Tin Việt Nam – 25/07/2020
Saturday, July 25, 2020
8:10:00 PM
//
- Slider
,
- Tin Việt Nam
Con lãnh đạo lại làm lãnh đạo – dân cười, vì sao? – Diễm Thi, RFA
Cả họ làm quan
Chuyện ông Nguyễn Nhân Chinh được điều động làm bí thư thành ủy Bắc Ninh bị dư luận xã hội đem ra châm chọc, mỉa mai trên mạng xã hội kèm những icon mặt cười. Chẳng hạn như: “Một người làm quan cả họ được nhờ. Cả họ làm quan, chất kịch độc cho dân tộc”; “Tương lai dân Bắc Ninh sẽ giỏi cờ vua”; “Nhân giống thuần chủng”; “Nguyễn Thành Ủy con của Nguyễn Tỉnh Ủy, cháu Nguyễn Quân Ủy. Ủy nào cũng là quỷ”…
Ông Nguyễn Nhân Chinh tốt nghiệp đại học chuyên ngành cờ vua; thạc sĩ quản lý giáo dục. Vào đảng năm 2011. Ông Chinh là con trai ruột của ông Nguyễn Nhân Chiến, đương kim ủy viên trung ương đảng, bí thư tỉnh uỷ, trưởng đoàn đại biểu quốc hội tỉnh Bắc Ninh.
Báo trong nước dẫn lời ông Vũ Quốc Hùng, nguyên ủy viên trung ương đảng, nguyên phó chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương rằng, ông chưa tiếp cận với văn bản nào cấm việc bố làm bí thư tỉnh ủy và con làm bí thư thành ủy.
Ông Trần Văn Lĩnh, nguyên thành viên Hội đồng Nhân dân Đà Nẵng từng nói với RFA rằng, luật pháp phải có quy định. Quyền lực nếu không muốn trở thành một trò chơi nguy hiểm cho chính nó và cho cả chế độ thì quyền lực ấy phải được kiểm soát bởi một chế độ kiểm soát quyền lực. Cho đến giờ này, luật pháp Việt Nam không có đoạn nào cấm người ta sử dụng con cháu vào cơ quan hay tổ chức của mình cả. Điều đó chỉ có quy định trong nội bộ đảng thôi.
Họ cười cợt là phải vì hầu như họ thấy những chức vụ trong chính quyền nó giống như là những món quà trong gia đình người ta ban phát cho nhau. – Luật sư Đặng Đình Mạnh
Luật sư Đặng Đình Mạnh nêu suy nghĩ của ông về phản ứng của những người dân khi các lãnh đạo lại có con làm lãnh đạo như trường hợp ông Nguyễn Nhân Chinh:
“Họ cười cợt là phải vì hầu như họ thấy những chức vụ trong chính quyền nó giống như là những món quà trong gia đình người ta ban phát cho nhau. Ví dụ như người vừa được điều động làm Bí thư Thành ủy Bắc Ninh, về học vấn lại là cử nhân cờ vua mà lại nắm một chức vụ rất cao trong đảng như vậy. Trong tỉnh Bắc Ninh thì ông cha là người đứng đầu, Bí thư tỉnh ủy, còn ông con là Bí thư Thành ủy Bắc Ninh, một thành phố thủ phủ của tỉnh Bắc Ninh.”
Sở dĩ người dân mỉa mai, cười cợt như vậy có lẽ vì đây không phải lần đầu họ được nghe những tân lãnh đạo có quan hệ thân thuộc ruột thịt với những vị lãnh đạo đương chức. Có những ‘con quan’ giữ chức cao khi còn rất trẻ, con đường thăng tiến quá nhanh.
Một trong những lãnh đạo nổi tiếng trên mạng xã hội với việc ‘cả họ làm quan’ hai năm trước đây là ông Triệu Tài Vinh ở tỉnh Hà Giang. Gia đình ông có ít nhất 8 người thân ruột thịt và họ hàng làm công chức nhiều ban ngành, địa phương trong tỉnh. Trong đó có vợ ông, em trai ông, em gái ông, em rể ông, anh và em họ ông.
Còn những trường hợp con quan lại làm quan khi còn rất trẻ có thể kể đến là ông Nguyễn Xuân Anh là con ông Nguyễn Văn Chi, nguyên Chủ nhiệm Ủy Ban Kiểm Tra Trung ương. Ông Anh được đề bạt lên tới chức bí thư tỉnh ủy Thành phố Đà Nẵng khi chưa đầy 40 tuổi; Nguyễn Thanh Nghị con trai cựu Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, được giữ chức Phó chủ tịch Kiên Giang khi mới 38 tuổi và năm sau thì được làm bí thư tỉnh khi mới 39 tuổi; Lê Phước Hoài Bảo là con trai nguyên Bí thư tỉnh ủy Quảng Nam Lê Phước Thanh, được bổ nhiệm chức giám đốc Sở Kế hoạch – Đầu tư khi mới 30 tuổi; Lê Trương Hải Hiếu, là con trai nguyên Bí thư thành ủy TP. HCM Lê Thanh Hải, được đề bạt lên phó bí thư quận ủy, chủ tịch quận 12 khi mới 34 tuổi…
PGS-TS Hoàng Dũng nhận định, một người nào đó con ông to tiếp tục làm quan chỉ là bề ngoài. Đằng sau nó là vấn đề thể chế:
“Sở dĩ ở Việt Nam người ta phản ứng ầm ỹ vì ai cũng biết đằng sau việc thăng quan tiến chức đó không phải do lựa chọn một cách dân chủ, mà do ý chí của một người có quyền lực họ đưa lên. Như thế, đằng sau nó là một thể chế chứ không phải là một phản ứng xã hội bình thường đâu.”
Liệu có thực tài?
Trong một lần trao đổi với báo chí bên hành lang Quốc hội vào năm 2015, Phó bí thư Thành ủy TP.HCM, bà Nguyễn Thị Quyết Tâm phát biểu rằng, con em lãnh đạo lại tiếp tục được giao trọng trách lãnh đạo thì đó là điều hạnh phúc của dân tộc, của đảng. Không có gì nghi ngại cả. Đó là sự kế thừa truyền thống, họ giữ gìn truyền thống đó và biết phát huy truyền thống đó để làm tiếp sự nghiệp mà cha ông họ đã đi.
Theo bà, ở tuổi trên dưới 40 không thể gọi là trẻ để đảm nhận những chức danh như bí thư tỉnh ủy.
Không chỉ bà Nguyễn Thị Quyết Tâm phát biểu như vậy, bà Bùi Thị An, đại biểu quốc hội Hà Nội nhiệm kỳ 2011 – 2016 cũng từng nói, có những gia đình có tố chất di truyền. Tố chất ấy được thể hiện trong lãnh đạo, trong các ngành chuyên môn.
Luật sư Đặng Đình Mạnh cho rằng, người dân phản ứng là họ lên tiếng về vấn đề bổ nhiệm chứ không phải chuyện có tài hay không. Ông nói:
“Cũng có thể họ có tài thật sự nhưng có điều chưa thấy cái tài nó phát lộ ra, công chúng không nhìn thấy. Nhưng đó không phải là điều công chúng quan tâm. Điều họ quan tâm là đầu vào của chức vụ lãnh đạo. Họ quan tâm là tại sao, bằng cách nào mà người đó lại giữ chức vụ cao như vậy? Nếu như họ không phải là con các quan chức lãnh đạo thì liệu họ có khả năng leo lên chức vụ cao như vậy không?”
Nói cho đúng thì không phải cứ con lãnh đạo thì không có thực tài. Nhưng như đã nói, nếu mà theo một sự lựa chọn bình thường thì khó lòng mà tưởng tượng họ đi lên nhanh như vậy. – PGS-TS Hoàng Dũng
Theo ghi nhận của RFA, người dân phản ứng với việc ‘con quan lại làm quan’ không hẳn vì khả năng, vì thực tài của những con quan đó. Điều người dân quan tâm là làm sao để tất cả những ai có thực tài đều có cơ hội bước vào các vị trí lãnh đạo trong chính phủ để xây dựng đất nước. Với thể chế như hiện
nay thì những cán bộ thực tài có thể sẽ bị mang tiếng oan, có những người thực sự giỏi không được trọng dụng.
PGS-TS Hoàng Dũng nêu nhận xét:
“Nói cho đúng thì không phải cứ con lãnh đạo thì không có thực tài. Nhưng như đã nói, nếu mà theo một sự lựa chọn bình thường thì khó lòng mà tưởng tượng họ đi lên nhanh như vậy. Tại sao họ đi lên nhanh được như thế? Cái đó do quyền lực thôi. Do ý chí của một cá nhân nào đó đưa người này người kia lên theo kiểu mà người ta gọi là ‘nhất quan hệ’…
Một người nào đó con ông to tiếp tục làm quan chỉ là bề ngoài. Nó đặt ra vấn đề là đất nước chọn người lãnh đạo không qua bầu cử thực sự dân chủ. Chính vì thế mà có thể có một con quan to có năng lực thực sự có thể bị mang tiếng oan. Mà người muốn đưa người này lên đôi khi họ cũng ngại vì mang tiếng.”
Ở Việt Nam cũng có những cuộc thi tuyển công chức hoặc những cuộc thi tuyển lãnh đạo, nhưng đa số người dân cho rằng đó chỉ là “đầu voi, đuôi chuột”. Những cuộc thi tuyển như vậy không bảo đảm được mức độ công bằng, vô tư, khách quan mà hầu như chỉ mang tính hình thức.
Virus corona: VN dừng nhập khẩu động vật hoang dã
Chính phủ Việt Nam vừa ban hành chỉ thị dừng nhập khẩu động vật hoang dã “cho đến khi có chỉ đạo mới”, để ngăn chặn dịch Covid-19 bùng phát mạnh hơn.
Chỉ thị do Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc ban hành hôm 23/7 cũng yêu cầu “kiên quyết loại bỏ” các chợ động vật hoang dã, bao gồm các chợ trực tuyến.
Việt Nam trước đây đã bị cáo buộc nhắm mắt làm ngơ trước việc bán các sản phẩm như vảy tê tê và sừng tê giác – thường được sử dụng trong y học cổ truyền.
Các nhà khoa học từ lâu đã cảnh báo rằng việc buôn bán động vật hoang dã có thể tạo điều kiện cho bệnh tật sinh sôi và lây lan.
Nguồn gốc của đại dịch Covid-19 hiện tại được cho là liên quan tới việc buôn bán động vật hoang dã, cụ thể là từ loài dơi, sau đó lây sang người thông qua một loài khác chưa được xác định, có thể bao gồm chuột, cầy hương và tê tê.
Chỉ thị này cho hay: “Dừng nhập khẩu động vật hoang dã còn sống hay đã chết, trứng, ấu trùng, bộ phận, dẫn xuất của các loài động vật hoang dã (trừ các loài thủy sản phục vụ sản xuất, chế biến làm thực phẩm, thức ăn chăn nuôi đã được công bố theo quy định của pháp luật; bộ phận của động vật hoang dã đã được chế biến, xử lý làm dược liệu, làm nguyên liệu phục vụ sản xuất hoặc sản phẩm hoàn chỉnh) đến khi có chỉ đạo mới của Thủ tướng Chính phủ hoặc trường hợp đặc biệt được Thủ tướng Chính phủ cho phép.”
“Mọi trường hợp nhập khẩu động vật hoang dã trái với Chỉ thị này phải xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật đối với động vật hoang dã bất hợp pháp; đối với động vật hoang dã được cơ quan thẩm quyền quản lý CITES nước ngoài cấp giấy phép xuất khẩu vào Việt Nam, cơ quan Hải quan cửa khẩu yêu cầu chủ hàng trả về nơi xuất khẩu.”
“Trường hợp chủ hàng không thực hiện hoặc hàng hóa không xác định được chủ hàng thì xử lý theo quy định pháp luật Việt Nam đối với động vật hoang dã bất hợp pháp.”
“Kiên quyết loại bỏ các khu vực chợ, tụ điểm mua bán động vật hoang dã trái pháp luật. Kiểm soát chặt chẽ và xử lý nghiêm các hành vi săn, bắt, mua, bán, vận chuyển, giết mổ, tiêu thụ, tàng trữ, quảng cáo, xâm hại động vật hoang dã trái pháp luật, nhất là động vật hoang dã thuộc lớp thú, chim, bò sát trong môi trường tự nhiên.”
“Mọi công dân, đặc biệt là cán bộ, công chức, viên chức và người thân không tham gia săn, bắt, mua, bán, vận chuyển, giết mổ, tiêu thụ, tàng trữ, quảng cáo động vật hoang dã trái pháp luật.”
Chỉ thị này cũng yêu cầu các địa phương tăng cường giám sát đối với hoạt động gây nuôi động vật hoang dã, trong đó có việc thí điểm nuôi hổ.
Thủ tướng Phúc cũng yêu cầu Bộ Công an tập trung triệt phá các đường dây tội phạm liên quan đến động vật haogn dã, đặc biệt là các đường dây xuyên quốc gia và các trang thông tin điện tử mua bán động vật hoang dã trái phép.
Bộ Y tế được giao “chỉ đạo rà soát, quản lý các cơ sở kinh doanh y, dược, các cơ sở sản xuất thuốc, sản phẩm y tế có sử dụng các thành phần từ động vật hoang dã, đảm bảo chỉ sử dụng động vật hoang dã có nguồn gốc hợp pháp trong lĩnh vực y, dược”.
“Việt Nam sẽ được chúc mừng vì đã nhận ra rằng Covid-19 và các đại dịch khác có liên quan đến buôn bán động vật hoang dã”, Steven Galster, chủ tịch của nhóm chống buôn người Freeland nói.
“Việc buôn bán động vật hoang dã phải bị cấm như là một vấn đề của an ninh y tế quốc tế và sức khỏe cộng đồng,” ông nói thêm.
‘Chưa đủ’?
Tuy nhiên, một số người cho rằng lệnh cấm không đi đủ xa.
“Lệnh cấm tiêu thụ động vật hoang dã được đề cập trong chỉ thị là không đủ vì việc sử dụng động vật hoang dã làm thuốc hoặc làm thú cưng không được nhắc đến,” ông Nguyễn Văn Thái, giám đốc tổ chức Save Vietnam’s Wildlife nói.
Vào tháng Hai, một loạt các nhóm bảo tồn đã gửi một bức thư chung kêu gọi chính phủ “xác định và đóng cửa các thị trường và các địa điểm buôn bán động vật hoang dã bất hợp pháp”, hãng tin Reuters đưa tin.
Sau khi bị ảnh hưởng nặng nề bởi các dịch bệnh trước đó, Việt Nam lần này đã áp đặt các biện pháp phong tỏa chặt chẽ từ sớm, và đã báo cáo không có trường hợp tử vong do nào do virus corona.
Mới đây, một số nhà khoa học Việt Nam và quốc tế đã công bố nghiên cứu cho hay tìm thấy sáu chủng virus corona trong động vật hoang dã tại Việt Nam.
Còn theo điều tra của BBC News Tiếng Việt hồi tháng 4/2020, nhiều loại sản phẩm động vật hoang dã, trong đó có cao hổ cốt, được rao bán nhiều trên mạng.
Sẽ dùng máy bay phun thuốc diệt châu chấu sa mạc
nếu xâm nhập vào Việt Nam
Bình luậnKhôi Nguyên
Ông Nguyễn Quý Dương, Phó Cục trưởng Bảo vệ thực vật (BVTV) nói: “Phía Bộ Quốc phòng có thể dùng máy bay mang 500 lít thuốc trừ sâu để phun diệt đàn châu chấu nếu xâm nhập vào Việt Nam”.
Truyền thông trong nước sáng nay (ngày 25/7 dẫn thông tin từ ông Dương cho biết, đang xây dựng kịch bản chi tiết ứng phó với dịch châu chấu sa mạc, trong đó, sử dụng công nghệ viễn thám để theo dõi di cư, dùng máy bay để phun thuốc diệt châu chấu sa mạc nếu xâm nhập vào Việt Nam.
Trước đó, Bộ tham mưu Quân khu 2 cho biết, từ ngày 20/7, tại khu vực 4 bản là Bú Nhù Khó, Tá Miếu, Tả Gó Ky và A Pa Chải thuộc xã Xín Thầu, huyện Mường Nhé (Điện Biên) phát hiện châu chấu bay từ hướng biên giới Trung Quốc sang phá hoại rừng tre, nứa, hoa màu tại địa phương.
Quan sát cho thấy, đàn châu chấu này mật độ khoảng 100-200 con/m2, di cư không ổn định. Thống kê thiệt hại, Điện Biên có khoảng 40 ha rừng tre nứa, 20 ha hoa màu (trong đó 5 ha hoa màu thiệt hại 70%) bị thiệt hại do châu chấu tấn công.
Đàn châu chấu trên có phải là châu chấu sa mạc đang gây thiệt hại lớn ở châu Phi, Nam Á?
Ông Nguyễn Quý Dương khẳng định, đàn châu chấu này không phải là châu chấu sa mạc mà là châu chấu tre lưng vàng. Loài châu chấu tre này vẫn xuất hiện hàng năm ở khu vực này và di cư qua lại giữa Việt Nam, Trung Quốc và Lào.
Ông Dương cho biết, châu chấu tre lưng vàng xuất hiện từ năm 2016-2017, và hiện có ở một số vùng tại Thanh Hóa, Điện Biên, Cao Bằng, Sơn La, Quảng Ninh. Loại châu chấu này chủ yếu ở trong rừng, ăn tre, luồng và một số cây nông nghiệp đặc biệt là ngô.
Châu chấu sa mạc trưởng thành có thể di chuyển trên 100 km trong một ngày. (Ảnh chụp màn hình)
Sau khi gây hại ở các nương ngô, chúng thường quay về rừng. Châu chấu tre thường di cư từ Lào sang Việt Nam, nhưng năm nay, đàn châu chấu di cư từ Trung Quốc. Cục đã chỉ đạo Chi cục BVTV Điện Biên kiểm tra, theo dõi.
Nguyên nhân châu chấu từ Trung Quốc tràn sang Việt Nam
Chiều 24/7, Sở NN&PTNT tỉnh Điện Biên cho biết, nguyên nhân khiến châu chấu từ Trung Quốc tràn sang 4 bản của tỉnh Điện Biên có thể là do huyện biên giới nước này đang dùng flycam để phun thuốc diệt châu chấu.
Ông Nguyễn Trọng Kính, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ thực vật (BVTV) tỉnh Điện Biên thông tin, loài châu chấu này chủ yếu gây hại trên tre, nứa. Tuy nhiên, khu vực xã Sín Thầu, huyện Mường Nhé có số lượng tre trúc không nhiều nên đàn châu chấu xuống gây hại cho ngô.
Trước đó, ngày 22/7, UBND huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên nhận được công hàm từ chính quyền huyện tự trị dân tộc Nhi, Hà Nhì, Gianh Thành (tỉnh Vân Nam, Trung Quốc) thông báo sử dụng thiết bị bay không người lái để phun thuốc diệt châu chấu lưng vàng trong phạm vi Trung Quốc ở khu vực biên giới Việt Nam-Trung Quốc.
Công hàm nêu rõ hiện tại, ở khu vực biên giới Trung Quốc-Việt Nam xuất hiện một lượng lớn châu chấu tre lưng vàng, uy hiếp nghiêm trọng tới sinh thái khu vực biên giới.
Đàn châu chấu từ Trung Quốc tràn qua Việt Nam (Ảnh chụp từ video của Nông Nghiệp Việt Nam)
Theo công hàm, huyện Giang Thành dự định sử dụng thiết bị bay không người lái để phun thuốc trong thời gian từ cuối tháng 7 tới cuối tháng 10 tại khu vực 25 km tính từ đường biên giới 2 nước về phía Trung Quốc.
Phía huyện Giang Thành căn cứ vào tình hình thời tiết thực tế để tiền hành phun thuốc bằng thiết bị bay không người lái diệt châu chấu trong thời gian thích hợp.
Rồng Việt Nam đang bị ‘tham nhũng đè cổ’
Ít nhất trong tám năm qua, việc chống tham nhũng ở Việt Nam vẫn hầu như chưa giải quyết được gì nhiều, theo bình luận của kinh tế gia Bùi Kiến Thành từ Việt Nam.
Một chuyên gia kinh tế, tài chính, đồng thời là người từng cung cấp lời khuyên tư vấn cho chính phủ Việt Nam thời kỳ tiền đổi mới, nói với BBC ông tin rằng đảng và nhà nước vẫn chưa làm được gì nhiều trong vấn đề chống tham nhũng.
Ý kiến này còn nói rằng nếu không giải quyết được tham nhũng của chế độ thì các tổn phí do tham nhũng gây ra sẽ ‘đè cổ’ khiến Con Rồng Việt Nam không thể nào cất cánh ‘bay lên’.
Trao đổi với BBC News Tiếng Việt từ Hội An hôm 23/7/2020 trong một chương trình hội luận vào thứ Năm, ông Bùi Kiến Thành nói:
“Vấn đề hệ trọng của Việt Nam hiện nay là gì là vấn đề tham nhũng, ăn cắp ở trong các cơ quan của nhà nước.
“Nếu không giải quyết được thì nó ảnh hưởng đến sự tồn vong của chế độ và tồn vong của đảng Cộng sản, đấy là Nghị quyết Trung ương IV (khóa 8) đã đề ra mà chúng ta đã giải quyết được đâu… Từ 2012 đến bây giờ, chúng ta đã làm được những gì để giải quyết vấn đề này?
“Hiện bây giờ đảng Cộng sản do Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đưa ra những giải pháp làm cái lò này, lò kia, nhưng mà nó có giải quyết được vấn đề gì đâu? Nó vẫn chưa đốt được bao nhiêu sự tham nhũng của chế độ…”
Rồng bị đè cổ thế nào?
Liên hệ vấn đề này với lĩnh vực đầu tư công, kinh tế gia Bùi Kiến Thành nói tiếp:
“Đây không phải là vấn đề riêng của đầu tư công, mà đầu tư công cho ta thấy ảnh hưởng của vấn đề tham nhũng trong chế độ đưa đến những kết quả kinh tế như thế nào.
“Vì vậy cho nên ngoài vấn đề đầu tư công ra, thì kinh tế Việt Nam bị bao nhiêu là ảnh hưởng, theo báo chí Việt Nam, theo Ngân hàng Thế giới (World Bank), những chi phí không chính thức của Việt Nam trong hoạt động kinh tế chiếm từ 5%-10% của giá thành sản phẩm.
“Thì làm sao mà có thể cạnh tranh với thế giới, trong khi chúng ta bị 5-10% phí không chính thức đè cổ lên con rồng Việt Nam, thì làm sao mà nó bay được lên nổi.
“Vì vậy vấn đề đó là vấn đề then chốt của Việt Nam để phát triển kinh tế, phải nhất quyết, quyết liệt giải quyết vấn đề tham nhũng từ trên xuống dưới, từ các cấp ngành trung ương cho tới làng xã đều phải lo mà giải quyết.
“Hiện nay từ các xã tới trung ương, nhân dân phản đối vấn đề cán bộ của đảng và nhà nước áp bức nhân dân trong vấn đề chống tham nhũng, chúng ta không thể nào để tồn tại vấn đề như thế được.
“Đây là phận sự của nhà nước phải lo giải quyết, đấy là những vấn đề nó nằm ở trong cái lõi nhân, nó không phải là vấn đề mà chúng ta coi là đơn giản đâu,” ông Bùi Kiến Thành nói với cuộc hội luận trực tuyến hôm thứ Năm trên kênh Facebook của BBC News Tiếng Việt.
Đưa dân vào giám sát?
Bình luận về vấn đề này cũng tại thảo luận trên, nhà phân tích chính sách công từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Phạm Quý Thọ nói:
“Nói chung, chống tham nhũng thì là đúng rồi, nhưng mà đằng sau nó phải có một cải cách triệt để và có những cái theo tôi là phải đưa nhân dân vào không chỉ giám sát mà phải có tiếng nói một cách có trọng lượng, thì nó mới giám sát được quyền lực.
“Không chỉ giám sát quyền lực theo cách tự mình giám sát, như đảng Cộng sản nói, gần đây chúng ta thấy rằng Thanh tra Chính phủ thấy cần đưa ra một nghị định hay một văn bản có tính chất quy phạm pháp luật về giám sát tài sản của cán bộ.
“Tuy nhiên rất là lâu, từ 2019 cho đến bây giờ vẫn chưa ra được văn bản đó, một Vụ trưởng của cơ quan này đưa ra giải thích rằng sự chậm chễ này là do phải ‘xin ý kiến Đảng’ rất nhiều lần, vì các cơ quan Đảng, rồi của Chính phủ rất khác nhau về quản lý cán bộ.
“Người thì thuộc diện đảng quản lý, người thì thuộc chính phủ v.v…, rất nhiều cơ quan chồng chéo khác nhau, xin ý kiến rất nhiều lần mà không được và cuối cùng người ta có một phương án trung gian, tức là một văn bản phối hợp giữa các cơ quan với nhau, một bản quy ước, hay là cam kết để thỏa thuận với nhau rằng khi có tham nhũng thì các cơ quan này phải làm gì, như thế nào để cho việc chống tham nhũng, giám sát tài sản làm được.
“Còn nếu không giám sát được tài sản, thì việc nói là chống tham nhũng thì cũng bằng thừa, tức là không thể chống được tham nhũng mà người dân thì người ta lại nhìn thấy rất là rõ.
“Bởi vì tại sao ông này lúc chưa khi làm lãnh đạo thì ông nghèo thế, hoặc là bình thường thôi, thế mà tự nhiên ông làm lãnh đạo một cái thì là đủ mọi thứ có thể có từ biệt thự v.v… và những vụ kỷ luật thì cũng chưa thực sự làm thuyết phục người dân.
“Thí dụ như vụ ở Yên Bái chẳng hạn, một ông Giám đốc Sở Tài nguyên& Môi trường có một biệt thự rất lộng lẫy như thế mà được giải thích rằng đi buôn chổi đót, rồi đi làm cái này, cái kia, thì tôi nghĩ rằng chẳng người dân nào người ta ý kiến đó cho rằng là thuyết phục cả.
“Thế thì điều đó rất là quan trọng, tôi nghĩ rằng ở đây phải cải cách thể chế, thứ nhất phải rất rõ ràng là giữa đảng và chính phủ và những cơ quan chính phủ là phải thống nhất với nhau trong giải quyết vấn đề này.
“Thứ hai nữa là nhân dân phải là một trong những đối trọng rất là cần thiết, không chỉ giám sát mà còn có những ý kiến phản biện và nhà nước, đảng phải có những cơ chế để tiếp thu ý kiến của người dân một cách hết sức là chân tình, xây dựng, thì may ra mới có thể hạn chế được tham nhũng, chứ tôi chưa nói rằng là có thể triệt tiêu được tham nhũng ở đất nước này trong quá trình chuyển đổi kinh tế sang thị trường,” nguyên Chủ nhiệm Khoa Chính sách công, Học viện Chính sách và Phát triển, Bộ Kế hoạch & Đầu tư nói với BBC.
Đánh thuế tham nhũng là sao?
Bình luận thêm về vấn đề này, để giải quyết hiệu quả, bản chất và cụ thể việc chống tham nhũng được cho là lâu này vẫn ‘lòng vòng, không đi đến đâu’, kinh tế gia Bùi Kiến Thành nêu ý kiến:
“Chúng ta phải xem những nước tiên tiến người ta giải quyết vấn đề tham nhũng như thế nào. Ví dụ như bên Pháp, tất cả các công chức mỗi năm đều khai lợi tức của mình trong năm.
“Những lợi tức nào đều có nguồn gốc mà anh nộp thuế thì không có vấn đề, nhưng mà nếu lợi tức nào mà không có nguồn gốc, thì anh phải chứng minh nguồn gốc, anh không chứng minh được nguồn gốc, nhà nước có quyền phạt anh và tịch thu tất cả những nguồn lợi tức mà không chứng minh được nguồn gốc.
“Chẳng những phạt anh mà thôi, mà còn đưa ra hình sự, phàm anh chứng minh được những việc làm của anh là hợp pháp, còn không nếu mà không hợp pháp thì xử lý hình sự anh luôn, thì nó mới rõ ràng.
“Chứ còn như những gì đưa ra Quốc hội Việt Nam, những tài sản nào không chứng minh được, những nguồn tư lợi nào không chứng minh được, thì đánh thuế. Đánh thuế như thế là cái gì?
“Đánh thuế trên tham nhũng là sao? Những tư lợi đánh cắp, tham nhũng của người ta thì làm sao gọi là đánh thuế được?
“Cho nên vấn đề đó, chính sách chưa có rõ ràng và nhà nước chưa có quyết liệt để giải quyết tham nhũng nói riêng…, từ trên xuống dưới… anh vẫn chưa có quyết tâm, quyết liệt để làm việc này.
“Đây là một việc mà Đại hội tới đây phải giải quyết sao cho quyết liệt, chứ không thể nào để như thế này cứ tiếp diễn được, mà giải pháp có chứ không phải là không có. Anh phải cố gắng nghiên cứu để áp dụng.
“Chứ còn cứ nể nang với nhau, rồi đưa ra những giải pháp cảnh cáo, rồi này nọ kia khác, nhưng chưa đi đến đâu, anh phải giải quyết thẳng thắn cả đảng viên, cũng như với nhân dân, mọi sự phải bình đẳng luật pháp, cái gì mà tham nhũng thì phải rõ ràng giải quyết theo luật tham nhũng, là phải tịch thu và nếu anh làm những việc đó bất hợp pháp, thì phải áp dụng hình sự cho rõ ràng.
“Còn như bây giờ thì không ai sợ cả, có ai sợ đâu? Anh vẫn là làm bí thư này, em vẫn là làm chức kia, vẫn tham nhũng, chẳng ai động đến anh cả, vậy ai còn sợ nữa?
“Gần đây nhiều việc rất nghiêm trọng có ảnh hưởng đến tiền đồ của Tổ quốc, của quốc gia, chứ không phải là vấn đề đơn giản đâu, nên phải khuyến cáo việc đó là phải cực kíp, quyết liệt quan tâm vấn đề này,” ông Bùi Kiến Thành nhấn mạnh.
Ông Nguyễn Phú Trọng: ’Thống nhất quan điểm
xử lý về Nhật Cường, Sagri, Sabeco’
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng khẳng định đã chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, thống nhất quan điểm xử lý đối với các vụ án lớn.
Theo Thông tấn xã Việt Nam, đó là các vụ: Vụ án xảy ra tại Công ty Nhật Cường và một số đơn vị liên quan; vụ án xảy ra tại Tổng Công ty Nông nghiệp Sài Gòn (Sagri); vụ án xảy ra tại Tổng Công ty bia-rượu-nước giải khát Sài Gòn (Sabeco); vụ án xảy ra tại Ban Quản lý Dự án đường cao tốc Đà Nẵng-Quảng Ngãi; vụ án xảy ra tại Công ty Gang thép Thái Nguyên.
Ông Nguyễn Phú Trọng ngày 25/7 đã chủ trì cuộc họp của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng.
Báo cáo tại cuộc họp cho hay trong 6 tháng đầu năm, các cơ quan tố tụng, thi hành án dân sự trong cả nước đã thu hồi được trên 37.000 tỷ đồng.
Riêng các vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo đã thu hồi, tạm giữ, kê biên, phong tỏa, ngăn chặn tẩu tán tài sản trị giá trên 11.700 tỷ đồng và nhiều tài sản, bất động sản có giá trị khác.
Về nhiệm vụ trọng tâm những tháng cuối năm 2020, Ban Chỉ đạo này nói sẽ tập trung chỉ đạo hoàn thành xét xử sơ thẩm 09 vụ án trọng điểm, gồm:
(1) Vụ án “Vi phạm các quy định về quản lý đất đai” xảy ra tại Tổng Công ty bia rượu nước giải khát (Sabeco), Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh;
(2) Vụ án “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát lãng phí” liên quan đến dự án 8-12 Lê Duẩn, Quận 1, TP Hồ Chí Minh;
(3) Vụ án “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản, Vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng” xảy ra tại BIDV và các đơn vị liên quan;
(4) Vụ án “Vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Dự án xây dựng nhà máy Ethanol Phú Thọ;
(5) Vụ án “Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng; Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí” xảy ra tại Công ty cổ phần Tập đoàn Yên Khánh và các đơn vị có liên quan;
(6) Vụ án “Vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng; Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí” xảy ra tại Dự án cải tạo và mở rộng sản xuất giai đoạn 2 – Công ty Gang thép Thái Nguyên;
(7) Vụ án “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí” xảy ra tại Tổng Công ty Nông nghiệp Sài Gòn;
(8) Vụ án “Vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng xảy ra tại Ngân hàng Phương Nam (Sacombank)”;
(9) Vụ án “Vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Dự án cao tốc Đà Nẵng-Quảng Ngãi.
Danh sách 9 vụ án trọng điểm này không nêu tên vụ Nhật Cường.
Vụ án liên quan tới Công ty Nhật Cường được báo chí đăng tải nhiều trong những tháng qua sau các hoạt động kinh doanh, trúng thầu… liên quan tới một số dự án thuộc Thành phố Hà Nội bị cho là có sai phạm.
Là tổng giám đốc Công ty Nhật Cường, ông Bùi Quang Huy bị khởi tố về bốn tội danh: buôn lậu, trốn thuế, rửa tiền và vi phạm quy định về đấu thầu, gây hậu quả nghiêm trọng.
Bộ trưởng Công an, Đại tướng Tô Lâm mới đây khẳng định “Bằng mọi biện pháp, cách gì có thể làm được thì đều làm để bắt được ông Bùi Quang Huy.”
“Đây là đối tượng chính để điều tra song việc này không ảnh hưởng nhiều đến kết quả công tác điều tra,” Bộ trưởng Tô Lâm nói thêm.
Covid-19: Thủ tướng Phúc nói
không để Đà Nẵng “vỡ trận”
Thủ tướng Việt Nam nói “có một bộ phận chủ quan, lơ là” không thực hiện đầy đủ các khuyến cáo về phòng chống dịch.
Ông Nguyễn Xuân Phúc được dẫn lời phát biểu trong một phiên họp của Chính phủ ngày 25/07 sau khi giới chức y tế cùng ngày xác nhận một ca nhiễm Covid-19 tại Thành phố Đà Nẵng.
Bệnh nhân 57 tuổi, hiện đang được cấp cứu, có xét nghiệm dương tính ít nhất 5 lần tại những bệnh viện khác nhau, kể cả Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương.
Ca nhiễm này chấm dứt 99 ngày không ghi nhận lây nhiễm trong cộng đồng trên toàn quốc.
Thông tin từ Tiểu ban Điều trị ngày 25/07 cho biết bệnh nhân nhiễm Covid-19 thứ 416 tại Đà nẵng ”diễn biến nặng”, phải can thiệp ECMO và ngành y tế huy động mọi nguồn lực cứu chữa bệnh nhân này.
Thành phố Đà Nẵng cũng vừa được yêu cầu tiến hành xét nghiệm diện rộng sau ca nhiễm mới này.
Trong khi ông Phúc đánh giá cao cố gắng trong thời gian qua của các ngành trong nỗ lực phòng chống dịch Cocid-19, ông cũng nói rằng “có một bộ phận chủ quan, lơ là, không thực hiện đầy đủ các khuyến cáo về phòng chống dịch của Ban Chỉ đạo Quốc gia và Bộ Y tế”.
“Với Đà Nẵng, tiếp tục điều tra, truy vết và thực hiện cách ly tập trung đối với những trường hợp F1 một cách an toàn; chỉ đạo, khoanh vùng, dập dịch, không để vỡ trận.”
“Các biện pháp mạnh như áp dụng công nghệ, biện pháp trực tiếp như đi từng ngõ, gõ từng nhà, truy vết tìm F0 tiếp tục được tổ chức quyết liệt, không thể chủ quan,” ông Phúc nói thêm.
Thủ tướng Việt Nam cũng đã yêu cầu kiểm tra biên giới, cửa khẩu một cách chặt chẽ, ngăn chặn nhập cảnh trái phép và yêu cầu Bộ Công an khởi tố điều tra đường dây đưa người bất hợp pháp.
Công an Đà Nẵng đã khởi tố vụ án “tổ chức cho người khác nhập cảnh vào Việt Nam trái phép” và bắt giữ ít nhất ba người.
Tin cho hay nhà chức trách Thành phố Đà Nẵng đang tiến hành quá trình tổng kiểm tra người nước ngoài tại Đà Nẵng và “tập trung vào người Trung Quốc” cư trú trên địa bàn.
Các trường hợp nhập cảnh trái phép sẽ bị coi như trường hợp nghi nhiễm và áp dụng cách ly y tế theo quy định.
Báo Tuổi Trẻ ngày 25/07 đưa tin “lại phát hiện nhiều người Trung Quốc nhập cảnh trái phép ở Đà Nẵng” trong đó có 9 người Trung Quốc nhập cảnh trái phép (2 người đang cách ly tại bệnh viện và 7 người được đưa đi cách ly tập trung), ngoài ra có 14 trường hợp ”chưa khai báo tạm trú”.
Công an TP Đà Nẵng cho biết ngày 11/07 đã phát hiện 4 người Trung Quốc nhập cảnh trái phép và ngày 16/7 phát hiện 27 người Trung Quốc nhập cảnh lậu.
An ninh Sân bay Nội Bài ngày 23/07 phát hiện 2 hành khách Trung Quốc dùng ”giấy tờ giả” định bay từ Hà Nội vào Tp HCM sau khi nhập cảnh “qua đường tiểu ngạch” từ Trung Quốc vào Việt Nam tại cửa khẩu Hà Giang.
Trong khi có lời kêu gọi “bình tĩnh không hoang mang” từ Thủ tướng Việt Nam, tỉnh Bắc Giang đã khuyến cáo cán bộ, công chức, viên chức và người dân tạm dừng đến Đà Nẵng trong thời gian này.
Văn bản chính quyền tỉnh ngày 25/7 nói “Những người từ Đà Nẵng về địa phương từ ngày 18/7 trở lại phải khai báo y tế và tự cách ly, theo dõi sức khỏe 14 ngày tại nhà”.
Quảng Ninh khởi tố nhóm ‘giúp nhập cảnh trái phép’
Trong diễn tiến liên quan, ngày 25/7, công an Quảng Ninh cho hay đã khởi tố, bắt tạm giam 6 đối tượng ở TP. Móng Cái để điều tra về hành vi “Tổ chức cho người khác nhập cảnh trái phép”.
Họ bị cáo buộc đã nhận đưa người từ Đông Hưng (Trung Quốc) nhập cảnh trái phép bằng bè xốp vượt sông biên giới mốc 1355, sau đó dùng xe máy đưa về trung tâm thành phố và nội địa của Việt Nam.
Ngày 10/6, họ đón 4 người Trung Quốc, khi đang di chuyển thì bị cơ quan chức năng phát hiện và bắt giữ.
Lại phát hiện thêm nhiều người Trung Quốc
nhập cảnh trái phép ở Đà Nẵng
Bình luậnMộc Uyển
Ngày 25/7, Công an quận Sơn Trà cho biết, sau khi ghi nhận trường hợp mắc COVID-19, Đà Nẵng tổng rà soát và phát hiện thêm nhiều người nước ngoài nhập cảnh và lưu trú trái phép, trong đó, chủ yếu là người Trung Quốc.
Truyền thông trong nước cho biết, tính đến trưa 25/7, Công an quận Sơn Trà đã kiểm tra 14 hộ gia đình có người nước ngoài ở, 374 nhà nghỉ, khách sạn, homestay, nhà cho người nước ngoài thuê, resort, chung cư… Qua đó phát hiện 9 trường hợp người Trung Quốc nhập cảnh trái phép, 14 trường hợp chưa khai báo tạm trú.
Trong số người Trung Quốc nhập cảnh trái phép, hiện 2 người đang cách ly tại bệnh viện, 7 người được đưa đi cách ly tập trung theo quy định. Những người này sẽ được lấy lời khai để cơ quan chức năng nắm rõ lịch trình, cũng như thủ thuật nhập cảnh trái phép.
Lực lượng chức năng kiểm tra người nước ngoài đang cư trú trên địa bàn quận Sơn Trà, Đà Nẵng. (Ảnh chụp màn hình)
Hiện tại, TP. Đà Nẵng vừa công bố ca bệnh 416 dương tính COVID-19 là người đàn ông 57 tuổi, ngụ quận Liên Chiểu. Lực lượng chức năng đã tích cực khoanh vùng, cách ly những người tiếp xúc với ca bệnh này và truy tìm nguồn lây.
Trước đó, Công an TP. Đà Nẵng phát hiện hơn 20 người nhập cảnh trái phép. Công an đã khởi tố vụ án và đang hoàn tất hồ sơ để khởi tố bị can những người tiếp tay cho việc đưa người nước ngoài nhập cảnh trái phép.
Tuyên truyền về chủ quyển biển,
đảo của Việt Nam ‘bị động’ trước Trung Quốc?
Thực tế trong thời gian qua cho thấy Việt Nam thường xuyên phải đối phó trước những sự việc đã rồi liên quan đến chủ quyền Biển Đông. Có thể kể đến những vụ như đoàn du khách Trung Quốc mặc áo có in bản đồ hình lưỡi bò xuống tại Sân Bay Cam Ranh, nhiều du khách Trung Quốc nhập cảnh với hộ chiếu có in hình lưỡi bò…
Việt Nam còn lơ là cảnh giác trong vấn đề tuyên truyền, đến độ hình đường lưỡi bò bị sót ngay cả trong những tài liệu phổ biến ở Việt Nam, như trong giáo trình “Luyện kỹ năng đọc hiểu Tiếng Hoa” tồn tại ở Việt Nam nhiều năm mới được phát hiện.
Trong khi đó, về mặt nổi việc tuyên truyền về chủ quyền biển đảo của Trung Quốc có thể thấy có chủ trương, có đường lối cụ thể. Điều này khiến nhiều người nêu câu hỏi cho rằng, liệu có phải Việt Nam thua Trung Quốc hoàn toàn trên mặt trận tuyên truyền về chủ quyền biển đảo?
TQ mạnh hơn VN gấp ngàn lần trong vấn đề tuyên truyền, về bài báo khoa học quốc tế, về chiếm lĩnh tất cả các hội nghị quốc tế, thì TQ là thượng thừa, trong khi VN đếm trên đầu ngón tay.
-NNC Đinh Kim Phúc
-NNC Đinh Kim Phúc
Trao đổi với Đài Á Châu Tự Do hôm 24 tháng 7 năm 2020 liên quan vấn đề này, Thạc sĩ Hoàng Việt, một nhà nghiên cứu biển Đông lâu năm, nói:
“Để mà so sánh thì phải nắm tường tận công việc của hai bên, nhưng hầu như hai bên đều giữ bí mật nên khó so sánh. Nhưng nếu chỉ nhìn bề nổi, thì Trung Quốc họ tuyên truyền rất bài bản và rộng khắp, từ các nhà khoa học, dân thường, cho đến các hoạt động sản xuất, hoặc các nhà ngoại giao… đều như là sứ giả, để mang thông điệp của Trung Quốc về vấn đề biển Đông đi khắp nơi.”
Còn đối với Việt Nam thì theo Thạc sĩ Hoàng Việt tiềm lực nhỏ hơn, xuất hiện trong giới khoa học cũng như cộng đồng quốc tế cũng không nhiều bằng Trung Quốc. Ông nói tiếp:
“Cho nên rõ ràng việc tuyên truyền ra tầm thế giới, cũng như thị trường Việt Nam thì các hàng hóa… hay bị Trung Quốc gài vào trong đó, cũng khiến cho Việt Nam lúng túng, trong khi Trung Quốc chủ động trong việc này, còn Việt Nam thì bị động chạy theo. Còn tuyên truyền nói chung thì Việt Nam cũng có tuyên truyền của mình, tuy nhiên mức độ hiệu quả như thế nào cũng khó đánh giá, vì chưa có một tổng kết chính xác để đánh giá.”
Một ví dụ mới nhất về việc tuyên truyền về chủ quyền biển đảo của Trung Quốc, là vào ngày 16 tháng 3 năm 2020, trang Facebook của Đại sứ quán Trung Quốc tại Ý đăng tải 2 hình ảnh với ý nghĩa là, Ý đã giúp Trung Quốc trong dịch SARS hồi năm 2008, Bắc Kinh không bao giờ quên và đến giờ là lúc Trung Quốc giúp lại Ý trong dịch COVID-19.
Tuy nhiên, cư dân mạng Việt Nam phát hiện một trong hai bức họa có bản đồ Trung Quốc kèm theo đường lưỡi bò (đường chữ U, đường 9 đoạn) do nước này tự vẽ ra bao trùm toàn bộ Biển Đông. Trong đó có cả bản đồ Đài Loan được đính kèm và tô cùng màu đỏ ngầm khẳng định Đài Loan thuộc về Trung Quốc.
Đến ngày 20 tháng 3 năm 2020, như thường lệ các phát ngôn nhân của Bộ Ngoại giao Việt Nam lại cho phát đi phát lại cái mà nhiều người trong nước ví như ‘đoạn băng rè’ như: …Lập trường của Việt Nam về vấn đề Biển Đông là rõ ràng và nhất quán… Việt Nam có đầy đủ cơ sở pháp lý và bằng chứng lịch sử khẳng định chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa… cũng như chủ quyền các vùng biển phù hợp với luật pháp quốc tế… Do đó, Việt Nam không công nhận bất kỳ yêu sách biển nào của Trung Quốc dựa trên cái gọi là ‘đường 9 đoạn’ tại Biển Đông…
Nhà nghiên cứu Mai Thái Lĩnh, cựu Phó chủ tịch Hội đồng Nhân dân Thành phố Đà Lạt, khi trao đổi với Đài Á Châu Tự Do hôm 24 tháng 7 năm 2020 liên quan vấn đề này, nhận định:
“Theo tôi Việt Nam ở trong thế bị động, cho nên rất khó đối phó với họ. Mà cái bị động này ngay từ thời kỳ tranh chấp biên giới trên bộ, thì Việt Nam đã thất thế ngay từ thời đó… Và hiện nay chúng ta đối phó vấn đề tranh chấp chủ quyền trên biển vẫn theo kiểu cũ đó, thì ta vẫn thất thế thôi. Nếu muốn giải quyết vấn đề này thì rất khó, tôi nghĩ phải có sự thay đổi về đường lối ngoại giao, bởi vì tuyên truyền dựa vào đường lối ngoại giao.”
Nhưng Nhà nghiên cứu Mai Thái Lĩnh cho rằng, hiện nay đường lối ngoại giao của Việt Nam vẫn không thay đổi, vẫn ở trong thế bị động. Trong khi Trung Quốc đã có chủ trương từ rất sớm, từ những năm 1950 – 1951, từ Hội nghị San Francisco, khi đó Trung Quốc đã có đường lối nhất quán. Còn Việt Nam theo ông, nếu không thay đổi thì kế hoạch tuyên truyền sẽ vẫn ở trong thế bị động như vậy mà thôi.
Thạc sĩ Hoàng Việt nhận định thêm:
“Thật ra tuyên truyền tốt nhất là không nói gì cả, bởi vì có sao nói vậy là được. Và quan trọng là lẽ phải thuộc về Việt Nam nhiều hơn trong tranh chấp biển Đông. Còn Trung Quốc thì mặc dù họ mạnh, nhưng họ thiếu chính nghĩa, cho nên có tuyên truyền kiểu gì chăng nữa thì nó chỉ được một phần. Tuy nhiên, như đã nói, tuyên truyền chỉ là phần nhỏ, quan trọng là phải đưa những thông tin về tranh chấp biển Đông cho tất cả mọi người trên khắp đất nước Việt Nam thì nó tốt hơn.
Ngoài ra, theo Thạc sĩ Hoàng Việt, việc cần phải truyền tải thông tin về các chính sách của Việt Nam đến với cộng đồng quốc tế, thì Việt Nam làm chưa được tốt và vẫn còn một số hạn chế trong việc này.
TQ họ tuyên truyền rất bài bản và rộng khắp, từ các nhà khoa học, dân thường, cho đến các hoạt động sản xuất, hoặc các nhà ngoại giao… đều như là sứ giả, để mang thông điệp của TQ về vấn đề biển Đông đi khắp nơi.
-Thạc sĩ Hoàng Việt
Để tìm hiểu rõ hơn về vấn đề này, Đài Á Châu Tự Do hôm 24 tháng 7 năm 2020 liên lạc Nhà nghiên cứu Biển Đông Đinh Kim Phúc, và được ông cho biết như sau:
“Trung Quốc mạnh hơn Việt Nam gấp ngàn lần trong vấn đề tuyên truyền, về bài báo khoa học quốc tế, về chiếm lĩnh tất cả các hội nghị quốc tế, thì Trung Quốc là thượng thừa, trong khi Việt Nam đếm trên đầu ngón tay. Riêng tại Việt Nam, tuyên truyền phục vụ theo chiến dịch, ví dụ có sự cố gì trên Biển Đông thì mới tiến hành. Nếu tôi nhớ không lầm dưới thời Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, quỹ tuyên truyền
biển đảo là 180 tỷ. Nhưng như tôi là một nghiên cứu tự do, cũng như Thạc sĩ Hoàng Việt, Anh Phạm Hoàng Quân, Anh Lê Vĩnh Trương… không có một đồng bạc nào trong vấn đề tuyên truyền biển đảo.”
Nhưng theo Nhà nghiên cứu Đinh Kim Phúc, vấn đề tuyên truyền biển đảo không phải ai cũng tuyên truyền được, không phải mấy ông báo viên hay dư luận viên, mà phải là những người chuyên sâu và sống chết vì đất nước này, biển đảo này. Vì bất cứ một chữ viết nào, lời nói nào thì Trung Quốc đều ghi nhận, để rồi mai sau nếu ra các Tòa án Quốc tể để xử vấn đề tranh chấp biển đảo giữa Việt Nam và Trung Quốc, thì Trung Quốc họ có rất nhiều dữ kiện chứng minh rằng… các nhà nghiên cứu, quan chức, dư luận viên của Việt Nam đã nói như vậy… thì sẽ như thế nào? Ông nói tiếp:
“Tuyên truyền biển đảo không có nghĩa là đi triển lãm bản đồ. Bản đồ chỉ có giá trị nếu đi theo tất cả các văn bản của nhà nước, các hội nghị mà phù hợp công pháp quốc tế. Tuyên truyền biển đảo là phải làm sao cho cả thế giới biết rằng, chính nghĩa thuộc về Việt Nam, có nghĩ rằng Việt Nam có đầy đủ bằng chứng pháp lý, lịch sử để chứng minh hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa và các vùng biển phụ cận, thuộc về Việt Nam, phù hợp công pháp quốc tế, hay luật biển của LHQ năm 1982.”
Theo Nhà nghiên cứu biển Đông Đinh Kim Phúc, tuyên truyền không phải là quan điểm, và đó là điểm yếu nhất của chính quyền Việt Nam trong vấn đề tuyên truyền về chủ quyền biển đảo hiện nay.
Điểm tin trong nước sáng 25/7:
Trung Quốc tập trận bắn đạn thật ở Vịnh Bắc Bộ
Tâm Tuệ
Mục điểm tin trong nước sáng thứ Bảy (25/7) của Đại Kỷ Nguyên xin gửi đến quý độc giả những nội dung chính sau:
Trung Quốc tập trận bắn đạn thật ở Vịnh Bắc Bộ
Truyền thông quốc tế đưa tin, đơn vị 91580 của Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA), vào ngày 23/7 đã đưa ra một thông báo cho hay sẽ tổ chức tập trận bắn đạn thật ở Vịnh Bắc Bộ, phía tây Bán đảo Lôi Châu của Trung Quốc trong 9 ngày, từ 25/7-2/8.
Thông báo cho biết cuộc tập trận bắn đạn thật sẽ diễn ra trong 2 đợt ở 2 khu vực.
Theo đó, từ ngày 25-27/7, trong vùng nước tại những nơi có tọa độ: 21 29.38N/109 32.53E; 21 24.10N/109 45.13E; 20 40.87N/109 33.02E; 20 16.77N 109 21.28E; 20 27.75N/108 55.02E;20 52.07N/109 06.12E.
Những địa điểm vừa nêu cũng nằm trong thông báo số GX0039 được Cục Hải sự Quảng Tây liên tiếp phát đi để cảnh báo hàng hải về việc phong tỏa các khu vực biển ở vịnh Bắc Bộ để tiến hành tập trận.
Cuộc tập trận thứ hai diễn ra từ ngày 28/7-2/8 tại khu vực có bán kính 8 km, tính từ vị trí có tọa độ 21 14 14N/109 32 48E.
Theo thông báo của PLA, trong các giai đoạn trên, tất cả các hoạt động hàng hải và nghề cá ở các vùng biển tương ứng sẽ bị cấm; tàu phải ở lại bến cảng và không được ra biển.
Thêm 1 ca COVID-19 từ nước ngoài về Việt Nam, bệnh nhân thứ 413
Chiều tối qua (24/7), Bộ Y tế công bố có thêm 1 ca nhiễm virus Vũ Hán mới từ nước ngoài nhập cảnh Việt Nam. Bệnh nhân là người Myanmar, thủy thủ tàu Ipanema.
Tuổi trẻ cho biết, bệnh nhân là nam 31 tuổi, quốc tịch Myanmar, thủy thủ tàu Ipanema (trước đó tàu này đã có 1 thủy thủ nhiễm COVID-19).
Ngày 16/6, bệnh nhân xuất cảnh tại Nhật Bản, ngày 23/6 nhập cảnh cảng Hòn Gai, tỉnh Quảng Ninh.
Ngày 6/7, bệnh nhân được đưa vào cách ly tại khách sạn Vân Long, tỉnh Quảng Ninh. Ngày 9/7 được lấy mẫu xét nghiệm và cho kết quả âm tính với SARS-CoV-2. Ngày 23/7, bệnh nhân được lấy mẫu lần 2 và kết quả dương tính. Hiện bệnh nhân đang được điều trị tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương.
Đường ống nước sạch sông Đà lại vỡ, người dân Hà Nội thiếu nước
Theo Thanh Niên, ngày 24/7, lãnh đạo Công ty CP đầu tư nước sạch sông Đà (Viwasupco) thông báo về việc cắt nước sạch tạm thời do sự cố vỡ đường ống tại vị trí km17 + 300 trên đại lộ Thăng Long. Đến sáng ngày 25/7 người dân Hà Nội sẽ được cấp nước sạch như bình thường.
Đường ống nước sạch sông Đà của Viwasupco từ khi hoạt động đã xảy ra hơn 20 lần bị rò rỉ, vỡ do chất lượng ống và thi công không đảm bảo yêu cầu. Trong năm 2019, hệ thống truyền tải nước của công ty này đã gặp sự cố tới 4 lần.
Việt Nam: 70% người bệnh ung thư tử vong
Thông tin trên được cơ quan nghiên cứu và phân tích toàn cầu (EIU) thuộc tạp chí The Economist vừa công bố trong báo cáo về khả năng kiểm soát ung thư của 10 quốc gia thuộc châu Á Thái Bình Dương, đăng trên Sáng kiến ung thư thế giới, Zing trích dẫn.
Theo báo cáo, 10 quốc gia trong báo cáo này được lựa chọn dựa trên quy mô dân số, mức độ phát triển kinh tế và thu nhập và chia làm 3 nhóm: nhóm các quốc gia có thu nhập cao bao gồm Australia, Nhật Bản, Hàn Quốc; nhóm thu nhập trung bình cao gồm Trung Quốc, Thái Lan, Malaysia; và nhóm thu nhập trung bình thấp gồm Ấn Độ, Indonesia, Phillippines và Việt Nam.
Trong đó, tỉ lệ tử vong do ung thư đứng hàng 2 tại Việt Nam, chiếm 17,9% các trường hợp tử vong do nguyên nhân bệnh tật.
Để đánh giá hiệu quả việc phòng chống và kiểm soát ung thư, EIU tính tỉ lệ tử vong ung thư bằng cách lấy tỷ lệ tử vong chia cho số ca mắc.
Điểm tin trong nước tối 25/7:
Sau ca nhiễm virus Vũ Hán ở Đà Nẵng, phát hiện
nhiều đường dây vận chuyển khách lậu Trung – Việt
Tâm Tuệ
Mục điểm tin trong nước sáng tối thứ Bảy (25/7) của Đại Kỷ Nguyên xin gửi đến quý độc giả những nội dung chính sau:
Sau ca nhiễm virus Vũ Hán ở Đà Nẵng, phát hiện nhiều đường dây vận chuyển khách lậu Trung – Việt
Sau vụ việc người đàn ông 58 tuổi ở Đà Nẵng xác định nhiễm dịch nhưng không rõ nguồn lây nhiễm thì nhiều đường dây “nhận chở khách về trốn cách ly” đã được phát hiện.
Tạp chí Travelmag đưa tin về một nhà xe kinh doanh dịch vụ vận chuyển khách ‘an toàn’ cả hai chiều Trung – Việt hoạt động theo cách kết bạn trên Wechat. Khách chỉ cần gửi vị trí, sau đó sẽ có xe đón tận nơi với ‘giá cả phải chăng’.
Báo chí trong nước cũng đã đưa tin nhiều trường hợp phát hiện người Trung Quốc xuất hiện ở Đà Nẵng nhưng không rõ đường nhập cảnh. Ví như hôm 11/7, tại số 39 Dương Tử Giang, quận Ngũ Hành Sơn phát hiện 4 người Trung Quốc nhập cảnh trái phép. Tiếp đó, ngày 16/7, tại khách sạn East Sea 55 – 57 đường Loseby, quận Sơn Trà, phát hiện thêm 27 người Trung Quốc cũng nhập cảnh trái phép. Ở Quảng Nam, An Giang cũng xuất hiện nhiều trường hợp tương tự.
Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương sắp đón 120 bệnh nhân về từ châu Phi
Bác sĩ Phạm Ngọc Thạch, Giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương, cho biết sẽ ứng phó mọi nguy cơ khi đón 120 người mắc viêm phổi Vũ Hán từ châu Phi về nhập viện cùng lúc trên chuyến bay tới đây vào ngày 29/7, theo VnExpres.
Chuyến bay đón hơn 200 công dân từ Guinea Xích đạo sẽ về nước, ban đầu dự định về ngày 3/8, sau đó được thay đổi sớm hơn một tuần. Vì vậy công tác chuẩn bị của Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương, gồm nhân lực và phương tiện để đảm bảo an toàn, cũng đã phải gấp rút hơn.
Giám đốc bệnh viện cho biết, bệnh viện sẽ phải đón tiếp không chỉ 120 người nhiễm từ châu Phi về, mà có thể còn đón nhiều người dương tính từ các quốc gia khác về nước.
Hà Nội tiếp tục khuyến cáo đeo khẩu trang nơi công cộng
Theo thông tin trên VnExpress, thực hiện kết luận mới đây của Thủ tướng về phòng, chống dịch viêm phổi Vũ Hán, Chính quyền thành phố Hà Nội tiếp tục đề nghị người dân rửa tay, đeo khẩu trang ở những nơi công cộng và nơi tập trung đông người.
Theo đó, Thành phố yêu cầu ngành y tế “phải luôn trong tình trạng báo động để kịp thời xử lý các tình huống dịch bệnh có thể xảy ra”; tiếp tục theo dõi sát diễn biến dịch, kiên định với 5 nguyên tắc: Ngăn chặn, phát hiện, cách ly, khoanh vùng và dập dịch.
Thứ trưởng Bộ Công an nói ‘có lỏng lẻo trong quản lý nhập cảnh’
Báo VnExpress thông tin, ngày 25/7, tại cuộc họp trực tuyến với lãnh đạo Chính phủ về phòng, chống viêm phổi Vũ Hán, Thử trưởng Bộ Công an Nguyễn Văn Sơn nói chưa thể khẳng định người đàn ông 57 tuổi ở quận Liên Chiểu (bệnh nhân 416) liên quan tới nhóm người nước ngoài nhập cảnh trái phép đến Đà Nẵng; tuy nhiên, qua một số sự việc gần đây cho thấy cần phải “khắc phục kịp thời lỗ hổng xuất nhập cảnh”.
Ông Sơn cũng thông tin, cơ quan chức năng đã khởi tổ vụ án “tổ chức cho người khác nhập cảnh vào Việt Nam”, bắt tạm giam 3 người, gồm một người ở Đà Nẵng, một người ở Quảng Nam và một người Trung Quốc. Công an đang tiếp tục mở rộng điều tra.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu các cơ quan chức năng tập trung làm rõ tình trạng nhập cảnh trái phép “đi vào bằng đường nào, trách nhiệm thuộc về ai”.
0 comments