Hải Ngoại Ngày Nay


LIÊN KẾT HẢI NGOẠI YỂM TRỢ QUỐC NỘI ĐẤU TRANH

GIẢI THỂ CHẾ ĐỘ ĐỘC TÀI VIỆT CỘNG

GIẢi TRỪ HIỂM HỌA XÂM LĂNG TRUNG CỘNG

Tin Biển Đông – 21/06/2020

Sunday, June 21, 2020 5:57:00 PM // ,

Tin Biển Đông – 21/06/2020

Biển Đông: ‘TQ mượn gió bẻ măng’ nhưng ‘thời thế hiện không dễ cho họ’ -Mỹ Hằng – BBC News Tiếng Việt

TS Trần Công Trục, nguyên trưởng ban Biên giới chính phủ Việt Nam phản hồi ‘bốn kịch bản Trung Quốc (TQ) có thể làm nếu bị Việt Nam (VN) kiện ra tòa quốc tế‘ do ông Ngô Sỹ Tồn (Wu Shicun) Giám đốc Viện Nghiên cứu Quốc gia Trung Quốc về Biển Đông (NISCSS) công bố mới đây.
Trao đổi với BBC News Tiếng Việt, TS Trần Công Trục cho hay ông từng gặp ông Ngô Sỹ Tồn trong một cuộc đám phán giữa Việt Nam và Trung Quốc về giải quyết vấn đề tranh chấp trên vịnh Bắc Bộ cách đây nhiều năm và từng đọc một số bài nghiên cứu của ông Tồn, trong đó có bài viết về ‘bốn kịch bản’.
“Theo nhận định của tôi, với tư cách là một người nghiên cứu về luật pháp, tôi cho rằng ông này không phải là một chuyên gia luật. Vì những điều ông ấy viết không phản ánh tư duy khách quan của một chuyên gia luật pháp. Bốn kịch bản này thực sự chỉ là những lời mang tính chất hăm dọa, kích động, và không có gì mới. Trong thực tế TQ đã làm những điều này từ lâu,” ông Trục nói.
BBC: Theo ông nếu đúng là Trung Quốc sẽ tiến hành bốn kịch bản này, chính phủ Việt Nam có ‘dám’ kiện nữa không?
TS Trần Công Trục: Như tôi nói ở trên, bốn kịch này này Trung Quốc đã làm từ lâu. TQ chỉ lặp lại các các đe dọa trên phương diện ngoại giao kèm theo các hành động thô bạo trên thực tế.
Kịch bản một: TQ dọa sẽ công bố hệ thống đường cơ sở ở quần đảo Trường Sa của VN mà họ gọi là Nam Sa.
Trên thực tế, TQ đã làm điều này từ 1996, khi họ nối tất cả các điểm ngoài cùng của các thực thể thuộc quần đảo Hoàng Sa của VN mà TQ gọi là Tây Sa, để tạo thành đường cơ sở, như là một quốc gia quần đảo. Đây là việc TQ giải thích và áp dụng hoàn toàn sai Công ước Quốc tế về Luật Biển 1982 (UNCLOS 1982).
Nhiều học giả đã phân tích về hành động sai trái này. Đặc biệt trong công hàm của phái đoàn thường trực CHXHCNVN gửi cho Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc vừa qua cũng khẳng định quan điểm của UNCLOS 1982, quy định rằng không thể nối tất cả các điểm của các thực thể ở ngoài cùng quần đảo Trường Sa để biến nó thành một đường cơ sở, như là một quốc gia quần đảo.
Tôi cho rằng TQ đang làm tương tự với quần đảo Trường Sa. Sở dĩ họ chưa công bố đường cơ sở ở đây là do bị lên án rất nhiều, cho nên họ đang tính toán. Họ cũng đang tính toán để mở rộng, chiếm đóng thêm một số bãi cạn nằm ngoài quần đảo Trường Sa, gần thềm lục địa đặc quyền kinh tế của VN, Malaysia, Brunei, Indonesia và Philippines.
Đây là việc cố tình giải thích, áp dụng sai công ước để hiện thực hiện yêu sách đường chín đoạn phi pháp. Bây giờ họ chỉ nhắc lại chuyện cũ này, nó không có giá trị gì về mặt luật pháp quốc tế.
Điều 7 UNCLOS quy định một nước chỉ có thể vạch đường cơ sở thẳng nếu bờ biển nước này thuộc một trong ba trường hợp sau: (1) bờ biển khúc khủy, lồi lõm sâu, (2) có chuỗi đảo chạy dọc theo bờ biển và ngay liền kề, hoặc (3) bờ biển không ổn định do có đồng bằng châu thổ hoặc do các điều kiện tự nhiên khác.
Phán quyết năm 2016 của Tòa trọng tài (vụ Philippines kiện TQ): Tòa biết rằng có một số quốc gia sử dụng đường cơ sở thẳng cho các quần đảo xa bờ như là đường cơ sở quần đảo. Theo quan điểm của Tòa, bất kỳ việc áp dụng đường cơ sở thẳng nào đối với quần đảo Trường Sa theo cách thức đó đều trái với UNCLOS 1982 (điều 7).
Kịch bản hai: TQ đe dọa đẩy mạnh việc ngăn cấm, đánh đập, giam cầm các ngư dân VN hoạt động trên vùng biển Hoàng Sa, Trường Sa. Điều này họ cũng làm lâu rồi. Năm nào TQ cũng công bố quyết định cấm đánh bắt cá, năm nào cũng đốt tàu, bắt giam, đánh đập ngư dân VN.
Quốc tế cũng đã đánh giá đây là hành động “cướp biển” mang tính chất nhà nước. Nhưng tôi cho rằng TQ sẽ tiếp tục làm điều này chừng nào họ đạt được tham vọng khống chế, độc chiếm Biển Đông, chứ không cần chờ đến lúc VN kiện.
Kịch bản ba: TQ dọa tăng cường ngăn cản VN quân sự hóa ở Trường Sa. Việc họ nói VN quân sự hóa là hoàn toàn bịa đặt. TQ mới chính là nước đang quân sự hóa trên Biển Đông.
Việt Nam có mặt ở đó, trên 21 vị trí trên quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền VN, và có các lực lượng quân đội, khoa học kỹ thuật, nhân sự để quản lý và bảo vệ chủ quyền của mình trên các thực thể đó là điều rất bình thường mà VN vẫn làm từ trước đến nay để thực hiện các quyền và nghĩa vụ của mình.
Từ lâu TQ đã uy hiếp VN, thậm chí dùng vũ lực để đánh chiếm, gây ra thảm họa cho người Việt Nam trong lúc đang làm nhiệm vụ bảo vệ quần đảo Hoàng Sa, như vụ Gạc Ma.
TQ sẽ tiếp tục các hành động này, nhưng trong bối cảnh hiện nay khi nhiều nước trên thế giới đã lên tiếng phản đối, họ có làm được hay không chúng ta cần phải chờ xem.
Kịch bản thứ tư: TQ dọa triển khai khai thác dầu khí ở Bãi Tư Chính. Trên thực tế TQ đã thực hiện rồi, nhưng mà làm không được. Năm ngoái TQ đưa tàu địa chất Hải Dương vào hoạt động ở Bãi Tư Chính hơn một tháng để thăm dò điều kiện nhằm tiến hành khai thác ở đây.
Mục tiêu của họ là hợp pháp hóa đường lưỡi bò và biến các bãi cạn hoặc chìm dưới mặt nước trở thành một cấu trúc địa lý thuộc quần đảo Trường Sa. Đây là điều hết sức vô lý mà trong công hàm tôi nói ở trên, Việt Nam đã phản đối điều này. Các bãi cạn nửa nổi nửa chìm, hoặc hoàn toàn chìm dưới nước, không phải là đối tượng để biến thành bộ phận của một lãnh thổ nước nào.
UNCLOS 1982 đã nói rõ điều này: Nghiêm cấm biến các bãi cạn nằm trên thềm lục địa trở thành một bộ phận lãnh thổ của một quốc gia. Nhưng TQ vẫn cứ làm liều. Họ muốn áp đặt tư duy phi pháp của mình để thực hiện tham vọng vô lý.
BBC: Trong bốn kịch bản mà học giả Trung Quốc đưa ra, theo ông thì kịch bản nào TQ có nhiều khả năng thực hiện nhất và kịch bản nào ít khả năng nhất? Kịch bản nào ‘đáng sợ’ nhất đối với Việt Nam?
TS Trần Công Trục: Tôi cho rằng bốn kịch bản đó TQ đều có thể triển khai và đang tính toán thực hiện cả bốn. Tất nhiên là họ phải chọn thời điểm thích hợp, nhất là sau vụ dịch Covid-19.
Nhưng kịch bản tôi cho rằng họ có khả năng làm được nhất là kịch bản thứ nhất: Công bố đường cơ sở của quần đảo Nam Sa, để thực thi sách lược mà TQ gọi là Tứ Sa, biện minh cho yêu sách đường lưỡi bò phi pháp.
Khi họ công bố đường cơ sở này thì các nước có thể phản đối, nhưng thực ra công bố đó chỉ trên giấy tờ thôi, giống như TQ từng tuyên bố đường cơ sở ở quần đảo Tây Sa. Còn các kịch bản khác, họ có thể chỉ làm ở những phạm vi và điều kiện cho phép.
Ví dụ như việc TQ đánh đập, bắt bớ, đốt tàu cá thì đang gặp phải phản đối. Vì càng ngày quốc tế càng nhận ra bản chất phi pháp, phi đạo lý của TQ. Họ làm được các kịch bản còn lại như thế nào thì còn phụ thuộc vào thái độ của VN và quốc tế. Tôi nghĩ rằng VN sẵn sàng lên án và tìm mọi cách để đối phó lại các hoạt động phi pháp và trắng trợn của TQ.
Còn việc TQ đe dọa sẽ ngăn chặn hoạt động bảo vệ, quản lý của các lực lượng của VN trên các thực thể thuộc chủ quyền của VN thì liệu có làm được không trong tình hình hiện nay? Không phải dễ, bởi VN đang nỗ lực hợp tác cùng các quốc gia khác để tăng cường sức phòng thủ và sức chiến đấu của mình.
Khi chạm đến lãnh thổ thiêng liêng thì theo truyền thống của người VN “giặc đến nhà đàn bà cũng đánh”. Dù kiềm chế xung đột, nhưng nếu lãnh thổ bị xâm phạm, thì chắc chắn người VN sẽ cầm súng đứng lên bảo vệ và chiến đấu đến phút cuối cùng. Do đó TQ không dễ dàng làm được điều này.
Việc thăm dò khai thác dầu ở Bãi Tư Chính liệu TQ cũng có làm được như đe dọa không? Các công ty trên thế giới có hợp tác với họ không? Với điều kiện địa lý kinh tế xa xôi như vậy thì lợi ích kinh tế TQ đạt được là gì hay họ chỉ nhằm vào mục đích khác: cố tính khuấy động khu vực này để VN không thể tiến hành thăm dò dầu khí được? Nên nhớ là TQ đã làm việc này nhiều lần và cho tới nay VN vẫn đứng vững ở đó, vẫn tiến hành thăm dò khai thác dầu khí và vẫn bảo vệ được các quyền hợp pháp của mình trong khu vực này.
Trong bối dịch bệnh Covid-19 hiện nay, dù TQ đang tính toán để “đục nước béo cò”, “mượn gió bẻ măng”, nhưng nên nhớ những nước khác trong khu vực, cả kể những nước trước đây mềm mỏng với TQ như Malaysia, Philippines, Indonesia nay cũng có những tiếng nói phản đối mạnh mẽ TQ và ủng hộ lập trường của VN.
Các nước mạnh trên thế giới như Mỹ, EU, Ấn Độ, Nhật Bản đều lên tiếng phản đối TQ và kêu gọi cộng đồng quốc tế thượng tôn pháp luật. Nếu TQ tiếp tục các hành động trắng trợn này thì nhân loại sẽ không để yên. Với tình thế đó thì tôi cho rằng dù TQ đe dọa, hung hăng, nhưng có làm được không còn là câu chuyện khác.
BBC: Theo ông chính phủ Việt Nam có lường trước hết được các rủi ro của việc kiện Trung Quốc hay không và đã chuẩn bị cho việc này thế nào?
TS Trần Công Trục: Để chuẩn bị một hồ sơ để gửi lên các cơ quan tài phán quốc tế, VN đã nghiên cứu rất kỹ tất cả các điều kiện trong nhiều năm qua. Vấn đề là Việt Nam không thể kiện TQ bất cứ nội dung nào.
Nhiều người lầm tưởng nếu kiện là kiện về vấn đề chủ quyền Hoàng Sa, Trường Sa. Không phải vậy. Nếu sau các đàm phán song phương, đa phương không có kết quả, Việt Nam chỉ có thể đơn phương kiện việc TQ áp dụng sai công ước UNCLOS 1982. Giống như Philippines đã làm.
Việt Nam không thể đơn phương kiện TQ vấn đề chủ quyền trên quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa hay chủ quyền ở các vùng nước chồng lấn. Vì việc này không thuộc phạm vi điều chỉnh của UNCLOS 1982. Để kiện những vấn đề này thì phải có sự thỏa thuận của các nước liên quan. Đơn phương kiện các nội dung đó thì các cơ quan tài pháp không xem xét đâu.
Nhiều người nói VN sợ TQ nên không kiện là không đúng. Khi có chân lý, pháp luật thì VN sẵn sàng làm, vì chính điều đó mới là cách đối xử văn minh, giữ vững hòa hiếu, bảo vệ uy tín của các bên liên quan. Khi đưa ra kiện có nghĩa động cơ của VN là thượng tôn pháp luật, đưa mọi việc ra dưới ánh sáng pháp lý.
Nếu thua, VN sẵn sàng không tiếp tục những điều mà từ trước đến nay VN đã làm một cách sai trái nếu đó là phán quyết của tòa. Nhưng để kiện thì cần phải tính đến nội dung, thủ tục, thời cơ, hiệu quả của việc kiện.
BBC:Theo nhận định của ông, nếu đặt lên bàn cân các thiệt hại mà Trung Quốc có thể gây ra cho VN, và cái mà VN đạt được nếu kiện, thì ông ủng hộ kiện hay không?
TS Trần Công Trục: Tôi nghĩ rằng kiện là cách giải quyết mọi tranh chấp, bất đồng bằng biện pháp hòa bình. Việt Nam chưa bao giờ nói rằng sẽ không sử dụng biện pháp đó. Nhưng rõ ràng trong bối cảnh hiện nay, thì vấn đề kiện đòi chủ quyền Hoàng Sa, Trường Sa sẽ gác lại đó.
Cái có thể kiện hiện nay là như Philippines đã làm, kiện TQ về việc áp dụng sai công ước UNCLOS 1982. Nhưng nên nhớ rằng dù có phán quyết của tòa án, việc thực thi phán quyết lại không triển khai được do cơ chế thi hành án của các cơ quan tài phán quốc tế hiện nay phải thông qua Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc mà TQ là thành viên thường trực, có quyền phủ quyết.
Nghĩa là, thắng kiện thì được lợi về chính trị, ngoại giao, pháp lý, dư luận, và kết quả thắng đó sẽ trở thành một thực tiễn trong luật pháp quốc tế để người ta căn cứ vào đó đấu tranh để bảo vệ công lý. Nhưng như đã nói, việc thi hành phán quyết trên thực tế là không có. Do đó Việt Nam phải tính. Việc tập hợp ý kiến của các chuyên gia, luật sư, dư luận để cùng nhau có tiếng nói thống nhất là rất cần thiết.
BBC:Trong bối cảnh chính trị, xã hội toàn cầu hiện nay, khi các nước đang đương đầu với dịch bệnh Covid-19 và nền kinh tế nhiều nước trên thế giới đang phụ thuộc vào Trung Quốc, chính phủ VN cần chuẩn bị thêm những gì so để có thể đương đầu với Trung Quốc?
TS Trần Công Trục: Nhưng như phân tích của tôi ở trên, có lẽ chúng ta chưa cần thiết đưa vấn đề ra cơ quan tài phán lúc này, nhất là vấn đề liên quan đến giải thích, áp dụng công ước UNCLOS 1982. Do hiệu quả của nó trong thực tế là hạn chế, như đã nói ở trên. Cần tập hợp thêm dư luận để đấu tranh ngoại giao, tăng cường đoàn kết để duy trì công ước UNCLOS 1982. Đây là điều quan trọng hiện nay.
Tôi không nói VN không nên kiện, nhưng cần tính kỹ nội dung, thủ tục, thời điểm và hiệu quả. Đến lúc mà tình hình xấu hơn, TQ trắng trợn hơn thì VN cũng sẽ phải mạnh mẽ hơn trong các phương diện đấu tranh, cả về quân sự và pháp lý.
Cơ quan quản lý, lãnh đạo VN đã lường tước mọi tình huống có thế xảy trên mọi mặt trận và đã từng bước thực hiện. Trước việc TQ bất chấp tất cả để thực hiện các hành vi phi pháp thì trước mắt tự bản thân VN phải đoàn kết, đánh giá bản chất các sự kiện một cách bình tĩnh, khoa học chứ không phải trên cơ sở duy ý chí. Muốn như vậy phải thể hiện rõ ràng lập trường pháp lý của mình để bạn bè quốc tế đồng tình ủng hộ. Tôi nghĩ vừa rồi VN đã làm được một số điều trong các việc này, do đó nhận được sự ủng hộ của nhiều nước trên thế giới.
Tiềm lực quốc phòng của VN ngày càng được cải thiện hơn. VN đủ sức tự vệ trước hành động phi pháp của các nước khác, đặc biệt là TQ.

3 tàu sân bay Mỹ diễn tập trước thềm Biển Đông,

 gửi ‘thông điệp mạnh mẽ’ đến Trung Quốc

Minh Hòa
Hải quân Hoa Kỳ đang gửi đi một “thông điệp mạnh mẽ” tới chính quyền Trung Quốc thông qua việc triển khai cùng lúc 3 nhóm tác chiến tàu sân Mỹ ở vùng biển Tây Thái Bình Dương, gồm Biển Đông, Biển Hoa Đông và Biển Philippines.
Theo thông báo trên website của Hạm đội Thái Bình Dương thuộc Hải quân Hoa Kỳ, hôm Chủ nhật (21/6), các nhóm tấn công của 2 tàu sân bay USS Theodore Roosevelt và USS Nimitz đã bắt đầu diễn tập ở Biển Philippines, khu vực ngay trước thềm Biển Đông mà Việt Nam có tuyên bố chủ quyền.
Đây là lần đầu tiên kể từ năm 2017, hải quân Hoa Kỳ triển khai cùng lúc 3 tàu sân bay ở trước thềm Biển Đông, một động thái được cho là thông điệp mạnh mẽ gửi đến Trung Quốc, trong bối cảnh căng thẳng giữa Washington và Bắc Kinh đang tiếp tục tăng cao, theo Japan Times.
Tờ báo của Nhật Bản đưa tin, các nhà phân tích cho biết sự xuất hiện của 3 tàu sân bay có khả năng gửi thông điệp tới Trung Quốc rằng, “mặc dù đại dịch virus corona đang diễn ra, quân đội Hoa Kỳ sẽ tiếp tục duy trì sự hiện diện mạnh mẽ trong khu vực”.
Bản thông báo của Hạm đội Thái Bình Dương cho biết hai nhóm tác chiến tàu sân bay đã bắt đầu các cuộc tập trận phòng không, giám sát trên biển, tiếp tế trên biển, huấn luyện chiến đấu phòng không, diễn tập tấn công tầm xa, điều động phối hợp và các cuộc tập trận khác.
“Đây là một cơ hội tuyệt vời để chúng tôi huấn luyện cùng nhau trong một kịch bản phức tạp”, theo lời của Đô đốc Doug Verissimo, chỉ huy của nhóm tác chiến tàu số 9. “Khi làm việc cùng nhau trong môi trường này, chúng tôi đang cải thiện kỹ năng và sẵn sàng chiến đấu tại một khu vực ngày càng trở nên căng thẳng và trong bối cảnh dịch COVID-19”.
Bản thông báo của Hạm đội Thái Bình Dương trích dẫn tuyên bố của Chuẩn đô đốc James Kirk, chỉ huy của nhóm tác chiến số 11: “Các hoạt động của chúng tôi thể hiện sự kiên cường và sẵn sàng của lực lượng hải quân chúng tôi và là một thông điệp mạnh mẽ về cam kết của chúng tôi đối với an ninh và ổn
định trong khu vực, khi chúng tôi bảo vệ các quyền lợi quan trọng, quyền tự do và sử dụng hợp pháp các vùng biển vì lợi ích của tất cả các quốc gia”.
Nhóm tác chiến số 11 bao gồm tàu sân bay USS Nimitz (CVN 68), tàu tuần dương tên lửa dẫn đường USS Princeton (CG 53) và các tàu khu trục tên lửa dẫn đường Destroyer Squadron (DESRON) 9, bao gồm tàu USS Sterett (DDG 104), USS Ralph Johnson ( DDG 114) và Carrier Air Wing (CVW) 17.
Nhóm tác chiến số 9 bao gồm tàu sân bay USS Theodore Roosevelt (CVN 71), tàu tuần dương tên lửa dẫn đường USS Bunker Hill (CG 53) và các tàu khu trục tên lửa dẫn đường từ Khu trục hạm (DESron) 23, USS Russell (DDG 59), USS Rafaela Peralta DDG 115) và Carrier Air Wing (CVW) 11.

Dầu khí Tây Ba Nha

rút khỏi biển Đông và nguy cơ nào chờ đợi VN?

Bình luận nước ngoài cho hay, Việt Nam được coi là quốc gia rủi ro đối với tập đoàn dầu khí Tây Ban Nha do hoạt động của họ bị gián đoạn bởi xung đột trên biển Đông.
Theo chuyên trang Năng lượng quốc tế của Petro Times, Tập đoàn dầu khí Repsol của Tây Ban Nha đã chuyển nhượng 30% quyền thăm dò tại lô dầu khí nước sâu 1-21 Khan Asparuh ngoài khơi Biển Đen cho hai cổ đông khác là Total và OMV. Sau khi chuyển nhượng, Total sẽ nắm giữ 57,14% cổ phần và công ty OMV của Áo sẽ sở hữu 42,86% cổ phần còn lại tại lô này.
Còn theo Archyde, Repsol đã ký thỏa thuận với PetroVietnam để chuyển nhượng cổ phần tại ba lô thăm dò dầu khí thuộc vùng đặc quyền kinh tế VN (51,75% cổ phần ở lô 07/03 PSC và 40% cổ phần ở lô 135-136/03 PSC). Ba lô này vốn đã không hoạt động từ ba năm nay do sức ép từ Trung Quốc, trong đó có dự án Cá Rồng Đỏ.
Archyde cũng đưa tin, Trung Quốc đã có hành động uy hiếp Việt Nam vào tháng 7/2017 và 3/2018, sau đó Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đã yêu cầu Respol tạm dừng hoạt động khai thác lô dầu đang được Repsol tiến hành trong các khối 07/03 và 136/03.
Giữa tháng 6 năm nay, tàu Hải Dương Địa Chất 4 của Trung Quốc đã xâm nhập vào vùng đặc quyền kinh tế biển của Việt Nam, vào ngày 17/6 có lúc tàu này chỉ cách đảo Phú Quý hơn 200km.
Trang tin Archyde bình luận, “bằng cách này (chuyển nhượng cổ phần), Repsol được cho là đã hóa giải được cuộc xung đột với Tập đoàn Dầu khí Việt Nam liên quan đến tình trạng của các lô này và làm giảm sự hiện diện của họ ở Việt Nam, “một quốc gia được coi là rủi ro, bởi trong những năm gần đây, các hoạt động của họ đã bị ảnh hưởng bởi cuộc xung đột lãnh thổ trên Biển Đông”.

0 comments

Leave a comment

Powered by Blogger.