Hải Ngoại Ngày Nay


LIÊN KẾT HẢI NGOẠI YỂM TRỢ QUỐC NỘI ĐẤU TRANH

GIẢI THỂ CHẾ ĐỘ ĐỘC TÀI VIỆT CỘNG

GIẢi TRỪ HIỂM HỌA XÂM LĂNG TRUNG CỘNG

Đọc báo Pháp – 05/09/2020

Saturday, September 5, 2020 5:52:00 PM // ,

Đọc báo Pháp – 05/09/2020

Nhật Bản: Di sản ngoại giao “chống” Trung Quốc của thủ tướng Shinzo Abe – Trọng Nghĩa

Không hẹn mà gặp, hai tuần báo Courrier International (Pháp) và The Economist (Anh) phát hành đầu tháng 9/2020 này đều chú ý đến sự kiện thủ tướng Nhật Bản bất ngờ loan báo quyết định từ chức. Trang bìa Courrier International tuy nhiên được dành cho “văn hóa phá bỏ – cancel culture”, còn The Economist nêu bật sắc thái xấu xí của cuộc bầu cử Mỹ đang có nguy cơ nặng nề thêm.
Các tuần báo còn lại tập trung vào các đề tài liên quan đến Pháp: Trong lúc L’Express trở lại vấn đề Hồi Giáo cực đoan đe dọa quyền tự do ngôn luận, thì L’Obs chú ý đến tiếng nói của cựu thủ tướng Lionel Jospin. Riêng Le Point ra số đặc biệt về rượu vang Pháp.
Về quyết định từ chức của thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe, điểm lý thú là trong lúc Courrier International thở phào nhẹ nhõm khi thấy ông Shinzo Abe ra đi, thì The Economist lại hết sức ca ngợi một chính khách đã làm được rất nhiều điều tốt cho nước Nhật.
Shinzo Abe ra đi là “cơ may” cho Nhật Bản?
Courrier International đã trích dịch một bài báo trên tờ Ashi Shimbun xuất bản tại Tokyo cho rằng việc “Ông Shinzo Abe rời bỏ chức vụ là một cơ may cho nền dân chủ Nhật Bản”.
Đối với tờ báo trung tả Nhật Bản, người vừa loan báo từ chức hôm 28/08 vừa qua đã ngự trị trên sân khấu chính trị nước Nhật trong gần 8 năm. Với đa số áp đảo tại Nghị Viện, ông Shinzo Abe đã phạm phải nhiều sai lầm đáng lo ngại và gây chia rẽ trong nước.
Việc ông từ chức vì lý do sức khỏe, theo tờ báo, sẽ cho phép nền dân chủ Nhật bắt đầu một tiến trình hàn gắn những tổn thương mà nhiệm kỳ dài dằng dặc của ông Abe đã gây ra.
Di sản đầy ấn tượng của thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe
Trái với đồng nghiệp Nhật Bản, tuần báo Anh The Economist đã hết lời ca ngợi vị thủ tướng vừa quyết định từ chức.
Trong bài viết mang tựa đề “Di sản của ông Shinzo để lại nhiều ấn tượng hơn là việc ông lẳng lặng ra đi”, The Economist ghi nhận là nhiều người đã xem việc ông Abe từ chức là một sự thừa nhận thất bại.
Nền kinh tế mà ông đã ra sức vực dậy sau nhiều thập kỷ thiếu sinh khí, lại đang chới với vì đại dịch Covid-19. Cố gắng của ông nhằm sửa đổi Hiến Pháp chủ hòa của Nhật Bản để cung cấp cho các lực lượng vũ trang một cơ sở pháp lý thích hợp đã không đi đến đâu. Đỉnh cao của sự nghiệp mà ông chờ mong là Thế Vận Hội Tokyo, lẽ ra phải được tổ chức vào mùa hè này, có thể sẽ không bao giờ diễn ra. Chỉ số được lòng dân của ông đã xuống rất thấp.
Người đặt nền móng cho các cải cách tương lai ở Nhật
Thế nhưng, theo The Economist, trong gần 8 năm lãnh đạo nước Nhật, ông Shinzo Abe không những đã thành công trong việc định hình lại nền kinh tế và ngoại giao của Nhật Bản, mà lại còn đặt được nền móng cho những cải cách trong tương lai.
Thành công ngoài mong đợi của ông chính là đường lối ngoại giao vừa năng động vừa cứng rắn. Là một người theo chủ nghĩa dân tộc, ông Shinzo Abe từng gây lo ngại là sẽ châm ngòi cho hàng loạt những vụ xung đột với Trung Quốc, và xa rời các đồng minh truyền thống của Nhật Bản.
Quả đúng là ông vẫn vướng vào một cuộc tranh chấp vô nghĩa với Hàn Quốc trên vấn đề lịch sử, tuy nhiên, về đại thể, ông đã tập hợp được các chính phủ có cùng chí hướng trong khu vực để chống lại sức mạnh quân sự và kinh tế của Trung Quốc mà không kích động Bắc Kinh một cách thái quá.
Người khéo huy động lực lượng chống bành trướng Trung Quốc
Theo The Economist, một trong những điểm son của thủ tướng Shinzo Abe chính là cách đối phó khéo léo với Trung Quốc.
Khi ông nhậm chức, hai nước đã gần xảy ra xung đột về các đảo tranh chấp. Bất chấp việc Trung Quốc liên tục khiêu khích, ông vẫn kiên quyết trong vấn đề bảo vệ chủ quyền trên một số đảo nhỏ ở Biển Hoa Đông bị Bắc Kinh dòm ngó.
Sau khi Mỹ rút ra khỏi Hiệp Định Đối Tác Xuyên Thái Bình Dương TPP, một cơ chế được tạo ra để ngăn chặn ảnh hưởng của Trung Quốc, chính ông Abe là người đã giữ cho dự án tồn tại.
Ông đồng thời tăng cường hợp tác quân sự với các nền dân chủ khác, khuyến khích các láng giềng đứng lên chống lại Trung Quốc. Dưới ngọn cờ “Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và rộng mở”, Nhật Bản đã cố gắng duy trì quyền tự do hàng hải ở các vùng biển châu Á và các nguyên tắc tự do giao thương ở châu Á. Ông đã xây dựng mối quan hệ an ninh với Úc, Ấn Độ và các nước ở Đông Nam Á.
Âm thầm lập kế hoach chống Con Đường Tơ Lụa Trung Quốc
Ông Shinzo Abe còn tạo ra một chiến lược để liên kết các dự án viện trợ vốn rất phân tán của Nhật Bản, âm thầm thúc đẩy đề án “cơ sở hạ tầng chất lượng” như một giải pháp thay thế cho Sáng Kiến ​​Một Vành Đai Một Con Đường của Trung Quốc.
Ông cũng đã duy trì được quan hệ hữu hảo với tổng thống Mỹ Donald Trump, nhưng đồng thời cũng có quan hệ tốt với chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, vốn từng dự trù đến thăm Nhật Bản vào tháng 4 vừa qua, trước khi kế hoạch bị dịch Covid-19 phá hỏng.
Miyake Kunihiko, một nhà ngoại giao, cho biết: “Không có chính trị gia [Nhật Bản] nào khác có giác quan thứ sáu như vậy trong chính sách đối ngoại”.
Hiến Pháp Nhật Bản có thể sẽ không thay đổi như ông từng mong muốn, nhưng dù sao thì ông Abe cũng đã biến Nhật Bản trở thành một thế lực đáng tin cậy hơn trên trường quốc tế. Ông đã tăng chi tiêu cho các lực lượng vũ trang và thúc đẩy các thay đổi pháp lý cho phép họ tham gia vào các hiệp ước phòng thủ chung và các sứ mệnh gìn giữ hòa bình ở nước ngoài.
L’Express: Hồi Giáo cực đoan vẫn đe dọa quyền tự do ngôn luận
Trở lại với trang bìa các tuần báo, như đã nói ở trên, L’Express đã chạy tựa lớn về nạn Hồi Giáo cực đoan đang đe dọa quyền tự do ngôn luận tại Pháp và những nơi khác trên thế giới.
Ngay dưới tiểu tựa “Hồi Giáo cực đoan”, tạp chí Pháp trích nguyên văn câu nói “Chúng ta đang sống trong một thời kỳ khủng bố tinh thần”. Tác giả là bà Zineb El Rhazoui, cựu phóng viên tờ Charlie Hebdo, sinh tại Maroc, nơi bà ở vào ngày tòa soạn tờ báo ở Paris bị tấn công khủng bố năm 2015.
Từ đó đến nay, nữ ký giả vẫn kiên quyết tố cáo các hành vi hù dọa của các thành phần Hồi Giáo cực đoan, muốn bóp nghẹt quyền tự do ngôn luận. Trong bài phỏng vấn dài 4 trang, bà kể lại việc đã bị hăm dọa như thế nào và được cảnh sát bảo vệ thường trực ra sao.
Bà đã lấy làm tiếc là tình hình không cải thiện gì hơn từ sau vụ khủng bố cách đây hơn 5 năm, ở Pháp cũng như trên thế giới. Ví dụ như tờ báo Mỹ New York Times chẳng hạn, đã không còn đăng biếm họa để khỏi làm mích lòng người Hồi Giáo.
Zineb El Rhazoui còn lên án những người tiếp tục phát đi những lời tố cáo những người bài Hồi Giáo, vì việc làm đó đã biến những người bị công kích thành bia nhắm cho các phần tử Hồi Giáo cực đoan. Trong số những người bị Zineb El Rhazoui nêu tên có những nhân vật như Rokhaya Diallo, Rama Yade, Edwy Plenel, Daniel Obono, Virginie Despentes.
L’Obs: Jospin “tái xuất giang hồ”
Tạp chí L’Obs trên trang bìa thì tỏ vẻ thích thú trước việc cựu thủ tướng Pháp Lionel Jospin đã trở lại dưới ánh đèn thời sự với một quyển sách. Tờ báo chạy tựa rất giật gân “Jospin đánh giá Macron: ‘Phần mềm của ông ấy lỗi thời”.
Trong phần giới thiệu bài phỏng vấn cựu thủ tướng Pháp dài 9 trang, tờ báo ghi nhận “Lionel Jospin đã rời chính trường tối 21/04/2002. Ở tuổi 83, ông không hề có ý định trở lại sân khấu chính trị”. Phần mở đầu cho bài phóng vấn này như để trấn an những người đang lo âu trước việc vị cựu thủ tướng rất có uy tín tái xuất giang hồ.
Theo L’Obs, trong quyển sách mới của mình, Lionel Jospin không chỉ trích cựu tổng thống thuộc đảng Xã Hội François Hollande mà lại nói: “Tôi rất khen ngợi cách thức mà François Hollande đối đầu với thách thức khủng bố trên đất nước của chúng ta cũng như trên lãnh thổ các bằng hữu Châu Phi. Tổng thống đã cho thấy là ông đã ứng xử tốt trước một thách thức đặc biệt”. Nhưng ông Jospin cũng lấy làm tiếc là “bản sắc (của đảng) xã hội đã hòa tan trong xu hướng tự do”.
Về đương kim tổng thống Macron, ông Jospin cho là ông không quen biết nhiều, nhưng vẫn nhìn đương kim tổng thống hành động. Ông Macron khiến ông chú ý, ngạc nhiên, lo ngại, nhưng Jospin cũng công nhận là trước nhân vật cực hữu Marine Le Pen, nếu tái ứng cử, thì chắc ông Macron lại sẽ thắng.
Le Point: Bác sĩ Cuba đến “Pháp” làm việc
Cũng chọn chủ đề Pháp như nhiều đồng nghiệp khác, nhưng Le Point đã dành tựa trang bìa cho một đặc sản Pháp: “Hồ sơ đặc biệt: Rượu vang”. Tuy nhiên tạp chí Pháp cũng dành một tựa nhỏ cho một đề tài quốc tế: “Màn bí ẩn bao quanh các bác sĩ Cuba” tại vùng quần đảo Martinique thuộc Pháp.
Trong một phóng sự dài bên trong, tuần báo Pháp nêu bật sự kiện gần đây nước Pháp đã nhận một đoàn gồm 14 bác sĩ Cuba, đến làm việc trên đảo Martinique, một vùng lãnh thổ hải ngoại Pháp.
Le Point nhắc lại là sau đỉnh cao dịch virus corona, một đội 14 bác sĩ Cuba đã đến Martinique ngày 26/06 trên cơ sở một sắc lệnh, công bố ngày 01/04, cho phép các lãnh thổ hải ngoại Pháp như Guadeloupe, Martinique, Guyane, Saint-Martin, Saint-Barthélemy và Saint-Pierre-et-Miquelon, được tuyển dụng bác sĩ có bằng ngoài Châu Âu.
Tuy nhiên, như ghi nhận của Le Point, liên đoàn các bác sĩ ở Martinique đã chỉ trích rằng việc nhập các bác sĩ ngoài Châu Âu là “một giải pháp giả cho một vấn đề thực thụ” là vấn đề thiếu bác sĩ tại các vùng hải ngoại Pháp. Đối với họ phái bộ bác sĩ Cuba chỉ làm việc  trong 3 tháng sẽ không cứu vãn được đảo.
Một vấn đề được tạp chí Pháp nêu bật là các bác sĩ Cuba không nói được tiếng Pháp và phải có bác sĩ tại chỗ theo dõi. Jérôme Viguier, giám đốc cơ quan y tế địa phương ARS, không mấy hài lòng: “Tôi không cho phép họ hành nghề, họ chỉ có quy chế thực tập, không thể để họ một mình với bệnh nhân. Họ còn phải được một phiên dịch trợ giúp, điều đó đã vi phạm nguyên tắc bảo đảm bí mật nghề nghiệp”.
Đông Địa Trung Hải: Pháp yếu thế trước Thổ Nhĩ Kỳ?
Tình hình cẳng thẳng giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Hy Lạp cũng được các tuần báo chú ý, với bài “Macron và Erdogan đã trở thành kẻ thù của nhau như thế nào” trên tờ L’Express.
Do việc Pháp bênh vực đồng minh Hy Lạp, khẩu chiến giữa Pháp và Thổ Nhĩ Kỳ càng lúc càng leo thang trong bối cảnh Paris tăng cường hiện diện quân sự tại khu vực miền đông Địa Trung Hải đang căng thẳng.
Theo L’Express, căng thẳng giữa hai nước “trên nguyên tắc là đồng minh trong khối NATO, không dự báo điều gì tốt lành”, nhất là khi tương quan lực lượng quân sự tại chỗ không có lợi cho Pháp.
Tạp chí Pháp trích dẫn nhà chiến lược Mỹ James Arnold ghi nhận: “Pháp gởi chiến đấu cơ Rafale đến Chypre, nhưng ở phía đối diện, Ankara dàn ra gần 300 chiến đấu cơ F-16 với những phi công đào tạo tốt”. Nhìn chung, theo chuyên gia này, Pháp không có yếu tố địa lợi vì phải can thiệp từ xa, ở xa căn cứ của mình, lại không đủ phương tiện để gây lo ngại cho Thổ Nhĩ Kỳ vốn “chơi” trên sân nhà của mình, ngay trước cửa nhà mình.

Tin tổng hợp
(The Diplomat -  Ấn Độ -Nga tập trận chung tại vịnh Bengal. 
Trong khuôn khổ chương trình Indra Navy lần thứ 11, hải quân hai nước diễn tập chung trong hai ngày 4 và 5/09/2020. Sự kiện lần này diễn ra trong bối cảnh căng thẳng Ấn –Trung tại biên giới. Bộ trưởng Quốc Phòng và Ngoại Giao Ấn Độ liên tục sang Matxcơva nhằm chuẩn bị cho thượng đỉnh Tổ Chức Hợp Tác Thượng Hải dự trù diễn ra vào cuối tháng 11/2020 tại New Delhi.
(Reuters) - Chủ nợ Trung Quốc nắm quyền kiểm soát đa số lưới điện Lào. 
Nước Lào nhỏ và nghèo chuẩn bị nhường lại việc kiểm soát phần lớn mạng lưới điện cho một công ty Trung Quốc do nợ nần đang chồng chất. Một nguồn tin thông thạo về hồ sơ này hôm 04/09/2020 cho biết như trên, trong bối cảnh Bắc Kinh bị tố cáo « ngoại giao bẫy nợ ». Trung Quốc là chủ nợ lớn nhất của Lào. Thỏa thuận được ký kết giữa Công ty Điện lực Lào (EdL) và China Southern Power Grid Co. giúp công ty Trung Quốc nắm phần lớn quyền kiểm soát công ty mới Electricite du Laos Transmission Company Limited (EDLT), đầu tư 2 tỉ đô la phát triển mạng lưới. Với kỳ vọng trở thành « nguồn điện của Đông Nam Á », Lào đầu tư rất nhiều vào thủy điện, phần lớn dựa vào vốn Trung Quốc. Nhưng các công trình này cùng với dự án tàu cao tốc làm cho nợ nần của Lào ngày tăng cao, khiến nước này bị trói buộc với Trung Quốc.
(Reuters) - Donald Trump : Sẽ rất quan tâm đến vụ Navalny. 
Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm 04/09/2020 tuyên bố Hoa Kỳ sẽ tìm hiểu « một cách rất nghiêm túc » vụ đầu độc nhà đối lập Nga Alexei Navalny, nhưng hiện giờ chưa có bằng chứng. Ông cho rằng vụ này là « hết sức khủng khiếp », nhưng khuyên các nhà báo nên nhìn về hướng Trung Quốc thay vì Nga.
(AFP) – Liên hoan phim Mỹ không có người Mỹ.
Covid-19 làm xáo trộn Liên hoan dành cho làng điện ảnh Mỹ tổ chức hàng năm vào đầu tháng 9 tại thành phố biển Deauville vùng Normandie của Pháp. Trong đêm khai mạc 04/09/2020 không một ngôi sao điện ảnh của làng Hollywood nào có mặt trên thảm đỏ. 17 bộ phim Mỹ được lần lượt ra mắt khán giả Deauville. Ban tổ chức cho biết để tuân thủ chuẩn mực an toàn y tế, số ghế trong mỗi rạp chiếu phim giảm đi 30 % so với bình thường.
(AFP) - Đối lập Belarus mong muốn mở rộng quan hệ kinh tế với Liên Hiệp Châu Âu trong trường hợp thay đổi chính quyền tại Minks. 
Ngày 04/09/2020 một thành viên nặng ký trong hàng ngũ đối lập Belarus, cựu bộ trưởng Văn Hóa Pavel Latouchko nhắc lại quan điểm của “đa số” người dân Belarus đó là đòi tổng thống Loukachenko phải ra đi, đồng thời “xã hội nước này chờ đợi một tín hiệu mạnh và cụ thể từ phía Liên Âu”, thí dụ như một hứa hẹn giúp đỡ chính quyền Belarus trong tương lai về mặt tài chính.
(Reuters) – Cảnh sát Úc câu lưu hàng chục người biểu tình chống các biện pháp phòng dịch Covid-19 của chính phủ. 
Ngày 05/09/2020 hàng trăm người tập hợp tại Melbourne, thành phố lớn thứ nhì tại Úc, bất chấp lệnh giới hạn các cuộc tụ tập. 17 người bị câu lưu, cảnh sát phạt 160 người. Trên toàn nước Úc có hơn 26.000 ca nhiễm virus corona và 748 bệnh nhân tử vong vì Covid-19.
(AFP) -  Một người Pháp mắc chứng bệnh hiểm nghèo đăng cảnh hấp hối trên mạng Facebook. 
Ông Alain Cocq 57 tuổi, đòi quyền được chết nhẹ nhàng. Từ ngày 05/09/202 bắt đầu ngừng ăn uống, để được ra đi một cách thanh thản. Có điều tất cả những giờ phút cuối cùng này đều được phát trực tiếp trên trang mạng xã hội cá nhân nhằm đánh động công luận về một vấn đề đang đặt ra trong xã hội. Facebook vừa khóa tài khoản mạng của ông Alain Cocq.
(AFP) -  Messi ở lại câu lạc bộ FC Barcelona.
Cầu thủ bóng đá Leo Messi ngày 04/09/2020 thông báo ở lại với câu lạc bộ đã làm nên tên tuổi lớn Messi. Trả lời báo Goal.com danh thủ người Achentina tuyên bố “không kiện Barça, đây là câu lạc bộ mà tôi yêu thích và đã đem lại tất cả những gì tôi có được ngày nay“. Giới quan sát dự báo Barça sẽ trải qua một mùa bóng căng thẳng do sự đối đầu giữa Messi và huấn luyện viên Bartomeu.
(AFP) - Mưa cần sa trên đất thánh. 
Hàng trăm gói cần sa từ trên trời rơi xuống quảng trường trung tâm Tel Aviv, ngay trước tòa đô chính trong tuần này, gây ngạc nhiên thú vị cho người qua đường. Nhóm « Drone Xanh » trên Telegram cho biết đã phân phát miễn phí những gói nhỏ đựng 2 gam cần sa này. Hai người điều khiển thiết bị không người lái đã bị cảnh sát bắt, nhưng những món quà này vẫn tiếp tục từ trên trời rơi xuống hàng tuần tại những địa điểm khác nhau ở Israel, theo dự án « Mưa cần sa » của Drone Xanh.
(AFP) -  Bão Haishen ngăn trở việc tìm kiếm người sống sót của chiếc tàu chìm ngoài khơi Nhật.
Chính quyền Nhật hôm 05/09/2020 lại bắt đầu tìm kiếm khoảng 40 thủy thủ mất tích tuy nhiên sóng lớn và thời tiết xấu khiến các tàu cấp cứu khó tiếp cận. Tuần duyên Nhật hôm qua đã cứu được một thuyền viên thứ hai, sau khi tàu Gulf Livestock 1 chở theo 43 thủy thủ đoàn và 6.000 con bò bị bão Maysak nhấn chìm. Nhưng một trận bão mạnh hơn là Haishen với sức gió 290 km/h khiến việc tìm kiếm bị chậm lại, sau khi đã cứu được thủy thủ đầu tiên chiều thứ Tư 02/09 và tìm được xác một thủy thủ khác hôm qua. Hầu hết thuyền viên trên tàu là người Philippines.
 (AFP) - Nổ bình gaz ở Iran, 217 người bị thương. 
Một bình gaz chở trên xe tải ở miền tây Iran đã phát nổ vào rạng sáng hôm nay 05/09/2020 làm 217 người bị thương, trong đó 106 người phải nhập viện.

Điểm tin thế giới sáng 5/9:

Ấn Độ sẵn sàng dùng quân đội

 đảm bảo an ninh quốc gia trước Trung Quốc;

Kinh tế Mỹ bổ sung thêm hàng triệu việc làm

Quý Khải
Mục Điểm tin thế giới sáng thứ Bảy (5/9) của DKN xin gửi tới quý độc giả những tin sau:
Ấn Độ sẵn sàng dùng quân đội đảm bảo an ninh quốc gia trước Trung Quốc
Cố vấn quân sự hàng đầu trong chính phủ của Thủ tướng Narendra Modi hôm thứ Năm cho biết Ấn Độ đã sẵn sàng dùng quân đội để đảm bảo an ninh quốc gia, đồng thời theo sát các hoạt động và cải cách quân sự của Trung Quốc để đưa ra chiến lược cho tương lai, theo SCMP.
Bình luận của Tham mưu trưởng Quốc phòng Bipin Rawat tại một hội thảo trên web để thảo luận về mối quan hệ Mỹ-Ấn là khẳng định rõ ràng đầu tiên của ông trong những ngày gần đây về tình thế sẵn sàng sử dụng lực lượng quân sự của Ấn Độ, trong bối cảnh tình hình ngày càng trở nên tồi tệ với quân đội Trung Quốc dọc biên giới tranh chấp ở Himalaya.
Vị tướng hàng đầu cũng báo hiệu mức độ mà Trung Quốc được coi là một mối đe dọa an ninh, nhấn mạnh rằng quân đội Ấn Độ đang khảo sát cơ sở hạ tầng hoạt động của Bắc Kinh ở khu vực tự trị Tây Tạng – giáp ranh Ấn Độ – việc hoàn thiện các dự án đường cao tốc và phát triển các tuyến đường sắt.
Kinh tế Mỹ bổ sung thêm hàng triệu việc làm
Theo Bộ Lao động Mỹ, Mỹ đã có thêm 1,4 triệu việc làm trong tháng 8, theo the Hill.
Theo báo cáo việc làm tháng 8, tỷ lệ thất nghiệp giảm xuống 8,4% từ 10,2% trong tháng 7, lần đầu tiên giảm xuống dưới mức 10% kể từ tháng 3. Sự tham gia của lực lượng lao động cũng tăng 0,3% trong tháng 8, một dấu hiệu cho thấy sức mạnh của thị trường việc làm ngày càng tăng và niềm tin của những người tìm việc tăng lên.
Tháng 8 đánh dấu tháng thứ 4 liên tiếp số việc làm và tỷ lệ thất nghiệp giảm kể từ khi nền kinh tế Mỹ chạm đáy hồi tháng 4. Hơn 20 triệu người Mỹ đã mất việc trong tháng đó, đẩy tỷ lệ thất nghiệp lên mức cao nhất sau cuộc Đại suy thoái là 14,7%.
Báo cáo việc làm tháng 8 cũng phù hợp với kỳ vọng đồng thuận của các nhà kinh tế khu vực tư nhân. Hồi trước trước họ dự báo số việc làm sẽ ​​tăng từ 1,2 đến 1,4 triệu việc làm.
Phóng viên Mỹ bị trục xuất tại Nội Mông Cổ
Một nhà báo của tờ Los Angeles Times đã bị giam giữ và trục xuất khỏi Nội Mông Cổ (Trung Quốc) trong khi đưa tin về chính sách gây tranh cãi nhằm giảm việc sử dụng tiếng Mông Cổ trong giáo dục tại khu vực, tờ báo đưa tin hôm thứ Sáu (4/9), theo Daily Caller.
Phóng viên của tờ Los Angeles Times, người đang đưa tin về một chính sách gây tranh cãi nhằm thay thế tiếng Mông Cổ bằng tiếng Quan thoại trong các trường học trong khu vực, đã bị thẩm vấn, túm gáy và nhốt trong xà lim trong hơn 4 giờ trước khi bị buộc rời khỏi khu vực, LA Times đưa tin .
Phóng viên này đã bị bao vây bởi các sĩ quan mặc thường phục ở Hohhot, thủ phủ khu vực, và bị đưa đến đồn cảnh sát. Cô bị cấm liên lạc với Đại sứ quán Hoa Kỳ và bị áp giải lên chuyến tàu đưa cô trở lại Bắc Kinh, theo hãng tin AP.
Đây là những động thái mới nhất trong giai đoạn căng thẳng gia tăng giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc đối với chính sách đối ngoại hung hăng của Bắc Kinh, việc ngược đãi người Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ và đại dịch virus corona đang diễn ra.
Quan chức Mỹ nói về Đài Loan thời kỳ hậu COVID
Phái đoàn Séc, do Chủ tịch Thượng viện Milos Vystrcil dẫn đầu, đã tập hợp với các quan chức Đài Loan và các đặc phái viên nước ngoài bao gồm có Mỹ ở Đài Bắc hôm thứ Sáu (4/9) để kêu gọi định hình lại chuỗi cung ứng toàn cầu, đang bị lung lay bởi đại dịch, theo Taiwan News.
Brent Christensen, Giám đốc Viện Hoa Kỳ tại Đài Loan (AIT) nhận xét: “Đại dịch COVID-19 đã bộc lộ những rủi ro khi phụ thuộc quá nhiều vào một quốc gia hoặc nhà cung cấp các nguyên liệu quan trọng như vật tư y tế và dược phẩm đầu vào cho các ngành quan trọng chiến lược. Ông cho biết Đài Loan sẽ đóng một vai trò quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu trong thời kỳ hậu COVID khi nhiều quốc gia đang tìm kiếm các đối tác sản xuất thay thế cho Trung Quốc.
Ông Christensen cho biết: “Trong tám tháng qua, AIT đã làm việc với các đối tác trong chính phủ, các ngành công nghiệp và học viện Đài Loan để tìm hiểu cách thức chúng ta có thể làm việc cùng nhau trong việc tái cấu trúc chuỗi cung ứng. Hoa Kỳ muốn tăng cường quan hệ kinh tế song phương, và coi việc định hướng lại công nghệ và chuỗi cung ứng sản phẩm y tế như các việc ưu tiên hàng đầu”, ông Christensen nói thêm, đề cập đến cuộc Đối thoại Kinh tế và Thương mại với Đài Loan mới được công bố.
Ông Trump công bố thỏa thuận mang tính lịch sử giữa Serbia và Kosovo
Tổng thống Donald Trump hôm thứ Sáu thông báo Serbia và Kosovo đã đạt được một thỏa thuận “đột phá” để bình thường hóa quan hệ kinh tế hơn một thập kỷ sau khi Kosova tuyên bố tách rời khỏi Serbia và trở thành một quốc gia độc lập, theo Daily Caller.
Ông Trump đã ra thông báo này trong chuyến thăm chung tới Nhà Trắng của Tổng thống Serbia Aleksandar Vucic và Thủ tướng Kosovo Avdullah Hoti.
“Hôm nay, tôi vui mừng thông báo về một cam kết mang tính đột phá khác,” ông Trump nói trong một tuyên bố đi kèm cuộc họp. “Serbia và Kosovo từng cam kết bình thường hóa kinh tế. Sau một lịch sử bạo lực và bi thảm và nhiều năm đàm phán thất bại, chính quyền của tôi đã đề xuất một cách thức mới để giảm chia rẽ. Bằng cách tập trung vào kiến tạo việc làm và tăng trưởng kinh tế, hai nước đã có thể đạt được bước đột phá thực sự về hợp tác kinh tế trên nhiều lĩnh vực”. (chi tiết)

Điểm tin thế giới tối 5/9:

Trung Quốc tham gia vận hành lưới điện Lào;

 Ấn – Trung đồng ý giảm căng thẳng biên giới

Hải Lam
Mục Điểm tin thế giới tối thứ Bảy (5/9) của DKN xin gửi tới quý độc giả những tin sau:
Trung Quốc tham gia vận hành lưới điện Lào
Reuters dẫn tin từ Tân Hoa Xã hôm 4/9 cho biết, Công ty Điện lực nhà nước Lào (EdL) và Công ty Lưới điện miền nam Trung Quốc (CSG) đã ký thỏa thuận chia sẻ cổ phần lưới điện hôm 1/9. Tuy nhiên, hãng thông tấn nhà nước Trung Quốc không tiết lộ chi tiết về tỷ lệ nắm giữ cổ phần của hai bên.
Ba nguồn thạo tin cho biết thông qua thỏa thuận này, Lào sẽ trao phần lớn quyền kiểm soát Công ty Truyền tải Lưới điện Lào (EDLT) cho phía Trung Quốc. “Thỏa thuận sẽ giúp lưới điện quốc gia Lào thương lượng giá bán điện tốt hơn so với các nước trong khu vực và bắt đầu sinh lợi nhuận”, một nguồn tin cho hay.
Đại sứ quán Trung Quốc tại Lào cho biết Lào vẫn sẽ vận hành mạng lưới điện của họ. Cơ quan này không cung cấp chi tiết về tỷ lệ cổ phần trong thỏa thuận, nhưng nói rằng Lào “có thể dần dần mua lại cổ phần” CSG đang nắm giữ ở EDLT trong quá trình hoạt động.
Ấn – Trung đồng ý giảm căng thẳng biên giới
Chính quyền Ấn Độ và Trung Quốc hôm nay cho biết họ đã đồng ý thảo luận các biện pháp giảm căng thẳng biên giới, sau cuộc họp của bộ trưởng quốc phòng hai nước, theo Reuters.
Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ Rajnath Singh và người đồng cấp Trung Quốc Nguỵ Phượng Hoà đã gặp vào cuối ngày 4/9 bên lề cuộc họp của Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO) tại Moskva, Nga.
Cả hai nước đã nhất trí rằng “cả hai bên sẽ không thực hiện thêm bất kỳ hành động nào có thể làm phức tạp thêm tình hình hoặc leo thang căng thẳng ở khu vực biên giới”, Bộ Quốc phòng Ấn Độ cho biết trong một tuyên bố.
Trong khi đó, theo thông cáo trên website Bộ Quốc phòng Trung Quốc, ông Nguỵ cho biết hai bên nên thúc đẩy hòa bình và ổn định, đồng thời hợp tác để hạ nhiệt căng thẳng. Tuy nhiên, ông đổ lỗi hoàn toàn cho phía Ấn Độ về nguyên nhân dẫn tới những căng thẳng gần đây giữa hai nước.
Tổng thống Trump nói chưa có bằng chứng ông Navalny bị đầu độc
Tổng thống Donald Trump hôm 4/9 cho biết Hoa Kỳ phải tìm hiểu “rất nghiêm túc” về vụ nhà lãnh đạo đối lập Nga Alexei Navalny nghi bị đầu độc, nhưng chính quyền của ông vẫn chưa thấy bất kỳ bằng chứng nào, theo Reuters.
“Thật bi thảm, thật khủng khiếp, chuyện đó không nên xảy ra. Chúng tôi chưa thấy bất kỳ bằng chứng nào, nhưng tôi sẽ xem xét sự việc”, ông Trump nói trong cuộc họp báo ở Nhà Trắng, đề cập đến trường hợp nhà lãnh đạo đối lập Nga Alexei Navalny.
Chính phủ Đức hôm 2/9 cho biết, các kết quả xét nghiệm máu thực hiện tại một phòng thí nghiệm quân sự của Đức cho thấy, ông Navalny đã bị đầu độc bằng chất độc thần kinh Novichok. Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg hôm 4/9 đã lên án “âm mưu ám sát kinh hoàng” nhằm vào ông Navalny và kêu gọi Moscow trả lời các câu hỏi về vụ đầu độc cho các nhà điều tra quốc tế.
Tổng thống Iran chỉ trích các nước không chống đối lệnh trừng phạt của Mỹ
Tổng thống Hassan Rouhani hôm nay chỉ trích các bạn bè của Iran vì đã không đứng lên chống lại Hoa Kỳ và phá vỡ các lệnh trừng phạt trong bối cảnh dịch virus corona đang hoành hành, theo Reuters.
“Trong những tháng qua kể từ khi virus corona bùng phát ở đất nước chúng tôi … không ai đến giúp đỡ chúng tôi cả”, ông Rouhani phát biểu. Sau đó, ông chỉ trích Mỹ và cho rằng Washington đáng lẽ nên “dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt trong một năm vì virus corona”.
Tổng thống Iran nói thêm: “[Chúng tôi] vẫn chưa thấy một quốc gia thân thiện nào nói với chúng tôi rằng trong bối cảnh dịch virus corona rất khó khăn này, và vì lợi ích của nhân loại ‘chúng tôi sẽ đứng lên chống lại Mỹ’ và làm ăn với Iran bất chấp những lời đe dọa trả đũa của Mỹ”.
Hàng trăm học sinh Thái Lan biểu tình
Reuters đưa tin, hàng trăm học sinh trung học hôm nay đã biểu tình ở Bangkok để yêu cầu cải cách hệ thống giáo dục mà họ cho là đã lỗi thời.
Hơn 600 sinh viên đã tập hợp bên ngoài Bộ giáo dục ở Bangkok. Họ kêu gọi quyền tự do bày tỏ suy nghĩ của mình ở trường và nới lỏng các quy tắc cứng nhắc về đồng phục và hành vi.
“Nền giáo dục Thái Lan đã biến chúng tôi thành những con rối”, Supicha “Menu” Chailom, 18 tuổi, nói. “Chúng tôi không phải là những người máy của hệ thống, chúng tôi là thanh niên và có quyền thể hiện bản thân”.
Bộ trưởng Giáo dục Nataphol Teepsuwan nói với các phóng viên rằng ông tôn trọng quyền của học sinh.
“Các vấn đề mà giới trẻ nêu ra là những điều chúng tôi có thể đồng ý sau khi cân nhắc, miễn là chúng tôi tôn trọng lẫn nhau và các quy tắc”, ông Teepsuwan nói.

0 comments

Leave a comment

Powered by Blogger.