Hải Ngoại Ngày Nay


LIÊN KẾT HẢI NGOẠI YỂM TRỢ QUỐC NỘI ĐẤU TRANH

GIẢI THỂ CHẾ ĐỘ ĐỘC TÀI VIỆT CỘNG

GIẢi TRỪ HIỂM HỌA XÂM LĂNG TRUNG CỘNG

Tin Biển Đông – 06/05/2020

Wednesday, May 6, 2020 6:17:00 PM // ,

Tin Biển Đông – 06/05/2020

Việc làm ngang ngược và phi lý của TQ ở Biển Đông

Trung Quốc lại “đổ thêm dầu vào lửa” căng thẳng ở Biển Đông khi có thêm hành động ngang ngược và phi lý mới tại vùng biển này bằng việc đơn phương tuyên bố cấm đánh bắt cá trên vùng biển mà họ không hề có chủ quyền hợp pháp theo luật pháp quốc tế.
Toan tính phía sau hành động ngang ngược, phi lý
Theo hãng tin Tân Hoa xã của Trung Quốc, nước này đã đơn phương ra lệnh cấm đánh bắt cá ở vùng biển rộng lớn trên Biển Đông, bắt đầu được áp dụng từ 12 giờ (giờ địa phương) ngày 1-5 đến 12 giờ (giờ địa phương) ngày 16-8-2020. Phạm vi cấm đánh bắt theo tuyên bố ngang ngược và phi lý của Trung Quốc, trải dài từ vùng biển phía bắc Biển Đông đến 12 độ vĩ Bắc, tức là bao gồm cả một phần vịnh Bắc bộ và quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam.
Cùng với tuyên bố đơn phương trên, lực lượng hải cảnh của Trung Quốc cũng lớn tiếng dọa nạt rằng, lực lượng này sẽ thực thi lệnh cấm một cách nghiêm ngặt theo cái gọi là quy định và luật pháp liên quan. Có thể thấy ngay rằng, tiếng là thực hiện lệnh cấm để “đẩy phát triển ngành thủy sản bền vững và cải thiện sinh thái biển”, song thực chất Trung Quốc dùng đó như một cái cớ hòng đòi áp đặt chủ quyền tại vùng biển mà họ không hề có chủ quyền hợp pháp theo luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước Liên Hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS 1982).
Trung Quốc một lần nữa giở “chiêu” cũ là tuyên bố áp đặt chủ quyền phi lý và phi pháp ở Biển Đông, nơi mà Bắc Kinh đang đơn phương đòi hỏi chủ quyền với khoảng 80% diện tích theo yêu sách “đường lưỡi bò” (còn gọi là “đường lưỡi bò 9 đoạn” hay “đường 9 đoạn”). Đi liền với đó, Trung Quốc dùng sức mạnh (đội tàu hải cảnh, kiểm ngư đông đảo) để áp đặt chủ quyền, dọa nạt, đâm va, bắt giữ tàu cá của các nước khác với lý do “vi phạm lệnh cấm đánh bắt cá”.
Tuyên bố ngang ngược và phi lý về việc cấm đánh bắt cả ở Biển Đông của Trung Quốc vì thế đang làm dấy lên những lo ngại sâu sắc, được xem là hành động “đổ thêm dầu vào lửa” khi mà tình hình vùng biển này đang trở lên căng thẳng do hàng loạt hành vi gây hấn và bắt nạt của Bắc Kinh. Trước đó, đầu tháng 4-2020, tàu hải cảnh của Trung đã đâm chìm tàu cá của Việt Nam khi đang đánh bắt tại vùng biển gần đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam.
Đáng lo ngại nhất là việc Trung Quốc lợi dụng thế giới đang dốc sức chống chọi với đại dịch Covid-19 vốn xuất phát từ nước này để có hàng loạt những bước đi nhằm hiện thực hóa tham vọng đòi chủ quyền phi pháp ở Biển Đông theo yêu sách đơn phương “đường lưỡi bò” như thông báo thành lập những cái gọi là “quận Tây Sa” (tức quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam) và “quận Nam Sa” (tức quần đảo Trường Sa của Việt Nam) tại “thành phố Tam Sa” vào ngày 18-4 vừa qua. Và chỉ một ngày sau, Trung Quốc lại tiếp tục vi phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam khi công bố cái gọi là danh xưng tiêu chuẩn của 25 đảo và rạn san hô cùng 55 thực thể ở Biển Đông mà phần lớn những đảo, rạn san hô và thực thể này nằm trong hai quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền hợp pháp của Việt Nam.
Hành động để bác bỏ đòi hỏi chủ quyền phi pháp
Việc Trung Quốc leo thang những hành động nhằm hiện thực hóa tham vọng chủ quyền phi lý ở Biển Đông một lần nữa làm “dậy sóng” vùng biển chiến lược với tất cả các quốc gia khu vực cũng như các cường quốc, trung tâm kinh tế-chính trị lớn của thế giới. Đại sứ Liên minh châu Âu (EU) tại ASEAN Igor Driesmans trong trả lời phỏng vấn phóng viên TTXVN tại ASEAN mới đây đã nêu rõ, EU quan ngại về các hành động đơn phương gần đây ở Biển Đông, trong đó có việc triển khai tạm thời hoặc thường trực các lực lượng hoặc thiết bị quân sự trên các thực thể hàng hải đang tranh chấp, quấy rối hoặc đe dọa tàu cá và các tàu khác, cũng như cố gắng đơn phương áp đặt các địa giới hành chính mới… Đại sứ EU tại ASEAN nhấn mạnh, những hành động nói trên đã “làm gia tăng căng thẳng” và “hủy hoại” môi trường an ninh hàng hải trong khu vực, “đe dọa nghiêm trọng” đến sự phát triển kinh tế hòa bình trong khu vực.
Từng khẳng định là quốc gia châu Á-Thái Bình Dương và có lợi ích sống còn tại khu vực, Mỹ đã thẳng thừng chỉ rõ và lên án những việc làm mà cường quốc này cho rằng là hành động bắt nạt của Bắc Kinh ở Biển Đông. Trước những hành động gây hấn của Trung Quốc, Mỹ đã triển khai tàu tuần dương mang tên lửa dẫn đường USS Bunker Hill và tàu khu trục mang tên lửa dẫn đường USS Barry thực hiện sứ mệnh “hoạt động tự do hàng hải” tại những hòn đảo và thực thể thuộc hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam bị chiếm đóng trái phép, động thái nhằm thể hiện thông điệp bác bỏ đòi hỏi chủ quyền phi pháp của Trung Quốc cũng như thúc giục kiềm chế các hành vi gây hấn và bắt nạt ở Biển Đông.
Tại một diễn đàn trực tuyến do Hiệp hội Báo chí nước ngoài Philippines tổ chức mới đây, nguyên Phó Chánh án Tòa án tối cao Philippines Antonio Carpio đã nhắc lại đề xuất tuần tra chung giữa Philippines, Malaysia và Việt Nam. Ông Carpio cho rằng, đây là giải pháp để đối phó với “sự leo thang nghiêm trọng” từ các hoạt động gần đây của Trung Quốc ở Biển Đông.

Biển Đông: Trung Quốc khoe tập trận liên tục, chuẩn bị đáp trả “khiêu khích” của Mỹ

Thu Hằng
Ngoài việc chuẩn bị chuẩn bị lập vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) ở Biển Đông, theo phát biểu của bộ trưởng Quốc Phòng Đài Loan ngày 05/05, Hải Quân Trung Quốc liên tiếp tăng cường các hành động gia tăng căng thẳng, tiến hành tập trận trong những ngày gần đây ở Biển Đông để củng cố tham vọng độc chiếm vùng biển.
Theo giới phân tích, được Global Times (bản tiếng Anh của Hoàn Cầu Thời Báo) trích dẫn ngày 05/05/2020, Hải Quân Trung Quốc tổ chức thao dượt hoàn thiện phối hợp ba lực lượng: chiến đấu cơ J-15, tầu sân bay và tầu ngầm để giám sát Biển Đông và “sẵn sàng đáp trả hành động khiêu khích quân sự của Mỹ”, kể cả khi Hải Quân Hoa Kỳ điều tầu sân bay trở lại khu vực, sau khi trang Navy Times của Hải Quân Mỹ đưa tin ngày 27/04 rằng tầu sân bay USS Nimitz đã rời cảng đến hoạt động ở vùng Thái Bình Dương vào mùa hè này.
Đài truyền hình trung ương Trung Quốc CCTV ngày 04/05 đưa tin về cuộc diễn tập của chiến đấu cơ J-15 cất cánh từ một hải cảng trên đảo Hải Nam, được cho là để bổ sung cho lực lượng của tầu sân bay thứ hai Sơn Đông (Shandong), mới được đưa vào hoạt động và đang neo đậu ở Hải Nam. Trước đó, tầu sân bay Liêu Ninh đã hoàn thành đợt tập trận ở Biển Đông hôm 30/04.
Ngoài ra, vẫn theo CCTV, ba tầu chiến thuộc hạm đội hộ tống số 35 của Hải Quân Trung Quốc, gồm tầu khu trục Thái Nguyên (Taiyuan), tầu hộ tống Kinh Châu (Jingzhou) và tầu tiếp liệu Sào Hồ (Chaohu), cũng tham gia tập trận bắn đạn thật ở quần đảo Trường Sa vào thứ Bẩy 02/05, sau khi đã tiến hành chiến dịch chống hải tặc ở Vịnh Aden, ngoài khơi Somalia.
Giới chuyên gia, được báo Hồng Kông South China Morning Post trích dẫn ngày 05/05, cho rằng cuộc diễn tập ở Trường Sa, trên danh nghĩa là nhằm tăng cường bảo vệ tầu hàng của Trung Quốc trong phạm vi từ Biển Đông đến eo biển Miyako và Ba Sĩ (Bashi) ở biển Hoa Đông, nhưng thực chất là thu hút sự chú ý của Hoa Kỳ.
Một cuộc tập trận khác, được trang mạng báo quân đội Trung Quốc PLA Daily đưa tin ngày 04/05, liên quan đến đợt luyện tập tuần tra của đội máy bay chống tầu ngầm thuộc Bộ Tư Lệnh Chiến Khu miền nam Trung Quốc. Tờ báo nhắc lại chính lực lượng của chiến khu miền nam đã “đuổi” tầu USS Barry của Mỹ ra khỏi khu vực Hoàng Sa hôm 28/04.
Hải Quân Trung Quốc tăng cường tập trận trong bối cảnh Hoa Kỳ liên tục thực hiện các chuyến tuần tra ở Biển Đông sau khi Bắc Kinh ngang nhiên lập hai huyện đảo quản lý Hoàng Sa và Trường Sa và liên tục khiêu khích các nước trong vùng.

Trung Quốc vừa gây hấn trên Biển Đông, vừa dọa nạt các nước

Những hành động ngang ngược, mang tính khiêu khích, vi phạm luật pháp quốc tế của Trung Quốc trên Biển Đông đang gặp phải sự phản ứng mạnh của dư luận thế giới. Ngày càng xuất hiện những phân tích làm rõ thêm âm mưu, thủ đoạn của Bắc Kinh trong chiến lược “độc chiếm Biển Đông”.
Các tuyên bố chủ quyền ngang ngược và phi lý, bóp méo luật pháp quốc tế
Trong diễn biến mới nhất, từ 1-5, Trung Quốc ngang nhiên áp đặt lệnh cấm đánh bắt cá ở Biển Đông với sự giám sát của lực lượng hải cảnh và kiểm ngư nước này. Phạm vi cấm đánh bắt bao gồm cả một phần vịnh Bắc bộ và quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền Việt Nam.
Như vậy có thể thấy hoạt động phi pháp của Trung Quốc trên Biển Đông được tiến hành có hệ thống, bất chấp luật pháp quốc tế. Sau khi đâm chìm tàu cá Việt Nam ở khu vực Hoàng Sa, Trung Quốc tiếp tục áp đặt các yêu sách chủ quyền phi pháp như xây “trạm nghiên cứu” ở Trường Sa, ngang nhiên đặt tên các khu vực quản lý hành chính ở Trường Sa và Hoàng Sa.
Tiếp đó, Trung Quốc tự đặt tên khoảng 80 thực thể ở Biển Đông, hải quân Trung Quốc thì hướng radar điều khiển hỏa lực vào tàu hải quân Philippines, rồi đưa tàu khảo sát Hải Dương 8 vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam và Malaysia.
Mặc dù sau các hành động này, Bắc Kinh luôn tìm cách đổ lỗi, thậm chí đe dọa các nước khác phải trả giá vì gây nên tình hình căng thẳng nhưng dư luận thế giới không ai chấp nhận nghịch lý này.
Từ góc độ luật pháp quốc tế, giáo sư Tạ Văn Tài, từng giảng dạy tại Đại học Harvard (Mỹ), nhấn mạnh việc Trung Quốc tuyên bố chủ quyền với “đường lưỡi bò” chiếm tới gần 80% diện tích Biển Đông là vô lý bởi Trung Quốc không đưa ra được bằng chứng pháp lý nào đủ thuyết phục, đồng thời vi phạm chủ quyền trên biển của các nước khác được quy định rõ ràng trong Công ước LHQ về Luật biển (UNCLOS) năm 1982.
Còn theo Tiến sĩ James Rogers, Giám đốc Chương trình “Global Britain” thuộc Viện Henry & Jackson (Anh), những tuyên bố chủ quyền phi pháp và hành động quá mức của Trung Quốc ở Biển Đông đang hủy hoại luật pháp quốc tế, gây mất ổn định an ninh khu vực. Ông Bill Hayton, tác giả cuốn “Biển Đông và Việt Nam”, thì cho rằng thật khôi hài khi chứng kiến Trung Quốc duy trì các tuyên bố chủ quyền nực cười, đồng thời cố gắng viết lại luật pháp quốc tế.
Về tuyên bố của Trung Quốc tự đặt tên cho các thực thể địa lý ở Biển Đông, hãng tin ANNA-News của Nga dẫn ý kiến chuyên gia nước này cho rằng các quốc gia không thể đòi hỏi chủ quyền đối với các chủ thể dưới mặt nước biển nếu như các chủ thể này không nằm trong phạm vi 12 hải lý tính từ điểm xác định gần nhất trên đất liền. Do đó, việc Trung Quốc đặt tên cho các đảo, đá và các thực thể dưới đáy Biển Đông là phi lý và vi phạm luật pháp quốc tế.

Không phải Bắc Kinh tiếp lửa mà đang gây khói!

Năm 1958, ông Phạm Văn Đồng là Thủ tướng nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (VNDCCH) đã gửi Công hàm cho người đồng cấp Chu Ân Lai của phía Trung Quốc. Nội dung Công hàm hoàn toàn không phải là thừa nhận Hoàng Sa, Trường Sa thuộc về Trung Quốc. Thế nhưng Bắc Kinh vẫn liên tục vin vào cái cớ này để nhận sằng. Cho đến hôm 17/4/2020 Bắc Kinh lại viện dẫn Công hàm này, gửi lên Liên hợp quốc, những cáo buộc rằng, Việt Nam xâm phạm chủ quyền, xâm chiếm biển, đảo của Trung Quốc (!).
Sự thật đã được phía Việt Nam giải thích nhiều lần. Rằng, Công hàm của Thủ tướng Phạm Văn Đồng, năm 1958, không ảnh hưởng gì đến quá trình thực thi chủ quyền liên tục của Việt Nam đối với Hoàng Sa và Trường Sa.
Xin quý độc giả Biển Đông nhớ lại, ngày 21-7-1954, Hiệp định Geneva được ký kết. Theo Hiệp định, lãnh thổ Việt Nam tạm chia thành hai vùng: Miền Bắc do Việt Nam Dân chủ Cộng hòa kiểm soát; miền Nam do Liên hiệp Pháp và các lực lượng thân Pháp, trong đó có Quốc gia Việt Nam (QGVN), kiểm soát.
Theo đó vĩ tuyến 17 được xác định là ranh giới tạm thời giữa hai miền.
Một năm sau đó (1955), QGVN đổi tên thành Việt Nam Cộng hòa (VNCH) do Ngô Đình Diệm làm tổng thống. Không lâu sau, quân đội VNCH đã trú đóng ở phần phía tây quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa.
Vậy thì khi ông Phạm Văn Đồng gửi Công hàm cho ông Chu Ân Lai, chỉ có VNCH, là thực thể chính trị duy nhất thực thi chủ quyền với hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa. Trong Công hàm, ông Phạm Văn Đồng thay mặt Chính phủ VNDCCH, không thể hiện sự phản đối trực tiếp tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc đối với hai quần đảo là vì lẽ đó.
Trong 20 năm từ 1954 đến 1975, theo Công ước Montevideo 1933, trên lãnh thổ Việt Nam tồn tại hai thực thể chính trị với tư cách quốc gia: VNDCCH và VNCH. Cho dù các nước trên thế giới có công nhận hay không công nhận chính phủ VNDCCH hay VNCH thì cũng không làm ảnh hưởng tư cách quốc gia của họ. Chiếu theo luật pháp quốc tế, VNCH hoàn toàn có tư cách quốc gia để thực thi chủ quyền với Hoàng Sa và Trường Sa. Trong khi đó VNDCCH ở giai đoạn này không có thẩm quyền với hai quần đảo nêu trên.
Đã không có thẩm quyền thì Chính phủ VNDCCH không nhất thiết phải tuyên bố phản đối tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc vào năm 1958.
Sau ngày 30/4/1975, miền Nam hoàn toàn giải phóng, giang sơn quy về một mối. Tổ quốc thống nhất và có sự thống nhất về chính quyền trên lãnh thổ Việt Nam. Cũng theo Công ước Montevideo, sự thay đổi chính quyền không làm thay đổi quốc gia. Theo quy định của Hiến chương Liên hợp quốc, việc lựa chọn một chính quyền để đại diện cho toàn thể nhân dân trên một quốc gia hoặc vùng lãnh thổ nào đó là quyền tự quyết của nhân dân sống trong quốc gia/vùng lãnh thổ đó.
Ở miền Nam -Việt Nam, Mặt trận dân tộc giải phóng ra đời vào năm 1960 và kết thúc sứ mệnh vào ngày 30/4/1975 , Cộng hòa miền Nam Việt Nam (CHMNVN) được thành lập, trở thành thể chế chính trị duy nhất đại diện cho nhân dân miền Nam.
Từ đây CHMNVN có quyền và trong thực tế đã kế thừa một cách hợp pháp chủ quyền của VNCH đối với Trường Sa và Hoàng Sa. Trung Quốc chính là một trong những quốc gia đầu tiên công nhận CHMNVN là đại diện duy nhất của nhân dân miền Nam Việt Nam. Nói cách khác Trung Quốc đã gián tiếp công nhận, sau khi tiếp nhận sự đầu hàng của VNCH, CHMNVN đã chính thức kế thừa chủ quyền đối với hai quần đảo. Điều này hoàn toàn phù hợp luật pháp quốc tế.
Cho đến khi tổng tuyển cử, thống nhất đất nước vào năm 1976, toàn lãnh thổ Việt Nam chỉ còn một quốc gia, với chính quyền duy nhất là Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Từ đây Nhà nước CHXHCN Việt Nam kế thừa chủ quyền hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Mọi chuyện đã rõ như ban ngày thế nhưng Bắc Kinh vẫn cố tình xuyên tạc sự thật. Họ cho rằng Việt Nam vi phạm nguyên tắc Estoppel. Xin thưa, Estoppel là một nguyên tắc của luật pháp quốc tế, có nghĩa là một chủ thể luật pháp – chủ thể đó có thể là người, hoặc cơ quan, tổ chức, quốc gia – không được phép nói hoặc hành động trái ngược những gì mình đã nói hoặc hành động trước đó.
Thế nhưng Công hàm của ông Phạm Văn Đồng chỉ lên tiếng ủng hộ quan điểm vùng lãnh hải rộng 12 hải lý. Công hàm không hề nói đến hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Công hàm cũng không hề cho rằng chủ quyền trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là thuộc Trung quốc. Vậy thì không thể nói Việt Nam “hành động trái ngược”.
Đó là lý lẽ chắc chắn, rạch ròi của luật pháp.
Thế nhưng nhiều năm nay Trung Quốc vẫn cố tình suy diễn “Công hàm Phạm Văn Đồng” để xuyên tạc sự thật. Về phía Việt Nam, từ ngày 31/1/2018 đến nay, phái đoàn thường trực Việt Nam tại Liên hợp quốc đã nhiều lần gửi công hàm, phản đối Trung Quốc, khẳng định lập trường trước sau như một: Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam!
Lần này cũng vậy, sau hàng loạt hành động phi pháp trong tháng 4 và những ngày đầu tháng 5 này, khiến cho tình hình biển Đông căng thẳng, Trung Quốc lại trình lên Liên hợp quốc cái lý lẽ đã bị bác bỏ từ lâu.
Bắc Kinh lại ném thêm những thanh củi mục vào lò. Không phải họ tiếp lửa mà cố tình gây khói. Để đánh lạc hướng dư luận quốc tế. Để chờ nghĩ mưu sâu kế hiểm. Nhưng không ai khác chính người tiếp củi mục bị sặc khói đầu tiên.

Biển Đông: ‘Mỹ gửi tín hiệu mạnh làm Trung Quốc khó chịu’

Mặc dù Trung Quốc ‘khó chịu’, sự xuất hiện của các tàu chiến, khu trục hạm, phi cơ oanh tạc chiến lược của Mỹ ở Biển Đông vẫn diễn ra như một tín hiệu mạnh.
“Tôi nghĩ đây là một tín hiệu khá mạnh, so với trước đây Mỹ cũng có những hoạt động ấy, nhưng bây giờ tình hình hiện nay, đấy cũng thể hiện môt quyết tâm của Hoa Kỳ trong việc sẵn sàng ngăn cản các hoạt động phi pháp của Trung Quốc,” nguyên Trưởng Ban Biên giới Chính phủ Việt Nam, TS. Trần Công Trục nói với BBC News Tiếng Việt hôm 04/5/2020.
“Đây là một điều dư luận quốc tế rất quan tâm và hoan nghênh, tất nhiên là với mong mỏi là các sự việc phải được giải quyết một cách hòa bình.
“Đừng gây ra những xung đột để lôi kéo các nước trong khu vực vào một cuộc chiến tranh, vào một xung đột bất lợi cho hòa bình chung, nhất là trong bối cảnh đại dịch Covid-19 gây khó khăn rất nhiều mặt trên trái đất này, trên toàn thế giới.”
“Mọi chuyện phải có kiềm chế cần thiết, cần kêu gọi các bên có sự thượng tôn pháp luật và kiềm chế cần thiết để đừng xảy ra các cuộc xung đột, đừng lợi dụng đau khổ của nhân loại để tiến hành thêm những hành động khiến xảy ra những đau khổ nhiều hơn nữa.”
Tiến sỹ Trần Công Trục nhắc lại nhận định của ông là Trung Quốc “muốn độc chiếm Biển Đông”.
“Nên rõ ràng sự có mặt của Hoa Kỳ và Úc, Ấn Độ chẳng hạn, thì họ rất không đồng ý, khó chịu.”
“Nhưng không thể nào vì thái độ đó mà các nước họ ngưng các hoạt động của mình để cho Trung Quốc muốn làm gì thì làm.”
‘Chính sách nhất quán’
Cũng từ Hà Nội, hôm thứ Hai, từ Viện Nghiên cứu Chính sách, Pháp luật và Phát triển, Viện trưởng Hoàng Ngọc Giao nói với BBC rằng diễn biến tàu hải quân và phi cơ Mỹ hoạt động ở Biển Đông vừa thể hiện ‘chính sách nhất quán’ của Mỹ, vừa là một tín hiệu ‘cảnh báo’:
“Việc mà Mỹ gần đây đã điều hai oanh tạc cơ chiến lược B1B Lancer đến vùng Biển Đông, bay từ lãnh thổ Mỹ với thời gian đến hơn 30 tiếng đồng hồ, thể hiện một chính sách nhất quán của Mỹ về việc đảm bảo tự do, an ninh, an toàn hàng hải, cũng như an ninh của chiến lược về Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương rộng mở và tự do.”
“Nó khẳng định sự nhất quán về chính sách, cũng như quyết tâm của chính phủ Mỹ với đảm bảo duy trì hòa bình, an ninh và ổn định ở khu vực.
“Thứ hai, đây cũng là một động thái có thể hiểu như một sự cảnh báo đối với những hành động có tính chất hung hăng và khiêu khích ngày càng mạnh mẽ hơn từ phía Trung Quốc.”
“Chính phủ Mỹ đã rất kiên định, kiên quyết thực hiện đường lối đối ngoại và quốc phòng của mình để đảm bảo an ninh trong khu vực.”
Trung Quốc không ‘chùn bước’
Nhưng PGS. Hoàng Ngọc Giao không cho rằng động thái này có thể làm thay đổi các kế hoạch từ trước và tính toán hiện tại của Trung Quốc.
“Trung Quốc muốn thực hiện được cái gọi là lợi ích cốt lõi, tức là độc chiếm Biển Đông, cũng như đồng thời đe dọa độc lập của Đài Loan, đe dọa quyền tự do hàng hải, hàng không ở Biển Đông đối với các quốc gia.”
“Hiện nay Trung Quốc đang gặp rất nhiều khó khăn do dịch Covid-19, với ngày càng có nhiều chứng cứ về việc thiếu trách nhiệm của chính quyền Trung Quốc để lây lan rộng rãi đại dịch, và điều này càng làm Trung Quốc bị cô lập, càng làm cho nội bộ Trung Quốc có vấn đề.
“Do đó, họ muốn quấy động những vấn đề quốc tế để đánh lạc hướng dư luận, cũng như nhằm giải tỏa những mâu thuẫn, khó khăn ở trong nội bộ, nội địa Trung Quốc, và vì thế tôi không nghĩ là Trung Quốc sẽ chùn bước.
“Theo tôi, họ sẽ vẫn có thể tiếp tục những hành vi khiêu khích, bắt nạt và thậm chí sử dụng quân sự, hoặc dưới vỏ bọc, hay ‘mặt nạ’ gọi là dân sự, để thực hiện những hành vi vũ trang, cũng như đe dọa sử dụng vũ lực đối với các nước trong khu vực.”
Khi được hỏi, Việt Nam cần có hành động chính sách gì để tự vệ hoặc đảm bảo các quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của mình ở Biển Đông và khu vực trong hiện nay và tới đây, PGS. Hoàng Ngọc Giao đề cập chính sách ba không của Việt Nam.
“Việt Nam có chính sách ba không công bố như một chính sách chính thức trong Sách Trắng Quốc phòng của chính phủ Việt Nam, nhưng nếu hỏi là chính sách này có được nhân dân hưởng ứng và tán thành không, thì tôi nghĩ rằng là khó có chuyện đó.
“Bởi vì người dân rất là mong muốn, có thể là chưa liên minh ngay với Hoa Kỳ rồi các nước trong khu vực như là Úc, Nhật Bản, hay Ấn Độ, nhưng ít nhất cũng phải tăng cường hữu hiệu sự hợp tác về an ninh, quốc phòng.
“Thế nhưng chính sách ba không, Sách Trắng Quốc phòng của Việt Nam rõ ràng gây ra những thất vọng đối với rất nhiều người ở Việt Nam.”
“Động thái hợp tác về mặt quân sự đến nay còn rất lỏng lẻo, rời rạc, không phù hợp với tình hình nước sôi, lửa bỏng hiện nay là chủ quyền biển, đảo của Việt Nam đang bị Trung Quốc đe dọa một cách nghiêm trọng.
Tạo thế răn đe?
Theo Phó Giáo sư Hoàng Ngọc Giao, không ai muốn chiến tranh cả, nhưng câu hỏi đặt ra sẽ là liệu chính phủ Việt Nam có thể vừa đơn độc vừa đồng thời dám “sử dụng vũ lực” để thực hiện quyền cảnh sát biển của mình ở ngay trên các vùng biển của Việt Nam nhằm bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Việt Nam hay không.
“Khi Việt Nam đơn độc, liệu có thể làm được điều đó không, nếu như không có một sự chuẩn bị trước là gắn bó, hợp tác chặt chẽ về mặt an ninh, quốc phòng với Hoa Kỳ và với các nước.”
“Nếu Trung Quốc xâm lấn xuống Biển Đông bằng vũ lực và trên thực địa, thì không biết là chính phủ Việt Nam sẽ xoay xở như thế nào?”
Tin tức cho hay, Hoa Kỳ từ ngày 01/5 đã điều động bốn oanh tạc cơ B-1B cùng với 200 quân nhân từ căn cứ Không Quân Dyess ở Texas đến căn cứ Andersen, trên đảo Guam ở Thái Bình Dương.
Trong đó, ba oanh tạc cơ chiến lược B-1B của Mỹ đã bay thẳng đến căn cứ Guam trên Thái Bình Dương, phi cơ còn lại bay đến Nhật Bản nhằm tập huấn với hải quân của Hoa Kỳ tại khu vực.
Không lâu trước đó, hôm 30/04, hai oanh tạc cơ B-1B Lancer, có khả năng mang theo nhiều vũ khí hơn B-52, bao gồm bom dẫn đường JDAM và tên lửa hành trình chống hạm, xuất phát từ căn cứ Nam Dokota của Hoa Kỳ, đã có phi vụ bay diễn tập trong vòng 33 giờ với trọng tâm nhấn vào Biển Đông.
Người phát ngôn của chính quyền và Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã lớn tiếng phản đối các động thái của Mỹ.
Hôm 28/4, khi trả lời báo Việt Nam, đương kim đại sứ Mỹ tại Hà Nội Daniel Kritenbrink đã chỉ trích hoạt động của Trung Quốc ở Biển Đông.
Phản ứng lại, một người phát ngôn Đại sứ quán Trung Quốc tại Việt Nam bày tỏ lập trường:
“Mỹ công kích ác ý Trung Quốc trong vấn đề liên quan hoàn toàn là đổi trắng thay đen, đầy thiên kiến và toàn lời giả dối, mục đích là nhằm đâm bị thóc chọc bị gạo.”

0 comments

Leave a comment

Powered by Blogger.