Hải Ngoại Ngày Nay


LIÊN KẾT HẢI NGOẠI YỂM TRỢ QUỐC NỘI ĐẤU TRANH

GIẢI THỂ CHẾ ĐỘ ĐỘC TÀI VIỆT CỘNG

GIẢi TRỪ HIỂM HỌA XÂM LĂNG TRUNG CỘNG

Đọc báo Pháp – 25/05/2020

Monday, May 25, 2020 6:01:00 PM // ,

Đọc báo Pháp – 25/05/2020

Luật an ninh và cơ hội cuối cùng để chiến đấu cho tự do của Hồng Kông – Thụy My

Khi Anh trao trả Hồng Kông ngày 01/07/1997, thế giới lạc quan, tin rằng Trung Quốc và phương Tây sẽ tiến gần với nhau. Tiếc thay, một phần tư thế kỷ sau, sự thể diễn ra ngược lại. Hồng Kông đã trở thành biểu tượng cho thấy khó thể chung sống hòa bình giữa hai hệ thống ngày càng trái ngược.
Le Figaro hôm nay chạy tựa « Việc làm, bằng cấp : Giới trẻ, nạn nhân gián tiếp của virus corona ». Các kỳ thi bị hoãn, kỳ thực tập hủy bỏ, hy vọng ký hợp đồng làm việc tan biến…các thanh niên dưới 25 tuổi bị lãnh đòn từ đại dịch, khi bước vào một thị trường lao động đang chao đảo.
Libération dành trang nhất và bốn trang trong cho « Lời kêu gọi của nhân viên y tế : Thưa ông tổng thống, lời nói suông chưa đủ ». Tương tự, « Bệnh viện : Một big bang để làm bật tung xiềng xích » là tít lớn của Les Echos.
La Croix có cái nhìn bao quát với chủ đề « Thay đổi thế giới », bắt đầu loạt bài gợi lên những hướng mới để đối phó với những cuộc khủng hoảng đang trải qua. Le Monde đặt vấn đề « Ngoại giao : Hồi kết của quyền lực mềm Mỹ ? »
Liên quan đến châu Á, tất cả các báo Pháp hôm nay đều có bài viết về Hồng Kông. Le Figaro cho biết « Hồng Kông : Hàng ngàn người biểu tình thách thức Bắc Kinh », La Croix báo động « Người Hồng Kông đưa ra lời kêu cứu SOS với toàn thế giới ». Libération mô tả « Người Hồng Kông nắm lấy cơ hội cuối cùng để bảo vệ tự do », còn Les Echos nhận xét « Tại Hồng Kông, hành động thô bạo của Bắc Kinh lại thổi bùng cơn giận dữ của đường phố ».
Cơ hội cuối cùng để chiến đấu cho tự do
La Croix cho rằng, khi hàng ngàn người biểu tình hôm Chủ nhật 24/05/2020 chống lại luật an ninh quốc gia do Bắc Kinh áp đặt, người dân Hồng Kông muốn gởi đi cùng lúc hai thông điệp : « Sẽ chiến đấu đến cùng » và « Chúng tôi cần có sự ủng hộ của mọi người ».
« Hồng Kông độc lập », « Hãy chiến đấu cho tự do », « Quang phục Hồng Kông », « Các vị không thể giết hết tất cả chúng tôi, người Hồng Kông sẽ không bao giờ bỏ cuộc »…đó là những khẩu hiệu được các báo Pháp ghi nhận. Trong đám đông có cả trẻ em, những cặp vợ chồng trẻ và người cao niên, họ bày tỏ sự phẫn nộ trước đạo luật được coi là cây đinh mới đóng vào cỗ quan tài Hồng Kông, ngày càng ít tự do hơn.
Một nữ sinh viên nói với Libération : « Trung Quốc bắt các khuôn mặt dân chủ để gây tác động đến chúng tôi, nhưng họ không chịu hiểu rằng phong trào không có người cầm đầu và giới trẻ căm ghét chế độ Bắc Kinh ». Một người khác nói thêm : « Chúng tôi không làm gì được trước chế độ cộng sản, nhưng ít nhất cũng phải nắm lấy cơ hội cuối cùng này để bảo vệ quyền tự do biểu lộ ý kiến trên đường phố ».
Đọc thêmHồng Kông và những « ông già đi chiến đấu »
Le Figaro dẫn lời của lãnh tụ sinh viên Hồng Kông Hoàng Chi Phong : « Đây là khởi đầu của hồi kết. Chúng tôi không còn bao nhiêu thời gian, thế nên chúng tôi có mặt ở đây dù đang trong mùa dịch ». Trả lời La Croix, Hoàng Chi Phong cho rằng luật an ninh quốc gia là sự trả thù của Bắc Kinh đối với phong trào dân chủ Hồng Kông, và anh là đích nhắm đầu tiên. « Cách đây vài ngày, kênh truyền hình nhà nước CCTV trực tiếp cáo buộc tôi là người tổ chức biểu tình, cho dù tất cả mọi người đều biết rằng phong trào phản kháng không có lãnh đạo. Hồng Kông sẽ không ngã xuống mà không chiến đấu ».
Công an, thẩm phán từ Hoa lục : Bản án tử cho Hồng Kông
Libération nhận thấy số người biểu tình ít hơn nhiều so với trước đại dịch, họ bị nhấn chìm trong hơi cay. Một ngày trước đó, cảnh sát đã lục soát hệ thống métro và các tuyến đường giao thông chiến lược dẫn đến đảo Hồng Kông và Đồng La Loan (Causeway Bay), bị nghi là điểm tập trung của người biểu tình. Việc tập họp từ 8 người trở lên bị cấm do con virus từ Vũ Hán, thế nên Mặt trận Nhân dân về Nhân quyền không kêu gọi xuống đường.
Chỉ những người kiên quyết nhất mới đi biểu tình, với chiếc khẩu trang mong manh. Đối diện với họ là cảnh sát trang bị nón sắt, mặt nạ chống hơi độc. Hơi cay, vòi rồng tung ra trấn áp. Bài hát cách mạng vang lên, nhưng tương quan lực lượng quá chênh lệch. Đến 16 giờ 30, cảnh sát đã câu lưu 120 người và đến tối, còn lùng soát những điểm kháng cự cuối cùng.
Đọc thêm: Hồng Kông hiện đại chiến đấu bằng vũ khí thời Trung Cổ
Đối với luật sư Lương Doãn Tín (Wilson Leung), từ một năm qua nhận biện hộ cho những nạn nhân bạo lực cảnh sát, « đó là hồi kết của sự khác biệt giữa Hoa lục và Hồng Kông. Trung Quốc muốn ký bản án tử cho thành phố chúng tôi ». Luật an ninh sẽ giúp công an Trung Quốc được điều tra ở Hồng Kông đồng thời lập ra các tòa án đặc biệt với các thẩm phán từ Hoa lục. Bà Vương Tùng Liên (Maya Wang), phụ trách về Trung Quốc của Human Rights Watch tố cáo « Bắc Kinh lại vi phạm nhân quyền, hôm nay là Hồng Kông, ngày mai sẽ là toàn thế giới ».
Cộng đồng quốc tế có cứu được Hồng Kông ?
Trước cỗ máy đàn áp của Trung Quốc, người Hồng Kông hiểu rằng chỉ có cộng đồng quốc tế mới cứu được họ, dù không mấy ảo tưởng. Nhật báo đối lập Apple Daily đăng trọn một trang lời kêu cứu với tổng thống Mỹ Donald Trump « Hãy đến cứu chúng tôi ! ». Ông chủ báo huyền thoại Lê Trí Anh (Jimmy Lai), 73 tuổi, người Công giáo và là nhà đấu tranh dân chủ từ sau vụ thảm sát Thiên An Môn 1989, hôm 22/05 còn mở một tài khoản Twitter « để tố cáo và huy động chống lại sự đàn áp của đảng Cộng Sản Trung Quốc. Tôi chiến đấu đến cùng và sẽ không bao giờ rời Hồng Kông ».
Cộng đồng quốc tế đang bận rộn đối phó với đại dịch virus corona, nên phản ứng còn yếu ớt. Thống đốc cuối cùng của Hồng Kông, ông Chris Patten dù vậy cũng thành công trong việc tung ra lời kêu gọi thế giới ủng hộ : « Trung Quốc đã phản bội người Hồng Kông, và phương Tây cần phải ngưng cúi đầu trước Bắc Kinh ». Trên 200 chính khách từ 23 quốc gia gồm dân biểu, thượng nghị sĩ, cựu bộ trưởng…(nhưng không có người Pháp nào) đã ký vào lời kêu gọi Trung Quốc tôn trọng hiệp ước Anh-Trung năm 1984.
Hoa Kỳ đe dọa xét lại ưu đãi thương mại dành cho đặc khu Hồng Kông, còn Liên Hiệp Châu Âu ra thông cáo rất ngoại giao cho biết « quan tâm đến diễn tiến tình hình ở Hồng Kông ». Anh quốc khá im lặng, dù có lời đồn là thủ tướng Boris Johnson có thể cho một số người Hồng Kông tị nạn. Một bài xã luận của tờ Times thẳng thắn kêu gọi « Hãy cho người Hồng Kông quyền định cư và làm việc tại Anh quốc ».
Trước các cuộc biểu tình mới, hôm Chủ nhật ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị tuyên bố sẽ nhanh chóng áp dụng luật an ninh quốc gia. Về mặt kinh tế, loan báo của Bắc Kinh khiến các nhà đầu tư lo lắng cho tương lai Hồng Kông : Les Echos ghi nhận thị trường chứng khoán Hồng Kông đã sụt mất 5,6%.
Tập Cận Bình trong ngõ cụt
Trong bài xã luận mang tựa đề « Hồng Kông, nạn nhân của cuộc đối đầu Mỹ-Trung », Le Monde nhận định Bắc Kinh muốn siết chặt Hồng Kông bất chấp quy tắc « Một đất nước, hai chế độ ». Thái độ quyết liệt của tổng thống Mỹ Donald Trump đã không khiến Trung Quốc trở nên ôn hòa.
Chế độ « nhất quốc, lưỡng chế » có từ năm 1997 đang sống những giờ phút cuối cùng. Quốc Hội Trung Quốc ngày thứ Năm 28/05 tới sẽ thông qua một dự luật « an ninh quốc gia » áp đặt cho Hồng Kông. Điều khoản 23 của Hiến Pháp Hồng Kông dự kiến cấm mọi hành động phản quốc, ly khai, nổi dậy chống Trung Quốc, nhưng chưa bao giờ được áp dụng do người Hồng Kông chống đối kịch liệt.
Một năm sau những cuộc biểu tình khổng lồ chống dự luật dẫn độ, sáu tháng sau cuộc bầu cử ngập trong đợt thủy triều dân chủ, các nhà lãnh đạo Trung Quốc quyết định bất chấp tất cả, áp đặt cho Hồng Kông một luật mà người dân quyết liệt chống. Thông điệp rất đơn giản : Hồng Kông là Trung Quốc.
Tập Cận Bình chứng tỏ ông ta đang trong ngõ cụt. Từ một năm qua, các nhà lãnh đạo Trung Quốc đã liên tiếp phạm những sai lầm về Hồng Kông, biến một phong trào từ một nguyên nhân nhỏ ban đầu trở thành một cuộc nổi dậy chống chế độ cộng sản. Hàng ngàn thanh niên bị câu lưu, một số bị tống giam, và tuổi trẻ Hồng Kông không còn gì để mất. Họ không biểu tình để có một cuộc sống tốt đẹp hơn, mà để chống một tương lai tồi tệ. Áp đặt luật an ninh quốc gia tất nhiên sẽ không mang lại sự yên bình.
Hồng Kông cho thấy phương Tây khó thể hòa hợp với chế độ Bắc Kinh
Liệu Bắc Kinh còn có thể đi xa đến đâu nữa ? Chế độ lại trở nên cứng rắn với chính sách quy chụp mọi hành động phản kháng là « nổi dậy », coi việc đối thoại là chứng tỏ sự yếu kém. Về phía phương Tây có vẻ không tìm thấy giải pháp.
Theo Le Monde, khi liên tục khiêu khích Trung Quốc  trên đủ mọi lãnh vực trong những tháng gần đây, Washington đã gây phản tác dụng. Nhà Trắng càng tỏ vẻ bênh vực dân chủ Hồng Kông, thì người dân Hoa lục càng ủng hộ chính quyền Bắc Kinh. Hành động cứng rắn mới của Bắc Kinh vừa là lời đáp của quyền lực Trung Quốc – đã trở thành dân tộc chủ nghĩa – vừa nhằm mang lại yên tĩnh ở Hồng Kông.
Hôm thứ Sáu 22/05, ông Josep Borrell, cao ủy phụ trách đối ngoại của Liên hiệp châu Âu đã nhắc lại « sự gắn bó » của Liên Hiệp với nguyên tắc « Một đất nước, hai chế độ » đã giúp Hồng Kông có được quyền tự trị rộng rãi. Ông nhấn mạnh « tầm quan trọng của việc duy trì tranh luận dân chủ » và tôn trọng nhân quyền. Tuy nhiên châu Âu khó có khả năng khuyên giải Bắc Kinh.
Khi Anh trao trả Hồng Kông cho Trung Quốc ngày 01/07/1997, thế giới tương đối lạc quan, tin rằng Trung Quốc và phương Tây sẽ tiến gần với nhau, và Hồng Kông sẽ là một trong những phương tiện cho mục tiêu này. Tiếc thay, một phần tư thế kỷ sau, sự thể diễn ra ngược lại. Hồng Kông đã trở thành biểu tượng cho thấy khó thể chung sống hòa bình giữa hai hệ thống ngày càng trái ngược.
Mỹ siết quy định để ngăn các công ty Trung Quốc lên sàn chứng khoán
Cũng liên quan đến Trung Quốc nhưng trên lãnh vực kinh tế, Les Echos nêu ra việc Bắc Kinh từ bỏ mọi mục tiêu tăng trưởng để tập trung chống thất nghiệp. Bên cạnh đó là việc Mỹ muốn dựng thêm hàng rào ngăn chận các công ty Trung Quốc niêm yết trên thị trường chứng khoán Wall Street.
Những công ty từ Hoa lục không còn được hoan nghênh. Sau vụ bê bối Luckin Coffee, Nasdaq và Thượng Viện Mỹ muốn áp đặt các quy định mới chặt chẽ hơn. Luckin Coffee – công ty Trung Quốc cạnh tranh trực tiếp với Starbucks, từng huy động được 500 triệu đô la hồi tháng 5/2019 – vừa thú nhận rằng đã thổi phồng doanh số bán, và cổ phiếu công ty này bèn sụt giá 90%. Nasdaq lần đầu tiên đã quyết định những công ty Trung Quốc phải huy động được tối thiểu 25 triệu đô la khi niêm yết, và trong nhóm phải có người kiểm soát tính minh bạch.
Về phía Thượng Viện Hoa Kỳ, thứ Tư tuần trước đã thông qua một luật buộc các công ty Trung Quốc phải cam kết là không bị một chính phủ nước ngoài kiểm soát. Luật này nếu được Hạ Viện đồng ý, sẽ giúp cơ quan kiểm soát chứng khoán Mỹ từ chối cho niêm yết những công ty nào chưa được PCAOB (cơ quan giám sát kiểm toán) kiểm tra. Ngay sau đó các tập đoàn lớn Trung Quốc như Alibaba, Baidu, JD.com đã từ bỏ ý định lên sàn.
Quỹ đầu tư – rủi ro Muddy Waters, từng vạch trần mánh khóe « làm đẹp » báo cáo tài chính của các công ty Trung Quốc China MediaExpress, Rino International, Sino-Forest…cho rằng cần phải bảo vệ các nhà đầu tư nhỏ lẻ Mỹ. Theo ông Carson Block, người sáng lập quỹ này : « Một khi Trung Quốc vẫn là Nhà nước du côn so với các quy định của thị trường chứng khoán Mỹ, thì các công ty từ Hoa lục không thể huy động vốn từ thị trường Hoa Kỳ ».
http://www.rfi.fr/vi/%C4%91i%E1%BB%83m-b%C3%A1o/20200525-lu%E1%BA%ADt-an-ninh-v%C3%A0-c%C6%A1-h%E1%BB%99i-cu%E1%BB%91i-c%C3%B9ng-%C4%91%E1%BB%83-chi%E1%BA%BFn-%C4%91%E1%BA%A5u-cho-t%E1%BB%B1-do-c%E1%BB%A7a-h%E1%BB%93ng-k%C3%B4ng

Tin tổng hợp
(Yonhap) – Khách Việt đến Hàn Quốc đông nhất.
Thống kê của bộ Tư Pháp Hàn Quốc, hôm nay, 25/05/2020, cho biết số lượng người Việt đến Hàn Quốc trong tháng Tư chiếm tỷ lệ cao nhất, trong khi mà du khách nước ngoài đến nước này đã bị giảm liên tục trong bốn tháng qua vì đại dịch virus corona. Trong tổng số hơn 34 nghìn khách nước ngoài đến xứ sở Kim Chi trong tháng trước, khách Việt chiếm 10.327 người. Đây là lần đầu tiên du khách Việt Nam được xếp đầu danh sách trên cả Trung Quốc, Nhật Bản hay Mỹ.
(RFI) – Ấn Độ mở lại đường hàng không.
Sau 2 tháng không được bay, bắt đầu từ 25/05/2020, các hãng hàng không Ấn Độ đã có thể cất cánh. Trước mắt một phần các tuyến bay nội địa trở lại hoạt động tuy vẫn còn nhiều bang tỏ ý lo ngại về dịch bệnh. Hiện mới chỉ có vài chục chuyến bay được lên chương trình. Khởi động lại ngành hàng không là chủ trương mà chính phủ Ấn Độ mong muốn được triển khai sớm.
(AFP) – Nhật Bản dỡ bỏ tình trạng khẩn cấp trên toàn quốc.
Thủ tướng Nhật Bản ngày 25/05/2020 thông báo chính thức dỡ bỏ tình trạng khẩn cấp tại một số vùng còn lại, trong đó có thủ đô Tokyo. Tình trạng khẩn cấp đã được ban hành hôm 07/4 tại Tokyo và 6 vùng khác trong bối cảnh dịch bệnh lan nhanh, số ca nhiễm mới thường nhật tăng vọt trong tháng Ba năm 2020. Tính đến Chủ Nhật, 24/05, cả nước đã có 16.581 ca nhiễm và 830 người chết vì Covid-19.
(AFP) – Nga vượt mốc 350.000 người nhiễm Covid-19.
Số liệu thống kê ngày 25/05/2020 cho biết Nga có 8.946 ca nhiễm mới trong vòng 24 giờ, nâng tổng số người bệnh Covid-19 lên thành 353.427 người. Cũng trong 24 giờ qua, nước Nga ghi nhận thêm 92 ca tử vong, nâng tổng số nạn nhân của virus corona là 3.633 người.
(AFP) – Nga kêu án một người Mỹ 18 năm tù.
Ông Paul Whelan, cựu thủy quân lục chiến, song tịch Anh – Mỹ bị Viện Kiểm Sát Nga đề nghị mức án tù này vào hôm nay, 25/05/2020, về tội gián điệp, một cáo buộc mà ông Paul Whelan luôn bác bỏ và khẳng định là bị gài bẫy. Ông Paul Whelan, 50 tuổi, bị bắt năm 2018 vào lúc một trong những người ông quen biết đang chuyển giao cho ông một chiếc khóa USB mà người này nghĩ là những tấm ảnh được chụp trong những chuyến đi Nga trước đó cùng người bạn đời.
http://www.rfi.fr/vi/qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF/20200525-tin-t%E1%BB%95ng-h%E1%BB%A3p

Điểm tin thế giới sáng 25/5:

Cố vấn Nhà Trắng ví Bắc Kinh giấu virus

giống Liên Xô che đậy vụ Chernobyl

Lục Du
Chào mừng quý độc giả đến với mục Điểm tin thế giới của Đại Kỷ Nguyên. Bản tin sáng nay, thứ Hai (25/5), của chúng tôi có những tin sau:
Cố vấn Nhà Trắng ví Bắc Kinh giấu virus giống Liên Xô che đậy vụ Chernobyl
Reuters cho hay, hôm Chủ nhật, cố vấn an ninh Nhà Trắng Robert O’Brien đã nêu ra sự tương đồng trong cách Trung Quốc xử lý dịch viêm phổi Vũ Hán với cách Liên Xô xử lý thảm họa hạt nhân Chernobyl vào năm 1986.
Ông Robert O’Brien nói rằng Bắc Kinh biết về virus xuất phát từ Vũ Hán từ tháng 11/2019 nhưng đã nói dối Tổ chức Y tế Thế giới và ngăn các chuyên gia quốc tế tiếp cận thông tin.
“Họ [Bắc Kinh] đã phát tán một con virus ra thế giới, gây thiệt hại hàng nghìn tỷ đô la cho nền kinh tế Mỹ mà chúng tôi phải chi ra để giúp nền kinh tế sống còn và giữ cho người Mỹ sống sót trong thời kỳ dịch bệnh này”, ông O’Brien nói trong chương trình “Meet the Press” của Kênh NBC.
“Việc che giấu virus này sẽ đi vào lịch sử cũng giống như vụ Chernobyl. Chúng ta sẽ xem loạt phim đặc biệt trên HBO về việc này 10 hoặc 15 năm sau”, cố vấn Nhà Trắng nhấn mạnh.
Moscow cũng từng che giấu mức độ nghiêm trọng của vụ Chernobyl được coi là thảm họa hạt nhân tồi tệ nhất trong lịch sử.
G7 có thể họp trực tiếp vào cuối tháng sau
Cuộc gặp mặt trực tiếp giữa các lãnh đạo G7 có thể sẽ diễn ra vào cuối tháng 6, ông Robert O’Brien, cố vấn an ninh Nhà Trắng cho biết hôm Chủ nhật (24/5), theo Reuters.
Tổng thống Trump hồi tháng 3 đã hủy cuộc họp trực tiếp giữa các thành viên G7 vì dịch viêm phổi Vũ Hán và dự kiến sẽ tổ chức sự kiện này vào ngày 10/6.
Ông Trump hôm 20/5 nói rằng ông có thể sẽ tổ chức cuộc họp trực tiếp giữa các thành viên G7 ở một địa điểm gần Washington. Ông cho rằng động thái này sẽ truyền đi một thông điệp rằng thế giới đang trở lại trạng thái bình thường.
Thủ tướng Anh bào chữa cho lỗi sai của cố vấn
Thủ tướng Anh Boris Johnson đã lên tiếng bênh vực cố vấn Dominic Cummings sau khi ông Cummings vi phạm lệnh phong tỏa chống virus Vũ Hán, theo BBC.
Thủ tướng Johnson nói ông tin rằng ông Cummings “không còn lựa chọn” nào khác ngoài việc phải đi từ London đến vùng Đông Bắc để chăm sóc con cái.
Ông Jonhson cho rằng, “trong mọi khía cạnh, ông ấy đã hành động có trách nhiệm, hợp pháp và với sự chính trực”.
Mặc dù vậy, có nhiều ý kiến cho rằng ông Cummings nên từ chức khi một người ở vị trí của ông lại vi phạm lệnh phong tỏa của chính phủ.
Nam Phi: Nới lỏng phong tỏa dù dịch Covid diễn biến xấu
Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa thông báo nới lỏng các biện pháp phong tỏa trong dịch Covid-19 bắt đầu từ 1/6, dù ông cảnh báo rằng tình hình dịch viêm phổi Vũ Hán ở đất nước có thể trở nên tồi tệ hơn nhiều, BBC ngày 25/5 đưa tin.
Thông báo của ông Ramaphosa đưa ra sau khi một công ty khai thác khoáng sản cho biết 164 công nhân của họ đã dương tính với nCoV.
Theo thống kê của Worldometers, tính tới sáng thứ Hai (giờ Việt Nam) Nam Phi có thêm 1.240 ca nhiễm bệnh mới, đưa tổng số người nhiễm virus Vũ Hán ở quốc gia này lên 22.583, trong đó 429 người đã tử vong (tăng 22 ca). Quốc gia này hiện đã trở thành ổ dịch Covid-19 lớn nhất châu Phi.
Trung Quốc cáo buộc Mỹ lan truyền ‘dối gian’ về Covid-19
BBC đưa tin, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị hôm Chủ nhật đã cáo buộc Hoa Kỳ truyền bá thuyết “âm mưu và những lời dối trá” về dịch viêm phổi Vũ Hán.
Ông Nghị nói với các phóng viên rằng Hoa Kỳ đã bị nhiễm “virus chính trị” và kêu gọi quốc gia này “ngừng việc lãng phí thời gian và ngừng lãng phí các sinh mệnh trân quý” trong cuộc chiến chống lại Covid-19.
Ông Nghị đưa những phát biểu này trong bối cảnh quan hệ Mỹ – Trung căng thẳng hơn sau khi Washington liên tục lên án việc Bắc Kinh che giấu sự thật về dịch bệnh khiến thế giới bị động trước loại virus chết người. Chính quyền Trung Quốc cho tới nay vẫn chưa cho các nhà điều tra quốc tế tìm hiểu nguồn gốc và con đường lây lan của virus Vũ Hán.
https://www.dkn.tv/the-gioi/diem-tin-the-gioi-sang-25-5-co-van-nha-trang-noi-bac-kinh-giau-virus-giong-lien-xo-che-day-vu-chernobyl.html

Điểm tin thế giới chiều 25/5:

Trung Quốc tuyên bố vụ thu hoạch 1,5 tấn rau

 ở Phú Lâm là ‘thắng to’

Triệu Hằng
Mục Điểm tin thế giới chiều thứ Hai (25/5) của Đại Kỷ Nguyên xin gửi tới bạn đọc những tin sau:
Trung Quốc tuyên bố vụ thu hoạch 1,5 tấn rau ở Phú Lâm là ‘thắng to’
Hoàn cầu Thời báo, tờ báo nhà nước Trung Quốc đưa tin Trung Quốc vừa thu hoạch 1,5 tấn rau tại căn cứ quân sự lớn nhất của mình ở đảo Phú Lâm. Đây là đảo thuộc quần đảo Hoàng Sa, nơi Việt Nam tuyên bố chủ quyền nhưng trên thực tế Trung Quốc kiểm soát. Cuộc thu hoạch vừa rồi được xem là “một chiến thắng to lớn” của Bắc Kinh trong cuộc chiến tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông, VOA Việt ngữ trích bản tin của tờ Hoàn cầu.
VOA cho hay, đó là vì theo Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển (UNCLOS), những nơi duy trì được khả năng cư trú của con người, có nền kinh tế độc lập, không phụ thuộc vào nhập khẩu từ bên ngoài thì đủ điều kiện để trở thành đảo chính thức.
Triều Tiên có thể phóng SLBM nhằm tăng cường “chiến lược răn đe hạt nhân”
Nhiều khả năng Triều Tiên sẽ phóng tên lửa đạn đạo liên lục địa và tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm (SLBM) nhằm “tăng cường chiến lược răn đe hạt nhân”, tờ Yonhap dẫn lời các chuyên gia cho biết hôm 25/5.
Tên lửa đạn đạo liên lục địa mới có tầm bắn lớn hơn và SLBM hoặc tàu ngầm có khả năng là những vũ khí chiến lược mới của Triều Tiên. Tàu ngầm trọng tải 3.000 tấn, có khả năng mang 3 SLBM và đang được chế tạo tại căn cứ hải quân của Triều Tiên ở Sinpo.
Cổ phiếu Alibaba sụt giảm sau dự báo tăng trưởng chậm
Alibaba Group Holding Ltd. lao dốc sau khi dự báo tăng trưởng doanh thu sẽ chậm lại trong năm nay, phản ánh sự bất ổn kinh tế sau đại dịch Covid-19 ngay tại sân nhà cũng như khả năng căng thẳng giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc phá vỡ hoạt động kinh doanh của hãng, theo bản tin của báo Bloomberg ngày 25/5.
Cổ phiếu của Alibaba đã giảm tới 4% tại Hồng Kông vào ngày 25/5, sau khi giảm gần 6% tại New York cuối tuần trước đó. Gã khổng lồ thương mại điện tử dự báo tăng trưởng doanh số bán hàng trong năm nay ít nhất là 27,5% xuống còn 650 tỷ nhân dân tệ (91 tỷ USD), giảm so với 35% trước đó và thấp hơn một chút so với ước tính của các nhà phân tích. Trong khi đó hãng công bố mức tăng 22% tốt hơn dự kiến trong doanh thu quý 3 là 114,3 tỷ nhân dân tệ, đánh dấu tốc độ tăng trưởng chậm nhất trong lịch sử.
Tàu dầu Iran đã vào lãnh hải Venezuela
Fortune, tàu đầu tiên trong số 5 tàu chở dầu của Iran đến Venezuela nhằm cứu vãn tình trạng thiếu nhiên liệu ở Venezuela, đã tới lãnh hải Venezuela mà không gặp phải sự can thiệp tức thời nào của Mỹ, như những gì chính quyền tổng thống Maduro mô tả là mối đe dọa, theo Aljazeera ngày 24/5.
Fortune đã chính thức vào Vùng đặc quyền kinh tế của Venezuela lúc khoảng 7h30 chiều (giờ địa phương) hôm 24/5, theo dữ liệu hoạt động trung chuyển dầu TankerTracker.
“Tàu dầu đầu tiên của Iran đã tới bờ biển Venezuela”, đại sứ quán Iran tại Venezuela đăng trên Twitter và “biết ơn Lực lượng Vũ trang Bolivaria hộ tống tàu”.
Các tàu dầu khác của Iran bao gồm Forest, Petunia, Faxon và Clavel dự kiến sẽ đến Venezuela trong vài ngày tới.
https://www.dkn.tv/the-gioi/diem-tin-the-gioi-chieu-25-5-trung-quoc-tuyen-bo-vu-thu-hoach-15-tan-rau-o-phu-lam-la-thang-to.html

Tạp chí việt nam

Biển Đông :

Trung Quốc lấn, Mỹ làm căng, Việt Nam chờ thời

Thu Hằng
Từ đầu năm 2020, Trung Quốc vẫn thúc đẩy đàm phán về Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông với các nước láng giềng Đông Nam Á, được kỳ vọng là sẽ hoàn thiện trong năm nhiệm kỳ Việt Nam làm chủ tịch luân phiên của ASEAN. Nhưng trên thực địa, Bắc Kinh liên tiếp mở rộng yêu sách chủ quyền, tăng cường hiện diện ở những vùng biển đang có tranh chấp.
Những sự kiện trên, cùng với những chỉ trích, cáo buộc gay gắt lẫn nhau liên quan đến dịch Covid-19, khiến quan hệ song phương Mỹ-Trung thêm căng thẳng trên mọi phương diện. Quân đội Mỹ huy động đội tầu tuần tra bảo vệ tự do hàng hải, trong đó có Biển Đông, điều đội oanh tạc cơ B-1B trở lại Guam để hỗ trợ lực lượng tại chỗ của Mỹ cũng như các đồng minh và đối tác trong khu vực Thái Bình Dương. Theo trang South China Morning Post ngày 19/05, Hoa Kỳ đã gia tăng hoạt động quân sự trên không và trên biển « sát cửa » Trung Quốc trong 5 tháng đầu năm 2020 nhiều gấp ba lần so với nguyên một năm 2019.
Có đúng là Trung Quốc đang lợi dụng dịch Covid-19 để thâu tóm Biển Đông ? Việt Nam đối phó thế nào trước những căng thẳng Mỹ-Trung trong khu vực ? RFI Tiếng Việt đặt câu hỏi với giám đốc nghiên cứu Benoît de Tréglodé, Viện Nghiên cứu Chiến lược của Trường Quân sự Pháp (IRSEM).
RFI : Phải chăng Biển Đông đang trở thành khu vực thể hiện sức mạnh và đối đầu giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ ? Những căng này có thể đi đến đâu ?
Benoît de Tréglodé : Năm 2020, chúng ta sống trong giai đoạn rất đặc biệt. Đại dịch Covid-19 đã làm thổi bùng căng thẳng trong quan hệ song phương giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ vì lý do dịch tễ. Nhưng những vấn đề đối nội nảy sinh trong đợt dịch Covid-19 cũng phần nào đó tác động đến cách hoạt động trên trường quốc tế của hai nước.
Những yếu tố trên rất quan trọng để hiểu được những lý do đằng sau một « cuộc chiến thông tin » trong đó các bên Trung Quốc, Việt Nam, Hoa Kỳ hoặc phương Tây nói chung, bảo vệ một đường lối, một lịch trình mang tính chất quốc gia của mình, cũng như để có được một cái nhìn chung về diễn biến của bối cảnh chiến lược trên thực địa. Sự căng thẳng trong quan hệ song phương giữa Washington và Bắc Kinh là yếu tố chủ đạo để hiểu những sự kiện đang diễn ra ở Biển Đông.
Yếu tố thứ hai mà tôi cho là đóng vai trò trọng tâm để hiểu được mối quan hệ căng thẳng giữa Trung Quốc và Mỹ, đó là phải ngược trở lại bản báo cáo chiến lược Ấn Độ-Thái Bình Dương được bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ trình bày vào tháng 06/2019 nhân Đối thoại Shangri-La ở Singapore. Trong báo cáo gồm ba chủ đề chính này, Hoa Kỳ mô tả mạng lưới ngoại giao và những đối tác của họ ở châu Á-Thái Bình Dương, trong đó có Đông Nam Á. Chủ đề trọng tâm thứ ba được nêu trong báo cáo, đó là coi Trung Quốc là mối đe dọa lớn nhất cho an ninh trong khu vực. Sự việc đã rất rõ ràng ngay từ thời điểm đó và đây cũng chính là điểm, về lý thuyết, định hình khuôn khổ chính sách hiện nay của Mỹ ở Đông Nam Á.
Trên đây là hai yếu tố bối cảnh quan trọng để hiểu được những gì đang diễn ra trên thực địa. Vậy chuyện gì đang diễn ra ?
Đúng là có nhiều nhà bình luận, từ vài tuần nay, nhắc đến việc Trung Quốc tái thúc đẩy những hành vi khiêu khích trong bối cảnh khủng hoảng dịch tễ quy mô toàn cầu và Bắc Kinh tranh thủ thời cơ để đẩy các quân cờ trên thực địa, trong đó phải kể đến ba sự kiện. Thứ nhất là vụ tầu cá Việt Nam bị đâm chìm vào đầu tháng 04/2020 ở quần đảo Hoàng Sa. Tiếp theo là việc « thành phố Tam Sa » của Trung Quốc lập hai quận mới : Tây Sa (Xisha) ở Hoàng Sa và Nam Sa (Nansha) ở Trường Sa. Và sự kiện thứ ba là việc tầu khảo sát Trung Quốc Hải Dương Địa Chất 8 gần đây tiếp tục hoạt động trong lãnh hải của Malaysia.
Ba sự kiện trên, theo tôi, cần phải đặt chúng vào bối cảnh tổng thể hơn về quan hệ quốc tế, đặc biệt là sự cạnh tranh Mỹ-Trung. Cả ba yếu tố này không hẳn là đặc biệt trong năm 2020 này bởi chúng đều phụ thuộc vào tính chất liên tục trong chính sách hàng hải của Trung Quốc trong khu vực đã có từ khá lâu. Lấy ví dụ vụ tầu cá của ngư dân Việt Nam bị đâm chìm vào đầu tháng 04/2020, phải đặt biến cố này vào bối cảnh có từ lâu, cụ thể là từ năm 2014 khi xảy ra khủng hoảng giàn khoan Hải Dương 981.
RFI : Dù sao cũng có thể thấy là kiểu xung đột này xảy ra thường xuyên hơn từ đầu năm 2020. Vậy nguyên nhân là gì ?
Benoît de Tréglodé : Kiểu đối đầu, kiểu xung đột này thường xuyên xảy ra và có thể được giải thích với hai yếu tố.
Thứ nhất, phải nhắc lại rằng từ khoảng 10 năm gần đây, cả Trung Quốc và Việt Nam đều tăng cường đội dân quân biển. Năm 2009, Việt Nam đã áp dụng Luật Dân quân tự vệ biển – lực lượng phòng vệ hàng hải và loại tầu dành cho nhiệm vụ này cũng xuất hiện từ thời điểm đó. Theo tôi nhớ vào năm 2010, chủ tịch nước Việt Nam lúc đó đã khuyến khích lực lượng dân quân biển cùng với các hiệp hội nghề cá đến các khu vực có tranh chấp với Trung Quốc để tăng cường sự hiện diện của Việt Nam. Điều này rất quan trọng để hiểu được tình hình tại chỗ. Phía Trung Quốc cũng làm tương tự, vì thế thường xuyên xảy ra các vụ tranh chấp, đôi khi rất dữ dội, giữa ngư dân, dân quân biển và hải cảnh trong các vùng biển có tranh chấp giữa Trung Quốc và Việt Nam.
Yếu tố thứ hai là việc lập ra hai « quận » mới trực thuộc « thành phố Tam Sa », bao gồm cả không gian biển khu vực quần đảo Trường Sa. Trở lại bối cảnh lịch sử gần đây, chúng ta thấy truyền thông từng nói nhiều về việc Trung Quốc thành lập « thành phố Tam Sa » vào năm 2012. Đây là cách đáp trả của Bắc Kinh về việc Quốc Hội Việt Nam, vào tháng 06/2012, đã thông qua Luật Biển bao gồm cả hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Kể từ đó, Trung Quốc đòi chủ quyền về hành chính. Và yêu sách đó được cụ thể hóa bằng việc thành lập hai « quận » Tây Sa và Nam Sa mà thực ra, nằm trong kế hoạch « thành phố Tam Sa » đã có từ trước đó. Một điểm quan trọng đáng lưu ý khác, đó là « thành phố Tam Sa » khi được Trung Quốc thành lập năm 2012, bất chấp đòi hỏi chủ quyền của các đối tác và các nước láng giềng, mà đứng đầu là Việt Nam, chỉ có khoảng 400 dân cư, nhưng giờ có đến 1.800 người, chủ yếu sống ở khu vực bắc Hoàng Sa.
Đúng là chúng ta thấy rõ các chính sách như gia tăng dân số, xây dựng cơ sở hạ tầng… nhưng nên nhớ rằng chính sách đó chưa hẳn là nhân cơ hội tình hình dịch bệnh năm nay mà thực ra, là chiến lược lâu dài, mang tính chất liên tục của Trung Quốc từ những năm 2010. Tương tự như việc tầu Hải Dương Địa Chất 8 của Trung Quốc thâm nhập vào vùng biển của Malaysia cũng giống như sự kiện đã xảy ra với Việt Nam.
Vì vậy, tôi không thấy có sự gia tăng vô cùng quan trọng nào trong giai đoạn khủng hoảng Covid-19, mà thực ra, đó là sự tiếp tục trong chính sách đã có từ khá lâu của Trung Quốc.
RFI : Dường như Trung Quốc biết cách tận dụng chính sách « Bốn Không » của Việt Nam để gia tăng hoạt động ngày càng hung hăng hơn ?
Benoît de Tréglodé : Chính sách « Bốn Không » trước là chính sách « Ba Không » của Việt Nam : Không tham gia liên minh quân sự ; không liên kết với nước này để chống nước kia ; không cho nước ngoài đặt căn cứ quân sự hoặc sử dụng lãnh thổ Việt Nam để chống lại nước khác. Chính sách này được sửa đổi vào tháng 11/2019 trong Sách trắng Quốc phòng Việt Nam với điểm « Không » thứ tư, đó là « không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa vũ lực trong quan hệ quốc tế », trong đó có việc không dùng vũ lực để giải quyết tranh chấp lãnh hải trong khu vực.
Nội dung vẫn khá mang tính truyền thống, đó là việc đưa ra những tuyên bố phòng thủ để có thể bảo vệ những quyền lợi chủ quyền đang bị đe dọa vì những lấn lướt trên thực địa trong chính sách hàng hải của Trung Quốc mà chúng ta đã nêu ở trên.
Về vấn đề này, nên đề cập một điểm, mang tính rất thời sự : Hà Nội đang nêu ra khả năng đe dọa đối tác Trung Quốc và báo với cộng đồng quốc tế rằng Việt Nam sẵn sàng làm như Philippines từng làm, có nghĩa là viện đến công lý quốc tế để có thể làm nổi rõ những tranh chấp chủ quyền lãnh hải giữa Việt Nam và Trung Quốc. Vấn đề đặt ra là vào năm 2014, chính quyền Việt Nam từng cho thấy dấu hiệu là có thể kiện nhưng từ đó vẫn không có chuyện gì thực sự xảy ra.
Một lần nữa, chúng ta cần chú ý rằng mọi chuyện rất phức tạp. Những mối liên hệ chính trị, kinh tế, quân sự giữa các nước láng giềng và các quốc gia khác trong khu vực không cho phép các nước xây dựng một hướng đi chung.
RFI : Việt Nam có thể thu được lợi ích gì từ việc Hoa Kỳ hiện diện thường xuyên hơn và mạnh hơn trong khu vực, đặc biệt là vào năm đánh dấu 25 năm thiết lập quan hệ ngoại giao song phương Việt-Mỹ ?
Benoît de Tréglodé : Các kỷ niệm thiết lập quan hệ ngoại không giải thích hết về quan hệ quốc tế. Đúng là Việt Nam sẽ kỷ niệm một phần tư thế kỷ tái lập quan hệ ngoại giao với Hoa Kỳ. Đó là sự kiện quan trọng đánh dấu thời kỳ mở cửa của đất nước từ năm 1975. Nhưng cũng đừng quên là 2020 cũng đánh dấu 70 năm quan hệ Việt Nam – Trung Quốc.
Tiếp theo, cần phải xem xét thực tế hiện diện của Mỹ từ khi dịch Covid-19 bùng phát ở Đông Nam Á và những hoạt động của Trung Quốc trên thực địa. Chúng ta thấy là ngay từ tháng 03/2020 đã có nhiều cuộc họp giữa bộ trưởng Y Tế các nước ASEAN với sự hiện diện của bộ trưởng Y Tế Trung Quốc. Phía Hoa Kỳ cũng tổ chức họp trực tuyến với các đồng nhiệm ASEAN, nhưng không hiện diện thực sự trên thực địa.
Về mặt quân sự, nếu nhìn vào số lượng chiến dịch bảo vệ tự do hàng hải cho phép hải quân Mỹ được điều tầu đến bảo đảm tự do hàng hải ở vùng biển quốc tế, thì rõ ràng là số lượng các chuyến hải tuần như vậy đã tăng nhiều.
Nhưng nếu nhìn vào mối quan hệ song phương thực sự diễn ra như thế nào giữa các nước, có thể thấy là rất nhiều quốc gia Đông Nam Á bảo vệ một nguyên tắc chủ đạo đối với khu vực : Đó là họ không muốn Washington buộc họ phải lựa chọn giữa Mỹ và Trung Quốc. Và đây cũng là một trong những nguyên tắc ngoại giao của rất nhiều nước trong vùng và đang được tái khẳng định.
Chính sách của tổng thống Donald Trump đưa đến tham vọng là thuyết phục các đối tác Đông Nam Á của Mỹ chọn một phe. Nhưng đây lại một nguyên tắc không khả thi đối với rất nhiều nước trong khu vực.
RFI : Những tác động về kinh tế từ dịch Covid-19 ảnh hưởng như nào đến hoạt động của Mỹ ở vùng Biển Đông ?
Benoît de Tréglodé : Chiến tranh thương mại Mỹ-Trung từ một năm nay đã tạo điều kiện thuận lợi rõ ràng cho nền kinh tế Việt Nam. Việt Nam cũng không bị thiệt hại nặng nề về kinh tế do dịch Covid-19.
Một điều thú vị cần nêu lên, đó là cách đây khoảng 10 ngày, tổng thống Mỹ chính thức thông báo rằng do cách Trung Quốc xử lý dịch Covid-19, 27 công ty đã rời Trung Quốc chuyển sang hoạt động ở Đông Nam Á, nhưng lại không phải ở Việt Nam mà là ở Indonesia. Chúng ta thấy là mọi chuyện có vẻ tế nhị hơn và Việt Nam không phải là bên chiến thắng duy nhất trong cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung.
Phải hiểu việc Hoa Kỳ nhắm vào một quốc gia khác, mà không phải Việt Nam trong bối cảnh này như thế nào ? Một số nhà phân tích cho tổng thống Mỹ hẳn vẫn còn nghi ngờ về khả năng Việt Nam thoát hẳn khỏi tầm ảnh hưởng của Trung Quốc vì lý do kinh tế, chính trị, kể cả lý do lịch sử lâu đời.
Vào thời điểm có thể dẫn đến chiến tranh lạnh với sự chia rẽ giữa các nước chống hoặc ủng hộ chính sách của Trung Quốc và vào lúc mà mọi việc trở nên tế nhị hơn với một số nước vừa phản đối những hành vi xâm lấn của Bắc Kinh ở Biển Đông, nhưng vẫn cần đến sự ủng hộ về kinh tế và chính trị, tôi cho rằng khu vực Đông Nam Á vẫn muốn giữ cân bằng giữa các cường quốc.
RFI Tiếng Việt xin chân thành cảm ơn giám đốc nghiên cứu Benoît de Tréglodé, Viện Nghiên cứu Chiến lược của Trường Quân sự Pháp (IRSEM).
http://www.rfi.fr/vi/vi%E1%BB%87t-nam/20200525-bi%E1%BB%83n-%C4%91%C3%B4ng-trung-qu%E1%BB%91c-l%E1%BA%A5n-m%E1%BB%B9-l%C3%A0m-c%C4%83ng-vi%E1%BB%87t-nam-ch%E1%BB%9D-th%E1%BB%9Di

0 comments

Leave a comment

Powered by Blogger.