Bản tin ngày 15-7-2020
BTV Tiếng Dân
15-7-2020
Tin Biển Đông
Ông Phạm Thắng Nam cập nhật tin con tàu Zhongguohaijing 5402 của Trung Quốc, quấy nhiễu khu vực bãi Tư Chính: “Từ vùng biển phía dưới bãi Tư Chính, tàu hải cảnh TQ Zhongguohaijing 5402 đã khởi hành để chạy đến khu vưc Lô khai thác dầu khí 06.01 của VN vào lúc 5.43 AM ngày 15-7-2020 (giờ VN) hôm nay“. Tàu đến gần Lô khai thác dầu khí 06.01 vào khoảng 7h19 sáng nay và rời khỏi khu vưc này vào lúc 9h10 sáng, rồi về đến gần vùng biển dưới bãi Tư Chính lúc 10h22 sáng 15-7-2020.
Ông Nam cho biết, tàu chạy qua vùng biển thuộc Lô khai thác dầu khí 06.01 với tốc độ khá nhanh, khoảng 14 Knots (25.93 km/giờ). Ông nhận định: “Rõ ràng là Zhongguohaijing 5402 chạy nhanh qua Lô khai thác dầu khí 06.01 với ý định quan sát các hành động của phía VN, chứ không dám có ý định quấy rối, cản trở, thậm chí đâm va…”
Gần hai ngày sau tuyên bố của Bộ Ngoại giao Mỹ và các nước lên tiếng hưởng ứng, chiều nay, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam cũng đã lên tiếng: Việt Nam hoan nghênh lập trường của các nước về Biển Đông phù hợp luật pháp quốc tế, báo Thanh Niên đưa tin.
Bà Lê Thị Thu Hằng, người phát ngôn BNG Việt Nam, nói: “Việt Nam hoan nghênh lập trường của các nước về vấn đề Biển Đông phù hợp với luật pháp quốc tế và chia sẻ quan điểm, như đã nêu trong tuyên bố dịp Hội nghị cấp cao ASEAN 36, rằng Công ước của Liên Hiệp Quốc về luật Biển năm 1982 là khuôn khổ pháp lý điều chỉnh mọi hoạt động trên biển và đại dương“.
Báo Pháp luật TPHCM có bài phỏng vấn PGS-TS Vũ Thanh Ca, cựu Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế và khoa học công nghệ, Tổng cục Biển và hải đảo Việt Nam: Biển Đông: Tuyên bố của Mỹ phù hợp lập trường của Việt Nam. Ông Vũ Thanh Ca nhận định, các tuyên bố của Mỹ góp phần ủng hộ các quan điểm, yêu sách về biển của Việt Nam trên cơ sở thượng tôn pháp luật.
VOA dẫn nguồn từ Reuters, có bài: Mỹ: ‘Còn chỗ để trừng phạt Trung Quốc về vấn đề Biển Đông’. Ông David Stilwell, trợ lý bộ trưởng ngoại giao đặc trách các vấn đề Đông Á, nói: “Chúng tôi không loại trừ bất cứ biện pháp nào… vẫn còn rộng chỗ cho cấm vận. Đấy là thứ ngôn ngữ mà người Trung Quốc hiểu – các hành động cụ thể và rõ ràng”.
Trang Deccan Herald đưa tin: Ấn Độ ủng hộ ‘ngầm’ đối với quan điểm của Mỹ về Biển Đông. Trang này dẫn từ một nguồn tin cho biết, lý do New Delhi đã không phản ứng ngay lập tức sau tuyên bố của Ngoại trưởng Mỹ, là vì tranh chấp ở biên giới Ấn – Trung. Chính phủ của Thủ tướng Narendra Modi muốn bảo đảm binh sĩ của Ấn Độ và Trung Quốc rút khỏi các khu vực căng thẳng trước khi đưa ra tuyên bố.
Bài báo cho biết thêm, một nguồn tin ở New Delhi nói với Deccan Herald rằng, “Ấn Độ tôn trọng các lợi ích trong hòa bình và ổn định ở Biển Đông, là một phần của cộng đồng toàn cầu, và nước này sẽ hỗ trợ bất kỳ hành động nào nhằm chống lại các nỗ lực phá hoại tự do hàng hải“.
Báo Tuổi Trẻ đưa tin: Sau tuyên bố Biển Đông của Mỹ, Trung Quốc ‘hứa hẹn nhiều’ với Philippines. Dẫn tin từ Tân Hoa xã, cho biết, hôm qua, Ngoại trưởng Dương Nghị chủ động gọi cho Ngoại trưởng Philippines Teodoro Locsin để ve vuốt, hứa hẹn.
Trong cuộc gọi, “ông Vương Nghị kêu gọi Philippines ‘nhìn về phía trước, đừng ngoảnh lại phía sau’ và trân trọng quan hệ hữu nghị ‘khó lắm mới đạt được như hiện tại’, đồng thời đưa ra nhiều hứa hẹn hợp tác chống dịch và hỗ trợ kinh tế“.
Mời đọc thêm: Mỹ tuyên bố hết trung lập trong vấn đề Biển Đông, điều tàu chiến thách thức Trung Quốc (TT). – Thay đổi lập trường về Biển Đông, Mỹ gửi thông điệp gì tới Trung Quốc? (VOV). – Trợ lý ngoại trưởng Mỹ bác bỏ yêu sách ‘phi pháp’ của Trung Quốc đối với Việt Nam (VOA). – Biển Đông: Mỹ có thể trừng phạt các quan chức Trung Quốc (RFI). – Hoa Kỳ sẽ cân nhắc việc cấm vận các công ty Trung Quốc tham gia nạo vét và khai thác bất hợp pháp ở Biển Đông (RFA).
– Mỹ điều tàu tới gần Trường Sa sau thông điệp cứng rắn với TQ (Zing). – Tàu Mỹ tới gần Trường Sa, TQ ngấm ngầm tiến hành nhiều dự án ở Biển Đông (VNN). – Căng thẳng Mỹ – Trung ở Biển Đông : Một sự leo thang nguy hiểm (RFI).- Trung Quốc: “Mỹ sẽ không bao giờ thành công trong nỗ lực bôi nhọ” (BBC). – Tuyên bố của Hoa Kỳ về Biển Đông có ý nghĩa như thế nào đến Việt Nam? (VOA). – Mỹ có thể công nhận Hoàng Sa của Việt Nam (Quỹ NCBĐ).
Nhân quyền và chủ quyền
Trong khi câu chuyện liên quan đến vấn đề chủ quyền đang đến giai đoạn quyết liệt, cần cả nước tập trung đối phó với “Bạn vàng” phương Bắc, Facebooker Thảo Teresa cho biết, công an huyện Thới Bình, TP Cà Mau cùng Sở 4T ở đây mấy ngày nay liên tục sách nhiễu, dọa nạt bạn trẻ tên Phong, sinh năm 1992.
Lý do, Phong đăng lên trang facebook cá nhân hình ảnh anh đeo khẩu trang có hình phản đối đường lưỡi bò phi pháp của Trung Quốc. Cô Thảo cho biết, hôm 22/6, công an huyện Thới Bình đã “mời Phong lên làm việc, lập biên bản doạ nạt và không xử phạt hành chính nhưng đã tịch thu toàn bộ số khẩu trang trên”. Sở 4T của Cà Mau thì gửi giấy mời với nội dung, Phong đăng facebook có dấu hiệu vi phạm quy định pháp luật.
Cũng tin nhân quyền, sau khi chứng kiến thái độ thờ ơ của chính phủ Merkel với vấn đề Hồng Kông và nước Đức vẫn coi trọng việc làm ăn với đối tác Trung Quốc, nhà hoạt động Trịnh Hữu Long nhận xét: “Quan hệ quốc tế xưa nay nước nào cũng ‘Our Country First’ cả, nhưng chính sách cụ thể của mỗi nước sẽ khác” và “Dân chủ và nhân quyền sẽ luôn là yếu tố phụ, thứ yếu trong quan hệ quốc tế”.
Cũng theo ông Long, “Bài toán thoát Trung và dân chủ của Việt Nam vẫn là thứ tự người Việt Nam phải giải. Không có ông Bụt nào giúp được. Nếu có ông Bụt nào trên đời, thì ổng đã đến miền Nam và ở lại 21 năm liền nhưng cũng đành lắc đầu quay đi”.
Bài toán hóc búa “giữ yên nội trị lẫn thế cờ ngoại giao” mà Hà Nội phải giải cũng được Facebooker Phạm Ngọc Hưng đưa ra. Theo ông Hưng: “Đây là lúc Việt Nam không chỉ cần Mỹ để cân bằng với TQ, mà còn cần thắt chặt quan hệ với Nhật – Ấn và các nước có chung vận mệnh khác để cân bằng với Mỹ – Trung”.
Mời đọc thêm: Công an trại giam và phạm nhân lãnh án tù vì tuồn điện thoại vào trại giam (RFA). – TQ nói sẽ trả đũa việc Mỹ xóa quy chế ưu đãi của Hong Kong — Hong Kong: New York Times chuyển nhân viên đến Seoul (BBC).
Dự án Cần Giờ của Vingroup gây tranh cãi
Dự án này gây chú ý đặc biệt khi gần đây GS Ngô Bảo Châu cùng nhiều người phổ biến bản kiến nghị “Save Cần Giờ”, trong đó nhắc lại lời của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, rằng “Không đánh đổi môi trường lấy tăng trưởng kinh tế”.
Dự án này của Vingroup được nhiều chuyên gia khí hậu-môi trường và những người am hiểu về địa chất-kiến trúc cùng lo ngại, thậm chí chỉ trích.
Sự việc càng nóng hơn khi vào ngày 12/7 nhà báo Huy Đức viết trên Facebook, rằng đây là nơi trước kia cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt từng viết thư cho lãnh đạo Thành phố như “Sáu Phong”, “Hai Nhựt” đề nghị xây dựng ở Cần Giờ một “Khu đô thị nghỉ ngơi, giải trí, du lịch” và nhấn mạnh, đây là “Ý tưởng xuyên suốt của tôi trước đây cũng như hiện nay”.
Cũng theo nhà báo Huy Đức, sở dĩ việc lấn biển ở Cần Giờ gặp phản ứng “vì những thông tin không chính xác, làm liên tưởng nó có ảnh hưởng tới Khu dự trữ sinh quyển Cần Giờ”.
Hôm 13/7 Facebooker Đặng Sơn công bố một số hình ảnh cho thấy, hàng trăm ha khu dự trữ sinh quyển Cần Giờ đã bị “ăn thịt” từ bên trong. Theo ông Sơn, “với dân cư thưa thớt như hiện nay mà rừng đã bị ‘rỉa’ để làm kinh tế đến cỡ này. Vậy thì khi nhồi một khu đô thị khổng lồ vào mặt biển, nhu cầu về đất sẽ dẫn đến hậu quả gì? Luật lâm nghiệp hiện nay vẫn cho phép thuê đất rừng cho mục đích làm dịch vụ, nghỉ dưỡng, dự án ‘sinh thái’ nên sẽ rất khó để bảo vệ những cánh rừng quý giá nhất của Việt Nam!”
Facebooker Giang Kều có bài tóm tắt quá trình và vấn đề dự án khu đô thị du lịch lấn biển Cần Giờ 2.870 ha. Tác giả viết: “Sự lên tiếng và tham gia của nhiều nhà khoa học, chuyên môn hiện nay dành cho dự án là vì lợi ích chung. Một dự án quy mô lớn và mang tính khoa học liên ngành phức tạp như Dự án lấn biển Cần Giờ nếu không được đánh giá toàn diện một cách khách quan, thấu đáo, thì nó không chỉ ảnh hưởng xấu tới TP.HCM mà còn có tác động đến vùng.”
Mời đọc thêm: TP.HCM và Khu đô thị lấn biển Cần Giờ: Tạo dựng một thành phố du lịch xanh, thông minh và khác biệt (DV). – Từ dự án Đại đô lấn biển Cần Giờ đọc lại bức tâm thư kêu gọi đánh thức Cần Giờ của Cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt (VN Business Insider). – Vì sao vào tay VinGroup, dự án KĐT lấn biển Cần Giờ lại được mở rộng gấp 3 dù bị phản đối? (Tâm Bão).
0 comments