Hải Ngoại Ngày Nay


LIÊN KẾT HẢI NGOẠI YỂM TRỢ QUỐC NỘI ĐẤU TRANH

GIẢI THỂ CHẾ ĐỘ ĐỘC TÀI VIỆT CỘNG

GIẢi TRỪ HIỂM HỌA XÂM LĂNG TRUNG CỘNG

Tin Việt Nam – 21/06/2020

Sunday, June 21, 2020 6:00:00 PM // ,

Tin Việt Nam – 21/06/2020

Đồng Nai: Dùng bằng giả làm việc ở Sở Y tế – Hiểu Minh

Ngày 20/6, Sở Y tế Đồng Nai cho biết vừa chuyển hồ sơ sang Công an tỉnh này đề nghị điều tra, xử lý trường hợp bác sĩ (BS) sử dụng bằng đại học (ĐH) Y giả, khi người này nộp hồ sơ vào làm việc tại một phòng khám (ảnh chụp màn hình báo Thanh Niên).
Ngày 20/6, Sở Y tế Đồng Nai cho biết vừa chuyển hồ sơ sang Công an tỉnh này đề nghị điều tra, xử lý trường hợp bác sĩ (BS) sử dụng bằng đại học (ĐH) Y giả, khi người này nộp hồ sơ vào làm việc tại một phòng khám.
Theo Thanh Niên, trong quá trình kiểm tra nhân sự tại phòng khám đa khoa Đại Phước (H.Nhơn Trạch) để chuẩn bị đi vào hoạt động, Thanh tra Sở Y tế Đồng Nai phát hiện hồ sơ của bà T.X.N. (42 tuổi, thường trú TP.HCM), phụ trách chuyên môn Phòng chẩn đoán hình ảnh của phòng khám, có vấn đề về bằng cấp, nên đã xác minh.
Cụ thể, trong hồ sơ bà N. khai tốt nghiệp y đa khoa tại ĐH Y Dược TP.HCM (cấp ngày 10/10/2002), bằng chuyên khoa 1 do ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch cấp. Ngoài ra, bà N. còn có Chứng chỉ hành nghề do Sở Y tế tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu cấp ngày 13/2/2014 và Giấy chứng nhận do Bệnh viện Chợ Rẫy, TP.HCM cấp ngày 29/8/2008 cho khóa học: Đọc CT – Scanner tại Khoa Chẩn đoán hình ảnh Bệnh viện Chợ Rẫy (thời gian học từ ngày 4/6/2008 – 4/9/2008).
Nhận được văn bản của Sở Y tế Đồng Nai, ĐH Y Dược TP.HCM sau đó có văn bản trả lời: “Bà T.X.N không có tên trong danh sách công nhận tốt nghiệp ĐH hệ chính quy ngành y đa khoa năm 2002 của trường và không được cấp bằng ngày 10/10/2002”.
Làm việc với Thanh tra Sở Y tế Đồng Nai, bà N. khai nhận sau khi có bằng ĐH Y khoa giả bà có làm việc tại Sở Y tế tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu từ năm 2003 – 2012. Năm 2012, bà đi học chuyên khoa 1 tại ĐH Phạm Ngọc Thạch và sau đó đến làm việc tại Bảo hiểm xã hội TP.HCM (từ năm 2013 – 2018). Chưa hết, năm 2017, bà N. còn ký hợp đồng hợp tác với phòng khám 115 (H.Nhơn Trạch). Cũng trong năm 2017, bà N. ký hợp đồng không thời hạn với BV Quận 7 (TP.HCM) về siêu âm – chẩn đoán hình ảnh do phòng khám 115 nói trên không hoạt động.
Giám đốc Sở Y tế Đồng Nai: BS sử dụng bằng giả khám chữa bệnh là giết người
Trả lời Thanh Niên vì sao bà N. sử dụng bằng giả làm việc hơn 10 năm mà không bị phát hiện, lãnh đạo Phòng Nghiệp vụ y Sở Y tế Bà rịa – Vũng tàu xác nhận bà N. có làm việc tại phòng, nhưng thời gian chỉ có mấy tháng (?).
“Qua sự giới thiệu của mấy BS trong Sở Y tế và lúc này Phòng Nghiệp vụ y cũng đang cần người nên chúng tôi nhận về làm việc theo dạng ký hợp đồng. Làm được mấy tháng (không rõ năm) thì hết hợp đồng và Sở Y tế cũng không ký tiếp. Sau đó, bà N. đi làm chỗ này chỗ khác”, lãnh đạo này cho hay. Đối với chứng chỉ hành nghề, lãnh đạo Phòng Nghiệp vụ y cũng thừa nhận đã cấp cho bà N.
Lý do vì sao không phát hiện ra bằng cấp giả, vị lãnh đạo này nói: “Trong thủ tục hồ sơ nộp vào thì bằng cấp có công chứng. Khi đi công chứng thì người ta yêu cầu nộp bằng cấp thật để kiểm chứng, chứ mình đâu yêu cầu người ta nộp bằng chính được. Còn sau đó, khi nào mình có nghi ngờ mới gửi hồ sơ đi xác minh. Và trong 2 lần, lần xin làm việc ở Sở Y tế và xin cấp chứng chỉ hành nghề bà N. đều cung cấp bằng có công chứng”.
Trả lời Thanh Niên ngày 20/6, Giám đốc Sở Y tế Đồng Nai Phan Huy Anh Vũ đánh giá BS mà sử dụng bằng giả để tham gia khám chữa bệnh là… giết người. “Bất cứ ngành nghề gì mà sử dụng bằng cấp giả đều không thể chấp nhận. Với ngành y thì đây là việc làm hết sức nguy hiểm, vì hậu quả chết người rất dễ xảy ra.
Nguồn tin trên cho hay, đây không phải là lần đầu tiên Sở Y tế Đồng Nai phát hiện BS sử dụng bằng giả. Trước đó tháng 3/2020, Sở này cũng phát hiện trường hợp tương tự tại Khoa Cấp cứu – Bệnh đa khoa (BVĐK) Đồng Nai.
TP.HCM: Nhiều cơ sở y tế và bác sĩ bị xử phạt
Ngày 20/6, thông tin từ Thanh tra Sở Y tế TP.HCM cho biết, từ ngày 1/6 đến 17/6/ đã kiểm tra và phát hiện hàng loạt sai phạm tại nhiều cơ sở y tế trên địa bàn TP, theo báo Hà Nội mới.
Ngoài xử phạt vi phạm hành chính các cơ sở khám chữa bệnh vì không bảo đảm các điều kiện về cơ sở vật chất và nhân lực… trong quá trình hoạt động. Thanh tra Sở Y tế phát hiện bà Nguyễn Thị Mỹ Trang (bác sĩ sản phụ khoa) tại địa chỉ 34-36 Đinh Tiên Hoàng, phường Đa Kao, quận 1, cho người khác thuê chứng chỉ hành nghề. Sở Y tế đã ra quyết định tước quyền sử dụng chứng chỉ hành nghề trong 12 tháng và phạt tiền 40 triệu đồng.
Bà Xu XiuRen (bác sĩ sản phụ khoa) tại địa chỉ 34-36 Đinh Tiên Hoàng, phường Đa Kao, quận 1, và cơ sở Wang Hong Wei, số 646-648 Võ Văn Kiệt, phường 1, quận 5 nhà chức trách phát hiện hành nghề vượt quá phạm vi chuyên môn cho phép, bị tước quyền sử dụng chứng chỉ hành nghề trong 12 tháng, phạt tiền từ 35-40 triệu đồng.
https://www.dkn.tv/khac/dong-nai-dung-bang-gia-lam-viec-o-so-y-te.html

Báo chí CSVN bị các công ty gọi là ISIS

Tin Vietnam.- Báo Vietnamnet ngày 20 tháng 6 năm 2020 loan tin, tình trạng những phóng viên đang làm cho các cơ quan báo chí Việt Nam đặt dưới sự lãnh đạo của đảng Cộng sản bị suy thoái về đạo đức, lối sống đang diễn ra rất nhiều, còn một bộ phận khác thì bị cho là “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá”.
Nhiều công ty tại Việt Nam cho biết, việc họ bị các cơ quan báo chí Cộng sản vòi vĩnh, làm tiền, đe doạ để kiếm hợp đồng quảng cáo là nhiều đến mức đếm không xuể. Nhưng tất cả những điều này đều được các công ty dấu kín vì sợ phiền phức.
Một chủ công ty kể, có lần công ty ông gặp một sự kiện nhỏ về môi trường, ngay sau đó có một phóng viên gọi điện doạ nếu không ký hợp đồng quảng cáo 100 triệu thì sẽ cho sự việc lên mặt báo. Khi bị công ty từ chối thì phóng viên tiếp tục doạ là sẽ gọi thêm rất nhiều phóng viên khác kéo đến công ty làm việc. Trước sự việc này, công ty đã chấp nhận “ngậm bồ hòn làm ngọt”.
Còn đại diện truyền thông của một công ty nhà nước bất mãn nói, mỗi ngày người này nhận được rất nhiều cuộc gọi mời làm quảng cáo, tài trợ sự kiện và đủ loại các chương trình. Nếu công ty không đáp ứng thì bị các phóng viên đe doạ, quấy nhiễu.
Một phó giám đốc tập đoàn bất động sản cho biết, mỗi lần tập đoàn chuẩn bị ra mắt dự án mới là ông phải ôm một cọc tiền đi gặp các tờ báo, tạp chí mà ông cho là hay “quấy”. Ngoài ra, ông còn thường xuyên tổ chức các bữa tiệc để giải quyết “truyền thông đen”. Hiện nay, có những phóng viên còn được gọi là “phóng viên ISIS”
An Nhiên
https://www.sbtn.tv/bao-chi-csvn-bi-cac-cong-ty-goi-la-isis/

Nhà cầm quyền cộng sản tại Sài Gòn

muốn thu tiền người dân sử dụng vỉa hè làm đám tang

Tin Saigon.- Trang Zing loan tin, vào ngày 18 tháng 6 năm 2020, tại hội nghị phản biện xã hội ở Sài Gòn, Uỷ ban mặt trận tổ quốc Cộng sản thành phố đã đề nghị nhà cầm quyền thực hiện thu tiền những người dân sử dụng tạm thời lòng đường, vỉa hè làm nơi tổ chức đám tang, đám cưới, mua bán hàng hóa, trông giữ xe và một số hoạt động khác.
Luật sư Nguyễn Văn Hậu, Phó chủ tịch Hội Luật gia tại Sài Gòn nói rằng, nhà cầm quyền muốn thu tiền vỉa hè, lòng đường người dân như trên thì phải thực hiện một cách chặt chẽ, phải phân công trách nhiệm, quyền hạn cho các cấp cầm quyền rõ ràng.
Theo ông Hậu, việc thu tiền nếu giao về các địa phương thì dễ xảy ra những tiêu cực, lợi ích nhóm hoặc bảo kê. Vì hiện tại, việc các viên chức cấp phường, xã bảo kê cho người dân sử dụng vỉa hè còn nhiều. Ông Trần Quang Lâm, giám đốc sở Giao thông vận tải Cộng sản thành phố nói rằng, sở nhận được nhiều ý kiến của người dân đồng ý vỉa hè là nơi phục vụ cho người đi bộ là chính. Nhưng nhà cầm quyền cần tạo điều kiện cho người dân kinh doanh nếu phù hợp.
Trên thực tế, việc sử dụng vỉa hè làm nơi kinh doanh, tổ chức đám tang, đám cưới của người dân khắp nơi ở Việt Nam là rất phổ biến. Nhưng hầu hết người dân muốn sử dụng vỉa hè đều phải nộp tiền bảo kê cho các viên công an cấp phường, xã với số tiền ít nhất là 500,000 đồng/tháng.
Và mặc dù đã nộp tiền bảo kê nhưng nhiều người kinh doanh ở vỉa hè vẫn thường xuyên bị lực lượng trật tự đô thị cùng công an đến doạ nạt, và lấy tài sản.
An Nhiên
https://www.sbtn.tv/nha-cam-quyen-cong-san-tai-sai-gon-muon-thu-tien-nguoi-dan-su-dung-via-he-lam-dam-tang/

Samsung phủ nhận các tin tức về việc chuyển

sản xuất màn hình từ Trung Cộng sang Việt Nam

Tin từ Hà Nội, Việt Nam – Vào thứ Sáu (19/6), truyền thông nhà nước cộng sản Việt Nam đưa tin, Samsung Electronics đang lên kế hoạch chuyển phần lớn sản xuất màn hình từ Trung Cộng sang Saigon trong năm nay, mặc dù công ty Nam Hàn này cho biết những tin tức đó là sai sự thật.
Dựa trên trích dẫn từ một thông báo trên trang web của Samsung Việt Nam, tờ Tuổi Trẻ đưa tin về việc di dời sản xuất màn hình của Samsung ra khỏi Trung Cộng. Tờ Tuổi Trẻ nói rằng màn hình sẽ được sản xuất tại Khu phức hợp điện tử Samsung tại Saigon. Tuy nhiên, công ty mẹ ở Seoul cho biết các tin tức này “không có căn cứ”. Samsung không đưa ra thêm bất kỳ giải thích nào.
Một số phương tiện truyền thông trực tuyến khác của Việt Nam cũng đưa tin tức về sự di dời này nhưng đến tối thứ Sáu vừa qua, những tin tức đó không còn xem được nữa.
Samsung là nhà đầu tư ngoại quốc lớn nhất tại Việt Nam, với tổng vốn đầu tư lên tới 17 tỷ Mỹ Kim. Samsung có sáu nhà máy và hai trung tâm nghiên cứu và phát triển tại Việt Nam.
Các tin tức về sự di dời được đưa ra khi nhiều công ty tìm cách đa dạng hóa chuỗi cung ứng ngoài Trung Cộng, sau khi xảy ra sự gián đoạn lan rộng trên toàn cầu do coronavirus chủng mới xuất hiện lần đầu tiên ở Trung Cộng
https://www.sbtn.tv/samsung-phu-nhan-cac-tin-tuc-ve-viec-chuyen-san-xuat-man-hinh-tu-trung-cong-sang-viet-nam/

Báo chí đảng & báo chí người Việt

Tuấn Khanh
Cũng cần có lúc, các nhà nghiên cứu về lịch sử nên đặt lại câu hỏi, vì sao ngày 21-6 hàng năm, được gọi là ngày Báo chí Việt Nam, chứ không phải gọi đúng tên là ngày báo chí của đảng Cộng sản Việt Nam? Dĩ nhiên, việc xét lại này, cần dựa trên lòng tự trọng và sự tử tế của trí thức Việt Nam có suy nghĩ tự do, không tư tưởng nô lệ đảng phái nào.
Theo những gì mà tư liệu của nhà nước hiện nay đưa ra, ngày 21-6-1925 là ngày mà ông Lý Thụy (tức Hồ Chí Minh) cho ra đời tờ Thanh Niên, một tờ báo có nội dung cho phong trào kháng Pháp. Nhưng quan trọng hơn, tờ báo này còn nhằm tạo ảnh hưởng cho khuynh hướng chủ nghĩa cộng sản và phong trào cách mạng của ông Lý Thụy – một bí danh được đặt từ Trung Quốc.
Tờ Thanh Niên, so với những bậc tiền bối của báo chí Việt ngữ, ra đời muộn hơn và thật lòng mà nói, ngoài chuyện chính trị, thì việc đóng góp mở mang nghề nghiệp không thể bì được các tờ hàng đầu như Gia Định Báo (15-4-1865), Nông Cổ Mín Đàm (1-8-1901), Nam Phong Tạp Chí (1-7-1917), Nữ Giới Chung (tháng 7-1918)…  Về lịch sử, Thanh Niên có hình thức như truyền đơn, in trên giấy sáp, tên báo viết bằng chữ Việt và chữ Hán, đầu trang 1 bên trái có hình ngôi sao 5 cánh, giữa ngôi sao có chữ số là số kỳ của tờ báo phát hành. Báo phát hành bí mật và bất định kỳ, (200 – 300 bản/kỳ), mỗi kỳ hai trang, có lúc 4 trang, khổ giấy nhỏ 13×18).
Nếu nói về truyền đơn, thì lúc đó ở Việt Nam xuất hiện vô số, trong phong trào kháng Pháp, đặc biệt phải nói là từ phía Việt Nam Quốc Dân Đảng. Với phương tiện và tài chánh hùng hậu nhất thời đó, cũng như con người vào giữa thập niên 20 và 30, ngoài truyền đơn kêu gọi yêu nước kháng Pháp, còn cả tin báo mỗi chi bộ tự phát hành rất rộn rịp cho việc kêu gọi gia nhập phong trào, tin chống Pháp… Để hình dung rõ hơn, vào thời điểm đó, không chỉ là tin báo, truyền đơn, Việt Nam Quốc Dân Đảng có khả năng dàn trải, đủ để mua súng đạn, và tự thành lập các nơi sản xuất bom (loại như tạc đạn ném tay) khắp tỉnh miền Bắc để xây dựng hệ thống quân chính và chiến khu.
Báo Thanh Niên, chủ yếu dựa vào sức viết của Lý Thụy là chính, được gọi là tuần báo nhưng phát hành không đều đến tay người đọc và ít gây ảnh hưởng (ảnh kèm theo), một phần cũng là tránh mật thám Pháp theo dõi. Thực tế, hai tờ báo mà đảng Cộng sản Việt Nam tạo được sự chú ý nhiều nhất là tờ Cứu Quốc (25-1-1942) và tờ Nhân Dân (11-3-1951). Mọi vấn đề của các tờ báo này đều xoay quanh trục tuyên truyền chính trị của đảng Cộng sản.
Cần phải nói thêm, công lao tạo ra những sức phát triển, khuynh hướng… cho báo chí Việt Nam, không thể không kể đến nhiều tờ khởi xướng ban đầu (bao gồm có cả ý muốn phát triển dân trí và quyền chính trị). Chẳng hạn như tờ Nữ Giới Chung (Chung có nghĩa là tiếng chuông), là tờ báo đầu tiên chuyên về phụ nữ, với chủ trương nâng cao dân trí, khuyến khích công nông thương và nhất là đề cao vai trò phụ
nữ trong xã hội. Tầm ảnh hưởng của tờ báo này khiến mật thám Pháp e ngại. Tháng 7/1918, tờ Nữ Giới Chung bị đình bản. Chủ bút tờ báo này là nữ sĩ Sương Nguyệt Anh (1864 – 1922). Bà là con gái thứ tư của nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu.
Từ hơn thế kỷ nay, báo chí Việt Nam vẫn có lệ tạo ra ấn bản báo xuân, bản đặc biệt khác với ấn bản thường ngày, nhưng ít ai nhớ rằng, người tạo ra khuynh hướng đó là học giả Phạm Quỳnh (1892-1945), ông là người tạo ra ấn bản đặc biệt chào xuân đầu tiên của người Việt Nam, và từ đó trở thành truyền thống cho đến nay. Học giả Phạm Quỳnh chết năm 1945, mà theo nhiều nguồn sử liệu khác nhau tổng hợp, là do ông khác biệt quan điểm chính trị với những người Cộng sản. Hơn nữa, vào lúc đó có tin người Pháp quay lại và xây dựng một nhà nước độc lập, lại có thể yểm trợ Phạm Quỳnh trở thành người đứng đầu. Mãi đến năm 1956, người ta mới tìm thấy thi hài của ông, trong rừng.
Giai đoạn từ 1939 đến 1947 ở miền Bắc là một bi kịch của người Việt Nam. Rất nhiều học giả, trí thức bị chụp mũ ghép tội, giết chết, thủ tiêu… không chỉ do phía người Cộng sản gây ra, mà còn từ nhiều phe phái khác nhau, bởi xung đột về lập trường Cộng sản – Quốc gia – Quân chủ.
Phóng sự đầu tiên của báo chí Việt Nam, được biết đến, là của ký giả Tam Lang. Năm 1932, tờ Hà Thành Ngọ Báo đã khởi đăng phóng sự nổi tiếng nhan đề “Tôi kéo xe” của nhà báo Tam Lang (tên thật là Vũ Đình Chí), mở đầu cho thể loại phóng sự của báo chí Việt Nam. Để thức tỉnh lương tâm trong xã hội về cái nghề khốn khó này, nhà báo Tam Lang đã nhập vai, tự mình làm kéo xe để lấy tư liệu một cách xác thực và sống động về nghề này.
Kể dài dòng như vậy, để nói rằng, Báo chí của người Việt là một thiên sử thi, độc đáo và thú vị. Lịch sử báo chí của những người Cộng sản chỉ là mảnh ghép rất nhỏ trong ấy. Nếu như nhà nước hiện nay gọi tên 21-6 hàng năm là ngày báo chí cách mạng Cộng sản, thì là điều bình thường. Nhưng nếu gọi đó là ngày báo chí chung của cả Việt Nam thì trở nên lố bịch.
Đặc biệt, ngày báo chí Việt Nam, nếu chỉ nhắc tên ông Hồ Chí Minh như một nhà báo vĩ đại, mà cố ý không nhắc tên học giả Trương Vĩnh Ký thì thật nông cạn. Ông Trương Vĩnh Ký (1837-1898) được người đương thời của ông, xếp vào danh sách 18 nhà bác học hàng đầu thế giới. Ông là người yêu thương văn học quốc ngữ và được coi là người đặt nền móng cho báo chí quốc ngữ Việt Nam.
Tháng 1/2017, cuốn sách về danh nhân này, có tên “Petrus Ký, nỗi oan thế kỷ” do nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Đầu tập hợp tài liệu bị thu hồi không có lý do, dù có giấy phép xuất bản. Trong sách, ông Đầu chứng minh được rất nhiều tư liệu, để thấy rằng học giả Petrus Ký là một người yêu nước, chẳng hạn như ông Nguyễn Đình Đầu trần tình “Trong những lời đối đáp khi chính quyền Pháp yêu cầu Trương Vĩnh Ký làm thông ngôn, có những văn thơ chứng tỏ là Trương Vĩnh Ký rất bất mãn trong chuyện người Pháp cư xử với người Việt Nam, cho nên ông không muốn hợp tác. Tôi viết ra sau khi xin được những tài liệu mà Trương Vĩnh Ký còn chưa xuất bản mà mới chỉ là nháp”.
Sau khi nắm quyền vào năm 1945, những người cộng sản có chủ trương tạo tin tức, hình ảnh để nói rằng những người có dính líu đến người Pháp, kể cả các đảng phái kháng Pháp khác, và đặc biệt là nếu không phải là có cảm tình, hoặc đi theo chủ nghĩa cộng sản đều là thành phần “tay sai”, bất chấp các dữ kiện lịch sử từ nhiều phía cho thấy không như vậy.
Lịch sử Việt Nam nói chung, bị đọa đày không nhiều thì ít, từ chủ trương này, với nhiều nạn nhân như Phan Thanh Giản, Phạm Quỳnh, Trương Vĩnh Ký, Nguyễn Văn Vĩnh… Nên ngay cả lịch sử báo chí Việt Nam, có tồn tại như thế nào, với con người nào, vẫn bị coi là vô hình hoặc vô giá trị theo quan điểm của nhà cầm quyền.
Vì vậy, ngày 21-6, cũng cần có lúc, gọi lại cho đúng tên, của hệ thống truyền thông phục vụ chính trị của đảng Cộng sản Việt Nam, như đúng những gì đang diễn ra hiện nay. 21-6 hoàn toàn không đủ tư cách để thay mặt cho nền báo chí của người Việt.
* Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á Châu Tự Do
https://www.rfa.org/vietnamese/news/blog/party-s-newspapers-and-people-newspapers-06202020154313.html

Báo chí “Cách mạng” hay “Phản Tiến Bộ”?

Lập Quyền Dân
Nhân trong nước đang sơ kết đợt kỷ niệm 95 năm ngày “báo chí cách mạng”, thiết tưởng nên nhắc lại một phát biểu nổi tiếng của Karl Marx, vốn được những người CSVN vinh danh là bậc thầy cách mạng vô sản: “Ở đâu có báo chí ở đó có tự do báo chí”. Ấy vậy mà những người học trò ngày nay của Marx đã không làm theo lời giáo huấn ấy của sư phụ. Theo “Thông cáo báo chí của Hội Nhà Báo Độc Lập Việt Nam (HNBĐL)”, nhà cầm quyền trong nước lâu nay đã và đang thẳng tay đàn áp trắng trợn, đối xử tàn độc đối với HNBĐL Việt Nam nói riêng và các tổ chức xã hội dân sự nói chung, cũng như những tiếng nói công dân khác sử dụng quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí của mình.
Việc bắt giữ các nhà báo “ngoài quốc doanh” Phạm Chí Dũng, Nguyễn Tường Thuỵ, Lê Hữu Minh Tuấn cùng nhiều Blogger và Facebooker vừa qua rõ ràng là hành động vi phạm các công ước quốc tế về nhân quyền, vi phạm ngay đến bản Hiến pháp của Việt Nam, nhằm triệt tiêu toàn bộ quá trình phản biện ôn hòa của các công dân, tiêu diệt các tổ chức xã hội dân sự. Hành động đàn áp này đi ngược lại những cam kết của chính quyền Việt Nam đối với người dân trong nước và đối với cộng động thế giới, chống lại xu thế tiến bộ của nhân loại trong việc thực thi các giá trị phổ quát.
Mà cũng không cần phải viện dẫn đến phát biểu của Karl Marx và tuyên bố của HNBĐL mới thấy hết được tính chất “phản tiến bộ” của báo chí chính thống ở Việt Nam ngày nay. Hãy nghe chính những bộc bạch “gan ruột” của những người trong cuộc – các “lãnh đạo báo” ở trung ương lẫn địa phương – mới thấy hết được mức độ xuống cấp chạm đáy của cái gọi là nền “báo chí cách mạng”.
Với tư cách là Tổng biên tập của tờ “Năng Lượng Mới” (Petrotimes) Đại tá Nguyễn Như Phong khuyên toàn bộ nhà báo Việt Nam hãy theo gương con chó để trở thành một nhà báo giỏi. Theo Đại tá Nguyễn Như Phong, con đường duy nhất để một nhà báo ở trong nước không bị tụt hậu lại phía sau so với đồng nghiệp là nhà báo ấy phải biến thành chó, chứ không còn cách nào khác (!) Ông Phong trước đó từng có vai vế trong tập đoàn báo chí có thể nói là khủng nhất ở Việt Nam – một tổ hợp báo chí của Bộ Công an.
Chưa hết, tính “cách mạng” của những tờ báo Việt Nam được nhà nước “nuôi” không biết triệt để đến mức nào, nhưng có một câu chuyện từng lan tỏa trong giới báo chí (cả báo chí lẫn “báo… chó”, như cách anh em làm báo thường tự giễu cợt về ngành mình) ở Hà Nội nhiều năm trước đây. Câu chuyện được thuật lại như sau: Một tòa soạn báo ngành, khoảng 6 tháng không có tiền trả nhuận bút cho anh em. Các cô phóng viên trẻ nửa khóc nửa mếu kêu lên “Lãnh đạo báo” thì được ông Phó tổng biên tập trả lời: “Chúng mày trẻ trung xinh đẹp thế này mà phải sống bằng nhuận bút à?” Câu chuyện ngầm này kể ra, bất cứ ai trong nghề báo lâu năm đều rành rẽ. Nhưng huỵch toẹt như ông Phó tổng kể trên thì hiếm có. Chẳng khác nào so sánh đồng nghiệp của ông với các cô gái “ăn sương”.
Thật ra cũng chẳng hiểu từ lúc nào, những tấm băng rôn trên các lẵng hoa – có những chậu hoa lan có giá đến nhiều triệu đồng, mà các ban ngành, đặc biệt là các doanh nghiệp ùn ùn khiêng đến các tờ báo nhà nước – đã được lệnh đổi từ “Chúc mừng ngày Nhà báo Việt Nam” thành “Chúc mừng ngày Nhà báo Cách mạng Việt Nam”. Phải chăng đây là một sự thừa nhận, bên cạnh nền báo chí có danh xưng là “cách mạng”, mà thực chất là “phản tiến bộ”, thì còn tồn tại một nền báo chí theo đúng nghĩa là của nhân dân, vì nhân dân và được viết bởi các đại biểu nổi bật từ xã hội dân sự. Cũng chẳng cần viện dẫn các so sánh trên đây mới thấy hết tính chất phản cách mạng, phản tiến bộ của cái gọi là nền “báo chí cách mạng”.
Từ bảy, tám trăm năm trước, tổ tiên ta đã có quan niệm khá hiện đại về tự do ngôn luận. Thời bấy giờ có bà Bích Châu, một phi hậu của vua Trần Duệ Tông, từng khuyên nhà vua thế này: “Hãy cầu lời nói thẳng, để cho cổng thành cùng đường ngôn luận rộng mở”. Mở cổng thành, nghĩa là để có thông thương đi lại tự do dễ dàng, một nhu cầu bình thường của cuộc sống. Trong thời hiện đại, mở cổng thành, chính là tạo điều kiện cho kết nối, giao thương thông thoáng. Còn đề cập đến đường ngôn luận rộng mở là nhằm làm cho triều đình có thể lắng nghe những nguyện vọng của dân chúng, lắng nghe những lời can gián của trung thần.
Điều nói trên cũng được phản ảnh trong tư tưởng thân dân của đời Trần, khi Thiền sư Phù Vân tâu với vua Trần Thái Tông: “Xin nhà vua lấy ý của thiên hạ làm ý của mình, lấy lòng thiên hạ làm lòng của mình”. Trong thời kỳ phong kiến mà lại có tư tưởng rộng mở ấy quả thật nhân văn và tiến bộ. Tiền nhân dạy: “Con hơn cha là nhà có phúc!” Nhưng ngày nay, chúng ta thua cha ông trên nhiều phương diện. Thua về tự do ngôn luận chỉ là một chiều kích. Một nền “báo chí cách mạng” với hơn 700 đầu báo, tạp chí mà chỉ có một Tổng biên tập, đó là Trưởng ban tuyên giao trung ương. Với thực trạng này, không nhẽ chúng ta “vô phúc” đến mức phải đi thụt lùi về phía văn minh nhân loại?
Có thể các cơ quan chức năng đã có con số thông kê nhưng người ta chỉ lưu hành nội bộ. Những báo như “Nhân Dân” hay Tạp chí “Cộng Sản”, có quy chế về mặt hành chính là ngang với cấp Bộ (vì thế mà Ban biên tập ở những cơ quan báo chí ấy thường được gọi là “Bộ Biên Tập”), nhưng số độc giả của những ấn phẩm ấy chắc chắn thua xa các trang mạng xã hội. Hãy vinh danh một vài cái tên có thể cạnh trang ngang ngửa với báo chí chính thống, từ “Ba Sàm” (trước đây) đến “Tiếng Dân” (ngày nay), từ Blog của “Tễu” đến Bản tin “Việt Nam thời báo”… Ở Việt Nam ngày nay, nhất là vào thời điểm cuộc
đấu tranh quyền lực trước thời điểm Đại hội 13 đang diễn ra gay gắt, người người – nhà nhà đều lên các trang mạng để biết được một phần của các cuộc đấu đá “cung đình”.
Chính những người làm báo “không cách mạng” ấy chẳng mấy băn khoăn trong đợt “tảo thanh” sắp tới dưới cái tên mỹ miều: “Đề án sắp xếp báo chí Việt Nam” giai đoạn cuối. Từ lâu, những nhà báo trên các trang mạng xã hội đã hành nghề một cách cạnh tranh và sòng phẳng. Dù lực lượng của họ chưa nhiều nhưng đấy là những điểm tựa cuối cùng của công chúng hướng về một nền báo chí đúng nghĩa. Ở một vài tờ báo tư nhân bắt đầu manh nha phải thay đổi, phải đổi mới cả nội dung lẫn hình thức để sống bằng nghề báo, chứ không bán “lá cải sỉ” nữa./.
Tham khảo:
https://www.youtube.com/watch?v=h0LGCejoyxc
https://kontumquetoi.com/2016/06/21/nha-bao-va-nha-cho-nguyen-nhu-phongpetrotimes/
https://www.rfa.org/vietnamese/news/blog/why-you-need-payment-for-your-writing-07012019110934.html
https://chauxuannguyen2020.wordpress.com/2015/01/15/cach-mang-thuong-an-thit-nhung-nguoi-sinh-cua-no/
http://www.vietinfo.eu/tu-lieu/ai-phu-dinh-cac-mac-bang-luat-bao-chi.html
* Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á Châu Tự Do
https://www.rfa.org/vietnamese/news/blog/revolutionary-journalism-or-counter-revolutinary-one-06202020153138.html

Vụ án Hồ Duy Hải: Cờ trong tay Tổng Chủ

Gió Bấc
Càng lên cấp cao hơn thì vụ án Hồ Duy Hải càng thêm phức tạp. Sau phiên xử của “Hội đồng dao thớt” gây chấn động xã hội, bản án Giám Đốc Thẩm bị nhiều đại biểu Quốc Hôi phê phán vi phạm tố tụng. Nhưng Chánh Án Tối Cao, Bộ Công An vẫn cố cãi lấy được là xử đúng người đúng tội. Ủy Ban Tư Pháp Quốc Hội đã họp phiên toàn thể và đa số thành viên nhất trí kiến nghị xem xét lại bản án. Tuy nhiên, Nguyễn Hòa Bình đã cài thế triệt buộc, chỉ khi nào Tổng Bí Thư, Chủ Tịch Nước ra tay mới có thể giải quyết căn cơ.
Xuất phát chỉ là vụ án hình sự hai cô gái bị giết thảm ở Bưu Điện Cầu Voi với một hiện trường có rất nhiều dấu vết hung thủ như dấu vân tay, mẫu máu, cái thớt, cái ghế dính máu, mẫu tóc, chiếc dép đã được chụp bản ảnh ghi nhận…. Thế nhưng cơ quan điều tra vì lý do nào đó lại không thu giữ, giám định. Khám nghiệm tử thi lẽ ra phải giám định thời gian chết qua vết hoen trên da, mức tiêu hóa thức ăn trong dạ dày, mức đông máu; xác định hướng cắt cổ, tay thuận của hung thủ, cũng không làm. Triệu tập lấy lời khai một số người có quan hệ thân thiết với hai nạn nhân và có mặt tại địa phương trong ngày xảy ra vụ án nhưng lại giấu nhẹm tất cả những hồ sơ ấy.
Bắt người trước dựng chứng cớ sau
Hai tháng sau, bắt Hồ Duy Hải từ cái cớ vụ án đánh bạc rồi chuyển hóa sang tội giết người. Chứng cớ buộc tội là câu chuyện hoang đường từ lời khai của Hải. Các lời khai này được khách quan hóa bằng chữ ký của luật sư do cơ quan điều tra chỉ định, nguyên là thủ trưởng cơ quan điều tra. Người ta còn lắp ráp những lời khai nhân chứng được sửa chữa diễn dịch lại cho phù hợp với lời khai nhận tội. Các đơn, lời khai kêu oan của Hải, lời khai của nhân chứng không phù hợp để buộc tội đều bị loai khỏi hồ sơ vụ án mà luật sư và ngay cả VKSNDTC cũng không tiếp cân được.
Qua hai cấp xét xử bị tuyên án tử, Ủy Ban Tư Pháp Quốc Hội giám sát, ba nhiệm kỳ Chủ tịch nước có văn bản đề nghị xem xét, Kiến nghị của VKSNDTC vạch ra nhiều điểm mâu thuẫn và vi phạm tố tụng, TANDTC giám đốc thẩm vẫn y án với lập luận hết sức nguy hiểm là “có vi phạm nhưng không ảnh hưởng đến tố tụng”. Ngay Hội đồng giám đốc thẩm càng vi phạm tố tụng nhiều hơn khi Chánh Án Nguyễn Hòa Bình từng là Viện trưởng VKSNDTC ký quyết định bác kháng nghị giám đốc thẩm lại ngồi chủ tọa, tòa mời luật sư nhưng chỉ tham dự khai mạc cho vui, không được tham gia tranh tụng, Hội đồng biểu quyết án bằng cách đưa tay …
Diễn biến trên cho thấy ở ba cấp xét xử vụ án đã vi phạm nguyên tắc suy đoán vô tội minh định trong điều 13 Bộ Luật Tố Tụng Hình Sự: “Người bị buộc tội được coi là không có tội cho đến khi được chứng minh theo trình tự, thủ tục do Bộ luật này quy định và có bản án kết tội của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật.
Khi không đủ và không thể làm sáng tỏ căn cứ để buộc tội, kết tội theo trình tự, thủ tục do Bộ luật này quy định thì cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải kết luận người bị buộc tội không có tội”.
Đại biểu Quốc Hội cũng bị quy chụp chính trị
Bản án Giám đốc thẩm như châm dầu vào lửa, gây bão dư luận. Điều kỳ lạ là một bàn tay bí mật nào đó đã cung cấp cho nhà báo Trương Châu Hữu Danh và luật sư Trần Hồng Phong nhiều tài liệu, bút lục, bản ảnh hiện trường, lời khai nhân chứng rất quan trọng cho thấy thêm sự lệch lạc của bản án và các vi phạm tố tụng, như hình ảnh ông Lê Quang Hùng chủ tọa phiên tòa sơ thẩm có mặt trong buổi thực nghiệm hiện trường vụ án, Hồ Duy Hải dắt dao trước bụng trong lúc tấn công Vân, Thiếu Tá Công An Đinh Văn Còi nhìn thấy một thanh niên khác Hồ Duy Hải trong Bưu Điện..,, Luật sư Trần Hồng Phong đã cung cấp các tài liệu mới này cho các cơ quan có trách nhiệm và tiếp tục tố cáo về hành vi làm sai lệch hồ sơ vụ án.
Mặt khác, một sức mạnh vô hình nào đó đè nặng lên những tiếng nói góp ý, phản biện. Công An tỉnh Long An dự kiến họp báo cung cấp thông tin nhưng sau đó hoãn vô thời hạn. Đoàn Luật sư Việt Nam định tổ chức hội thảo về vụ án cũng bị hoãn. Báo chí lề phải chỉ đăng những thông tin từ cơ quan tố tụng cung cấp không có ý kiến bình luận. Ngay cả đại biểu Quốc Hội cũng bị lãnh đạo tòa án chụp mũ là “phát ngôn nguy hiểm”, bị thế lực thù địch tác động”
Sự bế tắc và khủng hoảng của hệ thống tư pháp
Điều mà dư luận quan ngại không chỉ là số phận cá nhân Hồ Duy Hải mà số phận của cả nền tư pháp. Với cung cách điều tra xét xử “có vi phạm tố tụng nhưng không ảnh hưởng đến bản chất vụ án và có thể tuyên án tử hình thì trong 90 triệu dân Việt ai cũng có thể bị tuyên án giết người.’
Báo Người Đô Thị, tờ báo hiếm hoi dám đăng ý kiến của chuyên gia về vụ án đã ghi nhận ý kiến của LS – TS. Hoàng Ngọc Giao, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chính sách Pháp luật và Phát triển, đánh giá vấn đề rất nghiêm trọng: “Vụ án Hồ Duy Hải không chỉ liên quan đến sinh mạng của một con người mà còn trở thành vụ án có tính lịch sử, bộc lộ sự bế tắc và khủng hoảng của hệ thống tư pháp hiện tại”. Tiến sĩ Bùi Ngọc Giao nhấn mạnh: “Nếu quyết định của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao có sai phạm mà không được khắc phục thì sự sụp đổ của nền công lý tư pháp của Việt Nam – không phải là điều không thể”.
Tiến sĩ Hoàng Ngọc Giao hướng đến đề xuất giải quyết vụ án này một cách căn cơ là Ủy Ban Thường Vụ Quốc Hội ra Nghị Quyết đặc biệt.(1)
Cũng trên Người Đô Thị, Luật sư Nguyễn Tiến Lập – Trọng tài viên Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam cũng có đề nghị tương tự. “Dù chưa có tiền lệ, nhưng không có quy định nào của Hiến pháp và pháp luật ngăn cản Quốc hội, với tư cách là cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất, có quyền và trách nhiệm ban hành một nghị quyết riêng để giải quyết vấn đề, nhằm khẳng định trật tự, kỷ cương pháp luật và lấy lại niềm tin của nhân dân vào thể chế chính trị và Nhà nước”.  (2)
Kiểm Sát, Quốc Hội một bên- Công An, Tòa Án một bên
Nhiều đại biểu Quốc Hội cũng chia sẻ những băn khoăn, quan ngại ấy. Kỳ họp Quốc Hội này chương trình nghị sự không bàn chuyên về Tư Pháp nhưng vụ án Hồ Duy Hải đã bùng vỡ thành cuộc tranh luận sôi nổi của các đại biểu Hoàng Đức Thắng, Lưu Bình Nhưỡng, Trương Trọng Nghĩa. Phía TATC mà chính yếu là Nguyễn Hòa Bình vẫn khăng khăng buộc tội Hồ Duy Bải, xem vi phạm tố tụng là sai sót nhỏ. Phía bên ngoài Quốc Hội, Tướng Tô Ân Xô người phát ngôn của Bộ Công An cũng lên tiếng với báo chí cải chính chuyện nói con dao, cái thót vật chứng gây án nói Cơ quan điều tra mua ngoài chợ là sai. Cái này của dân phòng đem nộp. Cách cải chính này giống như kẻ trộm kêu oan nói tôi chỉ lấy đồ người khác chứ không ăn trộm. Con dao, cái thớt dù do dân phòng mua rồi nộp lại hay do CQĐT mua đều là vật giả. Nó không thể lưu dấu tích hung thủ và cũng không có cách nào xác định nó có thật giống hung khí thật.
Vì sao Công An, Tòa Án cố tình phạm luật buộc tội Hồ Duy Hải? Nguyên nhân ban đầu của việc điều tra xét xử oan sai thì còn phải chờ phiên tòa xét xử hành vi làm sai lệch hồ sơ vụ án mới có thể lý giải được. Nhưng với cấp Giám Đốc Thẩm hiện nay, có thể thấy rõ động cơ bảo thủ là do Nguyễn Hòa Bình, Tô Lâm, Trương Hòa Bình muốn giữ sạch bản thành tích để tiếp tục tiến thân hoặc chí ít là trụ hạng trong đại hội 13 sắp tới.
Thực tế năm 2015, bộ ba này đã dùng áp lực bằng kết luận của đoàn Kiểm Tra Liên Ngành với câu thần chú “sai nhưng không ảnh hưởng đến bản chất” để áp chế kết luận của đoàn giám sát Quốc Hội chỉ ra hàng chục điển vi phạm của cả ba ngành trong vụ án này.
Những người khách quan không dính chàm trong buộc tội oan Hồ Duy Hải là Ủy Ban Tư Pháp QUốc Hội và Viện Trưởng Lê Minh Trí. Năm 2014, Quốc Hội khóa trước đã từng giam sát án oan sai trong đó có vụ án Hồ Duy Hải. Lần này Quốc Hội một lần nữa đã vào cuộc.
Ngày 16/6/2020, Ủy ban Tư pháp (UBTP) của Quốc hội đã họp phiên toàn thể để xem xét toàn bộ vụ án Hồ Duy Hải, trong đó trọng tâm là xem xét tính đúng đắn, hợp pháp của Quyết định giám đốc thẩm của Hội đồng thẩm phán TAND tối cao. Phiên họp này là do gia đình Hồ Duy Hải gửi đơn, các đại biểu Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội TP Đà Nẵng cũng có văn bản đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét vụ án.
Theo đó, các thành viên Ủy ban Tư pháp xem xét tất cả quá trình điều tra, truy tố, xét xử từ sơ thẩm đến phúc thẩm, nhưng đặc biệt xem xét về tính đúng đắn của quyết định giám đốc thẩm, tính phù hợp pháp luật của quyết định này. Sau cuộc họp, đa số thành viên Ủy ban Tư pháp của Quốc hội đã thống nhất về các nội dung: Kháng nghị của VKSND tối cao là đúng thẩm quyền, có căn cứ pháp luật. những vi phạm trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử vụ án Hồ Duy Hải là nghiêm trọng, có thể làm thay đổi bản chất vụ án.  Ủy ban Tư pháp của Quốc hội sẽ có văn bản báo cáo và kiến nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội yêu cầu Chánh án TAND tối cao xem xét lại quyết định giám đốc thẩm theo đúng thẩm quyền, quy định tại Điều 404 Bộ luật Tố tụng hình sự (3)
Chiều 19-6, tại họp báo công bố kết quả kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV, Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết sau khi Ủy ban Tư pháp có báo cáo, Quốc hội sẽ có quan điểm chính thức về vụ án Hồ Duy Hải. (4)
Không còn Thẩm phán sạch để xem xét án
Cánh cửa đang hé mở lối thoát cho vụ án Hồ Duy Hải cũng như cho nền công lý Việt Nam đó là Bộ Luật Hình sự năm 2015 đã đưa ra điều luật mới xem xét lại bản án Giám Đốc Thẩm. Theo điều 404. Yêu cầu, kiến nghị, đề nghị xem xét lại quyết định của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao. :”Khi có căn cứ xác định quyết định của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao có vi phạm pháp luật nghiêm trọng hoặc phát hiện tình tiết quan trọng mới có thể làm thay đổi cơ bản nội dung quyết định mà Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao không biết được khi ra quyết định đó, nếu Ủy ban thường vụ Quốc hội yêu cầu, Ủy ban tư pháp của Quốc hội, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao kiến nghị, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao đề nghị thì Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối phải mở phiên họp để xem xét lại quyết định đó.”
Về pháp lý, việc áp dụng điều 404 là giải pháp phù hợp để minh định đúng sai. Nhưng có điều trong thực tế không rõ do vô tình hay cố ý; Chánh án Ngyễn Hòa Bình đã cài thế triệt buộc mà Quốc Hội khóa này không thể thực hiện điều luật mà không phạm vào điều 21 và 53 Bộ Luật TTHS
Theo Điều 21 nhằm bảo đảm sự vô tư của người có thẩm quyền tiến hành tố tụng, người tham gia tố tụng “Người có thẩm quyền tiến hành tố tụng, người phiên dịch, người dịch thuật, người giám định, người định giá tài sản, người chứng kiến không được tham gia tố tụng nếu có lý do cho rằng họ có thể không vô tư trong khi thực hiện nhiệm vụ”.
Điều 53 ở điểm C quy định Thẩm phán phải từ chối xét xử nếu “đã tham gia xét xử sơ thẩm hoặc phúc thẩm hoặc tiến hành tố tụng vụ án đó với tư cách là Điều tra viên, Cán bộ điều tra, Kiểm sát viên, Kiểm tra viên, Thẩm tra viên, Thư ký Tòa án” tức là không được hai lần tham gia tố tụng một vụ án cho dù với tư cách khác nhau.
Trong phiên tòa Giám Đốc Thẩm vừa qua, luật cho phép có thể thành lập Hội đồng từ 3, 5, hoặc toàn thể thành viên Hội đồng Thẩm Phán. Nguyễn Hòa Bình đã chơi thẳng tay, lập Hội Đồng với toàn bộ 17 thành viên. 17 cánh tay này đều đã nhúng chàm biểu quyết cho điều sai trái. Như vậy, nếu xem xét lại bản án thì với nhiệm kỳ hiện nay, không có thẩm phán nào có thể tham gia xem xét mà không vướng luật.
Như vậy, muốn áp dụng thực hiện điều 404, TVQH cũng chỉ được ra nghị quyết rồi chờ HĐTP nhiệm kỳ mới và với điều kiện là HĐ này phải thật sự mới, không có mặt 17 thành viên cũ.
Phải thay máu lãnh đạo TANDC và HĐTP
Nếu như vậy, cơ hội giải cứu cho Hồ Duy Hải và nền tư pháp Việt còn kéo dài và quá mong anh. Hệ thống xét xử Việt Nam sẽ tiếp tục vận hành theo nguyên tắc suy đoán có tội. Không đủ chứng cứ, vi phạm tố tụng, vẫn có thể tuyên án tử hình. Quan niệm và lề lối xét xử này thực tế đã và đang phổ cập.
Giải pháp duy nhất, liều thuốc mạnh duy nhất có thể giải cứu tình trạng này là thay máu guồng máy lãnh đạo TAND TC. Người duy nhất có quyền thực hiện điều này là Chủ Tịch Nước Nguyễn Phú Trọng.
Theo điều 88 Hiến Pháp năm 2013, Chủ tịch nước có những nhiệm vụ và quyền hạn sau đây:
3. Đề nghị Quốc hội bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao; căn cứ vào nghị quyết của Quốc hội, bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao; bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức Phó Chánh án Tòa án nhân dân tối cao,
Thẩm phán các Tòa án khác, Phó Viện trưởng, Kiểm sát viên Viện kiểm sát nhân dân tối cao; quyết định đặc xá; căn cứ vào nghị quyết của Quốc hội, công bố quyết định đại xá;
Và theo Khoản 7 điều 70 Hiến Pháp Quốc Hội có quyền “Bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm Chủ tịch nước, Phó Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội, Phó Chủ tịch Quốc hội, Ủy viên Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng dân tộc, Chủ nhiệm Ủy ban của Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Chủ tịch Hội đồng bầu cử quốc gia, Tổng Kiểm toán nhà nước, người đứng đầu cơ quan khác do Quốc hội thành lập; phê chuẩn đề nghị bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng và thành viên khác của Chính phủ, Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao; phê chuẩn danh sách thành viên Hội đồng quốc phòng và an ninh, Hội đồng bầu cử quốc gia.”
Cờ đang trong tay Vua
Với những vi phạm nghiêm trọng trọng vụ án Hồ Duy Hải và rất nhiều vụ án oan sai nổi cộm chưa được xem xét như Lê Văn Chưởng, Nguyễn Văn Mạnh, Đặng Văn Chiến, …. với hai vụ tự sát ở Bình Phước và Hà Nam đang thời sự cho thấy việc thay máu lãnh đạo và Hội Đồng Thẩm Phán là hết sức cần thiết và đúng đắn. Muốn chấm dứt căn bệnh suy đoán có tội thì một quyết định xử lý đúng đắn về nhân sự sẽ có giá trị thuyết phục hơn vạn buổi tập huấn về nguyên tắc suy đoan vô tội.
Đó cũng là phép thử cho sự công tâm, quyết liệt cứu chuộc nền công lý của ông Nguyễn Phú Trọng.
Đương nhiên, Hiến Pháp chỉ là bề nổi, chuyện nhân sự cấp cao hoàn toàn không thuộc về Quốc Hội mà nằm trong tay Bộ Chính Trị, Ban Bí Thư. Quyền lực ấy cũng trong tay Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng. Từng đưa Ủy Viên BCT như Đinh La Thăng vào lò thì chức vụ thành viên Ban Bí Thư của Nguyễn Hòa Bình không phải là bất khả xâm phạm.
Được biết, hiện nay song song với việc UBTP tập hợp ý kiến trích quan điểm với Quốc hội, Ban Nội Chính Trung Ương cũng đang tập hợp ý kiến để báo cáo Ban Bí Thư, Bộ Chính Trị.
Các quân cờ đã di động. Tiếp tục duy trì suy đoán vô tội hay xóa bỏ nó dể thiết lập nền công lý cho chế độ hoàn toàn nằm trong tay ông Trọng. Theo ý nghĩa này, thay máu TANDTC cũng là tiền đề cho thắng lợi Đại hội 13
1-https://nguoidothi.net.vn/vu-an-ho-duy-hai-dang-thach-thuc-ca-nen-cong-l…
2- https://nguoidothi.net.vn/tu-goc-nhin-hien-phap-va-the-che-23718.html
3-https://baovephapluat.vn/cai-cach-tu-phap/dien-dan/thanh-vien-uy-ban-tu-…
4-https://tuoitre.vn/quoc-hoi-se-co-quan-diem-chinh-thuc-ve-vu-ho-duy-hai-…
* Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á Châu Tự Do
https://www.rfa.org/vietnamese/news/blog/ho-duy-hai-case-ball-in-party-chief-court-06202020160831.html

Điểm tin trong nước sáng 21/6:

Dầu khí Tây Ban Nha rút khỏi Biển Đông;

New Zealand mở siêu thị 0 đồng ở Hà Nội

Tâm Tuệ
Mục điểm tin trong nước sáng Chủ nhật (21/6) của Đại Kỷ Nguyên xin gửi đến quý độc giả những nội dung chính sau:
Dầu khí Tây Ban Nha rút khỏi Biển Đông
Theo chuyên trang Năng lượng quốc tế của Petro Times, Tập đoàn dầu khí Repsol của Tây Ban Nha đã chuyển nhượng 30% quyền thăm dò tại lô dầu khí nước sâu 1-21 Khan Asparuh ngoài khơi Biển Đen cho hai cổ đông khác là Total và OMV.
Theo Archyde, Repsol cũng đã ký thỏa thuận với PetroVietnam để chuyển nhượng cổ phần tại ba lô thăm dò dầu khí thuộc vùng đặc quyền kinh tế VN. Ba lô này vốn đã không hoạt động từ ba năm nay do sức ép từ Trung Quốc, trong đó có dự án Cá Rồng Đỏ.
Bình luận nước ngoài cho hay, Việt Nam được coi là quốc gia rủi ro đối với tập đoàn dầu khí Tây Ban Nha do hoạt động của họ bị gián đoạn bởi xung đột trên Biển Đông.
Hơn 2.000 người thi vào Samsung Việt Nam
Ngày 20/6, báo VnExpress thông tin, hơn 2.000 ứng viên là kỹ sư, cử nhân đã tham gia thi tuyển vào làm việc tại công ty Samsung ngày 20/6.
Để được tuyển vào công ty, các ứng viên phải trải qua vòng thi GSAT (Global Samsung Aptitude Test), gồm ba phần cơ bản: toán học logic, suy luận và tư duy bằng hình ảnh. Đây là lần thứ 10 kỳ thi này được tổ chức tại Việt Nam, kể từ năm 2011.
Thời gian qua, nhiều công ty lắp đặt, sản xuất thiết bị điện tử liên tục tuyển dụng tại Việt Nam. Ngoài Samsung, một số đơn vị như Luxshare ICT – chuyên lắp ráp tai nghe Airpods cho Apple, cũng tổ chức tuyển hàng nghìn công nhân trong tháng 6.
New Zealand mở siêu thị 0 đồng ở Hà Nội
Theo VnExpress, Đại sứ quán New Zealand tại Hà Nội mở cửa siêu thị 0 đồng ở Khu công nghiệp Thăng Long, khai trương hôm 20/6, hỗ trợ 1.500 công nhân bị ảnh hưởng bởi dịch viêm phổi Vũ Hán.
Các mặt hàng trong siêu thị gồm gạo, trứng, ngũ cốc, rau, mì tôm, khẩu trang và thuốc sát trùng. Mỗi khách hàng ghé thăm siêu thị 0 đồng được chọn một gói nhu yếu phẩm trị giá 200.000 đồng.
New Zealand và Việt Nam năm nay kỷ niệm 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao. Quan hệ hai nước trong những năm qua đã có bước phát triển lớn mạnh và đều khắp trên nhiều lĩnh vực, từ chính trị, kinh tế cho đến thương mại, đầu tư, giáo dục…. Tính đến cuối tháng 3, tổng kim ngạch thương mại hàng hóa và dịch vụ hai chiều đạt gần 1,1 tỷ USD, tăng 12% so với cùng kỳ năm ngoái.
Vận động viên marathon bị lũ cuốn tử vong
Theo Vietnamnet, vào 13h ngày 20/6, mưa lớn ập xuống TP. Đà Lạt khi cuộc thi marathon đang diễn ra ở khu vực giáp với huyện Lạc Dương. Nước suối dâng cao, chảy siết, cắt ngang đường chạy khiến nhiều vận động viên cự ly 70 km và 100 km phải bỏ cuộc. Một nam vận động viên cố gắng băng qua con suối, không may bị nước cuốn và tử vong.
Đến 16h, ông Cil Poh (Phó Chủ tịch UBND huyện Lạc Dương) cho biết thi thể nam vận động được tìm thấy tại khu vực hồ suối Vàng, cách hiện trường một km.
https://www.dkn.tv/thoi-su/diem-tin-trong-nuoc-sang-21-6-dau-khi-tay-ban-nha-rut-khoi-bien-dong-new-zealand-mo-sieu-thi-0-dong-o-ha-noi.html

Điểm tin trong nước tối 21/6:

Thi thể bé gái 13 tuổi trong rừng phi lao;

Bắt đối tượng mua bán nội tạng

Tâm Minh – Hiểu Minh
Mục điểm tin trong nước tối 21/6 của Đại Kỷ Nguyên xin gửi đến quý độc giả những nội dung chính sau:
Thi thể bé gái 13 tuổi trong rừng phi lao
Thi thể bé gái trên được phát hiện trong khu rừng phi lao, gần bãi biển ở huyện Tuy An, sáng 21/6, sau bốn ngày mất tích, theo VnExpress.
Khu vực phát hiện thi thể ở gần cầu An Hải, xã An Ninh Đông, cách nhà của bé gái chừng 7 km. Rất đông người tập trung theo dõi. Cảnh sát căng dây phong tỏa hiện trường khám nghiệm, làm việc với những người liên quan để điều tra.
Ông Đỗ Văn Quang, 48 tuổi, bố nạn nhân cho hay, con gái đi ăn bánh tráng trộn với nhóm bạn vào tối 17/6. Đến khuya, người nhà nhận được cuộc gọi từ số điện thoại của cô bé kêu cứu, rồi cúp máy. Mọi người liền gọi lại nhưng không được.
Gia đình báo công an và tỏa đi nhiều nơi tìm kiếm bốn ngày qua.
Hà Nội: Bắt đối tượng mua bán nội tạng
Ngày 19/6, Công an quận Hà Đông (Hà Nội) cho biết đang tạm giữ hình sự Nguyễn Mạnh Hùng để điều tra về hành vi ‘Mua bán bộ phận cơ thể người’.
Báo Lao Động dẫn tin từ cơ quan điều tra, Nguyễn Mạnh Hùng khai nhận tháng 6/2019, Hùng đến khu vực Bệnh viện Quân y 103 (quận Hà Đông) xin làm tại một công trình đang xây dựng. Tại đây, Hùng thấy có nhiều bệnh nhân bị suy thận có nhu cầu ghép và nhiều người do hoàn cảnh khác nhau muốn bán thận để lấy tiền.
Hùng thuê phòng trọ tại nhà nghỉ trên địa phận phường Phúc La, sau đó tìm người bán để đưa về nuôi ăn ở tại đây. Đối tượng thỏa thuận với những người bán sẽ nhận được từ 250-300 triệu đồng/quả thận.
Theo báo Tiền Phong, trong khoảng thời gian từ tháng 11/2019 đến nay Hùng đã nhiều lần thực hiện hành vi mua bán thận, Hiện công an đã làm rõ 2 lần Hùng mua bán thận với giá hàng trăm triệu đồng.
Lực lượng chức năng đang mở rộng vụ án, truy bắt các đối tượng liên quan.
Một người tử vong do dịch bệnh Bạch hầu
Xã Quảng Hòa của huyện Đắk G’Long (Đắk Nông) có hai trường hợp dương tính với vi khuẩn bạch hầu, trong đó một người tử vong.
Nguồn tin trên được Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật tỉnh Đắk Nông xác nhận. Zing dẫn tin cho biết, tối hôm 20/6, 1 trong 2 người mắc bệnh bạch hầu đã tử vong là S.T.H. (9 tuổi). Bệnh nhi còn lại là M.V.T. (9 tuổi), hàng xóm tiếp xúc thường xuyên với H.
Theo ngành y tế, hôm 19/6, H. được gia đình đưa đi cấp cứu tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Đắk Nông trong tình trạng ho, đau họng, khó thở… H. sau đó chuyển biến nặng và được chuyển đến Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM và tử vong hôm 20/6 do bạch hầu ác tính biến chứng tim.
Còn bệnh nhân T., bệnh nhi đã được chuyển đến Bệnh viện đa khoa vùng Tây Nguyên (tỉnh Đắk Lắk) để điều trị, sức khỏe tương đối ổn định. Hiện chưa xác định được nguồn lây truyền bệnh.
Bác sĩ giả “lọt” vào cơ sở y tế
Theo Thanh Niên, trong quá trình kiểm tra nhân sự tại PK đa khoa Đại Phước (H.Nhơn Trạch) để chuẩn bị đi vào hoạt động, Thanh tra Sở Y tế Đồng Nai phát hiện hồ sơ của bà T.X.N (42 tuổi, thường trú TP.HCM), phụ trách chuyên môn Phòng chẩn đoán hình ảnh của PK, có vấn đề về bằng cấp, nên đã xác minh.
Nhận được văn bản của Sở Y tế Đồng Nai, Trường ĐH Y Dược TP.HCM sau đó có văn bản trả lời rằng bà T.X.N không có tên trong danh sách công nhận tốt nghiệp ĐH hệ chính quy ngành y đa khoa của trường và không được cấp bằng.
Sở Y tế Đồng Nai đã tạm giữ chứng chỉ hành nghề do Sở Y tế tỉnh BR-VT cấp cũng như Giấy chứng nhận khóa học: Đọc CT – Scanner do BV Chợ Rẫy cấp cho bà N., đồng thời đề nghị cơ quan chức năng xử lý.
https://www.dkn.tv/thoi-su/diem-tin-trong-nuoc-toi-21-6-thi-the-be-gai-13-tuoi-trong-rung-phi-lao-bat-doi-tuong-mua-ban-noi-tang.html

0 comments

Leave a comment

Powered by Blogger.