Hải Ngoại Ngày Nay


LIÊN KẾT HẢI NGOẠI YỂM TRỢ QUỐC NỘI ĐẤU TRANH

GIẢI THỂ CHẾ ĐỘ ĐỘC TÀI VIỆT CỘNG

GIẢi TRỪ HIỂM HỌA XÂM LĂNG TRUNG CỘNG

Việt Nam: 11 NGO kêu gọi LHQ lên tiếng để vụ Đồng Tâm được ‘‘xét xử công bằng’’

Monday, September 7, 2020 6:58:00 PM // ,

Ảnh tư liệu: Cựu chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung (áo trắng) tiếp xúc với dân xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức, Hà Nội ngày 22/04/2017.
Ảnh tư liệu: Cựu chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung (áo trắng) tiếp xúc với dân xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức, Hà Nội ngày 22/04/2017. AFP - STR
Trọng Thành
6 phút
Ngày mai, 07/09/2020, một tòa án tại Hà Nội mở phiên xử « vụ án Đồng Tâm ». Vụ tranh chấp đất đai kết thúc bằng sự can thiệp của lực lượng an ninh. Bốn người chết trong cuộc can thiệp, gồm một dân làng và ba công an. Trong số 29 bị cáo, là dân làng, nhiều người bị truy tố với khung hình phạt tối đa tử hình. 11 tổ chức phi chính phủ trong và ngoài nước gửi thư ngỏ đến Liên Hiệp Quốc kêu gọi can thiệp để vụ án được « xét xử công bằng »
Theo truyền thông Hoa Kỳ, 11 tổ chức phi chính phủ trong và ngoài nước, ngày 04/09/2020, công bố một bức thư chung gửi Liên Hiệp Quốc về việc xét xử 29 người dân xã Đồng Tâm. Thư chung gửi đến bà Elisabeth Tichy-Fisslberger, chủ tịch Hội Đồng Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc, có trụ sở tại Genève, Thụy Sĩ.
Những tổ chức ký tên vào thư chung nêu rõ: 29 dân làng Đồng Tâm chỉ vì cố gắng giữ đất chống lại việc chính quyền « cưỡng chiếm », mà bị bắt và sắp sửa bị đem ra xét xử vào ngày 7 tháng 9.
Các tổ chức ký tên vào thư chung kêu gọi bà chủ tịch Hội Đồng Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc yêu cầu chính quyền Việt Nam « xét xử công minh », phiên tòa mở công khai cho thân nhân, cũng như các tổ chức phi chính phủ, truyền thông quốc tế và đại diện của Liên Hiệp Quốc. Bức thư ngỏ gửi Liên Hiệp Quốc nhấn mạnh các bị cáo cần được đối xử công bằng theo đúng Công ước Quốc tế về Các quyền Dân sự và Chính trị (ICCPR), mà Việt Nam tham gia.
Bức thư ngỏ lưu ý, theo điều 14 của Công ước ICCPR, « một phiên tòa công bằng đòi hỏi ‘‘thời gian và phương tiện thích hợp để chuẩn bị cho việc bào chữa và việc trao đổi với luật sư mà chính người phải ra tòa tự chọn’’ », thế nhưng « những quy định về thủ tục này đã liên tục bị vi phạm trong suốt quá trình tố tụng khiến cho những cáo buộc chống lại họ trở nên tùy tiện ». Thư ngỏ kêu gọi « cho phép các bị cáo được gặp luật sư, chấm dứt hăm dọa các bị cáo để họ có quyền kêu oan theo đúng pháp luật, cũng như không hăm dọa luật sư ».
Trong số các tổ chức NGO ký tên vào thư ngỏ, có hai hiệp hội nhân quyền ACAT Pháp và ACAT Đức, chuyên cổ vũ cho việc thực thi Công Ước Chống Tra Tấn của Liên Hiệp Quốc, tổ chức Phóng Viên Không Biên Giới (RSF), Câu Lạc Bộ Nhà Báo Tự Do…
Vụ can thiệp bằng lực lượng an ninh tại xã Đồng Tâm, thuộc huyện Mỹ Đức, thành phố Hà Nội, gây chấn động công luận Việt Nam.  Trong đêm 08, rạng sáng 09/01/2020, khoảng 3.000 cảnh sát cơ động bộ Công An bao vây ngôi làng. Ông Lê Đình Kình, 84 tuổi, được coi là thủ lĩnh tinh thần của cuộc chiến bảo vệ đất của một bộ phận người dân Đồng Tâm, bị bắn chết tại nhà.
Cho đến nay, nhiều bí ẩn vẫn bao trùm vụ can thiệp. Theo nhiều nhà quan sát, nguyên nhân trực tiếp dẫn đến cái chết của ba sĩ quan công an chưa hề được chính quyền làm sáng tỏ. Ngay sau khi vụ can thiệp xảy ra, bộ Công An Việt Nam cũng đưa ra nhiều cách mô tả mâu thuẫn về các diễn biến. Trong dư luận, nhiều người lên tiếng chỉ trích chính quyền bưng bít thông tin về vụ án, bắt bớ những người đưa tin độc lập, định hướng hoàn toàn truyền thông chính thức theo hướng biến các bị cáo thành tội phạm, trước khi phiên tòa diễn ra.
Việc dùng vũ lực của chính quyền hoàn toàn không có cơ sở pháp lý
Một điểm được công luận đặc biệt chú ý là vụ can thiệp bằng vũ lực liên quan đến tranh chấp đất đai này diễn ra đúng vào lúc dân làng Đồng Tâm và Thanh tra chính phủ đang trong giai đoạn đối thoại, chưa hề có phán quyết mang tính cưỡng chế của tòa án.
Luật sư Ngô Anh Tuấn, một trong những người tham gia bào chữa trong vụ án Đồng Tâm, trong một cuộc trả lời phỏng vấn RFI sau khi vụ việc xảy ra, nhận định : Chính quyền hoàn toàn không có cơ sở pháp lý để dùng vũ lực tại Đồng Tâm.
Theo nhiều nhân chứng, ông Lê Đình Kình, người bị bắn chết trong vụ can thiệp, một đảng viên Đảng Cộng Sản Việt Nam, ngay trước vụ can thiệp, đã từng tin tưởng hết mực vào ban lãnh đạo tối cao của Đảng Cộng Sản Việt Nam. Nhiều nhà quan sát tại Việt Nam dự báo, nếu chính quyền quyết định dùng phiên tòa ngày mai làm nơi để áp đặt các trừng phạt nặng nề đối với các bị cáo, thì hệ quả sẽ rất khó lường.
Đây cũng là quan điểm của ông Bùi Đức Lại, nguyên vụ trưởng, Ban Tổ Chức Trung Ương, đưa ra trong một bài viết trên mạng xã hội tại Việt Nam: « Nếu họ tiếp tục đánh giá và làm sai, quyết “giết người dọa xã hội” thì không chỉ mạng sống (của những người bị đưa ra xét xử) bị đe dọa, mà sẽ tác động rất xấu đến toàn xã hội, đánh dấu một “bước ngoặt” trong quan hệ giữa dân chúng và thế lực cầm quyền ».

0 comments

Leave a comment

Powered by Blogger.