Hải Ngoại Ngày Nay


LIÊN KẾT HẢI NGOẠI YỂM TRỢ QUỐC NỘI ĐẤU TRANH

GIẢI THỂ CHẾ ĐỘ ĐỘC TÀI VIỆT CỘNG

GIẢi TRỪ HIỂM HỌA XÂM LĂNG TRUNG CỘNG

Phiên xử vụ án Đồng Tâm: Ngày thứ 3

Wednesday, September 9, 2020 6:47:00 PM // ,

9/9/2020

BTV Tiếng Dân
Diễn biến đáng lưu ý nhất trong ngày xử thứ 3 là, VKSND TP Hà Nội đề nghị 2 án tử đối với 2 người con của ông Lê Đình Kình là Lê Đình Công và Lê Đình Chức. Báo Tuổi Trẻ đưa tin về vụ án Đồng Tâm: Viện kiểm sát đề nghị 2 bị cáo mức án tử hình. Lấy lý do: “Hành vi phạm tội của các bị cáo là có tổ chức, mang tính chất côn đồ, giết nhiều người một cách dã man. Các bị cáo đã gây ra hậu quả vô cùng lớn cho ngành công an, tổn thất không gì bù đắp được cho gia đình ba chiến sĩ”.
Thêm diễn biến mới trong phiên xử vụ Đồng Tâm: Viện Kiểm sát đổi tội danh truy tố đối với 19 bị cáo, theo Thông Tấn Xã VN. VKS đề nghị đổi tội danh “Giết người” của các bị cáo Lê Đình Uy, Lê Đình Quang, Nguyễn Văn Quân, Bùi Văn Tiến, Bùi Văn Tuấn, Trịnh Văn Hải, Lê Đình Quân, Bùi Văn Niên, Bùi Thị Nối, Trần Thị La, Nguyễn Văn Duệ, Nguyễn Thị Bét, Nguyễn Xuân Điều, Nguyễn Thị Lụa, Bùi Thị Đục, Mai Thị Phần, Đào Thị Kim, Lê Thị Loan, Nguyễn Văn Trung sang tội “Chống người thi hành công vụ”.
Diễn biến này cho thấy, khả năng những người được đổi tội danh sẽ thoát án tử hình. Nghĩa là chính quyền và tòa án chọn phương án chỉ tử hình 2 người con của ông Kình là Công và Chức. Trước đó, có ý kiến bình luận sẽ có án tử trong vụ này vì đã có 3 công an bỏ mạng, nhưng nếu tòa án tuyên quá nhiều án tử thì chính họ khiêu khích dân. Nhưng cho dù chỉ một án tử được tuyên, cũng đủ tạo thành nợ máu không thể hòa giải giữa người dân và chính quyền.
Thông Tấn Xã VN đưa tin, các LS bào chữa đồng thuận với quyết định đổi tội danh. Bài viết cho biết, LS Bùi Đình Ứng, bào chữa cho Bùi Văn Tiến, đã “cảm ơn Viện Kiểm sát đã thay đổi quan điểm truy tố đối với bị cáo Bùi Văn Tiến và đề nghị Hội đồng xét xử xem xét, chấp nhận quan điểm của Viện Kiểm sát”. Nhưng các bài viết do các LS chia sẻ về tình hình phiên tòa hôm nay, cho thấy sự tình không đơn giản như vậy.
Quang cảnh phiên tòa ngày hôm nay 9/9. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN
LS Lê Văn Luân viết về tình hình xét xử vụ Đồng Tâm: Ngày thứ ba – Tranh luận“Khi tôi lên bào chữa, phần tôi tập trung nhất vẫn là các chứng cứ là các dữ liệu điện tử, là những video, clip được trình chiếu không rõ nguồn gốc. Và nó được kiểm sát viên sử dụng để làm căn cứ luận tội với các bị cáo và nói rằng đó là lời nhận tội được thực hiện ghi âm, ghi hình tại giai đoạn điều tra”. Nhưng HĐXX không phản biện bằng lý lẽ mà chỉ liên tục ngắt lời LS, chủ tọa thậm chí còn bỏ ra ngoài!
Trước thái độ của HĐXX, LS Luân phản biện: “Tôi đang bình luận và đánh giá chứng cứ, và đó là quyền mà bộ luật tố tụng ấn định. Nếu không dùng luật để làm căn cứ và nhận định, phân tích những vấn đề về chứng cứ, mà mọi việc chứng minh phụ thuộc vào chứng cứ, chỉ chứng cứ được thẩm tra tại phiên toà, tôi sẽ phải sử dụng gì để bảo vệ?” Sau đó chủ tọa yêu cầu LS Luân dừng bào chữa!
LS Đặng Đình Mạnh kể“Tôi hỏi một câu chung với tất cả 29 bị cáo: Nếu những ai CÓ bị tra tấn trong giai đoạn điều tra thì ngồi yên. Nếu những ai KHÔNG bị tra tấn trong giai đoạn điều tra thì vui lòng giơ tay”. Sau câu hỏi này, có 10 cánh tay giơ lên, còn 19 người không trả lời, dù chỉ bằng cử chỉ, cho thấy họ đã chịu nhục hình và dọa nạt thế nào.
LS Trịnh Vĩnh Phúc viết: Vụ án Đồng Tâm đang bước vào ngày xét xử thứ 3. Ông Phúc chia sẻ một số ảnh chụp hiện trường vụ án, là cái giếng trời cạnh nhà ông Kình mà công an nâng lên thành “hố kỹ thuật”, là “nơi được các cơ quan tiến hành tố tụng thành phố Hà Nội xác định có 3 cảnh sát cơ động bị thiệt mạng do té giếng và bị bưng chậu, đổ xăng, châm lửa thiêu đốt…”
Toàn cảnh hố được chụp từ trên xuống sau ngày xảy ra vụ án đúng một tháng. Ảnh: FB Trịnh Vĩnh Phúc
Một độc giả phân tích: “Tiết diện cái hố là 60 x 120 (cm). Ba chiến sỹ rớt xuống đó cùng với toàn bộ vũ khí và trang bị chiến đấu, chắc chắn là chật lắm, có thể người này ngồi trên cổ người kia. Chật cứng luôn, thì xăng ở đáy hố (sâu 4m) khó có thể cháy, vì không có oxy!” Hơn nữa, cứ cho là dân Đồng Tâm châm lửa được thật, thì ngọn lửa phải nóng ở khoảng 800-1000 độ C mới thiêu người thành than được, nhưng lại “không có viên đạn nào phát nổ”.
***
Trước diễn biến người dân Đồng Tâm bị kết tội, nhà báo Huy Đức viết: Tội danh cho người dân Đồng Tâm. Ông Huy Đức cho rằng, trước khi kết tội người dân, cần xem xét cuộc đột kích của cảnh sát, hành động “xâm phạm chỗ ở” của các công dân Đồng Tâm vào ban đêm.
Theo nhà báo Huy Đức, kể cả lời khai của các bị cáo trước tòa là “đúng sự thật”, tức là các bị cáo có liên quan tới cái chết của 3 tay công an, thì các tội danh trong vụ này vẫn chỉ có thể là “Vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng”. Riêng 6 bị cáo bị cáo buộc giết người chỉ đáng bị buộc tội “Giết người trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh do hành vi trái pháp luật nghiêm trọng của nạn nhân đối với người đó hoặc đối với người thân thích của người đó”.
PGS.TS Mạc Văn Trang yêu cầu dừng phiên tòa để thực nghiệm hiện trường! Phiên tòa xử vụ án Đồng Tâm quá nhiều khuất tất, qua tới ngày thứ 3 đã có bóng dáng án tử hình nhưng vẫn chưa thực nghiệm hiện trường, ông Trang đề nghị HĐXX dựng lại tình huống 3 tay công an tử nạn: “Trên thực tế, cửa sổ từ nhà ông Hợi sang sân nhà anh Chức rộng chưa đến 80 cm. Vì vậy, ba công an không thể chui lọt qua cửa sổ cùng một lúc, để cùng rơi xuống hố kỹ thuật”.
Về câu chuyện do công an dựng lên, rằng cả 3 công an bị thiêu cháy đến mức thành than, không thể cung cấp ảnh, thì ông Trang “đề nghị cho 3 con heo (lợn) mỗi con 70kg xuống hố và ông Xô ‘châm lửa vào chậu xăng đẩy xuống’ nơi 3 con heo nằm dưới hố, rồi ‘liên tiếp đổ 3 – 5 chậu xăng xuống’ tiếp… xem 2 con heo có cháy thành ‘than hóa’ và một con còn nhận dạng được hay không?”
Sau khi ông Trang công bố đề nghị trên, đã có gần 500 lượt bình luận, hầu hết các ý kiến đều ủng hộ. Ông Trang chia sẻ“Có một bạn xin góp 1 con lợn 70kg cho thực nghiệm hiện trường; một bạn thưởng 100 triệu cho ông Xô nếu làm thực nghiệm”Ông Trang cho biết thêm“Nhiều người dân xin góp lợn, góp xăng, góp tiền để Thực nghiệm hiện trường. Nhà nước không tốn 1 đồng. Vậy phải làm”.
Nhà hoạt động Đặng Bích Phượng bình luận“Người ta không dám tái hiện lại hiện trường chỉ có thể là do nói dối. Cũng như việc không chịu xét nghiệm ADN đối với thi thể của người đang nằm trong lăng ông Hồ Chí Minh, để xác định xem đó có đúng là ông Nguyễn Sinh Cung hay không, rõ ràng là có vấn đề”.
Nhà báo Huỳnh Ngọc Chênh chỉ ra“Ba người bị thiêu thành tro mà khi luật sư Ngô Anh Tuấn xuống hố xem thì dây điện vẫn còn nguyên vỏ nhựa. Ai đã giết ba sĩ quan cảnh sát rồi ném xác xuống đây?”
LS Ngô Anh Tuấn xuống “hố kỹ thuật” được cho là nơi 3 tay công an tử nạn. CQĐT cho rằng, 3 kẻ xấu số bị thiêu thành than nhưng sợi dây điện trong hố thì không bị gì. Ảnh: FB Huỳnh Ngọc Chênh
Facebooker Nguyễn Phúc Gia Huy, tức hài kịch gia độc thoại Dưa Leo, đặt câu hỏi mà những kẻ dựng chuyện rất khó trả lời: “Đây là thời đại internet, nhà nhà smartphone, điện thoại smartphone, ai cũng có camera hết. Lực lượng công an quân đội lao vào đánh tận hang ổ của những kẻ chống chính quyền chắc chắn phải có đem theo camera, đúng không? Nếu vậy, những clip ghi lại tội ác ghê tởm của xã Đồng Tâm đâu? Clip ghi lại hình ảnh hô hào chống đối của cụ Kình đâu ta?”
Facebooker Phạm Minh Vũ chia sẻ bức thư của con gái ông Bùi Viết Hiểu. Trong thư có đoạn: “Con tin ở Bố, dân đồng tâm tin bố , dân oan cả nước tin bố. Một cán bộ về hưu nghèo xác sơ. Một đảng viên từ bỏ lối sống của đảng. Một anh thương binh, cống hiến cả tuổi xuân để đổi lại bình yên cho đất nước. Vậy mà lại bị chính quyền nhà nước tiêu diệt. Chỉ vì bất đồng chính kiến, vì giúp dân đòi lại đất đai mà chính quyền đã cướp. Xã hội này tàn ác lắm, họ sẽ tiêu diệt hết những người tài giỏi, và bố cũng không phải là ngoại lệ”.
Nhà báo Lưu Trọng Văn viết: Câu hỏi dành cho đại tướng Tô Lâm về “chiến công Đồng Tâm”. Ông Văn chỉ ra, trong khi 3 tay công an tử nạn đã được Tổng – Chủ Trọng ký thưởng huân chương chiến công, thì “người có thành tích đặc biệt là thượng tá Nguyễn Ngọc Mẽ – trung đoàn trưởng trung đoàn CSCĐ, trực tiếp chỉ huy trận chiến lập tức bị điều chuyển sang công an huyện Hoài Đức mà không ở lại trung đoàn để tổ chức mừng công và chờ thăng tiến”.
Thêm dấu hiệu bất thường: “Sau 9 tháng xảy ra chiến công trên, sĩ quan an ninh trực tiếp tiêu diệt Lê Đình Kình, ‘tên trùm phản động gian ác với dân Đồng Tâm’ lại không được biểu dương và trình thành tích cho chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng tặng huân chương”. Việc làm của họ không có chính nghĩa nên họ sợ dân, không dám công khai danh tính kẻ bắn ông Lê Đình Kình cho dân biết.
Về lời khai của các bị cáo tại phiên tòa, Facebooker Soái Hạm bình luận“Cầm 30 triệu đi mua lựu đạn trên mạng, lại còn chịu lại 10 triệu, mua của đối tượng không quen biết, không quen ai dám cho anh mua nợ 10 triệu, quý vị có tin được không? ở VN mua lựu đạn dễ như vậy hả? Ai có thể cho tôi biết giá lựu đạn trên thị trường VN bây giờ là bao nhiêu không ạ? Ai, ai có thể mua chịu lựu đạn trên mạng được, đặt giúp tôi 100 quả. Báo đăng cho trẻ con đọc, vậy mà vẫn có người tin”.
BBC có bài: Vụ án Đồng Tâm gây tâm lý ‘sợ hãi, bất lực’ trong giới trẻ Việt Nam. Một bạn trẻ từ Hà Nội nhận định: “Tôi cũng hình dung rằng phiên tòa sẽ có những thứ nực cười, vô thiên vô pháp nhưng tôi không ngờ nó kinh khủng như vậy: Một tòa án mà bật một đoạn phim tuyên truyền có dàn dựng ngay trong phiên tòa cho cả luật sư, bị cáo nghe. Như vậy, từ những phút đầu tiên, phiên tòa này đã định sẵn bản án… Tòa án là bên nắm giữ cán cân công lý mà họ lại đùa cợt với công lý như vậy. Đây như một phiên đấu tố hơn là phiên tòa vì họ đâu quan tâm dư luận, luật sư nói gì”.
Facebooker Thiện Nguyễn viết“Đây là thiếu tướng Tô Ân Xô, vị này nói cụ Lê Đình Kình là cường hào địa chủ. Vậy cho tôi hỏi tổng tài sản trong nhà cụ Lê Đình Kình bán ra có đủ mua sợi dây thắt lưng hiệu Hermes giá 77 triệu mà thiếu tướng Tô Ân Xô đang đeo hay không?”
Tướng Tô Ân Xô, người phát ngôn Bộ Công an gọi ông Kình là “cường hào ác bá”. Ảnh: FB Thiện Nguyễn

0 comments

Leave a comment

Powered by Blogger.