Hải Ngoại Ngày Nay


LIÊN KẾT HẢI NGOẠI YỂM TRỢ QUỐC NỘI ĐẤU TRANH

GIẢI THỂ CHẾ ĐỘ ĐỘC TÀI VIỆT CỘNG

GIẢi TRỪ HIỂM HỌA XÂM LĂNG TRUNG CỘNG

Tin Việt Nam – 06/05/2020

Wednesday, May 6, 2020 6:20:00 PM // ,

Tin Việt Nam – 06/05/2020

Gia đình tử tù Hồ Duy Hải không được dự phiên giám đốc thẩm – Mỹ Hằng, BBC News Tiếng Việt

Phiên giám đốc thẩm vụ án Hồ Duy Hải, người bị kết án hai tội danh “Giết người” và “Cướp tài sản” 12 năm trước, diễn ra sáng 6/5 tại Tòa án Nhân dân (TAND) Tối cao, Hà Nội.
Phiên xử dự kiến kéo dài trong ba ngày, từ 6-8/5, do chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình làm chủ tọa.
Hồ Duy Hải không được triệu tập như hai phiên tòa trước do đây là phiên tòa chủ yếu xử trên hồ sơ nhưng luật sư Trần Hồng Phong, người bào chữa chính cho Hồ Duy Hải, được mời tham dự.
Mẹ Hồ Duy Hải: “Từ hiền lành chất phác tôi thành người đàn bà dữ dằn.”
LS Trần Hồng Phong: ‘Không loại trừ cạnh tranh chính trị trong vụ Hồ Duy Hải’
Trả lời BBC News Tiếng Việt qua điện thoại hôm 6/5, Hồ Thu Thủy, em gái Hồ Huy Hải cho hay cô và mẹ đã từ quê nhà ra Hà Nội trước đó một ngày. Nhưng hai mẹ con không được vào phòng xử, cũng không được đứng gần cổng tòa án.
“Hiện tôi và mẹ đang đứng cách cổng tòa vài chục mét. Có rất đông an ninh sắc phục bảo vệ quanh tòa. Các phóng viên tới tác nghiệp cũng rất khó khăn,” Thủy nói.
“Mẹ tôi đang rất căng thẳng, lo lắng không biết phiên tòa giải quyết theo hướng nào vì không được vào cũng không được xem qua màn hình.”
Hồ Thu Thủy cho hay lần gần đây nhất gia đình gặp Hồ Duy Hải là cách đây ba tháng, hôm 14/2/2020. Khi đó Hải “khỏe và tinh thần phấn chấn lên đôi chút” vì gia đình thông báo mọi người đang nỗ lực minh oan cho Hải. Gia đình cũng chưa có dịp thông báo với Hải rằng phiên giám đốc thẩm sẽ được mở vào 6/5 và cũng không biết trại giam có cho Hải biết không, Thu Thủy nói với BBC.
“Sau mỗi phiên xử, luật sư Trần Hồng Phong sẽ thông tin cho gia đình về nội dung, nhưng không gặp mặt trực tiếp trong suốt thời gian này để đảm bảo tính khách quan.”
“Hiện gia đình đã tạm gác hết mọi công việc để lo cho anh Hải.”
“Tôi mong phiên xử này thẩm phán phải xem xét thấu đáo, công tâm, nếu Hồ Duy Hải bị oan thì phải trả lại tự do cho Hồ Duy Hải. Mong người hướng về phiên tòa này để đòi lại công bằng, công lý cho Hồ Duy Hải,” Thu Thủy nói.
Phiên giám đốc thẩm khác gì với các phiên tòa khác?
Theo phân tích của tác giả Võ Văn Quản trên Luật khoa Tạp chí, Giám đốc thẩm là thủ tục tố tụng đặc biệt, nhằm xem xét lại bản án, quyết định của tòa án đã có hiệu lực pháp luật nhưng bị kháng nghị vì phát hiện có vi phạm pháp luật nghiêm trọng trong việc giải quyết vụ án.
Giám đốc thẩm không xem xét lại sự thật khách quan của vụ án. Nó chỉ xem xét xem cơ quan tiến hành tố tụng có sai sót trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử hay không.
Trước đó, trả lời phỏng vấn BBC News Tiếng Việt hôm 4/11, luật sư Trần Hồng Phong nói tình huống tốt nhất cho Hồ Duy Hải là TAND tối cao ra quyết định giám đốc thẩm theo hướng hủy án, điều tra lại như kháng nghị của Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao. Sau đó trong quá trình điều tra đi đến kết luận là không đủ căn cứ buộc tội Hồ Duy Hải hoặc tìm ra một nghi can khác.
Luật sư Phong cho hay đã có sự “vi phạm” và “sai phạm” một cách cố ý của các cơ quan tiến hành tố tụng trong tất cả các giai đoạn của quá trình giải quyết vụ án.
Ông nói rằng tại cả hai phiên xét xử (sơ thẩm và phúc thẩm) Hồ Duy Hải đều kêu oan. Dựa trên hồ sơ vụ án và các bằng chứng thu thập được, luật sư Phong đánh giá rằng việc kết tội Hồ Duy Hải tính đến thời điểm hiện nay là không có căn cứ, có thể dẫn đến oan sai và bỏ lọt tội phạm.
Ông Phong nói các cơ quan tiến hành tố tụng đã bỏ qua chứng cứ ngoại phạm của Hồ Duy Hải là kết quả giám định dấu vân tay. Bên cạnh đó, dù quy kết Hải dùng dao và thớt sát hại nạn nhân, nhưng cơ quan điều tra không hề thu giữ được tang vật nào như vậy ở hiện trường mà lại cho người ra mua dao và thớt ở chợ để “minh họa” cho “hành vi phạm tội” của Hải. Ngoài ra còn rất nhiều điểm vô lý và mâu thuẫn khác, cũng như có dấu hiệu làm sai lệch hồ sơ vụ án.
Luật sư Phong cho hay ông đã trực tiếp đi xác minh và gặp nhiều nhân chứng, trong đó có ông Đinh Vũ Thường là người mà cơ quan điều tra cho rằng đã nhìn thấy Hồ Duy Hải tại Bưu điện. Nhưng ông Thường khẳng định mình chỉ nhìn thấy một thanh niên và không thể nhận dạng.
Ngoài ra, toàn bộ thông tin về đối tượng Nguyễn Văn Nghị, là người yêu của nạn nhân Hồng, từng bị triệu tập sau đó được thả, đã bị rút khỏi hồ sơ vụ án, dù từng bị xem là nghi can hàng đầu, vẫn theo luật sư Lê Hồng Phong.
Còn bà Nguyễn Thị Loan, mẹ Hồ Duy Hải, từng nói với BBC rằng, từ 12 năm qua, “từ một bà mẹ thôn quê hiền lành chất phác”, bà đã trở thành một người đàn bà “dữ dằn”, “lúc nào cũng đi tới đi lui”, “bỏ bà mẹ già hơn 90 tuổi ở nhà” đề đi kêu gào công lý cho Hải.
Diễn tiến vụ án Hồ Duy Hải
13/1/2008: Hai nữ nhân viên Nguyễn Thị Ánh Hồng (22 tuổi) và Nguyễn Thị Thu Vân (21 tuổi) của Bưu điện Cầu Voi (huyện Thủ Thừa, tỉnh Long An) bị giết hại trong đêm.
21/3/2008: Hồ Duy Hải, một thanh niên nhà cách Bưu điện Cầu Voi khoảng 2km, bị bắt giữ.
1/12/2008: Tòa án Nhân dân tỉnh Long An tuyên án tử hình với Hồ Duy Hải, “giết người” và “cướp tài sản”.
28/4/2008: Tòa án Nhân dân tối cao tại TP Hồ Chí Minh tuyên y án sơ thẩm.
24/5/2011: Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao ra quyết định không kháng nghị án phúc thẩm.
24/10/2011: Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao ra quyết định không kháng nghị bản án phúc thẩm.
17/5/2012: Chủ tịch nước bác đơn xin ân xá án tử hình của Hồ Duy Hải.
24/11/2014: Hội đồng thi hành án ra quyết định thi hành án tử hình với Hồ Duy Hải vào 5/12/2014.
4/12/2014: Văn phòng Chủ tịch nước có văn bản gửi Tòa án Nhân dân Tối cao đề nghị hoãn thi hành án tử hình Hồ Duy Hải để xem xét lại vụ án.
22/11/2019: Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao ra quyết định kháng nghị giám đốc thẩm.
6/5/2020: Tòa án Nhân dân Tối cao mở phiên Giám đốc thẩm vụ án Hồ Duy Hải.
https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-52554805

Lãnh án vì đưa tin có người tử vong vì COVID-19

Anh Đinh Vĩnh Sơn, 27 tuổi, ngụ xã Đạ P’Loa, huyện Đạ Huoai, tỉnh Lâm Đồng vừa bị tuyên án 9 tháng tù treo và phạt bổ sung số tiền 30 triệu đồng với cáo buộc giả mạo facebook người khác rồi loan tin bị cơ quan chức năng cho là thất thiệt rằng Đà Lạt có 3 người nhiễm COVID-19 trong đó 1 người chết.
Báo trong nước loan tin trích nội dung phiên tòa sơ thẩm diễn ra ngày 6/5 tại Tòa án Nhân dân huyện Đạ Huoai.
Tại tòa, Đinh Vĩnh Sơn bị tuyên 9 tháng tù treo, thời gian thử thách 18 tháng, kèm thêm hình phạt bổ sung 30 triệu đồng về tội “Đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin mạng máy tính, mạng viễn thông”.
Theo cáo trạng của Viện Kiểm sát Nhân dân tỉnh Lâm Đồng, do mâu thuẫn trên mạng xã hội facebook với anh Hồ Hoàng Duy, Đinh Vĩnh Sơn đã tạo tài khoản facebook và đổi tên thành Hồ Hoàng Duy để giả mạo facebook thật của anh Duy.
Sau đó, Sơn dùng tài khoản facebook giả mạo này để đăng những thông tin không chính xác.
Đáng chú ý, vào ngày 1/4, Sơn dùng tài khoản facebook Hồ Hoàng Duy đăng bài trong nhóm công khai ‘Việc làm thêm học sinh, sinh viên Đà Lạt’ gồm hơn 59.000 thành viên tham gia với nội dung: “Tại Đà Lạt có 3 ca nhiễm COVID-19, trong đó có 1 ca đã tử vong lúc 4h sáng nay, 2 ca còn lại đã được mang đi cách ly. Chính quyền đang lập danh sách những người tiếp xúc với 3 bệnh nhân đó. Dự kiến số người tiếp xúc khoảng trên dưới 500 người. Bệnh nhân tử vong bên đường Đa Phú, còn 2 bệnh nhân còn lại ở chợ Đà Lạt…”
Đến khoảng 12 giờ ngày 2/4, Sơn đã xóa vĩnh viễn tài khoản Hồ Hoàng Duy do Sơn tạo ra.
https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/facebooker-sentenced-for-covid-19-post-of-death-05062020111105.html

Cựu Chủ tịch Đà Nẵng tiếp tục kêu oan cả hai tội danh tại phiên phúc thẩm

Cựu Chủ tịch Đà Nẵng giai đoạn 2011 – 2016 Văn Hữu Chiến hôm 6/5 tiếp tục kêu oan tại phiên phúc thẩm đối với cả hai cáo buộc mà phiên sơ thẩm đã đưa ra trước đó liên quan đến việc thâu tóm đất công, bán giá rẻ cho bị cáo Phan Văn Anh Vũ, tức Vũ ‘nhôm’.
Ông Văn Hữu Chiến cùng cựu Chủ tịch Đà Nẵng giai đoạn 2006 -2011 Trần Văn Minh, cựu sĩ quan công an Phan Văn Anh Vũ và 17 bị cáo khác trong vụ thâu tóm “đất vàng” ở Đà Nẵng đang bị xét xử phúc thẩm tại Toà án Nhân dân Cấp cao ở Hà Nội.
Trước toà, ông Chiến một mực khẳng định ông không làm gì sai khi ký các văn bản, giấy tờ bán nhà đất công sản với giá rẻ cho Phan Văn Anh Vũ. Ông Chiến nói ông không có vai trò, không có thẩm quyền, không trực tiếp nhận đơn thư gì liên quan mua nhà, đất công sản. Ông cũng khẳng định việc ký giảm giá đất công sản cho Phan Văn Anh Vũ là thực hiện theo chỉ đạo của Chủ tịch, Bí thư thành phố.
Tại phiên sơ thẩm, ông Chiến bị Toà án Nhân dân Hà Nội phạt 12 năm tù về hai tội danh “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí và Vi phạm các quy định về quản lý đất đai”. Ban đầu, ông Chiến kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt nhưng sau đó kháng cáo bổ sung và kêu oan cả hai tội danh tại phiên phúc thẩm.
https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/former-chairman-of-danang-city-said-he-is-not-guilty-on-both-charges-05062020073228.html

Toà án Quân sự sẽ xét xử cựu Thứ trưởng Nguyễn Văn Hiến vào ngày 18/5

Toà án Quân sự Quân chủng Hải quân sẽ xét xử cựu Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Nguyễn Văn Hiến cùng 7 bị can vào ngày 18/5.
Truyền thông trong nước loan tin trên vào ngày 6/5 đồng thời cho biết vụ xét xử sẽ diễn ra tại Phòng xử án quân sự TP Hà Nội và đây là vụ án liên quan đến sai phạm tại khu “đất vàng” ở đường Tôn Đức Thắng quận 1, TPHCM.
Trong vụ án, cựu Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Nguyễn Văn Hiến là bị can duy nhất bị xét xử tội danh “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”, quy định tại điểm c, khoản 3 Điều 360 Bộ luật Hình sự năm 2015.
Các bị can còn lại cùng bị xét xử về tội “Vi phạm các quy định về quản lý đất đai”.
Bị can Đinh Ngọc Hệ (thường được gọi Út trọc)  Phó Tổng giám đốc Tổng Cty Thái Sơn, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Cty CP PT ĐT  Thái Sơn); Phạm Văn Diệt (cựu Tổng Giám đốc Cty CP Tập đoàn Đức Bình); Vũ Thị Hoan (Cty TNHH sản xuất Thương mại Yên Khánh)  bị xét xử về tội danh “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và đang bị tạm giam.
Theo cáo trạng của Viện kiểm sát Quân sự T.Ư sẽ áp dụng tại phiên tòa, 8 bị can nêu trên có sai phạm liên quan 3 khu “đất vàng” trên đường Tôn Đức Thắng, quận 1, TPHCM. Dẫn đến QCHQ mất quyền quản lý, sử dụng 3 khu đất trong thời gian 49 năm, gây thất thoát cho ngân sách Nhà nước 939 tỷ đồng.
Trước đó, Uỷ ban Kiểm tra Trung ương đảng cộng sản Việt Nam đã họp đề nghị Bộ Chính trị, Ban chấp hành trung ương thi hành kỷ luật, khai trừ Đảng ông Nguyễn Văn Hiến, nguyên uỷ viên trung ương Đảng, nguyên thứ trưởng Bộ quốc phòng.
https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/former-defense-deputy-minister-nguyen-van-hien-faces-trial-for-land-violation-on-may-18-05062020074506.html

Mở rộng điều tra vụ CDC Hà Nội mua máy xét nghiệm COVID-19

Kết quả điều tra ban đầu vụ án Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC) Hà Nội mua máy xét nghiệm COVID-19 cho thấy các bị can đã cấu kết, nâng khống giá máy lên gấp 3 lần.
Truyền thông trong nước loan tin hôm 6/5 trích lời Thứ trưởng Bộ Công an – Trung tướng Lương Tam Quang cho biết sau khi Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao phê chuẩn, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an (C03) đã thi hành các quyết định khởi tố vụ án theo đúng quy định của pháp luật.
Vào ngày 22/4, Công an Hà Nội đã khởi tố 7 cán bộ có liên quan đến vụ nâng khống giá mua hệ thống Realtime PCR tự động xét nghiệm COVID-19 xảy ra tại CDC Hà Nội. Vụ việc được đánh giá gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng cho Nhà nước.
Báo trong nước cho biết Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an (C03) đang tập trung khẩn trương làm rõ hành vi của các bị can, thu hồi tài sản Nhà nước và tiến hành điều tra mở rộng vụ án.
Trung tướng Lương Tam Quang khẳng định các cán bộ phạm tội đã khai nhận hành vi và nói tự nguyện khắc phục hậu quả bằng cách nộp lại tiền.
Bộ Công an Việt Nam đã tham mưu Thủ tướng, Bộ Y tế yêu cầu các địa phương có báo cáo về việc mua sắm trang thiết bị y tế phòng, chống dịch; đồng thời, thanh tra các gói thầu mua sắm thiết bị y tế, vật tư tiêu hao, nhất là mua sắm máy thở…
Theo Bộ Công an, các địa phương nếu phát hiện sai phạm trong quá trình thanh tra thì phải giao Bộ Công an tiếp nhận.
https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/the-hanoi-cdc-case-to-buy-covid-19-testing-machine-expanded-to-investigate-05062020091220.html

Hủy lệnh tạm giam 3 bị can liên quan vụ mua đất thế chấp giá rẻ

Cơ quan cảnh sát điều tra – Công an tỉnh Bình Dương vào ngày 6 tháng 5 ra quyết định tạm đình chỉ vụ án tách ra từ vụ cựu Bí thư Bến Cát mua đất thế chấp giá rẻ, đồng thời hủy bỏ lệnh tạm giam đối với 3 bị can là cán bộ có liên quan.
3 bị can này gồm các ông Lê Hoài Linh; Nguyễn Thành Luân; Nguyễn Minh Tâm bị bắt trong vụ án “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ”. Vụ án này được tách ra từ vụ việc liên quan đến ông Nguyễn Hồng Khanh (cựu Bí thư Thị xã Bến Cát) mua đất thế chấp giá rẻ.
Theo báo trong nước, vào tháng 3/2018, Cơ quan cảnh sát điều tra – Công an tỉnh Bình Dương khởi tố vụ án hình sự về tội “Vi phạm quy định quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát lãng phí” và “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản”. Vụ án liên quan đến việc Ngân hàng Thương mại cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam phát mãi tài sản thu hồi nợ xấu hơn 18 ha đất thế chấp của doanh nghiệp vay tiền từ năm 2005 tại xã An Tây, thị xã Bến Cát.
Ngày 4/11/2019, vụ án được đưa ra xét xử nhưng tòa tuyên trả hồ sơ yêu cầu điều tra bổ sung. Sau đó, Cơ quan cảnh sát điều tra – Công an tỉnh Bình Dương đã ra quyết định tách vụ án “Vi phạm quy định quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát lãng phí” và “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản” thành hai vụ khác nhau.
Theo cơ quan tố tụng, hơn 18 ha đất thế chấp trị giá hơn 45 tỷ đồng nhưng sau khi bán cho cựu bí thư thị xã Bến Cát , ông Nguyễn Hồng Khanh, ngân hàng chỉ thu về được hơn 10 tỷ đồng, nhà nước lỗ hơn 35 tỷ đồng. Từ đó, ông Khanh và cán bộ ngân hàng bị truy tố tội “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước, gây thất thoát, lãng phí”.
Chiều 24/12/2019, Hội đồng xét xử TAND tỉnh Bình Dương đã tuyên trả hồ sơ để điều tra bổ sung vụ án vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước, gây thất thoát, lãng phí và lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ.
https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/cancellation-of-detention-for-3-suspects-in-bencat-case-05062020085018.html

Đề nghị truy tố 18 người liên quan vụ Tuấn “khỉ”

Công an TP.HCM xác định có 19 người liên quan trong vụ án cựu Thượng úy công an Lê Quốc Tuấn (biệt danh “Tuấn khỉ”) dùng súng gây thương vong 8 người ở Củ Chi hồi cuối tháng 1. Đồng thời, đề nghị 18 bị can trong số này.
Truyền thông trong nước, vào ngày 6/5 cập nhật thông thông tin về vụ án vừa nêu, cho biết Cơ quan điều tra đã thu giữ 74 viên đạn và 8 vỏ đạn tại hiện trường Tuấn “khỉ” gây án. Và, tại hiện trường gây án thứ hai, công an thu giữ thêm 15 vỏ đạn, bốn mảnh vỡ của đầu đạn.
Tin cho biết trong hai tuần Tuấn “khỉ” lẩn trốn đã dùng súng chống trả công an và đã bị công an bắn chết vào tối ngày 13/2. Tại nơi này, công an thu một khẩu súng AK cùng với một viên đạn lên nòng, bên trong hộp tiếp đạn có tám viên đạn, bốn vỏ đạn, 2 thanh kiếm, 1 dao tự chế cùng nhiều vật dụng khác.
Cơ quan Cảnh sát Điều tra Công an TP.HCM, vào chiều 5/5 cho biết đã hoàn tất điều tra, chuyển hồ sơ vụ án Tuấn “khỉ” sang Viện kiểm sát Nhân dân TP.HCM, với xác định có 19 người liên can. Công an TP.HCM đề nghị truy tố 18 người. Riêng Tuấn “khỉ” đã chết nên công an ra quyết định đình chỉ truy nã bị can.
Vụ án xảy ra vào ngày 29 và 30 tháng 1. Khi đó, Lê Quốc Tuấn (sinh năm 1987) là Thượng úy Công an quận 11 (có biệt danh Tuấn “khỉ”) đã cùng với người em là Lê Quốc Minh đến cờ bạc tại một sòng bạc ở ấp 5, xã Tân Thạnh Đông (huyện Củ Chi). Sau khi xảy ra mâu thuẫn, Tuấn “khỉ” đã về nhà lấy súng AK ra bắn chết 5 người và 3 người khác bị thương.
https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/hcmc-police-proposes-to-prosecute-18-people-relating-the-case-of-monkey-tuan-05062020083844.html

Virus corona: Dỡ bỏ lệnh cách ly y tế đối với thôn Hạ Lôi, Hà Nội

Thôn nông nghiệp chuyên trồng rau và hoa vừa được dỡ bỏ lệnh cách ly y tế sau 28 ngày khoanh vùng phòng chống Covid-19.
Bầu không khí vui mừng hiện rõ trên nét mặt người dân vào thời điểm lệnh cách ly kết thúc, 0 giờ ngày 6/5/2020.
Nhiều người cầm theo cờ, khua các vật dụng tạo âm thanh náo nhiệt kéo đi trên đường. Việc đưa nông sản, hoa… đi bán lập tức đã nhộn nhịp trở lại ngay trong đêm.
Hôm 6/4, bệnh nhân số 243 được xác định dương tính với virus corona tại đây. Hai hôm sau, khu vực với khoảng 11 ngàn dân này đã được phong toả nghiêm ngặt.
Nay, tuy lệnh cách ly đã kết thúc nhưng người dân được yêu cầu hạn chế di chuyển cho đến ngày 11/5, và tiếp tục duy trì giãn cách xã hội, đeo khẩu trang khi ra ngoài.
Hạ Lôi thuộc xã Mê Linh, huyện Mê Linh, Hà Nội, nằm cách trung tâm Hà Nội khoảng 20km về phía tây bắc.
Nhờ Covid-19, ĐCSVN giành lại niềm tin ngoài mong đợi từ người dân?
Hàng triệu học sinh Việt Nam ở 63 tỉnh thành trở lại trường
https://www.bbc.com/vietnamese/media-52560405

2 học sinh từ Campuchia về An Giang khiến 63 người bị cách ly

Hàng chục giáo viên và học sinh phải bị cách ly tại Trạm Y tế xã Vĩnh Bình, huyện Châu Thành, tỉnh An Giang sau khi có 2 học sinh từ Campuchia trở về quê đi học.
Theo thông tin truyền thông trong nước loan đi vào ngày 6/5, hai em V. (học lớp 5A) và Đ (học lớp 2A) là học sinh của Trường Tiểu học A xã Vĩnh Bình. Hai học sinh này đã cùng cha mẹ sang Campuchia làm thuê trong thời gian giãn cách xã hội. Sau khi trốn về nhập học vào ngày 4/5, tuy tình trạng trạng sức khỏe của hai học sinh này bình thường, nhưng ngành chức năng đã thực hiện cách ly tập trung đối với 3 bà cháu tại Trạm Y tế và giám sát theo dõi cách ly tại nhà 63 trường hợp là học sinh và giáo viên chủ nhiệm thuộc lớp 2A và 5A.
Cũng tin liên quan, Quảng Ninh thiết lập bệnh viện dã chiến thứ 3 chuyên điều trị bệnh nhân Covid-19 để đáp ứng với tình hình dịch bệnh ở cấp độ 5. Bệnh viên này được thiết lập tại trụ sớ Bệnh viện Đa khoa Hạ Long, phường Hoành Bồ, TP Hạ Long, Quảng Ninh, gồm 4 tòa nhà và có khoảng 350 giường bệnh để triển khai các khoa, phòng theo yêu cầu chuyên môn.
Bệnh viện dã chiến số 3 có nhiệm vụ sàng lọc, nhận người cách ly, điều trị các trường hợp là ca bệnh nghi ngờ, các bệnh xác định mức độ nhẹ, trung bình; các đối tượng cách ly ngoài sở y tế (F1, F2, F3) có bệnh lý khác cần điều trị.
Tỉnh Quảng Ninh có 2 bệnh nhân, thứ 52 và 153, tái dương tính với Covid-19 sau khi được công bố khỏi bệnh.
https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/more-than-sixty-people-isolated-after-two-students-went-back-to-an-giang-from-cambodia-for-school-05062020083827.html

Việt Nam dỡ bỏ giãn cách và giới hạn trên các chuyến bay

Cục Hàng không Việt Nam vào ngày 6/5 ra thông báo về việc dỡ bỏ giới hạn về giãn cách ghế ngồi, giới hạn với 80% số khách chuyên chở trên các chuyến bay. Quyết định bắt đầu được thực hiện từ 0 giờ ngày 7/5/2020.
Cục hàng không Việt Nam cũng có kiến nghị Bộ Giao thông Vận tải cho phép tăng tần xuất các chuyến nội địa với 52 chuyến khứ hồi đối với đường bay Hà Nội – Thành phố Hồ Chí Minh, 20 chuyến khứ hồi Hà Nội – Đà Nẵng, 20 chuyến đối với Thành phố Hồ Chí Minh – Đà Nẵng và một số chuyến bay khác.
Cục hàng không Việt Nam đề nghị các hãng hàng không gửi đơn đề nghị cấp phép bay để Cục xem xét, duyệt và cấp phép bay theo lịch trình.
Trong cùng ngày, Ban chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch COVID-19 thống nhất đề xuất nới lỏng một số biện pháp phòng chống dịch, giãn cách xã hội.
Theo các chuyên gia tại cuộc họp khẳng định, cho đến giờ chưa thể khẳng định tuyệt đối trong cộng đồng không còn mầm bệnh nhưng xác suất là rất thấp. Do đó, ban chỉ đạo khuyến cáo người dân tiếp tục thực hiện biện pháp đeo khẩu trang nơi công cộng, tránh tiếp xúc trực tiếp cơ thể người khác…
Tại các cơ quan, công sở, nhà máy, siêu thị, bệnh viện, hàng quán… tiếp tục thực hiện biện pháp bảo đảm các điều kiện vệ sinh phòng chống dịch bệnh.
Đối với hoạt động sản xuất, ban chỉ đạo thống nhất có thể cho phép các dịch vụ không thiết yếu được mở của trở lại bình thường ngoại trừ các địa điểm vũ trường, karaoke với điều kiện phải giữ khoảng cách tối thiểu 1m, bỏ giới hạn về số chỗ ngồi trên các phương tiện công cộng như máy bay, xe buýt, xe lửa.
Một số hoạt động thể thao, sự kiện tập trung đông người sẽ được tổ chức nhưng phải bảo đảm các điều kiện phòng chống dịch bệnh theo đúng quy định.
https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/vietnam-remove-distance-limits-on-lights-05062020082903.html

Du học sinh Việt Nam ở Mỹ ‘vô vọng’ đường về

Một số phụ huynh và du học sinh tại Mỹ nói rằng họ hoang mang và “không tin tưởng” vào việc thu xếp đưa công dân về nước của các cơ quan hữu trách Việt Nam sau khi chuyến bay ngày 2/5 của Vietnam Airlines bị hoãn vì lý do khiến nhiều người nghi ngờ.
Tris, một du học sinh đã sang Mỹ 3 năm nay theo chương trình trao đổi văn hoá, nói với VOA: “Em nghe nói từ mẹ em là những người trên chuyến bay đó đa số từ 30 – 40 tuổi, không phải là du học sinh hay người dễ bị tổn thương trong tình huống Covid-19 này thì em cảm thấy họ, như mẹ em nói là làm ăn gian dối, còn em thì không thể tin là họ làm được như thế”.
Du học sinh này cho biết với giá vé lên đến 2.000 USD/người, cộng thêm tình trạng không chắn chắn đã khiến Tris và gia đình quyết định chưa về lại Việt Nam ngay, mặc dù ở lại Mỹ trong lúc trường học đóng cửa gây tốn kém không ít.
“Giữa tháng 6 đến đầu tháng 7 thì em quyết định về, chứ bây giờ mọi thứ hơi bị hoảng, chưa chắc chắn lắm nên mẹ em quyết định cho em ở lại đây thêm một xíu, rồi ba em mua vé máy bay để em có thể về”, Tris cho biết.
Chuyến bay của hãng Hàng không Quốc gia Việt Nam đã bị hoãn lại vào phút chót khi hàng trăm du học sinh, nhiều em dưới 18 tuổi, đã đến phi trường San Francisco, Mỹ, để làm thủ tục lên máy bay. Nhiều em bay từ nơi khác đến, đã học xong, hết visa hoặc trả nhà thuê, đã rơi vào tình huống không kịp trở tay vì sự kiện bất ngờ này.
Thông báo trên trang mạng chính thức, Đại sứ quán Việt Nam tại Mỹ nói rằng chuyến bay bị hoãn “do thủ tục phía Hoa Kỳ liên quan đến nhiều cơ quan chức năng khác nhau nên Hãng Hàng không Quốc gia Việt Nam chưa tiếp nhận đủ các giấy phép cần thiết để thực hiện chuyến bay theo thời gian dự kiến”.
Tuy nhiên, công luận bày tỏ sự nghi ngờ có sự mập mờ trong chính sách ưu tiên và bán vé cho chuyến bay sau khi mạng xã hội lan truyền một văn bản được cho là của Tổng công ty Hàng không Việt Nam gửi cho Cục hàng không và Cục lãnh sự xin hỗ trợ để được miễn trừ các quy định an ninh của Cục An ninh Giao thông Vận tải Hoa Kỳ (TSA). Theo đó, chuyến bay được đề cập là của Chính phủ Việt Nam và chính phủ sẽ thanh toán các khoản liên quan. Nhưng hành khách trên chuyến bay đã phải trả giá vé lên đến 2.000 USD và nhiều người không thuộc diện ưu tiên (theo quy định là trẻ em, học sinh dưới 18 tuổi, du học sinh không có nơi lưu trú do ký túc xá đóng cửa, những người cao tuổi, người có bệnh nền và các trường hợp đặc biệt khó khăn). Hiện VOA chưa thể kiểm chứng tính xác thực của các thông tin trên.
Bà Ánh Tuyết, một phụ huynh tại Hà Nội có hai con đang theo học ở Ohio nói với VOA rằng mặc dù không rõ nguyên nhân chuyến bay bị hoãn vì lý do gì, nhưng thực tế các du học sinh nhỏ tuổi bị “bỏ rơi” tại sân bay ở Mỹ đã khiến nhiều phụ huynh có con đi du học như bà rất hoang mang và lo lắng. Hai con của bà Tuyết đã đăng ký nguyện vọng trở về Việt Nam với các cơ quan hữu trách nhưng hiện vẫn chưa nhận được hồi âm.
Bà Tuyết nói: “Đăng ký rồi, nhưng Đại sứ quán không trả lời. Các cháu có thông tin với chúng tôi là con đã điền vào form đấy, đã làm hết rồi nhưng cho đến giờ phút này con không có một thông tin gì trả lời là con sẽ được nhận hay không. Các cháu cũng muốn tin chứ, nhưng bởi vì các cháu không nhận được hồi âm nên các cháu vẫn phải nghĩ đến việc khác”.
Hiện hai con của bà Tuyết (đều trên 18 tuổi) đang cùng các bạn tìm kiếm những lựa chọn khác ngoài con đường thông qua Đại sứ quán Việt Nam, mà bà nói là “không có hy vọng”, để có thể trở về nhà.
“Tôi không có hy vọng vào việc đấy, bởi vì các cháu nói rằng nhìn trên biểu đồ thì một tháng chỉ có 2 chuyến thôi, mà hiện giờ con số (đăng ký) lên đến 3.000 rồi, tôi cũng không rõ lắm. Các cháu bảo rằng không thấy (Đại sứ quán) trả lời gì nên các cháu cũng tự tìm các chuyến bay ngoài. Các cháu sẽ chờ sân bay mở rồi tự tìm cách để về vì trường của các cháu đóng tận đến 2021”, bà Tuyết cho biết thêm.
Theo lời một cán bộ trên đường dây nóng của Đại sứ quán Việt Nam tại Mỹ nói với VOA, trước nhu cầu về nước quá lớn của công dân Việt Nam tại Mỹ, cơ quan này không thể đáp ứng ngay tất cả các nhu cầu.
“Các cơ quan đại diện khuyến nghị, đề xuất với các cơ quan trong nước là tiếp tục tổ chức các chuyến bay tiếp theo hoặc nghiên cứu để mở cửa lại đường bay về Việt Nam, thì như thế sẽ một phần giải quyết nhu cầu”, cán bộ không muốn nêu danh cho VOA biết.
Vẫn theo lời công chức này, Đại sứ quán Việt Nam vẫn khuyến nghị công dân nên tuân thủ các khuyến nghị của Mỹ là không nên đi đâu vào thời điểm, kể cả về Việt Nam, vì nguy cơ lây nhiễm chéo cao tại khu vực sân bay và trên máy bay.
Theo cán bộ Đại sứ quán, “tất cả nguyện vọng của công dân đều đã được gửi về trong nước”, còn việc đáp ứng tất cả các nhu cầu thì “không thể trong một ngày hay 1, 2 chuyến bay hết được” vì điều kiện hạn chế ở cả hai quốc gia hiện nay.
“Hiện nay, về việc trao đổi với các cơ quan chức năng Mỹ, thứ nhất, Đại sứ quán đã trao đổi, đề nghị cơ quan chức năng Mỹ không phạt công dân quá hạn visa do lý do khách quan là không về nước được. Còn về các trường nói chung, chúng tôi đã thông qua các kênh của Bộ Ngoại giao Mỹ, các kênh quan hệ chính thống của Đại sứ quán, Tổng lãnh sự quán để chuyển tải thông điệp nhờ các trường hỗ trợ, tạo điều kiện cho các du học sinh không thể về nước vào thời điểm này. Tuy nhiên, việc chúng tôi trao đổi thì trao đổi, còn người ta có nghe, có đáp ứng hay không thì chúng tôi cũng không thể biết được”, cán bộ của Đại sứ quán Việt Nam nói thêm.
Thông tin mới nhất từ Đại sứ quán Việt Nam cho biết đã hỗ trợ cho Vietnam Airlines hoàn thành các thủ tục cần thiết theo yêu cầu của Mỹ để đưa nhóm công dân bị kẹt lại từ chuyến bay ngày 2/5 về nước. Chuyến bay dự kiến sẽ diễn ra vào ngày 7/5.
https://www.voatiengviet.com/a/du-h%E1%BB%8Dc-sinh-vi%E1%BB%87t-nam-%E1%BB%9F-m%E1%BB%B9-v%C3%B4-v%E1%BB%8Dng-%C4%91%C6%B0%E1%BB%9Dng-v%E1%BB%81/5408473.html

Trung Quốc đơn phương cấm đánh bắt cá trên Biển Đông: ‘Cấm cứ cấm, đánh cứ đánh’

Trước lệnh cấm đánh bắt cá phi lý trên Biển Đông của Trung Quốc, ngư dân và lãnh đạo các cơ quan ban ngành của Việt Nam quả quyết: “Cấm cứ cấm, đánh cứ đánh”.
Mới đây, Trung Quốc lại một lần nữa thông báo quy chế cấm đánh bắt cá trên Biển Đông.
Theo quy chế này, phạm vi cấm đánh bắt trải dài từ vùng biển phía Bắc Biển Đông đến 12 độ vĩ Bắc, bao gồm cả một phần vịnh Bắc Bộ và quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền Việt Nam, có hiệu lực từ ngày 1/5 đến 16/8.
Trước quy chế ngang ngược, vô lý của Trung Quốc, trả lời PV VTC News, ông Ngô Tấn – Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp & Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Nam – khẳng định, đây là lệnh cấm không có giá trị.
Theo ông Tấn, đây không phải lần đầu Trung Quốc đơn phương ban hành lệnh cấm đánh bắt cá trên Biển Đông.
Thực tế từ năm 1999, hằng năm, Trung Quốc ban bố lệnh cấm đánh bắt trong khoảng thời gian từ đầu tháng 5 đến giữa tháng 8.
“Rõ ràng, đây là lệnh cấm không có tính pháp lý và thể hiện sự ngang ngược của Trung Quốc. Vì vậy, ngư dân Quảng Nam nói riêng và ngư dân Việt Nam nói chung vẫn quyết tâm bám biển quanh năm suốt tháng. Đơn cử, 750 tàu cá của Quảng Nam vẫn đang hiện diện ở 2 ngư trường lớn là Hoàng Sa và Trường Sa”, ông Tấn nói.
Tuy nhiên, theo ông Tấn, trong khoảng thời gian Trung Quốc áp đặt lệnh cấm, hoạt động đánh bắt của ngư dân nước ta thường gặp trở ngại.
“3,5 tháng thực hiện lệnh cấm, Trung Quốc luôn tìm cách xua đuổi, gây khó dễ, cản trở ngư dân Việt Nam khai thác hải sản. Do đó, các cơ quan ban ngành của tỉnh luôn động viên, khuyến khích ngư dân thành lập các tổ đoàn kết đánh bắt (từ 5-10 tàu).
Các tàu trong cùng một tổ sẽ đánh bắt cách nhau 2-3 hải lý, nếu gặp tàu lạ tấn công thì sẽ liên lạc và hỗ trợ nhau”, ông Tấn chia sẻ và khẳng định, khi chứng kiến các tàu cá Việt Nam đi theo nhóm, phía Trung Quốc sẽ có phần e ngại, không dám ức hiếp.
Theo ông Tấn, các ngư dân nên thành lập các tổ đoàn kết đánh bắt (từ 5-10 tàu).
Đồng quan điểm với Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp & Phát triển nông thôn Quảng Nam, ông Phùng Đình Toàn – Phó Chủ tịch Hội Nghề cá tỉnh Quảng Ngãi – quả quyết: “Trung Quốc cấm cứ cấm. Ngư dân cứ yên tâm đánh bắt trong vùng biển chủ quyền của Việt Nam”.
Ông Nguyễn Thanh Hùng – Chủ tịch nghiệp đoàn nghề cá xã Bình Châu, huyện Bình Sơn, Quảng Ngãi – thông tin với VTC News, trong những ngày đầu Trung Quốc áp đặt lệnh cấm đánh bắt, hoạt động khai thác hải sản của ngư dân vẫn diễn ra bình thường. 2 hôm nay, hàng chục tàu cá trở về từ ngư trường Hoàng Sa đều bội thu cá nục, cá chuồn.
“Ở Hoàng Sa, hằng ngày có không dưới 100 con tàu công suất lớn của ngư dân Bình Châu khai thác hải sản. Hơn 2 thập kỷ qua, ngư dân Bình Châu – địa phương có số lượng tàu đánh bắt ở Hoàng Sa xếp vào loại nhiều nhất nước đã thấm nhuần lệnh cấm không có giá trị của Trung Quốc.
Do đó, ngư dân giờ cũng chẳng bận tâm tới lệnh cấm này nữa. Cấm cứ cấm, biển mình thì mình cứ đánh bắt”, ông Hùng nhấn mạnh.
Với cá nhân anh Trần Hồng Thọ (trú xã Bình Châu) – vị thuyền trưởng có thâm niên 16 năm “chinh chiến” ở Hoàng Sa, anh không còn xa lạ với các hành động ngang ngược của Trung Quốc trên biển.
Hơn 1 tháng trước, chính xác là vào lúc 3h ngày 2/4, sau 2 tiếng bị rượt đuổi, con tàu mang công suất 420 CV của Thọ bị tàu Trung Quốc đâm chìm ngoài vùng biển Hoàng Sa. Anh và 7 thuyền viên trên tàu bị những kẻ lạ mặt trên tàu Trung Quốc giam giữ trái phép suốt hàng chục tiếng đồng hồ.
Trở về đất liền, như bao ngư dân có tàu “bỏ mạng” giữa trùng khơi vì bị Trung Quốc tấn công, Thọ đang nuôi quyết tâm đóng tàu mới để sớm trở lại Hoàng Sa.
“Hàng chục năm đánh bắt xa bờ, chuyện tàu cá của mình bị Trung Quốc xua đuổi, cướp ngư cụ, cấm đánh bắt xảy ra như cơm bữa. Vì vậy, họ (Trung Quốc) cấm đánh bắt là việc của họ, còn mình cứ đánh ở vùng biển thuộc phạm vi của nước mình. Ngư dân chúng tôi không sợ gì cả”, Thọ bộc bạch.
Ngày 4/5, Trung ương Hội Nghề cá Việt Nam có công văn gửi Văn phòng Chính phủ, Ban Đối ngoại Trung ương, Bộ NN&PTNT, Bộ Ngoại giao về việc phản đối quy chế cấm đánh bắt cá trên Biển Đông của Trung Quốc.
Theo Hội Nghề cá Việt Nam, Trung Quốc đã có thông báo quy chế cấm đánh bắt cá trên Biển Đông. Theo quy chế này, phạm vi cấm đánh bắt trải dài từ vùng biển phía Bắc Biển Đông đến 12 độ vĩ Bắc, bao gồm cả một phần vịnh Bắc Bộ và quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền Việt Nam, có hiệu lực từ ngày 1/5 đến 16/8.
“Quy chế này xâm phạm chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa và các vùng biển của Việt Nam, vi phạm các quyền và lợi ích pháp lý của Việt nam, vi phạm luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước của Liên Hiệp Quốc về Luật biển (UNCLOS) năm 1982 và các văn bản pháp lý quốc tế liên quan.
Gần đây, Trung Quốc còn ngang nhiên công bố việc thành lập hai cơ quan hành chính trực thuộc cái gọi là “thành phố Tam Sa” nhằm kiểm soát phi pháp hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam”, Trung ương Hội nghề cá Việt Nam nêu rõ.
Trước hành động phi lý của Trung Quốc, Hội Nghề cá Việt Nam “kịch liệt phản đối hành động hết sức phi lý của phía Trung Quốc. Quy chế này không có giá trị pháp lý đối với các vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam. Ngư dân Việt Nam hoàn toàn có quyền đánh bắt cá trên các vùng biển thuộc chủ quyền của mình”.
Hội Nghề cá Việt Nam đề nghị các cơ quan chức năng Việt Nam có biện pháp phản đối mạnh mẽ nhằm ngăn chặn, chấm dứt hành động ngang ngược của Trung Quốc.
“Thường xuyên tăng cường các lực lượng chấp pháp trên biển để hỗ trợ và bảo vệ ngư dân Việt Nam khi hoạt động trên biển của nước ta”, Hội Nghề cá Việt Nam nhấn mạnh.
Hội Nghề cá Việt Nam cũng kêu gọi và vận động ngư dân bình tĩnh, yên tâm bám biển đẩy mạnh sản xuất và kiên quyết thực hiện quyền lợi chính đáng của mình, góp phần bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo Tổ quốc.
http://biendong.net/bi-n-nong/34522-trung-quoc-don-phuong-cam-danh-bat-ca-tren-bien-dong-cam-cu-cam-danh-cu-danh.html

Du khách Trung Quốc ‘muốn sang thăm Việt Nam thời hậu Covid-19’

Một khảo sát nói giới trẻ Trung Quốc muốn sang du lịch Việt Nam nhưng không thích đi theo tour.
Khảo sát của C9 Hotelworks và Delivering Asia Communications thực hiện vào tháng Tư với khoảng 1000 người tại các thành phố lớn ở Trung Quốc cho thấy có tới một phần ba trong số 450 người trả lời câu hỏi nằm trong độ tuổi từ 20 đến 29.
81% số người được hỏi cho biết họ không muốn đi theo các tour du lịch khi đến Việt Nam.
Ngoài ra khách sạn giá rẻ (39%) đứng cao hơn lựa chọn khách sạn 5 sao (25%).
Tình hình du lịch sẽ ra sao trong khi chờ có vaccine?
Du lịch Hà Nội vắng khách vì bão virus corona
Hơn phân nửa những người muốn du lịch với khách sạn giá rẻ nói họ dự kiến sẽ tiêu 710 USD cho mỗi chuyến đi trong khi 36% nói họ sẽ dành 1.400 USD cho chi tiêu khi tới Việt Nam du lịch.
Điểm thú vị là khảo sát kể trên cũng phản ánh dự báo của Hội đồng Du lịch và Đi lại Thế giới (WTTC) công bố vào hôm 30/4 cho thấy giai đoạn phục hồi những tháng sau đại dịch Covid-19 sẽ bắt đầu bằng những chuyến đi của gia đình tự tổ chức hoặc du lịch nội địa, tiếp theo là du lịch chặng ngắn rồi mới đến chặng dài.
90% trong 450 số người trả lời là muốn đi du lịch Việt Nam (được xem là chặng ngắn) và phân nửa số người được hỏi nói rằng họ sẽ đi du lịch nước ngoài vào năm nay.
Ngoài tỉ tỷ giá hối đoái thuận lợi giữa nhân dân tệ và tiền đồng, “yếu tố sợ hãi” hậu khủng hoảng cho thấy người ta ưu tiên cho các chuyến bay ngắn, bay thẳng và tránh bay đường dài.
Khi được hỏi khi nào họ có ý định du lịch đến Việt Nam, hơn 30% trong số 450 người được hỏi không nói tháng nào cố định. Trong số những người trả lời thì tháng 10 và tháng 8 là lựa chọn phổ biến nhất.
Khảo sát này cũng cho thấy các điểm truyền thống như Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, Nha Trang / Cam Ranh và Vịnh Hạ Long là ưu tiên để thăm.
Trong số các điểm đến mới nổi, thì Sapa được xem là điểm đến được quan tâm.
https://www.bbc.com/vietnamese/business-52564391

Facebook lại giới hạn truy cập nội dung của Đài Á Châu Tự Do tại Việt Nam!

Trong vòng chưa đầy một tháng, có hai bài của ban Việt Ngữ Đài Á Châu Tự Do bị Facebook giới hạn truy cập tại Việt Nam. Cụ thể là  bài, ‘Thủ tướng Việt Nam kêu gọi người Việt nước ngoài chung tay chống dịch COVID-19’ được đăng vào ngày 21/4 và bài ‘Yêu cầu nhân sự Trung ương khóa XIII của ông Trọng: “Sự chỉ đạo cũ rích!”’ đăng ngày 27/4.
Phía Facebook đưa ra lý do cho việc giới hạn này qua tin nhắn chung: “Vì những hạn chế pháp lý của địa phương, chúng tôi giới hạn quyền truy cập vào bài đăng của quý vị tại Việt Nam” trên trang Facebook của Ban Việt Ngữ RFA.
Vào ngày 5/5, ông Nguyễn Mạnh Hùng, Giám đốc Sở Thông tin & Truyền thông Quảng Ngãi cho RFA biết rằng công ty nước ngoài đặt máy chủ tại Việt Nam đều phải thực hiện theo hợp đồng với chính phủ Việt Nam:
“Chắc chắn là nếu máy chủ mà đặt ở Việt Nam thì phải thực hiện theo hợp đồng Việt Nam thôi. Facebook mà đặt ở Việt Nam thì Việt Nam có cách quản lý của Việt Nam.”
Khi được hỏi cụ thể về những bài đăng của RFA bị chặn vừa qua, ông Hùng cho biết điều đó không thuộc quyền quản lý của ông. Tuy nhiên, về những nội dung nào sẽ bị chặn tại Việt Nam, ông Hùng cho rằng điều này đã được thông qua trong các Nghị định và đã được dân Việt Nam đồng tình:
“Thì những cái nói không đúng với sự thật, về cái tệ nạn, chống đối không đúng với quy định của nhà nước. Những cái mà nhà nước có quy định của mình. Những cái dân Việt Nam đồng tình rồi thông qua các Nghị định rồi.”
Theo quan sát của nhà hoạt động Lã Việt Dũng, anh cho biết các thông tin của các công ty truyền thông trên Facebook hiện nay là khá ít. Anh Lã Việt Dũng cho rằng, việc chính quyền Việt Nam tiếp tục chặn thông tin, nội dung được đăng trên Facebook với lý do sai sự thật là một việc làm mang tính chủ quan:
“Cái mà họ cho rằng không đúng thì họ cho là sai sự thật. Dù sự thật có đúng đến bao nhiêu chăng nữa, nhưng mà nếu như không đúng ý họ thì họ cũng đều ngăn chặn cả, cho rằng là điều ấy sai sự thật.”
Nhà báo Võ Văn Tạo nêu lên ý kiến của mình về việc Facebook gỡ bài, mặc dù nội dung không vi phạm quy định cộng đồng, là chuyện xảy ra thường xuyên, trong đó có chính bài viết của ông:
“Việc mà Facebook gỡ bài thường xuyên xảy ra ở Việt Nam. Tôi có rất nhiều người bạn và bản thân tôi cũng thế, cũng bị gỡ bài một cách oan uổng. (Facebook) cũng áp dụng biện pháp là ẩn, xóa bài và treo bút, ví dụ 3 ngày, 1 tuần, hay là 1 tháng…v.v. Bản thân tôi cũng đã bị một lần.”
Nhà báo Võ Văn Tạo cho một ví dụ cụ thể xảy ra trước đây khi ông đăng nội dung chất vấn liên quan vụ Phan Văn Anh Vũ, tức Vũ “nhôm”, từng làm việc cho Bộ Công an đã bị Facebook ẩn đi:
“Thì tôi có viết một câu bình luận rất là ngắn thôi, “Nếu quả tình Phan Văn Anh Vũ không phải là người của Bộ Công an, thì đây là cơ hội vàng cho Bộ Công an thanh minh trước công luận. Tại sao ông Lương Tam Quan không trả lời vào câu hỏi?”, thì đấy là một status của tôi, nó rất là bình thường, rất đúng, không vi phạm gì hết thì tự nhiên bị cất bài. Tôi cho rằng lực lượng an ninh mạng của Việt Nam đã được lệnh báo cáo bài viết đó, vì bài viết đó rõ ràng lật mặt Bộ Công an có vấn đề trong chuyện này.”
Nhà báo Võ Văn Tạo cho rằng việc cơ quan truyền thông như Đài Á Châu Tự Do bị Facebook giới hạn nội dung tại Việt Nam đã đi ngược lại với tiêu chí khách quan, công bằng mà tập đoàn này đề ra trong quá trình thành lập thương hiệu của mình. Ông Tạo cho rằng, việc Facebook nhân nhượng với chính quyền Việt Nam, tập đoàn này đã thiên về phía lợi nhuận khi họ đặt điều này lên bàn cân với quyền tự do ngôn luận.
Về vấn đề thông tin sai sự thật, nhà báo Võ Văn Tạo cũng công nhận chính quyền Việt Nam đã thắt chặt kiểm soát những thông tin thất thiệt, có thể gây hậu quả nghiêm trọng đến sức khỏe người dân trong mùa dịch COVID-19. Tuy nhiên, chính quyền đã lợi dụng quy định này để đồng thời kiểm soát những thông tin bất lợi cho nhà nước Việt Nam:
“Có những trường hợp thậm chí bị bắt đi tù luôn, nhưng do đăng thông tin hoàn toàn đúng sự thật, nhưng sự thật đó nó bất lợi cho Đảng và Nhà nước Việt Nam đang nắm cái độc quyền cai trị.”
Nhà hoạt động Trịnh Bá Phương cho biết anh đã chứng kiến công an hack vào tài khoản Facebook của mình:
“Em đã bị cơ quan công an, cụ thể một lần em xác minh người của Bộ Công an đã hack Facebook của em trước mặt em. Sau đó em cũng bị hack Facebook ít nhất là 2 lần. Sau đó, em phải nhờ một số tổ chức nhân quyền, trong đó có cả Ân xã Quốc tế lên tiếng. Gần đây nhất là mấy ngày trước thôi, khi mà em bị ẩn tất cả các bài viết, em cũng có nhờ tổ chức Ân xã Quốc tế để lên tiếng Facebook chấm dứt làm việc với nhà nước Cộng sản Việt Nam.”
Trong vụ việc chính quyền Việt Nam cưỡng chế đất ở Dương Nội, anh Trịnh Bá Phương cho biết việc Đài Á Châu Tự Do đưa thông tin này đã giúp cho anh và gia đình có thể tiếp cận được với những tổ chức nhân quyền quốc tế để đấu tranh lấy lại công bằng cho mình và gia đình:
“Đã có hàng nghìn công an về để bắt giam người dân Dương Nội, trong đó có bố mẹ em. Đài Á Châu Tự Do đã đưa tin rất nhiều về vụ việc này. Từ đó đã giúp cho các tổ chức nhân quyền quốc tế, các quốc gia dân chủ ở phương Tây biết thêm nhiều sự việc ở Dương Nội. Từ đó đã có các tiếng nói rất thiết thực để ủng hộ người dân Dương Nội chúng em, cũng như là yêu cầu nhà cầm quyền Việt Nam phải tôn trọng nhân quyền.”
Anh Trịnh Bá Phương cho rằng nếu việc ngăn chặn thông tin từ các cơ quan truyền thông như Đài Á Châu Tự Do tiếp tục diễn ra, anh e ngại những nạn nhân như anh sẽ gặp khó khăn trong việc tìm trợ giúp của truyền thông và các tổ chức quốc tế. Ngoài ra, quyền đấu tranh cho nhân quyền của người dân Việt Nam sẽ bị hạn chế trong tương lai.
Nhà hoạt động Lã Việt Dũng nhận định, sự thành công của Facebook ở Việt Nam đến từ việc tập đoàn này đã mang lại sự tự do biểu đạt ý kiến trong một môi trường cởi mở đến với người dân trong nước. Theo anh Dũng, khi Facebook bắt tay với chính quyền Việt Nam để hạn chế quyền truy cập vào thông tin đa chiều của người dân, thì về lâu dài sẽ tổn hại đến lợi ích của người dân và của chính tập đoàn này.
Trước sự việc trên, Đài Á Châu Tự Do đã liên lạc với người phát ngôn của Facebook, tuy nhiên vẫn chưa nhận được hồi âm.
https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/facebook-restricts-access-to-content-by-rfa-in-vietnam-05052020161622.html

Xây dựng tượng đài, khu bảo tồn lịch sử: ‘lá bùa’ để lấy tiền ngân sách!

Khu bảo tồn bãi cọc trận chiến Bạch Đằng Giang năm 1288
Tại lễ khởi công Dự án xây dựng tuyến đường vào khu bảo tồn bãi cọc Cao Quỳ, xã Liên Khê, huyện Thủy Nguyên, diễn ra vào sáng ngày 3/5, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu rằng quần thể di tích khảo cổ học cánh đồng Cao Quỳ của Hải Phòng phải là một công trình văn hóa, lịch sử.
Người đứng đầu Chính phủ Việt Nam còn nhấn mạnh khu bảo tồn bãi cọc Cao Quỳ liên quan đến chiến trận Bạch Đằng năm 1288 không chỉ có ý nghĩa lịch sử mà còn có ý nghĩa giáo dục chính trị, tư tưởng truyền thống to lớn cả trước mắt và lâu dài. Do đó, trong quá trình thi công dự án, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu các đơn vị “phải tôn trọng và tuân thủ nghiêm túc các nguyên tắc về giá trị, yếu tố gốc và tính nguyên vẹn của di chỉ”.
Truyền thông trong nước dẫn nguồn từ UBND thành phố Hải Phòng cho biết tổng mức đầu tư xây dựng tuyến đường và Khu bảo tồn bãi cọc Cao Quỳ là hơn 427 tỷ đồng từ ngân sách thành phố. Dự án sẽ được thi công trong 135 ngày.
Đài RFA ghi nhận báo giới quốc nội hồi hạ tuần tháng 12/2019 loan tin người dân làng Mai Động, xã Liên Khê, huyện Thủy Nguyên phát hiện hai thân cây gỗ nằm trong lòng đất thuộc vùng đê bao sông Đá Bạc. Và ngay lập tức, Chính quyền thành phố Hải Phòng nhanh chóng thực hiện khai quật khảo cổ tại cánh đồng Cao Quỳ, vì cho rằng có nhiều dấu hiệu nhận dạng giống với các cọc gỗ đã được phát hiện trước đó và được công nhận là di tích của trận đánh trên sông Bạch Đằng. Đồng thời, tổ chức Hội nghị Báo cáo kết quả khai quật bãi cọc Cao Quỳ với sự tham dự của các giáo sư và nhà khoa học về văn hóa lịch sử.
Báo mạng VietnamNet, vào ngày 21/12/20 đăng tải thông tin về hội nghị vừa nêu, với tựa đề “Bàn’kế’ nâng tầm bãi cọc gỗ Bạch Đằng do nông dân Hải Phòng phát hiện”. Nội dung bài báo cho biết Viện Khảo cổ học bước đầu nhận định bãi cọc phát hiện ở Cao Quỳ thuộc trận chiến Bạch Đằng lần thứ 3 (năm 1288), để ngăn chặn quân Nguyên Mông dưới thời nhà Trần.
Là người theo dõi tin tức liên quan ngay từ những ngày đầu, Tiến sĩ Nguyễn Xuân Diện cho biết đã từng có một số nhà khoa học như nhà giáo Lê Văn Sinh, thuộc khoa Lịch sử, trường Đại học Tổng hợp Hà Nội; Tiến sĩ Mai Thanh Sơn; Tiến sĩ Khảo cổ học Nguyễn Hồng Kiên, thuộc Viện Khảo cổ học đã lên tiếng tỏ ý nghi ngờ về việc khẳng định bãi cọc phát hiện ở Cao Quỳ là bãi cọc Bạch Đằng.
Chúng tôi thấy đây là việc làm rất duy ý chí (của Chính quyền thành phố Hải Phòng) và Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã quá vội vàng khi ủng hộ dự án này. Bởi vì khu khai quật khảo cổ học ở bãi cọc Cao Quỳ, xã Liên Khê, huyện Thủy Nguyên, thành phố Hải Phòng cho đến hiện nay chưa từng có một cuộc hội thảo khoa học thật sự. Giữa những kết quả khảo cổ học đó chưa có sự đối sánh với những điều được ghi chép lại trong sử sách của Việt Nam cũng như của Trung Quốc. Thứ hai nữa là chưa có một cuộc nghiên cứu thật sự chứng minh bãi cọc đó có phải là bãi cọc nằm cách đây 700 năm về trước ở dưới lòng sông hay không?
-Tiến sĩ Nguyễn Xuân Diện
Tiến sĩ Nguyễn Xuân Diện cho biết thêm ông cũng đã đích thân đến Cao Quỳ vào đầu tháng 3 vừa qua để tìm hiểu. Tiến sĩ Nguyễn Xuân Diện ghi nhận bãi cọc Cao Quỳ cách xa khu di tích Bạch Đằng 18 km và khu vực khai quật khảo cổ đó là một gò đất, từng là bãi tha ma và cách xa với dòng sông hiện tại.
Tiến sĩ Nguyễn Xuân Diện, vào tối hôm 5/5 nói với RFA rằng ông thật sự bất ngờ trước sự ủng hộ của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đối với dự án xây dựng khu bảo tồn bãi cọc Cao Quỳ, qua viện dẫn:
“Chúng tôi thấy đây là việc làm rất duy ý chí (của Chính quyền thành phố Hải Phòng) và Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã quá vội vàng khi ủng hộ dự án này. Bởi vì khu khai quật khảo cổ học ở bãi cọc Cao Quỳ, xã Liên Khê, huyện Thủy Nguyên, thành phố Hải Phòng cho đến hiện nay chưa từng có một cuộc hội thảo khoa học thật sự. Giữa những kết quả khảo cổ học đó chưa có sự đối sánh với những điều được ghi chép lại trong sử sách của Việt Nam cũng như của Trung Quốc. Thứ hai nữa là chưa có một cuộc nghiên cứu thật sự chứng minh bãi cọc đó có phải là bãi cọc nằm cách đây 700 năm về trước ở dưới lòng sông hay không?”
Xây dựng tượng đài 14 tỷ vì “nguyện vọng nhân dân”
Không chỉ dự án hơn 427 nghìn tỷ đồng mà Chính quyền thành phố Hải Phòng chi ra để xây dựng khu bảo tồn bãi cọc Cao Quỳ, mà dư luận còn đặc biệt chú ý đến thông tin Chính quyền huyện Phước Sơn, thuộc tỉnh Quảng Nam chi 14 tỷ đồng từ ngân sách để xây dựng tượng đài chiến thắng Khâm Đức.
Huyện Phước Sơn nằm trong danh sách 56 huyện nghèo của Việt Nam và đang được Chính phủ hỗ trợ.
Chủ tịch huyện Phước Sơn, ông Nguyễn Mạnh Hà, vào ngày 4/5 được Báo mạng Zing.vn dẫn lời rằng việc xây tượng đài là vì “nguyện vọng nhân dân”, nhằm tưởng niệm thời kỳ kháng chiến chống Mỹ của quân và dân huyện Phước Sơn, đồng thời giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ sau và cũng là một địa điểm du lịch để phát triển kinh tế địa phương.
Một người dân ở Quảng Nam, ẩn danh, chia sẻ với RFA sau khi nghe nghe được thông tin này:
“Nhà nước bây giờ làm cái gì cũng nói là ‘theo nguyện vọng của nhân dân’, chứ thực ra nhân dân đâu có yêu cầu làm vậy chi cho tốn tiền. Nói chung là họ muốn làm cái gì đó để gọi là có lịch sử để nhân dân noi theo, nhưng thực ra nhân dân chẳng cần mấy tượng đài như vậy đâu. Làm chi cho to, cho lớn để tốn tiền của dân chứ có được gì đâu, cũng chẳng giáo dục được cho thế hệ trẻ điều gì đâu?”
Tại thành phố Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam hồi năm 2015, công trình tượng đài Mẹ Việt Nam anh hùng được khánh thành và được ghi nhận như là tượng đài lớn nhất Đông Nam Á. Tuy nhiên, điều đáng quan tâm là công trình được duyệt với mức kinh phí dự tính 55 tỷ đồng và cho đến khi hoàn thành thì dự án bị nâng tổng kinh phí lên đến 411 tỷ đồng.
Tiến sĩ Nguyễn Xuân Diện nói rằng theo ghi nhận của ông trong khoảng 20 năm trở lại đây thì các địa phương ở Việt Nam luôn luôn xây dựng các dự án mà ông gọi là “có một lá bùa” gắn với nhân vật lịch sử, sự kiện lịch sử, phong trào cách mạng…để họ lập ra các dự án với dự toán kinh phí khủng và trong quá trình xây dựng thì giá cả bị đẩy lên vô tội vạ. Các dự án đó cũng luôn luôn được tuyên truyền nhằm mục đích giáo dục lịch sử, thế nhưng Tiến sĩ Nguyễn Xuân Diện cho rằng tác dụng giáo dục là rất hạn chế.
Luật sư Nguyễn Văn Đài, vào ngày 5/5 cũng xác nhận với RFA về ghi nhận của ông liên quan vấn đề xây dựng tượng đài và khu bảo tồn lịch sử ở các địa phương tại Việt Nam.
“Cách đây độ khỏang trên 20 năm thì khi đó bắt đầu có nhóm lợi ích vận động xây dựng tượng đài. Ví dụ như nhóm đấu thầu xây dựng, thậm chí họ bỏ tiền ra xây dựng tượng đài trước rồi sau đó họ mới vận động các cơ quan như Sở Văn hóa, Bộ Văn hóa để cấp tiền kinh phí cho cấp huyện hay cấp tỉnh để xây dựng những tượng đài như vậy. Bởi vì việc xây dựng tượng đài là tham nhũng rất dễ. Trong lịch sử hầu như các tượng đài rất nổi tiếng, như tượng đài Chiến thắng Điện Biên Phủ chẳng hạn thì chưa đầy 1 tháng sau khánh thành đã bị hỏng và xập xệ rồi. Khi tôi còn ở Việt Nam thì những người bạn của tôi cho biết tham nhũng trong xây dựng tượng đài có thể lên đến 60-70% tổng kinh phí xây dựng, chứ không phải 30-40% tổng kinh phí xây dựng đường xá khác. Cho nên, khi các địa phương khi xin được kinh phí xây dựng tượng đài là miếng mồi béo bở cho các quan chức địa phương phối hợp với các nhóm lợi ích.”
Luật sư Nguyễn Văn Đài nói rằng đó là lý do vì sao các chính quyền địa phương rất say mê trong việc xây dựng tượng đài và di tích lịch sử. Luật sư Nguyễn Văn Đài, đồng thời cũng nhấn mạnh, sự tuyên truyền mục đích xây dựng này nhằm giáo dục lịch sử cho các thể hệ trẻ Việt Nam hoàn toàn bị phản tác dụng:
Cách đây độ khỏang trên 20 năm thì khi đó bắt đầu có nhóm lợi ích vận động xây dựng tượng đài. Ví dụ như nhóm đấu thầu xây dựng, thậm chí họ bỏ tiền ra xây dựng tượng đài trước rồi sau đó họ mới vận động các cơ quan như Sở Văn hóa, Bộ Văn hóa để cấp tiền kinh phí cho cấp huyện hay cấp tỉnh để xây dựng những tượng đài như vậy. Bởi vì việc xây dựng tượng đài là tham nhũng rất dễ. Trong lịch sử hầu như các tượng đài rất nổi tiếng, như tượng đài Chiến thắng Điện Biên Phủ chẳng hạn thì chưa đầy 1 tháng sau khánh thành đã bị hỏng và xập xệ rồi. Khi tôi còn ở Việt Nam thì những người bạn của tôi cho biết tham nhũng trong xây dựng tượng đài có thể lên đến 60-70% tổng kinh phí xây dựng, chứ không phải 30-40% tổng kinh phí xây dựng đường xá khác
-Luật sư Nguyễn Văn Đài
Bởi vì vấn đề truyền thống anh hùng dân tộc để cho các thể hệ trẻ hiểu biết thì phải thông qua giáo dục trong môi trường phổ thông, chứ không nằm ở việc xây dựng các tượng đài như vậy. Bởi vì việc xây dựng không đúng theo nguyên bản và bị hỏng hóc qua quá trình thì khi các thế hệ trẻ đến xem sẽ rất gây phản cảm. Và, nếu như thế hệ trẻ hiểu được rằng những thế hệ lãnh đạo ở địa phương đó, đã từng sử dụng tượng đài đó để tham nhũng vơ vét của cải để làm giáu cho bản thân và gia đình của họ thì còn đi ngược lại với giáo dục về truyền thống anh hùng dân tộc.”
Luật sư Nguyễn Văn Đài quả quyết rằng việc xây dựng này vẫn sẽ tiếp diễn ở Việt Nam vì đó là mục đích chính trị trong chính sách chung của Ban Tuyên giáo Trung ương và được giới lãnh đạo chính quyền địa phương kết hợp với nhóm lợi ích tận dụng khai thác.
Trong khi đó, Tiến sĩ Nguyễn Xuân Diện kêu gọi cần thiết tổ chức các cuộc hội thảo công khai, minh bạch đối với dự án xây dựng khu bảo tồn bãi cọc Cao Quỳ như là một bằng chứng thể hiện quyết tâm của Chính phủ và Nhà nước Việt Nam không để những đồng tiền ngân sách bị tiêu tốn một cách bừa bãi và vô tội vạ.
https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/building-monuments-and-historic-areas-is-the-effective-method-to-teach-history-05052020150204.html

Thủ tướng CSVN Nguyễn Xuân Phúc kêu gọi cho thanh niên kết hôn trước 30 tuổi và sinh con sớm

Tin Vietnam.- Báo Người lao động ngày 5 tháng 5 năm 2020 loan tin, ông Nguyễn Xuân Phúc, Thủ tướng nhà cầm quyền Cộng sản Việt Nam vừa ký đồng ý chương trình điều chỉnh mức sinh phù hợp các vùng đến năm 2030. Theo đó, ông Phúc muốn thanh niên nam, nữ Việt Nam kết hôn trước 30 tuổi, không kết hôn muộn, và sớm sinh con, phụ nữ phải sinh con thứ hai trước 35 tuổi.
Để làm được điều này, theo ông Phúc thì cần phát triển các câu lạc bộ kết bạn trăm năm, hỗ trợ nam, nữ thanh niên kết bạn, cố vấn sức khoẻ trước khi kết hôn; hỗ trợ phụ nữ mang thai, sinh con và đủ hai con. Còn đối với các tổ chức, cơ quan, đơn vị, cộng đồng liên quan đến mục tiêu giảm sinh thì phải bãi bỏ. Nhà cầm quyền địa phương thì phải nghiên cứu, ban hành các biện pháp hỗ trợ các cặp vợ chồng sinh đủ hai con.
Trước đó, nhà cầm quyền Cộng sản đã thực hiện quy định nếu đảng viên sinh con thứ 3 thì bị khai trừ ra khỏi đảng, còn những người chưa được vào đảng mà sinh con thứ 3 thì xem như không có cơ hội vào đảng để thăng quan tiến chức. Sau khi thông tin trên loan tải đã khiến dư luận mạng xã hội Việt Nam cảm thấy bi hài.
Vì, theo dữ kiện của cơ quan Thống kê Cộng sản Việt Nam, tính đến ngày 1 tháng 4 năm 2019, dân số Việt Nam là hơn 96 triệu người, và là quốc gia đông dân thứ 15 trên thế giới, trong khi diện tích lãnh thổ không lớn nên Việt Nam cũng trở thành quốc gia có mật độ dân số cao so với các nước trên thế giới.
Việt Nam đông dân đã đành, nhưng do chính sách cai trị của nhà cầm quyền hà khắc nên nhiều năm trở lại đây, mỗi năm Việt Nam có cả trăm ngàn người phải ra ngoại quốc để làm thuê, kiếm tiền gửi về nước nuôi gia đình. Vì vậy, nhiều người cho rằng, thay vì yêu cầu thanh niên sinh con sớm thì nhà cầm quyền Việt Nam nên cải cách để giữ người dân không bỏ đất nước ra đi.
An Nhiên
https://www.sbtn.tv/thu-tuong-csvn-nguyen-xuan-phuc-keu-goi-cho-thanh-nien-ket-hon-truoc-30-tuoi-va-sinh-con-som/

Cán bộ lãnh đạo bị kỷ luật trước Đại hội đảng là mục tiêu đấu đá?

Diễm Thi, RFA
Đại hội đại biểu toàn đảng cộng sản là dịp để chính thức bầu các ủy viên trung ương, Bộ chính trị, Ban bí thư và người lãnh đạo đảng là Tổng bí thư.
Người ta cho rằng “chiến dịch đốt lò” do ông Nguyễn Phú Trọng khởi xướng từ năm 2016 trên cương vị Tổng bí thư Ban Chấp hành Trung ương ĐCS VN cũng như việc kỷ luật hàng loạt quan chức cao cấp là một cách dọn đường, loại đối thủ cho Đại hội 13.
Nói về việc chống tham nhũng, Nhà văn Nguyễn Nguyên Bình từng nói với RFA rằng, chống tham nhũng cần phải đạt được ít nhất hai mục tiêu: Trừng phạt được những quan chức tham nhũng và phải thu hồi được số tài sản bị thất thoát do tham nhũng. Tuy nhiên theo bà, cả hai mục tiêu này cho đến nay đều không đạt được mà cuộc chiến chống tham nhũng hay kỷ luật trong nội bộ đảng có liên quan đến sự đấu đá, tranh giành quyền lực giữa các phe cánh trong đảng:
“Trước kia, trong nội bộ cấp cao của đảng cũng có một vài phe phái, nhưng người ta cảm nhận được nó rõ và nó ít thôi. Và cái sự đấu tranh của người ta cũng còn kín đáo, thế nhưng đến gần đây thì tôi cảm nhận là có rất nhiều phe và họ đấu tranh với nhau có vẻ cũng lộ liễu. Nhưng mà cũng như dân gian nói là không biết mèo nào cắn mỉu nào!”
Còn về việc kỷ luật cán bộ thì từ đầu năm nay, hàng loạt cán bộ bị xử lý kỷ luật bằng nhiều hình thức, dù nhẹ, như ông Nguyễn Văn Sơn, chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Hà Giang bị khiển trách; ông Trần Đức Quý phó chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Hà Giang bị cảnh cáo vì những sai phạm liên quan đến kỳ thi trung học phổ thông quốc gia năm 2018.
Ngoài ra, hai nguyên phó chủ nhiệm văn phòng Chính phủ là ông Nguyễn Hữu Vũ bị kỷ luật khiển trách; và ông Văn Trọng Lý bị cảnh cáo vì có những sai phạm trong công tác quản lý đối với dự án gang thép Thái Nguyên.
Việc siết kỷ luật để bớt tham nhũng là quản trị về mặt nhà nước. Việc cải thiện và quản trị nhà nước là việc cần thiết, cần phải làm tốt và liên tục.  -Tiến sĩ Nguyễn Quang A
Gần đây nhất là tại kỳ họp của Ủy ban Kiểm tra trung ương hôm 27 và 28 tháng 4, ủy ban nhận thấy hai ông Lê Viết Chữ, Bí thư Tỉnh ủy và ông Trần Ngọc Căng, Phó bí thư Tỉnh ủy, Bí thư Ban Cán sự Đảng, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi đã có nhiều vi phạm, khuyết điểm nghiêm trọng trong lãnh đạo, chỉ đạo, thực hiện công tác quản lý, sử dụng đất đai, tài chính ngân sách, dự án đầu tư và công tác cán bộ, ảnh hưởng xấu đến uy tín của cấp ủy, chính quyền địa phương, đến mức phải xem xét kỷ luật.
Theo Tiến sĩ Nguyễn Quang A, việc kỷ luật quan chức liên quan đến cái gọi là thượng tôn pháp luật, tức không chừa một ai cả. Ai làm sai thì phải bị trừng trị. Đó là việc rất quan trọng trong quản trị quốc gia. Tuy vậy, việc kỷ luật quan chức có hai khía cạnh cần phân tích:
“Một khía cạnh là phải cải thiện quản trị. Tức là một hệ thống nếu không được kiểm soát tốt, tham nhũng thì sẽ hoạt động kém hiệu quả. Việc siết kỷ luật để bớt tham nhũng là quản trị về mặt nhà nước. Việc cải thiện và quản trị nhà nước là việc cần thiết, cần phải làm tốt và liên tục.
Khía cạnh thứ hai là sắp sửa đại hội họ phải sửa đổi không biết bao nhiêu quy định để loại người này người khác…thì cũng có, nhưng thực sự chuyện xảy ra trong thời gian vừa qua như đốt lò hay thi hành kỷ luật hàng trăm cán bộ cao cấp nó có cả hai khía cạnh đấy.
Một khía cạnh thực sự nên khuyến khích, một khía cạnh đáng lên án. Nói chung là khó phân biệt.”
Nhà báo Phạm Thành có nhiều năm làm việc cho Đài Tiếng Nói Việt Nam. Người từng tự ứng cử Đại biểu Quốc hội năm 2016 đồng thời là tác giả cuốn “Nguyễn Phú Trọng: Thế thiên hành đạo hay Đại nghịch bất đạo”, nhận định tất cả quan chức hiện nay, từ xã cho đến Tổng bí thư, Thủ tướng đều có tội tham ô, tham nhũng hết nếu chiếu theo luật. Vấn đề là họ diệt ai và không diệt ai mà thôi. Ông nói:
“Họ chọn lựa trên tinh thần là ê kíp của họ chứ không chọn những người tài đức, thật sự vì dân vì nước đâu. Cái ê kíp có thể vào được trung ương, vào vị trí lãnh đạo thì họ phải có biện pháp để loại những đối thủ không cùng phe cánh. Tất nhiên cũng cộng sản với nhau nhưng nhóm lợi ích khác nhau.
Trong một chế độ cộng sản thì họ cùng nhau bảo vệ chế độ. Cùng nhau cướp bóc tài nguyên đất đai, bóc lột mồ hôi nước mắt người dân. Đấy là cái chung nhất. Còn cái riêng là mỗi nhóm lợi ích có ‘thủ lĩnh’ riêng và đấu tranh với các nhóm lợi ích khác.”
Theo ghi nhận định của RFA, đa số những người được hỏi ý kiến đều chưa mấy tin vào việc chống tham nhũng hay kỷ luật cán bộ để làm trong sạch bộ máy chính quyền; mà mục đích chỉ để thanh trừng lẫn nhau, nhất là trước các kỳ hội nghị trung ương hoặc đại hội đảng.
Đại hội Đại biểu toàn quốc là đại hội then chốt của ĐCS VN do Ban Chấp hành Trung ương triệu tập 5 năm 1 lần. Ðại biểu chính thức dự Đại hội đại biểu toàn quốc gồm các Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương và Đại biểu do Đại hội cấp dưới bầu; Ðại biểu dự Đại hội phải được Đại hội thẩm tra tư cách và biểu quyết công nhận.
Cái ê kíp có thể vào được trung ương, vào vị trí lãnh đạo thì họ phải có biện pháp để loại những đối thủ không cùng phe cánh. -Nhà báo Phạm Thành
Tiến sĩ Nguyễn Quang A nêu quan điểm:
“Chắc chắn đây là lúc tranh giành nhau từ cấp cơ sở xem ai lên nắm quyền ở các địa phương, ai sẽ được đi đại hội thứ 13. Cả một cuộc tranh giành rất là khốc liệt đã diễn ra cả năm nay và ngày càng khốc liệt cho đến hết năm nay.”
Nhiệm vụ của đại hội đảng là đánh giá kết quả thực hiện nghị quyết của nhiệm kỳ vừa qua; Quyết định đường lối, chính sách của đảng nhiệm kỳ tới; Bầu Ban chấp hành trung ương; Số lượng ủy viên trung ương chính thức và ủy viên trung ương dự khuyết do đại hội quyết định; Bổ sung, sửa đổi cương lĩnh chính trị và điều lệ đảng khi cần.
Nhà báo Phạm Thành kết luận:
“Các nhóm lợi ích trước nay đã đấu đá với nhau nhưng đến giai đoạn này thì nó quyết liệt hơn. Những người không cùng cánh với ông Trọng là đối tượng mà trong nhóm cầm quyền hiện nay, đứng đầu là ông Nguyễn Phú Trọng sẽ loại hết.”
Giới quan sát thường nhắc đến một số tên tuổi từng làm việc dưới thời ông thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng hiện đang phải ở tù như trường hợp ông Đinh La Thăng. Ông Thăng cũng từng là cựu ủy viên Bộ Chính Trị và chức vụ khi bị bắt là bí thư thành ủy thành phố Hồ Chí Minh.
Đích thân ông Võ Văn Thưởng, trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương của Đảng Cộng sản Việt Nam, vào ngày 28 tháng 12 năm ngoái, trong phát biểu tại Hội nghị báo chí toàn quốc nhắn nhủ các cơ quan báo chí Nhà nước trước kỳ đại hội đảng 13 phải “… hết sức tỉnh táo trước những việc lợi dụng báo chí để đấu đá nội bộ, cạnh tranh phe nhóm, PR hình ảnh mang màu sắc dân túy, mị dân.”
https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/whether-or-not-the-selection-for-putting-discipline-b4-the-13th-congress-dt-05052020140824.html

0 comments

Leave a comment

Powered by Blogger.