Hải Ngoại Ngày Nay


LIÊN KẾT HẢI NGOẠI YỂM TRỢ QUỐC NỘI ĐẤU TRANH

GIẢI THỂ CHẾ ĐỘ ĐỘC TÀI VIỆT CỘNG

GIẢi TRỪ HIỂM HỌA XÂM LĂNG TRUNG CỘNG

Tin khắp nơi – 09/09/2020

Wednesday, September 9, 2020 7:24:00 PM // ,

Tin khắp nơi – 09/09/2020

Bầu cử 2020: Trump và Biden tranh cãi về vaccine cho Covid-19

Donald Trump và Joe Biden đã trao đổi những lời lăng mạ quan điểm của nhau về vaccine Covid-19.
Tổng thống Trump một lần nữa ám chỉ rằng có thể sẽ có một loại vaccine trước cuộc bầu cử tổng thống ngày 3/11 và cáo buộc đối thủ đảng Dân chủ có những “lời lẽ chống vaccine liều lĩnh”.
Ông Biden tỏ ra hoài nghi là Trump sẽ biêt lắng nghe các nhà khoa học và thực hiện một quy trình vaccine minh bạch.
Hoa Kỳ hiện có sáu triệu trường hợp nhiễm virus corona, con số cao nhất trên thế giới.
Virus corona cũng đã cướp đi sinh mạng của gần 190.000 người ở Mỹ, gây ra cuộc suy thoái kinh tế trầm trọng, tỷ lệ thất nghiệp cao và niềm tin của người tiêu dùng bị sụt giảm.
Tuần trước, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC) đã thúc giục các tiểu bang xem xét việc “bỏ bớt các điều kiện” để có thể phân phối vaccine trước ngày 1/11 – hai ngày trước cuộc bầu cử 3/11.
Hiện chưa có vaccine nào hoàn thành các thử nghiệm lâm sàng. Điều khiến một số nhà khoa học lo sợ rằng chính trị chứ không phải sức khỏe và sự an toàn là động cơ đang thúc đẩy việc sản xuất vaccine.
Cả ông Biden và người đứng cùng liên danh Kamala Harris đều đặt câu hỏi về độ tin cậy của tổng thống với vấn đề này. Thượng nghị sĩ Kamala Harris tuyên bố hôm Chủ nhật rằng bà sẽ không tin lời ông Trump nói là vaccine an toàn và ông Biden cũng đặt câu hỏi liệu công chúng có thể tin cậy ông Trump hay không.
“Ông ấy đã nói rất nhiều điều không đúng với sự thật. Tôi lo rằng nếu chúng ta có một loại vaccine thực sự tốt thì mọi người sẽ miễn cưỡng dùng nó”, ông Biden nói tại Pennsylvania hôm Thứ Hai, ngày lễ Lao động tại Hoa Kỳ.
Nhưng Biden nói thêm: “Nếu ngày mai tôi có thể tiêm vaccine, tôi sẽ làm điều đó. Nếu phải trả giá bằng cuộc bầu cử, tôi sẽ làm điều đó. Chúng ta cần vaccine và chúng ta cần nó ngay bây giờ. Chúng ta phải lắng nghe các nhà khoa học.”
Ông Trump, người đang bị thua trong các cuộc thăm dò, phản bác tại một cuộc họp báo của Nhà Trắng, gọi ông Biden là “ngu ngốc” và bà Harris là “người cấp tiến nhất trong Quốc hội … không phải là người có thẩm quyền, theo quan điểm của tôi”.
Ông Trump nói họ “sẽ phá hủy đất nước này và sẽ phá hủy nền kinh tế này”, rồi nói thêm rằng họ “nên ngay lập tức xin lỗi vì những luận điệu liều lĩnh chống vaccine mà họ đang nói lúc này”.
Tổng thống, đôi khi yêu cầu các nhà báo cởi bỏ khẩu trang khi đặt câu hỏi, một lần nữa nói rằng có thể sẽ có một loại vacine vào tháng tới.
Ông nói: “Chúng ta sẽ sớm có vaccine, thậm chí có thể trước một ngày rất đặc biệt.”
Chuyên gia hàng đầu về bệnh truyền nhiễm của Hoa Kỳ, Tiến sĩ Anthony Fauci, nói rằng chắc không có khả năng nhưng “không phải là không thể” có một loại vaccine giành được sự chấp thuận vào tháng 10, và Stephen Hahn thuộc Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm nói việc phê duyệt vaccine trước khi hoàn tất thử nghiệm lâm sàng có thể là điều “thích hợp”nếu lợi ích vượt trội nguy cơ.
Nhưng cả các nhà khoa học, Nhà Trắng và giám đốc điều hành của năm công ty dược phẩm hàng đầu đã nói rõ rằng sẽ không có bất kỳ sự thỏa hiệp nào về tính an toàn và hiệu quả của vaccine.
Ba thử nghiệm vaccine ở Mỹ hiện đang trong giai đoạn cuối – mỗi thử nghiệm gồm 30.000 người được tiêm thuốc, cách nhau ba tuần và sau đó sẽ được theo dõi về nhiễm trùng virus corona và các tác dụng phụ trong bất kỳ thời gian nào từ một tuần đến hai năm, theo tin của Associated Press.

Ông Trump chỉ trích ông Biden đẩy nước Mỹ

vào vũng lầy chiến tranh triền miên không dứt

Hương Thảo
Tổng thống Donald Trump hôm thứ Hai (7/9) đã chỉ trích các quan chức hàng đầu Bộ Quốc phòng Mỹ và ứng viên đối nghịch Joe Biden vì đẩy nước Mỹ vào vũng lầy chiến tranh không ngừng nghỉ, theo The BL.
Tại một cuộc họp báo ở Nhà Trắng, Tổng thống Trump nói, “Tôi không nói quân đội Mỹ thích tôi”, nhưng “những người lính Mỹ lại thích tôi”.
“Những người đứng đầu Lầu Năm Góc có lẽ không ưa tôi, vì họ không muốn làm gì khác ngoài việc tham chiến [ở hải ngoại] để làm hài lòng tất cả những tập đoàn quân sự ngoài kia đang sản xuất bom, chế tạo máy bay chiến đấu và mọi thứ khác”, ông nói thêm.
“Một số người không thích [đưa quân đội] trở về nhà, một số người thích tiếp tục tiêu tiền [cho chiến tranh]”, ông Trump nói.
Trước mặt các nhà báo tại Nhà Trắng, Tổng thống Trump đã đề nghị việc rút quân đội Hoa Kỳ khỏi “các cuộc chiến bất tận”.
Bình luận của ông Trump đã gây ra một làn sóng phản ứng trên các trang mạng xã hội.
Trên một số bài đăng Twitter của mình, Tổng thống Trump đã chia sẻ video được những người dùng khác đăng tải, so sánh ông với cựu Tổng thống Dwight Eisenhower.
Một trong những dòng tweet cho thấy bài phát biểu hết nhiệm kỳ của cựu tổng thống Eisenhower vào năm 1961, trong đó ông cảnh báo người dân Mỹ về sức mạnh và tầm ảnh hưởng ngày càng gia tăng của tổ hợp công nghiệp-quân sự (giới nhà thầu quốc phòng).
“Sự kết hợp giữa một cơ sở quân sự rộng lớn và một ngành công nghiệp sản xuất vũ khí lớn là điều khá mới mẻ trong kinh nghiệm của người dân Mỹ. … Trong các hội đồng chính phủ, chúng ta phải đề phòng việc thu thập sức ảnh hưởng vượt quá tầm ảnh hưởng của tổ hợp công nghiệp-quân sự. Tiềm năng trỗi dậy của thứ quyền lực đặt sai chỗ vẫn tồn tại và sẽ còn tồn tại”, vị tổng thống thứ 34 từng cảnh báo trước khi rời Nhà Trắng 59 năm trước, vào năm 1961.
Tuyên bố cuối cùng của vị cựu tổng thống lặp lại những cảnh báo tương tự mà ông đã đưa ra trước đó, rằng “Mọi khẩu súng được chế tạo, từng con tàu chiến được phóng đi, mọi tên lửa được bắn ra, theo một cách hiểu nào đó, đều biểu thị hành vi trộm cắp từ những người đói không đủ đồ ăn, những người lạnh không đủ áo mặc”.
Trong 4 năm cầm quyền, Tổng thống Trump đã không khai mào một cuộc chiến mới nào, một thực tế trái ngược với đối thủ của ông trong cuộc bầu cử tháng 11 sắp tới, Joe Biden, khi vị cựu phó tổng thống vẫn luôn ủng hộ Chiến tranh Iraq.
“Trong bốn năm, ông Donald Trump không khởi động bất kỳ cuộc chiến mới nào”, cựu quyền Giám đốc Tình báo Quốc gia Richard Grenell nói tại Hội nghị Quốc gia Đảng Cộng hòa (RNC) hồi cuối tháng 8.
Ông Grenell trao đổi với tờ Washington Examiner: “Ông ấy đã rút quân về nước. Ông ấy đã tái xây dựng lại quân đội và ký kết các thỏa thuận hòa bình giúp người Mỹ được an toàn hơn”.
Thượng nghị sĩ Đảng Cộng hào Rand Paul cách đây vài hôm đã phát biểu rằng ông Biden là một ứng viên ủng hộ cuộc chiến ở Iraq và do đó, nếu được bầu, ông ấy sẽ dẫn dắt đất nước vào một cuộc xung đột mới.
“Hãy so sánh Tổng thống Trump với thành tích thảm hại của Joe Biden, người luôn kêu gọi nhiều cuộc chiến hơn”, ông Paul nói. “Joe Biden đã bỏ phiếu cho cuộc chiến ở Iraq, cuộc chiến mà Tổng thống Trump từ lâu đã gọi là sai lầm địa chính trị tồi tệ nhất của thế hệ chúng ta”.
Thượng nghị sĩ Paul nhấn mạnh ông Biden ủng hộ các cuộc chiến ở Serbia, Syria và Libya, nên có thể thấy trước rằng ông ta sẽ đẩy nước Mỹ trở lại vũng lầy chiến tranh. Ông nói: “Joe Biden sẽ tiếp tục khiến người Mỹ phải đổ máu, trong khi Tổng thống Trump thì khác, ông sẽ đưa những người hùng của chúng ta trở về nhà”.
“Đừng mắc sai lầm, Tổng thống Trump không phải là giới diều hâu”, Keith Kellogg, cố vấn an ninh quốc gia của Phó Tổng thống Mike Pence, cho biết. “Ông ấy sẽ vung kiếm lên khi cần, nhưng ông ấy tin tưởng vào việc tìm kiếm hòa bình thay vì duy trì xung đột trường kỳ”, ông kết luận trong bài phát biểu tại RNC.
Theo BL
Hương Thảo biên dịch

Cựu nhân viên Nhà Trắng tuyên bố

năng lực trí tuệ của ông Biden đã sụt giảm

Hương Thảo
Một cựu nhân viên Nhà Trắng nhận xét khả năng diễn thuyết trước đám đông của ông Joe Biden đã kém đi đáng kể kể từ khi ông rời cương vị phó tổng thống cách đây 4 năm. Anh này cho rằng ứng viên tổng thống Đảng Dân chủ hiện tại “không được như ông Joe Biden” thời xưa, theo the BL.
Ông Mike McCormick đã làm việc trong vai trò nhân viên tốc ký Nhà Trắng trong 15 năm. Cụ thể, trong giai đoạn 2011 đến 2017, ông đã đưa tin về các bài phát biểu của ông Joe Biden khi đó là phó tổng thống dưới trướng ông Obama.
Gần đây ông đã xuất bản cuốn sách về chính quyền Mỹ dưới thời ông Obama có tựa đề “Joe Biden Unauthorized”. Trong cuốn sách ông đã kể lại trải nghiệm làm việc với ông Biden, đồng thời đưa ra nhận xét đối với tình trạng hiện tại của vị cựu phó tổng thống.
“Có một sự khác biệt hoàn toàn so với ông ấy hồi năm 2017”, ông McCormick nói trong một cuộc phỏng vấn với tờ Washington Free Beacon gần đây.
“Ông ấy thường bị bước hụt chân, và dường như tinh thần không còn nhạy bén như cách đây 4 năm”, ông nói thêm. Chia sẻ trên một trang web chính trị, ông nói “[Biden giờ đây] không còn đủ năng lượng, ông ấy còn không duy trì được tốc độ nói của mình. Ông ấy đã là một người khác rồi”.
Trong thời gian làm việc tại Nhà Trắng, anh McCormick thường xuyên đi cùng ông Biden để ghi lại các bài phát biểu của vị cựu phó tổng thống, các cuộc trò chuyện công khai với các nhà lãnh đạo nước ngoài và các cuộc họp báo không được ghi âm trước truyền thông.
Ông nói rằng, trái với biểu hiện hiện nay, ông Biden trước đây có tài kết nối với công chúng, và thường ứng biến bên ngoài các bài phát biểu được viết sẵn.
“Nhưng hôm trước tại Đại hội Quốc gia Đảng Dân chủ ông ấy đã đứng đó đọc nguyên văn bài phát biểu của mình … đó không còn là Joe Biden trước đây nữa”, ông McCormick nói.
Nếu vị cựu phó tổng thống của Barack Obama đánh bại Tổng thống Trump vào tháng 11, ông Biden sẽ tuyên thệ nhậm chức ở tuổi 78. Ông ấy sẽ lên 80 khi chưa kết thúc nửa nhiệm kỳ đầu tiên của mình.
Ngoài tuổi tác, điều thu hút sự chú ý là sức khỏe nhận thức của ông Biden. Sức khỏe nhận thức (Cognitive health) là khả năng suy nghĩ rõ ràng, ghi nhớ và học hỏi những điều mới, theo Health Plus.
Lấy ví dụ, trong một loạt các lần xuất hiện trước công chúng, ông Biden dường như đã để lạc mất dòng suy nghĩ của mình, phải “vật lộn để nói hết câu” hoặc quên mất mình đang ở đâu.
Tương tự, ông McCormick cho biết vị cựu phó tổng thống giờ đây dường như cũng “bị thất lạc” khi trả lời phỏng vấn. Thực tế, khi trả lời các câu hỏi của báo chí gần đây, ông Biden dường như chỉ đọc câu trả lời trực tiếp từ máy teleprompter từ xa, bao gồm cả nhận chỉ dẫn từ nhân viên của ông, chẳng hạn như phần “KẾT THÚC CUỘC GẶP” và “THÔNG ĐIỆP DÒNG ĐẦU”.
Ông Biden cũng đã đưa ra một số tuyên bố kỳ lạ: trong một cuộc đối thoại với khán giả trực tuyến, ông nói rằng khi ông là một bệnh nhân tại Bệnh viện Walter Reed, các y tá đã “thở vào lỗ mũi của tôi để khiến tôi cử động”.
Nhiều lần xuất hiện trước công chúng khác cũng dấy lên báo động về khả năng nhận thức của ông. Hồi tháng 2, ông Biden cho biết ông đang ‘tranh cử vào Thượng viện’. Trong cuộc đua tranh cử của đảng Dân chủ, ông bảo mọi người “truy cập” tin nhắn văn bản 30330 của Joe (ông nhầm nó với một trang web). Ông cũng khuyên các bậc cha mẹ nên chơi “máy quay đĩa vào ban đêm” để giúp con trẻ. Hồi tháng 3, ông đã trích dẫn Tuyên ngôn Độc lập và ngay lập tức quên mất điều đó, và trong một bài phát biểu, ông đã nhầm vợ với em gái.
Trong một phần chiến dịch của mình, Tổng thống Trump đã gọi ông Biden là “Joe ngủ gật”, và chiến dịch Trump đã công bố một quảng cáo video hồi tháng trước, gợi ý rằng ứng viên Đảng Dân chủ đang bị suy giảm nhận thức.
“Joe Biden rõ ràng không có khả năng đảm nhiệm chức vụ tổng thống”, cựu đại diện đảng Cộng hòa Newt Gingrich nói, và giải thích rằng: “Mỗi khi ông ấy [Joe Biden] bước ra khỏi hầm trú ẩn trong nhà, một điều rõ ràng là ông ấy không thể đàm phán” với các nhà lãnh đạo nước ngoài như nhà độc tài Tập Cận Bình của Trung Quốc, hay Tổng thống Nga Putin.
“Mỗi tuần trôi qua, ông ấy ngày càng biểu hiện yếu hơn và kém hơn. Ngay cả khi chiến dịch của ông ấy có thể kiểm soát mọi khía cạnh của các sự kiện hoặc sự xuất hiện của ông ấy, có điều gì đó thật thảm hại khi ông Biden không thể phát huy sức mạnh hoặc diễn đạt bất kỳ ý tưởng vững chắc nào”, ông Gingrich tóm tắt hồi giữa tháng 8 trên Fox News.
Theo một cuộc thăm dò hồi cuối tháng 6 do hãng thống kê Rasmussen Reports thực hiện, gần 4 trên 10 cử tri tin rằng ông Biden mắc chứng mất trí nhớ.
Theo the BL
Hương Thảo biên dịch

Việc làm Mỹ phục hồi “ngoạn mục’,

‘cú kích’ cho việc tái đắc cử của TT Donald Trump

Bình luậnThủy Tiên
Sự phục hồi của thị trường lao động Hoa Kỳ đã kéo dài thêm tháng thứ tư trong tháng 8 này, mang đến hy vọng rằng nền kinh tế có thể tiếp tục phục hồi bất chấp đại dịch kéo dài dai dẳng. Đây được xem là “cú hích” cho việc tái đắc cử của Tổng thống Donald Trump.
Tổng số việc làm trong biên chế phi nông nghiệp Mỹ đã tăng 1,4 triệu trong tháng 8, và tỷ lệ thất nghiệp giảm 1,8 điểm phần trăm xuống còn 8,4%. Số người thất nghiệp giảm 2,8 triệu xuống còn 13,6 triệu người, Cục Thống kê Lao động Hoa Kỳ đã báo cáo hôm thứ Sáu (ngày 4/9).
Những cải thiện trên thị trường lao động phản ánh việc Hoa Kỳ tiếp tục nối lại các hoạt động kinh tế đã bị giảm sút do đại dịch viêm phổi Vũ Hán.
Tăng việc làm đáng chú ý cũng xảy ra trong khu vực thương mại bán lẻ, dịch vụ chuyên nghiệp và kinh doanh; giải trí và khách sạn; cũng như dịch vụ giáo dục và y tế.
Các ngành chứng kiến việc làm được khôi phục
Với sự tăng trưởng 344.000 việc làm, chiếm 1/4 mức tăng hàng tháng, việc làm chính phủ đã giúp thúc đẩy tổng số lao động nâng lên. Hầu hết việc tuyển dụng này đến từ lao động Điều tra dân số, với số lượng nhân viên tăng 238.000.
Ngành bán lẻ có thêm khoảng 249.000 việc làm, nhiều hơn so với tháng trước, trong khi dịch vụ kinh doanh chuyên nghiệp tăng 197.000 việc làm.
Mức tăng trong các doanh nghiệp giải trí và khách sạn, chẳng hạn như nhà hàng, đã có chiều hướng tiến triển với 621.000 việc làm vào tháng 7, và tiếp tục tăng vào tháng 8 với mức tăng 174.000 việc làm.
Dịch vụ giáo dục và y tế cũng có mức tăng mạnh với 147.000 việc làm tăng thêm, trong khi giao thông vận tải tăng 78.000 do công việc lưu kho và kho bãi tăng mạnh. Hoạt động tài chính tăng 36.000, sản xuất tăng 29.000 và thương mại bán buôn tăng 14.000 việc làm.
Tỷ lệ tham gia lao động tăng vọt
Tỷ lệ tham gia lao động, là tỷ lệ dân số đang làm việc hoặc đang tích cực tìm việc, đã tăng lên 61,7% vào tháng này, phản ánh khả năng nhiều người Mỹ hơn tìm việc khi khoản trợ cấp thất nghiệp hàng tuần 600 USD bổ sung hết hạn.
Tỷ lệ này được gọi là “tỷ lệ tham gia trong độ tuổi tốt nhất để lao động” hay “tỷ lệ tham gia trong độ tuổi 25-54” đã tăng lên 81,4%.
Tỷ lệ U-6, còn được gọi là tỷ lệ thiếu việc làm, đã giảm từ 16,5% xuống 14,2%.
Tỷ lệ mất việc giảm từ 31,3 triệu vào tháng 7/2020 xuống còn 24,2 triệu người, lý do họ không có làm việc vì chủ lao động đóng cửa hoặc bị mất việc kinh doanh do đại dịch.
Số người bị sa thải tạm thời cũng giảm, giảm 1/3 xuống còn 6,2 triệu (và giảm nhiều so với mức cao nhất là 18,1 triệu trong tháng 4/2020).
“Chúng tôi vẫn đang đi đúng hướng và tốc độ phục hồi công việc dường như đã tăng lên, nhưng có vẻ như sẽ mất một khoảng thời gian – và có thể là cần một loại vaccine – trước khi chúng ta trở lại gần với vị trí ban đầu của năm nay”, Tony Bedikian, trưởng nhóm thị trường toàn cầu tại Citizens Bank cho biết.
“Chúng tôi tiếp tục lạc quan rằng nền kinh tế đã có bước ngoặt và chúng tôi sẽ tiếp tục chứng kiến ​​những tiến bộ ổn định”, ông nói thêm.
Mức thu nhập trung bình, số giờ làm việc đều tăng
Vào tháng 8, thu nhập trung bình theo giờ của tất cả nhân viên trong bảng lương phi nông nghiệp tư nhân đã tăng 11 xu, lên mức 29,47 USD. Thu nhập trung bình hàng giờ của các nhân viên sản xuất trong khu vực tư nhân và nhân viên không giám sát đã tăng 18 xu, lên mức 24,81 USD.
Giờ làm việc trung bình trong tuần của tất cả nhân viên trong bảng lương phi nông nghiệp tư nhân đã tăng 0,1 giờ lên mức 34,6 giờ/tuần vào tháng 8. Trong lĩnh vực sản xuất, giờ làm việc tăng 0,3 giờ lên 40 giờ/tuần và thời gian làm thêm tăng 0,1 giờ lên 3 giờ/tuần.
“Đó là một báo cáo chắc chắn. Tăng trưởng việc làm đã điều chỉnh trong vài tháng qua nhưng có vẻ như việc tuyển dụng lại người lao động vẫn đang được tiến hành”, Ryan Sweet, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu chính sách tiền tệ của Moody’s Analytics Inc. cho biết. “Đây là một bước tiến lớn và đúng hướng – chúng ta cần duy trì điều này”.
Tỷ lệ thất nghiệp giảm xuống mức một con số vào 2 tháng trước cuộc bầu cử tháng 11/2020. Điều này có thể tạo động lực cho Tổng thống Donald Trump vượt qua đối thủ đảng Dân chủ Joe Biden về các vấn đề kinh tế. Và với một niềm tin mãnh liệt vào nền kinh tế phục hồi từ dân chúng Hoa Kỳ, ông Trump sẽ có thể giành chiến thắng nhiệm kỳ thứ hai.
Phó Tổng thống Mike Pence nói với CNBC: “Đó là một ngày tuyệt vời khác nữa đối với việc làm của người Mỹ và người lao động Mỹ”.
Ông Pence nói thêm rằng tăng trưởng việc làm và tỷ lệ thất nghiệp ở mức một con số là “bằng chứng thực tế cho thấy ‘sự trở lại của người Mỹ’ đang được tiến hành.”
Tổng thống Trump đã đăng lên tweet sau khi có báo cáo rằng tỷ lệ thất nghiệp giảm xuống dưới 10% là “nhanh hơn và sâu hơn những gì có thể nghĩ”.
“Những con số việc làm này phản ánh một chiến thắng lớn cho người lao động Mỹ và là một bất ngờ đáng hoan nghênh khi các yêu cầu bảo hiểm thất nghiệp hầu như không nhúc nhích trong những tuần gần đây. Tỷ lệ thất nghiệp phá bỏ rào cản 10% một cách dứt khoát cũng là một động lực tâm lý lớn”, Robert Frick, nhà kinh tế doanh nghiệp tại Navy Federal Credit Union cho biết.
Thủy Tiên
Nguồn tham khảo:
https://www.bls.gov/news.release/pdf/empsit.pdf
https://www.cnbc.com/2020/09/04/jobs-report-august-2020-.html
https://www.washingtonpost.com/business/on-small-business/us-unemployment-rate-drops-by-more-than-expected-to-84percent/2020/09/04/33f110c6-eeab-11ea-bd08-1b10132b458f_story.html

TT Trump triển hạn lệnh ngưng khoan dầu

ở Florida để thuyết phục cử tri

Thu Hằng
Tổng thống Donald Trump đang vận động tranh cử tại bang Florida, nơi ông giành chiến thắng vào năm 2016. Tuy nhiên, theo kết quả các cuộc thăm dò gần đây, đối thủ Dân Chủ Joe Biden đang vượt tổng thống đương nhiệm về ý định bỏ phiếu tại bang trọng điểm này.
Ngày 08/09/2020, chủ nhân Nhà Trắng đã đổi chiến lược về môi trường, khi triển hạn đến năm 2032, một lệnh ngừng khoan dầu ở ngoài khơi Florida, dù ông là người ủng hộ hoạt động khai thác dầu mỏ và khí đốt.
Thông tín viên RFI Anne Corpet tường trình từ Washington :
« Chính quyền của tôi mỗi ngày chứng minh được rằng chúng ta có thể cải thiện môi trường mà vẫn tạo được việc làm có thu nhập cao », ông Donald Trump bắt đầu như vậy khi phát biểu trước những người ủng hộ ở bang Florida.
Tại Florida, nơi ông đã bãi bỏ rất nhiều quy định bảo vệ môi trường, chủ nhân Nhà Trắng lại thể hiện là nhà vô địch bảo vệ môi trường, khi thông báo triển hạn thêm 10 năm lệnh đình chỉ khai thác dầu khí, sẽ hết hạn vào năm 2022.
Ông phát biểu : « Tôi sẽ ký một sắc lệnh triển hạn lệnh đình chỉ khoan dầu ở ngoài khơi Florida trong vịnh Mêhicô, trải dài từ bờ Đại Tây Dương của bang Florida, ngược lên bang Georgia và Bắc Carolina ».
Khi ký sắc lệnh này, tổng thống đương nhiệm đoạn tuyệt với đường lối chính sách của ông. Từ khi bước vào Nhà Trắng, ông Donald Trump vẫn ủng hộ ngành công nghiệp dầu khí. Ông còn cho phép khoan dầu ở Alaska. Nhưng bang Floria rất phụ thuộc vào ngành du lịch và phần lớn người dân ở đây chống hoạt động khoan dầu.
Chưa đầy hai tháng trước kỳ bầu cử tổng thống Mỹ, đối với ông Donald Trump, thỏa mãn cử tri của một bang trọng điểm còn quan trọng hơn là đáp ứng mong muốn của giới công nghiệp mà ông vẫn ưu ái ».

Mỹ chính thức giảm quân số ở Iraq

Quân đội Hoa Kỳ hôm 9/9 thông báo sẽ giảm quân số ở Iraq, từ mức 5.200 xuống còn 3 nghìn lính trong tháng này, theo Reuters.
Tháng trước, hãng tin của Anh đưa tin, Mỹ dự kiến sẽ giảm 1/3 số binh sĩ hiện diện ở Iraq.
Tin cho hay, Hoa Kỳ có khoảng 5.200 binh sĩ được triển khai tới Iraq để chống nhóm khủng bố Nhà nước Hồi giáo.
Các quan chức trong liên minh do Mỹ dẫn đầu nói rằng các lực lượng Iraq giờ gần như có đủ khả năng tự chống chọi với tàn dư của Nhà nước Hồi giáo.
Reuters dẫn lời một quan chức cấp cao trong chính quyền hôm 8/9 nói rằng Tổng thống Donald Trump sẽ thông báo về việc giảm số quân Mỹ ở Iraq.
Hoa Kỳ và Iraq hồi tháng Sáu tái khẳng định cam kết giảm số binh sĩ Mỹ trong những tháng tới và không có kế hoạch duy trì sự hiện diện quân sự lâu dài.
Năm 2016, ông Trump vận động tranh cử với cam kết chấm dứt “các cuộc chiến không có hồi kết” của Mỹ, nhưng binh sĩ Hoa Kỳ vẫn còn hiện diện ở các nước như Afghanistan, Iraq và Syria, theo Reuters.

Ông Trump sắp chủ tọa lễ ký thỏa thuận Israel-UAE

Tổng thống Trump sẽ chủ tọa lễ ký thỏa thuận đột phá Trung Đông, bình thường hóa quan hệ giữa Israel và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) vào ngày 15/9, một giới chức cao cấp Tòa Bạch Ốc cho biết ngày 8/9.
Trong khuôn khổ của thoả thuận loan báo tại Tòa Bạch Ốc hôm 13/8 sau 18 tháng đàm phán, theo lời các giới chức, quốc gia vùng Vịnh đồng ý bình thường hóa các quan hệ với Israel, trong khi Israel đồng ý ngưng sáp nhập Bờ Tây.
Giới chức cao cấp Tòa Bạch Ốc, phát biểu với điều kiện ẩn danh, nói Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu và Bộ trưởng Ngoại giao Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất Sheik Abdullah bin Zayed al-Nahyan sẽ dẫn đầu hai phái đoàn dự lễ ký.
“Tôi hãnh diện đến Washington vào tuần tới theo lời mời của Tổng thống Trump để tham dự lễ ký kết lịch sử này tại Tòa Bạch Ốc làm nền tảng cho hiệp ước hòa bình giữa Israel và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất,” ông Netanyahu viết trên Twitter.
Ông Trump và các giới chức khác trong chính quyền Mỹ kỳ vọng Ả Rập Xê út và các nước khác sẽ theo gương công nhận Israel.
Cố vấn cao cấp của ông Trump, ông Jared Kushner và các giới chức cao cấp khác trong chính quyền, đã cùng một phái đoàn Israel đi trên chuyến bay đầu tiên từ Israel đến Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất hồi tuần trước để chào mừng thỏa thuận vừa đạt.
Iran bác bỏ thỏa thuận, vốn được dùng để củng cố sự chống đối với Tehran. Iran, một cường quốc trong khu vực, bị Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất, Israel và Hoa Kỳ xem như mối đe dọa chính ở Trung Đông.
Thỏa thuận không đạt được bất kỳ kế hoạch lớn nào về hòa bình Trung Đông để giải quyết xung đột kéo dài nhiều thập niên giữa Israel và người Palestin dù ông Trump hứa sẽ làm như vậy.
Tòa Bạch Ốc hy vọng sẽ có nhiều thỏa thuận như vậy giữa Israel và các nước vùng Vịnh xuất hiện, khơi mào cho người Palestin tham dự các cuộc thương thuyết.
Ông Trump đề nghị một kế hoạch hòa bình vào tháng 1 năm nay với nhiều thuận lợi cho Israel, nhưng không có tiến bộ đáng kể nào.
Giới lãnh đạo Palestin lúc đầu gọi thỏa thuận vừa kể là “phản bội” và “đâm sau lưng chính nghĩa của người Palestin,” nhưng sau đó đã ngưng các chỉ trích, theo một dự thảo nghị quyết trước cuộc họp của Liên đoàn Ả Rập tại Cairo ngày 9/9.
Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất dự trù đến thăm chính thức Israel lần đầu tiên vào ngày 22/9, một nguồn tin thông thạo với thời biểu tạm thời cho biết.

Phe Cộng hòa tại Thượng Viện Mỹ

đề nghị dự luật 300 tỉ đô trợ cấp COVID

Các nhà lãnh đạo Cộng hòa tại Thượng viện Mỹ ngày 8/9 đưa ra một dự luật cứu trợ Covid xấp xỉ 300 tỉ đô la, các phụ tá cao cấp cho biết. Dự luật này ngay lập tức bị phe Dân chủ bác bỏ là không đủ để đáp ứng nhu cầu do đại dịch gây ra.
Dự luật sẽ được tăng gia bằng một nguồn quỹ chưa dùng từ Đạo luật CARES, được ban hành vào cuối tháng 3, theo các phụ tá yêu cầu được giấu tên.
Bao gồm trong dự luật là 10 tỉ đô la cấp cho Bưu điện Mỹ để quán xuyến một lượng lớn phiếu bầu gởi qua bưu điện trong cuộc bầu cử Tổng thống và Quốc hội ngày 3/11 vì cử tri không muốn đích thân đi bầu do sợ đại dịch virus corona.
10 tỉ đô la sẽ biến khoản vay của Bưu điện trong Đạo luật CARES thành một khoản tặng nếu tiền mặt dự trữ giảm xuống còn 8 tỉ đô la, theo bản tóm tắt.
“Phe Cộng hòa tại Thượng viện dường như nỗ lực về một dự luật khác không tiến gần đến việc giải quyết vấn đề và chẳng đi đến đâu cả,” lãnh đạo khối thiểu số ở Thượng viện Chuck Schumer và Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi nói trong một thông báo.
“Đề nghị này đầy những viên thuốc độc, Đảng Cộng hòa biết Đảng Dân chủ không bao giờ ủng hộ,” hai nhà lãnh đạo này nói.
Vào giữa tháng 5, Hạ viện do phe Dân chủ kiểm soát chấp nhận gói trợ cấp về virus corona thứ năm tổng cộng hơn 3.000 tỉ đô la mà lãnh đạo khối đa số ở Thượng viện Mitch McConell chưa đưa ra biểu quyết.
Tháng trước, một loạt các cuộc thương thuyết giữa phe Dân chủ và Tòa Bạch Ốc thất bại không thỏa hiệp được, dù bà Pelosi đưa ra một đề nghị có thể giảm bớt chi tiêu trong dự luật của bà khoảng 1.000 tỉ đô la.

Mỹ: Tử vong vì COVID giảm

dù vài nơi số ca nhiễm tăng

Một vài tiểu bang tại vùng trung tây và đông bắc Mỹ chứng kiến số ca nhiễm COVID-19 gia tăng trong hai tuần liên tiếp, dù trên toàn quốc số ca nhiễm và tử vong trong tuần qua có khuynh hướng đi xuống, phân tích của Reuters cho thấy.
Hoa Kỳ báo cáo hơn 287.000 ca mới trong tuần lễ chấm dứt vào ngày 6/9, giảm 1,4% so với tuần trước đó và đánh dấu 7 tuần liên tiếp sụt giảm. Tuần trước có hơn 5.800 người chết vì COVID-19, đây là số tử vong giảm trong 3 tuần liên tiếp.
Dù vậy, 17 tiểu bang đang có số ca nhiễm gia tăng ít nhất trong 2 tuần, Reuters loan tin dựa vào phúc trình của các tiểu bang và quận hạt. Những tiểu bang này bao gồm Missouri, North Dakota và Wisconsin, nơi có từ 10% đến 18% những người được xét nghiệm dương tính với virus corona.
Tại vùng đông bắc, Delaware, New Hampshire, New Jersey và New York cũng báo cáo các ca mới gia tăng ít nhất trong 2 tuần dù tỉ lệ xét nghiệm dương tính từ 0,9% ở New York cho đến 4,3% tại Delaware dưới mức quan ngại 5% của Tổ chức Y tế Thế giới.
Tại một số tiểu bang, xét nghiệm gia tăng vào lúc trường học mở cửa. Chẳng hạn New York xét nghiệm từ 10% đến 20% học sinh và nhân viên nhà trường mỗi tháng. Trường Đại học Illinois xét nghiệm sinh viên một tuần hai lần.
Trên toàn quốc tất cả các kết quả xét nghiệm dương tính COVID-19 giảm trong năm tuần liên tiếp xuống còn 5,5% dưới mức cao điểm gần 9% của hồi giữa tháng 7, theo dữ liệu của Dự án Theo dõi COVID, một nỗ lực do những người tình nguyện điều hành để theo dõi virus bùng phát.
Tuần trước Mỹ xét nghiệm trung bình 741.000 người một ngày, tăng 5% so với tuần trước đó nhưng thấp hơn vào đỉnh điểm cuối tháng 7 là hơn 800.000 người một ngày.

Mỹ sắp lưu hành vaccine Covid-19:

Người phấn khởi, kẻ e dè

Một số người gốc Việt ở Mỹ sẵn sàng tiêm ngay khi vaccine ngừa Covid-19 được tung ra trong khi cũng có người bày tỏ nghi ngại việc vaccine bỏ qua những bước an toàn bắt buộc nên ‘muốn đợi một thời gian’ rồi mới tiêm, theo tìm hiểu của VOA.
Chính quyền của Tổng thống Donald Trump hứa hẹn sẽ có vaccine hiệu quả và an toàn trong năm nay và thậm chí ‘có thể sớm hơn’. Trung tâm Ngăn ngừa và Kiểm soát Dịch bệnh Mỹ (CDC) yêu cầu giới chức y tế các tiểu bang và các địa phương ‘sẵn sàng để phân phối vaccine đến những nhóm có nguy cơ cao kể từ 1/11, ngay trước ngày bầu cử Tổng thống 3/11.
Nỗ lực có được vaccine ngừa Covid-19 được xem là lá bài quan trọng trong chiến dịch tái tranh cử của Tổng thống Trump, nhưng cộng đồng khoa học e rằng Toà Bạch Ốc sẽ gây áp lực với các cơ quan quản lý để cắt ngắn những bước cần thiết đảm bảo độ an toàn cho vaccine.
‘Trách nhiệm cao’
“Tôi nghĩ rằng người dân Mỹ đang có nhu cầu đối với vaccine vô cùng lớn để họ an tâm sinh sống, an tâm làm việc, an tâm phát triển kinh tế,” y tá Lê Văn Đạo ở bệnh viện St Elizabeth, thành phố Boston, bang Massachusetts, người chăm sóc cho bệnh nhân Covid và bản thân từng bị nhiễm Covid, nói với VOA.
Y tá gốc Việt này cho biết ông sẵn sàng tiêm một trong những mũi vaccine đầu tiên cũng như sẵn sàng tiêm cho những người chung quanh.
Ông Đạo nhìn nhận rằng nếu thúc đẩy việc chế tạo và vaccine quá nhanh ‘thì cẩu thả luôn có thể có’ nhưng do ở Mỹ và phương Tây ‘có sự ràng buộc trách nhiệm rất cao,’ mà nếu để xảy ra sơ suất thì sẽ gánh chịu hậu quả nặng nề, nên ông ‘tin vào vaccine của Mỹ và châu Âu hơn là của Nga hay Trung Quốc’.
“Đối với những nước như Mỹ có luật pháp phân minh và luật y tế rất rõ ràng thì hậu quả người ta thưa kiện sẽ rất khủng khiếp. Đó là sự răn đe rất hiệu quả đối với những người nghiên cứu chế ra thuốc chủng ngừa,” (4:47) ông lập luận và lưu ý ở Mỹ người dân có thể dễ dàng truy cập được những dữ liệu về kết quả thử nghiệm vaccine trong khi ở Nga và Trung Quốc ‘những thông tin này bị bưng bít’.
‘Quan ngại’
Anh Quinton Tăng, 25 tuổi, hiện đang làm kế toán tại thủ đô Washington D.C., nói anh ‘nhất định không tiêm vaccine ngay khi nó ra’ mà chẳng thà đợi một hai tháng xem người khác tiêm trước coi có hiệu quả như thế nào.
“Vaccine này có được quá sớm, họ làm xong nhanh quá nên tôi lo sợ sẽ có nhiều tác dụng phụ,” anh giải thích và dẫn ra việc nhiều vaccine phải mất đến 10-15 năm mới được chính phủ cho phép lưu hành.
“Tiến sỹ Anthony Fauci (Giám đốc Viện Quốc gia về Dị ứng và Các bệnh truyền nhiễm) đã nói sớm nhất phải đến tháng Tư năm 2021 mới có vaccine mà bây giờ chính phủ nói sẽ có vaccine trong tháng 11,” anh Quinton chỉ ra. “Có điều gì đó đáng ngờ ở đây. Mốc thời gian đó rất gần với ngày bầu cử.”
Anh đồng ý rằng trước một vấn đề khẩn cấp như dịch bệnh virus corona thì việc nghiên cứu và bào chế vaccine cần phải được đẩy nhanh bằng cách ‘dồn sức người, sức của, cắt giảm bớt các thủ tục hành chính rườm rà’ nhưng đẩy nhanh ‘không có nghĩa là cắt bớt quy trình’.
“Trước đó, chính phủ đã dự tính sẽ đẩy nhanh quá trình tìm vaccine nhưng giờ đây cái mốc họ đưa ra thậm chí còn nhanh hơn cái mà họ dự tính trước đó. Điều này khiến tôi lo ngại,” Quinton nói.
‘Chấp nhận rủi ro’
Ông Nguyễn Văn Tánh, 77 tuổi hiện đang sống ở bang New York và thuộc nhóm có nguy cơ nhiễm bệnh cao sẽ được ưu tiên tiêm chủng một khi Mỹ có vaccine, nói ông ‘sẽ làm theo mọi người’.
“Tôi đồng ý là có thể có những biến chứng nhưng tôi chấp nhận rủi ro,” ông nói thêm và giải thích rằng đó là cách ông ‘góp phần nhỏ cho nước Mỹ’ mà ông xem như là quê hương thứ hai.
Ông Tánh nói ông ủng hộ việc gấp rút tìm ra vaccine vì dịch bệnh ‘đã gây ảnh hưởng rất tệ hại cho kinh tế Mỹ’ và ông không cho rằng việc chính quyền muốn có vaccine sớm là ‘vì mục đích chính trị.’ Ông tin rằng ‘chính phủ xử lý vấn đề sức khỏe của người dân không thể làm cẩu thả’.
“Nếu vì chuyện bầu cử mà ông Tổng thống làm tác hại đến dân chúng, đến sinh mạng của đồng bào thì dù ông ấy có làm thêm một nhiệm kỳ nữa cũng sẽ bị người dân nguyền rủa, lên án,” ông Tánh giải thích lý do vì sao ông tin chính phủ làm cẩn thận.
Tranh cãi về việc cấp phép khẩn cấp
Trong lúc này, ở Mỹ hiện đang có tranh cãi về việc liệu Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) có nên dùng quyền cho phép khẩn cấp để cho lưu hành sớm vaccine ngừa Covid-19 hay không.
Những người phản đối cho rằng động thái này sẽ gây ra mối nguy về an toàn và thổi bùng tâm lý bài vaccine trong người dân Mỹ. Những người ủng hộ lập luận rằng việc sớm cho phép vaccine sẽ giúp ‘cứu sinh mạng hàng ngàn người’.
Quyền cho phép lưu hành khẩn cấp là sự phê chuẩn tạm thời của FDA để đẩy nhanh việc cho lưu hành những sản phẩm y tế cần thiết trong một tình huống khẩn cấp về y tế. FDA đã từng sử dụng quyền này một lần trong lịch sử hồi năm 2005 để cho phép tung ra vaccine ngừa bệnh than.
Để cấp phép sử dụng khẩn cấp, FDA phải xác định được rằng vaccine ‘có thể có hiệu quả’ và ‘những lợi ích đã biết hay có thể có vượt quá rủi ro’, trong khi để được phê chuẩn đúng quy trình thì vaccine cần phải chứng tỏ là hiệu quả và an toàn một cách chắc chắn.
Ông Scott Gottlieb, cựu ủy viên FDA, được Washington Post dẫn lời nói rằng ‘rất có khả năng’ những vaccine ngừa Covid-19 đầu tiên sẽ được FDA dùng quyền cho phép khẩn cấp thông qua cho một nhóm đối tượng có chọn lọc, chẳng hạn như các nhân viên y tế, miễn là ‘dữ liệu cho thấy vaccine đó an toàn và có hiệu quả’.
Ông Peter Marks, giám đốc Trung tâm Đánh giá và Nghiên cứu Sinh học của FDA, được Washington Post dẫn lời khẳng định rằng ‘những tính toán chính trị sẽ không can dự vào quá trình phê chuẩn vaccine’.
“Ý định của chúng tôi là đem đến cho người dân Mỹ không gì ít hơn tiêu chuẩn vàng,” ông nói nhưng cũng nhấn mạnh rằng ‘sẽ là phi đạo đức nếu yêu cầu phải hoàn thành mọi thủ tục giấy tờ cần phải có… nếu dữ liệu cho thấy vaccine hiệu quả và an toàn trong khi người ta vẫn chết vì Covid-19’.
“Chúng tôi có nghĩa vụ phải tính toán giữa lợi và hại,” ông Marks nói.
Các chuyên gia về vaccine lo rằng bất cứ dấu hiệu nào về sự can thiệp chính trị vào quá trình tìm kiếm vaccine sẽ ‘làm tổn thương niềm tin công chúng’ và điều này ‘sẽ có hậu quả nghiêm trọng đối với sự sẵn lòng tiêm ngừa của người dân’.
“Nếu công chúng không tin tưởng vào quá trình cấp phép và nghĩ rằng nó đã bị chính trị ảnh hưởng, thì việc tiếp nhận vaccine sẽ như thế nào,” ông John Moore, một nhà vi trùng học tại Trường Y thuộc Đại học Cornell, nói với Washington Post.
Trong một lá thư đề ngày 26/8, các bác sĩ bệnh truyền nhiễm của Mỹ yêu cầu dữ liệu về tính hiệu quả và an toàn của vaccine phải được ‘các chuyên gia nội bộ và chuyên gia độc lập xem xét’ nếu FDA sử dụng quyền cấp phép khẩn cấp.
Bà Patricia Zettler, từng là nhà tư vấn của FDA và hiện là giáo sư luật tại Đại học Bang Ohio, nói trên tờ Washington Post rằng ‘việc có những bằng chứng khắt khe về tính hiệu quả và an toàn của vaccine là cực kỳ quan trọng’.
Bà cho rằng do vaccine thử nghiệm được tiêm cho những người khỏe mạnh chưa có bệnh nên ‘cần phải tuân theo tiêu chuẩn cao và phải được thông qua quá trình phê chuẩn đầy đủ,’ mà quá trình này sẽ mất rất nhiều thời gian.

Cảnh sát ngăn chặn các cuộc ẩu đả

giữa nhóm ủng hộ Tổng Thống Trump

và những nhà hoạt động Black Lives Matter

Tin từ Salem, Oregon – Vào hôm thứ hai (7 tháng 9), trước tình hình các cuộc biểu tình trên khắp tiểu bang Oregon trở nên ngày càng bạo lực, cảnh sát tại thành phố Salem, Oregon đã phải can thiệp vào cuộc ẩu đả giữa những người ủng hộ Tổng thống  Trump và những nhà hoạt động Black Lives Matter.
Hơn 100 người ủng hộ Trump, trong đó có các thành viên nhóm cực hữu Proud Boys, đã đến tòa nhà quốc hội ở Salem, trong một đoàn xe vào chiều thứ hai, vẫy các biểu ngữ với dòng chữ “Trump 2020” và giương cờ Hoa Kỳ. Một số người trong nhóm còn mang vũ khí. Trên đường, họ đã gặp khoảng 20 người biểu tình Black Lives Matter.
Hai nhóm đã xịt hơi cay vào nhau, ít nhất một người ủng hộ Tổng thống Trump đánh một người biểu tình Black Lives Matter bằng gậy bóng chày và một người ủng hộ Tổng thống Trump đã xịt bình cứu hỏa. Ban đầu, khoảng 20 cảnh sát tại hiện trường đã quan sát cảnh tượng hai phe ẩu đả. Tuy nhiên, cảnh sát đã bắt giữ hai người đã đấm những người biểu tình Black Lives Matter.
Trong một tuyên bố, một phát ngôn viên của Cảnh sát tiểu bang Oregon cho biết các thành viên của họ và của Sở cảnh sát Salem đã can thiệp khi “một nhóm biểu tình American Lives Matter xông vào phía một nhóm biểu tình đối lập.”
Đây là ngày biểu tình thứ 102 tại cái khu vực gần Portland. Các cuộc biểu tình hàng đêm suốt ba tháng qua tại Portland và các thành phố lân cận đã nhiều lần trở nên bạo lực, với những người biểu tình phản đối nạn kỳ thị chủng tộc và bạo lực cảnh sát xung đột với cảnh sát và các nhóm cực hữu.
Các cuộc biểu tình bắt đầu, giống như những cuộc biểu tình khác trên khắp Hoa Kỳ, sau cái chết vào tháng 5 của George Floyd, một người đàn ông Da đen chết khi bị một cảnh sát da trắng đè đầu gối lên cổ tại Minneapolis. (BBT)

Kỹ sư Facebook bỏ việc, nói

công ty ‘đứng nhầm bên trong lịch sử’

Kỹ sư phần mềm của Facebook, Ashok Chandwaney, bấy lâu nay khó chịu khi thấy mạng xã hội này ngày càng trở thành mảnh đất màu mỡ cho sự thù ghét. Vào sáng thứ Ba 8/9, kỹ sư này thể hiện thái độ với một hành động dứt khoát.
Chandwaney viết trong một bức thư được đăng trên mạng nội bộ của Facebook: “Tôi quyết định nghỉ việc vì tôi không còn có bụng dạ nào đóng góp cho một tổ chức đang kiếm lợi từ sự thù ghét ở Mỹ và trên toàn cầu”.
Người phát ngôn của Facebook, Liz Bourgeois, cho biết: “Chúng tôi không thu lợi từ sự thù ghét. Chúng tôi đầu tư hàng tỷ đô la mỗi năm để giữ cho cộng đồng chúng ta được an toàn, và hợp tác chặt chẽ với các chuyên gia bên ngoài để rà soát và cập nhật các chính sách của chúng tôi. Mùa hè này, chúng tôi đã ra mắt chính sách đi tiên phong trong ngành này để truy đuổi QAnon, chúng tôi phát triển chương trình kiểm chứng và xóa hàng triệu bài đăng gắn với các tổ chức cổ súy cho sự thù ghét – hơn 96% trong phần việc đó là chúng tôi tự phát hiện ra trước khi bất kỳ ai báo cáo cho chúng tôi biết”.
Khi từ chức hôm 8/9, Chandwaney trở thành nhân viên nghỉ việc gần đây nhất của Facebook trong bối cảnh sự bất mãn ngày càng gia tăng ở một công ty mà chỉ vài năm trước còn được coi là một chủ sử dụng lao động lý tưởng.
Mức độ thất vọng của nhân viên về các chính sách của Facebook đối với phát ngôn thù ghét và phân biệt chủng tộc đã tăng lên khi các cuộc biểu tình phản đối bất công chủng tộc lan tràn khắp nước Mỹ, khi hàng nghìn nhân viên yêu cầu Zuckerberg, người kiểm soát phần lớn cổ phiếu có quyền biểu quyết của Facebook, phải thay đổi lập trường của ông ấy.
Mặc dù Facebook không tiết lộ số lượng kỹ sư mà hãng này thuê, nhưng các kỹ sư thuộc diện những nhân viên được săn đón nhiều nhất và có mức lương cao nhất tại công ty, theo những người nắm thông tin về Facebook.
Chandwaney, 28 tuổi, nói rằng qua thời gian làm việc, kỹ sư này nhận ra rằng ban lãnh đạo của công ty tập trung vào lợi nhuận hơn là thúc đẩy lợi ích xã hội. Công ty đã làm quá ít ỏi để ngăn tình trạng phân biệt chủng tộc, thông tin sai lệch và kích động bạo lực gia tăng trên mạng xã hội này, Chandwaney nói.
Cụ thể, Chandwaney nêu ra vai trò của công ty trong việc đổ thêm dầu vào lửa khi có nạn diệt chủng ở Myanmar, và gần đây là vụ bạo lực ở Kenosha, bang Wisconsin, Mỹ. Facebook đã không loại bỏ thông tin về cuộc tụ họp của một nhóm dân quân khuyến khích mọi người mang theo súng tới các cuộc biểu tình trước khi xảy ra các vụ xả súng chết người vào tháng trước, bất chấp hàng trăm ý kiến đề nghị loại bỏ thông tin này. Zuckerberg đã gọi đây là một “sai lầm trong hoạt động”.
Bức thư của Chandwaney cũng dẫn ra việc Facebook từ chối xóa một bài đăng của Tổng thống Trump vào tháng 5 nói rằng “khi hôi của bắt đầu xảy ra, súng cũng bắt đầu nổ”, và thư cũng cho rằng việc công ty ứng phó về các vấn đề dân quyền chỉ là động thái đánh bóng hình ảnh.
Facebook gần đây đã có lập trường mềm dẻo để đáp lại sự bức xúc của nhân viên và nhóm dân quyền. Hãng bổ sung việc gắn nhãn cho các bài đăng gây hiểu lầm của các chính trị gia và hướng người đọc đến các trang web của chính phủ với thông tin chính xác về bỏ phiếu và đại dịch virus corona – mặc dù vậy, họ không đưa ra lập trường cho dù là thông tin kia đúng hay sai. Những người chỉ trích nói rằng việc gắn các nhãn đó quá trung dung nên cũng dễ gây hiểu lầm chẳng kém.
Chandwaney, người gốc Nam Á và sống ở khu vực Seattle, đã viết trong thư từ chức rằng: “Tôi thấy rõ là bất chấp những nỗ lực hết mình của nhiều người trong số chúng tôi, những người làm việc ở đây, và những nhà hoạt động bên ngoài như Color Of Change, song Facebook đang chọn việc đứng nhầm bên trong lịch sử ”.
Color of Change [Sắc màu của sự đổi thay] là nhóm dân quyền cũng thường xuyên chỉ trích Facebook.
Tâm lý nội bộ nhân viên Facebook bắt đầu xấu đi cách đây gần 4 năm, khi mọi chuyện trở nên rõ ràng là công ty đóng vai trò quan trọng trong việc ông Trump được bầu làm tổng thổng hồi năm 2016, với việc mạng xã hội này khuếch đại các bản tin sai sự thật và thông tin sai lệch của Nga trong khi cho phép ban vận động của ông Trump đưa ra các thông điệp có chủ đích nhắm đến các cử tri dao động. Kể từ đó, tình trạng bức xúc cứ thế tăng lên trong số hơn 52.000 nhân viên của công ty.
Tâm trạng nội bộ đã trở nên tồi tệ hơn trong bối cảnh có hàng loạt thông tin bị lật tẩy về vai trò của Facebook và công ty con Instagram trong việc truyền bá thông tin sai lệch của nước ngoài, chủ nghĩa bài Do Thái và chủ nghĩa dân tộc đề cao người da trắng, đồng thời cho phép lan truyền thuyết âm mưu của QAnon và những kẻ cực đoan bạo lực như “Boogaloo Bois” trước khi ra tay dẹp các thông tin đó trong thời gian gần đây.
Khi Zuckerberg từ chối gỡ bài đăng của ông Trump nói về “hôi của và nổ súng”, một số nhân viên, những người làm việc tại nhà, đã tổ chức đình công trên mạng. Một số ít đã nghỉ việc và hàng nghìn người khác yêu cầu công ty thay đổi chính sách về phát ngôn thù ghét và không kiểm chứng lời nói của các chính trị gia.
Cách tiếp cận của công ty đối với quyền dân sự cũng khiến các nhà quảng cáo lớn tẩy chay. Color of Change cho biết họ không nắm số lượng công ty hiện tại vẫn tham gia vào cuộc tẩy chay đã được kêu gọi từ tháng 7, nhưng một số công ty chi nhiều cho quảng cáo, bao gồm cả hãng Verizon và Merck, tiếp tục tạm dừng quảng cáo của họ.
(Washington Post, Business Insider)

Như phim khoa học viễn tưởng,

đại bác Mỹ bắn hạ chính xác tên lửa hành trình

Bình luậnMinh Thanh
Điều này nghe giống như trong những bộ phim bom tấn về khoa học viễn tưởng. Quân đội Hoa Kỳ đã sử dụng súng bắn pháo siêu tốc tự kích và bắn hạ thành công một tên lửa hành trình. Điều này dự kiến ​​sẽ giúp quân đội Mỹ giảm đáng kể chi phí chống tên lửa đạn đạo trong tương lai.
Theo Forbes, thành công này có ý nghĩa rất lớn. Điều này có nghĩa là trong tương lai khi xảy ra chiến tranh, chẳng hạn như tại căn cứ không quân chiến lược ở Tây Thái Bình Dương, quân đội Mỹ có thể sử dụng lựu pháo cỡ lớn để bắn hạ tên lửa xâm phạm, qua đó đảm bảo máy bay tại căn cứ này có thể cất cánh và hạ cánh mà không bị can thiệp.
Hôm 2/9 theo giờ địa phương, tại trường bắn đạn đạo White Sands thuộc bang New Mexico, pháo tự hành M-109A6 phiên bản nâng cấp đã bắn hạ mục tiêu máy bay không người lái BQM-167 bằng một quả đạn siêu tốc Mach-5 155mm. Chiếc BQM-167 này được dùng để mô phỏng cuộc tấn công bằng tên lửa hành trình của “quân địch”, sau đó đã nổ tung thành nhiều mảnh.
Ông Will Roper, nhà khoa học hàng đầu của Không quân Mỹ cho biết: “Pháo xe tăng đã bắn hạ tên lửa hành trình. Thật tuyệt vời. Nó giống như trò chơi điện tử, giống như trong các bộ phim bom tấn về khoa học viễn tưởng”.
Đây là hệ thống chiến đấu mới do quân đội Mỹ nghiên cứu phát triển và đang trải qua quá trình thử nghiệm kéo dài 2 ngày.
Hệ thống quản lý chiến đấu (ABMS) tiên tiến này dựa trên trí tuệ nhân tạo, có thể thu thập dữ liệu cảm biến từ nhiều nguồn khác nhau (vệ tinh, máy bay chiến đấu tàng hình, phi thuyền, thiết bị radar mặt đất) và tổng hợp chúng để thu được hình ảnh kỹ thuật số về toàn cảnh chiến trường. Trí tuệ nhân tạo sau đó xác định mục tiêu tiêu diệt cụ thể của đối phương và cung cấp một “danh sách” cho chỉ huy để chọn một xạ thủ.
Trong nhiều thập kỷ qua, quân đội Mỹ đã xem nhẹ pháo binh, và gần đây Lục quân Mỹ đã chi hàng tỷ USD để nâng cấp hàng trăm khẩu pháo và bệ phóng tên lửa. Đợt thử nghiệm pháo thành công lần này có thể nói là một mũi tên trúng 2 đích, đó là: Mỹ có thể vượt qua Nga trong các cuộc chiến tranh trên bộ ở châu Âu trong tương lai, và cũng có thể cho phép pháo binh lục quân Mỹ đóng một vai trò nhất định trong trận tác chiến nhảy đảo nhằm vào Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ).
Trên thực tế, việc sử dụng pháo lựu đạn chống tên lửa để đối phó với mối đe dọa của ĐCSTQ có lẽ là “đúng bệnh mà bốc thuốc”. ĐCSTQ sở hữu khoảng 1.300 đạn phản lực (Rocket) và tên lửa hành trình (Cruise missile), đủ để gây ra thiệt hại lớn cho căn cứ của Hoa Kỳ ở Thái Bình Dương. Các sân bay ở Okinawa và Guam sẽ là mục tiêu chính của họ.
Lục quân Mỹ ở Okinawa lưu giữ các tên lửa phòng không Mim-104 Patriot; còn ở Guam lưu giữ Hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD). Trên lý thuyết, Patriot và THAAD có thể bắn hạ tên lửa đạn đạo xâm nhập; Patriot cũng có thể bắn hạ tên lửa hành trình tốc độ thấp.
Nhưng cả hai loại này đều rất đắt. Một tên lửa Patriot trị giá 5 triệu USD; chi phí cho một tên lửa THAAD là 12 triệu USD. Trong khí đó chi phí của một quả đạn Mach-5 chỉ có 86.000 USD. Khi quân đội mua càng nhiều đạn dược hơn, thì chi phí này có thể thấp hơn nữa.
Minh Thanh
Theo Epoch Times

Vụ đầu độc Navalny :

G7 yêu cầu Nga xét xử khẩn cấp thủ phạm

Thu Hằng
Trong cùng ngày 08/09/2020, cả Liên Hiệp Quốc và nhóm G7 lên tiếng về vụ nhà đối lập Nga Alexei Navalny bị đầu độc bằng chất Novitchok, hết hôn mê từ ngày 07/09. Bà Michelle Bachelet, cao ủy Nhân quyền Liên Hiệp Quốc đề nghị Matxcơva mở điều tra « độc lập ». Trong khi đó, nhóm G7 yêu cầu Nga xét xử « khẩn cấp » những thủ phạm vụ đầu độc nhà đối lập.
Trong một thông cáo chung được Mỹ, hiện là chủ tịch luân phiên của nhóm G7, công bố, ngoại trưởng các nước Đức, Canada, Hoa Kỳ, Pháp, Ý, Anh và Nhật Bản khẳng định « nhất trí lên án, với những từ ngữ mạnh mẽ nhất, vụ đầu độc Alexei Navalny đã được xác nhận ».
Ngoài yêu cầu đưa thủ phạm ra xét xử, khối G7 còn nhắc lại « những cam kết » của Matxcơva đối với Công ước về Vũ khí Hóa học, theo đó « mọi hành vi sử dụng vũ khí hóa học, ở bất kỳ nơi nào và thời điểm nào, dù là bất kỳ ai hoặc trong bất kỳ hoàn cảnh nào, đều không chấp nhận được và đi ngược với chuẩn mực quốc tế ».
AFP cho biết nhóm G7 sẽ « theo dõi sát sao » câu trả lời của Nga trước những yêu cầu giải thích của cộng đồng quốc tế.
Chính phủ Pháp cũng tỏ ra kiên quyết về vụ đầu độc Navalny. Ngày 08/09, Paris thông báo hoãn cuộc họp 2+2 giữa bộ trưởng Ngoại Giao và Quốc Phòng Pháp - Nga, dự kiến diễn ra ngày 14/09 ở Paris. Theo người phát ngôn bộ Ngoại Giao Pháp Agnès von der Müller, quyết định được đưa ra sau khi đã « trao đổi với chính quyền Nga ».
Belarus : Thêm một nhà lãnh đạo đối lập bị bắt cóc
Luật sư Maxim Znak, một trong hai thành viên cuối cùng còn được tự do (cùng với nhà văn Svetlana Alexievitch được giải Nobel) của Hội đồng Điều phối của phe đối lập Belarus đã bị một nhóm người che mặt bắt cóc sáng 09/09, theo thông tin của AFP.
Trước đó, bà Maria Kolesnikova cùng với hai nhân vật khác trong Hội đồng Điều phối đã bị một nhóm người lạ mặt bắt và đưa đến tận biên giới với Ukraina để ép rời khỏi Belarus. Ba nhân vật đối lập này nhận được một chiếc ô tô, hộ chiếu và vé máy bay đến nhiều địa điểm khác nhau. Tuy nhiên, bà Maria Kolesnikova đã xé hộ chiếu để không rời Belarus và bặt vô âm tín từ thứ Hai 07/09. Thông tin trên được hai người đi cùng bà đến biên giới, Anton Rodnenkov và Ivan Kravtsov, cung cấp trong một buổi họp báo tại Kiev, Ukraina, tối 08/09.

Tránh phụ thuộc Trung Quốc,

EU triển khai kế hoạch ‘tự chủ chiến lược’

Lục Du
Chủ tịch Hội đồng Châu Âu Charles Michel cho biết, Liên minh Châu Âu (EU) đang triển khai kế hoạch “tự chủ chiến lược” để giữ thế chủ động đối với các sản phẩm thiết yếu sau đại dịch viêm phổi Vũ Hán, tránh phụ thuộc vào nguồn cung từ Trung Quốc.
Phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế Brussels, ông Michel cho biết “tự chủ chiến lược” là “dự án chung cho thế kỷ này” của EU.
Kết hoạch phục hồi và ngân sách đã được 27 thành viên của EU thảo luận kỹ lưỡng và đi đến thống nhất vào tháng Bảy là “một bước quan trọng” đi đến “mục tiêu quan trọng” này, ông Michel nói.
Kế hoạch phục hồi của EU đề xuất một gói kích thích khổng lồ dành cho các nền kinh tế châu Âu vốn đã bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch viêm phổi Vũ Hán.
“Bước đi táo bạo này của châu Âu là cơ sở để bảo vệ công dân và bảo vệ doanh nghiệp của chúng tôi”, ông Michel cho biết.
“Chiến lược công nghiệp của chúng tôi sẽ thúc đẩy sự độc lập cao hơn và đảm bảo rằng chúng tôi có quyền truy cập vào tất cả các nguồn lực cần thiết để đảm bảo sự thịnh vượng của công dân. Chẳng hạn, điều này bao gồm quyền tự chủ lớn hơn trong việc sản xuất các thiết bị vi xử lý, các loại thuốc quan trọng và các sản phẩm thiết yếu khác ”.
Các nước EU đã trở nên lo lắng về chuỗi cung ứng cho nền kinh tế châu Âu sau khi đại viêm phổi Vũ Hán cho thấy họ bị phụ thuộc quá nhiều vào Trung Quốc về thiết bị y tế, nguyên liệu thô cho thuốc và linh kiện cho ngành công nghiệp xe hơi.
Michael Roth, Bộ trưởng phụ trách vấn đề Châu Âu của Đức, vào tháng trước, đã cảnh báo các nước Châu Âu rằng Bắc Kinh có xu hướng sử dụng sự phụ thuộc kinh tế làm đòn bẩy giúp gia tăng ảnh hưởng chính trị của họ.
“Cuộc khủng hoảng coronavirus là một hồi chuông cảnh tỉnh”, ông Roth viết trong một bài bình luận, vì nó là một “lời nhắc nhở đau đớn cho chúng ta về mức độ phụ thuộc của châu Âu [vào Trung Quốc] trong một số lĩnh vực nhất định”.
Trong giai đoạn đầu của cuộc khủng hoảng, chính quyền Trung Quốc đã gửi tặng đồ y tế đến nhiều quốc gia EU trong nỗ lực lấy lại thể diện và tự coi mình là người đi đầu trong cuộc chiến chống lại đại dịch Covid, chứ không phải là bên phải chịu trách nhiệm về sự lây lan của virus Vũ Hán.
Vào tháng Ba, Josep Borrell, người đứng đầu chính sách đối ngoại của Liên minh Châu Âu, đã cảnh báo châu Âu nên cẩn thận với các chiêu thức gây ảnh hưởng thông qua “chính trị nấp sau sự hào phóng” của chính quyền Trung Quốc.
Đức, quốc gia được xem là động lực tăng trưởng chính của EU, đã bắt đầu điều chỉnh chiến lược của mình đối với chính quyền Trung Quốc.
Vào ngày 2/9, nội các Đức đã thông qua “hướng dẫn chính sách mới về khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương”, chủ trương đa dạng hóa các mối quan hệ của Đức trong khu vực, giảm sự phụ thuộc của nước này vào Bắc Kinh.
Theo Epoch Times

Brexit : Luân Đôn dọa bội ước với Liên Âu về Bắc Ailen

Thanh Hà
Căng thẳng gia tăng trong ngày đầu tiên của vòng đàm phán thứ 8 giữa Anh Quốc và Liên Hiệp Châu Âu liên quan đến giai đoạn hậu Brexit. Hôm qua 08/09/2020 Luân Đôn công khai tuyên bố ý định “xét lại” một số điều khoản đã đàm phán với Bruxelles về thủ tục chia tay, chủ yếu là vấn đề Bắc Ailen (thuộc Anh) và việc áp dụng các quy định hải quan của Liên Hiệp Châu Âu.
Từ Luân Đôn, thông tín viên Muriel Delcroix cho biết thêm :
“Luân Đôn sẽ tự đặt mình ngoài vòng pháp luật và hoàn toàn chịu tránh nhiệm về chuyện đó. Với lời lẽ mạnh mẽ bất thường, bộ trưởng Anh đặc trách về Bắc Ailen tuyên bố công khai và rõ ràng như trên trước Nghị Viện ngày hôm qua. Theo thỏa thuận Luân Đôn đã đạt được với Bruxelles về thủ tục chia tay hồi năm ngoái, Bắc Ailen tiếp tục hưởng các quy chế về thuế quan của Liên Hiệp Châu Âu. Thế nhưng chính quyền Boris Johnson lại muốn đặt ra một luật mới để vẫn giữ Bắc Ailen trong liên minh thuế quan của mình mà không có sự chấp thuận của Bruxelles. Trả lời các dân biểu lo ngại về tính phi pháp của văn bản mà chính phủ sẽ trình lên Nghị Viện vào hôm nay, Brandon Lewis đã đơn giản trả lời rằng đúng, luật mới đó sẽ “vi phạm luật quốc tế một cách rất chuyên biệt và hạn chế”.  
Thái độ nói trên khiến Nghị Viện Anh, kể cả trong hàng ngũ của đảng bảo thủ, đã phải ngạc nhiên. Cựu thủ tướng Anh, Theresa May rõ ràng là đã phẫn nộ. Bà cảnh báo, hành động ngày có nguy cơ làm sứt mẻ uy tín của nước Anh và làm nản lòng các đối tác quốc tế trong tương lai.
Chính quyền Anh trấn an rằng sẽ làm “sáng tỏ” lập trường. Nhưng chính cố vấn về luật pháp của thủ tướng có vẻ cũng không mấy tin tưởng vào điều này và đã từ chức để phản đối quyết định mà ông cho là “bất hợp pháp”.  Các nhà đàm phán châu Âu đang có mặt tại Luân Đôn sẽ cố gắng tiếp tục đối thoại cho đến ngày mai, thế nhưng phủ thủ tướng Anh ở Downing Street đã tạo không khí căng thẳng, không mấy thuận lợi để các bên đạt được những tiến bộ”.

Covid-19 : Viện bào chế Anh tạm ngưng

thử nghiệm lâm sàng vac-xin chống virus corona

Thanh Hà
Tính đến ngày 09/09/2020 trên toàn thế giới có gần 900.000 người chết vì Covid-19, trong lúc đó, đại học Oxford và viện bào chế AstraZeneca thông báo tạm ngưng thử nghiệm lâm sàng vac-xin chóng virus corona. Quyết định được đưa ra sau khi phát hiện một tình nguyện viên thử nghiệm vac-xin bị nhiễm siêu vi corona chủng mới.
Vac-xin mà viện bào chế của Anh và Thụy Điển AstraZeneca cùng với đại học Oxford đang nghiên cứu, hiện được coi là đang dẫn đầu cuộc chạy đua trên thế giới tìm kiếm thuốc chống Covid-19.
Tuy nhiên chương trình đã bị gián đoạn từ đêm 08 rạng sáng 09/09/2020 taị nhiều quốc gia như ở Anh và Mỹ, do phát hiện “hiệu ứng phụ xấu và nghiêm trọng” do vac-xin gây ra đối với một tình nguyện viên thử nghiệm. AstraZeneca không đi sâu vào chi tiết về trường hợp khiến viện bào chế này phải tạm ngưng dự án nhưng hãng tin AFP của Pháp cho rằng đây phải là một ca “nghiêm trọng” đến mức tập đoàn dược phẩm này phải “lập một ủy ban điều tra độc lập về sự cố”
AstraZeneca cùng với hai tập đoàn Mỹ là Moderna và Pfizer đang ráo riết tìm kiếm hàng chục ngàn tình nguyện viên trong khâu thử nghiệm lâm sàng (tức thử nghiệm trên người ở mức độ rộng lớn) vac-xin chống Covid-19. Cả ba viện bào chế nói trên cùng hy vọng từ nay đến cuối năm, các chương trình xét nghiệm lâm sàng sẽ đem lại kết quả mong đợi. Chưa có thuốc, AstraZeneca đã ký hơp đồng cung cấp hàng trăm triệu liều cho nhiều quốc gia trên thế giới.
Châu Âu : số ca lây nhiễm tiếp tục tăng
Châu Âu tiếp tục lo ngại về đà lây nhiễm của virus corona. Hôm qua Pháp lại có thêm hơn 6.500 ca nhiễm mới. Thủ tướng Jean Castex tự cách ly đề phòng nhiễm Covid-19 sau khi đã tiếp xúc với giám đốc Cuộc Đua Xe Đạp Tour de France. Ông Christian Prudhomme vừa phát hiện dương tính với virus corona.
Anh Quốc tiếp tục duy trì biện pháp giới hạn các cuộc tập hợp dưới ngưỡng 6 người. Còn tại Tây Ban Nha, Madrid thông báo đã vượt ngưỡng 500.000 ca nhiễm, với thêm gần 8.000 bệnh nhân mỗi ngày. Công luận lo ngại “làn sóng thứ nhì” đã ập tới Tây Ban Nha.
“Dẹp dịch”, Trung Quốc mãn nguyện
Trong khi đó tại Bắc Kinh hôm 08/09/2020 chủ tịch Trung Quốc trao tặng huân hương chương cho bốn nhân viên y tế mà ông gọi là những vị “anh hùng” của đất nước đã góp phần đẩy lui  dịch Covid-19. Trong bài phát biểu, ông Tập Cận Bình ca ngợi Trung Quốc đã “lao vào một cuộc đại chiến chống Covid-19 và đã trải qua một cuộc thử thách chưa từng có trong lịch sử”. Theo thống kê chính thức virus corona chủng mới đã cướp đi sinh mạng của 4.634 bệnh nhân. Trong lúc đó thì Mỹ gần đạt ngưỡng 190.000 ca tử vong.

Dịch Covid tác động thế nào

đến sinh viên nước ngoài du học tại Pháp?

Trọng Thành
Đầu năm 2020, đại dịch Covid-19 khiến nhiều quốc gia phải tự phong tỏa, hàng loạt lĩnh vực bị tê liệt, trong đó có giáo dục đại học. Đối với nhiều sinh viên, du học nước ngoài trở thành một giấc mơ dang dở. Covid-19 tác động ra sao đến sinh viên nước ngoài du học tại Pháp ? Đại học Pháp, chính quyền Pháp làm gì để hóa giải các khó khăn với sinh viên quốc tế ?
Sinh viên nước ngoài có thể giảm đến 30% 
Năm học 2020 khởi đầu có vẻ rất thuận lợi. Trước đại dịch, số lượng sinh viên nước ngoài đăng ký học tại Pháp tăng vọt (hơn 20%). Với 358.000 sinh viên nước ngoài, Pháp nằm trong số 5 quốc gia đứng đầu thế giới về du học sinh năm 2019 (sau Mỹ, Anh, Úc và Đức). Ước tính khoảng 5% du học sinh đại học trên thế giới học tập tại Pháp. Đại học Pháp đặc biệt thu hút học sinh từ các nước châu Phi, cũng như nhiều nước láng giềng châu Âu. Về châu Á, sinh viên đến từ Trung Quốc là đông nhất, tiếp theo là Việt Nam, Ấn Độ…
Truyền thông Pháp dẫn thông tin từ Campus France, định chế công lập có sứ mạng cổ vũ cho giáo dục đại học Pháp ở nước ngoài, từ cuối tháng 7/2020 một số chuyên gia dự đoán, vào kỳ khai trường, số lượng du học sinh có thể giảm 20% so với dự kiến (Journal du Dimanche, 25/08/2020). Trong bối cảnh dịch Covid-19 tái bùng phát, tình hình có thể sẽ còn tệ hơn nhiều.
Trả lời đài France Info, bà Christine Fernandez, hiệu phó phụ trách quốc tế của Đại học Poitiers, giải thích : « Cho dù tất cả các sứ quán của chúng ta đều nỗ lực, tuy nhiên, đã có nhiều khó khăn trong việc cấp visa. Giao thông hàng không cũng bị giảm đi nhiều. Cũng có nhiều trường hợp sinh viên quyết định hủy kế hoạch dự tính, do sợ đến Pháp vào lúc xảy ra một đợt dịch thứ hai, với hậu quả là sẽ bị kẹt. Cũng có trường hợp chính một số đại học không cho phép họ đến đây ».
« Những người thiệt thòi nhất »
Theo một thăm dò của Đài quan sát Quốc gia về Đời sống Sinh viên (Observatoire national de la vie étudiante) hồi tháng 6 – tháng 7, trong bối cảnh sinh viên khó khăn chung, thì « sinh viên nước ngoài, do việc phải xa cách gia đình, điều kiện sống, điều kiện làm việc bấp bênh là bên thiệt thòi nhất trong cuộc khủng hoảng y tế này ». Có đến 70% sinh viên nước ngoài cho biết gặp khó khăn về tài chính trong thời gian phong tỏa, so với 27% đối với sinh viên người Pháp (Le Figaro, 22/07/2020).
Theo ông Michaël Hauchecorne, thuộc mạng lưới các hiệu phó phụ trách quan hệ quốc tế của các đại học Pháp, thì số sinh viên nước ngoài đến Pháp năm nay có thể giảm từ 25% đến 30%. Nhưng « giảm đến đâu còn phụ thuộc chủ yếu vào tình hình dịch bệnh tại các nước xuất xứ của sinh viên du học, đặc biệt là tình hình dịch bệnh tại châu Phi ». Hệ thống các trường đại học (Universités) là nơi thu hút số lượng chủ yếu sinh viên nước ngoài, ước tính chiếm hai phần ba tổng số sinh viên nước ngoài trên toàn quốc (số các sinh viên nước ngoài còn lại theo học ở các « Grandes Ecoles » hay các trường đào tạo chuyên nghiệp).
Kết hợp học tại chỗ – học từ xa: Cách giữ chân sinh viên nước ngoài
Để hóa giải tình hình này, từ tháng 8, bộ Đại Học Pháp đã xác định một chiến lược rõ ràng. Cuối tháng 8, chiến lược giảng dạy đại học thời Covid, cho sinh viên nói chung, và sinh viên nước ngoài nói riêng, được công bố. Nét chủ đạo trong phương án giảng dậy đại học thời Covid là kết hợp hai phương thức học – học tại chỗ với học từ xa, lấy giảng dậy tại chỗ làm cơ bản, nhưng áp dụng mềm dẻo tùy theo tình hình dịch bệnh cụ thể, tùy theo khả năng lựa chọn của mỗi cơ sở đào tạo. Chiến lược giảng dậy đại học thời Covid dự kiến « bốn kịch bản » tổ chức học tập, từ học tập tại chỗ với các biện pháp cảnh giác phòng dịch tăng cường đến học tập từ xa, tùy theo diễn biến của dịch.
Trả lời phỏng vấn báo Le Figaro đầu tháng 9, bộ trưởng Đại Học, bà Frédérique Vidal, nhấn mạnh đến giá trị của việc kết hợp hai phương thức học tập, tại chỗ và từ xa :  « Trước đó, chúng tôi bắt đầu quá trình chuyển đổi trên phương diện giảng dạy, với nhiều dự án giảng dạy qua mạng, do các cơ sở đào tạo thiết kế, đặc biệt liên quan đến năm học thứ ba của Đại học. Với quyết định phong tỏa, tất cả mọi người đã bắt tay vào cuộc. Nhiều giảng viên thoạt tiên lưỡng lự, đã phát hiện ra những lợi thế của việc giảng bài qua mạng, cũng như việc thảo luận với sinh viên sau đó. Đấy cũng là một phương thức truyền thụ kiến thức. Toàn bộ vấn đề này dĩ nhiên cũng phụ thuộc vào loại hình môn học, cũng như sĩ số học sinh. Nhìn chung mà nói, ý nghĩa của các buổi học truyền thụ trên giảng đường như truyền thống, cũng được nhiều giáo viên – nhà nghiên cứu đánh giá lại, trong giai đoạn này. Tuy nhiên, các buổi giảng bài trên giảng đường vẫn có tầm quan trọng riêng của nó. Giờ đây, mọi tri thức thì đều đã được đưa vào sách, hay lên mạng. Song, cái cách thức mà các giảng viên đưa sinh viên đến với các tri thức đó vẫn là điều quan trọng. Và việc đến dự giờ trên giảng đường có mục tiêu như vậy ».
Bộ trưởng Đại Học Frédérique Vidal tỏ ra tin tưởng ở chiến lược này. Bà cho biết thêm : « Tình hình hiện nay không ảnh hưởng đến ham muốn học tập ở nước ngoài. Chúng tôi không ghi nhận thấy việc có ít hồ sơ đăng ký hơn so với các năm trước. Chúng tôi cố gắng làm sao, để cho một sinh viên nước ngoài, một khi đã được chấp nhận vào một cơ sở đào tạo, thì việc cấp thị thực nhập cảnh sẽ diễn ra gần như là tự động. Trên thực tế, việc đi lại bằng đường hàng không khó khăn hơn nhiều. Như vậy, chúng tôi đã tạo điều kiện cho việc đào tạo từ xa. Có tổng cộng 7 khu đào tạo đại học nối mạng được mở ra tại các nước đối tác. Các sinh viên nước ngoài được bảo đảm là, cho dù họ có thể không có mặt ngay vào thời điểm khai giảng, họ cũng sẽ có điều kiện đến Pháp sau đó ».
Tổ chức khai giảng thành nhiều lần
Được giao quyền tự quyết định, mỗi đại học lựa chọn phương thức tiếp nhận sinh viên theo nhịp độ riêng. Nhật báo Ouest-France giới thiệu về một trường thương mại ở Rennes (Rennes school of business), nơi nhà trường tổ chức 10 đợt khai giảng, để bảo đảm việc tiếp đón sinh viên tuân thủ các quy định về phòng dịch. 55% trong số 4.500 học sinh của nhà trường là du học sinh nước ngoài. Người phụ trách quốc tế của trường cho biết, đa số sinh viên nước ngoài đẩy lùi dịp khai giảng đến tận tháng Giêng năm sau.
Giám đốc nhà trường, ông Thomas Froehlicher, cho biết là các sinh viên có thể bắt đầu năm học bằng các buổi học từ xa, và họ sẽsang Pháp khi có đủ điều kiện. Trường Rennes school of business có 20 phòng học được trang bị camera và micro, với chương trình Elive, cho phép các sinh viên nước ngoài dự giờ từ xa gần như có mặt tại giảng đường. Trong năm học này, Rennes school of business có kế hoạch tiếp nhận số lượng sinh viên nước ngoài tương tự như năm ngoái. Chỉ có điểm khác biệt là số sinh viên Trung Quốc và Ấn Độ ít hơn, sinh viên từ Hoa Kỳ thì lại sang đông hơn.
Trả lời France Info, bà Vanessa Scherrer, giám đốc Quan hệ quốc tế của Học viện Khoa học Chính trị Paris (Sciences Po), cũng ghi nhận xu thế chung này : « Hiện nay, một sinh viên quốc tế trên thực tế có thể vào tuần tới, bắt đầu học từ xa. Năm học này, trường sẽ khai giảng, với cùng một lúc hai cơ sở, một có mặt tại chỗ và hai là qua mạng. Chúng tôi làm như vậy để duy trì sức thu hút của trường ».
Học viện Khoa học Chính trị Paris tỏ ra lạc quan về tình hình du học sinh nước ngoài năm nay. Khoảng 50% sinh viên của trường đến từ nước ngoài, từ khoảng 130 quốc gia. Theo số liệu chính thức, được Le Figaro đăng tải, số lượng sinh viên đăng ký học năm nay tăng 16%, bất chấp khủng hoảng y tế. Một thăm dò dư luận của nhà trường, hồi tháng 7, cho biết khoảng 78% sinh viên nước ngoài đăng ký học năm thứ ba sẵn sàng sang Pháp.
Chất lượng đào tạo qua mạng: Phải nằm ở tốp đầu
Trên thực tế, cũng có nhiều sinh viên thất vọng vì điều kiện học tập thay đổi, với việc học qua mạng là chủ yếu, cộng với khó khăn về tài chính, hay vấn đề visa… đã quyết định chấm dứt việc học. Cũng Le Figaro dẫn lời một sinh viên Brazil, cô Luisa, « với việc đồng real mất giá, học phí tăng cao đối với bậc học master, tôi thấy rằng trả một cái giá đắt đỏ cho cuộc sống tại Paris, chỉ để theo học trên mạng, thì thật không hợp lý chút nào ». Hiệu trưởng Đại học Reims, ông Guillaume Gellé, thừa nhận việc học từ xa ngay từ đầu đối với các bậc học, năm thứ ba hay Master là không đơn giản, trong lúc với các nghiên cứu sinh tiến sĩ thì hoàn toàn khả thi. Tình hình cũng đặc biệt khó khăn đối với những ngành đào tạo khoa học, đòi hỏi thực nghiệm.
Trường Bách Khoa (École polytechique) năm học này cho biết chiến lược của nhà trường là khuyến khích giảng dậy từ xa đối với các buổi học trên giảng đường lớn, trong lúc các lớp đào tạo với số lượng nhỏ và làm bài tập có hướng dẫn sẽ được tổ chức tại trường. Nâng cấp các đào tạo qua mạng (e-learning), với nhiều phương pháp sư phạm mới, là hướng ưu tiên phát triển của Trường Bách Khoa Pháp. Nhiều chuyên gia giáo dục, như ông Richard Perrin, phụ trách quan hệ quốc tế Trường cao học về thương mại phía bắc (EDHEC), khuyến cáo nước Pháp cần nỗ lực để nằm trong số các nước ở tốp đầu thế giới trong xu hướng chuyển mạnh sang giảng dậy qua mạng hiện nay.

Đức đẩy nhanh ‘thoát Trung’ với chiến lược

Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương mới

Đại Nghĩa
Đức vừa thông qua chính sách mới về Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, giảm nhẹ liên hệ với Trung Quốc, tăng cường hợp tác với các nước Nhật, Hàn, Ấn và ASEAN. Nó gây thêm chú ý vì được đưa ra ngay sau chuyến đi “giảng hòa” của Vương Nghị đến Châu Âu.
Ngoại  trưởng Đức Heiko Maas cho biết hôm 2/9: “Chúng tôi muốn giúp định hình [trật tự toàn cầu trong tương lai] dựa trên các quy tắc và hợp tác quốc tế, không dựa trên luật lệ của kẻ mạnh. Đó là lý do tại sao chúng tôi tăng cường hợp tác với những nước có chung các giá trị dân chủ và tự do.”
Cùng ngày, Đức đã thông qua các hướng dẫn chính sách mới về Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, nhấn mạnh tầm quan trọng của pháp quyền và thúc đẩy thị trường mở trong khu vực. Chiến lược này tương ứng với cách tiếp cận của Pháp, cũng như Nhật Bản, Australia và các thành viên của ASEAN, theo Asian Nikkei Review.
Sau nhiều năm định hình chiến lược châu Á xoay quanh Trung Quốc, Đức đã có một bước đột phá. Thay thế nó là sự tập trung vào quan hệ đối tác mạnh mẽ hơn với các nền dân chủ trong khu vực như Nhật Bản và Hàn Quốc để thúc đẩy tính pháp quyền.
Sự thay đổi này diễn ra khi cảm giác báo động ngày càng tăng trên khắp châu Âu về sự phụ thuộc kinh tế (chuỗi cung ứng) vào Trung Quốc hiển lộ rõ trong dịch bệnh và các vấn đề về nhân quyền của nước này.
Trung Quốc từng là trọng tâm ngoại giao của Berlin ở châu Á, với việc Thủ tướng Đức Angela Merkel thăm nước này gần như hàng năm. Trung Quốc cũng chiếm một nửa thương mại của Đức với khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương.
Nhưng tăng trưởng kinh tế đã không mở cửa thị trường Trung Quốc như kỳ vọng. Các công ty Đức hoạt động ở đó đã bị chính quyền Trung Quốc cưỡng ép chuyển giao công nghệ.
Các cuộc đàm phán về hiệp định đầu tư giữa Liên minh châu Âu và Trung Quốc nhằm giải quyết các vấn đề như vậy đã bị đình trệ. Điều đó làm dấy lên lo ngại về việc trở nên quá phụ thuộc kinh tế vào Bắc Kinh.
Động thái này xảy ra đồng thời với việc ngày càng có nhiều chỉ trích về luật an ninh quốc gia mới của Trung Quốc ở Hồng Kông và các trung tâm giam giữ những người Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ. Những vấn đề này đã dẫn đến việc dư luận Đức ngày càng phản đối các chính sách thân Trung Quốc của thủ tướng Merkel.
Chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương mới của Berlin sẽ bao gồm một cách tiếp cận cứng rắn hơn đối với Trung Quốc, bao gồm những chỉ trích về các khoản nợ khổng lồ của các nước tham gia “sáng kiến Vành đai Con đường” của Bắc Kinh.
Các công ty Đức cũng lo ngại về việc kinh doanh và bảo vệ tài sản trí tuệ của họ ở Trung Quốc, đặc biệt sau khi nhà sản xuất thiết bị Trung Quốc Midea Group mua nhà sản xuất robot Kuka của Đức vào cuối năm 2016.
Giáo sư Patrick Koellner thuộc Viện Nghiên cứu Khu vực và Toàn cầu của Đức cho biết: Châu Âu nói chung dường như đang đánh giá lại mối quan hệ của mình với Trung Quốc. Năm 2019, Liên minh châu Âu đã coi Trung Quốc là “đối thủ cạnh tranh chiến lược”. Trong đó nêu bật sự cạnh tranh về thương mại và công nghệ của nước này với gã khổng lồ châu Á. Ông nói, sự chuyển hướng sang một chiến lược tỉnh táo hơn đối với Bắc Kinh đã diễn ra.
Đức có kế hoạch làm việc với Pháp hướng tới một chiến lược toàn EU về Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương. Berlin đặt mục tiêu tăng cường ảnh hưởng của mình đối với vấn đề này bằng cách để cả khối đứng về phía mình.
Anh, Pháp và một số nước châu Âu cũng đã bắt đầu ngăn cấm gã khổng lồ viễn thông Trung Quốc Huawei tham gia thiết lập mạng 5G của họ. Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị gần đây đã có chuyến công du châu Âu để “giảng hòa” và tái củng cố chính sách thân Bắc Kinh của các nước. Nhưng các phát biểu của Vương Nghị về Hồng Kông, Tân Cương cũng như sự đe dọa ngạo mạn đối với Chủ tịch Thượng viện Séc đã làm cho sự khác biệt và rạn nứt quan hệ với Châu Âu càng thêm rõ ràng.
Có thể nói, Châu Âu đang học theo quan điểm và chính sách của chính phủ Mỹ về khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương nói chung và Trung Quốc nói riêng. Nhưng chính các hành vi ngạo mạn từ quan chức Trung Quốc lại đang đẩy nhanh quá trình này.
Theo Asian Nikkei Review
Đại Nghĩa biên dịch

Nhà lãnh đạo biểu tình của Belarus mất tích sau khi

 bị bắt giữ bởi những người đàn ông đeo mặt nạ

Phong trào đối lập cho biết vào hôm thứ Hai (7/9), những người đàn ông đeo mặt nạ bắt giữ nhà lãnh đạo biểu tình Belarus Maria Kolesnikova ở trung tâm Minsk và chở bà đi trong một chiếc xe tải và hai đồng minh của bà cũng biến mất sau đó.
Bà Kolesnikova, một thành viên của hội đồng điều phối phe đối lập, là người cuối cùng trong số ba nữ chính trị gia còn lại ở Belarus liên minh trước cuộc bầu cử tổng thống ngày 9 tháng 8 để cố gắng thách thức tổng thống đương nhiệm Alexander Lukashenko.
Là một người công khai phê bình ông Lukashenko, bà đóng một vai trò quan trọng trong nhiều tuần biểu tình và đình công của những người biểu tình cáo buộc ông Lukashenko gian lận cuộc tái bầu cử. Ông Lukashenko, người nắm quyền 26 năm qua, phủ nhận cáo buộc đó và cáo buộc các thế lực ngoại quốc đang cố gắng lật đổ ông trong một cuộc cách mạng. Ông đáp trả bằng một cuộc đàn áp mà một số người bị giam giữ tuyên bố rằng bao gồm việc tra tấn và đánh đập.
Ba nhà ngoại giao của Liên minh châu Âu thông báo với Reuters rằng EU hiện đang chuẩn bị áp đặt các biện pháp trừng phạt kinh tế đối với 31 viên chức cấp cao của Belarus, bao gồm cả bộ trưởng nội vụ, để đáp lại cuộc bầu cử và cuộc đàn áp sau đó. Khi phải đối mặt với cuộc khủng hoảng sâu sắc nhất của bản thân, ông Lukashenko vẫn giữ được sự ủng hộ của Tổng thống Nga Vladimir Putin, người cam kết sẽ cử cảnh sát đến hỗ trợ ông nếu cần. (BBT)

Belarus: Loukachenko

cố triệt tiêu hàng ngũ lãnh đạo phe đối lập

Thanh Phương
Vụ bắt cóc và toan trục xuất nhà đối lập Maria Kolesnikova, hôm qua, 08/09/2020, cho thấy là tổng thống Alexandre Loukachenko quyết tâm tiêu diệt phong trào phản kháng bằng cách gia tăng trấn áp những người cầm đầu phong trào.
Chiều hôm qua, những người ủng hộ phe đối lập ở thủ đô Minsk đã xuống đường để hoan nghênh lòng can đảm của bà Kolesnikova, người đã xé hộ chiếu, nhảy ra khỏi chiếc xe chở bà đến biên giới Ukraina vì không muốn bị lưu vong cưỡng bức, và sau đó đã bị lính biên phòng Belarus bắt giữ. Những người biểu tình đòi trả tự do cho một nhân vật nay trở thành biểu tượng của phong trào chống chính quyền tổng thống Loukachenko.
Lãnh đạo Belarus thì vẫn cố bêu xấu nhà đối lập Kolesnikova, mô tả bà như là một kẻ muốn trốn sang Ukraina, nhưng đã bị bắt vì tội toan vượt biên trái phép. Nhưng thứ trưởng Nội Vụ Ukraina Anton Guerachenko thì khẳng định rõ ràng đây là một vụ trục xuất : « Maria Kolesnikova đã không rời khỏi Belarus, vì người phụ nữ can đảm này đã kháng cự. Cá nhân ông Alexandre Loukachenko phải chịu trách nhiệm về tính mạng và sức khỏe của bà ».
Kolesnikova là một trong 7 thành viên của ban lãnh đạo Hội đồng Điều phối, một cơ chế do phe đối lập Belarus lập ra để cố dàn xếp một tiến trình chuyển tiếp chính trị tại nước Cộng hòa thuộc Liên Xô cũ này. Nhà phân tích chính trị Peter Kuznetsoff, được tờ le Monde trích dẫn hôm nay, nhận định : « Với việc đẩy ban lãnh đạo Hội đồng Điều phối ra khỏi nước, chính quyền muốn tỏ cho thấy họ không thanh toán một ai, họ rất tự tin và những người lãnh đạo phe đối lập thì đua nhau bỏ trốn ra nước ngoài ». Bằng hành động của bà, Kolesnikova đã phá bỏ những lời tuyên truyền dối trá của Loukachenko.
Nhưng nhà đối lập chắc là sẽ phải trả giá đắt cho hành động đó, vì rất có thể là chính quyền Belarus sẽ bỏ tù bà với một lý do nào đó. Theo tổ chức bảo vệ nhân quyền Viasna, hiện đã có ít nhất là 50 tù chính trị đang bị giam ở nước này. Còn theo nhà nghiên cứu Tadeusz Giczan, cũng có thể là chính quyền sẽ cố trục xuất Kolesnikova một lần nữa, cho dù bà không có hộ chiếu, vì Loukachenko đã từng cho thấy là ông bất chấp luật lệ quốc tế, qua vụ lãnh đạo Giáo hội Công giáo Belarus bị cấm trở về nước ngày 31/08, sau một chuyến đi ở Ba Lan.
Theo nhận định của tờ Le Monde, vụ Kolesnikova đã làm lộ rõ phương pháp hành động của chính quyền Loukachenko, loại trừ dần dần các lãnh đạo đối lập, đặt biệt là ban lãnh đạo hội đồng điều phối. Những người nào không bị bỏ tù thì cũng sẽ bị cưỡng bức sống lưu vong. Trước khi xảy ra vụ bắt cóc và toan trục xuất bà Kolesnikova, nữ ứng cử viên tổng thống của phe đối lập Svetlana Tsikhanovskaïa vào giữa tháng 8 cũng đã buộc phải chạy sang Litva lánh nạn sau khi nhận được những lời đe dọa đối với gia đình bà. Chưa hết, sáng nay (09/09), đến lượt Max Znak bị những kẻ bịt mặt bắt giữ. Như vậy là hiện giờ, trong ban lãnh đạo hội đồng điều phối của phe đối lập chỉ còn một người còn được tự do ở Belarus, đó là nhà văn Svetlana Alexievitch, giải Nobel Văn học.
Với việc triệt tiêu dần dần hàng ngũ lãnh đạo của phe đối lập, nhà độc tài Belarus hy vọng dập tắt phong trào phản kháng. Đối với các nhà quan sát ở Belarus, Loukachenko làm như thế cũng hoài công, bởi vì hội đồng điều phối không có liên hệ trực tiếp với những người biểu tình. Thế nhưng, nhiều người sợ rằng, với việc chính quyền Minsk gia tăng trấn áp phe đối lập, phong trào phản kháng, mà cho tới nay vẫn rất ôn hòa, sẽ dần dần đi theo cong đường bạo động, và có lẻ đó là điều mà tổng thống Loukachenko muốn nhắm tới.
Trước tình hình này, phe đối lập Belarus kể từ nay công khai cầu cứu Liên Hiệp Châu Âu. Trong bài phát biểu với Hội đồng Nghị viện của Ủy hội châu Âu ( PACE ), bà Svetlana Tsikhanovskaïa đã kêu gọi quốc tế gây áp lực lên chế độ Loukachenko, ban hành trừng phạt đối với những tham gia đàn áp phong trào. Hôm nay, cựu ứng cử viên tổng thống của phe đối lập còn kêu gọi dân Nga ủng hộ « cuộc đấu tranh vì tự do » của nhân dân Belarus, và đừng tin vào những lời tuyên tuyền cho rằng những người chống Loukachenko là những kẻ bài Nga.
Trước mắt, bất chấp chiến dịch đàn áp, bất chấp áp lực gia tăng lên các lãnh đạo đối lập, các cuộc biểu tình chống chính quyền Loukachenko tiếp diễn và từ bốn tuần qua, vào mỗi chủ nhật vẫn quy tụ trên 100 ngàn người chỉ riêng tại thủ đô Minsk.

Vaccine Covid-19 của Nga: ‘Hãy chờ thời gian trả lời’

Tổng thống Vladimir Putin ‘đem danh dự của đất nước’ đặt cược vào vaccine Covid-19 nên ‘chắc chắn không thể làm bừa’, một chuyên gia Việt Nam hiện đang làm việc ở Nga nói với VOA và kêu gọi những người chỉ trích vaccine Nga chờ đợi ‘thời gian sẽ trả lời’.
Hồi tháng trước, Tổng thống Putin loan báo Nga đã phê chuẩn vaccine ngừa virus corona có tên là Sputnik V và sẽ sớm cho triển khai tiêm chủng cho toàn dân ở quy mô đại trà ngay tháng 10.
Tuyên bố này khơi mào những hoài nghi và chỉ trích từ cộng đồng khoa học thế giới, nhất là ở các nước phương Tây. Họ cho rằng phía Nga đã vội vã và liều lĩnh đốt cháy giai đoạn, bỏ qua những tiêu chuẩn an toàn cần thiết, không đưa ra những dữ liệu thử nghiệm rõ ràng và đặt toan tính chính trị lên trên sức khoẻ của con người.
Trong lúc này, Nga vừa bắt đầu cho thử nghiệm vaccine Sputnik V trên 40.000 người tình nguyện, tức tương đương với thử nghiệm giai đoạn 3 ở quy mô lớn. Thử nghiệm này chủ yếu tiến hành trên những nhóm có nguy cơ cao như các nhân viên y tế.
‘Làm gối chồng’
Từ Tambov, thành phố cách thủ đô Moscow hơn 460 km về phía Nam, bác sĩ Vũ Quang Hưng hiện đang công tác ở một trung tâm nghiên cứu và làm việc cho một bệnh viện địa phương, nói với VOA rằng chỉ trích của các nước phương Tây ‘có màu sắc chính trị’.
“Phải coi xem sau khi dùng vaccine thì có bùng phát đợt sóng mới hay không thì mới có thể kết luận được,” bác sĩ Hưng nói.
Nghiên cứu sinh này cho rằng cách làm của Nga là ‘gối chồng lên nhau,’ ‘chưa xong giai đoạn 1 đã triển khai thử nghiệm giai đoạn 2 và trong quá trình làm giai đoạn 2 sẽ theo dõi và kết luận giai đoạn 1.’
Theo lời ông thì việc nghiên cứu vaccine Covid-19 của Nga ‘không phải là mới’ mà là ‘tiếp nối những công trình đã thực hiện liên tục từ cách nay 30 năm’.
“May là con virus này trùng hợp với những gì họ đã nghiên cứu trong thời gian dài nên họ ra vaccine được sớm hơn các nước khác,” ông lập luận.
Ông cũng không cho rằng ông Putin ‘vội vàng một cách ngây thơ’: “Ông ấy đem cả danh dự nước Nga ra đánh cược thì không phải chuyện nhỏ. Phải chắc phần thắng cao thì ông ấy mới làm.”
‘Trường hợp đặc biệt’
Nghiên cứu sinh Vũ Quang Hưng cũng phản bác lại quan điểm cho rằng nước Nga ‘đốt cháy giai đoạn’ trong việc nghiên cứu vaccine cho virus corona. “Trường hợp đặc biệt cần phải được giải quyết một cách đặc biệt chứ không phải máy móc,” ông lập luận.
‘Trường hợp đặc biệt,’ theo lời ông, là đại dịch đang lan rộng nên ‘không thể tuân theo quy trình như trước’ vốn mất nhiều thời gian, và hiện giờ Nga vẫn đang thử nghiệm giai đoạn ba ở quy mô lớn mặc dù tuyên bố là vaccine đã thành công.
Do đó, việc Nga nói đã thành công với vaccine không ‘đem lại cảm giác nhẹ nhõm gì cả’, ông nói, vì nước Nga ‘vẫn đang trong trạng thái chờ đợi’.
Theo nghiên cứu sinh này, ‘phải chờ một năm’ sau khi vaccine được tiêm rộng rãi thì mới xác định được vaccine có hiệu quả và có gây biến chứng hay không.
Đáp câu hỏi bản thân ông có muốn được tiêm vaccine Sputnik V hay không, bác sĩ Hưng nói ‘vẫn đắn đo về tác dụng phụ của thuốc’ và vùng ông ở ‘hiện đang kiểm soát dịch rất tốt’ nên ông ‘không có nhu cầu.’
Tuy nhiên, ông cho rằng các bác sĩ tuyến đầu ‘phải tiêm ngừa’. “Tôi có những người bạn làm việc trên tuyến đầu ở Moscow hầu như là ai cũng bị nhiễm, tỷ lệ rất cao,” ông nói thêm.
Vốn cũng là một trong các bác sĩ trực đường dây nóng cho người Việt ở Nga gọi vào để được tư vấn về Covid-19, nghiên cứu sinh Vũ Quang Hưng cho biết chưa thấy có người nào gọi vào hỏi thăm về việc tiêm vaccine Sputnik V cả.
Việt Nam nên mua?
Về tranh cãi liệu Việt Nam có nên mua vaccine của Nga hay chờ đến khi phương Tây có vaccine, bác sĩ Hưng cho rằng ‘Việt Nam không nên chờ đợi nhiều, trong quá trình sắp tới nếu vaccine của Nga chứng tỏ có hiệu quả tốt thì mình sử dụng thôi.’
“Thật ra Nga cũng là một nước có nền khoa học cơ bản rất tốt và một trong những cái tốt đó là sản xuất vaccine,” ông nói.
AFP dẫn lời ông Thomas Bollyky, giám đốc Chương trình Y tế Toàn cầu thuộc Hội đồng Quan hệ Đối ngoại, một tổ chức phi lợi nhuận của Mỹ chuyên về chính sách đối ngoại và các vấn đề quốc tế, cảnh báo vaccine không được thử nghiệm đầy đủ có thể gây nhiều tai hại, từ ảnh hưởng tiêu cực đối với sức khỏe cho đến tạo cảm giác an toàn giả, hay làm mất niềm tin vào vaccine.
Nếu vaccine không tốt được tiêm cho các nhân viên y tế sẽ gây tác hại khủng khiếp, Giáo sư Lawrence Gostin của Đại học Georgetown, Mỹ, nói với AFP.
“Sẽ ra sao nếu vaccine giết chết họ hoặc khiến họ bị bệnh?” Giáo sư Gostin đặt vấn đề.
Theo lời chuyên gia này thì nhiều người trên thế giới ‘không quan tâm đến đạo đức mà chỉ muốn có vaccine’.

Iran thông báo

xây dựng một trung tâm lắp ráp máy ly tâm mới

Thu Hằng
Trên hồ sơ hạt nhân, Teheran tiếp tục chiến lược « vừa đấm, vừa xoa ». Một mặt, Iran đã khởi công xây dựng một cơ sở hạt nhân mới, theo thông báo ngày 08/09/2020 của người đứng đầu chương trình hạt nhân Iran. Mặt khác, theo đài NHK, ngoại trưởng Iran Javad Zarif có thể sẽ công du châu Âu nhằm thuyết phục các cường quốc phản đối kế hoạch gia tăng trừng phạt của Mỹ.
Thông tín viên RFI Siavosh Ghazi tường trình từ Teheran :
« Theo người đứng đầu chương trình hạt nhân Iran, trung tâm mới này nằm trong núi và khó phá hủy được. Thông báo được đưa ra sau khi một tòa nhà tại cơ sở hạt nhân Natanz bị phá hoại. Đây là nơi Iran thử nghiệm những máy ly tâm mới cực kỳ hiện đại nhằm đẩy nhanh chương trình làm giầu uranium.
Ông Ali Akbar Salehi, lãnh đạo Tổ chức Năng lượng Nguyên tử Iran, đưa ra thông báo trên vào lúc phát ngôn viên của ông vừa mới tuyên bố sản lượng uranium được làm giầu của Iran đã đạt đến mức như trước khi ký kết thỏa thuận hạt nhân.
Người phát ngôn này còn nêu rõ là dự trữ uranium được làm giầu hiện nay của Iran đã gấp 10 lần mức được ấn định trong thỏa thuận hạt nhân năm 2015 với năm nước thành viên thường trực của Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc, cùng với Đức.
Những thông báo trên được Iran tới tấp đưa ra trong bối cảnh Hoa Kỳ gia tăng vận động ngoại giao để tái lập các biện pháp trừng phạt của Liên Hiệp Quốc nhắm vào chế độ Teheran và kéo dài lệnh cấm vận vũ khí, trên nguyên tắc sẽ hết hạn vào tháng 10.
Tuy nhiên, đa số các thành viên của Hội Đồng Bảo An, trong đó có Pháp, Anh, Đức, cũng như Nga và Trung Quốc, đều phản đối các kế hoạch của Mỹ ».

Nhóm khủng bố Taliban tái thống nhất,

đe dọa giấc mộng ‘Vành đai, Con đường’

của Bắc Kinh ở Pakistan

Vũ Dương
Theo báo cáo của kênh truyền thông Nhật Bản Nikkei Asia Review, tổ chức khủng bố Taliban vẫn đang hoạt động tích cực ở Pakistan. Mới đây, ba phe chia rẽ ngày trước của tổ chức này đã tái thống nhất, trở thành mối đe dọa lớn đến Sáng kiến “Vành đai, Con đường” của chính quyền Trung Quốc.
Trang udn.com hôm nay dẫn tin cho hay, tổ chức khủng bố Taliban ở Pakistan đang nhắm vào Trung Quốc, khiến sáng kiến “​​Vành đai, Con đường” của Bắc Kinh đang bị đe dọa. Nguồn tin cho hay, tổ chức Taliban ở Pakistan đã nhắm Trung Quốc làm mục tiêu chính sau khi quân đội Mỹ rút khỏi Afghanistan. Hiện tổ chức này vẫn đang hoạt động khá tích cực ở Pakistan. Mới đây, ba phe chia rẽ trước đó đã tái thống nhất. Người Trung Quốc đã trở thành đối tượng bị tổ chức này nhắm đến. Họ bị bắt cóc và giết hại, trực tiếp đe dọa đến công trình “Vành đai và Con đường” vốn được xem là “Hành lang kinh tế Trung Quốc-Pakistan” .
Trang Nikkei Asian Review của Nhật Bản cho hay Taliban ở Pakistan được thành lập vào năm 2007 ở phía tây bắc nước này và vùng biên giới của Afghanistan, sau đó mở rộng sang các khu vực khác. Năm 2014, tổ chức này đã chia thành ba phe chính: Jamaat-ul-Ahrar,  Hizb ul-Ahrar và Hakeemullah Mehsud. Việc ba phe này đột nhiên tái thống nhất gần đây khiến thế giới, nhất là Trung Quốc, không khỏi chấn động.
Tại tỉnh Khyber Pakhtunkhwa, nơi Taliban ở Pakistan xuất sinh, Trung Quốc đang tiến hành một loạt các dự án lớn như đường cao tốc, bến cảng và nhà máy thủy điện. Con đường hành lang này kéo dài đến tận Tân Cương.
Theo Nikkei Asian Review, Mufti Abu Zar al-Burmi, một chuyên gia tư tưởng của tổ chức Taliban Pakistan, đã xuất bản một bộ phim vào năm 2014, tuyên bố Trung Quốc sẽ là mục tiêu tiếp theo sau khi
quân đội Mỹ rút khỏi Afghanistan. Ông ta chỉ thị cho tất cả các nhóm “thánh chiến” tấn công các đại sứ quán và công ty Trung Quốc, bắt cóc hoặc giết hại công dân Trung Quốc.
Trang Nikkei Asian Review cho biết thêm, Taliban ở Pakistan đã bắt cóc và sát hại nhiều người Trung Quốc dọc tuyến đường của công trình “Vành đai, Con đường”. Hiện tại các nhóm khủng bố này đã tái thống nhất, trở thành mối đe dọa tiềm tàng lớn hơn với những dự án trong khuôn khổ sáng kiến “Vành đai, Con đường” của chính quyền Trung Quốc.
Theo Xiaoshan, Secretchina
Vũ Dương biên dịch

ASEAN khai mạc các hội nghị thường niên

 trong bối cảnh căng thẳng Mỹ-Trung

Thanh Phương
Hôm nay, 09/09/2020, các ngoại trưởng ASEAN khai mạc các hội nghị thường niên, kéo dài đến ngày 12/09, để bàn về hợp tác đối phó với các mối đe dọa toàn cầu, cũng như tìm cách làm giảm căng thẳng giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc.
Cuộc họp trực tuyến hôm nay giữa các ngoại trưởng ASEAN diễn ra dưới sự chủ tọa của phó thủ tướng kiêm bộ trưởng Ngoại Giao Việt Nam Phạm Bình Minh. Tiếp theo là một loạt các hội nghị khác trong những ngày tới, trong đó có hội nghị bộ trưởng ASEAN với các đối tác Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản.
Với tư cách chủ tịch luân phiên của ASEAN, ngày 12/09, Việt Nam cũng sẽ chủ trì Diễn đàn khu vực ASEAN (ARF), một cơ chế đối thoại về an ninh khu vực, quy tụ tổng cộng 27 quốc gia, trong đó có cả Hoa Kỳ, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Úc, Nga và Ấn Độ.
Các hội nghị thường niên của ASEAN diễn ra trong bối cảnh tình hình Biển Đông ngày càng nóng lên và căng thẳng Mỹ-Trung gia tăng, gây lo ngại cho các nước Đông Nam Á.
Trong bài phát biểu khai mạc hội nghị hôm nay, thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc đã nhấn mạnh « môi trường địa chính trị, kinh tế khu vực, trong đó có cả Biển Đông, đang có nhiều biến động ảnh hưởng đến hòa bình, ổn định ». Bộ trưởng Ngoại Giao Phạm Bình Minh ghi nhận là vai trò của luật pháp quốc tế và của các định chế đa phương đang bị « thách thức nghiêm trọng ».
Trả lời hãng tin Reuters trước hội nghị, ngoại trưởng Indonesia Retno Marsudi cảnh báo Hoa Kỳ và Trung Quốc không nên lôi kéo các nước Đông Nam Á vào cuộc đối đầu địa chính trị giữa hai cường quốc kinh tế hàng đầu thế giới. Bà Retno nhấn mạnh là ASEAN không muốn ngả theo phe nào, nhưng bà bày tỏ quan ngại về những hành động quân sự hóa đang gia tăng ở Biển Đông.
Washington vẫn cáo buộc Bắc Kinh hù dọa các láng giềng Đông Nam Á bằng cách đưa tàu đến sát những nơi mà những nước này đang thăm dò dầu khí, đồng thời lợi dụng lúc đang có dịch Covid-19 để mở nhiều cuộc tập trận và thử nghiệm các vũ khí mới tại những khu vực đang tranh chấp trên Biển Đông. Hoa Kỳ gần đây đã ban hành trừng phạt đối với 24 thực thể Trung Quốc bị cáo buộc có tham gia vào việc xây dựng và quân sự hóa các đảo nhân tạo ở Biển Đông.
Trả lời Reuters, ông Collin Koh, chuyên gia về an ninh tại Trường Nghiên cứu Quốc tế S. Rajaratnam ở Singapore, cho biết là nhân các hội nghị lần này, các nước ASEAN sẽ thảo luận với Trung Quốc về bộ Quy tắc ứng xử trên Biển Đông COC, mà tiến trình đàm phán đã bị chậm trễ rất nhiều, cũng như bàn về việc tiếp cận vac-xin ngừa Covid-19. Cũng theo lời chuyên gia Collin Koh, khi thảo luận với Hoa Kỳ, ASEAN sẽ kêu gọi nước này nên có thái độ kềm chế về quân sự cũng như thúc giục các công ty Mỹ gia tăng đầu tư vào các nước Đông Nam Á.
Mỹ gia tăng giám sát Trung Quốc
Trong khi đó, theo nhật báo Hồng Kông South China Morning Post, Hoa Kỳ dự trù sẽ gia tăng các chuyến bay giám sát, vào lúc Trung Quốc tiến hành một cuộc tập trận mới trên biển trong khoảng thời gian từ hôm qua cho đến thứ sáu tuần này. Các hình ảnh vệ tinh cho thấy nhiều phi cơ do thám của Mỹ đang hoạt động, trong đó có một chiếc đến sát bờ biển tỉnh Quảng Đông cũng như một chiếc gần vùng cấm xâm nhập đối với tàu dân sự.

ASEAN 2020 – Những điều đáng chú ý

tại AMM 53 ngày 9/9/2020

Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 53 (AMM 53) do Phó Thủ tướng/ Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh chủ trì, diễn ra trực tuyến hôm thứ Tư 9/9, trong bối cảnh hàng chục phiên họp của hội nghị thường niên ASEAN bị trì hoãn hoặc hủy bỏ vì đại dịch Covid-19.
VietnamNet dẫn lời Ngoại trưởng Phạm Bình Minh phát biểu tại phiên khai mạc, nói rằng “tại Hội nghị lần này, các Bộ trưởng sẽ trao đổi các biện pháp cụ thể triển khai chỉ đạo của Cấp cao ASEAN 36, tiếp tục giữ vững hợp tác và liên kết khu vực, vượt qua thử thách, khó khăn, thực hiện thành công các mục tiêu đề ra và định hướng phát triển lâu dài cho ASEAN cho giai đoạn tiếp theo”.
Riêng đối với vấn đề Biển Đông, trang mạng bqp.vn dẫn lời Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh nhấn mạnh “ASEAN sẽ kiên định với lập trường nguyên tắc, nhấn mạnh kiềm chế, giải quyết hòa bình các tranh chấp, thúc đẩy đối thoại, xây dựng lòng tin, không quân sự hóa, không làm phức tạp tình hình, đồng thời thúc đẩy nỗ lực xây dựng Bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC), phù hợp với luật pháp quốc tế và Công ước Luật Biển UNCLOS 1982.
Vẩn theo bqp.vn, ông Phạm Bình Minh nói các quốc gia ASEAN sẽ bàn thảo về “cách xây dựng một tầm nhìn mới cho Cộng đồng ASEAN sau năm 2025, đảm bảo xây dựng thêm lên trên các thành tựu đã đạt được để giúp ASEAN thích ứng với những cơ hội và thách thức trong những thập kỷ tiếp theo”.
Trễ hơn trong tuần, dự kiến các Bộ trưởng Ngoại giao của 10 nước thành viên ASEAN sẽ đàm phán với các vị tương nhiệm của các đối tác kể cả, Trung Quốc, Hoa Kỳ, Nhật Bản, tại Diễn đàn An ninh Khu vực.
Những điểm quan trọng cần lưu ý trong các cuộc đàm phán này, theo đài truyền hình CNBC của Mỹ, gồm:
Thiết lập Quỹ Ứng phó Covid-19 của ASEAN
Để giúp các nước ASEAN đối phó với hậu quả của đại dịch Covid-19, Quỹ ứng phó với Covid-19 của ASEAN sẽ đuợc thành lập. Quỹ này sẽ giúp các nước thành viên mua vật dụng y tế và bảo hộ cá nhân.
Thái Lan đã cam kết đóng góp 100.000 USD, và các đối tác của ASEAN gồm Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn quốc, được trông đợi sẽ loan báo số tiền mà các nước này cam kết để xung váo quỹ chung của ASEAN, CNBC dẫn lời một nhà ngoại giao cấp cao của một nước Đông Nam Á nói.
CNBC dẫn lời Thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Quốc Dũng nói với các nhà báo hồi đầu tuần này rằng các cuộc thương thuyết sẽ tiếp tục tập trung vào nỗ lực đáp ứng của khu vực chống dịch Covid-19, và những cách khác nhau để giúp các nước thành viên hồi phục kinh tế.
Thiết lập Trung tâm ASEAN ứng phó trước tình huống khẩn cấp về y tế công
Bản tin của AP nói rằng Nhật Bản sẽ nghiên cứu khả năng thành lập một trung tâm ASEAN để ứng phó với các trường hợp khẩn cấp trong lĩnh vực y tế công. Kết quả cuộc nghiên cứu sẽ tạo điều kiện cho các nước ASEAN đối phó với đại dịch corona một cách hữu hiệu hơn.
Hoa Kỳ và Trung Quốc xác nhận sẽ tham dự Diển đàn An ninh lớn nhất Á châu
Washington và Bắc Kinh xác nhận sẽ phái Bộ trưởng ngoại giao, Mike Pompeo của Mỹ và Vương Nghị của Trung Quốc, tới dự Diễn đàn An ninh Khu vực, sẽ diễn ra vào thứ Bảy tới đây.
Với sự hiện diện của đại diện hai cường quốc thế giới mà hồi gần đây liên tục đụng độ với nhau về một loạt vấn đề, từ thương mại cho tới an ninh quốc gia, đại dịch Covid-19 và tranh chấp biển đảo khu vực, có phần chắc quan hệ căng thẳng giữa hai cường quốc này sẽ phủ bóng lên Hội nghị ASEAN lần này, theo Alliance News.
AMM 53 diễn ra chỉ vài ngày sau khi Trung Quốc phóng tên lửa đạn đạo trong khuôn khổ các cuộc tập trận dùng đạn thật vào các vùng biển đang tranh chấp trên Biển Đông.
Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo mới đây tuyên bố Washington coi tất cả các yêu sách chủ quyền biển đảo của Trung Quốc ở Biển Đông là ‘bất hợp pháp’, và vẫn duy trì vị thế ‘không ngả về phe nào’ trong các vụ tranh chấp lãnh thổ, mặc dù Washington đã có hành động rõ ràng cho thấy Washington ủng hộ 4 nước ASEAN cũng tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông, và với Indonesia, tức là tất cả các nước chống đối các yêu sách chủ quyền của Trung Quốc trên hầu hết Biển Đông, mà Mỹ cho là bị Trung Quốc bắt nạt.
Môt chuyên gia về chính trị Đông Nam Á tại Học viện Chiến tranh ở Washington, Giáo sư Zachary Abuza, nói rằng khó có thể đạt tiến bộ trong các cuộc đàm phán về tranh chấp biển đảo taị hội nghị ASEAN lần này.
Trang mạng France24 dẫn lời Giáo sư Abuza nhận định với hãng tin AFP:
“Coi như Trung Quốc đã tận dụng hữu hiệu hỗ trợ chống Covid-19 cùng với các cam kết cung cấp vaccine cho Indonesia và Philippines để tìm cách dập tắt mọi cố gắng nhằm thảo luận vấn đề Biển Đông.”

Mỹ-Nhật ra tuyên bố chung về hợp tác

năng lượng với các nước vùng sông Mekong

Hai Chính phủ Hoa Kỳ và Nhật bản vừa phổ biến một tuyên bố chung về Đối tác Năng lượng Mekong (JUMPP), nhân kỷ niệm một năm sự hợp tác này được thiết lập.
Bộ Ngoại giao Mỹ, vào ngày 8/9, trong thông cáo báo chí cho biết Hoa Kỳ và Nhật Bản xác định mục tiêu chung về tăng trưởng kinh tế bền vững và thịnh vượng, thông qua thúc đẩy thương mại năng lượng công bằng, tương hỗ và tiếp cận năng lượng giá cả phải chăng, đáng tin cậy và an toàn. Đồng thời, Hoa Kỳ và Nhật Bản cam kết thúc đẩy các mối quan hệ đối tác trong lĩnh vực phát triển năng lượng bền vững nhiều hơn và phát triển cơ sở hạ tầng năng lượng có chất lượng đáp ứng nhu cầu của người dân trong tiểu vùng sông Mekong, phù hợp với các tiêu chuẩn quốc tế về đầu tư cơ sở hạ tầng chất lượng như được đề cập trong “Nguyên tắc G20 đối với Đầu tư Cơ sở hạ tầng Chất lượng”; bao gồm tính công khai, minh bạch, hiệu quả kinh tế và ổn định nợ.
Bên cạnh đó, Hoa Kỳ và Nhật Bản khẳng định vai trò quan trọng của Đối tác Năng lượng Nhật Bản-Hoa Kỳ-Mekong (JUMPP) trong việc hướng tới thỏa thuận cho Chương trình Nghị sự năm 2030 về các Mục tiêu Phát triển Bền vững (SDGs). Trong đó, đặc biệt là Mục tiêu 7 quy định “Đảm bảo tiếp cận năng lượng giá cả phải chăng, đáng tin cậy, bền vững và hiện đại;” cũng như ghi nhận những đóng góp ban đầu và quan trọng của JUMPP trong năm khai mạc, bao gồm các dự án được lên kế hoạch trong năm 2019 và năm 2020.
Trong số các dự án được liệt kê, Hoa Kỳ và Nhật Bản hỗ trợ về hợp tác năng lượng với các quốc gia vùng hạ lưu sông Mekong bao gồm Thái Lan, Lào, Myanmar và Việt Nam.
Theo đó, Hoa Kỳ và Nhật Bản tư vấn cho cơ quan quản lý của Việt Nam về tiến độ phát triển thị trường cạnh tranh trong bán sỉ và bán lẻ năng điện đang diễn ra, cũng như phát triển thị trường dịch vụ phụ trợ để cung cấp thêm giá trị kinh tế, ổn định hệ thống và khả năng cạnh tranh cho thị trường điện Việt Nam. Hòa Kỳ và Nhật Bản cũng hỗ trợ cho Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và Trung tâm Điều hành Hệ thống Điện Quốc gia Việt Nam tích hợp được hơn 4.500 MW điện mặt trời thế hệ mới, đồng thời nâng cao năng lực kỹ thuật để tích hợp tốt hơn mức độ thâm nhập cao của điện gió và điện mặt trời trong thời gian tới, bao gồm hỗ trợ tư vấn về việc thành lập Trung tâm Kiểm soát Năng lượng Tái tạo.
Ngoài ra, Chính phủ Nhật Bản còn hỗ trợ về các khoản vay đầu tư ở nước ngoài trong dự án xây dựng nhà máy điện mặt trời ở tỉnh Tây Ninh của Việt Nam.
Hoa Kỳ và Nhật Bản, trong thông cáo báo chí, phổ biến hôm 8/9, công nhận Đối tác Năng lượng Nhật Bản-Hoa Kỳ-Mekong (JUMPP) là một phần của quan hệ đối tác hợp tác kinh tế và năng lượng lâu dài với các quốc gia ở vùng sông Mekong, đồng thời hoan nghênh các mối quan hệ đối tác mở rộng mà Hoa Kỳ và Nhật Bản đã thiết lập với các nước đối tác Mekong để xây dựng cơ sở hạ tầng và thị trường điện mạnh hơn, cạnh tranh hơn và kết nối với nhau hơn.

ASEAN đang cần sự thống nhất

Trần Hoài Phương
Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 53 (AMM-53) và các hội nghị liên quan diễn ra từ ngày từ 9-12/9/2020, với sự tham gia của Bộ trưởng Ngoại giao các nước ASEAN và các nước đối tác gồm Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ, Nga, EU, Ấn Độ, Australia… theo hình thức trực tuyến. Tại các hội nghị lần này, chủ đề chính là vấn đề Biển Đông và căng thẳng đối đầu giữa Mỹ và Trung Quốc. Mỹ đề nghị ASEAN tham gia liên minh chống Trung Quốc, tuy nhiên, các thành viên ASEAN không thống nhất trong vấn đề này. Lý do là có một số nước ASEAN trông đợi vào việc Trung Quốc cung cấp vaccine phòng dịch COVID-19, bên cạnh sự giúp đỡ về kinh tế trong nhiều năm qua.
Theo báo chí cho biết, các hội nghị lần này được tổ chức theo hình thức trực tuyến và đều do Việt Nam chủ trì. Ngày 12/9, Diễn đàn khu vực ASEAN (ARF) với sự tham gia của 27 nước, để bàn về các vấn đề an ninh tại châu Á-Thái Bình Dương cũng sẽ được tổ chức. Các cuộc họp lần này vốn được dự kiến tổ chức vào tháng 7/2020, nhưng đã phải hoãn do ảnh hưởng của COVID-19.
Mỹ đang rất tích cực thúc đẩy ASEAN tham gia cùng Mỹ ngăn chặn việc Trung Quốc tăng cường khống chế Biển Đông bằng cách hành động quân sự, hay xây dựng quy mô lớn tại vùng biển này. Bộ Ngoại giao Mỹ ngày 2/9 đã sớm thông báo về việc tham gia các hội nghị lần này của Ngoại trưởng Pompeo. Đến nay, chính quyền Tổng thống Trump đã khẳng định rằng các đòi hỏi của Trung Quốc về chủ quyền trên Biển Đông là không có giá trị về pháp lý, đồng thời đã trừng phạt các công ty Trung Quốc tham gia xây dựng các công trình quân sự trên Biển Đông.
Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị dự kiến cũng sẽ tham dự hội nghị lần này. Chiến lược của Trung Quốc đang áp dụng là “mua chuộc” ASEAN bằng các cam kết cung cấp vaccine phòng dịch COVID-19 hay các khoản đầu tư hạ tầng cơ sở, qua đó tăng cường khả năng khống chế trên Biển Đông.
Với cả Mỹ và Trung Quốc, việc “kéo” ASEAN về phía mình sẽ giúp một trong hai bên sẽ có thêm nhiều lựa chọn chiến lược, trong đó có cả lựa chọn về quân sự. Tuy nhiên, trước sự “mời gọi” của Washington, thái độ của các nước ASEAN có sự khác nhau.
Từ cuối tháng 7/2020, Malaysia đã gửi thư phản đối đòi hỏi chủ quyền của Trung Quốc trên Biển Đông lên Tổng Thư ký Liên hợp quốc. Để trả đũa, Ủy viên bộ chính trị Dương Khiết Trì, quan chức cấp cao nhất về đối ngoại của Bắc Kinh, đã hủy bỏ chuyến thăm tới Malaysia. Việt Nam, nước chủ trương cứng rắn với Trung Quốc, đang muốn đưa vào tuyên bố Chủ tịch ARF nội dung lên án Trung Quốc sử dụng sức mạnh để thay đổi hiện trạng trên Biển Đông.
Tuy nhiên, những nước nhận nhiều viện trợ của Trung Quốc như Campuchia, Lào, hay Myanmar né tránh việc chỉ trích Bắc Kinh. Kim ngạch thương mại với Trung Quốc của những nước chậm phát triển trong ASEAN như Lào, Myanmar đều chiếm trên 30% tổng kim ngạch thương mại của các nước này (số liệu năm 2019).
Trung Quốc cũng đang tích cực sử dụng con bài “ngoại giao vaccine”. Theo truyền thông nước này, Thủ tướng Lý Khắc Cường ngày 24/8 đã tuyên bố sẽ ưu tiên cung cấp vaccine phòng COVID-19 cho 5 nước khu vực sông Mekong, gồm Thái Lan, Việt Nam, Lào, Campuchia và Myanmar. Ngày 31/8, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cũng đã điện đàm với Tổng thống Indonesia và cam kết hợp tác trong phát triển và sản xuất vaccine phòng COVID-19.
Mỹ không đánh giá cao chính sách ngoại giao thực dụng kiểu như vậy của Trung Quốc. Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ phụ trách khu vực Đông Á-Thái Bình Dương David Stilwell, ngày 3/9 đã hối thúc ASEAN rời xa Trung Quốc để cùng Mỹ nâng cao pháp trị, tôn trọng chủ quyền và tính minh bạch. Tuy nhiên, vẫn còn không ít các nước ASEAN hoài nghi với Mỹ khi Washington chưa cung cấp lợi ích gì “nhìn thấy được” cho họ.
Việc ASEAN thiếu sự thống nhất như vậy sẽ khiến lập trường của các quốc gia ASEAN liên quan đến tranh chấp biển Đông sẽ yếu đi rất nhiều. Đây cũng là thách thức không nhỏ cho Việt Nam – nước giữ vai trò Chủ tịch ASEAN luân phiên trong năm nay. Việt Nam đã có nhiều tham vọng trong nhiệm kỳ chủ tịch lần này với mục tiêu sẽ thúc đẩy vai trò của ASEAN trước các đe doạ của Trung Quốc trên biển Đông. Tuy nhiên, sự bùng phát của đại dịch Covid 19 đã ảnh hưởng rất nhiều đến nghị trình của ASEAN năm nay. Hầu hết các cuộc họp cấp cao của ASEAN đều phải thực hiện thông qua trực tuyến. Mặc dù vậy, hồi cuối tháng 6, Việt Nam cũng đã rất cố gắng thuyết phục các nước khác trong khối để đưa ra một tuyên bố của Chủ tịch ASEAN, trong đó có nhắc tới việc sử dụng UNCLOS làm nền tảng cho việc giải quyết các bất đồng trên biển cũng như các quan ngại trước việc cải tạo các đảo nhân tạo trên khu vực biển Đông. Trong dịp kỷ niệm 53 năm thành lập ASEAN mới đây, ngày 8-8-2020, theo đề xuất của Việt Nam – trên cương vị Chủ tịch ASEAN và Indonesia, các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN đã ra Tuyên bố chung về Tầm quan trọng của việc duy trì hòa bình và ổn định ở khu vực Đông Nam Á. Trong tuyên bố chung này có nhắc tới việc đoàn kết trong ASEAN như một nội dung trọng tâm.
Với sự căng thẳng Mỹ – Trung đang có xu hướng leo thang, và Trung Quốc lợi dụng tình hình để giành những lợi thế tại khu vực biển Đông như hiện nay, thách thức lớn nhất cho Việt Nam với cương vị chủ tịch ASEAN là làm sao để tạo sự thống nhất và đoàn kết trong ASEAN, từ đó mới có thể tận dụng được các ưu thế của khối trong việc duy trì đàm phán một Bộ quy tắc ứng xử trên biển Đông (COC) thực chất và hiệu quả với Trung Quốc.
* Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á Châu Tự Do

Ông Suga chiếm ưu thế rất lớn

trong cuộc đua tới chức thủ tướng Nhật

Lục Du
Truyền thông Nhật cho hay, ông Yoshihide Suga đang chiếm ưu thế rất lớn trong cuộc đua để trở thành thủ tướng tiếp theo của Nhật khi các cuộc tranh luận sẽ bắt đầu vào cuối ngày thứ Tư (9/9) giữa ba ứng viên muốn thay thế ông Shinzo Abe.
Theo tờ Asahi, ông Suga, đương kim Chánh văn phòng nội các Nhật Bản, được tới 308 lời xác nhận (gần 80%) ủng hộ để trở thành lãnh đạo đảng Dân chủ Tự do (LDP) cầm quyền từ các thành viên có ghế trong quốc hội của đảng này.
Điều đó có nghĩa là ông Suga đã có 58% tổng số phiếu bầu của các thành viên LDP trong quốc hội, nhiều hơn so với mức cần thiết để trở thành thủ tướng, và không cần thêm 141 phiếu bầu từ nghị sĩ thuộc các đảng phái khác.
Cuộc bầu cử lãnh đạo đảng LDP sẽ được tổ chức vào ngày 14/9. Người chiến thắng gần như được đảm bảo trở thành thủ tướng vì các đảng viên LDP chiếm đa số trong quốc hội Nhật.
Ông Suga, cựu bộ trưởng quốc phòng Shigeru Ishiba và cựu ngoại trưởng Fumio Kishida sẽ xuất hiện trong một cuộc tranh luận trên truyền hình vào tối thứ Tư để quyết định xem ai sẽ thay thế ông Abe làm chủ tịch LDP.
Ông Ishiba là một nhân vật nổi tiếng trong công chúng, trong khi ông Kishida có kinh nghiệm ngoại giao mà ông Suga thiếu, nhưng hai người này không nhận được nhiều sự ủng hộ từ các đảng viên của LDP mà ông Suga đang có, tờ Asahi tiết lộ.
Theo Reuters

Đài Loan : Đường đứt gãy

trong quan hệ Washington- Bắc Kinh

Anh Vũ
Trước các đe dọa của Tập Cận Bình, Washington quay lại bảo vệ Đài Loan. Các chuyên gia Mỹ thúc Washington công khai cam kết bảo vệ hòn đảo nhằm răn đe khả năng Trung Quốc xâm chiếm Đài Loan bằng vũ lực.  RFI giới thiệu bài phân tích của nhật báo le Figaro số ra ngày  08/09/2020.
Bóng dáng chiếc khu trục hạm USS Halsey màu xám trong eo biển Đài Loan hôm 30/08 vừa qua, giống như chòi gác của Mỹ, thách thức bờ biển Phúc Kiến, Trung Quốc ngay sát cạnh. Lần thứ 2 trong vòng 15 ngày, một chiến hạm của hải quân Mỹ lướt sóng trong vùng biển chiến lược này để khẳng định sự ủng hộ của Mỹ với hòn đảo “nổi loạn” Đài Loan, giữa lúc viễn ảnh một cuộc xâm lăng từ nước Trung Quốc của chủ tịch Tập Cận Bình đang lớn dần.
Chính quyền Trump đã cho công bố các bức điện mật ngoại giao từ thời tổng thống Reagan, theo đó chính quyền Mỹ khi đó có hứa bảo đảm an ninh, tiếp tục bán vũ khí và hỗ trợ kinh tế cho Đài Loan. Vào thời đó, tổng thống thuộc đảng Cộng Hòa đã kín đáo trấn an đồng minh Đài Loan, đang hoang mang vì Mỹ xích lại gần với một nước Trung Quốc đang manh nha mở cửa, cất cánh kinh tế dưới sự lãnh đạo của Đặng Tiểu Bình.
Bốn mươi năm sau, người kế thừa Tập Cận Bình ngạo nghễ lên nắm quyền ở cường quốc thứ 2 thế giới, khẳng định quyết tâm hoàn thành sự nghiệp  « thống nhất » Trung  Quốc, bằng sức mạnh quân sự, nếu cần. Hòn đảo 23 triệu dân trở thành đường đứt gãy nguy hiểm trong quan hệ Mỹ Trung,  có thể làm bùng nổ xung đột trực tiếp giữa Washington và Bắc Kinh.
« Có nguy cơ Tập Cận Bình muốn thúc đẩy thống nhất nhân kỷ niệm đảng Cộng sản 100 tuổi vào năm 2021. Phương Tây phải chuẩn bị với một cuộc xâm lăng quân sự có thể xảy ra»,  theo nhận định của John Pomfret, một cựu thông tín viên của Washington Post tại Bắc Kinh, tác giả của cuốn sách The Beautiful country and the Middle Kingdom ( Đất nước tươi đẹp và vương triều Trung Hoa).
Việc « giải mật 6 cam đoan » nằm trong chiến dịch hỗ trợ Đài Bắc của Mỹ được tái khẳng định từ nhiều tuần qua, vào lúc Đài Loan được cho là mục tiêu tiếp theo của đảng Cộng sản Trung Quốc sau khi đã áp đặt luật an ninh quốc gia ở Hồng Kông hồi tháng 6.
Liên tiếp các động thái hậu thuẫn Đài Loan
Bộ trưởng Y Tế Mỹ, Alex Azar, đã đến thăm tổng thống Thái Anh Văn hôm 10/08 để chúc mừng nền dân chủ non trẻ này đã thành công đối phó với đại dịch Covid, trong khi mà Bắc Kinh chặn mọi cửa không cho hòn đảo mà họ luôn coi là một tỉnh của Trung Quốc tham gia vào Tổ Chức Y Tế Thế Giới. Chuyến đi của một quan chức chính  phủ Mỹ tới thủ đô Đài Loan mang tính biểu tượng nhằm khẳng định hậu thuẫn nền dân chủ trẻ đã khiến Hoa lục nổi đóa.
Bắc Kinh ngay lập tức lên án các động thái bảo trợ Đài Loan của Mỹ,  chỉ trích Washington « vi phạm nghiêm trọng » nguyên tắc « một nước Trung Quốc duy nhất », hòn đá tảng trong quan hệ giữa hai nước lớn có từ thời Richard Nixon 1972.  « Vấn đề Đài Loan liên quan đến toàn vẹn chủ quyền lãnh thổ và các lợi ích cốt lõi của Trung Quốc. Không một ai có quyền xem thường quyết tâm cứng rắn của chúng tôi trong việc bảo vệ điều đó », phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh đã tuyên bố như trên.
Washington biện hộ cho việc đã phá vỡ nguyên tắc này qua lời vụ trưởng bộ Ngoại Giao phụ trách khu vực châu Á Thái Bình Dương,  David Stillwell, rằng Mỹ « không tỏ lập trường về vấn đề chủ quyền lãnh thổ Đài Loan ». Nhưng Washington vẫn liên tục có các động thái ủng hộ Đài Loan, như thông báo « đối thoại kinh tế »  với vùng đất được gọi là pháo đài chế xuất công nghệ. Việc làm này mở ra cánh cửa cho khả năng ký một thỏa thuận tự do mậu dịch. Đây cũng lại là điều làm Bắc Kinh nóng mắt. Trong tháng 8, Washington chính thức quyết định bán 66 chiến đấu cơ F-16 cho không quân Đài Loan. Đây là hợp đồng vũ khí  đầu tiên kể từ 1992 thời tổng thống George H Bush.
Trên mặt trận quân sự, các căng thẳng trên biển, trên không giữa quân đội Trung Quốc- Đài Loan và Mỹ nổi lên mạnh.
Ở Bắc Kinh, báo chí diều hâu tố cáo các máy bay Mỹ đã cất cánh từ hòn đảo nổi loạn để tiến hành các chuyến bay trinh sát về hướng đại lục. Hoàn Cầu Thời Báo, một tờ báo thiên hướng dân tộc chủ nghĩa còn kêu gọi Trung Quốc phải cho chiến đấu cơ kiểm soát bầu trời Đài Loan. Một kịch bản đặt hai cường quốc hàng đầu thế giới bên bờ vực xung đột đang hình thành.
Sự phát triển mạnh mẽ về công nghệ trong Giải phóng quân Trung Quốc (APL) và đầu óc dân tộc chủ nghĩa quyết đoán của Tập Cận Bình, thêm vào đó là những khó khăn vì đại dịch, đó là những yếu tố càng làm cho chiến lược của hòn đảo Đài Loan trở nên mong manh. Hiện đại hóa quân đội Trung Quốc đã làm « xói mòn hoặc xóa đi nhiều lợi thế quân sự mà Đài Loan đã có trong quá khứ », như nhận định trong báo cáo mới đây của Lầu Năm Góc. Đài Bắc đã cho hiện đại hóa cỗ máy quân sự. Điều này được ghi nhận trong cuộc tập trận quy mô lớn hồi tháng Bảy năm nay với giả định đẩy lùi một cuộc xâm lược lên đảo. Nhưng hòn đảo nhỏ Đài Loan chỉ có thể đẩy lùi các cuộc tấn công của Bắc Kinh « trong 24 giờ », như lời tổng thống Thái Anh Văn. « An ninh của Đài Loan bấp bênh, sự sống còn của hòn đảo phụ thuộc vào Hoa Kỳ », Mathieu Duchatel, giám đốc khu vực châu Á Viện Mongtaigne của Pháp khẳng định.
Can thiệp quân sự?
Nhưng một cuộc can thiệp quân sự của Hoa Kỳ rất khó có thể xảy ra được khi hai bên không có hiệp định quốc phòng.
Hơn thế nữa, các nhà quan sát khẳng định, cứ nhìn vào tổng thống Trump hiện nay và sự thoái lui của Barack Obama tại Syria thì thấy “giờ đây, không ai có thể phó thác cho sự bảo lãnh của Mỹ”.  Đây là điểm yếu mà mà Bắc Kinh nhằm vào. Họ dùng chiến thuật chiến tranh hao mòn cùng tính toán rằng dư luận Mỹ sẽ không chấp nhận rủi ro xảy ra xung đột quy mô thế giới chỉ để bảo vệ Đài Bắc.
Tại Washington, những tiếng nói có ảnh hưởng kêu gọi chính quyền Mỹ chấm dứt “ chiến lược mập mờ” này, công khai cam kết bảo vệ đảo Đài Loan để răn đe Tập Cận Bình. “ Cách tốt nhất để bảo đảm Hoa Kỳ sẽ không cần phải đến cứu Đài Loan là đánh tín hiệu cho Trung Quốc thấy là Mỹ sẵn sàng làm việc đó”, Richard Haas và David Sacks, chuyên gia của cơ quan tư vấn chính sách đối ngoại Mỹ Council on Foreign Relations khẳng định trên tạp chí chuyên về quan hệ quốc tế Foreign Affairs.
Vậy cũng đáng làm bùng lên một cuộc khủng hoảng lớn ở eo biển này, bất chấp cam kết về nguyên tắc một nước Trung Quốc duy nhất. “ Những gì đang diễn ra trong eo biển Đài Loan có thể quyết định tương lai châu Á”, hai chuyên gia trên  cảnh báo. Cả hai cũng nhấn mạnh lùi bước ở Đài Bắc sẽ là dấu hiệu Mỹ suy yếu trong khu vực, đồng thời làm tổn hại sự tin cậy của các đồng minh vào Mỹ, trong đó có Nhật Bản và Hàn Quốc và như thế sẽ mở ra cho nước Trung Quốc chuyên chế con đường thênh thanh.

Đặc Khu Trưởng Hồng Kông Carrie Lam nói

công dân Hồng Kông bị bắt trên biển

phải để cho Trung Cộng giải quyết

Tin từ Hồng Kông – Hôm thứ Ba (8 tháng 9), đặc khu trưởng Hồng Kông Carrie Lam cho rằng 12 người Hồng Kông bị bắt giữ khi trên đường đến Đài Loan để tị nạn chính trị sẽ phải để cho Trung Cộng giải quyết, nhưng chính quyền thành phố sẽ cố gắng hỗ trợ.
Các viên chức Trung Cộng đã bắt giữ 12 người này vào ngày 23/08/2020 sau khi chặn một chiếc thuyền ở ngoài khơi tỉnh Quảng Đông. Bà Carrie Lam nói thêm rằng chính phủ của bà có “trách nhiệm hỗ trợ” người dân Hồng Kông “gặp phải mọi tình huống” ở ngoại quốc, và văn phòng đại diện của Hồng Kông tại Quảng Châu sẽ tìm cách giúp đỡ và liên lạc với chính quyền đại lục.
Hôm thứ Hai (7 tháng 9), hãng AFP cho biết các luật sư đại diện cho một số người bị bắt đã bị từ chối cho phép gặp thân chủ của họ. Cả chính quyền đại lục và Hồng Kông đều không công khai xác nhận ai đã bị bắt, nhưng truyền thông địa phương đã xác định một số người trong số họ có thể bị truy tố vì tham gia vào các cuộc biểu tình ủng hộ dân chủ vào năm ngoái.
Tuần duyên tỉnh Quảng Đông, đơn vị thông báo về vụ bắt giữ trên mạng xã hội vào đêm ngày 26/08/2020 cho biết hai trong số những người bị bắt giữ mang họ Li và Tang nhưng không cung cấp thêm chi tiết. Hiện chưa rõ họ phải đối mặt với những tội danh nào, ngoài tội vượt biên bất hợp pháp.
Bà Lam cũng nhắc lại một nhận xét được đưa ra vào tuần trước làm dấy lên thêm lo lắng rằng Hồng Kông đã có một bước ngoặt chuyên chế hơn, bà nói rằng thành phố không có sự phân chia quyền lực và rằng các quyền hành pháp, lập pháp và tư pháp của họ đều có nguồn gốc từ Bắc Kinh. (BBT)

Hong Kong chấn động: 3 cảnh sát sử dụng vũ lực

để khống chế một bé gái 12 tuổi

Bình luậnNguyễn Minh
“Trong lúc tiếp cận, cô bé bất ngờ bỏ chạy một cách đáng nghi ngờ. Do đó, các sĩ quan cảnh sát đã đuổi theo và khuất phục cô bé bằng cách sử dụng vũ lực cần thiết tối thiểu”, cảnh sát Hong Kong nói trong một tuyên bố.
Một đoạn video ghi lại hình quá trình các nhân viên cảnh sát Hong Kong đang đè một bé gái 12 tuổi xuống đất trên đường phố Hong Kong vào cuối tuần qua, làm dấy lên làn sóng giận dữ mới trong bối cảnh những lời chỉ trích ngày càng gia tăng về việc cảnh sát sử dụng bạo lực đối với người dân.
Đoạn video được chia sẻ rộng rãi trên mạng xã hội cho thấy, cảnh sát đang bắt giữ một nhóm người trên vỉa hè ở quận Mong Kok. Bé gái cũng đứng trong đám đông, rồi bé gái này bỏ chạy khỏi đám đông. Một sĩ quan cảnh sát vừa đuổi theo cô bé vừa hét lên “đứng yên!”, trong khi một viên cảnh sát khác túm lấy cô bé và đè xuống đất; sau đó một viên cảnh sát thứ 3 xông vào cùng hỗ trợ kiềm chế bé gái này.
Truyền thông địa phương cho biết, cô bé là “Pamela”, đã bị cáo buộc là vi phạm quy tắc giãn cách xã hội cấm tụ tập nơi công cộng nhiều hơn 2 người cùng với anh trai của cô bé tên là Steven, 20 tuổi, và một người đi đường khác.
Vụ bắt giữ diễn ra trong bối cảnh các cuộc biểu tình lớn diễn ra vào vào Chủ nhật (6/9) để phản đối quyết định của chính quyền Hong Kong trong việc hoãn cuộc bầu cử vào cơ quan lập pháp của thành phố này. Giới phê bình cho rằng, quyết định hoãn bầu cử này là một nỗ lực nhằm ngăn chặn thất bại nặng nề của phe thân Bắc Kinh trước các ứng cử viên ủng hộ dân chủ.
Gần 300 người đã bị bắt tại hầu hết các địa điểm có biểu tình ở các vùng lân cận Yau Ma Tei và Mong Kok.
Pamela đã bị chảy máu và bầm tím ở tay, còn anh trai của cô bé bị thương nhẹ ở chân, theo truyền thông địa phương.
Vài tiếng sau khi kiềm chế cô bé, để bảo vệ hành vi của mình, cảnh sát nói trong một tuyên bố rằng, họ đã chặn bé gái và những người khác lại để họ dừng chạy và để giải tán các cuộc biểu tình ủng hộ dân chủ gần khu vực đó.
Tuyên bố có đoạn: “Trong lúc tiếp cận, cô bé bất ngờ bỏ chạy một cách đáng nghi ngờ. Do đó, các sĩ quan cảnh sát đã đuổi theo và khuất phục cô bé bằng cách sử dụng vũ lực cần thiết tối thiểu”.
Kể từ khi các cuộc biểu tình ủng hộ dân chủ hàng loạt nổ ra tại đặc khu hành chính vào tháng 6/2019, ngày càng gia tăng những chỉ trích về việc cảnh sát Hong Kong sử dụng vũ lực thái quá khi xử lý những người biểu tình. Các vụ việc xảy ra vào năm ngoái bao gồm cáo buộc tấn công tình dục các nữ sinh, xịt hơi cay cùng vô cớ đánh đập hành khách trên tàu, và một cuộc bao vây khuôn viên trường đại học kéo dài 2 tuần.
Luật an ninh quốc gia mà Bắc Kinh áp đặt tại đặc khu hành chính này có hiệu lực từ đầu tháng Bảy. Luật này trao quyền cho cảnh sát bắt giữ dựa trên các tội danh ly khai, lật đổ, cấu kết với lực lượng nước ngoài và khủng bố, mỗi tội danh có mức phạt cao nhất là tù chung thân.
Trên thực tế, cô bé Pamela không tham gia vào các cuộc biểu tình mà chỉ đơn thuần là đi mua đồ dùng nghệ thuật, theo bà Ho, mẹ của cô bé. Bà Ho cho biết, bà đã đi mua một số đồ tạp hoá còn 2 anh em thì đi mua đồ nghệ thuật, rồi hẹn gặp lại sau một khoảng thời gian ngắn.
Pamela nói với hãng tin iCable News: “Cháu đã rất sợ hãi, cháu không thể giữ bình tĩnh nên đã bỏ chạy”. Còn anh trai cô bé cho biết, gia đình anh sẽ không trả tiền phạt và sẽ khiếu nại. Steven đã bị bắt trong khi cố gắng che chắn cho em gái của mình. Steven nói với Apple Daily rằng khoản phí phạt là “vô lý”. Steven và gia đình anh không biết người đi đường bị bắt cũng bị phạt.
Bà Ho cho biết, vết sưng ở mắt cá chân của Steven đã trở nên nghiêm trọng hơn kể từ ngày 6/9. Bà cũng cho biết là gia đình bà đang hỏi ý kiến ​​luật sư về việc kiện cảnh sát, theo Apple Daily.
Bà nói: “Tôi biết rằng vào thời điểm này, khiếu nại là vô ích, nhưng chúng tôi phải để lại hồ sơ”.
Ngày 8/9, Trưởng đặc khu Hong Kong Lâm Trịnh Nguyệt Nga (Carrie Lam) nói với các phóng viên rằng: “Sẽ không đúng nếu Trưởng đặc khu đưa ra ý kiến ​​về hoạt động thực tế đã xảy ra tại một địa điểm cụ thể”.
Bà nói: “Người ta phải xem xét hoàn cảnh thực tế” khi đánh giá các hoạt động của cảnh sát, và khẳng định rằng “mọi sự việc và mọi khiếu nại theo pháp luật sẽ được điều tra đầy đủ”.
Hiệp hội Câu lạc bộ Nam & Nữ của Hong Kong, một tổ chức từ thiện địa phương, đã kêu gọi các cơ quan chức năng tiến hành một “cuộc điều tra công bằng và minh bạch”, nói thêm rằng “khi có trẻ em, cơ quan hành pháp cần xem xét môi trường xung quanh trong hoạt động của họ và bảo vệ quyền trẻ em hết khả năng của mình”.
Một vài bác sĩ chỉnh hình yêu cầu giấu tên cho biết, rất may cô bé chỉ bị các bầm tím nhẹ. Họ nói với Apple Daily rằng, chấn thương có thể nghiêm trọng hơn khi viên cảnh sát sử dụng trọng lượng cơ thể của mình để kiềm chế cô bé khiến đầu em bị đập xuống đất.
Một bác sĩ nói: “[Trong trường hợp như thế] xương sườn của cô bé có thể bị gãy. Rất, rất may là cô bé chỉ bị một số vết xước”.
Nguyễn Minh
Theo The Epoch Times

Hàng chục nghìn người Trung Quốc ‘biến mất’

trong ‘hệ thống giam giữ bắt cóc’ của ĐCSTQ

Bình luậnDu Miên
Năm nay, mỗi ngày Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) sẽ khiến ít nhất 20 người mỗi ngày bị “biến mất”, theo một báo cáo gần đây của nhóm nhân quyền Safeguard Defenders.
Những người này bị chính quyền bắt giữ mà không có lệnh từ tòa án, bị tống giam tại các địa điểm bí mật, nơi họ bị giam giữ trái phép và có thể bị cách ly tới nửa năm. Bên trong các cơ sở này, các tù nhân đều không có quyền tiếp cận luật sư và thăm gia đình, còn tra tấn là hình phạt trường kỳ, bản báo cáo (pdf) phát hành ngày 30/8 cho biết.
Hệ thống bắt giữ và trừng phạt này được hợp pháp hóa vào năm 2013, được chính thức gọi là “Giám sát dân cư tại một địa điểm được chỉ định” (RSDL). Hệ thống này cho phép cảnh sát Trung Quốc hành động mà không phải chịu bất kỳ giám sát nào, đồng thời ban cho họ “quyền lực vô song đối với các nạn nhân”, Peter Dahlin, giám đốc của Tổ chức phi lợi nhuận có trụ sở tại Madrid cho biết.
Trong một email gửi The Epoch Times, giám đốc Dahlin nói: “Nếu cảnh sát muốn, vào một ngày nào đó, họ có thể bẻ gãy từng khúc xương trên cơ thể bạn, để bạn hồi phục trong 6 tháng, sau đó thả bạn ra — và không ai có thể biết được”.
Dựa trên tài liệu về các phán quyết của tòa án được đăng trên cơ sở dữ liệu của tòa án tối cao Trung Quốc, Safeguard Defenders ước tính có khoảng từ 28.000 đến 29.000 người đã được đưa vào RSDL từ năm 2013 đến cuối năm 2019. Tuy nhiên, con số thực có thể còn cao hơn nhiều nếu con số này không bao gồm những người đã được cho ra khỏi  hệ thống RSDL trước bất kỳ phiên tòa nào, tổ chức này lưu ý.
Tổ chức phi lợi nhuận này cho biết trong một tuyên bố: “Đây là hình phạt bắt cóc hàng loạt của nhà nước”.
Báo cáo kết luận: “Việc [ĐCSTQ] áp dụng rộng rãi và có hệ thống các biện pháp cưỡng chế mất tích, gợi nhớ đến các vụ bắt cóc bởi các chế độ độc tài Nam Mỹ trong những năm 1960 và 1970; [việc này] có thể cấu thành tội ác chống lại loài người theo luật pháp quốc tế”.
Ông Dahlin cho biết, hệ thống này thường được sử dụng để nhắm vào các mục tiêu có địa vị trong xã hội như luật sư, nhân viên tổ chức phi chính phủ, nhà báo và người nước ngoài bị bắt theo diện “con tin ngoại giao” của ĐCSTQ. Safeguard Defenders cho biết, những nạn nhân này bị giam giữ trong một thời gian dài, sau đó được trả tự do nhưng vụ án của họ thì không được tiếp tục truy tố hoặc xét xử.
Tuần trước, chính phủ Úc thông báo rằng Cheng Lei, một công dân quốc tịch Úc vốn sinh ra ở Trung Quốc và làm việc tại cơ quan báo chí nhà nước Trung Quốc phiên bản tiếng Anh, đã bị giam giữ theo RSDL vào tháng Tám. Không rõ lý do của việc giam giữ và không có cáo buộc nào được đưa ra.
Dựa trên các cuộc phỏng vấn với các nạn nhân RSDL của Trung Quốc, Safeguard Defenders nhận thấy rằng một số lượng đáng kể nạn nhân thường xuyên bị tra tấn thể xác và tất cả đều bị tra tấn tâm lý.
Ông Dahlin nói: “Khi bị giam trong tù, cuộc sống của bạn gói gọn bên trong một phòng giam nhỏ; các nạn nhân nói về việc không nhìn thấy ánh sáng ban ngày trong nhiều tháng, và đèn huỳnh quang trong phòng luôn bật sáng”.
Ông cho biết thêm: “Trên thực tế, khoảng thời gian duy nhất [mà các nạn nhân] không phải nhìn chằm chằm vào tường sẽ là các phiên thẩm vấn, thường diễn ra trong một phòng khác gần phòng giam, thường diễn ra vào ban đêm, nhằm gây mất ngủ cho nạn nhân”.
Giám đốc Dahlin khẳng định, hầu hết các nạn nhân sau đó bị giam trong các trung tâm giam giữ hoặc nhà tù mô tả khoảng thời gian họ bị giam trong RSDL “khó khăn hơn, khắc nghiệt hơn nhiều so với bất cứ điều gì khác.”
Nếu đánh giá RSDL là một hình thức biệt giam, thì việc áp dụng biện pháp này trong hơn 15 ngày cấu thành tội danh tra tấn, theo Công ước của Liên hợp quốc về chống tra tấn – một hiệp ước đã được Trung Quốc ký kết, ông Dahlin nói.
“Báo cáo này kết luận rằng, thời gian trung bình của việc giam giữ theo RSDL cho thấy việc sử dụng hình thức tra tấn có hệ thống và rất phổ biến,” báo cáo cho biết.
Những người mất tích
Trường hợp luật sư nhân quyền nổi tiếng của Trung Quốc Gao Zhisheng mất tích, đã phơi bày cách thức ĐCSTQ lạm dụng các phương thức mất tích cưỡng chế nhằm trừng phạt những người “dám” chỉ trích chính quyền độc tài này.
Ông Gao là một luật sư tự học, là người đã bảo vệ những công dân bị đàn áp đức tin, chẳng hạn như các học viên Pháp Luân Công hay các tín đồ Cơ đốc giáo, cũng như những người bị chính quyền chiếm giữ tài sản bất hợp pháp. Kể từ năm 2006, luật sư này đã nhiều lần bị biến mất, bị tra tấn và bị bỏ tù. Luật sư Gao đã mất tích hơn 3 năm.
Vợ của luật sư là bà Geng He đã trốn sang Mỹ cùng các con vào năm 2009. Trong một cuộc phỏng vấn trước đó bà nói với The Epoch Times rằng, anh trai của ông Gao thường đến đồn cảnh sát địa phương ở thành phố Yilin ở tỉnh Thiểm Tây thuộc phía tây bắc Trung Quốc để hỏi về tung tích của ông Gao.
“Một lúc nào đó, họ sẽ nói với ông ấy rằng luật sư [Gao] đang ở Bắc Kinh và cần xin chỉ thị từ cấp trên. Giây tiếp theo, họ nói rằng anh ấy đang ở Ngọc Lâm (Quảng Tây) và họ cũng không biết anh ấy đang ở đâu”, bà Geng nói.
Bà Geng đã cầu xin cộng đồng quốc tế giúp đỡ tìm kiếm chồng của bà.
Bà nói: “Mỗi ngày, tôi đều lo lắng. Ngay khi tôi ngừng làm việc, tôi nghĩ ngay đến anh ấy. Ý nghĩ đột nhiên nhảy vào tâm trí tôi, và sau đó tôi gọi cho anh trai của anh ấy, nhưng vẫn không có tin tức gì”.
Du Miên

‘Nhờ vào’ ĐCS Trung Quốc,

người dân Trung Quốc sẽ có ‘thế kỷ ô nhục’ thứ 2?

Bình luậnĐức Duy
Mối nguy hiểm lớn nhất trên thế giới là một “Trung Quốc Đỏ” được cai trị bởi một chính phủ có nhiệm vụ chính là “nuôi dưỡng những ảo tưởng của nó, ấp ủ những thù hận và đe dọa các nước láng giềng”…
Đối với ĐCSTQ, “thế kỷ ô nhục” của Trung Quốc là cụm từ ám ảnh không ngừng. Bắc Kinh lặp đi lặp lại chủ đề về chủ nghĩa đế quốc phương Tây áp bức và bóc lột, để tiếp tục “đốt lên” những ngọn lửa bất bình và căm phẫn trong lòng dân chúng đối với phương Tây, và đặc biệt là Hoa Kỳ.
ĐCSTQ tuyên bố Trung Quốc đã “đứng lên” vào năm 1949, điều đó có ý nghĩa như thế nào đối với người dân Trung Quốc và thế giới? Đó thật sự không phải là một chương trình nghị sự có thể tạo ra niềm tự hào cho những người Trung Quốc bình thường, hay sự yên tâm trên cộng đồng thế giới.
Mao Trạch Đông đã đưa ra các sáng kiến ​​kinh tế và xã hội cấp tiến dẫn đến những thảm họa trong nước với quy mô không thể tưởng tượng được. Đại nhảy vọt và Cách mạng Văn hóa đã khiến khoảng 60 triệu người Trung Quốc thiệt mạng, làm lu mờ đi mức độ tổn thất mà người dân nước này phải gánh chịu trong cuộc xâm lược và chiếm đóng của Nhật Bản.
Bên cạnh con số bi thảm về thiệt hại nhân mạng của người Trung Quốc vì cuộc Cách mạng Văn hóa, việc tàn phá di sản văn hóa, nghệ thuật và tinh thần của Trung Quốc là vô cùng to lớn, vượt quá bất cứ điều gì đã xảy ra trong suốt 14 năm bị Đế quốc Nhật Bản chiếm đóng tàn bạo.
Ngoài biên giới của Trung Quốc, chiến tranh chống lại thế giới là quân bài của ĐCSTQ. Trong vòng vài tháng sau khi thành lập, ĐCSTQ đã tham gia vào cuộc xâm lược Hàn Quốc của Triều Tiên – quốc gia bị Liên Hợp Quốc gán cho là một “quốc gia xâm lược”.
Đồng thời, ĐCSTQ xâm lược và chiếm đóng các khu tự trị Tây Tạng và Duy Ngô Nhĩ Tân Cương. Họ chuẩn bị làm điều tương tự với Đài Loan cho đến khi Hoa Kỳ can thiệp để ngăn chặn một cuộc chiến tranh châu Á thậm chí còn rộng hơn. Trong những năm tiếp theo, Trung Quốc đã xâm lược các vùng của Ấn Độ, Việt Nam và Liên Xô, và thúc đẩy “các cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc” khắp châu Á, châu Phi và châu Mỹ Latinh.
Tại quê nhà, ĐCSTQ đã thiết lập từ sự tàn ác này đến sự tàn ác ghê rợn khác, chẳng hạn như chính sách một con đã dẫn đến nạn cưỡng bức phá thai và giết hại phụ nữ trên quy mô lớn, hay việc mổ cướp nội tạng từ các tù nhân lương tâm còn sống. Vì hành vi vô nhân đạo trong nước và sự xâm lược quốc tế của mình, ĐCSTQ đã trở thành một quốc gia bị xa lánh.
Khi Richard Nixon suy nghĩ về những gì mình sẽ làm nếu ông đắc cử tổng thống vào năm 1968, ông đã nhìn thấy mối nguy hiểm lớn nhất thế giới trong một “Trung Quốc Đỏ” được cai trị bởi một chính phủ có nhiệm vụ chính là “nuôi dưỡng những ảo tưởng của nó, ấp ủ những thù hận và đe dọa các nước láng giềng”.
Ông đã đưa ra quyết định lịch sử là đưa Trung Quốc thoát khỏi “sự cô lập tức giận” và chào đón nước này vào “gia đình các quốc gia”.
Ông tin rằng, nếu không có chiến tranh thì đó là cách duy nhất “để loại bỏ chất độc từ hệ tư tưởng Mao Trạch Đông”. Quá trình “giải độc năng động” đó sẽ giúp “mở cửa Trung Quốc với thế giới và mở cửa thế giới với Trung Quốc”.
Tất cả các chính quyền Hoa Kỳ tiếp theo, cho đến thời Tổng thống Donald Trump, đều chú ý đến chính sách tương tự, mở rộng nền kinh tế thế giới với Trung Quốc với hy vọng rằng các nhà lãnh đạo ĐCSTQ sẽ tìm thấy cảm giác “hòa đồng trong trái tim tập thể”, để chấm dứt cảm giác bất bình và thù địch chống phương Tây của họ. Nhưng điều này đã được chứng minh là một kỳ vọng sai lầm.
Nhiều thập kỷ trôi qua, ĐCSTQ ngày càng hùng mạnh hơn về kinh tế và quân sự, nhưng không bao giờ có thể dịu đi “tầm nhìn hoang tưởng” về thế giới bên ngoài. Họ liên tục thất bại trong việc thực hiện các cải cách kinh tế và chính trị đối với những cam kết mà họ đã ký kết trong Tuyên ngôn Nhân quyền và Công ước Quốc tế về các Quyền Dân sự và Chính trị .
Phương Tây hy vọng rằng Trung Quốc cuối cùng sẽ trở thành một quốc gia “bình thường”, đạt đến đỉnh cao đầu tiên của họ vào cuối những năm 1980 khi Đặng Tiểu Bình nới lỏng các hạn chế nội bộ và đưa ra các cải cách về nền kinh tế thị trường (vốn rất hạn chế vào thời ấy).
Tuy nhiên, khi sinh viên và công nhân tụ tập kiến nghị một cách hòa bình ở Quảng trường Thiên An Môn và tại một trăm thành phố khác để ủng hộ việc mở cửa kinh tế của ông Đặng, đồng thời bày tỏ mong muốn đất nước thực hiện các cải cách chính trị song song, ĐCSTQ đã quay nòng súng và xe tăng
của Quân Giải phóng Nhân dân chống lại người dân Trung Quốc, để nhắc nhở rằng họ đang sống dưới chế độ của ĐCSTQ.
Bất chấp cú sốc đó, phương Tây lại tự thuyết phục rằng họ phải làm nhiều hơn nữa để khuyến khích cải cách chính trị nội bộ ở Trung Quốc và đặt hy vọng vào việc ĐCSTQ sẽ thay đổi sau khi gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) vào năm 2000.
Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Hoa Kỳ đã đặt câu hỏi rằng liệu việc gia nhập WTO có thay đổi được ĐCSTQ hay không. Câu trả lời ông nhận được là: “Chúng tôi e rằng họ sẽ… thay đổi chúng ta”.
Điều này chắc chắn không làm thay đổi ĐCSTQ. Ngược lại, Bắc Kinh đã tuân theo “thông lệ có cơ sở” của họ là khai thác điểm yếu mỗi khi phương Tây mở cửa hào phóng [đối với những gì mà họ thấy hiện nay] trong thương mại, đầu tư, chuyển giao công nghệ và sở hữu trí tuệ (hợp pháp và bất hợp pháp).
Các công ty Trung Quốc có quan hệ với ĐCSTQ và quân đội Trung Quốc thậm chí còn có quyền tiếp cận “đặc biệt khoan dung” vào thị trường chứng khoán Mỹ. ĐCSTQ đã chứng minh rằng phương Tây sẽ cung cấp cho họ tiền để mua sợi dây [treo cổ chính phương Tây].
ĐCSTQ đã leo thang trong cuộc tấn công vào chính người dân của mình bằng những hành động tàn bạo vi phạm nhân quyền ở Tây Tạng (diệt chủng văn hóa), tại Duy Ngô Nhĩ Tân Cương (diệt chủng văn hóa, thanh trừ sắc tộc), cộng đồng tu luyện Pháp Luân Công (đàn áp tín ngưỡng), đàn áp ở Hong Kong (đàn áp nền dân chủ), và đàn áp mọi hình thức bất đồng chính kiến ​​và tự do ngôn luận trên khắp đại lục.
Song song đó, ĐCSTQ đe dọa dùng chiến tranh chống lại Đài Loan vì đã “chỉ ra” cho người dân Trung Quốc một con đường tốt hơn.
Việc ĐCSTQ phát tán đại dịch viêm phổi Vũ Hán, trước hết là lên chính người dân Trung Quốc, và sau đó là trên toàn thế giới – cho dù là có chủ đích chiến lược hay bởi sự tàn nhẫn, bất cẩn và liều lĩnh bất chấp hậu quả; điều này chỉ làm tăng thêm sự xấu hổ, nghi ngờ, chán ghét và xa lánh mà thế giới “dành cho” các nhà cầm quyền ĐCSTQ.
Họ thực sự đã “làm tổn thương tình cảm của người dân Trung Quốc”, những người chưa có được “bức tranh đầy đủ” về sự phản đối ngày càng gia tăng mà cộng đồng quốc tế nhắm vào các quan chức ĐCSTQ. Ngay cả một quốc gia châu Âu nhỏ bé như Cộng hòa Séc cũng đã thẳng thắn yêu cầu một lời xin lỗi về những lời đe dọa thô bạo của ngoại trưởng Trung Quốc nhắm vào việc một quan chức Séc dẫn đoàn ngoại giao đến thăm Đài Loan.
Với hành vi của mình trong và ngoài Trung Quốc, chính quyền ĐCSTQ đã đứng ngang hàng với Đức Quốc xã và Liên Xô, vốn là những thế lực ghê tởm trong thế giới văn minh. Đối với nhiều người, CHND Trung Hoa có thể sớm được gọi là “Cộng hòa cô độc Trung Hoa”. Người dân Trung Quốc xứng đáng nhận được những gì tốt hơn.
Trong bài phát biểu vào tháng 7/2020 tại Thư viện Nixon, Ngoại trưởng Hoa Kỳ Mike Pompeo nói về trách nhiệm chung mà người dân Trung Quốc và thế giới bên ngoài nên cùng chia sẻ để mang lại sự thay đổi đã hứa từ lâu: “Chúng ta phải tham gia và trao quyền cho người dân Trung Quốc – một dân tộc năng động, yêu tự do, hoàn toàn khác biệt với ĐCSTQ… Thay đổi hành vi của ĐCSTQ không thể là sứ mệnh của riêng người dân Trung Quốc. Các quốc gia tự do phải cùng chung tay để bảo vệ tự do”.
Như trong Chiến tranh Lạnh, công cụ giải phóng mạnh mẽ nhất mà thế giới tự do có thể cung cấp cho nhân dân Trung Quốc là sự thật. Khi có được nó, người dân Trung Quốc chắc chắn sẽ quyết định rằng 71 năm họ chịu nhục nhã dưới bàn tay của những kẻ cầm quyền ĐCSTQ là đủ rồi; họ sẽ không cần thêm một “thế kỷ thứ hai” đầy ô nhục.
Tác giả: Joseph Bosco từng là giám đốc quốc gia về Trung Quốc cho Bộ trưởng Quốc phòng từ năm 2005 đến 2006 và là giám đốc khu vực châu Á – Thái Bình Dương về hỗ trợ nhân đạo và cứu trợ thảm họa từ năm 2009 đến 2010. Ông là thành viên không thường trú tại Viện Nghiên cứu Mỹ Corean và là thành viên của ban cố vấn của Viện Đài Loan toàn cầu.
Đức Duy

Hàng trăm người Nội Mông bị bắt

vì phản đối chính sách dạy tiếng Hán

Hải Lam
Đài Á Châu Tự do (RFA) hôm 8/9 cho biết, các quan chức Trung Quốc đã bắt giữ hàng trăm người ở Nội Mông vì tham gia biểu tình phản đối việc Bắc Kinh yêu cầu học tiếng Quan Thoại trong các trường học trong khu vực.
Mặc dù Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) tuyên bố việc học tiếng Quan thoại là “giáo dục song ngữ”, nhưng người dân địa phương lo ngại rằng tiếng Mông Cổ bản địa có thể sớm biến mất khỏi các trường học và đây là một hình thức diệt chủng văn hóa.
Theo Breitbart, với chính sách tương tự, Trung Quốc đã cố gắng xóa bỏ các ngôn ngữ bản địa ở các vùng khác của đất nước, như tiếng Tây Tạng và tiếng Duy Ngô Nhĩ và thay thế chúng bằng tiếng Quan Thoại, loại ngôn ngữ chính thức được sử dụng bởi đa số dân tộc Hán.
Các bậc phụ huynh người dân tộc Mông Cổ đã tổ chức một cuộc biểu tình quy mô lớn vào cuối tháng 8 khi nghe tin các trường học trong khu vực sẽ thay thế tiếng Mông Cổ bằng tiếng Quan Thoại. Theo RFA, Trung tâm Thông tin Nhân quyền Miền Nam Mông Cổ (SMHRIC) ước tính khoảng 300.000 học sinh đã không tham gia các lớp học vào giai đoạn cao điểm của các cuộc biểu tình.
Cuộc đàn áp diễn ra khi giới chức Trung Quốc cố gắng che giấu các cuộc biểu tình phản đối kế hoạch giáo dục, đàn áp các chiến dịch phản kháng trên mạng xã hội, bắt giữ những người bất đồng chính kiến và khuyến khích trẻ em Mông Cổ trở lại trường học. Cảnh sát trong khu vực đã bắt giữ 17 người dân tộc Mông Cổ vì “phát tán thông tin sai lệch và có hại” về chính sách giáo dục, “tạo và lan truyền tin đồn”, và thậm chí “cản trở” học sinh đến trường một cách ác ý, RFA đưa tin.
“Họ đã bắt giữ hơn 100 người ở thành phố Tongliao và cả ở thành phố Ordos”, ông Nomin, một nhà hoạt động người Mông Cổ sống tại Hoa Kỳ, cho biết.
Các nguồn tin nói với RFA, họ cho rằng các quan chức đang theo dõi sát sao các phương tiện truyền thông xã hội để cản trở các hoạt động biểu tình. Tại thành phố Bayanuur, cảnh sát đã bắt 4 người vì sử dụng mạng xã hội WeChat để tổ chức biểu tình. Những người này bị cáo buộc đưa tin sai lệch và “kích động các cuộc tụ tập bất hợp pháp”.
Bất chấp sự đàn áp từ phía chính quyền, các hành động phản đối chương trình dạy tiếng Hán vẫn tiếp tục diễn ra. Nhiều học sinh tiếp tục vắng mặt trong tuần này và người dân địa phương đã ghi nhận ít nhất một vụ tự tử. Một phụ nữ Mông Cổ, 33 tuổi, được xác định là Surnaa, đã tự tử vào sáng thứ Sáu (4/9) nhằm phản đối việc xóa bỏ ngôn ngữ mẹ đẻ của mình. Cô Surnaa làm việc trong một ban lãnh đạo của ĐCSTQ ở Alxa, một khu vực hành chính địa phương. Cái chết của cô đánh dấu ca tự tử thứ tư liên quan đến việc phản đối kế hoạch giáo dục “song ngữ”, theo SMHRIC.
Việc các quan chức đảng người dân tộc Mông Cổ tham gia biểu tình hay từ chức khiến ĐCSTQ không còn tin tưởng họ. “Chính phủ không tin tưởng các công chức người dân tộc Mông Cổ và gọi họ là những kẻ hai mặt”, ông Nomin nói.
“Những người dân tộc Mông Cổ tụ tập ở các thành phố lớn như Hohhot phần lớn là công chức nhà nước, vì vậy chính phủ đã sử dụng nhiều biện pháp như đe dọa trong vài ngày qua để gây áp lực lên họ”, Khubis, một người Mông Cổ hiện sống ở Nhật Bản, nói với RFA.
ĐCSTQ đã đình chỉ hai quan chức cấp quận ở khu vực phía bắc Nội Mông vì không thực hiện các chỉ thị của chính quyền.
Ủy ban Đảng Cộng sản của Bairin Right Banner gần đây cũng cảnh báo rằng các công chức và viên chức phải cho con em họ trở lại trường học vào thứ Hai (7/9), nếu không sẽ bị đình chỉ không lương kể từ ngày 8/9 và chờ xem xét cho nghỉ việc.
Ông Nomin cho biết chính quyền cũng gây áp lực buộc những học sinh trung học khác phải lái xe tới các vùng nông thôn và thuyết phục các gia đình ở đó cho con đi học lại.
“Họ tổ chức các nhóm giáo viên ở khắp mọi nơi, và mỗi giáo viên phải điều từ 5-10 học sinh để thuyết phục các học sinh khác”, ông Nomin nói. “Họ đang sử dụng phương pháp này ở tất cả các địa điểm”, nhà hoạt động Nomin nói.
Ông cho biết thêm: “Đã có một lượng lớn [học sinh] lái xe đến các vùng nông thôn … để thực hiện nhiệm vụ chính trị của họ. Bất cứ ai phản đối ‘giáo dục song ngữ’ đều bị coi là phản đối chính phủ, và do đó có thể trừng phạt”.

Trung Quốc mua 664.000 tấn đậu nành từ Mỹ

trong một ngày,

đang thiếu lương thực trầm trọng?

Bình luậnNguyễn Minh
Sau nhiều tháng nhập khẩu đậu tương kỷ lục từ Brazil, Trung Quốc đã chuyển hướng sang mua lượng lớn đậu tương và các hàng nông sản khác từ Hoa Kỳ.
Những người mua Trung Quốc đã đặt hàng tổng cộng 664.000 tấn đậu nành từ Mỹ, đây là tổng lượng đậu nành mua trong một ngày lớn nhất kể từ ngày 22/7. Số lượng đậu nành sẽ được giao trong khoảng thời gian 2020/21, Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ cho biết vào ngày 8/9.
Đây là thương vụ mới nhất trong chuỗi các giao dịch mua hàng nông sản lớn từ Mỹ của Trung Quốc. Trung Quốc cam kết sẽ nhập khẩu số lượng kỷ lục hàng nông nghiệp của Mỹ trong năm nay theo Thỏa thuận Thương mại Giai đoạn 1 được ký kết giữa 2 nước vào tháng Một.
Tuy nhiên, lượng mua hàng của Trung Quốc trong nửa đầu năm 2020 mới chỉ đạt 7,274 tỷ USD (khoảng 168.58 nghìn tỷ VNĐ), theo dữ liệu thương mại của Cục Điều tra Dân số Hoa Kỳ. Nhưng theo Thỏa thuận thương mại này, tổng giá trị mua hàng năm là 36,5 tỷ USD (hơn 845.9 nghìn tỷ VNĐ).
Ngày 8/9, USDA cũng cho biết các nhà xuất khẩu tư nhân đã báo cáo việc bán 101.600 tấn ngô cho các thương lái Trung Quốc. Số lượng này sẽ giao trong khoảng thời gian 2020/21.
Trung Quốc đang tăng cường nhập khẩu ngô của Mỹ khi nước này phải đối mặt với đợt thiếu ngô thực sự đầu tiên trong nhiều năm. Ngô vốn là loại lương thực rất quan trọng đối với ngành chăn nuôi lợn, gia cầm và các ngành chăn nuôi lấy sữa của Trung Quốc. Giá ngô tăng mạnh là hậu quả mới nhất có thể thấy trong số hàng loạt các hậu quả do dịch tả lợn và đại dịch viêm phổi Vũ Hán gây ra. Điều này gây xáo trộn trên thị trường quốc tế và cảnh báo về nguy cơ thiếu hụt lương thực đang gia tăng.
Sau nhiều tháng nhập khẩu đậu tương kỷ lục từ Brazil, Trung Quốc đã chuyển hướng sang mua lượng lớn đậu tương và các hàng nông sản khác từ Hoa Kỳ. Nhà nhập khẩu hàng nông sản hàng đầu thế giới đã mua khối lượng kỷ lục ngô, thịt lợn và thịt gia cầm của Mỹ trong năm nay. Tháng trước, Trung Quốc đã đặt mua số lượng thịt bò Mỹ hàng tuần lớn nhất từ ​​trước đến nay.
Xuất khẩu đậu tương của Mỹ sang Trung Quốc thường tăng trong quý 4 của năm khi vụ mùa của Mỹ được thu hoạch và khi nguồn cung từ nhà xuất khẩu hàng đầu Brazil xuống thấp, theo Reuters.
Trung Quốc đối mặt tình trạng thiếu lương thực
Chỉ trong năm nay, Trung Quốc đã hứng chịu những thảm họa thiên nhiên tồi tệ nhất trong nhiều thập kỷ qua. Quốc gia này đang đối mặt với tình trạng thiếu lương thực do hạn hán, lũ lụt và sâu bệnh tàn phá các vụ mùa.
Trong chuyến thăm tỉnh Cát Lâm ở phía đông bắc Trung Quốc vào ngày 22/7, người đứng đầu Trung Quốc Tập Cận Bình nói với chính quyền địa phương rằng hãy coi sản xuất ngũ cốc là một nhiệm vụ ưu tiên, theo The Epoch Times.
Phó Thủ tướng Trung Quốc Hồ Xuân Hoa (Hu Chunhua) gần đây đã yêu cầu chủ tịch của mỗi tỉnh ở Trung Quốc đảm bảo diện tích gieo trồng cây nông nghiệp không bị thu hẹp và năng suất cây trồng không giảm trong năm nay.
Tại một cuộc họp về an ninh lương thực được tổ chức ở Bắc Kinh vào ngày 27/7, ông Hồ cảnh báo rằng các chủ tịch tỉnh sẽ bị trừng phạt và có thể bị sa thải nếu họ không giữ cam kết.
Vào đầu tháng Bảy, Trung tâm Thông tin Ngũ cốc và Dầu Quốc gia Trung Quốc đã đưa ra ước tính, sản lượng ngô cần cung cấp bị thiếu hụt trong năm tài chính 2020-2021 là 25 triệu tấn – cao hơn gấp đôi so với ước tính trước đó là 12 triệu tấn.
Vào ngày 5/8, Trung tâm này ước tính, Trung Quốc sẽ nhập khẩu 6 triệu tấn lúa mì trong 12 tháng từ tháng 6/2020 đến tháng 5/2021, đây sẽ là số lượng lúa mì nhập khẩu cao nhất  trong vòng 7 năm qua.
Trung tâm này cũng cho biết, lúa mì có thể được nhập khẩu từ Pháp, Nga, Lithuania và Kazakhstan.
Vào cuối tháng Một, chính quyền Trung Quốc đã yêu cầu người dân, bao gồm cả những người nông dân, phải ở trong nhà để ngăn chặn sự lây lan của viêm phổi Vũ Hán.
Vào khoảng tháng Ba, các hạn chế được nới lỏng và hầu hết những người nông dân được phép ra ngoài trở lại.
Tuy nhiên, năm nay thời tiết khắc nghiệt diễn ra ở trên khắp các vùng đồng bằng rộng lớn của Trung Quốc dẫn đến mùa màng bị tàn phá. Kể từ đầu tháng Sáu, mưa lớn liên tục xảy ra ở khu vực miền nam, miền trung và phía đông của Trung Quốc. Trong khi đó, các khu vực ở phía tây bắc và đông bắc lại bị hạn hán.
Sâu bọ như châu chấu và các loài sâu bọ khác cũng làm hư hại mùa màng.
Nông dân cho biết họ có thể sẽ mất mùa trong năm nay.
Nông dân ở tỉnh Vân Nam cho biết, ngoài lũ lụt, nạn châu chấu cùng động vật gặm nhấm đang tấn công và gây thiệt hại cho tất cả các loại cây trồng trong tỉnh.
Theo một bản tin của South China Morning Post vào ngày 30/8, “những đàn châu chấu gai vàng đã bay qua biên giới vào cuối tháng Sáu, sau đó tiến về phía bắc… Tính đến ngày 17/8, tổng cộng 11 huyện trên địa bàn tỉnh đã bị những đàn châu chấu tấn công, gây thiệt hại trên diện tích là 106km2”.
Nguyễn Minh
Tổng hợp

Mỹ sẽ cấm hàng xuất khẩu chủ chốt

của Tân Cương, Trung Quốc

Hoa Kỳ sẽ chặn việc xuất khẩu các mặt hàng then chốt từ vùng Tân Cương, do có cáo buộc nói chúng được sản xuất bởi lao động cưỡng bức.
Lệnh cấm dự kiến sẽ áp dụng đối với bông và cà chua, hai mặt hàng xuất khẩu quan trọng của Trung Quốc.
Chính quyền ông Trump đã gia tăng áp lực lên Trung Quốc liên quan tới cách đối xử của Bắc Kinh với người Uighur theo Hồi giáo ở Tân Cương.
Trong những năm gần đây, Trung Quốc tăng mạnh các hoạt động an ninh tại Tân Cương với lý do có đe dọa từ chủ nghĩa ly khai và khủng bố ở nơi này.
Một số ước tính cho thấy có tới một triệu người đã bị giam giữ không qua xét xử tại những nơi mà Trung Quốc gọi là trại cải tạo.
Cơ quan Hải quan và Bảo vệ Biên phòng Hoa Kỳ (the US Customs and Border Protection – CBP) hiện đang chuẩn bị ra các chỉ thị giữ hàng, theo đó cho phép việc bắt các lô hàng nghi là có sử dụng lao động cưỡng bức.
Luật cũng nhắm vào việc chống tình trạng buôn người, sử dụng lao động trẻ em và các hình thức vi phạm nhân quyền khác.
Trước đó, hồi đầu năm nay, các nhà lập pháp Hoa Kỳ đã đề xuất ra quy định theo đó xác định rằng toàn bộ các mặt hàng sản xuất tại vùng Tân Cương đều liên quan tới việc sử dụng lao động cưỡng bức, trừ các sản phẩm có xác nhận cụ thể là không dùng hình thức lao động đó.
Washington và Bắc Kinh đã liên tục đụng độ quanh vấn đề các trại giam giữ được được bảo vệ nghiêm ngặt, điều mà Trung Quốc nói là cần thiết để cải thiện tình hình an ninh.
“Chúng tôi có những bằng chứng hợp lý nhưng không phải là đã hoàn toàn đầy đủ, cho thấy có khả năng lao động cưỡng bức đã được sử dụng liên quan tới việc chế biến các mặt hàng vải bông và cà chua ở Tân Cương,” trợ lý cao ủy CBP Brenda Smith nói với hãng tin Reuters trong một cuộc phỏng vấn.
“Chúng tôi sẽ tiếp tục điều tra để làm rõ những lỗ hổng này,” bà nói thêm.
Các lệnh cấm đang được đề xuất có thể sẽ tác động mạnh lên các nhà bán lẻ, các nhà sản xuất quần áo và chế biến thực phẩm của Mỹ.
Trung Quốc cung ứng khoảng 20% lượng bông toàn cầu, với sản lượng hầu hết là từ Tân Cương.
Vùng này cũng là nguồn cung ứng chính đối với các mặt hàng hóa dầu và các sản phẩm khác phục vụ cho hoạt động của các nhà máy Trung Quốc.
Trong tuần này, tập đoàn giải trí khổng lồ của Mỹ Disney đã bị công kích về việc quay bộ phim mới, Mộc Lan, tại tỉnh Tân Cương.
Bộ phim đã bị tẩy chay sau khi nữ diễn viên chính trong phim ủng hộ việc trấn áp người biểu tình Hong Kong.

Bắc Kinh cáo buộc

Australia sách nhiễu phóng viên Trung Quốc

Chính quyền Bắc Kinh hôm 9/9 cáo buộc Australia sách nhiễu bốn phóng viên nhà nước Trung Quốc vì đã khám xét và thu giữ các vật dụng tại nhà của họ, theo Reuters.
Thông tin về cuộc đột kích của Australia hồi cuối tháng Sáu được công bố một ngày sau khi hai phóng viên Australia từ Trung Quốc bay về nước.
Tin cho hay, hai ký giả rời quốc gia đông dân nhất thế giới sau khi họ bị thẩm vấn bởi an ninh Trung Quốc và sự kiện này đã thu hút sự chú ý của cộng đồng quốc tế.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên nói rằng các quan chức Australia nêu lý do các phóng viên vi phạm điều luật về sự can thiệp của nước ngoài để thực hiện cuộc đột kích hồi tháng Sáu, nhưng không cung cấp “sự giải thích thỏa đáng” về vụ lục soát, theo Reuters.
Ông Triệu nói rằng các quan chức Australia đã thu giữ máy tính xách tay, điện thoại di động và một máy tính bảng đồ chơi của trẻ em tại nhà của các phóng viên của các hãng trong đó có Tân Hoa Xã và China News Service.
Theo Reuters, quan hệ giữa Australia và Trung Quốc xấu đi trong năm nay sau khi Bắc Kinh bày tỏ tức giận vì Canberra kêu gọi một cuộc điều tra quốc tế về nguồn gốc đại dịch COVID-19.

Lính Trung Quốc vác đao,

dàn quân gần biên giới Ấn Độ

Đại Nghĩa
Hành động này gợi lại cuộc giao tranh đẫm máu hồi tháng 6, khi 20 binh sĩ Ấn Độ thiệt mạng sau khi quân PLA tấn công họ bằng những tảng đá quấn dây thép gai và khúc gỗ có đóng đinh xung quanh.
Theo tờ India Today, lính Trung Quốc được trang bị súng, giáo, gậy và dao đã áp sát các đỉnh núi ở vùng Rezang La của Ladakh.
Những hình ảnh binh sĩ Trung Quốc mang theo giáo và dao rựa cho thấy họ đang sẵn sàng cận chiến với binh sĩ Ấn Độ.
India Today dẫn các nguồn tin cho biết: “Quân đội Trung Quốc (PLA) đã cố gắng đẩy quân đội Ấn Độ ra khỏi điểm cao chiến lược ở đỉnh Mukhpari và các khu vực Reqin La ở Ladakh”.
Quân đội Ấn Độ cũng cho biết, lính Trung Quốc đã bắn 10-15 phát đạn chỉ thiên trong một nỗ lực nhằm đe dọa quân đội của họ và quân đội Ấn Độ đã không nhượng bộ trước hành động khiêu khích của quân đội Trung Quốc.
Mặc dù dao rựa và giáo có thể không phải là hình ảnh thường thấy trên chiến trường ngày nay, nhưng chúng hầu như không gây bất ngờ trong tay quân đội Trung Quốc. Trong cuộc giao tranh đẫm máu hồi tháng 6, 20 binh sĩ Ấn Độ đã thiệt mạng sau khi quân PLA tấn công họ bằng những tảng đá quấn dây thép gai và khúc gỗ có đóng đinh xung quanh.
Hôm 8/9, lần đầu tiên sau 45 năm đã có tiếng súng nổ trên biên giới Trung – Ấn. Cả hai bên đổ lỗi cho bên kia nổ súng trước.
Tổng biên tập tờ Thời báo Hoàn cầu, cơ quan ngôn luận của đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), Hồ Tích Tiến đe dọa:
“Tôi phải cảnh báo với phía Ấn Độ rằng PLA không bắn phát súng đầu tiên, nhưng nếu quân đội Ấn Độ bắn phát súng đầu tiên vào PLA, thì hậu quả là phải tiêu diệt quân đội Ấn Độ tại chỗ. Nếu quân đội Ấn Độ dám leo thang xung đột, nhiều đội quân Ấn Độ sẽ bị xóa sổ. Quân đội Ấn Độ, bên đã bị mất 20 lính trong một cuộc đụng độ vừa rồi, không phải là đối thủ của PLA. Vâng, chúng tôi có một chút khinh thường đối với khả năng chiến đấu của quân đội Ấn Độ.”

Hoàn cầu Thời báo: Trung Quốc sẽ cấm vận

các quan chức Mỹ thăm Đài Loan

Trung Quốc sẽ áp đặt các biện pháp cấm vận đối với các quan chức cấp cao Mỹ đi thăm Đài Loan, cũng như các công ty có liên hệ tới các nhân vật này, Tổng biên tập của tờ Hoàn cầu Thời báo cho biết hôm 8/9.
Ông Hu Xijin nói trên trang Twitter cá nhân của ông rằng những người có tên trên danh sách bị trừng phạt của Trung Quốc sẽ không bao giờ được đặt chân lên lãnh thổ Hoa lục, và bất cứ công ty nào có liên hệ tới những người này sẽ bị cắt đứt, không cho tiếp cận thị trường Hoa lục.
Hoàn cầu Thời báo là tờ báo có lập trường ‘diều hâu’, và do Tờ Nhân dân, cơ quan ngôn luận chính thức của Đảng Cộng sản Trung Quốc, điều hành.

Sau 4 năm, ông Duterte vẫn đang chật vật chứng tỏ

 tính ưu việt của chính sách thân Bắc Kinh

Hương Thảo
Sau hơn 4 năm cầm quyền, Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte vẫn đang phải vật lộn để chứng tỏ rằng đất nước của ông đang được hưởng lợi từ một liên minh chặt chẽ hơn với Trung Quốc.
Trong một bước ngoặt mạnh mẽ trong chính sách đối ngoại của Philippines, vào năm 2016, ông Duterte tuyên bố nước này sẽ “tách rời” khỏi Mỹ – một đồng minh quân sự lâu năm – để thiết lập mối quan hệ chặt chẽ hơn với Trung Quốc.
Trong số những nhượng bộ của mình, ông Duterte cũng gạt sang một bên tranh chấp lãnh thổ của nước mình với Bắc Kinh tại Biển Đông, để đổi lấy hàng tỷ đô la các khoản đầu tư cam kết vào cơ sở hạ tầng của Trung Quốc.
Nhưng phần lớn khoản đầu tư được hứa hẹn đó đã không thành hiện thực, khi có nhiều dự án bị trì hoãn hoặc gác lại, cùng lúc những tiếng nói chống Trung Quốc ngày càng gia tăng trong chính phủ của ông và trong công chúng Philippines, theo CNBC ngày 7/9.
Ông Duterte ngày càng bị cáo buộc là đã hạ thấp bản thân trước Bắc Kinh mà chẳng thu lại được gì, theo ông Greg Poling, chuyên gia cấp cao về Đông Nam Á và Giám đốc Sáng kiến ​​Minh bạch Hàng hải Châu Á tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế.
“Trung Quốc chỉ khởi động hai trong số các dự án cơ sở hạ tầng đã cam kết – một cây cầu và một dự án thủy lợi – và cả hai đều đã bị những lỗi lớn có thể làm chúng bị hỏng hoàn toàn”, ông Polling trao đổi với CNBC trong một email.
“Không chỉ vậy, Bắc Kinh cũng không lùi bước trong việc quấy rối các lực lượng và dân thường Philippines ở Biển Đông. Vì vậy, xét trên tổng thể, ông Duterte ngày càng bị cáo buộc là đã hạ mình trước Bắc Kinh mà chẳng thu được gì”, vị chuyên gia nói thêm.
Áp lực chính trị trong nước gia tăng
Cách tiếp cận hòa giải của Duterte đối với Trung Quốc không nhận được sự đồng cảm của hầu hết công chúng Philippines, những người tiếp tục có hảo cảm hơn với các cường quốc trong khu vực và toàn cầu khác.
Trong một cuộc khảo sát hồi tháng 7 của Social Weather Stations, người dân Philippines tin tưởng Mỹ và Úc hơn Trung Quốc. Đáng chú ý, niềm tin vào Trung Quốc kém hơn so với cuộc khảo sát tương tự được thực hiện hồi tháng 12 năm ngoái.
Sự suy giảm tình cảm công chúng đối với Trung Quốc dấy lên cùng thời điểm đại dịch virus viêm phổi Vũ Hán tàn phá nền kinh tế Philippines và Bắc Kinh tiếp tục gây hấn ở Biển Đông tại khu vực hai nước có yêu sách lãnh thổ chồng lấn.
Tất cả những điều đó đã “làm gia tăng áp lực chính trị trong nước lên ông Duterte trong việc điều chỉnh lại trục xoay của ông ấy sang Trung Quốc”, Peter Mumford, trưởng ban Đông Nam Á và Nam Á tại công ty tư vấn rủi ro chính trị Eurasia Group, nói với CNBC qua email.
Chính phủ của Tổng thống Duterte trong những tháng gần đây đã thực hiện một số động thái chính sách đối ngoại chống lại Trung Quốc mà các nhà phân tích cho rằng đáng chú ý, gồm:
Vào tháng 4, Bộ Ngoại giao nước này đã ra một tuyên bố thể hiện tình đoàn kết với Việt Nam sau khi một tàu hải giám Trung Quốc đâm chìm tàu ​​đánh cá Việt Nam ở Biển Đông;
Bộ đã đưa ra một tuyên bố khác vào tháng Bảy nhân kỷ niệm phán quyết của tòa án quốc tế bác bỏ yêu sách lãnh thổ của Trung Quốc đối với gần 90% Biển Đông, đồng thời kêu gọi Bắc Kinh tuân thủ phán quyết.
Philippines và Trung Quốc trong nhiều năm đã xuất hiện xung đột về các tuyên bố chủ quyền ở vùng biển giàu tài nguyên, mà tại khu vực này hàng nghìn tỷ USD hàng hóa thương mại vận chuyển thông qua hàng năm. Philippines – dưới thời cựu Tổng thống Benigno Aquino III – đã kiện Trung Quốc ra tòa quốc tế.
Năm 2016, ngay sau khi ông Duterte nhậm chức, một tòa án quốc tế đã ra phán quyết rằng các vùng biển tranh chấp giữa hai nước đều thuộc chủ quyền Philippines.
Trung Quốc đã phớt lờ phán quyết này. Còn giới phê bình thì chỉ ra ông Duterte đã không làm gì nhiều để gây sức ép khiến Bắc Kinh tuân thủ phán quyết. Ngay cả khi những tiếng nói hoài nghi Trung Quốc trong chính quyền của ông ngày càng gia tăng, ông Duterte hầu như chỉ giữ im lặng, theo giới phân tích.
Hết thời gian
Nhìn chung, những nhận xét chỉ trích Trung Quốc từ chính nội các của ông Duterte “không báo hiệu sự thay đổi sắp xảy ra trong lập trường của chính quyền đối với Trung Quốc”, Dereck Aw, nhà phân tích cấp cao của hãng tư vấn chiến lược và rủi ro chính trị Control Risks cho biết.
Ông Aw giải thích với CNBC rằng những bình luận này “chỉ nên được nhìn nhận là nỗ lực có chủ ý nhằm xoa dịu các bên liên quan trong nước, ví như các bộ phận quân đội và công chúng đang ngày càng hoài nghi về chính sách đối với Trung Quốc của ông Duterte”.
“Mối quan hệ giữa Trung Quốc và Philippines sẽ vẫn duy trì tình trạng ổn định miễn là ông Duterte còn là tổng thống”, ông Aw cho hay, đồng thời nói thêm rằng Duterte đôi lúc có thể sử dụng “giọng điệu dân tộc chủ nghĩa” để giúp người kế nhiệm ưa thích của ông ta trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2022.
“Nhưng hành động có sức mạnh hơn lời nói: Chính quyền Duterte sẽ tiếp tục sự gắn kết kinh tế sâu sắc hơn với Trung Quốc, và từ chối quốc tế hóa tranh chấp Biển Đông”, ông Dereck Aw cho biết trong một email.
Nhưng chỉ còn chưa đầy hai năm còn lại trong nhiệm kỳ 6 năm của mình, ông Duterte không còn đủ thời gian để đạt được những kết quả kinh tế mà ông mong muốn từ Bắc Kinh.
Ông Mumford từ Eurasia Group lưu ý rằng bất chấp những lời hứa hẹn phần lớn chưa được thực hiện của Trung Quốc, thì ông Duterte vẫn lập luận rằng đất nước của ông sẽ vẫn “tốt hơn” nếu tránh đối đầu với Trung Quốc do “sự bất cân xứng về lực lượng” giữa họ.
“Tuy vậy, ông Duterte đang phải chịu áp lực ngày càng tăng trong việc chứng minh những lợi ích có được từ mối quan hệ với Trung Quốc”, ông nói.
Theo CNBC
Hương Thảo biên dịch

Hai đào ngũ Miến Điện

nhìn nhận các vụ sát hại người Rohingya

Thanh Hà
Hai nguồn tin báo chí quốc tế và tổ chức nhân quyền Fortify Rights ngày 08/09/2020 cho biết hai người lính đào ngũ Miến Điện xác nhận qua video là họ đã được lệnh của cấp trên sát hại người Rohingya. Cả hai cùng thú nhận đã giết chết hàng chục dân làng ở bang Rakhine, tây bắc Miến Điện trong cuộc nổi dậy hồi tháng 08/2017.
Theo các nguồn tin trên, hai người lính đào ngũ được trích dẫn từng phục vụ trong hai tiểu đoàn bộ binh khác nhau. Cả hai đã được lệnh giết chết và chôn xác nạn nhân trong những ngôi mộ tập thể. Các lời chứng trên đây được ghi âm qua video từ Miến Điện và đoạn băng được thực hiện trong năm 2020. Hãng tin Anh Reuters lưu ý, báo New York Times thận trọng cho biết “chưa kiểm chứng được một cách độc lập” về lời kể của hai quân nhân Miến Điện đào ngũ. Phía chính phủ Miến Điện và phát ngôn viên của quân đội nước này từ chối bình luận về tin trên.
Theo Reuters, hai nhân chứng này đã được đưa tới La Haye, trụ sở của Tòa Án Hình Sự Quốc Tế. Tuy nhiên phát ngôn viên của tòa án La Haye bác bỏ tin cơ quan tư pháp này đang tạm giữ hai quân nhân được các phương tiện truyền thông nhắc tới.
Tháng 11/2019 đại diện cho Tổ Chức Hợp Tác Hồi Giáo, Gambia đã đâm đơn kiện Miến Điện ra trước Tòa Án Công Lý Quốc Tế vì vi phạm Công Ước Chống Diệt Chủng, “hủy hoại nhân tính” nhắm vào cộng đồng thiểu số Rohingya theo đạo Hồi. Tới nay Miến Điện vẫn bác bỏ mọi cáo buộc của Liên Hiệp Quốc cho rằng chính quyền nước này đã tiến hành một cuộc “thanh lọc chủng tộc” nhắm vào người Rohingya, gần 700.000 người Rohingya đã chạy trốn khỏi bang Rakhine sang lánh nạn tại nước láng giềng Bangladesh.

Pakistan bắt giữ 7 kẻ buôn bán nội tạng

liên kết với Trung Quốc

Bình luậnNguyễn Minh
“Đây là lần đầu tiên một băng nhóm có liên quan đến việc cấy ghép nội tạng người bất hợp pháp ở Trung Quốc bị bắt giữ”, Phó Giám đốc Cơ quan Điều tra Liên bang Pakistan nói.
Ngày 7/9, Cơ quan Điều tra Liên bang (FIA) của Pakistan đã bắt giữ 7 kẻ được cho là buôn bán nội tạng người có mối liên hệ chặt chẽ với Trung Quốc – quốc gia được biết đến là trung tâm thu hoạch nội tạng sống của thế giới trong thập kỷ qua.
Tờ Dawn của Pakistan đưa tin rằng, FIA ở Lahore đã nhận được thông tin về hoạt động của một băng đảng buôn bán nội tạng xuyên quốc gia trong khu vực rằng băng đảng này đang đến một văn phòng hộ chiếu tại Lahore. Cảnh sát đã bắt giữ 7 nghi phạm tại đó. Các nghi phạm bị bắt với cáo buộc làm môi giới giữa những kẻ buôn bán nội tạng với những người hiến tạng tiềm năng, vớinhững tội phạm tài chính hoặc với những người muốn bán nội tạng của chính họ.
Theo tờ Dawn, các nghi phạm này lợi dụng những người nghèo nhưng khỏe mạnh và khuyến khích họ bán một bộ phận nội tạng thông qua một cuộc phẫu thuật tại Trung Quốc.
Phó Giám đốc FIA Punjab Zone-I Sardar Mavarhan Khan nói với Nhật báo Pakistan rằng, trong quá trình điều tra, họ phát hiện ra các nghi phạm môi giới này có liên hệ chặt chẽ với các thương nhân và bác sĩ Trung Quốc thực hiện các hoạt động buôn bán nội tạng.
Ông Khan cho biết: “Đây là lần đầu tiên một băng nhóm có liên quan đến việc cấy ghép nội tạng người bất hợp pháp ở Trung Quốc bị bắt giữ”. Theo ông Khan, các nghi phạm được cho là đã trả khoảng 400.000 rupee Pakistan (2.405 USD) cho một người hiến tạng để họ đến Trung Quốc thực hiện lấy tạng. Ông Khan ước tính các cá nhân liên quan đến việc buôn bán này đã tuyển được 30 người hiến tạng.
Trung Quốc đã trở nên tai tiếng với hoạt động buôn bán nội tạng cấy ghép trong bối cảnh ngành “du lịch nội tạng” đang phát triển tại quốc gia này. Những người bị bệnh đến đất nước này để thực hiện phẫu thuật cấy ghép nội tạng với giá thành tương đối rẻ.
Rất nhiều bằng chứng đã được đưa ra trong thập kỷ qua cho thấy rằng, ngoài những người nước ngoài nghèo khổ, Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã và tiếp tục mổ cướp nội tạng từ những “người hiến tặng” tạng mà không có sự đồng thuận của họ, đó là những người thuộc các nhóm tôn giáo thiểu số bị đàn áp bao gồm người Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ và các học viên Pháp Luân Công.
Pháp Luân Công, hay được gọi là Pháp Luân Đại Pháp, là một pháp môn tu luyện Phật gia theo nguyên lý Chân – Thiện – Nhẫn kết hợp cùng 5 bài công pháp. Đến nay Pháp Luân Đại Pháp đã phổ truyền rộng rãi ở hơn 100 quốc gia trên thế giới.
Chỉ tính riêng tại Trung Quốc, đến năm 1999, có khoảng từ 70 – 100 triệu người dân tu luyện Pháp Luân Đại Pháp, theo thống kê của chính phủ Trung Quốc vào thời điểm đó. Vào ngày 20/7/199, do lo sợ trước sự phổ biến của môn tập đối với quyền lực của mình, cựu lãnh đạo ĐCSTQ Giang Trạch Dân đã phát động chiến dịch đàn áp Pháp Luân Công trên khắp đất nước Trung Quốc. Cuộc đàn áp này không ngừng nghỉ trong suốt 21 năm qua; hàng nghìn học viên của pháp môn này bị bắt giam vô căn cứ trong các trại lao động, nhà tù, trại tâm thần, trung tâm tẩy não. Tại đậy, họ đã bị đánh đập, tra tấn để cưỡng ép họ từ bỏ đức tin vào Pháp Luân Đại Pháp, theo minghui.org – trang web có trụ sở tại Mỹ chuyên thu thập các thông tin về cuộc đàn áp Pháp Luân Công tại Trung Quốc.
Xem thêm: Vì sao ĐCSTQ muốn che giấu cuộc đàn áp Pháp Luân Công (P2): Âm mưu, thủ đoạn và tội ác
Quá trình “cung cấp nguồn nội tạng vô tận” này được tổ chức từ thiện EndTransplantAbuse.org trình bày chi tiết:
Ở các quốc gia có năng lực chăm sóc sức khỏe tiên tiến và hệ thống hiến tạng được tổ chức tốt, thì bệnh nhân thường phải đợi nhiều tháng, thậm chí nhiều năm để có người hiến tạng. Tuy nhiên, ở Trung Quốc, nơi mà việc hiến tạng là điều cấm kỵ về mặt văn hóa do người Trung Quốc muốn giữ lại thân xác sau khi chết và nước này vẫn chưa có hệ thống hiến tạng hiệu quả, thì bệnh nhân lại có thể tìm thấy tạng phù hợp bất cứ khi nào cần. Điều này cho thấy rõ ràng rằng có một số lượng lớn các nguồn tạng sẵn có đang chờ được cấy ghép cho bệnh nhân nào muốn.
Kể từ năm 2018, một tòa án độc lập ở London, được gọi là Tòa án Trung Quốc đã tổ chức các phiên điều trần chứng minh về việc mổ cướp nội tạng bất hợp pháp đã và đang diễn ra tại Trung Quốc.
Báo cáo gần đây nhất của Toà án Trung Quốc được phát hành vào tháng 2/2020, kết luận rằng: “cưỡng bức thu hoạch nội tạng đã xảy ra ở nhiều nơi ở [Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa] và nhiều lần trong khoảng thời gian ít nhất là 20 năm qua và vẫn đang tiếp diễn cho đến ngày nay”.
Báo cáo nhấn mạnh: “Trong thời gian dài hoạt động mổ cướp nội tạng xảy ra ở Trung Quốc, chính các học viên Pháp Luân Công đã bị sử dụng làm nguồn tạng – có thể là nguồn tạng chính – bị mổ cướp”.
Vào tháng Ba, một nhà nghiên cứu đã cung cấp cho Breitbart News lời khai của một người sống sót từ một trại lao động Trung Quốc. Người này tuyên bố chính quyền đang lấy nội tạng của các tù nhân chính trị để cung cấp cho những bệnh nhân bị suy phổi do nhiễm virus Corona gây ra.
Nhà nghiên cứu Matthew Robertson của Tổ chức Nạn nhân Cộng sản giải thích trong báo cáo của ông: “Giới chức [Trung Quốc] sẽ nói rằng  [những lá phổi được sử dụng để cấy ghép] rõ ràng đã được hiến tặng, nhưng người ta có thể đưa ra những luận chứng hợp lý về điều giới chức nói có hợp lý hay không”.
“Các chính phủ trên thế giới đã không công khai thách thức chính quyền Trung Quốc về nguồn cung cấp nội tạng của họ, và các tổ chức nhân quyền và y tế quốc tế cũng thất bại trong việc nêu ra những quan ngại của công chúng về quy mô của hệ thống cấy ghép của Trung Quốc và nguồn tạng người thực sự [từ đâu]”, theo báo cáo của ông Robertson.
Nguyễn Minh
Theo Breitbart

0 comments

Leave a comment

Powered by Blogger.