Hải Ngoại Ngày Nay


LIÊN KẾT HẢI NGOẠI YỂM TRỢ QUỐC NỘI ĐẤU TRANH

GIẢI THỂ CHẾ ĐỘ ĐỘC TÀI VIỆT CỘNG

GIẢi TRỪ HIỂM HỌA XÂM LĂNG TRUNG CỘNG

Tin khắp nơi – 02/07/2020

Thursday, July 2, 2020 8:14:00 PM // ,

Tin khắp nơi – 02/07/2020

Chính quyền Trump sắp trừng phạt ‘khốc liệt’ Trung Quốc vì nhân quyền ở Tân Cương – Minh Hòa

Hãng tin Bloomberg hôm 1/7 trích dẫn nguồn tin từ 2 quan chức Hoa Kỳ cho biết chính quyền Tổng thống Donald Trump đang chuẩn bị đưa ra các biện pháp trừng phạt “khốc liệt” đối với các quan chức cấp cao của Trung Quốc liên quan đến những hành vi vi phạm nhân quyền đối với người dân tộc Duy Ngô Nhĩ theo đạo Hồi ở Tân Cương.
Các nguồn tin cho biết các biện pháp trừng phạt sẽ nhắm vào các đảng viên Đảng Cộng sản Trung Quốc chịu trách nhiệm về việc giam giữ và đàn áp các nhóm thiểu số ở Tân Cương. Các nguồn tin từ chối cho biết đích danh ai sẽ bị nhắm tới hoặc khi nào lệnh trừng phạt sẽ được đưa ra.
Cùng ngày, Ngoại trưởng Hoa Kỳ Mike Pompeo có cuộc phỏng vấn trên Fox News, trong đó ông cho biết Tổng thống Trump đã rất rõ ràng khi ông ký dự luật về người Duy Ngô Nhĩ: “Chúng tôi sẽ thực hiện việc này một cách nghiêm túc, chúng tôi sẽ giải quyết nó, chúng tôi sẽ đưa ra những chế tài khốc liệt”.
Tổng thống Trump ký ban hành luật nhân quyền Duy Ngô Nhĩ hôm 17/6 và kể từ đó ông bị chỉ trích vì không lập tức đưa ra các động thái trừng phạt giới chức Trung Quốc. Hai nguồn tin của Bloomberg cho biết Tổng thống Trump cần xem xét kỹ lưỡng các biện pháp trừng phạt, vì phải cân nhắc đến tác động của chúng đối với các cuộc đàm phán thương mại đang chưa có hồi kết giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc.
Trong cuộc họp báo với các phóng viên hôm thứ Tư (1/7), Ngoại trưởng Pompeo đề cập đến thông tin cho biết chính quyền Trung Quốc cưỡng ép triệt sản đối với phụ nữ Duy Ngô Nhĩ nhằm thu hẹp dân số của sắc tộc này.
Ông bình luận: “Tin tức gây sốc này rất đáng buồn là tương thích với thái độ coi thường và nhẫn tâm kéo dài hàng thập niên của Đảng Cộng sản Trung Quốc đối với sự thiêng liêng của nhân quyền”.
https://www.dkn.tv/the-gioi/chinh-quyen-trump-sap-trung-phat-khoc-liet-trung-quoc-vi-nhan-quyen-o-tan-cuong.html

Nghị sĩ Mỹ đề xuất dự luật

cấm các công ty Trung Quốc khỏi thị trường vốn

Hải Lam
Nghị sĩ đảng Cộng hòa Marco Rubio đang soạn thảo dự luật nhằm cấm các công ty Trung Quốc khỏi thị trường vốn của Mỹ nếu họ tham gia vào hoạt động gián điệp, lạm dụng nhân quyền hoặc hỗ trợ quân đội Trung Quốc, theo bản tin ngày 2/7 của Reuters.
“Việc đảng Cộng sản Trung Quốc lợi dụng thị trường vốn của Mỹ là một rủi ro rõ ràng và đang tiếp diễn đối với kinh tế và an ninh quốc gia của Mỹ. Việc này phải được giải quyết”, nghị sĩ Rubio, người nổi tiếng với lập trường cứng rắn với Bắc Kinh, cho biết.
“Trong vài tuần tới, tôi sẽ giới thiệu dự luật nhằm cấm các công ty này hoạt động ở thị trường vốn của Mỹ và nói rõ với ĐCSTQ rằng họ sẽ không thể khai thác hệ thống tài chính của chúng ta thêm nữa”, ông nói thêm.
Ngoài ra, dự luật này cũng sẽ nhắm vào các công ty hỗ trợ chính sách công nghiệp của Trung Quốc. Nếu dự luật của ông Rubio được ban hành, nó sẽ giáng một đòn mạnh vào nền tài chính của Bắc Kinh. Tuần trước, chính quyền Trump liệt kê 20 công ty do quân đội Trung Quốc kiểm soát, từ đó đặt nền móng cho các lệnh trừng phạt tài chính mới của Hoa Kỳ.
Động thái này của Nghị sĩ Rubio, quyền Chủ tịch Ủy ban Đặc biệt về Tình báo của Thượng viện Mỹ, được đưa ra trong bối cảnh căng thẳng Mỹ – Trung leo thang do một loạt vấn đề, trong đó có việc tranh cãi về nguồn gốc của dịch Covid-19 và tình hình Hồng Kông. Hôm 1/7, Hạ viện Mỹ đã thông qua dự luật trừng phạt các ngân hàng Trung Quốc có liên quan đến những quan chức Trung Quốc thực thi luật an ninh Hồng Kông.
(Nguồn thumbnail: Gage Skidmore/Flickr)
https://www.dkn.tv/the-gioi/nghi-si-my-de-xuat-du-luat-cam-cac-cong-ty-trung-quoc-khoi-thi-truong-von.html

Hạ viện Mỹ thông qua dự luật

trừng phạt Trung Quốc về an ninh Hồng Kông

Hải Lam
Hạ viện Hoa Kỳ hôm thứ Tư (1/7) đã thông qua dự luật trừng phạt các ngân hàng liên quan đến những quan chức Trung Quốc thực thi luật an ninh Hồng Kông, theo Reuters.
Dự luật được thông qua theo hình thức đồng thuận, phương pháp được sử dụng để thông qua những dự luật không bị xem là gây tranh cãi và không có nghị sĩ nào phản đối.
Dự luật này đang chờ Thượng viện thông qua trước khi được gửi tới Nhà Trắng để Tổng thống Trump ký ban hành hoặc phủ quyết. Tuần trước, Thượng viện Mỹ đã thông qua một dự luật tương tự để trừng phạt các cá nhân xâm phạm nền tự trị và dân chủ của đặc khu Hồng Kông.
“Không người dân nào nên bị bỏ tù chỉ tham gia biểu tình. Hiện tại, người Hồng Kông đang tháo chạy khỏi Hồng Kông vì lo sợ cho sự an toàn của họ, chúng ta nên ủng hộ quyền biểu tình của họ. Chúng ta cần phải bắt chính phủ Trung Quốc gánh chịu hậu quả vì hành động của họ đối với Hồng Kông”, nghị sĩ đảng Dân chủ Brad Sherman, một trong những người soạn thảo dự luật, viết trên Twitter.
Reuters cho biết thêm, trước khi Hạ viện thông qua dự luật trừng phạt các ngân hàng Trung Quốc, Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi đã xuất hiện tại một phiên điều trần về tình hình Hồng Kông. Bà nói rằng rằng luật an ninh đánh dấu cái chết của mô hình “một quốc gia, hai chế độ”.
Bà nói rằng luật an ninh mà Bắc Kinh áp đặt đối với Hồng Kông “là sự đàn áp tàn bạo với người dân Hồng Kông, nhằm phá hủy các quyền tự do mà họ đã được hứa hẹn”.
Động thái của Hạ viện Mỹ phản ánh sự quan ngại của chính quyền Washington về luật an ninh quốc gia mà Bắc Kinh áp cho Hồng Kông. Cũng trong hôm 1/7, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo bình luận rằng luật an ninh mà Trung Quốc áp đặt đối với Hồng Kông là một sự sỉ nhục đối với tất cả các quốc gia và Washington sẽ tiếp tục thực hiện chỉ thị của Tổng thống Donald Trump về việc chấm dứt chế độ đãi ngộ đặc biệt dành cho thành phố này.
Luật an ninh quốc gia Hồng Kông được chính quyền Trung Quốc thông qua vào hôm 30/6, hình sự hóa 4 loại tội phạm an ninh quốc gia gồm ly khai, lật đổ, khủng bố và thông đồng với nước ngoài hoặc các phần tử bên ngoài để gây nguy hiểm cho an ninh. Động thái này của Bắc Kinh vấp phải sự phản đối mạnh mẽ của người dân Hồng Kông và nhiều nước trên thế giới. Hôm 1/7, bất chấp lệnh cấm của cảnh sát, hàng ngàn người Hồng Kông đã xuống đường phản đối đạo luật hà khắc của chính quyền Trung Quốc.
https://www.dkn.tv/the-gioi/ha-vien-my-thong-qua-du-luat-trung-phat-trung-quoc-ve-an-ninh-hong-kong.html

Mỹ thu giữ 12 tấn hàng nghi là tóc từ tù nhân

trong trại cải tạo Trung Quốc

Hôm thứ Tư 1/7, nhà chức trách liên bang Mỹ ở New York bắt giữ một lô hàng gồm các sản phẩm tóc và phụ kiện làm đẹp bị nghi ngờ là làm từ tóc của những người bị nhốt trong trại cải tạo của Trung Quốc.
Các quan chức Hải quan và Biên phòng Hoa Kỳ (CBP) nói với hãng tin AP rằng lô hàng có trọng lượng 11,8 tấn và trị giá ước tính là 800.000 đô la.
“Việc sản xuất những hàng hóa này cấu thành hành vi xâm hại nhân quyền rất nghiêm trọng, và việc thu giữ này nhằm gửi đi một thông điệp rõ ràng và trực tiếp tới tất cả các bên muốn làm ăn với Hoa Kỳ rằng các hành vi bất hợp pháp và vô nhân đạo sẽ không được chấp nhận trong chuỗi cung của Mỹ”, bà Brenda Smith, trợ lý ủy viên điều hành của Văn phòng chuyên trách về thương mại thuộc CBP, phát biểu.
Đây là lần thứ hai trong năm nay, CBP thực hiện một trong những lệnh thu giữ hiếm hoi của họ đối với các lô hàng tóc bện từ Trung Quốc, căn cứ vào mối nghi ngờ rằng những người làm ra các sản phẩm đó phải chịu những xâm hại về nhân quyền.
Các lệnh này được áp dụng để tạm giữ các container hàng tại các cảng nhập cảnh ở Hoa Kỳ cho đến khi CBP có thể điều tra về những cáo buộc.
Lô hàng bị thu giữ hôm 1/7 gồm các sản phẩm do công ty Lop County Meixin Hair Product sản xuất.
Hồi tháng 5, một vụ thu giữ hàng tương tự đã được thực hiện đối với công ty Hetian Haolin Hair Accessories, mặc dù hàng của công ty này là tóc bện từ sợi tổng hợp, không phải tóc người, CBP cho biết.
Cả hai hãng xuất khẩu này đều ở Tân Cương, tỉnh vùng xa ở miền tây Trung Quốc. Tại đó, trong 4 năm qua, chính phủ Trung Quốc đã giam cầm khoảng 1 triệu người dân tộc thiểu số Tuốc, hoặc hơn thế.
Những người dân tộc thiểu số bị giam trong các trại tập trung và các nhà tù, ở đó, họ bị nhồi sọ về tư tưởng, buộc phải bỏ đạo và từ bỏ ngôn ngữ của họ, cũng như bị xâm hại thân thể.
Trung Quốc lâu nay vẫn ngờ vực rằng người Duy Ngô Nhĩ, chủ yếu theo đạo Hồi, có khuynh hướng ly khai vì khác biệt về văn hóa, ngôn ngữ và tôn giáo.
Các bài tường thuật của AP và các hãng tin khác nhiều lần cho thấy rằng những người ở bên trong các trại giam và nhà tù, mà các nhà hoạt động gọi là “các nhà máy hắc ám”, phải gia công đồ thể thao và quần áo cho các thương hiệu nổi tiếng của Hoa Kỳ.
(AP, TIME, FOX News)
https://www.voatiengviet.com/a/my-thu-giu-12-tan-hang-nghi-la-toc-tu-tu-nhan-trong-trai-cai-tao-trung-quoc/5485984.html

Virus corona: ‘Tôi hoàn toàn ủng hộ khẩu trang,’

 Trump giờ đây đổi giọng

Tổng thống Mỹ Donald Trump, từ lâu vẫn không chịu đeo khẩu trang trước công chúng, nói rằng ông “hoàn toàn ủng hộ khẩu trang” và chúng khiến ông trông giống như Lone Ranger.
Lone Ranger là một nhân vật anh hùng hư cấu, chuyên đeo mặt nạ và cùng với Tonto, người bạn bản xứ Mỹ, chiến đấu ngoài vòng pháp luật ở miền Tây nước Mỹ cũ.
Ông Trump cũng khẳng định rằng đeo khẩu trang không cần phải trở thành điều bắt buộc để hạn chế sự lây lan của Covid-19.
Ông một lần nữa dự đoán nhiễm trùng sẽ “biến mất”, ngay giữa lúc Mỹ đạt mức cao kỷ lục mới với 52.000 ca nhiễm virus trong một ngày.
Phát biểu của ông với Fox News được đưa ra một ngày sau khi một thành viên đảng Cộng hòa hàng đầu kêu gọi ông nên đeo khẩu trang để làm gương.
Hoa Kỳ hiện có gần 2,7 triệu ca nhiễm Covid-19 được xác nhận, và hơn 128.000 tử vong, theo Đại học Johns Hopkins, nơi đang theo dõi đại dịch.
Đeo khẩu trang có thực sự giảm lây Covid-19?
Vì sao nhiều người Mỹ chống cách ly xã hội, bất chấp Covid-19?
Hoa Kỳ có số ca nhiễm Covid-19 trong ngày cao kỷ lục
Biden sẽ không tổ chức vận động tranh cử trong bối cảnh đại dịch
Ông Trump nói gì hôm thứ Tư?
Phát biểu với Fox Business Network hôm thứ Tư, ông Trump nói: “Tôi hoàn toàn ủng hộ khẩu trang”.
Khi được hỏi liệu ông có đeo một chiếc khẩu trang hay không, tổng thống nói: “Nếu tôi ở một nơi đông người, tôi sẽ đeo chứ, chắc chắn rồi.” Ông nói thêm rằng mọi người đã thấy ông đeo khẩu trang trước đó.
Ông Trump nói ông sẽ “không có vấn đề gì” với việc đeo khẩu trang công khai và ông hơi “thích” vẻ ngoài của mình khi đeo nó, nói mình trông giống như Lone Ranger.
Nhưng tổng thống nhắc lại rằng ông không nghĩ việc bắt buộc phải đeo khẩu trang trên khắp nước Mỹ là điều cần thiết, bởi vì có “nhiều nơi ở Mỹ mọi người ở rất cách xa nhau”.
“Nếu mọi người cảm thấy thoải mái khi đeo khẩu trang, họ nên làm điều đó.”
Ông Trump cũng được hỏi trong cuộc phỏng vấn với Fox Business hôm thứ Tư là ông còn tin rằng virus corona sẽ “biến mất” vào một ngày nào đó hay không.
“Tôi tin như vậy,” ông nói. “Tôi tin thế. Vâng chắc chắn. Tại một số nơi.”
Trong dịp lễ kỷ niệm Ngày Độc lập sắp tới do Trump tổ chức vào ngày 3 tháng 7 tại Mount Rushmore, người tham dự ủng hộ ông sẽ không bị buộc phải đeo khẩu trang hoặc giữ khoảng cách xã hội.
Trước đây Trump đã nói gì về khẩu trang?
Trong tháng Tư, khi Trung tâm Kiểm soát Dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC) bắt đầu khuyên mọi người nên đeo khẩu trang hoặc khăn che mặt ở nơi công cộng để giúp ngăn chặn sự lây lan của virus, ông Trump nói với các phóng viên rằng ông sẽ không tuân theo thông lệ.
“Tôi không nghĩ mình sẽ làm việc đó”, ông nói lúc đó. “Đeo khẩu trang khi tôi chào các tổng thống, thủ tướng, nhà độc tài, vua, hoàng hậu – tôi chỉ không hình dung ra được điều đó.”
Nhưng ông Trump đã nhiều lần nhấn mạnh rằng quyết định tuân theo hướng dẫn y tế chính thức về việc đeo khẩu trang là một quyết định cá nhân.
Tháng trước, ông nói với tờ Wall Street Journal rằng một số người chỉ đeo khẩu trang như một tuyên bố chính trị chống lại ông.
Trong tháng Năm, trong chuyến thăm một nhà máy ở Michigan, ông nói với các phóng viên rằng đã tháo khẩu trang trước khi đứng trước máy ảnh vì “không muốn mang đến cho báo chí niềm vui khi nhìn thấy ông đeo nó”.
Nhà Trắng bào chữa cho sự lựa chọn của tổng thống bằng cách nói rằng tất cả mọi người tiếp xúc với ông đều được kiểm tra thường xuyên về virus corona, và chính ông Trump cũng vậy.
Con gái của tổng thống và cố vấn cao cấp, Ivanka Trump, cũng được nhìn thấy đeo khẩu trang nơi công cộng.
Một cuộc thăm dò của ABC News / Ipsos thực hiện trong tuần trước, 89% người Mỹ cho biết họ đeo khẩu trang hoặc che mặt khi ra khỏi nhà – tăng 20% từ giữa tháng Tư.
Các chính trị gia nói gì?
Ông Trump thường bị đảng Dân chủ chỉ trích vì coi thường nhu cầu đeo khẩu trang và chính trị hóa việc này.
Nhưng gần đây hơn, những người đảng Cộng hòa và các phương tiện truyền thông bảo thủ của tổng thống đã tham gia các cuộc kêu gọi đeo khẩu trang.
Những người này gồm Phó Tổng thống Mike Pence, người đứng đầu lực lượng đặc nhiệm Covid-19 của Hoa Kỳ, lãnh đạo Thượng viện Cộng hòa Mitch McConnell, Thượng nghị sĩ Mitt Romney và nữ nghị sĩ Liz Cheney.
Hôm thứ Ba, Thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa tiểu bang Tennessee, Lamar Alexander, nói rằng thật không may là “cứu cánh đơn giản này đã trở thành một phần của cuộc tranh luận chính trị rằng ‘nếu bạn ủng hộ Trump, bạn không đeo khẩu trang, nếu bạn chống lại Trump, thì bạn đeo nó”.
Cùng ngày, giám đốc bệnh truyền nhiễm Hoa Kỳ, Tiến sĩ Anthony Fauci nói với các nhà lập pháp là số người nhiễm virus corona mới của Mỹ có thể lên đến 100.000 mỗi ngày và không có đủ người Mỹ đeo khẩu trang hoặc tôn trọng quy tắc giãn cách xã hội.
Sự gia tăng số ca nhiễm gần đây đã khiến một số tiểu bang đảo ngược hoặc tạm dừng các kế hoạch mở lại. Khoảng 20 tiểu bang đã bắt buộc người dân phải đeo khẩu trang ở nơi công cộng.
https://www.bbc.com/vietnamese/world-53245316

Sở Y Tế Công Cộng và Sở Giáo Dục Quận Hạt Santa Clara

 công bố các hướng dẫn cho việc mở cửa lại

các trường học một cách an toàn

Tin từ Santa Clara, California – Hôm qua, ngày 30 tháng 06, Sở Y Tế Công Cộng Quận Hạt Santa Clara công bố hướng dẫn chi tiết giúp chuẩn bị chào đón học sinh trở lại trường cho niên khoá 2020-2021, với các quy định và chính sách sẵn sàng để bảo vệ học sinh và nhân viên với dịch COVID-19.
Các hướng dẫn này, được soạn thảo với sự hợp tác của Sở Giáo Dục, nêu chi tiết cho các trường về các vấn đề như giữ an toàn khi dạy học trong lớp, cách đến và rời trường, khi đi học bằng xe buýt, sử dụng khẩu trang, rửa tay, vệ sinh trường lớp, ăn uống, hoạt động ngoại khóa và các chủ đề khác. Việc các trường có thể mở lại để dạy học trực tiếp cho học sinh vào mùa thu này được hay không sẽ tùy thuộc vào các biện pháp ngăn ngừa lây nhiễm COVID-19 trong những tuần lễ sắp đến.
Tuỳ thuộc vào từng nhóm tuổi sẽ có những biện pháp phòng ngừa khác nhau. Ví dụ, các trường tiểu học có thể hạn chế sự lây lan bằng cách chỉ cho học sinh tiếp xúc với một giáo viên và các học sinh khác cùng một nhóm, trường trung học có thể hướng dẫn và yêu cầu học sinh tuân theo hầu hết các quy định đeo khăn che mặt và khoảng cách xã hội.
Các biện pháp phòng ngừa sự lây lan bao gồm: Giảm số lượng người tiếp xúc với nhau, Tối đa hóa khoảng cách vật lý giữa người với người, Giảm thời gian mọi người tiếp xúc gần với nhau, Các biện pháp để giảm thiểu sự phân tán của các nhiễm giọt (như đeo khẩu trang) (BBT)
https://www.sbtn.tv/so-y-te-cong-cong-va-so-giao-duc-quan-hat-santa-clara-cong-bo-cac-huong-dan-cho-viec-mo-cua-lai-cac-truong-hoc-mot-cach-an-toan/

Thống Đốc California đóng cửa nhà hàng, xưởng rượu,

và các rạp phim hoạt động trong nhà

Tin Sacramento – Vào thứ Tư, 1 tháng 7, Thống Đốc California Gavin Newsom đã tái ban hành một số lệnh hạn chế, trong bối cảnh số ca nhiễm coronavirus tại tiểu bang tăng nhanh. Chính quyền California đã yêu cầu một số ngành kinh doanh phải đóng cửa mọi hoạt động trong nhà, tại các quận hạt bị đưa vào danh sách theo dõi của tiểu bang trong 3 ngày liên tiếp.
Mệnh lệnh mới, vốn có hiệu lực ngay lập tức, sẽ ảnh hưởng đến các ngành kinh doanh gồm nhà hàng, trang trại làm rượu nho, rạp phim, các trung tâm giải trí gia đình, sở thú, bảo tàng, và các phòng đánh bài. Các cơ sở này vẫn có thể duy trì các hoạt động ngoài trời. Mệnh lệnh mới áp dụng cho 19 quận hạt, chiếm hơn 70% dân số tiểu bang và bao gồm cả một số quận hạt ở miền nam California. Các quận hạt như Los Angeles, Orange, Riverside, San Bernardino, và Ventura đều nằm trong danh sách những vùng bị ảnh hưởng bởi lệnh hạn chế.
Theo Thống Đốc Newsom, lệnh hạn chế mới sẽ kéo dài ít nhất 3 tuần. California không yêu cầu đóng cửa các bãi biển vào dịp lễ Độc Lập cuối tuần, nhưng sẽ thực hiện một số biện pháp, như đóng cửa bãi đậu xe và hủy chương trình bắn pháo bông, để tránh tình trạng người dân tụ tập quá đông. Ngoài ra, Thống Đốc Newsom cũng kêu gọi người dân không nên tụ tập ăn uống cuối tuần với những người mà họ không sống chung nhà.
Trong vòng 24 giờ từ thứ Ba tới thứ Tư, California có thêm 6,367 người dương tính với Covid-19, tỷ lệ nhập viện tăng lên 6.3%, và số người phải vào khu chăm sóc đặc biệt ICU tăng lên 4.3%. (Ngô Bảo)
https://www.sbtn.tv/thong-doc-california-dong-cua-nha-hang-xuong-ruou-va-cac-rap-phim-hoat-dong-trong-nha/

New York, New Jersey và Connecticut mở rộng

 khuyến cáo cách ly đối với du khách từ California

 và 7 tiểu bang khác có tỷ lệ nhiễm COVID-19 cao

Các thống đốc vùng đông bắc Hoa Kỳ, nơi từng được xem là ổ dịch của Hoa Kỳ trong giai đoạn đầu của coronavirus, đang thắt chặt các hạn chế ở các tiểu bang của họ đối với du khách ở các tiểu bang khác có tỷ lệ nhiễm COVID-19 và nhập viện cao.
Vào hôm thứ ba (30 tháng 6), New York, New Jersey và Connecticut đã mở rộng các khuyến cáo du lịch của họ, yêu cầu những người đến từ tám tiểu bang miền nam và trung tây Hoa Kỳ phải cách ly trong 14 ngày. Hiện tại, danh sách các tiểu bang bị giới hạn bao gồm: Alabama, Arkansas, Arizona, California, Florida, Georgia, Iowa, Idaho, Louisiana, Mississippi, North Carolina, Nevada, South Carolina, Tennessee, Texas và Utah. Trong đó, 8 tiểu bang đã được công bố vào tuần trước.
Khuyến cáo du lịch áp dụng cho bất kỳ ai đến từ một tiểu bang có tỷ lệ dương tính 10% hoặc cao hơn so với trung bình 7 ngày. Khuyến cáo không bao gồm những công nhân lao động thiết yếu.
Theo Johns Hopkins University, trên toàn cầu hiện có hơn 2.6 triệu ca nhiễm coronavirus được xác nhận. Riêng tại Hoa Kỳ, số ca nhiễm mới tại 36 tiểu bang đang có xu hướng tăng so với tuần trước đó.
Thống đốc Massachusetts Charlie Baker cũng tuyên bố rằng bắt đầu từ thứ Tư (ngày 1 tháng 7), khách du lịch đến tiểu bang – bao gồm cả cư dân của tiểu bang trở về nhà – cũng sẽ được yêu cầu tự cách ly trong 14 ngày. Những công nhân thiết yếu và khách du lịch từ đến từ New York, New Jersey, Connecticut và các tiểu bang đông bắc như Maine, New Hampshire, Rhode Island và Vermont được miễn. Ông Baker cho biết quyết định miễn cách ly đối với khách du lịch từ các tiểu bang nói trên là vì những tiểu bang này có tỷ lệ xét nghiệm dương tính thấp trong những tuần qua. (BBT)
https://www.sbtn.tv/new-york-new-jersey-va-connecticut-mo-rong-khuyen-cao-cach-ly-doi-voi-du-khach-tu-california-va-7-tieu-bang-khac-co-ty-le-nhiem-covid-19-cao/

Covid-19 : Kỷ lục mới

tại Mỹ về số ca nhiễm trong một ngày

Thu Hằng
Hoa Kỳ có thêm ít nhất 52.898 ca nhiễm Covid-19 mới trong vòng một ngày, theo thống kê tối 01/07/2020 của đại học Johns Hopkins. Đây là con số nhiễm mới kỷ lục tại Mỹ từ đầu mùa dịch, nâng tổng số ca nhiễm virus corona lên gần 2,7 triệu ca.
Với 706 nạn nhân qua đời trong vòng 24 giờ qua, Hoa Kỳ hiện có 128.028 ca tử vong vì Covid-19. Tình hình trở nên căng thẳng hơn tại Mỹ với số ca nhiễm mới liên tục tăng mạnh. Theo AFP, số ca nhập viện cũng nhiều hơn tại một số khu vực phát hiện ổ dịch như Houston (Texas) và Phoenix (Arizona). Bang Texas đã phá vỡ kỷ lục số ca nhiễm mới, với 8.076 ca vào ngày 01/07, tăng hơn 1.000 ca so với hôm trước.
Một số bang được cho là áp dụng chặt chẽ các biện pháp chống dịch cũng đang tính đến việc đóng cửa trở lại các hàng quán và rạp chiếu phim, như trường hợp bang California, với thời hạn áp dụng ít nhất là ba tuần.
Theo một nghiên cứu được đăng trên tạp chí y khoa Jama Internal Medicine, dịch Covid-19 gây thêm 122.000 ca tử vong so với một năm thông thường, có nghĩa là tăng khoảng 18% trên quy mô toàn quốc, nhưng riêng tại bang New York là hơn 30%.
Hội Chữ Thập Đỏ lên án “chính sách vô trách nhiệm” ở châu Mỹ
Châu Mỹ bị xem là đang phải trả giá đắt cho “những chính sách vô trách nhiệm” của một số nhà lãnh đạo, như tổng thống Donald Trump và tổng thống Brazil Jair Bolsonaro. Ngày 01/07, ông Francesco Rocca, một quan chức cấp cao của Hội Chữ Thập Đỏ và Trăng Lưỡi liềm Đỏ, chỉ trích “virus đã bị chính trị hóa” ở châu Mỹ, “không chỉ ở Brazil và Hoa Kỳ”.
Mọi kỷ lục đáng buồn ngày 01/07 đều diễn ra ở châu Mỹ. Brazil vừa vượt qua ngưỡng 60.000 người chết vì virus corona, với khoảng 1,4 triệu ca nhiễm. Kết quả này là do ông Jair Bolsonaro “đã đánh giá thấp hậu quả của dịch Covid-19”, luôn coi đó là “cúm mùa nhẹ”. Colombia cũng vượt ngưỡng 100.000 người nhiễm virus corona, tăng thêm 4.163 ca trong vòng một ngày, và có tổng cộng 3.470 người chết.
Ngược lại, Cuba thận trọng mở cửa du lịch đón du khách quốc tế. Chính quyền La Habana khẳng định khống chế được dịch Covid-19 (hơn 2.300 ca được ghi nhận và 86 người chết). Theo thông tín viên RFI, Cuba muốn trở thành nước đầu tiên trong khu vực đón du khách quốc tế trở lại, vì du lịch là lĩnh vực vô cùng quan trọng cho nền kinh tế của đảo quốc.
http://www.rfi.fr/vi/qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF/20200702-covid-19-k%E1%BB%B7-l%E1%BB%A5c-m%E1%BB%9Bi-t%E1%BA%A1i-m%E1%BB%B9-v%E1%BB%81-s%E1%BB%91-ca-nhi%E1%BB%85m-trong-m%E1%BB%99t-ng%C3%A0y

Covid-19 :

Mỹ « vét sạch » thuốc remdesivir của thế giới

Thanh Hà
Báo Anh The Guardian ngày 30/06/2020 tiết lộ Mỹ vừa mua hơn nửa triệu liều thuốc remdesivir. Trong ba tháng sắp tới, thị trường của thế giới sẽ cạn loại thuốc được cho là hiệu quả nhất chống virus corona.
Từ nay đến tháng 9 toàn bộ các lô thuốc remdesivir do tập đoàn dược phẩm Gilead chế tạo đều đã được đặt mua và để phục vụ cho thị trường Hoa Kỳ. Theo lời giáo sư Andrew Hill đại học Liverpool, Gilead không còn hàng « để bán cho Châu Âu ».
Hiện tại remdesivir là loại thuốc đầu tiên được các giới chức y tế tại Mỹ đồng ý cho sử dụng để triều trị cho các bệnh nhân dương tính với virus corona. 140.000 liều thuốc do tập đoàn Mỹ Gilead cung cấp trong giai đoạn xét nghiệm đều đã được phân phối hết cho thế giới. Chính quyền Trump vừa đặt mua thêm hơn 500.000 lọ.
Theo The Guardian, toàn bộ lượng thuốc sản xuất trong tháng 7 cũng như 90 % lượng sản xuất trong tháng 8 và tháng 9/2020 đều được dành cho một khách hàng duy nhất là Mỹ. Bộ trưởng Hoa Kỳ đặc trách về Y Tế và các dịch vụ xã hội Alex Azar khẳng định « tổng thống Trump đã đạt được một thỏa thuận tuyệt vời bảo đảm nguồn cung cấp thuốc men cho dân Mỹ ».
Trong một bức thư ngỏ ngày 29/06/2020, lãnh đạo Gilead cho biết thuốc được bán ra tại các quốc gia phát triển với giá 390 đô la một lọ. Trung bình, để khỏi bệnh, một bệnh nhân cần dùng 6 liều. Như vậy phí tổn lên tới 2340 đô la.
Khác với nhiều nơi trên thế giới, các tập đoàn dược phẩm ở Mỹ được tự do ấn định giá các loại thuốc lưu hành trên thị trường. Báo Los Angeles Times hoài nghi đặt câu hỏi phải chăng Gilead đang lợi dụng thời cơ để làm giàu ?
Cái giá trên trời 390 đô la/lọ thuốc phải chăng là một «  vụ lừa đảo ? », khi biết rằng Gilead đã được 70,5 triệu đô la trợ cấp của chính phủ để chế tạo ra remdesivir, như ghi nhận của tổ chức phi chính phủ Public Citizen.
Hiện tại, nhiều công trình nghiên cứu của công ty này cũng do thuế của người dân Mỹ tài trợ. Ban đầu thuốc remdesivir được thử nghiệm để chống viêm gan C, trước khi được phát hiện là có thể được dùng vào việc điều trị bệnh xuất huyết Ebola và giờ đây là để điều trị cho các bệnh nhân Covid-19. Hàn Quốc và Liên Hiệp Châu Âu cũng vừa cho phép dùng remdesivir để trị bệnh viêm phổ cấp tính do siêu vi corona chủng mới gây nên.
http://www.rfi.fr/vi/qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF/20200702-covid-19-m%E1%BB%B9-v%C3%A9t-s%E1%BA%A1ch-thu%E1%BB%91c-remdesivir-c%E1%BB%A7a-th%E1%BA%BF-gi%E1%BB%9Bi

Cảnh sát Seattle giải tán khu vực biểu tình CHOP

sau khi Thị Trưởng Jenny Durkan tuyên bố

khu vực này là tụ tập bất hợp pháp

Cảnh sát Seattle đã bắt đầu giải tán người tập trung tại khu vực biểu tình được gọi Capitol Hill Organized Protest, hay CHOP, đồng thời thực hiện hơn một chục vụ bắt giữ. Hành động này được đưa ra sau khi Thị trưởng Jenny Durkan tuyên bố những người biểu tình đang tụ tập bất hợp pháp tại khu vực này.
Vào 5 giờ sáng thứ tư (ngày 1 tháng 7), cảnh sát đã ra lệnh giải tán và yêu cầu người biểu tình rời đi trong vòng 8 phút. Ít nhất 13 người biểu tình đã bị bắt giữ cho đến nay vì không rời khỏi CHOP dù đã nhận được nhiều cảnh cáo. Cảnh sát cũng đang điều tra một số xe chạy vòng quanh khu vực CHOP sau khi các họ nhìn thấy những người trong xe mang theo súng và mặc áo giáp chống đạn. Các xe trên đều không có bảng số xe.
Lệnh hành pháp của bà Durkan được ban hành sau một loạt vụ nổ súng vào đêm khuya trong khu vực đã giết chết hai thiếu niên và làm ba người khác bị thương nặng. Ngoài ra, một số hành vi bạo lực khác cũng đã được ghi nhận kể từ khi CHOP được hình thành vào tháng trước.
Sở cảnh sát Seattle cho biết những cảnh sát tham gia giải tán đám đông biểu tình tại CHOP vào thứ ba được trang bị đồ bảo hộ ở cấp độ cao hơn bởi vì “nhiều cá nhân tại CHOP được biết là có vũ trang và nguy hiểm, và có thể có liên quan đến các vụ nổ súng, giết người, cướp của, hành hung và các hành vi bạo lực khác.
Ngày càng có nhiều lời kêu gọi từ các nhà phê bình, bao gồm cả Tổng thống Trump, để giải tán những người biểu tình khỏi khu vực CHOP sau các vụ nổ súng nguy hiểm nói trên (BBT)
https://www.sbtn.tv/canh-sat-seattle-giai-tan-khu-vuc-bieu-tinh-chop-sau-khi-thi-truong-jenny-durkan-tuyen-bo-khu-vuc-nay-la-tu-tap-bat-hop-phap/

Thống Đốc tiểu bang Mississippi ký luật loại bỏ

dấu hiệu Liên Minh Miền Nam trong lá cờ tiểu bang

Vào thứ ba (ngày 30 tháng 6), Thống đốc Mississippi Tate Reeves đã ký thông qua một dự luật lịch sử nhằm thay đổi lá cờ 126 năm tuổi mang dấu hiệu Liên Minh Miền Nam của tiểu bang. Đây là lá cơ cuối cùng mang dấu hiệu của Liên Minh trên khắp Hoa Kỳ – một biểu tượng được cho là kỳ thị chủng tộc.
Ngay trước khi đặt bút ký vào dự luật, ông Reeves cho biết đây không phải là một hành động chính trị, mà là một cơ hội để đoàn kết các gia đình Mississippi với nhau, để loại bỏ sự chia rẽ trong cộng đồng. Theo thống đốc Reeves, ông không loại bỏ các tượng đài vì nó chỉ tượng trưng cho quá khứ, còn lá cờ phải thay đổi vì nó tượng trưng cho hiện tại và tương lai.
Trong những tuần qua, Mississippi đã phải đối mặt với áp lực ngày càng tăng để thay đổi cờ tiểu bang, kể từ sau cái chết của ông George Floyd khiến người dân trên toàn quốc biểu tình chống nạn kỳ thị chủng tộc. Vào chủ nhật (ngày 28 tháng 6), một nhóm các nhà lập pháp đã thông qua dự luật để đổi là cờ tiểu bang, kết thúc một tuần tranh luận và nhiều thập niên nỗ lực của các nhà lập pháp da đen và những người xem lá cờ là biểu tượng của sự kỳ thị.
Trong số những viên chức quan sát buổi ký thông qua dự luật có ông Reuben Anderson, thẩm phán người Mỹ gốc Phi Châu đầu tiên tại Tối Cao Pháp Viện Mississippi; Ông Willie Simmons, một Ủy viên Giao thông vận tải nhà tiểu bang và cũng là người Mỹ gốc Phi Châu đầu tiên được bầu vào vị trí này; và bà Reena Evers-Everette, con gái của các biểu tượng dân quyền Medgar và Myrlie Evers. Dấu hiệu của Liên Minh Miền Nam là một chữ X màu xanh trên nền đỏ với 13 ngôi sao trắng, tượng trưng cho 13 tiểu bang miền Nam.
Các nhà lập pháp theo chủ nghĩa thượng tôn da trắng lúc bây giờ đã đặt biểu tượng này ở góc trái của cờ Mississippi vào năm 1894, thời điểm mà người da trắng đang đè bẹp những quyền lực chính trị mà người Mỹ gốc Phi Châu có được sau cuộc Nội Chiến.  (BBT)
https://www.sbtn.tv/thong-doc-tieu-bang-mississippi-ky-luat-loai-bo-dau-hieu-lien-minh-mien-nam-trong-la-co-tieu-bang/

Người đàn ông Trung Cộng

điều hành đường dây Birth Tourism tại Irvine

bị kết án 37 tháng tù giam

Vào hôm thứ ba (30 tháng 6), một công dân Trung Cộng điều hành đường dây “birth tourism” – trong đó các phụ nữ ngoại quốc đến Hoa Kỳ sinh con để con họ có quốc tịch Hoa Kỳ – đã bị kết án 37 tháng tù giam. Nhưng nghi can, ông Chao “Edwin” Chen, không ra tòa để nghe bản án của mình. Ông ta đã trốn về Trung Cộng vào năm 2016.
Chen là một trong những nhà điều hành của “You Win USA Vacation Resort,” nơi điều hành một công ty sinh lời tại Carlysle Apartments ở Irvine. Khách hàng chính của công ty là những phụ nữ mang thai
giàu có, chủ yếu đến từ Trung Cộng. Những người phụ nữ này mua những gói du lịch của công ty, trong đó bao gồm một chỗ ở tại Hoa Kỳ và những người chăm sóc họ trước và sau khi họ sinh em bé.
Vào sáng sớm ngày 3 tháng 3 năm 2015, đường dây “You Win” của Chao là một trong ba công ty du lịch birth tourism bị khoảng 200 nhân viêng liên bang bố ráp tại thành phố Irvine, Mission Viejo, Rancho Cucamonga, Rowland Heights và Walnut. Mặc dù việc điều hành một công ty như vậy không phải là bất hợp pháp, nhưng các công ty đã tiến hành làm giả visa và vi phạm nhiều luật di dân.
Vào ngày 13 tháng 6 năm 2016, Chao đã nhận tội các tội danh gian lận visa, gian lận hôn nhân và khai thuế gian. Nhưng một tháng sau, trước khi bị kết án, Chao đã trốn khỏi Hoa Kỳ. Vào tháng 12 năm 2018, ông bị buộc tội làm trái lệnh tòa án. Theo phụ tá luật sư Charles Pell cho biết, bản án 37 tháng tù đồng nghĩa với việc Chao phải trở về Hoa Kỳ để thụ án, và tòa án đã ban hành lệnh bắt giữ chống lại ông. (BBT)
https://www.sbtn.tv/nguoi-dan-ong-trung-cong-dieu-hanh-duong-day-birth-tourism-tai-irvine-bi-ket-an-37-thang-tu-giam/

Ông Biden vượt ông Trump

về gây quỹ trong tháng 6 và quý 2

Ứng của viên tổng thống thuộc đảng Dân chủ, cựu Phó Tổng thống Joe Biden, đạt kết quả vượt trội so với chiến dịch gây quỹ của Tổng thống Donald Trump vào tháng 6 và trong quý 2 của năm bầu cử, tiếp tục lội ngược dòng ngoạn mục trong chiến dịch của ông, theo AP.
Người phát ngôn của cựu phó tổng thống cho biết tối thứ Ba 30/6 rằng ông Biden và Ủy ban Quốc gia đảng Dân chủ đã huy động được 141 triệu đôla trong tháng 6, nâng tổng số của họ trong quý 2 lên hơn 282 triệu đôla.
Trước đó trong ngày, đảng Cộng hòa tuyên bố ông Trump và đảng Cộng hoà đã huy động được 131 triệu đôla trong tháng 6 và 266 triệu đôla trong quý này. Chiến dịch tái tranh cử của tổng thống vẫn còn gần 300 triệu đôla tiền mặt vào cuối tháng 6, AP dẫn nguồn từ chiến dịch cho biết.
Chiến dịch của ông Biden đã chưa tiết lộ con số tiền mặt của mình, nhưng theo AP, con số này sẽ thấp hơn nhiều so với chiến dịch của ông Trump. Tính đến cuối tháng 5, đảng Dân chủ có khoảng 122 triệu đôla.
Những tuần gần đây, các trợ lý và đồng minh hàng đầu của ông Biden đã thu hẹp khoảng cách này và lưu ý rằng ông Trump chi tiêu rất nhiều cho việc quảng cáo và tiếp cận cử tri.
Vẫn theo AP, chiến dịch của ông Trump với ngân quỹ dồi dào sẽ cho phép tổng thống bắt đầu sớm trong mọi chuyện, từ việc đặt trước quảng cáo truyền hình đến xây dựng hoạt động dữ liệu nhắm vào những người ủng hộ trực tuyến.
https://www.voatiengviet.com/a/%C3%B4ng-biden-v%C6%B0%E1%BB%A3t-%C3%B4ng-trump-v%E1%BB%81-g%C3%A2y-qu%E1%BB%B9-trong-th%C3%A1ng-6-v%C3%A0-qu%C3%BD-2/5486165.html

Giới đầu tư tính đến việc

ông Biden có thể đắc cử tổng thống Mỹ

Hiện tại, ứng cử viên thuộc đảng Dân chủ Joe Biden vẫn duy trì vị trí dẫn đầu so với Tổng thống Donald Trump trong các cuộc thăm dò dư luận, nhưng nhiều chuyện có thể thay đổi trong 4 tháng trước cuộc bỏ phiếu ngày 3/11 của cuộc bầu cử tổng thống Hoa Kỳ.
Mặc dù vậy, một số nhà quản lý các hãng hoặc quỹ đầu tư đã chuẩn bị cho khả năng chiến thắng của ông Biden bằng cách đặt cược là đồng đô la sẽ mất giá và giảm dòng tiền vào cổ phiếu Mỹ.
Cuộc thăm dò mới nhất của Reuters/Ipsos cho thấy ông Biden dẫn trước ông Trump 8 điểm phần trăm trong số các cử tri đã đăng ký. Mức độ tín nhiệm đối với việc ông Trump xử lý đại dịch virus corona đã giảm mạnh.
Các nhà phân tích cho rằng một chiến thắng của ông Biden – cũng như khả năng đảng Dân chủ kiểm soát Hạ viện lẫn Thượng viện – có thể đe dọa các chính sách được ông Trump thúc đẩy và thường được giới đầu tư, kinh doanh ở Phố Wall ủng hộ, bao gồm thuế doanh nghiệp thấp hơn và ít quy định hơn.
Nếu ông Biden nắm quyền, thuế đánh vào doanh nghiệp có khả năng tăng lên 28%, đảo ngược một nửa mức cắt giảm mà ông Trump và Quốc hội do đảng Cộng hòa kiểm soát đã thực hiện vào cuối năm 2017, theo hãng đầu tư Amundi Pioneer Asset Management.
Điều đó có thể làm giảm khoảng 20 đô la mỗi cổ phiếu của các công ty trong khối S&P 500, làm cho các nhà đầu tư rút khỏi cổ phiếu Mỹ và làm tổn hại đồng đô la, Paresh Upadhyaya, giám đốc danh mục đầu tư tại công ty Amundi Pioneer Asset Management, nói. Công ty này hiện đặt cược là đồng đô la sẽ mất giá.
Arthur Laffer Jr., giám đốc danh mục đầu tư tại Laffer Tengler Investments, rút khỏi đồng đô la vào tuần trước, tin rằng một chiến thắng của ông Biden có thể dẫn đến tăng trưởng chậm hơn và gây ra áp lực đối với đồng tiền của Hoa Kỳ. Người cha của ông Laffer Jr là cố vấn cho ông Trump về các vấn đề kinh tế.
Các nhà phân tích tại UBS Global Wealth Management viết trong thư gửi các nhà đầu tư rằng khả chính quyền đảng Dân chủ ra quy định mới có thể là lực cản đối với các cổ phiếu của ngành năng lượng và tài chính.
Tuy nhiên, nhiều nhà đầu tư vẫn không tin rằng một chiến thắng của ông Biden hay khả năng là đảng Dân chủ kiểm soát quốc hội lại là điềm xấu cho chứng khoán, đặc biệt là khi Cục Dự trữ Liên bang được trông đợi sẽ làm chốt chặn cuối cùng cho nền kinh tế Hoa Kỳ nếu cần.
“Chừng nào các khoản kích thích vẫn được duy trì … chừng đó ta sẽ tiếp tục thấy giá tài sản vẫn có phao nâng”, Sam Hendel, chủ tịch của Levin Easterly Partners, nói.
Một số nhà đầu tư cũng thận trọng cho rằng không nên quá tin tưởng vào các cuộc thăm dò, sau khi nhiều người không dự đoán được quyết định của Vương quốc Anh rời khỏi Liên hiệp châu Âu và chiến thắng của ông Trump trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ, cả hai đều diễn ra trong năm 2016.
https://www.voatiengviet.com/a/gioi-dau-tu-tinh-den-viec-ong-biden-co-the-thang-cu-tong-thong-my/5486046.html

Covid-19 tái bùng phát

ngáng đường Trump tái đắc cử ?

Thu Hằng
Tổng thống Donald Trump từng cho rằng nếu Mỹ có 100.000 người chết vì virus corona thì đó đã là kết quả khả quan. Nhưng tính đến ngày 02/07/2020, Hoa Kỳ đã có đến hơn 128.000 ca tử vong và con số này sẽ chưa dừng ở đó, vì mỗi ngày có đến gần 48.000 ca nhiễm mới, thậm chí sẽ lên đến 100.000 ca, nếu không có các biện pháp chặt chẽ hơn.
Từ cuối tháng Sáu, ông Trump không còn đích thân họp báo hàng ngày về tình hình dịch, ông tạm im hơi lặng tiếng, trừ dòng tweet ngày 30/06 cho biết ông “ngày càng phẫn nộ đối với Trung Quốc khi nhìn thấy đại dịch giăng bộ mặt kinh hoàng khắp thế giới, trong đó gây thiệt hại nặng nề cho Mỹ”.
Liệu thành tích kinh tế với số kỉ lục về việc làm trong tháng Sáu có đủ thuyết phục cử tri Mỹ về cách quản lý khủng hoảng dịch Covid-19 của chủ nhân Nhà Trắng ? Ông Donald Trump luôn đặt thành tích kinh tế làm trọng tâm chiến dịch tái tranh cử tổng thống, vì kinh tế là một trong những lĩnh vực hiếm hoi mà ông thấy có khả năng hơn ứng viên Dân Chủ Joe Biden, theo nhật báo Le Monde.
Các biện pháp phong tỏa chưa bao giờ được tổng thống Mỹ ủng hộ vì chỉ gây thiệt hại nặng nề cho nền kinh tế. Rất nhiều bang, chủ yếu thuộc đảng Cộng Hòa, đã không theo những khuyến cáo của chính phủ liên bang, dỡ bỏ phong tỏa quá sớm hoặc phong tỏa không nghiêm ngặt, khiến số ca nhiễm mới tăng vọt, đặc biệt là ở giới trẻ.
Hội chứng đà điểu ?
Dịch Covid-19 thêm trầm trọng sẽ chỉ gây tác động xấu đến thành tích nhiệm kỳ của tổng thống Donald Trump, theo nhận định của L’Express (25/06). Vì vậy, ông thông báo trên mạng Twitter ngày 23/06 giảm bớt xét nghiệm virus corona, vì “ít xét nghiệm, chúng ta sẽ có ít ca nhiễm hơn” và tránh để đối lập “sử dụng số liệu này để tấn công chúng ta”, theo phát biểu cùng ngày khi giao lưu với “Students for Trump” tại một nhà thờ ở bang Arizona.
Quy mô và mức độ nghiêm trọng của dịch Covid-19 vẫn bị tổng thống Mỹ giảm thiểu, với việc nhỏ nhất là không đeo khẩu trang trước công chúng, vì đối với ông, đây là dấu hiệu cho thấy chính quyền quản lý kém khủng hoảng. Việc tổng thống cần đeo khẩu trang làm gương cho công chúng đã trở thành chủ đề tranh luận từ vài ngày gần đây. Thậm chí Steve Doocy, người dẫn chương trình trên kênh Fox News ưa thích của ông Donald Trump, cũng phải lên tiếng : “Tôi nghĩ nếu tổng thống đeo khẩu trang, thì có lẽ đó là một tấm gương tốt”.
Ngay cả một số nghị sĩ Cộng Hòa, như ông Lamar Alexander, chủ tịch Ủy ban Y tế Thượng Viện, lấy làm tiếc : “Biện pháp đơn giản này có thể cứu sống con người lại nằm trong cuộc tranh luận chính trị, theo đó người ủng hộ ông Trump thì không đeo khẩu trang, nhưng nếu chống Trump thì sẽ đeo”.
Covid-19 và chiến dịch tranh cử 
Ông Donald Trump nổi tiếng là nhà diễn thuyết hùng hồn với tài thuyết phục, lên tinh thần cho cử tri Cộng Hòa trong những buổi mít-tinh. Thế nhưng, siêu vi corona cũng khiến nhiều người ủng hộ ông Trump chùn bước, mà buổi mít-tinh ngày 20/06 ở Tulsa, bang Oklahoma, là một ví dụ. Chủ nhân Nhà Trắng hy vọng huy động được hàng chục nghìn người, nhưng đã phải thất vọng khi nhìn nhiều hàng ghế trống. Trước đó, êkíp vận động tranh cử của tổng thống Mỹ còn yêu cầu người tham gia ký vào bản cam kết sẽ không kiện nếu bị nhiễm virus corona trong buổi mít-tinh.
Điểm tín nhiệm của tổng thống Mỹ đang bị sụt giảm. Theo điều tra được Pew Research Center công bố ngày 30/06 và được báo mạng Pháp Le Monde trích dẫn, có đến 87% người dân Mỹ “không hài lòng” về tình trạng đất nước hiện nay. Bên phía cử tri Cộng Hòa, chỉ còn 19% “hài lòng”, so với tỉ lệ 55% theo thăm dò vào tháng Tư.
Ứng viên đảng Dân Chủ Joe Biden hiện nhận được nhiều ý định bỏ phiếu hơn tổng thống đương nhiệm tại các bang chủ đạo, theo kết quả thăm dò gần đây của New York Times và Fox News. Thế nhưng, tình thế vẫn có thể thay đổi từ giờ đến tháng 11, vì năm 2016 các cuộc thăm dò cũng đã cho rằng ứng viên Dân Chủ Hillary Clinton sẽ giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống.
http://www.rfi.fr/vi/ph%C3%A2n-t%C3%ADch/20200702-covid-19-t%C3%A1i-b%C3%B9ng-ph%C3%A1t-ng%C3%A1ng-%C4%91%C6%B0%E1%BB%9Dng-trump-t%C3%A1i-%C4%91%E1%BA%AFc-c%E1%BB%AD

Thủ Tướng Trudeau khuyến cáo

công dân Canada ở Hồng Kông có nguy cơ

bị “giam giữ tùy tiện” theo luật an ninh quốc gia mới

Tin từ Ottawa – Hôm thứ Tư (01 tháng 07), Canada khuyến cáo công dân của mình ở Hồng Kông có nguy cơ bị giam giữ tùy tiện và dẫn độ sang Trung Cộng, sau khi luật an ninh quốc gia mới của Bắc Kinh chính thức có hiệu lực. Khuyến cao này cho thấy một số chính phủ phương Tây ngày càng lo lắng cho công dân của mình, sau khi Trung Cộng cấm mọi hành vi lật đổ, ly khai, khủng bố và thông đồng với các lực lượng ngoại quốc ở Hồng Kông.
Quan hệ giữa Canada và Trung Cộng đang ở mức thấp nhất trong nhiều năm sau khi hai quốc gia này bắt giữ một loạt công dân của nhau. Cựu viên chức ngoại giao Canada, Michael Kovrig và thương gia  Michael Spavor đã bị giam giữ trong 9 ngày sau khi Canada bắt giữ giám đốc điều hành Huawei, Meng Wanzhou theo yêu cầu dẫn độ của Hoa Kỳ.
Kể từ tháng 12/2018, phần lớn thời gian hai người đàn ông đã bị giam giữ riêng lẽ với các cáo buộc làm gián điệp, nhiều tuần sau khi một thẩm phán Canada phán quyết tiếp tục thi hành thủ tục dẫn độ bà Meng. Bắc Kinh đã tiết lộ một chút bí mật về việc số phận của hai người đàn ông có liên quan đến số phận của bà Meng. (BBT)
https://www.sbtn.tv/thu-tuong-trudeau-khuyen-cao-cong-dan-canada-o-hong-kong-co-nguy-co-bi-giam-giu-tuy-tien-theo-luat-an-ninh-quoc-gia-moi/

Simon Cheng: Anh cấp quy chế tỵ nạn

cho cựu nhân viên lãnh sự quán ‘bị tra tấn ở TQ’

Một cựu nhân viên lãnh sự quán Hong Kong của Anh quốc, người cáo buộc rằng ông bị tra tấn ở Trung Quốc, đã được tị nạn chính trị ở Anh.
Simon Cheng, một công dân Hong Kong, bị giam giữ trong một chuyến công tác tới Trung Quốc đại lục trong 15 ngày vào tháng 8 năm ngoái.
Bắc Kinh cáo buộc ông Cheng kích động tình trạng bất ổn chính trị trong bối cảnh các cuộc biểu tình chống chính phủ ở Hong Kong.
Trung Quốc thả nhân viên lãnh sự Anh
Nhân viên lãnh sự quán Anh ‘bị giữ ở biên giới HK-TQ’
Hong Kong: Anh quốc mở cửa, hứa hẹn cho dân Hong Kong nhập quốc tịch
Ông Cheng phủ nhận cáo buộc, nói với BBC rằng ông đã bị đánh và buộc phải ký vào những lời thú tội giả trong khi bị giam giữ.
Các nguồn tin chính phủ Anh cho biết tại thời điểm đó rằng họ tin tuyên bố của ông Cheng đáng tin cậy.
Ông Cheng, người ủng hộ phong trào dân chủ, nói rằng ông tin rằng việc quay trở lại Hong Kong là quá nguy hiểm, vì sợ ông có thể bị bắt và đưa về Trung Quốc đại lục một lần nữa.
Vào tháng Sáu, Bộ trưởng Ngoại giao Anh Dominic Raab cho biết Trung Quốc vẫn chưa đưa ra “phản hồi thích đáng” cho các câu hỏi của Anh về vụ việc này.
Ông Cheng đã được cấp tị nạn vào ngày 26/6. Trong một cuộc họp báo vào thứ Tư, ông nói ông tin rằng mình là người đầu tiên ở Hong Kong có hộ chiếu Anh (ở nước ngoài), được gọi là BNO, được tị nạn chính trị.
“Tôi biết ơn sự quyết tâm và lòng can đảm của chính phủ Anh trong việc giải cứu các công dân Anh”, ông viết trên Facebook. “Tôi cũng hy vọng trường hợp của mình có thể là tiền lệ để các công dân Hong Kong khác tìm kiếm sự bảo vệ.
“Ra đi có nghĩa không phải là kết thúc mà là một khởi đầu. Chúng tôi sẽ tiếp tục cuộc chiến chống lại chủ nghĩa toàn trị đang bành trướng, và trở về quê hương với nền dân chủ và tự do thực sự.”
Chính phủ Anh xác nhận hôm thứ Tư rằng có tới ba triệu dân Hong Kong sẽ có cơ hội định cư tại Anh và nộp đơn xin quyền công dân sau khi Bắc Kinh áp đặt luật an ninh quốc gia gây tranh cãi.
Giới chỉ trích cho rằng luật này sẽ làm xói mòn các quyền tự do mà Hong Kong được hưởng theo chính sách “một quốc gia, hai thể chế” đã thỏa thuận sau khi Anh trao trả Hong Kong cho Trung Quốc vào năm 1997.
Chuyện gì đã xảy ra với Simon Cheng?
Ông Cheng khi đó đang là nhân viên đại sứ quán Anh ở Hong Kong, đã bị buộc tội tạo ra sự quan tâm đầu tư vào Scotland trong cộng đồng doanh nghiệp Trung Quốc.
Nhưng khi các cuộc biểu tình năm 2019 bắt đầu bùng phát, ông cũng tình nguyện thu thập thông tin về tình trạng của các cuộc biểu tình cho lãnh sự quán – cho mục đích quan sát.
Ông Cheng mất tích vào ngày 8/8 sau khi bị giam giữ tại biên giới trên đường trở về từ thành phố Thâm Quyến của Trung Quốc.
Ông Cheng nói rằng ông đã bị giam giữ 15 ngày và trong thời gian đó ông bị “xiềng xích, bịt mắt và trùm đầu”, bị giam giữ trong tư thế căng thẳng và bị đánh nếu ông di chuyển.
Các câu hỏi tập trung vào vai trò của ông trong các cuộc biểu tình. Ông cũng nói rằng ông đã nhìn thấy những người biểu tình Hong Kong khác trong thời gian bị giam giữ.
Sau khi ông được thả, đài truyền hình Trung Quốc đã phát một đoạn video cho thấy ông Cheng thú tội gạ gẫm gái mại dâm. Ông Cheng nói rằng ông bị buộc phải thú tội.
https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-53260009

Covid-19 :

Hội Đồng Bảo An kêu gọi ngừng mọi xung đột

Trọng Thành
Ngày 01/07/2020, Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc ra nghị quyết kêu gọi ngừng mọi xung đột trên toàn cầu, để tạo điều kiện cho việc tập trung chống đại dịch Covid-19. Đây là đề xuất được tổng thư ký Liên Hiệp Quốc đưa ra hồi cuối tháng 3/2020, vào lúc đại dịch bắt đầu bùng lên tại châu Âu và một số khu vực khác.
Nghị quyết kêu gọi tất cả các bên tham chiến « ngay lập tức chấm dứt giao tranh, trong vòng ít nhất 90 ngày », để tạo điều kiện cho các cứu trợ nhân đạo. Nghị quyết do Pháp và Tunisia soạn thảo đã được các thành viên Hội Đồng Bảo An thảo luận trong nhiều tháng, chủ yếu nhằm vượt qua bất đồng giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc. Washington không muốn đưa tên của Tổ Chức Y Tế Thế Giới (WHO) vào nội dung bản nghị quyết. Theo AFP, dự thảo nghị quyết đã được toàn thể các thành viên Hội Đồng Bảo An thông qua.
Đại sứ tại Liên Hiệp Quốc của Tunisia đã ca ngợi đây là « một thành quả lịch sử » và nói đến « những tiến bộ phi thường ». Theo đại sứ Kais Kabtani, đây là « lần đầu tiên mà Hội Đồng Bảo An ra một nghị quyết liên quan đến y tế ». Đại sứ Pháp Nicolas de Rivière mong muốn « nghị quyết được thực thi tức khắc ». Trong khi đó, nhiều chuyên gia lo ngại việc thực thi nghị quyết sẽ gặp nhiều trắc trở, sau một thời gian dài Hội Đồng Bảo An bị tê liệt, khiến uy tín của chính bản thân định chế này bị thách thức.
Tổ chức Oxfam, liên minh nhiều hiệp hội chống đói nghèo trên thế giới, đã lên án Hội Đồng Bảo An bị tê liệt đúng vào lúc thế giới cần đến một quyết định hệ trọng. Hồi tuần trước, tổng thư ký Hội Đồng Bảo An khẳng định đề nghị ngừng bắn toàn cầu đã được gần 180 quốc gia và hơn 20 nhóm vũ trang ủng hộ. Tuy nhiên, chính bản thân tổng thư ký Antonio Guterres cũng thừa nhận nghị quyết khó thực thi. Ngay trong thời gian đại dịch, bạo lực tại Yemen hay Libya thậm chí đã gia tăng.
Kể từ khi dịch bùng phát, từ ba tháng nay, ngoại trừ một cuộc họp của ngày 09/04, do hai thành viên không thường trực Đức và Estonia chủ trì, Hội Đồng Bảo An về cơ bản là im lặng trước đại dịch đang khiến toàn hành tinh chao đảo.
http://www.rfi.fr/vi/qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF/20200702-covid-19-h%E1%BB%99i-%C4%91%E1%BB%93ng-b%E1%BA%A3o-an-k%C3%AAu-g%E1%BB%8Di-ng%E1%BB%ABng-m%E1%BB%8Di-xung-%C4%91%E1%BB%99t

Vatican triệu đại sứ Mỹ, Israel

về kế hoạch sáp nhập tại Bờ Tây

Vatican triệu đại sứ của cả Israel lẫn Hoa Kỳ để truyền đạt quan ngại của Tòa Thánh về việc Israel mở rộng chủ quyền tới các vùng định cư Do Thái và Thung lũng Jordan tại Bờ Tây.
Thông cáo của Vatican hôm 1/7 cho hay cuộc gặp giữa Hồng Y Pietro Parolin, Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh, với đại sứ Mỹ Callista Gingrich và đại sứ Israel Oren David diễn ra hôm 30/6. Một nguồn tin ngoại giao cho Reuters biết hai cuộc gặp diễn ra riêng rẽ.
Vatican nói nhà ngoại giao hàng đầu của Toà Thánh đã bày tỏ quan ngại về các hành động đơn phương có thể làm phương hại công cuộc tìm kiếm hoà bình giữa người Palestin và người Israel cũng như tình hình mong manh tại Trung Đông.
Israel dự kiến sáp nhập hơn 30% diện tích các vùng đất tại Bờ Tây, bao gồm Thung lũng Jordan cũng như áp đặt chủ quyền đối với các khu định cư Do Thái.
Thông cáo của Vatican nhắc lại quan điểm của Toà Thánh ủng hộ giải pháp hai nhà nước.
Vatican kêu gọi người Israel và Palestin làm mọi việc có thể để mở lại tiến trình đàm phán trực tiếp trên cơ sở các nghị quyết của Liên hiệp quốc.
https://www.voatiengviet.com/a/vatican-tri%E1%BB%87u-%C4%91%E1%BA%A1i-s%E1%BB%A9-m%E1%BB%B9-israel-v%E1%BB%81-k%E1%BA%BF-ho%E1%BA%A1ch-s%C3%A1p-nh%E1%BA%ADp-t%E1%BA%A1i-b%E1%BB%9D-t%C3%A2y/5485269.html

Venezuela: Tòa London nói

Tổng thống Maduro không được lấy vàng ở Anh

Tòa ở London tuyên bố chính phủ Venezuela không có quyền tiếp cận số vàng 1 tỉ USD đang giữ trong Ngân hàng Trung ương Anh.
Diễn đàn LHQ: Trump công kích trực diện chính phủ TQ
Cựu cố vấn Bolton: Trump nhờ Tập giúp để tái đắc cử
Tòa này nói chính phủ Anh đã công nhận lãnh đạo đối lập Juan Guaidó là tổng thống chứ không phải Tổng thống Nicolás Maduro.
Chính phủ Venezuela trước đó gửi đơn kiện để đòi Ngân hàng Anh trả lại số vàng.
Ngân hàng Trung ương Venezuela, nơi kiện, nói họ sẽ kháng cáo.
Ông Juan Guaidó đã yêu cầu Ngân hàng Trung ương Anh không giao ra số vàng cho chính phủ Maduro.
Ngân hàng Trung ương Anh thì yêu cầu tòa án quyết định.
Tháng Năm 2018, ông Nicolás Maduro tái đắc cử lần hai trong cuộc bầu cử tranh cãi.
Quốc hội của phe đối lập đã không công nhận chiến thắng, dẫn tới khủng hoảng chính trị.
Ông Juan Guaidó tự tuyên bố làm tổng thống, được hơn 50 nước công nhận, trong đó có Anh.
Nhưng Tổng thống Maduro vẫn có ủng hộ của Nga và Trung Quốc.
Quan tòa Nigel Teare nói rằng chính phủ Anh đã công nhận ông Juan Guaidó.
Còn luật sư của Ngân hàng Venezuela cho rằng tuy Anh không ủng hộ Maduro nhưng thực tế thì đang công nhận, ví dụ vẫn còn đại sứ Anh tại Caracas.
Chính phủ của Maduro đang cần tiền và vì thế yêu cầu Ngân hàng Trung ương Anh trả lại số vàng.
Họ nói tiền này sẽ gửi cho UNDP để mua trang bị y tế chống Covid-19.
https://www.bbc.com/vietnamese/world-53263062

Từ Biển Đông đến COVID-19: Dân biểu Anh

kêu gọi chính phủ chống lại những sai phạm của TQ

Các nghị sĩ Anh Quốc kêu gọi chính phủ của Thủ tướng Boris Johnson phải hành động để chống lại những sai phạm của chính quyền Trung Quốc, trong hàng loạt vấn đề, như Biển Đông, dịch viêm phổi COVID-19, và mới đây nhất là các báo cáo phơi bày tình trạng vi phạm nhân quyền ở quốc gia đông dân nhất thế giới.
Ông Borish Johnson trong một bức ảnh chụp ngày 7/9/2017, khi ông còn là Bộ trưởng Ngoại giao, trước khi trở thành Thủ tướng Anh
Hãng tin Yahoo News UK đã trích dẫn nhiều tuyên bố bất bình của các nghị sỹ, được đưa ra trong một cuộc họp ở Hạ viện Anh Quốc hôm thứ Hai (29/6), sau khi hãng tin AP công bố một báo cáo điều tra cho biết chính quyền Trung Quốc đang áp đặt các biện pháp hà khắc để cắt giảm tỷ lệ sinh của người Duy Ngô Nhĩ cũng như các dân tộc thiểu số theo đạo Hồi khác.
Nghị sĩ đảng Dân chủ Tự do Alistair Carmichael nói rằng các hành động của chính phủ Trung Quốc “gợi nhớ về nạn diệt chủng”.
Ông Carmichael cũng đề cập đến các báo cáo khác về tình trạng thu hoạch nội tạng cưỡng bức của chính quyền Trung Quốc, trong đó những thường dân vô tội bị giết để lấy nội tạng.
Yahoo News trích lời Nghị sỹ Carmichael nói: “Những vụ việc này nếu xảy ra riêng biệt thì đã rất khủng khiếp, nhưng tất nhiên chúng tôi biết chúng không phải là các sự cố đơn lẻ. Chúng là một phần trong cách đối xử [của chính quyền Trung Quốc] mà chúng ta đã thấy trong những năm gần đây. Nào là các trại tập trung, nào là các báo cáo về việc mổ cướp nội tạng”.
Các báo cáo điều tra trước đó cho biết nạn nhân chủ yếu của của hoạt động thu hoạch nội tạng là các học viên Pháp Luân Công, môn khí công theo nguyên lý Chân-Thiện-Nhẫn được tự do tập luyện ở Anh Quốc và nhiều quốc gia khác, nhưng bị đàn áp đẫm máu ở Trung Quốc từ năm 1999 đến nay.
Các nhà quan sát lo ngại nhóm dân tộc Duy Ngô Nhĩ có nguy cơ trở thành ngân hàng nội tạng sống tiếp theo ở Trung Quốc, sau khi có thông tin cho biết chính quyền nước này đã tống giam hơn 1 triệu người Duy Ngô Nhĩ vào các trại tập trung ở Tân Cương.
Trong cuộc họp tại Hạ viện Anh hôm thứ Hai, Bộ trưởng Ngoại giao Nigel Adams tán đồng với Nghị sỹ Carmichael: “Ông ấy đã đúng khi đề cập đến việc mổ cướp nội tạng, tôi biết các thành viên [Nghị viện] quan ngại như thế nào về cáo buộc này. Chúng tôi nhìn nhận rất nghiêm túc về những cáo buộc này”.
Nghị sĩ đảng Bảo thủ Iain Duncan Smith, người đề xuất tổ chức cuộc họp, bình luận rằng những vấn đề này khiến Vương quốc Anh “không thể tiếp tục kinh doanh như bình thường” với Trung Quốc. Nghị sỹ Smith nói: “Thế giới muốn giao dịch với Trung Quốc nhưng không thể tiếp tục kinh doanh như bình thường trong khi các hoạt động trắng trợn này vẫn tiếp diễn”.
Nghị sỹ Smith nêu hàng loạt vi phạm của Bắc Kinh đồng thời đặt vấn đề rằng Anh Quốc cần phải thoát khỏi những ảnh hưởng từ Trung Quốc. Ông nói: “Với hồ sơ đáng sợ của chính phủ Trung Quốc về nhân quyền, cuộc tấn công của họ nhắm vào các quyền tự do ở Hồng Kông, hành vi bắt nạt của họ trong các cuộc tranh chấp biên giới từ Biển Đông đến Ấn Độ, việc họ vi phạm trắng trợn trật tự dựa trên luật pháp và thị trường tự do, việc họ tuyên bố chậm trễ về COVID-19,… giờ đây liệu chính phủ có bắt đầu đánh giá nội bộ về sự phụ thuộc của Anh Quốc đối với Trung Quốc nhằm cắt giảm đáng kể sự phụ thuộc này hay không?”
Bộ trưởng Ngoại giao Adams cho biết Vương quốc Anh sẽ tiếp tục bày tỏ quan ngại trực tiếp đối với Trung Quốc và “việc gì cần chúng ta can thiệp thì chúng ta sẽ can thiệp”.
Tòa án xét xử Trung Quốc (China Tribunal), một tòa án độc lập ở Luân Đôn, hồi tháng 6 năm ngoái đã đưa ra phán quyết khẳng định chính quyền Trung Quốc là một “chính quyền tội phạm” khi thực hiện thu hoạch nội tạng từ những người vô tội.
Chủ tọa của Tòa án là một nhân vật danh tiếng mà các hãng truyền thông đề cập một cách tôn kính là Ngài (Sir) Geoffrey Nice QC, luật sư cố vấn của Nữ hoàng Anh, và là người từng chủ trì vụ xét xử cựu Tổng thống Nam Tư Slobodan Milosevic tại Tòa án Hình sự Quốc tế.
Ngài Nice phát biểu khi công bố phán quyết hôm 17/6/2019: “Các bác sĩ đã giết hại những người vô tội chỉ vì họ sống theo nguyên lý Chân – Thiện – Nhẫn đối với trường hợp của những người tập Pháp Luân Công, những người luyện tập các bài tập và thiền định lành mạnh nhưng lại bị nhìn nhận là nguy hiểm đối với lợi ích và mục tiêu của chính quyền toàn trị ở Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa”.
http://biendong.net/doc-bao-viet/35576-tu-bien-dong-den-covid-19-dan-bieu-anh-keu-goi-chinh-phu-chong-lai-nhung-sai-pham-cua-tq.html

Anh Quốc sẽ cấp quyền cư trú

cho hàng triệu người Hong Kong

Tin London, Anh quốc – Thủ Tướng Anh Boris Johnson vào thứ Tư, 1 tháng 7, thông báo, hàng triệu người Hong Kong đủ điều kiện để xin passport quốc tế BNO của Anh Quốc, cùng người hôn phối và các con chưa trưởng thành của họ, sẽ được phép định cư tại Anh và được mở đường để trở thành công dân nước này.
Sự thay đổi lớn về quyền lợi của những người Hong Kong ra đời trong thời thuộc địa được thông báo chỉ vài giờ sau khi Trung Cộng chính thức áp đặt luật an ninh quốc gia đối với Hong Kong. Lên tiếng trước Quốc Hội Anh, Thủ Tướng Jonhson nói, luật an ninh quốc gia Hong Kong đã vi phạm nghiêm trọng Tuyên bố chung Trung Cộng – Anh quốc ký kết năm 1984, vốn bảo đảm quyền tự trị cao cho Hong Kong.
Theo Ngoại Trưởng Anh Dominic Raab, những người có passport BNO sẽ được quyền ở lại Anh quốc 5 năm, sau đó họ có thể xin định cư để trở thành thường trú nhân. Sau 12 tháng làm thường trú nhân, những người này có thể xin nhập quốc tịch Anh. Ngoại Trưởng Raab thêm rằng London sẽ không giới hạn số người Hong Kong muốn xin nhập cư.
Bộ Ngoại Giao Anh quốc cho biết, chính sách mới sẽ được công bố trong vòng vài tháng tới, với các chi tiết và thời gian cụ thể. Trong thời gian đó, những người có passport BNO vẫn được quyền tự do đến Anh, những sẽ phải trải qua thủ tục kiểm tra nhập cư thông thường. Tính đến tháng 2, có khoảng 349,881 người đang có passport BNO, và Anh quốc ước tính khoảng 2.5 triệu người Hong Kong đủ điều kiện để xin passport này. (Ngô Bảo)
https://www.sbtn.tv/anh-quoc-se-cap-quyen-cu-tru-cho-hang-trieu-nguoi-hong-kong/

Covid-19: Pháp kêu gọi doanh nghiệp trữ khẩu trang

Thụy My
Đề phòng  xảy ra đợt dịch virus corona thứ hai tại Pháp, Quốc vụ khanh phụ trách kinh tế Agnès Pannier-Runacher ngày 01/07/2020 yêu cầu các doanh nghiệp dự trữ số lượng khẩu trang đủ dùng cho nhân viên trong 10 tuần lễ.
Bà Agnès Pannier-Runacher giải thích, với việc dỡ bỏ phong tỏa, có nguy cơ con virus lại lây lan khi nhiều người quay lại làm việc. Đồng thời bà cho biết thông cáo này sẽ được đưa sang bộ trưởng Lao Động và bộ trưởng Y Tế để cùng ký tên và chính thức công bố.
Trả lời câu hỏi của một thượng nghị sĩ về số phận các công ty Pháp đã chuyển đổi sản xuất để cung cấp khẩu trang vào lúc cao điểm dịch, và nay không thể tiêu thụ được sản phẩm tồn đọng, bà Pannier-Runacher cho rằng nếu không sản xuất khẩu trang, nhiều doanh nghiệp đã phải phá sản vì không có hợp đồng. Việc chuyển sang làm khẩu trang đã cứu được hàng ngàn việc làm và hàng trăm doanh nghiệp.
Nêu ra trường hợp một công ty đang tồn kho 20 triệu khẩu trang loại dùng một lần, bà cho biết đang tìm cách giúp đỡ và kêu gọi tinh thần trách nhiệm của các địa phương.
Trong 24 giờ qua, tại Pháp đã có thêm 18 người chết vì Covid-19, nâng tổng số tử vong lên 29.861 trường hợp. Tuy nhiên số bệnh nhân nhập viện và bệnh nhân nặng phải thở máy tiếp tục giảm.
Riêng tại Guyane, lãnh thổ hải ngoại của Pháp tại Ấn Độ Dương, tình hình vẫn trầm trọng với trên 4.000 ca dương tính. Bộ trưởng phụ trách hải ngoại Annick Girardin cho biết Guyane cần được tăng viện 300 nhân viên y tế để có thể xét nghiệm 1.000 người/ngày.
http://www.rfi.fr/vi/ph%C3%A1p/20200702-covid-19-ph%C3%A1p-k%C3%AAu-g%E1%BB%8Di-doanh-nghi%E1%BB%87p-tr%E1%BB%AF-kh%E1%BA%A9u-trang

Tái dịch chuyển sản xuất về Pháp :

Thực tế hay ảo tưởng ?

Minh Anh
Cuộc khủng hoảng kinh tế – xã hội do dịch virus corona chủng mới gây ra đã làm lộ rõ những hậu quả của việc di dời nhà xưởng và sự phụ thuộc của nước Pháp trong một số lĩnh vực. Giới chính trị và nhiều chủ doanh nghiệp kêu gọi hồi hương phần nào một số hoạt động sản xuất. Thực tế hay là Ảo tưởng ?
Phi công nghiệp hóa : Một sai lầm chiến lược ?
Nước Pháp của những năm 1970 – 1980 bắt đầu tiến trình phi công nghiệp hóa, để lao vào phát triển một nền kinh tế « toàn dịch vụ ». Hệ quả là các nhà xưởng trong các ngành dệt may, luyện kim, lắp ráp ô tô, xưởng đóng tàu, tin học lần lượt dịch chuyển sản xuất sang các nước khác, phần đông là tại châu Á.
Nếu như nước Đức bên cạnh ngừng đóng cửa nhà máy trong những năm 1990, nước Pháp vẫn kiên trì trong ý tưởng « không nhà xưởng, không sản xuất » (fabless). Theo đó, đẩy những ngành sản xuất có chi phí thấp sang những nước khác, chỉ giữ lại trong nước những hoạt động kinh tế có giá trị gia tăng. Ngành công nghiệp Đức chiếm đến 25% GDP, thì tại Pháp mức tỷ trọng này chỉ là 12%. Ngành này không ngừng bị mất thị phần, nhất là tại châu Âu, do thiếu tính cạnh tranh và chỉ có những dòng sản phẩm cấp trung bình.
Dịch Covid-19 đến từ Vũ Hán, Trung Quốc bùng phát tại Pháp và châu Âu làm lộ rõ những thiếu thốn và sự lệ thuộc quá lớn của Pháp cũng như nhiều nước khác vào nguồn cung nhiều mặt hàng thiết yếu hay chiến lược từ các nước châu Á, đặc biệt là Trung Quốc. Một nghiên cứu gần đây của viện thống kê Pháp cho thấy có đến 64% mặt hàng tiêu dùng trong các hộ gia đình là nhập khẩu. Riêng thuốc men và hàng may mặc là chiếm đến gần 80%.
Thuật ngữ « tái dịch chuyển sản xuất », xuất hiện từ nhiều năm qua, giờ được xem như là một câu thần chú chính trị vừa mang tính biểu tượng, chính trị và kinh tế. Pháp giờ đây mới giật mình nhận thấy rằng cán cân thâm hụt thương mại ngày càng lớn, tỷ lệ thất nghiệp cao hơn so với các nước khác trong khu vực ; và nhất là Pháp đang chậm trễ trong lĩnh vực công nghệ cao như mạng 5G, pin điện, tin học…
Tái di dời nhà xưởng và những vấn đề nan giải
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron hồi cuối tháng 3/2020 còn tuyên bố « phải tìm lại sức mạnh tinh thần và thiện chí để sản xuất nhiều hơn tại Pháp và tìm lại sự độc lập ». Nhưng thế nào là tự chủ công nghiệp ? Sự tự chủ đó là đối với những mặt hàng nào ? Và có dễ tái di dời nhà xưởng về Pháp hay không ?
Theo báo Pháp Le Monde, có rất ít doanh nghiệp Pháp tin rằng sẽ có một làn sóng hồi hương ồ ạt các nhà xưởng, nhất là trong lĩnh vực bào chế thuốc. Trendeo, một văn phòng chuyên thống kê các dự án công nghiệp đưa ra các con số ấn tượng: Trong giai đoạn 2009 – 2020, chỉ có 144 dự án tái di dời nhà xưởng về Pháp, và các dự án này chỉ tạo thêm được có 1% việc làm trong ngành công nghiệp. Trong cùng giai đoạn, có đến 469 cơ sở bị di dời (-6,6%).
Vì sao như vậy ? Đầu tiên hết là vấn đề lợi nhuận. Giá nhân công rẻ, ít các ràng buộc về môi trường hay an toàn, di dời sản xuất tại châu Á tạo ra nhiều khoản lợi nhuận to lớn cho các hãng theo như giải thích của nhà kinh tế học El Mouhoub Mouhoud, trường đại học Paris-Dauphine với báo Le Monde.
Nếu như vấn đề chi phí sản xuất thấp là một trong những vấn đề cốt lõi để nâng cao tính cạnh tranh cho doanh nghiệp, sự phản kháng của một số nghiệp đoàn Pháp trong vấn đề này cũng là khá lớn. Ông Eric Martin, cựu đại biểu châu Âu, cựu đoàn viên nghiệp đoàn CFDT trên France 24 cho rằng chi phí sản xuất thấp tại châu Á và nhất là Trung Quốc là những chi phí cạnh tranh gian lận. Ông cảnh báo việc đưa trở về châu Âu các nhà xưởng khi loại bỏ tất cả các chuẩn mực môi trường, xã hội… chẳng khác gì việc biến châu Âu thành một lục địa Trung Hoa.
Ngoài những vấn đề gây tranh cãi trên, ông David Cousquer, lãnh đạo Trendeo trên đài France Culture còn cho rằng việc hồi hương các nhà sản xuất còn vấp phải một khó khăn lớn khác : Thiếu khả năng tiếp cận mặt bằng để lập nhà xưởng.
« Nếu như các hãng di dời nhà xưởng thì đó cũng là vì lý do chi phí, ngoài ra, họ còn gặp nhiều khó khăn thực tế trong việc lập nhà xưởng công nghiệp tại Pháp. Có nghĩa là mặt bằng có sẵn luôn bị thiếu. Nếu chúng ta đề nghị họ đưa một phần các hoạt động sản xuất về lại Pháp, đổi lại nên tạo thuận lợi cho họ trong việc tìm kiếm nhanh chóng một mặt bằng và điều này cũng phải tương tự cho các nhà thầu phụ của họ. Những điều đó cần phải được thương lượng, có sắp xếp. Khi chúng ta nói đến chuyện hợp tác, chính là xung quanh những chủ đề cụ thể này. Ở đây, không phải chính phủ là bên quyết định lượng sản xuất phải thực hiện tại Pháp. »
Nhưng những khó khăn về mặt bằng này có thể được giải thích bằng chính thái độ « bài công nghiệp » của người dân Pháp. Ông Dominique Reynié, tổng giám đốc Quỹ vì Canh tân Chính trị (Fondapol), cho rằng cuộc khủng hoảng dịch tễ và kinh tế lần này còn là cơ hội để nước Pháp suy ngẫm lại « mối quan hệ tập thể với sản xuất ».
« Nước Pháp thường tạo ra cảm giác là họ không muốn những nhà xưởng công nghiệp đó. Ở đây có một dạng phản đối, một kiểu phản đối có hệ thống bằng cách đưa ra các quy định thậm chí còn nghiêm ngặt hơn cả các nước láng giềng châu Âu của chúng ta (…).
Cảm giác này sẽ gây khó khăn cho việc đầu tư ở Pháp, bởi vì một bộ phận xã hội Pháp phản đối rất mạnh mẽ. (…) Có một số nhà đấu tranh sinh thái đã tạo ra cảm giác mở một nhà xưởng công nghiệp là một thảm họa : Mở một nhà máy hóa chất, bởi vì dược phẩm chính là hóa chất, tức là đồng tình với việc mở lại các nhà máy công nghiệp hóa chất ở Pháp.
Ngoài những vấn đề về chi phí, chuẩn mực, còn có cả khả năng chấp nhận nữa. Liệu người ta có khả năng chịu đựng được một thiểu số rất tích cực đó, hiện tượng bảo vệ sinh thái cực đoan trong kinh tế Pháp hay không ? Ngày nay người ta không thể nào mở được một ngành sản xuất, bất kể là ngành gì, một cách dễ dàng. Các dân biểu bị xơ cứng.
Tất cả những điều này cần phải được suy ngẫm. Chúng ta nên có một thái độ tiếp đón cởi mở hơn, đó là vài điều cần phải có trước khi bàn đến chuyện các chuẩn mực, các chi phí xã hội. »
Tái di dời hay tái công nghiệp hóa ?
Như giới chủ Pháp đã cảnh báo « tất cả đều sản xuất ở Pháp chỉ sẽ có một kết cục tồi ». Trong 40 năm qua, quá trình chuyên biệt hóa và sản xuất trên quy mô lớn đã tạo ra nhiều lợi nhuận kinh tế to lớn. Người tiêu dùng Pháp cũng được hưởng lợi, khi có thể tiếp cận với những mặt hàng được thiết kế tinh vi hơn với một mức phí thấp.
Nhưng « nếu người ta quay trở lại, cho lắp đặt các chuỗi giá trị ít bị phân đoạn và kháng cự tốt hơn với các cú sốc, chi phí sản xuất sẽ tăng lên, và như vậy sẽ ảnh hưởng đến sức mua của người tiêu thụ », theo như phân tích của bà Isabelle Méjean, chuyên gia về ngoại thương, hiện đang giảng dạy tại trường đại học Paris-I với báo Le Monde.
Trong chiều hướng này, giới chủ Pháp, các nhà phân tích cũng như chính phủ Pháp đều cho rằng nên « tái công nghiệp hóa » hơn là « tái dịch chuyển sản xuất ». Pháp nên chú trọng vào nền kinh tế mới, nghĩa là những ngành sản xuất ít thải khí cacbon, kinh tế tuần hoàn, kinh tế kỹ thuật số… Những nền kinh tế mà Pháp và các đối thủ cạnh tranh có cùng trình độ và nước Pháp có nhiều khả năng hơn.
Về điểm này, ông David Cousquer nhấn mạnh đến hai ngành công nghiệp chiến lược mà Pháp có thể tập trung phát triển : Tự động hóa và Năng lượng:
« Có hai lĩnh vực được cho là quan trọng và mang tầm chiến lược. Thứ nhất, đó là ngành năng lượng tái tạo và các ngành năng lượng nói chung. Bởi vì, đây là một nguồn nhập khẩu cực kỳ tốn kém. Thế nên, tất cả những gì có thể thay thế nguồn nhập khẩu dầu lửa, bao hàm cả quan điểm môi trường, đều tốt cả.
Lãnh vực thứ hai, gần như có ảnh hưởng đến tất cả các lĩnh vực chính là ngành tự động hóa và các loại máy móc công cụ số hóa. Người ta thấy là trong ba năm gần đây, có nhiều áp lực lớn trong việc tuyển dụng lao động công nghiệp.
Có thể nói là ngành công nghiệp đã khởi sắc lại một chút, do vậy người ta sẽ không thể nào cho tái di dời nhà xưởng mà không có tự động hóa. Đây là một lĩnh vực mà Pháp có thể phô trương. Chỉ có điều chúng ta có khá ít các nhà chế tạo rô-bốt công nghiệp. Những nước đi đầu trong lĩnh vực này là Đức và Thụy Điển, còn ở Pháp thì chưa có những hãng chế tạo rô-bốt lớn nào.
Ở đây có thể có vài thứ cần làm trong lĩnh vực này do có liên quan đến mọi ngành, đa lĩnh vực, được dành để phục vụ cho toàn bộ ngành công nghiệp Pháp.
Đây chắc chắn còn là một thách thức vừa là công nghệ công nghiệp nhưng cũng có chút yếu tố văn hóa. Cần phải đưa ra một thông điệp: máy móc không là kẻ thù của việc làm, ngược lại, chính những doanh
nghiệp nào không tự động hóa sẽ bị các đối thủ nước ngoài bỏ xa và sẽ không tồn tại được. Đây thật sự là một cuộc đấu chiến lược và cuộc chiến này phải kèm theo thiện chí tái di dời toàn diện. »
Trong cuộc đấu chiến lược này, yếu tố con người là một điều không thể thiếu. Liệu nước Pháp có đủ nguồn nhân lực để lao vào chinh phục các lĩnh vực mũi nhọn, từ mạng 5G, an ninh mạng cho đến quốc phòng, không gian hay không theo như một danh sách các lĩnh vực ưu tiên do Liên Hiệp Châu Âu công bố hồi tháng 3/2020 ?
Ông Philippe Darmayan, chủ tịch Liên hiệp ngành công nghiệp và các ngành nghề luyện kim, trên đài France 24, tự tin cho rằng Pháp có đủ lực để tiến hành « tái công nghiệp hóa » đất nước.
« Một hiện tượng đáng chú ý hiện nay là chúng tôi nhận thấy nhu cầu học nghề trong ngành công nghiệp năm nay đang tăng lên từ 5-10% so với năm 2019. Vấn đề của chúng tôi hiện nay là tìm kiếm những doanh nghiệp nào chấp nhận tiếp nhận đào tạo nghề dù là đang trong khủng hoảng dịch bệnh và có thể đáp ứng các nhu cầu đó.
Điều đó chứng tỏ là ngành nghề công nghiệp vẫn còn tính hấp dẫn. Đó là một nghề ổn định, lương được trả tương đối cao hơn mức trung bình và những ngành nghề này đóng tại các vùng lãnh thổ. Hơn nữa, những ngành nghề này cũng đang có những tiến triển, chủ yếu với kỹ thuật số. Điều này đã được tiến hành từ 5-6 năm qua nhằm cố gắng giảm thiểu bớt những hiểu sai về kỹ thuật số, ngành tự động hóa ».
http://www.rfi.fr/vi/ph%C3%A1p/20200702-phap-dich-chuyen-san-xuat-kinh-te

Du thuyền Paris hoạt động trở lại từ tháng 7

Tuấn Thảo
Sau gần ba tháng đóng cửa trong thời gian Paris bị phong tỏa vì dịch Covid-19, các công ty chuyên khai thác du thuyền trên sông Seine hoạt động trở lại kể từ tuần này. Batobus và Bateaux Parisiens mở cửa đón khách kể từ 01/07. Còn công ty Bateaux Mouches tổ chức chuyến du ngoạn đầu tiên trên sông vào ngày 10/07/2020.
Hầu hết các công ty du thuyền đều khởi động lại từng bước các dịch vụ, trong đó có việc chuyên chở hành khách đi ngắm thắng cảnh sông Seine (gọi là croisière promenade) và dịch vụ thưởng ngoạn kết hợp với ăn uống (gọi là dîner croisière). Tuy được mở lại trong tuần này, các công ty tập trung vào việc tổ chức các chuyến du ngoạn trên sông. Còn các bữa ăn tối trên du thuyền chỉ diễn ra một khi hội đủ số thực khách đặt trước bàn ăn. Các công ty khó thể nào tránh khỏi bị thua lỗ, nếu phải huy động nhân viên chỉ để tiếp đón vài thực khách.
Dù muốn hay không, các công ty chuyên khai thác dịch vụ đi du thuyền trên sông, dù là sông Seine ở Paris, sông Garonne ở Bordeaux hay là sông Rhône ở thành phố Lyon, đều hoạt động lại trong một bối cảnh kinh tế không mấy thuận lợi.
Đà phục hồi mức doanh thu có vẻ rất phức tạp và khó khăn trong thời kỳ hậu phong tỏa, phần lớn cũng vì mùa hè năm nay hẳn chắc sẽ vắng khách du lịch hơn mùa hè năm ngoái, nhất là du khách nước ngoài, chủ yếu là Trung Quốc, Hoa Kỳ, Nga hay Nhật Bản đối tượng chính của các công ty du thuyền ở Pháp.
Theo khảo sát gần đây của hai tờ báo kinh tế La Tribune và Capital, các công ty du thuyền tại Paris vận chuyển mỗi năm gần bốn triệu lượt hành khách. Trong số này, cứ trên 10 khách là có tới 6 người là khách du lịch nước ngoài, 3 là dân Pháp đến từ các tỉnh thành. Nói cách khác, đại đa số khách hàng dùng du thuyền thưởng ngoạn là khách ngoại quốc. Người dân thủ đô nếu có dùng du thuyền thì chủ yếu là đi chung với gia đình hay để hướng dẫn bạn bè từ những nơi khác đến viếng thăm thủ đô Paris.
Có lẽ cũng vì thế, để tạo thêm nguồn khách mới, các công ty du thuyền như Bateaux Mouches, Batobus, Bateaux Parisiens hay là Vedettes Paris Tour Eiffel chuyển sang khai thác một số dịch vụ mới nhắm vào giới trẻ yêu chuộng các mạng xã hội, cũng như các khách hàng ở Paris, họ đi du thuyền không phải là để ngắm cảnh thành phố Paris, mà chủ yếu để khám phá những thú vui mới, hay ‘‘trải nghiệm’’ các hình thức giải trí khác lạ.
Nhắm vào thành phần khách hàng này, các công ty du thuyền bắt đầu tổ chức ‘‘croisière champagne’’ tức là các chuyến thưởng ngoạn trên sông Seine vào giờ uống rượu khai vị với một tiệc rượu sâm banh. Bên cạnh đó, để thay thế các bữa ăn truyền thống, các công ty du thuyền tổ chức các bữa ăn tối theo chuyên đề, chẳng hạn như buổi tối 07/07 được dành cho bánh kẹp thịt hamburger, nhưng không hẳn là bánh làm theo kiểu Mỹ, mà là bánh hamburger chế biến với các đặc sản địa phương của Pháp, như phô mai đảo Corse, thịt hun khói vùng Bretagne, mề vịt nướng vùng Nouvelle Aquitaine ….
Để thu hút khách hàng từ Paris, trong suốt tháng 07/2020, các du thuyền đều miễn phí cho các trẻ em dưới 12 tuổi. Biện pháp ưu đãi này chủ yếu nhắm vào đối tượng các hộ gia đình có con nhỏ. Nếu như vào mùa hè này, họ không có cơ hội đi chơi xa, thì một buổi đi thưởng ngoạn bằng du thuyền cũng có thể vui,nhưng rẻ hơn nhiều so với giá vé vào cửa một công viên giải trí cho cả gia đình. Khách hàng buộc phải đặt chỗ trước không những trên các du thuyền, mà còn để tham gia các sự kiện mùa hạ như ‘‘Sân thượng Phù du’’ tại quán bar Mademoiselle Mouche, nằm đối diện với Tháp Eiffel.
Cuối cùng, để trấn an tâm lý khách hàng, các công ty khai thác du thuyền trên sông Seine đều buộc phải tuân thủ mọi quy định về giãn cách xã hội trong suốt mùa hè. Ngoài việc kiểm tra thân nhiệt của hành khách cũng như nhân viên phục vụ, các công ty chỉ được quyền tiếp đón 50% khách so với mức bình thường. Việc hạn chế số lượng hành khách nhằm tạo khoảng cách tối thiểu giữa các hành khách, cũng như tạo thêm điều kiện đi lại trên thuyền dễ dàng hơn. Về phía các du khách, dù là người lớn hay trẻ em, tất cả đều phải đeo khẩu trang trong suốt thời gian đi thuyền du ngoạn trên sông.
http://www.rfi.fr/vi/ph%C3%A1p/20200702-du-thuy%E1%BB%81n-paris-hoa%CC%A3t-%C4%91%C3%B4%CC%A3ng-tr%C6%A1%CC%89-la%CC%A3i-t%C6%B0%CC%80-tha%CC%81ng-7

Putin trở thành nước Nga qua Hiến pháp có Chúa Trời

Gần 78% cử tri Nga đồng ý thông qua các điều sửa đổi cho bản hiến pháp mà có thể tạo điều kiện để Vladimir Putin cầm quyền tới tuổi 84.
Ủy ban bầu cử nói đã kiểm xong phiếu và thấy 77,9% bỏ phiếu ủng hộ, chỉ có 21,3% phản đối.
Cuộc phiêu lưu của pho tượng Lenin từ Đông Âu sang Mỹ
Khối G7 bất đồng về việc ông Trump muốn tái nạp Nga
Nga bỏ phiếu cải cách hiến pháp của Putin
Nga duyệt binh 75 năm Đại lễ Chiến thắng phát xít
Cuộc trưng cầu dân ý diễn ra sớm tại Nga đem lại các kết quả ban đầu tối thứ Tư, 01/07/2020 cho thấy đa số cử tri Nga ủng hộ thay đổi hiến pháp mà Tổng thống Vladimir Putin đề xuất.
Ngoài các ý niệm bảo thủ như đem Chúa Trời của Chính Thống giáo trở lại Hiến pháp, và đảm bảo chế độ hưu trí, các điều sửa đổi cho phép ông Putin bắt đầu “như mới” nhiệm kỳ 5 và 6 sau khi ông hết nhiệm kỳ thứ tư vào năm 2024.
Phần sửa đổi Hiến pháp mà Nga vừa thông qua nêu rõ rằng người Nga “theo tín ngưỡng Chính Thống giáo và có niềm tin vào Đức Chúa Trời”. Ý tưởng này được cả Đảng Cộng sản Nga trong Viện Duma ủng hộ.
Tuy thế, đảng này vẫn tôn thời các biểu tượng của Liên Xô cũ và Lenin, nhà lãnh đạo cho xóa sổ các hoạt động tôn giáo ở Nga từ sau 1917.
Cầm quyền tới năm 84 tuổi?
Cho đến nay, Hiến pháp Liên bang Nga quy định tổng thống chỉ được cầm quyền liên tục hai nhiệm kỳ và không ai được tái tranh cử sau bốn lần cầm quyền.
Nhưng nhờ sửa đổi mới, ông Putin có thể làm thêm hai nhiệm kỳ 6 năm nữa, tới tận năm 2036, khi ông 84 tuổi.
Với gần 30% phòng phiếu được kiểm sau bảy ngày bầu cử, 74% cử tri Nga đồng ý thông qua cải cách hiến pháp, theo báo Nga hôm 02/07.
Đây không phải là lần đầu tiên ý tưởng để ông Putin nắm quyền trọn đời được nêu ra.
Ngay từ 2018, Điệm Kremlin đã gợi ý là không có ai hơn ông Putin để cầm quyền, đảm bảo ổn định chính trị Nga.
Giải thích hiện tượng này, nhà báo Andrei Koleshnikov viết trên trang Moscow Times (07/2018) rằng sau khi lên cầm quyền từ 1999-2000, ông Putin đã “trở thành nước Nga”.
Với nhiều người dân, họ chỉ có một bản sắc “tôi là người Nga thì tôi ủng hộ Putin”.
“Tổng thống Putin trở thành lá cờ, thành biểu tượng của đa số và bầu cử chỉ là phương tiện để họ thể hiện bản sắc đó,” ông Koleshnikov bình luận.
Ông cũng nói truyền thống tư duy Nga về Sa hoàng luôn nhìn thấy hai phần: thân xác vị vua, và hình ảnh, biểu tượng của nền chính trị.
Ngày nay, ông Putin hay dở ra sao thì đã là “biểu tượng tinh thần” đó của nước Nga.
Một số bình luận khác nói sự ủng hộ của ông Putin giảm đi so với hai năm trước và có thể còn giảm nữa khi các vấn đề kinh tế, xã hội do dịch Covid-19 bộc lộ thêm.
Đây là lý do ông Putin muốn có cuộc trưng cầu dân ý hiện nay chứ không đợi muộn hơn.
Đầu tuần này, số người mắc Covid-19 tại Nga vượt 660 ngàn, nhưng nhiều tờ báo và cả quan chức chính quyền nói con số thực còn cao hơn.
Có trên 9,6 nghìn người tử vong ở trên toàn Liên bang Nga vì virus corona, gồm cả con số ở những vùng xa, dù rằng Moscow có số người chết cao nhất, tính đến 01/07/2020.
https://www.bbc.com/vietnamese/world-53263874

Dân Nga đồng ý

cho ông Putin gia hạn quyền lực đến năm 2036

Người Nga vừa mở cánh cửa cho ông Vladimir Putin tiếp tục nắm quyền hành cho đến năm 2036 bằng cách bỏ phiếu áp đảo cho những thay đổi hiến pháp cho phép ông tái tranh cử tổng thống hai lần. Tuy nhiên, các nhà phê bình cho rằng kết quả bỏ phiếu đã bị làm sai lệch ở quy mô lớn, theo Reuters.
Kết quả chính thức được công bố hôm 2/7, sau khi 100% số phiếu được kiểm đếm, cho thấy ông Putin, một cựu sĩ quan KGB, người đã cai trị Nga trong hơn hai thập niên với tư cách tổng thống hoặc thủ tướng, đã dễ dàng giành được quyền tranh cử cho hai nhiệm kỳ 6 năm nối tiếp nhau sau khi kết thúc nhiệm kỳ hiện tại vào năm 2024.
Như vậy, ông Putin, 67 tuổi, có thể cai trị nước Nga cho đến năm 83 tuổi.
Ủy ban bầu cử trung ương cho biết 77,9% phiếu bầu trên toàn quốc ủng hộ việc thay đổi Hiến pháp. Chỉ hơn 21,2% bỏ phiếu chống.
Reuters dẫn lời người đứng đầu ủy ban, Ella Pamfilova, nói rằng cuộc bỏ phiếu là minh bạch và các quan chức đã làm mọi cách để đảm bảo tính trong sạch của nó.
Chính trị gia phe đối lập Alexei Navalny gọi cuộc bỏ phiếu là không chính danh và bất hợp pháp, được thiết kế để hợp pháp hóa nhiệm kỳ tổng thống của ông Putin.
Ông Navalny cho biết phe đối lập sẽ không phản đối ngay bây giờ vì đại dịch Covid-19, nhưng sẽ biểu tình với số lượng lớn vào mùa thu nếu các ứng cử viên của họ bị chặn tham gia cuộc bầu cử khu vực hoặc kết quả của họ bị làm sai lệch.
Động thái nhằm duy trì quyền lực của ông Putin bị những người chỉ trích mô tả là một cuộc “đảo chính hiến pháp”.
Có nhiều hình thức khuyến khích người Nga ủng hộ động thái của ông Putin, bao gồm rút thăm trúng thưởng căn hộ và chiến dịch quảng cáo trong đó nêu bật các sửa đổi hiến pháp khác trong cùng gói cải cách, như bảo vệ lương hưu và cấm kết hôn đồng giới trên thực tế.
Ngoài ra, một khoản tiền 10.000 rúp (khoảng 141 đôla) cũng được chuyển cho những người có con, theo lệnh của ông Putin, khi mọi người đến điểm bỏ phiếu vào ngày 1/7, ngày cuối cùng của cuộc bỏ phiếu kéo dài 7 ngày (nhằm hạn chế sự lây lan của virus corona).
https://www.voatiengviet.com/a/d%C3%A2n-nga-%C4%91%E1%BB%93ng-%C3%BD-cho-%C3%B4ng-putin-gia-h%E1%BA%A1n-quy%E1%BB%81n-l%E1%BB%B1c-%C4%91%E1%BA%BFn-n%C4%83m-2036/5486274.html

Tổng thống Séc nói

khẩu hiệu ‘Black Lives Matter’ là kỳ thị chủng tộc

Quý Khải
Tổng thống Cộng hòa Séc Milos Zeman tuyên bố, “‘Black Lives Matter’ là một khẩu hiệu phân biệt chủng tộc bởi vì cuộc sống của tất cả mọi người đều quan trọng [chứ không chỉ riêng người da màu]”, trong một bài phát biểu tại lễ kỷ niệm Ngày Độc lập Hoa Kỳ tại Đại sứ quán Mỹ ở Prague hôm 30/6, theo The Epoch Times.
“Tôi ở đây không chỉ với tư cách một công dân độc lập, tôi còn ở đây trong tư cách một người bạn của nước Mỹ. … Ở trong cả hai vai trò, tôi cho rằng Black Lives Matter là một khẩu hiệu phân biệt chủng tộc bởi vì cuộc sống của tất cả mọi người đều quan trọng [chứ không chỉ riêng người da màu]”, ông Zeman nói tại lễ kỷ niệm.
Black Lives Matter (Người da đen đáng được sống) là phong trào với bề mặt là đòi quyền lợi cho người da đen. Phong trào này nổi lên trong các cuộc biểu tình tại Mỹ sau cái chết của người đàn ông da màu George Floyd sau khi bị một cảnh sát da trắng ngộ sát trong quá trình bắt giữ.
“Chúng tôi kỷ niệm sự độc lập của các công dân, của đức tin và của các quốc gia”, ông nói.
Ông nhận định sự độc lập của công dân đang bị tấn công ở cả Cộng hòa Séc và Mỹ. “Nguy hiểm này không thể bị bỏ qua. Và chúng ta phải đối diện với nó”, ông nói thêm khi đề cập các cuộc biểu tình bạo loạn trên đường phố gần đây, hành vi giật đổ tượng đài và thiệu rụi phương tiện công cộng diễn ra ở cả hai nước.
Một số người tham gia vào các sự kiện này tuyên bố họ là “những người định hướng giá trị, hay thậm chí là những người lãnh đạo quan điểm”, ông Zeman nói.
“Chúng ta cần khả năng suy nghĩ tự do, chúng tôi cần những điều hợp lý cơ bản”, vị tổng thống nói, “chúng ta không cần bất kỳ ông lớn nào đó bảo cho chúng ta biết các giá trị đó là gì”, hay “bất kỳ nhà lãnh đạo quan điểm ​​mới nào đó”. Zeman cho biết ông duy trì các giá trị và quan điểm truyền thống được cha mẹ truyền lại.
Phong trào Black Lives Matter
Phong trào Black Lives Matter gần đây đã trở thành một thế lực có sức ảnh hưởng lớn trên chính trường Mỹ, khi nó đạt được một số lượng người ủng hộ nhất định theo sau tuyên bố cho rằng cộng đồng người da đen là nạn nhân đang bị nhắm mục tiêu một cách có hệ thống.
Phong trào cánh tả cực đoan, vốn kêu gọi cắt ngân sách cảnh sát và cung cấp cho người da đen “sự bồi thường” vì tổ tiên của họ đã bị bắt làm nô lệ trước cuộc Nội chiến Mỹ, đã giành được sự tôn trọng từ lưỡng đảng, mặc dù các nhà lập pháp đảng Dân chủ ủng hộ nhiều hơn so với đảng Cộng hòa.
Tổ chức Black Lives Matter toàn cầu (Black Lives Matter Global Network), được thành lập năm 2013 để phản đối việc tòa án tha bổng George Zimmerman – một nhân viên dân phố tự quản da trắng – trong vụ bắn chết chàng thanh niên da màu Trayvon Martin, hiện có một mạng lưới phủ khắp toàn cầu gồm hơn 40 chi nhánh, với sứ mệnh “xóa bỏ chủ nghĩa da trắng thượng đẳng và quy tụ sức mạnh địa phương để can thiệp chống lại nạn bạo lực đối với cộng đồng người da đen gây ra bởi chính phủ và các thành viên đội dân phòng các nơi”, theo thông tin trên trang web của Black Live Matters.
Các nhà hoạt động của Black Lives Matter đang đẩy mạnh việc cắt ngân sách các sở cảnh sát trên khắp nước Mỹ, một số nói họ muốn các sở cảnh sát bị giải tán, một tình huống đang diễn ra ở thành phố Minneapolis, nơi xảy ra vụ ngộ sát ban đầu.
Tuy nhiên, các nhà lãnh đạo phong trào này đã từ chối lên án các vụ bạo loạn và cướp bóc, đang xảy ra song song với các cuộc biểu tình ôn hòa chỉ trích sự tàn bạo của cảnh sát và sự bất bình đẳng sắc tộc.
Hawk Newsome, người lãnh đạo Black Lives Matter khu vực New York, đã thu hút sự chỉ trích, kể cả từ Tổng thống Trump, sau khi đưa ra tuyên bố rằng, “nếu quốc gia này không đáp ứng những gì chúng tôi muốn, chúng tôi sẽ thiêu rụi chế độ này và thay thế nó”. Trên Twitter cá nhân, ông Trump cho rằng đây là một tuyên bố mang tính “Phản quốc, Nổi loạn, Lật đổ”.
Trong một cuộc phỏng vấn năm 2015, Patrisse Cullors – đồng sáng lập Black Live Matters – đã tiết lộ cô và những sáng lập viên khác của nó đều là “những người theo chủ nghĩa Mác được đào tạo bài bản”, và khá “thành thạo về các lý thuyết xoay quanh ý thức hệ”.
Khi bức tượng các danh nhân lịch sử nước Mỹ, bao gồm cả các cựu tổng thống Mỹ, đang bị tấn công phá hoại trên toàn quốc, các nhà hoạt động của Black Lives Matter gần đây đang bắt đầu nhắm vào Kitô giáo. Các nhà thờ lịch sử đang bị hủy hoại khi một số kẻ kêu gọi phá hủy các bức tượng của Chúa Giê-su, vì cho rằng Chúa Giê-su đại diện cho thứ quyền lực da trắng thượng đẳng.
Tổng thống Trump hôm 26/6 đã ký một sắc lệnh hành pháp để bảo vệ các di tích, đài tưởng niệm và các bức tượng của Mỹ trước nguy cơ bị những người biểu tình bạo lực phá hoại.
Ông Trump tuyên bố sẽ không cho phép đám đông biểu tình cực đoan phá hủy các bức tượng của Chúa Jesus và các bức tượng của những người lập quốc.
“Chừng nào tôi còn ở đây thì việc này không xảy ra”, ông Trump tuyên bố hôm 24/6. “Tôi nghĩ rằng nhiều người đang đánh sập những bức tượng này, thậm chí còn không biết bức tượng đó là gì và có ý nghĩa ra sao”.
https://www.dkn.tv/the-gioi/tong-thong-sec-noi-khau-hieu-black-lives-matter-la-ky-thi-chung-toc.html

Ankara tố cáo Paris dọ thám Thổ Nhĩ Kỳ

Thanh Hà
Căng thẳng gia tăng trong quan hệ Pháp-Thổ Nhĩ Kỳ vì vai trò của Ankara tại Libya và những cáo buộc Paris dọ thám chính quyền Ankara. Điều trần trước Ủy Ban Quốc Phòng tại Thượng Viện Pháp ngày 01/07/2020, đại sứ Thổ Nhĩ Kỳ tại Paris xác nhận tin đã được báo chí Ankara tiết lộ cách nay vài hôm.
Đại sứ Ismail Hakki Musa là quan chức Thổ Nhĩ Kỳ đầu tiên chính thức lên tiếng về hồ sơ đang gây căng thẳng trong quan hệ giữa Paris và Ankara. Từ Istanbul, thông tín viên Anne Andlauer cho biết thêm :
« Như vậy dường như đã có một vụ dọ thám giữa Paris và Ankara, như nhật báo Thổ Nhĩ Kỳ thân với chính quyền của tổng thống Erdogan đã loan tải hồi tuần trước. Đại sứ Thổ Nhĩ Kỳ tại Pháp đã xác nhận tin này, nhưng không đi sâu vào chi tiết. Ông nêu một « vụ đã xảy ra cách nay hai năm » và sau đó đã được « xử lý ». Đại sứ Ismail Hakki Musa cũng cho biết từng có những « trao đổi » giữa cơ quan tình báo hai nước.
 Ngày 22 tháng 6 vừa qua, nhật báo Sabah khẳng định một cựu nhân viên an ninh trực thuộc lãnh sự quán của Pháp tại Istanbul thú nhận với cảnh sát là đã làm gián điệp cho Tổng Cục An Ninh Đối Ngoại DGSE. Nhân vật này đã tuyển dụng ba người và cả ba đều đã bị bắt.
Paris chưa bao giờ chính thức bình luận về những cáo buộc trên. Theo đại sứ Thổ Nhĩ Kỳ tại Pháp, những rò rỉ từ báo chí Ankara « không liên quan gì đến tình hình thời sự » hiện nay.
Dù vậy thực tế không thể chối cãi là Pháp và Thổ Nhĩ Kỳ không ngừng cãi vã nhau và đã lôi kéo cả các đồng minh trong khối NATO vào cuộc. Các nhà lãnh đạo Pháp, đứng đầu là tổng thống Emmanuel Macron hầu như mỗi ngày đều lên tiếng về việc Thổ Nhĩ Kỳ can thiệp vào xung đột Libya và vai trò của Ankara trong các hoạt động khai thác khí đốt ngoài khơi đảo Chypre ».
NATO khó xử giữa Ankara và Paris
Như thông tín viên Andlauer vừa nêu, căng thẳng giữa Pháp và Thổ Nhì Kỳ vượt ra ngoài khuôn khổ ngoại giao song phương. Hôm 01/07/2020, Paris thông báo tạm ngừng tham gia vào chiến dịch Sea Guardian giám sát trên biển của Liên Minh Bắc Đại Tây Dương. Quyết định này có hiệu lực cho tới khi nào Pháp nhận được trả lời thích đáng về sự cố trên biển hôm 10/06/2020.
Hộ tống hạm Le Courbet của Pháp vào đầu tháng trước đã bị chiến hạm Orucreis của Thổ Nhĩ Kỳ dùng ra-đa hướng dẫn chiếu vào trong lúc đang tham gia một chiến dịch giám sát trên biển của NATO ở Địa Trung Hải. Chiến hạm Orucreis đang hộ tống một tàu chở hàng bị nghi là đang vận chuyển vũ khí cho Tripoli.
Pháp và Thổ Nhĩ Kỳ là hai thành viên Liên Minh Bắc Đại Tây Dương NATO.
http://www.rfi.fr/vi/qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF/20200702-ankara-t%E1%BB%91-c%C3%A1o-paris-d%E1%BB%8D-th%C3%A1m-th%E1%BB%95-nh%C4%A9-k%E1%BB%B3

Cựu tướng Đài Loan: Đừng quá hão huyền

về khả năng Mỹ giải cứu

Việc Trung Quốc đang gia tăng hành động khiêu khích nhằm vào Đài Loan làm dấy lên thắc mắc liệu Mỹ có hỗ trợ hay không khi hòn đảo này bị tấn công.
Trong vụ việc mới nhất, 2 máy bay ném bom Xian H-6 của Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc (PLA) hôm 28-6 đi vào vùng nhận dạng phòng không của Đài Loan từ hướng Đông sau khi bay từ biển Hoa Đông và đi qua eo biển Miyako.
Đây là lần thứ 10 máy bay chiến đấu của PLA có hành động như thế trong tháng vừa qua và là lần thứ 16 trong năm nay. Các nhà quan sát cho rằng động thái này vừa nhằm huấn luyện cho bất kỳ cuộc tấn công nào trong tương lai vừa gửi thông điệp cảnh báo đến Mỹ.
Đáp lại, Mỹ cũng điều một loạt chiến đấu cơ bay qua không phận Đài Loan, trong đó có 6 chiếc hôm 29-6. Một số nhà phân tích Trung Quốc cho rằng các sứ mệnh trên của Mỹ có lẽ nhằm giám sát hoạt động quân sự của Bắc Kinh tại khu vực.
Cơ quan quốc phòng Đài Loan khẳng định họ vẫn kiểm soát hoàn toàn mọi động tĩnh trên không và trên biển quanh hòn đảo này và kêu gọi công chúng bình tĩnh. Tuy nhiên, ông Su Chi, một cựu tướng lĩnh và từng là thành viên Hội đồng An ninh Đài Loan, bày tỏ nỗi lo về tình hình hiện tại.
“Với sự mất cân bằng quân sự giữa Đài Loan và đại lục, sự thiếu vắng các cuộc đối thoại giữa 2 bên và việc không có cơ chế liên lạc hiệu quả giữa Mỹ và đại lục, tôi không khỏi lo lắng về tình hình hiện tại bởi chuyện gì cũng có thể xảy ra” – ông Su nhận định.
Ông này nói đặc biệt lo ngại về đề xuất mới đây của thượng nghị sĩ Mỹ Josh Hawley về Đạo luật quốc phòng Đài Loan bởi nó có thể khiến chính quyền hòn đảo hy vọng hão huyền về khả năng Mỹ đến giải cứu họ.
Dự luật trên do ông Hawley công bố hôm 11-6, theo đó kêu gọi Mỹ thực hiện nghĩa vụ giúp Đài Loan phòng vệ như đã nêu trong Đạo luật quan hệ Đài Loan năm 1979. Dự luật yêu cầu Bộ Quốc phòng Mỹ thực hiện các bước nhằm bảo đảm Đài Loan duy trì khả năng đánh bại “một cuộc tấn công” của PLA và đặc biệt là ngăn xảy ra tình thế “chuyện đã rồi”.
Tuy nhiên, ông Su cảnh báo chính quyền bà Thái Anh Văn chú ý đến từng câu chữ của dự luật. Đáng chú ý, cụm từ “chuyện đã rồi” đề cập đến tình huống Mỹ không thể cứu Đài Loan được nữa.
Điều này bao gồm kịch bản PLA chiếm đóng được Đài Loan trước khi Mỹ kịp ứng phó. Nếu điều này xảy ra, bất kỳ phản ứng quân sự nào của Washington cũng đều khó khăn và phải trả giá không nhỏ.
Ngoài ra, ông Su cảnh báo không nên quá chắc chắn vào chuyện Mỹ ra tay hỗ trợ Đài Loan trong trường hợp xảy ra xung đột với Trung Quốc.
Trung Quốc xem Đài Loan là một phần lãnh thổ mình và cảnh báo có thể thông nhất hòn đảo này bằng vũ lực nếu cần.
Bắc Kinh đã ngưng trao đổi chính thức với Đài Loan và tăng cường tập trận quanh hòn đảo này kể từ khi bà Thái Anh Văn lên làm lãnh đạo và từ chối công nhận nguyên tắc một Trung Quốc. Trung Quốc cũng không ngừng cảnh báo chính quyền Tổng thống Donald Trump không được cung cấp vũ khí và tăng cường quan hệ với Đài Loan.
Việc Trung Quốc đang gia tăng hành động khiêu khích nhằm vào Đài Loan làm dấy lên thắc mắc liệu Mỹ có hỗ trợ hay không khi hòn đảo này bị tấn công.
http://biendong.net/xung-dot-chien-tranh/35564-cuu-tuong-dai-loan-dung-qua-hao-huyen-ve-kha-nang-my-giai-cuu.html

Chính khách Đài Loan: ‘Luật An ninh Hồng Kông’

chi phối mọi người trên toàn thế giới,

thủ đoạn thật đáng sợ

Vũ Dương
Bởi nó quy định những người không phải dân Hồng Kông mà ở trên đất Hồng Kông và có ngôn luận không phù hợp đều có thể bị bắt giữ và xét xử.
Về điều khoản cho phép bắt giữ những người không ở Hồng Kông hoặc không phải người dân Hồng Kông để xử lý hình sự trong “Luật An ninh Hồng Kông”, Viện trưởng viện hành chính Đài Loan Tô Trinh Xương ngày 1/7 bày tỏ rằng, đạo luật này thật sự rất đáng sợ, “Trung Quốc tự mình làm luật chi phối người dân trên khắp thế giới”, cả thế giới chưa bao giờ thấy điều luật như vậy.
Điều này cũng khiến thế giới bên ngoài thấy rõ hơn bản chất côn đồ của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), đồng thời ông cũng kêu gọi người dân Đài Loan cần đặc biệt thận trọng khi phải đặt chân đến Hồng Kông.
Ông Tô Trinh Xương, cựu chủ tịch đảng Dân Tiến và là Viện trưởng viện hành chính Đài Loan, ngày hôm qua (1/7) đã tiếp nhận phỏng vấn tại “Đại hội chào mừng và biểu dương lễ hội thuế năm 2020”, nói rằng “Luật An ninh quốc gia phiên bản Hồng Kông” cho phép thế giới bên ngoài nhìn rõ bộ mặt thật của ĐCSTQ, ngoài việc lời hứa “50 năm không thay đổi” và “quyền tự trị của người dân Hồng Kông” hoàn toàn bị phá vỡ, đó còn là một “đạo luật quả thật rất đáng sợ”.
Đạo luật này quy định rõ ràng rằng những người không phải là người Hồng Kông, và thậm chí không ở Hồng Kông “đều có thể bị truy tố và kết án nếu họ có những ngôn luận khiến cho người dân Hồng Kông chán ghét chính quyền ĐCSTQ hoặc chính phủ Hồng Kông”.
Ông Tô Trinh Xương nói rằng cả thế giới chưa bao giờ thấy loại thủ đoạn làm luật này, và “Trung Quốc có thể tự mình làm luật chi phối người dân trên khắp thế giới”, điều này quả thật rất đáng sợ. Ông kêu gọi người dân Đài Loan tương lai nếu có đến Hồng Kông hoặc quá cảnh sang Hồng Kông đều phải đặc biệt cẩn thận, nếu không sẽ rất có thể bị ĐCSTQ bắt giữ với bản án nghiêm khắc.
Ông Tô Trinh Xương nhấn mạnh rằng “ĐCSTQ chính là một chính phủ như vậy”. “Một mặt, chúng tôi quan tâm đến người dân Hồng Kông và cũng đã đưa ra những phương án hỗ trợ thích hợp. Mặt khác, Đài Loan càng phải bảo vệ chủ quyền, trân quý tự do và dân chủ, giữ vững tự do dân chủ và an ninh
quốc gia, có vậy mới không lâm vào tình cảnh giống như người dân Hồng Kông đang phải đối mặt bây giờ”.
Về việc quân đội ĐCSTQ không ngừng gây hấn đối với Đài Loan, ông Tô nói rằng tình hình dịch bệnh quốc tế vẫn đang nghiêm trọng, Bắc Kinh cũng đang bùng phát làn sóng dịch bệnh lần hai. Ông kêu gọi chính quyền Trung Quốc “nên đối xử tốt với đồng bào của mình, ứng phó với tình hình dịch bệnh một cách đúng đắn, chớ gây nguy hiểm cho sức khỏe và sự an toàn của người dân các nước khác, càng không nên sử dụng lực lượng quân sự để phá vỡ hòa bình và ổn định khu vực vào thời điểm này. Đài Loan đã có sự chuẩn bị chu toàn từ lâu, mong rằng với thế giới, Đài Loan có thể trở thành một nơi phúc địa trong thời loạn này”.
https://www.dkn.tv/the-gioi/chinh-khach-dai-loan-luat-an-ninh-hong-kong-chi-phoi-moi-nguoi-tren-toan-the-gioi-thu-doan-that-dang-so.html

Kiểm duyệt của TQ

bóp nghẹt báo chí Hong Kong thế nào?

Trung Quốc đã không ngừng bóp nghẹt tự do báo chí Hong Kong và luật An ninh quốc gia là công cụ mới để Bắc Kinh gia tăng sự kiểm soát, theo đánh giá của các chuyên gia và nhà hoạt động.
Người biểu tình ủng hộ tự do báo chí ở Hong Kong với khẩu hiệu “They can’t kill us all” năm 2014.
“Tôi cho rằng tự do báo chí ở Hong Kong đang bị co lại. Tự do báo chí đang bị tấn công, đang đối mặt với đe dọa”, giáo sư Keith Richburg, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Báo chí và Truyền thông thuộc Đại học Hong Kong, chia sẻ với BBC News Tiếng Việt.
Sự can thiệp ngày một tăng của chính quyền Bắc Kinh cũng khiến cho Hong Kong không còn được coi là nơi thuận lợi cho hoạt động báo chí.
Ông Jeffrey Ngo, Trưởng ban nghiên cứu của phong trào dân chủ Demosisto, đánh giá: “Tự do báo chí đang đối mặt với khó khăn tại Hong Kong. Nhìn vào xếp hạng của tổ chức Phóng viên Không biên giới ta sẽ thấy phần nào sự xuống dốc đó”.
“Có nhiều khó khăn cho các nhà báo”, ông nói thêm.
Theo Press Freedom Index, Hong Kong xếp hạng 18 vào năm 2002 và thứ 80 vào năm 2020.
Xuất khẩu kiểm duyệt khắt khe
Hiến pháp Trung Quốc, ở Điều 23, thừa nhận công dân có quyền “tự do ngôn luận, báo chí, hội họp, lập hội, tuần hành và biểu tình”. Tuy nhiên, lãnh đạo nước này luôn nhấn mạnh báo chí phải luôn thể hiện ý chí của đảng Cộng sản Trung Quốc, vì sự đoàn kết của đảng.
Tại Trung Quốc, báo chí bị kiểm duyệt nghiêm ngặt, nhiều nhà báo có bài viết “chống đảng” đã bị trừng phạt. Ủy ban Bảo vệ Nhà báo (CPJ) cho biết vào thời điểm cuối năm 2019, đang có 48 nhà báo ngồi tù tại Trung Quốc.
Cũng theo CPJ, kiểm soát báo chí tại Trung Quốc và cả đặc khu Hong Kong được đẩy mạnh kể từ khi ông Tập Cận Bình lên nắm giữ hai chức vụ Tổng bí thư đảng Cộng sản và Chủ tịch nước vào năm 2012 và 2013.
Bằng nhiều cách, chính phủ trung ương tại Bắc Kinh đã xuất khẩu nền kiểm duyệt khắt khe bậc nhất thế giới của mình sang đặc khu Hong Kong, nơi vốn từng thụ hưởng một nền báo chí tự do hàng đầu thế giới.
“Tôi không rõ cách thức mà người ta truyền đạt ý chí của chính quyền Bắc Kinh tới các tòa soạn ở Hong Kong như thế nào. Tôi không ở trong các tòa soạn đó nên không biết. Tôi không cho rằng có một mệnh lệnh cụ thể kiểu phải viết như thế này, không được viết như thế kia. Có thể các chủ báo và các tổng biên tập tự hiểu rằng không nên viết những điều có thể chọc giận Bắc Kinh, tức là họ tự kiểm duyệt”, giáo sư Richburg, người cũng từng có nhiều năm làm phóng viên của báo The Washington Post thường trú tại Bắc Kinh, Thượng Hải và Hong Kong, chia sẻ.
Luật pháp và bạo lực
Có nhiều hình thức để Bắc Kinh kiểm soát báo chí Hong Kong. Trước hết là việc gia tăng các chính sách, luật pháp hạn chế tự do báo chí, kiểm soát chặt chẽ hoạt động của nhà báo, sử dụng các công cụ pháp lý và hành chính để trừng phạt các nhà báo “cứng đầu”.
“Chúng ta sẽ chờ luật An ninh quốc gia để xem cụ thể như thế nào. Dù chưa biết chi tiết, nhưng tất cả các nhà báo đều lo ngại một khi luật này được thực thi thì họ sẽ không còn có thể viết báo độc lập như trước đây”, giáo sư Richburg bày tỏ.
“Chính quyền Hong Kong đã áp dụng chính sách thị thực mới để có thể trừng phạt nhà báo, y như cách mà Trung Quốc và có thể cả Việt Nam nữa, đã thực hành lâu nay. Các nhà báo nước ngoài làm họ phật ý thì có thể bị từ chối thị thực”, ông chia sẻ thêm.
“Ở Trung Quốc người ta đã trục xuất các nhà báo của The Wall Street Journal và The Washington Post. Sau khi bị Bắc Kinh trục xuất, các nhà báo này sẽ không được đến Hong Kong làm việc. Trung Quốc ngày càng coi Hong Kong là một phần của Trung Quốc như tất cả các vùng khác, chứ không phải là một đặc khu”.
Trong báo cáo của mình, CPJ cho biết có hai công cụ thường được chính quyền sử dụng để khống chế các nhà báo. Đối với nhà báo nước ngoài, họ sẽ trục xuất mỗi khi có hành vi mà họ cho là vi phạm quy định. Còn các nhà báo Hong Kong viết bài “gây khó chịu” Bắc Kinh thì đứng trước nguy cơ bị cấm tới tác nghiệp tại các sự kiện ở đại lục.
Sức mạnh của đồng tiền
Tiền bạc là một công cụ quyến rũ nhưng đầy sức mạnh, và Trung Quốc đã sử dụng đồng tiền bằng nhiều cách để tạo ảnh hưởng lên báo chí Hong Kong.
Trước hết là việc đầu tư vào các tập đoàn báo chí ở đặc khu. Theo dõi báo chí Hong Kong trong một thời gian dài, người ta dễ nhận thấy sau khi được các doanh nhân đại lục, hoặc các doanh nhân có quan hệ mật thiết với đại lục, đầu tư, nhiều tờ báo sẽ trở nên “tế nhị” với chính quyền Bắc Kinh hơn.
Tương tự câu chuyện của South China Morning Post đã đề cập ở trên, Minh Báo vốn là một tờ báo Hoa ngữ nổi tiếng trong mảng điều tra, nhưng sau khi được một doanh nhân Malaysia mua lại vào giữa thập niên 1990, tờ báo này bắt đầu trở nên thân thiện với Bắc Kinh. Các bài viết về thảm sát Thiên An Môn hoặc phanh phui các bê bối của lãnh đạo Trung Quốc đều bị gạt bỏ.
“Sự sở hữu đối với các tập đoàn báo chí, truyền thông là vấn đề lớn. Không riêng gì báo chí, hầu hết các nhà xuất bản sách hiện cũng được mua lại bởi các cá nhân và tổ chức có liên hệ nào đó với đại lục. Do đó, họ sẽ không còn độc lập xuất bản sách nữa”, giáo sư Richburg cho biết.
Còn một mặt khác của câu chuyện tài chính, đó là các tổ chức báo chí ủng hộ dân chủ sẽ gặp khó khăn hơn trong hoạt động kinh doanh.
“Các doanh nghiệp ở Hong Kong nếu có làm ăn ở đại lục sẽ chịu sức ép lớn. Có thể họ sẽ không đăng quảng cáo trên các báo phê phán chính quyền Bắc Kinh gay gắt, chẳng hạn báo Apple Daily của tỉ phú Jimmy Lai. Các tờ báo vì vậy sẽ gặp khó khăn tài chính, khó mà duy trì hoạt động”, giáo sư Richburg cho biết.
Báo cáo của CPJ cho rằng, có thể Bắc Kinh không cần trực tiếp gây sức ép trong vấn đề này, mà các doanh nghiệp tự biết điều để tránh làm Bắc Kinh khó chịu. Họ tự biết rằng nếu đăng quảng cáo trên các tờ báo đó, họ sẽ bị gây khó dễ khi làm ăn tại đại lục.
Lối thoát nào cho báo chí?
Bàn tay kiểm soát của Bắc Kinh ngày một bạo liệt hơn và giờ đây, với luật An ninh quốc gia sắp được đưa vào áp dụng, tự do báo chí Hong Kong đang đối mặt với thách thức không tiền khoáng hậu. Các nhà báo tin vào một nền báo chí công chính, độc lập sẽ làm gì?
“Các nhà báo sẽ phải tự quyết định về chuyện họ có tiếp tục làm trong các tổ chức báo chí bị Trung Quốc thao túng hay không. Tôi cho rằng có nhiều nhà báo họ sẽ đưa ra những nguyên tắc, chẳng hạn trong hoàn cảnh này, với các điều kiện này thì họ tiếp tục làm, tiếp tục duy trì phẩm cách nhà báo bên trong các tổ chức đó”, giáo sư Richburg đánh giá.
Ông nói thêm: “Tuy nhiên, nếu việc kiểm duyệt vượt quá lằn ranh đạo đức và nguyên tắc nghề nghiệp, họ sẽ nghỉ việc. Tôi có người quen làm ở South China Morning Post, người ấy nói rằng có kiểm duyệt nhưng chưa đến mức trắng trợn. Một khi điều đó xảy ra, người ấy sẽ nghỉ việc”.
Về bài toán kinh tế, giáo sư Richburg cho biết thêm: “Có một số tổ chức báo chí ra đời trong bối cảnh này như là một nỗ lực để duy trì báo chí độc lập, chẳng hạn Hong Kong Free Press. Tổ chức này kêu gọi sự đóng góp từ cộng đồng người đọc. Tôi nghĩ đó là một nguồn tài chính tốt để họ có thể duy trì sứ mệnh làm báo độc lập”.
“Còn việc tìm kiếm nguồn tài trợ từ các tổ chức quốc tế ẩn chứa nhiều rủi ro. Chúng ta chưa thể biết luật An ninh quốc gia một khi được triển khai thì sẽ như thế nào. Việc nhận tiền nước ngoài có thể là trọng tội theo luật mới”, ông Richburg bày tỏ lo ngại.
Trong khi đó, nhà hoạt động Jeffrey Ngo chia sẻ một khía cạnh khác của câu chuyện.
“Gần đây, người Hong Kong đã cùng nhau nhận diện các doanh nghiệp ủng hộ dân chủ để ủng hộ. Chẳng hạn họ kéo đến ăn tại các nhà hàng ủng hộ dân chủ, trong khi tẩy chay các doanh nghiệp thân Bắc Kinh”, Jeffrey Ngo cho biết.
“Tôi nghĩ Hong Kong đang tìm cách tạo ra một nền kinh tế thay thế có lợi cho các doanh nghiệp ủng hộ dân chủ. Rất nhiều người Hong Kong ủng hộ điều này để chống lại tư bản đỏ đến từ đại lục. Tình hình rất khó khăn, nhưng tôi nghĩ người Hong Kong đã biểu đạt một thái độ, một cách phản ứng đúng”.
Đó cũng là điều lý giải vì sao có nhiều người ủng hộ tiền cho các tổ chức báo chí độc lập như Hong Kong Free Press.
http://biendong.net/bien-dong/35584-kiem-duyet-cua-tq-bop-nghet-bao-chi-hong-kong-the-nao.html

Luật mới Hồng Kông:

Chính quyền có thể nghe lén đối tượng nguy hiểm;

có mức án chung thân cho hàng loạt tội

Luật mới sẽ cấm hành vi lật đổ chính quyền, ly khai, khủng bố và thông đồng với các lực lượng nước ngoài ở Hồng Kông.
Từ ngày 1/7, luật an ninh mới ở Hồng Kông bắt đầu có hiệu lực và sẽ có khung hình phạt tới chung thân đối với các hành vi nhằm lật đổ chính quyền, ly khai, khủng bố và thông đồng với nước ngoài.
Chính quyền Hồng Kông đã điều động lực lượng an ninh trên khắp khu vực từ sáng ngày 1/7 – đánh dấu 23 năm sau khi Anh trao trả thành phố này cho Trung Quốc – chỉ vài giờ sau khi Bắc Kinh áp dụng luật mới.
Nhiều quốc gia phương Tây, bao gồm Anh và Mỹ, đã thúc giục Trung Quốc cân nhắc lại luật an ninh này, cho rằng Bắc Kinh cần phải tuân thủ các quyền tự do đã đồng thuận sau khi Hồng Kông được trao trả cho Trung Quốc vào năm 1997.
Trung Quốc cho rằng luật an ninh mới được thông qua nhằm xử lí “những kẻ gây rối loạn”. Trước đó, Bắc Kinh đã cáo buộc Anh và Mỹ vì can thiệp vào vấn đề nội bộ của Trung Quốc và “giật dây” các vụ bạo động ở Hồng Kông.
Dưới đây là chi tiết một số khoản trong luật an ninh mới ở Hồng Kông, được đăng tải bởi Reuters:
- Luật an ninh mới sẽ thay thế luật hiện tại của Hồng Kông.
- Tội lật đổ chính quyền, ly khai, khủng bố và thông đồng với nước ngoài có thể bị xử phạt tới án chung thân.
- Hoạt động của các cơ quan an ninh quốc gia mới và nhân sự ở Hồng Kông sẽ không thuộc quyền hạn của chính quyền địa phương.
- Chính phủ trung ương tại Bắc Kinh sẽ có trách nhiệm đối với vấn đề an ninh tại Hồng Kông.
- Bất kì ai vi phạm các điều luật an ninh sẽ không được phép tham gia bất kì cuộc bỏ phiếu nào ở Hồng Kông.
- Các quyền lợi và các quyền tự do, bao gồm quyền tự do ngôn luận của báo chí, ngành xuất bản, hội đồng chính quyền và người biểu tình, sẽ được bảo vệ theo pháp luật.
- Các công ty hoặc tổ chức vi phạm luật an ninh quốc gia sẽ bị phạt và bị đình chỉ hoạt động.
- Phá hoại các phương tiện di chuyển và trang thiết bị nhất định sẽ bị coi là hành động khủng bố.
- Chính quyền có thể khảo sát và đặt thiết bị nghe lén đối với những đối tượng có nguy cơ đe dọa an ninh quốc gia. Luật này áp dụng đối với cả người thường trú hoặc không thường trú tại Hồng Kông.
- Thắt chặt việc quản lí các tổ chức phi chính phủ (NGO) và cơ quan báo chí của nước ngoài ở Hồng Kông.
- Các lãnh đạo Hồng Kông sẽ đề xuất thẩm phán cho các trường hợp xét xử về luật an ninh quốc gia. Các tài sản liên quan tới vụ án sẽ bị đóng băng hoặc thu hồi.
- Chính quyền trung ương sẽ tham gia xét xử trong những vụ án “phức tạp” liên quan tới nước ngoài, hoặc trong những tình huống nghiêm trọng có thể gây ra nguy cơ lớn hoặc tiềm tàng rủi ro đối với an ninh quốc gia.
http://biendong.net/bien-dong/35580-luat-moi-hong-kong-chinh-quyen-co-the-nghe-len-doi-tuong-nguy-hiem-co-muc-an-chung-than-cho-hang-loat-toi.html

‘Kim Jong Un giả’ xuất hiện ở Hồng Kông,

cầm tên lửa có dán ảnh Tập Cận Bình

Minh Hòa
Một người đàn ông nổi tiếng với việc đóng giả lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un đã xuất hiện trong một cuộc biểu tình ở Hồng Kông hôm 1/7 để phản đối luật an ninh quốc gia mới.
“Kim Jong Un giả” xuất hiện trong bộ vest kiểu Mao Trạch Đông, bộ tóc hớt ngược đặc trưng của lãnh tụ Triều Tiên, trong tay ôm một mô hình tên lửa có dán ảnh của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình kèm theo những nét vẽ lên mắt và đầu của ông Tập.
Sự xuất hiện của “Kim Jong Un giả” đã thu hút sự chú ý của nhiều người Hồng Kông. Trước ống kính tò mò của những người đi đường, “Kim Jong Un giả” tuyên bố: “Đừng biến Hồng Kông thành một Bình Nhưỡng tiếp theo”.
Khi được hỏi tại sao, “Kim giả” trả lời: “Vì chỉ có thể có một Bình Nhưỡng thôi”.
“Kim Jong Un giả” cầm tên lửa có hình ông Tập Cận Bình, bước đi trên đường phố Hồng Kông ngày 1/7/2020 (ảnh chụp màn hinh video).
Người đóng giả Kim Jong Un trong video gây sốt cư dân mạng là ông Howard X, một công dân Australia từng nhiều lần giả dạng lãnh đạo tối cao của Triều Tiên.
Ông Howard đã đăng lên Facebook các bức ảnh và video về cuộc diễu hành của ông trong bộ dạng Kim Jong Un ở Hồng Kông, kèm lời chia sẻ: “Hôm nay tôi đi bộ quanh Hồng Kông với một thông điệp đặc biệt tới nhà độc tài Tập Cận Bình của Đảng Cộng sản Trung Quốc”.
Tháng 6/2018, ông Howard từng xuất hiện trong bộ dạng Kim Jong Un ở Singapore, gặp gỡ một bản sao của Tổng thống Mỹ Donald Trump, nhân sự kiện hội nghị thượng đỉnh Trump – Kim lần đầu tiên trong lịch sử.
Hành động “biểu tình” của ông Howard được cho là khá nguy hiểm, trong bối cảnh luật an ninh quốc gia đã bắt đầu có hiệu lực ở Hồng Kông, theo đó các hành vi phản đối chính quyền Đảng Cộng sản Trung Quốc sẽ bị trừng phạt nặng nề.
Cảnh sát Hồng Kông đã bắt giữ 370 người biểu tình phản đối luật an ninh hôm 1/7. Đây cũng là ngày kỷ niệm 23 năm Hồng Kông được Anh Quốc bàn giao cho Trung Quốc với lời hứa của Bắc Kinh về chính sách “một quốc gia, hai chế độ”.
Các nhà quan sát nhận định luật an ninh quốc gia đã đặt dấu chấm hết cho lời hứa này, trong khi lẽ ra Hồng Kông phải được đảm bảo các quyền tự chủ ít nhất cho đến năm 2047.
Chính quyền Trung Quốc đề xuất và thông qua luật này chỉ trong vòng 1 tháng, bất chấp những lời chỉ trích từ hàng chục quốc gia phương Tây.
Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cảnh báo luật an ninh này không chỉ đe dọa sự an toàn của người Hồng Kông, mà còn đe dọa cả những người nước ngoài, trong đó có người Mỹ. Ông Pompeo cho biết chính quyền Trump đang xúc tiến các bước để gỡ bỏ chế độ đãi ngộ đặc biệt dành cho Hồng Kông và sẽ đối xử với thành phố này giống như các thành phố khác do Đảng Cộng sản Trung Quốc kiểm soát.
https://www.dkn.tv/the-gioi/kim-jong-un-gia-xuat-hien-o-hong-kong-cam-ten-lua-co-dan-anh-tap-can-binh.html

Dân Hồng Kông phải đối mặt

với những gì khi luật an ninh được thực thi?

Thiện Lành
Chỉ một giờ trước khi bước sang ngày 1/7, ngày kỷ niệm 23 năm Anh chuyển giao Hồng Kông cho Trung Quốc, chính quyền thành phố cảng này đã công bố nội dung chi tiết luật an ninh quốc gia mới, trong đó những người vi phạm luật an ninh có thể bị tù chung thân.
Luật an ninh ​​sẽ hình sự hóa chủ nghĩa ly khai, lật đổ quyền lực nhà nước, các hoạt động khủng bố và can thiệp nước ngoài. Luật cũng sẽ cho phép các dịch vụ an ninh nội địa của Trung Quốc đại lục lần đầu tiên hoạt động công khai tại Hồng Kông. Điều này có thể tạo điều kiện cho việc Bắc Kinh tăng cường giám sát, đè bẹp các quyền tự do mà người Hồng Kông từ lâu đã được hưởng.
Trưởng đặc khu Hồng Kông Lâm Trịnh Nguyệt Nga và các quan chức Bắc Kinh đã cố gắng trấn an người Hồng Kông rằng, luật pháp chỉ nhắm vào một nhóm thiểu số rất nhỏ, và các quyền cơ bản của công dân Hồng Kông vẫn được đảm bảo. Tuy nhiên, các chuyên gia về luật pháp của Trung Quốc đã dự đoán rằng, ở Hồng Kông, sẽ gia tăng các vụ bắt giữ hàng loạt khi luật an ninh được thực thi.
Sau đây là những vấn đề mà người Hồng Kông phải đối mặt khi luật an ninh được thi hành:
Các nhà báo bị bỏ tù
Kể từ khi các cuộc biểu tình rầm rộ về dự luật dẫn độ nổ ra vào mùa hè năm 2019, bạo lực đối với các nhà báo đã gia tăng ở Hồng Kông. Các vụ bắt giữ thỉnh thoảng đã xảy ra, như Jimmy Lai, ông trùm truyền thông Hồng Kông, người sở hữu tờ Apple Daily – tờ báo nổi tiếng ở Hồng Kông với lập trường chống Bắc Kinh, đã bị truy tố vì tham gia các cuộc biểu tình. Tuy nhiên, cho đến nay, chưa có nhà báo nào ở Hồng Kông bị kết án.
Nhưng khi Trung Quốc đại lục, quốc gia dẫn đầu thế giới về bỏ tù các nhà báo với 48 nhà báo hiện phải đứng sau song sắt, tiến hành thực thi luật an ninh quốc gia cho Hồng Kông, thì viễn cảnh bắt giam các nhà báo theo phong cách đại lục và các phiên tòa xét xử không công bằng đi kèm với nó sẽ là tương lai không xa đối với các nhà báo tại Hồng Kông.
Hình phạt cho việc đăng tải các thông tin nhạy cảm
Đài phát thanh truyền hình công cộng Hồng Kông (RTHK), được thành lập năm 1928, độc lập về mặt biên tập theo điều lệ của đài và là một nguồn tin tức được tôn trọng. Nhưng quyền tự chủ của đài hiện nay đã bị đe dọa. Vào cuối tháng 5, vài ngày trước khi Bắc Kinh thông qua nghị quyết xây dựng luật an ninh Hồng Kông, RTHK đã hủy bỏ chương trình trào phúng và thời sự ăn khách Headliner. Nhiều người nghi ngờ RTHK hủy bỏ chương trình này là do áp lực từ Bắc Kinh.
Đài truyền hình hiện đang bị tiến hành đánh giá chưa từng có về quản lý và hoạt động của mình. Vào ngày 10/6, một cố vấn chính phủ đã thúc giục đài đưa tin về luật an ninh quốc gia theo chiều hướng tích cực. Hãy chờ xem liệu RTHK có bị chuyển đổi dần dần hoặc đột ngột thành cơ quan ngôn luận của chính phủ hay không và liệu trong tương lai, các cơ quan truyền thông thuộc sở hữu tư nhân có bị phạt tiền hoặc bị đình chỉ hoạt động khi họ đưa tin về các chủ đề nhạy cảm như tự trị của Hồng Kông, kêu gọi quyền bầu cử phổ thông, các cuộc biểu tình đang diễn ra, hoặc luật an ninh quốc gia hay không.
Hồi tố
Luật an ninh mới đối với Hồng Kông bao gồm cả việc hồi tố. Hồi tố là việc buộc tội một người vì lời nói hoặc hành động của họ đã bị vi phạm luật trước khi luật đó được ban hành. Khi tin tức về việc Bắc Kinh sẽ áp luật an ninh quốc gia cho Hồng Kông, nhiều người Hồng Kông đã chuyển sang mua các mạng riêng ảo (VPN), mạng cho phép người dùng truy cập các trang web bị chặn. Những người khác bắt đầu đóng tài khoản mạng xã hội như Telegram, vốn được sử dụng để tổ chức các cuộc biểu tình, vì họ sợ bài đăng của họ có thể được sử dụng để buộc tội họ là ly khai hoặc lật đổ theo luật mới.
Hạn chế tự do internet
Charles Mok, thành viên Hội đồng Lập pháp Hồng Kông, người đại diện cho lĩnh vực công nghệ, nói với tổ chức nhân quyền Freedom House rằng theo luật an ninh quốc gia mới, các nhà cung cấp dịch vụ Internet, nhà mạng viễn thông, những người quản lý mạng xã hội và nền tảng trực tuyến, và cả những người điều hành các trung tâm dữ liệu ở Hồng Kông có thể phải đối mặt với trách nhiệm lớn hơn đối với nội dung của người dùng, nghĩa là họ sẽ có nghĩa vụ kiểm duyệt nền tảng của họ. Họ cũng có thể được yêu cầu bàn giao dữ liệu người dùng cho cơ quan chức năng. Thật vậy, giám đốc điều hành Facebook, Mark Zuckerberg đã bày tỏ lo ngại về sự ảnh hưởng của luật an ninh đối với Facebook tại Hồng Kông, bao gồm cả ứng dụng nhắn tin được mã hóa WhatsApp.
Charles Mok cho biết, sau khi lãnh thổ bán tự trị Macao đưa ra luật an ninh quốc gia của riêng mình vào
năm 2009, một luật an ninh mạng riêng biệt đã được áp dụng, yêu cầu người dùng phải đăng ký tên thật cho thẻ SIM và các biện pháp kiểm soát theo phong cách ở Trung Quốc đại lục.
Hạn chế tự do nghệ thuật và học thuật
Hồng Kông là nơi có một cộng đồng nghệ thuật phát triển mạnh mẽ và thẳng thắn về mặt chính trị. Những bức tượng mô tả những người biểu tình như những vị anh hùng hoặc tranh tường chế giễu Trưởng Đặc khu Lâm Trịnh Nguyệt Nga và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình thường xuyên xuất hiện trên các tòa nhà, trong các quán cà phê và nhiều nơi ở Hồng Kông.
Tuy nhiên, những hình thức nghệ thuật như vậy bị đàn áp ở Trung Quốc đại lục, và các nghệ sĩ Hồng Kông hiện đang tự hỏi liệu tác phẩm của họ sẽ bị truy tố với tội danh là kích động ly khai hay kích động lật đổ. Hơn 1.500 thành viên của làng nghệ thuật Hồng Kông đã ký đơn thỉnh nguyện tới một trong những đại diện của Hồng Kông trong Đại hội dân tộc quốc gia.
Tự do học thuật ở Hồng Kông đã suy giảm trong những năm gần đây. Trước đó, khi chưa có luật an ninh, một số tụ điểm văn hóa ở Hồng Kông đã không ủng hộ việc trưng bày nghệ thuật chống chính phủ. Các học giả Hồng Kông cũng lo ngại rằng Bắc Kinh sẽ sử dụng luật mới để hạn chế nội dung giảng dạy trong các trường đại học ở Hồng Kông và làm giảm uy tín quốc tế của các trường đại học Hồng Kông.
Đàn áp tôn giáo
Nhiều nhóm tôn giáo hiện đang bị đàn áp ở Trung Quốc nhưng được hưởng tự do ở Hồng Kông, như Cơ đốc giáo hay môn khí công theo trường phái Phật gia, Pháp Luân Công.
Tất cả các nhóm tôn giáo này đều tham gia vào các hoạt động có thể được Bắc Kinh liệt vào việc vi phạm luật an ninh quốc gia như một số nhà thờ từng đề nghị là nơi trú ẩn cho người biểu tình chạy trốn cảnh sát, một số nhà thờ Công giáo tổ chức các buổi lễ tưởng niệm vụ thảm sát Thiên An Môn 1989, và các học viên Pháp Luân Công thỉnh thoảng tổ chức các cuộc diễu hành để tưởng nhớ các học viên Pháp Luân Công ở Trung Quốc bị chính quyền nước này giết hại.
Nhưng khi luật an ninh quốc gia được thực thi, các nhà thờ đều lo ngại rằng các hoạt động tôn giáo của họ sẽ bị hạn chế, và các thành viên của nhà thờ có thể sẽ phải đối mặt với án tù giống như mục sư Wang Yi ở tỉnh Tứ Xuyên, Trung Quốc đã bị kết án 9 năm tù vào cuối năm 2019 với tội danh “kích động lật đổ quyền lực nhà nước” sau khi ông công khai lên án việc phá thai cưỡng bức và vụ thảm sát Thiên An Môn năm 1989.
Đối với các học viên Pháp Luân Công ở Hồng Kông, có thể sẽ phải đối mặt với sự giam giữ tùy tiện và tra tấn giống như những người tập Pháp Luân Công ở Trung Quốc.
Theo Foreign Policy
Thiện Lành biên soạn
https://www.dkn.tv/the-gioi/dan-hong-kong-phai-doi-mat-voi-nhung-gi-khi-luat-an-ninh-duoc-thuc-thi.html

Luật sư Hồng Kông lo ngại về Luật an ninh quốc gia

Trọng Thành
Liên đoàn Luật sư Hồng Kông ngày 01/07/2020 « lo ngại sâu sắc » về luật an ninh Hồng Kông. Lý do, luật có thể được sử dụng một cách « võ đoán », nhằm đè bẹp các quyền tự do căn bản tại Hồng Kông.
Theo AFP, Liên đoàn Luật sư Hồng Kông ra thông cáo « bày tỏ lo ngại sâu sắc về nội dung của Luật an ninh quốc gia và phương thức thực thi của luật này ». Trong bản phân tích dài 5 trang, Liên đoàn Luật sư Hồng Kông nhấn mạnh các tội danh được định nghĩa một cách « rất mơ hồ », có thể bị chính quyền sử dụng một cách « võ đoán » và như một phương tiện để « đè bẹp các quyền tự do căn bản, trong đó có các quyền tự do tư tưởng, tự do ngôn luận và tự do hội họp ».
Liên đoàn Luật sư Hồng Kông tố cáo chính quyền Bắc Kinh đã « hoàn toàn không hề tham vấn các luật sư, thẩm phán, cảnh sát và cư dân Hồng Kông » về bộ luật mới này, đặc biệt là về « các tội danh nghiêm trọng trong luật, trước khi luật có hiệu lực ». Luật mới là công cụ để Bắc Kinh can thiệp trực tiếp vào tư pháp Hồng Kông, vốn được coi là độc lập cho đến nay. Công an Trung Quốc cũng có thể lần đầu tiên được phép hoạt động trên lãnh thổ Hồng Kông.
Quyền hạn của theo dõi của cảnh sát cũng được mở rộng. Việc nghe lén không được đặt dưới sự giám sát của tư pháp. Chính quyền có quyền tổ chức các phiên tòa kín. Theo đánh giá của các luật sư Hồng Kông, luật an ninh quốc gia Trung Quốc vừa ban hành « khắc nghiệt hơn rất nhiều so với dự kiến » và quy chế tự trị của đặc khu vừa bị khai tử.
Một điều đặc biệt đáng lo ngại khác là, với luật an ninh quốc gia mới, tư pháp Trung Quốc có thể xét xử các vụ vi phạm an ninh quốc gia ở nước ngoài, kể cả bởi người nước ngoài.
Về mặt chính thức, Luật an ninh quốc gia là nhằm trừng trị các tội « ly khai, lật đổ, khủng bố và đồng lõa với các thế lực nước ngoài ». Nhưng đối với những người phản đối, luật này là hành động đáp trả lại phong trào biểu tình rộng lớn chống dự luật dẫn độ sang Trung Quốc hồi năm ngoái 2019, buộc chính quyền thân Bắc Kinh phải rút lại dự luật, Bắc Kinh lo sợ phong trào đòi dân chủ tại Hồng Kông bùng lên vượt quá tầm kiểm soát.
Về tình hình tại chỗ hôm qua, hàng nghìn người biểu tình bất chấp lệnh cấm và luật an ninh mới. Cảnh sát Hồng Kông đã tiến hành loạt bắt bớ đầu tiên, căn cứ theo luật mới. Trong số 370 người bị bắt, 10 người bị coi là vi phạm Luật an ninh quốc gia.
http://www.rfi.fr/vi/ch%C3%A2u-%C3%A1/20200702-lu%E1%BA%ADt-s%C6%B0-h%E1%BB%93ng-k%C3%B4ng-lo-ng%E1%BA%A1i-v%E1%BB%81-lu%E1%BA%ADt-an-ninh-qu%E1%BB%91c-gia

Đập Tam Hiệp,

dự án kỳ vĩ đầy tham vọng của Trung Quốc

Philip BallBBC Future
Trung Quốc luôn quyết tâm xây những con đập kỳ vĩ chặn sông nhằm thoả khát vọng chế ngự thiên nhiên, bất chấp hậu quả tai hại.
Nếu có chút nghi ngờ gì về niềm hãnh diện của Trung Quốc đối với Đập Tam Hiệp trên dòng sông Trường Giang, bạn nên tới thăm nơi này.
Trung Quốc, nơi mỗi năm có thêm một ‘London mới’
Thành phố hiện đại trong Bắc Kinh cổ kính
100 giờ thăm Tây Tạng để lại dấu ấn suốt đời
Con đập của những cái ‘nhất’
Một chuyến xe buýt du lịch sẽ đưa bạn đi 40km, khởi hành từ thành phố Nghi Xương, qua các trạm kiểm soát quân sự tới trung tâm tham quan. Sách hướng dẫn tự hào liệt kê ra những kỷ lục thế giới mà con đập này nắm giữ.
Trong đó, có nhiều thứ là vô nghĩa đối với đa số mọi người, nhưng lại là vô giá đối với những ai hâm mộ kỹ thuật trị thủy: “Nơi có mật độ đổ bê tông dày đặc nhất”; “Đập tràn có khả năng xả lũ lớn nhất”; “Âu tàu trên đất liền có độ nâng cao nhất”.
Cuốn sách cũng đảm bảo với du khách rằng các quan ngại mà những người phản đối việc xây đập nêu ra, như phải di dời dân, tác hại tiêu cực tới môi trường sinh thái… đều đã được kiểm soát tốt.
Và rồi bạn nhận ra rằng dòng nước, hay nói đúng hơn là việc kiểm soát dòng nước, đã luôn là trọng tâm chú ý tại Trung Quốc từ hàng thiên niên kỷ qua.
Thực tế đó vẫn đang diễn ra trong thời nay.
Nền kinh tế Trung Quốc đã cho thấy những dấu hiệu chững lại sau một giai đoạn phát triển nhanh chóng, và việc thiếu nước sẽ tạo những quan ngại to lớn trong vài thập niên sắp tới.
Món ăn theo dấu chân Thành Cát Tư Hãn đến Georgia
Mộ Thành Cát Tư Hãn: Bí ẩn không thể tìm ra?
Những con đập khổng lồ sẽ cung cấp một phần đáng kể năng lượng cho Trung Quốc thông qua các nhà máy thủy điện, qua đó giúp giảm bớt ô nhiễm thải ra từ các nhà máy nhiệt điện.
Đập Tam Hiệp được lắp đặt hệ thống máy sản xuất điện 18.2GW, tức là cao gấp 10 lần so với nhà máy điện hạt nhân Đại Á Loan ở Quảng Đông.
Đang có thêm những con đập nữa được lên kế hoạch xây dựng tại nhiều dòng sông khác ở Trung Quốc, như các dự án gây tranh cãi trên dòng Nộ Giang chảy qua Di sản Thế giới của Unesco tại Vân Nam trước khi chảy sang đất Myanmar và Thái Lan.
Các dòng sông của Trung Quốc đang trong tình trạng ô nhiễm, bị phá hại, khai thác quá mức, bị lở bờ và nhiều yếu tố khác tác động.
Việc điều kiện môi trường xấu đi ước tính khiến cho Trung Quốc thiệt hại mỗi năm chừng 10% tổng sản phẩm quốc nội, theo đánh giá của Elizabeth C Economy trong cuốn The River Runs Black.
Nước đã trở thành một nội dung quan trọng trong nhiều cuộc biểu tình dân sự, mà có những cuộc trở thành bạo lực.
Thủ tướng Lý Bằng trong tuyên bố ra hồi 1992 với nội dung phê chuẩn việc xây Đập Tam Hiệp dường như khẳng định rằng Trung Quốc coi dự án này như một cuộc biểu dương ý chí chính trị, kinh tế và công nghệ của đất nước.
“Đập Tam Hiệp sẽ cho thế giới thấy khát vọng và khả năng của người Trung Quốc trong việc xây dựng dự án bảo vệ nước và xây dựng nhà máy thủy điện lớn nhất thế giới.”
Nếu nhìn tới khuynh hướng đi xuống trong việc xây dựng các con đập lớn trong cộng đồng thế giới thời đó, một phần bởi những lo ngại về việc gây tác động xấu tới môi trường, khó có thể tin là tuyên bố của ông Lý sẽ được thế giới tán thưởng.
Tuy nhiên, khả năng chế ngự dòng nước luôn được coi trọng tại Trung Quốc.
Những người chỉ trích đặt vấn đề về cái giá tài chính, xã hội và môi trường trong việc xây đập mới chỉ nhìn thấy một phần câu chuyện.
Con đập còn nhằm giải quyết những vấn đề khác của dòng Trường Giang và nhu cầu cần năng lượng sạch của Trung Quốc.
Công trình vĩ đại
Các số liệu khiến ta phải chóng mặt: cao 185 mét, rộng gần 2km, được dựng lên từ gần 30 triệu mét khối bê tông, và làm ngập nước trên diện tích 30 ngàn hecta đất nông nghiệp, để nhằm tạo ra một hồ chứa có diện tích chừng 31 ngàn dặm vuông.
Con đập đã trở thành một biểu tượng của Trung Quốc, tương tự như Vạn Lý Trường Thành.
Nhưng cái giá phải trả là gì?
Với cỗ máy nhà nước đẩy dự án đi, một số người cho rằng các sai phạm kỹ thuật đã được phớt lờ.
Một số người chỉ trích nói rằng lượng nước trữ trong hồ chứa sẽ làm tăng nguy cơ ngập lụt trên thượng nguồn, ở tỉnh Tứ Xuyên.
Cạnh đó là các tác hại tới hệ sinh thái địa phương, việc xóa sổ các địa điểm di sản vô giá. Rồi nguy cơ con đập trở nên không an toàn khi có các trận động đất xảy ra, nguy cơ gây thay đổi tầng địa chấn, gây đất lở từ lượng nước khổng lồ được trữ lại…
Việc chính phủ Trung Quốc đảm bảo đã tính toán hết các yếu tố đó không làm cho người ta cảm thấy yên tâm hơn.
Một trong những chủ đề gây tranh cãi là việc tái định cư cho người dân địa phương.
Khu hồ chứa rộng 1.000 cây số vuông và trải dài trên 600km từng là nơi sinh sống của khoảng 1,5 triệu người, 19 quận hạt, 140 thị trấn, 360 thị xã và 1.351 ngôi làng.
Tất cả đều cần được đưa đi nơi khác, và họ sẽ cần phải thích nghi với điều kiện sống có thể hoàn toàn khác, bên cạnh việc bị tác động tâm lý nặng nề từ việc phải rời bỏ nơi họ đã từng sống qua bao đời.
Đó là những quan ngại phức tạp, đầy áp lực, nhưng tất cả đều phải được hiểu trong khuôn khổ lịch sử nền công nghiệp trị thủy của Trung Quốc.
Khát vọng thần thánh
Truyền thuyết Trung Quốc kể rằng Hạ Vũ được vua Nghiêu, Thuấn giao nhiệm vụ trị thủy.
Để tưởng thưởng cho công sức của ông trong quá trình nạo vét dòng sông, nắn dòng chảy ra biển, Hạ Vũ sau được truyền ngôi.
Ông đã lập nên nhà Hạ, triều đại được cho là đã chiếm lĩnh thung lũng sông Hoàng Hà hồi thế kỷ thứ ba trước Công Nguyên.
Xây cho được một con đập khổng lồ trên dòng Trường Giang từng là mơ ước của bất kỳ nhà lãnh đạo Trung Hoa nào thời hiện đại, kể từ Tôn Trung Sơn trở đi.
Trong bài thơ viết hồi 1956 nhằm kỷ niệm sự kiện tự mình bơi ở Trường Giang, Mao Trạch Đông đưa ra viễn kiến xây dựng một công trình vĩ đại trên dòng sông này.
Các kế hoạch xây Đập Tam Hiệp đã được đưa ra hồi cuối thập niên 1950, nhưng những biến động của cuộc Đại Nhảy vọt và Cách mạng Văn hóa khiến dự án phải xếp lại trong thời Mao.
Cho tới khi Đặng Tiểu Bình ra chính sách cải cách, mở cửa vào cuối thập niên 1970, việc này mới lại được đưa ra bàn luận.
Một con đập nhỏ hơn – một dạng dự án thử nghiệm – đã được triển khai ở phần hạ lưu trong lúc chờ thời gian trở nên chín muồi cho dự án.
Khi ông Lý Bằng muốn tìm sự phê chuẩn tại Quốc hội, hồi 1992, để bắt tay vào việc xây đập, một phần ba các đại biểu đã biểu quyết chống – một mức độ chống báng cao chưa từng thấy.
Ngay cả những người phản đối cũng thừa nhận là kể từ khi đập được xây, những vụ lũ lụt lớn trên sông Trường Giang đã không xảy ra ở quy mô như vụ lũ lụt cướp đi sinh mạng 3.500 người hồi 1998.
Tuy nhiên, ảnh hưởng của chương trình tái định cư khổng lồ khiến người ta quan ngại, từ việc ảnh hưởng trực tiếp tới tâm sinh lý người dân cho tới những vấn đề về bồi thường không thỏa đáng hay nạn biển thủ tiền đền bù.
Một quốc gia như Trung Quốc, nơi có khá nhiều những dòng sông chảy xiết và nhu cầu to lớn về năng lượng, sẽ là không khôn ngoan nếu như không tận dụng những nguồn tài nguyên tái tạo được để phục vụ phát triển kinh tế.
Về mặt lý thuyết, Trung Quốc rất dồi dào tiềm năng thuỷ điện, 380 GW, tương đương hàng trăm nhà máy điện hạt nhân cỡ trung bình, tức là nhiều hơn bất kỳ nơi nào khác trên thế giới.
Trung Quốc mới chỉ khai thác được vỏn vẹn một phần tư tiềm năng đó.
Trung Quốc cam kết đến năm 2020 sẽ đáp ứng 15% nhu cầu năng lượng trong nước từ các nguồn tài nguyên có thể tái tạo, và sẽ giảm lượng khí thải nhà kính xuống 40-45% – những cam kết chỉ có thể đạt được nếu như thuỷ điện đóng vai trò lớn trong kế hoạch.
Đập Tam Môn Hiệp và ‘nỗi buồn Trung Hoa’
Để hiểu thêm về dự án Đập Tam Hiệp, tôi đã đi chừng 700km lên phía bắc, tới dòng sông Hoàng Hà để xem Đập Tam Môn Hiệp, nằm giữa tỉnh Hà Nam và tỉnh Sơn Tây.
Đập được xây trong thời Mao, cách đây nửa thế kỷ, và đối lập rõ rệt với Đập Tam Hiệp.
Về mặt lịch sử, sông Hoàng Hà thậm chí còn in đậm dấu ấn trong tâm trí Trung Quốc hơn so với Trường Giang.
Trong suốt một thời gian dài được coi (một cách sai lầm) là “cái nôi của nền văn minh Trung Hoa”, Hoàng Hà và các nhánh sông của nó là nguồn cung cấp nước chính yếu cho vùng đồng bằng Hoa Bắc.
Chừng phân nửa lúa mì và một phần ba sản lượng ngô của cả nước được trồng trọt tại đây; ước chừng một nghìn tỷ người đã từng sinh sống rồi chết đi tại đây.
Thế nhưng Hoàng Hà cũng là “Nỗi buồn Trung Hoa”, với những cơn lũ lụt khủng khiếp từng cướp đi hàng triệu sinh mạng chỉ trong một cơn cuồng nộ.
Hoàng Hà là nơi Mao Trạch Đông chú ý tới đầu tiên sau khi lên nắm quyền, hồi 1949.
Chính quyền Mao đã có một chiến dịch điên rồ: xây dựng đập nhằm chứng tỏ sự thắng thế trong cuộc chiến chế ngự thiên nhiên.
Nhân dân Nhật báo đã nói về cuộc chiến chống lại Hoàng Hà như thể nói về một cuộc chiến huyền thoại vật lộn với con rồng: những dự án kỹ thuật “chặt đứt vảy, móng vuốt và những cái răng của con rồng hung dữ”.
Đập Tam Môn Hiệp là con đập kỳ vĩ nhất trong số các con đập trên sông Hoàng Hà. Nó được xây ở nơi dòng sông chia ra thành ba nhánh, cực kỳ thích hợp để con người có thể chế ngự được dòng sông thần thánh.
Việc xây đập được bắt đầu từ năm 1957, với sự giúp đỡ của các kỹ sư Liên Xô.
Người ta nói rằng con đập sẽ giữ phù sa lại, không để cuốn theo dòng nước xuống hạ nguồn, vốn là nguồn cơn khiến đáy sông bị đầy lên, tràn ra các vùng đồng bằng kế bên.
Sông Hoàng Hà, họ nói, nhờ vậy sẽ không còn sắc vàng nữa, ứng với lời sấm truyền từ xa xưa: “Hiền nhân hiển minh, dòng chảy trong xanh”.
Sự vô lý đến ngớ ngẩn của niềm tin này nhanh chóng đã được chứng minh.
Phù sa bắt đầu đọng lại ở vị trí tường đập với tốc độ báo động. Đến 1962, sức chứa của hồ chứa Tam Môn Hiệp chỉ còn phân nửa.
Ngay cả sau việc xây dựng lại trên quy mô lớn được tiến hành, từ 1965 đến 1973, thì gần 40% sức chứa của đập vẫn ngập phù sa tích tụ từ 18 năm đầu hoạt động, và lượng điện được tạo ra từ nhà máy thuỷ điện ít hơn nhiều so với ước tính ban đầu.
Năm 2004, một trong các kỹ sư tham gia thiết kế đập thừa nhận trên truyền hình Trung Quốc rằng con đập là “một sai lầm”.
Thế nhưng ngày nay, Đập Tam Môn Hiệp vẫn tiếp tục hoạt động, như một người lính già ngang ngạnh quyết bám trụ một tiền đồn đã bị lãng quên.
Công tác bảo vệ đập lơi lỏng tới mức gần như không có gì.
Sau khi trả 30 nhân dân tệ (4,7 đô la Mỹ), tôi được phép tự do lang thang khắp chỗ này chỗ khác trên đập, trong lúc hệ thống nhà máy cũ kỹ vẫn gầm gừ vận hành một cách đáng ngại.
Một vài nhân công uể oải trong nắng, và chẳng có ai buồn chặn tôi lại khi tôi mò vào bên trong những sảnh đặt turbine cũ.
“Khi Hoàng Hà êm đềm,” dòng khẩu hiệu sơn đỏ rực viết trên bức tường đập chừng 7mét, “thì đất nước thái bình”.
Câu khẩu hiệu nhằm nhắc tới Đại quan thuỷ đế Hạ Vũ.
Bức tượng vị vua trị thuỷ huyền thoại đứng sừng sững nhìn ra những triền đồi. Nhưng tôi đoán nếu là ông thì có lẽ ông đã làm khác.
Tuyệt tác thuỷ lợi hai ngàn năm trước
Tuy nhiên, công tác trị thuỷ của Trung Quốc không phải lúc nào cũng được coi như cuộc chiến chống lại thiên nhiên
Cả hai công trình hiện đại kể trên đều giống như sự áp đặt thô thiển trên dòng sông nếu so sánh với những công trình thuỷ lợi cổ xưa ở Đô Giang Yển trên dòng Dân Giang, nằm cách Thành Đô của tỉnh Tứ Xuyên một tiếng rưỡi lái xe.
Mục đích của công trình này khác hẳn: chế ngự sông Dân Giang nhằm dẫn nước tạo hệ thống thuỷ lợi cho vùng đồng bằng Thành Đô.
Cách tính toán thông minh của viên quan Lý Băng đời nhà Tần, gồm việc phân chia dòng Dân Giang thành hai, với dòng chảy nhỏ hơn được dẫn vào một hệ thống tưới tiêu thuỷ lợi phức hợp, đã cực kỳ thành công. Đô Giang Yển vẫn được sử dụng cho đến ngày nay.
Tuy biết nơi này nay được xếp thành Địa điểm Di sản Thế giới của Unesco, tôi vẫn bất ngờ khi chứng kiến vẻ đẹp sững sờ của nó, được điểm xuyết với những ngôi chùa, những công viên với những ngọn núi nhấp nhô phía xa xa dẫn vào cao nguyên Tây Tạng.
Hòn đảo nhân tạo của Lý Băng, với gờ đất nhô lên được gọi là Ngư Khẩu, là nơi dòng sông dậy sóng và chia làm hai, nay được gia cố bằng bê tông. Ngoài ra, mọi thiết kế đều hầu như không thay đổi gì so với trong thời nhà Tần cách đây cả hai ngàn năm.
Tuy nhiên, hệ thống thuỷ lợi này không phải chỉ là sự hài hoà giữa thiết kế của con người với cảnh quan tự nhiên.
Nó là một chìa khoá quan trọng cho cuộc chinh phạt đất Thục (nay gần như thuộc vùng Tứ Xuyên) bởi nhà Tần láng giềng – một chiến thắng đã đưa đến cuộc thống nhất thiên hạ đầu tiên ở Trung Hoa dưới sự cai trị chuyên chế, bạo ngược của Tần Thuỷ Hoàng Đế, vị hoàng đế đã để lại một di sản khổng lồ, trong đó gồm cả những đoạn tường thành đầu tiên của Vạn Lý Trường Thành vĩ đại.
Tác phẩm trị thuỷ của Lý Băng đã khiến cho đất nhà Thục trở nên màu mỡ, và cuối cùng đem đến quyền lực kinh tế giúp giành lại được sự độc lập của nhà Thục trong thời Tam Quốc.
Bài tiếng Anh đã đăng trên BBC Future,
Bài đăng tháng 11/2015 trên phiên bản cũ của BBC News Tiếng Việt.
https://www.bbc.com/vietnamese/vert-fut-53264530

Liên tiếp 4 vụ động đất đập ở Tam Hiệp:

Họa vô đơn chí

Khi những trận động đất đang xảy ra liên tiếp ở Tứ Xuyên, điều mà các chuyên gia lo lắng nhất dường như đã bắt đầu.
Kể từ khi những cơn mưa bão diễn ra liên tiếp tại lưu vực sông Dương Tử, Trung Quốc, hơn 13,7 triệu người đã bị ảnh hưởng. Đài quan sát Khí tượng Trung Quốc đã đưa ra cảnh báo mưa bão ngày thứ 31 liên tiếp. Áp lực nước quá lớn lên đập Tam Hiệp nằm ở thượng nguồn sông Dương Tử đã khiến chính quyền Trung Quốc phải xả đập với lưu lượng nước lớn để giải nguy. Nhưng tình cảnh ngập lụt vẫn chưa có dấu hiệu thuyên giảm khi mưa lớn vẫn diễn ra liên tục.
Trong bối cảnh như vậy, một trận động đất xảy ra ở khu vực thượng nguồn Dương Tử, gần đập Tam Hiệp có thể gây nguy hiểm cho sự an toàn của con đập.
Vào lúc 4 giờ 7 phút sáng hôm nay (2/7) một trận động đất cường độ 3,2 độ richter đã xảy ra ở huyện Nhã Nhĩ Cái (Ruoergai), châu A Bá, tỉnh Tứ Xuyên (34,10 độ vĩ Bắc, 102,68 độ kinh Đông), tâm chấn có độ sâu 8 km dưới lòng đất.
Châu A Bá, tỉnh Tứ Xuyên nằm ở thượng nguồn của đập Tam Hiệp. Sau 31 ngày cảnh bão mưa lớn liên tục kể từ 2/6, hồ chứa nước đập Tam Hiệp đang ở mức báo động, chính quyền Trung Quốc đã công nhận việc xả lũ khẩn cấp để bảo vệ con đập, khiến nước lớn làm ngập hoàn toàn thành phố Nghi Xương ở tỉnh Hồ Bắc và Phượng Hoàng cổ trấn ở tỉnh Hồ Nam. Đồng thời Trùng Khánh đã bị ngập lụt nặng, cộng đồng ở Vịnh San hô, Đại Kiều, bên sông Dương Tử cũng nhận được thông báo yêu cầu cư dân sống trong các khu nhà có 4 tầng trở xuống chuẩn bị đối phó với mức lũ cao nhất kể từ năm 1981.
Trước đó, các vấn đề an toàn của đập Tam Hiệp được thế giới bên ngoài rất quan tâm và giả thuyết về việc vỡ đập đã trở nên rất phổ biến. Mặc dù chính quyền Trung Quốc bác bỏ mạnh mẽ, nhiều chuyên gia bảo tồn nước đã cảnh báo rằng một trong những nguyên nhân có thể khiến đập Tam Hiệp bị vỡ là những trận động đất. Và bây giờ, khi những trận động đất đang xảy ra liên tiếp ở Tứ Xuyên, điều mà các chuyên gia lo lắng nhất dường như đã bắt đầu.
Ngoài trận động đất vào sáng sớm ngày 2/7, theo Mạng lưới địa chấn Trung Quốc, lúc 1giờ 55 chiều ngày 30/6/2020, đã có một trận động đất 3,7 độ richter xảy ra ở thị trấn Nghi Tân, tỉnh Tứ Xuyên (tọa độ 28,17 độ vĩ Bắc, 104,77 độ kinh Đông), độ sâu xảy ra động đất là 9 km trong lòng đất.
Vào lúc 5 giờ 37 ngày 28/6, một trận động đất mạnh 3,1 độ richter xảy ra ở huyện Trường Ninh, Nghi Tân, Tứ Xuyên (tọa độ 28,33 độ vĩ Bắc, 104,95 độ kinh Đông), với độ sâu tâm chấn là 11 k.
Lúc 0 giờ 13 ngày 27/6, trận động đất khác mạnh 3 độ richter cũng xảy ra ở Nội Giang, huyện Uy Viễn, tỉnh Tứ Xuyên (tọa độ 29,48 độ vĩ Bắc, 104,54 độ kinh Đông), với độ sâu tâm chấn là 10 km.
Cùng ngày, lúc 3 giờ 34, huyện Giang Thành, trấn Phổ Nhị, tỉnh Vân Nam cũng nằm ở thượng nguồn sông Dương Tử (tọa độ 57 vĩ Bắc, 101,98 độ kinh Đông) đã có một trận động đất mạnh 3,2 độ richter với độ sâu tâm chấn 10 km.
Cùng ngày, lúc 3 giờ 34, huyện Giang Thành, trấn Phổ Nhị, tỉnh Vân Nam cũng nằm ở thượng nguồn sông Dương Tử (tọa độ 57 vĩ Bắc, 101,98 độ kinh Đông) đã có một trận động đất mạnh 3,2 độ richter với độ sâu tâm chấn 10 km.
Ngoài ra, Đài quan sát Khí tượng Trung ương Trung Quốc tiếp tục đưa ra cảnh báo mưa bão vào lúc 6 giờ sáng ngày 2/7. Ước tính từ 8 giờ sáng ngày 2/7 đến 8 giờ sáng ngày 3/7, miền nam Giang Hán, miền tây và miền nam Giang Hoài, miền bắc Giang Nam, miền trung Vân Nam, miền nam Quý Châu cùng miền bắc Hoa Bắc sẽ có những cơn mưa lớn. Miền trung Vân Nam, miền nam Hồ Bắc, miền bắc Hồ Nam, miền nam An Huy và đông bắc Giang Tây có mưa lớn cục bộ (100 đến 150 mm). Một số khu vực được đề cập ở trên có kèm theo lượng mưa lớn trong thời gian ngắn (lượng mưa tối đa mỗi giờ từ 30 đến 50 mm và có khu vực địa phương có thể vượt quá 70 mm), kèm theo đó là đối lưu không khí mạnh như giông và gió bão.
http://biendong.net/dam-luan/35597-lien-tiep-4-vu-dong-dat-dap-o-tam-hiep-hoa-vo-don-chi.html

Video: Phượng Hoàng cổ trấn ngập trong biển nước

Hiểu Minh
Thị trấn cổ đẹp nhất Trung Quốc, với phong cảnh hữu tình thu hút hơn 50.000 khách du lịch Việt Nam trong mùa cao điểm đang ngập trong dòng nước đục ngầu.
Thời gian qua, những trận mưa lớn ở Trung Quốc và việc xả nước ở đập Tam Hiệp đã khiến hơn 13 triệu người Trung Quốc trở thành nạn nhân, với nhiều thành phố ở thượng lưu và hạ lưu đập bị nước lũ nhấn chìm, làm dấy lên nghi ngại về nguy cơ vỡ đập khiến nhiều người quan tâm. Trong đó địa danh du lịch nổi tiếng Phượng Hoàng cổ trấn nằm phía trên một nhánh sông của đập Tam Hiệp cũng đã ngập trong biển nước.
Phượng Hoàng cổ trấn hơn 2.000 năm tuổi, ra đời từ thời Xuân Thu (771 đến 476 trước Công nguyên), địa danh thu hút đông đảo khách du lịch quanh năm đã trở thành khu vực bị ảnh hưởng bởi mưa lớn và lũ lụt càn quét trong thời gian qua.
https://twitter.com/i/status/1277744897475309568
Clip: Dòng nước lũ cuồn cuộn chảy trên đường phố Phượng Hoàng cổ trấn ngày 29/6 (video: Taiwan News).
https://twitter.com/i/status/1277917900133658625
https://youtu.be/Q7e-L1FksRM
Clip: Dòng nước lũ cuồn cuộn chảy trên đường phố Phượng Hoàng cổ trấn ngày 29/6 (video: Taiwan News)
Hôm 30/6 người dân Phượng Hoàng cổ trấn đã đăng tải một loạt video trên mạng cho thấy dòng nước lũ đục ngầu chảy qua các con phố, nước ngập đến vai người đi đường, hàng chục người bị mắc kẹt giữa dòng nước.
Ở một số khu vực khác của cổ trấn, có thể thấy các phương tiện và người đi bộ đang vật lộn để di chuyển qua biển nước lũ xoáy dữ dội.
Tân Hoa Xã đưa tin rằng sau khi đập Tam Hiệp xả nước, nó đã gây ra áp lực rất lớn cho nhiều thành phố ở hạ lưu. Trong số đó có Phượng Hoàng cổ trấn đẹp cổ kính nằm phía trên một nhánh sông của đập Tam Hiệp đã ngập trong biển nước.
Sở Tài nguyên nước Chiết Giang cũng cho biết, 20 hồ chứa vừa và lớn ở tỉnh đã vượt mực kiểm soát lũ.
Theo Liberty Times , toàn bộ lưu vực sông Dương Tử đang bị mưa phùn liên tục, trong khi lưu vực sông Hoàng Hà cũng đã bước vào mùa lũ. Đập Tiểu Lãng Để (Xiaolangdi), nằm ở thượng nguồn sông Hoàng Hà đã bắt đầu xả nước lũ vào ngày 29/ 6 với tốc độ 5.520 mét khối mỗi giây.
https://www.dkn.tv/the-gioi/video-phuong-hoang-co-tran-ngap-trong-bien-nuoc.html

Truyền thông Trung Quốc khuyên người dân:

Hễ thấy nước dâng cao cứ bỏ xe mà chạy

Phụng Minh
Vidéo Hễ thấy nước dâng cao cứ bỏ xe mà chạy:  https://www.dkn.tv/37dd40a2-e85b-4091-91e6-7542404dbcde
Mưa lũ kéo dài bất thường, nhiều cảnh ngập lụt nguy hiểm đe dọa tính mạng và tài sản của người dân đang được lan truyền trên mạng xã hội Trung Quốc.
Đài Khí tượng trung ương Trung Quốc tiếp tục phát cảnh báo mưa to màu xanh (trên thang 4 màu từ thấp đến cao: xanh, vàng, cam, đỏ) tại hầu hết khu vực tây nam Trung Quốc từ ngày 1 tới 2/7.
Như vậy, Đài Khí tượng trung ương nước này đã phát các cảnh báo mưa lớn 30 ngày liên tục kể từ 2/6 tới nay, đây là một việc hiếm thấy. Dự báo mưa lớn tiếp tục diễn ra ở hơn 7 khu vực, trong đó có các tỉnh Quý Châu, Tứ Xuyên, Vân Nam, Phúc Kiến, Chiết Giang, thành phố Trùng Khánh và khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây.
Tại những khu vực này, lượng mưa có thể lên đến 100-150mm và có nguy cơ gây ngập lụt. Trong sáng ngày 1/7, mưa lớn xảy ra tại 23 quận huyện của Trùng Khánh, buộc chính quyền phải phát cảnh báo lũ.
Theo báo cáo của CCTV, tính đến 26/6, 26 tỉnh, thành ở Trung Quốc bị ảnh hưởng bởi lũ lụt. Số người bị ảnh hưởng lên tới 13,74 triệu người, số người chết, mất tích là 81, số người phải di tản và tái định cư khẩn cấp là 744.000 và hơn 10.000 ngôi nhà bị sập. Thiệt hại kinh tế là 27,8 tỷ nhân dân tệ.
Vidéo : https://twitter.com/i/status/1276850219238465538
Ngày 1/7, Hãng tin Trung Quốc Tân Văn xã dẫn một bài viết từ trang Liêu Ninh Nhật Báo cảnh báo người dân với tiêu đề: “Mùa lũ đến rồi, xin nhớ những kiến thức đề phòng này!”.
Trong đó, chỉ dẫn cách tự cứu mình khi ngập lụt ở thành thị như sau: “Lúc nước dâng cao hãy bỏ xe và chạy đi. Lúc bị kẹt trong xe, hãy tìm đồ vật nào đó dùng được để đập vỡ cửa xe”.
Bài viết cũng khuyên rằng: “Nếu bạn đang ở bên ngoài, ngay lập tức dừng công việc đồng áng và các hoạt động ngoài trời. Lúc đi trong nước tù đọng nhớ chú ý quan sát, đi sát các tòa nhà, phòng rơi xuống cống”.
Trước đó, một đoạn video ghi lại cảnh một chiếc xe hơi chìm trong nước ở thành phố Nghi Xương, tỉnh Hồ Bắc ngày 27/6 cho thấy chiếc xe bị ngập sâu trong nước nên áp suất nước làm người ở trong không thể mở được cửa. 9 giờ sáng ngày 27/6, thành phố Nghi Xương, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc bắt đầu mưa xối xả, tới 12 giờ 40 phút, thành phố đưa ra mức báo động đỏ. Nhiều video đăng trên Twitter cho thấy toàn bộ thành phố Nghi Xương đã bị ngập lụt. Độ sâu của nước ở trung tâm thành phố đã vượt qua thắt lưng, nhiều xe cộ bị ngâm trong nước, có người ngồi trong xe không ngừng kêu cứu.
https://www.dkn.tv/the-gioi/truyen-thong-trung-quoc-khuyen-nguoi-dan-he-thay-nuoc-dang-cao-hay-cu-bo-xe-ma-chay.html

TQ tự đặt mình vào thế ‘tứ bề thọ địch’

Thời gian gần đây, Trung Quốc  liên tiếp có các hành vi hung hăng, gây hấn khi tiến hành hàng loạt các cuộc tập trận trên Biển Đông.
Trung Quốc quá tự tin?
Chuyên gia quân sự Wei Dongxu trả lời trên tờ Hoàn Cầu Thời Báo cho biết: Bộ tư lệnh Chiến khu miền Nam Trung Quốc đã điều một nhóm khu trục hạm và khinh hạm ra tuần tra ở Biển Đông từ hôm 16-6.
Trung Quốc cũng có cuộc tập trận quy mô lớn ở Hoàng Sa, thuộc chủ quyền Việt Nam nhưng đang bị Trung Quốc kiểm soát trái phép. Cuộc tập trận dự kiến kéo dài đến ngày 5/7.
Cùng thời điểm này, chiến đấu cơ Trung Quốc liên tục áp sát và đi vào không phận của đảo Đài Loan. Các máy bay Trung Quốc còn nhiều lần cố tình chặn đường và xua đuổi chiến đấu cơ Mỹ di chuyển ngang qua.
Tình trạng căng thẳng cũng diễn ra ở các khu vực tranh chấp lãnh thổ ở biên giới Ấn – Trung khi Tập đoàn quân số 74 của Trung Quốc được điều ra đây để diễn tập pháo kích. Tập đoàn quân này thông thường chỉ tham gia các đợt tập trận đổ bộ đánh chiếm Đài Loan.
“Quân đội Trung Quốc đã làm gia tăng căng thẳng biên giới với Ấn Độ, nền dân chủ đông dân nhất thế giới. Họ đang quân sự hóa Biển Đông và tuyên bố chủ quyền phi pháp tại đó, đe dọa các tuyến đường biển sống còn”, Hãng tin ANI của Ấn Độ dẫn lại lời của ông Pompeo.
Theo trang Press Trust of India, vụ đụng độ giữa binh sĩ Ấn Độ và Trung Quốc hôm 15-6 là cuộc đối đầu lớn nhất giữa quân đội hai nước sau các cuộc đụng độ ở đèo Nathu La vào năm 1967. Đây cũng là vụ đụng độ dẫn tới chết chóc đầu tiên giữa hai nước kể từ năm 1975.
Binh sĩ Trung Quốc được cho là đã sử dụng đá, gậy sắt có hàn đinh khi đối đầu với binh sĩ Ấn Độ.
Tại Hội nghị thượng đỉnh dân chủ Copenhagen 2020, ông Pompeo cũng cáo buộc Trung Quốc có hành vi “lưu manh” với các nước láng giềng.
Mới đây, Trang Rappler đưa tin tàu hàng Trung Quốc Vienna Wood rạng sáng hôm 28-6 (giờ địa phương) đã va chạm với tàu cá Liberty Cinco của Philippines mang số hiệu ngoài khơi vùng biển phía Tây Bắc nước này khiến 14 ngư dân trên tàu mất tích.
Truyền thông Philippines khi đó cho biết sau khi đâm chìm tàu cá Philippines, tàu Trung Quốc đã lập tức chạy khỏi hiện trường, bỏ mặc 22 thuyền viên Philippines giữa biển khơi. Sau đó, những thuyền viên này được một tàu cá Việt Nam gần đó phát hiện và giải cứu.
Vài ngày sau khi xảy ra vụ việc, Ngoại trưởng Philippines Teodoro Locsin viết trên Twitter rằng ông đã ủy quyền cho Đại sứ quán Philippines tại Anh gửi thư “cầu khẩn” lên Liên Hợp Quốc và Tổ chức hàng hải quốc tế (IMO).
Trước đó, vào ngày 9/6/2019, chiếc tàu cá Gem-Vir 1 của Philippines bị tàu Yuemaobinyu 42212 của Trung Quốc đâm chìm gần bãi Cỏ Rong, phía đông bắc quần đảo Trường Sa của Việt Nam.
Sai lầm của Trung Quốc
Với các động thái trên, ông Wei tuyên bố Trung Quốc đã chứng minh được “sức mạnh quân sự vượt trội”, làm chùn bước “ý đồ phát động chiến tranh” của Mỹ và Ấn Độ.
Về vấn đề này, ông Carl O.Schuster (cựu Giám đốc bộ phận điều hành của Trung tâm tình báo hỗn hợp – Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương của hải quân Mỹ và đang giảng dạy ở Đại học Hawaii về quan hệ quốc tế, lịch sử) nhận định: Việc Trung Quốc tiết lộ sắp tập trận ở Biển Đông ẩn chứa thông điệp gửi đến ASEAN về việc Bắc Kinh sẵn sàng bất chấp, không từ bỏ cái họ gọi là “lợi ích cốt lõi”. Trong đó, Trung Quốc muốn dụ ngôn rằng nước này sẽ không bao giờ từ bỏ những gì mà họ xem là lợi ích. Bên cạnh đó, Bắc Kinh cũng muốn thể hiện không ngần ngại sức mạnh của Washington trong khu vực.
Tương tự, việc Trung Quốc đại lục tăng cường điều động quân đội hoạt động ở eo biển Đài Bắc cũng chỉ mang thông điệp đe dọa. Tuy nhiên, dù sao đi nữa, thì với những gì Trung Quốc đang làm, sẽ càng đẩy eo biển Đài Loan và Biển Đông đứng trước các mối bất ổn, thậm chí tiềm ẩn những rủi ro khó lường vì các sự cố quá đà.
Mới đây, theo tờ Times of India ngày 1-7, chính phủ Ấn Độ thời gian qua đang do dự về việc có nên cho doanh nghiệp TQ tham gia phát triển công nghệ 5G ở nước này hay không. Tuy nhiên, quan điểm chung đang dần chuyển sang quyết định cấm cửa hoàn toàn. Đáng chú ý, New Delhi hôm 29-6 cũng vừa ban lệnh cấm 59 ứng dụng điện thoại thông minh của TQ với cáo buộc chứa mã độc và ảnh hưởng đến an ninh quốc gia.
Bên cạnh việc tăng cường sự phối hợp giữa các lực lượng, cuộc tập trận chỉ cho thấy sự hung hăng của Trung Quốc đối với các nước trong khu vực. Hoạt động của Bắc Kinh ở Biển Đông chỉ chứng minh các chỉ trích về việc gây hấn của Trung Quốc là đúng.
TS Satoru Nagao (Viện Nghiên cứu Hudson, Mỹ) nhận xét: Bắc Kinh đang gây bất ổn trên nhiều “mặt trận” chỉ gây lãng phí nếu so với những gì Trung Quốc tìm cách chứng minh”. TS Nagao chỉ ra 3 lý do sau cho nhận định trên.
Một là, việc Trung Quốc cố chứng tỏ rằng nước này đủ sức đảm đương cùng lúc nhiều “mặt trận” chỉ cho thấy đó là vấn đề mà Bắc Kinh đang lo ngại. Thực tế, chỉ khi lo ngại vấn đề gì đó thì người ta mới tìm cách chứng minh.
Thứ hai, những hoạt động này của Trung Quốc thực tế không chỉ dành cho cộng đồng quốc tế mà còn nhằm “đối nội” với dư luận trong nước. Trung Quốc có lẽ đang lo ngại tình hình bệnh dịch dẫn đến kinh tế đối mặt nhiều khó khăn, khiến cho dư luận nội bộ bất bình, nên chính phủ nước này đang tìm cách chuyển mối quan tâm sang các vấn đề bên ngoài.
Thứ ba, giới lãnh đạo đương nhiệm của Trung Quốc đang đánh giá sai về nhận thức của các nước xung quanh đối với Bắc Kinh. Trước các hành vi hung hăng, gây hấn của Bắc Kinh thì ngày càng có nhiều nước thấy rõ Trung Quốc là mối đe dọa. Trước một mối đe dọa, các quốc gia khác tất nhiên phải tìm kiếm biện pháp ngăn chặn. Trong khi đó, bài phân tích của tờ Hoàn Cầu thời báo nhấn mạnh việc Ấn Độ cho rằng nhận được sự ủng hộ từ Mỹ, hay các quốc gia khác, thì chỉ là “ảo ảnh”. Tuy nhiên, thực tế khi các nước có cùng một mối lo ngại thì sẽ cùng hướng đến việc phối hợp với nhau để ngăn chặn là điều hiển nhiên.
“Chính vì thế, cách Trung Quốc thể hiện sẵn sàng mở ra nhiều mặt trận cùng lúc sẽ chẳng thể thành công”, TS Nagao đánh giá.
http://biendong.net/bien-dong/35582-tq-tu-dat-minh-vao-the-tu-be-tho-dich.html

Thực hư

việc TQ âm thầm phát triển máy bay tàng hình thứ 6

Trung Quốc có thể đang phát triển một máy bay chiến đấu tàng hình mới, theo một thông báo từ Tổ chức Hàng không Trung Quốc, một tổ chức nghiên cứu của chính phủ.
Đây có thể là máy bay chiến đấu chống radar có người lái thứ sáu đang hoạt động hoặc đang phát triển ở Trung Quốc.
Đặt trong bối cảnh đó, quốc gia sở hữu máy bay tàng hình hàng đầu thế giới, Mỹ, đã trang bị sáu loại máy bay tàng hình có người lái, năm trong số đó vẫn còn phục vụ là F-117, B-2, F-22 và ba biến thể rất đặc biệt của F-35.
Trong khi đó, các lực lượng vũ trang của Mỹ đang phát triển ba máy bay chiến đấu tàng hình có người lái mới, trong đó có hai tiêm kích và một máy bay ném bom. Tức là Mỹ 9 so với Trung Quốc 6.
Theo nhà phân tích David Axe viết trên Forbes, đừng quá xúc động với chiếc máy bay bí ẩn của Trung Quốc. Nó không phải là thứ sinh ra để thay đổi thế giới.
Blog hàng không Alert 5 là một trong trang đầu tiên ghi nhận thông báo của Tổ chức Hàng không Trung Quốc sau khi nó xuất hiện trên một nền tảng truyền thông xã hội Trung Quốc vào cuối tháng 6.
Tổ chức Hàng không Trung Quốc đã cử nhân viên đến Viện Thiết kế Máy bay Thẩm Dương và Viện Nghiên cứu số 29 của Tập đoàn Công nghệ Điện tử Trung Quốc để hỗ trợ một máy bay chiến đấu thế hệ mới dự kiến sẽ bay lần đầu vào năm 2021, theo bài viết trên mạng xã hội Trung Quốc.
Như Alert 5 đã chỉ ra, máy bay chiến đấu này có thể là một biến thể của một trong những loại máy bay tàng hình hiện có của Trung Quốc. Nó cũng có thể là một thiết kế mới. Dù thế nào, thông báo cho thấy những nỗ lực hiện đại hóa hàng không Trung Quốc. Bắc Kinh chỉ đứng sau Washington về sự đa dạng và tinh vi của các loại máy bay chiến đấu mới.
Nhưng cần phải nói rõ, dự án Thẩm Dương không phải là một bí mật. Truyền thông nhà nước tiết lộ sự tồn tại của nó từ năm 2018, trong một bản tin nói về việc nghiên cứu các vật liệu composite tiên tiến và cửa gió động cơ hình chữ S có mục đích giảm phát xạ tín hiệu radar.
Các phương tiện truyền thông nhà nước vào thời điểm đó đã tỏ ra thận trọng về bản chất chính xác của dự án. Một số nhà quan sát quân sự đã suy đoán rằng máy bay chiến đấu mới có thể là phiên bản nâng cấp, nội địa của loại tiêm kích FC-31, trong khi những người khác dự đoán nó có thể là một máy bay hoàn toàn khác, theo Hoàn cầu thời báo.
Không giống như J-20, được tài trợ bởi quân đội Trung Quốc và cho đến nay là tiêm kích tàng hình duy nhất đang phục vụ, máy bay hai động cơ FC-31 Thẩm Dương là sản phẩm của một liên doanh tư nhân.
Tập đoàn Thẩm Dương vẫn chưa tìm được người mua cho loại máy bay này, có hình dạng tương tự, nhưng nhỏ hơn F-22 của không quân Mỹ. Có tin đồn rằng Thẩm Dương hy vọng sẽ bán một biến thể FC-31 cho hải quân Trung Quốc để hoạt động trên các tàu sân bay mới của hạm đội.
Theo ông Axe, máy bay chiến đấu mới mà Tổ chức Hàng không Trung Quốc đề cập trong bài đăng trên phương tiện truyền thông xã hội có thể là chiếc FC-31 phiên bản hải quân này. Nó cũng có thể là máy bay ném bom JH-XX tàng hình mà Cơ quan Tình báo Quốc phòng Mỹ nói trong một báo cáo năm 2019.
Tất nhiên, nó cũng có thể là máy bay phản lực tàng hình J-18 ở dạng thử nghiệm (concept), chủ đề đồn đoán trên truyền thông Trung Quốc kể từ năm 2011.
Hoặc nó là một thiết kế hoàn toàn mới, chống radar, có khả năng là máy bay tàng hình thứ sáu sau các loại J-20, FC-31, J-18, JH-XX và H-20.
Nhưng cần nhắc lại rằng sau bao nhiêu năm và chừng đó thiết kế, Trung Quốc cho đến nay cũng mới chỉ vận hành vài chục chiếc J-20. Mọi thứ khác chỉ tồn tại trên giấy hoặc trong phòng thí nghiệm. Ngược lại, Lầu Năm Góc có hàng trăm máy bay chống radar rầm rộ trên khắp thế giới.
Không quân Mỹ đã cho nghỉ hưu những chiếc F-117 cổ điển của thập niên 1980 từ năm 2008, mặc dù một số máy bay này vẫn bay để hỗ trợ các thử nghiệm quân sự bí mật. Hai mươi máy bay ném bom tàng hình B-2 cổ điển thập niên 90 vẫn phục vụ trong không quân Mỹ, lực lượng đồng thời cũng sở hữu 185 chiếc F-22.
Không quân, Thủy quân lục chiến Mỹ và Hải quân Mỹ cùng nhau vận hành khoảng 400 chiếc F-35 trong khi yêu cầu 2.300. Máy bay ném bom tàng hình B-21 mới đang được chế tạo và có thể bay vào năm 2021. Không quân Mỹ muốn có ít nhất 100 chiếc B-21.
Trong khi đó, Không quân và Hải quân đang chi hàng tỷ đô la cho thiết kế máy bay chiến đấu tàng hình mới để kế tục F-35.
Vì vậy, Trung Quốc có thể có một thiết kế máy bay tàng hình mới. Nhưng điều này không gây ngạc nhiên, cũng không có nhiều ý nghĩa đối với cán cân sức mạnh thế giới.
http://biendong.net/bien-dong/35571-thuc-hu-viec-tq-am-tham-phat-trien-may-bay-tang-hinh-thu-6.html

TQ dẫn lịch sử Mỹ đáp trả gay gắt

cáo buộc triệt sản người Duy Ngô Nhĩ

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên đáp trả các chỉ trích của Ngoại trưởng Mỹ Pompeo liên quan cáo buộc chính quyền Trung Quốc triệt sản người Duy Ngô Nhĩ bằng cách lật lại lịch sử nước Mỹ từ thời… lập quốc.
Đây là lần thứ hai trong vòng 2 ngày liên tiếp ông Triệu phản pháo Mỹ liên quan vấn đến này. Nguyên nhân khẩu chiến bắt nguồn từ một nghiên cứu được công bố ngày 29-6 của một nhà nghiên cứu người Đức.
Trong đó Trung Quốc bị cáo buộc đã tiến hành chiến dịch triệt sản quy mô và có hệ thống tại Tân Cương để kiểm soát dân số người Duy Ngô Nhĩ theo đạo Hồi và các dân tộc thiểu số khác ở nước này. Chiến dịch này khiến dân số người Duy Ngô Nhĩ bị kiềm chế trong vài năm gần đây.
Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo sau đó lên tiếng kêu gọi Bắc Kinh “chấm dứt ngay lập tức các hành vi khủng khiếp” và thúc giục các nước gây sức ép để Trung Quốc ngừng các hành động “phi nhân tính” ở Tân Cương.
Phát biểu trong cuộc họp báo chiều 30-6, ông Triệu đã bác bỏ các cáo buộc trên và gọi ngoại trưởng Mỹ là “một tay nói láo trắng trợn”.
Ông Triệu nhấn mạnh dân số Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương đã tăng từ 5,55 triệu vào năm 1978 lên 11,68 triệu vào năm 2018, chiếm 46,8% dân số của khu tự trị và gấp hơn hai lần dân số của 4 thập kỷ trước đó.
“Mỹ nên nhìn lại họ trước đi. Các nhóm dân tộc thiểu số của họ bị ngược đãi và đứng ngoài xã hội, phải chịu đựng sự phân biệt đối xử lâu dài và có hệ thống trong mọi mặt của cuộc sống. Người Mỹ bản địa đã bị thảm sát, bị đồng hóa và kỳ thị trong thời kỳ nước Mỹ mở rộng về phía tây. Ngày nay, dân số họ trên toàn nước Mỹ vẫn tiếp tục sụt giảm tới 2%”, đại diện Bộ Ngoại giao Trung Quốc đáp trả.
Không dừng lại đó, ông Triệu tiếp tục công kích Mỹ về đại dịch COVID-19. “Đại dịch đã phơi bày sự bất công chủng tộc ở Mỹ. Tỉ lệ lây nhiễm của người Mỹ gốc Phi gấp 5 lần người Mỹ da trắng.
Gần đây, cái chết của ông George Floyd đã gây ra những cuộc biểu tình lớn và nhiều nhóm thiểu số phải kêu lên ‘tôi không thở được’ do sự phân biệt đối xử”, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc thậm chí khuyên các chính trị gia Mỹ như ông Pompeo “đối mặt với vấn đề phân biệt chủng tộc ở trong nước, và dành thời gian, công sức cải thiện tình hình nhân quyền ngay ở nhà mình”.
Những phát ngôn mạnh mẽ của ông Triệu là minh chứng tiêu biểu cho chính sách mới mà giới quan sát gọi là “chiến lang” trong ngành ngoại giao Trung Quốc. Thay vì cố gắng tỏ ra ôn hòa và né tránh bình luận, các gương mặt mới như Triệu Lập Kiên đã đáp trả trực diện các chỉ trích nhắm vào Bắc Kinh khiến nhiều người bất ngờ.
Ông Triệu hiện là Vụ phó vụ thông tin của Bộ Ngoại giao Trung Quốc, cấp dưới của bà Hoa Xuân Oánh.
Ông Triệu Lập Kiên cũng lưu ý đây không phải lần đầu phía Mỹ dẫn lại các thông tin từ nhà nghiên cứu Adrian Zenz mà Trung Quốc cho là có lập trường “chống Trung”. Công trình gần đây của nhà nghiên cứu người Đức này là về vấn đề Tân Cương.
Trong báo cáo công bố ngày 29-6, ông Zenz cho biết phụ nữ người Duy Ngô Nhĩ và các dân tộc thiểu số khác bị bắt ép phải phá thai nếu không muốn vào “trại tập trung”.
Với những phụ nữ chưa mang thai, họ bị bắt phải làm phẫu thuật triệt sản và được kiểm tra có đang mang thai hay không mỗi 2 tháng. Một số người trong các “trại tập trung” được tiêm một loại thuốc mà họ cho là có tác dụng như thuốc triệt sản.
Nhà nghiên cứu người Đức khẳng định các phát hiện của ông đã đủ để gọi những gì Trung Quốc làm ở Tân Cương là một chiến dịch “diệt chủng nhân khẩu học” theo định nghĩa của Liên Hiệp Quốc.
Hãng thông tấn AP trong cùng ngày 29-6 cũng công bố một cuộc điều tra riêng nhưng dẫn đến cùng một kết luận với ông Zenz.
http://biendong.net/bi-n-nong/35568-tq-dan-lich-su-my-dap-tra-gay-gat-cao-buoc-triet-san-nguoi-duy-ngo-nhi.html

Mục đích thực sự của TQ

khi ban hành luật An ninh Quốc gia Hồng Kông

Giới chức cấp cao Bắc Kinh hôm 1-7 khẳng định Luật An ninh Quốc gia Hồng Kông sẽ bít những lỗ hổng từng ngăn chặn đặc khu bảo vệ Trung Quốc trước các mối đe dọa.
Ông Shen Chunyao (trái) và ông Zhang Xiaoming trong buổi họp báo sáng 1-7 ở thủ đô Bắc Kinh. Ảnh: SCMP
Phát biểu tại buổi họp báo ở thủ đô Bắc Kinh, người đứng đầu Ủy ban Lập pháp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội Trung Quốc (NPCSC) Shen Chunyao khẳng định: “Bộ luật có thể bảo vệ hiệu quả an ninh quốc gia, ngăn chặn và trừng phạt những hành vi phạm tội đe dọa an ninh quốc gia trong mối quan hệ với Đặc khu hành chính Hồng Kông… Bộ luật ngăn chặn hiệu quả những lỗ hổng ở đặc khu, thiết lập một khuôn khổ để bảo vệ an ninh quốc gia”.
Theo báo South China Morninh Post (SCMP), Phó giám đốc Văn phòng các vấn đề Hồng Kông và Macau Zhang Xiaoming cũng tham dự buổi họp báo trên. Chi tiết của bộ luật đã được công bố vào đêm 30-6, vài giờ sau khi nó được Chủ tịch Tập Cận Bình ký thành luật.
Trong khuôn khổ của bộ luật, Bắc Kinh sẽ thực thi quyền tài phán đối với những vụ án “phức tạp”, chẳng hạn như những vụ liên quan đến can thiệp nước ngoài hay khi giới chức địa phương không thể thực thi bộ luật một cách hiệu quả, hoặc khi an ninh quốc gia bị đe dọa nghiêm trọng.
Bộ luật đã nêu ra 4 loại hành vi phạm tội, gồm ly khai, lật đổ, khủng bố và thông đồng với nước ngoài hoặc các yếu tố bên ngoài để đe dọa ninh quốc gia, với án phạt tối đa có thể lên đến tù chung thân.
Nghi phạm có thể bị dẫn độ sang Trung Quốc đại lục khi vụ việc liên quan đến “những tình huống phức tạp” có sự can thiệp của các thế lực bên ngoài, cũng như khi chính quyền địa phương không thể thực thi luật hiệu quả và khi an ninh quốc gia bị đe dọa nghiêm trọng.
Trước đó, vào ngày 30-6, sau khi luật được Trung Quốc thông qua, nhiều chính phủ nước ngoài đã thể hiện sự lo ngại dành cho nguyên tắc “một quốc gia, hai chế độ” và mực độ tự trị cao của Hồng Kông.
http://biendong.net/bien-dong/35581-muc-dich-thuc-su-cua-tq-khi-ban-hanh-luat-an-ninh-quoc-gia-hong-kong.html


‘Luật An ninh Hồng Kông’, Hác Hải Đông nói

ngay cả Đức Quốc Xã cũng không dám làm như vậy

Vũ Dương
“Luật An ninh Quốc gia phiên bản Hồng Kông” đã chính thức được thực thi, dư luận thế giới đều ngạc nhiên vì sự phi lý của nó.
Cựu ngôi sao bóng đá Trung Quốc Hác Hải Đông trong buổi phỏng vấn trên kênh Youtube đã chế giễu, rằng Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) bào chế đạo luật này hòng kiểm soát người của toàn vũ trụ. Những người không cùng một giuộc với ĐCSTQ đều trở thành phần tử khủng bố, ĐCSTQ muốn bắt giữ ai thì sẽ bắt giữ người đó, ngay đến cả Hitler và Đức Quốc Xã cũng không dám làm vậy.
Ngày 2/7, một người dùng Twitter đã tải lên nội dung buổi phỏng vấn qua Youtube của ông Hác Hải Đông, người được xem là huyền thoại bóng đá của Trung Quốc. Ông Hác Hải Đông trong video đã cảm thán rằng, “Luật An ninh Quốc gia Hồng Kông do ĐCSTQ bào chế quả thật hết sức hoang đường, nó muốn kiểm soát mọi người trên khắp vũ trụ này”.
Ông Hác Hải Đông nói rằng chỉ cần những ai không không cùng hội với nó, nó sẽ quy cho người đó là phần tử khủng bố. “Các nước phương Tây có hệ thống Tổng thống, nhưng ĐCSTQ sau khi sửa đổi hiến pháp, các nhà lãnh đạo có thể nắm quyền trọn đời. Mọi người trên khắp thế giới, nếu ai đó không cùng chung một giuộc với nó, người đó đều có nguy cơ trở thành phần tử khủng bố đối với nó. Chỉ cần nó muốn bắt giữ ai thì sẽ bắt giữ người đó, đến cả Adolf Hitler và Đức Quốc Xã cũng không dám làm vậy. Mọi người thử nói xem ĐCSTQ tà ác đến mức độ nào. Tôi cảm thấy đầu óc bọn họ thật sự có vấn đề, nếu không sao lại có thể đưa ra cái Luật An ninh Quốc gia Hồng Kông như vậy được?”
Ngày 1/7, vợ ông Hác Hải Đông, bà Diệp Chiêu Dĩnh, quán quân cầu lông thế giới, cũng đã tweet dòng trạng thái rằng, “ĐCSTQ không sụp đổ, thì Hồng Kông sẽ không có ngày bình yên! Mọi lời hứa từ ĐCSTQ đều không đáng tin! ĐCSTQ từng hứa hẹn rằng Hồng Kông sẽ không thay đổi trong 50 năm, nhưng giờ đây nó đang thúc đẩy Luật an ninh quốc gia. ĐCSTQ là nguồn gốc của mọi tội ác! Nếu muốn giải quyết triệt để vấn đề Hồng Kông, cần phải đánh đổ ĐCSTQ một cách triệt để!”
Ngày 30/6, ĐCSTQ đã thông qua “Luật An ninh Quốc gia phiên bản Hồng Kông”. Điều 38 trong đó đã mở rộng quyền quản lý của ĐCSTQ đến mọi ngóc ngách trên thế giới. Điều này làm dấy lên sự kinh ngạc và phẫn nộ từ xã hội quốc tế, gọi Điều 38 là “đối đầu với cả thế giới”.
Cụ thể Điều 38 của cái gọi là Luật An ninh Quốc gia phiên bản Hồng Kông quy định rằng: “Đạo luật sẽ áp dụng cho cả những người không có thẻ cư trú dài hạn ở Hồng Kông nhưng phạm vào những tội được quy định trong Đạo luật trong thời gian ở Hồng Kông”.
Nói cách khác, quy định này mở rộng quyền đứng ngoài pháp luật của “Luật An ninh Quốc gia” với mỗi một người trên khắp thế giới. Chỉ cần ĐCSTQ nhận định người nào vi phạm pháp luật thì có thể bỏ tù người đó, miễn là họ đặt chân lên đất Hồng Kông, điều này mang tính đe dọa đối với toàn thế giới.
Luật này đã làm dấy lên phản ứng mạnh mẽ từ xã hội quốc tế. Nhiều quốc gia đã lên án ĐCSTQ vi phạm các cam kết của mình, chà đạp lên quyền tự do dân chủ của Hồng Kông và xâm hại, uy hiếp đến quyền tự trị của Hồng Kông. Hoa Kỳ đã trực tiếp đưa ra chế tài, triệt tiêu địa vị đặc thù của Hồng Kông.
Vào ngày 30/6, ông Hác Hải Đông cũng đăng một video lên Twitter và lần nữa đưa ra tuyên ngôn: “Tiêu diệt ĐCSTQ là việc cần thiết cho phục hưng chính nghĩa. Tôi tin chắc rằng thiện lương, chính nghĩa sẽ chiến thắng tà ác. Tôi sẽ luôn sát cánh cùng các bạn. Tiêu diệt ĐCSTQ, tiêu diệt CCP”, ông nói trong video.
Ông Hác hô lớn rằng: “ĐCSTQ là một tổ chức tà ác nguy hại toàn nhân loại. Tôi tin chắc rằng tất cả xã hội tự do, dân chủ, pháp trị và văn minh trên thế giới chắc chắn sẽ loại bỏ ĐCSTQ. Trong thế giới văn minh vốn không có chỗ dành cho nó”.
Vào ngày tròn 31 năm “Sự kiện Lục Tứ” (thảm sát Thiên An Môn), ông Hác Hải Đông đã tuyên đọc tuyên ngôn thành lập “Nhà nước Liên bang Trung Quốc Mới” trên internet, đồng thời liệt kê một loạt các tội ác phản nhân loại của ĐCSTQ như: Phớt lờ nhân quyền, hủy hoại nhân tính, chà đạp dân chủ, vi phạm pháp luật, hủy bỏ hiệp ước, tắm máu Hồng Kông, giết hại người dân Tây Tạng, xuất khẩu tham nhũng và mang lại nguy hại cho toàn cầu”, và nói “Lật đổ ĐCSTQ là cần thiết để phá bỏ xiềng xích của người dân Trung Quốc và là điều thật sự cần thiết để mang lại hòa bình yên ổn cho thế giới”.
Cũng có người dùng mạng liệt kê ra những tội ác man rợ khác nhau của ĐCSTQ kể từ khi nó thành lập chính quyền đến nay, bao gồm: Tam phản Ngũ phản, Đại Cách mạng Văn hóa, Nạn đói lớn, vỡ đập Bản Kiều, thảm sát sinh viên ngày 4 tháng 6, kế hoạch hóa sinh đẻ, che giấu đại dịch SARS, nổ nhà máy hóa chất Thiên Tân, xây dựng trại tập trung Tân Cương, mổ cướp nội tạng sống, đàn áp người dân Tây Tạng, đàn áp tôn giáo tín ngưỡng, trấn áp biểu tình dân chủ Hồng Kông, che giấu dịch bệnh viêm phổi Vũ Hán khiến đại dịch nguy hại toàn cầu.
Khi tiếp nhận phỏng vấn của trang Reuters ngày 4/6, ông Hác Hải Đông nói: “Tôi nghĩ người dân Trung Quốc không nên bị ĐCSTQ chà đạp thêm nữa. Tôi nghĩ rằng chính quyền này nên bị loại khỏi nhân loại. Đây là kết luận tôi đạt được sau 50 năm sống trên đời”.
Theo Fan Ming, NTDTV
Vũ Dương biên dịch
https://www.dkn.tv/the-gioi/luat-an-ninh-hong-kong-hac-hai-dong-noi-ngay-ca-duc-quoc-xa-cung-khong-dam-lam-nhu-vay.html

Trung Quốc cáo buộc

Ấn Độ tấn công hàng nhập khẩu sau vụ đụng độ

Trung Quốc hôm 2/7 cáo buộc Ấn Độ về các hoạt động “gây rối không phù hợp” đối với các công ty Trung Quốc giữa lúc căng thẳng gia tăng vì cuộc đụng độ đẫm máu giữa lực lượng hai bên ở khu vực biên giới tranh chấp, theo AP.
Người phát ngôn viên Bộ Thương mại Trung Quốc Cao Phong nói với các phóng viên rằng Trung Quốc không thực hiện bất kỳ biện pháp trả đũa nào để đáp trả các hành động của Ấn Độ, và việc quay trở lại tình trạng bình thường là lợi ích tốt nhất cho cả hai nước, theo trang web của bộ này.
“Hy vọng phía Ấn Độ sẽ ngay lập tức điều chỉnh hành vi phân biệt đối xử đối với Trung Quốc và với các doanh nghiệp Trung Quốc”, ông Cao nói.
Người phát ngôn của Trung Quốc nói thêm rằng các động thái của New Delhi vi phạm quy tắc của Tổ chức Thương mại Thế giới và cam kết của Ấn Độ đối với cơ quan đưa ra quy tắc thương mại toàn cầu này.
Hôm thứ Hai 29/6, Ấn Độ cho biết đã cấm 59 ứng dụng của Trung Quốc, bao gồm TikTok, trong khi các công ty Trung Quốc đang bị chặn tham gia vào các dự án đường cao tốc và bị cấm đầu tư vào các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa.
Người biểu tình Ấn Độ kêu gọi tẩy chay hàng hóa Trung Quốc kể từ vụ đối đầu ngày 15/6 dọc biên giới.
Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi bỏ nền tảng mạng xã hội phổ biến của Trung Quốc Weibo nhằm gửi một thông điệp mạnh mẽ tới Bắc Kinh về vấn đề biên giới, mặt trận kinh tế và “ở cấp độ cá nhân”, hãng tin Ấn Trust News dẫn lời lãnh đạo đảng B.L. Santhosh nói.
Căng thẳng mới nhất bắt đầu vào đầu tháng 5 và lên đến đỉnh điểm trong cuộc đụng độ trực diện tại Thung lũng Galwan, khu vực gần Đường kiểm soát thực tế dài 3.380 km, là biên giới được thiết lập sau cuộc chiến giữa Ấn Độ và Trung Quốc năm 1962 dẫn đến thỏa thuận ngừng bắn.
Hai mươi binh sĩ Ấn Độ đã thiệt mạng trong vụ đụng độ. Trung Quốc được cho là cũng gánh chịu thương vong nhưng không tiết lộ thông tin.
Trung Quốc lâu nay vẫn có thặng dư thương mại lớn với Ấn Độ, đặc biệt là về hàng chế biến, chế tạo.
https://www.voatiengviet.com/a/trung-qu%E1%BB%91c-c%C3%A1o-bu%E1%BB%99c-%E1%BA%A5n-%C4%91%E1%BB%99-t%E1%BA%A5n-c%C3%B4ng-h%C3%A0ng-nh%E1%BA%ADp-kh%E1%BA%A9u-sau-v%E1%BB%A5-%C4%91%E1%BB%A5ng-%C4%91%E1%BB%99/5486364.html

Tài liệu mật: Bắc Kinh che đậy

mức độ nghiêm trọng của đợt bùng phát dịch thứ 2

Hương Thảo
Chính quyền Bắc Kinh tiếp tục báo cáo thấp số lượng bệnh nhân được chẩn đoán, theo các tài liệu bị rò rỉ từ bệnh viện duy nhất được chỉ định điều trị bệnh nhân Covid-19 tại thủ đô Trung Quốc.
Chính quyền thành phố tuyên bố rằng đợt bùng phát thứ hai đang nằm dưới quyền kiểm soát và một cơ sở điều trị là đủ để chống dịch. Nhưng tờ ET (The Epoch Times) trước đó đã thu thập được các tài liệu mật của chính quyền thành phố từ một nguồn tin khả tín cho thấy giới chức y tế đang yêu cầu các bệnh viện địa phương chuẩn bị thêm giường để đáp ứng sự gia tăng số bệnh nhân Covid-19.
Ngoài ra, một văn bản mật từ một chính quyền quận ở tỉnh Hà Bắc lân cận, nơi đợt dịch thứ hai khởi phát, nhấn mạnh rằng thông tin về dịch bệnh địa phương cần được giữ kín, không công khai.
Trên bề mặt, chính quyền Hà Bắc không chính thức xác nhận bất kỳ ca nhiễm mới nào, nhưng đã áp lệnh phong tỏa đối với khoảng nửa triệu dân.
Trong khi đó, nhà chức trách đã công bố thêm nhiều bệnh nhân Covid-19 ở Bắc Kinh.
Để ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh, chính quyền thành phố đã đưa ra một loạt các quy tắc nghiêm ngặt.
Ủy ban Y tế Bắc Kinh nêu trong một tài liệu nội bộ ngày 24/6 rằng:
“Tất cả các phòng bệnh nhân [tại bệnh viện] phải bị phong tỏa [và cách ly] 24 giờ một ngày … Ngoài việc chẩn đoán hoặc điều trị cần thiết, bệnh nhân không được phép rời khu vực bệnh nhân”.
Ủy ban nói thêm rằng không ai được phép thăm bệnh nhân tại bệnh viện vào lúc này.
Trung tâm Cấp cứu Bắc Kinh, một nhánh của ủy ban y tế, đã nói trong một tài liệu nội bộ ngày 22/6 rằng nhân viên y tế Bắc Kinh từng đến Hồ Bắc để hỗ trợ chống dịch sẽ không được phép quay trở lại Bắc Kinh trong thời gian này. Ngoài ra, học sinh ở trường phải kiểm tra nhiệt độ vào mỗi buổi sáng, trưa và chiều.
Một nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm cho người dân Bắc Kinh hôm 30/6/2020 (ảnh chụp màn hình The Epoch Times, dẫn từ Getty Images).
Báo cáo giảm con số thực
Xu Hejian, phát ngôn viên chính quyền thành phố Bắc Kinh, cho biết trong cuộc họp báo ngày 30/6 rằng tổng số ca nhiễm trong đợt bùng phát thứ hai đã lên tới 325 ca, trong đó có 27 ca không triệu chứng. Đợt tái bùng phát này bắt đầu vào giữa tháng 6, theo nhà chức trách.
Nhưng Ma Yanfang, giám đốc văn phòng y tế tại Bệnh viện Ditan ở Bắc Kinh, cơ sở duy nhất được chỉ định điều trị Covid-19, thừa nhận quy mô 300 giường cho bệnh nhân hiện tại là không đủ, trong một cuộc phỏng vấn với tờ báo nhà nước Health News.
Vào hai ngày 18 và 19/6, Bệnh viện Ditan đã chuyển tất cả các bệnh nhân không mắc Covid-19 sang các bệnh viện khác, và giờ chỉ tập trung điều trị Covid-19.
The Epoch Times đã thu thập được các tài liệu nội bộ từ Bệnh viện Ditan cho thấy báo cáo tóm tắt hàng ngày về kết quả xét nghiệm axit nucleic trong vài ngày trong tháng Sáu.
Lấy ví dụ, ngày 19/6, bệnh viện này đã xét nghiệm cho 773 người, kết quả có 246 người dương tính. Báo cáo lưu ý tất cả 246 bệnh nhân này đang được điều trị tại bệnh viện.
Tuy nhiên, Ủy ban Y tế Bắc Kinh chỉ công bố 22 bệnh nhân mới được chẩn đoán vào ngày 19/6, do đó suốt từ ngày 11/6 chỉ ghi nhận tổng cộng 205 ca.
Thành phố Bắc Kinh ngày 14/6 tuyên bố 79 cơ sở y tế trong thành phố sẽ tiến hành xét nghiệm Covid-19. Vì một mình bệnh viện Ditan ghi nhận nhiều ca chẩn đoán dương tính hơn so với báo cáo chính thức, nên số ca nhiễm thực sự cho toàn thành phố nhiều khả năng sẽ cao hơn rất nhiều, vì khả năng có nhiều ca cho ra kết quả dương tính hơn tại các địa điểm xét nghiệm khác.
Theo một báo cáo nội bộ khác, hôm 17/6, Bệnh viện Ditan ghi nhận khoa ngoại trú của nó đã xét nghiệm cho 288 người, 26 người trong đó có kết quả dương tính với Covid-19. 3 người khác được xác nhận là các ca nhiễm không triệu chứng.
Tại khoa điều trị nội trú, bệnh viện này đã chẩn đoán 83 bệnh nhân dương tính với Covid-19 vào ngày 17/6, nghĩa là bệnh viện đã chẩn đoán được tổng cộng 109 ca dương tính với Covid-19 trong ngày hôm đó.
Tuy nhiên, thành phố chỉ công bố 21 bệnh nhân mới được chẩn đoán vào ngày 17/6.
Xét nghiệm quy mô lớn
Thành phố bắt đầu yêu cầu một số cư dân nhất định thực hiện các xét nghiệm axit nucleic, bao gồm cả những người gần đây ghé thăm chợ thực phẩm Tân Phát Địa – nơi nhà chức trách quy cho là nguồn gốc bùng phát dịch mới – hoặc những ai sống trong các khu dân cư gần chợ.
Người dân đã phàn nàn về các xét nghiệm. Một công nhân nhập cư ở Bắc Kinh đã lên kế hoạch trở về quê đã thực hiện xét nghiệm vào ngày 24/6, vì giới chức trách hiện không cho phép người dân rời Bắc Kinh trừ khi có kết quả xét nghiệm axit nucleic âm tính trong vòng bảy ngày trước đây.
Người công nhân này nói với tờ ET tiếng Trung trong một cuộc phỏng vấn qua điện thoại rằng anh chưa nhận được kết quả xét nghiệm vào ngày 27/6, và phải ngủ trong nhà ga xe lửa trong khi chờ đợi.
Anh lo rằng bệnh viện nơi anh xét nghiệm sẽ không trả kết quả trong vòng bảy ngày tới – nếu thế kết quả xét nghiệm sẽ hết hạn.
Wang Tianhe, cư dân Bắc Kinh cho biết ông cũng đã làm xét nghiệm vào ngày 22/6 nhưng chưa nhận được kết quả cho đến ngày 27/6. Wang cần kết quả xét nghiệm để có thể tiếp tục làm việc.
Giới chức trách đã yêu cầu người làm công trong một số ngành nghề nhất định, ví như nhà hàng và chuyển phát nhanh, phải trình kết quả xét nghiệm axit nucleic âm tính trước khi bắt tay vào công việc.
Lệnh phong tỏa
Hà Bắc là tỉnh bao quanh Bắc Kinh. Sau sự tái phát của virus vào tháng 6, Hà Bắc đã công bố chỉ có 12 bệnh nhân được chẩn đoán trong toàn tỉnh. Hôm 27/6, chính quyền tỉnh không báo cáo bất kỳ ca nhiễm mới nào, nhưng lại phong tỏa toàn quận An Tân để ngăn chặn virus lây lan.
Tân Hoa Xã đưa tin rằng tất cả cư dân ở An Tân, ngoại trừ những người rất ốm cần được điều trị tại bệnh viện hoặc các nhân viên áp lệnh phong tỏa, đều phải ở nhà. Chỉ một người trong mỗi hộ gia đình được phép ra ngoài mua sắm những nhu yếu phẩm cơ bản một lần mỗi ngày.
Theo thống kê chính thức của Hà Bắc, An Tân có khoảng 458.000 cư dân tính đến năm 2018
Chính quyền địa phương đã giữ kín về vụ bùng phát dịch, bất chấp các biện pháp nghiêm ngặt.
Tờ ET thu thập được một tài liệu nội bộ do chính quyền quận An Tân ban hành ngày 13/6, trong đó ra lệnh cho tất cả các quan chức kiểm soát chặt chẽ dư luận và không tiết lộ thông tin liên quan đến dịch bệnh.
“Tất cả các thông tin liên quan đến dịch bệnh chỉ có thể được công bố bởi chính quyền tỉnh”, tài liệu có ghi.
Một bộ tài liệu nội bộ khác mà The Epoch Times thu thập được cho thấy tỉnh Hà Bắc cũng đã ra lệnh xét nghiệm quy mô lớn đối với các cư dân.
Trong một thông báo ngày 24/6, chính quyền tỉnh đã yêu cầu các “nhóm nguy cơ cao” phải được xét nghiệm hai lần trong vòng ba ngày. Những nhóm này bao gồm các giáo viên, học sinh, bệnh nhân mới tại mỗi bệnh viện địa phương, những người đến Hà Bắc gần đây, những người làm việc trong môi trường nơi các công nhân làm việc gần nhau …
https://www.dkn.tv/the-gioi/tai-lieu-mat-bac-kinh-che-day-muc-do-nghiem-trong-cua-dot-bung-phat-dich-thu-2.html

Thảm họa tuyết rơi mùa hè

và nỗi oan thấu trời của Tân Cương, Trung Quốc

Quỳnh Chi
Nhiều khu vực tại Tân Cương, Trung Quốc đã xảy thảm họa tuyết rơi mùa hè hiếm thấy kể từ cuối tháng 6, phải chăng ông trời rơi lệ vì nỗi oan khuất bị che giấu nơi đây?
Theo tin từ Đài Phát thanh Hy vọng (Sound of Hope), những khu vực có tuyết rơi bao gồm: Kanas, Nalati, Bayanbulak, Kalajun, quốc lộ Duku, thảo nguyên Yili và hồ Thiên Trì ở dãy núi Thiên Sơn.
Bài báo nhận định: Phải chăng đây là một thảm hoạ khác trong năm nay, sau một đợt hạn hán kéo dài hồi đầu năm ở Tân Cương? Phải chăng tháng 6 tuyết rơi để phơi bày một nỗi oan khuất lớn tại nơi đây?
Cư dân mạng đã chia sẻ những đoạn video cho thấy các cánh đồng cỏ ở Tân Cương được bao phủ bởi lớp tuyết dày đặc, tuyết rơi trắng xóa một vùng. Có video ghi lại hình ảnh đàn bò lững thững bước đi, đầy “bất lực” vì không có cỏ để ăn.
Các tài xế cũng bị tuyết dày chặn đường, không thể về nhà. Chỉ có trẻ nhỏ là vui thích vì có thể chơi nghịch tuyết giữa mùa hè.
Theo chia sẻ của cư dân mạng tính đến ngày 1/7, tuyết vẫn rơi ở Tân Cương và chưa có dấu hiệu ngừng lại.
Kể từ đầu năm nay, Tân Cương đã trải qua một trận hạn hán kéo dài. Lượng mưa trung bình ở Tân Cương khoảng 9,3 mm, thấp hơn 40% so với hàng năm và 80% so với năm 2019.
Sau đợt hạn hán lại là một trận tuyết lớn xảy ra vào tháng 6. Đài Tiếng nói Hy vọng chỉ ra băn khoăn của nhiều cư dân mạng, rằng hiện tượng kỳ lạ này phải chăng là dấu hiệu phản ánh “những nỗi oan khuất thấu trời” của người dân Tân Cương?
Trong những năm gần đây, chính quyền Trung Quốc đã thành lập nhiều trại tập trung ở Tân Cương để “cải tạo” những người dân tộc theo đạo Hồi và phòng chống chủ nghĩa cực đoan. Báo cáo của Liên Hợp Quốc cho biết có hơn một triệu người Duy Ngô Nhĩ và các nhóm thiểu số Hồi giáo khác bị giam giữ trong các “trại cải tạo” này. Tuy nhiên, các nhà hoạt động nhân quyền nhận định rằng đó thực chất là các trại giam, được dùng để tra tấn tâm lý và tẩy não người dân tộc, buộc họ từ bỏ đức tin Hồi giáo và tiếp thu tư tưởng của Đảng Cộng sản Trung Quốc.
Hãng tin AP mới đây công bố một báo cáo điều tra cho biết chính quyền Trung Quốc còn áp dụng các biện pháp cưỡng ép triệt sản đối với phụ nữ Duy Ngô Nhĩ, nhằm thu hẹp dân số của sắc tộc này, từ đó dễ dàng đồng hóa họ với tộc người Hán.
https://www.dkn.tv/the-gioi/tham-hoa-tuyet-roi-mua-he-va-noi-oan-khuat-thau-troi-cua-tan-cuong-trung-quoc.html

Trung Quốc ngày càng không biết hổ thẹn

Đại Nghĩa
Sự kiện chính quyền Trung Quốc đột ngột kết án tử hình đối với một công dân Úc gần đây đã không còn khiến dư luận thế giới bất ngờ. Bởi vì trước đó vào ngày 14/1/2019, một công dân Canada tên là Robert Lloyd Schellenberg cũng bị đã bị tuyên án tử hình, mà lý do kết án của hai người này được nhìn nhận là giống nhau.
Việc kết án tử hình công dân Úc tên Karm Gilespie là hành động “dằn mặt” của chính quyền Trung Quốc khi chính phủ Úc yêu cầu mở cuộc điều tra quốc tế độc lập về nguyên nhân của đại dịch viêm phổi Vũ Hán. Trong khi công dân Canada bị kết án tử hình ngay sau khi Mạnh Vãn Châu – giám đốc tài chính của Huawei bị Canada bắt giữ. Trước đó, hai người Canada khác là Michael Kovrig và Michael Spavor cũng bị bắt giữ, chỉ 10 ngày sau vụ bắt giữ Mạnh Vãn Châu diễn ra.
Việc yêu cầu mở cuộc điều tra quốc tế độc lập về đại dịch là một đề xuất được quốc tế ủng hộ rộng rãi. Cho đến ngày 17/05/2020, tờ The Guardian của Anh cho biết đã có tới 120 nước ủng hộ đề xuất điều tra này.
Điều tra nguyên nhân của một đại dịch là điều bình thường về y tế quốc tế, hơn nữa trong yêu cầu của Úc không đề cập tới Trung Quốc hay Vũ Hán. Như vậy, tại sao chính quyền Trung Quốc trở nên quá nhạy cảm với những yêu cầu điều tra nguyên nhân đại dịch, vốn đang khiến 10 triệu người nhiễm bệnh và hơn 500.000 người tử vong?
Bởi vì chính quyền Trung Quốc luôn tô vẽ cho mình hình ảnh “Vĩ, Quang, Chính” (vĩ đại, quang vinh và đúng đắn). Nhận lỗi che giấu dẫn đến đại dịch bùng phát là điều họ không thể chấp nhận. Bắc Kinh có tiền sử che đậy thông tin đó là dịch SARS năm 2003, chỉ vì tâm lý lo sợ ảnh hưởng tới hư danh trên trường quốc tế và mất ổn định trong nước.
Không chỉ dừng lại ở việc kết án công dân Úc để “dằn mặt”, chính quyền Trung Quốc cũng đã tăng thuế với lúa mạch, cấm nhập thịt bò, khuyến cáo sinh viên không đến Úc. Liên quan tới Canada, trong khi gây sức ép với vụ việc Mạnh Vãn Châu, Bắc Kinh tiếp tục gia tăng bắt giữ và kết án công dân Canada, thậm chí kết án tử hình.
Tại Trung Quốc không có hệ thống tư pháp thực sự độc lập mà đều do Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) lãnh đạo. Thủ tướng Canada Justin Trudeau nói: “Canada có một hệ thống tư pháp độc lập hoạt động mà không có sự can thiệp hay lạm quyền của các chính trị gia. Nhưng Trung Quốc không hoạt động theo cách đó và họ không hiểu sự độc lập của tư pháp Canada”.
Việc công khai trả đũa bằng những hành động phi nhân đạo, thậm chí lấy việc đe dọa mạng sống con người ra để gây sức ép, bỏ qua thông lệ ngoại giao và thương mại quốc tế, chỉ khiến cộng động quốc tế hiểu rõ hơn bản chất của của Đảng Cộng sản Trung Quốc.
Không biết hổ thẹn đã là bản chất của chính quyền Trung Quốc
Thực ra, nếu xem xét từ lịch sử mấy chục năm cầm quyền, những hành động không biết hổ thẹn như trên không có gì xa lạ với Đảng Cộng sản Trung Quốc. Năm 1957 trong chiến dịch “chống cánh hữu”, Trung Nam Hải kêu gọi giới trí thức đề đạt góp ý. Sau đó lấy ngay những bài viết góp ý đó làm “bằng chứng” kết tội họ. Khi bị phê phán sao lại dùng âm mưu như vậy, lãnh tụ ĐCSTQ Mao Trạch Đông không ngại nói rằng đó “không phải âm mưu mà là dương mưu, làm công khai đấy chứ”.
Trong tất cả các biến động, ý kiến chuyên gia cho rằng Đảng Cộng sản Trung Quốc không ngại vô sỉ khi thực hiện các hành động nhằm khủng bố tinh thần và cô lập đối tượng muốn tấn công. Quá trình đó diễn ra liên tục không ngừng, đến mức sự vô sỉ đó đã thẩm thấu vào tư tưởng của người dân Trung Quốc một cách phổ biến. Những hành động như “ăn mừng đại dịch lan rộng tại Nhật Bản và Mỹ” đã cho thấy rõ thái độ tệ hại đó.
Đỉnh điểm của sự vô sỉ kết hợp với dã man của chính quyền Trung Quốc phải kể đến trong cuộc bức hại Pháp Luân Công, môn khí công được yêu mến tại nhiều quốc gia, nhưng bị đàn áp vô cớ ở đại lục từ năm 1999 đến nay. Do thâu tóm toàn bộ hệ thống cảnh sát, quân đội, tuyên truyền trong tay nên ĐCSTQ dễ dàng bịa tạo lý do để đàn áp Pháp Luân Công, tuyên truyền bôi nhọ và kích động thù hận nhằm khiến người dân Trung Quốc quay lưng lại với các giá trị Chân-Thiện-Nhẫn Pháp Luân Công.
Khi quan hệ quốc tế mở rộng, Bắc Kinh thường lấy quy mô thị trường tiêu thụ khổng lồ của Trung Quốc làm con tin với các cá nhân, doanh nghiệp và chính phủ các nước. Trong nhiều năm qua, thủ đoạn này thường mang lại kết quả dễ dàng. Nhưng có lẽ đã đến lúc gió đổi chiều.
Dù bất chấp nhưng không còn hiệu quả
Trong diễn biến vụ việc liên quan đến sức ép “dằn mặt” từ phía chính quyền Trung Quốc, thủ tướng Canada ngày 25/6/2020 tiếp tục khẳng định: “Chúng ta không thể để các áp lực chính trị hay những hành động bắt bớ tùy tiện các công dân Canada làm ảnh hưởng tới hệ thống tư pháp độc lập của đất nước này”.
Trong khi đó, thủ tướng Úc Scott Morrison tuyên bố ngày 11/6 rằng: “Chúng tôi là một quốc gia giao thương mở, nhưng tôi sẽ không bao giờ đánh đổi những giá trị của chúng tôi trước sự cưỡng ép xuất phát từ bất kỳ nơi nào”.
Mặc dù Trung Quốc là đối tác thương mại hàng đầu của Canada và Úc, việc chính phủ hai nước này thể hiện phản ứng quyết liệt chứ không nhân nhượng, đã cho thấy xu hướng phản kháng quốc tế mới với Trung Quốc.
Giai đoạn gần đây ngày càng nhiều diễn biến trong và ngoài nước khiến chính quyền Trung Quốc bối rối. Quan hệ đối ngoại chính là xung đột Mỹ – Trung ngày càng căng thẳng và đa diện, trong nước là tình hình đại dịch vẫn diễn biến phức tạp kết hợp thêm thiên tai lũ lụt. Đặc biệt là cuộc đấu đá quyền lực nội bộ đang đến hồi sinh tử.
Các hành động gây hấn trên Biển Đông, với Ấn Độ, Đài Loan, xiết chặt Hồng Kông cho thấy chính quyền Trung Quốc đang muốn xuất khẩu sự chú ý của dư luận trong và ngoài nước khỏi các vấn đề thực sự của họ.
Có thể nói sự khác biệt hiện nay ở chỗ, chính phủ có sức mạnh hàng đầu là Mỹ đã thay đổi thái độ, phản công Trung Quốc trên mọi mặt trận thay vì nhún nhường như các chính phủ tiền nhiệm. Hành động này ngày càng tạo ra xu hướng quốc tế rộng khắp chống lại chính quyền Trung Quốc mà Úc, Canada chỉ là những ví dụ điển hình.
Đối với người dân Trung Quốc, những biến động thời gian qua khiến họ hiểu rõ hơn bản chất giả dối và tàn bạo của Đảng Cộng sản Trung Quốc. Những nhóm người bị bức hại như Pháp Luân Công, những người Duy Ngô Nhĩ, Phật tử Phật giáo Tây Tạng, các nhà báo và luật sư chính nghĩa… tiếp tục tiếng nói sự thật cho người dân Trung Quốc và cộng đồng quốc tế.
Văn hóa truyền thống Trung Hoa, cái nôi của văn hóa Á Đông huy hoàng vốn coi trọng liêm sỉ như mạng sống. Tuy nhiên, sự phá hoại của ĐCSTQ trong mấy chục năm, gồm cả sự cải biến lịch sử đã tạo nên một đất nước Trung Quốc méo mó hôm nay khiến người ta khó nhận ra. Thậm chí đại đa số người ta hôm nay khi phản đối chính quyền Trung Quốc thì cũng đánh đồng khái niệm Trung Quốc và ĐCSTQ.
Người Trung Quốc xưa có câu “heo chết không ngại nước sôi” để chỉ những kẻ không ngại sô liêm sỉ. Các diễn biến dồn dập khiến chính quyền Trung Quốc cho dù vứt bỏ tấm che mặt tô vẽ lâu nay nhưng vẫn ngày càng bị động. Tiến trình lịch sử dường như đang đi đến hồi kết cho thể chế đó, một thể chế nhận định được đánh giá là không biết hổ thẹn trên thế giới.
https://www.dkn.tv/the-gioi/trung-quoc-ngay-cang-khong-biet-ho-then.html

Nepal sửa đổi hiến pháp,

quyết đòi đất tranh chấp với Ấn Độ

Triệu Hằng
Quốc hội Nepal đã bỏ phiếu thông qua một sửa đổi hiến pháp để chỉnh lại bản đồ quốc gia, bổ sung phần lãnh thổ tranh chấp với Ấn Độ vào bản đồ mới này. Phía Ấn Độ tuyên bố Trung Quốc và Pakistan đứng sau động thái “đòi đất” của Nepal.
Vào tháng 5, chính phủ Nepal ban hành một bản đồ mới, trong đó vẽ phần đất tranh chấp biên giới với Ấn Độ là lãnh thổ của mình.
Báo The Diplomat dẫn lời Chủ tịch Hạ viện Nepal Agni Kharel cho biết tất cả 258 nghị sĩ có mặt đều bỏ phiếu ủng hộ đề xuất, trong khi chỉ cần 2/3 trong số 275 nghị sĩ ủng hộ.
Ấn Độ đã lên án động thái thông qua sửa đổi hiến pháp của Nepal nhằm hợp thức hóa tấm bản đồ mới.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Ấn Độ Anurag Srivastava nêu lập trường của New Delhi: “Sự mở rộng nhân tạo đối với các tuyên bố không dựa trên chứng cứ lịch sử và không thể biện hộ. Đó cũng là sự vi phạm thỏa thuận sơ bộ hiện nay của chúng ta về việc tổ chức đối thoại các vấn đề biên giới”.
Tranh cãi biên giới mới nhất giữa hai nước xảy ra sau khi Ấn Độ tổ chức khánh thành một tuyến đường được xây dựng ở khu vực tranh chấp nằm ở ngã ba chiến lược với Tây Tạng và Trung Quốc. Bộ trưởng Ấn Độ Rajnath Singh đã khánh thành con đường dài 80 km, cắt qua đèo Lipu Lekh trên dãy Himalaya, được coi là một trong những tuyến đường thương mại ngắn nhất và khả thi nhất giữa Ấn Độ và Trung Quốc.
Nepal quyết liệt lên án việc Ấn Độ khánh thành con đường. Nepal từ lâu đã tuyên bố chủ quyền các khu vực Limpiyadhura, Kalapani và Lipu Lekh theo Hiệp ước Sugauli 1816, mặc dù Ấn Độ vẫn duy trì kiểm soát ở những nơi này kể từ cuộc chiến tranh biên giới Ấn – Trung năm 1962.
Truyền thông Ấn Độ tố cáo Trung Quốc và Pakistan đứng sau “giật dây” Nepal, khiến Ấn Độ thêm phần sức ép từ các quốc gia vùng Himalaya trong khi đang căng mình cho một khả năng tấn công vũ trang khác từ Trung Quốc.
https://www.dkn.tv/the-gioi/nepal-sua-doi-hien-phap-quyet-doi-dat-tranh-chap-voi-an-do.html

Thủ tướng Ấn Độ đóng tài khoản mạng xã hội

Trung Quốc, xóa ảnh chụp chung với ông Tập

Hương Thảo
Nối tiếp lệnh cấm 59 ứng dụng smartphone Trung Quốc của chính phủ Ấn Độ hồi đầu tuần, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đã quyết định đóng tài khoản cá nhân của ông trên Weibo – một mạng xã hội của Trung Quốc giống Twitter.
Viện dẫn những lo ngại an ninh, chính phủ Ấn Độ tuyên bố hôm thứ Hai (29/6) rằng 59 ứng dụng điện thoại của Trung Quốc sẽ bị cấm ở nước này vì lo ngại chúng có thể gây nguy hại đến chủ quyền quốc gia. Các ứng dụng bị cấm bao gồm TikTok, WeChat, UC Browser và Cam Scanner.
Theo New Talk, tài khoản Weibo của ông Modi đã trở nên hoàn toàn trống vào hôm qua (1/7), tất cả 113 bài viết trong 5 năm trở lại đây đã bị xóa thủ công, bao gồm một vài bức ảnh chụp ông và Tổng bí thư Trung Quốc Tập Cận Bình. Ngay sau 11:30 tối hôm qua, tài khoản của ông không còn truy cập được nữa.
Theo Taiwan News, ông Modi lập tài khoản Weibo vào năm 2015 để quan sát mối quan hệ Trung-Ấn và đã thu hút được hơn 244.000 người theo dõi (follower) – trong đó có nhiều người Trung Quốc. Bài đăng đầu tiên của ông trên Weibo là lời chào gửi đến người dân Trung Quốc, trong đó ông bày tỏ sự phấn khích khi được tương tác với họ.
Weibo cho biết họ đã nhận được yêu cầu chính thức xóa tài khoản từ văn phòng đại diện Ấn Độ tại Trung Quốc. Họ cho biết cần vài ngày thực hiện bởi thủ tục phức tạp hơn khi nhà lãnh đạo Ấn Độ có tài khoản được xác thực (verified account), báo Liberty Times đưa tin.
Các chuyên gia tin rằng đòn tấn công này của Ấn Độ vào các sản phẩm của Trung Quốc là một đòn đáp trả các xung đột biên giới bùng phát giữa hai nước. Ngày 15/6, quân đội hai nước đã nổ ra một cuộc ẩu đả ác liệt, khiến 20 binh sĩ Ấn Độ thiệt mạng. Trung Quốc không công bố con số thương vong, nhưng ước tính có hơn 40 binh sĩ Trung Quốc thiệt mạng.
Làn sóng tẩy chay hàng hóa Trung Quốc đã nổ ra tại Ấn Độ sau đó. Một số hãng smartphone Trung Quốc có thị phần lớn tại Ấn Độ như Vivo, OPPO nói riêng và nhiều nhà sản xuất Trung Quốc khác nói chung cũng chịu ảnh hưởng.
(Nguồn thumbnail: (Phải: Marco Verch/Flickr))
https://www.dkn.tv/the-gioi/thu-tuong-an-do-dong-tai-khoan-mang-xa-hoi-trung-quoc-xoa-anh-chup-chung-voi-ong-tap.html

Ấn Độ phía Đông đề phòng Trung Quốc,

phía Tây cảnh giác Pakistan

Triệu Hằng
Vào lúc Ấn Độ và Trung Quốc đang bế tắc trong xung đột dọc theo Đường Kiểm soát Thực tế (LAC) ở phía Đông Ladakh, quân đội Ấn Độ cũng đang cảnh giác cao độ ở mặt trận phía Tây để ngăn chặn Pakistan “thừa nước đục thả câu” và đón lõng một cuộc xung đột trên hai mặt trận, giới chức Ấn Độ cho biết hôm 1/7, theo Hindustan Times.
Phía Ấn Độ đã có nhiều báo cáo quốc phòng nhấn mạnh về mối đe dọa đồng thời đến từ Trung Quốc và Pakistan.
Theo truyền thông Ấn Độ, ngay từ năm 2014 đã có một vị tướng lĩnh cấp cao của Không quân Ấn Độ (IAF) nói rằng, Pakistan có khả năng đẩy mạnh chiến sự nếu Trung Quốc tiến hành các hoạt động tấn công chống lại Ấn Độ.
Các quan chức theo dõi diễn biến quân sự gần đây trong khu vực cho rằng không nhiều khả năng Ấn Độ bị lôi kéo vào một cuộc chiến ở hai mặt trận, nhưng khẳng định rằng các lực lượng vũ trang Ấn Độ đã sẵn sàng để tránh mọi mối đe dọa.
“Khả năng của một cuộc chiến hai mặt trận là không thể nào. Nhưng chúng tôi phải chuẩn bị về mặt quân sự để đối phó với mối đe dọa kết hợp từ Trung Quốc và Pakistan”, Hindutan Times dẫn lời vị quan chức giấu tên thứ nhất cho biết.
Quân đội Ấn Độ mô tả mối đe dọa thông đồng đến từ Trung Quốc và Pakistan là kế hoạch “Dự phòng III”, vị quan chức giấu tên thứ hai nói.
Dự phòng 1 và Dự phòng 2 đề cập đến mối đe dọa riêng từng 2 quốc gia.
“Ba quốc gia vũ trang hạt nhân có thể không tham chiến cùng một lúc. Nhưng Trung Quốc và Pakistan có mối liên hệ quân sự “thâm căn cố đế”. Cho dù khả năng của mối đe dọa hai mặt trận như thế nào đi nữa, các lực lượng vũ trang Ấn Độ vững vàng chuẩn bị cho bất kỳ tình huống nào”, Trung tướng D.S Hooda, nguyên chỉ huy Tư lệnh Lục quân Quân đoàn miền Bắc Ấn Độ cho biết.
Quân đội Ấn Độ đã điều động khoảng 30.000 binh sĩ, một vài sư đoàn xe tăng tiền tuyến, linh kiện pháo binh bổ sung và các đội bộ binh cơ giới đã hoàn toàn sẵn sàng cho khu vực Ladakh, đây là một phần mở rộng của quân đội Ấn Độ nhằm tăng cường triển khai quân sự đáp ứng với sự hiện diện của quân đội Trung Quốc trong khu vực. Một số khí tài quân sự cũng được điều đến khu vực phía Tây để đối phó với Pakistan.
Sự xâm lấn gần đây của Trung Quốc ở vùng đồng bằng Dépang và thung lũng Galwan đã tăng cường khả năng quân đội Trung Quốc cố gắng cắt qua phía Bắc Ladakh và liên kết với các lực lượng Pakistan ở phần thuộc khu vực Kashmir mà Pakistan chiếm đóng trong một kịch bản chiến tranh”, chiến lược gia Brahma Chellaney nói với Hindustan Times.
Căng thẳng dọc theo LAC đã bùng lên sau một cuộc giao tranh chết người giữa Ấn – Trung tại thung lũng Galwan vào ngày 15/6 khiến 20 binh sĩ Ấn Độ thiệt mạng, về phía Trung Quốc không tiết lộ số lính tử vong. Nhưng phía Ấn Độ đánh giá, số lính tử vong của Trung Quốc là gấp đôi.
https://www.dkn.tv/the-gioi/an-do-phia-dong-de-phong-trung-quoc-phia-tay-canh-giac-pakistan.html

Australia tăng 40% chi tiêu quốc phòng,

mua tên lửa đối phó TQ

Chính phủ Australia sẽ chi 186 tỷ USD cho quốc phòng trong 10 năm tới và sẽ mua các tên lửa tầm xa, cũng như đẩy mạnh khả năng phòng thủ, để đối phó Trung Quốc ngày càng hung hăng trong khu vực.
Theo kế hoạch Cập nhật chiến lược quốc phòng 2020 được công bố ngày 1/7, Australia sẽ tăng gần 40% chi tiêu quốc phòng trong 10 năm tới, với ngân sách khoảng 270 tỷ đôla Australia (tương đương 186 tỷ USD). Ngân sách này sẽ giúp tăng khả năng của Australia nhằm phòng thủ ở sân sau thông qua các lực lượng hải quân và không quân được trang bị tốt hơn, tăng cường kho vũ khí và khả năng dự trữ nhiên liệu.
Ước tính, khoảng 800 triệu sẽ được dùng để mua các tên lửa chống hạm tầm xa AGM-158C của hải quân Mỹ, vốn có thể bay xa tới 370km.
Chính phủ Australia cũng xem xét khả năng lập một mạng lưới vệ tinh do nước này vận hành nhằm giảm phụ thuộc hiện thời vào hệ thống của Mỹ và mở rộng hệ thống radar nhằm giám sát các khu vực ở phía đông Australia.
Phát biểu tại một sự kiện ở thủ đô Canberra hôm qua, Thủ tướng Scott Morrison cho hay Australia đang đối mặt với tình hình quốc tế khó khăn nhất kể từ Thế chiến II.
“Chúng ta cần chuẩn bị cho một thế giới hậu Covid-19 khó khăn hơn, nguy hiểm hơn và xáo trộn hơn”, ông nói.
Mặc dù ông Morrison tránh liên hệ ngân sách quốc phòng của Australia với mối đe dọa ngày càng gia tăng từ Trung Quốc, ông đã nêu tên vài khu vực nơi Bắc Kinh có các tranh chấp lãnh thổ: ở biên giới Himalaya với Ấn Độ, tại Biển Đông và Hoa Đông.
Ông Morrison cho rằng “nguy cơ tính toán sai lầm và thậm chí xung đột” đang gia tăng và gọi khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương là “tâm điểm của cuộc đấu quyền lực toàn cầu trong thời đại chúng ta”.
Rory Medcalf, người đứng đầu Trường an ninh quốc gia thuộc Đại học quốc gia Australia, cho rằng chiến lược mới cho thấy Australia đang chuẩn bị cho một tương lai trong đó Trung Quốc ngày càng hung hăng còn trở thành một đối tác ít tin cậy hơn.
“Tất cả là do Trung Quốc bành trướng quyền lực và theo cách lợi dụng cánh cửa Covid-19 để tăng cường sự bành trướng.
Điều đó chứng tỏ chính phủ Australia tin rằng sẽ phải đề phòng sự hiện diện ngày càng gia tăng của quân đội Trung Quốc ngoài khơi bờ biển phía đông ở Nam Thái Bình Dương”, ông Medcalf nhận định.
Hồi tháng 6, Australia đã ký 2 thỏa thuận quân sự song phương với Ấn Độ trong “bước đi đầu tiên nhằm tăng cường quan hệ quốc phòng” giữa hai nước lớn ở Ấn Độ-Thái Bình Dương, trong bối cảnh Trung Quốc ngày càng có cách tiếp cận ngày càng hung hăng trong khu vực, theo các tuyên bố chung từ cả hai nước.
Từng có các tin đồn vào năm 2018 rằng Bắc Kinh đã thảo luận với quốc đảo Thái Bình Dương Vanuatu để xây dựng một căn cứ trong khu vực và Trung Quốc vẫn hung hăng trong khu vực ngay cả trong đại dịch Covid-19.
http://biendong.net/bien-dong/35583-australia-tang-40-chi-tieu-quoc-phong-mua-ten-lua-doi-pho-tq.html

Úc phong tỏa các vùng ngoại ô Melbourne

sau khi số ca nhiễm coronavirus tăng đột biến

Tin từ Melbourne, Úc – Chính quyền Úc sẽ phong tỏa hơn 300,000 người ở vùng ngoại ô phía bắc Melbourne trong một tháng kể từ cuối ngày thứ Tư (01/07/2020), để ngăn chặn nguy cơ lây nhiễm sau khi tiểu bang đông dân thứ hai nước Úc có thêm hàng chục ca nhiễm coronavirus mới trong 2 tuần liên tiếp.
Úc đã kiểm soát dịch bệnh tốt hơn nhiều quốc gia trong đại dịch.  Úc có 7,920 ca nhiễm, 104 ca tử vong và ít hơn 400 ca còn bệnh, nhưng những đợt tăng gần đây đã làm dấy lên lo lắng về làn sóng nhiễm COVID-19 thứ hai như các quốc gia khác.
Từ nửa đêm, hơn 30 vùng ngoại ô ở thành phố lớn thứ hai Úc sẽ chịu lệnh hạn chế mức độ ba, mức độ nghiêm ngặt trong các biện pháp kiểm soát đại dịch. Như vậy, cư dân phải ở nhà ngoại trừ việc ra ngoài để mua sắm thực phẩm, khám bệnh, đi làm, chăm sóc người khác và tập thể dục. Các hạn chế sẽ đi kèm với xét nghiệm mà chính quyền hy vọng sẽ xét nghiệm được một nửa dân số các khu vực bị ảnh hưởng, cùng với việc tuần tra nơi tiếp giáp giữa các khu vực.
Lệnh hạn chế được ban hành khi  lệnh hạn chế dành cho tiểu bang Victoria được nới lỏng với các nhà hàng, phòng tập thể dục và rạp chiếu phim đã được mở cửa trở lại trong những tuần gần đây.
Hôm thứ Ba (30/06/2020) tiểu bang Victoria đã ghi nhận 73 ca nhiễm mới sau khi xét nghiệm 20,682 người. Trước đó vào thứ Hai (29/06/2020), tiểu bang có 75 ca nhiễm mới. Số ca nhiễm tăng đột biến của tiểu bang Victoria có liên quan đến các nhân viên của các khách sạn chứa du khách trở về nước không tuân thủ nghiêm ngặt các biện pháp cách ly. (BBT)
https://www.sbtn.tv/uc-phong-toa-cac-vung-ngoai-o-melbourne-sau-khi-so-ca-nhiem-coronavirus-tang-dot-bien/

Úc xem xét đón nhận người Hồng Kông

vì luật an ninh quốc gia

Hải Lam
Chính phủ Úc hôm nay (2/7) cho biết đang tích cực xem xét việc cung cấp nơi trú ẩn an toàn cho cư dân Hồng Kông vì luật an ninh quốc gia.
Theo AFP, Thủ tướng Scott Morrison cho biết tình hình ở Hồng Kông “rất đáng lo ngại” và chính phủ Úc đang “rất tích cực” xem xét các đề xuất để đón nhận người dân hòn đảo, tương tự như động thái của chính phủ Anh.
“Tôi nghĩ rằng, việc này rất quan trọng và rất phù hợp với đất nước chúng tôi, với quan điểm chúng tôi đã bày tỏ”, Thủ tướng Úc nói với các phóng viên.
Ông Morrison nói thêm Úc vẫn chưa có quyết định cuối cùng về việc này nhưng chính phủ đã sẵn sàng thúc đẩy và hỗ trợ người dân Hồng Kông.
Theo hãng AP, Úc có thể cấp thị thực cho phép cư dân của hòn đảo sống tại nước này tới 3 năm.
Việc Canberra cho phép người Hồng Kông đến sinh sống có thể khiến mối quan hệ Úc – Trung Quốc thêm phần căng thẳng. Trước đó, Úc đã khiến Bắc Kinh nổi giận vì kêu gọi một cuộc điều tra quốc tế độc lập về nguồn gốc của virus corona. Để đáp trả, chính quyền Trung Quốc đã tăng thuế lúa mạch, cấm nhập khẩu thịt bò của Úc, đồng thời khuyến cáo công dân khi đến nước này, viện cớ nạn phân biệt chủng tộc. Úc bác bỏ cáo buộc của chính quyền Bắc Kinh và khẳng định sẽ không để đất nước bị đe dọa hay chèn ép trong mối quan hệ đối tác thương mại với Trung Quốc.
https://www.dkn.tv/the-gioi/uc-xem-xet-don-nhan-nguoi-hong-kong-vi-luat-an-ninh-quoc-gia.html

0 comments

Leave a comment

Powered by Blogger.