Đọc báo Pháp – 08/09/2020
Căng thẳng Washington- Bắc Kinh ngày càng phức tạp trước bầu cử Tổng thống Mỹ – Anh Vũ
Quan hệ Mỹ – Trung với «những rối ren đầy nguy hiểm» trong lúc cuộc chạy đua vào Nhà Trắng bước vào chặng cuối quyết liệt, Thổ Nhĩ Kỳ dưới thời Erdogan cùng những tham vọng thành thế lực lớn trong khu vực Địa Trung Hải, nước Anh với Liên Hiệp Châu Âu vẫn nhùng nhằng chưa thể chia tay êm đẹp…. Đó là những chủ đề chiếm trang nhất các tờ báo chính của Pháp ra hôm nay 08/09/2020.
Trước hết đến với nhật báo Le Figaro. Quan hệ căng thẳng Mỹ- Trung là sự kiện chính của tờ báo với hàng tựa lớn trang nhất: «Những rối ren nguy hiểm giữa Bắc Kinh và Washington».
«Chưa bao giờ kể từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao năm 1979, Hoa Kỳ và Trung Quốc lại lao vào một cuộc đọ sức căng thẳng như lúc này», Le Figaro nhận định. Nhất là vào thời điểm cuộc tranh cử tổng thống ở Mỹ đang bước vào hồi quyết định khi mà cả hai ứng cử viên tổng thống Mỹ đều đua nhau chứng tỏ quan điểm cứng rắn với chế độ Bắc Kinh.
Tờ báo nhắc lại các quan hệ Trung-Mỹ gần đây: «Sau các màn khẩu chiến là liên tiếp các trừng phạt ngoại giao vì các hồ sơ Hồng Kông, Tân Cương. Trên mặt trận kinh tế thì chưa hết Hoa Vi, đã chuyển sang TikTok. Cùng lúc, Hải Quân và Không Quân hai nước thi nhau biểu dương sức mạnh trên Biển Đông, trong eo biển Đài Loan. Hòn đảo ly khai mà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình thề sẽ thu hồi, giờ được Mỹ công khai bảo vệ, đang thành tâm điểm mới của cuộc đối đầu giữa hai cường quốc của thế giới».
Trong bài báo «Giữa Washington và Bắc Kinh, xích mích liên tục tiếp nối», nhật báo Pháp điểm lại những căng thẳng leo thang ở cả hai phía Mỹ và Trung Quốc trên mọi mặt trận. Những động thái như vậy tiềm ẩn những rủi ro đẩy thế giới vào một cuộc xung đột lớn. Tờ báo dẫn phát biểu của ngoại trưởng
Mỹ hôm 12/08 vừa qua tại Praha, báo động về một cuộc thập tự chinh ý thức hệ mới: « Chúng ta đang đối mặt với cuộc chiến tranh lạnh 2.0. Và mối đe dọa của đảng Cộng Sản Trung Quốc khó kiềm chế hơn so với Liên Xô (trước đây) nhất là mối đe dọa đó xen vào kinh tế, chính trị và xã hội của chúng ta ».
Le Figaro ghi nhận, về phía Trung Quốc, « Ngoài khơi, trên bầu trời, quân đội liên tiếp mở tập trận, đặc biệt trong vùng kênh Ba Sĩ, ở phía nam Đài Loan và trên Biển Đông, nơi Bắc Kinh đòi chủ quyền tới 90% diện tích, bất chấp các quy định của Liên Hiệp Quốc và phán quyết năm 2016 của tòa án quốc tế La Haye. Từ tháng 7, Washington chính thức đứng về phía các nước trong vùng cũng đòi chủ quyền trong vùng biển chiến lược này, như Việt Nam, Philippines hay Malaysia. Hải Quân Mỹ liên tiếp tiến hành các cuộc tuần tra. Hồi tháng 7, Mỹ còn cùng lúc điều 2 tàu sân bay tham gia. Đáp lại Hải Quân Trung Quốc tiến hành các cuộc tập trận ở quần đảo Hoàng Sa, nơi họ đã dùng vũ lực chiếm từ 1974 ».
Các hành động phô trương sức mạnh giữa hai nước tiếp tục leo thang khiến một số dư luận lo ngại nguy cơ xảy ra xung đột trong những tuần trước bầu cử tổng thống Mỹ này. Tuy nhiên theo các nhà phân tích thì « xung đột quân sự là không thể xảy ra vì cả hai phe đều không muốn chiến tranh », nhất là tổng thống Donald Trump từ khi vào Nhà Trắng không bao giờ tỏ ra thích thú với các cuộc phiêu lưu quân sự. Bản thân Bắc Kinh sau đại dịch đang muốn băng bó lại vết thương nên cần ưu tiên cho kinh tế.
Nhưng theo xã luận của Le Figaro, điều đáng lo ngại nhất là trong giai đoạn bầu cử Mỹ này, « khi mà tổng thống mãn nhiệm đang gặp khó khăn trên mặt trận chống dịch Covid và kinh tế, ông ta sẽ không mất gì nhiều khi lấy Trung Quốc làm khẩu hiệu tranh cử, thì mọi hành vi không kiểm soát được đều có nguy cơ dẫn đến hậu quả không lường trước được ». Xã luận tờ báo kết luận : « Phần còn lại của thế giới có thể cầu nguyện để những tuần lễ này, hai cường quốc hàng đầu thế giới duy trì các kênh trao đổi về khủng hoảng. Trong trường hợp cần. »
Trung Quốc: Tư tưởng bá quyền cả trong môi trường
Vẫn liên quan đến Trung Quốc, chuyển qua trang báo Le Monde. Tờ báo có bài phóng sự dài đề cập đến một nước Trung Quốc lấn lướt các quốc gia láng giềng, trên cả vấn đề môi trường. Bài viết của tác giả Bruno Philip có tựa đề : « Mêkông cạn khô vì các con đập »
Bài phóng sự đưa độc giả đến các địa phương nằm dọc bên sông Mêkông ở Thái Lan để cho thấy một thực tế đã xảy ra từ lâu nay, nhưng giờ đang thêm trầm trọng hơn: Đó là vô số các đập thủy điện xây dựng ở Trung Quốc và Lào đang làm đảo lộn lưu lượng dòng chảy của con sông, đe dọa cuộc sống của hàng triệu người dân ở hạ lưu Mêkông.
Bài báo nhắc lại là ở hạ lưu sông Mêkông, các nước Thái Lan, Cam Bốt, Miến Điện, Lào và Việt Nam, năm 2019, đã bị hạn hán tồi tệ nhất trong bốn chục năm qua. Thủ phạm số 1 được đa số các chuyên gia chỉ ra không phải là biến đổi khí hậu mà là Trung Quốc.
Từ đầu thế kỷ này, khi đã có kinh tế khá giả, Trung Quốc đã xây không dưới 11 đập trên sông Mê Kông để trị thủy, sản xuất điện năng cho riêng họ, không cần biết hậu quả về môi trường sinh thái ra sao đối với các nước ở hạ lưu của con sông lớn thứ 4 châu Á này. Thêm vào đó, Lào một quốc gia nhỏ bé, đang trở nên lệ thuộc ngày càng nhiều vào đế chế phương bắc, cũng đang theo chân Trung Quốc làm trầm trọng thêm tình hình và khiến người Thái rất phẫn nộ vì cuộc sống 1/3 dân Thái phụ thuộc vào dòng sông này, bị đe dọa nghiêm trọng.
Bài viết nhắc lại, hồi cuối năm 2019, Lào đã khánh thành đập thủy điện chắn ngang sông Mê Kông, tại tỉnh Xayaburi. Con đập cao 32 mét, có khả năng sản xuất 1.285 megawatts điện/năm, chủ yếu để xuất khẩu sang Thái Lan và công trình cũng do tập đoàn của Thái Lan CK Power thi công.
Tác giả cho biết một báo cáo của các tổ chức bảo vệ môi trường Thái Lan, công bố hồi tháng 4 năm nay, cho biết năm 2019 Trung Quốc đã giữ một lượng nước khổng lồ sau những con đập của họ trên sông Mêkông, không cần biết họ đang gây hạn hán phía hạ lưu sông. Trung Quốc cãi là họ cũng bị hạn hán, nhưng các chuyên gia đã chỉ rõ như thế là dối trá vì các dữ liệu chụp từ vệ tinh cho thấy trong khi vùng cao nguyên Tây Tạng của Trung Quốc ứ đầy nước thì phía Cam Bốt, Thái Lan, Việt Nam cạn khô. Các nước bên dòng sông Mêkông đã kêu gọi Trung Quốc « hợp tác » điều chỉnh lưu lượng dòng chảy sông bằng cách « xả đập nhiều vào mùa khô và xả ít vào mùa mưa, nhưng theo báo Bangkok Post, thì Trung Quốc làm ngược lại ».
Bài báo khẳng định: « Sự thờ ơ của Trung Quốc trước số phận của những láng giềng bé nhỏ không chỉ gây ra hạn hán mà còn cả lụt lội, khi mà chuyện đóng mở van đập nước là việc làm theo ý của họ… »
Bài báo dẫn lời giáo sư Santiprop Siriwattanaphaiboom về môi trường tại đại học Udon Thani ở đông bắc Thái Lan nói : « Lượng nước sông Mêkông chỉ có 18% ở Trung Quốc. Tính về khối lượng thì Thái Lan và Lào là nước chiếm nhiều hơn cả. Là những nước liên quan hàng đầu, chúng tôi có quyền đặt câu hỏi: Người Trung Quốc muốn gì. Sử dụng tiềm năng thiên nhiên, ở đây là thủy điện, để tăng cường quyền lực chính trị của họ chăng? Hay đó cũng là chiến lược để bảo đảm kiểm soát dòng sông, trên phương diện giao thông, thương mại, ngay cả ở hạ lưu? Họ có cái nhìn rất hẹp hòi, không thấy sự kết nối giữa hệ sinh thái, cuộc sống người dân bên bờ sông, thiên nhiên và môi trường ».
Tham vọng vô độ của Erdogan
Chuyển qua một căng thẳng địa chính trị khác đang diễn ra trong khu vực Địa Trung Hải, giữa Thổ Nhĩ Kỳ với các nước trong vùng và rộng hơn là với phương Tây.
Trang nhất của nhật báo Công Giáo La Croix chạy tựa lớn: « Điều mà Erdogan tìm kiếm » cùng nhận định: « Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ không còn trông cậy vào các đồng minh phương Tây nữa để đẩy mạnh lợi ích của nước mình ». Trong bài viết « Tham vọng vô độ của Erdogan », La Croix điểm lại các sự kiện diễn ra từ khi ông Tayip Recep Erdogan lên cầm quyền ở Thổ Nhĩ Kỳ trong 17 năm qua, cho thấy là trong các hồ các hồ sơ Lybia, cũng như về an ninh hay tranh giành nguồn khí đốt ở đông Địa Trung Hải, giờ đây tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ không còn sợ gây căng thẳng với các nước châu Âu, trong đó có Pháp. Vài năm gần đây, chính quyền của ông Erdogan, đang hướng về châu Phi để gia tăng ảnh hưởng khu vực, sau Libya giờ đến Senegal.
Theo La Croix, Hồi Giáo, quá khứ hoàng kim của thời đế chế Ottoman, đồng thời khai thác những điểm yếu cũng như sự chia rẽ của phương Tây, là những yếu tố thuận lợi được Erdogan sử dụng phục vụ cho tham vọng bành trướng, đưa Thổ Nhĩ Kỳ trở thành cường quốc khu vực.
Bầu cử tổng thống Mỹ, đua nước rút trong vài bang quyết định
Về thời sự Mỹ, chỉ còn hơn một tháng nữa đến ngày bầu cử tổng thống 3/11. Báo Le Monde ghi nhận : Cho dù ứng cử viên đảng Dân Chủ Joe Biden đang dẫn trước trong các cuộc thăm dò dư luận ở trong nước, một lần nữa cuộc bầu cử lần này sẽ vẫn chỉ quyết định ở một số bang chủ chốt và chưa có gì chắc chắn. Trong khi đó tổng thống Donald Trump cũng như đối thủ, đang tập trung tất cả vào một vài bang, chủ yếu ở phía đông bắc nước Mỹ, có thể làm thay đổi cán cân bầu cử. Trong bối cảnh như vậy hình ảnh một nước Mỹ chia rẽ lại càng nổi rõ, đặc biệt ở bang Florida qua bài phóng sự: Hai bang Florida cho một kỳ bầu cử tổng thống.
Brexit đầu xuôi đuôi chưa lọt
Nhật báo Libération cho biết, hôm nay, Anh Quốc và Liên Hiệp Châu Âu bước vào vòng đàm phán thứ 8 tại Luân Đôn để tìm ra thỏa thuận cho mối quan hệ trong tương lại, hậu Brexit. Cả Luân Đôn và Bruxelles đều tỏ cho thấy hai bên không có hy vọng gì để đạt được một thỏa thuận tự do thương mại trước ngày kết thúc thời kỳ chuyển tiếp Brexit vào 31/12 tới. Vòng đàm phán tới dự kiến vào ngày 28/09, trước khi Hội Đồng Châu Âu họp ngày 15 và 16/10 để quyết định có hay không thỏa thuận.
Trong khi đó, trong những ngày qua, thủ tướng Boris Johnson liên tiếp có các tuyên bố gây sức ép, dọa Anh sẽ bỏ qua các cam kết rút khỏi Liên Hiệp Châu Âu ký hồi thàng 10/2019. Viễn cảnh Brexit không thỏa thuận đang trở lại. Đây là điều sẽ gây thiệt hại cho nước Anh nhiều hơn là châu Âu, theo Libération.
Tin tổng hợp
(Reuters) – Đài Loan kêu gọi liên minh chống các hành động “hiếu chiến” giữa lúc căng thẳng với Trung Quốc.
Phát biểu ngày 08/09/2020 tại một diễn đàn ở Đài Bắc có sư tham dự của nhiều quan chức an ninh Đài Loan và nhà ngoại giao phương Tây, tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn khẳng định rằng Đài Loan đang đi đầu trong việc bảo vệ tự do, bảo vệ nền dân chủ khỏi các hành vi “hiếu chiến độc đoán”. Bà còn nhấn mạnh rằng việc duy trì hòa bình và ổn định trong khu vực cần có những nỗ lực mang tính phối hợp giữa các nước.
(AFP) – Miến Điện: Vận động tranh cử cho Quốc Hội mới khai mạc.
Cuộc vận động chính thức khai mạc vào hôm nay, 08/09/2020, với 97 đảng tham gia, trong đó có đảng của bà Aung Sann Suu Kyi là Liên Đoàn Quốc Gia vì Dân Chủ. Theo giới quan sát trong cuộc bỏ phiếu diễn ra vào tháng 11 này, đảng này sẽ lại thắng, vì nếu bà Aung Sann Su Kyi bị quốc tế chỉ trích về vấn đề người Rohingya, thì phần đông dân chúng Miến Điện lại rất mến mộ bà.
(Kyodo) – Thủ tướng Abe đề xuất với tổng thống Duterte tăng cường mối quan hệ Nhật Bản-Philippines.
Trong cuộc điện đàm ngày 07/09/2020, tổng thống Philippines cũng tỏ lòng biết ơn với ông Shinzo Abe, người sắp rời cương vị thủ tướng Nhật Bản vì lý do sức khỏe. Hai nhà lãnh đạo nhất trì tiếp tục hợp tác song phương chặt chẽ hơn để bảo đảm cho vùng Ấn Độ-Thái Bình Dương tự do và mở.
(CNN) – Lo bị bắt, hai nhà báo Úc rời Trung Quốc, trong bối cảnh quan hệ song phương xấu đi.
Theo thông báo của hai tòa soạn, nhà báo Bille Birtles, thông tín viên tại Bắc Kinh của ABC và Michael Smith, thông tín viên tại Thượng Hải của Australian Financial Review (AFR), được nhân viên ngoại giao Úc tháp tùng, đã về đến Sydney sáng 08/09/2020. Trước đó, hai nhà báo Úc phải ẩn náu trong cơ quan đại diện ngoại giao Úc sau khi bị cảnh sát Trung Quốc đến “thăm”. Ngày 14/08, Cheng Lei, một nữ nhà báo Úc gốc Hoa, làm việc cho đài CGTN, bị bắt vì nghi ngờ “có hành vi phạm tội đe dọa an ninh quốc gia Trung Quốc”, theo giải thích của phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Trung Quốc trong buổi họp báo ngày 08/09.
(AFP) – Vụ ám sát Jamal Khashoggi: Bản án cuối cùng hủy 5 án tử hình.
Thay vào đó, “năm bị cáo bị kết án 20 năm tù và 3 bị cáo khác lĩnh án từ 7 đến 10 năm tù”. Bản án cuối cùng đã được một tòa án Ả Rập Xê Út tuyên vào ngày 07/09/2020. Trước đó, vào tháng 05/2020, con trai của Jamal Khashoggi tuyên bố “đã tha thứ” cho những kẻ sát hại dã man nhà báo đối lập trong lãnh sự quán Ả Rập Xê Út ở Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ).
(Reuters) – Lãnh đạo Hồng Kông: 12 người Hồng Kông, vượt biển sang Đài Loan bị bắt, sẽ bị xét xử tại Hoa lục.
Trưởng đặc khu Hồng Kông, bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga, hôm nay 08/09/2020, thông báo tin trên. 12 người Hồng Kông, bị chính quyền Trung Quốc bắt giữ hôm 23/08, ngoài khơi tỉnh Quảng Đông, được truyền thông địa phương cho biết, đang tìm cách trốn sang Đài Loan « xin tị nạn chính trị ». Luật sư của một nhóm trong số 12 người bị bắt đã không có quyền tiếp xúc thân chủ của họ. Bà Lâm từ chối không trả lời câu hỏi của phóng viên về chủ đề này.
(AFP) – Liên Âu : Ô nhiễm là nguyên nhân của 13% số tử vong.
Theo thống kê của Cơ Quan Môi Trường Châu Âu (AEE), 630.000 người chết trong năm 2012 có nguyên nhân trực tiếp hoặc gián tiếp do môi trường bị ô nhiễm. Một số điểm tích cực về môi trường châu Âu trong nghiên cứu trên là chất lượng nước ở các bãi biển, hay nước ngầm (hơn 85% điểm bơi lội và 74% mạch nước ngầm có chất lượng tốt).
Điểm tin thế giới sáng 8/9:
Ông Trump tái đề cập việc hủy quan hệ với Trung Quốc;
Nhà lãnh đạo đối lập Nga thoát khỏi hôn mê
Lục Du
Sáng nay, thứ Ba (8/9), mục Điểm tin thế giới của DKN xin gửi tới quý độc giả những tin sau:
Ông Trump tái đề cập việc hủy quan hệ với Trung Quốc
Reuters đưa tin, Tổng thống Trump hôm thứ Hai (7/9) đã đề cập trở lại ý tưởng cắt đứt mối quan hệ giữa hai nền kinh tế Hoa Kỳ và Trung Quốc, nói rằng Mỹ sẽ không chịu thiệt hại sau việc này.
“Bạn đề cập đến từ tách rời (decouple), đó là một từ thú vị”, ông Trump nói trong một cuộc họp báo tại Nhà Trắng sau khi cho biết ông sẽ mang việc làm từ Trung Quốc trở lại nước Mỹ.
“Chúng ta đã mất hàng tỷ đô la và nếu chúng ta không làm ăn với họ, chúng ta sẽ không mất hàng tỷ đô la. Nó được gọi là tách rời, vì vậy bạn sẽ bắt đầu suy nghĩ về nó”, ông Trump nói.
Ông Trump nói thêm: “Chúng tôi sẽ đưa việc làm từ Trung Quốc trở lại Hoa Kỳ và chúng tôi sẽ áp thuế đối với các công ty rời Mỹ để tạo việc làm cho Trung Quốc và các nước khác”.
Nhà lãnh đạo đối lập Nga thoát khỏi hôn mê
Nhà lãnh đạo đối lập điện Kremlin, Alexei Navalny, đã vượt qua tình trạng hôn mê và bắt đầu có các phản ứng, bệnh viện ở Đức điều trị cho ông thông báo hôm thứ Hai (7/9), theo Fox News.
Bệnh viện Charite ở Berlin cho biết tình trạng của ông Navalny đã được cải thiện và ông đã có thể phản ứng với những câu hỏi, nhưng “hậu quả lâu dài của vụ ngộ độc nghiêm trọng có thể sẽ không được loại trừ”.
Chính phủ Đức hôm 3/9 thông báo rằng các xét nghiệm được thực hiện trên các mẫu lấy từ cơ thể ông Navalny cho thấy kết quả dương tính với sự hiện diện của chất độc thần kinh Novichok.
Novichok, có nghĩa là “lính mới” trong tiếng Nga, ám chỉ một nhóm chất độc thần kinh do Liên Xô phát triển trong những năm 1970 và 1980 với mật danh Foliant. Một số biến thể của chất này được ước tính là độc hơn chất độc thần kinh VX (được dùng trong vụ ám sát Kim Jong Nam, anh trai của Kim Jong Un, năm 2017) từ 5 đến 8 lần, BBC đưa tin.
WHO đang phê duyệt vắc xin Covid Trung Quốc
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đang làm việc với Bắc Kinh về yêu cầu cấp chứng nhận quốc tế đối với bất kỳ loại vắc xin Covid-19 nào của Trung Quốc, một quan chức cấp cao cho biết hôm thứ Hai, Reuters đưa tin.
“Văn phòng của WHO tại Trung Quốc và trụ sở của WHO đã làm việc với các cơ quan quản lý Trung Quốc”, trợ lý Tổng giám đốc WHO Mariangela Simao phát biểu tại một cuộc họp báo tại Geneva. “Chúng tôi đang liên hệ trực tiếp, chúng tôi đã chia sẻ thông tin và các yêu cầu đối với việc phê duyệt vắc xin [Trung Quốc]”.
Công ty dược phẩm Sinovac Biotech Ltd của Trung Quốc hôm thứ Hai cho biết, theo kết quả thử nghiệm sơ bộ, vắc xin Covid của họ dường như an toàn cho người lớn tuổi, trong khi phản ứng miễn dịch cho người trẻ tuổi hơi yếu.
Trung Quốc bị cáo buộc bắt cóc 5 người Ấn Độ
Fox News hôm thứ Ba (7/9) đưa tin, một nghị sĩ Ấn Độ đã cáo buộc quân đội Trung Quốc bắt cóc 5 thường dân Ấn Độ ở gần khu vực biên giới tranh chấp giữa hai nước.
Nghị sĩ Tapir Gao, đại diện cho bang Arunachal Pradesh, cho biết thông tin này trong một tweet vào thứ Bảy tuần trước, nhưng ông không cung cấp thêm thông tin chi tiết, theo BBC.
Cũng theo BBC, quân đội Ấn Độ hiện đã gửi một tin nhắn cho phía Trung Quốc để hỏi về vụ bắt cóc. Trong khi đó, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên nói với BBC rằng Bắc Kinh “chưa có thông tin chi tiết nào để công bố” về cáo buộc này, và nói thêm rằng Trung Quốc “chưa bao giờ công nhận khu vực gọi là ‘Arunachal Pradesh’ là vùng lãnh thổ của Ấn Độ, vì đó là một khu vực thuộc Tây Tạng của Trung Quốc”.
Belarus: Nhân vật hàng đầu phe đối lập bị bắt cóc
Sáng thứ Hai, những người đàn ông mặc đồ đen đã bắt cóc bà Maria Kolesnikova, một nhân vật hàng đầu của phe đối lập ở Belarus, nhóm đồng sự của bà Maria cho biết, theo SBS News.
Là một nhà phê bình gay gắt Tổng thống Lukashenko, bà Maria đã đóng vai trò quan trọng trong việc tổ chức các cuộc biểu tình và đình công diễn ra nhiều tuần qua ở Belarus.
Vụ bắt cóc bà Kolesnikova diễn ra trong bối cảnh giới chức Belarus dường như đang đẩy mạnh các hoạt động nhằm ngăn chặn các cuộc biểu tình và cản trở công việc của hội đồng đối lập vốn bị cáo buộc có âm mưu lật đổ Tổng thống Lukashenko, người đã tại vị suốt 26 năm và bị người biểu tình tố có hành vi gian lận trong cuộc bầu cử hôm 9/8 nhằm giữ ghế.
Điểm tin thế giới tối 8/9:
Bắc Kinh nêu lý do bắt nhà báo Úc;
Ấn Độ bác cáo buộc nổ súng ở biên giới với Trung Quốc
Hải Lam | DKN 2 giờ tới 666 lượt xem
Mục Điểm tin thế giới tối thứ Ba (8/9) của DKN xin gửi tới quý độc giả những tin sau:
Bắc Kinh nêu lý do bắt nhà báo Úc
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc hôm nay nói nhà báo Úc Cheng Lei bị bắt vì nghi ngờ “đe dọa an ninh quốc gia”, theo Reuters.
Ông Triệu Lập Kiên phát biểu trong buổi họp báo ở Bắc Kinh: “Công dân Úc Cheng Lei bị nghi ngờ có hành vi phạm tội gây nguy hiểm cho an ninh quốc gia Trung Quốc. Các biện pháp bắt buộc đã được thực hiện và các cơ quan liên quan đang điều tra vụ việc”.
“Sự việc đang được xử lý theo pháp luật, quyền và lợi ích hợp pháp của bà Cheng sẽ được đảm bảo đầy đủ”, ông Triệu tuyên bố. Đây là lần đầu tiên giới chức Trung Quốc giải thích lý do cô Cheng bị bắt sau hơn hai tuần.
Ấn Độ bác cáo buộc nổ súng ở biên giới với Trung Quốc
Quân đội Ấn Độ hôm nay bác cáo buộc đã nổ súng ở biên giới với Trung Quốc, đồng thời tuyên bố rằng chính lính Trung Quốc mới là bên bắn chỉ thiên, theo tờ The Hindu của Ấn Độ.
Một nguồn tin quốc phòng cho biết, sau những căng thẳng xảy ra ở biên giới, tướng Manoj Naravane của Tư lệnh Lục Quân đã đệ trình vụ việc lên Bộ trưởng Quốc phòng Rajnath Singh.
“Trong trường hợp cấp bách ngày 7/9, quân Giải phóng Nhân dân (PLA) đang cố gắng áp sát một trong các vị trí tiền tuyến của chúng tôi dọc Đường Kiểm soát Thực tế (LAC). Khi bị quân đội Ấn Độ can ngăn, PLA đã bắn vài phát đạn chỉ thiên để thị uy”, phát ngôn viên của Tư lệnh Lục quân cho biết trong một thông cáo.
“Tuy nhiên, bất chấp các động thái khiêu khích nghiêm trọng, quân đội chúng ta đã tỏ ra rất kiềm chế và hành động một cách cẩn thận, có trách nhiệm”, vị phát ngôn viên nói thêm.
Thông cáo cho biết thêm, Trung Quốc tiếp tục thực hiện các hành động khiêu khích khiến căng thẳng leo thang. “Quân đội Ấn Độ chưa từng vượt qua đường ranh giới LAC hay sử dụng bất cứ biện pháp gây hấn nào, kể cả nổ súng”.
Thông cáo được Lục quân Ấn Độ đưa ra sau khi PLA cáo buộc lính Ấn Độ vượt qua ranh giới LAC và xâm phạm lãnh thổ Trung Quốc ở khu vực núi Shenpao, bờ nam hồ Pangong Tso và nổ súng.
Đài Loan kêu gọi liên minh
Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn hôm nay kêu gọi các nền dân chủ thành lập liên minh để chống lại “các hành động gây hấn” và bảo vệ tự do, theo Reuters.
“Việc tăng tốc quân sự hóa nhanh chóng Biển Đông, các chiến thuật vùng xám ngày càng gia tăng và thường xuyên ở eo biển Đài Loan và Biển Hoa Đông, chiến thuật ngoại giao cưỡng chế được sử dụng chống lại các quốc gia và tập đoàn … đều đang gây bất ổn cho khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương”, bà Thái phát biểu tại một diễn đàn có sự tham dự của các quan chức an ninh hàng đầu Đài Loan và các nhà ngoại giao cấp cao phương Tây. Tuy nhiên, bà không đề cập trực tiếp tới Trung Quốc trong phát ngôn của mình.
Bà Thái cho biết ‘đã đến lúc các quốc gia cùng chí hướng, các nước bạn bè dân chủ trong khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương và cả các quốc gia khác cần thảo luận về một khuôn khổ “nhằm duy trì một trật tự chiến lược để ngăn cản các hành động gây hấn đơn phương. Bà cũng cho biết khuôn khổ này phải có thể thúc đẩy “các nỗ lực bền vững và có tính phối hợp”.
Bà Thái kêu gọi một chiến lược tránh khơi mào chiến tranh nhưng vẫn thể hiện được quyết tâm bảo vệ các nền dân chủ bằng cách khuyến khích hợp tác, minh bạch và giải quyết vấn đề thông qua đối thoại.
Samsung sắp đóng cửa nhà máy sản xuất tivi duy nhất ở Trung Quốc
Phát ngôn viên Samsung hôm 7/9 cho biết tập đoàn điện tử này sẽ đóng cửa nhà máy sản xuất tivi ở Trung Quốc vào tháng 11, theo The Epoch Times.
Người phát ngôn cho biết, nhà máy sản xuất TV ở Thiên Tân là cơ sở sản xuất TV của Samsung Electronics duy nhất ở Trung Quốc. Quyết định này là một phần trong “nỗ lực không ngừng để nâng cao hiệu quả” các cơ sở sản xuất của mình, Samsung cho biết trong một tuyên bố trước đó.
Hãng tin Yonhap hôm 7/9 đưa tin, nhà máy có khoảng 300 công nhân. Samsung từ chối bình luận về số lượng công nhân, nhưng cho biết họ có thể sẽ giữ lại một số công nhân và thiết bị.
0 comments