật sư Lê Văn Hòa nói với BBC rằng đây là vấn đề vi phạm nghiêm trọng luật tố tụng hình sự nữa trong phiên tòa.
“Trong thời gian giải lao từ gần 1 tiếng đồng hồ (10g15 -11g15), luật sư chúng tôi muốn tiếp cận với các bị cáo tại phiên tòa nhưng các cảnh sát tại tòa vây kín, không cho chúng tôi tiếp xúc. Anh em luật sư chiều nay sẽ gửi bản kiến nghị thay chủ tọa phiên tòa,” ông nhấn mạnh.
Luật sư Lê Văn Hòa cho biết thêm, tham gia bào chữa có 15 luật sư do gia đình các bị cáo mời và 18 luật sư còn lại do tòa án chỉ định bào chữa đối với những bị cáo bị truy tố về tội “giết người”.
“Sáng nay, các luật sư được công an chỉ định chưa phát biểu gì cả. Chỉ có 6-7 luật sư mà do gia đình các bị cáo mời lên tiếng,” luật sư Hòa phản ánh.
‘Không được sao chép, trình chiếu tài liệu’
Theo tường thuật của luật sư Lê Văn Hòa, các luật sư bào chữa có đề nghị được sao chép, trình chiếu tài liệu để làm bằng chứng nhưng không được đáp ứng.
Ông Hòa nói: “Anh em luật sư chúng tôi có đề nghị tại phiên tòa cho phép được sao chép hai video ghi hình công an tập kích vào Đồng Tâm sáng 9/1/2020 nhưng họ không đáp ứng. Chúng tôi đề nghị nếu không được sao chép thì hãy trình chiếu tại phiên tòa video đó cho mọi người cùng xem để xác định sự thật của vụ tấn công đó thế nào thì cũng không được đáp ứng.”
“Đó là những điều vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng,” ông Hòa khẳng định.
Trong khi đó, báo Thanh Niên đưa tin, việc luật sư Lê Văn Luân đề nghị được sao chụp hoặc trình chiếu tài liệu tại phiên tòa để làm bằng chứng, Hội đồng Xét xử cho biết theo quy định tố tụng, luật sư được đọc và nghiên cứu tài liệu, do đó, Hội đồng Xét xử chấp nhận yêu cầu này và bố trí thời gian thích hợp để luật sư được xem.
Trước đó, như BBC đã đưa tin, đây là phiên xét xử sơ thẩm vụ án “giết người” và “chống người thi hành công vụ” xảy ra tại thôn Hoành thuộc xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức, TP Hà Nội.
Vụ án liên quan đến tranh chấp, khiếu nại đất đai căng thẳng xảy ra từ nhiều năm qua, với đỉnh điểm là vụ đụng độ sáng sớm ngày 9/1/2020 khiến ba cán bộ công an và ông Lê Đình Kình tử vong.
Vụ Đồng Tâm: Cháu dâu ông Lê Đình Kình
’đội mưa nhìn về tòa án’
Sáng 7/9, 29 bị cáo tại thôn Hoành đã bị đưa ra xét xử ”công khai” tại Tòa án Nhân dân TP Hà Nội, nhưng cháu dâu ông Lê Đình Kình nói thân nhân không được vào và phải đội mưa đứng nhìn về phía tòa án.
Có mặt gần khu vực Tòa án Nhân dân TP Hà Nội sáng 7/9, chị Nguyễn Thị Duyên – vợ bị cáo Lê Đình Uy, cháu dâu ông Lê Đình Kình – nói với BBC News Tiếng Việt rằng cô chỉ mong trong phiên tòa này không có thêm ai phải chết.
”Công khai” nhưng thân nhân không được vào
“Hiện trước cổng tòa có rất nhiều nhân viên an ninh và lực lượng chức năng mặc sắc phục lẫn không sắc phục. Khi người dân đứng gần tòa án, chưa được đứng trước cổng đã bị lực lượng an ninh đuổi đi. Nhưng chúng tôi vẫn đứng ngoài đây để nhìn về phía tòa án”, bà Duyên tâm sự.
Bà Duyên cho biết bà và những người dân Đồng Tâm có người thân đang bị xét xử đã khóc khi thấy hình ảnh người thân của mình trên báo đài sau nhiều ngày giam giữ:
“Khi được nhìn hình ảnh tất cả người thân của tôi đăng lên trên báo chính thống, tôi rất xúc động và không thể nào kìm được nước mắt. Không chỉ tôi, mà những người dân ở Đồng Tâm có người thân trong tòa cũng vậy. Chúng tôi không còn nhận ra người thân của mình nữa vì họ quá tiều tụy”, bà Duyên nói trong tiếng nức nở.
Bà nêu nguyện vọng: “Tôi chỉ mong trong phiên tòa này không có người chết, không có ai bị giết thêm. Còn án thì tôi nghĩ tòa sẽ tuyên rất nặng nề đối với người dân Đồng Tâm”.
“Tôi hy vọng các tổ chức quốc tế, các báo đài, mọi người sẽ lên tiếng giúp”.
Yêu cầu thay thẩm phán bị khước từ
Gia đình ông Lê Đình Kình nay người chết, người ngồi tù
“Như mọi người thấy, người dân Đồng Tâm sau bao nhiêu ngày bị giam cầm hôm nay trông rất tàn tạ, khác hẳn trước đây rất nhiều. Luật sư Lê Văn Hòa cho biết tình hình sức khỏe của ông Lê Đình Chức thì yếu, phải có người dìu, không được khỏe mạnh như báo chí đưa tin trước đó”, bà bộc bạch.
Luật sư Lê Văn Hòa là người hỗ trợ pháp lý cho bốn người dân Đồng Tâm gồm ông Lê Đình Công, Lê Đình Chức, Lê Đình Uy và bà Trần Thị La.
Theo bà Nguyễn Thị Duyên, kết thúc phiên buổi sáng, luật sư Lê Văn Hòa có cập nhật cho gia đình tình hình:
“Tôi có gọi điện cho luật sư Lê Văn Hòa hỏi về tình hình thì được biết trong tòa án có bà Bùi Thị Nối cảm thấy bức xúc khi bị đưa ra xét xử, đã xin thẩm phán tòa án cho bà được nêu ý kiến nhưng đã bị từ chối. Bà đã kêu oan nhưng bị lực lượng chức năng giải về ghế ngồi”.
“Luật sư Hòa cho tôi biết thêm đã yêu cầu thay đổi thẩm phán và yêu cầu được tiếp xúc với thân chủ nhưng bị lực lượng an ninh ngăn cản”, bà Duyên kể lại.
Trước đó, trao đổi với BBC, luật sư Lê Văn Hòa nói để đảm bảo quyền lợi cho thân chủ, ông sẽ kiến nghị Hội đồng xét xử cho mời hai nhân chứng quan trọng của vụ án là bà Dư Thị Thành, vợ ông Lê Đình Kình – người đã thiệt mạng trong vụ xô xát với công an hôm 9/1, và cháu dâu là Nguyễn Thị Duyên – vợ bị cáo Lê Đình Uy (con trai ông Lê Đình Công và là cháu nội ông Lê Đình Kình).
Gia đình cho hay, bà Dương Thị Thành (vợ ông Lê Đình Kình) sáng nay đã có mặt trước cổng tòa án nhưng cũng không được vào và bị lực lượng chức năng đuổi đi.
“Sáng nay trời Hà Nội mưa rất to, nhưng bà vẫn đứng đó với mọi người. Tầm khoảng 11 giờ trưa, chúng tôi đưa bà về lại Đồng Tâm vì lo lắng cho sức khỏe của bà”, bà Duyên cho biết.
Về tình hình trước tòa, bà Duyên thông tin thêm ông Trịnh Bá Khiêm, chồng bà Cấn Thị Thêu, đã bị lực lượng chức năng bắt đi. Chị nói: “Bác Trịnh Bá Khiêm đến trước cổng tòa án đứng bình thường, không làm gì nhưng cũng bị an ninh bắt đi”.
Trong buổi trưa, các luật sư bào chữa đã viết đơn khiếu nại gửi TAND TP Hà Nội phản ánh việc lực lượng cảnh sát bảo vệ phiên tòa đã ngăn cản các luật sư tiếp xúc với bị cáo mình bào chữa.
Đơn khiếu nại của các luật sư về phiên tòa diễn ra sáng nay.
Theo đơn khiếu nại, vào lúc 11 giờ 10 phút, khi Hội đồng xét xử tiếp tục phiên tòa, luật sư Đặng Đình Mạnh có đề nghị Hội đồng xét xử thông báo rõ việc các luật sư có quyền tiếp xúc với các bị cáo mà mình đang bào chữa tại phiên tòa nhưng chủ tọa phiên tòa (Thẩm phán Trương Việt Toàn) đã công khai tuyên bố việc tiếp xúc giữa luật sư với bị cáo tại phiên tòa là không cần thiết vì trước đó các luật sư đã có thời gian tiếp xúc với các bị cáo trong trại giam.
Trước khi phiên tòa diễn ra sáng nay, bà Nguyễn Thị Duyên phản ánh người dân Đồng Tâm không được đi lại tự do.
Bà cho biết thêm, trong quá trình đi từ Đồng Tâm đến Hà Nội, có rất nhiều chốt chặn để kiểm tra, không cho người dân đi về phía tòa án. Vì thế, những người có người thân bị bắt tại Đồng Tâm đã chủ động đi từ nhiều ngày trước.
Nhà cầm quyền CSVN chặt cây quý
trước phủ Tổng thống
Tin Saigon.- Báo Vnexpress loan tin, vào ngày 4 tháng 9 năm 2020, công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Công viên cây xanh Cộng sản đã chặt cây lim xẹt có đường kính 80cm, cao hơn 10 mét trước phủ Tổng thống, nằm ở quận 1, Sài Gòn.
Nguyên nhân của việc chặt cây này được phía công ty Công viên cây xanh giải thích là, do cây bị sâu bệnh, mục ruỗng, thân cây có phần nghiên ra đường nên công ty đã đốn hạ để bảo đảm an toàn cho người đi đường. Tuy nhiên, lời giải thích này của công ty Công viên cây xanh cộng với hình ảnh trên báo Vnexpress khiến nhiều người không tin là cây bị mục rỗng, sâu bệnh.
Bà Nguyễn Phương Ly, 56 tuổi cho biết, cây lim xẹt vừa tạo bóng mát vừa là di tích, bà thấy rất tiếc nuối khi cây bị đốn hạ, vì nhìn cây vẫn còn xanh tốt. Sự việc đã gây chú ý dư luận, nhiều người cho rằng nhìn phần gỗ cắt ra từ cây cho thấy cây đang khá khoẻ mạnh, không có bất kỳ hình ảnh nào được báo Vnexpress công bố cho thấy cây bị mục rỗng.
Facebook Hà Văn Duy bình luận rằng, cây lim xẹt là loại cây thân gỗ lớn, lõi của nó cứng như sắt đá, không thể có sâu nào mà đục nổi lõi của cây này. Vì vậy, ông Duy cho rằng lời giải thích của công ty Công viên cây xanh chỉ làm lòi ra bản chất phá hoại của mình.
Được biết, cây lim xẹt được nhà cầm quyền xếp vào nhóm gỗ quý ở Việt Nam, nên rất có giá trị kinh tế, đặc biệt là trong bối cảnh rừng Việt Nam đã bị phá đến mức cạn kiệt gỗ quý. Vì vậy, nhiều người cho rằng, việc chặt phá cây này của nhà cầm quyền là để lấy gỗ bán.
Sửa đổi Nghị định 159,
VN siết báo chí và giúp nhóm lợi ích?
Mỹ Hằng
Bộ Thông tin và Truyền thông Việt Nam (TT-TT) vừa trình chính phủ dự thảo sửa đổi Nghị định 159 về về xử phạt trong lĩnh vực báo chí, xuất bản, trao thêm thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính đối với báo chí trung ương cho các địa phương.
Mục tiêu của việc sửa đổi này là để các cơ quan báo chí ‘hoạt động đúng tôn chỉ, mục đích’, theo phát biểu của ông Nguyễn Thanh Lâm- Cục trưởng Cục Báo chí (Bộ TT-TT).
Theo dự thảo này, lãnh đạo các cơ quan báo chí sẽ bị phạt nếu ký giấy thới thiệu cho phóng viên đi tìm hiểu vấn đề không nằm trong tôn chỉ mục đích của cơ quan báo chí.
Bộ TT-TT cũng gửi khuyến cáo cho các bộ ngành liên quan về việc cung cấp thông tin cho báo chí phải đúng ‘tôn chỉ, mục đích’.
Bộ này tới đây sẽ thành lập đoàn kiểm tra một số tạp chí ‘lợi dụng tự do báo chí để hoạt động trái pháp luật’.
Cũng theo Bộ này, nạn ‘đánh hội đồng, xâm phạm đời tư, xúc phạm danh dự’ cá nhân, chủ yếu là lãnh đạo, vẫn là “vấn nạn nhức nhối”.
‘Siết báo chí vì nhóm lợi ích?’
Nhà báo Tâm Chánh, nguyên Tổng biên tập Báo Sài Gòn Tiếp thị nói với BBC News Tiếng Việt rằng đây là một quy định ‘siết cổ báo chí’, tạo cơ hội cho các nhóm lợi ích lũng đoạn thị trường, tạo phe cánh.
Ông Tâm Chánh nói: “Ở Việt Nam báo chí chính thống tồn tại hai xu hướng làm nghề.”
“Một là làm ra sản phẩm báo chí để người đọc mua.
“Hai là biến độc quyền báo chí của nhà nước thành đặc quyền của nhà báo để kiếm sống, kiếm tiền và thậm chí hình thành những nhóm nhà báo làm công cụ cho các nhóm lợi ích lũng đoạn thông tin, chạy áp phe chính trị, thao túng thị trường.
“Hình thức đơn giản nhất là cơ quan báo chí thông qua giấy phép xuất bản tiến hành các giao dịch quảng cáo, tài trợ thiên lệch, hoặc theo lối ép buộc kiếm thu nhập, trục lợi. Họ cố tình tung các hồ sơ thường liên quan đến tiêu cực, tội phạm để đe doạ như một kiểu tống tiền, hoặc khoe khoang các mối quan hệ để lừa lọc chạy chức vụ, chạy thành tích, chạy dự án, chạy thủ tục, chạy án…”
“Hoạt động này gây bức xúc. Và theo tôi hiểu thì các nhà quản lý cũng đang muốn siết chặt bằng chủ trương gọi là tăng cường tôn chỉ mục đích. Nôm na là mỗi tờ báo đều được cấp một giấy phép hoạt động. Giấy phép đó qui định lĩnh vực và địa bàn tác nghiệp chính yếu của tờ báo. Tác nghiệp ngoài phạm vi đó bị coi là vi phạm tôn chỉ mục đích.”
“Đây là một kiểu tư duy lộn sòng, biến giấy phép xuất bản thành một kiểu quyết định phân chia thị trường. Nó một mặt chia cắt thông tin thành những phạm vi rời rạc, vô lí. Một mặt tạo môi trường cho các quan niệm, diễn dịch luật pháp tuỳ tiện.”
“Phổ biến là nó tạo ra một rào cản ngăn trở quyền tiếp cận thông tin, ngăn trở thực thi luật báo chí. Điều vô lý là trong khi một nhà báo Việt Nam có thể tự do tác nghiệp ở các nước thì tại mỗi địa phương ở Việt Nam, giới chức trách có thể nại lý do cơ quan báo chí chủ quản của nhà báo này không có tôn chỉ mục đích hoạt động trên địa bàn, lĩnh vực đó để mà không cho phép nhà báo tiếp cận thông tin.”
“Nếu dự thảo nói trên ra đời, luật pháp Việt Nam sẽ củng cố thêm quyền không cho phép đó ở địa phương. Vì ở Việt Nam không thể có thẻ nhà báo nếu không hoạt động ở một cơ quan báo chí cụ thể. Nếu vi phạm thì xử lý nhiều mức độ, thậm chí là tước quyền hành nghề thì coi như nhà báo trắng tay, thậm chí hết sức rủi ro.”
“Nói đơn giản đó là một cách siết cổ quyền hành nghề vốn đã rất giới hạn của nhà báo. Cũng là cách siết cổ hoạt động báo chí, siết cổ quyền được thông tin của người dân.”
“Siết cổ, chứ không thắt chặt, thắt lỏng gì cả.”
“Rốt cuộc, các nhà báo muốn làm nghề chân chính, tử tế thì bị đoạ đày còn những kẻ buôn bán quyền năng báo chí thì tiếp tục thênh thang, thế thôi.”
Nhà báo sẽ sống nhờ mạng xã hội?
Trong khi đó, ông Huỳnh Sơn Phước, nguyên phó Tổng biên Tập báo Tuổi trẻ, nói với BBC Tiếng Việt rằng quy định mới này sẽ khiến báo chính thống trở nên vô cùng khó khăn để tồn tại, sẽ bị giảm số lượng bạn đọc, giảm niềm tin.
“Bạn đọc nay sẽ đọc báo chính thống để xem nó có phản ánh đầy đủ, đúng như thực tế đang diễn ra không. Sau đó họ kiểm chứng thông tin trên các mạng xã hội. Ví dụ như vụ Thủ Thiêm,” ông Phước nói.
Ông Phước cũng cho rằng việc siết chặt quản lý báo chí theo tôn chỉ mục đích không phải là điều mới, chỉ có điều nay đã được thể chế hóa.
“Với các nước thì sẽ thấy vấn đề này rất khác thường, không phù hợp với tự do ngôn luận và hoạt động nghề nghiệp của nhà báo, nhưng ở Việt Nam thì tất cả những quy định này sẽ được thể chế hóa theo từng tình hình và từng giai đoạn, siết chặt dần để kiểm soát về tư tưởng.
“Chỉ có Việt Nam mới có Ban Tư tưởng (Ban Tuyên giáo Trung ương), bên Vụ Báo chí thì có Vụ Quản lý báo chí, Công an thì có An ninh tư tưởng. Các cơ quan này để hoạt động được thì phải đặt ra các pháp quy cần thiết để bảo đảm quyền kiểm soát tư tưởng của mình.
Nhắc lại nền tự do báo chí dưới thời cố thủ tướng Võ Văn Kiệt, ông Phước nói:
“Thủ tướng Võ Văn Kiệt thời đó, ông cũng nói thật thôi, ông gặp tôi và nói: Nếu không báo chí thì nhà nước không thể nào quản trị được, không có ai phản ánh đúng đắn, đầy đủ về tình hình đất nước. Nhà nước phải có một kênh thông tin khác ngoài kênh chính thống và các báo cáo đặt lên bàn thủ tướng. Đó là báo chí.
“Chính phủ muốn có hiệu lực, trở nên thực sự hợp pháp, là một nhà nước lắng nghe được phản ánh trung thực của xã hội, cho người dân tham gia vào các quyết sách, hạn chế sai phạm, giám sát được nhà nước… thì chính phủ đó phải sống trong một môi trường thông tin rất tự do.
“Và vì có những quan điểm như thế mà Tuổi Trẻ thời đó được thừa hưởng một không khí báo chí tự do rất rộng so với các tôn chỉ mục đích.
Nhìn nhận rằng báo chí Việt Nam hiện nay không tự do bằng dưới thời thủ tướng Võ Văn Kiệt, nhưng ông Phước cho rằng nền báo chí Việt Nam trong tương lai sẽ không chết. Bởi những người làm báo chân chính sẽ tìm mọi con đường để viết.
“Hiện nay một số nhà báo đã có những kênh riêng trên mạng xã hội và sống tốt,” ông Phước nói.
Báo VN phải theo tôn chỉ mục đích gì?
Việt Nam đã đề ra tôn chỉ mục đích cho từng báo trong tổng cộng 626 báo, tạp chí, trang điện tử cấp trung ương và hơn 120 báo địa phương.
Ví dụ, một trong những tôn chỉ hoạt động của Phụ Nữ TP Hồ Chí Minh, tờ báo vừa bị phạt 55 triệu đồng và đình chỉ hoạt động một tháng do “thông tin sai sự thật” về tập đoàn Sun Group là “Tuyên truyền đường lối, chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước, các Nghị quyết của cấp ủy, chính quyền và Hội liên hiệp Phụ nữ Việt Nam.”
Đây cũng là một trong những tôn chỉ, mục đích hoạt động được đề ra cho Tuổi Trẻ – một tờ báo từng bị đình bản online ba tháng và nộp phạt 220 triệu đồng sau khi đăng bài viết “Chủ tịch nước đồng ý cần ban hành luật biểu tình”, được cho là ‘sai sự thật’ ‘gây ảnh hưởng nghiêm trọng’.
Đây cũng là tôn chỉ, mục đích chung cho hàng trăm tờ báo, tạp chí khác, bên cạnh nhiều tôn chỉ, mục đích khác.
Xếp hạng tự do báo chí ở VN
Việt Nam đứng thứ 175 về tự do báo chí trong tổ số 180 nước, theo xếp hạng năm 2020 của Tổ chức Phóng viên Không biên giới (RSF), đứng trên Trung Quốc và Bắc Hàn, nhưng đứng sau Campuachia, Cuba và Lào – ba nước cộng sản anh em.
Năm 2019 Việt Nam xếp thứ 176 và năm 2018 xếp thứ 175.
Nhà cầm quyền cộng sản đề cử trọng tài người
ngoại quốc tham gia thành viên công ước
Liên Hiệp Quốc về luật biển cho Việt Nam
Tin Vietnam.- Báo Tuổi trẻ ngày 5 tháng 9 năm 2020 loan tin, ông Lê Hoài Trung, Thứ trưởng bộ Ngoại giao Cộng sản Việt Nam đã đề cử giáo sư Robert Beckman, giá đốc chương trình Luật và chính sách đại dương, trung tâm Luật quốc tế, đại học Quốc gia Singapore vào vị trí trọng tài cho Việt Nam để thực hiện quyền và nghĩa vụ của các quốc gia thành viên Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển 1982. Ngoài giáo sư Robert Beckman còn có 3 thành viên khác là người Việt Nam cũng giữ vị trí trọng tài, và bốn người nằm trong vị trí hoà giải .
Theo báo Tuổi trẻ, vào ngày 6 tháng 8 vừa qua, tòa đại sứ Cộng sản Việt Nam tại Singapore đã tổ chức buổi lễ trao quyết định đề cử của bộ Ngoại giao Cộng sản cho ông Beckman. Bà Tào Thị Thanh Hương, viên chức Đại sứ Cộng sản Việt Nam cho biết, đây là lần đầu tiên trong lịch sử, Việt Nam đề cử một người ngoại quốc giữ vị trí quan trọng này.
Theo bà Hương, việc ông Beckman được đề cử giữ vị trí trọng tài cho Việt Nam cho thấy ông Beckman được công nhận có kiến thức và kinh nghiệm lớn, đồng thời cũng là người trung lập, ủng hộ các giải pháp giải quyết tranh chấp hoà bình, dựa trên luật pháp quốc tế. Việc chỉ định một nhóm trọng tài này không nhất thiết phải ngầm hiểu rằng nhà cầm quyền đang khởi kiện Trung Cộng, mà chỉ đơn giả là nhà cầm quyền Cộng sản thực hiện quyền của mình trên tư cách là một thành viên Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển 1982.
An Nhiên
Khả năng về thoả thuận khai thác nghề cá
một cách công bằng ở Vịnh Bắc Bộ
giữa Việt Nam và Trung Quốc
Trần Toàn Thắng
Vai trò của Vịnh Bắc Bộ
Vịnh Bắc Bộ là một vịnh nửa kín, được bao bọc hoàn toàn bởi bờ biển của Việt Nam và Trung Quốc, là một trong những vịnh lớn của thế giới với diện tích khoảng 126.250 km2 (36.000 hải lý vuông), chiều ngang nơi rộng nhất khoảng 310 km (176 hải lý), nơi hẹp nhất ở cửa Vịnh rộng khoảng 207,4 km (112 hải lý). Vịnh Bắc Bộ thông ra Biển Đông qua 2 cửa chính: Cửa chính ở phía Nam, từ đảo Cồn Cỏ (Quảng Trị, Việt Nam) tới mũi Oanh Ca (đảo Hải Nam, Trung Quốc) rộng 207,4 km (112 hải lý) và cửa phía Bắc là eo biển Quỳnh Châu nằm giữa bán đảo Lôi Châu và đảo Hải Nam với chiều rộng 35,2 km (19 hải lý).
Bờ Vịnh Bắc Bộ phía Việt Nam thuộc 10 tỉnh, thành phố với tổng chiều dài 763 km. Bờ Vịnh phía Trung Quốc thuộc 2 tỉnh Quảng Tây, Hải Nam với tổng chiều dài 695 km. Phần vịnh phía Việt Nam có khoảng 2.300 đảo, đá ven bờ, đặc biệt có đảo Bạch Long Vĩ nằm cách đất liền Việt Nam khoảng 110 km, cách đảo Hải Nam Trung Quốc khoảng 130 km. Phía Trung Quốc có một số ít đảo nhỏ ở phía Đông Bắc vịnh như đảo Vị Châu, Tà Dương.
Vịnh Bắc Bộ có vị trí chiến lược quan trọng đối với Việt Nam và Trung Quốc cả về kinh tế lẫn quốc phòng, an ninh. Về kinh tế, đây là nơi chứa đựng nhiều tài nguyên thiên nhiên, đặc biệt là hải sản và dầu khí. Những ngư trường lớn trong vịnh cung cấp nguồn hải sản quan trọng cho đời sống nhân dân hai nước. Các dự báo cho thấy đáy biển và lòng đất dưới đáy của vịnh có tiềm năng về dầu mỏ và khí đốt.
Đối với Việt Nam, vịnh là cửa ngõ giao lưu với thế giới từ lâu đời, có tầm quan trọng đặc biệt đối với sự nghiệp phát triển kinh tế, thương mại quốc tế của các tỉnh, thành phố thuộc Bắc Bộ. Dọc bờ biển Vịnh phía Việt Nam có nhiều cửa sông lớn và các vũng, vịnh sâu được che chắn kín gió thuận lợi cho việc xây dựng cảng biển với quy mô khác nhau, trong đó nhiều khu vực có thể xây dựng cảng nước sâu như Cái Lân, Cửa Ông, Trà Báu, Nghi Sơn… Các cảng này vừa thúc đẩy kinh tế vùng Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ phát triển, vừa là các cửa ngõ cho miền Bắc Việt Nam thông ra Biển Đông và Thái Bình Dương. Hiện nay, hầu hết khối lượng hàng hóa xuất nhập khẩu và một phần hàng hóa giao lưu nội địa của miền Bắc đều được vận chuyển bằng đường biển qua Vịnh Bắc Bộ.
Vịnh Bắc Bộ còn có vai trò hết sức quan trọng về quốc phòng an ninh. Vịnh có vị trí chiến lược quan trọng trong phòng thủ bảo vệ miền Bắc. Dọc ven biển và trên các đảo thuộc Vịnh Bắc Bộ có nhiều vị trí thuận lợi cho bố trí lực lượng để phòng thủ, tấn công. Các đảo lớn nhỏ trong Vịnh được coi như những vọng gác tiền tiêu kiểm soát, khống chế mọi hoạt động của các tàu thuyền trên Vịnh, là lá chắn vững chắc cho các cơ sở kinh tế, quốc phòng trên đất liền.
Đối với Trung Quốc, vịnh là cửa ngõ thông ra biển duy nhất của khu vực Tây Nam rộng lớn. Dọc ven biển phía Nam Trung Quốc dài khoảng 1500km, trong đó có bờ biển Vịnh Bắc Bộ, Trung Quốc đã xây dựng khoảng 25 cảng biển lớn, quy mô từ vài chục đến hàng trăm triệu tấn, là cửa ngõ cho cả khu vực phía Nam và vùng Tây Nam của Trung Quốc thông ra biển.
Các hiệp định về Vịnh Bắc Bộ giữa Việt Nam – Trung Quốc
Qua 27 năm đàm phán, ngày 25-12-2000, tại Bắc Kinh, đại diện của Việt Nam và Trung Quốc đã ký kết Hiệp định về phân định lãnh hải, vùng đặc quyền về kinh tế và thềm lục địa trong Vịnh Bắc Bộ (Hiệp định phân định Vịnh Bắc Bộ) và Hiệp định Hợp tác Nghề cá Vịnh Bắc Bộ Việt Nam – Trung Quốc (Hiệp định Hợp tác Nghề cá). Hai hiệp định này xác định rõ phạm vi và tạo ra một khuôn khổ pháp lý quốc tế rõ ràng, thuận lợi cho việc mỗi nước bảo vệ, quản lý, sử dụng, khai thác, phát triển kinh tế các vùng biển và thềm lục địa của mình trong Vịnh Bắc Bộ; đồng thời cũng tạo điều kiện cho hai bên có cơ sở thúc đẩy hợp tác nhằm phát triển bền vững Vịnh Bắc Bộ, duy trì ổn định trong Vịnh, tăng cường sự tin cậy và phát triển quan hệ chung giữa hai nước. Hai hiệp định chính thức có hiệu lực từ ngày 30-6-2004.
Hiệp định hợp tác nghề cá trong Vịnh Bắc Bộ
Trong quá trình đàm phán về phân định Vịnh Bắc Bộ, phía Trung Quốc kiên trì đề nghị lập vùng đánh cá chung đồng thời với việc phân định Vịnh Bắc Bộ và nhấn mạnh nếu không thỏa thuận được vấn đề này thì khó có thể giải quyết được vấn đề phân định Vịnh Bắc Bộ trong năm 2000. Việt Nam cũng nhận thức rõ được vấn đề này, nếu không giải quyết được vấn đề phân định Vịnh Bắc Bộ trong năm 2000, vùng Vịnh sẽ vẫn bị coi là vùng chồng lấn và tình hình ở đó sẽ tiếp tục mất ổn định, ảnh hưởng đến quan hệ song phương. Thực tiễn quốc tế cho thấy nhiều nước có vịnh hoặc vùng biển chung cũng đã thỏa thuận lập vùng đánh cá chung và về mặt pháp lý thì điều đó không trái với Công ước Luật Biển năm 1982. Vì vậy, cùng với đàm phán phân định Vịnh Bắc Bộ, Việt Nam đồng ý đàm phán ký kết Hiệp định hợp tác nghề cá trong Vịnh Bắc Bộ.
Tháng 4-2000, hai nước chính thức bước vào đàm phán nghề cá. Qua 6 vòng đàm phán cấp chuyên viên
về nghề cá, Hiệp định Hợp tác nghề cá trong Vịnh Bắc Bộ ký ngày 25-12-2000 bao gồm các quy định về thiết lập vùng đánh bắt chung, hợp tác bảo tồn và khai thác bền vững các nguồn thuỷ sản trong Vịnh; các quy định về hợp tác nghề cá và nghiên cứu khoa học. Hai bên nhất trí lập vùng đánh cá chung ở trong Vịnh Bắc Bộ với chiều rộng là 30,5 hải lý kể từ đường phân định về mỗi phía và có tổng diện tích là 33.500 km2, tức là khoảng 27,9% diện tích Vịnh. Thời hạn của vùng đánh cá chung là 15 năm (12 năm chính thức và 3 năm gia hạn).Ba nguyên tắc lớn của Vùng đánh cá chung là: vùng đặc quyền về kinh tế của nước nào thì nước đó có quyền kiểm tra, kiểm soát các tàu cá được phép vào Vùng đánh cá chung; sản lượng và số tàu thuyền được phép đánh bắt trong vùng đánh cá chung dựa trên nguyên tắc bình đẳng, căn cứ vào sản lượng được phép đánh bắt, xác định thông qua điều tra liên hợp định kỳ; mỗi bên đều có quyền liên doanh hợp tác đánh cá với bên thứ ba trong vùng đánh cá chung trong khuôn khổ quy mô đánh bắt của bên mình. Hai bên thoả thuận thành lập Uỷ ban liên hợp nghề cá để xây dựng quy chế liên quan đến Vùng đánh cá chung.
Ngày 25-12-2000, Hiệp định phân định Vịnh Bắc Bộ và Hiệp định hợp tác nghề cá ở Vịnh Bắc Bộ cùng được ký kết tại Bắc Kinh, Trung Quốc. Tuy nhiên, khác với Hiệp định phân định, Hiệp định hợp tác nghề cá có thời hạn hiệu lực cụ thể (12 năm và 3 năm mặc nhiên gia hạn) và giá trị pháp lý ở mức cấp Chính phủ phê duyệt.
Thách thức cho Việt Nam khi Hiệp định hợp tác nghề cá Vịnh Bắc Bộ hết hiệu lực
Như đã nêu, Hiệp định hợp tác nghề cá Việt Nam – Trung Quốc ký ngày 25/12/2000 và bắt đầu có hiệu lực vào 30/6/2004.
Sau 12 năm chính thức có hiệu lực, 3 năm tự động gia hạn và 01 năm thỏa thuận gia hạn của hai chính phủ, Hiệp định đã hoàn toàn kết thúc hiệu lực ngày 30/6/2020.
Theo đó, sau thời gian 30/6/2020, tàu cá, ngư dân Việt Nam sẽ không được phép tiến hành hoạt động đánh bắt sang phía Đông của đường phân định lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Vịnh Bắc Bộ; ngược lại, tàu cá, ngư dân Trung Quốc cũng không được phép thực hiện hoạt động đánh bắt sang phía Tây của đường này. Đối với các tàu cá cố tình vi phạm, các lực lượng thực thi pháp luật của hai bên hoàn toàn có quyền áp dụng những biện pháp xử lý phù hợp với quy định của luật pháp quốc tế và pháp luật của mỗi nước.
Thông tin từ phía Việt Nam cho biết, cả hai quốc gia đang có kế hoạch để sớm khởi động diễn đàn đàm phán về một cơ chế hợp tác tiếp theo trong lĩnh vực nghề cá trong vịnh Bắc Bộ để phù hợp với trữ lượng tài nguyên hải sản, cơ chế quản lý nghề cá của hai bên trong tình hình mới và phù hợp với xu thế phát triển mới.
Tuy nhiên, tình trạng này cũng sẽ diễn ra các thách thức cho phía Việt Nam trong quá trình đàm phán cơ chế hợp tác mới, bao gồm:
Thứ nhất, Trung Quốc ngày càng gia tăng các hành động hung hăng, gây căng thẳng trên biển Đông, trong đó có các hành động đe doạ, cưỡng bức Việt Nam phải ngưng các hoạt động thăm dò, khai thác tài nguyên tại vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Đồng thời, Trung Quốc luôn sử dụng nhiều loại tàu từ Hải cảnh, tàu thăm dò cùng các tàu cá giả dạng để xâm phạm, quấy nhiễu ngay trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam trong suốt thời gian dài gần đây. Phía Việt Nam đã 3 lần phải ngưng các hoạt động thăm dò, khai thác vào các năm 2017, 2018 và năm nay trước sự đe doạ của Bắc Kinh.
Trong khi đó, phía Việt Nam chưa đưa ra được chiến lược đối phó nào hữu hiệu. Thậm chí, trong bài nói chuyện của ông Trần Việt Thái – từng là Viện trưởng Viện nghiên cứu chiến lược, Bộ Ngoại Giao, ông ta còn cho rằng Việt Nam chấp nhận việc xâm phạm này của các tàu Trung Quốc, coi đó là bình thường, trong khi giữ yên bình cho an ninh nội địa. Hiện nay, chính trị Việt Nam chỉ tập trung cho Đại hội Đảng lần thứ 13, vốn chỉ là sắp xếp lại các vị trí cho các phe nhóm chính trị trong nước.
Điều này đặt ra thách thức cho các nhà đàm phán trước sức ép từ Trung Quốc và khả năng nhượng bộ để giành được quyền lực chính trị trong nước.
Thứ hai, thời gian vừa qua, các tàu cá Trung Quốc, vốn rất đông và hung hãn, đã tìm cách xâm phạm để khai thác một cách tận diệt các nguồn cá tại các vùng biển của các nước khác, trong đó có Việt Nam. Các tổ chức quốc tế như ODI đã thống kê Trung Quốc có số lượng tàu cá vi phạm IUU lớn nhất thế giới. Thậm chí hồi tháng 4 năm nay, các tàu cá này còn đâm chìm một tàu cá của Việt Nam tại khu vực biển gần Hoàng Sa. Vậy thì trong thời gian đàm phán, liệu Việt Nam có đủ khả năng, lực lượng để bảo vệ ngư trường của Việt Nam trước sự xâm phạm của các tàu cá Trung Quốc?
Chính vì vậy, yêu cầu cần có là Việt Nam cần phải thúc đẩy quyết tâm xây dựng chiến lược để có thể tìm kiếm một biện pháp công bằng nhất trong hợp tác với Trung Quốc. Và quan trọng hơn là phải bảo vệ hiệu quả ngư trường hợp pháp của Việt Nam trước sự hung hăng của các tàu cá Trung Quốc.
* Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á Châu Tự Do
Điểm tin trong nước sáng 7/9: Cán bộ Thanh tra
tỉnh Đắk Nông đột tử khi đang làm bài thi;
Nghệ An tiêu huỷ 1.300 con vịt nhiễm cúm A/H5N6
Tâm Tuệ
Mục Điểm tin trong nước sáng thứ Hai (7/9) của DKN xin gửi đến quý độc giả những tin sau:
Cán bộ Thanh tra tỉnh Đắk Nông đột tử khi đang làm bài thi
Ngày 6/9, một lãnh đạo Trung tâm Giáo dục thường xuyên – Ngoại ngữ, Tin học tỉnh Đắk Nông xác nhận với báo chí cho biết một học viên của đơn vị bị đột quỵ khi làm bài thi.
Nạn nhân là ông S (42 tuổi, ngụ phường Nghĩa Tân, TP. Gia Nghĩa), cán bộ Thanh tra tỉnh Đắk Nông.
Zing cho hay sáng 6/9, ông S tham gia thi chứng chỉ chuyên viên chính.
Sau khi vào thi được khoảng 30 phút, ông S. ngã ngửa, có biểu hiện bị đột quỵ. Các học viên khác đưa ông S. đến Bệnh viện đa khoa tỉnh Đắk Nông cấp cứu. Tuy nhiên, bệnh nhân được các bác sĩ xác định đã tử vong trước đó.
Đà Nẵng khôi phục hoạt động vận tải đi, đến thành phố từ 0h hôm nay
Nhà chức trách Đà Nẵng hôm 6/9 cho biết Bộ GTVT đã đồng ý khôi phục hoạt động khai thác của các phương tiện vận tải hành khách đi và đến Thành phố này.
Theo đó, các phương tiện ô tô, tàu hoả, máy bay, phương tiện giao thông đường thuỷ được phép vận tải hành khách đi và đến TP. Đà Nẵng bắt đầu từ 0 giờ ngày 7/9 đến khi có thông báo mới.
Theo truyền thông địa phương động thái này nhằm bảo đảm đáp ứng nhu cầu đi, đến thành phố Đà Nẵng của người dân; đồng thời để tháo gỡ khó khăn, sớm khôi phục hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp vận tải.
Cách ly 53 bé sơ sinh về từ Hàn Quốc
Khu cách ly tập trung huyện Bàu Bàng, tỉnh Bình Dương hôm 6/9 đã tiếp nhận 53 bé sơ sinh về từ Hàn Quốc trên chuyến bay VN409.
Theo truyền thông trong nước, những em bé này có cha mẹ đang làm việc ở Hàn Quốc, hoàn cảnh khó khăn nên gửi con về nước.
Bác sĩ Huỳnh Minh Chín – Trưởng Ban Điều hành khu cách ly tập trung huyện Bàu Bàng cho biết, đây là lần đầu trung tâm đón các bé sơ sinh mà không có cha mẹ đi cùng. Để chăm sóc tốt nhất cho các bé, tỉnh Bình Dương chấp thuận cho 41 người thân của các em vào khu cách ly để chăm các em.
Nghệ An tiêu huỷ 1.300 con vịt nhiễm cúm A/H5N6
Báo VnExpress thông tin, ngày 6/9, tại trang trại ông Ngô Trí Triêm, xóm Phú Sơn, xã Nam Thành 85 con vịt đã chết do cúm A/H5N6. Hơn một tuần qua, 1.300 con vịt tại trang trại này đã buộc phải tiêu hủy.
Cuối tháng 8, đàn vịt quy mô 4.000 con của gia đình ông bất ngờ chết hàng trăm con. Cơ quan thú y đã lấy mẫu xét nghiệm, nửa tuần trước đã kết luận gia cầm tại đây dương tính với chủng cúm A/H5N6. Cán bộ thú y đã phun khử trùng, tiêm phòng vắc xin số vịt còn lại, khoanh vùng dịch.
Ông Nguyễn Văn Dương, Phó chủ tịch huyện Yên Thành cho biết, chủ trang trại khai báo đã tiêm vắc xin cho cả đàn trước khi xảy ra dịch. “Cơ quan thú y đang lấy mẫu để phân tích kháng thể trong cơ thể gia cầm để xác định việc tiêm phòng đã đúng theo quy định hay chưa”, ông Dương nói.
Khi ổ dịch tại trang trại ông Triêm được kiểm soát, trang trại vịt quy mô trên 6.000 con ở cùng xóm Phú Sơn (xã Nam Thành) cũng bất ngờ có hàng trăm con bị chết từ ngày 5/6.
Hôm nay cơ quan thú y lấy mẫu phẩm để xét nghiệm cúm A/H5N6 đối với đàn vịt tại trang trại này. Toàn xã Nam Thành có 9 trang trại vịt quy mô tổng đàn khoảng 40.000 con.
Điểm tin trong nước tối 7/9: 9 lần điều chỉnh
giá điện, chỉ tăng, không giảm; Kỳ lạ, gia đình
4 người đều có kháng thể với virus Covid-19
Tâm Minh – Hiểu Minh
Mục Điểm tin trong nước tối thứ Hai (7/9) của DKN xin gửi đến quý độc giả những tin sau:
Kết luận của VKSND vụ tiến sĩ Bùi Quang Tín rơi lầu
Báo Người lao động đưa tin, ngày 7/9, VKSND TP.HCM cho biết ,đã có kết luận kiểm sát Quyết định không khởi tố vụ án hình sự đối với vụ tiến sĩ, luật sư Bùi Quang Tín (SN 1976, ngụ quận Bình Thạnh, TP.HCM) rơi lầu, tử vong tại chung cư New Sài Gòn ở huyện Nhà Bè, TP.HCM vào ngày 5/4.
Căn cứ vào kết quả xác minh, kết quả khám nghiệm hiện trường, kết luận giám định pháp y tử thi, kết luận giám định pháp y bổ sung, kết luận giám định nguồn ADN tại khu vực lan can, giếng trời tầng 14; các tài liệu trích xuất file camera an ninh ở thang máy tầng 14 và tầng trệt block D2 của chung cư New Sài Gòn, VKSND TP HCM nhận định có cơ sở kết luận ông Bùi Quang Tín rơi từ giếng trời tầng 14 xuống đất tử vong.
Nguyên nhân tử vong là do đa chấn thương, trong người ông Bùi Quang Tín có nồng độ cồn trong máu là 220 mg/110 ml, không có độc chất. Vụ việc không có dấu hiệu tội phạm nên Cơ quan CSĐT Công an TP.HCM ra quyết định không khởi tố vụ án hình sự là có căn cứ.
Từ đó, VKSND TP.HCM kết luận Quyết định không khởi tố vụ án hình sự của Cơ quan CSĐT Công an TP.HCM theo khoản 1, điều 157 Bộ luật Hình sự là có căn cứ và đúng pháp luật. Với căn cứ này, VKSND TP.HCM đã hoàn hồ sơ để Cơ quan CSĐT Công an TP.HCM giải quyết theo thẩm quyền.
Kỳ lạ, gia đình 4 người đều có kháng thể với virus Covid-19
Theo Thanh Niên, Sở Y tế TP. Đà Nẵng tối 6/9 thông tin về trường hợp nam bệnh nhân 66 tuổi, ngụ phường Khuê Mỹ, quận Ngũ Hành Sơn có kết quả xét nghiệm dương tính với virus Vũ Hán vào buổi sáng, nhưng đến chiều cùng ngày lại âm tính.
Trước đó, chiều 5/9, bệnh nhân đến khám tại Bệnh viện C Đà Nẵng. Đến sáng 6/9, bệnh viện phát hiện ông có kết quả dương tính nên chuyển điều trị tại Bệnh viện dã chiến Hòa Vang.
Bệnh nhân tiếp tục được xét nghiệm bằng phương pháp RT-PCR, cho kết quả âm tính với virus Vũ Hán. Chiều 6/9, bệnh nhân tiếp tục được lấy mẫu làm xét nghiệm kháng thể bằng phương pháp test nhanh và phương pháp Mac Elisa, kết quả dương tính với kháng thể; nghĩa là trước đây cơ thể bệnh nhân từng nhiễm virus, còn hiện tại kết quả xét nghiệm kháng nguyên cho thấy ông âm tính với virus Vũ Hán.
Sở Y tế TP. Đà Nẵng cũng cho biết, 4 người trong gia đình bệnh nhân sau khi test nhanh kháng thể đều cho kết quả dương tính. Hiện tại, các xét nghiệm kháng nguyên RT-PCR của cả 4 người này đều âm tính với virus Vũ Hán.
9 lần điều chỉnh giá điện, chỉ tăng, không giảm
Hà Nội ngày 7/9, Phó chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách Hoàng Quang Hàm bày tỏ băn khoăn về vấn đề giá điện khi từ năm 2011 tới nay đã có 9 lần điều chỉnh giá bán lẻ điện, song giá điện chỉ tăng chứ chưa bao giờ giảm.
Trả lời, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết “giá điện chỉ có tăng, không có giảm” do cơ cấu giá đầu vào của giá điện cũng như chi phí chung của hệ thống luôn tăng, chưa có giảm. Thời gian qua, khi có dấu hiệu giảm đầu vào của khí, khí hóa lỏng, nguồn cung của than thì đây là yếu tố để chúng ta giảm giá điện 10% trong dịch COVID-19 của EVN.
“Chúng ta chưa làm được điều là vận hành giá điện trên nguyên tắc của thị trường. Chắc chắn tới năm 2024, chúng tôi sẽ tiếp tục thực hiện điều này”- ông Tuấn Anh một lần nữa khẳng định.
Ông Tuấn Anh cũng cho biết Bộ Công Thương vẫn đang tiếp tục nghiên cứu xây dựng phương án điều chỉnh giá bán lẻ điện.
“Chúng tôi thấy tiếc và bức xúc khi chưa giảm được giá điện nhưng chúng tôi tin rằng trong thời gian tới đây, khi chúng ta hình thành thị trường điện cạnh tranh thì câu chuyện giá điện sẽ thực sự hoàn toàn minh bạch, công khai. Tôi tin rằng lúc đó sẽ được đảm bảo các yếu tố của thị trường, giá điện có lên, có xuống và phù hợp với sự vận hành của thị trường”- Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho hay, theo Pháp Luật TP.HCM.
Đình chỉ công tác công an xã nổ súng khiến nam sinh lớp 12 nhập viện
Ngày 7/9, tin từ Công an huyện Nghĩa Hưng, tỉnh Nam Định cho biết, ông Vũ Anh Đức, Phó trưởng Công an xã Hoàng Nam, đã bị công an huyện này tạm đình chỉ công tác 15 ngày để phục vụ điều tra, làm rõ nghi án nổ súng khiến nam sinh lớp 12 trúng đạn vào tối 4/9 vừa qua.
Ông Trần Văn Dương, Chủ tịch huyện Nghĩa Hưng cho biết. “Vụ việc đang chờ kết luận từ cơ quan chức năng. Tuy nhiên, huyện đã đang yêu cầu làm rõ việc mâu thuẫn như thế nào mà Phó trưởng Công an xã Hoàng Nam phải rút súng bắn đạn cao su” – ông Dương thông tin trên báo Người lao động.
Hiện nam sinh lớp 12 bị trúng đạn cao su vẫn đang được điều trị, theo dõi tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Nam Định để làm rõ thương tích, phục vụ điều tra.
0 comments