Hải Ngoại Ngày Nay


LIÊN KẾT HẢI NGOẠI YỂM TRỢ QUỐC NỘI ĐẤU TRANH

GIẢI THỂ CHẾ ĐỘ ĐỘC TÀI VIỆT CỘNG

GIẢi TRỪ HIỂM HỌA XÂM LĂNG TRUNG CỘNG

Đọc báo Pháp – 22/04/2020

Wednesday, April 22, 2020 3:47:00 PM // ,

Đọc báo Pháp – 22/04/2020

Covid-19: Trung Quốc cần trả giá vì để dịch bệnh lan ra toàn cầu – Thùy Dương

Theo cây bút thời luận Edouard Tétreau của báo kinh tế Les Echos, Trung Quốc cần phải trả giá vì làm lây lan dịch bệnh Covid-19 ra toàn thế giới. Cũng giống như thảm họa Chernobyl hồi năm 1986, cuối cùng đã khiến chế độ cộng sản Liên Xô sụp đổ, việc để virus corona lây lan nghiêm trọng là do sự im lặng, dối trá và hoạt động tuyên truyền của chế độ Trung Quốc toàn trị.
Đối với nhà báo Tétreau, chỉ có một cuộc điều tra quốc tế trên thực địa, từ Vũ Hán đến Bắc Kinh, với sự bảo trợ của một tổ chức quốc tế không chịu ảnh hưởng của Trung Quốc, mới cho phép tìm ra đáp án và đánh giá trách nhiệm của Trung Quốc trong việc để đại dịch lan truyền. Nhưng trong khi chờ có kết luận điều tra, trách nhiệm của chính quyền các nước lớn trên thế giới trước hết là tự bảo vệ đất nước khỏi mối nguy hiểm từ chế độ Trung Quốc ; sau đó là bắt Bắc Kinh trả giá cho đại dịch mà họ đã để lây lan, thậm chí là đã gây ra.
Trước hết, cần vô hiệu hóa vai trò quá lớn của Trung Quốc trong ban lãnh đạo của một số tổ chức chiến lược toàn cầu, và trong khi chờ kết luận điều tra quốc tế thì việc đầu tiên là tạm đình chỉ công tác của các nhà lãnh đạo người Trung Quốc đứng đầu các tổ chức quốc tế này. Về kinh tế, mặc dù không thể cấm Trung Quốc đầu tư vào các doanh nghiệp nước ngoài và quyền nhận cổ tức, nhưng đã đến lúc phải xem xét lại quyền biểu quyết của họ, do « tính nguy hiểm » của chế độ Bắc Kinh, hiện đang kiểm soát mọi hoạt động đầu tư, dù là nhỏ nhất, bên ngoài Trung Quốc.
Cũng trên tinh thần bảo vệ lợi ích sống còn và chủ quyền của châu Âu, việc để các cá nhân và doanh nghiệp sử dụng các công nghệ quan trọng của Trung Quốc không còn phù hợp. Cuộc khủng hoảng này buộc châu Âu tái đầu tư ồ ạt vào các ngành và lĩnh vực quan trọng, di dời sản xuất về gần châu Âu, xa Trung Quốc nhất có thể, việc này cũng là cần thiết, nhìn từ góc độ sinh thái.
Chi phí thế giới bỏ ra để đối phó với virus corona là vô cùng lớn, nên cần có sự đóng góp tài chính quan trọng và dài hạn. Vì thế, nhà báo Tétreau đề xuất nhóm G20 (trừ Trung Quốc) áp thuế 20% hàng năm và trong vòng 5 năm đối với tất cả hàng xuất khẩu từ Trung Quốc (2.500 tỷ đô la/năm). Số tiền này sẽ dành cho nỗ lực phục hồi và tái thiết của các nước, là nạn nhân « bất đắc dĩ » của virus corona. Việc tăng thuế 20% như trên cũng sẽ khuyến khích các nước « hồi hương » các ngành sản xuất chiến lược, mà họ đã từng tin tưởng giao phó cho Trung Quốc. Không muốn ”nhiễm virus kép” (virus corona và ”virus của chế độ độc tài Bắc Kinh”), các quốc gia trên thế giới phải tạo cán cân quyền lực mới với Trung Quốc và các chế độ chư hầu của Bắc Kinh.
Cũng liên quan đến dịch virus corona, báo Le Monde có bài « Cuộc tổng tiến công mùa xuân thành công của Việt Nam chống lại Covid-19 », coi đây là trường hợp « ngoại lệ ». Mặc dù ở sát Trung Quốc, nhưng Việt Nam có số người nhiễm virus rất thấp và cho tới nay, (20/04) không có ca tử vong nào. RFI dịch và đăng bài viết này với tiêu đề « Cuộc tiến công mùa xuân của Việt Nam trước virus corona ».
Covid-19: Giới trẻ là nạn nhân đầu tiên của suy thoái kinh tế
Cũng liên quan đến Covid-19, trong lĩnh vực xã hội, Le Monde quan tâm đến giới trẻ 18-25 tuổi mà họ gọi là « những nạn nhân đầu tiên của nạn suy thoái kinh tế » do biện pháp phong tỏa chống Covid-19, mặc dù thanh niên là nhóm đối tượng ít bị tác hại nhất về sức khỏe.
Giới trẻ là nhóm lao động đông đảo trong các lĩnh vực bị đóng cửa nhiều nhất trong đợt phong tỏa : nhà hàng, khu thương mại, trung tâm vui chơi giải trí … Chẳng hạn, tại Anh Quốc, theo khảo sát của Viện Nghiên Cứu Về Thuế (IFS), 30% lực lượng người làm công ăn lương trong các lĩnh vực nói trên là thanh niên dưới 25 tuổi. Tỉ lệ này là 13% đối với nhóm lao động trên 25 tuổi. Theo tác giả công trình nghiên cứu của IFS, nếu cuộc khủng hoảng 2008 tác động chủ yếu đến giới tài chính, thì lần này tác động của lệnh phong tỏa chủ yếu nhắm đến nhóm người có trình độ học vấn thấp nhất, lương thấp nhất và trẻ tuổi nhất.
Tác động tiêu cực thứ hai đối với những sinh viên sắp hoặc mới ra trường và đang trong giai đoạn tìm việc làm là họ tham gia vào thị trường lao động vào đúng thời điểm tồi tệ nhất. Theo bà Camille Landais, trường Kinh Tế Luân Đôn, khi các doanh nghiệp gặp cú sốc, họ sẽ giữ lại các nhân viên có trình độ cao, hạn chế tuyển dụng nhân lực mới. Các công ty cũng có xu hướng không gia hạn hợp đồng ngắn hạn, trong khi các loại hợp đồng ngắn hạn liên quan nhiều nhất đến giới trẻ. Trong cuộc khủng hoảng tài chính 2008-2009, tỉ lệ thất nghiệp trong độ tuổi 18-25 đã tăng gấp đôi, đạt mức kỷ lục 26,2%.
Nhiều nghiên cứu dài hạn cũng chỉ ra rằng trong thời khủng hoảng, thời gian thất nghiệp của thanh niên sẽ kéo dài hơn và họ cũng mất nhiều thời gian hơn để tìm được việc làm có hợp đồng dài hạn, nhất là những người có bằng cấp thấp.
Cuộc khủng hoảng dầu lửa đáng kinh ngạc
Một đề tài được báo chí đặc biệt quan tâm là « Thị trường dầu lửa đang trải qua một cuộc khủng hoảng đáng kinh ngạc ». Theo La Croix, đối với người bình thường, điều này không mấy dễ hiểu. Trong nhiều thập kỷ qua, chúng ta đều nghe nói dầu hỏa là một nguồn tài nguyên đang cạn kiệt. Thế mà giờ đây dầu lửa dồi dào đến mức một số người sẵn sàng trả tiền để thoát khỏi nó. Hôm qua ở New York, giá niêm yết một thùng dầu chất lượng WTI là -37,63 đô la so với mức giá 18,27 đô la vào thứ Sáu tuần trước. Điều này tất nhiên có thể được giải thích qua nhiều yếu tố. Trước tiên là vào tháng 3, Nga và Ả Rập Xê Út đã tăng sản lượng dầu để giảm giá, giành thị phần. Sau đó, lệnh phong tỏa quy mô lớn chống dịch Covid-19 khiến nhu cầu thế giới sụt giảm mạnh.
Cuộc khủng hoảng lần này làm nổi bật sự mong manh của thế giới đương đại, cả về địa chính trị và kinh tế. Khi có một yếu tố không lường trước như đại dịch Covid-19 xảy ra, sẽ có một cái kết bất ngờ. Hậu quả tiềm tàng sẽ rất thảm khốc cho các nước sản xuất dầu lửa dễ bị tổn thương xã hội nhất, chẳng như Algeria. Bài xã luận của La Croix kết luận : Hành tinh chúng ta đã có nhiều thập kỷ để mặc cho cạnh tranh kinh tế thoát khỏi mọi điều tiết, vốn được cho là động lực tạo ra sự giàu có, và giờ đây chúng ta đang phải trả giá !
Thời kỳ đen tối của các nước sản xuất dầu lửa
Libération cũng dành nhiều bài viết phân tích cuộc khủng hoảng dầu lửa, nhất là về tác hại đối với các nước khai thác và xuất khẩu dầu. Trong bài « Thời kỳ đen tối của các nước sản xuất dầu lửa », Libération lo ngại là nếu « các nền quân chủ dầu lửa » ở Trung Đông phải xem xét lại các mục tiêu kinh tế thì nhiều nước khác như Algeri, Nigeria có nguy cơ « bùng nổ xã hội ».
Quả thực, từ các nước quân chủ sản xuất dầu lửa giàu có nhất vùng Vịnh cho đến các nước châu Phi, Ả Rập hay Nam Mỹ vốn ít giàu có và đông dân hơn, tất cả đều dựa chủ yếu vào thu nhập từ nguồn dầu lửa và giờ đang bị dồn vào chân tường. Trang tin Algérie-Eco ngay từ hôm Chủ Nhật đã lo ngại về« Một thời kỳ phá sản đang mở ra cho ngành công nghiệp dầu lửa thế giới ».
Libération đặc biệt lo ngại cho các nước Algeria, Irak, nơi khủng hoảng xã hội sẽ còn lan rộng hơn nữa nếu thu nhập giảm sút ; Các mối đe dọa cũng đè nặng lên Venezuela và Iran, những  nước đang chịu lệnh trừng phạt của quốc tế. Còn đối với các nước giàu có vùng Vịnh, cho dù có tránh được tình trạng bất ổn xã hội nhờ có dự trữ tài chính đáng kể, thì các chế độ quân chủ sẽ khó lòng thực hiện các tham vọng kinh tế và chính trị, đặc biệt là các chiến lược đa dạng hóa để chuẩn bị cho thời kỳ hậu dầu lửa. Cuối cùng, sự sụt giảm doanh thu của các quốc gia dầu lửa giàu có thể sẽ đè nặng lên nền kinh tế thế giới.
Hồng Kông : Áp lực của Bắc Kinh
Nhìn sang châu Á, Le Monde hướng về Hồng Kông qua bài xã luận mang tựa đề « Hồng Kông : Những áp lực của Bắc Kinh ». Bắt giữ 15 nhân vật nổi bật của phong trào đấu tranh dân chủ hôm 18/04 và tuyên bố các đặc quyền mới trong việc can thiệp vào các vấn đề của khu tự trị, Trung Quốc đang làm gia tăng căng thẳng.
Le Monde nhận định trong khi áp lực y tế về dịch bệnh Covid-19 giảm bớt ở Hồng Kông, thì đặc khu hành chính lại đối mặt với sự gia tăng căng thẳng về chính trị. Cảnh sát Hồng Kông đã thực hiện các vụ bắt giữ theo lệnh của các công tố viên, nhưng rõ ràng là phải có sự khích lệ từ chính quyền Bắc Kinh, cho dù Hồng Kông được hưởng quy chế « một quốc gia, hai chế độ », vốn đảm bảo cho đặc khu có quyền tự chủ lớn, nhất là về tư pháp. Hiến pháp Hồng Kông còn ghi rõ « không có cơ quan nào của chính quyền trung ương, không một tỉnh, khu tự trị, đô thị nào dưới quyền trực tiếp của chính quyền trung ương (có thể) can thiệp vào các vấn đề của đặc khu hành chính Hồng Kông, vốn chịu trách nhiệm quản lý các vấn đề theo luật lệ riêng ».
Trong số những người Hồng Kông bị bắt, có hai cựu dân biểu Martin Lee và Albert Ho. Họ bị tố cáo đã tham gia các cuộc biểu tình trái phép làm rung chuyển lãnh thổ giai đoạn từ tháng 6 đến tháng 11/2019. Vào ngày 19/05/2020, họ sẽ biết hình phạt dành cho họ là gì. Các thủ tục pháp lý này sẽ hạn chế sự tham gia của hai cựu dân biểu vào đời sống chính trị, trong bối cảnh cuộc bầu cử lập pháp sẽ được tổ chức vào tháng Chín.
Tuy nhiên, Le Monde không loại trừ khả năng phe đối lập sẽ chiếm đa số trong Nghị Viện, nhờ chiến thắng vang dội trong kỳ bầu cử địa phương hồi tháng 11/2019 và do người dân Hồng Kông ngày càng mất lòng tin vào Bắc Kinh.
Trang nhất các báo Pháp
Trên trang nhất, Le Monde lo ngại về tình trạng « Hành tinh chao đảo, mất thăng bằng trong cơn khủng hoảng xã hội ». Hồ sơ 2 trang bài của Le Monde được tóm lược trên trang nhất qua 5 điểm quan trọng : Việc phong tỏa vài tỉ người đã gây ra cú sốc xã hội vô cùng lớn cho những người không có nguồn tài chính dự phòng ; Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế ước tính GDP thế giới sẽ giảm 3% trong năm 2020, mức giảm cao gấp đôi so với trong cuộc khủng hoảng 2009 ; Các kế hoạch hỗ trợ ồ ạt giới doanh nghiệp mà Liên Hiệp Châu Âu tung ra sẽ không giúp tránh khỏi tình trạng nhiều triệu người mất việc làm ; Trong khi đó, theo một nghiên cứu của Anh Quốc, cứ 1% số công ăn việc làm mất đi thì kéo theo nguy cơ các bệnh kinh niên tăng 2% ; Đại dịch có thể đẩy gần 500 triệu người ở những nước có thu nhập thấp nhất vào cảnh đói nghèo.
Le Figaro lại chú ý đến các em học sinh qua hàng tựa trang nhất : « Trường tiểu học, PTCS, PTTH : Các thách thức sau ngày 11/05 ». Hôm qua, bộ trưởng Giáo Dục Pháp dự kiến trường học các cấp sẽ mở cửa trở lại dần dần theo 3 giai đoạn trong vòng 3 tuần. Tuy nhiên, thông báo của bộ trưởng Blanquer ngay lập tức đã gây nhiều thắc mắc và chia rẽ, nhất là đối với các giáo viên và phụ huynh học sinh. Giáo viên rất muốn các em trở lại trường nhưng cũng cần có sự đảm bảo về an toàn vệ sinh. Các bậc phụ huynh thì vừa thở phào nhẹ nhõm thấy con em được đi học lại, nhưng đồng thời rất lo ngại cho sự an toàn sức khỏe của các em. Còn báo Công Giáo La Croix đưa độc giả đến với « Wihr-au-Val, ngôi làng bị tổn thương đau đớn » do dịch Covid-19 tàn phá nặng nề.
Về kinh tế, trong khi Libération dự báo : « Sự sụt giảm giá dầu lửa sẽ còn mạnh hơn nữa », thì báo kinh tế Les Echos tìm hiểu « Những lý do khiến ngành dầu lửa rơi vào hỗn loạn chưa từng có ».
http://www.rfi.fr/vi/%C4%91i%E1%BB%83m-b%C3%A1o/20200422-covid-19-trung-qu%E1%BB%91c-c%E1%BA%A7n-tr%E1%BA%A3-gi%C3%A1-v%C3%AC-%C4%91%E1%BB%83-d%E1%BB%8Bch-b%E1%BB%87nh-lan-ra-to%C3%A0n-c%E1%BA%A7u

Tin tổng hợp
(AFP) – Hydroxychloroquine dường như không hiệu quả chống Covid-19. 
Kết quả của một nghiên cứu sơ bộ được nhóm tác giả công bố ngày 21/04/2020, dựa trên nghiên cứu bệnh án của 368 bệnh nhân Covid-19 được điều trị trong các bệnh viện cựu chiến binh Mỹ. Theo kết quả, tỉ lệ tử vong trong số bệnh nhân được điều trị chỉ bằng  hydroxychloroquine là 28%, so với 22% trong nhóm được điều trị bằng hỗn hợp thuốc và 11% trong nhóm không được điều trị bằng hydroxychloroquine. Tuy nhiên, kết luận này cũng có thể bị sai lệch, vì các bệnh nhân chỉ được điều trị bằng hydroxychloroquine, khi tình trạng trở nên nghiêm trọng.
(AFP) - Liên Hiệp Quốc: « Sau Covid-19 là mối họa nạn đói ».
Dự phóng của Chương Trình Lương Thực Quốc Tế (PAM) đưa ra ngày 21/04/2020 cho biết số người có nguy cơ rơi vào nạn đói vốn dĩ đã tăng từ 113 đến 135 triệu người trong giai đoạn 2018-2019, có nguy cơ vọt lên 265 triệu người trong năm 2020. Nguyên nhân là do các xung đột, biến đổi khí hậu giờ cộng thêm với tác động kinh tế từ đại dịch. Lãnh đạo PAM tại Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc lưu ý mỗi năm đã có 25.000 người chết vì thiếu ăn.
(AFP) - Covid – 19: Bị phong tỏa, dân Pháp lười tắm ? 
Rửa tay thường xuyên được đa số dân Pháp tuân thủ. Nhưng chỉ có 67% số người được hỏi là cho biết có tắm rửa thường xuyên mỗi ngày, giảm 9 điểm so với lần thăm dò được thực hiện. Vẫn theo thăm dò của Ifop công bố ngày 22/4/2020, tình trạng này chiếm tỷ lệ cao ở nam giới, lớn tuổi, và nhất là sống độc thân.
(AFP) - TT. Trump chúc Kim Jong Un may mắn.
Trong phát biểu ngày 21/04/2020, chủ nhân Nhà Trắng còn mong rằng những lời đồn đãi về vấn đề sức khỏe của lãnh đạo Bắc Tiều Tiên là không đúng. Việc ông Kim Jong Un vắng mặt trong ảnh chụp lễ kỷ niệm 108 năm ngày sinh Kim Nhật Thành, nhà sáng lập chế độ Bắc Triều Tiên hôm 15/4 đã làm dấy lên nhiều lời đồn thổi về tình trạng sức khỏe của Kim Jong Un.
(Kyodo) – Nhật phản đối hành vi lấn lướt của Trung Quốc ở Biển Hoa Đông và Biển Đông – 
Điện đàm với đồng nhiệm Trung Quốc Vương Nghị hôm 21/04/2020, ngoại trưởng Nhật Bản Toshimitsu Motegi đã phản đối việc Trung Quốc điều tàu vào vùng lãnh hải gần quần đảo Senkaku/Điếu Ngư do Nhật kiểm soát, nhưng bị Trung Quốc đòi chủ quyền. Tàu Trung Quốc 7 lần xâm phạm vùng biển gần Senkaku/Điếu Ngư năm nay. Ngoại trưởng Nhật cũng bày tỏ quan ngại của Tokyo về việc Trung Quốc thiết lập 2 huyện đảo ở Hoàng Sa và Trường Sa trên Biển Đông mà Bắc Kinh đang tranh chấp với các láng giềng.
(Reuters) – Đồng minh của tổng thống Venezuela Maduro bí mật gặp đồng minh của nhà đối lập Juan Guaido. 
Reuters không xác minh được thời gian và địa điểm diễn ra đàm phán, nhưng 7 nguồn tin của hãng tin Anh, từ cả hai phía, xác nhận các cuộc đàm phán trên liên quan đến tình hình dịch Covid-19, tình trạng lạm phát và thiếu xăng dầu. Tuy nhiên, dường như cả hai bên đã không thuyết phục được nhau.
(AFP) – Iran thông báo phóng thành công vệ tinh quân sự đầu tiên. 
Theo thông tin trên trang web của lực lượng Vệ binh Cách mạng Cộng Hòa Hồi Giáo Iran, vệ tinh mang tên « Nour » đã được phóng vào sáng 22/04/2020 từ bệ phóng hai tầng Qassed ở sa mạc Markazi (miền trung Iran). Trước đó, ngày 09/02, Iran cũng phóng thử một vệ tinh khoa học, nhưng thất bại.
Reuters) – Canada: Đã có ít nhất 23 người chết trong vụ xả súng ở tỉnh Nova Scotia.
Theo Cảnh Sát Hoàng Gia Canada ngày 21/04/2020, giới điều tra vẫn chưa rõ nguyên nhân khiến hung thủ giết người. Nhiều câu hỏi đang cần đáp án như làm thế nào nghi phạm có được đồng phục cảnh sát và tìm được xe giống như xe tuần tra cảnh sát.
(Reuters) – Thị trường dầu hỏa tiếp tục biến động sau cú sốc giá dầu WTI của Mỹ rơi xuống mức âm. 
Tại châu Âu, giá dầu WTI giao tháng Sáu vào hôm qua, 21/04/2020 đã giảm hẳn 43% và sáng nay tiếp tục giảm nhẹ, xuống đến mức 11,5 đô la/thùng. Sự tụt dốc của dầu WTI cũng ảnh hưởng dây chuyền đến dầu Brent ở Châu Âu. Giá dầu Brent giao tháng Sáu cũng mất đi 24% vào hôm qua, và rơi xuống thêm 10% hôm nay chỉ còn khoảng 17,34 đô la một thùng.
http://www.rfi.fr/vi/t%E1%BB%95ng-h%E1%BB%A3p/20200422-tin-t%E1%BB%95ng-h%E1%BB%A3p

Điểm tin thế giới sáng 22/4:

Bang Missouri kiện Trung Quốc về Covid-19;

Người Lebanon biểu tình trong đại dịch

Lục Du
Mục Điểm tin thế giới sáng thứ Tư (22/4) của Đại Kỷ Nguyên xin gửi tới quý độc giả phần tóm lược của những tin sau:
Bang Missouri kiện Trung Quốc, nói Bắc Kinh gây ra thảm họa Covid-19
Tổng chưởng lý của bang Missouri, Hoa Kỳ, ông Eric Schmitt, đã đệ đơn kiện chính phủ Trung Quốc hôm thứ Ba, nói rằng việc Bắc Kinh che giấu thông tin về virus Vũ Hán đã khiến loại virus chết người này lan rộng và trở thành đại dịch toàn cầu, khiến thế giới thiệt hại hàng ngàn tỷ đô la, theo SCMP.
Đơn kiện được gửi lên Tòa án Khu vực Đông Missouri của Hoa Kỳ, trong đó đề cập đến việc chính quyền Trung Quốc ban đầu đã nói dối rằng virus này không lây lan từ người sang người, bị miệng những
người cảnh báo công chúng về sự nguy hiểm của nCoV, và sự thất bại của Bắc Kinh trong việc ngăn chặn dịch bệnh.
Ông Schmitt nói rằng, ông thực hiện việc này với mục tiêu “khắc phục những thiệt hại to lớn về sinh mạng, sự đau khổ và sự bất ổn kinh tế của tất cả người dân bang Missouri trong đại dịch Covid-19 vốn đã và đang tàn phá thế giới”.
“Chiến dịch lừa dối, che giấu thông tin, bịt miệng người dân và khoanh tay đứng nhìn tới mức ghê tởm của chính quyền Trung Quốc đã tạo ra đại dịch này”, ông Schmitt nói.
Lebanon: Người dân biểu tình trong đại dịch
Reuters đưa tin, hàng chục người Lebanon đã tập trung biểu tình trên đường phố thủ đô Beirut vào hôm thứ Ba trong hoàn cảnh đất nước đang cách ly để chống dịch viêm phổi Vũ Hán. Người biểu tình tỏ ra tức giận vì tình trạng nghèo đói và khó khăn gia tăng.
Để đảm bảo việc biểu tình không vi phạm quy định cách ly, người biểu tình ngồi trong xe hơi, vươn người ra khỏi xe, vẫy cờ Lebanon và hô khẩu hiệu phản đối giới cầm quyền. Tiếp theo người biểu tình lái xe tới nơi diễn ra phiên họp quốc hội đầu tiên trong dịch viêm phổi Vũ Hán để bày tỏ thái độ của mình đối với hoàn cảnh sống hiện tại.
“Không ai còn việc làm. Tiền lương cứ giảm dần. Chúng tôi xuống đường vì không có gì thay đổi kể từ khi chúng tôi rời đi”, ông Ali Haidar, một người biểu tình nói, đề cập tới các cuộc biểu tình diễn ra trước khi dịch bệnh bùng phát.
Mỹ đang theo dõi sát thông tin về sức khỏe của Kim Jong Un
Hoa Kỳ hiện không biết tình trạng sức khỏe hiện tại của lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un, và đang theo dõi chặt chẽ các báo cáo về ông Kim, cố vấn an ninh quốc gia Mỹ, ông Robert O’Brien, cho biết hôm thứ Ba, theo Yonhap.
Ông O’Brien nói với các phóng viên tại Nhà Trắng: “Như mọi người ở đây đều biết, Triều Tiên rất thận trọng với thông tin mà họ đưa ra đối với nhiều vấn đề, đặc biệt là thông tin về các nhà lãnh đạo của họ và vì vậy chúng tôi sẽ theo dõi chặt chẽ thông tin này”.
Ông O’Brien cũng nói rằng còn quá sớm để thảo luận về việc ai sẽ thay thế ông Kim trong trường hợp lãnh đạo tối cao của Triều Tiên thật sự gặp vấn đề sức khỏe nghiêm trọng.
Venezuela: đại diện của Maduro và Guaido bí mật gặp nhau
Nhóm đàm phán của chính phủ Maduro và lực lượng đối lập của nhà lãnh đạo trẻ tuổi Guaido đã bí mật gặp nhau trong bối cảnh khủng hoảng ở Venezuela càng trở nên trầm trọng hơn khi nước này bị dịch viêm phổi Vũ Hán tấn công, theo Reuters.
Hiện Reuters chưa xác định được thời điểm diễn ra cuộc đàm phán, cũng như quan điểm của Maduro và Guaido về cuộc thảo luận. Các nhà hoạt động và các nhóm nhân quyền trên khắp thế giới đã thúc giục cả chính phủ Maduro và Guaido tìm kiếm một thỏa thuận hòa bình để phối hợp giải quyết khó khăn cho người dân.
Covid-19: Đại sứ Trung Quốc tại Mỹ chỉ trích chính giới Hoa Kỳ
Đại sứ Trung Quốc tại Mỹ, ông Thôi Thiên Khải (Cui Tiankai), đã lên tiếng chỉ trích chính giới Hoa Kỳ rằng việc họ quy kết trách nhiệm cho Bắc Kinh đối với đại dịch viêm phổi Vũ Hán là “vô căn cứ”, theo Reuters.
Trả lời phỏng vấn Bloomberg, ông Thôi cũng đổ lỗi cho giới truyền thông đã lan truyền những thông tin không trung thực về nỗ lực phòng chống dịch của chính quyền Trung Quốc.
Vào tháng trước, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đã triệu tập ông Thôi để phản đối việc Bắc Kinh đưa ra những bình luận ám chỉ quân đội Mỹ phát tán virus Vũ Hán.
https://www.dkn.tv/the-gioi/diem-tin-the-gioi-sang-22-4-bang-missouri-kien-trung-quoc-ve-covid-19-nguoi-lebanon-bieu-tinh-trong-dai-dich.html

Điểm tin thế giới chiều 22/4:

Chiến hạm Mỹ, Úc cùng diễn tập trên Biển Đông;

Ấn Độ cảnh báo kit xét nghiệm nhanh Trung Quốc

Hải Lam
Mục Điểm tin thế giới chiều thứ Tư (22/4) của Đại Kỷ Nguyên xin gửi tới bạn đọc những tin sau:
Chiến hạm Mỹ, Úc cùng diễn tập trên Biển Đông
Tàu hộ vệ Úc HMAS Parramatta đã tham gia diễn tập cùng 3 chiến hạm Mỹ trên Biển Đông với mục tiêu hỗ trợ an ninh và ổn định ở khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương.
“Tàu hộ vệ HMAS Parramatta, khu trục hạm Mỹ USS Barry đã tham gia đợt diễn tập chung trên Biển Đông cùng tàu đổ bộ USS America và tuần dương hạm USS Bunker Hill nhằm tăng cường phối hợp giữa hải quân hai nước. Các chiến hạm đã thực hành nội dung tiếp vận và cơ động trên biển, hoạt động đường không và thông tin liên lạc”, Reuters dẫn thông cáo hôm 22/4 của Bộ Quốc phòng Úc.
Ngày 21/4, hải quân Mỹ xác nhận rằng 2 tàu tàu tấn công đổ bộ USS America và tàu tuần dương mang tên lửa dẫn đường USS Bunker Hill đang hoạt động ở Biển Đông.
Các tàu của Mỹ và Úc đã hoạt động ở gần tàu khảo sát địa chất Hải Dương 8 của Trung Quốc và một tàu của Malaysia.
Ấn Độ cảnh báo kit xét nghiệm nhanh Trung Quốc
Theo India Today, Hội đồng Nghiên cứu Y học Ấn Độ hôm nay khuyến cáo các bang dừng sử dụng kit xét nghiệm nhanh Covid-19 do Trung Quốc sản xuất sau khi phát hiện các kết quả xét nghiệm không đồng nhất tại các bang.
“Chúng tôi đã nhận được khiếu nại từ một bang về độ chính xác của kit xét nghiệm, nên đã trao đổi với ba bang và nhận thấy có khác biệt rất lớn về độ chính xác. Độ chính xác kết quả xét nghiệm các mẫu dương tính ở một số nơi là 6%, trong khi những nơi khác là 71%”, ông Raman R Gangakhedkar, người đứng đầu Hội đồng Nghiên cứu Y học Ấn Độ, cho biết trong buổi họp báo hôm nay.
Ông Gangakhedkar cho biết sẽ cử 8 nhóm chuyên gia tới xem xét những kit đã được sử dụng để xác định kit nào bị lỗi và nêu vấn đề với nhà sản xuất.
Chính quyền bang Rajasthan, phía Tây Ấn Độ ngày 21/4 thông báo sẽ không sử dụng bộ kit xét nghiệm nhanh do Trung Quốc sản xuất, vì độ chính xác của thiết bị này trong việc xét nghiệm các ca Covid-19 chỉ đạt 5,4%, trong khi tỷ lệ chính xác được kỳ vọng là 90%.
Cáp Nhĩ Tân siết hạn chế đi lại
Truyền thông nhà nước Trung Quốc hôm nay cho biết, thành phố Cáp Nhĩ Tân, thủ phủ Tỉnh Hắc Long Giang cấm người dân cùng các phương tiện giao thông bên ngoài đi vào nhằm ngăn dịch Covid-19 lây lan.
Cáp Nhĩ Tân trong tháng này thông báo yêu cầu cách ly 28 ngày đối với tất cả những người đến từ nước ngoài, đồng thời thực hiện hai xét nghiệm axit nucleic và xét nghiệm kháng thể cho mỗi người. Chính quyền cũng ra lệnh phong tỏa 14 ngày với những nơi phát hiện ca nhiễm không triệu chứng.
Trước đó, người dân ở Cáp Nhĩ Tân, Trung Quốc trả lời phỏng vấn độc quyền của Secretchina, cho biết tình hình dịch bệnh ở đây rất nghiêm trọng.
Áo cảm ơn Đài Loan đã quyên tặng 300.000 khẩu trang phẫu thuật
Hãng tin CNA hôm nay cho biết các quan chức và các bệnh viện ở Áo gửi lời cảm ơn Đài Loan khi lô hàng viện trợ gồm 300.000 khẩu trang y tế đã tới Áo.
Buỗi lễ trao tặng được tổ chức tại thành phố Graz, thủ phủ của Styria. Khoảng 150.000 chiếc khẩu trang được trao tặng cho vùng Styria.
Bệnh viện Allgemeines Krankenhaus der Stadt Wien (AKH), ​​bệnh viện lớn nhất ở Áo, đã nhận được 100.000 chiếc khẩu trang. Giám đốc bệnh viện Herwig Wetzlinger cũng gửi lời cảm ơn tới Đài Loan vì sự hỗ trợ này.
Bà Vanessa Shih, đại diện của Đài Loan tại Áo, cho biết đến nay Đài Loan đã quyên tặng gần 20 triệu khẩu trang cho các quốc gia trên thế giới, với khẩu hiệu: “Đài Loan có thể giúp đỡ”.
Iran phóng vệ tinh quân sự đầu tiên
Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran hôm nay thông báo phóng thành công vệ tinh quân sự Nour sau nhiều lần thất bại trong nỗ lực đưa vệ tinh lên quỹ đạo.
“Vệ tinh quân sự đầu tiên của Iran đã được Vệ binh Cách mạng Hồi giáo (IRGC) phóng thành công, nó đang hoạt động trên quỹ đạo cách mặt đất 425 km”, Reuters dẫn thông cáo của IRGC.
Vệ tinh mang có tên Nour, được phóng lúc sáng nay bằng tên lửa đẩy hai tầng Qassed từ sa mạc Markazi ở miền Trung Iran.
https://www.dkn.tv/the-gioi/diem-tin-the-gioi-chieu-22-4-chien-ham-my-uc-cung-dien-tap-tren-bien-dong-an-do-canh-bao-kit-xet-nghiem-nhanh-trung-quoc.html

Tạp chí khoa học

Văn minh công nghiệp sụp đổ trong 15 năm tới ?

Trọng Thành
Bước vào thập niên thứ hai của thế kỷ XXI, những hậu quả kinh hoàng và khó lường do Trái đất bị hâm nóng vì khí thải gây hiệu ứng nhà kính, tốc độ diệt vong nhanh chóng của sinh giới, cũng như một loạt suy thoái môi trường ghê gớm khác là những thực tế khốc liệt ngày càng ít người không công nhận. Trái đất dường như sắp quá tải.
Nhiều nhà nghiên cứu, nhà hoạt động xã hội đặt câu hỏi : Đâu là tương lai của nền văn minh công nghiệp, mô hình kinh tế trụ cột của nhân loại từ hơn hai thế kỷ nay ?
Về chủ đề này, chương trình tạp chí « C’est pas du vent » của RFI giới thiệu cuốn sách mới « Comment tout peut s’effondrer ? » (Mọi thứ có thể sụp đổ như thế nào ?) của hai nhà khoa học Pháp : Kỹ sư nông học Pablo Servigne, chuyên gia về nông nghiệp sinh thái và chuyển đổi hệ thống và nhà tư vấn kinh tế – sinh thái Raphael Stevens.
Cuốn « Comment tout peut s’effondrer ? », dày 206 trang, được viết với một văn phong kể chuyện hóm hỉnh, đầy hình ảnh, nhẹ nhõm và khá dễ hiểu, với các đúc kết được chắt lọc từ rất nhiều nghiên cứu cơ bản về lĩnh vực hệ trọng này, có thể trở thành cuốn sách gối đầu giường đối với nhiều bạn đọc Pháp ngữ. Ngay cả khi không đồng quan điểm với các tác giả, đọc sách này ắt hẳn cũng mang lại nhiều điều bổ ích.
Cỗ xe sắp hết xăng, rời chính lộ
Để nói về nguy cơ tan vỡ của nền văn minh công nghiệp, các tác giả đưa ra hình ảnh « chiếc xe hơi ». Vào đầu kỷ nguyên công nghiệp, chỉ một số ít quốc gia tham gia chuyến đi. Sau một giai đoạn khởi động từ từ, kể từ sau Thế chiến Hai, xe tăng tốc. Hiện nay, tốc độ xe đã lên đến cực điểm. Cho đến nay, hầu hết các nước trên thế giới đã có mặt trên xe. Sau một vài dấu hiệu động cơ gằn lại và tỏa khói, cây kim chỉ vận tốc run lên bần bật. Liệu xe tiếp tục bò lên ? Xe khựng lại ? Hay lao dốc ? (chương 1).
Theo các tác giả cuốn « Mọi thứ có thể sụp đổ như thế nào ? », chiếc xe chở nhân loại chúng ta đã rời khỏi trục đường chính, đang lao xuống thung lũng trên một lộ trình bất định, với đầy chướng ngại vật và tầm nhìn gần như bằng không. Một số hành khách trên chuyến xe hiểu rằng chiếc xe rất mong manh, nhưng người lái thì không nhận ra, và vẫn tiếp tục nhấn mạnh chân ga.
Theo hai nhà khoa học, một loạt các chỉ báo cho thấy khả năng tăng trưởng, được coi là « vô hạn » của nền kinh tế thế giới xét về mặt toán học, nay đều có thể nói đã « kịch trần » : về dân số, về GDP, về tiêu thụ các tài nguyên (nước, năng lượng…), sử dụng phân bón, khí thải gây hiệu ứng nhà kính…
Chiếc xe hơi chở các quốc gia công nghiệp đứng trước hai thách thức. Thứ nhất là động cơ của « chiếc xe hơi », tuy vẫn còn sung sức, nhưng lâm vào tình trạng « nhiên liệu » sắp cạn kiệt. Thứ hai là, tốc độ quá nhanh của xe khiến khả năng quan sát giảm mạnh và nguy cơ tai nạn gia tăng (chương 2).
Đọc thêm : Kinh tế Xanh : Giới đầu tư gây áp lực với G20
Sau nhiều thế kỷ phát triển, chiếc xe hơi ngày càng hoàn thiện hơn, rộng rãi hơn, tiện nghi hơn, hiện đại hơn. Nhưng cái giá để trả cho « những thành tựu » này là quá lớn : Xe (dường như) đã bị cố định vào một hướng, chân ga bị cột lại, chỉ có thể tăng, chứ không thể giảm tốc. Việc điều chỉnh để thích nghi, tránh thảm họa, dường như là bất khả.
Trong phần một « Các dấu hiệu của sự sụp đổ », các tác giả nhấn mạnh một loạt yếu tố cho thấy nền kinh tế dựa trên năng lượng giá rẻ đang lùi vào quá khứ (1), trong khi hiệu suất của các năng lượng tái tạo mới được coi là không đủ. Mà một nền năng lượng giá rẻ chính là nền tảng của tăng trưởng. Bên cạnh đó, hệ thống tài chính, tín dụng – liên hệ mật thiết với hệ thống khai thác năng lượng hóa thạch – cũng đang trong tình trạng hụt hơi.
Cần một môn khoa học về sự sụp đổ
Trái đất nóng lên, phá hết kỷ lục này đến kỷ lục khác, các thiên tai diễn ra dồn dập, khó dự đoán hơn. Theo một nghiên cứu, được công bố trên tạp chí khoa học Nature năm 2009, được cập nhật năm 2015, có 9 ranh giới tuyệt đối cần thiết cho sự sống của con người trên hành tinh không thể bị xâm phạm. Mà, theo các tác giả cuốn sách về viễn cảnh sụp đổ, chỉ riêng việc xâm phạm các ngưỡng về Khí hậu và Đa dạng sinh thái đã đủ để đưa loài người vào thảm họa khôn lường (chương 3).
Tuy nhiên, theo các tác giả, mức độ « khủng hoảng » kinh tế-tài chính và khí hậu-sinh thái hết sức trầm trọng hiện nay đã không được giới cầm quyền chính trị và kinh tế nhận thức đúng mức. Viễn cảnh sụp đổ của toàn bộ nền văn minh công nghiệp và thậm chí của toàn bộ Hệ sinh thái – Hành tinh là điều còn ít người chấp nhận đối diện.
Ông Raphel Stevens tâm sự : « Chúng ta thiếu một môn khoa học về sự sụp đổ của ‘‘nền văn minh’’ của chúng ta, nền văn minh đương đại. Chúng tôi muốn xây dựng một môn khoa học liên ngành, tự trang bị cho mình những hiểu biết của nhiều bộ môn khoa học, để phân tích về những gì xảy ra với xã hội chúng ta ngày hôm nay. (…) Chúng tôi không lạc quan, cũng không bi quan, chúng tôi cũng không sáng tạo ra gì mới, mà chỉ tổng hợp lại các nghiên cứu khoa học từ ba, bốn, năm năm trở lại đây, khoảng 3.000 bài báo và 300 cuốn sách.
Có một khoảng cách rất lớn giữa các sản phẩm của giới khoa học và hiểu biết của công chúng bình thường, chúng tôi muốn lấp đầy khoảng trống này. Nỗ lực của chúng tôi là cập nhật các hiểu biết trong lĩnh vực sinh thái học ».
Mô hình dự báo-dấu hiệu dự báo-trực cảm
Ông Raphel Stevens giới thiệu một công cụ quan trọng của môn khoa học về sự sụp đổ : « Đó là các mô hình ‘‘Meadow’’ (2), mô hình ‘‘Handy’’. Các mô hình không trực tiếp dự báo tương lai, mà là công cụ để hình dung khả năng chuyển hóa của hệ thống… Chúng ta có hai mô hình tuyệt vời. Theo mô hình Handy (Human And Nature DYnamical), sự bất bình đẳng xã hội, bất bình đẳng về kinh tế, là các nhân tố dẫn đến sụp đổ. Xã hội càng bất bình đẳng, sẽ càng sớm sụp đổ, và điều này là chắc chắn. Mà trong xã hội chúng ta hiện nay, khoảng cách giàu nghèo ngày càng lớn, và điều này rất nguy hiểm. Điều này khiến xã hội chúng ta trở nên rất mong manh.
(…) Mô hình Meadow, ra đời vào năm 1972, là một mô hình rất vững chắc. Sau hơn 40 năm tồn tại, mô hình này vẫn chưa bị bác bỏ. Dựa trên việc phân tích các cuộc khủng hoảng trước đây, mô hình Meadow dự báo nền văn minh công nghiệp (nhiệt năng) của chúng ta sẽ sụp đổ trong nửa đầu thế kỷ XXI. Căn cứ vào các biểu đồ trong cuốn sách này, có thể thấy chúng ta đang đứng bên bờ vực của tiến trình.
Sau khi phỏng vấn Dennis Meadow, đồng tác giả mô hình này, vào năm 2011, tôi đã rơi vào trạng thái trầm cảm trong suốt hai tháng. Đó là điểm khởi đầu cho quyết định đi vào nghiên cứu này của chúng tôi ».
Về các công cụ của môn khoa học mới, Raphel Stevens đặc biệt nhấn mạnh đến vai trò của trực giác :
« Đối diện với những biến cố hoàn toàn không thể dự báo, ông Nassim Nicholas Taleb triết gia/cựu giao dịch tài chính (trader) gọi đó là ‘‘những con thiên nga đen’’ (cygnes noirs) hay các biến cố hiếm khi xảy ra. Đây là những gì chúng ta không thể nhìn thấy được, nhưng chúng để lại những dấu ấn trong lịch sử. Về chuyện này, khoa học về xác suất, thống kê bất lực. Vì vậy, chúng ta cần đến trực giác. Chúng tôi tự nhủ : Chúng ta hãy tin tưởng vào trực giác của mình !
Về hiện tại, theo trực giác của chúng tôi, nền văn minh của chúng ta sẽ sụp đổ trong khoảng từ năm 2020 đến 2030. Sau khi đọc tất cả những nghiên cứu nói trên, chúng tôi hoàn toàn không còn nghĩ rằng thời hạn của sự sụp đổ sẽ bắt đầu vào 2050 hay 2100. Tuy nhiên, không có chứng cứ nào để xác nhận điều này.
Một công cụ khác của ngành dự báo là các dấu hiệu cảnh báo. Các chuyên gia về những hệ thống phức tạp biết rằng, trước khi một hệ thống sụp đổ, ngay trước khi đó, có những tiếng ồn rất đặc hiệu, của sự sụp đổ sẽ xảy ra. Các nhà khoa học tìm cách xác định những tiếng động ấy, để dự báo. Cách làm này rất hiệu quả đối với các hệ sinh thái, nhưng đối với lĩnh vực tài chính thì chưa được hoàn bị. (…) Năm 2012, 24 nhà khoa học công bố trên tạp chí Nature một nghiên cứu về các dấu hiệu báo trước về sự sụp đổ của hệ sinh thái trên Trái đất ».
Sự mù quáng của giới tinh hoa : Một nhân tố chính dẫn đến sụp đổ
Trong lịch sự của loài người, đã có nhiều nền văn minh suy tàn hay sụp đổ hoàn toàn, nhưng cũng có một số tái khởi động được trở lại. Chuyên gia về mối quan hệ giữa các xã hội con người và môi trường tự nhiên Mỹ Jared Diamond, tác giả cuốn sách nổi tiếng « Sự sụp đổ » (Collapse: How Societies Choose to Fail or Survive), cố gắng rút ra các bài học về sự sụp đổ từ các nền văn minh cổ đại (chương 9).
Theo ông, cho dù môi trường sinh thái thường là nhân tố quan trọng, đặc biệt trong sự lụi tàn của nhiều nền văn minh, như của người Maya châu Mỹ (thế kỷ IX), người Viking châu Âu (thế kỷ XI), nhân tố chung luôn có mặt trong mọi trường hợp sụp đổ, đó là bình diện « xã hội chính trị ». Jared Diamond nhấn mạnh đến sự mù quáng của giới tinh hoa, như là một nhân tố chính dẫn đến sụp đổ. Các xã hội đã đưa ra những quyết định sai lầm trong bối cảnh khủng hoảng, do thiếu khả năng dự đoán.
Về lý do vì sao con người khó nhận ra, khó thừa nhận các thảm họa, cho dù không thiếu thông tin các tác giả đặc biệt chú ý đến những lý giải của nhà triết học Clive Hamilton (3) (chương 10). Trong đó một thực tế phổ biến, đó là ý thức của con người – kết quả của quá trình tiến hóa tự nhiên – vốn không được trang bị để nhận thức “các nguy hiểm mang tính hệ thống và dài hạn”, mà thiên về “đối phó với các đe dọa trực tiếp”. Người ta thường nêu ví dụ về con ếch chịu chết bỏng trong nồi nước mà không nhảy ra để minh họa cho hiện tượng này. (Chưa kể đến các tuyên truyền bóp méo sự thực, mà nhiều chuyên gia, nhà khoa học cũng là những người góp phần [4]).
Dự báo sụp đổ không đồng nghĩa với bi quan, tạp chí xin khép lại với một chia sẻ nhiều hy vọng của ông Pablo Servigne, chuyên gia về tính chất dẻo dai của các hệ thống xã hội – sinh thái :
« Chúng ta có những người nhận thức được vấn đề này, có những người không. Trong số những người hiểu ra, có người có được niềm tin, có người không tin.
Những người hiểu ra và có niềm tin, số này không nhiều, nhưng tôi tin rằng họ chuyển sang hành động. Chúng ta gọi họ là những người ‘‘transitionneur’’, những người tham gia vào quá trình chuyển hóa (hệ thống). Đó là những người ý thức được rằng một hệ thống như chúng ta biết đang sụp đổ, và một hệ thống mới đang nẩy sinh (5).
Điều rất quan trọng là cùng lúc nhận ra : Cái chết (của hệ thống cũ) và sự sinh thành (của cái mới) đang song hành diễn ra. Ngay từ đầu, cho dù không ý thức được hoàn toàn, khi nói đến sự sụp đổ, chúng tôi đã gợi ra cái thế giới đang sinh thành này.
Đây là một cơ hội để nhận ra những rào khóa ngăn cản chúng ta đi đến được một thế giới tốt đẹp hơn. Vì thế, sự sụp đổ có thể coi như một cơ hội, như một sự cởi trói rộng khắp. Để mô tả điều này, tôi sử dụng hình cái cây cổ thụ trong rừng. Cây sồi khổng lồ – xã hội công nghiệp của chúng ta – sụp đổ, chính nhờ sự sụp đổ đó, mà những mầm cây bên dưới có thể vươn lên tìm đến ánh sáng ».
Hàng triệu mầm non đang trỗi dậy
Nhà sinh thái học Pháp nhấn mạnh : « Chỉ cần mang lấy cặp kính với cái nhìn dự báo về sụp đổ, có thể thấy khắp nơi trên thế giới hàng ngàn, hàng vạn, hàng triệu những mầm non đang trỗi dậy, từ các sáng kiến nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp cộng sinh với thiên nhiên, đến nền kinh tế – đoàn kết, các đồng tiền địa phương… Chỉ cần xem bộ phim tài liệu ‘‘Demain/Ngày mai’’ (6), cùng với cuốn sách giới thiệu về phim, đã nhận được sự hưởng ứng như thế nào của công chúng, có thể thấy rất nhiều mầm non, đầy sáng tạo, đầy nhiệt huyết. Thực sự là một phong trào toàn cầu, thực sự mang lại niềm phấn khích.
Tuy nhiên, chúng tôi muốn nhấn mạnh là, điều đó không có nghĩa là phong trào đã thành công.
Điều cơ bản, được thể hiện rất rõ trong cuốn sách là, cho dù có những mầm non như vậy, sự sụp đổ là chắc chắn.
Những mầm non như vậy không phải là các giải pháp. Đó là những con đường cần phải theo, để có thể chống chèo nhằm vượt qua quá trình sụp đổ. Sự sụp đổ là không thể tránh khỏi. Chính bởi vì chấp nhận thực tại sụp đổ, mà chúng ta đến được với những mầm non ấy, nâng niu chúng, tài trợ cho chúng, nhân rộng chúng ra (7). Để đi về phía trước ».
***
Được ấn hành năm 2015, không lâu trước Thượng đỉnh COP 21 về khí hậu tại Paris, cuốn “Mọi thứ có thể sụp đổ như thế nào?” đã vang lên như một lời báo động vô cùng khẩn thiết.
Toàn thể các quốc gia trên hành tinh rốt cục đã tìm được một đồng thuận tối thiểu về nguyên tắc, để cùng nhau hướng đến một thế giới nhiệt độ không tăng quá 2°C, thậm chí dưới 1,5°C. Nhưng vấn đề là : Liệu các cam kết về nguyên tắc nói trên trong lĩnh vực này, cũng như các lĩnh vực cơ bản khác, có chuyển được thành hành động đủ nhanh và đủ mạnh, để kịp thời giảm thiểu những hậu quả tàn khốc do phát triển mù quáng bất chấp môi trường – sinh thái, trước khi những thay đổi đạt đến cái ngưỡng không thể vãn hồi ?
(1) Nếu như, vào đầu thế kỷ XX, khai thác dầu mỏ mang lại siêu lợi nhuận (trung bình bỏ một lãi 100), thì hiện nay hiệu suất đầu tư năng lượng giảm xuống chỉ còn 1 : 10 đến 1 : 20 đối với dầu mỏ quy ước, và 1 : 2 và 1 : 4 đối với dầu cát, hay 1 : 5 đối với dầu đá phiến. Ngoại trừ thủy điện (đã phát triển gần tới ngưỡng, và không kể đến các tác hại ghê gớm về môi trường), nhiều loại hình được coi là tái tạo khác cũng phải cần rất nhiều sự hỗ trợ của chính các loại năng lượng hóa thạch và hiệu suất cũng không cao. Từ 1 : 2,5 đối với năng lượng mặt trời, đến 1 : 18 với năng lượng gió (với những tính chất bất lợi của loại hình năng lượng này, như không ổn định và khó tích trữ) (trang 35).
(2) Mô hình Meadow trong “Báo cáo của câu lạc bộ Roma” (được công bố năm 1972), dự đoán nền văn minh công nghiệp sẽ sụp đổ vào khoảng từ 2015 đến 2025. Báo cáo Roma đưa ra nhiều khuyến cáo để ngăn ngừa viễn cảnh này. Theo mô hình Meadow, được cập nhật năm 2004, còn một chút cơ may cho khả năng thoát khỏi sụp đổ, với ba điều kiện :
a – Dân số tối đa là 7,5 tỷ năm 2040 (giảm 0,5 tỷ so với dự kiến) ; b – ổn định phát triển công nghiệp ở mức chỉ tăng 10% so với năm 2000, và phân phối công bằng các thành tựu phát triển ; c – giảm mức độ suy thoái của đất đai, cùng lúc với tăng hiệu suất nông nghiệp.
(3) Trong cuốn « Requiem for a Species: Why We Resist the Truth about Climate Change /  Chuông nguyện hồn chúng sinh : Vì sao chúng ta chối bỏ sự thật về biến đổi khí hậu ».
(4) Chiến lược xóa tan những nghi ngờ về tính độc hại đã các ngành công nghiệp thuốc lá, a-mi-ăng, thuốc trừ sâu…. áp dụng thành công trong suốt nhiều thập kỷ. Trước COP 21 tại Paris, rất nhiều thượng đỉnh về khí hậu đã rơi vào thất bại một phần cũng do các tuyên truyền reo rắc hoài nghi, được nhiều nhà khoa học tiếp tay.
(5) Đối lập với những « Transitionneur » là những người « Survivaliste/Prepper », chủ trương thân ai nấy lo. Bộ phim Úc nổi tiếng Mad Max, của đạo diễn George Miller, mô tả cuộc chiến tàn khốc của ngày tận thế với cuộc đại khủng hoảng dầu mỏ.
(6) Bộ phim Demain, với tiểu tựa ‘‘Un nouveau monde en marche/Một thế giới mới đang ra đời’’, được phát hành tại 27 quốc gia. Riêng tại Pháp, phim thu hút hơn 1 triệu khán giả, một hiện tượng hiếm có với phim tài liệu.
(7) Các tác giả cuốn sách đặc biệt chú ý đến đóng góp của Phong trào đô thị chuyển hóa - Transition towns, khởi sự từ thị trấn Totnes nước Anh năm 2006, với nhà nông học Rob Hopskin, nay đã lan tỏa ra hàng chục quốc gia.
http://www.rfi.fr/vi/qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF/20200422-v%C4%83n-minh-c%C3%B4ng-nghi%E1%BB%87p-s%E1%BB%A5p-%C4%91%E1%BB%95-trong-15-n%C4%83m-t%E1%BB%9Bi

0 comments

Leave a comment

Powered by Blogger.