Luận cứ bào chữa tại phiên tòa sơ thẩm vụ án Đồng Tâm
9-9-2020
Tòa án nhân dân Thành phố Hà Nội, ngày 07/09/2020.
Kính thưa Hội đồng xét xử,
Tôi, Luật sư Hà Huy Sơn thuộc Công ty Luật TNHH Hà Sơn là người bào chữa cho các bị cáo, xin trình bày quan điểm bào chữa như sau:
1- Bị cáo Bùi Viết Hiểu, sinh năm 1943.
2- Bị cáo Bùi Thị Nối, sinh năm 1958.
Bị truy tố về tội giết người quy định tại điểm a, d, n, o khoản 1 Điều 123 Bộ luật hình sự 2015, Luật sửa đổi, bổ sung năm 2017:
Điều 123. Tội giết người
1. Người nào giết người thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình:
a) Giết 02 người trở lên;
d) Giết người đang thi hành công vụ hoặc vì lý do công vụ của nạn nhân;
n) Có tính chất côn đồ;
o) Có tổ chức;
3- Bị cáo Trần Thị Phượng, sinh năm 1984.
Bị truy tố về tội chống người thi hành công vụ quy định tại điểm a khoản 2 Điều 330 Bộ luật hình sự 2015, Luật sửa đổi, bổ sung năm 2017:
Điều 330. Tội chống người thi hành công vụ
1. Người nào dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc dùng thủ đoạn khác cản trở người thi hành công vụ thực hiện công vụ của họ hoặc ép buộc họ thực hiện hành vi trái pháp luật, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:
a) Có tổ chức;
I. Đề nghị Tòa trả hồ sơ để điều tra bổ sung:
– Căn cứ quy định tại khoản 1 Điều 280 “Trả hồ sơ điều tra bổ sung” Bộ luật tố tụng hình sự 2015.
Điều 280. Trả hồ sơ để điều tra bổ sung
1. Thẩm phán chủ tọa phiên tòa ra quyết định trả hồ sơ cho Viện kiểm sát để điều tra bổ sung khi thuộc một trong các trường hợp:
a) Khi thiếu chứng cứ dùng để chứng minh một trong những vấn đề quy định tại Điều 85 của Bộ luật này mà không thể bổ sung tại phiên tòa được;
c) Có căn cứ cho rằng còn có đồng phạm khác hoặc có người khác thực hiện hành vi mà Bộ luật hình sự quy định là tội phạm liên quan đến vụ án nhưng chưa được khởi tố vụ án, khởi tố bị can;
d) Việc khởi tố, điều tra, truy tố vi phạm nghiêm trọng về thủ tục tố tụng.
Điều 85. Những vấn đề phải chứng minh trong vụ án hình sự
Khi điều tra, truy tố và xét xử vụ án hình sự, cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải chứng minh:
1. Có hành vi phạm tội xảy ra hay không, thời gian, địa điểm và những tình tiết khác của hành vi phạm tội;
2. Ai là người thực hiện hành vi phạm tội; có lỗi hay không có lỗi, do cố ý hay vô ý; có năng lực trách nhiệm hình sự hay không; mục đích, động cơ phạm tội;
Thông tư liên tịch số 02/2017/TTLT-VKSNDTC- TANDTC – BCA – BQP ngày 22/12/2017:
Điều 6. Phối hợp thực hiện trả hồ sơ để điều tra bổ sung trong các trường hợp quy định tại điểm d khoản 1 Điều 245 và điểm d khoản 1 Điều 280 của Bộ luật Tố tụng hình sự
1. Khi có vi phạm nghiêm trọng về thủ tục tố tụng thuộc một trong các trường hợp sau đây thì Viện kiểm sát, Tòa án trả hồ sơ để điều tra bổ sung:
b) Không chỉ định, thay đổi hoặc chấm dứt việc chỉ định người bào chữa cho người bị buộc tội theo quy định tại Điều 76 và Điều 77 của Bộ luật Tố tụng hình sự;
k) Việc điều tra, thu thập chứng cứ để chứng minh đối với vụ án không đúng trình tự, thủ tục quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự nên không có giá trị chứng minh trong vụ án hình sự;
o) Có căn cứ để xác định có việc bức cung, nhục hình trong quá trình tiến hành tố tụng làm cho lời khai của bị can không đúng sự thật;
Bộ luật TTHS 2015:
Điều 76. Chỉ định người bào chữa
1. Trong các trường hợp sau đây nếu người bị buộc tội, người đại diện hoặc người thân thích của họ không mời người bào chữa thì cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải chỉ định người bào chữa cho họ:
a) Bị can, bị cáo về tội mà Bộ luật hình sự quy định mức cao nhất của khung hình phạt là 20 năm tù, tù chung thân, tử hình;
b) Người bị buộc tội có nhược điểm về thể chất mà không thể tự bào chữa; người có nhược điểm về tâm thần hoặc là người dưới 18 tuổi.
2. Cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải yêu cầu hoặc đề nghị các tổ chức sau đây cử người bào chữa cho các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này:
a) Đoàn luật sư phân công tổ chức hành nghề luật sư cử người bào chữa;
b) Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước cử Trợ giúp viên pháp lý, luật sư bào chữa cho người thuộc diện được trợ giúp pháp lý;
c) Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên của Mặt trận cử bào chữa viên nhân dân bào chữa cho người bị buộc tội là thành viên của tổ chức mình.
Điều 77. Thay đổi hoặc từ chối người bào chữa
1. Những người sau đây có quyền từ chối hoặc đề nghị thay đổi người bào chữa:
a) Người bị buộc tội;
b) Người đại diện của người bị buộc tội;
c) Người thân thích của người bị buộc tội.
Mọi trường hợp thay đổi hoặc từ chối người bào chữa đều phải có sự đồng ý của người bị buộc tội và được lập biên bản đưa vào hồ sơ vụ án, trừ trường hợp quy định tại điểm b khoản 1 Điều 76 của Bộ luật này.
2. Trường hợp người bị bắt, người bị tạm giữ, người bị tạm giam trong giai đoạn điều tra có đề nghị từ chối người bào chữa do người thân thích của họ nhờ thì Điều tra viên phải cùng người bào chữa đó trực tiếp gặp người bị bắt, người bị tạm giữ, người bị tạm giam để xác nhận việc từ chối.
3. Trường hợp chỉ định người bào chữa quy định tại khoản 1 Điều 76 của Bộ luật này, người bị buộc tội và người đại diện hoặc người thân thích của họ vẫn có quyền yêu cầu thay đổi hoặc từ chối người bào chữa.
Trường hợp thay đổi người bào chữa thì việc chỉ định người bào chữa khác được thực hiện theo quy định tại khoản 2 Điều 76 của Bộ luật này.
Trường hợp từ chối người bào chữa thì cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng lập biên bản về việc từ chối người bào chữa của người bị buộc tội hoặc người đại diện, người thân thích của người bị buộc tội quy định tại điểm b khoản 1 Điều 76 của Bộ luật này và chấm dứt việc chỉ định người bào chữa.
Thứ nhất:
Cơ quan điều tra vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng, quy định tại điểm d khoản 1 Điều 280 BLTTHS và điểm b khoản 1 Điều 6 Thông tư liên tịch số 02/2017/TTLT-VKSNDTC- TANDTC – BCA – BQP ngày 22/12/2017.
Vụ án có 25 bị cáo trong tổng số 29 bị cáo bị truy tố tội “Giết người” có khung hình phạt từ 12 năm đến 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình. Theo quy định tại Điều 76 Cơ quan điều tra (CQĐT) phải chỉ định người bào chữa cho các bị cáo. Nhưng ngay sau khi bị bắt và trong những lần lấy lời khai đầu tiên, CQĐT yêu cầu các bị cáo viết đơn từ chối luật sư và lập biên bản về việc các bị cáo từ chối luật sư. Tôi cho rằng đây là hành vi ép buộc các bị cáo của CQĐT, vì:
1. Việc từ chối luật sư được tất cả 25 bị cáo thực hiện trong cùng một khoảng thời gian ngắn, ngay sau khi bị bắt. Trong khi các trình độ hiểu biết pháp luật của các bị rất hạn chế; đa số các bị cáo có trình độ văn hóa thấp.
2. Thủ tục từ chối luật sư của các bị cáo là không hợp lý vì CQĐT chưa chỉ định luật sư cho bị cáo thì các bị cáo lấy lý do gì từ chối luật sư, từ chối luật sư nào. Hơn nữa tại phiên tòa có nhiều bị cáo không đồng ý với Kết luận điều tra và Cáo trạng của Viện kiểm sát thì không hợp lý khi cho rằng trong giai đoạn điều tra các bị cáo tự nguyện từ chối luật sư.
3. Việc các bị cáo từ chối luật sư trong giai đoạn điều tra ban đầu là vi phạm Điều 77 BLTTHS. Chỉ đến khi CQĐT đã có đủ lời khai cần thiết để nghị truy tố thì mới chỉ định luật sư hoặc chấp nhận luật sư do gia đình các bị cáo mời. Tôi cho rằng, đến lúc này, vai trò của các luật sư chỉ là để hợp thức về mặt tố tụng cho CQĐT.
Thứ hai:
Bị cáo Bùi Thị Nối tại phiên tòa ngày 08/09/2020 khai tại tòa: Lúc bị cáo bị bắt, bị cáo đang bị thương nhưng khi lấy cung vẫn bị đánh vào chân rất đau đớn tại đồn Công an Miếu Môn để ép cung. Và một số bị cáo khác cũng khai tại tòa là trong giai đoạn điều tra khi chưa có Luật sư cũng bị đánh đập, bức cung, nhục hình – Vi phạm điểm o khoản 1 Điều 6 Thông tư liên tịch số 02/2017/TTLT-VKSNDTC- TANDTC – BCA – BQP.
Thứ ba:
Điều 204. Thực nghiệm điều tra
1. Để kiểm tra, xác minh tài liệu, tình tiết có ý nghĩa đối với việc giải quyết vụ án, Cơ quan điều tra có thể thực nghiệm điều tra bằng cách dựng lại hiện trường, diễn lại hành vi, tình huống hoặc những tình tiết khác của một sự việc nhất định và tiến hành các hoạt động thực nghiệm cần thiết. Khi thực nghiệm điều tra phải đo đạc, chụp ảnh, ghi hình, vẽ sơ đồ, ghi rõ kết quả thực nghiệm điều tra vào biên bản.
Cơ quan điều tra không thực nghiệm điều tra để kiểm tra, xác minh việc 03 Công an bị rơi xuống hố và bị đốt bằng xăng như thế nào là Vi phạm Điều 85 và Điều 204 BLTTHS và b khoản 1 Điều 6 Thông tư liên tịch số 02/2017/TTLT-VKSNDTC- TANDTC – BCA – BQP.
Thứ tư:
Căn cứ lời khai của bị cáo Bùi Viết Hiểu tại phiên tòa ngày 08/09/2020, tôi cho rằng có dấu hiệu có người khác thực hiện hành vi phạm “Tội giết người do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng hoặc do vượt quá mức cần thiết khi bắt giữ người phạm tội” quy định tại Điều 126 BLHS đối với ông Lê Đình Kình và ông Bùi Viết Hiểu chưa được khởi tố vụ án, khởi tố bị can – Vi phạm điểm c khoản 1 Điều 280 BLTTHS 2015.
Điều 126. Tội giết người do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng hoặc do vượt quá mức cần thiết khi bắt giữ người phạm tội
1. Người nào giết người trong trường hợp vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng hoặc trong trường hợp vượt quá mức cần thiết khi bắt giữ người phạm tội, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.
2. Phạm tội đối với 02 người trở lên, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 05 năm.
II. Đề nghị Hội đồng xét xử:
– Với các căn cứ và lý lẽ nêu trên, Tôi đề nghị Hội đồng xét xử xem xét trả hồ sơ vụ án để điều tra bổ sung.
Tôi xin cám ơn sự lắng nghe của các quý vị.
Hà Nội, ngày 09 tháng 09 năm 2020.
0 comments