Đọc báo Pháp – 02/07/2020
Hồng Kông: Phát súng ân huệ hạ sát một nền dân chủ ngoại lệ – Tú Anh
Hồng Kông tiếp tục là thời sự nóng trên báo Pháp ngày 02/07/2020. Chế độ Trung Quốc thô bạo bị lên án. Các nền dân chủ Tây phương cũng bị phê phán vì thái độ nhu nhược.
Không hẹn mà nên, báo chí Pháp hôm nay đều dành trang nhất để tố cáo bạo lực trong quan hệ quốc tế, trong chính sách quốc gia và cả trong xí nghiệp.
Bắc Kinh áp đặt chế độ áp bức tại Hồng Kông, tựa của Le Monde. Sáp nhập Cisjordanie, ván cờ rủi ro của thủ tướng Israel Netanyahu, chủ đề chính của Le Figaro. Libération trình bày vụ án sách nhiễu tình dục trong công ty Ubisoft, số ba thế giới về trò chơi điện tử : hơn một chục giám đốc ra toà.
Trang châu Á của Le Monde cũng rất súc tích : Hồng Kông, một ngoại lệ về tự do bị kết liễu một cách thô bạo. Tập Cận Bình và luật của kẻ mạnh. Kim Yo Jong, bàn tay thép của Bắc Triều Tiên. Ấn Độ cấm 59 ứng dụng điện thoại di động của Trung Quốc mà báo chí ở Bắc Kinh không phản ứng.
Phát súng ân huệ của Tập Cận Bình
Sự kiện mà nhật báo kinh tế Les Echos gọi là “Hồng Kông chuyển sang luật Trung Quốc” được Le Monde mô tả là “phát súng ân huệ của Bắc Kinh” tặng cho nền dân chủ tự do tại đặc khu, nơi mà không gian tự do mỗi ngày mỗi thu hẹp từ khi Tập Cận Bình lên cầm quyền ở Hoa lục cách nay 7 năm.
Theo tường thuật của thông tín viên tại chỗ, đặc khu Hồng Kông là thành phố duy nhất của Trung Quốc nơi mà các quyền tự do cá nhân được tôn trọng trước khi luật an ninh Trung Quốc ban hành. Dân biểu đối lập Claudia Ho gọi đạo luật này là “đạo luật khủng bố, đạo luật dọa nạt biến Hồng Kông thành con số không, thành một nơi không còn đối lập, không còn biểu tình phản kháng”.
Chỉ mới vài giờ mà đã thấy đổi khác. Ngay một luật gia có tiếng tăm, cũng như nhiều người khác nữa, khi được nhà báo Pháp phỏng vấn, đều xin đừng nêu tên. Một thái độ chưa từng thấy tại Hồng Kông. Đúng như chính phủ Trung Quốc tuyên bố: “Luật an ninh quốc gia là lưỡi gươm treo trên đầu bọn thiểu số đe dọa an ninh quốc gia”. Điều mỉa mai là chính quyền ra luật mà người dân Hồng Kông không hề được thông báo nội dung.
Đó cũng là nhận định của Le Figaro trong bài “Trung Quốc xuất khẩu công lý tùy tiện”: ngày thứ nhất, số người bị bắt lên đến hàng trăm.
Ngoại kiều và Hoa kiều phải thận trọng
Về chi tiết này, có lẽ phải tìm trên La Croix qua bài “Bắc Kinh khóa miệng Hồng Kông”, La Croix cho biết một thông tin đáng ngại : mục tiêu của đạo luật triệt tự do này không chỉ giới hạn ở Hồng Kông mà còn nhắm vào kiều dân nước ngoài cũng như dân Hồng Kông định cư ở ngoại quốc “phạm tội khuynh đảo” sẽ bị trừng trị nếu đương sự đến Hoa lục hoặc Hồng Kông.
Trong một bài khác “Bắc Kinh đập nát Hồng Kông”, nhật báo Công giáo xem đây là bằng chứng quan hệ quốc tế trở lại thời dã man: chế độ Bắc Kinh xem chữ ký của chính họ không có một giá trị nào. Họ đã cam kết với Luân Đôn vào năm 1984, bảo đảm tự do cho Hồng Kông thêm 50 năm kể từ 1997. Nhưng Tập Cận Bình đã hành động như Putin đối với bán đảo Crimée.
An ninh quốc gia hay an ninh của đảng?
Le Monde cho rằng những người ủng hộ Bắc Kinh chẳng có mấy ai. Trung Quốc ra tay thô bạo vì đảng Cộng sản sợ hãi. Còn phản ứng quốc tế mạnh hay yếu ? Báo chí Pháp thất vọng về thái độ rụt rè của Châu Âu.
Nhìn từ Hồng Kông, thông tín viên Le Monde cho rằng phe ủng hộ Bắc Kinh chẳng bao nhiêu. Cụ thể, tại khu thương mại Causeway, ngày hôm qua, số dư luận viên thân Bắc Kinh ra đường cầm cờ đỏ 5 sao vàng và bìa các-tông với hành chữ “giấc mơ Trung hoa” có đông hơn ngày hôm trước một ít, trong khi phần còn lại của Hồng Kông “để tang” cho tự do. Trên trường quốc tế; chỉ có chính quyền Cuba ủng hộ luật an ninh của Bắc Kinh và nhân danh 52 nước đệ trình một dự thảo nghị quyết theo chiều hướng này lên Hội Đồng Nhân Quyền tại Genève. Trong khi đó, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo nhận định : Trung Quốc đang sợ hãi, sợ quyền tự do suy nghĩ và hành động của người Hồng Kông.
Cũng với nhận định là đảng Cộng sản lo sợ cho an nguy của họ chứ không phải vì an ninh quốc gia, bài xã luận “Triệt hạ Hồng Kông, thách đố Tây phương” của Le Monde so sánh hai vụ việc xảy ra cách nhau 30 năm : Chiến xa Trung Quốc không tràn vào đường phố Hồng Kông như ở Thiên An Môn năm 1989, nhưng luật an ninh cũng gây kinh hãi không kém : thương gia gỡ khẩu hiệu treo trong cửa kính, số người xin visa di cư tăng lên hàng ngàn.
Thật ra, theo Le Monde, đối tượng trừng trị của Bắc Kinh không phải là những tiếng nói hiếm hoi đòi độc lập. Chính vì muốn “bảo vệ an toàn cho chế độ chính trị, mà Tập Cận Bình mới xem chiến tranh thương mại do Mỹ phát động cũng như nghị quyết của Quốc Hội Mỹ chống Trung Quốc chà đạp nhân quyền, nhất là tại Tân Cương, là những yếu tố làm tăng thêm rủi ro cản trở Trung Quốc thực hiện tham vọng chiếm vị trí trung tâm trên sân khấu quốc tế. Do vậy, phải cần triệt ngay phong trào phản kháng tại Hồng Kông.
Trong bối cảnh Hoa Kỳ và Châu Âu bận tâm chống dịch, Covid-19 đúng là cơ hội trời cho để Bắc Kinh ra tay, thách thức.
Châu Âu đánh mất linh hồn ?
Les Echos trong bài xã luận “Đánh mất linh hồn”, không giấu tức giận trước thái độ “im lặng đáng kinh ngạc của Liên Hiệp Châu Âu trước hành động chệch hướng” của Bắc Kinh. Cũng vì nội bộ chia rẽ và cũng vì quyền lợi thương mại mà Châu Âu không có thái độ cương quyết như đã trừng phạt Bắc Kinh sau vụ đàn áp Thiên An Môn. Thái độ cứng rắn đó, đúng vào lúc Đặng Tiểu Bình muốn xích lại gần với Tây phương, làm cho Trung Quốc bị cô lập. Những gì Bắc Kinh làm ở Hồng Kông ngày nay, cũng đi ngược lại các giá trị nền tảng của Châu Âu.
Một lãnh thổ có tự do, có nhà nước thượng tôn pháp luật, nay bị rơi vào tay một chế độ phủ nhận các giá trị đó, thế mà Châu Âu, hãnh diện là khối thương mại lớn nhất hành tinh, lại bị tê liệt vì sợ làm phật lòng đối tác thương mại số hai sau Hoa Kỳ. Vậy thì tuyên bố mới đây, gọi Trung Quốc là “đối thủ trên mọi mặt ” để làm gì ? Les Echos đặt câu hỏi.
Nhà Trắng bối rối về thông tin Nga thuê taliban giết lính Mỹ
Trang quốc tế của Libération tập trung vào hồ sơ Nga ve vãn Taliban với hai mục đích: vừa phá hòa đàm Mỹ-Taliban tại Afghanistan vừa để mượn tay Hồi giáo võ trang giết binh sĩ Mỹ trả thù cho lính đánh thuê Nga bị oanh kích chết ở Syria.
Mục tiêu thứ nhất dường như bất thành, vì Mỹ và Taliban đạt được thỏa thuận, Mỹ rút quân, taliban ngăn chận các tổ chức thánh chiến khác tấn công quyền lợi của Hoa Kỳ. Chuyện thứ hai bị CIA phát hiện nhưng hệ quả tác động đến tận Nhà Trắng và tổng thống Donald Trump.
Câu hỏi cốt lõi là Donald Trump có biết hay không ? Chuyện nghiêm trọng như thế mà tại sao không được báo cáo ? Còn đã biết thì sao không có phản ứng với Nga ? Theo Libération, thái độ tung hỏa mù của Nhà Trắng và một số thượng nghị sĩ Cộng Hoà bênh vực Donald Trump, sau khi New York Times tiết lộ đã làm một thượng nghị sĩ Cộng Hoà khác là Ben Sasse nổi cáu: Tổng tư lệnh tối cao có biết chuyện nghiêm trọng này hay không? Nếu không thì tại sao hỡi trời ?
Một số chủ đề khác được chú ý : Le Monde cho rằng đại dịch Covid -19 tiếp tục hoành hành tại Mỹ làm suy yếu tổng thống Donald Trump trong mùa tái tranh cử. Le Monde cũng đặc biệt tường thuật hành trình tìm đất sống và thảm nạn của thuyền nhân Rohingya.
Les Echos với “Trưng cầu dân ý” ở Nga: chính quyền Nga cố hết sức bảo đảm cho chủ nhân điện Kremlin được thật nhiều phiếu thuận để đạt kỷ lục thời gian cầm quyền tại nước Nga thời hiện đại, nhưng với cái giá “gian lận”, hình như là như thế.
Le Figaro lo ngại những hệ quả mà ngay giới quân sự Israel cũng không thể tiên liệu, nếu thủ tướng Netanyahu thi hành lời đe dọa sáp nhập thung lũng Cisjordanie. Không kể phản ứng tuyệt vọng của người Palestine, quyết định của Israel sẽ là món quà cho đối thủ Iran, và hai tổ chức Hồi giáo Hezbollah và Hamas, cánh tay nối dài của Teheran trong khu vực.
Tin tổng hợp
(RFI) - Ra mắt « Nghiệp đoàn Độc lập Việt Nam ».
Thông cáo báo chí của ban điều hành « Nghiệp đoàn Độc lập Việt Nam » ngày 01/07/2020 cho biết đây là một tổ chức gồm những người xuất thân từ nhiều ngành nghề khác nhau, với mục tiêu lập ra các nghiệp đoàn tự do theo từng ngành. Thông cáo nhấn mạnh chỉ có những nghiệp đoàn thực sự độc lập mới dám đứng lên bảo vệ quyền lợi người lao động. Ban điều hành « Nghiệp đoàn Độc lập Việt Nam » hiện có 5 người.Việt Nam đã ký 12 hiệp định tự do mậu dịch (FTA) với các nước, trong đó hai hiệp định thế hệ mới CPTPP và EVFTA.
(ĐSKBĐ) - Trung Quốc lại cho Hải Dương Địa Chất 4 xâm nhập vùng đặc quyền kinh tế Việt Nam.
Tàu khảo sát Hải Dương Địa Chất (Haiyang Shiyou) 4 của Trung Quốc sau vài ngày hoạt động gần Đá Chữ Thập và Đá Châu Viên, hôm 01/07/2020 đã di chuyển vào vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Việt Nam. Tàu này vận hành với tốc độ 1,5 hải lý/giờ tại vị trí cách Đảo Phú Quý khoảng 182 hải lý và cách bờ biển Việt Nam 192 hải lý. Trên bản đồ có thể quan sát được một tàu kiểm ngư của Việt Nam vẫn đang theo sát di chuyển của tàu Hải Dương Địa Chất 4
(RFI) - Miến Điện : Ít nhất 113 người chết trong vụ lở đẩt ở một mỏ ngọc bích.
Xác của các thợ mỏ đã được tìm thấy dưới lớp bùn, sau vụ lở đất tại một mỏ ngọc bích ở bang Kachin ngày 02/07/2020. Cuộc tìm kiếm đang bị tạm ngưng vì mưa lớn. Năm 2019 ở Miến Điện có khoảng 50 người thợ tử nạn trong một mỏ ngọc bích, cũng do đất lở.
(AFP) - Một số chiến binh châu Phi sẽ được đặt tên đường tại Pháp.
Bà Geneviève Darrieussecq, quốc vụ khanh bộ Quân Lực Pháp hôm 02/07/2020 cho biết đang lập ra một danh sách khoảng 100 người lính gốc châu Phi đã tử trận khi chiến đấu cho nước Pháp, để đặt tên cho một số con đường. Bà cho rằng đây là cách tốt nhất để vinh danh những người da màu đã đóng góp, thay vì lật đổ các bức tượng theo phong trào chống phân biệt chủng tộc ở Mỹ. Tuy nhiên, không thấy bà nhắc đến các chiến binh gốc châu Á, Thái Bình Dương, trong đó có người Việt, cũng đã hy sinh cho nước Pháp trong trận đại chiến.
.AFP) – Cảnh sát Mỹ giải tỏa “vùng tự trị” ở Seattle.
Khu vực này do người phản đối những lạm dụng của cảnh sát Mỹ lập nên từ cách đây ba tuần đã bị giải tán ngày 01/07/2020. Ít nhất 31 người bị tạm giam, trong đó có cả những người cản trở chiến dịch của cảnh sát, thậm chí là sở hữu dao. “Vùng tự trị” ở Seattle đã khiến tổng thống Mỹ giận dữ và đe dọa sử dụng lực lượng giải tán những “kẻ vô chính phủ đáng sợ”, những “kẻ khủng bố trong nước”.
(RFI) – Mỹ : Thành phố Richmond tháo dỡ công trình tưởng nhớ quân hợp bang.
Thị trưởng Levar Stoney thông báo ngày 01/07/2020 “đã ra lệnh rút ngay lập tức nhiều bức tượng trong thành phố” bị những người phản đối coi là biểu tượng của tàn dư phân biệt chủng tộc ở Mỹ. Công trình nổi bật nhất là bức tượng của tướng Robert E. Lee, chỉ huy trưởng quân đội miền Nam vào thời nội chiến Mỹ. Thị trưởng Richmond muốn sang trang với quá khứ của thành phố nằm ở bang Virginia, miền nam nước Mỹ.
(Yonhap) – LHQ cho phép dỡ một số cấm vận đối với Bắc Triều Tiên.
Quyết định được đưa ra vào cuối tháng Sáu, nhưng mới được thông báo trên trang web của Liên Hiệp Quốc ngày 02/07/2020, để tổ chức phi chính phủ Finn Church Aid của Phần Lan có thể giúp đỡ trẻ em khó khăn Bắc Triều Tiên. Dự án trị giá 240.600 euro, chủ yếu là cung cấp lương thực và một số trang thiết bị khác.
(AFP) - Một thẩm phán dỡ bỏ lệnh cấm cuốn sách của cháu gái tổng thống Mỹ.
Sách của Mary Trump, nhà tâm lý học 55 tuổi, con gái của anh ruột Donald Trump Fred Trump Jr., mô tả tổng thống Mỹ là « người nguy hiểm nhất thế giới » lẽ ra phát hành vào ngày 28/07/2020. Nhưng một người anh của Donald Trump là Robert Trump đã kiện lên tòa New York để ngăn trở, với lý do vi phạm cam kết giữ bí mật khi nhận gia tài của người cha. Thẩm phán tòa phúc thẩm hôm qua 01/07/2020 cho rằng nhà xuất bản cuốn «Too Much and Never Enough: How My Family Created the World’s Most Dangerous Man» (Quá nhiều và chưa bao giờ đủ: Làm thế nào gia đình tôi đã sinh ra con người nguy hiểm nhất thế giới) không liên quan đến cam kết của gia tộc Trump.
Điểm tin thế giới sáng 2/7:
Anh đồng ý
trao 3 triệu hộ chiếu cho người Hồng Kông
Lục Du
Mục Điểm tin thế giới sáng thứ Năm (2/7) của Đại Kỷ Nguyên xin gửi tới quý độc giả những tin sau:
Anh đồng ý trao 3 triệu hộ chiếu cho người Hồng Kông
Chính phủ của Thủ tướng Boris Johnson đã đồng ý cho phép khoảng 3 triệu người Hồng Kông nhận hộ chiếu hải ngoại của Vương quốc Anh, đồng thời tạo điều kiện cho những người Hồng Kông có cơ hội định cư tại nước này, SCMP đưa tin tối thứ Tư.
Ngoại trưởng Anh Dominic Raab cho biết những người mang loại hộ chiếu này của Anh sẽ có quyền ở lại nước ông trong 5 năm, và sau đó có thể nộp đơn xin định cư dài hạn.
Chính phủ Anh đưa ra quyết định này sau khi Trung Quốc, vào sáng 30/6, chính thức thông qua luật an ninh Hồng Kông vốn bị các nước phương Tây lên án. Ông Raab nói với Nghị viện Anh rằng đạo luật này vi phạm nghiêm trọng tuyên bố chung Trung-Anh năm 1984.
Đạo luật mà Bắc Kinh nhất quyết áp dụng cho người Hồng Kông có điều khoản xử phạt tù chung thân đối với những người bị gán tội phá hoại an ninh quốc gia.
Mỹ triển khai các đội đặc nhiệm bảo vệ tượng đài
Chính quyền Trump đã triển khai các đội thực thi pháp luật đặc biệt để bảo vệ các di tích lịch sử mà họ tin rằng có thể bị người biểu tình quá khích phá hoại trong dịp quốc khánh 4/7, Bộ An ninh Nội địa (DHS) cho biết thông tin trong một thông báo hôm thứ Tư, theo Reuters.
Sau khi những người biểu tình nhân danh đấu tranh chống nạn phân biệt chủng tộc phá hoại một số tượng đại anh hùng dân tộc, Tổng thống Trump đã đưa ra cảnh báo cứng rắn đối với họ và nói rằng có thể dùng biện pháp mạnh đế trấn áp những hành vi quá khích.
Vào tuần trước, ông Trump đã ký một lệnh hành pháp cho phép thành lập một đội làm nhiệm vụ đánh giá khả năng gây bất ổn dân sự hoặc phá hủy các di tích liên bang, đồng thời đội này có thể “tăng cường” các phản ứng trước các mối đe dọa tiềm ẩn.
“Bộ tôn trọng quyền biểu tình trong hòa bình của mọi người Mỹ, [nhưng] bạo lực và gây bất ổn dân sự sẽ không được dung thứ”, quyền Bộ trưởng DHS, Chad Wolf, nói.
Ethiopia: Bạo lực leo thang, hơn 80 người chết
Aljazeera đưa tin, hôm thứ Tư, chính phủ Ethiopia đã triển khai quân đội ở khu vực thủ đô của nước này để trấn áp các băng đảng có vũ trang vẫn đang hoành hành trong các khu phố và cướp đi sinh mạng của hơn 80 người.
Tiếng súng vang vọng trên các khu phố, các băng đảng với dao rựa và gậy lảng vảng trên các con đường. Nhạc sĩ nổi tiếng Haacaaluu Hundeessaa của Ethiopia đã bị bắn chết vào hôm thứ Hai. Cảnh sát nói đây là một vụ giết người có chủ đích.
Bedassa Merdasa, cảnh sát trưởng của khu vực Oromia thông tin: “Cho đến nay 81 người đã thiệt mạng, trong đó có ba thành viên lực lượng cảnh sát đặc nhiệm Oromia”.
Ngoại trưởng Mỹ lên án Bắc Kinh về luật an ninh
Hôm thứ Tư, Ngoại trưởng Hoa Kỳ Mike Pompeo nói rằng với việc cho thông qua luật an ninh Hồng Kông, chính quyền Trung Quốc đã đối đầu với tất cả các quốc gia, và Washington sẽ tiếp tục thực hiện chỉ đạo của Tổng thống Donald Trump chấm dứt các chính sách ưu đãi dành cho hòn đảo này, theo Reuters.
Trong một cuộc họp báo ngắn, ông Pompeo nói rằng Hoa Kỳ rất quan tâm tới sự an toàn của người dân Hồng Kông và cho biết Điều 38 của đạo luật mà Bắc Kinh vừa cho thông qua hôm thứ Ba còn có thể áp dụng cho cả người nước ngoài, bao gồm người Mỹ.
Ông Pompeo cũng đã tóm tắt các biện pháp gần nhất mà Hoa Kỳ áp dụng để phản ứng với hành động cho thông qua luật an ninh Hồng Kông của chính quyền Trung Quốc. Theo đó, vào thứ Sáu tuần trước, Washington đã thực thi các hạn chế thị thực đối với những người liên quan tới đàn áp tự do Hồng Kông, và hôm thứ Hai đã chấm dứt xuất khẩu thiết bị quốc phòng và công nghệ sử dụng kép qua Hồng Kông.
“Hồng Kông [ở trạng thái] tự do là một trong những thành phố ổn định, thịnh vượng và năng động nhất thế giới. [Nhưng] Bây giờ, nó sẽ chỉ là một thành phố khác do chính quyền Trung Quốc quản lý, nơi mọi người dân sẽ phải chấp nhận sự thống trị của giới cầm quyền”, ông Pompeo nói.
Hơn 300 người Hồng Kông bị bắt vì phản đối luật an ninh
Theo Reuters, hôm thứ Tư, cảnh sát đã xịt vòi rồng và hơi cay vào đám đông biểu tình phản đối luật an ninh Hồng Kông. Hơn 300 người biểu tình đã bị bắt giữ sau khi họ xuống đường phản đối đạo luật mà các nhà phân tích cho rằng sẽ kết thúc thời tự trị của Hồng Kông.
Người biểu tình đã bị đàn áp sau khi họ tập trung hô các khẩu hiệu như “kháng cự cho tới cùng” và “Hồng Kông độc lập” trong ngày hòn đảo quê hương họ được Anh bàn giao lại cho chính quyền Trung Quốc (1/7/1997).
“Tôi sợ đi tù, nhưng, hôm nay, vì công lý tôi phải xuống đường, tôi phải đứng lên”, một người biểu tình 35 tuổi có tên Seth nói.
Điểm tin thế giới tối 2/7:
Phần Lan đánh giá
khẩu trang của Đài Loan tốt hơn Trung Quốc
Hải Lam
Mục Điểm tin thế giới tối thứ Năm (2/7) của Đại Kỷ Nguyên xin gửi tới quý độc giả những tin sau:
Phần Lan đánh giá khẩu trang của Đài Loan tốt hơn Trung Quốc
Taiwan News hôm nay đưa tin, khẩu trang sản xuất tại Đài Loan mà hòn đảo tặng cho Phần Lan có tỷ lệ lọc 99,7%, cao hơn nhiều so với lô sản phẩm mà Trung Quốc đã bán cho quốc gia châu Âu này hồi tháng 4.
Vào cuối tháng 5, Đài Loan đã tặng 200.000 khẩu trang phẫu thuật cho Phần Lan để hỗ trợ nước này chống dịch Covid-19. Sau khi trải qua thử nghiệm bởi Trung tâm nghiên cứu kỹ thuật VTT của Phần Lan, khẩu trang của Đài Loan được xác nhận đáp ứng các tiêu chuẩn chất lượng cao nhất với tỷ lệ lọc tới 99,7%.
Trước đó, vào ngày 8/4, giới chức Phần Lan thông báo lô hàng 2 triệu khẩu trang y tế mà nước này nhập từ Trung Quốc không đáp ứng được các tiêu chuẩn bảo vệ chống lại virus corona để sử dụng trong môi trường y tế. Hai ngày sau, Tomi Lounema, Giám đốc điều hành Cơ quan Cung ứng Khẩn cấp Quốc gia, đã từ chức sau khi ông cho biết đã chi 10 triệu Euro (11 triệu USD) để mua lô khẩu trang không đạt tiêu chuẩn.
Bộ trưởng Anh: ‘Ngọn lửa tự do rất quý giá’
Bộ trưởng Anh Simon Clarke hôm nay nói rằng “ngọn lửa tự do rất quý giá” và Anh sẽ làm bất cứ điều gì được yêu cầu và trong khả năng để hỗ trợ người dân Hồng Kông sau khi Trung Quốc thông qua luật an ninh mới.
“Chúng tôi sát cánh với người dân Hồng Kông”, ông Clarke nói với Sky News.
Nhật ‘quan tâm sâu sắc’ đến tình hình Hồng Kông
Chánh văn phòng Nội các Yoshi DA Suga hôm nay cho biết Nhật Bản đang theo dõi tình hình Hồng Kông với “sự quan tâm sâu sắc”, trong bối cảnh cảnh sát Hồng Kông bắt nhiều người dân hơn sau khi Trung Quốc thông qua luật an ninh quốc gia, theo Reuters.
Ông Suga nói thêm rằng mối quan hệ kinh doanh bền chặt giữa Nhật Bản và Hồng Kông được thiết lập trên hệ thống “Một quốc gia, Hai chế độ”.
Cảnh sát Seattle giải tán ‘Khu tự trị Capitol Hill’
Giới chức thành phố Seattle, bang Washington của Mỹ hôm 1/7 đã giải tán khu vực người biểu tình chiếm đóng và gọi là “Khu tự trị Capitol Hill”, sau khi bạo lực gia tăng tại khu vực này.
Theo thông tin Sở Cảnh sát Seattle đăng trên Twitter, cuộc bố ráp của các sĩ quan cảnh sát được trang bị vũ trang và đồ bảo hộ vào “khu tự trị” lúc sáng sớm và giữa buổi sáng ngày 1/7 (giờ Mỹ). Lực lượng này đã bắt giữ 31 người không chấp hành lệnh giải tán, tấn công người thi hành công vụ và phạm các tội danh khác.
Cảnh sát đã thực hiện tiếp quản lại “khu tự trị” sau khi Thị trưởng Seattle, Jenny Durkan, tuyên bố rằng việc tập hợp tại đây là “tụ tập đông người bất hợp pháp”.
Cảnh sát trưởng Seattle, bà Carmen Best phát đi tuyên bố nhấn mạnh đến việc gần đây khu vực này đã gia tăng các vụ xả súng và đã có hai thiếu niên bị thiệt mạng.
Trong tuyên bố hôm 1/7, bà Carmen Best nói rằng mặc dù bà ủng hộ các cuộc biểu tình ôn hòa, nhưng “Khu tự trị Capitol Hill” đã trở thành một khu vực “vô luật lệ và man rợ”.
Sạt lở mỏ ngọc bích ở Myanmar, hơn 100 người chết
Mưa lớn khiến bùn đất tại mỏ ngọc bích ở bang Kachin, phía Bắc Myanmar sụp xuống sáng nay, ít nhất 113 thợ mỏ đã thiệt mạng, theo AFP.
Vụ sạt lở xảy ra khi các thợ mỏ đang tìm kiếm đá quý trên địa hình đồi núi hiểm trở tại khu mỏ ở thị trấn Hpakant, giáp biên giới Trung Quốc. Mưa lớn gây ra lở đất và một làn sóng bùn lầy đã nhấn chìm những người thợ mỏ.
“Những thợ mỏ bị phủ trong đợt sóng bùn. 113 thi thể đã được tìm thấy”, Sở Cứu hỏa Myanmar đăng trên Facebook, cùng với đó là hình ảnh đội tìm kiếm và cứu hộ đang lội qua một thung lũng ngập trong bùn lầy.
0 comments