Hải Ngoại Ngày Nay


LIÊN KẾT HẢI NGOẠI YỂM TRỢ QUỐC NỘI ĐẤU TRANH

GIẢI THỂ CHẾ ĐỘ ĐỘC TÀI VIỆT CỘNG

GIẢi TRỪ HIỂM HỌA XÂM LĂNG TRUNG CỘNG

Tin khắp nơi – 21/06/2020

Sunday, June 21, 2020 5:53:00 PM // ,

Tin khắp nơi – 21/06/2020

Hoa Kỳ từ chối yêu cầu gia tăng số lượng chuyến bay của các hãng hàng không Trung Cộng

Tin từ WASHINGTON, DC – Vào hôm thứ Sáu (19/6), Hoa Kỳ từ chối yêu cầu gia tăng số chuyến bay hàng tuần giữa hai quốc gia của các hãng hàng không Trung Cộng, nhưng cho biết quyết định này không được đưa ra để làm gia tăng căng thẳng về các hạn chế du lịch.
Trong một tuyên bố, Bộ Giao thông Vận tải Hoa Kỳ cho biết quyết định này được đưa ra để “duy trì tính cân bằng” trong các dịch vụ hành khách theo lịch trình giữa hai quốc gia, và Bộ sẵn sàng xem xét lại quyết định nếu chính quyền Trung Cộng điều chỉnh các chính sách đang ảnh hưởng đến các hãng hàng không Hoa Kỳ.
Đầu tuần này, Hoa Kỳ và Trung Cộng cho biết họ sẽ cho phép bốn chuyến bay hàng tuần giữa hai quốc gia. Vào hôm thứ Hai (15/6), Bộ Giao thông vận tải cho biết rằng Bộ vẫn hy vọng Trung Cộng sẽ đồng ý khôi phục toàn bộ quyền bay của Hoa Kỳ theo thỏa thuận hàng không song phương của họ. Hoa Kỳ đe dọa sẽ cấm các chuyến bay chở hành khách của Trung Cộng vào ngày 16 tháng 6 do sự hạn chế của Bắc Kinh đối với các hãng hàng không Hoa Kỳ trong bối cảnh căng thẳng giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới, và khiến nhiều người lo ngại về số lượng chuyến bay  mà các hãng hàng không Trung Cộng muốn thực hiện.
Trong số các hãng hàng không của Hoa Kỳ, Delta Air Lines và United Airlines từng tìm cách khởi động lại các chuyến bay chở khách hàng ngày đến Trung Cộng vào tháng 6, nhưng thay đổi kế hoạch của họ do không được chính quyền Trung Cộng chấp thuận. (BBT)
https://www.sbtn.tv/hoa-ky-tu-choi-yeu-cau-gia-tang-so-luong-chuyen-bay-cua-cac-hang-hang-khong-trung-cong/

Ba tàu sân bay Mỹ cùng lúc ở Thái Bình Dương

ám chỉ điều gì?

Việc triển khai hải quân quy mô lớn không phải là ngẫu nhiên. Với việc Trung Quốc dường như lợi dụng đại dịch coronavirus mới để đẩy mạnh yêu sách của mình, Mỹ đã quyết tâm chống lại, bài báo của Forbes nhận định.
Vào ngày 3/4, một tàu Trung Quốc đã đâm chìm một chiếc thuyền đánh cá Việt Nam ở biển Đông.
Cũng trong khoảng thời gian đó, Trung Quốc tuyên bố thành lập hai “đơn vị hành chính”, đặt trên các đảo nhân tạo.
Trong khi đó, Bắc Kinh tuyên bố đã thành lập trạm nghiên cứu mới trên Đá Chữ Thập.
Hai tháng sau vào giữa tháng 6, Hải quân Mỹ đã triển khai ba nhóm tác chiến tàu sân bay đến phía tây Thái Bình Dương. Mỗi nhóm có khoảng 20 tàu chiến mặt nước, một số tàu ngầm và gần 200 máy bay.
Việc triển khai hải quân quy mô lớn không phải là ngẫu nhiên. Với việc Trung Quốc dường như lợi dụng đại dịch coronavirus mới để đẩy mạnh yêu sách của mình, Mỹ đã quyết tâm chống lại.
Người Trung Quốc “không nghĩ hải quân Mỹ sẽ đưa ra tuyên bố mạnh mẽ để đáp trả như thế”, Jerry Hendrix, một phi công hải quân đã nghỉ hưu, hiện là nhà phân tích cho Trung tâm An ninh Mỹ mới ở Washington, D.C, viết trên Twitter.
Bộ Ngoại giao Mỹ vào ngày 6/4 đã phản đối các động thái trên biển của Trung Quốc hồi đầu năm, bắt đầu bằng việc đâm va tàu bè. Đây là vụ việc mới nhất trong một chuỗi dài các hành động của Trung Quốc nhằm khẳng định các yêu sách hàng hải bất hợp pháp và gây bất lợi cho các nước láng giềng Đông Nam Á ở biển Đông, Bộ Ngoại giao Mỹ cảnh báo.
Hải quân Mỹ mất nhiều thời gian hơn để huy động các tàu sân bay USS Theodore Roosevelt, USS Nimitz và USS Ronald Reagan. Đại dịch đã tác động nghiêm trọng đối với thủy thủ đoàn của tàu Roosevelt và Reagan. Cả hai tàu đều trải qua đợt bùng phát dịch vào tháng Tư.
Hạm trưởng tàu Roosevelt Brett Crozier đã bị chỉ trích hồi cuối tháng 3 sau khi kêu gọi cấp trên cho phép ông cho thủy thủ đoàn rời tàu ở đảo Guam để xét nghiệm virus. Quyền bộ trưởng hải quân Thomas Modly đã miễn nhiệm quyền chỉ huy của Crozier sau đó bay tới đảo Guam để trách mắng các thủy thủ của Crozier. Gặp phản ứng dữ dội, Modly từ chức.
Kết hợp ba tàu sân bay là một kỳ công ngay cả khi không có đại dịch. Hải quân Mỹ có kế hoạch triển khai chỉ sáu trong số 11 tàu sân bay trong vòng 30 ngày trong một cuộc khủng hoảng, còn trong vòng 90 ngày thì có thêm tàu thứ 7. Năm trong số các tàu sân bay Mỹ thuộc Hạm đội Thái Bình Dương.
Lần gần đây nhất Hải quân Mỹ triển khai cùng lúc ba tàu sân bay vào Thái Bình Dương là vào năm 2017. Năm 1996, hạm đội Thái Bình Dương điều tàu USS Independence và tàu sân bay USS Nimitz cùng nhóm chiến đấu của nó đến gần Đài Loan để đối phó với các mối đe dọa của Trung Quốc.
Các sự kiện năm 1996 được xem là bước ngoặt trong sự phát triển của Trung Quốc. Trong khi Bắc Kinh đã bắt đầu chi tiêu nhiều hơn cho các lực lượng vũ trang, hiện đại hóa đã tăng tốc sau cuộc khủng hoảng eo biển Đài Loan năm 1996, và ngân sách quốc phòng của Trung Quốc bắt đầu tăng nhanh, RAND, tổ chức nghiên cứu ở California nói trong một báo cáo năm 2015.
Hãy xem xét các tên lửa hành trình chống hạm phóng từ trên không của Trung Quốc. Trong  năm 1996, máy bay ném bom lạc hậu Q-5 của Trung Quốc có thể khai hỏa tên lửa YJ-81 ở vị trí gần 1.000km tính từ các căn cứ của chúng. Vào năm 2017, máy bay chiến đấu hiện đại J-16 trang bị  tên lửa YJ-62 có thể tấn công tàu khi cách căn cứ của chúng 1.600km.
Vì vậy, khi ba tàu sân bay Mỹ và đội hộ tống của chúng vào phía tây Thái Bình Dương hồi tháng 6, Bắc Kinh đã không ngần ngại phản đối.
“Bằng cách tập trung các tàu sân bay này, Mỹ đang cố gắng chứng minh với toàn bộ khu vực và thậm chí cả thế giới rằng họ vẫn là lực lượng hải quân hùng mạnh nhất, khi họ có thể tiến vào biển Đông và đe dọa quân đội Trung Quốc, tờ Hoàn Cầu của Trung Quốc viết, mô tả chiến lược của Mỹ trong khu vực là “bá quyền”.
http://biendong.net/bi-n-nong/35366-ba-tau-san-bay-my-cung-luc-o-thai-binh-duong-am-chi-dieu-gi.html

Mỹ tác động

vào sáng kiến “Vành đai và con đường” của TQ

Tham vọng của Trung Quốc kết nối các quốc gia và châu lục thông qua sáng kiến “Vành đai và Con đường” đã vấp trở ngại ở Rumani khi Bucharest huỷ bỏ kế hoạch về một dự án kết nối năng lượng hạt nhân. Sự gia tăng ảnh hưởng của Mỹ trên toàn cầu có thể khiến các nước đồng minh nhỏ của Washington cân nhắc lại việc làm ăn với Trung Quốc.
Tuần trước, Rumani đã đình chỉ việc hợp tác với đối tác Trung Quốc trong dự án xây dựng hai lò phản ứng hạt nhân của công ty Nuclearelectrica. Đây là một phần nằm trong sáng kiến “Vành đai và con đường” đầy tham vọng của Bắc Kinh, với Rumani đóng vai trò như bàn đạp để thâm nhập vào Đông Âu.
Chỉ vài ngày trước đó, Israel, đồng minh lớn khác của Mỹ, quyết định trao dự án khử mặn trị giá 1,5 tỷ đôla cho một công ty Israel sau khi Mỹ cảnh báo sự hiện diện ngày càng nhiều của đầu tư có liên quan tới Trung Quốc tại đất nước này.
Theo các nhà quan sát trong khu vực, hai trường hợp trên đã nêu bật sự đối đầu ngày càng gay gắt giữa Mỹ và Trung Quốc.
Trở lại với dự án hạt nhân của Nuclearelectrica, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường đã tán dương vai trò “không thể thiếu” của Rumani trong mối quan hệ giữa Bắc Kinh với Đông Âu cũng như toàn bộ khối EU. Ông Lý cũng tham gia việc ký một số thỏa thuận song phương, gồm một bản ghi nhớ về việc sử dụng năng lượng hạt nhân một cách hoà bình, mở đường cho thoả thuận với Nuclearelectrica.
Tuy nhiên, khi Tổng thống Rumani và Mỹ ký một tuyên bố chung vào năm ngoái, kêu gọi sự hợp tác chặt chẽ hơn giữa hai nước về năng lượng hạt nhân, thì triển vọng hợp tác với Bắc Kinh đã trở nên không còn chắc chắn.
Ngay đầu tháng Một, Thủ tướng Rumani Ludovic Orban đã cảnh báo chính phủ của ông sẽ rút khỏi thỏa thuận với Trung Quốc vì “quan hệ đối tác với công ty Trung Quốc sẽ không tiến triển,” theo trang tin Hotnews của Rumani.
Andrea Brinza, phó Chủ tịch Viện nghiên cứu châu Á – Thái Bình Dương của Rumani, suy đoán rằng “những khuyến cáo nghiêm khắc” từ Mỹ và EU có thể đóng vai trò quyết định.
Bà cho hay những quan ngại của Rumani, như một khoản đầu tư của Trung Quốc vào cơ sở hạ tầng quan trọng; việc Rumani tiếp nhận binh sĩ Mỹ và hệ thống tên lửa phòng thủ tối tân; hay những vấn đề về tài trợ nhà nước, đã khiến chính phủ Rumani quyết dịnh tốt nhất là không tiếp tục dự án với phía Trung Quốc.
Ông Jakub Jakobowski tại Trung tâm nghiên cứu phương đông ở Warsaw, nói rằng Bắc Kinh đã hy vọng thỏa thuận với Rumani sẽ là một trường hợp thành công của dự án hạt nhân Trung Quốc tại EU.
“Họ hy vọng rằng nó sẽ thúc đẩy Rumani đẩy mạnh đối thoại năng lượng trong nhóm 17+1,” ông Jakobowski nói, đề cập tới một diễn đàn hợp tác giữa Trung Quốc và các nước Trung và Đông Âu.
Ông cũng nhận định trường hợp Rumani là một ví dụ điển hình về đối đầu Mỹ – Trung  tại Trung và Đông Âu. Theo đó, áp lực ngày càng gia tăng từ Mỹ, cộng với việc mất kiên nhẫn về những lợi ích kinh tế mà Bắc Kinh hứa hẹn, đã buộc các nước Trung và Đông Âu xem xét lại chiến lược của họ.
“Sức ép của Mỹ lên khu vực bắt đầu tương đối muộn, vào năm 2018, sau nhiều năm các nước ở khu vực Trung và Đông Âu ngày càng vỡ mộng về những điều khoản hợp tác kinh tế mà Trung Quốc đưa ra, đặc biệt trong nhóm 17+1.”
“Nhiều chính phủ hiện quyết định hy sinh một phần các quan hệ với Trung Quốc – đằng nào nó cũng không còn quá hứa hẹn – để ghi thêm điểm với Washington và Brussels.”
Ông Jakobowski cho biết không có một dấu hiệu nào cho thấy các nước Trung và Đông Âu sẽ từ bỏ quan hệ an ninh của họ với Mỹ, mà hầu hết đều mong được củng cố mối quan hệ với Washington trong hợp tác về mạng 5G hay các dự án hạ tầng quan trọng.
Sự đổ vỡ của những dự án lớn như thỏa thuận hạt nhân Rumani là một thất bại trong sáng kiến “Vành đai và con đường” của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nhằm thúc đẩy các kết nối hạ tầng khắp châu Á, châu Phi và châu Âu.
Sáng kiến được kỳ vọng sẽ bao gồm các dự án ước tính một nghìn tỷ đôla Mỹ, với nhiều dự án là các tuyến đường bộ và đường sắt, tại hơn 125 quốc gia trên thế giới.
Mặc cho khủng hoảng kinh tế từ đại dịch virus corona, Bắc Kinh dự định tiếp tục rót tiền cho các nước nằm trong “Vành đai và con đường.” Trong 4 tháng đầu năm nay, Trung Quốc đã chi 5,23 tỷ đôla vốn đầu tư trực tiếp vào các lĩnh vực phi kinh tế tại 53 quốc gia dọc theo “Vành đai và con đường,” tăng 13,4% mỗi năm, theo Bộ Thương mại Trung Quốc.
Đã có nhiều ý kiến quan ngại rằng những nước nghèo khi hưởng các khoản đầu tư từ Trung Quốc sẽ phải gánh những khoản nợ không thể trả; hay Bắc Kinh sử dụng nó để mở rộng ảnh hưởng địa chính trị.
Các quan chức Mỹ đã cảnh báo công khai về các dự án hạ tầng do Trung Quốc tài trợ ở châu Phi, châu Mỹ Latin và châu Á. Trong chuyến thăm tới Warsaw tháng 2 năm ngoái, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo nói Trung Quốc, cùng với Nga, đã đặt ra hai mối đe dọa sóng đôi đối với những thành tựu về dân chủ và thị trường tự do kể từ khi bức tường Berlin sụp đổ năm 1989.
Ông Pompeo nói Mỹ sẵn sàng đẩy mạnh các cam kết đối với khu vực thông qua thoả thuận hợp tác quốc phòng và các chương trình trao đổi.
Ngoại trưởng Mỹ cũng cảnh báo về “ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc” ở Israel hồi tháng trước.
Mười ngày sau chuyến thăm của ông Pompeo, Israel thông báo rằng họ đã trao hợp đồng khử mặn cho công ty địa phương IDE Technologies.
Đặc biệt, kể từ sau khi Quốc hội Trung Quốc thông qua Luật an ninh quốc gia đối với Hồng Kông, áp lực lên những nước đồng minh của Mỹ nhưng đồng thời có mối quan hệ làm ăn với Trung Quốc, đã trở nên ngày càng lớn.
Carice Witte, giám đốc điều hành của Mạng lưới toàn cầu Trung Quốc – Israel, nhận định bước đi của Bắc Kinh đối với Hồng Kông có thể sẽ khiến nhiều người phương Tây khẳng định quan điểm rằng không thể tin tưởng là Trung Quốc sẽ giữ lời hứa mà họ đã thỏa thuận.
http://biendong.net/dam-luan/35374-my-tac-dong-vao-sang-kien-vanh-dai-va-con-duong-cua-tq.html

Chiến tranh lạnh Mỹ Trung

‘là mối đe dọa toàn cầu lớn hơn Covid-19′

Karishma VaswaniAsiaPhóng viên Kinh doanh BBC
Chiến tranh lạnh lan rộng giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc sẽ là mối lo ngại lớn hơn đối với thế giới so với virus corona, theo Jeffrey Sachs, nhà kinh tế học có ảnh hưởng.
Thế giới đang hướng đến một thời kỳ “gián đoạn lớn mà không có sự dẫn dắt nào” sau hậu đại dịch, ông nói với BBC.
Thực trạng rạn nứt giữa hai siêu cường sẽ làm trầm trọng thêm điều này, ông cảnh báo.
Giáo sư Đại học Columbia đổ lỗi cho chính quyền Hoa Kỳ về sự thù địch giữa hai nước.
“Hoa Kỳ là lực đẩy tạo chia rẽ chứ không hợp tác,” ông nói với tôi trong một cuộc phỏng vấn cho chương trình Bản tin Kinh doanh châu Á của BBC.
“Đó là một lực đẩy cố gắng tạo ra một cuộc chiến tranh lạnh mới với Trung Quốc. Nếu điều này xảy ra – nếu cách tiếp cận đó được sử dụng, thì chúng ta sẽ không thể trở lại bình thường được, thực sự chúng ta sẽ cuốn vào cuộc tranh cãi lớn hơn và nguy hiểm hơn.”
Virus corona: Suy thoái kinh tế sẽ theo mô hình nào?
Anh xem lại vai trò của Huawei trong việc xây mạng 5G
Căng thẳng gia tăng
Bình luận của ông Sachs được đưa ra khi căng thẳng giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc đang tiếp tục gia tăng trên nhiều mặt chứ không chỉ thương mại.
Tuần này, Tổng thống Trump đã ký luật mở đường cho các lệnh trừng phạt của Hoa Kỳ đối với các quan chức Trung Quốc chịu trách nhiệm đàn áp người Hồi giáo ở tỉnh Tân Cương.
Và trong một cuộc phỏng vấn với Tạp chí Phố Wall, ông Trump nói ông tin rằng Trung Quốc có thể đã khuyến khích sự lây lan của virus trên phạm vi quốc tế như một cách để gây bất ổn cho các nền kinh tế cạnh tranh.
Chính quyền Trump cũng đã nhắm vào các công ty Trung Quốc, đặc biệt là hãng viễn thông khổng lồ Huawei của Trung Quốc, công ty mà Washington nói đang được sử dụng để giúp Bắc Kinh theo dõi khách hàng của mình.
Trung Quốc phủ nhận điều này, Huawei cũng vậy. Nhưng lập trường cứng rắn của Tổng thống Trump đối với Trung Quốc và Huawei có thể là một phần của một mưu đồ chính trị để được bầu lại – ít nhất là theo một cuốn sách mới của cựu Cố vấn An ninh Quốc gia Hoa Kỳ, John Bolton.
Giáo sư Sachs đồng ý rằng việc tấn công Huawei không bao giờ đơn giản là quan ngại bảo mật.
“Hoa Kỳ đã mất đà đối với 5G, một phần quan trọng của nền kinh tế kỹ thuật số mới. Và Huawei đã chiếm thị phần ngày càng lớn hơn trên thị trường toàn cầu.
“Theo tôi, Hoa Kỳ đã dựng lên quan điểm cho rằng Huawei là mối đe dọa toàn cầu. Và dựa vào các đồng minh của họ rất nhiều … để cố gắng phá vỡ mối quan hệ với Huawei,” ông nói.
Căng thẳng bùng phát
Hoa Kỳ không phải là nước duy nhất mà Trung Quốc bị vướng mắc vào mâu thuẫn.
Căng thẳng tuần này đã bùng lên ở biên giới Trung Ấn với ít nhất 20 binh sĩ Ấn Độ thiệt mạng trong một số vụ bạo lực tồi tệ nhất mà xảy ra trong gần 50 năm.
Trong khi đó, Trung Quốc đã tích cực tài trợ cho các dự án kinh tế ở Pakistan, Myanmar, Sri Lanka và Nepal – những nước láng giềng gần nhất của Ấn Độ – và hoạt động này đã gây lo ngại ở Delhi rằng Bắc Kinh đang cố gắng cắt đứt ảnh hưởng của Ấn Độ trong khu vực.
Ông Sachs thừa nhận rằng sự trỗi dậy của Trung Quốc là mối quan tâm của các nước láng giềng ở châu Á – đặc biệt là nếu họ không làm gì nhiều hơn để xoa dịu sự lo sợ rằng Bắc Kinh đang cố gắng phát triển theo cách hòa bình và hợp tác.
“Tôi có tin rằng Trung Quốc có thể làm nhiều hơn để giảm bớt nỗi lo sợ rất thật không? Tôi tin là có,” ông nói với tôi.
“Thực sự là sự lựa chọn lớn nằm trong tay Trung Quốc. Nếu Trung Quốc hợp tác, nếu nước này tham gia vào ngoại giao, hợp tác khu vực và đa phương, hay nói cách khác là sức mạnh mềm, vì Trung Quốc là một quốc gia rất hùng mạnh…thì tôi nghĩ rằng châu Á có một tương lai tươi sáng.”
https://www.bbc.com/vietnamese/business-53127575

Nghị sĩ Mỹ: Hoa Kỳ phải đối đầu và triệt phá

 tuyên truyền sai lệch của Trung Quốc

Duy Nghĩa
Trong một bài phát biểu đăng trên tờ The Hill, nghị sĩ Michael McCaul, Chủ tịch Ủy ban An ninh Nội địa Hạ viện Mỹ, kêu gọi Hoa Kỳ phải đối đầu và triệt phá tuyên truyền sai lệch của Trung Quốc.
Là dân biểu đại diện cho tiểu bang Texas, và giữ vai trò lãnh đạo Đảng Cộng hòa cho Ủy ban Đối ngoại Hạ viện, đồng thời là Chủ tịch Lực lượng đặc nhiệm Trung Quốc tại Hạ viện, hạ nghị sĩ McCaul cho rằng Trung Quốc đã phát động một chiến dịch tuyên truyền và thông tin sai lệch qui mô lớn, để che dấu và làm chệch hướng về nguồn gốc Covid-19.
Nhận định Trung Quốc không phải là đối tác đáng tin cậy trong cuộc chiến chống lại đại dịch Covid-19, ông McCaul đã cùng các nghị sĩ khác kêu gọi Bộ Ngoại giao Mỹ mở một cuộc điều tra về cáo buộc Trung Quốc “che giấu” đại dịch Covid-19.
Ông McCaul nhớ lại vào những năm 1980, khi virus HIV đang tàn phá thế giới, nhưng ít ai biết về nguồn gốc của nó. Nắm bắt được nỗi sợ hãi này, Liên Xô đã phát động một trong những chiến dịch làm mất uy tín khét tiếng nhất của họ. Được mệnh danh là “Operation Infektion” [Chiến dịch Tiêm nhiễm], các nhà hoạt động tình báo Liên Xô đã truyền bá các thuyết âm mưu, đổ lỗi cho các nhà khoa học Mỹ phát triển virus như một phần của nghiên cứu vũ khí sinh học. Hoạt động này nhằm mục đích làm tổn hại danh tiếng của Mỹ ở nước ngoài, và làm trệch hướng sự chú ý của thế giới vào sự lây lan của đại dịch AIDS ở Liên Xô cùng cáo buộc của Mỹ rằng Liên Xô đang phát triển vũ khí sinh học.
Cho rằng những mục tiêu và chiến thuật này lại được sử dụng [bởi Trung Quốc], ông McCaul cảnh báo: “Chúng ta đang phải đối mặt với một loại virus tàn phá thế giới – và một chế độ độc tài thâm hiểm khác, đang sử dụng thông tin sai lệch và tuyên truyền để gieo rắc nỗi sợ hãi, làm suy yếu danh tiếng của nước Mỹ, và làm chệch hướng chú ý đến sự tham nhũng của Đảng cộng sản Trung Quốc”.
Theo ông McCaul, từ cuối năm 2019, Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) “đã sử dụng mọi mánh khóe để che đậy lời nói dối của họ”. Điều đó cuối cùng đã dẫn đến việc virus trở thành một đại dịch.
“Họ bịt miệng các bác sĩ và nhà báo nói lên sự thật. Họ đã phỉnh phờ nhà lãnh đạo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) được họ lựa chọn cẩn thận, để thúc đẩy lời nói dối của họ, rằng virus không lây lan từ người sang người. Họ cho phép [người dân] đi du lịch lớn trong dịp Lễ hội mùa xuân [Tết nguyên đán] của họ, khiến cho căn bệnh này lan rộng không những khắp Trung Quốc, mà còn sang các quốc gia khác”, ông McCaul chỉ trích.
Ông McCaul cho rằng khi ngày càng có nhiều quốc gia yêu cầu câu trả lời cho sự xử lý sai lầm của ĐCSTQ về sự bùng phát dịch bệnh, Bắc Kinh đã tăng cường cả số lượng tuyên truyền và những ngôn từ hoa mỹ, đằng sau những lời dối trá đó.
Tuy nhiên, “ĐCSTQ có một cái gì đó mà Liên Xô không có, đó là internet”, ông McCaul nêu ra sự khác biệt.
ĐCSTQ đã vũ khí hóa internet và các phương tiện truyền thông xã hội Mỹ – các phương tiện truyền thông mà người dân Trung Quốc không được phép truy cập dưới chế độ áp bức – để tiếp tục truyền bá thông tin sai lệch ở Mỹ và trên toàn thế giới.
“Đáng buồn thay, các phương tiện truyền thông xã hội này đã nhiều lần chọn cách để xoa dịu ĐCSTQ, và cho phép họ tiếp tục đăng bài tuyên truyền, thay vì đứng lên ủng hộ cho sự thật”, ông McCaul bức xúc.
Ông McCaul chỉ rõ: “Lý thuyết âm mưu internet nổi tiếng nhất của ĐCSTQ là dòng tweet lăng nhục của họ rằng virus có nguồn gốc từ Mỹ và được Quân đội Mỹ đưa vào Trung Quốc”.
Trung Quốc cũng đã đăng tải những bộ phim hoạt hình thô thiển về Mỹ, truyền bá những lời nói dối về các đồng minh của Mỹ như Pháp khi bị Pháp chỉ trích việc xử lý COVID-19 của ĐCSTQ, và phát hành video bằng tiếng Ả Rập nhắm vào Trung Đông, và đổ lỗi cho virus corona ở Mỹ.
Ngoài các chiến dịch tuyên truyền trực tuyến, ông McCaul lưu ý Bắc Kinh cũng tiến hành “ngoại giao khẩu trang”, qua việc cung cấp các vật tư y tế trên khắp thế giới, trong một nỗ lực cố gắng trở thành một đối tác đáng kính trọng trong cuộc chiến chống lại virus corona. Trung Quốc hy vọng thế giới sẽ quên đi những thất bại của ĐCSTQ, đáng bị khiển trách về sự đau khổ toàn cầu mà họ đã gây ra.
Ông McCaul cũng chỉ rõ rằng tuyên truyền của Trung Quốc không hề “đề cập đến việc có bao nhiêu trong số những hàng hóa mà họ cung cấp này, bị lỗi, hoặc về cách mà họ đã tích trữ kho dự trữ của họ trong khi nói dối về sự lây lan của virus trong đất nước của chính họ”.
Ông McCaul cho rằng “mặc dù chính phủ Mỹ đã chống lại những hành động hung hăng này của ĐCSTQ, nhưng Mỹ thì cần phải làm nhiều hơn nữa”.
Để tăng tính thuyết phục, ông McCaul đưa ra một thí dụ về thời kỳ Chiến tranh Lạnh. Khi đó, không quá muộn, Mỹ đã thành lập ‘Nhóm làm việc về các biện pháp tích cực’ (AMWG), bao gồm các thành viên từ nhiều cơ quan khác nhau, do Bộ Ngoại giao Mỹ đứng đầu.
AMWG có nhiệm vụ không những theo dõi, mà còn tích cực đối đầu với thông tin sai lệch của Liên Xô. AMWG cũng bổ sung cho những nỗ lực của Cơ quan Thông tin Hoa Kỳ (USIA), trong việc phổ biến rộng rãi thông tin trung thực vào những nước ‘khép kín’.
“AMWG có hiệu quả cao, bao gồm cả việc phá hủy thành công “Chiến dịch Tiêm nhiễm” của Liên Xô”, ông McCaul nhận xét.
Cả hai tổ chức này của chính phủ Mỹ đều không còn hoạt động ngay sau khi Bức tường Berlin sụp đổ.
Nhưng ngày nay, ông McCaul nhấn mạnh “Mỹ lại một lần nữa đương đầu với chế độ độc tài, sử dụng thông tin sai lệch và tuyên truyền để khuếch đại các câu chuyện, bôi nhọ phương Tây. Hiện Cơ quan Truyền thông Toàn cầu Hoa Kỳ (USGM) tiếp tục sứ mệnh lịch sử của AMWG để phổ biến thông tin trung thực”.
Nhưng do AMWG đã không còn tồn tại, ông McCaul thông báo ông sẽ “sớm đưa ra một dự luật, để vực dậy tinh thần và nhiệm vụ tấn công của AMWG cho cuộc cạnh tranh tư tưởng ngày nay của chúng ta, với ĐCSTQ”.
Kết thúc bài phát biểu, ông McCaul kêu gọi: “Chúng ta không có thời gian để lãng phí những bài học của Chiến tranh Lạnh, đã bị xao nhãng. Mỹ phải thể hiện một phiên bản hiện đại của AMWG, và tạo ra một chiến lược dài hạn, để vạch trần và triệt phá chiến dịch thông tin sai lệch của ĐCSTQ”.
Theo The Hill
Duy Nghĩa biên soạn
https://www.dkn.tv/the-gioi/nghi-si-my-hoa-ky-phai-doi-dau-va-triet-pha-tuyen-truyen-sai-lech-cua-trung-quoc.html

Các trường đại học Hoa Kỳ

đã không tiết lộ khoản tài trợ từ ĐCS Trung Quốc

Bình luậnDu Miên
Tiết lộ gây sốc từ The Washington Free Bacon cho biết, có đến hơn 100 trường đại học Hoa Kỳ đã không công bố các khoản tài trợ từ Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), dấy lên hồi chuông báo động về sức ảnh hưởng của Bắc Kinh đối với hệ thống giáo dục bậc đại học trở lên của Hoa Kỳ.
Các trường đại học này đều đang có hoặc trước đây từng duy trì Viện Khổng Tử (VKT) – một chương trình do ĐCSTQ thiết lập để truyền bá văn hóa và ngôn ngữ Trung Quốc tới các sinh viên tại Hoa Kỳ.
Theo bản đánh giá của The Washington Free Bacon (TFB) đối với các báo cáo của liên bang, “Bộ Giáo dục [Hoa Kỳ] (DOE) yêu cầu tất cả các trường đại học được chứng nhận phải tiết lộ các phần quà tặng từ nước ngoài có trị giá hơn 250.000 đô-la Mỹ (khoảng 5,8 tỷ VNĐ), nhưng chỉ có khoảng 30% các trường có Viện Khổng Tử báo cáo về mối quan hệ tài chính của họ với Bắc Kinh”.
TFB đã tìm cách liên lạc với 75 ngôi trường có Viện Khổng Tử nhưng không báo cáo các khoản tài trợ từ ĐCSTQ, 22 trong số đó đã phản hồi lại. Nhiều đại diện đã trả lời rằng, họ không có nghĩa vụ phải
báo cáo khi phần tài trợ họ nhận được từ chính phủ Trung Quốc ít hơn 250.000 đô-la Mỹ. Ví dụ, phát ngôn viên của Đại học Wisconsin-Platteville nói rằng họ không cần phải báo cáo các khoản tài trợ từ nước ngoài trong năm 2019 “vì họ chỉ nhân được 246.711 đô-la Mỹ”.
Trao đổi với hãng thông tấn, bà Rachelle Peterson – giám đốc chính sách của Hiệp hội Học giả Quốc gia của Hoa Kỳ cho biết, tình trạng thiếu minh bạch từ phía các trường đại học này là “đáng báo động”.
Học viên của Viện Khổng Tử thuộc Indianapolis trong cuộc diễu hành kỷ niệm 100 năm Indianapolis 500 vào ngày 28/5/2011 trên đường phố Indianapolis, Indiana. (Ảnh của Robert Laberge / Getty Images)
Học viên của Viện Khổng Tử thuộc Indianapolis trong cuộc diễu hành kỷ niệm 100 năm Indianapolis 500 vào ngày 28/5/2011 trên đường phố Indianapolis, Indiana. (Ảnh của Robert Laberge / Getty Images)
“Thật sự rất đáng báo động khi sự minh bạch lại ít ỏi như vậy; 250.000 đô-la Mỹ là một ngưỡng quá cao. Một khoản tiền tài trợ với giá trị thấp hơn hẳn [mức này] cũng đã có thể tạo ra sức ảnh hưởng lớn đối với một trường cao đẳng hay đại học, đặc biệt là với các khoa khoa học xã hội nhân văn vốn thường có kinh phí thấp hơn [các khoa khác]”, bà Peterson nhận định.
Được biết, ĐCSTQ đã đầu tư hàng triệu đô-la Mỹ cho hơn 100 trường đại học có Viện Khổng Tử trên toàn Hoa Kỳ. Đối chiếu các hồ sơ liên bang có thể thấy rằng, trong số các trường đại học có báo cáo minh bạch về các khoản tài trợ tài chính, Đại học Michigan, Đại học Maryland và Đại học Emory đã nhận được tổng cộng 30.4 triệu đô-la Mỹ (khoảng 707,27 tỷ VNĐ), là các khoản đầu tư cho Viện Khổng Tử của các trường này trong khoảng từ năm 2014 đến năm 2020.
Các chuyên gia cảnh báo rằng tình trạng thiếu minh bạch trong việc báo cáo tài trợ từ nước ngoài trên diện rộng, càng nâng tầm sức ảnh hưởng của ĐCSTQ và gia tăng giá trị ngầm của chính quyền này lên đến hàng triệu đô-la.
Trong những năm gần đây, vấn đề các Viện Khổng Tử lấn sâu vào nền giáo dục đại học ở Hoa Kỳ đã trở thành đề tài gây tranh cãi và bị chỉ trích [nghiêm trọng].
Một báo cáo rất ấn tượng của Hiệp hội học giả quốc gia (NAS) năm 2017 bày tỏ quan ngại về ảnh hưởng của Viện Khổng Tử đến [vấn đề] tự do học thuật; và về mối quan hệ chặt chẽ của viện này với ĐCSTQ. “Các Viện Khổng Tử tránh không đề cập đến chủ đề về lịch sử chính trị của Trung Quốc và vi phạm nhân quyền, họ miêu tả Đài Loan và Tây Tạng là lãnh thổ không thể tranh cãi của Trung Quốc. Ngoài ra, họ cũng không cung cấp các kiến thức về lịch sử và văn hóa Trung Hoa mà chỉ đặt trọng tâm giáo dục vào lịch sử ĐCSTQ”.  NAS [đã đưa ra] đề nghị đóng cửa hoặc cải tổ tất cả các viện Khổng Tử.
Ngày 10/6, để giải quyết các vấn đề ảnh hưởng của Viện Khổng Tử do ĐCSTQ kiểm soát trong các trường học trên toàn quốc, Thượng viện Hoa Kỳ đã bỏ phiếu áp đảo thông qua “Dự luật liên quan tới quỹ nhà nước của trường đại học Mỹ” (Dự luật CONFUCIUS, hay gọi là Dự luật Khổng Tử).
Dự luật yêu cầu các Viện Khổng Tử ở khắp cả nước Hoa Kỳ phải do các trường đại học quản lý. Cụ thể, dự luật này quy định Viện Khổng Tử: cần bảo hộ tự do học thuật trong các trường đại học nơi có Viện Khổng Tử cấm áp dụng bất kỳ luật pháp nước ngoài nào trong khuôn viên trường và ủy quyền cho trường đại học nơi đặt Viện Khổng Tử  được toàn quyền kiểm soát nội dung giảng dạy của viện này, tổ chức các hoạt động, phân bổ kinh phí tài trợ nghiên cứu và thuê nhân viên.
Du Miên
https://www.ntdvn.com/the-gioi/dcstq-tai-tro-cac-truong-dai-hoc-hoa-ky-47077.html

Cố vấn ‘chưa từng nghe’

TT Trump nhờ Tập Cận Bình giúp tái đắc cử

Cố vấn thương mại của Nhà Trắng, ông Peter Navarro, hôm 21/6 cho biết rằng ông có mặt trong phòng khi Tổng thống Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình gặp nhau, nhưng chưa từng nghe nguyên thủ Mỹ nhờ Bắc Kinh giúp tái đắc cử, theo Reuters.
Ông Navarro nói trên chương trình “State of the Union” của CNN rằng lời cáo buộc được cựu cố vấn an ninh quốc gia John Bolton nêu lên trong cuốn sách mới ra mắt thật “ngớ ngẩn” vì ông Trump cho tới nay rất cứng rắn với Trung Quốc cũng như các hoạt động thương mại thiếu công bằng của Bắc Kinh.
“Tôi chưa từng nghe điều đó. Tôi ở trong phòng”, ông Navarro nói, theo Reuters.
Câu trả lời của cố vấn thương mại này giống với những gì đại diện thương mại Mỹ Robert Lighthizer nói tuần trước.
Ông Navarro lên tiếng một ngày sau khi một thẩm phán bác bỏ yêu cầu chặn xuất bản cuốn sách của ông Bolton từ chính quyền của Tổng thống Trump.
Thẩm phán này nói rằng dù “hành vi đơn phương của ông Bolton gây ra các quan ngại nghiêm trọng về an ninh quốc gia, chính phủ không xác định được rằng một lệnh cấm là giải pháp xử lý thích hợp”.
https://www.voatiengviet.com/a/c%E1%BB%91-v%E1%BA%A5n-ch%C6%B0a-t%E1%BB%ABng-nghe-tt-trump-nh%E1%BB%9D-t%E1%BA%ADp-c%E1%BA%ADn-b%C3%ACnh-gi%C3%BAp-t%C3%A1i-%C4%91%E1%BA%AFc-c%E1%BB%AD/5471384.html

Tổng thống Trump

sắp có thông báo mới về hạn chế visa

Với mục đích bảo vệ nhiều người dân Mỹ hiện chật vật tìm việc làm vì virus Corona, Tổng thống Donald Trump hôm 20/6 cho biết ông sẽ thông báo kế hoạch hạn chế visa mới trong vòng vài ngày tới để chặn một số người nước ngoài nhập cảnh vào Hoa Kỳ, theo Reuters.
“Chúng tôi sẽ thông báo về visa vào ngày mai hoặc một ngày sau đó”, ông Trump nói với kênh Fox News.
Khi được hỏi rằng liệu sẽ có việc loại trừ khỏi các hạn chế mới, ông Trump được trích lời nói có rất ít. Nguyên thủ Hoa Kỳ từ chối cung cấp thêm chi tiết.
Reuters dẫn lời những người chỉ trích cho rằng ông Trump sử dụng dịch bệnh nhằm đạt được mục tiêu hạn chế di dân tới Mỹ.
XEM THÊM:
Mỹ khẳng định ‘không thay đổi chính sách visa’ cho công dân Việt Nam
Hãng tin Anh cũng cho rằng quan điểm cứng rắn của nguyên thủ Mỹ về di dân và nhập cư là trọng tâm trong chiến dịch tái tranh cử của ông.
Tin cho hay, nhiều công ty lớn của Mỹ, nhất là trong lĩnh vực công nghệ, đã thúc giục ông Trump kiềm chế ngăn chặn người nước ngoài nhập cảnh vào Mỹ để làm việc vì cho rằng điều đó sẽ có tác động tới nền kinh tế.
Đây sẽ là bước đi hạn chế di dân mới nhất của ông Trump trước các hệ quả về kinh tế do dịch bệnh gây ra, theo Reuters.
Hồi tháng Tư năm nay, Tổng thống Trump đã ký một sắc lệnh hành pháp hạn chế nhập cư trong thời gian 60 ngày vì đại dịch COVID-19 để giúp người Mỹ tìm việc làm giữa lúc nền kinh tế bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh.
Sắc lệnh này chỉ áp dụng cho những người muốn thành thường trú nhân, và không áp dụng cho các chuyên gia y tế và các nhà đầu tư giàu có tìm cách vào Mỹ.
https://www.voatiengviet.com/a/t%E1%BB%95ng-th%E1%BB%91ng-trump-s%E1%BA%AFp-c%C3%B3-th%C3%B4ng-b%C3%A1o-m%E1%BB%9Bi-v%E1%BB%81-h%E1%BA%A1n-ch%E1%BA%BF-visa/5471461.html

Mỹ khẳng định ‘không thay đổi chính sách visa’

 cho công dân Việt Nam

Cơ quan ngoại giao Hoa Kỳ ở Việt Nam mới lên tiếng bác bỏ các thông tin lan truyền trên mạng về việc Mỹ “ngưng cấp visa cho du học sinh Việt Nam” từ đầu tháng Bảy, đồng thời cho biết “bước đầu trở lại xử lý hồ sơ thị thực định cư”.
“Đừng tin những tin đồn trên mạng! Không có bất kỳ thay đổi gì về chính sách visa Hoa Kỳ dành cho công dân Việt Nam”, cơ quan ngoại giao Mỹ nói hôm 12/6. “Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Hà Nội đang trông đợi khởi động lại các dịch vụ cấp visa tại chỗ ngay khi có thể và sẽ làm tất cả những gì có thể để hỗ trợ đương đơn xin visa du học Mỹ”.
Trên trang Facebook của Đại sứ quán Mỹ, phần lớn các bình luận dưới thông tin bác bỏ đều cho rằng cơ quan ngoại giao Hoa Kỳ ở Việt Nam đã “kịp thời” lên tiếng.
Facebooker Giang Phạm Hương viết: “Thật tuyệt khi ĐSQ nhanh chóng công bố thông tin chính thức, không để tin đồn lan toả, ảnh hưởng tâm lý của nhiều hs [học sinh] và PH [phụ huynh]”.
Trước đó, trên mạng xã hội xuất hiện các thông tin không rõ nguồn gốc rằng “Mỹ sẽ ngưng hoàn toàn việc cấp visa cho du học sinh Việt Nam từ ngày 1/7/2020” vì “nhiều trường hợp phạm tội trộm cắp, tìm cách cố lưu trú tại Mỹ khi hết thị thực, làm thêm ‘chui’”.
XEM THÊM:
Kiều hối ‘chảy’ về Việt Nam ‘giảm mạnh’ vì COVID-19?
Hoa Kỳ là một trong số các quốc gia có nhiều học sinh Việt Nam tới học tập và nghiên cứu ở các cấp khác nhau.
Số du học sinh Việt Nam học bậc đại học tại Hoa Kỳ tăng năm thứ 18 liên tiếp đóng góp “gần một tỷ đôla” cho nền kinh tế Mỹ, theo báo cáo thường niên Open Doors của Viện Giáo dục Quốc tế, công bố cuối năm 2019.
Với gần 25 nghìn sinh viên, tăng 0,3% so với năm học 2017 – 2018, Việt Nam đứng thứ sáu trong số các quốc gia dẫn đầu về con số du học sinh tại Mỹ trong khoảng thời gian từ 2018 tới 2019.
Thời gian vừa qua, do tình hình dịch virus Corona bùng phát ở Mỹ, phần lớn các trường học đóng cửa và chuyển sang học trực tuyến, cũng như yêu cầu các sinh viên phải rời ký túc xá. Việt Nam đã thực hiện ba chuyến bay thẳng sang Mỹ để đưa hàng trăm công dân về nước, trong đó có nhiều du học sinh.
Hồi tháng Ba năm nay, Hoa Kỳ tuyên bố ngưng phỏng vấn cấp thị thực tại Việt Nam trước tình hình dịch COVID-19 đang căng thẳng.
XEM THÊM:
Tổng thống Trump sắp có thông báo mới về hạn chế visa
“Trước diễn biến của dịch Covid-19, Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Hà Nội và Tổng Lãnh sự quán Hoa Kỳ tại Hồ Chí Minh sẽ tạm ngừng phỏng vấn cấp xét thị thực,” tuyên bố của cơ quan ngoại giao Hoa Kỳ hôm 18/3 cho biết.
Tuyên bố của phía Hoa Kỳ đưa ra một ngày sau khi Việt Nam loan báo tạm dừng cấp visa với tất cả các nước trên thế giới, trong đó có Hoa Kỳ, trong vòng 30 ngày từ ngày 18/3, để hạn chế sự lây lan của virus corona.
Tuy nhiên, phía Hoa Kỳ vẫn xử lý hồ sơ gia hạn thị thực cho công dân Việt Nam qua đường bưu điện.
XEM THÊM:
Mỹ nghi gỗ dán Việt Nam dùng nguyên liệu Trung Quốc để ‘lách’ luật
Hồi tháng Tư năm nay, Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump đã ký một sắc lệnh hành pháp hạn chế nhập cư trong thời gian 60 ngày vì đại dịch COVID-19 để giúp người Mỹ tìm việc làm giữa lúc nền kinh tế bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh.
Sắc lệnh này chỉ áp dụng cho những người muốn thành thường trú nhân, và không áp dụng cho các chuyên gia y tế và các nhà đầu tư giàu có tìm cách vào Mỹ.
Việt Nam và Hoa Kỳ đã ra tuyên bố chung nhân chuyến thăm Tổng thống Trump tại Nhà Trắng của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc hồi tháng Năm năm 2017, trong đó viết rằng “hai nhà lãnh đạo hoan nghênh sự phát triển của mối quan hệ giữa nhân dân hai nước, đặc biệt thông qua các chương trình trao đổi học thuật và chuyên môn”.
“Hai bên ghi nhận sự đóng góp quan trọng đối với quan hệ hai nước của cộng đồng người Việt Nam tại Hoa Kỳ và gần 4.000 cựu sinh viên trong các chương trình trao đổi giáo dục”, tuyên bố viết. “Hai bên cũng cho rằng, với hơn 21.000 sinh viên Việt Nam đang học tập trong các chương trình đại học tại Hoa Kỳ, mối quan hệ học thuật giữa hai nước đang phát triển mạnh mẽ…”
Trong một diễn biến mới nhất, lãnh sự quán Mỹ ở Việt Nam cho biết, bắt đầu từ ngày 29/6, cơ quan ngoại giao này “sẽ tiến hành phỏng vấn các đương đơn xin thị thực diện IR-1, IR-2, CR-1 và CR-2 [các loại thị thực định cư], vốn trước đó đã có lịch hẹn phỏng vấn trong tháng Ba, tháng Tư, và tháng Năm nhưng bị hủy do dịch COVID-19″.
https://www.voatiengviet.com/a/m%E1%BB%B9-kh%E1%BA%B3ng-%C4%91%E1%BB%8Bnh-kh%C3%B4ng-thay-%C4%91%E1%BB%95i-ch%C3%ADnh-s%C3%A1ch-visa-cho-c%C3%B4ng-d%C3%A2n-vi%E1%BB%87t-nam/5471351.html

Người ủng hộ đổ về Tulsa

chờ đợi buổi vận động tranh cử của ông Trump

Bình luậnNguyễn Sơn
Hàng chục ngàn người Mỹ đang đổ về thành phố Tulsa để gặp lại Tổng thống Trump trên sân khấu vận động tranh cử.
Rick Frazier lái xe hơn 750 dặm từ bang Ohio đến thành phố Tulsa là một người ủng hộ Tổng thống Trump. Không nản lòng trước thời tiết nắng nóng, ông và nhiều người ủng hộ khác đã dựng lều ngoài trung tâm BOK để đợi buổi vận động tranh cử của ông Trump.
Họ nói điều quan trọng nhất là có mặt ở đó để nhìn thấy tổng thống ở trên sân khấu vào tối thứ Bảy, và để tổng thống biết rằng ông được họ ủng hộ, theo hãng tin AP.
Tổng thống Donald Trump sẽ bắt đầu diễn thuyết vận động tranh cử tại thành phố Tulsa, bang Oklahoma vào sáng 21/6 theo giờ Việt Nam.
Ông Trump nói: “Chúng ta sẽ nói về quốc gia. Chúng ta sẽ nói về con đường phía trước, về nơi chúng ta khởi nguồn. Tôi cũng sẽ nói với các bạn về COVID-19, Corona hay bất cứ cái tên gì mà các bạn đặt cho thứ dịch bệnh này, về những tiến triển to lớn mà chúng ta đang đạt được”.
Sân vận động trong nhà tại Tulsa có sức chứa gần 20.000 người, giống như tại mọi cuộc vận động tranh cử trước đây của Tổng thống Donald Trump, được cho là sẽ không còn chỗ trống. Một số ý kiến lo ngại về nguy cơ lây lan dịch COVID-19, nhưng Ban tổ chức và giới chức địa phương khẳng định những người tham dự thực hiện các biện pháp đảm bảo an toàn.
Ban tổ chức hướng dẫn đảm bảo an toàn trong thời kỳ dịch bệnh, theo đó mỗi người tham dự sẽ được kiểm tra nhiệt độ, khử trùng tay, đeo khẩu trang.
Kỷ lục về số người đăng ký
Buổi vận động trực tiếp của Tổng thống Trump tại Tulsa đã có hơn 1 triệu yêu cầu vé tham dự. Đây là lần đầu tiên một cuộc vận động tranh cử Tổng thống nhận được yêu cầu tham dự kỷ lục như vậy.
Tulsa là thủ phủ của người da đen ở tiểu bang Oklahoma. Số lượng đăng ký dự khán kỷ lục đã cho thấy nhận định ‘người da đen không ủng hộ Tổng thống Trump’ là không có cơ sở.
Ông Trump hôm 15/6 đã lên tiếng cáo buộc các phương tiện truyền thông đang cố gắng “Covid Shame” ông (tạm dịch: lên án/làm bẽ mặt vì dịch COVID) ngay trước cuộc vận động.
“Truyền thông tin giả cánh tả, vốn không đưa ra vấn đề gì về COVID liên quan tới những kẻ phá hoại và hôi của đang phá huỷ các thành phố do đảng Dân chủ điều hành, nhưng lại cố gắng “Covid Shame” chúng tôi trước cuộc vận động lớn. [Họ] sẽ không thành công!” ông Trump viết trên Twitter.
Cảnh báo những kẻ bạo loạn
“Tất cả người biểu tình, người vô chính phủ, kẻ kích động, cướp bóc hay những tên tội phạm sẽ đến Oklahoma, xin hãy hiểu rằng mọi người sẽ không được đối xử như ở New York, Seattle hay Minneapolis. Đó sẽ là một viễn cảnh khác rất nhiều!”, Tổng thống Mỹ Donald Trump cảnh báo người biểu tình trên Twitter hôm 19/6.
Marc Lotter, phát ngôn viên chiến dịch tranh cử của Trump, giải thích rằng Tổng thống đang đề cập đến những kẻ kích động, không phải những người biểu tình ôn hòa.
“Tổng thống ủng hộ những người biểu tình ôn hòa, cũng như những người đang thực hiện quyền của họ theo Tu chính án thứ nhất. Nếu xảy ra tình huống tương tự các thành phố khác, như bạo loạn, cướp bóc, đốt nhà và bạo lực, cảnh sát sẽ can thiệp”, Lotter trả lời kênh MSNBC.
Sau cuộc diễn thuyết này, Tổng thống Donald Trump có kế hoạch tiếp tục vận động tranh cử tại các bang Florida, Texas và Arizona.
https://www.ntdvn.com/the-gioi/nguoi-ung-ho-do-ve-tulsa-cho-doi-buoi-van-dong-tranh-cu-cua-tong-thong-trump-47024.html

Tổng Thống Trump tái khởi động chiến dịch

tranh cử giữa đại dịch bằng cuộc vận động ở Tulsa

Tin từ Washington – Tổng thống Trump sẽ tìm cách đảo ngược sự sụt giảm ủng hộ chính trị của ông bằng cuộc vận động trước hàng chục ngàn người hâm mộ ở Tulsa, Oklahoma vào thứ Bảy (20/06/2020). Ngoài ra, sự kiện này dự kiến sẽ thu hút rất đông người biểu tình.
Đã hơn 3 tháng kể từ khi tổng thống Trump tổ chức vận động, khi đó ngày 02 tháng 03, 2020, tỉ lệ thất nghiệp ở mức khoảng 3.5% và số ca nhiễm coronavirus là 91. Hiện tại, dựa trên báo cáo hàng tháng gần nhất, tỉ lệ thất nghiệp của Hoa Kỳ là 13.3%.
Số ca nhiễm coronavirus đã tăng vọt lên khoảng 2.2 triệu ca, số ca tử vong đã vượt qua 119,000. Chưa kể các cuộc biểu tình diễn ra khắp Hoa Kỳ chống kỳ thị chủng tộc, và bạo lực cảnh sát sau cái chết của George Floyd. Chỉ khoảng 1 phần 4 người Mỹ cho rằng đất nước đang đi đúng hướng. Tổng thống hiểu về các rủi ro, và quyết tâm trở lại các sự kiện chiến dịch đặc thù của ông.
Các viên chức dự đoán có 100,000 người ở trung tâm thành phố Tulsa hoặc hơn tham gia. Tổng thống sẽ nói chuyện bên trong Trung tâm BOK cũng như tại một sân khấu ngoài trời. Sự kiện ở Tulsa sẽ cần nhiều thời gian để xác định chiến dịch diễn ra như thế nào trong những tháng tới.
Một thành công sẽ củng cố cho việc tổng thống Trump tiếp tục hướng đến các tiểu bang có vai trò quyết định cho cuộc bầu cử tổng thống.  Nhưng nếu số ca nhiễm coronavirus ở Tulsa tăng vọt sẽ khiến sự hiện diện của tổng thống ở các tiểu bang đó gây ra nhiều tranh cãi hơn. (BBT)
https://www.sbtn.tv/tong-thong-trump-tai-khoi-dong-chien-dich-tranh-cu-giua-dai-dich-bang-cuoc-van-dong-o-tulsa/

Thẩm phán liên bang từ chối ngăn chận việc phát hành

cuốn sách của cựu Cố vấn An ninh Bolton

Một thẩm phán liên bang đã bác bỏ nỗ lực của chính quyền tổng thống Trump trong việc ngăn chặn việc xuất bản cuốn sách sắp tới của cựu cố vấn an ninh quốc gia John Bolton. Thẩm phán Royce Lamberth của Tòa án quận DC đã viết trong một quyết định dài 10 trang vào sáng thứ Bảy rằng các lập luận của Bộ Tư pháp không đủ để ngăn chặn việc phát hành cuốn sách.
Ông nói rằng làm thế nào tòa án ngăn chận cuốn sách dự kiến phát hành vào thứ ba tuần tới, khi nó đã được phân phối rộng rãi trên cả báo chí và internet.  Thẩm phán dùng câu tục ngữ của Texas “ngựa đã sổng chuồng” để nói lên tình huống đã lỡ rồi.
Thẩm phán Lamberth viết rằng vì những lý do hầu như không cần phải tuyên bố, Tòa án sẽ không ra lệnh thu hồi và phá hủy một cuốn hồi ký chính trị trên toàn quốc. Thẩm phán Lamberth cũng lưu ý ông Bolton vẫn có thể phải chịu trách nhiệm hình sự.
Cuốn sách dài 577 trang của ông Bolton mang tên “The Room Where It Happened,” kể lại nhiệm kỳ 17 tháng của ông trong chính quyền Tổng thống Trump và cáo buộc rằng Tổng thống luôn ưu tiên chiến dịch tái tranh cử và gia đình trước lợi ích quốc gia  mỗi khi ông đưa ra quyết định. Tổng thống Trump đã bác bỏ các tuyên bố nói trên từ cuốn sách, gọi chúng là sự cường điệu của một cựu nhân viên bất mãn. (BBT)
https://www.sbtn.tv/tham-phan-lien-bang-tu-choi-ngan-chan-viec-phat-hanh-cuon-sach-cua-cuu-co-van-an-ninh-bolton/

Bộ Trưởng Tư Pháp Sa Thải Biện Lý Hoa Kỳ

Vì Đã Điều Tra Các Đồng Minh Của Tổng Thống Trump

Vào thứ sáu (ngày 19 tháng 6), trong một cuộc khủng hoảng leo thang nhanh chóng, Bộ Trưởng Tư Pháp Hoa Kỳ William Barr đã sa thải Biện lý Hoa Kỳ Geoffrey Berman – thuộc quận Nam New York, người đã điều tra một số đối tác của Tổng thống Trump trong quá khứ. Tuy nhiên, ông Berman đã từ chối nghỉ việc.
Trong một tuyên bố được đưa ra một giờ sau khi bị ông Barr sa thải, ông Berman cho biết ông không hề có ý định từ chức cho đến khi Thượng viện bổ nhiệm một ứng viên mới. Văn phòng biện lý của ông Berman đã từng ráo riết điều tra và truy tố cựu luật sư riêng của tổng thống Trump là Michael Cohen; người đã nhận tội về vi phạm tài chính liên quan đến quỹ tranh cử, và nói dối trước Quốc hội.
Biện lý Berman cũng đã đưa ra một bản cáo trạng của đại bồi thẩm đoàn chống lại Lev Parnas và Igor Fruman, hai cộng sự của luật sư riêng tổng thống Trump – Rudy Giuliani. Cả hai đã không nhận tội khi thành lập một công ty vỏ bọc để che giấu nguồn cung cấp nước ngoài của khoản quyên góp $325,000 cho một super PAC cam kết cho việc tái tranh cử của tổng thống Trump. Cả hai cũng bị cáo buộc đã giúp ông Rudy Giuliani trong nỗ lực tìm bằng chứng để bôi bát cựu Phó Tổng thống Joe Biden và con trai Hunter của ông ở Ukraine.
Văn phòng của Berman đã điều tra các giao dịch kinh doanh của chính luật sư Rudy Giuliani, nhưng chưa đưa ra bất cứ cáo buộc nào đối với ông Giuliani.  Elie Honig, cựu phụ tá biện lý Hoa Kỳ của quận trả lời trong một cuộc phỏng vấn với Phiên bản cuối tuần của NPR, rằng đây rõ ràng là một cuộc đảo chánh chính trị tại văn phòng biện lý độc lập tại quận Nam New York. (BBT)
https://www.sbtn.tv/bien-ly-hoa-ky-geoffrey-berman-tu-choi-nghi-viec-sau-khi-bo-truong-tu-phap-william-barr-ra-lenh-sa-thai-ong/

Tổng thống Donald Trump

gọi virus corona là ‘kung flu’

Băng Thanh
Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump trong cuộc mít tinh vận động tranh cử ở thành phố Tulsa của tiểu bang Oklahoma hôm 20/6 nói rằng, ông có thể đặt tên cho virus corona là “kung flu”, một cách chơi chữ lồng ghép từ “kung fu” và từ “flu” chỉ bệnh cúm.
Trong buổi mít tinh, khi nói về thuật ngữ Covid-19, Tổng thống Trump cho biết: “Cái tên đó càng ngày càng xa Trung Quốc, trái ngược với việc gọi nó là virus Trung Quốc”.
“Nó là một căn bệnh tạo ra nhiều thảo luận về tên gọi hơn bất kỳ căn bệnh nào trong lịch sử”, Tổng thống Trump nói. “Tôi có thể đặt tên cho nó là kung flu. Tôi có thể đặt cho nó mười chín cái tên khác nhau”.
Tổng thống Trump từng gọi virus corona là virus Trung Quốc. Khi được chỉ ra rằng cách gọi đó thể hiện thái độ “phân biệt chủng tộc”, ông cho biết: “Không hề phân biệt chủng tộc. Không, hoàn toàn không. Bởi vì nó bắt nguồn từ Trung Quốc. Đó là lý do. Tôi muốn nói thật chính xác”.
Trước đó, tại một cuộc họp báo ở Nhà Trắng vào ngày 18/3, sau khi một phóng viên hỏi Tổng thống rằng, liệu ông có nghĩ việc một quan chức Nhà Trắng giấu tên gọi virus corona là kung flu, là sai hay không.
“Không, hoàn toàn không”, Tổng thống Trump nói vào thời điểm đó.
https://www.dkn.tv/the-gioi/tong-thong-donald-trump-goi-virus-corona-la-kung-fu.html

Học sinh gốc Việt tại Mỹ và ‘lễ tốt nghiệp online’:

Con buồn, bạn con cũng buồn

Băng Thanh
“Một buổi lễ tốt nghiệp chưa từng xảy ra: sinh viên ngồi trên màn hình… ở nhà, xem ông hiệu trưởng đứng trước micro đọc… một mình trước chiếc camera. Đại dịch COVID-19 quả đã gây một cú sốc lớn, không chỉ cho học sinh mà cả phụ huynh”.
Đó là lời chia sẻ của ông Joaquin Trần ở thành phố Vallejo thuộc tiểu bang California khi ông nói về buổi lễ tốt nghiệp của cậu con trai Jack Trần 22 tuổi.
Jack Trần mới tốt nghiệp loại giỏi ngành khoa học máy tính (Computer Science) của trường Đại học James Madison ở thành phố Harrisonburg thuộc tiểu bang Virginia.
Chia sẻ với nhật báo Người Việt, Jack cho biết: “Phần đông bạn bè của con rất buồn vì không được dự một lễ tốt nghiệp bình thường, mà phải làm online. Nhưng con thì không bất ngờ cho lắm, vì đã biết trước dịch bệnh này rất kinh khủng. Con chỉ hơi tiếc là trong ngày kỷ niệm này của con, lẽ ra có mặt gia đình, rồi cả nhà cùng nhau đi ăn tiệc mừng, nhưng điều đó không xảy ra”.
Gia đình Jack Trần đã chuyển từ tiểu bang Virginia sang tiểu bang California sinh sống, nhưng vì còn năm cuối cùng nên Jack ở lại chờ đến khi tốt nghiệp. Ông Joaquin cho biết gia đình ông đã mua vé máy bay sang Virginia để dự lễ tốt nghiệp của con, nhưng đều phải hủy toàn bộ, và chỉ một mình ông qua đón con về lại California.
Caitlin Tô, một trong những học sinh gốc Việt của trường trung học Garden Grove cho biết: “Tuần trước, trường của con gửi email cho học sinh đến trường để lấy áo và nón đem về chụp hình cho ngày tốt nghiệp. Nhà trường dặn tụi con quay video lại, rồi gửi cho hiệu trưởng. Tới….. khi trường tổ chức lễ tốt nghiệp trên YouTube, tụi con vào xem, khi đó hiệu trưởng đọc tên ai, thì họ sẽ chiếu video mà tụi con gửi tới”.
“Con thấy buồn lắm, mấy bạn con cũng buồn. Con và mấy bạn nói với nhau, mình chờ đợi ngày này suốt 13 năm rồi, bây giờ đến ngày ra trường, không có bạn cùng ngồi bên cạnh, không có ba mẹ đi cùng, không được đeo dây, rồi đi lên bục để nhận giấy tốt nghiệp”, Caitlin chia sẻ.
“Dây” mà Caitlin nói đến chính là những “bằng chứng” của những lần em làm công việc thiện nguyện trong câu lạc bộ của trường. Thông thường, các học sinh rất vinh dự khi đeo dây trong ngày lễ tốt nghiệp để chứng tỏ các em không chỉ học giỏi, mà còn có nhiều thành tích tham gia hoạt động phục vụ cộng đồng.
Caitlin học rất giỏi và có tất cả sáu “dây”. Em kể: “Con thích đi giúp đỡ người nghèo, người đau yếu, người già, và cả trẻ em nữa. Con cũng cùng đội nhóm đi làm sạch bãi biển, rồi đi thu quần áo, mắt kiếng của người không sử dụng nữa, đem cho người nghèo không có tiền mua mắt kiếng, không có tiền mua quần áo”.
“Con sẽ chọn ngành tâm lý học”, Caitlin nói với nhật báo Người Việt. “Khi ra trường, con sẽ giúp các em nhỏ từ 1 đến 11 tuổi chậm phát triển, bị bệnh tự kỷ, để các em biết làm công việc, chăm sóc bản thân, rồi con nói chuyện với các em. Con rất thích chơi với các em bé”.
Dominica Thục Uyên Cao, cư dân thành phố Garden Grove, tốt nghiệp từ trường Đại học Smith College cho biết: “Thật ra con cũng không buồn lắm khi không có được ngày tốt nghiệp tại trường, nhưng con và mấy bạn biết ‘kiếm cách’ làm một lễ tốt nghiệp, ‘giả vờ’ thôi!”.
Dominica kể rằng, khi em và các bạn nhận được email thông báo về việc trường học sẽ đóng cửa vào ngày 10/3 do dịch COVID-19, nên một tuần trước đó, em và các bạn đã cùng nhau làm giả cảnh như trong ngày lễ tốt nghiệp thật, là đội nón, mặc áo choàng, đứng trên sân khấu, tung nón, và chụp hình kỷ niệm.
“Mọi người trong trường, các sinh viên chưa tốt nghiệp ra xem tụi con làm, cũng đông và vui lắm!”, Dominica nói.
Chị Hằng Nguyễn, mẹ của bé Minh Hân, học sinh trường trung học Costa Mesa, một trong số các thủ khoa bậc trung học của Quận Cam chia sẻ: “Là mẹ, tôi biết con mình buồn lắm, vì lễ tốt nghiệp đã được chuẩn bị từ lâu, và trường cũng đề nghị được làm lễ trực tiếp nhưng học khu không đồng ý”.
“Minh Hân là cô bé rất ít khi phàn nàn điều gì, nên dù có buồn, bé cũng không kêu ca. Tuy nhiên, cháu và các bạn rất đang trông chờ, háo hức cho tiệc mừng ngày tốt nghiệp vào đầu tháng 8, do nhà trường tổ chức để ‘bù đắp’ cho những thiệt thòi của học sinh ra trường năm nay khi trúng vào mùa dịch bệnh”, chị cho biết.
“Tuy chưa được tổ chức các buổi tiệc lớn, nhưng Minh Hân và các bạn cũng có những nhóm nhỏ tự ‘ăn mừng’ với nhau”, chị Hằng kể.
Một “lễ tốt nghiệp ảo” sẽ là kỷ niệm buồn trong cuộc đời học sinh. Chắc chắn những “nhân chứng lịch sử” trẻ tuổi của đại dịch COVID-19 sẽ nhớ mãi buổi lễ tốt nghiệp khác lạ của mình, để kể lại cho con cháu sau này.
Theo Đoan Trang/Người Việt
Băng Thanh biên tập
https://www.dkn.tv/the-gioi/hoc-sinh-goc-viet-tai-my-va-le-tot-nghiep-online-con-buon-ban-con-cung-buon.html

McConnell: 600 USD tiền hưởng thất nghiệp

đã tạo ra một vấn đề

Bình luậnThủy Tiên
Lãnh đạo đa số Thượng viện Mitch McConnell (R-Ky.) đã cảnh báo rằng khoản tiền hưởng thêm bảo hiểm thất nghiệp 600 USD mỗi tuần sẽ không tồn tại nữa, ông cũng nói thêm rằng nó đã tạo ra một vấn đề lớn ở Mỹ vì mọi người không muốn quay trở lại làm việc.
“Nó đã làm chúng ta khó khiến mọi người trở lại làm việc hơn, chúng ta đã thực sự gây ra nhiều thách thức hơn để khiến mọi người trở lại làm việc”, ông McConnell chia sẻ với các phóng viên vào chiều hôm thứ Sáu (19/6) về khoản tiền này.
Khoản tiền thất nghiệp trả thêm được tạo ra theo một điều khoản của Đạo luật CARES, được thông qua vào tháng 3, như một nỗ lực bù đắp tổn thất mất việc làm phát sinh do lệnh “ở nhà” trên khắp nước Mỹ để ngăn chặn sự lây lan của virus Corona Vũ Hán, một loại coronavirus chủng mới.
Nhưng ông McConnell và các quan chức khác của Đảng Cộng hòa, gồm cả cố vấn Nhà Trắng Larry Kudlow, đã nhấn mạnh rằng khoản trả thêm 600 USD mỗi tuần đã tạo ra động lực cho mọi người không quay trở lại làm việc.
“Nó sẽ hết hạn vào tháng Bảy và sẽ không được tiếp tục nữa”, lãnh đạo đa số Thượng viện chia sẻ thêm vào hôm thứ Sáu (19/6). Khoản trả thêm 600 USD mỗi tuần sẽ kết thúc sau ngày 31/7.
Ông Kudlow và các quan chức khác đã đề nghị rằng việc kiểm tra bổ sung không còn cần thiết nữa khi các doanh nghiệp bắt đầu mở cửa trở lại và tỷ lệ thất nghiệp giảm.
“600 USD trả thêm trên khoản tiền trợ cấp thất nghiệp của tiểu bang mà họ sẽ tiếp tục nhận được trên thực tế là một sự giảm khích lệ. Ý tôi là, chúng ta đang trả tiền để mọi người không đi làm. Nó cao hơn mức lương họ có thể nhận được”, ông Kudlow nói với CNN hôm Chủ nhật (14/6).
Đạo luật CARES trị giá 2,2 nghìn tỷ USD cũng đã phân phát 1.200 USD tiền séc, tiền gửi và thẻ ngân hàng cho hàng chục triệu người Mỹ. Gói cứu trợ này cũng bao gồm việc mở rộng thanh toán cho thất nghiệp, các khoản vay đối với các doanh nghiệp nhỏ, hỗ trợ cho chính quyền địa phương và tiểu bang, v.v.
Đảng Dân chủ trong những tuần gần đây đã thông qua Đạo luật HEROES. Đạo luật này sẽ cung cấp 1.200 USD cho hầu hết những người đủ điều kiện nhưng cũng sẽ cung cấp số tiền tương tự cho trẻ em. Đạo luật CARES đã cung cấp 500 USD cho trẻ em dưới 17 tuổi. Tuy nhiên, đảng Cộng hòa cho biết dự luật có quá nhiều biện pháp không cần thiết và lưu ý rằng dự luật này về cơ bản là đã chết ngay khi đến được Thượng viện.
Đạo luật HEROES cũng sẽ tiếp tục trả thêm 600 USD mỗi tuần cho đến năm 2021.
Đầu tháng 5, một nhóm các nhà lập pháp Đảng Dân chủ đã đề xuất mở rộng mức trợ cấp thất nghiệp 600 USD mỗi tuần trước khi dần từ bỏ khi nền kinh tế trở lại mức trước đại dịch.
Đạo luật An ninh và Cứu trợ người Lao động được đưa ra dự thảo bởi nghị sĩ Hạ viện Don Beyer (D-Va.) và các nghị sĩ Thượng viện Jack Reed (DR.I.) và Michael Bennet (D-Colo.), và nó sẽ mở rộng trợ cấp trong 30 ngày sau tuyên bố khẩn cấp của tổng thống.
Việc kết thúc các khoản trợ cấp thất nghiệp phụ thêm vào cuối tháng tới sẽ là “một thảm họa nhân đạo và kinh tế”, ông Beyer nói trong một tuyên bố. “Những tác động của sự biến mất thu và chi đột ngột này có thể gây ra hậu quả nghiêm trọng và thậm chí biến cuộc suy thoái do đại dịch của chúng ta thành một cuộc khủng hoảng tài chính lan truyền toàn diện khi gây ra một làn sóng vỡ nợ và tịch thu tài sản vì vỡ nợ”, ông viết.
Tuy nhiên Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin tuần trước nói rằng khi Nhà Trắng mở rộng một vòng thanh toán trực tiếp khác cho người Mỹ thì hệ thống thất nghiệp hiện tại bị phá vỡ.
“Chúng ta sẽ cần phải ‘sửa chữa’ vấn đề thất nghiệp”, ông phát biểu trong một phiên điều trần quốc hội.
Trong ba tháng qua, hơn 40 triệu người Mỹ đã nộp đơn xin thất nghiệp, theo thống kê từ Bộ Lao động.
Thủy Tiên
Theo The Epoch Times
https://www.ntdvn.com/kinh-te/mcconnell-600-usd-tien-huong-that-nghiep-da-tao-ra-mot-van-de-47125.html

Chiếc xe buýt “Into The Wild” bị loại bỏ

 khỏi đường mòn Alaska vì lý do an toàn

Một chiếc xe buýt cũ trở nên nổi tiếng trong một quyển sách và một bộ phim bị loại bỏ khỏi vùng hoang dã ở Alaska vì nỗi lo sợ rằng mọi người sẽ mạo hiểm mạng sống của họ để đến thăm chiếc xe này.
Các viên chức cho biết vào hôm thứ Năm (18/6), các viên chức Alaska vận chuyển chiếc xe buýt tồi tàn này bằng trực thăng từ một con đường hẻo lánh bên ngoài Công viên Quốc gia Denali, vì chiếc xe này đang thu hút các nhà thám hiểm đến xem địa điểm nơi nhà thám hiểm Christopher McCandless chết vì đói vào năm 1992.
Chiếc xe bị bỏ hoang và rỉ sét, mà ông McCandless sử dụng làm nơi cắm trại cuối cùng của ông, trở thành đền thờ cho những người hâm mộ quyển sách “Into the Wild” của Jon Krakauer và bộ phim năm 2007 dựa trên quyển sách này.
Trong những năm qua, một số người đi bộ đường dài đến xe buýt bị thương hoặc mắc kẹt. Hai người chết đuối trong những cuộc vượt sông. Vào tháng Tư, một du khách Brazil bị mắc kẹt được di tản và vào tháng Hai, năm du khách người Ý được giải cứu. B
ộ Tài nguyên thiên nhiên Alaska và Lực lượng Vệ binh Quốc gia Alaska hợp tác để loại bỏ chiếc xe buýt thời 1940. Chiếc xe buýt được một nhóm người kéo đến con đường này vào khoảng 60 năm trước và hiện vẫn chưa rõ số phận cuối cùng của chiếc xe. Tuyên bố của Bộ Tài nguyên cho biết chiếc xe đang được giữ ở một “vị trí an toàn” trong khi chờ quyết định giải quyết.
https://www.sbtn.tv/chiec-xe-buyt-into-the-wild-bi-loai-bo-khoi-duong-mon-alaska-vi-ly-do-an-toan/

Canada thay đổi chương trình sử dụng

lao động ngoại quốc sau khi

đại dịch coronavirus bùng phát ở các nông trại

Tin từ WINNIPEG, Manitoba – Vào hôm thứ Sáu (19/6), một phát ngôn viên chính phủ cho biết Canada đang thay đổi chương trình lao động ngoại quốc tạm thời của họ, sau khi dịch coronavirus bùng phát tại các trang trại ở Ontario làm hàng trăm người mắc bệnh và khiến Mexico yêu cầu bảo đảm các biện pháp bảo vệ thích hợp.
Bà Ashley Michnowski, giám đốc truyền thông của bộ trưởng bộ việc làm của Canada cho biết các thay đổi đang được thực hiện. Ít nhất 17 trang trại ở Ontario chứng kiến sự bùng phát của Covid-19. Hai công nhân Mexico thiệt mạng sau khi nhiễm virus.
Theo một báo cáo trong tháng này của Migrant Workers Alliance for Change, các công nhân nhập cư trích dẫn một loạt các mối quan tâm, bao gồm nhà ở chật chội, tồi tàn và bị buộc phải làm việc trong khi chờ kết quả xét nghiệm COVID-19. Đánh giá của Canada về chương trình này lần đầu tiên được đưa tin trên tờ Globe and Mail.
Vào hôm thứ ba (16/6), Bộ Lao động của Mexico cho biết rằng họ sẽ ngừng gửi công nhân tạm thời đến các trang trại nhiễm virus và không có các biện pháp bảo vệ của công nhân ở Canada. Nông dân Canada đang phụ thuộc vào 60,000 lao động ngoại quốc tạm thời, chủ yếu từ châu Mỹ Latinh và Caribbean, để trồng và thu hoạch mùa màng.
Một yếu tố khác góp phần vào sự bùng phát có thể là sự chắp vá trong các tiêu chuẩn nhà ở. Ở Ontario, các tiêu chuẩn này thay đổi theo từng thành phố, trong khi các tỉnh khác tự đặt ra tiêu chuẩn. (BBT)
https://www.sbtn.tv/canada-thay-doi-chuong-trinh-su-dung-lao-dong-ngoai-quoc-sau-khi-dai-dich-coronavirus-bung-phat-o-cac-nong-trai/

Covid-19 tiếp tục lây lan nhanh ở Nam Mỹ,

Tú Anh
Châu Mỹ Latinh và vùng Caribê có hơn 2 triệu ca lây nhiễm virus corona từ khi đại dịch Covid-19 bùng nổ, theo tổng kết của AFP. Brazil có gần 50.000 người chết, Chilê có 4.000 ca tử vong. Thiệt hại nhân mạng tại Mêhicô cũng lên hơn 20.000 trong số 170.000 ca lây nhiễm.
Hệ quả là chính phủ Mêhicô phải trì hoãn một tuần quyết định dỡ bỏ phong tỏa, dự kiến vào ngày thứ Hai 22/06/2020, trong khi đất nước đang ở thế « trên đe dưới búa ».
Từ Mêhicô City, thông tín viên Alix Hardy tường thuật :
« Nhìn lại thì những tiên liệu trước đây của chính phủ là quá lạc quan. Mêhicô lúc đầu dự phóng là sẽ có khoảng 6.000 người chết. Bây giờ họ phải nâng dự báo lên 35.000 ca tử vong, trong khi giới chuyên gia cho là số nạn nhân sẽ còn nhiều hơn nữa.
Mêhicô vẫn còn đang chờ đỉnh dịch nhưng cho đến nay không có dấu hiệu siêu vi corona chủng mới giảm tốc độ lây nhiễm. Thế mà, từ đầu tháng Sáu, chính quyền trung ương đề xuất biện pháp từng bước ra khỏi phong tỏa xã hội và kinh tế. Từ đầu đại dịch, Mêhicô vất vả tìm một thế cân bằng giữa nhu cầu y tế bảo vệ sinh mạng công dân với nhu cầu kinh tế quốc gia tại một nước mà đại đa số người dân sống nhờ thu nhập lao động từng ngày.
Sau hai tháng rưỡi phong tỏa, giờ đây đã đến lúc 32 bang tự tìm cách thích hợp nhất để bình thường hóa sinh hoạt. Vấn đề nằm ở chỗ Mêhicô là một trong những nước ít sử dụng xét nghiệm nhất cho nên chính quyền chỉ có cái nhìn phiến diện về tình hình dịch Covid-19.
Cho đến nay, bệnh viện ở Mehicô chưa bị quá tải. Nhưng nếu mở cửa không đúng lúc, đúng chỗ thì có thể làm thay đổi hiện trạng và làm  tăng thêm số nạn nhân vốn đã quá cao ».
http://www.rfi.fr/vi/qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF/20200621-covid-19-ti%E1%BA%BFp-t%E1%BB%A5c-l%C3%A2y-lan-nhanh-%E1%BB%9F-nam-m%E1%BB%B9-m%C3%AAhic%C3%B4-v%C6%B0%E1%BB%A3t-ng%C6%B0%E1%BB%A1ng-20-000-ca-t%E1%BB%AD-vong

Hội Đồng Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc

thiết lập cuộc điều tra về kỳ thị chủng tộc

sau cái chết của ông George Floyd

Tin từ GENEVA, Thụy Sĩ – Vào hôm thứ Sáu (19/6), Hội đồng Nhân quyền của Liên Hiệp Quốc lên án chính sách kỳ thị và bạo lực sau cái chết của ông George Floyd tại Minneapolis vào tháng trước và ra lệnh lập một báo cáo về “nạn kỳ thị chủng tộc có hệ thống” đối với người gốc Phi Châu.
Diễn đàn gồm 47 quốc gia thành viên đã thống nhất thông qua nghị quyết do các quốc gia châu Phi đưa ra. Nhiệm vụ cũng yêu cầu người đứng đầu Cao Ủy Nhân quyền Liên Hiệp Quốc  Michelle Bachelet xem xét các phản ứng của chính phủ đối với các cuộc biểu tình ôn hòa, bao gồm cáo buộc sử dụng vũ lực quá mức, và đưa ra kết quả trong một năm.
Vào hôm thứ Tư (17/6), ông Philonise Floyd, anh của người đàn ông da đen thiệt mạng dưới đầu gối của một cảnh sát da trắng, kêu gọi diễn đàn điều tra sự tàn bạo và kỳ thị chủng tộc của cảnh sát Hoa Kỳ. Đại sứ Dieudonné W. Désiré Sougouri của Burkina Faso trình bày nghị quyết của châu Phi vào hôm thứ Sáu, thúc giục việc thông qua nghị quyết này bằng sự đồng thuận. Ông cho biết các quốc gia Phi Châu đưa ra nhiều “nhượng bộ” trong các cuộc đàm phán với các quốc gia khác.
Đặc phái viên Coly Seck của Senegal, một cựu chủ tịch hội đồng, hoan nghênh sự đồng thuận, đồng thời tuyên bố trong các cuộc đàm phán rằng “Black Lives Matter”. Nghị quyết được thông qua trong các cuộc đàm phán kín, từ một dự thảo ban đầu kêu gọi một ủy ban điều tra của Liên Hiệp Quốc về nạn kỳ thị chủng tộc ở Hoa Kỳ và các nơi khác. (BBT)
https://www.sbtn.tv/hoi-dong-nhan-quyen-lien-hiep-quoc-thiet-lap-cuoc-dieu-tra-ve-ky-thi-chung-toc-sau-cai-chet-cua-ong-george-floyd/

Covid-19:

Phần lớn các ca tử vong không phải do virus gây ra

Zaria GorvettBBC Future
Mọi chuyện bắt đầu từ một hốc cây lớn.
Bé trai Emile Ouamouno, hai tuổi, rất thích chơi đùa bên trong một cái hốc cây gần nhà ở Meliandou – ngôi làng nằm giữa rừng rậm Guinea.
Covid-19 và mối nguy hiểm chết người: Khi cơ thể tự tấn công bản thân
Nên ra ngoài trời nhiều để tăng sức đề kháng cho cơ thể
Đeo khẩu trang có thực sự giảm lây Covid-19?
Những con dơi cũng thích sự ấm cúng nơi hốc cây này, nên chúng trú ngụ ở đó. Bọn trẻ con thỉnh thoảng bắt dơi đem nướng ăn.
Thế rồi Emile ngã bệnh.
Vào ngày 28/12/2013, cậu bé đã không chống chọi nổi một căn bệnh ác nghiệt và bí ẩn.
Mẹ, chị gái và bà đã ở bên cạnh chăm sóc cậu. Và điều gì phải đến đã đến – sau đám tang cậu bé, căn bệnh dần bắt đầu lây lan khắp vùng.
Đại dịch Ebola
Cho đến 23/3/2014, đã có 49 trường hợp nhiễm bệnh và 29 trường hợp tử vong – và các nhà khoa học xác nhận rằng đó là virus Ebola.
Trong ba năm rưỡi tiếp theo, thế giới chứng kiến nỗi kinh hoàng khi virus này cướp đi hơn 11.325 sinh mạng.
Nhưng, trong khi điều này đang tiếp diễn thì “họa vô đơn chí”, một thảm kịch khác bắt đầu kéo đến.
Sự bùng phát dịch làm căng thẳng nghiêm trọng các nguồn lực của các dịch vụ chăm sóc sức khỏe tại địa phương – nhiều người chết, một số lượng lớn các bệnh viện đã đóng cửa và những bệnh viện còn mở cửa thì tràn ngập bệnh nhân Ebola.
Tại ba quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất – Sierra Leone, Liberia và Guinea – mọi người bắt đầu tránh chăm sóc sức khỏe bằng mọi giá.
Họ sợ căn bệnh mới bí ẩn này, nhưng họ còn sợ các bác sĩ nhiều hơn. Tấm áo choàng màu trắng lạnh lẽo liên tưởng đến cái chết đột ngột, nhân viên y tế đã bị kỳ thị nặng nề. Mọi người không ai muốn đến gần họ.
Và kết quả tất yếu, theo một phân tích năm 2017, là đại dịch đã khiến hoạt động chăm sóc sức khỏe bị né tránh đáng kể. Số phụ nữ mang thai tìm kiếm hỗ trợ y tế khi sinh con giảm 80%, tỷ lệ tiêm chủng giảm mạnh và số trẻ em bị sốt rét giảm 40%.
Trớ trêu thay, sau nỗ lực quốc tế mạnh mẽ để chống lại đại dịch Ebola, hệ lụy gián tiếp còn nghiêm trọng hơn chính virus Ebola.
Đại dịch Covid-19
Vào năm 2020 này, thế giới có lẽ đang phải chứng kiến một cảnh tương tự.
Vì sao nhiều người Mỹ chống cách ly xã hội, bất chấp Covid-19?
Covid-19 ra tay tàn độc với nam giới hơn là với phụ nữ?
Thời tiết nắng nóng có tiêu diệt được Covid-19?
Ngay từ khi bắt đầu dịch, nhiều quốc gia đã trấn an công chúng rằng các cách phòng chống Covid-19 đang được ưu tiên thực hiện – giường bệnh và máy thở được đặt sẵn, các cách điều trị chưa được chứng minh tính hiệu quả cũng đã được tích trữ, và hàng ngàn bác sĩ được điều sang là việc tại các khoa hô hấp.
Ở Anh, chính phủ cam kết cung cấp tất cả mọi thứ dịch vụ y tế cần thiết để đối phó với đại dịch, “bằng bất cứ giá nào”.
Các bước tương tự đã được thực hiện ở các nước trên thế giới khi họ chiến đấu để kìm hãm tỷ lệ lây nhiễm đang đà gia tăng.
Bất cứ điều gì được coi là không khẩn cấp đều bị trì hoãn hoặc cắt giảm, từ các ca phẫu thuật cho đến các dịch vụ sức khỏe tình dục, tạm ngừng các chương trình cai nghiện thuốc lá, hỗ trợ sức khỏe tâm thần, nha khoa, tiêm chủng, tầm soát ung thư và khám sức khỏe định kỳ.
Covid-19 đã thay đổi tất thảy mọi thứ trước nay đang là quan trọng – không có cái gọi là bác sỹ dự phòng hay nguyên tắc y tế dự phòng nào nữa.
Kết quả là, sự tập trung cao độ vào một kẻ thù duy nhất đã gây ra những tác động phụ tai hại.
Chết vì không được chữa trị các bệnh khác
Các chuyên gia lo ngại rằng chết vì các bệnh như dịch tả chẳng hạn có thể vượt xa con số tử vong từ chính Covid-19
Trên toàn cầu, nhiều bệnh nhân bị từ chối điều trị ung thư, lọc thận và phẫu thuật cấy ghép khẩn cấp, đôi khi dẫn đến hậu quả gây tử vong.
Ở vùng Balkan, nhiều phụ nữ đã buộc phải tự phá thai bằng các cách thức thiếu hiểu biết và nguy hiểm, trong khi các chuyên gia ở Anh đã báo cáo sự gia tăng bệnh nhân đau răng phải tìm cách tự chữa một cách điên rồ như dùng kẹo cao su, kìm cắt dây thép và keo dán tổng hợp.
Đã có tình trạng hoảng loạn lùng mua tích trữ hydroxychloroquin, thuốc vốn dùng để chữa bệnh sốt rét và tình trạng tự miễn dịch, và người ta thấy rằng việc các ca tử vong liên quan tới Covid-19 đã dẫn tới nạn khan hiếm loại thuốc này.
Và cũng như mọi các cuộc khủng hoảng khác, đại dịch hiện nay có vẻ như tấn công mạnh nhất vào những nước nghèo nhất.
Các nhà khoa học đã cảnh báo rằng, ở một số nơi, sự gián đoạn trong việc kiểm soát các bệnh như HIV, lao phổi và sốt rét có thể dẫn đến tổn thất ở quy mô không kém so với hậu quả mà virus corona trực tiếp gây ra.
Tương tự, các chuyên gia lo ngại rằng số lượng người tử vong vì bệnh như dịch tả có thể vượt xa những người chết do Covid-19.
Các chương trình tiêm chủng đang là mối quan ngại đặc biệt.
Tổ chức Y tế Thế giới tính toán rằng ít nhất 80 triệu trẻ em dưới một tuổi hiện có nguy cơ mắc bệnh bạch hầu, bại liệt và sởi, do đại dịch Covid-19 đã gây gián đoạn các chương trình tiêm chủng tại ít nhất 68 quốc gia.
Người ta trông đợi là bệnh bại liệt sẽ quay trở lại, bất chấp nỗ lực trị giá hàng tỷ đô la kéo dài cả mấy thập kỷ qua vốn đã gần xóa sổ được loại virus này trong tự nhiên. Hiện loại virus duy nhất đã bị diệt toàn bộ trong tự nhiên là loại gây bệnh đậu mùa.
Chết vì đói, nghèo và suy dinh dưỡng
Trong khi đó, David Beasley, giám đốc điều hành của Chương trình Lương thực Thế giới thuộc Liên Hiệp Quốc (WFP), hồi tháng Tư cảnh báo rằng thế giới đang đứng trước sự bùng nổ một nạn đói – với 130 triệu người có nguy cơ bị chết vì thiếu ăn, và 135 triệu người khác đang trên bờ vực chết đói.
Cuối cùng, người ta cho rằng các biện pháp phong tỏa toàn cầu và những bất ổn kinh tế tiếp theo có thể làm tăng cái gọi là “chết vì tuyệt vọng”, bởi một số người tìm đến rượu hoặc tự tử.
Quy mô thực sự của những tổn thất từ dịch bệnh Covid-19 là gì? Liệu chúng ta có thể làm gì để ngăn chặn?
Vì sao tỷ lệ tử vong do virus corona mỗi nước mỗi khác?
Những đại dịch tàn khốc và bài học thời Covid-19
Covid-19: Kinh nghiệm từ Đại dịch cúm Tây Ban Nha
Với nhà dịch tễ học Timothy Roberton, cùng với các đồng nghiệp từ Đại học Johns Hopkins, Maryland, thì hệ lụy kéo theo đã trở thành mối lo ngại gần như ngay khi đại dịch Covid-19 bắt đầu.
“Nhiều người trong chúng ta đã chứng kiến ảnh hưởng gián tiếp của dịch Ebola ở Tây Phi vào năm 2014, cho nên chúng ta biết những gì có thể xảy ra,” ông nói.
Cụ thể, nhóm nghiên cứu rất chú ý đến tác động của Covid-19 đối với phụ nữ và trẻ em ở các quốc gia có thu nhập thấp như những người ở vùng Hạ Sahara, châu Phi.
Họ đã mô hình hóa tác động của một số kịch bản gia tăng mức độ nghiêm trọng và xác định hai hệ lụy của việc phản ứng với Covid-19 có thể làm tăng số lượng thương vong.
Một điểm là sự gián đoạn của các dịch vụ y tế. “Ví dụ, điều đó có khi là do mọi người quá sợ hãi nên khước từ sự giúp đỡ y tế, tức là từ phía cầu” ông Roberton nói. “Và tiếp theo là từ phía cung – nhân viên y tế có thể bị ốm, họ không đi làm được trong đại dịch, hoặc thiếu thuốc men.”
Một điểm nữa là các gia đình không có đủ lượng thực thực phẩm, điều này có thể làm tăng độ mẫn cảm dễ mắc các bệnh truyền nhiễm.
Tóm lại, các nhà khoa học dự đoán rằng trong trường hợp xấu nhất, việc sử dụng các dịch vụ y tế giảm tới 50% và tình trạng suy dinh dưỡng tăng lên tương ứng, thì hơn một triệu trẻ em và 56.700 bà mẹ có thể chết vì hậu quả gián tiếp từ đại dịch.
Hầu hết các trường hợp tử vong ở trẻ em là do viêm phổi hoặc mất nước do tiêu chảy, trong khi đối với phụ nữ, chúng có thể là do các biến chứng do mang thai hoặc sinh nở – như băng huyết, sản giật và nhiễm trùng máu.
“Đó là những gì chúng ta phải sẽ chứng kiến nếu họ không được điều trị cho những bệnh này – trẻ em thì không được bù nước điện giải, các bà mẹ thì không được điều trị bằng thuốc kháng sinh,” ông Roberton nói.
Khi những cái chết này được cộng thêm vào số có nguy cơ tử vong do nạn đói, thì tổng số các ca tử vong thực sự bắt đầu tăng lên.
WFP hiện đang cung cấp lương thực cho gần 100 triệu người mỗi ngày – và trong số đó, khoảng 30 triệu người hoàn toàn phụ thuộc vào khẩu phần thức ăn này để sinh tồn.
Theo phân tích của WFP, 300.000 người có thể chết đói mỗi ngày trong những tháng tới, nếu WFP không thể tiếp tục cung cấp lương thực cho họ. Con số này chưa bao gồm những người mới tạm thời lâm vào cảnh đói nghèo vì đại dịch.
“Nếu nhìn toàn cảnh, ta thấy rằng thế giới đang hoạt động khá hiệu quả và số người bị đói trên thế giới đang giảm xuống,” Jane Howard, giám đốc truyền thông của WFP nói.
Bà giải thích rằng trong năm năm gần đây, xu hướng này đã đảo ngược – chủ yếu là do xung đột và biến đổi khí hậu.
“Chỉ ngay trước khi cuộc khủng hoảng virus corona nổ ra, chúng tôi đã nhận được những số liệu mới khiến chúng tôi thực sự hoảng sợ – theo đó cho thấy số người thiếu đói nghiêm trọng đã tăng vọt.”
Đại dịch hiện nay không chỉ có thể đẩy 130 triệu người vào cảnh chết đói, mà còn đe dọa các khoản đóng góp để duy trì chương trình hỗ trợ lương thực.
“Nếu nền kinh tế thế giới bị ảnh hưởng và các quốc gia không thể cung cấp nhiều ngân khoản như trông đợi, thì bạn biết đấy, một kịch bản hoàn toàn khác sẽ xảy ra, mà kịch bản này thì vô cùng đáng sợ,” bà Howard nói.
Nạn đói ở thành phố thời hiện đại
Chính xác thì Covid-19 sẽ đẩy con người lâm vào nạn đói diễn biến theo cách phức tạp hơn chúng ta nghĩ.
Howard giải thích rằng, trái ngược với những hình ảnh rập khuôn về những người chết đói trong những bộ phim ra hồi thập niên 1990, được miêu tả là những người thường sống ở những vùng xa xôi nhất của vùng Hạ Sahara châu Phi, ngày nay tình trạng suy dinh dưỡng cũng là một vấn đề lớn ở các thành phố – và đây là nơi mà đại dịch có thể tấn công nặng nề nhất.
“Nếu bạn sống ở một làng quê nông thôn, bạn có thể có một luống rau, hoặc bà dì của bạn có thể nuôi bò để cho bạn thịt,” bà nói.
“Bạn dù sao cũng có sẵn chút ít thực phẩm dự trữ tại chỗ. Nhưng trong một thành phố, bạn hoàn toàn có thể lâm vào tình trạng không thể đủ tiền mua vì giá cả thị trường leo thang.”
Hiện tại, mối quan ngại chính là nỗi lo cho những người lao động phổ thông, thợ lái xe kéo và công nhân xây dựng.
Ví dụ, một trong những đồng nghiệp của Howard ở Cộng hòa Congo đã nhận thấy rằng giá cả của nhiều loại lương thực cơ bản tại nơi anh sống, như bơ đậu phộng và bột khoai mì đã tăng 10% trong hai tuần hồi đầu tháng Năm.
Điều này có lẽ một phần là do các siêu thị hạn chế giờ mở cửa, nhưng chủ yếu là do Covid-19 đã bắt đầu ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng toàn cầu – và hàng nhập khẩu đã trở nên đắt đỏ hơn.
Rồi còn bao nhiêu các loại chi phí chìm cộng thêm vào nữa. Chẳng hạn như có một phụ nữ, do không có phương tiện giao thông công cộng nào hoạt động trong thời gian phong tỏa, đã phải thuê một chiếc xe cút kít để mang thực phẩm về nhà.
Độ tuổi bị ảnh hưởng nặng nề nhất
Tất nhiên, có một lý do khác khiến nhiều quốc gia có thể bị tổn thất nhân mạng nhiều hơn do các hậu quả gián tiếp của Covid-19 – đó là do độ tuổi của dân chúng.
Người ta biết rằng Covid-19 tấn công vào người cao tuổi dữ dội hơn, nhưng mức độ quả là khủng khiếp đến khó tin. Theo dữ liệu của Thành phố New York từ ngày 13/5, số ca tử vong ở những người từ 75 tuổi trở lên cao gấp 811 lần so với những người từ 17 tuổi trở xuống.
Mặt khác, các quốc gia thu nhập thấp có xu hướng có dân số trẻ hơn.
Ở quốc gia trẻ nhất thế giới – Nigeria, ở Tây Phi – tuổi trung bình chỉ là 15,2 tuổi. (Quốc gia này cũng có tỷ lệ sinh cao nhất, trung bình mỗi phụ nữ sinh 7,2 người con trong đời.) Cho đến nay, nước này báo cáo có 254 trường hợp tử vong do đại dịch Covid-19.
Ngược lại, Ý có độ tuổi trung bình dao động trong khoảng 45 tuổi, cũng là một trong những lứa tuổi có tỷ lệ tử vong cao nhất từ Covid-19, với hơn 33.000 người chết tính đến thời điểm này.
Mức độ tử vong do đại dịch gây ra hiện vẫn là chủ đề đang tranh cãi. Có thể là số người tử vong sớm hơn bình thường do virus trực tiếp gây ra thì không nhiều như những gì các số liệu đang cho thấy.
Chẳng hạn như Covid-19 gây nguy cơ tử vong cao nhất đối với nhóm người cao tuổi, nhưng nhóm người này cũng là nhóm có nguy cơ cao nhất mắc các bệnh theo mùa hoặc các bệnh khác về đường hô hấp.
Vào thời điểm này, số các ca tử vong mỗi tháng vẫn cao hơn nhiều so với số liệu trung bình cùng kỳ các năm trước.
Thế nhưng nếu như tổng số các ca tử vong về sau lại giảm xuống tới dưới mức trung bình, thì có thể là do virus corona đã khiến cho một số bệnh nhân cao tuổi từ trần sớm hơn vài tháng so với việc không nhiễm virus, thay vì là sớm hơn vài năm.
Trên thực tế, ngay cả ở những quốc gia giàu có, người ta thấy rằng về mặt dài hạn, những cái chết gián tiếp bởi virus corona rốt cuộc sẽ nhiều hơn đáng kể so với những trường hợp tử vong do tác động trực tiếp của bệnh này.
Lấy ví dụ với bệnh ung thư.
Kể từ khi đại dịch Covid-19 bắt đầu, hầu hết các công tác nhằm giúp giảm gánh nặng của bệnh ung thư và làm giảm tỷ lệ tử vong – từ xét nghiệm sinh thiết tế bào cổ tử cung cho đến tầm soát ung thư vú – đều đã bị ảnh hưởng, vì trọng tâm công tác y tế chuyển sang cấp bách cứu nhiều người nhất trong căn bệnh virus corona. Đối với một số người, điều này gây ra hậu quả chết người.
“Ung thư là căn bệnh không cho phép chần chừ chờ đợi,” Keith Hiom, giám đốc chẩn đoán sớm và điều trị ung thư tại Cancer Research UK, một tổ chức thiện nguyện chuyên tài trợ cho nghiên cứu khoa học về ung thư, nói. “Bệnh ung thư chắc chắn dễ điều trị và chữa khỏi hơn nếu được chẩn đoán sớm.”
Mặc dù vậy, bà giải thích rằng nhiều chương trình tầm soát ung thư đã bị tạm dừng trên khắp nước Anh kể từ khi thực thi lệnh phong tỏa để kiểm soát dịch Covid-19 – có nghĩa là khoảng 1.600 trường hợp ung thư mà họ thường phát hiện ra mỗi tháng sẽ không được phát hiện trong thời điểm này.
“Đây không phải là những người ốm bệnh. Đây không phải là những người mà ta nghĩ là họ sẽ mắc bệnh ung thư. Song mục đích của các chương trình tầm soát là nhằm chẩn đoán sớm ung thư,” bà nói.
Một công cụ quan trọng khác là việc các bác sĩ gia đình giới thiệu bệnh nhân đi khám sức khỏe định kỳ, nhưng công cụ này đang gặp vấn đề.
Dữ liệu cho thấy mọi người không chịu đến khám theo lịch hẹn vào thời điểm này, có thể là do họ sợ việc phải ra khỏi nhà.
Mà khi họ không tới khám thì bác sỹ gia đình không thể đưa ra ý kiến và giới thiệu họ tới thăm khám với các chuyên gia y tế chẩn đoán sớm ung thư – ngay cả khi người bệnh đã trong tình trạng nguy cấp.
Đối với những người đã được chẩn đoán, họ sẽ phải trải qua một quá trình trì hoãn kéo dài rồi mới được bắt đầu điều trị – và Hiom giải thích rằng khi đại dịch lắng xuống, giải quyết các ca tồn đọng sẽ là một quá trình cực kỳ chậm chạp.
Tổng cộng, một nhóm các bác sĩ ung thư ước tính rằng chỉ riêng ở nước Anh, 60.000 bệnh nhân ung thư có thể chết do sự chậm trễ trong chẩn đoán và điều trị.
Cuối cùng là vấn đề suy thoái kinh tế, vốn đã chính thức bắt đầu ở Đức và dự kiến sẽ là đợt suy thoái trầm trọng nhất kể từ thời kỳ Đại Suy thoái tới nay.
Giống như nhiều tổ chức y tế quan trọng khác, tổ chức Cancer Research phụ thuộc vào sự đóng góp từ công chúng – và nhiều hoạt động sinh lợi nhất của họ, chẳng hạn như các sự kiện tổ chức thi chạy để xin tài trợ, hiện đều đang bị xếp lại. Không có ngân sách cũng có nghĩa là các nỗ lực nghiên cứu của họ sẽ bị đẩy lui lại nhiều năm.
Vậy ta cần làm gì để có thể giảm thiểu những tác động gián tiếp của Covid-19?
Bà Hiom rất muốn các chương trình tầm soát ung thư được nhanh chóng khởi động lại, nhưng bà cũng hy vọng đưa ra thông điệp rằng bệnh ung thư cần phải được xử lý càng sớm càng tốt – và hy vọng rằng bệnh nhân sẽ bắt đầu lại các cuộc hẹn khám sức khỏe định kỳ trong những tháng tới.
“Ung thư giai đoạn cuối phức tạp hơn nhiều, liên lụy đủ thứ và chi phí điều trị vô cùng tốn kém, theo mọi nghĩa của từ này,” bà nói. “Tốn kém cho bệnh nhân, tốn kém cho cả Cơ quan Y tế Công Anh Quốc.”
Trong khi đó, Howard chỉ ra một danh sách những việc mà kinh tế gia thường trú của WFP đã khuyến nghị.
Trong số này có những việc từ trợ giúp chính phủ trong việc cung cấp các biện pháp an toàn cho người dân – chẳng hạn như tiếp tục cung cấp bữa ăn miễn phí cho học sinh ở trường, dù cho các trường học đóng cửa – cho đến việc duy trì hoạt động của chuỗi cung ứng hàng hóa và tránh các rào cản thương mại.
“Những điều nhỏ nhặt có thể sẽ đem lại những tác động thực sự to lớn,” bà nói.
“Ví dụ, nếu bạn khăng khăng rằng các tài xế xe tải quốc tế phải cách ly, thì chuỗi cung ứng sẽ bị phá vỡ hoàn toàn. Vì vậy, ở miền nam châu Phi, chúng tôi đã thuyết phục các chính phủ cấp giấy đi đường cho các hãng vận chuyển hợp đồng nhất định, nhằm đảm bảo cho tài xế của họ có quyền đi qua các nơi, chở hàng hóa tới đúng địa chỉ cần thiết mà không bị cản trở gì.”
Bài tiếng Anh đã đăng trên BBC Future.
https://www.bbc.com/vietnamese/vert-fut-53008385

‘Vòng tròn lửa’:

Nhật thực hình khuyên trong ngày Hạ chí

Cảnh nhật thực có thể nhìn thấy từ một số nơi ở châu Á; người phụ nữ này đang xem từ Bangkok
Những ai theo dõi bầu trời ở Tây Phi, Bán đảo Ả-rập, Nam Á, vùng miền nam Trung Quốc và Đài Loan đã được ngắm nhìn một cảnh nhật thực vô cùng ấn tượng.
Các nhiếp ảnh gia đã chụp được cảnh nhật thực hình khuyên – còn được gọi là vòng tròn lửa – khi Mặt Trăng đi qua giữa Trái Đất và Mặt Trời, tạo thành một vòng sáng mỏng manh có thể nhìn thấy rất rõ.
Lần nhật thực này diễn ra trùng với ngày hạ chí, tức là ngày dài nhất trong năm ở Bắc Bán Cầu.
Sự kiện nhật thực hình khuyên diễn ra mỗi một hoặc hai năm một lần và chỉ nhìn thấy được từ một khoảng vị trí hẹp trên Trái Đất, được gọi là đường trung tâm.
Những người ở cách đường trung tâm vài trăm km không nhìn được cảnh nhật thực thực sự, nhưng thấy
Theo các nhà thiên văn học, ngắm cảnh nhật thực thì tương đương với việc đang ở môi trường chiếu sáng bằng bóng 500W chuyển sang bóng 30W.
Dưới đây là một số bức hình đẹp nhất, ghi lại cảnh nhật thực năm nay.
https://www.bbc.com/vietnamese/world-53097153

Covid-19 : Tây Ban Nha mở cửa biên giới đón du khách

Minh Anh
Ngày 21/06/2020, Tây Ban Nha chính thức mở cửa biên giới với các nước trong không gian Schengen. Nhưng tại Barcelona, sự trở lại của nhiều du khách, dù là cần thiết cho kinh tế, lại không được nhiều người dân tán đồng.
Từ Barcelona, thông tín viên Elise Gazengel tường thuật :
« Tây Ban Nha có lẽ nên đợi lâu hơn chút nữa so với các nước lân cận nhưng cuối cùng vào ngày Chủ Nhật 21/06/2020 Tây Ban Nha cũng đã mở cửa biên giới cho nhiều nước thành viên trong không gian Schengen. Nhưng sự có mặt của các du khách đã không được nhiều người dân thành Barcelona hài lòng, theo như những gì cô Maite Garcia cảm nhận, khi lần đầu tiên trong vòng 15 năm đến tham quan Rambla.
Cô nói : ʺTôi chẳng lấy làm thích thú gì mấy, điều đó làm cho tôi thấy lo lo bởi vì cách nay ít lâu, tôi có nghe nói rằng có rất nhiều người Đức lại đến.ʺ
Với gần 83 triệu du khách trong năm 2018, Tây Ban Nha là quốc gia được tham quan nhiều thứ hai trên thế giới, nhưng một số vùng đặc biệt rất đông khách vào mùa hè. Đối với Clara Barrio, du lịch đại chúng tại Tây Ban Nha không tương thích với những biện pháp an toàn dịch tễ.
Cô nói : ʺThật là lạ khi cho phép du khách trở lại trong khi mà dịch bệnh vẫn còn đó khắp nơi trên thế giới. Tình trạng này sẽ gây ra đợt dịch bệnh thứ hai.ʺ
Đương nhiên lời giải thích là vì kinh tế, như lưu ý của ông Manuel Valero. ʺCái gì là tệ hại nhất : chết vì Covid hay chết đói, bởi vì nếu không có du lịch thì chẳng có tiền ?ʺ
Lĩnh vực này chiếm đến 13% PIB của cả nước nhưng cũng có thể chiếm đến 40% tại một số vùng như Costa Brava hay Baleares. Chính phủ thông báo rằng việc kiểm soát dịch tễ sẽ được thực hiện với du khách để tránh cùng lúc đợt dịch thứ hai và một cuộc khủng hoảng kinh tế ».
http://www.rfi.fr/vi/qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF/20200621-covid-19-t%C3%A2y-ban-nha-m%E1%BB%9F-c%E1%BB%ADa-bi%C3%AAn-gi%E1%BB%9Bi-%C4%91%C3%B3n-du-kh%C3%A1ch

Tượng Lenin gây tranh cãi

được dựng ở Gelsenkirchen, Đức

Một đảng cực tả ở Đức vừa dựng tượng lãnh tụ cộng sản Vladimir Lenin, gây tranh cãi.
Đảng Marxist-Leninist Đức (MLPD), một đảng rất nhỏ, đã đặt bức tượng ở ngay trước trụ sở chính của mình tại thành phố Gelsenkirchen ở miền tây nước Đức.
Giải mã tâm lý đòi giật sập tượng các nhân vật lịch sử
Cuộc phiêu lưu của pho tượng Lenin từ Đông Âu sang Mỹ
Sinh nhật Karl Marx: Tôi trèo lên bức tượng ‘quay về phía Tây’ của ông và Engels ở Berlin
Giới chức thành phố đã tìm cách ngăn việc đặt tượng và dùng một hashtag trên mạng, theo đó nói “không có chỗ cho Lenin”.
Nhưng tòa án đã chặn họ, và việc ra mắt tượng đã diễn ra vào hôm thứ Bảy.
Lenin là lãnh tụ của cuộc Cách mạng Tháng Tám 1917, và đã dẫn dắt đất nước cho tới khi ông qua đời, 1924.
Lên thay thế ông là Josef Stalin, nhưng ông vẫn là biểu tượng cho chủ nghĩa cộng sản toàn cầu, cả giữa những người ủng hộ lẫn những người biết về tình trạng đàn áp nhân quyền trong thời Xô-viết.
Bản thân nước Đức bị chia cắt trong nhiều thập niên thành Tây Đức và Đông Đức, cho tới khi Bức tường Berlin sụp đổ, năm 1989.
Trong cuộc tranh luận quanh bức tượng ở Gelsenkirchen, được biết đến là làm tại Tiệp Khắc từ 1957, cả hai bên đều đưa dẫn chứng tới việc giật đổ tượng liên quan tới thời kỳ buôn nô lệ diễn ra trên toàn cầu trong những tuần gần đây.
“Chúng ta sống trong một giai đoạn mà nhiều quốc gia trên thế giới đang suy ngẫm về những tượng đài,” Thị trưởng Frank Baranowski nói trong một trong các video được hội đồng thành phố đăng tải trên YouTube để phản đối việc dựng tượng.
Nước Nga: Moscow phải gỡ khẩu hiệu đòi dỡ tượng Lenin
Nghệ An sẽ hoàn thành dự án tượng Lenin cuối tháng 3
“Thật khó mà chịu đựng được việc một nhà độc tài Thế kỷ 21 lại đang được đặt lên bàn đạp và dựng tượng tưởng niệm. Thật không may là tòa án đã quyết định, chúng ta phải chấp nhận điều đó, nhưng mà không có nghĩa là chấp nhận mà không nói gì.”
Tuy nhiên, chủ tịch của MLPD, Gabi Fechtner, thì miêu tả nhà lãnh đạo cộng sản là “người đi trước thời đại, có vai trò quan trọng mang tính lịch sử đối với thế giới, một chiến binh thời kỳ đầu đấu tranh cho tự do và dân chủ,” hãng tin AFP tường thuật.
https://www.bbc.com/vietnamese/world-53097152

Gruzia : Biểu tình chống Nga xâm lược

 trong bối cảnh đại dịch Covid-19

Tú Anh
Theo lời kêu gọi của phong trào “Nỗi nhục”, chiều thứ Bảy 20/06/2020, nhiều ngàn dân Gruzia biểu tình chống Nga xâm chiếm lãnh thổ.
Cách nay đúng một năm, cũng vào ngày này 20/06, dân biểu Cộng Sản Nga Sergey Gavrilov, đã gây ra một làn sóng phẫn nộ kéo dài nhiều tháng tại Gruzia, khi ông ngồi vào ghế chủ tịch Quốc Hội Gruzia, chủ tọa một cuộc họp của Ủy ban liên nghị viện các nước theo Chính Thống giáo.
Cuộc biểu tình ngày hôm qua vừa nhằm tố cáo Matxcơva, ủng hộ hai vùng lãnh thổ Abkhazia và Nam Ossetia, chiếm đóng 20% lãnh thổ Gruzia, vừa nhằm bày tỏ thái độ quan ngại về việc chính quyền Tbilissi theo chính sách thân Nga.
Từ Tbilissi, thông tín viên Régis Genté phân tích :
“Trong bối cảnh siêu vi corona lây lan, ban tổ chức phân phát khẩu trang và dung dịch rửa tay diệt trùng cho người tham gia biểu tình tập trung trước trụ sở Quốc Hội. Chỗ đứng của mỗi người, theo tiêu chuẩn giữ khoảng cách, được đánh dấu bằng hình chân dung của tổng thống Nga Putin dán trên mặt đất.
cáo Nga xâm lăng. Sự phẫn nộ dâng cao vì vài giờ trước, dân biểu Cộng Sản Nga Sergey Gavrilov, kẻ đã gây căm phẫn một năm về trước, tung lời kêu gọi Tbilissi xin lỗi Matxcơva. Thêm một hành động khiêu khích mới trong khi nỗi bất bình của người dân Gruzia chưa nguôi và hình ảnh Sergey Gavrilov  ngồi vào ghế chủ tịch Quốc Hội Gruzia vẫn còn khắc sâu vào tâm khảm dân chúng. Mặc khác, chính phủ Gruzia hiện nay lại do nhà tỷ phú Bidzina Ivanichvili, kẻ làm giàu ở nước Nga, giật dây từ trong hậu trường, sử dụng bạo lực đàn áp người dân phản đối Nga xâm lược.”
http://www.rfi.fr/vi/qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF/20200621-gruzia-bi%E1%BB%83u-t%C3%ACnh-ch%E1%BB%91ng-nga-x%C3%A2m-l%C6%B0%E1%BB%A3c-trong-b%E1%BB%91i-c%E1%BA%A3nh-%C4%91%E1%BA%A1i-d%E1%BB%8Bch-covid-19

Nhật Bản nói Trung Quốc đưa tàu xâm phạm vùng biển

Nhật Bản vừa gửi phản đối ngoại giao đến Trung Quốc sau khi 4 tàu Trung Quốc một lần nữa lại tiến gần quần đảo Senkaku mà Tokyo đang quản lý nhưng Bắc Kinh cũng đòi chủ quyền.
Các tàu hải cảnh Trung Quốc đã hoạt động suốt 65 ngày liên tục trong hoặc gần vùng lãnh hải quanh quần đảo không người ở này. Đây là giai đoạn hoạt động dài nhất của các tàu Trung Quốc trong khu vực tranh chấp kể từ tháng 9/2012, khi chính phủ Nhật mua lại một số đảo trong nhóm đảo từ một gia đình Nhật Bản sở hữu chúng.
Tổng thư ký Nội các Nhật Bản Yoshihide Suga từ chối bình luận về điều mà các tàu Trung Quốc có thể đang làm trong vùng biển quanh quần đảo.
“Quần đảo Senkaku đang nằm dưới sự kiểm soát của chúng tôi và là lãnh thổ của chúng tôi một cách không có gì đáng ngờ. Chúng tôi tin rằng tiếp diễn những hoạt động đó là việc cực kỳ nghiêm trọng. Chúng tôi sẽ đáp trả cương quyết và bình tĩnh đối với phía Trung Quốc”, ông Suga nói.
Phát biểu của ông Suga được đưa ra 5 tuần sau khi lực lượng bảo vệ bờ biển Nhật Bản chặn các tàu hải cảnh Trung Quốc bám theo một tàu cá Nhật Bản trong vùng biển quanh đảo Uotsuri thuộc quần đảo Senkaku. Các tàu Trung Quốc rời đi sau khi nhận được cảnh cáo qua radio.
“Bắc Kinh không ngừng thăm dò và tìm cơ hội lợi dụng những điểm yếu của Nhật Bản quanh quần đảo để phục vụ chiến lược lâu dài của họ”, báo SCMP dẫn lời ông Stephen Nagy, phó giáo sư ngành quan hệ quốc tế tại ĐH Công giáo quốc tế ở Tokyo.
Ông Nagy cho rằng mục đích của Trung Quốc khi đi vào vùng biển tranh chấp là nhằm thể hiện với cộng đồng quốc tế rằng tuyên bố chủ quyền của Nhật Bản là yếu vì không thể thực thi quyền kiểm soát hành chính ở khu vực này. Chiến lược đó được gọi là “chiến tranh pháp lý”.
GS Yoichi Shimada, một chuyên gia về quan hệ quốc tế ở ĐH Fukui, đồng ý rằng Trung Quốc có tham vọng lâu dài đối với quần đảo Senkaku và những khu vực khác.
“Với Senkaku, Bắc Kinh đang tiến hành cuộc chiến 100 năm nhằm cho thế giới thấy rằng quần đảo đó là do Trung Quốc quản lý và tôi có thể nói rằng bất kỳ chính trị gia Nhật Bản nào bây giờ tuyên bố có thể chặn tham vọng đó của Trung Quốc cũng chỉ là mơ tưởng”, GS Shimada nói.
“Cách duy nhất Nhật Bản có thể ngăn chặn các bước đi của Trung Quốc là củng cố quan hệ đồng minh với Mỹ. Quân đội Mỹ là lực lượng duy nhất mà Trung Quốc e sợ”, GS Shimada nói.
Nhưng học giả này cho rằng vấn đề là Tổng thống Mỹ Donald Trump thể hiện sự lưỡng lự khi giúp các nước khác, ngay cả với đồng minh của Mỹ.
“Tôi sợ rằng Trung Quốc hiểu nhầm quan điểm của Washington và cho rằng chính quyền Mỹ sẽ không giúp Nhật Bản chống lại các bước đi của Trung Quốc ở Senkaku. Hiệp ước an ninh Mỹ – Nhật đã có, nhưng không gì bảo đảm Mỹ làm theo”, ông nói.
Tình hình ở biển Hoa Đông tương tự như nhiều vùng biển khác ở khu vực. Máy bay quân đội Trung Quốc vào không phận Đài Loan trong những ngày gần đây; các tàu Trung Quốc tăng cường hoạt động và quấy rầy các nước láng giềng Đông Nam Á trên biển Đông; căng thẳng chết người trên biên giới Trung Quốc – Ấn Độ khiến 20 binh lính Ấn Độ thiệt mạng.
Cả Washington và Bắc Kinh đều đã đưa thêm tàu chiến ra biển Đông. Lần đầu tiên trong 3 năm qua, ba tàu sân bay Mỹ đang hoạt động trên vùng biển Tây Thái Bình Dương trong những ngày gần đây.
Trước khi đại dịch COVID-19 bùng phát, Nhật Bản tích cực xúc tiến hoạt động xích lại gần Trung Quốc. Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình dự kiến có chuyến thăm cấp nhà nước đến Tokyo vào cuối năm nay, nhưng COVID-19 đẩy hai nước xa nhau hơn, dù Nhật Bản cưỡng lại áp lực của Mỹ về việc chỉ trích Trung Quốc xử lý đại dịch.
Ngày 17/6, Nhật Bản cùng các nước thành viên khác của G7 ra tuyên bố kêu gọi Trung Quốc “xem lại” luật an ninh quốc gia dự kiến áp dụng với Hong Kong, bày tỏ “quan ngại nghiêm trọng” rằng luật này sẽ đe dọa các quyền và tự do của thành phố.
http://biendong.net/bi-n-nong/35364-nhat-ban-noi-trung-quoc-dua-tau-xam-pham-vung-bien.html

Máy bay do thám Mỹ

liên tiếp xuất hiện trên bán đảo Triều Tiên

Máy bay do thám Mỹ đã một lần nữa bay qua Hàn Quốc, được cho là nhằm theo dõi Triều Tiên trong bối cảnh tình hình khu vực Đông Bắc Á đang “căng như dây đàn”.
Aircraft Spots cho biết chiếc RC-135W Rivet Joint của Không quân Mỹ đã xuất hiện trên bầu trời thủ đô Seoul, nhưng không tiết lộ thời gian cụ thể.
Động thái này được báo cáo một ngày sau khi máy bay EP-3E của Hải quân Mỹ và RC-12X của lực lượng Mỹ tại Hàn Quốc có những hoạt động tương tự.
Trước đó, máy bay RC-135W Rivet Joint cũng thường được dùng để tiến hành thu thập thông tin tại các khu vực quanh Seoul khi Triều Tiên tiến hành hàng loạt vụ phóng tên lửa đạn đạo vào năm 2017.
Boeing RC-135W là máy bay trinh sát được sử dụng bởi cả Không quân Mỹ và Không quân Hoàng gia Anh.
Động thái diễn ra trong bối cảnh căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên đang gia tăng nhanh chóng.
Bình Nhưỡng trước đó đe doạ đưa quân đội đến các khu vực biên giới từng được giải giáp, và bãi bỏ thoả thuận giảm căng thẳng liên Triều.
Hôm qua, Bộ Quốc phòng Hàn Quốc bày tỏ sự hối tiếc sâu sắc về động thái của Triều Tiên, và cảnh báo sẽ khiến Bình Nhưỡng phải trả giá nếu có động thái khiêu khích chống lại Seoul.
http://biendong.net/bi-n-nong/35367-may-bay-do-tham-my-lien-tiep-xuat-hien-tren-ban-dao-trieu-tien.html

Bắc Hàn chuẩn bị biểu ngữ chống Nam Hàn

trong bối cảnh căng thẳng gia tăng

Tin từ SEOUL, Nam Hàn – Vào hôm thứ Bảy (20/6), truyền thông nhà nước cho biết Bắc Hàn đang chuẩn bị gửi các biểu ngữ tuyên truyền qua biên giới phía nam, đồng thời tố cáo Nam Hàn và những người đào thoát Bắc Hàn.
Đây là hành động trả đũa mới nhất đối với các biểu ngữ từ Nam Hàn khi căng thẳng hai bên gia tăng. KCNA cho biết người dân Bắc Hàn phẫn nộ trên khắp đất nước “đang tích cực thúc đẩy các công tác chuẩn bị cho một đợt phân phát biểu ngữ quy mô lớn”.
Bắc Hàn đổ lỗi cho những người đào thoát Bắc Hàn về hành vi phát biểu ngữ qua biên giới và đe dọa sẽ đưa ra hành động quân sự. Vào hôm thứ Bảy (20/6), Bộ Thống nhất của Nam Hàn, chịu trách nhiệm đối thoại liên Triều, tuyên bố rằng kế hoạch gửi biểu ngữ của Bắc Hàn là “vô cùng đáng tiếc”, và thúc giục họ hủy bỏ kế hoạch này ngay lập tức.
Vào hôm thứ ba (16/6), Bình Nhưỡng phá hủy một văn phòng liên lạc liên Triều để thể hiện sự bất mãn đối với những người đào thoát và Nam Hàn vì không ngăn họ phát biểu ngữ. Vào hôm thứ Sáu (19/6), một nhóm do người đào thoát Bắc Hàn lãnh đạo cho biết họ hủy kế hoạch gửi hàng trăm chai nhựa nhồi gạo, thuốc và khẩu trang cho Bắc Hàn bằng cách ném chúng xuống biển gần biên giới vào hôm Chủ nhật.
Hai miền Triều Tiên, vẫn còn trong tình trạng chiến tranh khi cuộc chiến 1950-1953 của họ kết thúc mà không có hiệp ước hòa bình, tiến hành các chiến dịch phát biểu ngữ trong nhiều thập niên. (BBT)
https://www.sbtn.tv/bac-han-chuan-bi-bieu-ngu-chong-nam-han-trong-boi-canh-cang-thang-gia-tang/

Triều Tiên sẽ tiếp tục rải truyền đơn,

tuyên bố thỏa thuận hai miền ‘đã chết’

Quý Khải
Triều Tiên hôm nay vừa cho biết họ không có ý định hủy kế hoạch rải các truyền đơn chống Hàn Quốc qua biên giới, đồng thời bác bỏ một thỏa thuận liên Triều cấm hoạt động này khi gọi nó “một tài liệu chết”.
Rải truyền đơn tuyên truyền vào miền Nam là một trong những biện pháp trả đũa mà Triều Tiên tuyên bố sẽ sử dụng nhằm đáp trả việc những người Triều Tiên đào thoát xuống Hàn Quốc thả những những quả bóng bay lớn có nội dung chống Bình Nhưỡng vào miền Bắc.
Hôm qua, The Korea Herald dẫn lời truyền thông nhà nước Triều Tiên KCNA cho biết Bình Nhưỡng đang in các tài liệu tuyên truyền chống Seoul với số lượng lớn và chuẩn bị rải chúng qua biên giới. Bộ thống nhất Hàn Quốc bày tỏ sự hối tiếc và kêu gọi Bình Nhưỡng rút lại kế hoạch ngay lập tức, gọi đây là sự vi phạm thỏa thuận thượng đỉnh liên Triều năm 2018.
“Chúng tôi, dù nhận thức rõ ràng rằng việc rải truyền đơn là hành vi vi phạm thỏa thuận Bắc-Nam, nhưng vẫn không có ý định tái xem xét hoặc thay đổi kế hoạch của chúng tôi tại thời điểm mối quan hệ Bắc-Nam đã bị tan vỡ như thế này”, người phát ngôn Bộ Mặt trận thống nhất Triều Tiên (UFD) ra tuyên bố đăng trên trang web của Cơ quan Thông tấn Trung ương Triều Tiên KCNA.
“Chính quyền Hàn Quốc không nên tiếp tục trao đổi về một thỏa thuận đã bị giảm xuống mức thành một tài liệu đã chết”, người phát ngôn này nói thêm.
Triều Tiên đã gọi Hàn Quốc là “kẻ thù” và tuyên bố sẽ cắt đứt mọi đường dây liên lạc xuyên biên giới giữa hai miền.
Tuần trước, Triều Tiên thậm chí còn cho nổ một văn phòng liên lạc chung ở thị trấn biên giới Kaesong – kết quả của hội nghị thượng đỉnh liên Triều năm 2018.
https://www.dkn.tv/the-gioi/tin-tuc-the-gioi/trieu-tien-se-tiep-tuc-rai-truyen-don-tuyen-bo-thoa-thuan-hai-mien-da-chet.html

Liên Triều : Bắc Triều Tiên đưa

nhiều toán quân nhỏ đến vùng giới tuyến

Tú Anh
Từng nhóm binh sĩ Bắc Triều Tiên từ 5, 6 người đến một tiểu đội tiếp tục đến tăng cường cho lực lượng biên phòng. Họ trang bị lưỡi hái và xẻng như để làm công tác dọn cỏ. Trong bối cảnh bực tức vì truyền đơn gửi từ phương nam qua biên giới, Bình Nhưỡng đe dọa trả thù cũng như sẽ bố trí quân ở khu công nghiệp Keasong và khu du lịch Kumgang. Seoul thận trọng theo dõi diễn biến tình hình.
Theo bản tin của Yonhap ngày 21/06/2020, sau khi tuyên bố Hiệp định làm giảm căng thẳng biên giới ký kết vào năm 2018 “đã chết”, có thể Bình Nhưỡng chuẩn bị tái lập các đồn biên giới đã phá hủy. Từ nhiều ngày qua, Hàn Quốc phát hiện nhiều toán binh sĩ Bắc Triều Tiên được đưa đến biên giới cùng với dụng cụ dọn cỏ khai hoang.
Cùng lúc đó, ít nhất hai khẩu đại bác của Bắc Triều Tiên ở vùng duyên hải có tầm bắn đến làng mạc Hàn Quốc ở bờ biển phía nam đã được tháo bao che nòng.
Yonhap tìm hiểu với chính quyền Seoul và được một nguồn tin “xin ẩn danh” xác nhận. Tuy nhiên, nguồn tin này cũng nói nước đôi : Các hành động trên đây có thể là bất bình thường cần phải theo dõi nhưng cũng có thể là bình thường trong quân đội.
Trên thực tế, theo Yonhap, quân đội Hàn Quốc cho biết luôn luôn theo dõi mọi động thái bên kia vĩ tuyến 38 và sẵn sàng trả đũa đích đáng mọi hành động khiêu khích.
Cũng trong chiều hướng tăng cường phòng thủ, bộ Thống Nhất Hàn Quốc gọi thầu lập lá chắn, bảo vệ các cơ quan của bộ, chống bị tấn công mạng. Chương trình cải tiến hệ thống chống tin tặc Bắc Triều Tiên dự trù được hoàn tất trong 6 tháng với ngân sách khoảng 265.000 đô la. Cách nay một năm, hệ thống vi tính của bộ Thống Nhất Hàn Quốc bị tin tặc khống chế, mạo danh gửi thông tin giả đến các phóng viên, nhà báo …
http://www.rfi.fr/vi/ch%C3%A2u-%C3%A1/20200621-li%C3%AAn-tri%E1%BB%81u-b%E1%BA%AFc-tri%E1%BB%81u-ti%C3%AAn-%C4%91%C6%B0a-nhi%E1%BB%81u-to%C3%A1n-qu%C3%A2n-nh%E1%BB%8F-%C4%91%E1%BA%BFn-v%C3%B9ng-gi%E1%BB%9Bi-tuy%E1%BA%BFn

Wikipedia đã hiển thị Đài Loan là một “quốc gia”

Các biên tập viên của Wikipedia cuối cùng đã đi đến thống nhất rằng Đài Loan thực sự là một “quốc gia (country)” thay vì một “nhà nước/ bang (state)”.
Trong những năm qua, nội dung trên Wikipedia cho Đài Loan thường xuyên là mục tiêu phá hoại của những người theo chủ nghĩa dân tộc hay những người biện hộ cho Trung Quốc nhằm tìm cách hạ bệ vị thế của Đài Loan như một quốc gia độc lập có chủ quyền.
Trong một yêu cầu bình luận (Request for comments – RFC) được tạo ra để tranh luận về tình trạng đúng đắn của Đài Loan trên Wikipedia, các biên tập viên đã tranh luận gay gắt về việc coi Đài Loan là một “quốc gia” hay “nhà nước/bang”.
Tiêu chí mà các biên tập viên lựa chọn sẽ dựa trên quyết định của họ về thuật ngữ nào thường được sử dụng hơn và tên gọi chính xác nhất là gì.
Những người ủng hộ sử dụng thuật ngữ “nhà nước/bang” cho rằng nhiều tổ chức trên thế giới không công nhận Đài Loan là một quốc gia độc lập, nên thuật ngữ “nhà nước/bang” sẽ chính xác hơn. Nhiều biên tập viên đồng tình về lập luận này, coi thuật ngữ “nhà nước/bang” được sử dụng phổ biến hơn trên các phương tiện truyền thông khi mô tả về Đài Loan.
Tuy nhiên, phía đối lập chỉ ra rằng trên thực tế Đài Loan chính là một “quốc gia” bởi vì họ có quân đội, tiền tệ, hộ chiếu, hiến pháp, TLC Internet, mã điện thoại quốc gia và chính phủ được bầu cử dân chủ. Do vậy, sử dụng “quốc gia” sẽ chính xác hơn. Nhiều biên tập viên cũng nhận thấy rằng từ “quốc gia” được truyền thông tiếng Anh trên toàn cầu sử dụng ngày càng thường xuyên hơn so với “nhà nước/bang”.
Sau một tháng nóng tranh luận qua lại, RFC đã đóng thảo luận hôm 24/5 và tiến hành một cuộc bỏ phiếu. Trong một bản tóm tắt kết quả hôm 4/6, 33 biên tập viên bỏ phiếu ủng hộ chọn từ “quốc gia”; 10 ủng hộ chọn “nhà nước” và 5 người khác chọn một cách gọi khác của “nhà nước” như “quốc đảo”.
Cuối cùng, các biên tập viên đã đi đến một sự đồng thuận chung rằng sử dụng từ “quốc gia” sẽ rõ ràng hơn với người đọc ở Hoa Kỳ.
Trước đó, nhiều ý kiến đã tỏ ra nghi ngờ về tính bền vững của các nền tảng thông tin nguồn mở như Wikipedia, bởi các biên tập viên thường là những người tình nguyện không được trả lương, trong khi các nước lớn như Trung Quốc có túi tiền khổng lồ và một đội quân mạng sẵn sàng các chiến dịch thúc đẩy tiến trình chính trị của họ.
http://biendong.net/bi-n-nong/32-sukien/35375-wikipedia-da-hien-thi-dai-loan-la-mot-quoc-gia.html

Liên tục điều máy bay chiến đấu

vào không phận Đài Loan, Trung Quốc có ý đồ gì?

Bình luậnNguyễn Sơn
Máy bay chiến đấu của Trung Quốc đã bay vào không phận Đài Loan 6 lần trong vòng hai tuần và buộc Đài Loan phải điều máy bay xua đuổi.
Lực lượng phòng vệ trên không của Đài Loan ngày 18/6 cho biết có một tiêm kích J-11 và một tiêm kích đa nhiệm J-10 Trung Quốc đã tiến vào vùng nhận diện phòng không trong buổi sáng cùng ngày.
Máy bay chiến đấu Đài Loan đã cảnh báo máy bay Trung Quốc qua vô tuyến. Sau đó, hai máy bay quân sự Trung Quốc đã rời khỏi vùng nhận diện phòng không.
Chính quyền Đài Bắc chỉ trích Trung Quốc đang gia tăng hoạt động quân sự ở eo biển Đài Loan trong vài tháng qua. Đây là lần thứ 6 trong vòng 14 ngày qua, máy bay quân sự Trung Quốc áp sát đảo Đài Loan.
Ngoài ra, đầu tháng này, một con tàu nạo vét từ đại lục cũng hoạt động gần đảo Bành Hồ do Đài Loan kiểm soát để hút cát. Tàu này sau đó bị lực lượng bảo vệ bờ biển Đài Loan ngăn chặn.
Theo lực lượng bảo vệ bờ biển, đây chỉ là một trong số 1.200 tàu từ đại lục hoạt động ở vùng biển do Đài Loan kiểm soát kể từ tháng 1 năm nay.
Hoạt động của các tàu từ đại lục gần đảo Bành Hồ khiến Đài Loan đặc biệt lo ngại vì đây là khu vực được xem là cửa ngõ giúp hải quân Trung Quốc tiến vào Đài Loan.
“Nếu cứ tiếp tục nạo vét cát, các tàu đại lục thậm chí có thể tạo một khu vực đủ sâu, rộng để tàu ngầm hoạt động”, nghị sĩ Đài Loan Chen Po Wei bày tỏ lo ngại.
Chiến thuật mới của chính quyền Trung Quốc?
Theo các chuyên gia, động thái này được cho là chiến thuật mới của Bắc Kinh nhằm uy hiếp Đài Loan và thăm dò hệ thống phòng vệ của hòn đảo, theo South China Morning Post.
Trung Quốc luôn coi Đài Loan là một phần không thể tách rời thuộc lãnh thổ nước này và không loại trừ khả năng sử dụng vũ lực để thống nhất.
Lực lượng phòng vệ Đài Loan cho biết, họ không loại trừ bất kỳ động cơ chính trị hoặc quân sự nào đằng sau việc triển khai chiến đấu cơ và tàu hút cát từ đại lục.
Alexander Huang Chieh Cheng – chuyên gia nghiên cứu chiến lược và quan hệ quốc tế tại Đại học Tam Khang – nhận xét, sự xâm nhập của các chiến đấu cơ có thể mang nhiều mục đích.
“Đây có thể coi là đòn tâm lý nhằm vào người dân Đài Loan để gây tâm lý rối loạn. Quan trọng hơn, quân đội Trung Quốc đang muốn thăm dò khả năng phản ứng của lực lượng phòng không Đài Loan, thu thập thông tin về hệ thống phòng thủ của hòn đảo”, ông Cheng nhận xét.
William Chung – chuyên gia thuộc Viện nghiên cứu an ninh Đài Loan – cho rằng, Bắc Kinh dự kiến sẽ còn thực hiện nhiều hành động tương tự trong thời gian tới.
“Chiến thuật thăm dò đã được quân đội Trung Quốc sử dụng trong cuộc tập trận ở Bột Hải và đổ bộ chiếm đảo Đài Loan”, ông Chung nhận xét.
Hai chuyên gia khác làm việc với ông Chung là Paul Huang và Hung Ming Te cho biết, đại lục đang sử dụng các tàu đánh cá trang bị vũ khí để thực hiện mục tiêu quân sự.
Chuyên gia Paul Huang dẫn báo cáo công bố hôm 5/6 cho biết, tàu cá vũ trang đại lục đã nhiều lần quấy rối, thậm chí là tấn công tàu Đài Loan.
Một số chuyên gia khác lại cho rằng, Trung Quốc liên tục điều chiến đấu cơ xâm nhập không phận Đài Loan nhằm nhắc nhở chính quyền hòn đảo đừng nên can dự vào việc xây dựng luật an ninh mới cho Hong Kong.
Hôm 18/6, chính quyền Đài Loan cho biết đang lên kế hoạch thành lập một văn phòng đặc biệt để giúp đỡ người từ Hong Kong muốn chuyển sang định cư ở hòn đảo.
Bắc Kinh tỏ ra vô cùng không hài lòng trước động thái này của Đài Loan.
“Cung cấp nơi ẩn náu cho những kẻ bạo loạn sẽ chỉ mang đến rắc rối cho người dân Đài Loan. Âm mưu của những lực lượng ủng hộ ly khai cho Hong Kong và Đài Loan cũng như làm tổn hại chính sách “Một quốc gia hai chế độ” sẽ không bao giờ thành công”, Văn phòng các vấn đề Đài Loan của Bắc Kinh tuyên bố.
Trung Quốc gây hấn với nhiều nước láng giềng khác
Không chỉ với Đài Loan, gần đây Trung Quốc còn gia tăng hoạt động tại các khu vực biên giới khác và gây ra nhiều vụ việc.
Hôm 12/6, tàu hải cảnh Trung Quốc đã truy đuổi và đâm hỏng một tàu cá Quảng Ngãi (Việt Nam) tại gần khu vực quần đảo Hoàng Sa.
Hôm 16/6, Trung Quốc còn gây hấn tạo nên vụ đụng độ với binh sĩ Ấn Độ tại khu vực biên giới khiến hai bên có hàng chục lính thương vong.
Ngoài ra, Nhật Bản cũng gửi công hàm cho Trung Quốc phản đối việc 4 tàu chính phủ của nước này hoạt động trong vùng biển gần quần đảo Senkaku/Điếu Ngư vào ngày 17/6. Nhật Bản còn cho biết, tàu hải cảnh Trung Quốc đã hoạt động liên tục 65 ngày qua trong hoặc gần vùng lãnh hải bao quanh nhóm đảo.
Như vậy, dường như chính quyền Trung Quốc đang gia tăng hoạt động quân sự tại các khu vực tranh chấp và cố ý tạo ra các sự cố khác nhau?
https://www.ntdvn.com/trung-quoc/lien-tuc-dieu-may-bay-chien-dau-vao-khong-phan-dai-loan-trung-quoc-co-y-do-gi-47057.html

Bắc Kinh thành lập văn phòng an ninh mới

tại Hong Kong

Trong việc ban hành Luật an ninh mới tại Hong Kong, TQ dự kiến thành lập một văn phòng trên lãnh thổ này để thu thập thông tin tình báo và xử lý các tội chống lại an ninh quốc gia, truyền thông nhà nước nói.
Luật an ninh mới cũng sẽ là luật phải được tuân theo, nếu mâu thuẫn với bất kỳ luật địa phương nào, Tân Hoa Xã đưa tin.
Luật an ninh nói trên đã gây ra các cuộc biểu tình của người Hong Kong và sự lên án của quốc tế.
Các nhà phê bình nói rằng luật sẽ phá hủy các quyền tự do mà Hong Kong hiện được hưởng nhưng không có ở Trung Quốc đại lục.
Hôm thứ Sáu, Nghị viện châu Âu bỏ phiếu đưa Trung Quốc ra Tòa án Công lý Quốc tế tại The Hague nếu luật được áp đặt.
Nhưng Trung Quốc nói rằng luật này cần thiết để giải quyết các hoạt động ly khai, lật đổ, khủng bố và thông đồng với các phần tử nước ngoài, đồng thời bác bỏ chỉ trích là sự can thiệp vào vấn đề nội bộ của họ.
Luật an ninh mới của Trung Quốc ‘có thể kết liễu Hong Kong’
TQ thông qua luật an ninh, Mỹ nói ‘Hong Kong không còn quyền tự trị’
Hong Kong ‘cần luật an ninh để đối phó với khủng bố’
Trung Quốc: ‘Bạo lực leo thang ở Hong Kong’
Hong Kong được Anh trao lại cho Trung Quốc năm 1997 theo một thỏa thuận tập trung vào nguyên tắc “một quốc gia, hai hệ thống” đảm bảo các quyền tự do nhất định cho Hong Kong, không áp dụng ở đại lục.
Có gì trong luật mới?
Thông tin chi tiết được công bố sau cuộc họp kéo dài ba ngày của cơ quan ra quyết định chính tại quốc hội Trung Quốc, Ủy ban Thường vụ Quốc hội Nhân dân.
Một văn phòng an ninh quốc gia mới ở Hong Kong sẽ giải quyết các vụ án an ninh quốc gia, nhưng cũng sẽ có các quyền hạn khác như giám sát giáo dục về an ninh quốc gia trong các trường học ở Hong Kong.
Tân Hoa Xã cũng cho biết, lãnh đạo Hong Kong Carrie Lam sẽ có thể bổ nhiệm các thẩm phán cụ thể để xét xử những vụ án liên quan đến an ninh quốc gia.
Bà Lam đã ủng hộ luật này và phủ nhận rằng các quyền tự do của Hong Kong theo “một quốc gia, hai hệ thống” sẽ bị ảnh hưởng.
Chính phủ Hong Kong sẽ được yêu cầu thực hiện hầu hết các biện pháp cưỡng chế theo luật mới, nhưng Bắc Kinh sẽ có thể áp đảo chính quyền Hong Kong trong một số trường hợp.
“Nếu luật pháp địa phương … không phù hợp với Luật này, các quy định của Luật này sẽ được áp dụng. Quyền giải thích luật này thuộc về Ủy ban Thường vụ Quốc hội Nhân dân Quốc gia”, Tân Hoa Xã nói.
Quá trình tạo ra và hoàn thiện luật pháp ở Trung Quốc thường mất vài năm, Wanyuan Song của BBC Reality Check nói, đơn cử một luật cho Đài Loan phải mất năm năm để thông qua, kể từ khi nó được đề xuất lần đầu tiên.
Nhưng truyền thông nhà nước nói rằng luật an ninh mới được lên kế hoạch cho Hong Kong có thể được công bố vào mùa hè này, mặc dù nó chỉ mới được đề xuất vài tháng trước, Wanyuan Song nói thêm.
Luật sẽ không được thực thi mà không có sự phản đối
Celia Hatton, biên tập viên châu Á-Thái Bình Dương, BBC News
Trong một tài liệu ngắn nhưng mạnh mẽ, Bắc Kinh đã khởi xướng những thay đổi mạnh mẽ nhất với cơ cấu quyền lực của Hong Kong, kể từ khi lãnh thổ được trao trả từ Anh năm 1997.
Luật mới khẳng định một cách dứt khoát rằng nó phải được tuân theo khi mâu thuẫn với bất kỳ luật pháp khác nào ở Hong Kong, như vậy có hiệu quả xóa sạch hết các cơ quan pháp luật và quy định riêng của lãnh thổ Trung Quốc.
Các nhà lãnh đạo Trung Quốc cho rằng luật sẽ chỉ nhắm vào một số ít những kẻ khủng bố và ly khai, nhưng các chi tiết chính vẫn chưa được tiết lộ: cụ thể là những gì thuộc về an ninh quốc gia và những gì cấu thành tội.
Luật sẽ không được áp đặt mà không có sự phản đối: nhiều người ở Hong Kong mạnh mẽ phản đối luật này, vì sợ nó sẽ xóa bỏ các quyền tự do hiện có của họ. Và nếu luật an ninh quốc gia trở thành hiện thực, Bắc Kinh sẽ phải đối mặt với phản ứng quốc tế.
Đã có những phản ứng nào?
Hoa Kỳ nói rằng luật an ninh mới có nghĩa là Hong Kong không còn đủ tự chủ để xứng đáng được đối xử đặc biệt theo luật pháp Hoa Kỳ.
Điều này có khả năng mở đường cho Hong Kong bị tước bỏ các đặc quyền thương mại, chẳng hạn như thuế quan thấp hơn, có nghĩa là Hoa Kỳ sẽ đối xử với Hong Kong giống như bất kỳ thành phố Trung Quốc đại lục nào khác trong mục đích giao dịch.
Trong khi đó, Anh cho biết họ sẽ thay đổi các quy tắc nhập cư và cung cấp cho hàng triệu người ở Hong Kong “một con đường có quyền công dân” nếu Trung Quốc áp dụng luật mới.
Tại sao Trung Quốc áp đặt luật an ninh?
Thỏa thuận bàn giao năm 1997 giữa Anh và Trung Quốc – một hiến pháp nhỏ gọi là Luật Cơ bản, và nguyên tắc được gọi là “một quốc gia, hai hệ thống” – dự kiến là các quyền của Hong Kong gồm tự do hội họp và tự do ngôn luận, tư pháp độc lập và một số quyền dân chủ mà không có phần nào khác của Trung Quốc đại lục có.
Cũng trong thỏa thuận tương tự, Hong Kong dự kiến sẽ ban hành luật an ninh quốc gia của riêng mình – điều này đã được quy định tại Điều 23 của Luật Cơ bản.
Nhưng sự không được ưa chuộng của luật này có nghĩa là nó chưa bao giờ được thực hiện – chính phủ Hong Kong đã cố gắng ra luật vào năm 2003 nhưng phải lùi lại sau các cuộc biểu tình.
Sau đó, năm ngoái, các cuộc biểu tình về đạo luật dẫn độ đã biến thành bạo động và phát triển thành một phong trào chống Trung Quốc và dân chủ rộng lớn hơn.
Trung Quốc không bao giờ muốn thấy điều đó xảy ra nữa.
https://www.bbc.com/vietnamese/world-53125833

Trung Cộng công bố chi tiết luật an ninh quốc gia

 cho Hồng Kông bất chấp phản ứng dữ dội

Tin từ Bắc Kinh/Hồng Kông – Hôm thứ Bảy (20 tháng 6), Bắc Kinh đã công bố chi tiết luật an ninh mới dành cho Hồng Kông, mở đầu cho sự thay đổi trong đời sống thành phố kể từ khi được trao trả quyền cai trị cho Trung Cộng vào năm 1997. Luật cũng cho phép lập một văn phòng an ninh quốc gia để Hồng Kông thu thập thông tin tình báo và giải quyết các tội ác tổn hại an ninh quốc gia.
Đặc khu trưởng Hồng Kông Carrie Lam cũng có thể chỉ định các thẩm phán để xét xử các vụ án an ninh quốc gia, một quyết định có khiến một số nhà đầu tư, nhà ngoại giao và giám đốc công ty chùn bước. Ngoài ra luật còn bổ sung các hoạt động an ninh quốc gia để bảo vệ nhân quyền, quyền tự do ngôn luận và hội họp nhưng không nói chi tiết.
Trung Cộng nói rằng dự luật này sẽ giải quyết các hoạt động ly khai, lật đổ, khủng bố và thông đồng với các lực lượng nước ngoài, nhưng các nhà phê bình lo ngại nó sẽ phá vỡ các quyền tự do được coi là chìa khóa cho tình trạng đặc biệt giúp Hồng Kông duy trì vị thế trung tâm tài chính toàn cầu. Vẫn chưa
rõ thời gian luật chính thức có hiệu lực, nhưng các nhà phân tích chính trị dự đoán nó sẽ có hiệu lực trước các cuộc bầu cử Hội đồng Lập pháp quan trọng ở Hồng Kông vào ngày 06/09/2020.
Hôm thứ Sáu (19 tháng 6), ngoại trưởng Mike Pompeo nói rằng trong tương lại Washington sẽ coi Hồng Kông như các thành phố khác của Trung Cộng chứ không còn là một thành phố bán tự trị, và Hoa Kỳ đang xem xét xem ai chịu trách nhiệm cho việc kiềm chế các quyền tự do của Hồng Kông. (BBT)
https://www.sbtn.tv/trung-cong-cong-bo-chi-tiet-luat-an-ninh-quoc-gia-cho-hong-kong-bat-chap-phan-ung-du-doi/

Trung Quốc lập cơ quan an ninh quốc gia

giám sát Hồng Kông

Minh Anh
Chính quyền Bắc Kinh sẽ có những đặc quyền mở rộng để áp dụng luật an ninh mới cho Hồng Kông. Theo các thông tin do hãng tin chính thức Tân Hoa Xã loan báo ngày 20/06/2020, Hồng Kông sẽ lập một ủy ban giám sát việc thực thi luật mới.
Theo nhận định của AFP, văn bản luật gồm 66 điều sẽ làm giảm đi đáng kể mức độ tự trị mà Hồng Kông được hưởng kể từ năm nhượng địa 1997. Hồng Kông sẽ phải thành lập một cơ quan an ninh mới do bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga lãnh đạo nhưng chính quyền trung ương kiểm soát. Cơ quan này có mục đích thu thập thông tin, cũng như xử lý các hồ sơ được cho là vi phạm an ninh quốc gia.
Dự luật chi tiết cho phép trừng phạt và xử mọi hành vi đòi ly khai với Trung Quốc, lật đổ chế độ hay thông đồng với ngoại bang như là tội hình sự. Dự luật này của Bắc Kinh đã bị cộng đồng quốc tế chỉ trích mạnh mẽ, cho đấy là một sự chấm dứt mô hình « Một quốc gia, Hai chế độ ».
Còn tại Hồng Kông, phe Dân Chủ đánh giá đây là một công cụ trong ngắn hạn nhằm loại trừ một số ứng cử viên trước kỳ bầu cử lập pháp vào tháng 09/2020. Từ Hồng Kông, thông tín viên đài RFI, Florence de Changy, cho biết phản ứng của phe đối lập :
« Bản tin dài do Tân Hoa Xã thông báo hôm thứ Bảy 20/06/2020 ít nhiều cho thấy rõ việc thực thi Luật An ninh Quốc gia. Nhiều điểm đã gây sốc, nhất là việc bổ nhiệm những công tố viên sẽ chủ trì xử các trường hợp phạm tội an ninh quốc gia và việc thành lập một cơ quan an ninh quốc gia, giống như là công an bí mật.
Đối với Alvin Yeung, lãnh đạo phong trào đảng Civic, một trong số các đảng chính trị đối lập ủng hộ dân chủ, dự luật chi tiết này là cơn ác mộng tệ hại nhất có thể cho Hồng Kông.
Anh nói : ʺBàn tay của Bắc Kinh đang đặt ngay giữa trung tâm cơ quan hành chính và tư pháp Hồng Kông. Đúng là bà trưởng đặc khu hành chính sẽ có quyền chọn các thẩm phán có trách nhiệm phán quyết các hồ sơ an ninh quốc gia. Và điều làm cho tôi lo lắng hơn chính là sẽ có một cơ quan an ninh quốc gia, do chính trưởng đặc khu lãnh đạo nhưng dưới quyền của một cố vấn do Bắc Kinh chỉ định. Vấn đề là ở đấy !ʺ
Alvin Yeung còn tố cáo sự thiếu thông tin về bản chất của những hành vi có thể bị xem như là tội hình sự cũng như là việc không có các thông tin về những án phạt có thể bị đưa ra.
Vào lúc mà ban thường trực của Quốc Hội có trách nhiệm soạn thảo đạo luật này đã kết thúc ba ngày họp vào hôm thứ Bảy, cơ quan này sẽ họp lại lần nữa vào ngày 28/06, thay vì là vào cuối tháng 08/2020. Thế nên, rất có thể là văn bản luật này sẽ được thông báo và ban hành trước ngày 01/07/2020 ».
http://www.rfi.fr/vi/ch%C3%A2u-%C3%A1/20200621-trung-qu%E1%BB%91c-l%E1%BA%ADp-c%C6%A1-quan-an-ninh-qu%E1%BB%91c-gia-gi%C3%A1m-s%C3%A1t-h%E1%BB%93ng-k%C3%B4ng

Trung Quốc chuẩn bị

cho kịch bản xấu nhất vì luật Hong Kong

Trung Quốc đã “chuẩn bị cho kịch bản xấu nhất” từ phản ứng của cộng đồng quốc tế sau khi chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump quyết định tuyên bố Hong Kong không còn quyền tự trị cao với đại lục.
Các cố vấn chính phủ Trung Quốc nói rằng nước này lường trước những căng thẳng với Mỹ sẽ gia tăng sau khi quốc hội thông qua nghị quyết về việc ban hành luật an ninh quốc gia mới cho Hong Kong. Sự đáp trả của Bắc Kinh sẽ phụ thuộc vào hành động của Mỹ, các cố vấn nói.
“Những mối đe doạ (từ Mỹ) là điều chúng tôi đã dự đoán. Nhưng thật vô ích khi họ ngăn cản luật được thông qua. Chúng tôi đã chuẩn bị cho kịch bản xấu nhất”, ông Ruan Zongze, nhà nghiên cứu cấp cao tại Viện nghiên cứu quốc tế Trung Quốc, một cơ quan thuộc Bộ Ngoại giao Trung Quốc, nói.
Những cãi vã giữa Trung Quốc và Mỹ xung quanh vấn đề Hong Kong hôm nay đã được đưa lên Liên Hợp quốc sau khi Washington đề xuất họp khẩn về thành phố này nhưng Bắc Kinh từ chối chấp nhận. Phái đoàn Trung Quốc tại Liên Hợp quốc nói rằng đề nghị này là “không có cơ sở” và luật an minh mới đơn thuần là vấn đề nội bộ của Trung Quốc.
Nghị quyết về việc soạn thảo luật an ninh quốc gia dành cho Hong Kong được thông qua chiều nay. Bước đi này vấp phải nhiều chỉ trích quốc tế. Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo ngày 27/5 cho biết ông đã báo cáo với Quốc hội Mỹ rằng Hong Kong không còn giữ được quyền tự trị cao nữa, “dựa trên tình hình hình thực tế”.
Quyết định của Mỹ đặt ra những câu hỏi về khả năng Hong Kong có thể không còn được hưởng đặc quyền thương mại của Mỹ nữa. Trở lý ngoại trưởng Mỹ David Stilwell nói rằng Nhà Trắng sẽ quyết định cách đáp trả, trong đó có tính đến những biện pháp như trừng phạt các quan chức liên quan hay huỷ quy chế thương mại đặc biệt dành cho Hong Kong.
Ngoại trưởng các nước Anh, Úc và Canada đã ra tuyên bố chung thể hiện quan ngại về bước đi của Hong Kong, còn Liên minh châu Âu kêu gọi cần giữ gìn quyền tự trị mức độ cao cho đặc khu.
Tuy nhiên, ông Ruan và nhà nghiên cứu Shi Yinhong, giám đốc Trung tâm nghiên cứu Mỹ tại ĐH Nhân dân Trung Quốc, đều cho rằng khó có khả năng Mỹ huỷ cơ chế thương mại đặc biệt với Hong Kong. “Tôi nghĩ chính phủ Mỹ khá lưỡng lự về mức độ phản ứng với dự luật mới của Trung Quốc. Khó có khả năng họ sẽ thu hồi địa vị kinh tế đặc biệt của Hong Kong vì việc đó cũng làm hại các lợi ích của Mỹ ở Hong Kong”, ông Shi nói.
Còn ông Ruan cho rằng “sự phản đối mạnh mẽ từ phương Tây không đại diện cho sự đồng thuận quốc tế” và cũng không ngăn cản dự luật được thông qua. Nhưng ông Shi cho rằng đó sẽ là quá trình dài, có thể kéo dài đến 5, thậm chí 10 năm.
“Sau quyết định của quốc hội Trung Quốc sẽ là quá trình triển khai ở Hong Kong. Mỹ sẽ hành động tương ứng mỗi bước đi, và sẽ gây căng thẳng trong quan hệ Trung – Mỹ”, ông Shi nói. Nhà nghiên cứu này cho rằng các lợi ích và nền kinh tế của cả hai nước, vốn đã chịu nhiều thiệt hại vì đại dịch COVID-19, sẽ bị tổn thương nghiêm trọng trong quá trình này.
Chưa có phát biểu chính thức nào từ Bắc Kinh về tuyên bố của ông Pompeo, nhưng phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc trước đó nói rằng Bắc Kinh sẽ đáp trả nếu Mỹ trừng phạt Trung Quốc về việc này.
Hồ Tích Tiến, tổng biên tập Thời báo Hoàn cầu thuộc Đảng Cộng sản Trung Quốc, nói rằng việc thu hồi địa vị thương mại đặc biệt là quân bài sẵn có duy nhất của ông Trump, nhưng nó sẽ gây hại cho các lợi ích của Mỹ khi có đến 85.000 công dân Mỹ ở Hong Kong.
Viết trên Weibo, ông Hồ nói rằng Hong Kong vẫn sẽ giữ được vị trí trung tâm tài chính toàn cầu nhờ quan hệ với đại lục, chứ không phải quan điểm của Mỹ.
http://biendong.net/goc-nhin-moi/35365-trung-quoc-chuan-bi-cho-kich-ban-xau-nhat-vi-luat-hong-kong.html

Trung Quốc cấp thêm quyền lực quân đội

cho lực lượng hải cảnh

Minh Hòa
Trung Quốc có động thái sửa luật nhằm cho phép lực lượng hải cảnh tham gia diễn tập các hoạt động thời chiến cùng với quân đội nước này, nhằm củng củng cố năng lực hàng hải ở Biển Đông và Biển Hoa Đông, theo Nikkei ngày 21/6.
Tờ báo của Nhật Bản trích dẫn thông tin từ Tân Hoa Xã, cơ quan ngôn luận chính thức của chính quyền Trung Quốc, cho biết, hôm thứ Bảy (20/6) Ủy ban Thường vụ Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc (tức Quốc hội) Trung Quốc đã phê chuẩn các điều khoản sửa đổi trong văn bản luật đối với Lực lượng Cảnh sát Vũ trang Nhân dân. Nikkei cho biết đây là lần đầu tiên Trung Quốc sửa đổi luật này trong 11 năm qua.
Nikkei cho biết, thông qua động thái kết hợp giữa hải cảnh và quân đội, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đang tìm cách xây dựng một mạng lưới phòng thủ có thể xử lý liền mạch mọi thứ, từ tuần tra trên
biển đến các hoạt động quân sự, nhằm mở rộng năng lực quân sự trong khu vực, từ đó giành quyền tối cao trên biển.
Theo văn bản luật sau sửa đổi, lực lượng cảnh sát vũ trang của Trung Quốc nằm dưới sự chỉ huy của Quân ủy trung ương, do ông Tập lãnh đạo, tức là quy tụ thành 5 chiến khu trong thời gian chiến tranh.
Nikkei cho biết việc sửa đổi luật cho phép quân đội và lực lượng hải cảnh Trung Quốc hành động cùng nhau nếu ông Tập xác định một tình huống nào đó là tình huống chiến tranh ở Biển Đông hoặc Biển Hoa Đông. Lực lượng hải cảnh cũng sẽ có thể tham gia vào các hoạt động quân sự. Ngay cả trong thời gian bình thường, lực lượng hải cảnh cũng có thể tiến hành các hoạt động huấn luyện, tập trận và cứu hộ khẩn cấp với quân đội.
https://www.dkn.tv/the-gioi/trung-quoc-cap-them-quyen-luc-quan-doi-cho-luc-luong-hai-canh.html

Cuốn sách phơi bày cách Trung Quốc

 thu hút các gã khổng lồ tài chính toàn cầu

Hương Thảo
Trong nhiều thập niên, Trung Quốc đã thâm nhập vào hệ thống tài chính Mỹ bằng những miếng mồi béo bở. Đổi lại, các công ty tài chính Phố Wall cũng tiếp tay cho Trung Quốc bằng cách lèo lái “chính sách Trung Quốc” của Hoa Kỳ.
Trong cuốn sách có nhan đề (tạm dịch): “Bàn tay ẩn hình: Phơi bày cách Đảng Cộng sản Trung Quốc định hình lại Thế giới” (Hidden Hand: Exposing How the Chinese Communist Party is Reshaping the World), hai tác giả Clive Hamilton và Mareike Ohlberg đã cho biết tỉ mỉ cách Bắc Kinh thu hút các tập đoàn tài chính lớn ở Mỹ và Châu Âu như thế nào.
Lời giới thiệu cho cuốn sách có bán trên Amazone, viết rằng: Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) quyết tâm nắn lại thế giới như trong mường tượng của nó. Đảng đó không quan tâm đến dân chủ. Nó chỉ thấy một cuộc đấu tranh tư tưởng ý thức hệ cay đắng với phương Tây, chia thế giới thành những ai có thể bị đánh bại và những ai có thể là kẻ thù. Nhiều người trong giới tinh hoa chính trị và kinh doanh đã bị dụ dỗ đến tận thâm sâu của họ, còn có những người khác đang cân nhắc một món hời với quỷ dữ…
Một đoạn của cuốn sách qua soạn thảo lại được nhật báo Sydney Morning Herald chia sẻ và khơi ngòi thảo luận về việc các công ty Phố Wall đã gây ảnh hưởng đến chính sách Trung Quốc của Washington trong nhiều thập niên, trải qua các năm từ thời Clinton, Bush và Obama, và đặc biệt khiến chính quyền Mỹ phải lùi bước khỏi lập trường cứng rắn hơn chống lại ĐCSTQ. Về bản chất, các tập đoàn tài chính Hoa Kỳ đã được chính quyền Trung Quốc ủng hộ mạnh mẽ nhất ngay tại Hoa Kỳ.
Theo các tác giả, những “ông trùm” Phố Wall đã tư vấn cho các công ty Trung Quốc về việc mua các công ty Hoa Kỳ nào, cho vay vốn làm điều gì, và sau đó những người môi giới tài chính đã lấy tiền hoa hồng từ các thương vụ. Nổi tiếng nhất trong số đó là Goldman Sachs, đến năm 2003, tập đoàn này đã trở thành nhà bảo lãnh chính cho các công ty nhà nước lớn của Trung Quốc.
Năm 2006, Henry Paulson từ Giám đốc điều hành (CEO) của Goldman Sachs trở thành Bộ trưởng Tài chính Mỹ dưới thời cựu tổng thống George W. Bush, và lãnh trách nhiệm về chính sách kinh tế của Hoa Kỳ đối với Trung Quốc. Viết cho tờ Foreign Policy, nhà báo Paul Blustein chỉ trích ông Paulson vì đã không phản ứng đủ mạnh với việc Trung Quốc thao túng tiền tệ, kiểm soát chặt chẽ các doanh nghiệp nhà nước, đối xử bất công với các công ty Mỹ ở Trung Quốc và trộm cắp tài sản trí tuệ, mà theo ý kiến ​​của Blustein, nó đã tạo mầm mống cho chiến tranh thương mại Mỹ – Trung.
Hamilton và Ohlberg sau đó đã nói về cách Bắc Kinh thao túng Paulson bằng cách cho phép ông ta tiếp cận nhóm quyền lực của ĐCSTQ để khiến vị cựu CEO sa vào cái bẫy ảo tưởng rằng mình có ảnh hưởng ở Trung Quốc. Sau khi Paulson rời nhiệm sở năm 2009, ông đã thành lập Viện Paulson, nơi dành riêng cho việc “thúc đẩy mối quan hệ Mỹ – Trung nhằm duy trì trật tự toàn cầu”.
Một giám đốc điều hành khác của Goldman Sachs có mối quan hệ chặt chẽ với Trung Quốc là John Thornton, người đã nghỉ hưu với tư cách là chủ tịch ngân hàng năm 2003 và trở thành giám đốc Chương trình Lãnh đạo Toàn cầu tại Đại học Thanh Hoa ở Bắc Kinh. Năm 2008, ĐCSTQ đã trao cho ông ta vinh dự cao nhất mà một người nước ngoài có thể nhận được, đó là Giải thưởng Hữu nghị của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa.
Đối với các tập đoàn tài chính phương Tây muốn làm ăn hiệu quả ở Trung Quốc, họ nhất thiết phải kết nối quan hệ với các gia tộc “vương hầu” ở Trung Quốc, những gia tộc kiểm soát các tập đoàn lớn nhất và thống trị hệ thống lãnh đạo phân cấp của ĐCSTQ. Tuyển dụng con trai, con gái, cháu gái và cháu trai từ những gia tộc này là cách nhanh nhất để tạo ra những kết nối đó.
Cuốn sách đề cập đến những người được tuyển dụng là những “ông vua con” trong giới vương hầu Trung Quốc, những người có xuất phát điểm với tấm bằng đại học từ một trong các trường thuộc Ivy League – tập hợp các trường được nể trọng ở Mỹ, trước khi chuyển sang một quỹ phòng hộ hoặc một ngân hàng ở New York hoặc London. Sau đó họ kiếm một tấm bằng MBA và cuối cùng họ gia nhập một công ty Phố Wall.
Các tác giả đưa ra ví dụ về JP Morgan, sau cuộc điều tra của Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch Hoa Kỳ năm 2016, đã buộc phải trả 264 triệu USD vì vi phạm Đạo luật chống tham nhũng ở nước ngoài (Foreign Corrupt Practices Act – FCPA), luật liên bang Hoa Kỳ từ năm 1977 nghiêm cấm công dân và thực thể Hoa Kỳ mua chuộc các quan chức chính phủ nước ngoài để có lợi cho lợi ích kinh doanh của họ.
JP Morgan đã bị bắt khi tuyển dụng các thành viên gia đình ĐCSTQ theo cái gọi là “Chương trình Con trai và Con gái” của họ, trao hàng tá vị trí công việc ở Hồng Kông, Thượng Hải và New York cho các cậu ấm cô chiêu của giới lãnh đạo ĐCSTQ.
Có con cháu làm việc tại các vị trí quan trọng ở các công ty tài chính Mỹ đã cho phép giới lãnh đạo cấp cao của ĐCSTQ thu thập thông tin tình báo và gây ảnh hưởng ngay tại trung tâm của các tổ chức quyền lực nhất nước Mỹ.
Cuốn sách cũng thảo luận về cách các tổ chức tài chính châu Âu háo hức thuê các “thái tử đảng” của Trung Quốc. Trong những năm 2000, Deutsche Bank, ngân hàng lớn nhất của Đức đã sử dụng các khoản hối lộ và các hành vi tham nhũng, như tặng quà đắt tiền cho các quan chức, để được tiếp cận với Trung Quốc; Deutsche Bank cũng có một chương trình tuyển dụng con cái của giới thượng lưu của ĐCSTQ.
Tại Thụy Sĩ, Credit Suisse đã duy trì một bảng tính riêng để theo dõi các khoản chi tuyển dụng các nhân viên thuộc diện con cháu giới lãnh đạo ĐCSTQ và những người này đã mang về bao nhiêu giao dịch kinh doanh cho công ty, theo các tác giả.
Ngân hàng Thụy Sĩ này đã tuyển dụng hơn 100 con trai, con gái và bạn bè của các quan chức chính phủ hàng đầu Trung Quốc. Năm 2018, Credit Suisse đã đồng ý trả 77 triệu USD cho chính quyền Mỹ để tránh bị truy tố vì tội hối lộ.
Hai tác giả, Clive Hamilton là giáo sư tại Đại học Charles Sturt ở Canberra; Mareike Ohlberg là nhà phân tích và nghiên cứu tại Viện nghiên cứu Trung Quốc (MERICS) ở Berlin.
https://www.dkn.tv/the-gioi/cuon-sach-phoi-bay-cach-trung-quoc-thu-hut-cac-ga-khong-lo-tai-chinh-toan-cau.html

Bắc Kinh tiết lộ nội dung

dự thảo luật an ninh Hồng Kông

Hải Lam
Hãng tin Tân Hoa Xã hôm 20/6 hé lộ một số điều khoản của luật an ninh Hồng Kông, trong đó chính quyền Bắc Kinh sẽ có quyền xét xử các tội phạm an ninh quốc gia ở đặc khu, và bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga (Carrie Lam) có thể chỉ định các thẩm phán để chủ trì các phiên tòa đó.
Kênh truyền thông Hong Kong Free Press (HKFP) dẫn tin từ Tân Hoa Xã, cơ quan ngôn luận của chính quyền Trung Quốc cho biết, Bắc Kinh sẽ thành lập “ủy ban an ninh quốc gia” tại Hồng Kông. Cơ quan này có nhiệm vụ “theo dõi, giám sát, hợp tác và hỗ trợ” chính quyền đặc khu trong việc bảo vệ an ninh quốc gia, thu thập và phân tích thông tin tình báo liên quan đến an ninh quốc gia và xử lý các vụ án liên quan theo luật an ninh.
“Bất kỳ tổ chức và cá nhân nào trong đặc khu Hồng Kông phải tuân thủ luật an ninh này và các luật khác của đặc khu liên quan đến việc bảo vệ an ninh quốc gia, đồng thời không được tham gia vào bất kỳ hoạt động nào có thể gây nguy hiểm cho an ninh quốc gia”, hãng tin Tân Hoa Xã cho biết.
Ngoài ra, bất kỳ ai tham gia bầu cử “cần ký xác nhận hoặc tuyên thệ sẽ tuân theo Luật cơ bản và trung thành với đặc khu Hồng Kông của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa”.
Chính quyền Hồng Kông cũng sẽ thành lập một “ủy ban bảo vệ an ninh quốc gia” do trưởng đặc khu đứng đầu, gồm các ủy viên là cảnh sát trưởng và các quan chức hàng đầu chính phủ. Cố vấn của ủy ban sẽ do Bắc Kinh bổ nhiệm.
Trưởng đặc khu Hồng Kông Lâm Trịnh Nguyệt Nga có quyền chỉ định các thẩm phán thụ lý các vụ án liên quan đến an ninh đặc khu, đây là một động thái chưa từng có. Tuy nhiên trong một số trường hợp, chính quyền Bắc Kinh vẫn có quyền bác bỏ phán quyết.
Cảnh sát Hồng Kông sẽ thành lập một phòng ban để “bảo vệ an ninh quốc gia”, và Bộ Tư pháp sẽ thành lập một bộ phận để xử lý các vụ án và việc truy tố liên quan.
Tân Hoa Xã không đề cập đến hình phạt cụ thể đối với từng tội danh. Tuy nhiên, tờ HKFP bình luận, luật an ninh của Bắc Kinh đã gióng lên hồi chuông cảnh báo với các nhà hoạt động dân chủ, các tổ chức xã hội dân sự cũng như các đối tác thương mại, vì giới chức Trung Quốc đã sử dụng các điều luật tương tự như vậy để bịt miệng và trừng phạt các nhà bất đồng chính kiến ở đại lục.
Một số điều khoản trên trong dự thảo luật an ninh được hãng Tân Hoa Xã công bố vài giờ sau khi Ủy ban Thường vụ Quốc hội Trung Quốc kết thúc phiên họp 3 ngày. Tuy nhiên, toàn văn dự thảo luật an ninh chưa được công bố.
Theo Reuters, hiện chưa rõ khi nào luật an ninh khi nào có hiệu lực, nhưng một đại biểu Hồng Kông tại Quốc hội Trung Quốc cho biết dự luật có thể được thảo luận thêm và được thông qua sau một phiên họp vào cuối tháng 6 hoặc đầu tháng 7.
Ông Patrick Poon, một nhà nghiên cứu nhân quyền, nói với HKFP rằng, nội dung của dự thảo luật an ninh có thể tác động lớn đến các giá trị phổ quát. “Các điều khoản cho thấy, đây không chỉ là dấu chấm hết của mô hình ‘Một quốc gia, Hai chế độ’, mà còn thực sự kết thúc quyền tự trị và độc lập tư pháp của Hồng Kông”, ông Poon nói.
Nhà nghiên cứu nhân quyền cho rằng, cộng đồng quốc tế cần phải phản ứng mạnh mẽ hơn bao giờ hết với luật an ninh quốc gia của Bắc Kinh. Ông Poon nói: “Tất cả người dân sẽ đối mặt với thảm kịch nếu sự can thiệp của Bắc Kinh vào các vấn đề ở Hồng Kông không được đối phó một cách hiệu quả bằng áp lực quốc tế thực sự”.
Mỹ và nhiều quốc gia trên thế giới đã phản đối luật an ninh quốc gia Hồng Kông. Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo hôm 19/6 cảnh báo trong tương lai có thể sẽ đối xử với Hồng Kông như các thành phố khác của Trung Quốc vì đặc khu bị xói mòn các quyền tự do.
Trước đó, Ngoại trưởng các nước G7 và Đại diện cấp cao EU ngày 17/6 đã ra tuyên bố chung bày tỏ quan ngại về quyết định của Trung Quốc sẽ đe dọa các quyền cơ bản và tự do của người dân Hồng Kông, đồng thời kêu gọi chính phủ Trung Quốc cân nhắc lại quyết định của mình.
https://www.dkn.tv/the-gioi/bac-kinh-tiet-lo-noi-dung-du-thao-luat-an-ninh-hong-kong.html

Trung Quốc lên án Đài Loan

về kế hoạch che chở người Hong Kong bỏ xứ ra đi

Cung cấp sự bảo vệ cho “những kẻ bạo loạn” từ Hong Kong sẽ chỉ làm tổn hại người dân Đài Loan và là sự can thiệp vào việc nội bộ của thành phố do Trung Quốc cai trị, chính phủ Trung Quốc nói, lên án kế hoạch của Đài Loan giúp những người Hong Kong quyết định chạy khỏi hòn đảo này.
Đài Loan ngày thứ Năm nói họ sẽ thành lập một văn phòng chuyên giúp những người nghĩ đến việc rời khỏi Hong Kong vào lúc Bắc Kinh thắt chặt sự kiểm soát đối với cựu thuộc địa của Anh, bao gồm cả luật an ninh quốc gia mới đã được hoạch định.
Văn phòng mới bắt đầu hoạt động vào ngày 1 tháng 7, ngày mà Hong Kong được trao lại cho Trung Quốc cai trị vào năm 1997 với lời hứa là các quyền tự do rộng khắp sẽ được duy trì dưới mô hình “nhất quốc lưỡng chế” của Trung Quốc.
Trong một tuyên bố vào cuối ngày thứ Sáu, Văn phòng Sự vụ Đài Loan đặc trách chính sách Đài Loan của Trung Quốc nói kế hoạch của chính phủ Đài Loan là một âm mưu chính trị nhằm can thiệp vào việc nội bộ của Hong Kong và phá hoại sự ổn định và phồn thịnh của thành phố này.
“Cung cấp nơi ẩn náu và đưa lên đảo những kẻ bạo loạn và những phần tử đem hỗn loạn tới Hong Kong sẽ chỉ tiếp tục gây tổn hại cho người dân Đài Loan,” văn phòng này nói.
Các âm mưu của các lực lượng ủng hộ độc lập cho Hong Kong và Đài Loan và cũng tìm cách gây phương hại cho “nhất quốc lưỡng chế” và chia rẽ quốc gia sẽ không bao giờ thành công, văn phòng nói.
Các cuộc biểu tình chống chính phủ và ủng hộ dân chủ ở Hong Kong kéo dài nhiều tháng đã giành được cảm tình rộng rãi ở đảo Đài Loan dân chủ mà Trung Quốc tuyên bố chủ quyền. Đài Loan đã chào đón những người dọn đến và dự trù nhiều người hơn nữa sẽ tới.
Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn tháng trước trở thành nhà lãnh đạo chính phủ đầu tiên ở bất cứ nơi nào cam kết các biện pháp giúp đỡ người dân Hong Kong rời đi vì điều mà họ coi là những biện pháp kiểm soát đang thắt chặt của Trung Quốc, bóp nghẹt khát vọng dân chủ của họ.
Trung Quốc phủ nhận kìm kẹp các quyền tự do của Hong Kong và nói rằng luật an ninh quốc gia là cần thiết để vãn hồi trật tự cho trung tâm tài chính toàn cầu này.
https://www.voatiengviet.com/a/trung-quoc-len-an-dai-loan-ve-ke-hoach-che-cho-nguoi-hong-kong-bo-xu-ra-di/5470821.html

Cuộc đụng độ gây chết người ở biên giới Trung – Ấn

có thể đem đến hậu quả khôn lường

Bình luậnNguyên Hương
Sự leo thang chết người giữa quân đội Ấn Độ và Trung Quốc tại vùng lãnh thổ tranh chấp Ladakh có thể là dấu hiệu của sự leo thang chiến thuật và chiến lược với những hậu quả lớn về ngoại giao, kinh tế và chính trị cho hai cường quốc châu Á này.
Cuộc đụng độ giữa quân đội Ấn Độ và Trung Quốc tại một vùng tranh chấp biên giới giữa hai nước đã dẫn tới thiệt hại về mạng người cho cả hai phía trong đó có ít nhất 20 binh sĩ Ấn Độ bị chết. Phía Trung Quốc thừa nhận có thương vong nhưng không báo cáo con số.
Sự căng thẳng biên giới giữa Ấn Độ và Trung Quốc có lịch sử lâu dài, và sự leo thang này cảnh báo những hậu quả lớn cho hai cường quốc châu Á.
Ngày 16/6, tờ Hindustan Times của Ấn Độ đưa tin rằng, có ít nhất 20 binh sĩ của Lực lượng Vũ trang Ấn Độ thiệt mạng trong các cuộc đụng độ với Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Hoa (PLA) vào đêm 15/6 tại khu vực Thung lũng Galwan của Ladakh.
Đây là lần đầu tiên kể từ năm 1975,  các cuộc đụng độ với PLA khiến binh sĩ Ấn Độ bị thiệt mạng. Theo một số  báo cáo, phía Trung Quốc thừa nhận có thương vong nhưng không báo cáo con số.
Điều gì đã châm ngòi cho cuộc đụng độ bằng đá và gậy gộc [nạm đinh] chứ không dùng súng này? Chưa có câu trả lời rõ ràng, nhưng một tuyên bố từ Bộ Ngoại giao Trung Quốc vào ngày 16/6 đã cáo buộc quân đội Ấn Độ hai lần vượt biên bất hợp pháp và tấn công lính biên phòng Trung Quốc.
Giới chức Ấn Độ và Trung Quốc thỏa thuận sẽ giải quyết các vấn đề biên giới bằng đàm phán, và Ấn Độ đã dừng cáo buộc Trung Quốc gây ra các cuộc đụng độ.
Tin tức về các cuộc đụng độ có nguy cơ làm bùng nổ trào lưu dân tộc chủ nghĩa chống Trung Quốc ở Ấn Độ, vốn đang đỉnh điểm trong bối cảnh của cuộc khủng hoảng dịch bệnh viêm phổi Vũ Hán. Những cuộc đụng độ gây thương vong gần đây làm tăng nguy cơ đối đầu của lực lượng quân đội ngay cả khi lãnh đạo cấp cao không mong muốn.
Các bài bình luận trên các phương tiện truyền thông Trung Quốc cho rằng Bắc Kinh có thể chọn cách giảm bớt những lời kích động dân tộc chủ nghĩa bằng cách kiểm soát chặt chẽ truyền thông trong nước để tránh gây bất ổn và tập trung vào các ưu tiên lớn hơn về tầm chiến lược.
Tuy nhiên, truyền thông Ấn Độ đang đưa hàng loạt tin tức về các cuộc đụng độ biên giới và về cuộc chiến tranh Trung-Ấn năm 1962. Để củng cố cam kết với khu vực, Ấn Độ thông báo đã chuyển bổ sung 1.600 công nhân đến công trường để tiếp tục xây dựng tuyến đường vào ngày 16/6. Ấn Độ cũng đã ban hành tuyên bố cáo buộc chính quyền Trung Quốc đứng đằng sau các cuộc đụng độ.
Tuy không bên nào chịu từ bỏ các dự án quân sự và dân sự đang gây căng thẳng ở khu vực biên giới, mong muốn giữ gìn danh tiếng toàn cầu của Bắc Kinh sẽ khiến họ kiềm chế và xoa dịu tình hình. Còn New Delhi cũng tìm cách cân bằng các mối quan hệ an ninh và kinh tế với Trung Quốc.
Sự gia tăng nguồn lực kinh tế và quân sự của Trung Quốc đã khiến Bắc Kinh tự tin hơn trong việc khẳng định quyền kiểm soát đa phần dọc biên giới Trung – Ấn, nhưng mong muốn tô vẽ lại và củng cố nhận thức toàn cầu về một Trung Quốc “hiền lành” đang trỗi dậy có thể sẽ khiến Trung Quốc lựa chọn chính sách kiềm chế.
Đối với Ấn Độ, những tính toán chiến lược sẽ khó khăn hơn, bởi vì sự gia tăng sức mạnh của Trung Quốc dọc đường biên giới và vị thế quân sự yếu hơn của Ấn Độ sẽ châm ngòi cho các cuộc tranh cãi trong nước về quỹ đạo của chính sách an ninh Ấn Độ và sự suy giảm an ninh biên giới, cũng như làm trầm trọng thêm tình hình căng thẳng Trung – Ấn và gây tác động đến các quốc gia châu Á khác.
Nguyên Hương
Theo Business Insider
https://www.ntdvn.com/the-gioi/hau-qua-khon-luong-tu-xung-dot-trung-an-47085.html

Bộ trưởng Ấn Độ: Ít nhất 40 lính Trung Quốc

thiệt mạng trong vụ ẩu đả biên giới

Hải Lam
Trong một cuộc phỏng vấn với TV News24 được phát sóng vào cuối ngày 20/6, Bộ trưởng Giao thông và Vận tải Ấn Độ nói rằng ít nhất 40 binh lính Trung Quốc đã thiệt mạng trong vụ ẩu đả dữ dội xảy ra vào tối 15/6 tại thung lũng Galwan, vùng Ladakh, nơi cả hai nước đều tuyên bố chủ quyền.
“Nếu phía chúng tôi có 20 lính tử vong, thì con số bên phía Trung Quốc ít nhất phải gấp đôi”, hãng tin Reuters dẫn lời ông V.K.Singh, Bộ trưởng Giao thông và Vận tải nói với TV News24.
Tuy nhiên, vị bộ trưởng từng là sĩ quan chỉ huy quân đội, không đưa ra bất kỳ bằng chứng nào cho tuyên bố trên của mình.
Thời báo Hoàn Cầu, kênh truyền thông của nhà nước Trung Quốc, trước đó đưa tin rằng quân Trung Quốc có thương vong, song đến giờ vẫn chưa tiết lộ con số cụ thể.
Tờ Taiwan News hôm 20/6 dẫn tin từ truyền thông Ấn Độ cho biết, một sĩ quan chỉ huy của quân đội Trung Quốc đã thiệt mạng. Vị quan chức này cho biết “phía Trung Quốc đã mất sĩ quan chỉ huy của tiểu đoàn được triển khai gần Điểm tuần tra 14 của khu vực Galwan, nơi binh lính hai nước đụng độ”.
Sau vụ xung đột biên giới hôm 15/6, Ngoại trưởng Trung Quốc và Ấn Độ đã có cuộc điện đàm đồng ý giảm căng thẳng, nhưng hai bên vẫn đổ lỗi cho nhau về vụ việc, cảnh báo lẫn nhau trong các tuyên bố công khai, đồng thời tăng cường an ninh ở khu vực biên giới. Cuộc xung đột làm leo thang tình hình bài Trung ở Ấn Độ, gây nên các cuộc biểu tình lớn trên đường phố.
https://www.dkn.tv/the-gioi/bo-truong-an-do-it-nhat-40-linh-trung-quoc-thiet-mang-trong-vu-au-da-bien-gioi.html

Dấu ấn tuần qua: Ấn Độ, Việt Nam nên làm gì

sau các vụ xung đột với Trung Quốc?

Lục Du
Tuần qua ghi dấu sự kiện Trung-Ấn xung đột căng thẳng trên vùng đất tranh chấp, khiến hàng chục lính của cả hai bên thiệt mạng. Đó chỉ là một trong nhiều khu vực mà Trung Quốc có tranh chấp chủ quyền với các nước láng giềng.
Các nhà nghiên cứu nhận định những nước có tranh chấp chủ quyền với Trung Quốc, trong đó có Ấn Độ và Việt Nam, cần chuẩn bị kỹ đối sách để hóa giải những nước cờ hung hăng của Đảng Cộng sản Trung Quốc.
Kẻ tám lạng, người nửa cân
Ấn Độ không yếu thế hơn nhiều so với Trung Quốc cả về quy mô dân số, kinh tế, chính trị và đặc biệt là quân sự khi New Delhi cũng sở hữu vũ khí hạt nhân. Vì thế người dân nước này không ngần ngại đối đầu với Trung Quốc trong tranh chấp lãnh thổ. Trung-Ấn từng xảy ra chiến tranh biên giới vào năm 1962. Năm 1975 binh lính hai bên có một cuộc xô xát gây chết người, và vào cuối tuần qua, sau 45 năm, lại xảy ra cuộc đụng độ gây thương vong lớn ở thung lũng Galwan, thuộc vùng lãnh thổ Aksai Chin.
Ngay sau khi xung đột xảy ra, Ấn Độ thông báo có 20 binh sĩ của họ thiệt mạng, 76 người bị thương, 10 người bị bắt làm tù binh, và công khai tổ chức tang lễ cho những liệt sĩ của họ. Trong khi đó Bắc Kinh không tiết lộ sề số lượng và thông tin về những người lính Trung Quốc thương vong.
Ấn Độ ước tính có khoảng 43 binh sỹ Trung Quốc thương vong sau cuộc đụng độ. Cựu trung tướng Sharma của quân đội Ấn Độ tố cáo binh lính Trung Quốc trong cuộc đụng độ đã dùng thủ đoạn rất “man rợ” khi mang theo những chiếc gậy sắt hàn đinh nhọn để tấn công binh lính Ấn Độ không được vũ trang.
Cuộc xung đột nghiêm trọng xảy ra hôm thứ Hai (15/6) giữa quân đội của hai nước láng giềng có chung gần 3500 km đường biên giới là hệ quả của một loạt các cuộc đụng độ lẻ tẻ diễn ra trong suốt thời gian qua. Theo BBC, vào tháng Năm, hàng chục binh lính Ấn Độ và Trung Quốc đã ẩu đả dữ dội tại khu vực biên giới giáp ranh với bang Sikkim, thuộc miền đông bắc Ấn Độ. Trước đó binh lính hai nước cũng thường xuyên và chạm tại các điểm nóng khác nhau.
Bên cạnh đó việc hai nước leo thang xây dựng các cơ sở hạ tầng tại các vùng đất nhạy cảm gần đường biên giới giữa hai nước cũng là một trong những nguyên nhân chính khiến binh lính hai bên không giữ được bình tĩnh khi đối mặt nhau tại khoảng 12 điểm tranh chấp trên Đường Kiểm soát Thực tế (LAC), tức đường giới tuyến thực tế giữa Ấn Độ và Trung Quốc.
Lại ăn cướp la làng?
Vào ngày 3/4, Bộ Ngoại giao Việt Nam thông tin, hôm 2/4, tàu cá mang số hiệu QNg 90617 TS cùng 08 ngư dân Việt Nam đang hoạt động bình thường tại vùng biển thuộc quần đảo Hoàng Sa thì bị tàu hải cảnh Trung Quốc tấn công và đâm chìm. Mặc dù vậy, bà Hoa Xuân Oánh ngang nhiên nói rằng tàu cá Việt Nam bị chìm là vì cố tình đâm vào tàu Trung Quốc trong khi tàu của đất nước bà đã cố gắng né tránh.
Khả năng đổi trắng thay đen có tiếng của Bắc Kinh khiến giới quan sát không khỏi nghi ngờ rằng Trung Quốc cũng “diễn” lại vở kịch tương tự trong vụ xung đột với Ấn Độ. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên nói rằng hôm 15/6 lính Ấn Độ hai lần vượt giới tuyến xâm phạm lãnh thổ Trung Quốc, và vì thế mà dẫn tới đụng độ.
Tuy nhiên, cựu trung tướng Sharma của quân đội Ấn Độ cho biết những điều ngược lại. Ông tiết lộ, trong khoảng từ năm 1993 tới năm 2013, Trung-Ấn đã ký tổng cộng 5 hiệp ước xác định các giao thức giải quyết xung đột ở các khu vực tranh chấp, nhưng Trung Quốc trong khoảng từ 5 tới 6 năm gần đây đã liên tục vi phạm hiệp ước.
Ông Sharma cho biết thêm, vụ xô xát hồi đầu tuần trước xảy ra tại một gờ đá bên trên bờ sông giới tuyến, một lính Ấn Độ nhìn thấy quân Trung Quốc vi phạm LAC đã tới nhắc nhở và yêu cầu họ tôn trọng hiệp ước giữa hai nước, nhưng “đó cũng là lúc quân Trung Quốc quyết định hạ thủ”.
Cười nụ giấu dao?
Ngoài phát biểu của ông Triệu Lập Kiên, gần như không có quan chức cấp cao nào của Trung Nam Hải có tuyên bố về về xung đột Trung-Ấn vừa qua. Theo SCMP, truyền thông Trung Quốc cũng rất hạn chế đưa tin về sự cố nghiêm trọng này.
Thậm chí, Trung Quốc còn có động thái khó hiểu khi chỉ 2 ngày sau cuộc xung đột, Ngân hàng Đầu tư cơ sở hạ tầng Châu Á (AIIB) thuộc kiểm soát của Tập đoàn Đầu tư Trung Quốc (CIC), đã phê duyệt một khoản vay trị giá 750 triệu USD để Ấn Độ dùng chống dịch Covid-19. Ngân hàng này cũng làm điều tương tự sau thời điểm binh lính Trung-Ấn xô xát hồi tháng Năm.
Các nhà phân tích cho rằng, có thể Bắc Kinh đang tìm cách bồi thường thiệt hại gây ra cho phía Ấn Độ, hoặc cũng có thể họ muốn cài cắm một âm mưu chính trị thâm hiểm nào đó phía sau hành động có vẻ ngoài hào phóng này.
Cũng có suy đoán rằng, trong bối cảnh khó khăn tứ bề, trong thì thiên tai nghiêm trọng, dịch bệnh tái bùng phát, lòng dân oán thán, ngoài thì Hoa Kỳ và các nước phương Tây gây sức ép mạnh mẽ, Bắc Kinh không muốn làm căng thẳng thêm mối quan hệ với một quốc gia có tiềm lực và lại là một thị trường hơn một tỷ dân như Ấn Độ.
Nên làm gì tiếp theo?
Ông Satoru Nagao, một nhà nghiên cứu thuộc Viện Hudson, đánh giá, mặc dù hệ thống phòng thủ quân sự của Ấn Độ dọc biên giới với Trung Quốc không yếu, nhưng mức độ ưu tiên ngân sách cho quân sự của Bắc Kinh đã ngày càng tạo ra chênh lệch so với New Delhi trong khoảng một thập niên qua.
Ông Nagao cho rằng, muốn không để Trung Quốc tiếp tục hành vi xâm lấn LAC, Ấn Độ cần nhận thức rõ bản tính và chiến thuật của Bắc Kinh. Theo vị chuyên gia gốc Nhật, chính quyền Trung Quốc luôn coi thường luật pháp quốc tế và tìm mọi cách để ngăn cản các hành động bênh vực của cộng đồng quốc tế dành cho các quốc gia có tranh chấp lãnh thổ với Bắc Kinh. Vì thế, theo ông Nagato, để đối phó với điều này, Ấn Độ cần làm 4 việc sau:
Thứ nhất, Ấn Độ, Nhật Bản hay Việt Nam cần liên kết để làm ngược lại những gì Bắc Kinh mong muốn, tức phải đưa chính quyền Trung Quốc vào những ràng buộc pháp lý và kêu gọi tiếng nói lương tri của cộng đồng quốc tế.
Thứ hai, Ấn Độ và các nước láng giềng cần đầu tư nhiều hơn cho quốc phòng để gia tăng sức mạnh quân sự.
Thứ ba, Ấn Độ và các nước láng giềng với Trung Quốc cần tiếp tục tăng cường hợp tác an ninh với Mỹ, Úc và các nước cùng chí hướng trên thế giới. Ông Nagato cho rằng, khi Ấn Độ, Việt Nam, Nhật Bản, và những nước khác hợp tác với Mỹ, Úc và các nước phương Tây khác, thì sẽ không chỉ thúc đẩy an ninh khu vực mà còn tốt cho phát triển kinh tế.
Và cuối cùng, chi tiêu quân sự của Trung Quốc phụ thuộc trực tiếp vào nền kinh tế của họ, do vậy để làm quân đội Trung Quốc suy yếu, Ấn Độ các quốc gia khác nên giảm bớt mối liên kết kinh tế với Bắc Kinh, thay vào đó ưu tiên hợp tác với Mỹ và các nước phương Tây.
https://www.dkn.tv/the-gioi/dau-an-tuan-qua-an-do-viet-nam-nen-lam-gi-sau-cac-vu-xung-dot-voi-trung-quoc.html

0 comments

Leave a comment

Powered by Blogger.