Hải Ngoại Ngày Nay


LIÊN KẾT HẢI NGOẠI YỂM TRỢ QUỐC NỘI ĐẤU TRANH

GIẢI THỂ CHẾ ĐỘ ĐỘC TÀI VIỆT CỘNG

GIẢi TRỪ HIỂM HỌA XÂM LĂNG TRUNG CỘNG

Tin Việt Nam – 09/05/2020

Saturday, May 9, 2020 6:15:00 PM // ,

Tin Việt Nam – 09/05/2020

Phản ứng ngay sau phiên giám đốc thẩm y án tử hình anh Hồ Duy Hải!

Vụ giết hai nữ nhân viên bưu điện Cầu Voi ở ấp 5, xã Nhị Thành, huyện Thủ Thừa, Long An tại nơi làm việc xảy ra hồi ngày 13 tháng 1 năm 2008.  Ngay sau đó, thanh niên Hồ Duy Hải, sinh năm 1985, ở Long An bị bắt giữ và bị tuyên án tử hình dưới tội danh “giết người, cướp tài sản” tại cả hai phiên tòa sơ thẩm và phúc thẩm. Tuy nhiên bản thân anh Hồ Duy Hải nói với bà mẹ trong một lần gặp là phải kêu oan cho anh vì anh không phạm tội. Bà Nguyễn Thị Loan, mẹ anh cùng những người thân trong gia đình, suốt hơn chục năm qua kêu cứu khắp nơi. Luật sư cũng nêu ra những khuất tất của quá trình điều tra vụ án.
Khi bác kháng nghị của Viện Kiểm Sát Nhân dân tối cao và y án tử hình đối với anh Hồ Duy Hải, Hội Đồng Thẩm Phán ngày 8 tháng 5 cho rằng vào những thời điểm quan trọng, anh Hồ Duy Hải luôn nhận tội. Hội đồng này kết luận cả hai cấp sơ thẩm và phúc thẩm kết án anh Hồ Duy Hải về tội cướp tài sản, giết người là có căn cứ, không oan sai. Tội giết người bị xử tử hình và tội cướp tài sản bị tuyên 5 năm tù là đúng pháp luật.
Hội đồng Thẩm phán Tòa án Nhân dân Tối cao thừa nhận dù quá trình điều tra, xét xử có một số thiếu sót, nhưng không làm thay đổi bản chất vụ án.
Trao đổi với RFA vào tối 8/5, bà Nguyễn Thị Rưỡi, dì ruột của Hồ Duy Hải bày tỏ thất vọng với nền công lý nước nhà:
“Gia đình rất bức xúc, không còn tin rằng ở Việt Nam còn công bằng, công lý, nhân quyền gì hết. Con người ta oan mà cái gì cũng không quan trọng. Vụ án giết người dấu vân tay không rtùng lắp cũng không quan trọng, không thấy Hồ Duy Hải cũng không quan trọng vậy cái gì đối với mấy ông mới quan trọng? Mấy người điều tra viên làm sai cũng cho là không quan trọng, sai nghiêm trọng luật tố tụng hình sự họ cũng cho là không quan trọng thì cái gì mới quan trọng? Họ cho Hồ Duy Hải là vật tế thần cho con cháu quan chức cao cấp để họ được quyền. Ở Việt Nam dân giám sát nói một đằng làm một nẻo, cô tiếc cô là người Việt Nam.”
Vẫn theo bà Nguyễn Thị Rưỡi, gia đình bà đã có dự báo phiên tòa giám đốc thẩm lần này sẽ không thay đổi gì nhiều nhưng vẫn nuôi hy vọng nên giờ đây phải gánh chịu thất vọng:
“Ông Nguyễn Hòa Bình bác kháng nghị năm 2011 giờ ông ngồi chủ tọa là gia đình cô ngán ngẩm trước phiên tòa 6/5 rồi, chứ đừng nói tới giờ phút chót tuyên (án). Cô thấy ngao ngán, giống như bày ra trò hề cho có mô hình, cơ cấu để báo cáo với lãnh đạo, với đảng chứ biết nói gì hơn. Tội này ‘trời không dung, đất không tha’. Mạng người dân Việt Nam mình dễ nuốt quá không biết.”
Trước đó, báo trong nước vào ngày 28/4 đưa tin cho biết phiên giám đốc thẩm xét xử vụ án ‘giết người, cướp tài sản’ đối với bị can Hồ Duy Hải sẽ do ông Nguyễn Hòa Bình, Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao làm chủ tọa phiên tòa.
Ông Nguyễn Hòa Bình vào ngày 24 tháng 10 năm 2011 trong cương vị Viện trưởng Viện Kiểm Sát Nhân dân Tối Cao đã ban hành quyết định không kháng nghị vụ án Hồ Duy Hải với lý do không có tình tiết mới.
Vì vậy, nhiều người đã lo ngại về vấn đề công tâm trong phiên xét xử lần này và kết quả phiên xử giám đốc thẩm hôm 8/5 đã thật sự khiến nhiều người bất bình, như lời Luật sư Đặng Đình Mạnh tại Sài Gòn:
“Một vụ án hình sự trong đó hồ sơ vụ án rất nhiều điều phi lý và khuất tất. Nếu như tòa án vẫn kiên quyết xét xử một công dân với mức án cao nhất là tử hình thì điều đó không hề thỏa đáng. Qua kết quả như vậy anh không những buồn mà rất lo lắng cho sinh hoạt pháp đình của nhà nước trong giai đoạn thế này.”
Không chỉ trong nước, mà dư luận quốc tế cũng bày tỏ sự thất vọng đối với việc tòa tuyên giữ nguyên hình phạt tử hình đối với Hồ Duy Hải.
Ông Nguyễn Trường Sơn, người phụ trách vận động khu vực Đông Nam Á và Thái Bình Dương của Tổ chức Ân xá Quốc tế – Amnesty International cho rằng phiên tòa giám đốc thẩm xử Hồ Duy Hải bất chấp luật pháp và đạo lý.
“Bất chấp luật pháp là bởi vì chúng ta thấy các phương tiện truyền thông Việt Nam đưa tin rất đầy đủ là bản thân Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao đã chỉ ra rõ ràng quá trình điều tra và xét xử Hồ Duy Hải mắc phải nhiều sai phạm rất nghiêm trọng. Thông thường, nếu việc xét xử một người mắc phải nhiều sai phạm như vậy chí ít phải điều tra lại và khi điều tra lại phải điều tra cả người xét xử trước đây xem liệu người ta có ý đồ gì làm sai thế nào. Hoặc tốt hơn là khi đã làm sai phải khắc phục hậu quả là phải trả tự do cho nạn nhân vì rõ ràng họ bị cầm tù là hệ quả của việc xét xử sai lầm. Thế nhưng trái với nguyện vọng của hầu hết mọi người cũng như ý hiểu thông thường của luật pháp, Tòa án tối cao đã ra quyết định giữ nguyên bản án đối với Hồ Duy Hải. Tôi cho rằng trái với tinh thần luật pháp, đạo lý và cả lòng người. Phải nói đây là một kết luận đáng thất vọng.”
Với kinh nghiệm đã từng đọc qua hồ sơ vụ án Hồ Duy Hải từ người nhà phạm nhân, Luật sư Phạm Công Út thuộc Công ty Luật Phạm Nghiêm cho biết ông không ngạc nhiên với kết quả phiên tòa. Ông đưa ra ba luận điểm của ông về phiên xử giám đốc thẩm Hồ Duy Hải như sau:
“Thứ nhất, tôi cho rằng đây là một kịch bản hoàn hảo giữa Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao và Toàn án Nhân dân Tối cao bởi vì 3 kiểm sát viên đại diện cho Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao trả lời trước Hội đồng toàn thể Thẩm phán yếu ớt và đưa ra những tình tiết mang tính khách quan chứ không phải chủ quan. Những lời khai mang yếu tố chủ quan, còn những vết máu, những vết vân tay, hung khí là khách quan thì Viện Kiểm sát không đưa ra được để chứng minh Hồ Duy Hải có chứng cứ ngoại phạm hay không mà chỉ đưa ra đoạn đường 7,5 km rồi chứng minh yếu ớt Hồ Duy Hải không đủ thời gian vượt qua đoạn đường đó để gây án. Nhưng những lý lẽ yếu ớt đó trong phần hỏi của Hội đồng xét xử phản bác được ngay. Trong phần trả lời đó không có luật sư bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp cho Hồ Duy Hải. Như vậy đây là một vở kịch các vai diễn với nhau và không cho người phá bĩnh là luật sư tham dự, sau khi bước qua giai đoạn gay cấn làm rõ tình tiết vụ án thì Luật sư Trần Hồng Phong mới được mời tới nghe tuyên án. Người ta đã loại trừ người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho tử tù kêu oan trong khi từ tù kêu oan không có mặt tại phiên tòa.”
Vẫn theo Luật sư Phạm Công Út, phiên tòa lần này được tính toán rất kỹ khi cố tình đưa một số phóng viên báo chí vào tác nghiệp. Ông cho rằng đây là hành động cố tình bởi vì kịch bản để các phóng viên báo chí phải tâm phục khẩu phục đối với bản án giám đốc thẩm hôm nay.
“Dưới góc độ nghề nghiệp, tôi thấy rằng phía tòa chiếu lên màn hình hoặc hỏi những câu hỏi những người tiến hành tố tụng trước đó kết tội Hồ Duy Hải đọc những bản khai Hồ Duy Hải hành vi giết người thế nào và có sửa chữa trong đó là không làm thay đổi bản chất vụ án. Như vậy thì báo chí mới nghĩ Hồ Duy Hải là hung thủ giết người cướp tài sản. Quay đi quay lại thì vẫn là lời khai mà lời khai là chứng cứ phi vật chất. Lời khai này tôi tin rằng không phải do Hồ Duy Hải khai ra mà không có bất kì một áp lực nào khác. Như vậy phiên tòa này người ta đưa báo chí vào để hợp thức hóa cáo buộc của một người kêu oan bằng lời khai chứ không phải bằng chứng cứ. Nếu bằng chứng cứ phải giải thích được những dấu vân tay đó là của ai? Nguyễn Văn Nghị có dấu vân tay trong hiện trường đó không? Đó là chứng cứ không thể chối cãi nhưng người ta lại không đưa ra.”
Ngoài ra, Luật sư Phạm Công Út cũng chỉ ra rằng do Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao đã không hoàn thành trách nhiệm của mình khi đưa ra những chứng cứ yếu ớt để từ đó khiến Hội đồng thẩm phán đặt lại câu hỏi về tính hợp pháp của kháng nghị mà Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao đưa ra.
Hồi cuối tháng 11 năm 2019, Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao ban hành quyết định kháng nghị giám đốc thẩm, đề nghị xóa bỏ toàn bộ các bản án trước đó đối với tử tù Hồ Duy Hải để điều tra lại.
Trong khi đó, quyết định bác đơn xin ân xá của Chủ tịch nước đối với Hồ Duy Hải là một văn bản tố tụng nằm trong văn bản tố tụng hình phạt đã có hiệu lực pháp luật trước khi Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao đưa ra kháng nghị.
Do đó, Hội đồng thẩm phán đã biểu quyết 17/17 rằng kháng nghị của Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao không hợp lệ.
Tuy nhiên, Luật sư Phạm Công Út nhận định rằng kết quả phiên tòa này cần được hủy bỏ vì đã vi phạm điều cơ bản về cơ cấu Hội đồng thẩm phán:
“Theo quy định của pháp luật, 17 vị này không được phép ngồi trong phiên tòa giám đốc thẩm này bởi vì phiên tòa giám đốc thẩm này chỉ có 5 thẩm phán mà thôi. Và 5 thẩm phán đó là ai trong số 17 vị, không hề có quyết định nào phân công. Do đó 17 người không được phân công mà số lượng không phù hợp với Luật Hình sự tố tụng thì phiên tòa hôm nay dù xử đúng hay xử sai, minh oan hay không minh oan, có chấp nhận quyết định kháng nghị hay không chấp nhận quyết định kháng nghị của Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao đều là vô giá trị dưới góc nhìn của tôi.”
Trước phán quyết giữ nguyên bản án tử hình đối với Hồ Duy Hải trong phiên giám đốc thẩm hôm 8/5, bà Nguyễn Thị Rưỡi cho biết gia đình vẫn sẽ tiếp tục kêu oan cho Hải trong thời gian tới và sẽ không ngừng lên tiếng cho đến khi Hồ Duy Hải được minh oan và thả tự do:
“Gia đình cô đã qua tới Thái Lan để kêu gọi Liên Hiệp Quốc rồi, chắc bản cũ làm lại chứ công lý Việt Nam còn gì để nói nữa bây giờ.”
Không chỉ riêng gia đình tử tù Hồ Duy Hải, mà các cá nhân, tổ chức nhân quyền trong và ngoài nước cũng cho biết sẽ tiếp tục lên tiếng cho Hải, như lời ông Nguyễn Trường Sơn của Tổ chức Ân xá Quốc tế:
“Chắc chắn Ân xá Quốc tế sẽ không thể dừng lại công việc của mình trong việc bảo vệ tính mạng Hồ Duy Hải cũng như yêu cầu công lý cho anh. Chúng tôi sẽ tiếp tục làm việc để kêu gọi chính quyền Việt Nam phải xem xét lại quyết định hôm nay của Tòa án Tối cao. Những công việc cụ thể mà chúng tôi làm sắp tới bây giờ tôi chưa thể nói ra nhưng tôi có thể khẳng định Ân xá Quốc tế sẽ không bao giờ bỏ cuộc.”
https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/reaction-after-judge-panel-rejects-supreme-procuracys-proposal-at-cassation-for-death-row-immate-ho-duy-hai-05082020144711.html

Vụ tử tù Hồ Duy Hải: Cơ hội, niềm tin và cảm xúc

Cơ hội sống của bị cáo, tử tù Hồ Duy Hải đã hẹp lại rất nhiều sau phán quyết được Hội đồng xét xử Giám đốc thẩm của vụ án thuộc Tòa án Nhân dân Tối cao của Việt Nam đưa ra hôm 08/5/2020 tại Hà Nội, theo một số luật sư và nhà quan sát.
Bác kháng nghị Hồ Duy Hải: Đại biểu Quốc hội nói ‘chưa thuyết phục’
Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng và khả năng ân giảm tử hình cho Hồ Duy Hải
Hôm thứ Sáu, ngay sau phiên tòa, Luật sư Trần Hồng Phong, người hiện diện và bảo vệ quyền lợi cho thân chủ của mình, tử tù Hồ Duy Hải, nói với BBC News Tiếng Việt:
“Nói chung là nói về cơ hội, thì bây giờ nó khép chặt lại rất là nhiều. Nó không còn là rộng đường như trước nữa, cho nên điều này thực sự cá nhân tôi cũng thấy là lo lắng. Cho nên tôi nghĩ là gia đình sẽ phải sớm lên tiếng để chỉ ra những điểm bất hợp lý.
“Những điểm mà chỉ ra rằng quyết định này mà người ta ra tuyên bố như vậy không phù hợp, nó có thể do oan sai, và tôi muốn nhắc lại quan điểm của gia đình là hoàn toàn trùng khớp với quan điểm của Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao.
“Tức là kháng nghị theo hướng là hủy án, để xem xét lại cho nó vững chắc bởi vì nó có quá nhiều sai sót”.
‘Ánh sáng cuối đường hầm’?
Từ Hà Nội, Luật sư Ngô Anh Tuấn nói với BBC:
“Càng về sau này thì cơ hội càng nhỏ dần đi, bây giờ còn rất ít cơ hội đối với Hồ Duy Hải, tuy nhiên rằng có thể Ủy ban Tư pháp Quốc hội hoặc Ủy ban Thường vụ Quốc hội có thể xem xét lại cái quyết định Giám đốc thẩm, bản án của Hội đồng Giám đốc thẩm của Tòa án nhân dân tối cao.
“Thì cái này cũng có thể được xem xét, tuy nhiên nó rất là khó khăn và cơ hội còn lại tương đối là nhỏ nhoi đối với Hồ Duy Hải. Song còn có một số cơ hội nữa mà theo như Luật sư Trần Hồng Phong có nói với chúng tôi là trước đây ông đã từng có đơn tố cáo đích danh đối với một số người, trong đó có đích danh tên một người và văn bản ấy, kết quả trả lời thì hoàn toàn chưa có từ bất cứ một cơ quan nào.
“Nên nếu như ông vẫn tiếp tục và kiên trì tìm ra hung thủ thực sự của vụ án này, thì có thể Hồ Duy Hải tìm được ánh sáng cuối đường hầm.”
Ngay sau phiên tòa, từ Hà Nội, cô Hồ Thị Thu Thủy, em gái của bị cáo, tử tù Hồ Duy Hải, nói với BBC:
“Điều mong muốn của gia đình là kính mong cộng đồng trong và ngoài nước, các tổ chức quốc tế cùng đồng hành với gia đình trong thời gian sắp tới để phán quyết của ông Chánh án Nguyễn Hòa Bình được xem xét lại và phải giao cho một cơ quan khác đứng ra xem xét lại phán quyết này, chứ không phải là ông Nguyễn Hòa Bình nữa.
“Ông Bình chưa làm rõ những vấn đề mà Viện Kiểm sát tối cao và luật sư đưa ra, ông giải quyết một cách ‘lấp liếm’ và ‘cố tình bao che’, giống như là bản án bỏ túi đã định sẵn rồi, phiên tòa chỉ là thứ hình thức mở ra thôi, như là cho quốc tế biết là quy trình của họ cũng giống như quốc tế, nhưng thực ra không phải như vậy, và gia đình chúng tôi luôn khẳng định trước tòa là Hồ Duy Hải vô tội và Việt Nam không có công lý, đó là điều bức xúc của gia đình.”
“Còn nước còn tát”
Từ Viện Chính sách, Pháp luật và Phát triển, Luật sư, PGS. TS. Hoàng Ngọc Giao, Viện trưởng, đưa ra bình luận với BBC:
“Thôi thì còn nước, còn tát thôi. Nếu mà được khuyên gia đình thanh niên Hồ Duy Hải, thì tôi nghĩ rằng phải kêu cứu đến Quốc hội, đến Ủy ban Tư pháp, nhưng mà hy vọng, khả năng Ủy ban này có thể can thiệp được về mặt tố tụng hay về mặt luật pháp, thì tôi nghĩ là rất là khó.
“Bởi vì Việt Nam vẫn khẳng định nguyên tắc là tư pháp độc lập, mà đây đã là Tòa án Tối cao rồi, vậy thì Ủy ban Tư pháp đó có đủ thẩm quyền để mà có thể can thiệp một cách nào đó được không?
“Theo tôi, kênh duy nhất mà có thể can thiệp được chỉ còn nằm trong tay, quyền sinh sát đó nằm trong tay của Chủ tịch nước, thì dưới hình thức là đặc xá, đại xá, thì có thể gỡ được án tử hình thôi.
“Chứ còn bây giờ chẳng còn cách nào khác. Tất nhiên ở đây, nó có một mâu thuẫn là nếu như xin ân xá, thì rõ ràng hóa ra là phía công đường người ta khẳng định là người ta đúng, cho nên anh phải chấp nhận bản án này và anh xin ân xá thì Chủ tịch nước xem xét có được ân xá hay không.
“Còn về phía công đường, tòa án, rõ rằng là bằng hành động này, người ta đã khẳng định rằng người ta ‘hoàn toàn đúng’ và không ai phải chịu trách nhiệm cả, và cái đó phải chăng đã gỡ được vấn đề trách nhiệm cho những người mà trong suốt quá trình tố tụng ở Long An, rồi sơ thẩm, rồi phúc thẩm, thì gỡ được trách nhiệm của nhiều cá nhân và những cá nhân đó thì hiện nay đang giữ những chức vụ cao cấp.
“Thì rõ ràng là không khó để có thể biết được, do đó lời khuyên thì có lẽ là thôi, coi như mình là tử tù rồi, thì chỉ có xin ân xá, chỉ có con đường đó là một, còn một chút hy vọng và nó phụ thuộc vào cái nhìn nhận nhân văn từ phía Chủ tịch nước. Đấy là con đường duy nhất, còn ngoài ra, cộng với cái đó là vận động thêm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, để làm sao đó cũng có thêm tiếng nói ủng hộ cho việc ân xá hay đặc xá.”
‘Cần lập ủy ban độc lập’
Từ Sài Gòn, Luật sư Đinh Hồng Hạnh, người gần đây cho biết đã có dịp tới Long An, ở địa phương xảy ra vụ án, nói với BBC qua một chương trình bình luận trực tuyến về phán quyết vụ án hôm 08/5:
“Tôi có một ý kiến là cần có một ủy ban độc lập và khách quan để đánh giá lại vai trò này, ông Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao Nguyễn Hòa Bình đã mặc đủ ba màu áo trong toàn bộ giai đoạn tố tụng, vì thế vai trò cũng không khách quan.
“Và nếu bây giờ quyết định của vụ việc này bây giờ lại được Ủy ban Tư pháp Quốc hội Việt Nam xem xét lại, và chính Hội đồng xét xử, Hội đồng 17 thẩm phán này lại là người đánh giá lại quyết định của chính họ, thì sẽ là không khách quan.
“Vì thế cần nhiều hơn nữa các bên giám sát độc lập và tiếng nói độc lập, cũng như là đánh giá lại tình trạng của Hồ Duy Hải và những tình trạng giam giữ các tử tù nói chung.
“Và cao hơn nữa là việc xem xét lại có nên tồn tại án tử hình tại Việt Nam hay không, bởi gì còn rất là nhiều vụ việc oan sai khác”.
‘Khía cạnh chính trị quan trọng’
Từ Hà Nội, cựu Thiếu tá an ninh công an Nguyễn Hữu Vinh, nói với cuộc tọa đàm trên:
“Tôi bổ sung khía cạnh chính trị mà tôi cho là rất quan trọng, tôi nghĩ là ông Tổng Bí thư đảng CSVN, Chủ tịch nước đặt ra vấn đề này (cho mở vụ Giám đốc thẩm), thì đó là một động thái rất khôn ngoan, ông đặt ra vấn đề đó trong khi chỉ còn hơn một năm nữa là mở ra Đại hội 13 của đảng Cộng sản, thì những người tham gia vào quá trình Giám đốc thẩm này sẽ tự bộc lộ.
“Và ông Tổng bí thư sẽ có dữ kiện để đánh giá và kết luận những ai làm việc tốt, còn nội bộ thì cũng có những điều kiện tốt, để họ sắp xếp nội bộ và chuẩn bị Đại hội v.v… Thế còn khía cạnh thứ hai là bây giờ, tất cả gần như có vẻ là hy vọng cuối cùng là đặt vào ông ấy, thì ông ấy sẽ làm việc của mình lúc nào và theo hướng nào để thuận lợi về chính trị. Đấy là tôi bàn về vấn đề chính trị, tôi không bàn về vấn đề nhân đạo hay là luật pháp.”
Từ thành phố Hanau, Cộng hòa Liên bang Đức, Luật sư nhân quyền Nguyễn Văn Đài nêu quan điểm tại cuộc thảo luận của BBC:
“Theo quan điểm của tôi, anh Hồ Duy Hải và gia đình anh vẫn còn thêm một cơ hội nữa để có thể cứu nguy mạng sống của anh Hải.
“Bởi vì, mặc dù quyết định mà bác đơn xin ân giảm trước đây của ông Chủ tịch nước trước đây là ông Trần Đại Quang vẫn có hiệu lực pháp luật, nhưng mà bản thân anh Hồ Duy Hải, sau quyết định Giám đốc thẩm này, anh ta vẫn có thể làm đơn lên ông Nguyễn Phú Trọng, là Chủ tịch nước.
“Tôi cũng nhận được nhiều ý kiến hỏi là như vậy có được hay không, thì theo quan điểm của tôi là rất là khó, mà ông Nguyễn Phú Trọng có một quyết định nhân đạo ở đây, bởi vì chúng ta biết là từ khi ông Nguyễn Phú Trọng lên làm Chủ tịch nước, ông chưa có một đợt đặc xá nào cho các tù nhân ở Việt Nam.
“Mà chúng ta biết rằng trong thời Chủ tịch nước trước như là ông Nguyễn Minh Triết hay ông Trương Tấn Sang, thường là một năm có hai lần đặc xá vào dịp Tết nguyên đán hay cũng như là vào dịp quốc khách 2/9, nhưng mà từ ngày ông Nguyễn Phú Trọng lên, hoàn toàn không có cái này.
“Cho nên tôi cũng không hy vọng rằng là ông Trọng sẽ có một quyết định để miễn hình phạt tử hình cho anh Hồ Duy Hải, nếu như anh hoặc gia đình anh, hoặc giới luật sư hay bất kỳ ai có đơn, hoặc kiến nghị gửi lên cho Chủ tịch nước, nên cái hy vọng mà anh Hồ Duy Hải giữ được mạng sống của mình thì tôi cho là hoàn toàn không có ở đây được.”
Vẫn có thể tái thẩm?
Ngay sau tọa đàm nói trên, một nhà quan sát và phân tích chính trị, xã hội Việt Nam từ Viện nghiên cứu Đông Nam Á (Iseas, Singapore), Tiến sỹ Hà Hoàng Hợp, qua bút đàm nêu bình luận với BBC
“Về vụ Hồ Duy Hải, tôi thấy rằng Việt Nam hiện nay không tồn tại pháp quyền, công lý không được thực thi. Vì sao? Vì nền tảng pháp lý hình sự, là chứng cứ. Phải đủ chứng cứ, thì mới xét xử. Không đủ chứng cứ, thì không được xử.
“Luật pháp hình sự nào cũng có hai khả năng cho việc ra phán quyết có lợi cho bị cáo: một là trắng án, hai là tha bổng. Trắng án, tức là vô tội, tha bổng, tức là có dấu hiệu tội phạm, nhưng không đủ chứng cứ, phải thả.
“Đọc quyết định của Hội Hội đồng Giám đốc thẩm này, có thể thấy rằng họ đã sai từ bản chất, nguyên tắc, thủ tục cho đến từng chi tiết pháp lý.
“Nhưng trên hết, 17 thành viên hội đồng này có thể có vấn đề hay có thể bị công luận đặt câu hỏi về vấn đề đạo đức, mà thậm chí, đặc biệt nghiêm trọng là Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao.
“Theo thông tin tôi được biết, ngày 19/5 này, Ủy ban thường vụ quốc hội sẽ phải quyết định việc tiến hành thủ tục giám sát đặc biệt vụ án này.
“Về chính trị hay xung đột lợi ích thì không rõ, nhưng theo tôi, đây là một quyết định trái pháp luật hình sự Việt Nam. Tất nhiên vẫn còn khả năng Viện kiểm sát tối cao lại ra quyết định kháng nghị một lần nữa.
“Có giám đốc thẩm và có tái thẩm, giám đốc thẩm là việc xem lại các bản án đã có hiệu lực, khi có các phát hiện về sai trái trong tố tụng, phiến diện.
“Tái thẩm là việc xem lại các bản án đã có hiệu lực, khi phát hiện các chứng cứ làm thay đổi bản chất vụ án. Nếu bây giờ phát hiện hung thủ, thì sẽ có kháng nghị tái thẩm.
“Như vậy tái thẩm mạnh hơn giám đốc thẩm. Cho rằng Giám đốc thẩm là chung cuộc theo tôi là sai. Luật Tố tụng Hình sự Việt Nam 2015 quy định khác.
“Tức là có bao nhiêu Giám đốc thẩm cũng được, vả lại nếu bỗng nhiên có gì đặc biệt, có thể áp dụng Tái thẩm, tức là Viện trưởng Viện kiểm sát Nhân dân Tối cao có thể ra quyết định kháng nghị GIám đốc thẩm lần hai vân vân.
“Hoặc nếu được kháng nghi Tái thẩm, tiếp đó, Quốc hội có thể có ít nhất hai thủ tục đó là Giám đốc thẩm và Tái thẩm. Tôi xin lưu ý là như trên đã nói, nếu có tình tiết mới, phát hiện ra hung thủ, sẽ có Tái thẩm và như thế Tái thẩm mạnh hơn Giám đốc thẩm,” TS Hà Hoàng Hợp, người từng tham gia cố vấn, tư vấn về cải cách tư pháp cho một số cơ quan của đảng và nhà nước Việt Nam khẳng định với BBC News Tiếng Việt.
Mời quý vị bấm vào đường dẫn này để theo dõi thảo luận trên BBC News Tiếng Việt về quyết định Giám đốc thẩm của Tòa án tối cao của Việt Nam về vụ án tử tù Hồ Duy Hải hôm 08/5/2020.
https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-52599705

LS Đặng Đình Mạnh:

‘Khả năng Hồ Duy Hải được ân xá là 50/50′

Mỹ HằngBBC News Tiếng Việt
Phán quyết của hội đồng thẩm phán trong phiên giám đốc thẩm vụ Hồ Duy Hải chiều 8/5 đã làm dấy lên nhiều ý kiến phản đối trong cộng đồng mạng.
Sau ba ngày làm việc, hội đồng thẩm phán bác kháng nghị điều tra lại của Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao, khẳng định Hồ Duy Hải là hung thủ duy nhất giết hại và cướp tài sản hai nữ nhân viên Bưu điện Cầu Voi cách đây 12 năm. Và rằng việc tuyên án Hồ Duy Hải tử hình là “có căn cứ, đúng pháp luật, không oan”.
Trong khi đó, dư luận trên mạng xã hội cho rằng phán quyết này đến từ biểu quyết giơ tay đồng tình của 17 vị thẩm phán đã đi ngược lại kỳ vọng của người dân, dựa trên một quy trình tố tụng đầy sai phạm mà chính các điều tra viên trong cuộc đã thừa nhận.
Bên cạnh những bàn luận về quy trình tố tụng, câu hỏi đặt ra ở đây là phải chăng số phận Hồ Huy Hải đã khép lại hoàn toàn?
20 phút xuất hiện của luật sư có giúp gì cho tử tù Hồ Duy Hải?
LS Trần Hồng Phong: ‘Không loại trừ cạnh tranh chính trị trong vụ Hồ Duy Hải’
Mẹ Hồ Duy Hải: “Từ hiền lành chất phác tôi thành người đàn bà dữ dằn.”
Trao đổi với BBC News Tiếng Việt quanh vấn đề này hôm 9/5, luật sư Đặng Đình Mạnh từ TP Hồ Chí Minh nói:
“Tôi cho rằng phán quyết của Hội đồng thẩm phán thuộc Tòa án Nhân dân Tối cao hôm qua ngày 8/5 là hoàn toàn bất xứng và bất công.”
“Hồ sơ vụ án với những chứng cứ kết tội hết sức phi lý, đầy rẫy khuất tất mà vẫn được hội đồng này sử dụng để kết tội, thậm chí, tuyên hình phạt đến mức cao nhất là tử hình.”
Tôi chân thành khuyên gia đình Hồ Duy Hải cứ bình tĩnh và hy vọng, vì theo quy định tố tụng hình sự, vẫn còn những cánh cửa cần phải gõ. Bây giờ chưa phải lúc tuyệt vọng. “Còn nước còn tát”.Luật sư Đặng Đình Mạnh
BBC:Theo quy định của pháp luật, còn khả năng nào để kháng nghị lại quyết định giám đốc thẩm hay không?
Luật sư Đặng Đình Mạnh: Bộ luật tố tụng hình sự có dự liệu điều 404 quy định trường hợp cần phải xem xét lại quyết định của Hội đồng thẩm phán Tòa án Nhân dân Tối cao.
Thẩm quyền như sau: Ủy ban Thường vụ Quốc hội yêu cầu, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, Viện trưởng Viện kiểm sát Nhân dân Tối cao kiến nghị Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao.
Theo đó, đối với vụ án này, tôi tin những cơ quan có thẩm quyền vừa nêu cần kích hoạt điều 404 để yêu cầu hội đồng thẩm phán Tòa án Nhân dân Tối cao xem xét lại quyết định của mình.
BBC: Ông nhìn nhận như thế nào về khả năng ân giảm án tử hình cho Hồ Duy Hải đến từ ông Nguyễn Phú Trọng?
Luật sư Đặng Đình Mạnh: Với chức vụ chủ tịch nước, ông Nguyễn Phú Trọng có thẩm quyền ân xá hình phạt tử hình và đổi thành án tù chung thân đối với Hồ Duy Hải.
Nhưng với cách làm hiện nay, thì trước khi quyết định việc ân xá, chủ tịch nước thường có văn bản tham khảo ý kiến của Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân Tôi cao và Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao.
Với tương quan như hiện nay, thì tôi cho rằng khả năng ân xá là 50/50.
BBC: Kể cả khi được ân giảm thì việc này được cho là vô cùng khác với việc được tuyên vô tội hay được điều tra lại. Ông có thể nói rõ hơn về điều này? Việc này nói lên điều gì về thực trạng ngành tư pháp Việt Nam?
Quả đúng là việc xin ân giảm khác biệt hoàn toàn với việc được tuyên vô tội. Vì lẽ, được tuyên vô tội tức là Hồ Duy Hải không phạm tội, Hải được trả tự do và được bồi thường về các tổn thất.
Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng và khả năng ân giảm tử hình cho Hồ Duy Hải
Hội đồng thẩm phán bác kháng nghị điều tra lại vụ Hồ Duy Hải
Điều này nếu được thực hiện, sẽ kéo theo hậu quả phải xem xét truy cứu trách nhiệm một loạt các cơ quan tố tụng cũng như các cán bộ có liên quan đến vụ án từ trước cho đến nay.
Trong khi đó, xin ân xá được hiểu là Hồ Duy Hải đã thừa nhận tội trạng của mình là không oan ức và xin giảm nhẹ hình phạt.
BBC:Sau phán quyết hôm 8/5 của tòa, ông có lời tư vấn gì cho gia đình Hồ Duy Hải?
Luật sư Đặng Đình Mạnh: Với gia đình Hồ Duy Hải, tôi thật sự kinh ngạc về sự tranh đấu phi thường của người mẹ là bà Nguyễn Thị Loan.
Tôi thành tâm khuyên họ cứ bình tĩnh và hy vọng, vì theo quy định tố tụng hình sự, vẫn còn những cánh cửa cần phải gõ, Bây giờ chưa phải lúc tuyệt vọng, “Còn nước còn tát”.
BBC: Ông có lời tư vấn hay nhắn nhủ nào tới ngành tư pháp Việt Nam sau phán quyết này?
Luật sư Đặng Đình Mạnh: Với ngành tư pháp Việt Nam, tôi chỉ có thể nói rằng: Quyết định của hội đồng thẩm phán đã không thuyết phục được công chúng về sự chính đáng và hợp pháp.
Có vẻ như họ đã dễ dàng đạt được một bản án tử hình, nhưng họ sẽ không bao giờ đong đếm đủ sự mất mát của xã hội và của ngành tư pháp là mất trọn nhân tâm.
BBC:Vụ việc này – mà dư luận cho rằng 17 người của hội đồng thẩm phán quyết định số phận của một con người dựa trên một quy trình tố tụng đầy lỗi – nói lên điều gì về thực trạng chính trị, xã hội của Việt Nam hiện nay? Nó có thể ảnh hưởng như thế nào tới niềm tin của công chúng vào chính quyền và đánh giá của thế giới về Việt Nam?
Luật sư Đặng Đình Mạnh: Tôi giả thiết, nếu ông Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao không giữ vị trí là đảng viên cao cấp, và 16 vị thẩm phán còn lại trong hội đồng thẩm phán không phải là đảng viên, tòa án hoạt động bảo đảm nguyên tắc độc lập, thì chúng ta sẽ không có một quyết định đáng buồn như đã có vào ngày 8/5.
Sự nhập nhằng giữa vai trò chính trị và chức nghiệp đã làm hạn chế tính độc lập của thẩm phán trong việc đưa ra các phán quyết của mình. Hậu quả có thể nhìn thấy trước, nó đang kéo lùi niềm tin của công chúng vào hệ thống pháp đình đến mức không còn giới hạn.
https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-52597023

Ai có thể cứu Hồ Duy Hải?

Nguyễn Ngọc Già
Vụ án oan nghiệt của ông Hồ Duy Hải đang đẩy cảm xúc phẫn nộ và đau xót của người dân lên đến mức chưa từng được biết tới.
Người dân – dù không rành pháp luật – nhưng hầu hết người ta không tin vào sự công chính cũng như trình độ của 17 người trong Hội đồng toàn thể Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao (HĐTTTPTANDTC) đứng đầu là ông Nguyễn Hòa Bình – Ủy viên Ban chấp hành Trung ương đảng – Chánh án Tòa án nhân dân tối cao – Phó giáo sư – Tiến sĩ luật học -  trong phiên xét xử kết thúc vào ngày 08 tháng Năm năm 2020.
HĐTTTPTANDTC được quy định tại khoản 5 điều 382 Bộ Luật Tố Tụng Hình Sự (BLTTHS).
Không hiểu biết luật, dù tất cả 17 người là Thạc sĩ, Tiến sĩ luật
Thật vậy, với kết luận [*] “Sai sót tố tụng không làm thay đổi bản chất vụ án” của HĐTTTPTANDTC như báo Pháp Luật phát hành ngày 09 tháng Năm 2020 cho thấy, cả 17 người không hề hiểu biết pháp luật.
Theo Bộ Luật Tố Tụng Hình Sự (BLTTHS), điều 4 “Giải thích từ ngữ”, tại khoản 1 có tất cả 14 khái niệm (đánh thứ tự từ a đến o) được giải thích, không có một khái niệm nào được gọi tên ”bản chất vụ án”. Mục o khoản 1 được giải thích:
“Vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng là việc cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng trong quá trình khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử không thực hiện hoặc thực hiện không đúng, không đầy đủ các trình tự, thủ tục do Bộ luật này quy định và đã xâm hại nghiêm trọng đến quyền, lợi ích hợp pháp của người tham gia tố tụng hoặc làm ảnh hưởng đến việc xác định sự thật khách quan, toàn diện của vụ án”.
Như vậy, khi HĐTTTPTANDTC thừa nhận ”có sai sót trong quá trình tố tụng”, tức là toàn bộ 17 người này công nhận việc xét xử và kết án ông Hồ Duy Hải đã vi phạm vào mục o khoản 1 điều 4 của BLTTHS.
Thêm vào đó, điều 15. Xác định sự thật của vụ án của BLTTHS quy định:
“Trách nhiệm chứng minh tội phạm thuộc về cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng. Người bị buộc tội có quyền nhưng không buộc phải chứng minh là mình vô tội.
Trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải áp dụng các biện pháp hợp pháp để xác định sự thật của vụ án một cách khách quan, toàn diện và đầy đủ, làm rõ chứng cứ xác định có tội và chứng cứ xác định vô tội, tình tiết tăng nặng và tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự của người bị buộc tội”.
Điều 15 được dẫn giải như trên đã bác bỏ khái niệm “BẢN CHẤT VỤ ÁN’. Quả đúng vậy, một vụ án hình sự diễn ra, người có thẩm quyền phải “xác định sự thật của vụ án”, không phải lo xoay xở định nghĩa “bản chất vụ án” (dù có đổi hay không đổi cũng hoàn toàn sai, vì trong BLTTHS không quy định).
Tóm lại, 17 người trong HĐTTTPTANDTC đã vi phạm vào mục o khoản 1 điều 4 và điều 15 của BLTTHS.
Nghĩa là kết luận “Sai sót tố tụng không làm thay đổi bản chất vụ án” là một kết luận vô nghĩa, phi pháp và hoàn toàn không chuyên nghiệp của 17 người mang danh thạc sĩ – tiến sĩ luật.
Đó là nỗi hổ thẹn tệ nhất dành cho giới Luật Sư Việt Nam, dù bị tước giấy phép hành nghề hay còn đang hoạt động.
Ủy Ban Thường Vụ Quốc Hội (UBTVQH) phải làm gì?
Điều 404. Yêu cầu, kiến nghị, đề nghị xem xét lại quyết định của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao trong BLTTHS quy định với 2 trường hợp dưới đây, có thể cứu sống ông Hồ Duy Hải:
2.  Trường hợp Ủy ban thường vụ Quốc hội yêu cầu thì Chánh án Tòa án nhân dân tối cao có trách nhiệm báo cáo Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao để xem xét lại quyết định của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao.
3.  Trường hợp Ủy ban tư pháp của Quốc hội, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao kiến nghị thì Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao mở phiên họp xem xét kiến nghị đó.
Xin phép lưu ý, tại khoản 2 điều 404 nói trên dùng chữ “YÊU CẦU” và tại khoản 3 điều 404 nói trên dùng chữ “KIẾN NGHỊ”.
Tuy nhiên, người đời cũng biết đó chỉ là “luật lý thuyết” (một cách mà tác giả viết bài gọi khôi hài) , bởi luật chỉ được gọi là LUẬT khi có giá trị thực tế như các quốc gia tự do – dân chủ đang sử dụng.
Nói cụ thể hơn, Chủ nhiệm Ủy ban Tư Pháp Quốc Hội – Lê Thị Nga và Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cáo – Lê Minh Trí chỉ có “quyền kiến nghị”. Nếu ông Trí và bà Nga cùng “tự nguyện” kiến nghị thì… Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình sẽ mở phiên họp xem xét (cái) kiến nghị đó. Phiên họp, tất nhiên cũng dưới sự chủ trì của Nguyễn Hòa Bình. Kết quả có vẻ như… “ai cũng biết hết rồi” (!).
Trường hợp cao hơn với chữ “YÊU CẦU” như tại khoản 2 nói trên, khi UBTVQH “yêu cầu” thì… Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình sẽ mở phiên họp xem xét lại (cái) quyết định đó. Phiên họp đó, tất nhiên cũng dưới sự chủ trì của Nguyễn Hòa Bình. Kết quả “xem xét lại” có vẻ như… không có gì thay đổi, bởi con số 17/17 vừa qua đã chứng minh toàn bộ các “đảng viên gương mẫu” kiêm thạc sĩ luật – tiến sĩ luật đồng loạt “nhất trí rất cao”, “đồng thuận tuyệt đối” và “đoàn kết một lòng” trong việc chà đạp điểm o mục 1 điều 4 và điều 15 của BLTTHS.
Suy ra, dù bà Lê Thị Nga, ông Vũ Minh Trí hay toàn bộ UBTVQH có dành sự cảm thương cho hoàn cảnh vô tội của ông Hồ Duy Hải hay xót xa và thán phục trước sự kiên tâm của bà Nguyễn Thị Loan – người mẹ đang rất đau khổ trước hung tin – con trai mình chuẩn bị nhận lưỡi hái tử thần, được cung cấp từ 17 ông (bà) đảng viên/thạc sĩ/tiến sĩ luật, thì họ cũng hoàn toàn bó tay.
Kết
Trong UBTVQH, chỉ có 2 người có thể cứu vớt cho Hồ Duy Hải, đó là:
1. Nguyễn Thị Kim Ngân – Chủ tịch Quốc Hội – Ủy viên Bộ Chính trị
2. Tòng Thị Phóng – Phó chủ tịch Quốc hội – Ủy viên Bộ Chính trị
Hy vọng bà Ngân và bà Phóng, với tư cách là 2 bà mẹ, cùng cám cảnh thống khổ của bà Loan mà nhỏ chút lòng nhân để xin ý chỉ của 13 đồng chí còn lại, rằng hãy ban cho Hồ Duy Hải một con đường sống.
Có lẽ nhiều người sẽ đặt câu hỏi liên quan đến con số 13 nói trên, cũng như tại sao bà Ngân và bà Phóng – nếu còn chút từ tâm – có thể làm như vậy? Xin thưa:
- Về con số 13, sau khi tác giả viết bài kiểm tra lại, đã loại khỏi 2 người: Hoàng Trung Hải (vừa bị kỷ luật) và Đinh Thế Huynh (chữa bịnh dài hạn).
- Nguyên tắc số một của ĐCSVN cho đến nay vẫn còn nguyên giá trị: Tập thể lãnh đạo – Cá nhân phụ trách.
Tóm lại, chắc chắn 15 cánh tay Ủy viên Bộ Chính Trị mới bác bỏ được 17 cánh tay thạc sĩ – tiến sĩ luật. Đó là phương cách duy nhất cứu sống người tử tù vô tội – Hồ Duy Hải.
* Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á Châu Tự Do
https://www.rfa.org/vietnamese/news/blog/who-can-save-ho-duy-hai-05092020092802.html

Công an đánh chảy máu đầu 1 ngư dân

vì đi biển không mang theo hộ khẩu

Tin Vietnam.- Ngày 6 tháng 5 năm 2020, ông Hồ Ngọc Ái, quê tỉnh Bình Định đã lên trang Facebook cá nhân kêu cứu, nhờ cồng động mạng chia sẽ giúp gia đình ông lấy lại công bằng cho con trai ông.
Theo ông Ái, con trai ông là anh Hồ Xuân Nghĩa, ở thôn 9, xã Mỹ Thắng, huyện Phù Mỹ, tỉnh Bình Định hiện đang làm ngư dân thuê ở đảo xã Thổ Châu, huyện Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang. Vào lúc 9 giờ tối ngày 5 tháng 5 năm 2020, trong thời gian “nghỉ trăng”, anh Nghĩa cùng năm người bạn đi thuyền vào bờ thì vô tình gặp trưởng công an xã Thổ Châu.
Lúc này, viên trưởng công an xã đã yêu cầu anh Nghĩa xuất trình giấy tờ tuỳ thân, thì anh Nghĩa cho biết chứng minh nhân dân của mình đã bị mất trong lúc đánh bắt cá ở ngoài biển.
Sau đó, viên trưởng công an xã lại yêu cầu anh Nghĩa đưa sổ hộ khẩu cho ông ta, nên anh Nghĩa giải thích là anh đi biển xa nhà thì làm sao mang hộ khẩu theo được. Nghe anh Nghĩa trả lời xong, thì trưởng công an xã Thổ Châu liền dùng dùi cui đánh liên tục vào người anh Nghĩa, rồi mang anh về đồn nhốt.
Sáng ngày hôm sau, công an xã Thổ Châu phát hiện anh Nghĩa bất tỉnh thì họ mang anh lên trạm y tế chích thuốc, rồi để anh đi về. Gia đình ông đã lên xã khiếu nại ba lần, và chỉ nhận được lời thách thức từ phía công an xã rằng “có ngon thì viết đơn kiện”.
Sự việc đang gây bất mãn dư luận Việt Nam vì ngư dân Việt khi đi biển thì bị giặc Trung Cộng xâm lược đuổi giết, lúc vào bờ thì gặp đám cường hào ác bá cán bộ cộng sản đánh đập.
An Nhiên
https://www.sbtn.tv/cong-an-danh-chay-mau-dau-1-ngu-dan-vi-di-bien-khong-mang-theo-ho-khau/

Thấy gì qua thông tin

‘Dân viết đơn xin không nhận tiền hỗ trợ’?

Chính phủ Việt Nam vào ngày 8 tháng 4 đã ban hành gói an sinh xã hội trị giá 62.000 tỷ đồng để hỗ trợ cho khoảng 20 triệu người dân bị tác động bởi đợt dịch COVID-19 gây nên. Nhiều người trong số này trước khi dịch xảy ra từng phải ‘tay làm, hàm nhai’ nên khi có biện pháp ‘giãn cách xã hội’, nhiều hoạt động bị ngưng lại, nguồn thu của họ không còn nữa nên họ rất cần được hỗ trợ để qua cơn hoạn nạn. Người muốn nhận được hỗ trợ từ chính phủ phải khai báo với cơ quan chức năng địa phương.
Mới đây báo chí nhà nước có bài ca ngợi nhiều người dân ở tỉnh Thanh Hóa, miền bắc Việt Nam, đã làm xin đơn không nhận tiền hỗ trợ từ gói hỗ trợ người bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19. Mục đích được báo chí nói là những người từ chối hỗ trợ của Nhà nước muốn chia sẻ khó khăn với chính phủ.
Thật ra mấy chuyện đó là để tuyên truyền, theo mình đều có đạo diễn, đấy là một kiểu đánh bóng của nhà cầm quyền VN, xưa nay vẫn có chiêu bài đó.
-Nhà báo Sương Quỳnh
Trao đồi qua tin nhắn với RFA hôm 8/5, Chị Nguyễn Lai, một người dân ở Nha Trang cho biết, một số khu vực ở Nha Trang đã có người nhận được tiền hỗ trợ; còn việc viết đơn từ chối nhận trợ cấp Chị viết tiếp:
“Còn việc người dân viết đơn không nhận hỗ trợ, theo tôi là chuyện tào lao, trong khi người dân khắp nơi thất nghiệp trong đợt dịch Vũ hán vừa rồi. 1 triệu không phải là nhiều nhưng ít ra nó cũng giúp được dân lao động trong lúc khó khăn.”
Còn Nhà hoạt động Trần Bang khi trả lời RFA hôm 8/5 thì cho rằng, cũng có thể họ tuyên truyền để thêm nhiều người dân từ chối tiền cứu trợ. Giả sử hộ nghèo từ chối nhận hỗ trợ, thì ông thấy nhục nhã cho đoàn quan chức Bộ KH-ĐT, tiểu ban kinh tế đi chuyên cơ từ Ấn vòng sang Anh xa gấp 4 lần rồi mới về VN… Hay chuyện ông Nguyễn Quang Thuấn, Phó chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương Đảng Cộng Sản Việt Nam có thẻ gofl 3 tỷ… Cán bộ uống chai rượu vài triệu một bữa… như vụ ĐH Ngân hàng HCM, mà nhờ có cái chết của TS Tín mọi người mới biết… Theo ông Bang, những đoàn xe sang hàng chục chiếc hộ tống các cán bộ, nếu bớt đi một nửa thì bằng hàng ngàn suất hỗ trợ người nghèo…
Trả lời RFA hôm 8/5, Nhà báo Sương Quỳnh, nhận định:
“Theo tôi chuyện viết đơn để không nhận tiền chính phủ hỗ trợ cũng không khác gì việc họ đi vận động mấy bà mẹ già, không có tiền, nhà neo đơn, mà góp mấy chục triệu mà báo có đăng. Thật ra mấy chuyện đó là để tuyên truyền, theo mình đều có đạo diễn, đấy là một kiểu đánh bóng của nhà cầm quyền VN, xưa nay vẫn có chiêu bài đó. Cũng như bạn Đỗ Hùng có viết trên FB rằng viết đơn này không khác gì hồi xưa ép gia đình ông viết đơn vào hợp tác xã, không vào thì cũng chết. Những chiêu trò đó ở VN vẫn thường và tôi cho là bất nhẫn. Một khi anh đã làm thì người dân người ta có quyền nhận. Còn nếu nói không nhận thì còn đấy, họ có thể chuyển sang người khác hay báo cáo… Chứ chả có ai đã không lấy mà còn phải viết đơn.”
Phát biểu tại phiên họp thường kỳ của Chính phủ ngày 5/5, Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung khẳng định: Gói hỗ trợ an sinh xã hội 62.000 tỷ đồng cho người dân và doanh nghiệp bị ảnh hưởng nặng bởi dịch COVID-19, đã được 63/63 tỉnh triển khai, trong đó 3 đối tượng cơ bản như người có công, người nghèo, cận nghèo, đối tượng bảo trợ xã hội đã được hỗ trợ 12.400 tỷ đồng.
Tuy nhiên khi trao đổi với RFA hôm 8/5, Nhà báo Ngô Nhật Đăng cho biết, một số người dân ở khu vực anh có làm đơn xin hỗ trợ, nhưng đến nay vẫn chưa thấy tiền hỗ trợ, anh nói tiếp:
“Nó cho chúng ta một cái cảm giác, rằng nhà nước không thấy xấu hổ trong cách hành xử như thế. Điều này cho thấy nhà nước không coi nhân dân ra cái gì, trong khi nói có hỗ trợ, sau đó nói dân từ chối hỗ trợ. Cho thấy họ chuyên môn làm cái chuyện cho dân ăn ‘bánh vẽ. Làm cho người ta thấy tởm lợm về cách làm của nhà nước.”
Đây không phải là lần đầu tiên Việt Nam tuyên truyền kêu gọi người dân đóng góp cho ngân sách nhà nước, với những tấm gương đóng góp được báo chí nêu lên nhưng để lại cho người đọc nhiều suy ngẫm. Như việc nhân viên y tá mang thai 9 tháng vẫn ở lại bệnh viện chống dịch, hay người già neo đơn, trẻ em miền núi góp tiền cho quỹ phòng chống COVID-19.
Ngân sách đang hết sức khó khăn thì ai cũng biết, chính phủ cũng hiểu rõ điều này, tôi nghĩ quốc hội cũng vậy. Tuy nhiên việc hỗ trợ người dân, nhất là những người lao động, những người mất việc làm, chắc chắn là việc phải làm.
-Phạm Chi Lan
Trao đổi với RFA hôm 8/5/2020, Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, nguyên Tổng Thư ký và Phó Chủ tịch của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam VCCI, thành viên của Ban Nghiên cứu của Thủ tướng cho rằng, hiện ngân sách của Việt Nam năm nay hết sức khó khăn, do tình hình kinh tế khó khăn vì dịch bệnh, nhiều doanh nghiệp ngừng hoạt động, không thu thuế được… Bà nói tiếp:
“Ngân sách đang hết sức khó khăn thì ai cũng biết, chính phủ cũng hiểu rõ điều này, tôi nghĩ quốc hội cũng vậy. Tuy nhiên việc hỗ trợ người dân, nhất là những người lao động, những người mất việc làm, chắc chắn là việc phải làm. Hay hỗ trợ các doanh nghiệp để có thể phục hồi hoạt động. Tất nhiên mong đợi của người dân và doanh nghiệp còn lớn hơn nữa, nếu so với các nước, họ hỗ trợ lớn hơn nhiều so với VN. Nhưng tôi nghĩ chính phủ. Dù khó khăn nhưng tôi nghĩ chính phủ đã có những cách để có thể thu xếp được.”
Bà Phạm Chi Lan cũng đồng tình việc triển khai gói cứu trợ đến người dân và doanh nghiệp đều đang trễ so với mong đợi. Hiện số người mất việc, bị ảnh hưởng theo tổng cục thống kê ước lượng lên đến khoảng 5 triệu lao động. Ngoài ra theo Bà Lan, ở Việt Nam hiện có khu vực không chính thức rất lớn, chiếm tới hơn 30% lực lượng lao động. Nhưng do thủ tục hành chính rườm rà ở Việt Nam, việc thống kê những người này là không dễ so với tình hình hiện nay. Còn diện chính sách đã nhận được tiền hỗ trợ do có sẵn danh sách, năm nào cũng hỗ trợ nên việc thống kê dễ hơn nhiều. Còn những người lao động khác, khó thống kê hơn, nên mới phải làm đơn.
https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/opinion-about-people-ask-for-no-support-05082020130559.html

Nhà máy của Tập đoàn Than-Khoáng sản Việt Nam

 gây ô nhiễm môi trường

Nhà máy xử lý chất thải nguy hại đầu tiên của Tập đoàn Công nghiệp Than- Khoáng sản Việt Nam (TKV), tại Quảng Ninh gây ô nhiễm môi trường.
Truyền thông trong nước, vào ngày 8/5 loan tin dẫn trình bày của người dân địa phương trong 3 năm trở lại đây, nhà máy này xả khói đen kịt và có mùi khét gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe và đời sống của cộng đồng dân cư.
Người dân địa địa phương còn nêu quan ngại không rõ có phải do hít thở khí thải độc hại từ nhà máy này mà nhiều người già, trẻ em và cả thanh niên trong vùng bị mắc bệnh hô hấp.
Nhà máy xử lý chất thải công nghiệp nguy hại của TKV được xây dựng tại thôn Tân Tiến, xã Dương Huy, thành phố Cẩm Phả, tỉnh Quảng Ninh, với mức tổng kinh phí đầu tư 173 tỷ đồng. Nhà máy có công suất xử lý chất thải nguy hại 6000 tấn/năm và chính thức bắt đầu hoạt động từ năm 2014. Nhà máy trung bình mỗi năm được nói là xử lý khoảng trên 4000 tấn rác thải nguy hại, bao gồm các loại chất thải như dầu thải, ắc quy, bao bì cứng thải, cáp thép, chất đốt nguy hại, chất đốt thông thường…
Báo Nông nghiệp Việt Nam cho biết người dân địa phương nhiều lần phản ánh với chính quyền địa phương tại các cuộc họp tiếp xúc cử tri và yêu cầu Tập đoàn TKV có biện pháp khắc phục. Tuy nhiên, tình trạng này cho đến nay vẫn không được khắc phục.
https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/tkv-company-factory-causing-environmental-pollution-05082020144442.html

Apple tăng tốc sản xuất Airpods tại Việt Nam

trong dịch COVID-19

Tập đoàn Apple lần đầu tiên sẽ sản xuất hàng triệu sản phẩm tai nghe không không dây AirPods tại Việt Nam trong quý II năm nay. Việc sản xuất này là dấu hiệu đa dạng hóa thị trường sản xuất của Apple vượt ra ngoài Trung Quốc trong bối cảnh đại dịch COVID-19.
Tờ Nikkei Asian Review, vào ngày 8/5, dẫn nguồn tin thân cận cho biết có khỏang từ 3 đến 4 triệu sản phẩm Airpods “made in Vietnam” sẽ được xuất xưởng trong quý II, chiếm 30% tổng lượng sản phẩm Airpods, không bao gồm phiên bản AirPods Pro, dòng sản phẩm cao cấp có tính năng giảm bỏ tiếng ồn, được tung ra thị trường hồi tháng 10 năm ngoái.
Apple được nói là đã yêu cầu các nhà cung ứng xem xét kế hoạch di chuyển 15 đến 30% sản lượng phần cứng ra khỏi Trung Quốc, vào khi căng thẳng giữa Washington và Bắc Kinh gia tăng hồi năm ngoái.
Nguồn tin thân cận cho Nikkei Asian Review biết Inventec, một công ty lắp ráp AirPods, hiện đang xây dựng một nhà máy tại Việt Nam, theo yêu cầu của Apple. Trong khi đó, Merry Electronics, đang hợp tác với Luxshare Precision Industry (còn gọi là Luxshare-ICT) chuẩn bị một cơ sở tại Việt Nam và sẽ bắt đầu hoạt động trong mùa hè năm nay.
Nhiều nhà cung cấp khác của Apple, như hai nhà sản xuất iPhone lớn Foxconn và Pegatron, và nhà sản xuất iPad Compal Electronics, đều đang mở rộng sản xuất ở miền Bắc Việt Nam mặc dù hiện tại những công ty này không nhất thiết sản xuất các sản phẩm của Apple.
Các dòng sản phẩm AirPods của Apple, mà trong đó mặt hàng Bluetooth không dây bán chạy nhất thế giới với 60 triệu sản phẩm, chiếm 50% thị trường toàn cầu năm 2019. Theo ghi nhận của Counterpoint Research, dự đoán sẽ tăng lên đến 100 triệu sản phẩm trong năm 2020. Tuy nhiên, do tác động của dịch COVID-19, Apple đã yêu cầu các nhà sản xuất giảm sản xuất hơn 10% trong nửa đầu năm 2020 so với đơn đặt hàng ban đầu khỏang 45 triệu sản phẩm hồi tháng 1 năm 2020.
https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/apple-ramps-up-made-in-vietnam-airpods-amid-pandemic-05082020150647.html

So với Mỹ,tượng đài chiến thắng ở VN

‘nhiều mà chẳng đẹp’

Võ Ngọc ÁnhGửi từ Tacoma, Hoa Kỳ
Kết thúc cuộc chiến trên lãnh thổ Việt Nam vào năm 1975, chính quyền theo mô hình miền Bắc tìm chỗ dựng rất nhiều tượng đài chiến thắng.
Đa số các địa điểm từng xảy ra trận chiến giữa quân đội Việt Nam Cộng Hòa, quân đội Mỹ với lực lượng cách mạng cộng sản đều có tượng đài chiến thắng.
Chính quyền xây tượng đài với chức năng như cổ động, có mục đích tuyên truyền. Tôi thấy phần nhiều đây là những tượng đài thiếu mỹ thuật, mô típ na ná nhau.
Tượng vua Lý Thái Tông ở Tòa tối cao ‘nhầm vua, nhầm biểu tượng’
Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng và khả năng ân giảm tử hình cho Hồ Duy Hải
Ra ngõ gặp tượng đài
Báo chí tại Việt Nam đang ồn ào trước việc huyện nghèo Phước Sơn, tỉnh Quảng Nam, chi 14 tỷ đồng để xây dựng tượng đài chiến thắng Khâm Đức ở trung tâm của huyện này. Phước Sơn một trong số 56 huyện nghèo trên cả nước cần hỗ trợ kinh phí từ Trung ương theo Nghị quyết 30A của Chính phủ.
Không chỉ Phước Sơn, tỉnh Quảng Nam nơi tôi sinh ra, đã có rất nhiều tượng đài kiểu này, xây theo kiểu thi đua nhau.
Tại huyện Núi Thành có tượng đài chiến thắng Núi Thành.
Tam Kỳ có tượng đài chiến thắng Mậu Thân 1968, vào năm 2015 có thêm một tượng đài Mẹ Thứ vô cùng hoành tráng.
Huyện Thăng Bình có tượng đài chiến thắng Đồng Dương.
VN khuyến khích ‘cưới trước 30, sinh con sớm’
Tòa Việt Nam: ‘Có tam quyền phân lập mới hết được án oan sai!’
Quế Sơn có tượng đài chiến thắng Cấm Dơi.
Duy Xuyên có tượng đài chiến thắng Thu Bồn.
Rồi huyện Điện Bàn có tượng đài chiến thắng Bồ Bồ và huyện Đại Lộc có tượng đài chiến thắng Thượng Đức…
Gần như huyện nào cũng cố nhớ ra để có ít nhất một tượng đài như thế.
Chưa kể mỗi xã đều có tượng đài ở nghĩa trang liệt sĩ.
Các tượng đài này trở thành địa chỉ đỏ mà đám học sinh, người dân cứ mỗi dịp lễ thương binh liệt sỹ, quốc khánh… đến để tỏ lòng tôn vinh, được giáo dục tinh thần cách mạng.
Hóa ra việc xây dựng tượng đài kiểu này không phải cá biệt tại tỉnh Quảng Nam.
Tôi đã rong ruổi tại tất cả các tỉnh thành bên trong vĩ tuyến 17 và gặp vô số tượng đài chiến thắng như thế.
Nó đập vào mắt khi di chuyển trên các trục đường, tại trung tâm hành chính huyện, điểm di tích, khu căn cứ, nơi xảy ra trận đánh to nhỏ trong quá khứ…
Xây xong rồi phải sửa, nâng cấp
Bên thắng cuộc không phải một lần dựng, mà còn sửa chữa, trùng tu, mở rộng liên tục. Chẳng hạn tượng đài chiến thắng Khâm Đức chỉ mới được xây dựng vào năm 2010, nhưng đến năm 2017, chính quyền lại tiến hành làm lại như kể trên.
Hay tượng đài chiến thắng Núi Thành vô cùng nổi tiếng tại Quảng Nam khánh thành vào năm 1986. Đến năm 2005 được tôn tạo, sửa chữa và đến năm 2010 lại tiếp tục nâng cấp mở rộng.
Điểm chung là quan chức các địa phương luôn nhiệt tình, hào phóng tìm chỗ dựng tượng đài, sửa chữa như báo cáo sự trung thành trọn vẹn. Từ bắc vào nam người ta thi nhau dựng tượng đài như một công cụ tuyên truyền, kể công, trưng ra thành tích của địa phương.
Tượng đài phi truyền thống văn hóa dân tộc
Người Việt không có truyền thống dựng tượng đài. Để tỏ lòng tôn kính ai, hoặc địa điểm nào cha ông bao thế hệ trước đó đã chọn cách xây miếu, dựng lăng. Tượng các vị tướng, hay cả vua như Quang Trung cũng chỉ được cho vào chùa.
Phải thừa nhận sang thời xã hội chủ nghĩa một cuộc cách mạng diễn ra không trong khoa học kỹ thuật như vẫn nói mà ‘cách mạng tượng đài’.
Việt Nam trở thành xứ học theo, bắt chước việc xây tượng đài của Liên Xô, Trung Quốc, cùng các nước xã hội chủ nghĩa trước đây. Chính quyền đã tạo ra công cuộc dựng tượng đài rùm beng trải ra trên toàn quốc khi cách mạng toàn thắng.
Phương pháp đấu tranh chính của những người cộng sản dùng bạo lực để chiến thắng. Bởi thế các tượng đài ở Việt Nam hàm lượng bạo lực luôn dồi dào, nhưng yếu tố mỹ thuật thật khó tìm, trong tư duy hình ảnh, bố cục na ná nhau.
Khi chụp ảnh tượng đài lãnh tụ che phần đầu lại, sẽ khó phân biệt được đâu là Hồ Chí Minh, Kim Nhật Thành, hay Mao Trạch Đông. Tượng đài chiến thắng thì xe tăng, người ôm súng, người vung gươm chĩa vào khán giả, người xem là hình ảnh được bắt gặp thường xuyên. Nó được lý giải bằng một cụm từ rất dễ thương, chính đáng cho mục đích xây dựng, “Giáo dục truyền thống cách mạng”.
Sự giáo dục này ở Việt Nam đang thu được kết quả nhờ tượng đài dựng lên ở những nơi trang trọng, tìm cách thu hút người dân đến đã gián tiếp kích động bạo lực liên tục.
Có thể minh oan cho vô số tượng đài bạo lực này không ảnh hưởng đến xu hướng thích sử dụng bạo lực, sẵn sàng và nhanh chóng ‘vung tay múa chân’ để giải quyết những mâu thuẫn nho nhỏ của người Việt trong xã hội hiện nay?
Đó có thể vụ va quẹt xe, bất đồng quan điểm, cãi nhau, một cái nhìn không thích… Cái xấu này thấy nhan nhản trên mặt báo. Người dân đã tự giải quyết theo cách họ phải tiếp nhận thụ động qua các tượng đài.
Việt Nam có hàng trăm, hàng ngàn tượng đài với kinh phí 5 – 7 tỷ, đến chục tỷ, trăm tỷ được dựng lên trong mấy chục năm nay, nhưng thật khó để tìm một tượng đài có thể đưa vào bảo tàng mỹ thuật. Bởi giá trị của những tượng đài tiền tỷ này được đặt vào mục đích không ưu tiên mỹ thuật.
Mỹ ‘thua hẳn’ VN về số tượng đài?
Có thể là thế, Hoa Kỳ ít tượng đài nhưng cách tưởng niệm lại gần gũi lòng người hơn.
Sang Mỹ tôi nhận thấy hơn 150 qua trong lòng nước Mỹ không có cuộc chiến nào, nhưng từ thế kỷ 20 đến nay người Mỹ đã tham gia không dưới bảy cuộc chiến trên thế giới. Lính Mỹ bỏ mạng trong những cuộc chiến này không ít.
Tại thành phố Tacoma, với dân số gần 220 ngàn dân, ở tiểu bang Washington, nơi tôi đang sống có khu tưởng niệm của quận Pierce.
Đó chỉ là những tấm bia lớn có khắc tên những người lính đã nằm xuống trong các cuộc chiến. Tại tấm bia về cuộc chiến Việt Nam tôi đếm có 136 người.
Không thấy tượng đài, hay công trình điêu khắc nào tại đây. Khu tưởng niệm, còn là một công viên để người dân có thể đến đi dạo, thể dục. Tại Seattle thành phố lớn nhất của tiểu bang này cũng tương tự.
Duy nhất thấy ở Olympia, thủ phủ của bang có một tượng đài mang tên Winged Victory cao 22 feet (khoảng 6,7 m) cả bệ, phần chính tượng bằng đồng. Gồm ba người lính súng vác trên vai, cùng một y tá. Họ trông giống như đang đi diễu hành. Tượng đài này được khánh thành vào năm 1938, và đang nằm trong khuôn viên của tòa nhà quốc hội tiểu bang.
Tôi chưa được thấy tượng đài nào ở Mỹ chĩa súng vào người xem như ở Việt Nam.
Trở lại Việt Nam, trong khi chính quyền đang ‘lạm phát’ các tượng đài về chiến thắng, lãnh tụ, lãnh đạo thì lại rất nghèo tượng đài về danh nhân không thuộc phe cộng sản. Nhìn vào số tượng đài này tôi nghĩ, lịch sử của Việt Nam phải chăng chỉ đáng nói từ khi mô hình cộng sản được áp dụng trên quê nhà?
Chính quyền hôm nay quyết tâm dựng tượng đài để kể công, tuyên truyền xem nhẹ yếu tố mỹ thuật.
Do đó, không ai dám chắc những tượng đài hoành tráng, kỳ vĩ mà thiếu mỹ thuật sẽ bị kéo đổ hoặc bỏ cho thời gian hủy hoại, không ai quan tâm như đã xảy ra ở các nước xã hội chủ nghĩa cũ.
Tượng đài hay công trình mang tính biểu tượng gì đi nữa cũng chỉ tồn tại lâu dài nếu xứng đáng với tình cảm của người dân và có giá trị nghệ thuật vượt thời gian.
* Bài viết thể hiện quan điểm riêng của ông Võ Ngọc Ánh từ Tacoma, bang Washington, Hoa Kỳ.
https://www.bbc.com/vietnamese/forum-52597637

CSVN dự báo kiều hối giảm mạnh năm 2020

vì COVID-19

Tin từ Sài Gòn: Nhiều chuyên gia tài chính dự báo kiều hối của Việt Nam sẽ giảm mạnh trong năm 2020 vì đại dịch Covid-19 ảnh hưởng đến thu nhập của người Việt Nam ở ngoại quốc.
Một số công ty kiều hối cho biết lượng tiền chuyển về Việt Nam đã giảm rất mạnh, có nơi giảm 50% so với cùng thời kỳ do những thị trường kiều hối chủ lực của Việt Nam như Hoa Kỳ, Anh Quốc, Canada bị ảnh hưởng khá nặng từ dịch COVID-19.
Theo Công ty kiều hối Đông Á, doanh số kiều hối 22 ngày đầu tháng 4 đã giảm một nửa so với cùng kỳ tháng 3. Trong đó, giảm mạnh nhất là thị trường châu Âu, kế đến là Hoa Kỳ, Canada và các thị trường xuất cảng lao động. Thị trường Úc cũng giảm 30%.  Tương tự, Sacombank cũng cho biết doanh số kiều hối tháng 3 đã giảm một nửa so với tháng 2 do bị ảnh hưởng bởi dịch.  Các công ty chuyển tiền dự báo doanh số kiều hối sẽ tiếp tục giảm trong tháng 5 và tháng 6 và khả năng phục hồi phụ thuộc vào tình hình dịch bệnh tại các thị trường kiều hối chính của Việt Nam.
Theo báo cáo công bố ngày 22 tháng 4, Ngân hàng Thế giới dự đoán lượng kiều hối toàn cầu sẽ giảm khoảng 20% do ảnh hưởng từ đại dịch COVID-19, trong đó khu vực Đông Á và Thái Bình Dương giảm 13%, chủ yếu do sụt giảm dòng tiền từ Hoa Kỳ- nguồn kiều hối lớn nhất của khu vực này.
Việt Nam là nước nhận kiều hối lớn thứ ba trong khu vực Đông Á và Thái Bình Dương năm 2019. Lượng kiều hối gửi về Việt Nam năm ngoái lên tới 17 tỉ Mỹ kim, chiếm 6.5% GDP.
Quốc Tuấn
https://www.sbtn.tv/csvn-du-bao-kieu-hoi-giam-manh-nam-2020-vi-covid-19/

0 comments

Leave a comment

Powered by Blogger.