Hải Ngoại Ngày Nay


LIÊN KẾT HẢI NGOẠI YỂM TRỢ QUỐC NỘI ĐẤU TRANH

GIẢI THỂ CHẾ ĐỘ ĐỘC TÀI VIỆT CỘNG

GIẢi TRỪ HIỂM HỌA XÂM LĂNG TRUNG CỘNG

Tin Việt Nam – 09/09/2020

Wednesday, September 9, 2020 7:27:00 PM // ,

Tin Việt Nam – 09/09/2020

Đồng Tâm: VKSND Hà Nội đề nghị tử hình hai ông Lê Đình Công và Lê Đình Chức

Sáng 9/9, chỉ sau 2 ngày xét xử, VKSND Hà Nội đề nghị tòa tuyên tử hình Lê Đình Công và Lê Đình Chức. 27 bị cáo còn lại bị đề nghị các mức án từ 15 tháng tù treo đến chung thân.
Khi đọc bản luận tội với 29 bị cáo trong vụ án xảy ra ở xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức, VKSND Hà Nội đã nêu đề nghị thay tội danh.
Với 6 bị cáo bị truy tố tội Giết người, VKS đề nghị TAND Hà Nội tuyên phạt Lê Đình Công, 56 tuổi, con trai ông Lê Đình Kình (đã chết) và Lê Đình Chức, 40 tuổi, tử hình; Lê Đình Doanh, 32 tuổi, con của Lê Đình Công, chung thân; Bùi Viết Hiểu, 77 tuổi và Nguyễn Quốc Tiến 16-18 năm tù; Nguyễn Văn Tuyển 14-16 năm tù.
Theo Vnexpress đưa tin, trong 19 người được thay đổi tội danh từ Giết người thành Chống người thi hành công vụ. Theo đó, VKS đề nghị phạt Nguyễn Văn Quân (Quân “Mạ”, 40 tuổi), Lê Đình Uy (27 tuổi), Lê Đình Quang (36 tuổi) 6-7 năm tù. 16 bị cáo còn lại mức phạt đề nghị thấp nhất 18-26 tháng tù nhưng cho hưởng án treo, cao nhất 5-6 năm tù.
Báo chí Việt Nam trích lời VKS cho đây vụ án hình sự đặc biệt nghiêm trọng, vì tham lam, coi thường pháp luật các bị cáo đã thực hiện hành vi phạm tội gây hoang mang cho nhân dân. Khi công an làm
nhiệm vụ, các bị cáo cùng nhau hô hào kích động, tấn công khiến ba chiến sỹ hy sinh. Các bị cáo hành động “có tổ chức, mang tính chất côn đồ, giết nhiều người một cách dã man”; có sự cấu kết chặt chẽ với nhau, dưới sự cầm đầu chỉ huy của ông Kình.
Zingnews.vn dẫn lời VKS: từ năm 2017 và đầu năm nay, “Tổ đồng thuận” và nhiều người khác đã gây ra những vụ mất trật tự công cộng, bắt giữ người trái pháp luật hay cố ý làm hư hỏng tài sản ở địa phương.
Trước đó, đỉnh điểm vụ tranh chấp đất đai ở Đồng Tâm là việc dân làng Đồng Tâm bắt giữ hàng chục cán bộ công an làm con tin ngày 16/4/2017, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã trực tiếp xuống Đồng Tâm để đối thoại với người dân.
Trong cuộc đối thoại trực tiếp hôm 22/4/2017, ông Chung đã trao văn bản viết tay, cam kết không truy cứu trách nhiệm hình sự người dân Đồng Tâm.
Tuy nhiên, cũng dưới thời ông Chung, UBND TP Hà Nội cũng ký văn bản đồng ý với chủ trương của Công an TP Hà Nội về kế hoạch tấn công vào thôn Hoành rạng sáng ngày 9/1/2020.
Trong diễn biến khác, một nhóm các tổ chức xã hội dân sự gồm các tri thức và người dân Việt Nam đã khởi xướng một đơn yêu cầu khẩn cấp gửi các lãnh đạo chính quyền và tiến hành thu thập chữ ký với nội dung sau:
“Coi ông Bùi Viết Hiểu là nhân chứng đặc biệt, phải bảo vệ nhân chứng Bùi Viết Hiểu một cách đặc biệt; tốt nhất nên chuyển ông đến nơi giam giữ khác không do công an quản lý” vì ông là người chứng kiến một cảnh sát đã bắn chết ông Lê Đình Kình từ phía trước.
Phiên tòa xử 29 người Đồng Tâm dự kiến diễn ra trong 10 ngày, bắt đầu từ 7/9.
Tuy nhiên, trao đổi với BBC hôm 8/9, luật sư Ngô Anh Tuấn nhận định, với tốc độ xét xử như hiện tại, có thể phiên tòa có khả năng kết thúc sớm hôm thứ Năm 10/9.

Đồng Tâm: Án tử hình –

Luật sư và hai ông Công, Chức phản ứng gì?

Mỹ Hằng
Sau khi Viện Kiểm sát (VKS) TP Hà Nội đề nghị mức án tử hình với hai ông Lê Đình Công, Lê Đình Chức hôm 9/9, luật sư Đặng Đình Mạnh, người có mặt tại tòa, nói hồ sơ vụ án có quá nhiều thiếu sót, thì dù với bản án nhẹ nhất, chứ đừng nói tử hình, có khả năng cao là kết án oan sai.
Ông lý giải nhận định này với BBC News Tiếng Việt:
“Chưa thừa nhận vấn đề các bị cáo có tội hay không, nhưng các luật sư nhìn nhận rằng hồ sơ vụ án có rất nhiều thiếu sót.”
“Chẳng hạn như vấn đề triệu tập người tham gia tố tụng. Tòa không triệu tập Công an TP Hà Nội và nhiều cá nhân, tổ chức khác. Phía cơ quan điều tra cũng không tổ chức thực nghiệm hiện trường vụ án.”
“Với một hồ sơ như vậy, việc kết tội bất kỳ ai trong số các bị cáo cũng có thể dẫn đến oan sai, từ không có tội trở thành có tội, hoặc từ tội nhẹ thành tội nặng.”
“Trong điều kiện đó, bất kỳ đề xuất về hình phạt nào, ở mức độ nào, với bất kỳ bị cáo nào, đặc biệt là đối với bị cáo Lê Đình Công và Lê Đình Chức, thì đều là không thỏa đáng.”
“Do đó, các luật sư đã thống nhất kiến nghị tòa chuyển trả hồ sơ về cho cơ quan cảnh sát điều tra để điều tra lại, bổ sung những thiếu sót.”
Luật sư Mạnh cũng cho hay trong sáng 9/9, VKS đã thay đổi tội danh cho rất nhiều bị cáo, chỉ giữ lại 6 người ở nhóm tội ‘giết người’ (trước đây là 25 người), còn lại đều chuyển qua tội ‘chống người thi hành công vụ’.
“Như vậy, mức án dành cho các bị cáo này sẽ giảm nhẹ đi rất nhiều. Tôi cho rằng những bị cáo được hưởng án treo, hoặc những người đến thời điểm xét xử cũng đã gần hết hạn tù rồi thì có lẽ sẽ không kháng cáo. Còn những người từ vài năm tù trở lên sẽ kháng cáo.”
Theo tường thuật của luật sư Mạnh, thái độ của hai ông Lê Đình Công và Lê Đình Chức khi nghe đề nghị tử hình là ”hết sức bình thản”.
Bên cạnh đó, các luật sư tiếp tục không được gặp thân chủ trong ngày xử thứ ba.
“Trước đó khi các luật sư khiếu nại vấn đề này, tòa đã chấp thuận giải quyết. Trong buổi sáng xét xử thứ hai, các luật sư đã được gặp thân chủ. Nhưng khi vào phiên tòa, tới phần luận sư hỏi bị cáo thì có nhiều phần thông tin được hé lộ ra. Có lẽ vì vậy mà đến buổi chiều tòa thay đổi. Họ yêu cầu luật sư phải đăng ký trước mới được gặp thân chủ; và phải đứng cách xa thân chủ 2 mét. Còn đến hôm nay thì họ hoàn toàn không cho chúng tôi gặp nữa,” luật sư Mạnh nói.
Trong khi đó, theo đại diện VKS, hành vi của các bị cáo đặc biệt nghiêm trọng, bất chấp pháp luật, vì lòng tham mà gây ảnh hưởng đến lợi ích của người khác. Hành vi giết người của nhóm bị cáo cầm đầu là dã man, làm ảnh hưởng đến các hoạt động đúng đắn của Nhà nước, gây bất bình trong dư luận mà hậu quả là ba cảnh sát hi sinh.
‘Hội đồng xét xử cần cân nhắc tội danh trong vụ Đồng Tâm’
Trên Facebook cá nhân, luật sư Phùng Thanh Sơn viết:
“Thay vì chờ ban ngày, cơ quan điều tra đọc lệnh khám xét nhà để phát hiện và xử lý tội mua bán, tàng trữ vũ khí (nếu đúng sự thật là các bị cáo có mua lựu đạn để đối phó). Chính quyền bố ráp nhà ông Kình lúc đêm khuya như đi đánh giặc thì không thể nào nói là đúng pháp luật được. Trong lúc đêm khuya đem lực lượng đến bao vây, dùng súng xông vào nhà dân thì dân buộc phải chống trả thôi. Do đó HĐXX cần cân nhắc chuyển tội danh từ tội giết người sang tội giết người do vượt quá phòng vệ chính đáng (Điều 126 BLHS).”
“Xuất phát từ việc chính quyền không giải quyết thỏa đáng và đúng luật về vấn đề đất đai. Trái lại, chính quyền làm chuyện trái luật là đem quân đi bố ráp nhà ông Kình lúc nữa khuya thì hành vi của các bị cáo có thể được xem là phạm tội trong trường hợp trạng thái tinh thần bị kích động mạnh. Nếu chính quyền sử dụng quyền lực một cách hợp pháp, theo đúng trình tự thủ tục luật định thì chắc chắn những bị cáo này không phản ứng như vậy. Do đó, HĐXX cũng có thể cân nhắc chuyển sang tội giết người trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh (Điều 125 BLHS).”
Ngoài ra, luật sư Sơn dẫn Điều 126 BLHS, trong đó hình phạt cao nhất cho tội giết người do vượt quá phòng vệ chính đáng là 05 năm tù. Điều 125 BLHS: hình phạt đối với tội giết người trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh tối đa là 07 năm tù.
“Cách thức bảo vệ Đảng, bảo vệ chế độ tốt là xây dựng lòng tin của dân vào Đảng, vào chế độ chứ không phải tạo ra sự sợ hãi của dân đối với Đảng và chế độ,” ông Sơn viết.
Chưa rõ ba công an chết do nguyên nhân nào
Luật sư Đặng Đình Mạnh trao đổi với bà Dư Thị Thành, vợ ông Lê Đình Kình, tại căn nhà của ông bà với nhiều vết đạn
Theo luật sư Mạnh nói với BBC, trong giám định pháp y có kết luận ba công an chết do ngạt khí, và trong khí quản có CO2. Cáo trạng ghi do cháy xăng.
Theo trang 14 của kết luận điều tra đề ngày 5/6/2020:
“Khi thấy lửa chuẩn bị tắt, Chức cầm can xăng đổ ra chậu và đổ nhiều lần xuống hố làm lửa bùng cháy lớn, vừa đổ vừa nói: “Cho chết mẹ mày đi”. Hải ngồi cạnh Chức nói: “Thơm nhở”… (Đối tượng) Doanh sau khi đẩy chậu xăng xuống hố thì chạy xuống… và nhìn thấy Chức dùng chậu đổ 3-5 lần xuống hố, cứ 3-5 phút thì đổ một lần… Khi thấy Chức đang cầm chậu nhựa đựng xăng để tiếp tục đổ xuống hố… thì 01 thành viên trong Tổ công tác… bắn 02 phát về phía Chức khiến chậu xăng bị hất tung và Chức bị thương ở đầu, lăn vào trong…”.
Nhưng các luật sư cho rằng có nhiều nguồn có thể gây nguy hiểm tính mạng cho ba công an này. Chẳng hạn việc cứu hỏa xịt hai bình C02 xuống hố nơi ba công an rơi xuống, làm giảm nguồn oxi ở dưới hố, gây tử vong, chứ không hẳn do cháy xăng.
“Do có rất nhiều điều chưa rõ ràng như vậy, lẽ ra phải tổ chức thực hiệm điều tra. Vụ án chết tới bốn người mà không thực nghiệm điều tra là hết sức vô lý,” luật sư Đặng Đình Mạnh nói.
Trong sáng 9/9, các luật sư bào chữa cũng nếu vấn đề công an đã ra quyết định tấn công vào thôn Hoành như thế nào, vì đây là việc liên quan đến nhóm tội chống người thi hành công vụ.
Công an vào thôn Hoành làm gì?
Các luật sư đặt câu hỏi cho tòa rằng các lực lượng chức năng vào thôn Hoành có để thực hiện công vụ không, công vụ đó là gì, và phải chứng minh công vụ đó một cách hơp pháp.
“Trong hồ sơ vụ án có nói rằng phía công an có một kế hoạch để đảm bảo an toàn trật tự ở công trình xây dựng khu vực sân bay Miếu Môn. Có ba người phía công an khai trong hồ sơ vụ án rằng họ thuộc ‘Tổ đánh bắt’.
“Như vậy có vẻ như có chủ trương hay có văn bản nào đấy quy định họ đi vào thôn Hoành để bắt người. Nhưng khi luật sư yêu cầu công khai các văn bản đó ra thì tòa nói là không có, mà chỉ có văn bản trả lời của công an thành phố rằng hôm đó họ cho triển khai quân để đảm bảo an toàn an ninh trật tự cho xã Đông Tâm.”
“Nhưng đó là văn bản trả lời sau khi sự việc ở Đồng Tâm đã xảy ra rồi, còn văn bản quy định đêm đó họ hành quân vào thôn Hoành thì đâu? Trong hồ sơ vụ án không có. Sáng nay các luật sư đã đặt lại vấn đề và yêu cầu thu thập lại chứng cứ đó,” luật sư Mạnh nói.
Trước đó, ngay sau vụ việc chết người ở Đồng Tâm xảy ra, ngày 14/1/2020, thiếu tướng Lương Quang Tam, thứ trưởng Bộ Công an Việt Nam giài thích với truyền thông trong nước rằng việc “bố trí lực lượng vào thôn Hoành là để bảo vệ công trình từ xa. Hoàn toàn không có việc vào để bắt giữ. Lúc đó không hề có lệnh bắt giữ, dù biết rõ đây là nhóm quá khích. Đây chỉ là các tổ công tác đảm bảo tuyệt đối an toàn nhất các tình huống xảy ra.”
Liên quan tới cái chết của ông Lê Đình Kình, luật sư Ngô Anh Tuấn nhiều lần nêu vấn đề này, đề nghị làm rõ các tình tiết, chứng cứ liên quan, nhưng lần nào cũng bị tòa cắt ngang hoặc mời về chỗ ngồi, cho rằng vụ án này không để giải quyết về cái chết của ông Kình.
Trước đó, trong ngày xét xử thứ hai hôm 8/9, ông Lê Viết Hiểu khai rằng ông ở trong nhà ông Kình hôm 1/9/2020, chứng kiến công an đứng trước mặt ông Lê Đình Kình, ở cự ly 1 mét. Khi đó ông Kình không hề cầm quả lựu đạn nào trong tay, sau đó bị chó nghiệp vụ lôi xác ra ngoài, theo tường thuật của luật sư Ngô Anh Tuấn trên Facebook cá nhân.
Trong khi đó, kết luận điều tra của VKS nêu rằng công an bắt hai phát từ phía sau ông Lê Đình Kình, và rằng ông Kình chết khi trên tay còn giữ chặt một quả lựu đạn.

Luật sư: 19 trong 29 bị cáo Đồng Tâm nói

bị tra tấn trong giai đoạn điều tra

Một luật sư vào trưa ngày 9-9-2020 tiết lộ một chi tiết bất ngờ xảy ra vào cuối giờ xử ngày thứ 2 (8-9) trong vụ án Đồng Tâm đó là các bị cáo đồng loạt khẳng định mình bị tra tấn trong giai đoạn điều tra.
Luật sư Đặng Đình Mạnh tường thuật lại trên Facebook cá nhân: “Lúc 6h20′, trời Hà Nội đã tối hẳn. Trong phiên tòa có một luật sư lớn tuổi đề nghị cho nghỉ vì đã quá trễ, nhưng chủ tọa bác bỏ yêu cầu đó và cho phiên tòa tiếp tục.  Chủ tọa  mời các luật sư tham gia xét hỏi và luật sư Đặng Đình Mạnh giơ tay xin phép Hội đồng Xét xử tham gia xét hỏi.
Đầu tiên chủ tọa phiên tòa từ chối với lý do luật sư Đặng Đình Mạnh đã tham gia xét hỏi rồi; nhưng ông nêu qui định luật không hạn chế việc xét hỏi của luật sư. Ngoài ra ông lập luận thêm là câu hỏi phát sinh trong quá trình theo dõi sự xét hỏi của đồng nghiệp. Ông nói chỉ xin hỏi 1 câu ngắn rồi quay xuống hàng ghế những người bị truy tố nêu câu hỏi chung với tất cả 29 bị cáo rằng “ Nếu những ai CÓ bị tra tấn trong giai đoạn điều tra thì ngồi yên. Nếu những ai KHÔNG bị tra tấn trong giai đoạn điều tra thì vui lòng giơ tay.”
Đáp lại câu hỏi của luật sư Đặng Đình Mạnh có 10 cánh tay giơ lên. Như vậy có 19 người thừa nhận họ bị tra tấn trong giai đoạn điều tra.”
Vào tối ngày 8-9-2020, luật sư Ngô Anh Tuấn công bố bản ghi chép về phiên tòa Đồng Tâm ngày thứ hai cho thấy ông Lê Đình Công khai trong giai đoạn điều tra ông bị đánh hàng ngày bằng dùi cui cao su.
Bị đánh mười ngày như một. Ông Phạm Việt Anh dùng dùi cui cao su đánh!” - ông Công trả lời câu hỏi của luật sư Đặng Đình Mạnh về việc có hay không bị cơ quan điều tra bức cung nhục hình.
Riêng ông Bùi Viết Hiểu (77 tuổi) khi bị Hội đồng xét xử đặt câu hỏi về nguồn gốc đất đồng Sênh, ông cũng trả lời rõ ràng rằng “Bị cáo là chủ nhiệm Hợp tác xã, bị cáo nắm rõ nguồn gốc 59,6 ha đất đồng Sênh là đất nông nghiệp của người dân Đồng Tâm. Các cụ cao niên gần 90 tuổi ở địa phương đều công nhận với chúng tôi nội dung trên.”
Ông Hiểu cũng khẳng định việc thành lập Tổ đồng thuận hồi năm 2012 là để chống tham nhũng và nhiều cán bộ ở xã đã phải đi tù trước sự tố cáo của Tổ đồng thuận.
Ông Bùi Viết Hiểu nói thêm rằng “Tường rào xung quanh sân bay Miếu Môn đã được quân đội xây xong từ trước tết dương lịch nên kế hoạch bảo vệ xây tường rào chỉ là cái cớ để tấn công những người dân Đồng Tâm để xử lý người biết rõ về nguồn gốc đất đồng Sênh”.
Khi được xem đoạn clip nhận tội trước cơ quan điều tra ông Hiểu khẳng định bị điều tra viên bắt ép: “Tôi nghe rõ và những lời khai này nhưng đó là những lời do điều tra viên bắt tôi phải nói đúng như vậy.”
Các thông tin này đều không được báo đài nhà nước Việt Nam đăng tải.
Vụ xử 29 người dân Đồng Tâm bị cáo buộc tội giết người và chống người thi hành công vụ liên quan đến vụ cưỡng chế đất đai ở Đồng Tâm hôm 9/1/2020 dự kiến kéo dài 10 ngày.
Nhiều tổ chức nhân quyền quốc tế đã lên tiếng kêu gọi Việt Nam phải có cuộc điều tra độc lập và minh bạch về vụ tấn công của cảnh sát vào Đồng Tâm, đồng thời cho quan sát viên quốc tế vào theo dõi phiên toà vì lo ngại có tra tấn và ép cung đối với các bị cáo.

Vụ án Đồng Tâm gây tâm lý ‘sợ hãi, bất lực’

trong giới trẻ Việt Nam

Bùi Thư
Vụ án Đồng Tâm được xem là một trong những sự việc đặc biệt nghiêm trọng được đưa ra xét xử sơ thẩm ngày đầu tiên hôm 7/9. Vậy giới trẻ Việt Nam nghĩ gì về phiên tòa xét xử vụ Đồng Tâm?
Phiên sơ thẩm dự kiến diễn ra từ ngày 7 đến 17/9.
Đây là phiên xét xử sơ thẩm vụ án “giết người” và “chống người thi hành công vụ” xảy ra tại thôn Hoành thuộc xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức, TP Hà Nội. Vụ án liên quan đến tranh chấp, khiếu nại đất đai căng thẳng xảy ra từ nhiều năm qua, với đỉnh điểm là vụ đụng độ sáng sớm ngày 9/1/2020 khiến 3 cán bộ công an và ông Lê Đình Kình tử vong.
Trả lời BBC News Tiếng Việt từ Hà Nội ngày 8/9, An Nguyên (đã đổi tên) chia sẻ:
“Từ những phút đầu tiên của phiên tòa này đã định sẵn bản án. Tòa án là bên nắm giữ cán cân công lý mà họ lại đùa cợt với công lý như vậy. Nó như một phiên đấu tố hơn là phiên tòa vì họ đâu quan tâm dư luận, luật sư nói gì. Đó như cuộc trình diễn, đấu tố và ngấm ngầm sự dằn mặt cho những ai muốn đứng lên phản đối chính quyền về đất đai sẽ nhận lãnh hậu quả tương tự”.
Từ Mỹ, một du học sinh Việt Nam nói: “Tôi thấy rần rần trên Facebook, trên báo về vụ Đồng Tâm nhưng tôi không theo dõi vì đây không phải mối quan tâm của tôi”.
‘Đây là phiên luận tội, không phải phiên tòa’
Là giáo viên tiếng Anh, đã từng đi du học nước ngoài và đang dạy các bạn trẻ luyện thi bằng tiếng Anh để du học, Chung Sơn (đã đổi tên) nói với BBC:
“Những kênh tôi tiếp cận thông tin là báo chí chính thống, họ cũng đưa những tin giống nhau như giật tít về việc Chủ tịch Nguyễn Đức Chung được yêu cầu triệu tập chứ không đưa sâu về những vô lý ở tòa. Tôi đọc Thanh Niên, thấy quanh tòa án an ninh được siết chặt. Vì vậy, việc tiếp cận thông tin một cách độc lập chắc chắn bị hạn chế”.
“Còn rất nhiều câu hỏi xoay quanh vụ việc này: các bị cáo có bị ép cung hay không và vì sao lực lượng công an lại tấn công vào Đồng Tâm vào rạng sáng như vậy. Nhưng những câu hỏi hay kiến nghị hầu như bị bác bỏ. Chứng tỏ nền tư pháp đứng hẳn về phía nhà nước, chính quyền, không có sự công bằng cho người dân. Thậm chí, người dân Đồng Tâm còn không có cơ hội đòi công bằng”.
Khi được hỏi về nền Tư pháp Việt Nam, Chung Sơn nói rằng mọi người hay đùa ‘Công Lý’ chỉ là tên của diễn viên hài và nếu Việt Nam có nền tư pháp độc lập, công bằng thì không nhiều người phải nhảy lầu sau khi tòa tuyên án như vậy.
Anh nói: “Phiên tòa này có nhiều vi phạm về thủ tục tố tụng. Rõ ràng đây phiên buộc tội, đấu tố chứ không phải phiên tòa bởi chúng ta đều biết kết quả sẽ thế nào. Nếu phiên tòa diễn ra đúng tinh thần pháp luật hơn thì những bị cáo còn có thể được giảm nhẹ tội nhưng với tình hình này, người dân Đồng Tâm sẽ phải đối mặt với mức án nặng nề”.
Chung Sơn giải thích lý do: “Tôi muốn có lời giải đáp cho những thắc mắc của mình, để xem nhà nước có lý hay không, người dân Đồng Tâm có tội hay không. Chúng ta có thể không biết rõ chuyện gì đã xảy ra ngày 9/1, nhưng quan sát phiên tòa, chúng ta thấy được công lý không thuộc về những người dân Đồng Tâm”.
Chia sẻ với BBC từ Hà Nội, bạn trẻ An Nguyên cho biết: “Tôi cũng hình dung rằng phiên tòa sẽ có những thứ nực cười, vô thiên vô pháp nhưng tôi không ngờ nó kinh khủng như vậy: một tòa án mà bật một đoạn phim tuyên truyền có dàn dựng ngay trong phiên tòa cho cả luật sư, bị cáo nghe. Như vậy, từ những phút đầu tiên, phiên tòa này đã định sẵn bản án”.
“Tòa án là bên nắm giữ cán cân công lý mà họ lại đùa cợt với công lý như vậy. Đây như một phiên đấu tố hơn là phiên tòa vì họ đâu quan tâm dư luận, luật sư nói gì. Đó như cuộc trình diễn, đấu tố và ngấm ngầm dằn mặt cho những ai muốn đứng lên phản đối chính quyền về đất đai sẽ nhận lãnh hậu quả tương tự”, cô nhận định.
Còn người dùng Facebook Le Quang cho rằng tòa án Việt Nam có lẽ là nơi đầu tiên trong lịch sử hiện đại cho phép chiếu một bộ phim tuyên giáo có dàn dựng ngay trong phiên tranh luận.
Anh viết: “Việc đưa ra một đoạn phim tuyên giáo (đã qua cắt dựng) có thể góp phần tạo ra thông tin ngụy biện gây tổn hại đến uy tín của tòa án, nhân chứng, nạn nhân, nghi can … hơn nữa, nó gây tổn thương đến niềm tin nơi công chúng. Đây là điều mà mọi người bình thường đều hiểu chứ không cần phải có kiến thức chuyên sâu.
Ở những xã hội chặt chẽ, người ta coi trọng tính ‘trang trọng’ và ‘phẩm giá’ của tòa, mọi tài liệu được công bố phải là kết quả của quá trình thu thập, lưu trữ nghiêm túc. Một đoạn phim đã qua dàn dựng được trình chiếu trước tòa có thể coi là nỗi sỉ nhục rất lớn cho bản thân chánh án lẫn cả nền tư pháp. Nó không khác gì việc chiếu phim khiêu dâm trong phòng hội nghị cả”, người dùng Le Quang nhìn nhận.
Từ Chile, nhà văn Khải Đơn chia sẻ: “Tôi không ngạc nhiên với ứng xử của tòa, thẩm phán và cách họ tổ chức phiên tòa. Nó giống như các vụ xử kẻ giết bố Trịnh Kim Tiến, giống phiên tòa xử bà Nguyễn Ngọc Như Quỳnh… Nói chung chính quyền đối xử với các nông dân ở Đồng Tâm như kẻ mà họ thường gọi là phản động, như cấm người nhà dự phiên tòa, chặn và bắt các người đưa tin độc lập”.
‘Cảm giác sợ hãi, bất lực’
Ở Việt Nam, thế hệ trẻ luôn được xem là những người làm chủ tương lai của đất nước. Tuy nhiên, nếu vào những hội nhóm với phần đông là các bạn trẻ trên Facebook, không ít các hội nhóm đưa ra điều kiện rằng không bàn về chính trị nếu tham gia nhóm.
Nhà văn trẻ Khải Đơn nêu quan sát: “Điều khiến tôi hài lòng là các group hoạt động lăng nhăng thường ngày đưa tin vui vẻ, nhảm nhí lại trở thành chiến trường cãi nhau vì vụ này. Các group sau dịch Covid thường có quota chạy bài theo yêu cầu của nhà nước, dĩ nhiên, đưa thông tin vụ này. Và nhờ đó, tôi thấy người trẻ có quan tâm, muốn quan tâm đúng đắn thay vì sa vào chửi bới với nick ảo”.
“Nhưng thông tin lan truyền không đủ tốt, như không đến được với khán giả mới chưa quan tâm và biết về vụ việc, mà chỉ dừng ở nhóm người đọc đã từng biết vụ việc từ lâu. Sự thuyết phục với số đông khán giả trong xã hội cũng bị ảnh hưởng vì độc giả ít hơn”, Khải Đơn nói.
Về vấn đề này, Chung Sơn nói: “Ở Thái, dù nói xấu về hoàng gia là phạm pháp nhưng giới trẻ Thái Lan vẫn lập group cả hơn 1 triệu thành viên để bàn luận nghiêm túc về những vấn đề này. Nhưng ở Việt Nam, chỉ cần lên tiếng về chính trị có khi bị gắn mác phản động”.
Chung Sơn nói tiếp: “Cảm giác của tôi về cách hành xử của nhà nước sẽ khiến cho người dân Đồng Tâm nói riêng, người dân như tôi nói chung giận dữ. Nhiều người không nói ra, nhưng trong lòng họ bất an, mất lòng tin vào xã hội này. Vì hôm nay là người dân làng Đồng Tâm, đâu ai biết được ngày mai là người dân của quận này, xã kia ở Việt Nam”.
“Nhìn vào những gì đang xảy ra, tôi cảm thấy bất lực, giận dữ vì một nhóm người dân đã bị dồn đến đường cùng, họ phản kháng và cuối cùng bị ghép tội. Tôi không biết mình có thể làm gì được, càng ngày tôi cảm thấy đáng sợ hơn những gì tôi có thể tưởng tượng. Tôi không thể nào tưởng tượng chính quyền lật lọng, tráo trở như vậy”.
Chung Sơn thừa nhận: “Chúng tôi không nói với nhau, nhưng tự hiểu cần phải tự tìm đường: du học không phải chỉ để nâng cao kiến thức mà để kiếm nơi sống tốt hơn”.
Là người viết báo, nghiên cứu về chính sách, An Nguyên chia sẻ:
“Sự quan tâm của tôi không nằm ở việc đất đai thuộc về chính quyền hay người dân Đồng Tâm mà ở chỗ 4 giờ sáng ngày 9/1, đã có một cuộc tấn công của lực lượng công an vào nhà người dân. Cuộc tấn công này làm tôi cảm như mình ở một đất nước vô thiên, vô pháp. Tấn công xong thì bắt giam người, bắn chết người và bây giờ mở phiên tòa như thể tội lỗi toàn của nhân dân”.
“Ngày hôm qua sau khi quan sát phiên tòa, tôi cảm thấy tồi tệ. Tôi cảm thấy giữa người với người nhưng có người lại cùng khổ như vậy. Nếu người ta nghèo, người ta còn có thể bấu víu vào lao động bản thân để thoát nghèo. Nhưng người dân Đồng Tâm, họ không biết bấu víu vào đâu vì làm gì có công bằng, công lý. 29 con người, 29 gia đình đã mất hẳn cuộc đời, tương lai chấm dứt. Bây giờ là năm 2020, ở ngay thủ đô Hà Nội của nước mình lại có những điều trớ trêu như vậy,” An Nguyên tâm sự.
An Nguyên bộc bạch thêm: “Buồn hơn nữa là không nhiều người lên tiếng. Ở Mỹ, vì một người da đen, người ta có thể biểu tình rầm rộ đòi công lý. Ở Hong Kong, nhiều người trẻ biểu tình đòi quyền tự do. Ở Việt Nam, cũng ở Hà Nội này người ta xuống đường vì cây xanh nhưng giờ là mạng sống con người thì không ai lên tiếng”.
“Tôi thấy có quá nhiều sự im lặng, từ giới hoạt động, giới tri thức, báo giới. Bản thân tôi cũng tự thấy mình hèn khi không thể làm gì khác hơn. Những người cách mình chỉ vài chục cây số, sống cùng đất nước nhưng họ đang phải chịu cảnh bất công, tàn bạo”, An Nguyên nhìn nhận.
Quan sát diễn biến câu chuyện, một bạn trẻ giấu tên từ Việt Nam chia sẻ với BBC: “Tôi thấy trong vụ việc Đồng Tâm, nỗi sợ bao trùm dư luận lớn hơn và tới một lúc nào đó người ta không nhận ra đó là nỗi sợ nữa. Cũng như tới một lúc nào đó, người ta không nghĩ rằng đồng lõa với tội ác là sai trái nữa”.
“Việc tôi phải ẩn danh khi phỏng vấn nó cho thấy thực tế rằng ở xứ sở này, người ta không dám đeo tên mình dù nói về những điều đúng đắn”, bạn nói.

Lào Cai: Hai người tử vong trong trại tạm giam

Lãnh đạo Trại tạm giam Công an tỉnh Lào Cai hôm 9/9 xác nhận vừa có 2 nghi phạm chết trong thời gian đang bị tạm giam. Một người chết trong tư thế treo cổ, một người bị xác định chết vì xuất huyết dạ dày.
Truyền thông Nhà nước loan tin cùng ngày cho biết người bị tử vong vì xuất huyết dạ dày là ông Đoàn Quang Dũng (sinh năm 1962, trú tại phường Sa Pa, thị xã Sa Pa, tỉnh Lào Cai).
Cán bộ trại tạm giam phát hiện ông Dũng tử vong vào sáng ngày 27/8 vừa qua. Ông này trước đó bị bắt hôm 20/8 vì bị bắt quả tang đang cùng một người khác cầm hơn 5 triệu đồng đi mua Heroin.
Người thứ hai tử vong trong trại giam ở Lào Cai là ông Nguyễn Trọng Hà (sinh năm 1954, trú tổ dân phố Làng Luông, phường Bắc Sơn, thị xã Phổ Yên, tỉnh Thái Nguyên).
Ông Hà bị phát hiện đã tử vong trong tư thế treo cổ vào lúc 2 giờ sáng ngày 29/8. Tin nói ông này bị bắt hôm 18/3 trong lúc vận chuyển 5 bánh Heroin từ tỉnh Sơn La về Lào Cai để bán.
Trong diễn biến liên quan, Tòa án Nhân dân huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai, hôm 9/9 tuyên phạt một loạt các bị cáo từ 5 đến 8 năm tù vì tội cố ý gây thương tích xảy ra tại phòng giam giữ công an huyện Vĩnh Cửu.
Cáo trạng cho biết các bị cáo đều có tiền án và đang bị giam giữ tại nhà tạm giam để chờ ngày xét xử.
Các bị cáo đã đánh hội đồng ông Lại Hồng Dân (29 tuổi, trú tại địa phương, người bị bắt tạm giam hôm 6/12/2019 vì tội cố ý gây thương tích) vì cho rằng ông này “không giữ gìn vệ sinh”.
Ông Dân vào chiều ngày 8/12/2019 có biểu hiện tái mặt, lạnh người nên được quản giáo đưa đi cấp cứu nhưng không qua khỏi.

Bắt giữ ‘đại gia xăng dầu’ Ngô Văn Phát,

khám xét biệt thự ở Hải Phòng

Bình luậnKhôi Nguyên
Công an TP. Hải Phòng đã bắt giữ ông Ngô Văn Phát (còn gọi là Phát “dầu”, chuyên kinh doanh xăng dầu) vì hành vi buôn bán hóa đơn giá trị gia tăng.
Tối 8/9, Công an TP. Hải Phòng cho biết, vừa tống đạt các quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và bắt tạm giam đối với bị can Ngô Văn Phát (56 tuổi, quê xã Nam Hưng, huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình) về hành vi buôn bán hóa đơn giá trị gia tăng với trị giá lên đến hơn 5.000 tỷ đồng.
Cùng bị bắt còn có 3 nhân viên của đại gia này ở huyện Thủy Nguyên, Hải Phòng.
Truyền thông trong nước cho biết, từ cuối ngày 8/9, công an đã bắt đầu khám xét nơi ở của ông Phát là một tòa biệt thự nằm trên đường Lê Hồng Phong, quận Hải An, TP. Hải Phòng. Ngoài ra, cơ quan điều tra cũng khám xét một trụ sở công ty trên đường Trần Quang Khải.
Ông Ngô Văn Phát – Chủ tịch HĐQT Công ty CP TM Xăng Dầu Phát – Petraco hoạt động trong lĩnh vực xăng dầu và còn thực hiện một số dự án xây dựng, du lịch sinh thái trên địa bàn Thái Bình, Hải Phòng và Quảng Ninh.
Hiện Cơ quan CSĐT Công an huyện Thủy Nguyên đang phối hợp với các đơn vị nghiệp vụ Công an TP. Hải Phòng điều tra làm rõ và mở rộng vụ án.

Nguyên chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Đức Cơ

 có thể ngồi tù từ 15-20 năm

Viện Kiểm sát Nhân dân tỉnh Gia Lai vào ngày 9/9 cho biết đã chuyển toàn bộ hồ sơ liên quan đến ông Nguyễn Hồng Lam nguyên Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Đức Cơ sang Tòa án Nhân dân tỉnh Gia Lai để xét xử theo đúng quy định.
Truyền thông nhà nước Việt Nam loan tin cùng ngày cho biết, ông Nguyễn Hồng Lam cùng 2 thuộc cấp là Nguyễn Đông Dương và Nguyễn Xuân Tứ bị truy tố về tội “Tham ô tài sản” theo điều 353 Bộ luật hình sự với khung hình phạt từ 15-20 năm tù.
Riêng đối với Nguyễn Xuân Tứ còn bị Viện kiểm sát Nhân dân truy tố thêm về tội “Làm giả tài liệu của cơ quan tổ chức” theo điều 341 Bộ luật hình sự.
Theo cơ quan điều tra, từ năm 2005 đến 2012 các bị can nêu trên được bổ nhiệm vào các vị trí quan trọng của phòng Tài chính- Kế hoạch của huyện Đức Cơ và được giao thực hiện việc mua sắm thiết bị cho Đài tưởng niệm Nghĩa trang Liệt sĩ của huyện này.
Để phục vụ cho chuyến công tác và mục đích tiêu xài cá nhân từ ngân sách nhà nước, cả 3 đã lợi dụng chức vụ quyền hạn để tạm ứng số tiền gần hơn 520 triệu đồng. Để qua mặt được cơ quan điều tra, cả 3 đã lập thủ tục hoàn ứng trái quy định bằng cách cấp ngân sách bổ sung cho Phòng Lao động-Thương binh và Xã hội huyện để lập thủ tục hoàn ứng. Nhưng vì không có chứng từ kèm theo nên không quyết toán được và hành vi phạm tội bị phát hiện.
Viện Kiểm sát Nhân dân tỉnh Gia Lai khẳng định đây là hành vi xâm phạm đến tài sản Nhà nước, ảnh hưởng đến cơ quan nhà nước nước, gây ảnh hưởng xấu đến uy tín của cơ quan, tổ chức. Thời điểm bị phát hiện, ông Nguyễn Hồng Lam đang đương chức Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Đức Cơ.
Hiện tòa án nhân dân tỉnh Gia Lai đang lên kế hoạch để xét xử theo quy định pháp luật.

Một tàu cá Quảng Ngãi bị đâm chìm

trên vùng biển Bình Thuận, 1 người mất tích

Một tàu cá Quảng Ngãi đang hoạt động tại vùng biển cách đảo Phú Quý, tỉnh Bình Thuận 82 hải lý về phía Đông Đông Bắc đã bị tàu khác đâm chìm khiến một ngư dân mất tích.
Sự việc trên được truyền thông Nhà nước Việt Nam loan vào ngày 9/9 và không nêu chính xác tàu khác đâm tàu đánh bắt hải sản của ngư dân Quảng Ngãi là tàu của nước nào mà dùng từ ‘tàu lạ’.
Được biết, tàu của ngư dân Quảng Ngãi có số hiệu QNg 95618 TS bị tàu khác đâm chìm vào lúc 2 giờ sáng ngày 9/9. Lúc đó trên tàu có 27 thuyền viên, 26 thuyền viên đã được một tàu đánh cá khác giải cứu, còn một người vẫn mất tích. Trong số 26 người được giải cứu có 2 người bị chấn thương đầu, chảy máu và một người trong tình trạng sức khoẻ yếu.
Sau khi sự vụ diễn ra, hệ thống Thông tin duyên hải Việt Nam đã chuyển thông tin tới đơn vị tìm kiếm cứu nạn khu vực để có phương án hỗ trợ đồng thời phát thông báo yêu cầu các tàu thuyền hoạt động trong vùng lân cận tham gia tìm kiếm cứu nạn.
Trong tháng 6/2020, một tàu đánh cá của Quảng Ngãi với 15 lao động hành nghề trên vùng biển Hoàng Sa đã bị tàu Trung Quốc (TQ) rượt đuổi, tông va, khống chế, đánh và lấy hải sản, ngư cụ…Những người bên phía tàu TQ còn hành hung thuyền trưởng.
Trong khi đó, hôm 8/9, theo thông cáo của Tổ chức Sáng kiến Thăm dò biển Đông được tờ Sputnik loan, một máy bay do thám Mỹ RC-135W Rivet Joint của không quân Mỹ được nguỵ trang thành máy bay
dân dụng Malaysia đã tiến hành tuần tra tại vùng biển giữa đảo Hải Nam của TQ và quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền của VN.
Đây không phải lần đầu tiên Hoa Kỳ điều máy bay trinh sát tới tuần tra tại khu vực biển Đông trong tháng 9.

Hai thuyền trưởng bị xử phạt

vì vô hiệu hóa thiết bị giám sát hành trình tàu cá

Hai thuyền trưởng tàu cá vừa bị Bộ Chỉ huy Biên phòng Quảng Ngãi xử phạt và tước bằng điều khiển phương tiện tàu cá trong thời hạn 12 tháng vì vô hiệu hóa thiết bị giám sát hành trình.
Truyền thông nhà nước Việt Nam loan tin vừa nói hôm 9/9.
Hai thuyền trưởng vi phạm là ông Nguyễn Đại, 42 tuổi, thuyền trưởng tàu cá QNg 95036TS, sống ở xã Tịnh Hòa, thành phố Quảng Ngãi và ông Phạm Thành, 46 tuổi, thuyền trưởng tàu cá QNg 90839TS, ở xã Bình Châu, huyện Bình Sơn. Hai tàu này đăng ký ngành nghề câu, nhưng đã tự ý chuyển đổi sang nghề lặn trái phép.
Cụ thể tin cho biết, khi đang đi đánh bắt trên biển, thuyền trưởng Thành và Đại đã tác động vào nguồn điện gây cháy thiết bị giám sát hành trình nhằm cố ý ngắt tín hiệu kết nối với cơ quan chức năng. Đồng thời hai thuyền trưởng này cũng không kê khai nhật ký khai thác hải sản theo qui định của pháp luật.
Ngoài việc bị cơ quan chức năng tước bằng lái tàu 12 tháng, 2 thuyền trưởng còn bị phạt số tiền là 197 triệu đồng và tịch thu trên 15 tấn hải sản khai thác không đúng ngành nghề.
Cũng tin liên quan, chỉ trong 8 tháng đầu năm 2020, có 92 tàu cá Việt Nam bị nước ngoài bắt giữ vì đánh bắt trái phép. Ngoài ra mỗi ngày còn phát hiện 90 tàu mất tín hiệu giám sát hành trình.
Thông tin vừa nói được Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đưa ra hôm 8/9 tại cuộc họp lần thứ 4 của Ban Chỉ đạo quốc gia về chống khai thác bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU).
Phát biểu tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Phùng Đức Tiến cho biết, hiện có 9 tỉnh thành tại Việt Nam có tàu cá bị nước ngoài bắt giữ, nhưng tập trung chủ yếu tại các tỉnh Kiên Giang 58 tàu, Cà Mau 8 tàu, Bến Tre 7 tàu, Bà Rịa Vũng Tàu 6 tàu… Các tàu cá bị bắt giữ chủ yếu ở các nước như Malaysia, Indonesia , Thái Lan, Campuchia và Philippines…

Việt Nam tăng lên 1.059 bệnh nhân dịch Covid-19

Bình luậnNguyễn Sơn
Chiều nay (9/9), Bộ Y tế thông báo có thêm 5 ca bệnh nhiễm dịch Covid-19, trong đó có hai cháu bé 4 tuổi và 11 tuổi.
5 ca mắc mới là các bệnh nhân số 1055 đến 1059, đều là các ca nhập cảnh được cách ly ngay tại tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu. Các bệnh nhân này từ Ukraina về nước trên chuyến bay VN28. Danh sách cụ thể như sau:
Bệnh nhân 1055: Nam, 60 tuổi, có địa chỉ tại xã Quốc Tân, huyện Nam Sách, tỉnh Hải Dương.
Bệnh nhân 1056: Nam, 11 tuổi, có địa chỉ tại phường Cửa Nam, quận Hai Bà Trưng, Thành phố Hà Nội.
Bệnh nhân 1057: Nam, 30 tuổi, có địa chỉ tại xã Hoài Thương, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh.
Bệnh nhân 1058: Nữ, 4 tuổi, có địa chỉ tại phường Lê Lợi, thị xã Sơn Tây, Thành phố Hà Nội.
Bệnh nhân 1059: Nữ, 37 tuổi, có địa chỉ tại xã Bình Minh, huyện Bình Giang, tỉnh Hải Dương.
BN1055-1059 về từ Ukraina về nước trên chuyến bay VN28 nhập cảnh tại Sân bay Tân Sơn Nhất vào ngày 01/9/2020, được chuyển cách ly tập trung ngay sau khi nhập cảnh tại tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu.
Kết quả xét nghiệm lần 1 của các bệnh nhân vào ngày 03/9/2020 là âm tính, kết quả xét nghiệm lần 2 vào ngày 09/9/2020 tại Viện Pasteur Thành phố Hồ Chí Minh là dương tính với dịch Covid-19.
Hiện các bệnh nhân được cách ly, điều trị tại Trung tâm Y tế huyện Long Điền, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu.
Như vậy, tổng số ca nhiễm của Việt Nam tăng lên 1.059, số khỏi là 890. Số người tử vong do Covid-19 là 35, ba người tử vong sau ba đến bốn lần xét nghiệm âm tính.
Hiện 5 bệnh nhân tiên lượng rất nặng, một người tiên lượng tử vong. Ngoài ra, hiện có 3 bệnh nhân tại Bệnh viện Dã chiến Hoà Vang, Đà Nẵng mặc dù đã công bố khỏi COVID-19 nhưng vẫn trong tình trạng nguy kịch là bệnh nhân 416, bệnh nhân 888 và bệnh nhân 763 vì mắc các bệnh nền. Riêng bệnh nhân 416 vẫn trong tình trạng ECMO phổi nhân tạo, còn bệnh nhân 888 có cải thiện về các dấu hiệu lâm sàng.
Sáu ngày qua Việt Nam không có ca lây nhiễm trong cộng đồng.
Khi thế giới chưa có vaccine phòng bệnh, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn nhấn mạnh, đã đến lúc chúng ta phải xác định chung sống an toàn với đại dịch COVID-19. Bộ Y tế đề nghị người dân thực hiện tốt thông điệp 5 K gồm: khẩu trang, khử khuẩn, khoảng cách, không tụ tập và khai báo y tế để giữ an toàn cho bản thân và xã hội trước đại dịch COVID-19.

Hơn 4 triệu găng tay y tế giả tại TP.HCM bị thu giữ

Tâm Tuệ
Cơ quan chức năng TP.HCM đã phát hiện, thu giữ hàng triệu găng tay cao su y tế kém chất lượng, đã qua sử dụng.
Nhiều tờ báo trong nước như VTV, Người lao động, Dân trí… hôm 9/9 đăng tin cho biết, giới hữu trách TP.HCM đã phát hiện, thu giữ khoảng 4.000 thùng carton chứa khoảng 4 triệu gang tay cao su y tế kém chất lượng đã qua sử dụng, tại kho hàng số 998 đường Nguyễn Văn Tạo, xã Hiệp Phước, huyện Nhà Bè.
Lô hàng này đều không hoá đơn, chứng từ mua bán, nguồn gốc xuất xứ, giả thương hiệu găng tay y tế của Công ty Cổ phần VRG Khải Hoàn.
Người thuê kho hàng được xác định là Nguyễn Ngọc Trung (sinh năm 1989, quê Hải Phòng) và một người tên Huy ở Long An. Kho hàng này được thuê lại cách đây khoảng 1 tuần thì bị phát hiện.
Trước đó hôm 14/6, Cục quản lý thị trường Bình Dương kiểm tra tại công ty TNHH Aim Laxmi, phát hiện có 1.410 kg găng tay y tế đã qua sử dụng đã được phân loại chuẩn bị tái chế và 1.174 kg găng tay y tế đã qua sử dụng đang chờ phân loại.
Kiểm tra tiếp tại kho hàng của công ty này, giới hữu trách phát hiện thêm 2,1 triệu găng tay y tế đã tái chế, nằm trong 2.105 kiện đã bao gói và ghi nhãn bằng “tiếng nước ngoài”, chuẩn bị xuất bán. Tất cả lô hàng đều không rõ nguồn gốc xuất xứ.

14 quân nhân Việt Nam bị nhiễm Covid-19

sau khi tham gia Army Games tại Nga

Việt Nam vừa cách ly 14 thành viên trong đội tuyển thể thao quân đội trở về nước sau khi tham gia Hội thao Quân sự Quốc tế (Army Games) tại Nga và được phát hiện nhiễm virus corona.
Thông tin được đưa ra trong cuộc họp về phòng chống Covid-19 của thành phố Hà Nội vào chiều 8/9, theo VnExpress.
Ngoài các trường hợp nhiễm bệnh được chuyển đi cách ly và điều trị tại bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương 2, 22 chuyên gia, cán bộ Đại sứ quán Nga và 187 thành viên đoàn thể thao, học viên và nhân viên Văn phòng chính phủ cũng được đưa đi cách ly tại khách sạn Crowne Plaza West Hanoi và tại trường Quân sự của Bộ Tư lệnh Thủ đô.
Đoàn Việt Nam đã tham gia Hội thao Quân sự Quốc tế 2020 do Nga tổ chức từ ngày 23/8 – 5/9. Đây là lần thứ ba Việt Nam tham gia sự kiện này và giành được 3 huy chương đồng và đoạt cúp vô địch Bảng 2 Tank Biathlon.
Tin cho hay quân đội Việt Nam năm nay cử lực lượng vận động viên lớn nhất tham gia hội thao và Liên hoan văn hóa các dân tộc “Tình bạn không biên giới” do Nga tổ chức.
Theo bảng tổng sắp huy chương được Bộ Quốc phòng Nga công bố, đoàn Nga xếp thứ nhất, kế đó là đoàn Belarus và Uzbekistan. Đứng thứ 4 là đoàn Trung Quốc. Việt Nam xếp thứ 11/14 nước tham gia.
Tính đến ngày 9/9, Nga ghi nhận hơn 1,04 triệu ca nhiễm Covid-19 với hơn 18.000 trường hợp tử vong.

Chuyên gia khuyến cáo CSVN tìm cách

giảm phụ thuộc nguồn nguyên liệu từ Trung Cộng

Tin từ Hà Nội: Một số chuyên gia kinh tế kỳ cựu khuyến cáo nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam tìm cách giảm phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu sản xuất của Trung Cộng để bảo vệ sản xuất trong nước.  Trao đổi với báo Dân Việt, tiến sỹ kinh tế Lê Đăng Doanh cho rằng hiện nay Việt Nam đang phụ thuộc quá nặng vào các nguồn nguyên liệu của Trung Cộng như dệt may, phụ tùng điện tử, vật tư nông nghiệp…
Một nguyên nhân chính là Trung Cộng bán với giá rẻ, linh hoạt và đáp ứng được hầu hết yêu cầu thay đổi của khách hàng.  Ông Doanh cho rằng Việt Nam cần xây dựng được các vùng nguyên liệu thay thế cho nguồn cung từ Trung Cộng, hoặc tìm cách nhập cảng từ quốc gia khác như như Ấn Độ và Bangladesh.
Ông nói nếu phụ thuộc quá nặng vào một thị trường thì dễ bị quốc gia xuất cảng chèn ép giá trong khi phát triển nguồn cung nội địa có thể tạo việc làm cho người dân.  Tuy nhiên, trong việc phát triển nguồn nguyên liệu nội địa trong một số ngành có nguy cơ gây ô nhiễm nặng như dệt may thì Việt Nam cần tính toán cẩn thận và có chính sách bảo vệ môi trường thích hợp.
Đồng ý với nhận định của ông Doanh, tiến sỹ kinh tế Võ Trí Thành cho rằng việc phát triển vùng nguyên liệu cho nhiều ngành hàng đã được đặt ra từ lâu trong phát triển sản xuất dựa trên chuỗi cung ứng và chuỗi giá trị sản xuất. Tuy nhiên, để hiệu quả thì phải chú ý đến lợi thế so sánh, chi phí kết nối và phát triển kỹ thuật, đặc biệt là kỹ thuật thông tin và kỹ thuật số.
Nhà cầm quyền Hà Nội dường như cũng ý thức được mối nguy hiểm của sự phụ thuộc vào Trung Cộng nhưng hiện chưa có chính sách hợp lý để giảm mối nguy này.
Quốc Tuấn

CSVN từ chối kỹ thuật Hoa Kỳ

để sửa cầu Thăng Long vì không đủ tin cậy

Tin Vietnam.- Báo Vietnamnet ngày 8 tháng 9 năm 2020 loan tin, ông Nguyễn Trung Sỹ, trưởng cơ quan Cai quản xây dựng đường bộ thuộc bộ Giao thông vận tải Cộng sản nói rõ nguyên nhân từ chối kỹ thuật của Hoa Kỳ là vì không đủ tin cậy.
Theo ông Sỹ, vào cuối năm 2019, tập đoàn Versaflex của Hoa Kỳ đã từng giới thiệu sản phẩm của mình với một công ty ở Việt Nam, đồng thời đề nghị dùng nó là phương án để sữa cầu Thăng Long tại Hà Nội. Kỹ thuật của tập đoàn Verseflex có ưu điểm là tạo hệ thống lớp phủ phòng nước chất lượng cao. Tuy nhiên, sau khi nghiên cứu, bộ Giao thông vận tải Cộng sản đã từ chối, vì cho rằng tập đoàn Verseflex chỉ chào hàng mỗi keo dính bám mặt đường nên cơ quan này thấy không đủ tin cậy để hợp tác.
Ông Sỹ cho biết, bộ Giao thông vận tải Cộng sản đã chọn kỹ thuật châu Âu để sửa mặt cầu Thăng Long. Để thực hiện việc sửa mặt cầu, bộ Giao thông vận tải Cộng sản cũng đã nhờ đến chuyên gia Nga để sửa mặt cầu Thăng Long. Sau đó, ông Kazaryan, tổng giám đốc một công ty xây dựng của Nga đã sang Việt Nam khảo sát, làm việc.
Ông Kazaryan đề nghị bộ Giao thông vận tải phải chuyển trả trước cho ông 7% trên tổng giá trị số tiền sửa chữa, tương đương khoảng 14 tỷ đồng. Tuy nhiên, do pháp luật của Cộng sản không cho phép chuyển tiền trước nên việc mời chuyên gia Nga thực hiện sửa mặt cầu đã bất thành. Sau đó, nhà cầm quyền đã mời chuyên gia Trung Cộng, nhưng do dịch nên chuyên gia Trung Cộng chưa thể sang Việt Nam thực hiện.
An Nhiên

Vấn nạn xã hội Việt Nam

dưới sự lãnh đạo toàn diện của Đảng Cộng sản

Lễ Quốc khánh 75 năm với những câu chuyện đau lòng
Một loạt những thông tin được truyền thông Nhà nước loan đi trong những ngày đầu tháng 9/2020 khiến cho người quan tâm rất đỗi bàng hoàng.
Nào là câu chuyện một bé gái 10 tuổi phải dẫn đứa em trai chạy trốn khỏi người mẹ ruột bắt con đi ăn xin ở Bà Rịa-Vũng Tàu. Bà mẹ được phát hiện đã nhẫn tâm cho rít độc cắn chân, chích điện con mình để đạt được mục đích kiếm tiền bằng sự bất nhân mà khó ai có thể hình dung nỗi.
Nào là hình ảnh trong một video lan truyền trên mạng cho thấy một bà mẹ già 88 tuổi, sức yếu bị con gái bạo hành. Biện pháp hành hạ được ghi lại gồm cảnh đánh đập, thậm chí bắt bà mẹ phải ăn phân và người mẹ bất hạnh đã qua đời.
Thêm nữa, một vụ việc gây chấn động dư luận qua thông tin hàng trăm hũ tro cốt được phát hiện vất lẫn lộn ở phía sau chùa Kỳ Quang 2, tại TP.HCM.
Bên cạnh đó, còn không ít những bản tin được báo giới trong nước đăng tải dồn dập hàng chục cán bộ, lãnh đạo bị sai phạm nghiêm trọng, nhất là liên quan đến vấn đề đất đai nhưng chỉ bị kỷ luật với hình thức cảnh cáo hoặc khiển trách.
Đài RFA ghi nhận, một số người dân trong nước chia sẻ rằng những câu chuyện vừa nêu không phải mới xảy ra trùng hợp trong dịp lễ Quốc khánh Việt Nam 75 năm mà dường như vẫn diễn ra hàng ngày, hàng tháng kể từ khi Đảng CSVN giữ vai trò lãnh đạo duy nhất đất nước này.
Hậu quả của lãnh đạo độc đảng
Thật sự mà nói thì Chủ nghĩa Cộng sản tàn phá những giá trị dân tộc và những truyền thống văn hóa của dân tộc. Nó đẩy xã hội đến những suy thoái về tư tưởng, về đạo đứ, về niềm tin của con người và nó cũng khuyến khích việc đấu tranh giai cấp, tranh giành, đấu đá. Chính quyền tồn tại bằng sự tuyên truyền dối trá và bằng đàn áp, khủng bố. Đó là yếu tố chính của chính quyền này
-Tiến sĩ Mạc Văn Trang
Ông Lê Nguyễn, một nhà nghiên cứu lịch sử Việt Nam, vào ngày 8/9 nói với RFA rằng ông ghi nhận xã hội Việt Nam, tính từ thời điểm sau ngày 30/4/1975 cho đến hiện tại thì do hậu quả của nền giáo dục. Ông Lê Nguyễn trình bày quan điểm của ông:
“Đại khái xã hội bây giờ tha hóa đến mức đó thì đó là hệ quả của một nền giáo dục thiếu tính nhân bản, mà nặng phần chính trị. Do đó, dẫn đến hệ quả mà con người không còn sống với đạo đứ nhân bản giống như trước đây nữa. Cho nên, mới xảy ra những chuyện mà trước năm 1975, trong xã hội miền Nam không hề có. Chẳng hạn như hiện tượng cả ông bố và ông nội cùng hiếp dâm một đứa con, đứa cháu ruột. Những chuyện như vậy không bao giờ xảy ra trong xã hội mà tôi đã sống thời trước năm 1975.”
Tiến sĩ Giáo dục Mạc Văn Trang nói với RFA rằng kể từ khi Đảng CSVN lên nắm chính quyền hồi năm 1945 và xuyên suốt 8 thập niên qua đã làm cho các giá trị của quốc gia và xã hội bị thay đổi.
“Thật sự mà nói thì Chủ nghĩa Cộng sản tàn phá những giá trị dân tộc và những truyền thống văn hóa của dân tộc. Nó đẩy xã hội đến những suy thoái về tư tưởng, về đạo đứ, về niềm tin của con người và nó cũng khuyến khích việc đấu tranh giai cấp, tranh giành, đấu đá. Chính quyền tồn tại bằng sự tuyên truyền dối trá và bằng đàn áp, khủng bố. Đó là yếu tố chính của chính quyền này.”
Giáo sư Nguyễn Đình Cống, một đảng viên tuyên bố ra khỏi Đảng vào ngày kỷ niệm thành lập Đảng năm 2016, tiếp lời giáo sư Mạc Văn Trang:
“Chúng tôi thấy rằng Đảng CSVN làm cách mạng từ năm 1945, gây ra chiến tranh và tuyên truyền những chuyện dối trá. Ví dụ như Cuộc Cách mạng tháng 8, thì Việt Minh-Cộng sản nói rằng đánh Pháp, đuổi Nhật, giành độc lập về chính quyền nhân dân thì tất cả các điều ấy đều dối trá cả. Tại vì, họ không đánh Pháp, họ không đuổi Nhật, họ cũng không giành độc lập mà nếu như giành chính quyền thì chỉ có cướp chính quyền về tay Đảng, chứ cũng không phải vì nhân dân.”
Giáo sư Nguyễn Đình Cống dẫn chứng rằng những đảng viên Đảng CSVN trong bộ máy chính quyền lãnh đạo đất nước là một “giai cấp mới”, lợi dụng vào chính sách đất đai toàn dân để hưởng quyền lợi và trở nên giàu có cùng với quyền lực trên cơ sở phá hoại đất nước, bốc lột và áp bức nhân dân. Thành phần thứ hai mà giáo sư Nguyễn Đình Cống nêu lên là các nhà “tư bản đỏ” do liên kết với chính quyền, tạo ra những nhóm lợi ích để thâu tóm tất cả những đặc quyền, đặc lợi mà gây ra những hậu quả khôn lường cho đất nước và xã hội Việt Nam. Điển hình rõ ràng nhất là phiên tòa xét xử 29 người dân Đồng Tâm, mà giáo sư Nguyễn Đình Cống khẳng định đó là những nạn nhân của chế độ do Đảng CSVN “cầm quyền”.
“Những người hoạt động về dân chủ cho rằng tòa án giẫm đạp lên nền công lý và pháp luật, sỉ nhục những con người lương thiện. Đặc biệt, những nhà phản biện và các nhà hoạt động dân chủ rất chống đối phiên tòa này.”
Thành tựu ra sao và tương lai thế nào?
Việt Nam từ ngày 30/4/1975 và sau hơn 4 thập niên dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, được thế giới công nhận có nền kinh tế phát triển vượt bậc và ổn định qua các chỉ số Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) tăng vượt ngưỡng trong hai năm liền 7% (2018) và 7,2% (2019). Chỉ số lạm phát ở mức 2,76%; xuất siêu đạt 9 tỷ đô la Mỹ (USD); lượng kiều hối chảy vào Việt Nam lên đến gần 17 tỷ USD trong năm 2019, được xếp là năm thứ 3 liên tiếp thuộc nhóm 10 quốc gia nhận kiều hối lớn nhất thế giới.
Tuy nhiên, theo đánh giá của một số chuyên gia kinh tế thì sự phát triển của Việt Nam được được đặt trong bối cảnh chung của khu vực và thế giới để nhìn nhận một cách chính xác rằng sự tiến bộ đó ngang tầm hay bị tụt hậu.
Trong khi đó, cũng không ý ít kiến cho rằng kinh tế Việt Nam phát triển chỉ nhờ vào vay nợ của nước ngoài và khai thác tài nguyên. Và một nghịch lý được đưa ra rằng song song với những thành tựu về phát triển kinh tế thì các giá trị về đạo đức, văn hóa…ngày càng xuống cấp.
Anh Nguyễn Tiến Trung, một thanh niên hoạt động dân chủ và là một cựu tù nhân lương tâm, vào tối ngày 8/9 khẳng khái nói với RFA rằng Đảng CSVN không có cạnh tranh, không có tòa án độc lập thì đương nhiên các quan chức càng ngày càng sa đọa, hủ hóa và hủ bại và tất yếu dẫn đến hệ lụy xã hội ngày càng suy thoái.
Nói thẳng rằng nếu tiếp tục theo kiểu thống trị của Đảng CSVN hiện nay thì xã hội Việt Nam ngày càng lụn bại. Tương lai của dân tộc và đất nước này u ám lắm và càng u ám thêm nữa là Đảng CSVN vẫn nương cậy vào Đảng Cộng sản Trung Quốc
-Giáo sư Nguyễn Đình Cống
“Như mọi người cũng biết là một đảng toàn trị thì bao giờ họ cũng tìm cách là bao giờ cũng giữ cho dân trí thấp thì họ mới có thể cai trị dân được. Cho nên nền giáo dục của chế độ độc đảng toàn trị thì người ta tìm cách cho ngu dân. Quan điểm của Trung từ trước đến nay là chắc chắn một chế độ độc Đảng toàn trị như hiện nay thì tình hình xã hội càng lúc càng tệ.”
Giáo sư Nguyễn Đình Cống nhấn mạnh rằng mục đích của Đảng CSVN “không phải lo quản trị xã hội và mang lại hạnh phúc cho người dân mà chỉ tập trung vào quyền lợi của chính họ”.
Một điều rất quan trọng mà những người quan tâm đến đất nước Việt Nam đều nhìn thấy, đó là sự gắn kết giữa Đảng CSVN với Đảng Cộng sản trung Quốc.
“Nếu như xem rằng đuổi được thực dân Pháp là ‘đuổi hổ cửa trước’ thì Cộng sản Việt Nam ‘rước sói cửa sau’. ‘Sói’ này là Chủ nghĩa Cộng sản, đặc biệt là Cộng sản Trung Quốc mà họ rước về không những để phá hoại, họ còn rước về Đảng Cộng sản Trung Qốc về để thờ tự.”
Giáo sư Nguyễn Đình Cống còn đưa ra kết luận về viễn cảnh của Việt Nam, trong trường hợp Đảng CSVN vẫn tiếp tục điều hành đất nước như 75 năm qua:
“Nói thẳng rằng nếu tiếp tục theo kiểu thống trị của Đảng CSVN hiện nay thì xã hội Việt Nam ngày càng lụn bại. Tương lai của dân tộc và đất nước này u ám lắm và càng u ám thêm nữa là Đảng CSVN vẫn nương cậy vào Đảng Cộng sản Trung Quốc.”

Điểm tin trong nước sáng 9/9:

Con gái bạo hành mẹ vì không để lại tài sản;

Ông Ngô Văn Phát bị bắt vì hơn 5.000 tỷ đồng

Mục Điểm tin trong nước sáng thứ Tư (9/9) của DKN xin gửi đến quý độc giả những tin sau:
Ông Ngô Văn Phát bị bắt vì hơn 5.000 tỷ đồng
Tối 8/9, Công an TP.Hải Phòng cho biết, ông Ngô Văn Phát cùng 3 nhân viên của đại gia này đã bị bắt vào tối 30/8 ở H.Thủy Nguyên, Hải Phòng vì hành vi buôn bán hóa đơn giá trị gia tăng với trị giá lên đến hơn 5.000 tỷ đồng.
Theo tìm hiểu của Thanh Niên, ông Ngô Văn Phát sinh năm 1964 ở H.Tiền Hải, tỉnh Thái Bình. Ông Phát là Chủ tịch HĐQT của Công ty Cổ phần Thương mại xăng dầu Phát – Petraco, Chủ tịch HĐQT, Giám đốc Công ty Cổ phần Tập đoàn Phú Thành. Ông Phát nổi tiếng là người giàu có và đặc biệt là sở hữu những ngôi nhà to như lâu đài ở Hải Phòng và Thái Bình. Doanh nhân này được cho là cũng có nhiều hoạt động xã hội được ghi nhận, đặc biệt là ở Thái Bình.
Con gái bạo hành mẹ, nói do bực tức vì mẹ không để lại tài sản
Báo Tiền Phong thông tin, chiều 8/9, nhà hữu trách huyện Cần Đước (tỉnh Long An) đã quyết định khởi tố bị can, lệnh bắt tạm giam đối với bà Trần Thị Hoa (sinh năm 1964, ngụ xã Long Hòa, tỉnh Long An). Bà Hoa bị bắt để điều tra hành vi “Ngược đãi hoặc hành hạ ông bà, cha mẹ, vợ chồng, con, cháu hoặc người có công nuôi dưỡng mình” theo quy định tại Điều 185, Bộ Luật Hình sự.
Trước đó, ngày 7/9, trên mạng xã hội xuất hiện một video dài khoảng 7 phút, ghi lại hình ảnh một người phụ nữ bạo hành một cụ bà. Sau đó, thông tin xác nhận người phụ nữ đó là bà Hoa đang ngược đãi người mẹ 79 tuổi vào tháng 11/2019. Khi đó, bà Hoa đã liên tục chửi bới, xưng mày tao, dùng chổi đánh vào mặt, đầu bà cụ. Bị đánh, bà cụ chỉ ngồi co trên giường, đưa tay đỡ.
Hiện bà cụ đã mất khoảng một tuần (ngày 2/9). Còn người quay video là con gái bà Hoa, 32 tuổi.
Ngày 2/9, anh họ bà Hoa đến dự tang lễ bà cụ. Ông được con gái bà Hoa kể lại việc bà ngoại bị mẹ đánh đập, chửi mắng. Sau đó, ông này đã chia sẻ video do cô gái gửi lên mạng xã hội.
Nhà chức trách cho biết, bà Hoa thừa nhận hành vi ngược đãi, bạo hành mẹ mình như trong clip . Theo bà Hoa, bà bức tức việc mẹ mình không để lại tài sản, trong khi chỉ một mình bà nuôi dưỡng mẹ.
2 thực tập sinh Việt Nam mất tích trong siêu bão ở Nhật Bản
Tổng Lãnh sự quán Việt Nam tại Fukouka đã liên hệ, làm việc với nahf trức trách Nhật Bản, cùng một số nhân viên, thực tập sinh Việt Nam khác ở Miyazaki để xác minh thông tin, tìm hiểu chi tiết nhân thân…
Chính phủ Nhật Bản đã yêu cầu lực lượng cảnh sát và cứu nạn địa phương tích cực tìm kiếm tuy nhiên chưa có kết quả.
Cách ly 14 người diện F0 trong đoàn quân đội dự Army Games tại Nga về nước
Chiều 8/9, báo Người lao động dẫn tin trong phiên họp trực tuyến thứ 62 của TP. Hà Nội với các quận huyện để tiếp tục thực hiện các biện pháp để kiểm soát dịch bệnh tại TP.
Theo đó, ông Hoàng Đức Hạnh – Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội thông tin, Bộ tư lệnh Thủ đô, Sở Y tế phối hợp với Cục Quân Y tổ chức đón, vận chuyển cách ly cho đoàn thể thao của quân đội dự Army Games từ Liên bang Nga về Hà Nội trong ngày 8/9.
Trong đó, chuyển 14 trường hợp F0 và 11 trường hợp F1 đến cách ly, điều trị tại BV Bệnh nhiệt đới Trung ương 2; chuyển 22 chuyên gia và cán bộ Đại sứ quán Nga cách ly tại khách sạn Crowne Plaza West Hanoi; chuyển 187 thành viên đoàn thể thao, học viên và nhân viên Văn phòng Chính phủ cách ly tại Trường Quân sự – Bộ Tư lệnh Thủ đô.
Ông Hạnh cũng thông tin thêm, tính từ ngày lấy mẫu (17/8) đến nay đã 22 ngày Hà Nội không ghi nhận thêm ca mắc mới ngoài cộng đồng.
Hà Nội: Xử lý hơn 31.000 bánh trung thu không bảo đảm an toàn thực phẩm
Trong tám tháng đầu năm 2020, Cục quản lý thị trường Hà Nội đã xử lý hơn 3.645 vụ vi phạm với tổng số tiền xử lý  hơn 98 tỷ đồng (trong đó phạt hành chính 34 tỷ đồng, trị giá hàng tịch thu 16,9 tỷ đồng, trị giá hàng tiêu hủy, tái chế 46,9 tỷ đồng.)
Thông tin vừa nêu được ông Nguyễn Minh Hùng, Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường thành phố Hà Nội cung cấp cho báo chí trong một cuộc họp hôm 8/9, theo Tiền Phong.
Ông Hùng cho biết các hàng hóa vi phạm tập trung vào hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất sứ, mặt hàng nguyên liệu sản xuất thực phẩm (phụ gia thực phẩm, nguyên liệu sản xuất trà sữa)…
Riêng kết quả kiểm tra, xử lý vi phạm an toàn thực phẩm liên quan đến bánh trung thu, từ đầu tháng 8/2020, đơn vị đã kiểm tra, xử lý 6 vụ việc vi phạm trong lĩnh vực này, phạt hành chính trên 58 triệu đồng; tạm giữ, xử lý hơn 31.000 sản phẩm bánh trung thu các loại.

Điểm tin trong nước tối 9/9 –

Cảnh báo hai loại sữa nhập khẩu không đủ hàm lượng;

Nhân viên y tế tiêm chui vắc-xin bạch hầu

90 nghìn đồng/người

Mục Điểm tin trong nước tối thứ Tư (9/9) của DKN xin gửi đến quý độc giả những tin sau:
Nhân viên y tế tiêm chui vắc-xin bạch hầu 90 nghìn đồng/người
Người lao động đưa tin, ngày 9/9, một lãnh đạo Sở Y tế tỉnh Đắk Nông cho hay, nữ nhân viên Võ Thị Châu H. công tác tại trung tâm y tế huyện Cư Jút lợi dụng tình hình dịch bệnh bạch hầu đã cùng chồng
là ông Nguyễn Xuân T. (làm việc tại Trung tâm Văn hóa- Thể Thao và Truyền thông huyện Cư Jút) tổ chức tiêm vắc-xin trái phép cho hàng chục người để thu lợi riêng.
Theo lời khai của bà H., do quen biết từ trước với bà Ngô Thị Bích N. (ngụ thôn 8, xã Cư Êbur), bà H. đã nhận lời đến tiêm vắc-xin bạch hầu tại nhà cho gia đình bà N. Đồng thời, bà H. đề nghị bà N. mời thêm nhiều người dân có nhu cầu tập trung tại nhà bà N. để tổ chức tiêm.
Từ 15h30 đến 16h30 ngày 4/9, bà H. đã tiêm cho 36 người dân sinh sống tại thôn 8 và thu số tiền 90.000đồng/người.
Tại thời điểm làm việc bà H. không xuất trình được giấy phép, chứng chỉ hành nghề cũng như hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc vắc-xin đã tiêm cho người dân.
Cảnh báo hai loại sữa nhập khẩu không đủ hàm lượng
“Cục nhận được thông tin từ Tổ chức Alive & Thrive về việc Tổng cục Bảo vệ người tiêu dùng, Cạnh tranh và Chống gian lận Campuchia phát hiện một số lô của hai sản phẩm Nutrilatt 1 và Nutrilatt 2 có hàm lượng sắt và kẽm thấp hơn nhiều so với hàm lượng công bố trên nhãn”, thông báo của Cục cho hay, theo VnExpress.
Giới chức Campuchia đã lấy mẫu từ 6 lô hàng mã số 487, 488, 536, 537, 538, 539 của hai loại sữa trên để kiểm nghiệm. Kết quả cho thấy hàm lượng sắt và kẽm thấp hơn nhiều so với tiêu chuẩn của Tổ chức tiêu chuẩn thực phẩm quốc tế (Codex) và quy định của Việt Nam.
Bà Trần Việt Nga, Phó Cục trưởng An toàn Thực phẩm, cho biết hiện chưa rõ chi tiết hàm lượng sắt và kẽm trong Nutrilatt 1 và Nutrilatt 2 thấp như thế nào. Theo Codex, hàm lượng sắt trong sữa bột là 2,286 miligam/100 g.
Cục An toàn Thực phẩm đang đề nghị phía Campuchia cung cấp chi tiết thông tin, đồng thời tạm dừng lưu thông 6 lô hàng này trên thị trường Việt Nam.
Phụ huynh rút hồ sơ vì bức xúc các khoản phí
Theo Thanh Niên, trước đó, nhiều phụ huynh bức xúc phản ánh bị Hệ thống giáo dục Sky-Line (TP.Đà Nẵng) phạt 5 triệu đồng mới cho rút hồ sơ học sinh, trong khi dịch Covid-19 gây khó khăn kinh tế, gia đình không đủ điều kiện học tiếp ở Sky-Line…
Phản hồi PV Thanh Niên bằng văn bản, đại diện Sky-Line nhìn nhận khoản 5 triệu đồng khi rút hồ sơ là “phí hành chính”, “chi phí biên chế nhân sự, hành chính, phí cơ hội…”. Sau khi trên mạng lan truyền video một số phụ huynh không hài lòng chính sách của Sky-Line, trong ngày 4 và 5/9, trường đã không thu khoản phí trên để học sinh rút hồ sơ qua trường mới, nhưng năm học này Sky-Line vẫn áp dụng “phí hành chính”.
Về việc không hoàn lại khoản “phí đầu năm” (5 – 10 triệu đồng/học sinh tùy cấp học), Sky-Line cho rằng đây là phí phát triển trường, phí cơ sở vật chất, phí đồ dùng bán trú (bàn chải, gối, nệm, dép)…
Việt Nam có 50.000 hệ thống điện mặt trời mái nhà
Báo Thanh Niên ngày 9/9 đưa tin, theo Tập đoàn Điện lực Việt Nam, đến đầu tháng 9/2020, cả nước đã có tổng cộng gần 50.000 hệ thống điện mặt trời mái nhà với tổng công suất gần 1.200 MWp được lắp đặt và đưa vào vận hành. Trong đó, công suất phát triển điện mặt trời ở phía Nam chiếm 48% tổng suất điện mặt trời mái nhà của tập đoàn.
Đại diện Tập đoàn Điện lực Việt Nam cho biết, tiềm năng phát triển điện mặt trời mái nhà ở Việt Nam còn rất lớn. Ngoài số lượng hàng triệu mái nhà của các hộ gia đình thì mái nhà của các cơ quan, trung tâm thương mại, nhà xưởng… là những nơi có thể lắp đặt các hệ thống điện mặt trời mái nhà trong thời gian tới.

0 comments

Leave a comment

Powered by Blogger.