Hải Ngoại Ngày Nay


LIÊN KẾT HẢI NGOẠI YỂM TRỢ QUỐC NỘI ĐẤU TRANH

GIẢI THỂ CHẾ ĐỘ ĐỘC TÀI VIỆT CỘNG

GIẢi TRỪ HIỂM HỌA XÂM LĂNG TRUNG CỘNG

Đọc báo Pháp – 15/07/2020

Wednesday, July 15, 2020 6:20:00 PM // ,

Đọc báo Pháp – 15/07/2020

Hoa Vi: Anh Quốc không cưỡng lại được áp lực của Mỹ – Trọng Nghĩa

Trang nhất các báo Pháp ra ngày hôm nay 15/07/2020 chủ yếu được dành cho chủ đề lễ Quốc Khánh Pháp được cử hành một cách rất đặc biệt vào hôm qua trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn gây lo ngại. Tuy nhiên, một đề tài khác cũng rất được báo giới Pháp quan tâm là quyết định của nước Anh cấm tập đoàn Trung Quốc Hoa Vi tham gia mạng 5G tại nước này.
Số phận của Hoa Vi tại Anh Quốc đã được nhật báo kinh tế Pháp Les Echos nêu thành tựa chính trang nhất “5 G: Luân Đôn đuổi Hoa Vi”, trong lúc ở trang quốc tế, nhật báo cánh hữu Le Figaro ví von: “Boris Johnson loại Hoa Vi ra khỏi cuộc chơi tại Anh Quốc”.
Les Echos: Tranh cãi chung quanh cái giá phải trả khi loại Hoa Vi
Sau khi nhắc lại quyết định của chính quyền Anh vào hôm qua, theo đó thì các công ty Anh bị cấm mua thiết bị của Hoa Vi kể từ năm tới, và phải tiến hành việc dỡ bỏ dần dần các thiết bị 5G đang sử dụng từ đây đến 2027, Les Echos đã nhấn mạnh đến cuộc tranh luận đã bùng lên chung quanh cái giá mà Anh phải gánh chịu khi loại bỏ tập đoàn Trung Quốc ra khỏi mạng 5G của mình.
Theo Les Echos, Hoa Vi hiện là nhà cung cấp 1/3 ăng ten điện thoại di động ở Châu Âu. Cấm Hoa Vi vì lý do an ninh quốc gia sẽ tốn kém rất nhiều cho các công ty viễn thông. Tốn kém bao nhiêu vẫn là một ẩn số.
Năm ngoái một nghiên cứu của GSMA, tập hợp 750 công ty và nhà sản xuất điện thoại di động, đã đưa ra con số cực lớn là 55 tỷ euro tốn kém cho các công ty Châu Âu. Thế nhưng, vào tháng Sáu năm nay, Strand Consult, nhóm chuyên về viễn thông của Đan Mạch, chỉ nói đến… 3 tỷ euro thiệt hại mà thôi. Khoản tiền này dĩ nhiên không nhỏ, nhưng không đến nỗi quá lớn so với 3 tỷ euro mà 4 công ty Pháp đầu tư hàng năm vào các hệ thống điện thoại di động hay 7 tỷ euro mà họ đổ vào việc triển khai hệ thống cáp quang.
Thế nhưng, theo tờ báo Pháp, giá thiết bị chỉ là bề nổi của tảng băng. Các công ty viễn thông cho rằng ngoài chi phí thiết bị, phải thêm vào những chi phí gián tiếp như việc bị mất khách hàng do việc khởi động chậm trễ hệ thống 5G, thiết bị cạnh tranh với Hoa Vi lại tăng giá…
Một nghiên cứu của hãng Oxford Economics gần đây đánh giá là không có Hoa Vi, giá các ăng ten sẽ tăng từ 8 đến 29% ở Châu Âu, nhưng Les Echos đã cho biết ngay là nghiên cứu này lại do chính tập đoàn Trung Quốc yêu cầu thực hiện.
Trong tình hình đó, nhật báo Pháp cho rằng cái giá quan trọng nhất mà nước Anh phải chịu là quan hệ với Trung Quốc xấu đi. Bắc Kinh đã đe dọa trả đũa nếu hoạt động của Hoa Vi bị cản trở. Việc loại bỏ Hoa Vi có thể phải trả bằng các thất bại trong việc xuất khẩu nhà máy điện hạt nhân hay máy bay Airbus qua Trung Quốc.
Le Figaro: Hoa Vi không còn được hoan nghênh ở phương Tây
Cũng về Hoa Vi, dưới tựa đề “Boris Johnson loại Hoa Vi ra khỏi cuộc chơi tại Anh Quốc”, Le Figaro ghi nhận là dưới sức ép của Mỹ, Luân Đôn đã cấm Hoa Vi trong chương trình triển khai hệ thống 5G tại Anh Quốc.
Tác giả bài viết, Arnaud de La Grange, nhận định ngay là giữa thị trường mênh mông Trung Quốc và quan hệ đặc biệt với Hoa Kỳ, thủ tướng Anh Boris Johnson đã chọn lựa. Đảo ngược một quyết định đưa ra vào tháng Giêng, thủ tướng Anh đã loại bỏ Hoa Vi với lý do an ninh quốc gia. Đối với Hoa Vi, đây là một thất bại lớn, một dấu hiệu cho thấy là tập đoàn Trung Quốc không còn được hoan nghênh ở phương Tây.
Theo Le Figaro, trong thời gian qua, thủ tướng Johnson đã chịu nhiều sức ép, từ bên ngoài cũng như bên trong. Trước tiên là áp lực từ phía Mỹ, vốn rất bực tức sau vụ ông Johnson vào tháng Giêng vừa qua, đã bật đèn xanh cho Hoa Vi tham gia một phần vào hệ thống 5G ở Anh.
Washington đã cảnh cáo Luân Đôn là việc trao đổi thông tin tình báo giữa 2 nước có thể bị ảnh hưởng, trong lúc các phái viên Mỹ liên tục cho hiểu là hồ sơ Hoa Vi có thể đè nặng lên các cuộc thảo luận về một hiệp định tự do mậu dịch Anh-Mỹ, rất cần thiết đối với Luân Đôn sau khi đã rời bỏ Liên Hiệp Châu Âu.
Nhưng sức ép, theo tờ báo Pháp, cũng đến từ phe của ông Boris Johnson. Một số nghị sĩ đảng bảo thủ, ít ra là 60 người, đã phản đối quyết định bật đèn xanh cho Hoa Vi, vì theo họ điều này sẽ có hại cho an ninh quốc gia. Họ còn nêu bật sai lầm địa chính trị khi đứng về phía Trung Quốc và đối đầu với đồng minh Mỹ.
Le Figaro ghi nhận là quyết định về Hoa Vi được đưa ra trong bối cảnh quan hệ Anh – Trung Quốc căng thẳng hẳn lên. Luân Đôn đã tố cáo Bắc Kinh “vi phạm” các cam kết về Hồng Kông và mở rộng cửa đón người Hồng Kông muốn đến định cư tại Anh.
Báo Times vào hôm qua còn cho biết thêm là một trong hai tàu sân bay của Anh có thể sẽ được triển khai ở Châu Á, trước mối đe dọa của Trung Quốc.
Biển Đông : Washington chơi vỗ mặt Bắc Kinh 
Liên quan đến mối đe dọa Trung Quốc, dưới tựa đề “Washington muốn đối phó với ‘đế chế hàng hải’ Trung Quốc”, báo Le Figaro đã nhắc lại tuyên bố của ngoại trưởng Mỹ hôm thứ hai 13/07, cho rằng yêu sách của Trung Quốc ở Biển Đông là “bất hợp pháp”.
Theo tác giả bài viết, Sébastien Faletti, thì đúng là Washington đang kết hợp lời nói với hành động. Sau khi gởi hai tàu sân bay đến Biển Đông chỉ cách đây vài ngày, thì Mỹ lại tung đòn ngoại giao nhắm vào tham vọng của cường quốc thứ nhì thế giới tại Biển Đông, trong bối cảnh quan hệ hai nước căng thẳng thêm trên vấn đề Hồng Kông và nguồn gốc dịch Covid-19.
Le Figaro cho rằng qua tuyên bố hôm 13/07, Washington như vậy đứng thẳng thừng về phía Philippines và khuyến khích Hà Nội làm như Manila trước đây là “lôi con Rồng” – cách phương Tây thường gọi Trung Quốc – ra trước tòa án quốc tế, từ bỏ thái độ dè dặt ngoại giao cố hữu để chà đạp tấm bản đồ “đường lưỡi bò” của Bắc Kinh trên Biển Đông.
Đối với tờ báo Pháp, đây là một thay đổi quan trọng của Mỹ, cho đến gần đây vẫn thận trọng đứng ngoài cuộc tranh chấp, chỉ lên tiếng bảo về quyền tự do hàng hải, không đứng về phía Trung Quốc hay các láng giềng Việt Nam, Philippines, Malaysia hay Indonesia.
Thế nhưng, giờ đây, chính quyền Trump đã công khai vạch mặt Trung Quốc, cho dù không chính thức ủng hộ đòi hỏi chủ quyền của các quốc gia khác. Tờ báo dẫn lời nhà nghiên cứu Collin Koh, viện Nghiên Cứu Quốc Tế S. Rajaratnam tại Singapore: “Washington đã quyết định từ bỏ thái độ gián tiếp để ủng hộ công khai hơn đòi hỏi của các nước (Đông Nam Á) ở Biển Đông”.
Pháp : Lễ Quốc Khánh đặc biệt giữa mùa dịch Covid-19
Dưới ảnh chụp Tổng thống Pháp Macron bên cạnh thủ tướng Jean Castex, cả hai đều mang khẩu trang, nhật báo cánh tả Libération chạy tựa lớn: “Hướng đi giấu mặt”, ý nói đến việc ông Macron, trong cuộc phỏng vấn quan trọng nhân ngày Quốc Khánh, chỉ thông báo về việc bắt buộc mang khẩu trang ở những nơi công cộng trong không gian kín, hay việc làm của giới trẻ, nhưng không vạch ra những đường hướng cho giai đoạn cuối nhiệm kỳ 5 năm của ông.
Đối với tờ báo tổng thống Macron có vẻ không muốn thay đổi chính sách của ông mặc dù đã gặp nhiều chỉ trích trong việc đối phó với dịch Covid-19 và phong trào Áo Vàng. Cuộc phỏng vấn lễ Quốc Khánh lẽ ra là dịp để ông cụ thể hóa lời hứa sẽ đổi hướng đi, thế nhưng, sau hơn một giờ đồng hồ trả lời phỏng vấn, rõ ràng là hướng đi mà ông Macron đã vạch ra không thay đổi gì cả, “điểm đến” vẫn như thế, điểm quan trọng chỉ là “thay đổi con đường đi đến đích” mà thôi.
Le Figaro cũng dành trang nhất cho chủ đề Quốc Khánh, và thấy rằng tổng thống Macron vẫn đang tìm kiếm một “đường đi mới”, tựa lớn trên trang nhất. Tờ báo cũng nêu bật hai điểm quan trọng trong trả lời phỏng vấn của tổng thống Pháp: việc làm của thanh niên và sự cần thiết của khẩu trang.
Tờ báo chú ý đến kế hoạch vực dậy kinh tế « ít ra 100 tỷ euro » cộng thêm số 460 tỷ hỗ trợ kinh tế từ đầu dịch bệnh. Thanh niên được ưu tiên trong kế hoạch này : sẽ có 300 000 hợp đồng hội nhập và 100 000 chỗ làm dịch vụ công dân được thiết lập sau mùa hè.
Về y tế, tổng thống Pháp vẫn lo ngại về một làn sóng dịch bệnh thứ hai, do vậy ông đã tỏ ý muốn bắt buộc mọi người dân phải đeo khẩu trang tại những nơi công cộng có mái che kể từ ngày 01/08/2020.

Tin tổng hợp
(AFP) – New York Times di dời dịch vụ kỹ thuật số từ Hồng Kông sang Seoul. 
Trong một thư điện tử gởi đến các nhân viên, ban giám đốc tòa soạn New York Times giải thích « luật về an ninh quốc gia tại Hồng Kông gây ra nhiều bất an về hậu quả mà các quy định mới này sẽ có đối với hoạt động nghiệp vụ báo chí. » Cũng trong bức thư, được đăng trên trang mạng của nhật báo ngày 15/07/2020, ban giám đốc « cho rằng tốt hơn nên lập một kế hoạch dự trù và bắt đầu cho di chuyển ban biên tập sang nơi khác trong khu vực ».
(Reuters) – Trung Quốc trừng phạt Lockheed Martin vì bán vũ khí cho Đài Loan.
Bộ Ngoại Giao Trung Quốc hôm 14/07/2020 thông báo việc trừng phạt Lookheed Martin vì tập đoàn Mỹ đã tham gia vào hợp đồng bán vũ khí mới nhất giữa Hoa Kỳ và Đài Loan, trị giá 620 triệu đô la. Tập đoàn này là nhân tố chính trong chương trình hiện đại hóa các hỏa tiễn địa-không Patriot của Đài Loan.
(AFP) – Kinh tế Trung Quốc quý 3/2020 đầy bất trắc. 
Theo AFP hôm nay, 15/07/2020,triển vọng kinh tế Trung Quốc trong quý ba rất khó dự đoán. Một số chuyên gia bi quan nhất cho rằng kinh tế Trung Quốc có thể sụt giảm 2%, trong lúc những người lạc quan nhất tin vào tỉ lệ tăng trưởng 4,5%.Hàng loạt nhân tố đe dọa kinh tế Trung Quốc : đợt lũ lớn trên sông Dương Tử, có thể gây thiệt hại 5 tỉ euro, hay căng thẳng thương mại với Hoa Kỳ.
(Reuters) – Pháp : Liên Âu có « cơ hội » đạt thỏa thuận chấn hưng tại thượng đỉnh cuối tuần.
Theo một nguồn tin từ phủ tổng thống Pháp hôm nay, 15/07/2020, khối 27 nước có khả năng đạt được thỏa thuận về kế hoạch chấn hưng hậu Covid-19, trị giá khoảng 750 tỉ euro, dự án được Pháp và Đức nỗ lực đốc thúc. Thông tin từ phía Pháp đưa ra đúng vào lúc có nhiều lo ngại là cơ hội đạt thỏa thuận trong dịp này đang ngày càng thu hẹp, đặc biệt do quan điểm của một số quốc gia khắt khe về ngân sách, tiêu biểu là Hà Lan.
(AFP) – Tư pháp châu Âu hủy quyết định buộc Apple hoàn lại 13 tỉ euro. 
Tòa án Công lý Liên Hiệp Châu Âu hôm nay 15/07/2020 hủy bỏ quyết định của Ủy Ban Châu Âu năm 2016, buộc Apple phải hoàn trả cho Ireland 13 tỉ euro tiền thuế được miễn giảm, mà theo Bruxelles là thái quá. Tập đoàn Mỹ vui mừng trước phán quyết, Ireland hoan nghênh các thẩm phán châu Âu. Được biết Apple đã nộp phạt từ năm 2018 trong khi chờ đợi quyết định của tòa.
(AFP) – Dân số Trái Đất năm 2100 ít hơn ước tính của Liên Hiệp Quốc 2 tỉ. 
Một nghiên cứu do The Lancet công bố hôm nay, 15/07/2020, ước tính dân số thế giới năm 2100 sẽ là 8,8 tỉ người, ít hơn 2 tỉ so với dự báo của Liên Hiệp Quốc. Trung Quốc mất đi phân nửa dân số, từ 1,4 tỉ giảm còn 730 triệu dân, số người trong độ tuổi lao động giảm làm ảnh hưởng đến tăng trưởng. Có 23 nước mà dân số cũng bị giảm mạnh như Nhật Bản, Thái Lan, Hàn Quốc, Tây Ban Nha, Ý, Bồ Đào Nha. Theo báo cáo, dân số giảm là đáng mừng cho môi trường, nhưng lại có hậu quả tiêu cực lên nền kinh tế và tổ chức xã hội.
 (AFP) – Khí methan gây hiệu ứng nhà kính tăng 9% từ 2006 đến 2017.
Theo báo cáo Global Carbon Project được công bố hôm nay, 15/07/2020, loại khí methan, được coi là gây hiệu ứng nhà kính đáng sợ hơn nhiều so với khí CO2, tiếp tục tăng mạnh. 60% khí này là do các hoạt động của con người. Mức độ gây hiệu ứng nhà kính của methan cao hơn CO2 gấp 28 lần. Methan chiếm 23% tổng lượng khí thải của thế giới.

Điểm tin thế giới sáng 15/7:

Ông Trump ‘không quan tâm’

thỏa thuận giai đoạn 2 với Trung Quốc

Lục Du
Sáng nay, thứ Tư (15/7), Đại Kỷ Nguyên xin gửi tới quý độc giả nội dung tóm lược của những tin nổi bật đêm qua:
Ông Trump ‘không quan tâm’ thỏa thuận giai đoạn 2 với Trung Quốc
Hôm thứ Ba, Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết ông không quan tâm đến việc đàm phán với Trung Quốc về thỏa thuận thương mại giai đoạn 2, theo Reuters.
“Hiện tại tôi không quan tâm tới việc đàm phán với Trung Quốc”, ông Trump trả lời khi được hỏi trong một cuộc phỏng vấn với CBS News rằng liệu có phải các cuộc đàm phán thương mại giai đoạn 2 với Trung Quốc sẽ không diễn ra.
“Chúng tôi đã thực hiện một thỏa thuận thương mại tuyệt vời”, ông Trump nói, đề cập đến thỏa thuận Giai đoạn 1 được ký vào tháng Một. “Nhưng ngay sau khi thỏa thuận được ký kết, mực thậm chí còn chưa ráo, họ đã tấn công chúng ta bằng dịch bệnh. Vì vậy, hiện tại, tôi không quan tâm đến việc đàm phán với Trung Quốc về một thỏa thuận khác”.
Anh công bố kế hoạch ‘cấm cửa’ Huawei
SBS News đưa tin, hôm thứ Ba, bất chấp các đe dọa từ Bắc Kinh, chính phủ của Thủ tướng Boris Johnson đã công bố kế hoạch từng bước loại bỏ việc sử dụng thiết bị của Huawei trong các mạng viễn thông hiện tại và trong dự án xây dựng mạng 5G của Vương quốc Anh.
Phản ứng trước động thái này, Nhà Trắng nói rằng quyết định của London “phản ánh sự đồng thuận quốc tế ngày càng tăng rằng Huawei và các nhà cung cấp không đáng tin cậy khác gây ra mối đe dọa đối với an ninh quốc gia, bởi chúng mang ơn Đảng Cộng sản Trung Quốc”.
Ngoại trưởng Hoa Kỳ Mike Pompeo cũng ca ngợi động thái này trong một tuyên bố: “Chúng tôi hoan nghênh Vương quốc Anh có kế hoạch cấm Huawei tham gia xây dựng mạng 5G trong tương lai và loại bỏ các thiết bị Huawei không đáng tin cậy khỏi các mạng hiện có”.
“Chúng tôi sẽ tiếp tục làm việc với những người bạn Anh của mình để thúc đẩy một hệ sinh thái 5G an toàn và sinh động, điều rất quan trọng đối với an ninh và thịnh vượng của hai bờ Đại Tây Dương”, ông Pompeo cho biết thêm.
Armenia và Azerbaijanin xung đột biên giới căng thẳng
Hôm thứ Ba, quân đội Armenia và Azerbaijanin tiếp tục có các cuộc đụng độ ở khu vực biên giới giữa hai nước, theo Deutsche Welle.
Quân đội hai nước láng giềng đã sử dụng pháo hạng nặng trong các cuộc giao tranh bắt đầu nổ ra từ hôm Chủ nhật. Azerbaijan cho biết 11 binh sĩ và 1 thường dân của họ đã thiệt mạng, trong khi Armenia nói rằng trong cuộc đụng độ hôm thứ Ba khiến họ đã mất 4 binh sĩ.
Armenia và Azerbaijanin từng có một cuộc đụng độ căng thẳng trên biên giới kéo dài 4 ngày vào năm 2016. Những cuộc xô sát lẻ tẻ gây chết người cũng thường xuyên diễn ra ở biên giới hai nước trong nhiều năm qua.
Ông Trump ký luật trừng phạt Trung Quốc về Hồng Kông
Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm thứ Ba thông báo ông đã ký ban hành một đạo luật trừng phạt Trung Quốc vì sự can thiệp của chính quyền nước này đối với nền tự trị của Hồng Kông.
Politico đưa tin, Tổng thống Trump phát biểu trong Vườn Hồng của Nhà Trắng: “Giờ đây, Hồng Kông sẽ được đối xử giống như Trung Quốc đại lục. Không có đặc quyền, không có đãi ngộ kinh tế đặc biệt và không có xuất khẩu công nghệ nhạy cảm”.
Tổng thống Trump cũng nói rằng chính phủ của ông sẽ áp dụng mức thuế rất cao đối với các hàng hóa nhập khẩu từ Hồng Kông, giống như mức
thuế Hoa Kỳ đang áp dụng đối với hàng hóa Trung Quốc (chi tiết).
Mỹ sẵn sàng trừng phạt Trung Quốc về vấn đề Biển Đông
Hôm thứ Ba, một nhà ngoại giao cấp cao của Mỹ cho biết chính quyền Trump có thể áp dụng các biện pháp trừng phạt đối với các quan chức Trung Quốc có hành vi thúc đẩy các yêu sách chủ quyền ở Biển Đông.
Theo CNBC, ông David Stilwell, trợ lý ngoại trưởng Mỹ phụ trách các vấn đề ở khu vực Đông Á và Thái Bình Dương, cho biết thông tin này trong một sự kiện trực tuyến của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS).
Ông Stilwell nói rằng chính quyền Trump “có dư địa” để có thể xem xét bất kỳ phương án nào nhằm ngăn chặn Trung Quốc đòi hỏi các yêu sách bất hợp pháp tại Biển Đông.
“Không có gì là không được xem xét. Có dư địa cho việc này”, ông Stilwell nói. “Hành động cụ thể và hữu hình – đó là ngôn ngữ mà Trung Quốc có thể hiểu được” (chi tiết).

Điểm tin thế giới tối 15/7:

Tàu chiến Mỹ áp sát Trường Sa;

Trung Quốc tuyên bố trả đũa Mỹ về Hồng Kông

Hải Lam
Mục Điểm tin thế giới tối thứ Tư (15/7) của Đại Kỷ Nguyên xin gửi tới quý độc giả những tin sau:
Tàu chiến Mỹ áp sát Trường Sa
Tàu khu trục Mỹ USS Ralph Johnson hôm 14/7 xuất hiện gần quần đảo Trường Sa, một ngày sau khi chính quyền Mỹ ra thông cáo bác bỏ yêu sách phi lý của Trung Quốc trên Biển Đông.
DVIDS, trang chuyên cung cấp hình ảnh của Bộ Quốc phòng Mỹ, ngày 14/7 đã đăng tải bức ảnh cho thấy tàu khu trục mang tên lửa dẫn đường lớp Arleigh Burke USS Ralph Johnson (DDG 114) xuất hiện gần quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam.
“Ralph Johnson được triển khai để thực hiện các hoạt động an ninh hàng hải và các nỗ lực hợp tác an ninh vì một khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do và cởi mở”, DVIDS cho biết.
Trung Quốc tuyên bố trả đũa Mỹ về Hồng Kông
Bắc Kinh hôm nay tuyên bố sẽ áp các biện pháp trừng phạt các cá nhân và thực thể Mỹ để trả đũa sau khi Tổng thống Donald Trump ký ban hành một đạo luật trừng phạt Trung Quốc vì sự can thiệp của chính quyền nước này đối với nền tự trị của Hồng Kông.
Bộ Ngoại giao Trung Quốc tuyên bố Bắc Kinh phản đối mạnh mẽ động thái mới nhất của Mỹ và kêu gọi Washington ngừng can thiệp vào các vấn đề nội bộ của Trung Quốc, đài truyền hình nhà nước đưa tin.
Luật trừng phạt Trung Quốc được đưa ra sau khi Bắc Kinh áp đặt luật an ninh quốc gia đối với Hồng Kông vào đêm 30/6, một động thái chính thức kết liễu chính sách “một quốc gia, hai chế độ” mà Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) hứa hẹn đảm bảo cho Hồng Kông, khi tiếp quản thành phố này từ Anh Quốc vào ngày 1/7/1997.
Ông Trump nói đã thuyết phục Anh loại Huawei khỏi mạng 5G
Tổng thống Mỹ Donald Trump nói rằng ông đã tác động đến chính phủ Thủ tướng Boris Johnson để cấm Huawei khỏi mạng 5G của Anh, theo bản tin ngày 15/7 của Reuters.
“Chúng tôi đã thuyết phục được nhiều, rất nhiều quốc gia không sử dụng Huawei, chủ yếu tôi đã tự mình làm điều này, vì chúng tôi nghĩ rằng nó gây ra rủi ro bảo mật, đó là một rủi ro bảo mật lớn”, ông Trump nói, trước khi đề cập đến lệnh cấm của Anh.
Chính phủ Anh hôm 14/7 thông báo sẽ cấm thiết bị Huawei khỏi mạng 5G, đảo ngược quyết định hồi tháng 1 cho phép công ty công nghệ Trung Quốc bị hạn chế trong việc xây dựng cơ sở hạ tầng không dây của đất nước.
New York Times sẽ chuyển 1/3 nhân viên từ Hồng Kông sang Hàn Quốc
Tờ Hong Kong Free Press hôm nay đưa tin, New York Times sẽ chuyển một phần ba nhân viên ở Hồng Kông tới Seoul, Hàn Quốc, vì lo ngại luật an ninh quốc gia và những thách thức trong việc đảm bảo giấy phép tác nghiệp.
“Luật an ninh quốc gia mới của Trung Quốc tại Hồng Kông tạo ra rất nhiều sự mơ hồ về việc các quy định sẽ ảnh hưởng thế nào đến hoạt động và nghiệp vụ báo chí của chúng ta”, ban điều hành New York Times viết trong email gửi tới các nhân viên, được đăng trên website của báo hôm nay.
Ban lãnh đạo tờ báo cũng cho biết họ cần lập kế hoạch khẩn cấp và bắt đầu chuyển đội ngũ biên tập viên ra khỏi đặc khu, tới các nước khác trong khu vực.
“Bất kỳ sự gián đoạn nào trong hoạt động đều có khả năng làm suy yếu hoạt động báo chí của chúng tôi”, ban lãnh đạo New York Times viết.

0 comments

Leave a comment

Powered by Blogger.