Tin Biển Đông – 02/07/2020
Ý đồ của Trung Quốc khi tập trận ở quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam – Minh Hòa
Những hình ảnh thu được từ vệ tinh cho thấy, Trung Quốc đã bắt đầu tập trận hải quân ở Biển Đông từ hôm thứ Tư (1/7), trong đó có các bài tập chiếm đảo với sự kết hợp của lực lượng cảnh sát biển và hải quân, theo BenarNews.
Trang tin này trích lời ông Bryan Clark, một chuyên gia hàng hải cấp cao tại Viện Hudson, một cơ quan nghiên cứu có trụ sở tại Washington, cho biết: “Có vẻ họ đang diễn tập các bài tập chiếm đảo hoặc bảo vệ an ninh đảo, đó có thể là một cách chứng tỏ với các quốc gia Đông Nam Á khác rằng Trung Quốc có thể đến và đuổi họ ra khỏi các hòn đảo của họ”.
Ông Clark cho rằng cuộc tập trận hiện giờ của Trung Quốc không phải là mô phỏng một cuộc tấn công vào lực lượng quân sự nước khác, mà là sử dụng quân đội và cảnh sát để trấn áp tình huống bất ổn dân sự.
Dựa trên phân tích các hình ảnh từ vệ tinh về căn cứ quân sự của Trung Quốc ở đảo Phú Lâm, thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, ông Clark nói với BenarNews: “Cách thiết lập lực lượng của họ trong cuộc tập trận, cho thấy dường như đó là một hành động dân sự hơn là sự tham gia của lực lượng quân đội”.
Theo BenarNews, hình ảnh vệ tinh chụp đảo Phú Lâm cho thấy sự xuất hiện của một chiếc tàu Type 071 có chức năng làm bãi đậu cho máy bay trực thăng. Ở mũi tàu Type 071 có 3 chiếc tàu nhỏ hơn không rõ thuộc loại nào. Chiếc tàu Type 071 có thể được dùng cho hoạt động chiến tranh đổ bộ, trong khi 3 tàu nhỏ hơn trông giống với các tàu quét mìn được sử dụng trong hải quân Trung Quốc.
Hình ảnh vệ tinh của PlanetLab Inc. cho thấy các tàu hải quân Trung Quốc hoạt động tại đảo Phú Lâm, quần đảo Hoàng Sa vào ngày 27/6/2020 (ảnh chụp màn hình).
Điều đáng chú ý là một nhóm tàu hải cảnh cũng xuất hiện trong khu vực diễn tập, theo dữ liệu theo dõi tàu và hình ảnh vệ tinh. Những tàu này có thể đã đến từ cảng Tam Á, thuộc tỉnh Hải Nam của Trung Quốc.
Chuyên gia hàng hải cho rằng Trung Quốc lựa chọn diễn tập ở Hoàng Sa là vì Trung Quốc kiểm soát mọi tính năng ở đó, hơn nữa, nó cũng gửi một thông điệp tới các nước xung quanh.
Ông Clark nói: “Rõ ràng nó là để chứng tỏ rằng họ có thể triển khai năng lực đó tới những nơi khác. Tôi nghĩ việc sử dụng kết hợp giữa lực lượng dân sự và quân đội còn là để truyền tải một thông điệp rằng ‘chúng tôi nhìn nhận đây không chỉ là một hoạt động quân sự, mà nó là nhằm đối phó với các nhóm dân sự có một phần người Trung Quốc và một phần người nước ngoài”.
Ông nói thêm: “Sau đó, nó còn là một cách để thể hiện với những người bên ngoài khu vực rằng ‘chúng tôi có thể làm điều này trong khu vực của các vị’, dù đó là Đài Loan, quần đảo Senkaku hay quần đảo Trường Sa”.
Hôm 20/6, Trung Quốc đã có động thái sửa luật nhằm cho phép lực lượng cảnh sát biển (hải cảnh) tham gia diễn tập thời chiến với quân đội, nhằm củng củng cố năng lực hàng hải ở Biển Đông và Biển Hoa Đông.
Sự hiện diện thường trực của các tàu hải cảnh và dân sự của Trung Quốc ở Biển Đông tạo điều kiện cho họ tăng cường yêu sách hàng hải trong khu vực, theo nhận định của ông Greg Poling, giám đốc Sáng kiến Minh bạch Hàng hải Á châu và là thành viên cao cấp của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược & Quốc tế (CSIS).
“Trung Quốc muốn biến Biển Đông thành ao nhà”, BenarNews trích lời ông Poling phát biểu trong phiên điều trần với Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Mỹ.
Ông Poling cho rằng đó là một ưu tiên của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nhằm thực hiện “giấc mơ Trung Hoa”. Ông nói tiếp: “Vì vậy, chắc chắn chúng ta sẽ tiếp tục thấy Trung Quốc ra sức thúc đẩy yêu sách ở đây, vì ông Tập đã kết nối nó với tương lai chính trị của ông ta”.
0 comments