Tin khắp nơi – 06/05/2020
Wednesday, May 6, 2020
6:14:00 PM
//
- Slider
,
Tin Khắp nơi
Virus corona: Nhà Trắng chuẩn bị giải tán đội đặc nhiệm chống virus
Tổng thống Mỹ Donald Trump xác nhận sẽ bỏ đội đặc nhiệm chống virus corona của Nhà Trắng, và Phó Tổng thống Mike Pence nói rằng cơ quan này có thể bị giải tán trong vài tuần tới.“Chúng tôi đang đưa đất nước trở lại bình thường”, ông Trump nói trong chuyến thăm một nhà máy sản xuất khẩu trang ở Arizona.
Số ca nhiễm mới được xác nhận mỗi ngày ở Mỹ hiện lên đến 20.000, với trên 1.000 người chết mỗi ngày.
Giới chức y tế Hoa Kỳ cảnh báo virus có thể tiếp tục lây lan khi các doanh nghiệp bắt đầu mở cửa trở lại.
Hiện Hoa Kỳ có 1,2 triệu người nhiễm virus corona đã được xác nhận và hơn 70.000 tử vong, theo Đại học Johns Hopkins ở Baltimore, Maryland, nơi đang theo dõi đại dịch.
Tổng thống Trump nói gì?
Trong chuyến thăm nhà máy ở Phoenix sau nhiều tuần chỉ ở tại Nhà Trắng, ông Trump nói với báo giới:
“Mike Pence và lực lượng đặc nhiệm đã làm rất tốt, nhưng giờ chúng tôi đang xem xét hình thức khác một chút. Hình thức mới này là an toàn và mở cửa. Và chúng ta sẽ có một nhóm khác có thể được thiết lập cho hoạt động này.”
Tổng thống – người đeo kính bảo hộ nhưng không đeo khẩu trang trong chuyến tham quan nhà máy – đã được hỏi liệu đó có phải là “nhiệm vụ đã hoàn thành” hay không, ông đáp: “Chưa, hoàn toàn chưa phải. Nhiệm vụ chỉ hoàn thành khi dịch bệnh chấm dứt.”
Giới phê bình đã cáo buộc tổng thống hy sinh sức khỏe cộng đồng của người Mỹ khi nóng vội mở lại nền kinh tế trước cuộc tái tranh cử vào tháng 11.
Thừa nhận những tổn thất về con người cho những kế hoạch trên, ông Trump nói với các phóng viên: “Tôi không nói bất cứ điều gì là hoàn hảo, và đúng như thế, một số người sẽ bị ảnh hưởng chứ? Đúng vậy.”
“Sẽ có một vài người bị ảnh hưởng nặng nề? Đúng. Nhưng chúng ta phải cho đất nước mở cửa và phải mở cửa sớm.”
Tổng thống Trump yêu cầu các nhà máy chế biến thịt duy trì hoạt động
Virus corona: Trump nói ông ‘tìm thấy bằng chứng virus bắt nguồn từ phòng thí nghiệm TQ’
Virus corona: Vấn đề Donald Trump chưa từng phải đối mặt
Tổng thống cũng được hỏi liệu các chuyên gia trong lực lượng đặc nhiệm của Nhà Trắng, gồm Tiến sĩ Deborah Birx và Tiến sĩ Anthony Fauci, có còn tham gia vào các nỗ lực giải quyết virus corona hay không.
“Họ sẽ tham gia và sẽ có thêm nhiều bác sĩ, nhiều chuyên gia khác trong lĩnh vực này,” tổng thống trả lời.
Các cuộc họp hàng ngày của lực lượng đặc nhiệm ngày càng trở nên khan hiếm kể từ khi ông Trump bị cộng đồng y tế lên án mạnh mẽ tháng trước khi ông suy ngẫm trên bục giảng rằng liệu tiêm thuốc tẩy trùng vào người có thể giết chết virus hay không.
Phó tổng thống nói gì?
Trước đó hôm thứ Ba, Phó tổng thống Pence nói với các phóng viên trong một cuộc họp báo rằng lực lượng đặc nhiệm có thể sớm bị giải tán.
Ông cho biết chính quyền Trump đã “bắt đầu hướng tới điểm mốc Ngày tưởng niệm [cuối tháng 5], đầu tháng 6 là thời điểm chúng ta có thể bắt đầu dịch chuyển trở lại, để các cơ quan bắt đầu vận hành, bắt đầu khởi động để điều hành phản ứng quốc gia theo cách truyền thống hơn.”
Ông nói rằng điều này “phản ánh bước tiến to lớn mà chúng ta đã đạt được với tư cách là một quốc gia”.
Ông Pence đã lãnh đạo lực lượng đặc nhiệm, báo cáo trực tiếp lên tổng thống và phối hợp với các cơ quan y tế, giới chức chính trị và các thống đốc tiểu bang. Nhóm cũng đã tham khảo ý kiến chuyên gia y tế để xây dựng bộ hướng dẫn quốc gia về giãn cách xã hội.
Thư ký báo chí Nhà Trắng Kayleigh McEnany sau đó đã tweet rằng tổng thống “sẽ tiếp tục cách tiếp cận dựa trên dữ liệu của mình để mở cửa trở lại một cách an toàn”.
Sinh mạng và sinh kế
Phân tích của Anthony Zurcher, phóng viên Bắc Mỹ
Sự chuyển hướng của Nhà Trắng từ việc tập trung vào việc bảo vệ sức khỏe cộng đồng trong đại dịch virus corona sang việc ứng phó các tác động kinh tế của nó vẫn đang tiếp diễn.
Trong hơn một tháng qua, lực lượng đặc nhiệm đã đại diện cho chính phủ đối phó cuộc khủng hoảng, mặc dù trong các cuộc họp báo của ban đặc nhiệm, Tổng thống Trump đôi khi sa đà vào những đề tài không liên quan đến chủ đề này.
Tuy nhiên, mỗi khi tổng thống không phát biểu, các quan chức y tế công cộng của chính phủ đã dẫn dắt cuộc nói chuyện.
Giờ đây, có vẻ như các quan chức thiết lập chương trình hành động có vẻ quan tâm nhiều hơn đến các vấn đề việc làm, doanh nghiệp và sức khỏe tài chính của quốc gia – mặc dù số trường hợp nhiễm virus trên khắp nước Mỹ tiếp tục gia tăng.
Tuy nhiên, những người ủng hộ cốt lõi của tổng thống đang ngày càng thất vọng với các lệnh ở nhà do chính quyền ban hành. Một số tiểu bang, với sự khuyến khích của tổng thống, đã bắt đầu nới lỏng các hạn chế, mặc dù chưa đáp ứng đủ điều kiện theo hướng dẫn của Nhà Trắng về thời điểm thực hiện việc mở cửa trở lại.
Tất nhiên, những khuyến nghị đó do ban đặc nhiệm chống virus corona hiện tại ban hành. Và “nhóm khác” trong một “hình thức khác” thay thế nó, như tổng thống mô tả, có thể có những ý tưởng khác.
Mỹ đã kiểm soát được đại dịch?
Chưa. Bên cạnh New York, nơi vẫn là ổ dịch tại Mỹ mặc dù các ca nhiễm mới giảm liên tục, mức độ lây nhiễm vẫn tiếp tục tăng trên phần lớn các khu vực khác của đất nước.
Nhiều tiểu bang sau khi cho phép một phần nền kinh tế hoạt động trở lại – bao gồm Texas, Iowa, Minnesota, Tennessee, Kansas, Nebraska và Indiana – đang chứng kiến nhiều ca nhiễm mới được báo cáo mỗi ngày.
Trong khi một số thành phố như New York, New Orleans và Detroit đã cho thấy sự cải thiện, những thành phố khác như Los Angeles, Washington DC và Chicago đang chứng kiến sự gia tăng bệnh nhân mới hằng ngày.
Theo báo cáo từ Cơ quan Quản lý Khẩn cấp Liên bang (Fema), từ nay cho đến tháng tới, mỗi ngày có thể có hơn 3.000 người chết do virus corona.
Nhà Trắng đã bác bỏ báo cáo trên, cho rằng nó không chính xác, và ông Trump nói rằng báo cáo đã vẽ ra một kịch bản trong đó người Mỹ không có nỗ lực nào để làm giảm sự lây nhiễm.
Hôm Chủ nhật, tổng thống đã tăng dự báo về tổng số ca tử vong do đại dịch ở Mỹ lên 100.000. Cách đây hai tuần, ông từng nói sẽ có ít hơn 60.000 chết.
Viện Đo lường và Đánh giá Sức khỏe tại Đại học Washington, một mô hình dự báo công khai thường được Nhà Trắng trích dẫn, hiện ước tính Covid-19 sẽ gây ra 135.000 ca tử vong ở Mỹ tính tới ngày 4/8. Con số này cao hơn gấp đôi so với dự báo vào ngày 17/4.
https://www.bbc.com/vietnamese/world-52542605
Hãng dược Pfizer thử nghiệm vaccine ngừa coronavirus tại Hoa Kỳ
Tin Washington DC – Hãng dược Pfizer đã bắt đầu thử nghiệm loại vaccine mới ngừa coronavirus tại Hoa Kỳ. Cuộc thử nghiệm này sẽ bao gồm 360 người tình nguyện, và nhóm người đầu tiên đã được chích ngừa.Vaccine được hợp tác phát triển bởi hãng Pfizer và hãng công nghệ sinh học BioNTech của Đức. Ngoài Hoa Kỳ, khoảng 200 bệnh nhân khác cũng đã ghi danh thử nghiệm vaccine tại Đức. Loại thuốc ngừa được thử nghiệm là một loại vaccine mRNA, tức vaccine có chứa đoạn mã di truyền tạo ra protein của virus, có khả năng kích thích phản ứng miễn dịch của bệnh nhân đã nhiễm virus.
Trước đây, hãng BioNTech từng phát triển các phương pháp chữa trị ung thư dựa trên mRNA. Ông Philip Dormitzer, phó chủ tịch và trưởng nhóm khoa học của đơn vị chế tạo vaccine của Pfizer, cho biết hãng này có nhiều kinh nghiệm trong việc phát triển vaccine cho các bệnh truyền nhiễm, trong khi hãng BioNTech rất chuyên nghiệp trong công nghệ RNA, do đó, sự hợp tác của họ là hết sức lý tưởng. Nhiều phiên bản vaccine khác nhau đã được thử nghiệm vào thứ Hai, 4 tháng 5.
Pfizer và BioNTech sau đó sẽ chọn ra phiên bản vaccine an toàn nhất và tạo ra phản ứng miễn dịch tốt nhất. Dù chỉ mới bắt đầu thử nghiệm trên người, hãng Pfizer đang chuẩn bị thiết lập dây chuyền sản xuất vaccine hàng loạt. Hãng dược cho biết đây là cách duy nhất để bảo đảm rằng vaccine sẽ sẵn sàng trong thời gian sớm nhất để đối phó dịch bệnh.
Một loại vaccine khác, được phát triển bởi hãng công nghệ sinh học Moderna và Viện bệnh truyền nhiễm quốc gia, cũng dựa trên công nghệ mRNA. Vaccine này đã được thử nghiệm trên người từ tháng trước. (Ngô Bảo)
https://www.sbtn.tv/hang-duoc-pfizer-thu-nghiem-vaccine-ngua-coronavirus-tai-hoa-ky/
Những công ty có thể hoạt động trở lại vào cuối tuần này tại California
Tin từ California – Vào hôm thứ hai (ngày 4 tháng 5), thống đốc California Gavin Newsom đã thông báo nới lỏng lệnh cách ly xã hội vào cuối tuần này, đặc biệt là việc cho phép một số công ty có thể mở cửa trở lại.Thống đốc cho biết nhà sách, cửa hàng âm nhạc, cửa hàng đồ chơi, cửa hàng bán hoa, nhà bán lẻ đồ thể thao, cửa hàng quần áo và những cửa hàng khác có thể mở cửa trở lại sớm nhất là vào thứ Sáu (ngày 8 tháng 5). Ông Gavin có thể sẽ bổ sung các công ty khác vào cuối tuần.
Trong thời điểm hiện tại, chỉ có các công ty thiết yếu như cửa hàng tạp hóa, cửa hàng thuốc, văn phòng y tế, trạm xăng và cửa hàng sửa xe hơi được phép mở cửa. Các nhà máy cung cấp cho các công ty nói trên cũng sẽ được phép tiếp tục hoạt động.
Trong khi đó, các văn phòng, trung tâm mua sắm và ăn uống tại nhà hàng vẫn được yêu cầu đóng cửa. Các tiệm làm tóc, tụ điểm giải trí, buổi hòa nhạc và thể thao cũng không được tiến hành trong thời gian này. Tuy nhiên, một số quận bao gồm Modoc, Yuba và Sutter ở miền Bắc California đã không tuân thủ lệnh cách ly xã hội của thống đốc và cho phép nhiều hoặc tất cả các loại kinh doanh mở cửa trợ lại.
Thống đốc Newsom không nhắc về việc trừng phạt các quận này vào thứ hai, và chỉ nói rằng “hầu hết trong số 58 quận tại California đang làm điều đúng đắn.” Barbara Ferrer, giám đốc y tế công cộng của Quận Los Angeles cho biết các viên chức quận sẽ chia sẻ kế hoạch phục hồi kinh tế trong tuần này.
Hiện tại, California đang trong Giai Đoạn Một của kế hoạch mở cửa lại nền kinh tế của thống đốc. (BBT)
https://www.sbtn.tv/nhung-cong-ty-co-the-hoat-dong-tro-lai-vao-cuoi-tuan-nay-tai-california/
Các bãi biển tại 3 thành phố thuộc quận Cam sẽ được phép mở cửa
5 ngày sau khi ban hành lệnh đóng cửa tất cả các bãi biển của tiểu bang và địa phương ở Quận Cam để ngăn chặn sự lây lan của coronavirus, vào thứ ba (ngày 5 tháng 5), Thống đốc Gavin Newsom cho biết các bãi biển tại 3 thành phố của Quận Cam sẽ được mở cửa trở lại.Thống đốc đã đạt được thỏa thuận với thành phố Huntington Beach, Seal Beach và Dana Point để dỡ bỏ lệnh đóng cửa có hiệu lực ngay lập tức, một ngày sau khi các kế hoạch do các viên chức chức địa phương ở Laguna Beach và San Clemente được California phê chuẩn. Tất cả ba thành phố nói trên đã đệ trình các kế hoạch phù hợp với hướng dẫn của tiểu bang để tránh tình trạng tràn ngập ở các bãi biển và bảo đảm đủ không gian để người dân giữ khoảng cách an toàn.
Kế hoạch của Huntington Beach bao gồm mở các bãi biển và đường dành cho xe đạp tại các bãi biển để cư dân tiến hành các hoạt động thể dục từ 5 giờ sáng đến 10 giờ tối hằng ngày. Các hoạt động được cho phép bao gồm đi bộ, chạy bộ, đạp xe, bơi lội, lướt sóng, lướt ván, câu cá, chèo thuyền và chèo thuyền kayak. Tất cả các cuộc tụ họp, cũng như tắm nắng, đều bị cấm trong thời gian này.
Trong khi đó, thành phố Seal Beach đang thực hiện một kế hoạch gồm 4 gia đoạn. Bắt đầu vào sáng ngày 11 tháng 5, người dân có thể đến các bãi biển để tập thể dục khi trời còn sáng từ thứ hai đến thứ năm trong tuần, và những ngày từ thứ sáu đến chủ nhật các bãi biển sẽ đóng cửa trong giai đoạn 1. Giai đoạn 2 sẽ cho phép mở cửa từ sáng đến khi hoàng hôn, kể cả cuối tuần. Giai đoạn 3 sẽ cho phép các bãi biển mở cửa từ sáng đến 10 giờ đêm, nhưng các hoạt động tụ tập vẫn bị cấm. Bãi biển sẽ tiếp tục hoạt động đầy đủ trong giai đoạn 4.
Cuối cùng, thành phố Dana Point cũng đưa ra kế hoạch tương tự như Huntington Beach. (BBT)
https://www.sbtn.tv/cac-bai-bien-tai-3-thanh-pho-thuoc-quan-cam-se-duoc-phep-mo-cua/
California định trợ cấp cho người nhập cư bất hợp pháp trong dịch Covid
Những người nhập cư không có giấy tờ hợp pháp sẽ không nhận được chi phiếu từ chính phủ liên bang Hoa Kỳ cứu trợ trong đại dịch COVID, nhưng ở bang California họ sẽ được nhận tiền từ một quỹ cứu trợ thảm họa virus corona trị giá 75 triệu đôla.Loan báo này của thống đốc California, Gavin Newsom, vào giữa tháng 4 đã khơi ra kiện tụng từ những người đóng thuế cáo buộc chính quyền cấp bang sử dụng tiền đóng thuế của cư dân cho “hoạt động phi pháp.”
Nhiều người Mỹ đã nhận được chi phiếu 1.200 đô la từ chính phủ liên bang trong những tuần qua và những người thất nghiệp khác nhận được thêm 600 đô la mỗi tuần từ chính phủ sau khi lệnh ở nhà được ban hành ở khắp các bang của Mỹ, khiến nền kinh tế lâm vào tình trạng điêu đứng.
Nhưng những ai cư trú bất hợp pháp ở Mỹ không đủ điều kiện để nhận bất kì khoản tiền nào, và những người vận động cho họ đã thúc đẩy các bang trám vào khoảng trống này. Hôm 15 tháng 4, thống đốc Newsom, người theo Đảng Dân chủ, tuyên bố sẽ chi 75 triệu đôla tiền thuế để tạo ra một Quỹ Cứu trợ Thảm họa cho những người nhập cư sống ở bang này bất hợp pháp.
“Chúng tôi biết ơn sâu sắc những người đang lo sợ bị trục xuất nhưng vẫn giúp giải quyết các nhu cầu thiết yếu của hàng chục triệu người dân California,” ông nói và lưu ý rằng 10% lực lượng lao động của bang là người nhập cư bất hợp pháp nhưng đã đóng hơn 2,5 tỉ đô la tiền thuế cấp bang và cấp địa phương vào năm ngoái.
Khoản tiền phúc lợi một lần sẽ cấp 500 đô la hỗ trợ cho mỗi người lớn, với mức tối đa là 1.000 đôla cho mỗi hộ gia đình, văn phòng của ông Newsom cho biết. Quỹ này kết hợp 75 triệu đô la tiền quyên góp của nhà nước với 50 triệu đô la từ các nhà hảo tâm tư nhân.
CNN cho biết đây là nỗ lực cấp quỹ đầu tiên của một tiểu bang nhằm giúp đỡ những người nhập cư không giấy tờ trong bối cảnh đại dịch virus corona làm tê liệt phần lớn đất nước và khiến tỉ lệ nghiệp tăng vọt. Các nhóm vận động cho người nhập cư hy vọng đây sẽ không là sự hỗ trợ cuối cùng.
“Virus này không phân biệt chủng tộc, giai cấp hay sự giàu có. Sự ứng phó của chúng ta đối với cuộc khủng hoảng này cũng không nên như vậy. California đang dẫn đầu vào lúc Quốc hội nên làm nhiều hơn cho người nhập cư trong những nỗ lực cứu trợ # COVID19,” Trung tâm Luật Di trú Quốc gia nói trong một phát biểu trên Facebook.
Nhưng biện pháp này đã thu hút sự chỉ trích từ các nhà lập pháp bảo thủ và các nhóm phản đối nhập cư bất hợp pháp, những người cho rằng cung cấp bất cứ hỗ trợ tài chính nào cho những người nhập cư phạm pháp là không công bằng.
Lãnh đạo phe Cộng hòa trong Thượng viện bang California, Shannon Grove, nói ông Newsom thay vào đó nên chi tiền cho các ngân hàng thực phẩm, thiết bị cho học sinh-sinh viên để tiếp tục giáo dục trực tuyến và các chính quyền địa phương đang chật vật vì thất thu.
“Thay vì đáp ứng những nhu cầu cấp bách này, Thống đốc Newsom lại chọn theo đuổi đường lối cánh tả một cách vô trách nhiệm và đơn phương huy động 125 triệu đô la cho những người nhập cư không có giấy tờ,” bà Grove nói, theo tường trình của AP.
Hôm thứ Hai, hai người đóng thuế ở California đã đệ đơn xin tòa án tại Los Angeles ban hành lệnh cấm tạm thời nhắm vào kế hoạch này, chưa đầy một tuần sau khi họ đệ đơn kiện Thống đốc Newsom về khoản tiền 75 triệu đô la định cấp cho người nhập cư bất hợp pháp, theo trang tin của đài NBC Los Angeles.
Chung quy, họ đang yêu cầu một thẩm phán phán quyết sau một phiên xét xử không có bồi thẩm đoàn rằng các khoản tiền này là chi tiêu tiền thuế bất hợp pháp. Họ cũng muốn một lệnh cấm vĩnh viễn được ban hành để ngăn tiền của người thọ thuế được chu cấp cho “những người nước ngoài bất hợp pháp.”
Các nguyên đơn lưu ý rằng khi 4,8 triệu đô la chi phí hành chính cho chương trình này được tính vào thì chi phí tổng cộng sẽ gần 80 triệu đô la.
“Các bị đơn trong vài ngày nữa có ý định chi 79,8 triệu đô la tiền thuế của người dân cho một hoạt động phi pháp,” theo các hồ sơ tòa án của nguyên đơn được NBC Los Angeles dẫn lại.
California có khoảng 2,2 triệu người nhập cư sống bất hợp pháp, nhiều nhất trong số các bang của Mỹ, theo ước tính của Trung tâm nghiên cứu Pew.
Giới hữu trách cấp bang sẽ không quyết định ai nhận được tiền, AP cho biết. Thay vào đó, bang sẽ cấp tiền cho một mạng lưới các tổ chức phi lợi nhuận trong khu vực để tìm và rà soát những người đủ điều kiện được nhận vì người nhập cư không giấy tờ sẽ không liên lạc với chính quyền vì sợ bị trục xuất.
Tại Mỹ, người lao động không giấy tờ là khoảng 7,6 triệu người, chiếm 4,6% lực lượng lao động ở Mỹ, theo số liệu năm 2017 của Pew.
Trong khi một số người cho rằng chính phủ không có trách nhiệm hỗ trợ những người không có giấy tờ trong khi công dân Mỹ đang bị tổn hại về tài chính, những người ủng hộ người nhập cư nói rằng tác động không cân xứng đối với người lao động không giấy tờ là vấn đề rộng lớn hơn.
Trong một cuộc khủng hoảng y tế công, những người ủng hộ nhập cư nói rằng, nếu ai đó cảm thấy họ không thể bỏ làm hoặc không đủ tiền để có được sự chăm sóc y tế, điều đó sẽ ảnh hưởng đến toàn bộ cộng đồng.
https://www.voatiengviet.com/a/california-dinh-tro-cap-cho-nguoi-nhap-cu-bat-hop-phap-trong-dich-covid/5407396.html
Cựu giám đốc cơ quan phát triển thuốc chữa COVID-19 cáo buộc chính quyền Tổng Thống Trump xem nhẹ đại dịch
Tin từ Washington, D.C. – Vào hôm thứ ba (ngày 5 tháng 5), cựu giám đốc cơ quan phát triển thuốc chữa COVID-19 tại Hoa Kỳ, ông Rick Bright, đã đệ đơn tố giác chính quyền Tổng Thống Trump vì sa thải ông khi ông khuyến cáo về nguy cơ của đại dịch coronavirus.Trong đơn khiếu nại, ông Bright cho biết ông từng khuyến cáo các viên chức chính quyền về coronavirus vào tháng 1, nhưng gặp phải sự phản đối từ Bộ trưởng Bộ Y tế và Xã hội (HHS) Alex Azar và các viên chức cao cấp khác trong cơ quan này. Hiện tại, số ca tử vong do coronavirus tại Hoa Kỳ đã lên đến 70,958 người.
Luật sư của ông Bright lập luận rằng việc ông Bright bị cách chức giám đốc Cơ quan nghiên cứu và phát triển nâng cao y sinh (một nhánh của Bộ Y tế và Xã hội Hoa Kỳ) đã vi phạm luật liên bang bảo vệ những người tố giác.
Phát ngôn viên của Bộ Y tế và Xã hội Caitlin Oakley cho biết ông Bright được chuyển sang một công việc mà ông được ủy thác chi tiêu khoảng 1 tỷ mỹ kim để phát triển xét nghiệm chẩn đoán cho COVID-19. Bà Oakley cho biết “Bộ Y tế và Xã hội vô cùng thất vọng vì ông Bright không đi làm, mà thay vào đó là chỉ trích cơ quan.” Ông Bright sẽ điều trần trước Hạ Viện vào ngày 14 tháng 5 tới đây.
Trong một tuyên bố vào tháng trước, Bright cho biết ông bị giáng chức và chuyển sang một công việc khác một phần vì ông đã từ chối nỗ lực quảng bá hydroxychloroquine và chloroquine là thuốc tiềm năng để chữa COVID-19.
Vào thời điểm đó, Tổng Thống Trump liên tục tuyên bố rằng hai loại thuốc trên – thường được dùng để chữa sốt rét – là thuốc chữa coronavrius. Tuy nhiên có quá ít nghiên cứu cho thấy lợi ích của các loại thuốc này đối với bệnh nhân COVID-19. (BBT)
https://www.sbtn.tv/cuu-giam-doc-co-quan-phat-trien-thuoc-chua-covid-19-cao-buoc-chinh-quyen-tong-thong-trump-xem-nhe-dai-dich/
Covid-19 đe dọa dẫn đến ‘Chiến tranh lạnh’ mới giữa Mỹ và Trung Quốc
Tổng thống Mỹ Donald Trump trong thời gian gần đây cáo buộc Trung Quốc che giấu về virus corona chủng mới, cho rằng chính phủ Trung Quốc có thể đã để mặc cho dịch bệnh này lây lan, và ông đe dọa buộc Bắc Kinh phải trả giá đáng kể cho đại dịch.Ngược lại, các quan chức Trung Quốc buộc tội chính quyền ông Trump cố tình lờ đi tình hình, quản lý kém cỏi một cách nguy hiểm, và cố gắng “tống tiền”.
Tình trạng Washington và Bắc Kinh công kích nhau nặng lời gần như hàng ngày gửi tín hiệu báo động đến các chuyên gia về an ninh quốc gia, họ lo rằng đang có mầm mống của một cuộc Chiến tranh lạnh mới giữa hai siêu cường vào thời điểm đang có khủng hoảng toàn cầu.
“Đây là một sự chuyển động nguy hiểm đối với thế giới”, bà Rachel Esplin Odell, một chuyên gia về Trung Quốc tại Viện nghiên cứu nhà nước có trách nhiệm Quincy, nói. Viện của bà cổ súy cho sự kiềm chế trong chính sách quân sự của Hoa Kỳ.
“Cả hai chính phủ [Mỹ và Trung Quốc] đều đang cố khai thác thất bại của phía bên kia để phục vụ lợi ích đối nội”, bà nói, và cho rằng họ đang lấy lửa dập lửa giữa lúc thế giới đang bị hỏa hoạn.
Bà Odell và các chuyên gia khác cho rằng hậu quả có thể rất to lớn – kéo dài đại dịch, làm sâu sắc thêm cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu, gây nguy hiểm cho các cuộc đàm phán thương mại nhạy cảm và mở ra những rạn nứt địa chính trị mới.
Ông Jacob Stokes, một nhà phân tích kỳ cựu về chính sách của Trung Quốc, nói: “Đây là một vấn đề nghiêm trọng mà bạn hy vọng sẽ có sự hợp tác của toàn thế giới – đặc biệt là giữa các cường quốc hàng đầu – bởi vì nếu không có sự hợp tác đó, mặt tiêu cực sẽ rất lớn”. Ông Stokes làm việc tại Viện Hòa bình Hoa Kỳ, một viện phi đảng phái.
Xấu nhất trong ‘gần 50 năm’
Cho đến nay, không có dấu hiệu nào cho thấy căng thẳng tăng cao sẽ dẫn đến một cuộc đối đầu quân sự, mặc dù Hải quân Hoa Kỳ đã tiến hành một “hoạt động vì tự do hàng hải” gần đây ở Biển Đông, trong khu vực mà Bắc Kinh tuyên bố là lãnh hải của họ.
Nhưng quan hệ Mỹ-Trung hiện ở mức “xấu nhất” trong gần 50 năm qua, ông Stokes, cựu cố vấn an ninh quốc gia của Phó Tổng thống Joe Biden, nói.
Một trong những thiệt hại đầu tiên có thể xảy ra là thỏa thuận thương mại được Tổng thống Mỹ Donald Trump và Phó Thủ tướng Trung Quốc Liu He ký kết tại Nhà Trắng hồi tháng 1 – là thỏa thuận “giai đoạn 1″ mà các quan chức Nhà Trắng từng nói rằng sau này sẽ có một hiệp định lớn hơn về những vấn đề còn khó khăn hơn.
Không rõ liệu Trung Quốc có sẵn sàng hoặc có thể thực hiện các cam kết của mình trong giai đoạn 1 hay không, trong đó có lời hứa sẽ mua thêm 200 tỷ đô la hàng hóa và dịch vụ của Mỹ trong hai năm tới – từ nông sản cho đến ô tô và dụng cụ y tế.
Ông Stokes nói rằng ngay cả trong thời kỳ kinh tế bình thường, thực hiện cam kết cũng đã khó rồi. Trong bối cảnh nền kinh tế Trung Quốc hiện đang sụt giảm vì đại dịch, chính phủ của Chủ tịch Tập Cận Bình có thể tìm cách đàm phán lại bản thỏa thuận.
“Liệu có thể có giai đoạn 2 không khi mà giai đoạn 1 chẳng đi đến đâu?” ông Stokes nói, “Đó là một thách thức lớn”.
Hôm 4/5, Bộ trưởng Tài chính của Tổng thống Trump, Steven Mnuchin, nói ông hy vọng Chủ tịch Tập sẽ thực hiện đầy đủ thỏa thuận ký hồi tháng 1 bất chấp căng thẳng gia tăng và khủng hoảng kinh tế.
“Nếu họ [tức Trung Quốc] không làm như vậy, sẽ có những hậu quả rất đáng kể trong mối quan hệ và trong nền kinh tế toàn cầu về mặt các bên sẽ thay đổi cách làm ăn với Trung Quốc”, ông Mnuchin nói trong một cuộc phỏng vấn.
Nhưng ngay cả khi ông Mnuchin hy vọng sẽ duy trì được bản thỏa thuận thương mại, ông Trump vẫn đưa ra ý tưởng áp thuế mới đối với Trung Quốc và cố gắng đòi bồi thường cho thiệt hại kinh tế và nhân mạng vì đại dịch.
“Họ đã phạm một sai lầm khủng khiếp và họ không muốn thừa nhận điều đó”, tổng thống Mỹ nói hôm 3/5 trong một buổi gặp ảo với công chúng trên kênh Fox News. “Họ đã cố che giấu nó. Họ đã dập thông tin về nó, giống như một đám cháy”, nhưng họ đã thất bại, ông Trump nói.
Tổng thống Mỹ cho biết ông đang tìm cách để buộc Trung Quốc trả tiền, nhưng ông không đưa ra chi tiết cụ thể.
“Chúng tôi chưa xác định số tiền cuối cùng là bao nhiêu”, ông Trump nói tuần trước khi được hỏi về các khoản bồi thường có thể đòi. “Số tiền sẽrất đáng kể”, ông nói.
Nếu ông Trump nhất quyết thực hiện lời đe dọa về thuế quan mới hoặc các hoạt động trả đũa kinh tế khác, điều đó có thể làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng kinh tế, bà Odell nói.
“Nó sẽ có tác động làm ớn lạnh nền kinh tế và thị trường toàn cầu”, bà nói.
Căng thẳng gia tăng giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc – bị đại dịch Covid-19 làm cho trở nên tồi tệ hơn – làm khởi phát cuộc Chiến tranh lạnh mới, cựu nhà đàm phán thương mại hàng đầu của Nhà Trắng Clete Willems nói hôm 5/5.
“Thực tế là căng thẳng giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc đang gia tăng đáng kể tại thời điểm này”, ông Willems, cựu phó giám đốc Hội đồng Kinh tế Quốc gia, nói với CNBC.
“Tôi biết mọi người cảm thấy bất an với thuật ngữ này, nhưng tôi nghĩ chúng ta phải trung thực và gọi đúng tên của sự việc, và đây là sự khởi đầu của cuộc Chiến tranh lạnh mới, và nếu chúng ta không cẩn thận, mọi thứ có thể trở nên tồi tệ hơn nhiều”, ông nói thêm.
“Thực tế là … người ta ngày càng thất vọng với các chính sách kinh tế của Trung Quốc và Trung Quốc cũng phải trả lời rất nhiều câu hỏi liên quan đến virus corona”, ông nói. Ông Willems rời chức vụ của mình trong Nhà Trắng hồi năm ngoái.
Ông Yong Wang, giám đốc Trung tâm nghiên cứu Mỹ tại Đại học Bắc Kinh, cho rằng những lời đao to búa lớn không ngừng của chính quyền ông Trump đổ lỗi cho Trung Quốc về dịch Covid-19 có nguy cơ gây ra cuộc “Chiến tranh lạnh” mới. Nó cũng có thể làm xấu đi hình ảnh của Mỹ trong công chúng Trung Quốc, ông nói.
“Trước đây, người ta thường coi hệ thống chính trị của Hoa Kỳ là đáng tin cậy. Giờ thì điều đó đã bắt đầu thay đổi”, ông nói.
Như nhiều chuyên gia chính trị và quan chức chính phủ Trung Quốc, ông Wang tin rằng các cáo buộc của ông Trump đối với Trung Quốc là một phần của mưu đồ nhằm làm đánh lạc hướng những chỉ trích trong nước Mỹ về việc ông Trump xử lý đại dịch.
Trong những tuần gần đây, ông Trump đối diện với kết quả thăm dò ý kiến cho thấy sự ủng hộ dành cho ông bị giảm, trong khi đó, ông Biden đang vượt lên một chút ở một số “bang chiến địa”.
Trung Quốc cũng bị chỉ trích vì thiếu minh bạch về dịch bệnh, đặc biệt là trong giai đoạn đầu, khi họ kiểm duyệt thông tin về virus và bịt miệng các bác sĩ đã cố gắng phát đi tín hiệu báo động. Điều đó đã gây ra phản ứng dữ dội bên trong Trung Quốc, và ông Tập đã nhanh chóng bóp nghẹt. Trung Quốc cũng bị chỉ trích dữ dội ở nước ngoài.
Ngay cả ở thời điểm hiện tại, các quan chức và chuyên gia y tế của Hoa Kỳ vẫn đặt câu hỏi liệu có thể tin nổi hay không số liệu về tỷ lệ lây nhiễm và số người chết của Trung Quốc. Bắc Kinh gần đây đã hạn chế việc tiếp cận với cuộc nghiên cứu của Trung Quốc về virus corona chủng mới, và điều đó càng làm tăng thêm mối lo ngại.
Hoa Kỳ không phải là quốc gia duy nhất tức giận về cách thức Trung Quốc xử lý dịch, và các nhà lãnh đạo thế giới khác cũng đã hình dung về hậu quả khi công kích Bắc Kinh.
Ở Úc, Thủ tướng Scott Morrison kêu gọi cần có một cuộc điều tra độc lập về nguồn gốc của virus corona. Trung Quốc đã nhanh chóng phản ứng, bao gồm cả lời đe dọa tẩy chay kinh tế đối với các sản phẩm của Úc và cáo buộc rằng ông Morrison đang dính líu vào thứ “chủ nghĩa cơ hội đáng khinh”.
Ông Trump cần phải cẩn thận?
Mong muốn buộc Trung Quốc phải trả giá là điều có thể hiểu được, ông Dan Blumenthal, giám đốc về nghiên cứu châu Á tại Viện Doanh nghiệp Mỹ, một tổ chức cố vấn đặt ở thủ đô Washington. Nhưng ông Blumenthal, một cựu quan chức Lầu Năm Góc trong chính quyền của ông George W. Bush, nói rằng ông Trump phải có những bước đi cẩn thận vì Mỹ còn phụ thuộc vào Trung Quốc về một số mặt hàng y tế.
“Ông ấy không nên khẩu chiến với ông Tập, lý do là có liên quan đến xuất khẩu thiết bị y tế Trung Quốc và những thứ quan trọng khác mà chúng ta [Mỹ] cần”, ông nói. Về lâu dài, các chính trị gia Mỹ và công chúng sẽ “muốn ít phụ thuộc hơn” vào Trung Quốc và sẽ ủng hộ các nỗ lực tách hai nền kinh tế ra. Nhưng một nỗ lực như vậy có thể mất nhiều năm, và sẽ phải trả giá, ông nói.
“Các nhà lãnh đạo Hoa Kỳ sẽ phải nói rất thẳng thắn với công chúng rằng trong một thời gian, các sản phẩm này sẽ có giá cao hơn”, ông Blumenthal nói.
Ông Wang, chuyên gia của Đại học Bắc Kinh, nói rằng nếu Hoa Kỳ dấn tới thực hiện lời đe dọa đòi Trung Quốc đền bù thiệt hại liên quan đến virus corona, hoặc “chia tách” hai nền kinh tế, có lẽ điều đó sẽ gây ra phản tác dụng.
Trung Quốc đã bắt đầu có dấu hiệu cho thấy đây sẽ là nền kinh tế đầu tiên phục hồi sau khủng hoảng, đưa Bắc Kinh ở vào thế mạnh hơn để trả đũa nếu quan hệ xấu đi thêm nữa, theo ông Wang.
Ông Wang cũng nói rằng nếu Hoa Kỳ cố xa lánh Trung Quốc về mặt ngoại giao, thì Bắc Kinh sẽ chuyển sang hình thành các liên minh sâu sắc hơn ở châu Âu, châu Á và trên toàn thế giới.
“Cần phải nói rõ: Trung Quốc không muốn điều này xảy ra. Trung Quốc muốn hợp tác”, ông nói. “Nhưng Trung Quốc sẽ sẵn sàng phản công kinh tế nếu những nhân vật có quan điểm diều hâu về Trung Quốc trong chính quyền ông Trump tiếp tục đi trên con đường nguy hiểm này”, ông Wang nói.
(USA Today, CNBC, FOX, CNN)
https://www.voatiengviet.com/a/covid-19-de-doa-dan-den-chien-tranh-lanh-moi-giua-my-va-trung-quoc/5408345.html
Ngoại trưởng Mỹ: ‘Trung Quốc có lịch sử lây bệnh cho thế giới’
Nhà ngoại giao hàng đầu của chính quyền Tổng thống Donald Trump, ông Mike Pompeo hôm Chủ nhật (3/5) bình luận rằng việc Bắc Kinh che giấu dịch viêm phổi Vũ Hán (COVID-19) là “thủ đoạn bóp méo thông tin kinh điển của Đảng Cộng sản Trung Quốc”.Theo hãng tin AFP, ông Pompeo nói rằng có “nhiều bằng chứng” cho thấy virus corona gây ra bệnh COVID-19 có nguồn gốc từ phòng thí nghiệm ở Vũ Hán, Trung Quốc.
Tuyên bố này của Ngoại trưởng Mỹ lặp lại cáo buộc của Tổng thống Trump trước đó và làm sâu sắc thêm mối quan hệ căng thẳng giữa Bắc Kinh và Washington. AFP cho rằng ông Pompeo thậm chí còn “tiến xa hơn” ông Trump khi nói rằng có “nhiều bằng chứng” cho thấy virus corona xuất phát từ phòng thí nghiệm Vũ Hán.
Dù đưa ra tuyên bố này, ông Pompeo cũng không chất vấn một thông tin tình báo trước đó của Mỹ cho rằng virus corona dường như không phải do con người tạo ra hay biến đổi gen.
Thay vào đó, ông Pompeo nhấn mạnh vào tình trạng che giấu dịch bệnh của Bắc Kinh và lịch sử phát tán bệnh ra thế giới của Trung Quốc.
“Tôi nghĩ rằng hiện giờ cả thế giới đều thấy và nhớ rằng Trung Quốc có lịch sử lây bệnh cho thế giới và vận hành các phòng thí nghiệm không đạt tiêu chuẩn”, ông Pompeo phát biểu trong chương trình “This Week” của ABC.
Vị ngoại trưởng nói rằng việc Bắc Kinh tìm cách bưng bít và coi nhẹ virus corona là “thủ đoạn bóp méo thông tin kinh điển của Đảng Cộng sản Trung Quốc. Điều đó đã tạo ra rủi ro khủng khiếp”.
Ông Pompeo cho biết: “Tổng thống Trump rất rõ ràng: Chúng tôi sẽ buộc những kẻ gây ra phải chịu trách nhiệm”.
Năm 2003, dịch bệnh SARS xuất phát từ tỉnh Quảng Đông của Trung Quốc đã khiến hơn 8.000 người bị nhiễm và ít nhất 774 người tử vong trên toàn thế giới, theo từ điển bách khoa toàn thư Wikipedia.
http://biendong.net/goc-nhin-moi/34526-ngoai-truong-my-trung-quoc-co-lich-su-lay-benh-cho-the-gioi.html
Dịch Covid-19 bóc trần cách thức Trung Quốc xâm nhập và thao túng Hollywood
Vũ DươngDịch Covid-19 bóc trần cách thức Trung Quốc xâm nhập và thao túng Hollywood
Hôm 20/4, trang Breitbart News đăng tải một bài bình luận hé lộ cách thức Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) xâm nhập Hollywood và truyền thông Mỹ. Tình trạng bùng phát đại dịch viêm phổi Vũ Hán đã phơi bày rõ nét mối quan hệ mật thiết giữa Hollywood và Trung Quốc trong khoảng thời gian dài.
Bài bình luận được đăng tải trên trang web Breitbart News Network có tựa đề: “Hollywood có 9 tỷ USD làm lý do để không lên án Trung Quốc trong đợt bùng phát đại dịch Covid-19”.
Bài viết cho biết: “Hầu hết các hãng phim Hollywood đều được sở hữu bởi các tập đoàn truyền thông, những tập đoàn truyền thông này đến lượt nó lại sở hữu các hãng tin tức, vốn đang đưa tin về dịch Covid-19 hàng ngày”.
Lấy ví dụ, tập đoàn truyền thông Warner Media Group sở hữu kênh truyền hình nổi tiếng CNN. Hãng tin này đã liên tục trích dẫn số liệu dịch bệnh chính thức của ĐCSTQ trong các báo cáo của mình, bất chấp nhiều nghi vấn xoay quanh các số liệu này.
Hãng tin Breitbart cho hay, vào tuần trước, CNN cũng bị chỉ trích khi liên tục lặp lại những tuyên truyền của ĐCSTQ trong một câu chuyện mô tả những nỗ lực của hải quân Trung Quốc trong việc ngăn chặn virus lây lan trên tàu của họ. Nguồn tư liệu chính của báo cáo được thu thập từ một bài viết đăng trên trang web của Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc.
Tập đoàn Warner Media Group cũng sở hữu hãng phim Hollywood Warner Bros, mà rất nhiều người quen thuộc. Dòng phim siêu anh hùng của hãng phim này rất phổ biến với người dân Trung Quốc cũng như trên toàn cầu. Riêng bộ phim “Aquaman: Đế vương Atlantis” đã mang về doanh thu phòng vé trên toàn cầu lên đến 1,15 tỷ USD cho hãng, trong đó riêng doanh thu phòng vé tại Trung Quốc chiếm tỷ trọng 25%.
Tuần trước, chương trình tin tức thế giới buổi tối World News Tonight with David Muir của đài ABC News đưa tin về việc Tổng thống Trump quyết định ngừng tài trợ cho Tổ chức Y tế Thế giới WHO. Tuy nhiên, các kênh truyền thông thuộc sở hữu Walt Disney lại không báo cáo đầy đủ thông tin bối cảnh về WHO cho khán thính giả, bao gồm việc WHO có vô số hành vi quỵ lụy trước ĐCSTQ và phớt lờ cảnh báo từ rất sớm của Đài Loan về việc “virus có thể lây truyền từ người sang người”.
Trong cao trào phản đối Luật dẫn độ của người dân Hồng Kông năm ngoái, CEO của Walt Disney, ông Bob Iger đã từ chối bình luận về các báo cáo tuyên bố Disney đã chèn ép tiếng nói của các phóng viên kênh thể thao ESPN (thuộc sở hữu đa số bởi Walt Disney) bằng cách cấm họ thảo luận về các cuộc biểu tình sau khi Daryl Morey – giám đốc điều hành đội bóng rổ Houston Rockets thuộc Hiệp hội Bóng rổ Quốc gia Mỹ (NBA) – bày tỏ sự ủng hộ đối với cuộc biểu tình đò dân chủ của người dân Hồng Kông.
Ông Iger trả lời rằng ông không muốn có lập trường chính trị bởi điều này sẽ “gây thiệt hại cho công ty”.
Mạnh mẽ công kích ông Trump, nhưng “nhắm mắt làm ngơ” trước các hành vi man rợ của ĐCSTQ
Bài viết chỉ ra rằng ở Hollywood, nhiều ngôi sao điện ảnh và giám đốc điều hành đều có xu hướng chỉ trích Tổng thống Mỹ “chống dịch không hiệu quả”, nhưng lại hoàn toàn câm lặng trước các hành vi bưng bít thông tin của ĐCSTQ, khiến dịch bệnh vượt tầm kiểm soát và lan rộng ra toàn cầu.
Lấy ví dụ như ngôi sao điện ảnh Dave Bautista, người đóng vai “Kẻ hủy diệt Drax” trong bộ phim “Vệ binh dải Ngân Hà”. Là một tiếng nói chống Trump nổi trội nhất nhì Hollywood, Dave Bautista thường đăng những dòng trạng thái xúc phạm các buổi họp báo hàng ngày của Tổng thống Trump trên Twitter cá nhân. Gần đây, anh đã gọi những người biểu tình đang trong cách ly muốn tái mở cửa nền kinh tế bang là “những kẻ trì độn”.
Tuy nhiên, khi đối mặt với ĐCSTQ – thủ phạm thật sự khiến dịch bệnh bùng phát trên phạm vi toàn cầu – Bautista cùng những người khác trong ngành giải trí lại im lặng một cách khó hiểu, đặc biệt trong bối cảnh ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy ĐCSTQ đang cố gắng che giấu tính nghiêm trọng của dịch bệnh.
Bautista không phải là ngôi sao duy nhất của “Biệt đội siêu anh hùng” công kích Tổng thống Trump. Bài viết nêu thêm một ví dụ khác là diễn viên Chris Evans trong bộ phim “Đội trưởng Mỹ” (Captain America). Anh này đã chỉ trích Tổng thống Trump né tránh phần hỏi đáp trong một buổi họp báo về dịch Covid-19 trên một dòng trạng thái Twitter hồi tháng 3, và tuyên bố rằng “Người dân Mỹ cần sự giải đáp [cho các thắc mắc của họ]” trong khủng hoảng dịch bệnh. Cũng giống với đồng nghiệp ngôi sao trong Avengers, Evans đã kiềm chế không chỉ trích Trung Quốc trong đại dịch này.
Hollywood từ lâu đã muốn “một miếng bánh” từ thị trường điện ảnh tỷ dân của Trung Quốc
Các hãng phim lớn của Hollywood đều muốn một miếng bánh từ thị trường phim ảnh tỷ dân của Trung Quốc. Tuy nhiên nếu muốn tiến nhập thị trường phim ảnh lớn thứ hai thế giới này, họ phải “nhất trí lập trường” với ĐCSTQ thì phim ảnh của họ mới được phép trình chiếu tại 60.000 rạp chiếu phim trên khắp Trung Quốc.
Các ngôi sao điện ảnh muốn tìm việc tại Hollywood đều biết rằng giữ im lặng về các vấn đề của Trung Quốc sẽ mang lại sự thuận lợi cho sự nghiệp và túi tiền của họ.
Trong thập kỷ qua, thị trường điện ảnh Trung Quốc đã tăng tốc vượt bậc. Theo dữ liệu chính thức, tổng doanh thu các rạp chiếu phim Trung Quốc trong vòng 1 năm qua là 9,2 tỷ USD, trong khi vào một thập kỷ trước con số đó chỉ là vỏn vẹn 910 triệu USD.
Suốt một thời gian dài, Hollywood đã bị thu hút sâu sắc bởi thị trường điện ảnh Trung Quốc. Khi đạo diễn nổi tiếng Oliver Stone đến thăm Trung Quốc vào năm 2014, ông đã mô tả thị trường điện ảnh Trung Quốc là “hơn cả mỏ vàng. Phải gọi là mỏ kim cương mới đúng”. Chỉ riêng năm 2013, đã có 8 bộ phim Hollywood có doanh thu phòng vé ở Trung Quốc vượt quá tổng doanh thu ở thị trường Bắc Mỹ, theo epoch times.
Một người có thâm niên 17 năm trong giới doanh nghiệp Mỹ từng nói đây là thời đại mà Hollywood không thể tồn tại được nếu không có Trung Quốc.
PricewaterhouseCoopers, một trong bốn hãng kiểm toán hàng đầu thế giới từng dự đoán rằng Trung Quốc sẽ trở thành thị trường phim lớn nhất thế giới vào năm 2020 và doanh thu phòng vé sẽ tăng lên 15,5 tỷ USD vào năm 2023.
Trở lại câu chuyện trên của nam diễn viên Dave Bautista. Bautista đã thu lợi rất nhiều từ lợi ích kinh tế gần gũi giữa Disney với Bắc Kinh. Anh này đã góp mặt trong 4 bộ phim vũ trụ điện ảnh Marvel. Bài viết cho biết: “Hai bộ phim ‘Biệt đội siêu anh hùng’ mà anh tham gia gần đây nhất có tổng doanh thu phòng vé hơn 4,85 tỷ USD trên toàn cầu, trong đó tính riêng doanh thu phòng vé tại thị trường Trung Quốc đã chiếm 20%, nhiều hơn bất kỳ nơi nào khác ngoài Bắc Mỹ”.
Một số bộ phim bom tấn Hollywood có doanh thu phòng vé ở Trung Quốc cao hơn ở Mỹ, bao gồm bộ phim “Quá nhanh quá nguy hiểm: Hobbs và Shaw (Fast & Furious Presents: Hobbs & Shaw)”, với doanh thu phòng vé ở Trung Quốc nhiều hơn 16% so với ở Mỹ. Bộ phim “Alita: Thiên thần chiến binh (Alita: Battle Angel)” của hãng phim “20th Century Studios” tại thị trường Trung Quốc còn vượt trội hơn, khi thu về doanh thu khủng, cao hơn 55% so với Mỹ.
Năm ngoái, trong cơ cấu doanh thu của 25 bộ phim Hollywood hàng đầu, 11% đến từ Trung Quốc.
Hollywood móc nối với Trung Quốc: một vấn đề đạo đức
Ngay cả trước khi virus Vũ Hán bùng phát ra toàn cầu, sự móc nối bấy lâu nay giữa Hollywood với Trung Quốc đã có thể được coi là một tình thế đạo đức tiến thoái lưỡng nan.
Năm ngoái, cựu Hạ nghị sĩ Mỹ John Culberson đã yêu cầu Bộ Tư pháp xem xét khoản đầu tư của Trung Quốc vào Hollywood, nói rằng các thương vụ mua lại và sáp nhập trị giá nhiều tỷ USD “cho phép các công ty Trung Quốc có thêm quyền kiểm soát đối với tài chính và nội dung trên truyền thông Mỹ, làm dấy lên quan ngại sâu sắc rằng những hãng phim Hollywood có vốn Trung Quốc này có thể được dùng làm công cụ tuyên truyền cho ĐCSTQ”.
Trao đổi với tờ Breitbart năm 2016, nhà bình luận chính trị Richard Berman nhìn nhận Trung Quốc đang muốn tác động đến nội dung nghe nhìn của người dân Mỹ.
Thượng nghị sĩ Mỹ trình đạo luật phạt các hãng phim Hollywood tuân theo kiểm duyệt của Trung Quốc
Theo New York Post, thượng nghị sĩ Ted Cruz vừa giới thiệu một dự luật cho phép Bộ Quốc phòng Mỹ chấm dứt hỗ trợ các hãng phim Hollywood, trong trường hợp họ cho phép Trung Quốc kiểm duyệt nội dung và đưa ra yêu cầu chỉnh sửa. Ông Cruz đưa ra Đạo luật “Ngăn chặn Kiểm duyệt, Khôi phục Tính toàn vẹn và Bảo vệ Tuyên ngôn nghệ thuật”, nhằm xóa bỏ tình trạng các hãng phim Hollywood làm ăn với Lầu Năm Góc nhưng vẫn cố chiều lòng Trung Quốc.
Lâu nay, các hãng phim Hollywood vẫn thường phối hợp với Lầu Năm Góc để được Bộ Quốc phòng Mỹ chấp thuận cho phép tiếp cận các khí tài quân sự, như chiến đấu cơ, xe tăng, căn cứ hải quân, máy bay phản lực,… Bên cạnh đó là các tham vấn về mặt quân sự, tư vấn trong quá trình dàn dựng phim trở nên chân thực hơn. Với dự luật mà ông Cruz đưa ra, các quyền lợi này sẽ bị tước bỏ nếu các hãng phim để Trung Quốc nhúng tay vào dự án, theo Khoa học & Phát triển.
“Đã quá lâu rồi, Hollywood đã thông đồng với Trung Quốc trong hoạt động tuyên truyền, kiểm duyệt dưới cái mác kiếm nhiều tiền hơn. Đạo luật SCRIPT (Stopping Censorship, Restoring Integrity, Protecting Talkies Act) giống một lời cảnh tỉnh buộc các studio ở Hollywood phải đưa ra sự lựa chọn,
giữa việc được chính phủ Mỹ hỗ trợ hoặc kiếm doanh thu từ phòng vé ở Trung Quốc”.Có rất nhiều trường hợp các bộ phim bị lồng ghép, chỉnh sửa nội dung chỉ để chiều lòng Trung Quốc.
Họa sĩ truyện tranh nổi tiếng Quách Cạnh Hùng chia sẻ, Hollywood từng đại diện cho tinh thần, văn hóa và các giá trị nền tảng của Mỹ. Văn hóa Mỹ được Hollywood quảng bá rộng ra thế giới. Những năm 1980 và 1990 là thời hoàng kim của Hollywood. Nhưng sau năm 1995, tín ngưỡng vào Thiên Chúa – truyền thống lâu đời của nước Mỹ – thể hiện trong các bộ phim Hollywood ngày càng mờ nhạt. Những bộ phim cánh tả chiếm lĩnh sân khấu và đã lũng đoạn Hollywood.
Ông Quách bày tỏ: “Các doanh nhân thường chỉ chạy theo lợi nhuận, Hollywood cũng vậy. Khuất phục trước cám dỗ của ĐCSTQ, từ đó không ngừng nhào nặn nội dung để phù hợp khẩu vị của ĐCSTQ hòng gia nhập thị trường tỷ dân này. Tóm lại với hiện trạng phim ảnh của Hollywood giờ đây, tôi ngày càng không muốn xem, càng xem càng khiến người ta cảm thấy như bị tẩy não”.
https://www.dkn.tv/the-gioi/dich-covid-19-boc-tran-cach-thuc-trung-quoc-xam-nhap-va-thao-tung-hollywood.html
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ chỉ trích Trung Quốc ‘ngang ngược’ ở Biển Đông
Bình luậnNguyễn SơnBộ trưởng Quốc phòng Mỹ lên án Trung Quốc hành xử ngang ngược ở Biển Đông trong lúc cả thế giới nỗ lực chống lại Covid-19.
“Trong lúc Trung Quốc đẩy mạnh chiến dịch tung tin đánh lạc hướng để tránh bị quy trách nhiệm về đại dịch Covid-19, chúng tôi tiếp tục chứng kiến hành vi gây hấn của quân đội Trung Quốc ở Biển Đông, từ việc đe dọa tàu hải quân Philippines đến đâm chìm tàu cá Việt Nam, ngăn cản các quốc gia khác thăm dò dầu khí ngoài khơi,” Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper nói trong cuộc họp báo ở Lầu Năm Góc hôm 5/5.
Hồi tuần rồi, hai tàu chiến của Hải quân Mỹ đã thực hiện nhiệm vụ tuần tra đảm bảo tự do hàng hải gần các đảo bị Trung Quốc chiếm đóng phi pháp tại Biển Đông.
“Đây là động thái nhằm gửi một thông điệp rõ ràng tới Trung Quốc rằng Mỹ sẽ tiếp tục bảo vệ quyền tự do hàng hải và thương mại cho tất cả quốc gia lớn và nhỏ”, ông Esper nói.
Về đại dịch Covid-19, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ cho rằng chính quyền Trung Quốc đã không minh bạch ngay từ khi dịch bùng phát và những hành vi ngang ngược gần đây của Trung Quốc ở Biển Đông là một phần trong chiến dịch đánh lạc hướng thông tin.
“Nếu họ minh bạch, cởi mở và thẳng thắn hơn để cho phép chúng tôi tiếp cận báo cáo, tiếp cận những người ở thực địa và virus, chúng tôi đã có thể hiểu rõ và tiến xa hơn bây giờ. Nhưng những gì chúng tôi có hiện nay là như thế này”, ông Esper nói.
“Chính quyền Trung Quốc lợi dụng đại dịch”
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ cũng cho rằng, chính quyền Trung Quốc lại đang cố lợi dụng đại dịch để quảng bá hình ảnh rằng họ là “người tốt”.
“Bất chấp những việc họ đã làm và quan trọng hơn là những việc họ không làm, bây giờ họ bước ra và nói: đây, khẩu trang đây. Họ nói ‘chúng tôi sẽ cung cấp cho bạn khẩu trang, cung cấp cái này, cái kia, chúng tôi sẽ tài trợ cho bạn. Hãy nhìn vào tất cả những điều tốt đẹp mà chúng tôi đang làm’”, ông Esper nói.
“Thế nên họ đang nói với các quốc gia là bạn có thể lấy những chiếc khẩu trang này, nhưng hãy nói với thế giới rằng Trung Quốc tốt bụng thế nào, chúng tôi đang làm tốt như thế nào, vân vân. Bởi vậy, có một số việc họ đang làm để cố đánh bóng hình ảnh”, ông nói thêm.
Hiện nguồn gốc virus corona Vũ Hán vẫn còn là bí ẩn vì Trung Quốc bị cáo buộc che đậy thông tin. Tuy nhiên, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo ngày 3/5 khẳng định có “bằng chứng to lớn” cho thấy bắt nguồn từ phòng thí nghiệm ở thành phố Vũ Hán.
Chính quyền Trung Quốc gần đây tăng cường các hành động phi pháp ở Biển Đông.
Tháng 3/2020, chính quyền Bắc Kinh gửi công hàm đến Liên Hiệp Quốc lập lại tuyên bố chủ quyền theo hình “lưỡi bò” chiến hơn 80% đến 90% Biển Đông. Ngày 2/4 vừa qua, Trung Quốc cho tàu hải cảnh đâm chìm tàu đánh cá của Việt Nam ở khu vực quần đảo Hoàng Sa. Sau đó Trung Quốc thông báo thành lập hai quận “Tây Sa” (tức Hoàng Sa) và “Nam Sa” (tức Trường Sa). Tiếp theo, Trung Quốc đặt tên cho 80 đảo nhỏ, bãi đá ngầm ở cả những khu vực biển nằm sâu trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.
https://www.ntdvn.com/the-gioi/bo-truong-quoc-phong-my-chi-trich-trung-quoc-ngang-nguoc-o-bien-dong-35708.html
Biển Đông trong sách lược quân sự mới của Mỹ
Trả lời Thanh Niên, một số chuyên gia phân tích quân sự đã chỉ ra những thay đổi trong sách lược quân sự mới của Mỹ nhằm đối phó Trung Quốc ở Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương mà trong đó hàm chứa tình hình Biển Đông.Không quân Mỹ ngày 2.5 thông báo đã điều 4 máy bay ném bom B-1 cùng khoảng 200 quân nhân đến đảo Guam. Theo thông báo, việc điều động này nhằm củng cố “trật tự quốc tế dựa trên luật” ở khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương (Indo-Pacific). Tuy nhiên, quân đội Mỹ không thông tin số oanh tạc cơ và quân nhân trên sẽ đồn trú bao lâu.
Thay đổi sách lược
Trước đó, hồi giữa tháng 4, Washington công bố kết thúc chương trình đồn trú máy bay ném bom chiến lược tầm xa ở đảo Guam vốn bắt đầu từ năm 2004.
Về quyết định của không quân Mỹ, trả lời Thanh Niên, chuyên gia nghiên cứu cấp cao Timothy R.Heath (thuộc Tổ chức RAND, Mỹ) nhận định: Mỹ phải thay đổi chiến lược vì đảo Guam giờ đây đã nằm trong tầm bắn của tên lửa Trung Quốc.
Trước tình hình trên, việc rút máy bay B-52 khỏi đảo Guam cũng gây ra thắc mắc phải chăng Mỹ giảm bớt mức độ hoạt động ở Indo-Pacific. Trả lời Thanh Niên ngày 3.5 về thắc mắc trên, chuyên gia Carl O.Schuster (cựu Giám đốc bộ phận điều hành của Trung tâm tình báo hỗn hợp – Bộ tư lệnh Thái Bình Dương của hải quân Mỹ và nay đang giảng dạy ở Đại học Hawaii về quan hệ quốc tế, lịch sử) cho rằng: Các chỉ trích về việc kết thúc chương trình đồn trú luân phiên máy bay ném bom tầm xa ở đảo Guam đã không nhớ đến việc suốt từ thập niên 1980 – 2004, máy bay ném bom chiến lược của Mỹ cũng không hề hiện diện tại đây.
Khó đoán định “chiêu thức”
Ông Schuster nhấn mạnh chiến lược của Mỹ trong khu vực Indo-Pacific dựa trên 3 nguyên tắc. Một là xây dựng, duy trì quan hệ hợp tác dựa trên lợi ích chung về hòa bình, ổn định. Hai là kết hợp sự hiện diện thường trực các lực lượng hải quân và lực lượng chiến thuật, các hoạt động khó đoán trước bởi các đơn vị tác chiến nhanh, có khả năng hoạt động toàn cầu. Ba là linh hoạt và phản ứng nhanh.
Trong trường hợp trên, theo ông Schuster, khác với một chiến hạm, máy bay ném bom có thể dễ dàng tiếp cận khu vực mục tiêu trong thời gian ngắn. Ông nói thêm: “Một máy bay ném bom được tích hợp vũ khí tấn công siêu thanh thì rõ ràng không nhất thiết phải thường trú trong khu vực, và càng không cần thiết khi máy bay phải trú đóng trong tầm tấn công của đối phương”. Thực tế, trước các hành vi của Bắc Kinh gây bất ổn cho Biển Đông, Washington ngày 28.4 đã điều động 2 oanh tạc cơ B-1 Lancer xuất kích từ căn cứ ở bang South Dakota, và nhanh chóng đến khu vực Biển Đông.
Cựu đại tá Schuster đánh giá chính việc đưa máy bay ném bom trở về lục địa Mỹ và có thể xuất kích từ Mỹ để đến khu vực Indo-Pacific sẽ khiến đối phương bất ngờ, và khó đoán định mục tiêu cụ thể. Có nhiều đường để từ lục địa Mỹ tiếp cận khu vực Indo – Pacific. Vấn đề là khả năng ứng biến của lực lượng quân sự Mỹ đối với khu vực.
Mỹ điều chỉnh cuộc tập trận RIMPAC 2020
Hải quân Mỹ mới đây thông báo cuộc tập trận Vành đai Thái Bình Dương (RIMPAC) chỉ diễn ra trên biển từ ngày 17 – 31.8 nhằm ngăn ngừa dịch Covid-19. RIMPAC 2020 sẽ được tiến hành tại vùng biển gần quần đảo Hawaii, bao gồm nhiều nội dung như tác chiến chống ngầm đa quốc gia, tập trận bắn đạn thật… RIMPAC 2020 sẽ không bao gồm các hoạt động xã hội trên bờ. Căn cứ tại Trân Châu cảng được sử dụng để hỗ trợ về mặt hậu cần, nhưng sẽ hạn chế cho binh lính lên bờ hết mức. Đây là cuộc tập trận lớn nhất thế giới diễn ra 2 năm một lần.
“Cách thức này còn làm đối phương khó tính toán, đồng thời tăng cường hiệu quả răn đe”, nhà phân tích Schuster nói và nhận định: “Ngoài ra, sự thay đổi sách lược của Mỹ còn giúp nước này có thêm nhiều chọn lựa, phối hợp linh hoạt giữa không quân và hải quân, nhằm xây dựng khả năng tấn công mở rộng”.
Tương tự, chuyên gia Timothy Heath nhận xét: “Ưu điểm của chiến lược mới là khiến đối phương khó dự đoán hơn, đồng thời thích nghi hơn với tình hình hiện tại. Mỹ đang tính cách có thể triển khai tấn công từ nhiều hướng”. Cũng từ chiến lược này, theo ông Heath, Washington có thể tính toán thêm các địa điểm đồn trú luân phiên khác ở khu vực mà không cần phải lệ thuộc vào một vài đối tác.
Cũng đề cập về khả năng khó đoán định, TS Satoru Nagao (Viện Nghiên cứu Hudson, Mỹ) nhận định bằng việc đưa oanh tạc cơ về lại lục địa Mỹ, Washington có thể bất ngờ điều động trở lại khu vực Indo-Pacific mà Bắc Kinh khó có thể dự báo là nhằm hiện diện ở eo biển Đài Loan, hay Biển Đông hay một khu vực nào đó ở Thái Bình Dương. Và nếu xảy ra xung đột thì chiến lược này khiến Trung Quốc phải dàn trải binh lực phòng thủ từ nhiều hướng, nên thiếu tính tập trung.
Mô thức mới của hải quân Mỹ
Không chỉ thay đổi về sách lược của không quân như đã nói, mà Mỹ còn đang định hình mô thức mới cho hoạt động của hải quân ở khu vực Indo-Pacific nói chung cũng như Biển Đông nói riêng.
Cụ thể, trong lúc tàu sân bay USS Theodore Roosevelt phải neo ở đảo Guam do dịch bệnh Covid-19 lây lan, thì Lầu Năm Góc gần đây điều động tàu đổ bộ tấn công USS America (LHA-6) hoạt động ở khu vực. Giống như một số tàu khác thuộc các lớp Wasp hay America, tàu USS America có sàn tàu rộng và đã triển khai mang theo chiến đấu cơ thế hệ 5 tàng hình F-35. Nhờ đó, LHA-6 vẫn có thể tổ chức tác chiến như tàu sân bay. Dù nhận xét tàu USS America có thể chỉ là giải pháp tạm thời trong lúc tàu USS Theodore Roosevelt ngừng hoạt động, chuyên gia Heath cũng nhận định: “Diễn biến này tạo ra kỳ vọng Mỹ có thể chọn lựa đa dạng nhiều loại tàu chiến”.
Sự đa dạng đó cũng thể hiện trong việc Washington gần đây đã điều động tàu tác chiến cận bờ USS Gabrielle Giffords, thuộc lớp Independence, đến hoạt động ở Biển Đông. Nhận xét về việc tàu chiến cận bờ hoạt động nhiều hơn ở Thái Bình Dương và hải quân Mỹ không chỉ dựa vào các tàu khu trục hay tàu tuần dương, chuyên gia Timothy Heath cho rằng: “Mỹ đang cải thiện sức mạnh, tính hiệu quả cho tàu tác chiến cận bờ hoạt động ở Biển Đông. Việc tàu lớp Independence được trang bị tên lửa đột kích hải quân thế hệ mới (NSM) có ý nghĩa quan trọng để tăng cường sức mạnh”. NSM là loại tên lửa đối hạm hiện đại, thậm chí có nhiều ưu điểm so với tên lửa Harpoon vốn đã có hơn 40 năm đồng hành cùng nhiều lớp tàu chiến Mỹ.
Từ cuối năm 2019, USS Gabrielle Giffords được điều động đến Biển Đông để đồn trú luân phiên. Đến giữa tháng 3 vừa qua, chiến hạm này đã phối hợp cùng tàu USS America để tập trận trên Biển Đông, thể hiện một sự kết hợp mới linh hoạt và vẫn đáp ứng uy lực cao.
Như vậy, Washington đang có sự thay đổi sách lược quân sự cả về không quân lẫn hải quân trong khu vực.
Không nên hiểu sai cam kết của Mỹ
Sự thay đổi chiến lược của Mỹ có thể khiến một số bên hiểu sai rằng Mỹ đã không còn giữ vững cam kết tăng cường hiện diện ở khu vực Indo-Pacific. Nhưng thực tế thì Washington vẫn giữ vững cam kết. Bên cạnh đó, việc Mỹ gần đây tăng cường tần suất hoạt động ở khu vực biển phía tây Thái Bình Dương cũng không phải nhằm leo thang căng thẳng quân sự, mà chỉ là củng cố sự ổn định bằng cách chứng minh sự hiện diện lâu dài.
http://biendong.net/goc-nhin-moi/34514-bien-dong-trong-sach-luoc-quan-su-moi-cua-my.html
Thẩm phán Tối Cao Pháp Viện Ruth Bader Ginsburg đang phục hồi sau khi điều trị túi mật
Thẩm phán Tối cao Pháp Viện Hoa Kỳ Ruth Bader Ginsburg đã phải trải qua điều trị không phẫu thuật cho tình trạng túi mật vào thứ ba (ngày 5 tháng 5) và hiện đang nghỉ ngơi tĩnh dưỡng. Bà Ginsburg, 87 tuổi, bị sỏi mật gây ra nhiễm trùng và được điều trị tại Johns Hopkins Hospital ở Baltimore.Thẩm phán dự kiến sẽ tham gia vào cuộc tranh luận của Tối Cao Pháp Viện dự kiến sẽ diễn ra vào thứ Tư (ngày 6 tháng 5) tại bệnh viện. Theo phát ngôn viên Kathy Arberg, kết quả xét nghiệm vào thứ hai (ngày 4 tháng 5) cho thấy bà Ginsburg bị sỏi mật di chuyển đến ống nang – bộ phận làm sạch túi mật, chặn ống này và gây ra nhiễm trùng. Bà Ginsburg sẽ phải ở lại bệnh viện trong một đến hai ngày.
Thẩm phán lớn tuổi nhất của Tối Cao Pháp Viện đã trải qua một loạt các vấn đề sức khỏe trong những năm gần đây. Vào tháng 11 năm 2018, bà bị ngã và gãy 3 xương sườn. Các xét nghiệm y tế sau đó đã dẫn đến việc điều trị ung thư phổi khiến bà phải bỏ lỡ các cuộc tranh luận vào tháng 1 năm 2019. Bà tiếp tục làm việc sau khoảng thời gian điều trị, nhưng cho biết bà đã phải xạ trị để điều trị ung thư tuyến tụy vào tháng 8 năm 2019.
Gần đây nhất, bà Ginsburg được đưa vào bệnh viện trong 2 đêm vào tháng 11 vì bị sốt và ớn lạnh, nhưng đã trở lại làm việc tại tòa án ngay sau khi xuất viện. Sức khỏe của vị thẩm phán này hiện đang được theo dõi chặt chẽ bởi vì nếu bà để trống vị trí này, Tổng Thống Trump sẽ có cơ hội bổ nhiệm một thẩm phán thứ ba cho tòa án chín thành viên, khiến Tối Cao Pháp Viện nghiêng quá nhiều về phe bảo thủ. Hiện tại tòa án có 5 thẩm phán bảo thủ và 4 thẩm phán tự do. (BBT)
https://www.sbtn.tv/tham-phan-toi-cao-phap-vien-ruth-bader-ginsburg-dang-phuc-hoi-sau-khi-dieu-tri-tui-mat/
Đảng Dân chủ Hoa Kỳ đang vận động Michelle Obama làm ứng viên Phó Tổng thống
Hương ThảoCác thành viên của đảng Dân chủ đang phát động một chiến dịch “chiêu mộ” bà Michelle Obama, cựu Đệ nhất phu nhân Hoa Kỳ làm ứng viên phó tổng thống và sẽ đồng hành cùng với ứng cử viên đảng Dân chủ Joe Biden trong cuộc chạy đua vào Nhà Trắng.
Nhằm “chiêu mộ” bà Michelle Obama, cựu Đệ nhất phu nhân Hoa Kỳ làm ứng viên phó tổng thống, mới đây, một Ủy ban mới đã được thành lập và mang tên “Ủy ban dự thảo Michelle Obama” với mục đích “hỗ trợ cơ sở cần thiết cho ứng cử viên tiềm năng Michelle Obama và giúp thu hút sự chú ý của giới truyền thông cho một ứng cử viên phó tổng thống có khả năng đánh bại Donald Trump”.
Ông Joe Biden, 77 tuổi, trong những tuần gần đây đã hai lần cho biết, ông muốn bà Obama sẽ là phó Tổng thống nếu ông đắc cử tổng thống Mỹ, nhưng ông không chắc về việc bà Obama có quan tâm đến vấn đề này hay không.
“Michelle Obama là người phụ nữ đáng tin cậy và được yêu thích nhất ở Mỹ. Bà được xem là vượt trội về chính trị trong cuộc tranh cử, và sẽ là tài sản to lớn đối với đảng Dân chủ vào cuộc bầu cử tháng 11 này”, ông Clyde Lederman, giám đốc chiến dịch của Ủy ban Dự thảo Michelle Obama nói với tờ The Epoch Times hôm 4/5 .
Trước đó, vào cuối tháng 4, trong chương trình “New Day” của CNN, bà Jill Biden, phu nhân của ông Joe Biden cho biết bà cũng rất muốn bà Obama tham gia chiến dịch tranh cử.
“Tôi nghĩ rằng bà ấy hợp với chính trị”, phu nhân Jill Biden cho biết. “Bà ấy rất giỏi trong mọi việc bà ấy làm. Điều đó thật tuyệt vời”.
Tuy nhiên, Valerie Jarrett, cựu cố vấn cấp cao của cựu Tổng thống Barack Obama nói rằng bà Michelle Obama chưa bao giờ bày tỏ sự quan tâm đến việc ứng cử và “hoàn toàn không muốn công việc đó”.
Trong hồi ký “Becoming”, cựu đệ nhất phu nhân Mỹ từng thẳng thắn nói: “Tôi sẽ nói thẳng ở đây: Tôi không có ý định ra tranh cử”. Năm ngoái, trong cuộc phỏng vấn với MC Conan O’Brien của truyền hình cáp TBS, bà Obama một lần nữa bác bỏ khả năng ra tranh cử tổng thống hay bất kỳ chức vụ nào, giải thích rằng thời gian ở Nhà Trắng khiến bà không thể có được một cuộc sống “bình thường”.
Trước đó, ông Biden từng cam kết sẽ chọn một phụ nữ làm “phó tướng” nếu ông đắc cử tổng thống Mỹ. Trong cuộc tranh luận với đối thủ Bernie Sanders hồi tháng ba, ông khẳng định: “Nếu tôi được bầu làm tổng thống, tôi cam kết sẽ bổ nhiệm một phụ nữ làm phó tổng thống”.
https://www.dkn.tv/the-gioi/dang-dan-chu-hoa-ky-dang-van-dong-ba-michelle-obama-lam-ung-vien-pho-tong-thong.html
TT Trump: ‘Mỹ không dính líu trong vụ lính đánh thuê xâm nhập Venezuela’
TT Trump hôm 5/5 bác bỏ là Mỹ có đóng một vai trò trong vụ ‘xâm nhập vũ trang bất thành’ nhắm vào Venezuela, dẫn tới việc hai công dân Mỹ mà các giới chức Venezuela gọi là ‘lính đánh thuê’ bị bắt.Phát biểu với các phóng viên tại Tòa Bạch Ốc sau khi Tổng Thống Venezuela Nicola Maduro nói nhà chức trách nước ông đã bắt được hai công dân Mỹ cấu kết với một cựu quân nhân Mỹ đã nhận trách nhiệm về vụ xâm nhập bất thành, ông Trump hôm thứ Hai nói ông “sẽ tìm hiểu thêm về vụ việc này. Ông nói tiếp “dù sao đi nữa thì vụ việc đó cũng không có liên hệ gì tới chính phủ Mỹ.”
Trong một bài diễn văn trên truyền hình, ông Maduro nói nhà chức trách đã bắt giữ 13 “phần tử khủng bố” hôm thứ Hai vì những người này đang tiến hành “một âm mưu có phối hợp” với Washington để xâm nhập nước ông qua bờ biển Caribé nhằm lật đổ ông.
8 người đã bị giết chết hôm Chủ nhật trong âm mưu này, theo nhà chức trách Venezuela.
Ông Maduro trình làng điều mà ông nói là hộ chiếu Mỹ và các thẻ tùy thân khác của Airan Berry và Luke Denman, hai người Mỹ bị bắt giữ vì đã làm việc với Jordan Goudreau, một cựu quân nhân Mỹ đứng đầu công ty an ninh Silvercorp USA.
Tin cho hay hai ông từng là binh sĩ của lực lượng đặc biệt từng phục vụ với Goudreau, đang bị tình báo quân đội Venezuela giam giữ.
Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ không đưa ra bình luận nào về vụ bắt giữ các công dân Mỹ. Các quan chức Mỹ mạnh mẽ bác bỏ là chính phủ Mỹ có liên hệ trong vụ xâm nhập.
Washington đã phát động một chiến dịch nhằm siết chặt các biện pháp trừng phạt kinh tế nhằm lật đổ ông Maduro, tố cáo ông này là đã gian lận trong cuộc bầu cử năm 2018.
Nhưng trong khi ông Trump nhiều lần nói rằng ông để ngỏ mọi biện pháp thì chính quyền của ông dường như không mấy mặn mà với hành động quân sự giữa lúc Washington tiếp tục theo đuổi chính sách tăng sức ép tối đa” chống lại ông Maduro.
Trong khi đó, chính phủ Maduro cáo buộc Hoa Kỳ là muốn kiểm soát các trữ lượng dầu hỏa khổng lồ của Venezuela, một thành viên của OPEC – Tổ chức các nước xuất khẩu dầu lửa.
https://www.voatiengviet.com/a/tt-trump-my-khong-dinh-liu-trong-vu-linh-danh-thue-xam-nhap-venezuela/5407898.html
Thuê cảng Cam Ranh: Mỹ không muốn, Việt Nam không thể
Minh AnhNhiều tin đồn cho rằng Việt Nam nhắm đến khả năng cho Hoa Kỳ thuê dài hạn cảng Cam Ranh hay một số đảo ở Biển Đông như là một căn cứ hậu cần hay làm một trạm dừng nhằm đối phó với hành động ngày càng hung hăng của Trung Quốc ở Biển Đông
Ý tưởng này thường được nêu ra mỗi khi Trung Quốc có những hành động hung hăng ở Biển Đông. Tuy nhiên, theo quan điểm của giáo sư Carl Thayer, Học viện Quốc Phòng Úc, trên báo mạng The Diplomat ngày 06/05/2020, khả năng này là ít xảy ra do chính sách quốc phòng từ cả hai phía.
Việt Nam với chính sách « Ba Không »
Chuyên gia người Úc ghi nhận từ hơn một thập niên gần đây, số lần tầu chiến Mỹ cập cảng Việt Nam, hoặc để viếng thăm chính thức, hoặc để bảo trì, sửa chữa ngày càng nhiều. Và nhất là năm 2016, ba tầu chiến Mỹ đã ghé thăm cảng Cam Ranh, bên cơ sở dân sự.
Những sự kiện này cùng với việc chính quyền Philippines dưới thời tổng thống Rodrigo Duterte tìm cách chấm dứt thỏa thuận hợp tác quân sự (EDCA) đã làm rộ lên nhiều lời đồn đoán cho rằng Hoa Kỳ đang nhắm đến việc tiếp cận các cơ sở cảng biển ở Cam Ranh cũng như là các đảo đá của Việt Nam ở Biển Đông.
Thế nhưng, theo giáo sư Carlyle Thayer, khả năng này bị hạn chế vì chính sách « Ba Không » của Việt Nam, nghiêm cấm việc cho thuê cảng Cam Ranh hay các đảo đá ở Biển Đông.
Sách Trắng Quốc Phòng có từ năm 1998 ghi rõ : « Không liên kết với một quốc gia này để chống lại một nước khác ; Không đối đầu và tấn công bất kỳ quốc gia nào ; và Không tham gia bất kỳ liên minh quân sự cũng như một hoạt động quân sự nào ».
Tuy Sách Trắng năm 2019 lại có đoạn ghi rằng « Tùy theo tình hình và những điều kiện cụ thể, Việt Nam có thể phát triển các mối quan hệ quân sự cần thiết và phù hợp với các nước khác… », nhưng điều đó không có nghĩa là Việt Nam sẽ thay đổi chính sách đối ngoại và quân sự trong một sớm một chiều.
Hoa Kỳ : « Places not bases »
Về phần mình, nước Mỹ từ lâu vẫn chủ trương có các « điểm tiếp nhận chứ không phải là lập căn cứ » (places not bases). Căn cứ có vị trí cố định dễ bị tấn công, trong khi điểm tiếp nhận cho phép Hoa Kỳ có nơi trú ẩn vào những thời điểm quan trọng như thảm họa thiên nhiên hay một cuộc khủng hoảng. Có nhiều khả năng Hoa Kỳ tìm cách cho các tầu chiến thường xuyên cập cảng Việt Nam hơn là thuê một cơ sở để làm căn cứ tiếp tế.
Hoa Kỳ cho rằng không nhất thiết phải có một « trạm dừng » giữa Singapore và Đài Loan. Bởi vì, Mỹ đã có nhiều căn cứ quân sự ở Thái Bình Dương như Yokosuka ở Nhật Bản, đảo Guam hay như ở Hawai. Và nhất là các tầu chiến của Mỹ có khả năng nhận tiếp tế ngay trên biển.
Trong bối cảnh những năm gần đây, Trung Quốc ngày càng có thái độ hung hăng, đe dọa chủ quyền lãnh thổ của Việt Nam ở Biển Đông, chính quyền Hà Nội và Washington đã có các cuộc đàm phán nhằm nâng cao mối quan hệ đối tác từ toàn diện lên thành chiến lược.
Tuy nhiên, theo chuyên gia Carl Thayer, chính phủ Việt Nam vẫn sẽ tỏ ra cực kỳ cẩn trọng trong việc áp dụng bất kỳ một sự thay đổi nào đối với chính sách đối ngoại và quốc phòng dài hạn trong kỳ đại hội Đảng lần thứ 13, dự kiến diễn ra trong quý I năm 2021.
Chủ trương « đa dạng hóa và đa phương hóa » sẽ tiếp tục được duy trì trong quan hệ với các cường quốc. Do vậy, sẽ không có chuyện Việt Nam liên kết với Mỹ để chống Trung Quốc. Điều này cũng giải thích vì sao Việt Nam khó có thể cho Hoa Kỳ thuê cảng Cam Ranh hoặc một số đảo ở Biển Đông lâu dài làm căn cứ tiếp tế hay trạm dừng.
http://www.rfi.fr/vi/ph%C3%A2n-t%C3%ADch/20200506-thu%C3%AA-c%E1%BA%A3ng-cam-ranh-m%E1%BB%B9-kh%C3%B4ng-mu%E1%BB%91n-vi%E1%BB%87t-nam-kh%C3%B4ng-th%E1%BB%83
Ai đứng ra gánh vác nhiệm vụ toàn cầu khi Mỹ – Trung bận cãi nhau?
Các nhà lãnh đạo châu Âu kêu gọi cần có cách phản ứng phối hợp và dựa trên cơ sở khoa học để đối phó với đại dịch COVID-19, trong lúc Mỹ và Trung Quốc tiếp tục đổ lỗi và đẩy trách nhiệm cho nhau trong xử lý cuộc khủng hoảng.Một hội nghị thượng đỉnh trực tuyến được Uỷ ban châu Âu tổ chức ngày 4/5 với hy vọng huy động khoản tiền 8,2 tỷ USD ban đầu để hỗ trợ nỗ lực quốc tế nhằm phát triển và bảo đảm quyền tiếp cận công bằng đối với vắc-xin và thuốc điều trị COVID-19.
Trung Quốc dự kiến sẽ tham gia cùng khoảng 40 quốc gia cam kết góp tiền cho nỗ lực này, nhưng Mỹ thì không.
“Cùng nhau chúng ta phải bảo đảm các nguồn lực sẽ tiếp tục được huy động và quá trình đó sẽ diễn ra để bảo đảm quyền tiếp cận chung đối với vắc-xin, thuốc và thiết bị xét nghiệm”, lãnh đạo các nước Italy, Đức, Pháp, Na Uy và EU viết trong bưc thư đăng trên trang The Independent.
“Chúng tôi quyết tâm làm việc cùng nhau, với tất cả những ai chia sẻ cam kết hợp tác quốc tế. Chúng tôi sẵn sàng dẫn đầu và ủng hộ phản ứng toàn cầu”, các lãnh đạo châu Âu khẳng định.
Nỗ lực đó được thúc đẩy vào thời điểm đang có nhiều lo ngại về nguy cơ không thể có được sự hợp tác hiệu quả trên khắp thế giới do căng thẳng gia tăng giữa Mỹ và Trung Quốc.
“Chúng ta chưa có nhà lãnh đạo khủng hoảng toàn cầu trong đại dịch này, và điều đó đã rất rõ ràng. Chúng ta chưa thấy Mỹ bước lên phía trước theo cách họ làm trong cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu”, Hervé Lemahieu, Giám đốc chương trình ngoại giao và cường quốc tại Viện Lowy ở Sydney, đánh giá.
Ông Lemahieu nhấn mạnh rằng Trung Quốc đang “bận tâm với nỗ lực tuyên truyền để cố không bị quy trách nhiệm bằng cách xua đi những câu hỏi về những yếu tố dẫn đến đại dịch”.
Còn Mỹ, nơi bị COVID-19 tấn công nghiêm trọng nhất, đang cố gắng buộc Trung Quốc chịu trách nhiệm cho tình trạng virus lây lan vì sự chậm trễ trong thông báo về tính nghiêm trọng của tình hình và gợi ý rằng dịch bệnh bắt nguồn từ một phòng thí nghiệm ở Vũ Hán.
Các lãnh đạo Úc, Thuỵ Điển, Đức và EU kêu gọi cần minh bạch hơn hoặc mở một cuộc điều tra về nguồn gốc đại dịch.
Mỹ quyết định ngừng đóng góp tiền cho Tổ chức Y tế thế giới (WHO), một phần vì cho rằng tổ chức này bị Trung Quốc tác động. Còn Trung Quốc đang đáp trả những chỉ trích về cách họ xử lý đại dịch, tăng cường tuyên truyền và thúc đẩy cái gọi là ngoại giao khẩu trang.
Nhà nghiên cứu Lemahieu gọi nỗ lực điều phối của các lãnh đạo châu Âu là “cử chỉ mang ý nghĩa biểu tượng giữa những cãi vã gay gắt giữa Mỹ và Trung Quốc”. Ông cho rằng EU có thể thay đổi trọng tâm từ một cuộc tranh luận nghiêng về chính trị sang các giải pháp dựa trên cơ sở khoa học.
“Châu Âu không phản đối một cuộc điều tra quốc tế, nhưng điều châu Âu muốn là làm mọi thứ theo đúng trình tự”, ông nói.
“Trước tiên là tập hợp các thể chế quốc tế, tăng cường quản trị toàn cầu, huy động tiền và nhấn mạnh giải pháp phối hợp. Sau đó sẽ có thời gian để điều tra cách xử lý đại dịch và cải tổ những điều cần thiết”, ông Lemahieu giải thích.
Hội nghị thượng đỉnh ngày 4/5 trông chờ cam kết từ khoảng 40 quốc gia và tổ chức sẽ ủng hộ một dự án được các lãnh đạo G20 và WHO hậu thuẫn nhằm điều phối nỗ lực của các chính phủ, tổ chức quốc tế và các đối tác tư nhân để đối phó với đại dịch chung.
“Kinh nghiệm trước đây dạy chúng ta rằng ngay cả khi công cụ có sẵn, chúng cũng không được phân phối đều cho tất cả. Chúng ta không thể để điều đó xảy ra”, Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus nói tại lễ khởi động dự án ngày 24/4.
Trung Quốc không tham dự sự kiện đó, nhưng đại sứ Trung Quốc tại EU Zhang Minh dự kiến sẽ phát biểu tại hội nghị trực tuyến lần này, nơi các chính phủ cam kết rót tiền cho hoạt động nghiên cứu và phân phối vắc-xin cũng như các loại thuốc.
http://biendong.net/goc-nhin-moi/34521-ai-dung-ra-ganh-vac-nhiem-vu-toan-cau-khi-my-trung-ban-cai-nhau.html
Xuất hiện biến thể Covid-19 lây mạnh hơn bản gốc Vũ Hán
Quý KhảiCác nhà khoa học Mỹ đã xác định được một biến thể Covid-19 mới có khả năng lây lan nhanh hơn bản gốc Vũ Hán, nhưng độc lực không tăng.
Theo kết quả nghiên cứu của Phòng thí nghiệm quốc gia Los Alamos, biến thể Covid-19 xuất hiện vào tháng 2 ở châu Âu, di cư nhanh chóng đến Bờ Đông nước Mỹ và đã trở thành chủng Covid-19 chủ đạo trên toàn cầu kể từ giữa tháng 3, theo Los Angeles Times.
Ngoài lây lan nhanh hơn, nó còn khiến người bệnh dễ bị tái nhiễm.
Báo cáo dài 33 trang được đăng tải hôm thứ Năm (7/5) trên BioRxiv, một trang web chia sẻ công việc trước khi được bình duyệt giữa các nhà khoa học, nhằm tăng tốc chế tạo vắc-xin hoặc nghiên cứu phương pháp điều trị COVID-19.
Các nhà khoa học từ các tổ chức lớn nghiên cứu vắc-xin hoặc thuốc chữa Covid-19 đã nói với Los Angeles Times rằng họ từng hy vọng virus này ổn định và không biến đổi nhanh như virus cúm, vốn cần một loại vắc-xin mới mỗi năm. Báo cáo của Los Alamos có thể thách thức giả định này.
Ở những nơi chủng mới này bén mảng, nó đã nhanh chóng lây nhiễm cho nhiều người hơn so với chủng gốc Vũ Hán và chỉ trong vài tuần, nó đã trở thành chủng duy nhất phổ biến ở một số quốc gia. Nó lây nhiễm nhanh hơn phiên bản Vũ Hán.
“Vấn đề thật đáng ngại. Chúng ta đang thấy một dạng virus đột biến xuất hiện nhanh chóng, và chỉ trong tháng 3 đã trở thành đại dịch thống trị toàn cầu”, trưởng nhóm nghiên cứu Bette Korber, một nhà sinh học tại Los Alamos, đã viết trên trang Facebook. “Khi các virus có đột biến dạng này xâm nhập cộng đồng người dân, chúng nhanh chóng lấn át dịch bệnh địa phương, do đó chúng dễ lây truyền hơn”.
Tuy nhiên, một chuyên gia đầu ngành là Stanley Perlman, nhà virus học ở Đại học Iowa (Mỹ), hôm 5/5 cho biết virus đột biến để dễ lây nhiễm hơn nhưng về cơ bản không tăng thêm độc lực, theo Washington Post.
Các nhà nghiên cứu tại Los Alamos không tìm thấy bằng chứng bệnh nhân mang biến thể Covid-19 mới nhiều khả năng phải nhập viện hơn. Bệnh nhân nhiễm biến thể này sẽ có lượng virus cao hơn. Nhưng các nhà khoa học ở Đại học Sheffield phát hiện mẫu bệnh phẩm gồm 447 bệnh nhân ở địa phương có tỷ lệ nhập viện giống nhau đối với cả biến thể mới và bản gốc. Tính lây nhiễm tăng không nhất định đi kèm độc lực mạnh hơn, theo Los Angeles Times.
https://www.dkn.tv/the-gioi/xuat-hien-bien-the-covid-19-lay-manh-hon-ban-goc-vu-han.html
Khi nào có vaccine ngừa virus corona?
Steve BaragonaTrong cuộc chạy đua tìm vaccine để chấm dứt đại dịch COVID-19, hiện có 8 ứng viên hàng đầu.
Những ứng viên vaccine này đang được thử nghiệm trên người tại các bệnh viện ở Trung Quốc, Mỹ, Anh và Đức. Tiếp sau, có ít nhất 94 ứng viên khác đang trong những giai đoạn khác nhau của thử nghiệm.
Chính quyền Mỹ đang đẩy mạnh để có hàng trăm triệu liều của một loại vaccine có thể sử dụng được vào cuối năm nay. Tuy nhiên, các chuyên gia nói nguy cơ tăng tốc chưa từng có trước đây để có được vaccine đã rút ngắn vấn đề an toàn và không có gì đảm bảo là bất cứ ứng viên vaccine nào sẽ thành công.
“Điều này làm tôi lo ngại là chúng ta sẽ không biết những vấn đề quan trọng về an toàn và sự hữu hiệu nếu chúng ta lập kế hoạch trong việc sản xuất nhanh,” ông Paul Offit, giám đốc Trung tâm Giáo dục Vaccine tại Bệnh viện Nhi đồng Philadelphia, nói.
Ba con đường
Tám ứng viên vaccine chia làm 3 loại.
Một loại có thể được gọi là kỹ thuật cổ điển: thúc đẩy hệ miễn dịch của bệnh nhân đáp ứng với virus bằng cách tiêm virus đã chết. Có 3 nhóm nghiên cứu Trung Quốc đang thử nghiệm vaccine kiểu này.
Phương pháp thứ hai dùng virus này để chống virus kia.
Dù gây ra bệnh COVID-19, Ebola hay cúm thông thường, một virus căn bản chỉ như một cái phong bì chứa đựng những chỉ dẫn để tạo ra thêm virus.
Trong chiến lược vaccine này, các nhà khoa học tước bỏ những chỉ dẫn từ một virus và thay thế bằng những chỉ dẫn chỉ tạo ra một phần của virus.
Tiêm virus đã được chỉnh sửa sẽ không gây bệnh. Virus sẽ gây lây nhiễm một số tế bào bệnh nhân nhưng thay vì sao chép virus lây nhiễm, những tế bào này sản xuất ra một phần của tế bào. Hệ thống miễn nhiễm của bệnh nhân đáp ứng với protein nên có thể chống lại virus xâm lăng sau đó.
Hai nhóm riêng rẽ nhau từ Trung Quốc và Anh đang theo đuổi phương pháp này.
Một chiến lược thứ ba loại bỏ trung gian. Thay vì chuyển hướng dẫn trong virus, các nhà nghiên cứu tiêm mã số gen cho một mẫu virus corona trực tiếp vào bệnh nhân dưới dạng thức DNA hay RNA.
Có hai nhóm đang tiến hành kiểu vaccine theo RNA và một nhóm theo đuổi phương pháp một liều tiêm DNA.
Những cách mới nhất nhanh và uyển chuyển, theo bà Kimberly Taylor, người đứng đầu ban phát triển vaccine phòng vệ sinh thái tại Viện Dị ứng và các Bệnh Truyền nhiễm Quốc gia.
“Những vaccine này rất tốt cho những nền tảng đại dịch vì nhanh gọn—sản xuất rất nhanh, đưa vào bệnh viện rất nhanh,” bà nói.
Lợi và hại
Mỗi kỹ thuật có mặt lợi cũng có mặt hại.
“Chúng tôi không bỏ tất cả trứng vào một rổ,” Phó Giám đốc Trung tâm Vaccine Trường đại học Emory, ông Walter Orenstein, nói. “Những nhóm khác nhau đang tìm xem vaccine nào sẽ thành công và vaccine nào không.”
Hệ thống vaccne chết chứng tỏ thành công nhất. Tuy nhiên giết chết một virus có thể thay đổi hình dạng của virus. Hệ thống miễn nhiễm có thể đáp ứng đối với virus bị giết khác hơn virus thực.
Các virus vật chủ trung gian là môt chiến lược mới, và không rõ các tác nhân mang virus khác nhau sẽ thành công hay không. Trong một số trường hợp, một người nào đó có thể đã phơi nhiễm với tác nhân mang virus, do đó sẽ giảm bớt tính hữu hiệu.
Vaccine theo dạng DNA đòi hỏi dụng cụ đặc biệt.
“Không đơn giản như chỉ dùng một kim tiêm và ống chích. Bạn phải có toàn bộ dụng cụ,” bà Taylor nói.
Và vaccine theo kiểu RNA sẽ cần thêm một số chất khác để giữ cho hoạt chất khỏi hư hỏng.
‘Khó đoán’
Các chuyên gia lo ngại là thời gian quá gấp rút sẽ không đưa ra những câu trả lời chắc chắn là liệu một vaccine có an toàn hay hữu hiệu hay không.
Chế tạo một vaccine thường mất 20 năm. Thông thường thử nghiệm trên hàng chục ngàn người trước khi được chấp thuận phân phối rộng rãi, vì vấn đề an toàn có thể không rõ ràng ngay.
Ví dụ như, trong một cuộc thử nghiệm lâm sàng 35.000 bệnh nhân, các nhà nghiên cứu phát hiện là vaccine ngừa sốt xuất huyết có hại hơn có lợi đối với trẻ em dưới 9 tuổi không bị bệnh sốt xuất huyết trước khi được tiêm vaccine. Các em này bị sốt xuất huyết nặng hơn những em chưa được chích ngừa trước khi bị lây nhiễm sốt xuất huyết lần đầu tiên.
“Chúng ta không bao giờ biết cho đến khi nào chúng ta đưa vaccine vào một số đông người,” ông Offit nói. “Sau đó và chỉ sau đó chúng ta mới tìm ra được lời giải đáp.”
Tuy nhiên, người ta có thể hạ giảm tiêu chuẩn của vaccine.
“Vì mọi người có lý do hoảng sợ với virus này, tôi nghĩ họ muốn chấp nhận một mức nguy hiểm nào đó mà bình thường họ không chấp nhận,” ông Offit nói.
Vì tốc độ là quan trọng nhất, các nhà sản xuất cần nhanh chóng sản xuất trước khi biết được vaccine có thành công hay không.
“Nếu bạn là nhà sản xuất, bạn muốn gì khi sản xuất hàng loạt liều mà sau đó hóa ra vaccine bạn thất bại?” ông Orenstein hỏi.
“Và làm thế nào chúng ta giảm bớt rủi ro? Có nên có một quỹ nói rằng, ‘Nếu bạn sản xuất vaccine đó, chúng tôi sẽ mua nhiều liều ngay cả khi chúng tôi đổ vaccine đi vì vacccine không hiệu nghiệm hay không an toàn’?”
Chính phủ Mỹ đã ký thỏa thuận với hai công ty vaccine tổng cộng gần 1 tỉ đô la trong đó có việc tăng nhanh sản xuất.
Tất cả các ứng viên vaccine đều phải mất nhiều tháng nữa mới có kết quả thử nghiệm.
https://www.voatiengviet.com/a/khi-n%C3%A0o-c%C3%B3-vaccine-ng%E1%BB%ABa-virus-corona-/5407440.html
Thượng đỉnh LHCÂ-Balkan: Bruxelles bất bình vì bị Nga và Trung Quốc lấn sân
Tú AnhLãnh đạo 27 nước Liên Hiệp Châu Âu và đồng nhiệm các nước phía tây vùng Balkan có một cuộc họp qua video ngày 06/05/2020, vào lúc 14 giờ 30. Hội nghị diễn ra trong bối cảnh khủng hoảng Covid-19, và Bruxelles không che giấu bất bình vì những tuyên bố bị xem là “vô ơn” của lãnh đạo một số nước Balkan, muốn gia nhập Liên Âu, nhưng lại ca tụng Trung Quốc và Nga.
Liên Hiệp Châu Âu đã viện trợ khẩn cấp 3,3 tỷ euro cho các nước Tây Balkan chống dịch, một ngân khoản dồi dào hơn những dụng cụ y khoa mà Nga và Trung Quốc cung ứng cho Serbia và Croatia trong giai đoạn đầu dịch Covid-19.
Thế nhưng, theo tường thuật của Reuters, Liên Hiệp Châu Âu cảm thấy một số lãnh đạo Balkan, nhất là những nước muốn gia nhập Liên Âu, lại có thái độ vô ơn.
Tổng thống Serbia công khai cám ơn chủ tịch Trung Quốc và nhân dân Trung Quốc nhưng phớt lờ viện trợ của châu Âu. Đại diện người Serbia trong ban lãnh đạo Bosnia-Herzegovina cám ơn Nga hào phóng nhưng công kích Bruxelles khắt khe .
Vào lúc thương lượng mở rộng biên giới Liên Hiệp đạt được một số tiến triển, khủng hoảng y tế Covid-19 sẽ là một chủ đề quan trọng sẽ được thảo luận trong hội nghị.
Một viên chức cao cấp của châu Âu cảnh báo: Chúng tôi muốn các vị gia nhập nhưng quý vị không thể vuốt ve Trung Quốc và Nga để thủ lợi riêng.
Nhóm tây Balkan bao gồm Serbia, Albani, Kosovo, Montenegro, Bosnia và Bắc Macedonia.
http://www.rfi.fr/vi/qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF/20200506-th%C6%B0%E1%BB%A3ng-%C4%91%E1%BB%89nh-lhc%C3%A2-balkan-bruxelles-b%E1%BA%A5t-b%C3%ACnh-vi%CC%80-b%E1%BB%8B-nga-v%C3%A0-trung-qu%E1%BB%91c-l%E1%BA%A5n-s%C3%A2n
EU đặt mục tiêu chống lại ảnh hưởng của Trung Cộng và Nga tại Hội Nghị Thượng Đỉnh Balkan
Tin từ BRUSSELS/BELGRADE – Vào hôm thứ Tư (6/5), các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) tổ chức một hội nghị thượng đỉnh với sáu đối tác Balkan của họ. Các viên chức và nhà ngoại giao cho biết việc các quốc gia này ca ngợi sự hỗ trợ của Trung Cộng và Nga trong cuộc khủng hoảng coronavirus khiến EU bất bình.EU cho biết họ không được biết ơn vì 3.3 tỷ euro (3.6 tỷ mỹ kim) mà họ đang cung cấp. Các viên chức cho biết số tiền này vượt xa nguồn cung cấp y tế mà Bắc Kinh và Moscow gửi tới Serbia và Bosnia trong giai đoạn đầu của đại dịch.
Hội nghị thượng đỉnh, được lên kế hoạch tổ chức tại thủ đô Zagreb của Croatia 20 năm sau cuộc họp EU-Balkan đầu tiên, sẽ diễn ra qua video từ 14:30 GMT, kết nối những người đứng đầu Serbia, Kosovo, Montenegro, Albania, Bosnia và Bắc Macedonia với 27 nhà lãnh đạo EU. Vẫn còn chịu tác động của những cuộc chiến của thập niên 1990, cả sáu quốc gia này đều mong muốn được gia nhập EU, mặc dù phản ứng với căn bệnh COVID-19 có khả năng sẽ chiếm mục trọng tâm.
Vào tháng 3, Trung Cộng và Nga đưa các bác sĩ và vật tư y tế đến Bosnia và Serbia để giúp ngăn chặn sự lây lan của coronavirus tại thời điểm EU chậm trễ trong việc đưa ra phản ứng ban đầu. Tổng thống Serbia, ông Alexanderar Vucic, công khai cảm ơn Chủ tịch Tập Cận Bình và người dân Trung Cộng.
Thành viên người Serb thuộc cơ quan tổng thống ba của Bosnia, ông Milorad Dodik, ca ngợi Nga vào tháng trước, chỉ trích Brussels vì hạn chế xuất cảng viện trợ y tế cho các thành viên ngoài EU vào thời điểm ban đầu. (BBT)
https://www.sbtn.tv/eu-dat-muc-tieu-chong-lai-anh-huong-cua-trung-cong-va-nga-tai-hoi-nghi-thuong-dinh-balkan/
Ủy ban Châu Âu: Khu vực sử dụng đồng Euro sẽ suy thoái mức kỷ lục
Nền kinh tế của các nước sử dụng đồng Euro sẽ suy giảm mức kỷ lục 7,7% trong năm nay vì COVID-19 và lạm phát gần như biến mất, trong khi nợ công và thâm hụt ngân sách sẽ tăng mạnh, Ủy ban châu Âu dự báo hôm 6/5.“Châu Âu đang trải qua một cú sốc kinh tế chưa có tiền lệ kể từ thời kỳ Đại Suy thoái”, Ủy viên châu Âu về các vấn đề kinh tế và tài chính Paolo Gentiloni nói.
Quan chức này nói thêm rằng mức độ suy thoái và sự hồi phục sẽ phụ thuộc vào tốc độ dỡ bỏ các biện pháp cách ly, tầm quan trọng của các ngành dịch vụ như du lịch ở mỗi nền kinh tế cũng như các nguồn lực tài chính của mỗi nước.
Ủy ban dự báo rằng trong khi nền kinh tế suy giảm trong năm nay, giá tiêu dùng gần như sẽ chững lại.
Tỷ lệ lạm phát sẽ chậm lại ở mức 0,2% năm 2020 trước khi tăng lên 1,1% vào năm tới, khi khu vực sử dụng đồng Euro trở lại mức tăng trưởng 6,3%.
Ủy ban này cũng nói rằng đầu tư sẽ giảm mạnh 13,3% trong năm nay.
Italy, Hy Lạp, Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha là các quốc gia bị tác động nặng nề nhất bởi COVID-19.
Trong khi đó, các nước như Luxembourg, Malta và Áo chống đỡ cú sốc kinh tế tốt hơn.
GDP của Hy Lạp sẽ giảm ở mức cao nhất khoảng 9,7%, và sau đó là Italy ở mức 9,5%, và Tây Ban Nha ở mức 9,4%.
https://www.voatiengviet.com/a/%E1%BB%A7y-ban-ch%C3%A2u-%C3%A2u-khu-v%E1%BB%B1c-s%E1%BB%AD-d%E1%BB%A5ng-%C4%91%E1%BB%93ng-euro-s%E1%BA%BD-suy-tho%C3%A1i-m%E1%BB%A9c-k%E1%BB%B7-l%E1%BB%A5c/5408105.html
Virus corona: Anh Quốc vượt 30.000 ca tử vong, đứng thứ nhì thế giới
Thanh HàTính đến hôm 05/05/2020 Anh Quốc vượt ngưỡng 30.000 ca tử vong vì Covid-19. Thiệt hại về nhân mạng nghiêm trọng hơn cả so với Ý và chỉ thua Hoa Kỳ. Chính quyền của thủ tướng Boris Johnson bị áp lực ngày càng lớn.
Thống kê được Luân Đôn thông báo hàng tuần cho thấy, tới nay, virus corona đã làm 32.313 người chết. Anh là nước châu Âu đầu tiên vượt ngưỡng 30.000 người tử vong. Theo phân tích của luật sư Hoàng
Đức Thắng từ Luân Đôn, số người tử vong càng cao, áp lực lại càng lớn nhắm vào thủ tướng Boris Johnson trong bối cảnh chính phủ chuẩn bị thông báo kế hoạch dỡ bỏ các biện pháp phong tỏa.
Dịch Covid-19 lây sang Vương Quốc Anh sau nhiều nước tại châu Âu như Ý, Pháp hay Tây Ban Nha. Mãi đến 05/03/2020 Luân Đôn mới ghi nhận ca tử vong đầu tiên.
Chính quyền của thủ tướng Boris Johnson ban đầu chủ trương “miễn dịch cộng đồng” và phải đến 2 tuần lễ sau đó mới ra lệnh phong tỏa, đóng cửa các trường học, hàng quán, các sân vận động và phòng thể thao.
Bản thân thủ tướng Anh đã phải nhập viện vì nhiễm virus corona hồi đầu tháng Tư và phải được đưa vào phòng hồi sức. Chính quyền Anh bị chỉ trích vì đã chậm trễ trong việc đề xuất các biện pháp ngăn ngừa dịch bệnh lây lan.
Tương tự như tại nhiều nước ở châu Âu khác, Anh Quốc cũng bị thiếu khẩu trang, trang thiết bị y tế và thiếu phương tiện xét nghiệm những trường hợp nghi nhiễm virus corona.
Theo hãng tin AFP, lệnh phong tỏa toàn quốc có hiệu lực từ ngày 23/03/2020 sẽ được triển hạn thêm và vào ngày mai, 06/05/2020, chính phủ sẽ kiểm điểm lại tình hình. Báo chí Luân Đôn chờ đợi các biện pháp phong tỏa sẽ được nới lỏng.
Tuy nhiên có nhiều khả năng kế hoạch quay trở lại với các sinh hoạt bình thường sẽ chỉ được thủ tướng Boris Johnson thông báo trong một bài diễn văn đọc vào tối Chủ Nhật tuần này.
http://www.rfi.fr/vi/qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF/20200506-virus-corona-anh-qu%E1%BB%91c-v%C6%B0%C6%A1%CC%A3t-30-000-ca-t%C6%B0%CC%89-vong-%C4%91%C6%B0%CC%81ng-th%E1%BB%A9-nh%C3%AC-th%E1%BA%BF-gi%E1%BB%9Bi
Sau khi xét nghiệm lại mẫu bệnh phẩm, bệnh viện Pháp phát hiện ca nhiễm COVID-19 từ tháng 12/2019
Tin từ Paris – Một bệnh viện ở Pháp vừa xét nghiệm lại một mẫu bệnh phẩm cũ từ bệnh nhân viêm phổi và phát hiện ra họ đã điều trị một người đàn ông mắc Covid-19 từ hồi 27/12/2019, sớm hơn gần một tháng so với thời điểm chính phủ Pháp công bố ca nhiễm đầu tiên.Yves Cohen, trưởng khoa hồi sức tại bệnh viện Avicenne và Jean Verdier ở ngoại ô phía bắc Paris, nói với BFM TV rằng các nhà khoa học đã kiểm tra lại mẫu bệnh phẩm từ 24 bệnh nhân được điều trị vào tháng 12/2019 và tháng 01/2020 đã được xét nghiệm âm tính với cúm.
Các mẫu ban đầu đã được thu thập để phát hiện cúm bằng xét nghiệm PCR, tiến trình sàng lọc tương tự cũng có thể được sử dụng để phát hiện coronavirus ở những bệnh nhân đã bị nhiễm bệnh tại thời điểm lấy mẫu. Mỗi mẫu bệnh phẩm được kiểm tra lại nhiều lần để bảo đảm không có lỗi.
Pháp đã có gần 25,000 người chết vì coronavirus kể từ ngày 01/03/2020, và đã công bố 3 ca nhiễm Covid-19 đầu tiên vào ngày 24/01/2020, gồm có 2 bệnh nhân ở Paris và một bệnh nhân khác ở thành phố Bordeaux.
Ông Cohen nói rằng vẫn còn quá sớm để kết luận liệu bệnh nhân xét nghiệm dương tính Covid-19 hôm 27/12/2019 có phải là “bệnh nhân số 0” của Pháp hay không. Việc biết được ai là người nhiễm đầu tiên rất quan trọng để biết được virus đã lây lan như thế nào. Ông Cohen nói rằng người bệnh nhân đó đã sống sót và cho hay cuộc điều tra đầu tiên đã được mở ra để truy tìm ca nhiễm đầu tiên. (BBT)
https://www.sbtn.tv/sau-khi-xet-nghiem-lai-mau-benh-pham-benh-vien-phap-phat-hien-ca-nhiem-covid-19-tu-thang-12-2019/
Tổng thống và Thủ tướng Pháp thiếu sự đồng thuận – ‘Nguy cơ sụp đổ’ của Pháp?
Bình luậnDu MiênTrong một buổi phỏng vấn trên truyền hình ngày 05/5, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron khẳng định ông không hề lo ngại việc Pháp phải đối mặt với “nguy cơ sụp đổ” về kinh tế nếu phải kéo dài lệnh phong tỏa. Tuy nhiên người đồng sự của ông, Thủ tướng Pháp Édouard Philippe đã nhắc đến vấn đề này khi trình bày về việc gỡ bỏ lệnh phong tỏa trước Quốc hội vào ngày 28/4, nhấn mạnh rằng ông “không sử dụng thuật ngữ này một cách ngẫu nhiên”.
Thậm chí, ông Philippe khẳng định nước Pháp sẽ phải đối mặt với những “hậu quả nghiêm trọng” nếu người dân nước này phải tiếp tục ở nhà. Một tuần sau đó, Tổng thống Macron đã từ chối đề xuất từ phía người đứng đầu chính phủ của mình, Le Figaro cho biết.
Ông Macron khẳng định rằng nước Pháp “là một quốc gia mạnh mẽ”, trong khi đưa ra tuyên bố sẽ tính toán lại “cú sốc kinh tế lớn” mà nước này đang trải qua do tác động của đại dịch virus Corona Vũ Hán. Tổng thống Macron cũng đưa ra lời cảnh báo: “Chúng ta mới đang chỉ ở giai đoạn đầu của cuộc khủng hoảng kinh tế và xã hội. Chúng ta sẽ cần thiết lập các biện pháp.”
Theo đánh giá từ các chuyên gia của Pháp, đây là cuộc suy thoái kinh tế tồi tệ nhất mà thế giới phải đối mặt kể từ cuộc Đại Khủng hoảng những năm 1930.
Chính sự không nhất quán trong phát biểu của Tổng thống Macron và Thủ tướng Philippe dẫn đến những suy đoán về sự rạn nứt giữa 2 nhân vật quyền lực nhất nước Pháp. Tuy nhiên, cả 2 phía đều không công nhận mối quan hệ “căng thẳng” này.
Ngay từ khi đại dịch viêm phổi Vũ Hán (COVID-19) bùng nổ tại Pháp, Tổng thống Macron và Thủ tướng Philippe đã có nhiều quan điểm khác biệt với người đồng sự của mình. Trong khi ông Macron đảm bảo rằng “hy vọng sẽ tái sinh” và khẳng định sẽ kéo dài “những ngày hạnh phúc” tới đây, còn ông Philippe mô tả tình hình này là “một thời điểm quan trọng” và kêu gọi người dân Pháp kiên nhẫn chờ đợi cho tới những “ngày tốt đẹp hơn”.
Trong một diễn biến khác, các nhà nghiên cứu Pháp cho biết họ đã tìm thấy một bệnh nhân virus Corona Vũ Hán (COVID-19) ở quốc gia này vào tháng 12/2019, khoảng một tháng trước khi nước này báo cáo trường hợp đầu tiên. Trường hợp dương tính với virus Corona Vũ Hán này được phát hiện sau khi các bác sĩ tại một bệnh viện gần Paris đã xem xét mẫu của 14 bệnh nhân được điều trị viêm phổi trong khoảng thời gian từ tháng 12/2019 đến tháng 1/2020.
Du Miên
https://www.ntdvn.com/the-gioi/tong-thong-va-thu-tuong-phap-thieu-su-dong-thuan-nguy-co-sup-do-cua-phap-35579.html
Covid-19: Thượng Viện Pháp can thiệp vào tiến trình nới lỏng phong tỏa
Tú AnhDự luật của hành pháp mà thủ tướng Pháp Edouard Philippe trình bày tại Thượng Viện đã bị từ chối với một phiếu cách biệt. Ngay sau đó, trong đêm thứ Ba rạng sáng thứ Tư 06/05/2020, Thương Viện, trong tay phe đối lập, đã thông qua dự luật mới về tình trạng khẩn cấp sau khi thay đổi nhiều điều khoản quan trọng. Dự luật còn chờ Hạ Viện xem xét và biểu quyết trước cuối tuần này.
Trong số các thay đổi so với đề nghị của chính phủ là các điều khoản “bảo đảm cốt lõi” về thẩm quyền, trách nhiệm của chính quyền địa phương khi thực hiện lệnh nới lỏng phong tỏa, cũng như về biện pháp “theo dõi” bệnh nhân bằng điện thoại định vị, có liên quan đến tự do cá nhân, một điều cấm kỵ đối với dân Pháp.
Để tránh nguy cơ siêu vi du nhập và đại dịch tái phát, dự luật của Thượng Viện bắt buộc mọi cá nhân đặt chân đến nước Pháp phải bị cách ly tức khắc.
Về trách nhiệm hình sự của thị trưởng, xã trưởng, đại diện dân cử, những người đích thân quản lý thi hành lệnh Nhà nước tái lập sinh hoạt bình thường ở địa phương, đặc biệt là trong quyết định mở lại học đường, Thượng Viện bật đèn xanh theo hướng trấn an các tác nhân địa phương. Đảng cực hữu “Tập hợp quốc gia” chỉ trích là một hành động “tự ân xá tự động”.
Thượng Viện cũng đề ra một “hệ thống thông tin” để nhận diện, theo dõi bệnh nhân và những ai có tiếp xúc với họ. Tuy nhiên, biện pháp này, phải tôn trọng quyền tự do cá nhân, theo nghĩa phải được “kiểm soát chặt chẽ” và trong khuôn khổ “bí mật y khoa”. Người bệnh còn có quyền từ chối.
Đức đi trước nước Pháp
Sau giai đoạn một nới lỏng phong tỏa kể từ 20/04/2020, chính phủ Đức, hôm thứ Ba 05/05, ban hành giai đoạn hai: trường học, thương xá, quán ăn, quán cà phê được mở lại.
Để chứng tỏ việc đã kiểm soát được tình hình dịch bệnh, bóng đá cũng được đèn xanh. Theo báo chí thể thao, trước tiên là các trận đấu không khán giả, bắt đầu từ 21/05/2020.
http://www.rfi.fr/vi/qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF/20200506-covid-19-th%C6%B0%E1%BB%A3ng-vi%E1%BB%87n-ph%C3%A1p-can-thi%E1%BB%87p-v%C3%A0o-ti%E1%BA%BFn-tr%C3%ACnh-n%E1%BB%9Bi-l%E1%BB%8Fng-phong-t%E1%BB%8Fa
Pháp sốt khẩu trang, nhiều siêu thị bị cháy hàng
Mai VânGiống như giấy vệ sinh thời dịch bệnh mới bùng lên, khẩu trang đang biến thành một mặt hàng được người Pháp tích trữ vào lúc toàn quốc chuẩn bị bước vào thời “hậu phong tỏa”. Cơn sốt mua sắm lên cao đến nỗi mà chỉ một hôm sau khi được phép bán loại khẩu trang y tế dùng một lần – kể từ ngày 04/05/2020 – nhiều siêu thị đã không còn hàng để bán, trong lúc một số khác phải hạn chế số lượng được mua (quota).
Với lệnh trưng dụng đối với khẩu trang được nới lỏng để đáp ứng nhu cầu sử dụng của người dân, kể từ thứ Hai 04/05 vừa qua, các đại siêu thị ở Pháp đã có thể bày bán các loại khẩu trang giải phẫu dùng một lần, hay các loại bằng vải có thể tái dụng.
Để chuẩn bị cho việc này, các dây chuyền siêu thị lớn tại Pháp như Carrefour, Casino, Leclerc, Lidl…, đã nhập về hàng triệu chiếc khẩu trang y tế, chủ yếu là từ Trung Quốc, để sẵn sàng bán ra cho khách hàng.
Ngay ngày đầu tiên nhiều nơi đã cháy hàng
Ngay ngày đầu tiên, các siêu thị Lidl, thuộc một dây chuyền Đức nhưng rất mạnh tại Pháp, đã hầu như bị cháy hàng, với 5 triệu chiếc khẩu trang được bán hết sau vỏn vẹn vài tiếng đồng hồ.
Trả lời phỏng vấn của một đài phát thanh Pháp, ông Michel Biero, giám đốc điều hành phụ trách thu mua và tiếp thị cho chi nhánh Lidl tại Pháp giải thích: “Năm triệu khẩu trang đóng gói trong loại hộp 50 chiếc, rốt cuộc chỉ tương đương với 100.000 hộp được tung ra thị trường, khi chia về các điểm bán (hơn 1500 trên toàn thể nước Pháp) thì mỗi cửa hàng chỉ có 70 hộp mà thôi!”.
Bên phía tập đoàn siêu thị Casino, khai thác các cửa hàng dưới nhiều tên gọi khác nhau, tình hình cũng tương tự. Một phát ngôn viên của tập đoàn đã xác nhận: “Khẩu trang ở các cửa hàng khác nhau đã bán rất chạy… Hàng dự trữ đều cạn ngay trong ngày đầu tiên”.
Dây chuyên siêu thị Système U, rất mạnh tại các địa phương Pháp, cũng tranh thủ cơ hội bán đi kho dự trữ dành cho nhân viên, để dọn chỗ lập lại dự trữ với các sản phẩm mới hơn. Theo ghi nhận của Ouest-France, một tờ báo lớn ở miền Tây nước Pháp, tại một siêu thị Super U trong vùng, 10.000 chiếc khẩu trang đã được bán đi trong nhấp nháy.
Lại xẩy ra tình trạng khan hiếm ?
Các siêu thị đều khẳng định là hàng chỉ thiếu “tạm thời” mà thôi. Từ Casino, Lidl, cho đến Leclerc, Carrefour, tất cả đều cam kết khẩu trang sẽ nhanh chóng có lại kể từ ngày 11/05, ngày đầu tiên của giai đoạn hậu phong tỏa.
Theo một phát ngôn viên dây chuyền siêu thị Leclerc thì “Không có gì là phải vội vàng, hàng sẽ có với khối lượng lớn và hoàn toàn đầy đủ để đáp ứng nhu cầu của tất cả mọi người” kể từ ngày 11/05 và kho dự trữ sẽ được bổ sung liên tục.
Ngay từ hôm 04/05, ông Jacques Creyssel, tổng đại diện Liên Đoàn Thương Mại và Phân Phối (FCD), đã kêu gọi người tiêu dùng đừng đổ xô đến các siêu thị để mua khẩu trang và nhắc nhở: “Xin đừng lặp lại vố mì ống!”.
Lời kêu gọi này gợi lại tình trạng dân Pháp vét sạch tất cả các loại mì sợi, mì ống, đồ khô và… giấy vệ sinh, vào lúc bắt đầu các biện pháp phong tỏa.
Áp dụng chế độ quota
Trước mắt, ở nhiều cửa hàng, chế độ quota đã được áp dụng, như ở các siêu thị Lidl, mỗi người chỉ được mua một hộp. Và để hạn chế tình trạng gom hàng, khẩu trang không bày bán tại các quày mà chỉ bán ra tại quầy thu ngân hay tiếp tân mà thôi.
Tại các siêu thị Carrefour chẳng hạn, khẩu trang không được đặt trên kệ, mà chỉ được bán ra khi khách hàng yêu cầu tại các quầy thu tiền, trong bao bì loại 5 hoặc 10 chiếc, và mỗi người không thể mua nhiều hơn là hai lô.
Hiện tượng tăng giá
Giá bán khẩu trang cũng gây tranh cãi. Chính phủ đã quy định giá trần là 95 xu cho mỗi chiếc khẩu trang phẫu thuật, nhưng mức này bị nhiều người cho là quá cao. Các siêu thị như Carrefour, Leclerc và Casino nhấn mạnh rằng tại các cửa hàng của họ, khẩu trang được bán với “giá thành”, nghĩa là thấp hơn mức trần 0,95 euro.
Tuy nhiên, tệ nạn bán giá “trời ơi” cũng đã được ghi nhận. Theo hãng tin Pháp AFP ngày 05/05, một đoạn video, được chia sẻ hơn 50.000 lần trong 24 tiếng đồng hồ trên mạng Facebook, cho thấy một người phát hiện nhãn giá 6 euro trên một lô 10 chiếc khẩu trang phẫu thuật, được dán đè lên một nhãn giá 3 euro, và cả hai đều ghi ngày 04/05.
Khi bị chất vấn, ban giám đốc Leclerc đã xin lỗi về sự cố đó và giải thích rằng giá 3 euro ban đầu là một “sai sót” ban đầu nên đã được điều chỉnh ngay.
Giới y tế cáo buộc giới kinh doanh trục lợi
Tranh cãi về giá cả bùng lên sau một tranh cãi khác nổi lên vào tuần trước khi các dây chuyền siêu thị loan báo việc đã chuẩn bị sẵn hàng triệu chiếc khẩu trang y tế để bán ra kể từ ngày 04/05.
Các số liệu to lớn đó đã khiến giới y tế “nhảy dựng”, cho rằng giới kinh doanh đã cố tình giấu giếm kho hàng dự trữ của họ trong lúc các bác sĩ, y tá bị thiếu các phương tiện phòng thân.
Giới lãnh đạo các siêu thị dĩ nhiên đã bác bỏ những cáo buộc này, chẳng hạn như chủ tịch dây chuyền phân phối Sysstème U cho biết là họ chỉ bắt đầu đặt mua khẩu trang sau ngày 24/04, là ngày mà chính quyền cho phép bán lại mặt hàng này.
http://www.rfi.fr/vi/ph%C3%A1p/20200506-pha%CC%81p-l%C3%AAn-c%C6%A1n-s%C3%B4%CC%81t-kh%C3%A2%CC%89u-trang-nhi%C3%AA%CC%80u-si%C3%AAu-thi%CC%A3-bi%CC%A3-cha%CC%81y-ha%CC%80ng
Đức sẽ mở lại tất cả các cửa hàng và cho phép tổ chức các trận túc cầu
Tin từ BERLIN, Đức – Vào hôm thứ Hai (4/5), hai nguồn tin trong cuộc thông báo với Reuters rằng các thủ hiến tiểu bang của Đức sẽ đồng ý về các biện pháp nhằm giảm bớt các hạn chế coronavirus, trong hội nghị truyền hình với Thủ tướng Angela Merkel dự kiến diễn ra vào hôm thứ Tư.Các nguồn tin cho biết các thủ hiến dự kiến sẽ bật đèn xanh cho các cửa hàng lớn mở cửa trở lại, có thể từ ngày 11 tháng 5. Các cửa hàng nhỏ hơn quay trở lại kinh doanh ở nền kinh tế lớn nhất châu Âu, miễn là họ tôn trọng các quy tắc cách ly xã hội để làm chậm sự lây lan của coronavirus mới.
Các nguồn tin cho biết các tiểu bang của Đức cũng chuẩn bị cho phép giải túc cầu Bundesliga tiếp tục các trận đấu, có thể từ ngày 15 tháng 5, trong điều kiện nghiêm ngặt mà không có người hâm mộ trong các sân vận động. Đồng thời, các thủ hiến sẽ cho phép các môn thể thao ngoài trời cho những người không chuyên và trẻ em.
Các tiểu bang cũng sẽ đồng ý mở lại các trường học cho tất cả các lớp theo từng bước, mặc dù hầu hết trẻ em sẽ chỉ được phép đến lớp theo ca, chứ không phải trên cơ sở hàng ngày. Các viên chức cũng nhận thức được rằng họ cần phải hành động để dần dần mở lại các nhà trẻ và trường mẫu giáo cho nhiều trẻ mới biết đi để giúp đỡ các bậc cha mẹ đang làm việc.
Vào hôm thứ Hai (4/5), Đức tiến thêm một bước trên con đường trở lại bình thường sau coronavirus, với các bảo tàng và tiệm làm tóc mở cửa trở lại trong những điều kiện nghiêm ngặt, các nhà thờ mở cửa cho các tín hữu và nhiều nhà máy sản xuất xe hơi tiếp tục công việc. (BBT)
https://www.sbtn.tv/duc-se-mo-lai-tat-ca-cac-cua-hang-va-cho-phep-to-chuc-cac-tran-tuc-cau/
Không còn cảm ơn ĐCS Trung Quốc, miền Bắc nước Ý yê u cầu Bắc Kinh bồi thường 20 tỷ Euro
Bình luậnMinh ThanhÝ là quốc gia đầu tiên ở châu Âu tham gia hợp tác kinh tế “Một vành đai, Một con đường” của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), và là quốc gia lâm vào khủng hoảng dịch bệnh viêm phổi Vũ Hán nghiêm trọng. Gần đây, truyền thông Ý tiết lộ rằng Ủy ban Lombardia – khu vực miền Bắc nước Ý chịu ảnh hưởng dịch bệnh nặng nề nhất đã không còn đề cập đến “tình hữu nghị anh em” với Trung Quốc, và có kế hoạch yêu cầu chính quyền Bắc Kinh bồi thường 20 tỷ Euro.
Theo tờ La Repubblica của Ý, gần đây ông Attilio Fontana, người đứng đầu khu vực Lombardia cho biết ủy ban khu vực đã đề xuất một hành động pháp lý để yêu cầu ĐCSTQ bồi thường. Ông Fontana cho rằng nếu một dịch bệnh nghiêm trọng như vậy xảy ra ở một quốc gia thì cần phải thông báo rõ cho người dân thế giới. Nhưng Trung Quốc lại có thái độ giấu giếm dịch bệnh, việc này vô cùng sai trái.
Thư ký của Lombardia, ông Paolo Grimoldi cũng nói rằng Hoa Kỳ, Úc, Vương quốc Anh và các quốc gia khác đã có những hành động đòi bồi thường pháp lý tương tự đối với ĐCSTQ. Chỉ có đảng cầm quyền Ý vẫn im lặng vì đường lối ‘thân ĐCSTQ’. Vì thế, vùng Lombardia sẽ đi đầu trong hành động yêu cầu bồi thường gửi tới Đại sứ quán Trung Quốc tại Ý.
Truyền thông Ý, tờ Milano Today cũng đưa tin rằng ‘bức tranh’ Bắc Ý và ĐCSTQ bắt tay chống dịch bệnh đã thay đổi hoàn toàn sau hơn 40 ngày, tình cảm anh em và nụ cười không còn được nhắc đến nữa. Lombardia hiện đang theo bước chân của Hoa Kỳ, yêu cầu ĐCSTQ bồi thường khoản tiền 20 tỷ Euro.
Là quốc gia lâm vào dịch bệnh nghiêm trọng nhất ở châu Âu, chính phủ Ý tuyên bố đóng cửa thành phố ở phía Bắc vào ngày 9/3. Tính đến ngày 5/5, Ý bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh với hơn 210.000 người bị nhiễm bệnh, 29.000 người tử vong.
Trước những nguy hại phải đối mặt do chính quyền Trung Quốc che giấu dịch bệnh, vào ngày 21/4, Ý đã lập một trang web đặc biệt thu thập chữ ký (https://www.covid19classaction.it/) để kêu gọi một vụ kiện tập thể chống lại chính quyền Trung Quốc. Hiện ước tính có hơn 500.000 người đã ký tên và tìm cách tham gia kiện chung với Hoa Kỳ để yêu cầu ĐCSTQ bồi thường hơn 100 tỷ Euro.
Ông Ferdinando Perone, người phụ trách kế hoạch này tuyên bố rằng: Theo Quy định y tế quốc tế, bất kỳ quốc gia nào có dịch bệnh lớn phải thông báo cho Tổ chức Y tế thế giới (WHO) trong vòng 24 giờ. Nhưng chính quyền ĐCSTQ không làm điều này, vì vậy chính quyền ĐCSTQ rõ ràng phải chịu trách nhiệm.
Minh Thanh
https://www.ntdvn.com/the-gioi/khong-con-cam-on-dcs-trung-quoc-mien-bac-nuoc-y-yeu-cau-bac-kinh-boi-thuong-20-ty-euro-35570.html
Covid- 19: Sinh hoạt tại Ý từng bước phục hồi
Minh AnhNhững sinh hoạt thường nhật từng bước được tái lập làm cho cuộc sống thêm tươi đẹp. Tại Roma, việc tụm năm tụm bảy ở ngoài sân hay quanh một quầy bar để thưởng thức tách cà phê vẫn còn bị cấm. Nhưng người ta có thể lại được nhâm nhi một ly cà phê espresso thơm ngon, với một khoảng cách an toàn.
Phóng sự của thông tín viên Anne Le Nir từ Roma :
Thành Roma thức giấc trong tiếng vang thánh thót nhẹ nhàng của từng nốt dương cầm, hoặc trong âm thanh bản giao hưởng tiếng chim ca. Tiếng giày cao vót lại vang lên trên các vỉa hè. Phụ nữ thành Roma trông càng thanh lịch với những đôi giày cao gót.
Cơn thèm muốn một ly cà phê espresso không thể nào cưỡng lại được. Uống cà phê Espresso ở quầy bar là một trong những nét truyền thống. Sau hai tháng bị cấm đoán, cuối cùng một quán cà phê cách Thượng Viện vài bước đã mở cửa trở lại. Khách hàng bị cấm vào bên trong, nhưng cửa hàng đã có cách : Thềm cửa sổ chìa ra bên ngoài trở thành quầy hàng. Clara và Alberto là những khách hàng đầu tiên.
« Thật là tuyệt khi được uống một cốc cà phê, đồng thời lại giúp được những người đã phải nghỉ việc. Cuộc sống thường nhật cũng đang trở lại, chúng tôi có thể nói chuyện dăm ba câu … đương nhiên là cách xa nhau. »… « Trong vòng hai tháng, không có bữa điểm tâm ở quán cà phê, giờ thì có thể rồi. Một tín hiệu tốt đây ».
Đương nhiên là không có tiếp xúc trực tiếp giữa người phục vụ và khách hàng. Người mua đứng ở phía ngoài cửa sổ. Cà phê, đựng trong cốc nhỏ bằng nhựa, bọc trong hộp giấy có ghi hàng chữ « Coffee To Go ». Và thế là khởi đầu một ngày mới hồi sinh!
http://www.rfi.fr/vi/qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF/20200506-covid-19-sinh-ho%E1%BA%A1t-t%E1%BA%A1i-%C3%BD-t%E1%BB%ABng-b%C6%B0%E1%BB%9Bc-ph%E1%BB%A5c-h%E1%BB%93i
Nga: Cần phân tích kỹ kế hoạch khai thác mặt trăng của Mỹ
Điện Kremlin hôm 6/5 nói rằng một bản thảo pháp lý do Hoa Kỳ đề xuất về việc khai thác mặt trăng sẽ cần phải được phân tích kỹ lưỡng để xem nó có tuân thủ luật pháp quốc tế hay không.Chính quyền của ông Trump đang soạn thảo các đề xuất theo một thỏa thuận quốc tế mới được Mỹ bảo trợ có tên gọi Hiệp định Artemis.
Nga, một đối tác lớn với NASA trên Trạm Không gian Quốc tế, sẽ không phải là một đối tác đầu tiên của dự án này.
Thỏa thuận là nỗ lực mới nhất nhằm vận động các đồng minh về kế hoạch đưa người và trạm không gian lên mặt trăng của NASA trong vòng một thập kỷ nữa.
Nó cũng được soạn thảo trong bối cảnh cơ quan không gian dân sự của Mỹ đang ngày càng đóng vai trò quan trọng trong việc thực thi chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ.
Tin cho hay, dự thảo hiệp định này vẫn chưa chính thức được chia sẻ với các đồng minh của Mỹ.
Chính quyền Trump và các nước khác có các hoạt động trên không gian coi mặt trăng là một tài sản quan trọng và mang tính chiến lược.
Mặt trăng cũng có giá trị nghiên cứu khoa học lâu dài mà theo đánh giá, có thể giúp thực hiện các chuyến đi tới Sao hỏa trong tương lai.
https://www.voatiengviet.com/a/nga-c%E1%BA%A7n-ph%C3%A2n-t%C3%ADch-k%E1%BB%B9-k%E1%BA%BF-ho%E1%BA%A1ch-khai-th%C3%A1c-m%E1%BA%B7t-tr%C4%83ng-c%E1%BB%A7a-m%E1%BB%B9/5408479.html
Nga đứng thứ năm tại châu Âu vì dịch Covid-19
Minh AnhTại châu Âu, sau Ý, Tây Ban Nha, Pháp và Anh, nước Nga đang trở thành quốc gia thứ năm tại châu Âu bị dịch Covid-19 hoành hành dữ dội. Ngày thứ Tư, 06/05/2020, là ngày thứ tư liên tiếp Nga có 10.000 ca nhiễm virus corona mới mỗi ngày.
Với 10.559 ca nhiễm mới trong vòng 24 giờ qua, nước Nga của tổng thống Vladimir Putin đã có tổng cộng 165.929 ca bệnh, vượt qua mặt Đức.
Tuy nhiên, số ca tử vong tại Nga thấp hơn rất nhiều so với những nước bị dịch bệnh ảnh hưởng nặng nhất tai châu lục. Chính quyền Matxcơva giải thích đó là nhờ vào một loạt các biện pháp được đưa ra rất sớm: đóng cửa biên giới, thực hiện hơn 4 triệu xét nghiệm, xây bệnh viện dã chiến, đặc biệt là tại Matxcơva, vùng ổ dịch chính. Tuy nhiên, nhiều tiếng nói chỉ trích nghi ngờ độ chính xác của các số liệu đưa ra.
Theo AFP, tổng thống Putin sẽ có buổi họp trực tuyến ngày hôm nay (06/05), bàn về việc dỡ bỏ dần lệnh phong tỏa, áp đặt ở Nga từ hơn một tháng nay, dự kiến bắt đầu từ ngày 12/05 tại một số vùng.
http://www.rfi.fr/vi/qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF/20200506-nga-%C4%91%E1%BB%A9ng-th%E1%BB%A9-n%C4%83m-t%E1%BA%A1i-ch%C3%A2u-%C3%A2u-v%C3%AC-d%E1%BB%8Bch-covid-19
Iran tuyên bố đáp trả mạnh nếu Mỹ gia hạn lệnh cấm vận vũ khí
Tổng thống Iran Hassan Rouhani hôm 6/5 tuyên bố sẽ có “phản ứng mạnh” nếu Hoa Kỳ tiếp tục kế hoạch gia hạn lệnh trừng phạt đối với việc Iran mua bán vũ khí thông thường mà Liên Hợp Quốc dự kiến sẽ dỡ bỏ vào cuối năm nay.Theo thỏa thuận giữa Iran và các cường quốc trên thế giới về việc giới hạn chương trình hạt nhân để đổi lại việc dỡ bỏ các lệnh trừng phạt, một lệnh cấm vận vũ khí của Liên Hợp Quốc dự kiến sẽ hết hạn vào tháng 10.
Hoa Kỳ rút khỏi thỏa thuận này vào năm 2018, và tuyên bố sẽ gia hạn lệnh trừng phạt này.
Trong một bài phát biểu hôm 6/5, ông Rouhani lặp lại chỉ trích lâu nay của Iran về quyết định rút của Washington, gọi đó là “sai lầm ngu xuẩn”.
Iran đã từng bước rút lại các cam kết theo thỏa thuận để đáp lại việc Mỹ rút lui, nhưng nói rằng nước này vẫn muốn thỏa thuận có hiệu lực.
Iran cũng đã chỉ trích các nước châu Âu không thể cứu vãn thỏa thuận và bảo vệ nền kinh tế Iran khỏi sự trừng phạt của Mỹ.
https://www.voatiengviet.com/a/iran-tuy%C3%AAn-b%E1%BB%91-%C4%91%C3%A1p-tr%E1%BA%A3-m%E1%BA%A1nh-n%E1%BA%BFu-m%E1%BB%B9-gia-h%E1%BA%A1n-l%E1%BB%87nh-c%E1%BA%A5m-v%E1%BA%ADn-v%C5%A9-kh%C3%AD/5408472.html
Người thừa kế Samsung xin lỗi dân, hứa không truyền ngôi cho con
Người thừa kế tập đoàn Hàn Quốc Samsung vừa xin lỗi quốc dân, và nói sẽ thay đổi cơ cấu quản lý và sẽ không để các con ông tiếp quản tập đoàn.Người thừa kế hãng Samsung sẽ bị truy tố
Người thừa kế Samsung bị bắt
Lee Jae-yong, phó chủ tịch Samsung Electronics và đang là lãnh đạo tối cao trên thực tế của Samsung, phát biểu trên tivi hôm thứ Tư.
“Tôi sẽ không truyền lại việc quản lý công ty cho các con tôi. Tôi luôn nghĩ vậy mà, nhưng trước đây thì chưa muốn nói ra, vì chưa nên bàn về các vấn đề liên quan thừa kế cho đến khi có đánh giá đầy đủ về khả năng quản lý của tôi, trong lúc Samsung đang đối diện môi trường kinh doanh bất lợi.”
Ông Lee Jae-yong cũng xin lỗi quốc dân: “Tôi xin gửi lời xin lỗi chân thành tới công chúng.”
“Samsung và tôi đã bị phê phán vì các vấn đề liên quan thừa kế.”
“Tôi xin nói rõ. Sẽ không còn các tranh cãi về chuyện thừa kế quản lý. Sẽ không có các hoạt động vi phạm pháp luật. Sẽ không có các hoạt động vi phạm đạo đức, thiên vị.”
“Tôi sẽ chỉ tập trung làm những việc để cải thiện giá trị công ty.”
Lời xin lỗi đưa ra sau khi một ủy ban độc lập của Samsung khuyến nghị ông Lee nên thông báo cho công chúng về các biện pháp tăng minh bạch.
Samsung là tập đoàn kinh doanh lớn nhất tại Hàn Quốc.
Ông Lee không trả lời câu hỏi của phóng viên, và ra về sau khi đọc thông cáo.
Ông cũng hứa hẹn rằng sẽ “bảo đảm hoạt động tự do” cho các tổ chức công đoàn ở Samsung.
Tuy nhiên, trong thông cáo đọc trên tivi, ông Lee không tiết lộ cụ thể cơ cấu quản trị của Samsung sẽ thay đổi ra sao.
Samsung có hệ thống sở hữu chéo rất phức tạp, giúp cho gia đình ông Lee kiểm soát Samsung mặc dù họ chỉ có rất ít cổ phần.
Ông Lee từng phải ngồi tù từ 2017 tới 2018 vì các tội danh liên quan hối lộ, biển thủ trong đại án lật đổ cựu tổng thống Park Geun-hye năm 2017.
Trong vụ này, ông Lee nhận án tù 5 năm, nhưng đã ra tù sau một năm nhờ kháng án để nhận bản án tù treo 2 năm rưỡi.
Tuy nhiên, tháng Tám năm ngoái, tòa tối cao nói tòa phúc thẩm đã đánh giá thấp số tiền hối lộ, và yêu cầu xử lại.
Điều này tạo ra khả năng ông Lee vẫn có thể bị tù lần nữa.
Ông là con trai của Lee Kun-hee, chủ tịch Samsung, người đã nghỉ ốm sau khi đau tim năm 2014.
Bản thân người cha, Lee Kun-hee, từng hai lần bị kết án vì tội hối lộ nhưng chưa phải ngồi tù ngày nào.
https://www.bbc.com/vietnamese/business-52561071
‘Không có dấu hiệu’ Kim Jong-un đã giải phẫu tim, Nam Hàn nói
Cơ quan tình báo Nam Hàn cho biết tin đồn về sức khỏe của Kim Jong-un không có căn cứ, và không có dấu hiệu ông đã phải phẫu thuật tim.Nhà lãnh đạo Triều Tiên gần đây đã không xuất hiện trước công chúng trong 20 ngày và không tham dự lễ kỷ niệm sinh nhật của ông nội – một trong những sự kiện lớn nhất trong năm.
Một số phương tiện truyền thông đưa tin ông “bị bệnh nặng”, hoặc thậm chí đã chết.
Nhưng sau đó ông ta xuất hiện tại một nhà máy phân bón – trông rõ ràng là có sức khỏe tốt.
Tình báo Nam Hàn nói gì?
Người đứng đầu cơ quan tình báo của Nam Hàn, Suh Hoon, đã nói chuyện với một ủy ban quốc hội hôm thứ Tư.
Theo hãng tin Yonhap của Hàn Quốc, ông Suh Hoon nói rằng không có dấu hiệu nào cho thấy tin đồn về sức khỏe của Kim Jong-un là đúng.
Ủy ban đã nghe tường trình là nhà lãnh đạo Triều Tiên đã xuất hiện trước công chúng 17 lần trong năm nay. Vào thời điểm này hàng năm, ông ta thường xuất hiện 50 lần.
Trump ‘vui mừng’ thấy Kim Jong-un tái xuất hiện
Kim Jong-un xuất hiện trở lại, dân ‘hò reo như sấm dậy’
Bắc Hàn: Thân tộc Kim Jong-un có yếu thế nếu lãnh tụ qua đời?
Nhưng sự xuất hiện trước công chúng của ông có thể đã giảm xuống do sự bùng phát Covid-19, một thành viên của ủy ban cho biết – mặc dù Bắc Hàn chính thức không có trường hợp nào.
“Không thể loại trừ rằng dịch đã bùng phát ở Bắc Hàn”, nhà lập pháp Kim Byung-kee nói.
“Kim Jong-un đã tập trung vào việc củng cố các vấn đề nội bộ như các lực lượng quân sự và các cuộc họp của nhà nước và các mối quan tâm về virus corona đã hạn chế hơn nữa hoạt động công khai của ông ấy.”
Đã có những tin đồn gì?
Sau khi Kim Jong-un vắng mặt trong ngày lễ kỷ niệm sinh nhật vào ngày 15/4, những tin đồn về sức khỏe của ông bắt đầu nổi lên.
Sáu ngày sau, một nguồn tin nặc danh nói với Daily NK – một trang web được điều hành bởi những người đào thoát Bắc Triều Tiên – rằng những vấn đề về tim mạch của ông Kim đã trở nên tồi tệ hơn.
Tin đồn này sau đó được lặp lại bởi các phương tiện truyền thông quốc tế, với một số cơ quan cho rằng ông ta đang trong tình trạng nguy kịch, và những người khác thậm chí nói rằng ông đã chết.
Vào thời điểm đó, chính phủ Nam Hàn và các nguồn tin của tình báo Trung Quốc – nói chuyện với hãng tin Reuters – cho biết điều này không đúng.
Kim Jong-un từng biến mất trước đây?
Đúng. Ông Kim đã mất tích 40 ngày vào tháng 9/2014, sau khi tham dự một buổi hòa nhạc. Ông xuất hiện trở lại vào giữa tháng Mười, chống gậy.
Truyền thông nhà nước không bao giờ giải thích ông đã ở đâu. Nhưng cơ quan tình báo của Hàn Quốc cho biết ông có thể đã phẫu thuật mắt cá chân trái do có một u nang.
https://www.bbc.com/vietnamese/world-52557019
Tình báo Hàn Quốc bác bỏ suy đoán Kim Jong Un phẫu thuật tim
Triệu HằngTình báo Hàn Quốc bác bỏ suy đoán lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un đau yếu và phải phẫu thuật tim, nhấn mạnh rằng ông Kim vẫn chỉ đạo chính quyền như thường lệ.
Hãng tin Yonhap ngày 6/5 trích dẫn Cơ quan Tình báo Quốc gia Hàn Quốc (NIS) trong một cuộc họp kín với các nhà lập pháp, cho biết, trong năm nay ông Kim Jong Un xuất hiện trước công chúng 17 lần, ít nhất từ trước đến nay.
NIS cho biết, ông Kim không gặp vấn đề sức khỏe liên quan đến tim mạch, đề cập lời giải thích của các chuyên gia rằng, một thủ thuật y tế nhỏ cũng sẽ mất bốn đến năm tuần để hồi phục.
Cơ quan tình báo Hàn Quốc cho biết, với số lần hoạt động công khai của ông Kim trong năm nay đã cho thấy mức giảm trung bình 66% so với 50 lần xuất hiện công khai của ông trong những năm trước. Theo cơ quan này: “Ngay cả khi ông Kim không xuất hiện trước công chúng, ông ấy vẫn giải quyết các vấn đề nhà nước như thường lệ”.
NIS không loại trừ nhiều khả năng dịch virus corona bùng phát ở Triều Tiên.
Mặc dù Bình Nhưỡng tuyên bố rằng không có ca lây nhiễm virus nào, nhưng họ đã tăng cường các nỗ lực phòng ngừa bằng cách thắt chặt biên giới của họ với Trung Quốc.
Yonhap dẫn báo cáo của NIS cho biết, những khó khăn kinh tế của Triều Tiên thêm phần gay go, giá của gia vị và đường tăng vọt, người dân Triều Tiên đã tích trữ nhu yếu phẩm thông dụng hàng ngày.
Đồng thời, NIS cho biết, họ không phát hiện bất kỳ dấu hiệu bất thường nào cho thấy Triều Tiên nối lại hoạt động của tổ hợp hạt nhân Yongbyon kể từ khi cơ sở này bị ngừng từ cuối năm 2018.
Theo báo cáo của NIS: “Cũng không có chuyển động đặc biệt nào trong khu vực thử hạt nhân (hiện đã bị phá hủy) Punggyeri hoặc địa điểm phóng tên lửa Dongchang-ri”.
NIS nhấn mạnh, Triều Tiên đã khôi phục việc sử dụng đồng USD là tiền tệ thanh toán quốc tế thay vì đồng euro như trước đó.
https://www.dkn.tv/the-gioi/tinh-bao-han-quoc-bac-bo-suy-doan-kim-jong-un-phau-thuat-tim.html
Hàn Quốc: Nền kinh tế Triều Tiên 95% phụ thuộc Trung Quốc
Triệu HằngGiá trị xuất khẩu của Triều Tiên năm 2019 giảm sâu so với 4 năm trước đó, do thấm các lệnh trừng phạt quốc tế, ngược lại, mức độ phụ thuộc của nền kinh tế Triều Tiên vào Trung Quốc đạt kỷ lục 95%.
Hãng tin Yonhap ngày 6/5 dẫn báo cáo Hiệp hội Thương mại Quốc tế Hàn Quốc (KITA) cho biết, các lô hàng nước ngoài của Triều Tiên đạt 261 triệu USD vào năm 2019, giảm 20.9% so với năm 2018.
Con số này chỉ bằng 1/7 tổng lượng xuất khẩu cả nước 4,56 tỷ USD được ghi nhận trong năm 2015. Ngược lại, nhập khẩu của Bình Nhưỡng tăng 15.6%, đạt 2,95 tỷ USD so với cùng kỳ năm ngoái 2,68 tỷ USD.
Báo cáo cho biết, Triều Tiên chỉ còn 62 đối tác thương mại vào năm 2019, giảm gần một nửa so với 115 trong năm 2018.
Trung Quốc vẫn là đối tác thương mại số 1 của Triều Tiên.
Sự phụ thuộc thương mại của Triều Tiên vào đồng minh kinh tế lớn nhất của họ đã đạt mức cao nhất mọi thời đại, 95,2% vào năm 2019 so với 91,7% năm 2018.
Thương mại giữa hai nước đạt 2.84 tỷ USD vào năm ngoái, tăng 15.3% so với năm trước đó.
Mặt hàng xuất khẩu hàng đầu của Triều Tiên là đồng hồ, chiếm 18.8% trong tổng lượng xuất khẩu.
Theo sau là Ferrosilicon, hợp kim của sắt và silicon, chiếm 11,3% và tóc giả chiếm 11,2%.
Xuất khẩu của 5 sản phẩm hàng đầu của Triều Tiên bao gồm than đá, quặng sắt, vải, hàng dệt kim và các sản phẩm thủy sản, đã gần về không vào năm ngoái, do chịu áp lực từ các lệnh trừng phạt kinh tế.
KITA dự đoán, thương mại của Triều Tiên sẽ giảm đáng kể trong năm nay do đại dịch virus corona, tăng khả năng mức độ phụ thuộc của nền kinh tế Triều Tiên vào Trung Quốc có thể tiến mốc cao nhất.
https://www.dkn.tv/the-gioi/han-quoc-nen-kinh-te-trieu-tien-95-phu-thuoc-trung-quoc.html
Phân tích ‘tướng mặt’ Kim Jong Un, chuyên gia phát hiện ông Kim có đến 3 ‘thế thân’
Vũ DươngPhân tích ‘tướng mặt’ Kim Jong Un, chuyên gia phát hiện ông Kim có đến 3 ‘thế thân’
Đã có nhiều đồn đoán về việc nhân vật Kim Jong Un xuất hiện trước công chúng ngày 1/5 vừa qua chỉ là “người đóng thế”, không phải người thật. Một chuyên gia Đài Loan đã phân tích tướng mặt của Kim Jong Un qua các thời kỳ và kết luận, Kim Jong Un có thể có đến 3 thế thân, theo NTDTV.
Hãng thông tấn trung ương Triều Tiên (KCNA) đưa tin, ngày 1/5 nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un đã tham dự buổi lễ khánh thành nhà máy phân bón Suncheon Phosphate ở tỉnh Pyongan Nam, phía bắc thủ đô Bình Nhưỡng.
Tháp tùng ông Kim có em gái Kim Yo Jong, cùng các Phó Chủ tịch Đảng Lao Động Pak Pong-ju, Kim Deok-hun, Pak Thae-song. Phó trưởng Ban Chỉ đạo tổ chức Đảng Lao động Triều Tiên Jo Yong-won cũng có mặt.
Ngày hôm sau (2/5), KCNA đã đăng một bức ảnh cho thấy Kim Jong Un cắt băng khánh thành một nhà máy phân bón. Từ hình ảnh có thể thấy Kim Jong Un dường như béo hơn, bước đi có chút khó nhọc, nhưng vẫn có thể tự mình đi lại.
Yonhap News Agency đưa tin, vào ngày 1/5, Kim Jong-un đã cắt băng khánh thành tại lễ hoàn thành Nhà máy Phân bón Suncheon (ảnh chụp màn hình/NTDTV).
Trước khi lộ diện, đã có nhiều đồn đoán rộ lên xoay quanh ông Kim, ví như tính mạng ông đang gặp nguy kịch sau phẫu thuật. Rằng ông bị chết não, và đã trở thành người thực vật.
Mặc dù truyền thông chính thức của Triều Tiên đã công bố những bức ảnh và video hiện trường về việc Kim Jong Un tham gia hoạt động vào ngày 2/5, nhưng cũng không dẹp tan được nghi ngờ trước đó của giới quan sát.
Vương Định Vũ, một nhà lập pháp đảng Dân tiến Đài Loan, đã so sánh các bức ảnh cũ và mới của Kim Jong Un trên Facebook và nhận thấy có một số điểm bí ẩn.
Ông nói rằng trong sự kiện Kim Jong Un tham dự lần này, tấm bảng sân khấu đã được cố tình phóng to dòng chữ “ngày 1/5/2020” để chứng minh rằng bức ảnh này mới được chụp, nhưng ông nhận thấy thần sắc, phong thái của Kim Jong Un đều không bình thường. Thông qua tìm kiếm và nghiên cứu các tư liệu trên mạng, ông đặt câu hỏi liệu đây có phải là “người đóng thế” hay không?
Vương Định Vũ đề xuất đối chiếu các bức ảnh cũ và mới, bày tỏ nghi vấn rằng phần răng cửa, môi trên, phần tiếp xúc giữa các răng, nốt ruồi trên mũi, nụ cười cũng như thần thái… của hai Kim Jong Un trên các tấm ảnh cũ và mới dường như có chút khác biệt. Ông đặt câu hỏi trên mạng: “Bạn có cảm thấy đây là cùng một người?”.
Ông đã lấy một bức ảnh làm ví dụ dẫn chứng. Mặc dù cả hai Kim Jong Un đều béo mập, và phẫu thuật thẩm mỹ có thể xử lý những đặc điểm thường dùng để đối chiếu, ví như tai hay các bộ phận ngũ quan khác, nhưng ánh mắt, thần thái thì không thể sử dụng “dao kéo” để tạo ra được. Do đó, ông chất vấn “Hai người này có phải là cùng một người?”.
Ngoài Kim Jong Un, ông Vương Định Vũ nói rằng ngay cả em gái của ông Kim là Kim Yo Jong cũng không giống, không phải là sự khác biệt do trang điểm, mà là vì Kim Yo Jong này trông trẻ hơn cả chục tuổi.
Nhiều cư dân mạng cũng bày tỏ hoài nghi, có khả năng là dùng ảnh cũ hoặc là có “người đóng thế”.
Một cư dân mạng bình luận:
“Là giả đó, rõ ràng là ‘người đóng thế’. Thiếu đi ‘sát khí’ và thói bá đạo ngang ngược của Kim Jong Un. Có thể thấy điều này rất rõ khi những ‘diễn viên quần chúng’ xung quanh tỏ vẻ hờ hững, thiếu mất sự ‘run rẩy sợ sệt’ khi theo hầu hạ Kim”.
“Lần đầu tiên tôi nhìn thấy ánh mắt của Kim Jong Un hòa ái đến vậy, lần đầu tiên tôi thấy người đứng đằng sau ông Kim dám nhúc nhích cử động, lần đầu tiên tôi thấy ánh mắt đờ đẫn không có sát khí! Kiểu tóc cũng đã thay đổi. Kim có kiểu tóc rất khác vào lần xuất hiện hồi cuối tháng 2”.
Cũng có cư dân mạng nói:
“Tất cả những người này đều không đeo khẩu trang, hơn nữa lại đứng sát nhau, hoàn toàn không hợp với tình thế dịch bệnh trước mắt chút nào. Là giả, tất cả đều là giả! Ngay cả những người đứng cạnh ông Kim Jong Un cũng đều không đeo khẩu trang, những người này phải chăng gan lớn tày trời! Chỉ có các công nhân tham gia đại hội là đeo khẩu trang. Hai tấm ảnh này dường như không phải được chụp cùng một thời điểm!”.
“Cái được công bố chỉ là ảnh chụp! Năm xưa ông Kim Jong Il (Kim Chính Nhật) sau khi bị trúng gió cũng là dùng chiêu này, chỉ công bố ảnh chụp, không công bố video, mãi cho đến lúc chết”.
Ông Vương Đốc Nhiên – nhà bình luận trang tin tức Aboluowang cũng tin rằng nhân vật Kim Jong Un lộ diện ngày 1/5 rất có thể là người đóng thế. Kim Jong Un này không đi đường rồi thở hổn hển như Kim Jong Un trước đó. Trong ánh mắt cũng không có vẻ ngông cuồng tự đại, đằng đằng sát khí, không coi ai ra gì của Kim Jong Un. Hình dạng đôi tai cũng khác. Đối chiếu với ảnh chụp Kim trước đây, có thể thấy rằng tai Kim có vành tai rất mỏng, không có đường cong nhô ra. Trong khi hai vành tai của Kim Jong Un xuất hiện ngày 1/5 lại khá dày và tròn trịa.
Từ lâu đã có nguồn tin nói rằng Kim Jong Un có ít nhất ba “người đóng thế”, từ đôi tai và lông mày là có thể phân biệt được người thật người giả.
Ông Tô Tử Vân, giám đốc điều hành Trung tâm Công nghệ và Chiến lược tích hợp Đại học Đạm Giang, Đài Loan, nói rằng Kim Jong Un số 1 này xuất hiện vào ngày lễ duyệt binh, vành tai của người này rất lớn. Còn người này là ảnh chụp vào một năm trước đó. Dù là chụp cùng một góc độ, nhưng có thể thấy vành tai của cả hai khá khác nhau.
So sánh ảnh chụp sự xuất hiện của Kim Jong Un trong vài năm qua, không khó để thấy rằng ông Kim Jong Un hồi mới đảm nhận vai trò lãnh đạo gần như không có vành tai, hoặc có thể nói là vành tai rất mỏng. Vào những thời điểm khác, ngoài vị trí và kích thước vành tai ra, chiều rộng của xương trán và khoảng cách sống mũi cũng khác biệt.
Ông Hoàng Kính Bình, một chính khách cao cấp của Đài Loan từng nói trên chương trình truyền hình rằng gia tộc họ Kim có thói quen sử dụng “người đóng thế (thế thân)”. Kim Jong Il có đến 4 thế thân, thậm chí trong thời gian bệnh tình nguy kịch ông đã để những “thế thân” của mình xuất hiện tham dự hội nghị và điều hành công việc.
Ông nói rằng để tránh bị ám sát, Kim Jong Un luôn có “người đóng thế” thay ông “tham gia các sự kiện”. Muốn phân biệt giữa Kim Jong Un thật và giả, chỉ có thể phân biệt thông qua vành tai và lông mày.
Ông Tô nói rằng những người như Saddam Hussein vào năm 2000 hay Bin Laden vào năm 2011, chúng ta đều có thể dễ dàng nhận thấy những thế thân khác nhau của họ, mục đích chính là để những “thế thân” này giúp họ đánh lạc hướng dư luận, thậm chí làm bia đỡ đạn chết thay cho họ.
Khi bàn đến chủ đề Kim Jong Un tham dự lễ khánh thành nhà máy phân bón Suncheon ngày 1/5 là thật hay giả, mọi người sẽ không khỏi liên tưởng đến một trường hợp tương tự diễn ra tại thành phố Vũ Hán, Trung Quốc hơn 1 tháng trước đó, xoay quanh chuyến thị sát đầu tiên tới Vũ Hán (tâm chấn dịch bệnh) của chủ tịch Tập Cận Bình vào ngày 10/3.
Nhân vật Tập Cận Bình này đã bị cư dân mạng nghi ngờ là “người đóng thế”. Ngày 12/3, cư dân mạng đã đăng tải các bức ảnh đối chiếu, phân tích và đặt câu hỏi liệu ông “Tập Cận Bình” – người vừa đến thăm quận Đông Hồ, thành phố Vũ Hán là thật hay giả
Theo Zhu Xinrui, NTDTV.com
Vũ Dương dịch & biên tập
https://www.dkn.tv/the-gioi/phan-tich-tuong-mat-kim-jong-un-chuyen-gia-phat-hien-ong-kim-co-den-3-the-than.html
Hãy minh bạch: Chính quyền Trung Quốc không phải là dân tộc Trung Hoa!
Dân tộc Trung Hoa và chính quyền đương thời quả thật không thể được đánh đồng, chính vì không phân biệt được rõ ràng nên người dân Đại lục đã chịu biết bao khổ cực.Phân biệt rõ dân tộc Trung Hoa và Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), có thể khiến thế giới ứng xử hợp tình hợp lý hơn, cũng lại có thể khiến người dân Trung Hoa dần nhận ra bản chất của ĐCSTQ mà tự mình đứng dậy tìm lại huy hoàng.
Văn minh 5.000 năm và kẻ cầm quyền không hợp pháp 100 tuổi
Văn minh Trung Quốc có lịch sử 5.000 năm. Còn ĐCSTQ thành lập năm 1921, tính đến nay chưa tới 100 năm.
ĐCSTQ ra đời không phải là “theo thiên ý” (quân quyền thần thụ), cũng không phải là từ bầu cử dân chủ. Để duy trì tính hợp pháp của sự thống trị, trong lịch sử tồn tại của mình ĐCSTQ luôn tuyên truyền cố gắn mình với dân tộc để lợi dụng tinh thần yêu nước của người dân.
Khi Mao Trạch Đông chết, rất nhiều người Trung Quốc đã khóc cay đắng trước chân dung của Mao và tự hỏi “Không có Mao Chủ tịch, Trung Quốc sẽ ra sao?”. Mấy chục năm sau ĐCSTQ lại phát động một đợt tuyên truyền mới làm cho nhân dân một lần nữa lại lo lắng tự hỏi: “Không có Đảng Cộng sản thì Trung Quốc sẽ ra sao?”.
Trung Quốc đã trải qua 5.000 năm lịch sử của rất nhiều triều đại mà không có ĐCSTQ. Thực tế, không có một đất nước nào trên thế giới ngừng phát triển xã hội chỉ vì sự sụp đổ của một thể chế nào đó. Tuy nhiên sau hàng thập kỷ dưới sự thống trị của ĐCSTQ, các đường lối chính trị của ĐCSTQ có mặt ở khắp mọi nơi đã làm cho nhân dân không còn có thể nhận thức được cuộc sống sẽ như thế nào nếu không có ĐCSTQ.
Tuy nhiên, không có Mao Trạch Đông, Trung Quốc đã không sụp đổ. Vậy nếu không có ĐCSTQ, Trung Quốc có sụp đổ không?
Trung Quốc xưa coi văn hóa Thần truyền là bảo vật, ĐCSTQ phá hoại văn hóa Thần truyền
Trung Quốc từng được gọi là mảnh đất Thần Châu, văn hóa Trung Quốc từng được cho là do Thần truyền thụ, sự uyên thâm của các triết lý Đạo gia, Nho gia và sau này là Phật gia đặt nền móng cho nền văn hóa huy hoàng và ngày nay vẫn còn được nhiều quốc gia lân cận giữ gìn trong văn hóa của mình. Tam giáo đã từng đưa triều đại nhà Đường (618 – 907) lên đến đỉnh cao của thời thịnh thế.
Mặc dù đất nước Trung Quốc đã trải qua nhiều lần biến động bởi chiến tranh, nhưng nền văn hóa Trung Quốc đã cho thấy một sức sống mãnh liệt, và tinh hoa của nó đã liên tục được truyền lại cho đời sau. Sự hòa hợp giữa trời và người (thiên nhân hợp nhất), niềm tin ở hiền gặp lành và ác giả ác báo (thiện ác hữu báo), hay những khái niệm như Trung, Hiếu, Tiết là tiêu chuẩn làm người trong xã hội, và những đức hạnh như Nhân, Nghĩa, Lễ, Trí, Tín đã đặt nền tảng đạo đức cho mỗi người và toàn xã hội.
Với những nguyên tắc này, văn hóa Trung Hoa xưa trọng điểm là thể hiện ra sự thành thật (Chân), lương thiện (Thiện), hòa ái và bao dung (Nhẫn).
7 điểm phân biệt Trung Hoa và chính quyền Trung Quốc
Nhưng sau khi Trung Cộng cướp chính quyền, ĐCSTQ làm ra những việc như phản cánh hữu đàn áp những tinh anh văn hóa, Cách mạng Văn hóa hủy diệt văn hóa truyền thống, hủy diệt văn vật.
Thâm hiểm và hèn hạ hơn, ĐCSTQ còn lạm dụng, lén lút thay đổi văn hóa truyền thống, cố ý làm nổi bật những phần đồi bại trong lịch sử của Trung Quốc, những điều xảy ra khi con người ta xa rời các giá trị truyền thống, như tranh giành quyền lực trong nội bộ gia đình hoàng tộc, việc sử dụng các thủ đoạn và âm mưu, và việc thực hiện chế độ độc tài, chuyên quyền. Từ đó khiến người ta khi nhìn ra bản chất bạo lực, gian xảo của ĐCSTQ thì lại cho rằng đó cũng là kế thừa từ lịch sử Trung Hoa đầy tật đố và tranh đấu.
Có người nói văn hóa là huyết mạch của dân tộc, văn hóa không còn thì dân tộc đó danh tồn thực vong (chỉ còn cái danh mà thực chất dân tộc đã không còn). Khi tinh hoa văn hóa của dân tộc đã không còn, thì mạch máu sinh mệnh của dân tộc cũng đi đến bước tuyệt diệt.
Người Trung Hoa dùng chính đạo để trị quốc, ĐCSTQ dùng bạo lực và lừa dối
Các quân vương Trung Hoa cổ đại trị quốc đều có tham khảo những cuốn sách như “Dịch kinh”, “Đạo đức kinh” hay “Luận ngữ”… để làm đạo lý trị quốc. “Dịch kinh” là học thuyết thể hiện mối liên hệ giữa Trời và người, dạy người thuận theo đạo Trời mà hành xử, đức dày tải vật. “Đạo đức kinh” giảng: “Người thuận theo đất, đất thuận theo Trời, Trời thuận theo Đạo và Đạo thuận theo tự nhiên”. “Luận ngữ” giảng về Trời, đất, quân vương, quân sư, Nhân Nghĩa Lễ Trí Tín.
Hoàng đế và quan lại chân chính trong văn hóa truyền thống đều hiểu vị trí của mình là để dẫn dắt dân chúng đi theo chính đạo, giúp dân có đời sống thịnh vượng, thiện lương. Người trị quốc hợp đạo đều phải hiểu “dân vi quý, xã tắc thứ chi, quân vi khinh” (dân là quan trọng nhất, sau đó là đất nước, cuối cùng mới là vua).
Còn ĐCSTQ đã dựng lên chế độ thống trị bằng khủng bố thông qua con đường “bạo lực cách mạng”. Lần lượt từng giai cấp đều bị ĐCSTQ “động tới”. Chỉ ba tháng sau khi thành lập nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa, ĐCSTQ đã thực hiện cải cách ruộng đất tiêu diệt giai cấp địa chủ. Nhưng những chủ nhân mới của đồng ruộng sau đó cũng chẳng trở thành chủ nhân thực sự. Nông sản được thu mua theo hệ thống thống nhất trên toàn quốc, do đó những sản phẩm này không được đưa ra thị trường để trao đổi. Thêm vào đó ĐCSTQ đã thiết lập một hệ thống đăng ký hộ khẩu nhằm ngăn cản việc nông dân đi đến các thành thị để tìm việc và sinh sống. Những người bị phân loại là dân nông thôn không được phép mua thóc lúa tại các cửa hàng của nhà nước và con cái của họ cũng bị cấm, không được đi học ở thành phố.
Sau đó lại đến cải cách công thương để tiêu diệt giai cấp tư sản dân tộc sở hữu nhiều tài sản. Trong lúc thực thi các “phong trào cải cách” này, ĐCSTQ sử dụng nhiều chiến lược như đàn áp phản cách mạng, cải tạo tư tưởng, chiến dịch Tam phả, Ngũ phản và thanh trừng những người “phản cách mạng”.
Năm 1956, Mao Trạch Đông lấy cảm hứng từ “Sự kiện Hungary” kêu gọi các nhà trí thức Trung Quốc giúp Đảng chỉnh đốn. Cuộc vận động này được gọi là “vận động trăm hoa”, với khẩu hiệu “trăm hoa đua nở, trăm phái tranh luận”, với mục đích nhử những “phần tử chống Đảng” lộ diện. Trong bức thư của ông ta gửi các lãnh đạo Đảng cấp tỉnh năm 1957, Mao Trạch Đông đã nói ra ý định của mình là “dụ rắn ra khỏi hang”. Không lâu sau đó ĐCSTQ khởi xướng một cuộc đấu tranh “chống cánh hữu”, tuyên bố 540 nghìn người mà đã dám bày tỏ quan điểm của mình là “cánh hữu” và tiến hành bắt bớ, đàn áp họ.
Năm 1966, Cách mạng Văn hóa đã trở thành một thảm kịch với lý luận: “Người tốt đánh người xấu là đích đáng. Người xấu đánh người xấu là vinh dự. Người tốt đánh người tốt là hiểu nhầm” của Mao Trạch Đông.
Trong hơn 20 năm liên tục đàn áp tàn khốc Pháp Luân Công, Giang Trạch Dân ra mật lệnh: “Đánh chết không có tội, đánh chết được coi là tự sát”, “Không tra thân phận, trực tiếp hỏa thiêu”; “Bôi nhọ danh dự, vắt kiệt kinh tế, hủy hoại thể xác”. Hơn thế nữa còn một tay che Trời khi cho phép cưỡng bức mổ cướp nội tạng sống các học viên Pháp Luân Công, nghịch thiên phản đạo vượt quá bao kẻ tà ác trong lịch sử, được coi là “Tội ác xưa nay chưa từng có trên hành tinh này”.
Từ năm 1949 đến nay, đàn áp phản cách mạng, cải cách ruộng đất, tam phản, ngũ phản, cải tạo công thương, trấn áp tôn giáo, nạn đói, phá tứ cựu, Đại Cách mạng Văn hóa, Lục Tứ (cuộc thảm sát ngày 04 tháng 06), bức hại Pháp Luân Công… đã giết hại biết bao người Trung Quốc.
Giết người và tẩy não đã được sử dụng đồng thời để đàn áp bất cứ niềm tin trái ngược nào với ĐCSTQ. Họ cố gắng tiêu diệt những người bất đồng chính kiến và các tầng lớp xã hội đối lập, sử dụng bạo lực và lừa dối để bắt toàn thể nhân dân Trung Quốc trở thành những đầy tớ trung thành và ngoan ngoãn dưới ách nô dịch tàn bạo.
Văn hóa Trung Hoa có đức tin hướng thiện, ĐSCTQ miệng nói vô thần nhưng thần thánh hóa lãnh tụ
Văn hóa truyền thống Trung Quốc là tin Thần, bái Thần lễ Phật, thờ cúng Trời đất, Thiên nhân hợp nhất. Tam giáo bổ sung và dung hòa nhau. Thiện của Phật gia, Chân của Đạo gia chỉ đạo con người tu luyện xuất thế; còn Nhân Nghĩa Lễ Trí Tín của Nho gia là đạo đức và chuẩn tắc làm người.
Thế giới quan của Trung Quốc truyền thống là hữu Thần luận, tức là tin có sự tồn tại của Thần, vạn vật đều có linh, trên đầu ba thước có Thần linh. Hơn nữa Trung Quốc truyền thống còn tin rằng Thần tạo ra vạn vật, tin có Thiên đường địa ngục, thiện ác hữu báo, chuyển sinh luân hồi. Đó là xu hướng của hầu như tất cả các quốc gia văn minh ngày nay trên thế giới, đa số dân chúng đều có đức tin, và vì thế có thể ước thúc đạo đức, hành vi chuẩn mực, có lợi cho sự phát triển của xã hội.
Thế giới quan của ĐCSTQ là chủ nghĩa vô Thần, báng bổ Thần Phật, đấu Trời đấu đất, bức hại những người tu luyện chính đạo. ĐCSTQ cho đập phá các nhà thờ, lễ đường, tượng Phật, thay ảnh Đức Mẹ bằng ảnh chủ tịch nước… mồm nói vô thần nhưng lại thần thánh hóa lãnh tụ của mình.
Gần 100 năm tồn tại của chính thể này so với 5.000 năm văn vật của dân tộc Trung Hoa quả là nhỏ bé. 90 triệu đảng viên của chính thể này (tính đến 2017) so với 1,4 tỷ người dân Trung Quốc lại càng nhỏ bé hơn. Bằng những chiêu thuật đánh đồng dân tộc với chính quyền, yêu nước là yêu đảng (ĐCSTQ), chính thể này đã tận dụng được sức dân, thế nước hùng mạnh của một dân tộc đã từng rất huy hoàng, nhưng đáng buồn thay lại dẫn dắt dân tộc đó tới chỗ biến dị đến kỳ cục khiến phần còn lại của thế giới cũng phải kinh ngạc.
Ngày nay người dân Trung Quốc đi ra thế giới phần lớn đều nhận được sự kỳ thị và dè chừng bởi thứ văn hóa méo mó của mình. Nhưng họ cũng là nạn nhân bởi đã sống và chịu đứng quá lâu dưới sự cai trị khắc nghiệt của ĐCSTQ.
Có thể nói ĐCSTQ đã bắt cóc 1,4 tỷ dân làm con tin dưới trướng mình, nhưng cũng lại sợ nhất sức mạnh từ sự thức tỉnh của 1,4 tỷ dân này. Phân biệt rõ ràng người dân Trung Hoa và ĐCSTQ, có thể khiến thế giới đối xử công bằng hơn, vị tha hơn và có trách nhiệm hơn với vận mệnh dân tộc Trung Hoa. Cũng lại có thể khiến người dân Trung Hoa dần nhận ra bản chất của ĐCSTQ mà tự mình đứng dậy tìm lại huy hoàng.
http://biendong.net/goc-khuat-trung-hoa/34528-hay-minh-bach-chinh-quyen-trung-quoc-khong-phai-la-dan-toc-trung-hoa.html
Trung Quốc phản đối Mỹ kêu gọi đưa Đài Loan vào WHO
Trung Quốc vừa lên tiếng phản đối việc Mỹ ủng hộ đưa vùng lãnh thổ Đài Loan vào Tổ chức Y tế thế giới (WHO) với tư cách là quan sát viên và được phép tham gia hội nghị sắp tới.“Chúng tôi vô vùng phẫn nộ và phản đối mạnh mẽ khi Mỹ gọi việc loại Đài Loan ra khỏi WHO là sự sỉ nhục với nguyên tắc của Liên Hợp Quốc”, phái đoàn của Trung Quốc tại Liên Hợp Quốc cho hay.
Trước đó, phái đoàn ngoại giao Mỹ tại Liên Hợp Quốc đã chia sẻ lên Twitter rằng: “Việc cấm Đài Loan vào Liên Hợp Quốc là sự sỉ nhục không chỉ đối với người dân Đài Loan mà còn đối với các nguyên tắc của Liên Hợp Quốc”
Dòng tweet này sau đó tiếp tục được Đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc Kelly Craft chia sẻ lại, trong khi trước đó, Bộ Ngoại giao Mỹ kêu gọi đưa Đài Loan vào hội nghị sắp tới của WHO với tư cách quan sát viên.
Cuộc họp thường niên của WHO sẽ diễn ra ở Geneva vào ngày 17-5 để thảo luận về các vấn đề giải quyết cuộc khủng hoảng do đại dịch Covid-19 gây ra.
Đài Loan được coi là mô hình chống dịch hiệu quả khi chỉ ghi nhận 500 ca nhiễm Covid-19 dù, là vùng lãnh thổ của Trung Quốc, nơi phát sinh đại dịch.
Đài Loan từng là quan sát viên của WHO từ năm 2009-2016 nhưng sau đó Trung Quốc đã gây sức ép để loại vùng lãnh thổ này khỏi vị trí trên.
http://biendong.net/bi-n-nong/32-sukien/34525-trung-quoc-phan-doi-my-keu-goi-dua-dai-loan-vao-who.html
Ý kiến chuyên gia: TQ vi phạm luật pháp quốc tế, đe dọa hòa bình, ổn định trên Biển Đông
Từ đầu tháng 3 đến nay, Trung Quốc đẩy mạnh các hoạt động phi pháp trên Biển Đông nhằm củng cố yêu sách “chủ quyền” trên biển. Hành động này của Trung Quốc không chỉ vấp phải sự lên án mạnh mẽ của các nước trên thế giới, mà còn bị giới chuyên gia, học giả chỉ trích thậm tệ.Theo giới học giả, hành động của Trung Quốc là vi phạm luật pháp quốc tế, nhất là Hiến chương Liên hợp quốc và Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982. Ông Derek Grossman, chuyên gia cao cấp của Trung tâm chính sách châu Á – Thái Bình Dương thuộc Tập đoàn RAND (Research And Development), cho rằng dư luận trong thời gian gần đây nhìn chung đều nhận định Trung Quốc đã có nhiều hành động “bắt nạt” các nước láng giềng liên quan tới tranh chấp ở Biển Đông, trong đó có Việt Nam, Philippines và Malaysia. Theo ông Grossman, các hành động của Trung Quốc có thể làm gia tăng bất ổn an ninh trong khu vực, thậm chí có thể khiến căng thẳng leo thang.
Tiến sĩ James Rogers, Giám đốc Chương trình “Global Britain” thuộc Viện Henry & Jackson (London, Anh), nhấn mạnh việc Trung Quốc tuyên bố chủ quyền đối với gần như toàn bộ diện tích Biển Đông thông qua cái gọi là “đường 9 đoạn” là phi lý và vi phạm luật pháp quốc tế, nhất là khi Trung Quốc cũng là một bên phê chuẩn Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982. Việc tàu hải cảnh Trung Quốc đâm chìm một tàu cá của Việt Nam mới đây tại khu vực quần đảo Hoàng Sa là rất nguy hiểm và “không thể chấp nhận được”. Ông James Rogers khẳng định những tuyên bố chủ quyền phi pháp và hành động quá mức của Trung Quốc ở Biển Đông đang hủy hoại luật pháp quốc tế, gây mất ổn định an ninh khu vực. Các quốc gia tuân thủ luật pháp quốc tế và các nước có vai trò lớn trong việc bảo vệ hệ thống quốc tế dựa trên luật pháp cần lên án những hành động như vậy.
Chuyên gia Bill Hayton, Viện Nghiên cứu Quốc tế Hoàng gia Anh (Chatham House) nhận định, đây là những “bước phát triển” hết sức nguy hiểm của Trung Quốc đối với an ninh khu vực; cho rằng, Trung Quốc đang đảo ngược luật pháp quốc tế có chủ đích, khi nước này ngang ngược tuyên bố cái mà Bắc Kinh gọi là “tên tiêu chuẩn” các đảo và bãi đá, thực thể địa lý dưới biển ở Biển Đông, khẳng định không có quốc gia nào có thể tuyên bố chủ quyền với các thực thể chìm dưới biển trừ khi chúng nằm trong phạm vi vùng 12 hải lý. Theo ông Bill Hayton, Trung Quốc đã thông qua Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS1982) vốn quy định rõ ràng về những gì mà các quốc gia có thể và không thể tuyên bố chủ quyền. Tuy nhiên, dường như Trung Quốc đang chống lại UNCLOS khi tuyên bố chủ quyền ở những nơi xa xôi như vậy. Chuyên gia Bill Hayton cho rằng, Trung Quốc sẽ tiếp tục thực hiện nhiều hành động phi pháp và khiêu khích ở Biển Đông trong thời gian tới. Bắc Kinh sẽ tiếp tục thực hiện các toan tính trên Biển Đông để thực hiện dã tâm kiểm soát vùng biển này.
Tiến sĩ Bonnie S. Glaser tới từ Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược quốc tế (CSIS) tại Washington cho rằng, động thái mới đây là dấu hiệu cho thấy Bắc Kinh đang muốn leo thang các yêu sách chủ quyền bất hợp pháp cũng như củng cố khả năng kiểm soát các hoạt động trong “đường 9 đoạn”.
Ông Hiebert, cố vấn cấp cao của chương trình Đông Nam Á tại CSIS nhấn mạnh hành động của Trung Quốc sẽ không làm thay đổi suy nghĩ của nhiều bên – những bên đã phủ nhận tính hợp pháp của những tuyên bố chủ quyền của Bắc Kinh (ở Biển Đông. Theo ông Hiebert, việc Trung Quốc ngang ngược công bố thành lập cái gọi là “quận đảo” Tây Sa và Nam Sa, cũng như tự ý đưa ra cái gọi là “danh xưng tiêu chuẩn” của hàng chục đảo, bãi cạn trên Biển Đông sẽ khiến các nước nghi ngờ thêm tham vọng từ lâu của Bắc Kinh. Đồng thời, ông cho rằng những động thái lần này của Trung Quốc đã nằm trong kế hoạch đã chuẩn bị từ trước và nay họ chỉ tiếp tục thúc đẩy hành động khi hầu hết chính phủ các nước đang vướng bận các khó khăn khác. Việt Nam, với vai trò là chủ tịch ASEAN năm nay, có thể nỗ lực nêu lên các động thái của Trung Quốc trong ASEAN.
Cùng quan điểm trên, các chuyên gia Viện nghiên cứu Đông Nam Á tại Singapore nhận định những động thái của Trung Quốc sẽ làm cho tình hình khu vực thêm căng thẳng, bất ổn và gây trở ngại cho việc đàm phán về Bộ quy tắc ứng xử của các bên ở Biển Đông (COC) giữa nước này với ASEAN. Và theo họ, cộng đồng thế giới cần lên án mạnh mẽ các hoạt động phi pháp của Trung Quốc tại Biển Đông. Tiến sĩ Collin Koh Swee Lean, nhà nghiên cứu tại Trường Quan hệ Quốc tế Rajaratnam thuộc Đại học Công nghệ Nanyang cho rằng Bắc Kinh đang tiếp tục làm tổn hại lòng tin với các nước ASEAN và thu hút thêm sự chú ý của quốc tế đối với tranh chấp ở Biển Đông, điều mà Trung Quốc luôn tránh để xảy ra.
Nhà báo cao cấp Veeramalla Anjaiah ở Jakarta cho rằng, trong bối cảnh cả thế giới đang phải vật lộn với đại dịch Covid-19, Trung Quốc muốn lợi dụng tình hình để tiếp tục các “hành động gây hấn” tại Biển Đông; cáo buộc Trung Quốc đã nhắm mắt trước nỗi thống khổ của nhân loại do dịch bệnh Covid-19 gây ra để thúc đẩy các yêu sách chủ quyền phi pháp tại Biển Đông; nhấn mạnh Trung Quốc – một trong những quốc gia ký kết và phê chuẩn Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS) – đang vi phạm trắng trợn luật hàng hải quốc tế khi tuyên bố chủ quyền đối với hơn 80% diện tích Biển Đông dựa trên “đường 9 đoạn” gây tranh cãi và “không có giá trị pháp lý” theo UNCLOS. Năm 2016, Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) có trụ sở tại La Haye đã nhất trí ra phán quyết bác bỏ thẳng thừng các yêu sách chủ quyền của Trung Quốc tại Biển Đông. Trong thời gian qua, Trung Quốc đã có những hành vi “cưỡng ép” và “bắt nạt” đối với các nước Đông Nam Á láng giềng. Bắc Kinh dùng vũ lực chiếm giữ nhiều đảo nhỏ và bãi san hô tại Biển Đông, xây dựng thành các đảo nhân tạo và cho quân đội chiếm giữ bất hợp pháp các địa điểm này. Bắc Kinh cũng đánh bắt cá bất hợp pháp và đâm chìm một số tàu cá của các quốc gia khác. Nhà báo Veeramalla Anjaiah khẳng định đây là hành động này “vô nhân đạo” và “không thể chấp nhận được”; nhấn mạnh rằng cộng đồng quốc tế cần lên án các “hoạt động phi pháp” và “hành vi bắt nạt” của Trung Quốc tại Biển Đông. Mặt khác, cộng đồng quốc tế cần trợ giúp các nước thành viên ASEAN tổ chức tuần tra chung tại Biển Đông cũng như hiện đại hóa lực lượng hải quân. Ngoài ra, ASEAN cần có quan điểm chung và yêu cầu đẩy nhanh các cuộc đàm phán về COC. Văn bản này phải mang tính ràng buộc về mặt pháp lý, có hiệu lực và dựa trên UNCLOS. Nếu tình hình xấu đi, ASEAN cần tổ chức một hội nghị thượng đỉnh quốc tế về Biển Đông.
Cựu thẩm phán Tòa án Tối cao Philippines – ông Antonio Carpio đề xuất Philippines nên phối hợp với Malaysia và có thể thêm nhiều nước khác tổ chức tuần tra chung trên biển Đông để ngăn chặn các hành động gây hấn của Trung Quốc. Ông Carpio cho rằng hành động như vậy sẽ gửi đi “một thông điệp rằng Trung Quốc không thể loại bỏ từng nước một” ra khỏi khu vực để độc chiếm Biển Đông. Trong khi đó, chuyên gia Richard Heydarian, cựu cố vấn của chính phủ Philippines cho rằng, một mặt Trung Quốc đang thực hiện chính sách ngoại giao cung cấp trang thiết bị y tế cho những quốc gia khác. Mặt khác, họ tăng cường hoạt động trên Biển Đông. Theo ông Heydarian, có thể xem 2 động thái nêu trên là một phần trong ý đồ của Trung Quốc về việc tận dụng thời cơ chiến lược giữa lúc các nước trong khu vực gồng mình chống đại dịch Covid-19, cũng như giữa lúc Hải quân Mỹ buộc phải tạm hoãn nhiều chiến dịch ở nước ngoài.
Đáng chú ý, có một số học giả quốc tế bị Trung Quốc mua chuộc, thao túng đã đưa ra những nhận định phiến diện, bao biện cho hành vi phi pháp của Trung Quốc trên Biển Đông. Trong đó, Giáo sư Mark J. Valencia – một trong những tên đầu sỏ đưa ra các tuyên bố vô lý, bao biện cho Trung Quốc. Báo South China Morning Post (27/4) có bài viết của Mark J. Valencia có nhan đề: “Giữa lúc thế giới tập trung chống dịch COVID-19, phải chăng Trung Quốc đang khai thác sự mất tập trung ở biển Đông? Suy nghĩ này chỉ dành cho những ai tin vào sự tuyên truyền của Mỹ”. Cũng như những lần trước, bài viết là tiếng nói hiếm hoi bao biện cho những hành vi phi pháp của Trung Quốc trên Biển Đông. Trong bài viết của mình, ông Valencia tập trung thuyết phục người đọc tin rằng: Dù Trung Quốc không ngừng các hoạt động tại biển Đông nhưng các nước có yêu sách chủ quyền khác, kể cả nước không có yêu sách như Mỹ, cũng có những hành động đầy tính “khiêu khích” đối với Trung Quốc. Bên cạnh đó, dù không nói trực tiếp nhưng bài viết Valencia ám chỉ, bênh vực các hoạt động gần đây do chính quyền Trung Quốc thực hiện, điển hình như: Đưa các trạm nghiên cứu khoa học vào hoạt động, lập hai quận đảo trực thuộc “thành phố Tam Sa”, cập nhật “danh xưng tiêu chuẩn” (tên chính thức) của khoảng 80 thực thể trên biển, đâm tàu cá Việt Nam hay chĩa súng radar vào tàu hải quân Philippines…
Theo giới phân tích, sự ngụy biện của Valencia là rất rõ ràng. Thứ nhất, Valencia cố tình lờ đi một sự thật, vốn đã được Tòa Trọng tài 2016 kết luận: Không có cơ sở pháp lý dành cho cái gọi là “quyền lịch sử” và yêu sách đường lưỡi bò. Vì vậy, dựa vào Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982 và luật pháp quốc gia của các nước liên quan, tất cả hành vi trên của TQ đều phạm pháp. Thứ hai, Valencia dùng phép ngụy biện “đánh đồng”. Vị học giả này lập luận: Trung Quốc bị chỉ trích “vẫn tiếp tục hoạt động ở Biển Đông”, trong khi các nước khác, bao gồm các quốc gia ở biển Đông và cả Mỹ cũng như vậy. Trong khi đó, Valencia “cố tình quên” so sánh bản chất các động thái của Trung Quốc và các nước. Theo đó, một bên là các nước ASEAN và Mỹ, vốn thực hiện các quyền lợi chính đáng (đánh bắt hải sản, tuần tra tự do hàng hải, tập trận) theo luật pháp quốc tế. Trái lại, Trung Quốc thực hiện các hành động mang tính bắt nạt, đe dọa, dùng vũ lực, thể chế hóa phi pháp các thực thể biển Đông, vi phạm các cam kết của UNCLOS và luật pháp quốc tế mà Trung Quốc đã ký. Ngoài chuyện “đánh đồng” hành vi sai trái của Trung Quốc với hành xử đúng pháp luật của các nước khác. Bên cạnh đó, Mark J. Valencia còn bóp méo sự thật về vụ tàu hải cảnh Trung Quốc đâm chìm tàu cá của ngư dân Việt Nam ở vùng biển thuộc quần đảo Hoàng Sa. Ngoài ra, Valencia đã cố tình lờ đi các chứng cứ về vụ tàu Trung Quốc đâm chìm tàu Việt Nam được đăng tải rộng rãi trên các website uy tín của quốc tế. Mark J. Valencia cũng đã đổ lỗi cho Mỹ liên quan cách hành xử vô lý của Trung Quốc ở Biển Đông, khi ngang ngược cho rằng Bộ Ngoại giao Mỹ thúc giục Trung Quốc “tập trung vào việc hỗ trợ các nỗ lực quốc tế để chống đại dịch, đồng thời chấm dứt việc lợi dụng sự mất tập trung của các nước. Tuy nhiên, lời kêu gọi đó là đạo đức giả. Trong cái nhìn từ phía Bắc Kinh, quân đội Mỹ luôn giám sát, do thám và đe dọa Trung Quốc ngoài vũ trụ, phòng không lẫn trên biển”.
Trước hành động phi pháp của Trung Quốc, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng (19/4) nêu rõ: “Việt Nam đã nhiều lần mạnh mẽ khẳng định Việt Nam có đầy đủ bằng chứng lịch sử và cơ sở pháp lý để khẳng định chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Lập trường nhất quán của Việt Nam là phản đối mạnh mẽ việc thành lập cái gọi là “thành phố Tam Sa” và các hành vi có liên quan vì đã vi phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam, không có giá trị và không được công nhận, không có lợi cho quan hệ hữu nghị giữa các quốc gia và gây thêm phức tạp tình hình Biển Đông, khu vực và thế giới. Việt Nam yêu cầu Trung Quốc tôn trọng chủ quyền của Việt Nam, hủy bỏ các quyết định sai trái liên quan đến những việc làm đó và không có những việc làm tương tự trong tương lai”.
http://biendong.net/bien-dong/34512-y-kien-chuyen-gia-tq-vi-pham-luat-phap-quoc-te-de-doa-hoa-binh-on-dinh-tren-bien-dong.html
Trung Quốc chuẩn bị lập vùng nhận dạng phòng không ở Biển Đông
Bình luậnNguyễn SơnĐộng thái này của Trung Quốc có thể là một toan tính mới ở Biển Đông, trong khi thế giới bận tâm chống dịch Covid-19.
Hôm 4/5, Bộ Quốc phòng Đài Loan xác nhận việc Trung Quốc đang lên kế hoạch thiết lập một vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) ở Biển Đông, theo Taiwan News.
Vùng nhận dạng phòng không (Air Defense Identification Zone, viết tắt là ADIZ) là một phạm vi vùng trời do một quốc gia tự ấn định và đòi hỏi mọi phương tiện bay dân sự đi qua vùng này phải nhận dạng, xác định vị trí và chịu sự kiểm soát của quốc gia đó.
ADIZ không đồng nghĩa với không phận của một quốc gia, nhưng nó được coi như khu vực tồn tại song hành với khu vực an ninh quốc phòng.
Bộ trưởng Quốc phòng Đài Loan Nghiêm Đức Phát (Yen Te-fa) hôm 4/5 đã trả lời câu hỏi về các “vùng nhận diện phòng không” (Air Defense Identification Zone – ADIZ) quanh Đài Loan.
Theo ông Nghiêm Đức Phát, Trung Quốc xác định hai vùng ADIZ là vùng biển Hoa Đông (East China Sea) và vùng biển Hoa Nam (Biển Đông).
Thông tin Trung Quốc xúc tiến thành lập ADIZ đã được truyền thông thế giới đưa tin từ tháng 6/2016. Vùng ADIZ này dự định sẽ bao trùm trên đảo Phú Lâm (thuộc quần đảo Hoàng Sa), và bảy đá ở quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam.
Trung Quốc leo thang hoạt động ở Biển Đông
Lời xác nhận của ông Nghiêm Đức Phát diễn ra vào lúc đang có những dấu hiệu căng thẳng trên Biển Đông. Từ tháng 7/2019 đến nay, Trung Quốc cho một số tàu khảo sát địa chất hoạt động bất hợp pháp trong các vùng biển đặc quyền kinh tế của Việt Nam, Philippines, Indonesia, Malaysia.
Tháng 3/2020, chính quyền Bắc Kinh gửi công hàm đến Liên Hiệp Quốc lập lại tuyên bố chủ quyền theo hình “lưỡi bò” chiến hơn 80% đến 90% Biển Đông. Ngày 2/4 vừa qua, Trung Quốc cho tàu hải cảnh đâm chìm tàu đánh cá của Việt Nam ở khu vực quần đảo Hoàng Sa. Sau đó Trung Quốc thông báo thành lập hai quận “Tây Sa” (tức Hoàng Sa) và “Nam Sa” (tức Trường Sa). Tiếp theo, Trung Quốc đặt tên cho 80 đảo nhỏ, bãi đá ngầm ở cả những khu vực biển nằm sâu trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.
Nếu đơn phương tuyên bố thiết lập ADIZ trên Biển Đông, Trung Quốc có thể yêu cầu mọi máy bay dân sự phải báo cáo lộ trình bay, thiết lập liên lạc hai chiều và chịu sự kiểm soát của họ tại khu vực này.
Trong khi đó, Mỹ và nhiều nước coi Biển Đông là vùng biển quốc tế, nơi tàu thuyền, máy bay có thể tự do qua lại theo các quy định của luật pháp quốc tế mà không phải chịu sự kiểm soát của bên nào. Không
quân và hải quân Mỹ vẫn thường xuyên tiến hành các hoạt động tự do hàng hải ở khu vực này để khẳng định quyền đó.
Nhận định của chuyên gia
Theo Derek Grossman, nhà phân tích quốc phòng cao cấp, Tổ chức Rand, Mỹ, tình hình Biển Đông chỉ có “đột biến” nếu Trung Quốc tuyên bố vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) hoặc triển khai cố định các chiến đấu cơ ở Trường Sa. Trong năm nay, Trung Quốc sẽ tiếp tục tăng các hoạt động đòi yêu sách ở Biển Đông, thúc đẩy tuần tra, diễn tập, theo báo Vnexpress.
Cuối năm 2020, Trung Quốc có thể trở nên hung hăng hơn ở Biển Đông, nếu Mỹ vẫn chưa kiểm soát được Covid-19 và các vấn đề nội bộ khác, theo Peter Layton, Đại học Griffith, Australia. Mục đích là để giương oai sức mạnh quân sự.
“Những hành động gần đây của Trung Quốc ở Biển Đông là sự tiếp nối cách tiếp cận hung hăng hơn để khẳng định các yêu sách lãnh thổ của mình, nhưng nó đang gây ra sự phẫn nộ hơn bao giờ hết của các nước láng giềng Đông Nam Á”, Giám đốc cơ quan Sáng kiến Minh bạch Hàng hải (AMTI) Greg Poling nhận định.
Ông Poling cũng không hy vọng Trung Quốc sẽ kiềm chế tham vọng phi lý ở Biển Đông, đồng thời cảnh báo Bắc Kinh có thể thực hiện các bước đi tiếp theo như thiết lập vùng nhận diện phòng không hoặc cơ sở thu thập thông tin tình báo, dữ liệu radar tại Scarborough – bãi cạn Trung Quốc đã giành quyền kiểm soát từ Philippines hồi năm 2012.
https://www.ntdvn.com/viet-nam/trung-quoc-chuan-bi-lap-vung-nhan-dang-phong-khong-o-bien-dong-35514.html
TQ quấy phá khiến tiến trình đàm phán Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông rơi vào bế tắc
Việc Trung Quốc gia tăng các hoạt động phi pháp trên Biển Đông gần đây đã tác động trực tiếp đến nỗ lực thúc đẩy đàm phán xây dựng Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) và không loại trừ khả năng Bộ Quy tắc này sẽ rơi vào bế tắc vô thời hạn.Trung Quốc là nước không có chủ quyền ở Biển Đông, việc nước này chiếm đóng trái phép các đảo đá ở quần đảo Hoàng Sa và một phần ở quần đảo Trường Sa là do sử dụng vũ lực đánh chiếm trái phép. Do đó, những lập luận biện minh và yêu sách chủ quyền của nước này đều không đúng, bị luật pháp quốc tế bác bỏ. Tuy nhiên, Trung Quốc cậy là nước lớn về kinh tế, quân sự đã chèn ép, chiếm đóng các đảo, đá của các nước láng giềng. Việc Quốc vụ viện Trung Quốc (18/4) đã phê chuẩn việc thành lập cái gọi là “quận Tây Sa” và “quận Nam Sa” trực thuộc “thành phố Tam Sa”, tỉnh Hải Nam. Hai “quận” này lần lượt quản lý hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa đang bị chiếm đóng của Việt Nam ở Biển Đông, cũng như bãi Macclesfield và bãi Scarborough, khu vực mà Bắc Kinh gộp chung gọi là “quần đảo Trung Sa” đã là “giọt nước tràn lý”, khiến cộng đồng quốc tế đưa ra những tuyên bố chỉ trích, lên án Trung Quốc. Giới học giả cho rằng đây là những bước tiếp nối của Trung Quốc trong việc độc chiếm Biển Đông. Song nó sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng hòa bình, ổn định trong khu vực, sự thượng tôn luật pháp quốc tế trên thế giới, nhất là nỗ lực của ASEAN trong việc thúc đẩy đàm phán COC.
Giáo sư Jay Batongbacal (Đại học Luật, Philippines) nhận định, ý định của Bắc Kinh rất rõ ràng về độc chiếm Biển Đông, gây bất lợi cho tất cả những nước khác trong khu vực, đặc biệt là các nước Đông Nam Á từ lâu đã coi đây là vùng biển chung. Đây là những chỉ dấu mới nhất của chiến lược chiếm lĩnh Biển Đông từng bước và lâu dài của Trung Quốc, hy vọng rằng mỗi động thái nhỏ sẽ không thu hút quá nhiều sự chú ý và sẽ bị cộng đồng quốc tế bỏ qua, để đến thời điểm nào đó trong tương lai, họ thể lập luận rằng cộng đồng quốc tế đã chấp nhận và mặc nhiên đồng ý với các hành vi đó. Bên cạnh đó, lý thuyết “Tứ Sa” gần đây là nỗ lực để tái khẳng định yêu sách bất hợp pháp của Trung Quốc bằng cách chuyển một yêu sách quá mức mơ hồ đối với toàn bộ vùng biển thành một yêu sách quá mức mơ hồ khác đối với bốn nhóm đảo cùng vùng biển và các thực thể ở giữa và xung quanh chúng. Vì “đường lưỡi bò” không được cộng đồng quốc tế chấp nhận, Trung Quốc đang cố gắng tiếp tục đẩy mạnh yêu sách phi lý của mình nhưng tránh đề cập đến “đường lưỡi bò” phi pháp với hy vọng rằng điều này có thể tránh được sự phản đối hay phản ứng tức thời. Lần này, họ đang nhấn mạnh các nhóm đảo là cơ sở và nguồn gốc của yêu sách phi lý. Sự nguy hiểm của cả hai yêu sách này là như nhau bởi vì xét tất cả ý định và mục đích, chúng cùng là một yêu sách, chỉ là cách trình bày khác nhau. Lý thuyết “Tứ Sa” cũng
cố tình áp dụng sai Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982 bằng cách tuyên bố rằng mọi nhóm đảo nói trên đều là quần đảo có thể được bao bọc bằng đường cơ sở thẳng như những gì họ đã làm với Hoàng Sa và rằng thậm chí các khu vực chìm dưới biển cũng có thể được tuyên bố chủ quyền. Trong trường hợp sau, việc lập ra các “quận” gần đây và đặt tên các thực thể ở Biển Đông với mục đích được cho là khẳng định chủ quyền là nỗ lực để giới thiệu và thực hành lý thuyết “Tứ Sa”. Lý thuyết này cũng sai lầm và vô căn cứ như “đường lưỡi bò” mà thôi. Tình hình hiện tại mang đến cho Trung Quốc những cơ hội mới mà họ đang khai thác để loại bớt trở ngại trong việc thực hiện chiến lược của mình. Mặc dù đúng là Trung Quốc đã thực hiện các bước này ngay cả khi không khủng hoảng, rõ ràng Trung Quốc đang sử dụng nó để tối đa hóa khả năng mở rộng quyền kiểm soát và giảm thiểu khả năng các quốc gia khác thể hiện mạnh mẽ sự phản đối đối với các động thái của Trung Quốc. Tuy nhiên, những hành động trên của Trung Quốc sẽ tác động, ảnh hưởng trực tiếp đến COC. Theo đó, nguyên trạng đã không thay đổi một cách rõ ràng và dồn dập, và đó là mấu chốt trong các bước đi tích tiểu thành đại của Trung Quốc. Sự đối đầu giữa Trung Quốc và các bên trên Biển Đông chỉ là nhất thời nhưng gây ra tác động lâu dài. Đó là khiến các chủ thể ngoài khu vực, chẳng hạn như giới đầu tư – không muốn nghĩ đến việc hợp tác thăm dò và khai thác tài nguyên thiên nhiên ở bất cứ đâu tại Biển Đông. Những động thái của Trung Quốc cũng sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến các cuộc đàm phán COC, bởi vì chúng thể hiện ý định thực sự của Trung Quốc và hủy hoại bất cứ sự tin cậy nào đặt vào lập trường và đề xuất của họ. Song từ góc độ luật pháp quốc tế, không có động thái nào trong số này giúp thúc đẩy hoặc củng cố lập trường pháp lý của Trung Quốc. Tại thời điểm này, bất kỳ hành động nào Bắc Kinh thực hiện chỉ là những nỗ lực vị kỷ để tạo ra vỏ bọc pháp lý cho các hoạt động gây tranh cãi của họ. Chúng hoàn toàn không có tính ràng buộc đối với các quốc gia khác. Trước tình hình trên, các bên ở Đông Nam Á khác nên trao đổi thẳng thắn thông tin và quan điểm về lợi ích chung của họ cũng như những gì họ muốn đạt được. Họ cũng nên thống nhất và thể hiện lập trường với tư cách một nhóm vì rất rõ ràng rằng từng cá nhân có rất ít cơ hội đạt được bất cứ điều gì với Trung Quốc. Song nếu là một nhóm, họ có thể mạnh hơn và có được nhiều đòn bẩy hơn, đặc biệt là khi chính họ đã tự nhìn thấy chính Trung Quốc không hề kiềm chế trong việc mở rộng quyền kiểm soát ở Biển Đông. Ỏ đây, liên quan tới Philippines, tôi muốn thêm là công hàm ngày 22/4 cho thấy bất chấp những gì thể hiện ra bên ngoài, quan hệ Trung Quốc – Philippines không gần gũi và thân thiết như Trung Quốc cố gắng phác họa. Nó cũng thể hiện sự hai mặt trong ngoại giao của Trung Quốc: Trong khi nói Philippines là quốc gia thân thiện, Trung Quốc cũng tiến hành các hành động khiêu khích và thù địch chống lại Philippines trên biển.
Cùng quan điểm trên, Tiến sĩ Collin Koh Swee Lean (Trường Quan hệ quốc tế Rajaratnam, Singapore) nhận định đây không phải là những bước “tiến lên” ở Biển Đông như một số người bình luận. Những động thái vừa qua nhất quán với những gì Trung Quốc đã làm trong những năm gần đây, đặc biệt là sau 2012 với việc tăng cường đẩy yêu sách chủ quyền của Trung Quốc. Những động thái này đã được lên kế hoạch từ lâu. Về mặt lý thuyết, chiến lược “Tứ Sa” có nghĩa là Trung Quốc tuyên bố đường cơ sở quần đảo cho quần đảo Trường Sa, tương tự như cách đã được thực hiện cho quần đảo Hoàng Sa. Nhưng trong thực tế, đây hoàn toàn sẽ là một sự khiêu khích đối với các yêu sách khác và dẫn đến các phản ứng dữ dội. Trung Quốc có thể chỉ phải đối phó với Việt Nam tại quần đảo Hoàng Sa, nhưng sẽ không phải như vậy tại Trường Sa, nơi họ phải đối phó với nhiều bên hơn, và nguy cơ gặp phải phản ứng mạnh mẽ từ ASEAN là rất cao. Trong mọi trường hợp, tuyên bố đường cơ sở quần đảo đó là một chuyện, thi hành là một chuyện khác. Ngay cả khi Bắc Kinh có ý chí và quyền lực để làm như vậy, điều này đồng nghĩa với việc xâm phạm lợi ích của các bên khác. Trung Quốc vẫn sẽ tiến hành những động thái đó. Điểm khác biệt của lần này là Trung Quốc đang khai thác nó như “cánh cửa cơ hội” để củng cố thêm lợi ích của Trung Quốc. Những động thái này tiếp tục giúp tăng cường sự kiểm soát thực tế của Trung Quốc ở Biển Đông. Trên thực tế, cái gọi là “nguyên trạng” ở Biển Đông lâu nay đã bị đặt dấu hỏi vì hành vi của Trung Quốc. Với việc xây dựng những hòn đảo ở Trường Sa và bình thường hóa hành vi cưỡng ép của họ tại khu vực, Trung Quốc đã làm thay đổi nguyên trạng. Chúng ta chỉ có thể thấy Trung Quốc đang ngày làm xói mòn thêm cái gọi là nguyên trạng này. Ngoài ra, tình hình hiện tại đã làm chậm tiến độ đàm phán về COC mà ASEAN và Trung Quốc đang theo đuổi. Tuy nhiên, các hành động vật lý ở thực địa là một thực tế – trong khi chúng không giúp củng cố tính hợp pháp cho các yêu sách của Bắc Kinh dưới bất kỳ hình thức nào, thì sự thật là Trung Quốc đang nắm giữ ưu thế vật lý ở Biển Đông, và sẽ chỉ tiếp tục đẩy mạnh điều này dù chúng ta có thích hay không. Tiến sĩ Collin Koh Swee Lean cho rằng lý tưởng nhất là chúng ta có một mặt trận ASEAN đoàn kết trong vấn đề này, hoặc một mặt trận đoàn kết giữa các bên yêu sách ở Biển Đông trong ASEAN. Trước tiên, ASEAN cần phải cùng nhau hành động và ít nhất là trong cuộc đàm phán COC, hãy đàm phán cùng Trung Quốc với tư cách một
khối thay vì Bắc Kinh đàm phán riêng rẽ với 10 quốc gia thành viên ASEAN. Tuy nhiên, đây là một quá trình dài hơi. Bên cạnh đó, các bên trong ASEAN cần phải công khai lập trường về Biển Đông một cách vững chắc, bắt đầu tập trung xây dựng lực lượng có thể đối phó với các hoạt động cưỡng ép của Trung Quốc ở “vùng xám” trên biển. Họ cũng cần tăng cường khả năng phục hồi kinh tế bằng cách đa dạng hóa thị trường và đầu tư từ Trung Quốc để giảm nguy cơ rơi vào tình trạng ép buộc kinh tế hoặc bẫy nợ của Bắc Kinh.
Trong khi đó, tiến sĩ Oh Ei Sun (nguyên cố vấn chính trị cho thủ tướng Malaysia) cho rằng Trung Quốc muốn gửi thông điệp đến các bên ở Biển Đông, cũng như những người chơi khác như Mỹ, rằng ngay cả trong lúc này, tham vọng của Trung Quốc ở Biển Đông vẫn không hề suy suyển. Chiến lược chính của Trung Quốc ở đây là ngăn cản hoặc làm suy giảm khả năng khai thác kinh tế của các bên ở Biển Đông, đến nỗi họ không thể tiếp tục tuyên bố những yêu sách liên quan của mình. Nếu không được như vậy, Trung Quốc sẽ cưỡng ép để cùng khai thác chung. Trong khi đó, một thực tế khác trong chính trị quốc tế là quan hệ giữa các quốc gia khá đa dạng, không chỉ có khía cạnh chính trị và ngoại giao mà cả kinh tế xã hội. Hầu hết các bên ở Biển Đông là đối tác thương mại lớn của Trung Quốc, và họ cần thị trường cũng như vốn đầu tư lớn của Trung Quốc cho sự phát triển kinh tế của họ.
Đáng chú ý, giới chuyên gia cũng cho rằng, ASEAN có vai trò rất quan trọng, nếu không muốn nói là quyết định, trong quá trình giải quyết các tranh chấp Biển Đông. Bởi vì, các quyền và lợi ích chính đáng hợp pháp của hầu hết các quốc gia thành viên của ASEAN đều bị vi phạm, trực tiếp hoặc gián tiếp, bởi các hoạt động phi pháp của Trung Quốc trong Biển Đông. Trong lịch sử các thành viên của Hiệp hội ASEAN đã có nhiều đóng góp rất quan trọng cho tiến trình giải quyết các tranh chấp phức tạp này thông qua các Nghị quyết, Tuyên bố, điển hình như DOC. Tuy nhiên, do những nguyên nhân khác nhau, ASEAN đã có lúc bộc lộ những điểm yếu của mình về sự đoàn kết, thống nhất nội bộ. Thậm chí có lúc không ra được Tuyên bố chung, không có tiếng nói đồng thuận trong một số vấn đề pháp lý, chính trị liên quan đến tình hình Biển Đông. Việt Nam và Philippines cần tiếp tục vận động trên cơ sở có lý có tình, thông cảm đến hoàn cảnh của từng thành viên để có cách ứng xử thích hợp, trên cơ sở chia sẻ quyền lợi và trách nhiệm chung.
Xuất phát từ chính sách đối ngoại hòa bình, nên từ trước khi gia nhập ASEAN, Việt Nam đã nhiệt liệt ủng hộ Tuyên bố của ASEAN về Biển Đông. Sau khi gia nhập ASEAN, Việt Nam đã chủ động tham gia và đóng góp tích cực vào việc soạn thảo, thương lượng nội dung các quy định trong DOC. Sau khi DOC được ký, Việt Nam tiếp tục nêu cao vai trò, trách nhiệm tuân thủ các cam kết trong DOC; có các bước đi thích hợp để các nước hiểu rõ lập trường của nước ta về Biển Đông, kiên trì cùng các bên liên quan giải quyết tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình, trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS); thúc đẩy thực hiện đầy đủ DOC, tiến tới xây dựng COC nhằm góp phần duy trì hòa bình, ổn định ở Biển Đông.
Xây dựng COC là việc làm cấp thiết, đem lại lợi ích không chỉ cho ASEAN và Trung Quốc mà cho tất cả các nước ở trong và ngoài khu vực. Là thành viên trong ASEAN, Việt Nam đã, đang và sẽ tiếp tục phát huy vai trò, trách nhiệm của mình tích cực tham gia xây dựng COC thực sự là cơ sở pháp lý hàng đầu, nhân tố quan trọng góp phần ngăn chặn, đẩy lùi nguy cơ xung đột, chiến tranh, đảm bảo duy trì hòa bình, ổn định, an ninh cho vùng Biển Đông nói riêng, khu vực châu Á – Thái Bình Dương và thế giới nói chung.
Nhìn chung, việc Trung Quốc càn quấy trên Biển Đông thời gian gần đây là bước tiếp nối trong việc thực thi chính sách độc chiếm Biển Đông. Hành động này không chỉ xâm phạm chủ quyền của các nước ven Biển Đông mà còn đi ngược lại luật pháp quốc tế và nỗ lực của các nước trong khu vực khi tìm cách thúc đẩy tiến trình đàm phán COC hiệu quả, hiệu lực và có tính ràng buộc pháp lý. Với vai trò Chủ tịch ASEAN 2020, Việt Nam cần thúc đẩy hơn nữa các biện pháp chính trị, ngoại giao để ASEAN đoàn kết, nhất trí lập trường chung trong đối phó hoạt động phi pháp của Trung Quốc ở Biển Đông, cũng như đàm phán COC.
http://biendong.net/bien-dong/34511-tq-quay-pha-khien-tien-trinh-dam-phan-bo-quy-tac-ung-xu-o-bien-dong-roi-vao-be-tac.html
Trung Cộng yêu cầu thế giới chấm dứt trò chơi đổ lỗi tại hội nghị gây quỹ chống đại dịch coronavirus do EU tổ chức
Nỗ lực của Liên minh Châu Âu nhằm gây quỹ để phát triển và phân phối vaccine Covid-19 bị Trung Cộng phớt lờ, bất chấp thành công của khối trong việc gần đạt được mục tiêu gây quỹ 8 tỷ mỹ kim.Trung Cộng không chỉ là quốc gia gửi viên chức cấp thấp nhất tới sự kiện trực tuyến vào hôm thứ Hai, mà còn không đưa ra cam kết tài chính mới nào, và cũng không hứa sẽ biến bất kỳ loại vaccine thành công nào thành lợi ích chung, như một số quốc gia tham gia kêu gọi.
Thay vào đó, đại sứ Trung Cộng tại EU, ông Zhang Ming, yêu cầu thế giới chấm dứt “trò chơi đổ lỗi” về coronavirus. Ông cũng đưa ra những nỗ lực hiện có của Trung Cộng, như bán thương mại thiết bị bảo hộ và khẩu trang cho các nước nghèo, và quyên góp trị giá 50 triệu mỹ kim cho quỹ chống Covid-19 của Tổ chức Y tế Thế giới.
Trong số 43 quốc gia tham gia vào hôm thứ Hai, chỉ có Trung Cộng cử một đại sứ, trong khi các quốc gia khác cử một bộ trưởng, thủ tướng hoặc tổng thống, hoặc thậm chí là quốc vương, như vua Abdullah II của Jordan. Hoa Kỳ và Nga không gửi đại diện nào cho sự kiện do EU dẫn đầu.
Hầu hết các quốc gia cho thấy sự đoàn kết với việc phát triển vaccine. Ngay cả Tây Ban Nha và Ý – những quốc gia chịu thiệt hại nặng nề nhất sau Hoa Kỳ – cam kết lần lượt 125 triệu euro (tương đương 137 triệu mỹ kim) và 140 triệu euro. (BBT)
https://www.sbtn.tv/trung-cong-yeu-cau-the-gioi-cham-dut-tro-choi-do-loi-tai-hoi-nghi-gay-quy-chong-dai-dich-coronavirus-do-eu-to-chuc/
Nhà khoa học gốc Hoa sắp công bố nghiên cứu đột phá về virus corona bị sát hại
Hương ThảoVào ngày 2/5, một nhà khoa học gốc Trung Quốc đang làm trong dự án nghiên cứu về virus Vũ Hán đã bị bắn chết tại nhà riêng ở thị trấn Ross thuộc tiểu bang Pennsylvania, Mỹ. Trong khi đó, nghi phạm Hao Gu, 46 tuổi, cũng được phát hiện đã chết trong một chiếc ô tô cách đó khoảng 100 mét.
Theo Post Gazette, Tiến sĩ Bing Liu, 37 tuổi, đã được tìm thấy với nhiều phát đạn bắn vào đầu, cổ và thân mình vào khoảng trưa ngày 2/5. Ngôi nhà của anh không bị mất thứ gì và không có dấu hiệu bị đột nhập. Anh hiện đang làm việc tại Khoa sinh học hệ thống và tính toán của Trường Y thuộc Đại học Pittsburgh.
Văn phòng khoa nơi Tiến sĩ Liu làm việc viết trong một tuyên bố: “Bing sắp đưa ra những phát hiện rất có ý nghĩa trong việc tìm hiểu các cơ chế tế bào gây ra nhiễm SARS-CoV-2 và cơ sở tế bào của các biến chứng của căn bệnh này. Chúng tôi sẽ nỗ lực để hoàn thành những gì anh ấy bắt đầu trong một nỗ lực để tỏ lòng tôn kính với sự xuất sắc trong khoa học của anh ấy”.
Nói về Tiến sĩ Bing Liu, người đứng đầu khoa của anh, bà Ivet Bahar cho biết: “Anh ấy là một cá nhân rất tài năng, cực kỳ thông minh và chăm chỉ. Anh ấy đã đóng góp cho một số dự án khoa học, xuất bản trên các tạp chí cao cấp. Anh ấy là người mà tất cả chúng tôi đều rất thích, một người rất hiền lành, rất hữu ích, tốt bụng, rất hào phóng”.
Bà Bahar cho biết Tiến sĩ Liu đang thu được những kết quả bước đầu trong nghiên cứu về virus Vũ Hán.
“Anh ấy mới bắt đầu thu được những kết quả đáng chú ý. Anh ấy đang chia sẻ với chúng tôi về việc cố gắng hiểu cơ chế lây nhiễm, vì vậy chúng tôi hy vọng sẽ tiếp tục những gì anh ấy đang làm”, bà cho biết.
Đại học Pittsburgh cũng nói trong một tuyên bố: “Sự mất mát này sẽ được cảm nhận trong toàn bộ cộng đồng khoa học”.
Theo tờ Post Gazette, Liu là người gốc Trung Quốc, có vợ nhưng không có con.
Động cơ của vụ nổ súng vẫn chưa được tiết lộ.
https://www.dkn.tv/the-gioi/nha-khoa-hoc-goc-hoa-sap-cong-bo-nghien-cuu-dot-pha-ve-virus-corona-bi-sat-hai.html
Tình báo Trung Quốc cảnh báo nguy cơ xung đột quân sự với Mỹ hậu Covid-19
Quý KhảiBáo cáo nội bộ của Trung Quốc cảnh báo nước này đang phải đối mặt với làn sóng thù địch quốc tế ngày càng tăng, và khả năng dẫn khởi xung đột quân sự với Mỹ, Reuters trích dẫn nguồn tin trong cuộc.
Reuters ngày 4/5 cho hay, hồi đầu tháng 4 Bộ An ninh Quốc gia Trung Quốc đã trình một báo cáo lên giới lãnh đạo Bắc Kinh, cho biết tinh thần chống Trung Quốc trên toàn cầu do Mỹ chỉ huy đang ở mức cao nhất kể từ vụ đàn áp Thiên An Môn năm 1989.
Theo đó, Trung Quốc cần chuẩn bị cho tình huống xấu nhất – một cuộc đối đầu vũ trang giữa Mỹ – Trung.
Báo cáo được thu thập bởi Viện Quan hệ Quốc tế Đương đại Trung Quốc (CICIR), một cơ quan cố vấn có liên kết mật thiết với Bộ An ninh Quốc gia Trung Quốc, cơ quan tình báo hàng đầu nước này.
Khi đối mặt khả năng tái đắc cử bấp bênh do Covid-19 sát hại hàng chục ngàn người Mỹ và tàn phá nền kinh tế lớn nhất hành tinh, gần đây Tổng thống Mỹ Donald Trump đã liên tục chỉ trích và dọa áp thuế bổ sung lên Trung Quốc. Đồng thời, chính quyền của ông cũng đang xem xét các biện pháp trả đũa Trung Quốc vì sự tắc trách khiến đại dịch bùng nổ.
Reuters cho hay, báo cáo cảnh báo tinh thần chống Trung Quốc do dịch bệnh có thể gây khó khăn cho các dự án thuộc Sáng kiến Vành đai & Con đường của Trung Quốc, và Washington có thể tăng cường hỗ trợ tài chính và quân sự cho các đồng minh trong khu vực, khiến tình hình an ninh châu Á dễ biến động hơn.
Dấu hiệu Chiến tranh Lạnh
Một vài viên chức tình báo Trung Quốc đã so sánh báo cáo này với các văn kiện hình thành nên cục diện Chiến tranh Lạnh sau Thế chiến II giữa Mỹ và Liên Xô.
Cụ thể, họ so sánh nó với bức điện tín Novikov, một văn kiện năm 1946 của Nikolai Novikov – Đại sứ Liên Xô tại Mỹ – trong đó ông nhấn mạnh sự nguy hiểm của tham vọng kinh tế và quân sự của Mỹ hậu Thế chiến II.
Trước đó, nhà ngoại giao Mỹ George Kennan tại Moscow đã gửi bức điện tín về nước, nêu rằng Liên Xô không nhìn thấy khả năng cùng tồn tại hòa bình với phương Tây, và việc kiềm tỏa lẫn nhau là chiến lược tốt nhất trong dài hạn.
Trong đại dịch Covid-19, Trung Quốc đã bị Mỹ nhiều lần cáo buộc chèn ép các thông tin cảnh báo sớm dịch bệnh tại tâm dịch Vũ Hán, đồng thời hạ thấp nguy cơ của nó, khiến dịch bệnh nội địa bùng nổ thành đại dịch toàn cầu. Đến nay, virus corona chủng mới đã lây nhiễm cho hơn 3 triệu người và gây ra hơn 200.000 ca tử vong trên toàn cầu. Trên bản đồ quốc tế, khó có thể tìm thấy một quốc gia ngoại lệ trong dịch bệnh.
Trung Quốc hiện phải đối mặt với sự lên án ngày càng tăng từ cộng đồng quốc tế, yêu cầu Bắc Kinh chịu trách nhiệm về vai trò của mình trong đại dịch.
CICIR không bình luận về báo cáo này, trong khi Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết không có thông tin liên quan.
Dù không trực tiếp bình luận về báo cáo, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Ortagus cho rằng Trung Quốc có “trọng trách đặc biệt” phải thông báo cho người dân của họ và thế giới về sự bùng phát dịch từ sớm.
Giới chức Trung Quốc có “trọng trách đặc biệt” là thông báo cho người dân của họ và thế giới về mối đe dọa từ dịch virus corona chủng mới, “nhất là khi họ nắm bắt các thông tin đầu tiên về dịch bệnh”, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Morgan Ortagus chia sẻ với Reuters.
Dù không trực tiếp bình luận về báo cáo của Trung Quốc, bà Ortagus nói: “Những nỗ lực của Bắc Kinh, nhằm bịt miệng các nhà khoa học, nhà báo và người dân đưa tin về dịch bệnh, cùng lúc truyền bá thông tin sai lệch đã làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng sức khỏe toàn cầu này”.
Theo Reuters
Quý Khải dịch & biên tập
https://www.dkn.tv/the-gioi/tinh-bao-trung-quoc-canh-bao-nguy-co-xung-dot-quan-su-voi-my-hau-covid-19.html
Disney thử nghiệm chiến lược tái mở cửa tại Shanghai Disneyland
Vào tuần tới, công ty Walt Disney sẽ khởi động chiến lược để bắt đầu khôi phục hoạt động kinh doanh công viên thiệt hại 1 tỷ mỹ kim lợi nhuận từ việc đóng cửa do coronavirus.Vào hôm thứ ba (5/5), Disney cho biết họ sẽ mở lại công viên Shanghai Disneyland vào ngày 11 tháng 5, nhưng sẽ hạn chế đáng kể số lượng khách và thực thi các biện pháp an toàn xã hội nghiêm ngặt đối với các trò chơi và trong các nhà hàng. Kế hoạch này phần nào cho thấy cách công ty sẽ phục hồi sau đại dịch. Các giám đốc điều hành cho biết họ có “tầm nhìn hạn chế” về thời điểm khi các công viên, cửa hàng khác và du thuyền của công ty sẽ mở cửa trở lại.
Vào hôm thứ ba (5/5), Giám đốc tài chính Christine McCarthy thông báo với các nhà phân tích rằng hơn một nửa trong số 1 tỷ mỹ kim suy giảm lợi nhuận hoạt động trong tam cá nguyệt thứ hai bắt nguồn từ hai tuần đóng cửa các công viên của Disney, phần còn lại là từ việc đóng cửa các công viên ở châu Á và việc kinh doanh du thuyền nhỏ hơn nhưng phổ biến của họ.
Để nhanh chóng cắt giảm chi phí, Disney cho hơn 120,000 nhân viên nghỉ việc không lương vào tháng Tư. Các giám đốc điều hành của Disney cho biết tại Trung Cộng, công ty sẽ thử nghiệm những ý tưởng mới. Khách tại Thượng Hải Disneyland sẽ được yêu cầu mua vé vào cửa chỉ có giá trị vào một ngày được chọn và chủ sở hữu vé hàng năm sẽ cần phải đặt chỗ trước khi đến. (BBT)
https://www.sbtn.tv/disney-thu-nghiem-chien-luoc-tai-mo-cua-tai-shanghai-disneyland/
Trung Quốc chỉ trích ‘virus chính trị’ ở Hong Kong
Văn phòng đặc trách các vấn đề Hong Kong của Trung Quốc hôm 6/5 nói rằng thành phố này sẽ không bao giờ bình lặng trừ khi tất cả “những kẻ biểu tình bạo lực mặc đồ đen” bị loại bỏ.Cơ quan này cũng miêu tả những người biểu tình ở Hong Kong là “virus chính trị” muốn mưu tìm độc lập khỏi Trung Quốc.
Tuyên bố mạnh mẽ trên được đưa ra trong bối cảnh các nhà hoạt động dân chủ ngày càng có nhiều quan ngại rằng Trung Quốc đang siết chặt sự kìm kẹp đối với cựu thuộc địa của Anh này, trong khi việc giới hạn các hoạt động nhằm ngăn chặn virus Corona lây lan khiến phong trào của họ cũng bị ngừng lại.
Văn phòng đặc trách các vấn đề Hong Kong và Macau cảnh báo rằng chính quyền trung ương Trung Quốc sẽ không ngồi yên, nói thêm rằng họ có trách nhiệm cao nhất là duy trì trật tự và bảo vệ an ninh quốc gia.
Trung tâm tài chính châu Á bị tác động mạnh bởi nhiều tháng xảy ra các cuộc biểu tình rầm rộ, đôi khi bạo lực, về một dự luật dẫn độ mà nay đã bị rút lại, vốn cho phép người Hong Kong bị đưa sang Trung Quốc để xét xử.
Người biểu tình cho rằng Bắc Kinh đang tìm cách làm xói mòn thể chế “một quốc gia, hai chế độ”.
Trong khi đó, Trung Quốc bác bỏ chỉ trích cho rằng nước này đang tìm cách xâm phạm các quyền tự do của Hong Kong.
Cảnh sát chống bạo loạn của Hong Kong cuối tháng trước giải tán một đám đông khoảng 300 nhà hoạt động ủng hộ dân chủ mặc đồ đen.
Đây là cuộc biểu tình quy mô đầu tiên kể từ khi chính quyền cấm việc tụ họp ở nơi công cộng hồi tháng Ba nhằm ngăn chặn virus Corona lây lan.
https://www.voatiengviet.com/a/trung-qu%E1%BB%91c-ch%E1%BB%89-tr%C3%ADch-virus-ch%C3%ADnh-tr%E1%BB%8B-%E1%BB%9F-hong-kong/5408166.html
Ấn Độ tìm cách thu hút các công ty
muốn rời khỏi Trung Cộng bằng quỹ đất khổng lồ
Tin New Delhi, Ấn Độ – Theo bản tin của tờ Tin Sáng Hoa Nam, chính phủ Ấn Độ đang thiết lập một quỹ đất lớn gần gấp đôi diện tích của Luxembourg, để thu hút các công ty nước ngoài đang tìm cách rời khỏi Trung Cộng.Một khu vực có diện tích tổng cộng 461,589 mẫu đã được xác định trên khắp Ấn Độ để dùng cho mục đích phát triển công nghiệp. Khu vực này bao gồm cả 115,131 mẫu đất tại các khu công nghiệp đã có
sẵn tại các tiểu bang Gujarat, Maharashtra, Tamil Nadu, và Andhra Pradesh. Đất đai là một trong các trở ngại lớn nhất cho các công ty muốn đầu tư vào Ấn Độ.
Chính phủ của Thủ Tướng Narendra Modi đang làm việc với các tiểu bang để thay đổi thủ tục cấp đất công nghiệp, trong bối cảnh nhà đầu tư thế giới muốn giảm phụ thuộc vào Trung Cộng, sau khi đại dịch Covid-19 làm gián đoạn chuỗi cung cấp hàng hóa từ nước này. Hiện tại, các nhà đầu tư muốn xây nhà máy tại Ấn Độ phải tự tìm mua đất. Quá trình này đôi khi làm chậm trễ dự án, do nhà đầu tư phải đàm phán với nhiều chủ nhân của các mảnh đất nhỏ để mua đất.
Việc cung cấp đất đã quy hoạch sẵn, cùng mạng lưới điện nước và đường giao thông, nhiều khả năng sẽ thu hút các nhà đầu tư tìm đến Ấn Độ. Chính phủ Modi đã chọn ra 10 ngành, liên quan đến thực phẩm, công nghiệp, năng lượng, để tập trung quảng bá phát triển sản xuất.
Nhiều công ty từ Nhật, Hoa Kỳ, Nam Hàn, và cả Trung Cộng, đã tỏ ra quan tâm đến việc dời nhà máy đến nền kinh tế lớn thứ 3 châu Á. (Ngô Bảo)
https://www.sbtn.tv/an-do-tim-cach-thu-hut-cac-cong-ty-muon-roi-khoi-trung-cong-bang-quy-dat-khong-lo/
0 comments