Kỷ tử, thứ quả giúp người châu Á trẻ lâu, sống thọ
Tuesday, September 8, 2020
6:30:00 PM
//
- Slider
,
Sức khỏe
Nằm cao trên miền Tây Bắc Trung Quốc là vùng đất cực kỳ màu mỡ. Nơi đây, bên bờ sông Hoàng Hà, dưới bầu trời phủ sương mù che kín rặng núi Lục Bàn Sơn, cư dân vùng Ninh Hạ từ lâu đã trồng một trong những loại quả được nhiều người săn lùng nhất ở châu Á trong nhiều thế kỷ qua.
Loại quả mọng nhỏ có hình bầu dục này từng được gọi là "kim cương đỏ" vì được cho là có tác dụng chống lão hóa.
Nó đã nổi tiếng khắp thế giới là siêu thực phẩm, nhưng với người Trung Quốc, vốn đã dùng loại quả này trong y học kể từ Thế kỷ 3 tới nay, thì quả này đơn giản được gọi là kỷ tử, câu kỷ tử, hoặc củ khởi, củ khỉ, cẩu kỷ.
Kỷ tử được trồng khắp nơi ở Trung Quốc nhưng đặc điểm địa lý của vùng Ninh Hạ khiến loại quả này khi trồng ở đây đạt chất lượng tuyệt đỉnh nhất.
"Sự kết hợp của gió núi mát lạnh, đất đai giàu khoáng chất và nước tưới lấy từ con sông Hoàng Hà nổi tiếng đã khiến quả kỷ tử từ vùng Ninh Hạ trở nên cực kỳ giá trị," Evan Guo, giám đốc bán hàng của công ty công nghệ thực phẩm Ningxia Baishi Hengxing, một trang trại trồng cây kỷ tử hữu cơ, nói.
Nông dân vùng Ninh Hạ vẫn thu hoạch quả với phương pháp mà họ từng làm suốt trong lịch sử.
Từ tháng Bảy đến tháng Chín hàng năm, người nông dân lom khom dưới những bụi cây chỉ cao chừng tới thắt lưng trổ đầy quả chín mọng màu đỏ như cà chua. Họ khéo léo ngắt đầy tay quả ngọt mỗi lần từ chùm dây leo và bỏ vào chiếc rổ tre đan.
Tình yêu của người Trung Quốc dành cho kỷ tử đã có từ hàng trăm năm trước, và những thầy lang Trung Quốc từ lâu vẫn tin rằng loại quả này có tác dụng chữa bệnh.
Thư tịch cổ nhất ghi chép điều này là Bản thảo Cương mục, bộ bách khoa toàn thư về dược vật học của Trung Quốc do danh y Lý Thời Trân biên soạn hồi Thế kỷ 16.
Bà Zhang Ruifen, một thầy thuốc làm việc ở hệ thống Phòng Mạch Cổ truyền Trung Hoa Eu Yan Sang vốn có nhiều cơ sở tại Trung Quốc, Malaysia và Singapore, cho biết: "Đó là bản ghi chép rất chi tiết, và quả kỷ tử được ghi chép trong thư tịch này. Lý danh y đã mô tả từng loại thảo mộc có hình dạng ra sao và sử dụng chúng thế nào."
Người Trung Quốc quan niệm rằng quả kỷ tử vừa là trái cây vừa là thuốc: loại quả này chứa rất nhiều vitamin C, các chất chống oxy hóa, các amino acid và nguyên tố vi lượng.
Các thầy lang Trung Hoa thường kê loại quả này để giúp tăng cường chức năng gan và thận.
"Các bà mẹ Trung Quốc thì nói rằng bạn cần phải ăn quả này vì nó tốt cho mắt, vì nó có chứa carotene," Zang, người theo đuổi việc nghiên cứu y học cổ truyền Trung Hoa ở Bắc Kinh, nói. "Tôi kê loại quả này để giúp tăng cường khả năng hệ thống thận và gan, là hệ thống mà các thầy thuốc Trung Hoa tin rằng mắt là một phần trong đó."
Ở gia đình, phụ nữ và đàn ông Trung Hoa thường rắc quả kỷ tử khô vào món gà hầm với táo tàu và gừng, bắc trên bếp đun lửa liu riu thật lâu, hoặc hãm cùng trà hoa cúc để làm tăng hàm lượng vitamin.
Khi kê toa loại quả này cho bệnh nhân, Zhang thường kết hợp với một số loại thảo dược khác. "Chúng tôi thường không dùng một loại thảo dược duy nhất để trị bệnh; mỗi loại chỉ là một phần trong một thang thuốc," bà giải thích.
Tuy nhiên, cũng có những lúc mà các thầy thuốc như bà Zhang sẽ không kê đơn loại quả này, nhằm tránh làm trầm trọng hơn bệnh tình.
"Nếu một người bị sốt, sưng viêm hay đau họng, tức là rơi vào tình trạng 'nhiệt' theo cách gọi trong y lý Trung Hoa, thì tôi khuyên bệnh nhân hãy ngừng ăn quả kỷ tử trong thời gian đó," bà chia sẻ.
"Nếu bệnh nhân cũng đang bị tình trạng 'ướt' và tiêu chảy, chúng tôi gọi là chứng suy tì, thì chúng tôi cũng khuyên không nên ăn quả này. Nhưng khi bạn khỏe mạnh thì nhìn chung quả kỷ tử thích hợp với tất cả mọi người."
Kỷ tử từ lâu đã là một phần của văn hóa Trung Quốc.
Theo truyền thuyết thì hồi hơn 2.000 năm trước, một thầy lang đến ngôi làng nơi mọi người đều sống trên trăm tuổi, và phát hiện ra rằng tất cả họ đều uống nước từ giếng có cây kỷ tử mọc quanh. Người ta cho rằng khi quả chín, quả rụng vào giếng, thành phần giàu vitamin trong quả sẽ tan vào nước giếng.
Chuyện xưa cũng kể rằng nhà buôn thảo dược Lý Thanh Vân từ Thế kỷ 17 đã ăn quả kỷ tử mỗi ngày. Nghe đồn rằng ông sống thọ đến 252 tuổi.
Nếu điều này vẫn chưa đủ sức hấp dẫn thế hệ trẻ chịu ăn món canh hầm nhừ có thả kỷ tử, thì các bà mẹ người Hoa thường dỗ con ăn quả này để có được đôi mắt sáng như sao khỏi cần đeo kính.
Nhưng thời thế đã thay đổi với loại quả đơn giản này, gồm cả cách người ta ăn nó thế nào.
Quả kỷ tử vốn đã tồn tại từ rất lâu trong văn hóa Trung Quốc, giờ đây được coi là siêu thực phẩm ở khắp cõi trong và ngoài Trung Quốc.
Giới trẻ ở Châu Á giờ đây ưa chuộng kỷ tử, nhưng là bởi nghĩ tới tính năng khác của nó.
Chẳng hạn, những cư dân Thế hệ Z giờ đây mua "ấm trà sinh lực" để pha trà kỷ tử. Các bậc phụ huynh có thể nhận ra nồi canh truyền thống nay được đóng gói thành các thương hiệu như Buydeem và chế biến thành màu hồng nổi bật trên Instagram.
Nghiên cứu năm 2019 do Công ty Nghiên cứu và Chiến lược Agility về Thế hệ Z ở Trung Quốc cho thấy thế hệ này cho rằng sống khỏe mạnh là ưu tiên hàng đầu, thậm chí quan trọng hơn cả tiền bạc, sự nghiệp và niềm vui cá nhân hay lập gia đình.
Quả kỷ tử cũng đã phổ biến với người tiêu dùng quốc tế.
Được xếp vào nhóm "siêu thực phẩm", người phương Tây chịu chi đến 10 đô la Mỹ cho một gói kỷ tử, đắt gấp ba lần giá ở châu Á.
Giá bán của loại siêu thực phẩm khiến nhà nông hào hứng hơn trong việc nhanh chóng thu hoạch và đưa hàng ra siêu thị khi tới mùa.
Nông dân Ninh Hạ hái khoảng 180 ngàn tấn kỷ tử tươi mỗi năm, nhưng họ bán hầu hết sản phẩm dưới dạng khô vì vòng đời của quả tươi khá ngắn.
Quả mọng sẽ chín nhanh trong cái nóng mùa hè, nghĩa là nông dân phải nhanh tay thu hoạch. Thời xưa, quả chín sẽ được để phơi khô trên các khay lớn dưới ánh mặt trời. Ngày nay, công nghệ thời hiện đại đã làm tiến trình này nhanh hơn để kịp đáp ứng nhu cầu thị trường.
Chủ công ty Ningxia Baishi Hengxing, ông An Weijun, sinh ra trong gia đình nông dân trồng kỷ tử, đã mở nông trại trồng kỷ tử hữu cơ tám năm trước.
Ông cũng xây dựng một cơ sở chế biến hiện đại, nơi nhân viên có thể sấy khô quả kỷ tử của mình cũng như từ các nhà sản xuất nông sản hữu cơ khác trong khoảng thời gian ngắn.
Có vẻ như sức mạnh của quả kỷ tử sẽ không sớm phai nhạt đi. Đã có một lượng kỷ tử cao kỷ lục là 179 tấn quả được bán ra ở Trung Quốc trong dịp khuyến mãi Ngày Độc Thân (phiên bản Ngày thứ Sáu đen ở Trung Quốc).
Những người phát hiện xu hướng ở Châu Á như Amrita Banta, giám đốc điều hành của công ty Nghiên cứu và Chiến lược Agility, cũng nhìn thấy người trẻ Châu Á coi trọng lối sống lành mạnh hơn.
"Sau rất nhiều năm người tiêu dùng Trung Quốc né tránh mọi sản phẩm sản xuất ở Trung Quốc là cổ hủ và không khoa học, chúng tôi tin rằng giờ đây ở Trung Quốc có lòng tự hào mới mẻ với rất nhiều sản phẩm và phương thức truyền thống," bà chia sẻ.
"Nhưng sự nổi tiếng của quả kỷ tử đến từ việc thế giới bắt đầu chú ý đến tính năng của loại quả này. Ngày nay giới trẻ Trung Quốc ăn kỷ tử vì chúng được xem là siêu thực phẩm, không hẳn là vì y học cổ truyền Trung Hoa nói chúng tốt cho mắt, gan và thận. Thật thú vị khi nhìn thấy Trung Quốc trở nên tự hào với quá khứ, nhưng vẫn gắn kết với phần còn lại của thế giới."
Đầu bếp trẻ khắp Châu Á cũng sử dụng kỷ tử trong món ăn để gợi chút hương vị địa phương.
Đầu bếp Anna Lim đã sử dụng quả kỷ tử khi cô được mời làm bữa sáng hiếm có cho chuỗi nhà hàng thức ăn nhanh khổng lồ McDonald's. Chủ thương hiệu The Soup Spoon tạo ra món cháo ngon lành với quả kỷ tử, và món này nổi tiếng ở Singapore đến độ họ đã đưa nó vào thực đơn cố định.
"Bỏ thêm quả kỷ tử vào thì cháo sẽ có vị ngọt tự nhiên. Kết hợp màu sắc với màu xanh của ngò tươi, đậu phụ trắng và kỷ tử đỏ, món ăn trở thành bữa ăn màu sắc, nâng tầm món cháo đơn giản thành món ăn dinh dưỡng và lành mạnh," đầu bếp Lim chia sẻ.
Trong lúc đầu bếp Lim vẫn đang giúp quảng bá loại quả này cho thế hệ trẻ, thì các đầu bếp khác như Chang Hon Cheong từ Nhà hàng One Habour Road ở Khách sạn Grand Hyatt Hong Kong vẫn đang đem đến cho mọi người cơ hội thưởng thức những món ăn như gia đình Châu Á thường làm, 'chuẩn cơm mẹ nấu'.
Ông dành hẳn một trang trong thực đơn cho các loại canh thảo dược, và quả kỷ tử nằm trong số các thành phần truyền thống ông sử dụng.
Thực khách có thể chọn chỗ ngồi trong nhà hàng thiết kế kiểu dinh thự Thượng Hải, nơi đầu bếp Chang phục vụ món canh hầm hai lần mà ông chế biến với cảm hứng từ y học truyền thống Trung Hoa.
Mỗi ngày, nhóm của Chang băm thái các loại nguyên liệu tốt cho sức khoẻ, bỏ vào nồi đất rồi đem hấp cách thuỷ.
Quá trình hầm từ từ như thế là đề cao phương thức y học cổ truyền Trung Hoa và những nông dân đã trồng nên sản vật.
"Nấu món ăn bằng cách đem đun hai lượt là quá trình hầm rất từ từ cho thực phẩm mềm ngọt dần," Chang giải thích. "Từ món canh đun hai lượt, tôi có thể chiết xuất toàn vẹn thành phần dinh dưỡng và hương vị từ các nguyên liệu nấu ăn."
Ngoài chuyện đi ăn nhà hàng, người tiêu dùng quan tâm đến sức khỏe còn trân trọng loại siêu thực phẩm này bởi các gia đình Á châu đã quen làm vậy từ nhiều thế hệ.
Họ có thể đơn giản là bỏ một nhúm quả kỷ tử vào nồi canh hay ấm trà, thưởng thức vị ngọt như nho khô mà loại siêu thực phẩm này đem lại, thứ quả đã giúp cho người Châu Á luôn giữ được dáng vẻ trẻ trung.
Bài tiếng Anh đã đăng trên BBC Travel
0 comments