Hải Ngoại Ngày Nay


LIÊN KẾT HẢI NGOẠI YỂM TRỢ QUỐC NỘI ĐẤU TRANH

GIẢI THỂ CHẾ ĐỘ ĐỘC TÀI VIỆT CỘNG

GIẢi TRỪ HIỂM HỌA XÂM LĂNG TRUNG CỘNG

Tin Biển Đông – 14/04/2020

Tuesday, April 14, 2020 3:31:00 PM // ,

Tin Biển Đông – 14/04/2020

Trung Quốc thừa nhận

chuẩn bị tập trận ở khu vực Biển Đông

Bình luậnNguyễn Sơn
Sau khi bị Nhật và Đài Loan phát hiện, Trung Quốc thừa nhận nhóm tàu sân bay và tàu chiến hộ tống của họ sẽ tập trận trên biển Đông.
Ngày 13/4, người phát ngôn của hải quân Trung Quốc Gao Xiucheng lên tiếng xác nhận tàu sân bay Liêu Ninh cùng 2 tàu khu trục mang tên lửa dẫn đường, 2 tàu hộ vệ và 1 tàu hậu cần chuẩn bị tiến vào Biển Đông tập trận.
Phát ngôn viên Gao Xiucheng nhấn mạnh đây là một hoạt động “thường lệ”, đã dự kiến từ trước và “phù hợp với luật quốc tế”, theo báo Tuổi trẻ.
Nhóm tàu này trước đó đã đi qua eo biển Miyako nằm giữa đảo Miyako và đảo Okinawa của Nhật Bản rồi qua eo Ba Sĩ phía nam đảo Đài Loan để vào Biển Đông.
Ngày 11/4, Bộ Quốc phòng Nhật Bản công bố hình ảnh chụp đầy đủ và rõ ràng số hiệu các tàu chiến của Trung Quốc đồng thời xác nhận những tàu này đã đi qua eo Miyako vào tối 10/4.
Đồng thời, lực lượng phòng vệ Đài Loan hôm 12/4 xác nhận nhóm tàu do tàu sân bay Liêu Ninh dẫn đầu đang ở phía bắc Đài Loan và di chuyển xuống phía nam về hướng Biển Đông, theo trang Taiwan English News.
‘Không phải đang lợi dụng dịch Covid-19′?
Trong khi đó, Thời báo Hoàn Cầu, một tờ báo thuộc Đảng Cộng sản Trung Quốc, lập luận việc nhóm tàu sân bay Trung Quốc vẫn tiến hành tập trận đúng kế hoạch cho thấy quân đội Trung Quốc không bị ảnh hưởng bới dịch COVID-19.
Tờ này còn dẫn lời “một chuyên gia quân sự giấu tên” để ca ngợi việc Trung Quốc công khai ý định tập trận ở Biển Đông. Tờ báo viết, điều này cho thấy Bắc Kinh hoàn toàn minh bạch và “không phải đang lợi dụng COVID-19” để làm bậy.
Ngoài ra, vào sáng 10/4, một nhóm 6 máy bay thuộc không quân Trung Quốc (PLA) đã dàn đội hình bay từ bờ biển Trung Quốc qua eo biển Ba Sĩ ở phía nam Đài Loan vào Thái Bình Dương. Đây được xem là sứ mệnh diễn tập tầm xa.
Trước tình hình trên, lực lượng phòng vệ Đài Loan đã phát lệnh cho đội tàu chiến của họ sẵn sàng phản ứng. Tàu khu trục hạm Thành Công nổ máy ở cảng Keelung, và một tàu khu trục mang tên lửa dẫn đường lớp Cơ Long rời cảng Tô Áo vào tối 11/4.

Tàu Trung Quốc trở lại vùng biển ngoài khơi Việt Nam

Tàu khảo sát Hải Dương Địa chất 8 của Trung Quốc trở lại vùng biển Việt Nam, nơi mà vào năm ngoái cũng chính tàu này gây nên căng thẳng tại khu vực biển thuộc vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.
Reuters loan tin ngày 14 tháng 4, dẫn dữ liệu của trang mạng Marine Traffic chuyên theo dõi tàu biển, cho biết vào ngày 13 tháng 4, tàu khảo sát Hải Dương 8 xuất hiện trở lại cách bờ biển Việt Nam 158 kilomet (98 hải lý). Đây là khu vực thuộc vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý của Việt Nam.
Dữ liệu của Marine Traffic còn nêu rõ Tàu khảo sát Hải Dương 8 được hộ tống ít nhất bởi 1 tàu hải cảnh Trung Quốc. Phía Việt Nam cho ba tàu đi theo tàu của Trung Quốc.
Theo Reuters, trong đợt căng thẳng vào năm ngoái, có ít nhất một tàu hải cảnh của Trung Quốc suốt nhiều tuần áp sát một giàn khoan trong lô dầu khí của Việt Nam có ký hợp đồng với Tập đoàn Rosneft của Nga cùng hoạt động thăm dò, khai thác.
Trong thời gian đó tàu khảo sát Hải Dương 8 tiến hành công tác bị nghi là thăm dò dầu khí trong một khu vực rộng lớn thuộc vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.
Reuters dẫn phát biểu của chuyên gia Hà Hoàng Hợp từ Viện Nghiên Cứu Đông Nam Á ở Singapore rằng Trung Quốc đang lợi dụng nỗ lực của Hoa Kỳ và Châu Âu  tập trung chống chọi với virus corona chủng mới để gia tăng sự quyết đoán của Bắc Kinh tại Biển Đông.

Leo thang căng thẳng: Trung Quốc phân tích

tại sao Việt Nam ‘xâm phạm’ Biển Đông lúc này

Truyền thông chính thống của Trung Quốc vừa lên tiếng cáo buộc Việt Nam “xâm phạm” lãnh hải của họ cũng như cảnh báo sự “ủng hộ” của Washington đối với Hà Nội sẽ làm leo thang căng thẳng trên Biển Đông trong khi đưa tàu Hải Dương 8 trở lại vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.
Tờ Hoàn cầu Thời báo (Global Times) của Đảng Cộng sản Trung Quốc cho rằng tàu cá của Việt Nam đâm vào tàu hải cảnh của Trung Quốc gần đảo Tây Sa hồi đầu tháng này và gửi công hàm phản đối “với mục đích tìm kiếm bồi thường” trước áp lực kinh tế vì đại dịch COVID-19.
Bộ Ngoại giao ở Hà Nội hôm 3/4 cho biết đã “giao thiệp với đại diện Đại sứ quán Trung Quốc và trao công hàm phản đối” cũng như yêu cầu Bắc Kinh “bồi thường thoả đáng các thiệt hại cho ngư dân Việt Nam” sau khi tàu cá QNg 90617 TS cùng 8 ngư dân Việt bị tàu hải cảnh Trung Quốc đâm chìm trước đó cùng ngày.
Tuy nhiên, Trung Quốc nói rằng tàu cá Việt Nam “đã xâm phạm lãnh hải Trung Quốc và làm hư hại tàu hải cảnh” của họ, theo bài xã luận ra ngày 11/4 của Hoàn cầu Thời báo – một ấn phẩm của Nhân dân Nhật báo (People’s Daily). Tờ báo này cho biết “Trung Quốc có đủ bằng chứng bằng video của những gì đã thực sự xảy ra trong vụ đụng độ để chứng minh sự vô tội của họ.”
Nhận định về vấn đề này, Giáo sư Carl Thayer của Đại học New South Wales – người chuyên phân tích về các vấn đề Việt Nam và khu vực – cho rằng tuyên bố của Trung Quốc rằng tàu cá Việt Nam đâm tàu hải cảnh của Trung Quốc là một sự “tuyên truyền và hoàn toàn đánh lạc hướng” dư luận. Theo vị giáo sư của Học viện Quốc phòng Úc, cần phải có thêm chi tiết về vụ đụng độ mà Trung Quốc lại “chưa cung cấp bằng chứng bằng video để hỗ trợ cho tuyên bố của họ.”
VOA đã liên lạc với người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam để xin bình luận về những cáo buộc trên của tờ báo Trung Quốc cũng như liệu Hà Nội có yêu cầu Bắc Kinh đưa ra bằng chứng về việc tàu cá Việt Nam đâm tàu hải cảnh Trung Quốc hay không, nhưng chưa nhận được hồi đáp.
Hoàn cầu Thời báo còn cho rằng Việt Nam “tìm kiếm bồi thường” trong vụ đụng độ trên biển Đông giữa lúc có những áp lực về kinh tế khi đưa ra số liệu cho thấy “hơn 300 doanh nghiệp Việt Nam đang tạm ngừng hoạt động và hơn 40.000 người có nguy cơ thất nghiệp” giữa lúc bùng phát dịch COVID-19. Tờ báo của Trung Quốc nhận định Việt Nam dùng vụ đụng độ trên biển Đông lúc này để đánh lạc hướng sự “yếu kém” trong việc đối phó với đại dịch virus corona.
Tuy nhiên, chính phủ Mỹ đã lên tiếng chỉ trích Trung Quốc trong vụ đụng độ với tàu cá Việt Nam diễn ra hôm 3/4 gần quần đảo Hoàng Sa. Bộ Ngoại giao, Bộ Quốc phòng và ít nhất 5 thượng nghị sỹ Mỹ đã đưa ra các thông cáo chỉ đích danh tàu hải cảnh Trung Quốc là thủ phạm đâm chìm tàu cá Việt Nam. Mỹ nói họ sẽ tiếp tục hỗ trợ đồng minh và các đối tác trong khu vực đảm bảo tự do hàng hải và các cơ hội phát triển kinh tế ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Tháng trước, Mỹ đã đưa một tàu sân bay cập cảng Đà Nẵng.
‘Căng thẳng leo thang’
Trước sự chỉ trích của Mỹ, Hoàn cầu Thời báo cho rằng Washington đang “đứng về phe” với Hà Nội và “đổ trách nhiệm” cho Bắc Kinh.
“Sự ủng hộ ngay tức thì của Mỹ sẽ khích lệ chính phủ Việt Nam và ngư dân Việt Nam tham gia vào hoạt động khai thác IUU (đánh cá bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định),” Hoàn cầu Thời báo nói và cho rằng điều này sẽ xâm phạm lợi ích và quyền lãnh hải của Trung Quốc quanh các đảo ở Tây Sa “một cách trơ tráo”.
“Điều này có thể sẽ làm leo thang căng thẳng giữa Trung Quốc và Việt Nam,” tờ báo của Bắc Kinh cảnh báo và kết luận rằng “dù gì thì cả Mỹ và Việt Nam đang thổi bùng thêm ngọn lửa nhằm đạt được các mục đích chính trị của họ.”
Chỉ vài ngày sau khi Hoàn cầu Thời báo cảnh báo sự leo thang, Trung Quốc đã gửi ngay tàu khảo sát Hải Dương 8 quay trở lại vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.
Theo dữ liệu hành trình hàng hải mà Reuters trích dẫn, tàu Hải Dương 8 – từng tiến hành khảo sát địa chấn trong lãnh hải Việt Nam nhiều tháng trời vào năm ngoái – hôm 14/4 đã xuất hiện ở khu vực cách bờ biển Việt Nam khoảng 158km và trong vùng đặc quyền kinh tế. Chiếc tàu này được ít nhất một tàu hải cảnh Trung Quốc hộ tống. Cũng theo dữ liệu này, có ít nhất 3 tàu của Việt Nam đang đi theo hướng của tàu Trung Quốc.
Nhận định về việc Trung Quốc đưa tàu khảo sát trở lại Việt Nam, Tiến sỹ Hà Hoàng Hợp của Viện nghiên cứu Đông Nam Á ISEAS-Yusof Ishak có trụ sở ở Singapore, nói với Reuters rằng đây “là hành động của Bắc Kinh nhằm một lần nữa đưa ra các tuyên bố chủ quyền không có cơ sở trên biển Đông.”
“Trung Quốc đang lợi dụng việc đánh lạc hướng vào đại dịch virus corona để tăng cường tuyên bố chủ quyền trên biển Đông giữa lúc Mỹ và châu Âu đang phải đối phó với loại virus mới,” theo TS Hợp.
Để phản đối các yêu sách chủ quyền của Trung Quốc trên Biển Đông, Việt Nam hôm 7/4 nói họ đã gửi công hàm lên LHQ, sau khi Philippines và Malaysia đã có động thái tương tự.
Công hàm do phái đoàn thường trực của Việt Nam tại Liên Hiệp Quốc gửi cho Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres nói rằng các yêu sách chủ quyền của Trung Quốc “vi phạm nghiêm trọng chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam tại Biển Đông”.
Nhưng ngày 14/4, Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói rằng các quần đảo Tây Sa –mà Việt Nam gọi là Hoàng Sa – và Nam Sa – là Trường Sa theo cách gọi của Việt Nam – thuộc lãnh thổ Trung Quốc và rằng các tuyên bố chủ quyền của Việt Nam là “phi pháp và không có giá trị.”
Người phát ngôn của Bắc Kinh, Triệu Lập Kiên, nói các tuyên bố chủ quyền của Việt Nam “vi phạm luật quốc tế bao gồm Hiến chương LHQ và Công ước LHQ về luật biển.”

0 comments

Leave a comment

Powered by Blogger.