Hải Ngoại Ngày Nay


LIÊN KẾT HẢI NGOẠI YỂM TRỢ QUỐC NỘI ĐẤU TRANH

GIẢI THỂ CHẾ ĐỘ ĐỘC TÀI VIỆT CỘNG

GIẢi TRỪ HIỂM HỌA XÂM LĂNG TRUNG CỘNG

Tin Việt Nam – 22/04/2020

Wednesday, April 22, 2020 3:44:00 PM // ,

Tin Việt Nam – 22/04/2020

Ba trưởng phòng cảnh sát ở Đồng Nai bị cách chức

Công an tỉnh Đồng Nai, vào ngày 22/4, công bố quyết định của Bộ Công an về việc cách chức đối với ba trưởng phòng cảnh sát gồm Thượng tá Đặng Thế Trung, Thượng tá Bùi Thanh Sơn và Thượng tá Hoàng Liên Sơn.
Truyền thông trong nước dẫn nguồn thông báo từ Công an tỉnh Đồng Nai cho biết Thượng tá Đặng Thế Trung, vào sáng ngày 22/4, nhận quyết định thi hành kỷ luật cách chức Trưởng phòng cảnh sát Giao thông.
Thượng tá Đặng Thế Trung bị kỷ luật vì bị cho là đã vi phạm “rất nghiêm trọng” trong trách nhiệm quản lý vũ khí quân dụng, để thuộc cấp dùng súng bắn chết người ở nhà trọ; đồng thời cũng bị kết luận đã vi phạm trong việc bán đấu giá tang vật, phương tiện vi phạm…
Trong cùng ngày 22/4, Công an tỉnh Đồng Nai cũng công bố quyết định của Bộ Công an cách chức Trưởng Phòng cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội đối với Thượng tá Bùi Thanh Sơn và cách chức Trưởng Phòng an ninh điều tra đối với Thượng tá Hoàng Liên Sơn.
Ông Bùi Thanh Sơn được kết luận đã có những vi phạm trong hoạt động tố tụng khi phân công điều tra các vụ án. Còn ông Hoàng Liên Sơn bị Ủy ban Kiểm tra Trung ương quy kết đình chỉ vụ án không đúng quy định.
Cả ba ông Đặng Thế Trung, Bùi Thanh Sơn và Hoàng Liên Sơn, trước đó đều bị Ủy ban kiểm tra Tỉnh ủy Đồng Nai thi hành kỷ luật cách hết chức vụ trong Đảng.
Liên quan công tác của ngành công an ở Đồng Nai, Thứ trưởng Bộ Công an-Thượng tá Lê Quý Vương có buổi làm việc với Công an tỉnh Đồng Nai trong ngày 22/4.
Tại buổi làm việc này, Thượng tá Lê Quý Vương yêu cầu Công an tỉnh Đồng Nai phải làm rõ vì sao có tình trạng đoàn xe “vua” lộng hành với hàng loạt sai phạm trong nhiều năm qua.
Hồi trung tuần tháng 4, báo giới đưa tin Công an tỉnh Đồng Nai ra quân vây bắt đoàn xe “vua” siêu trọng chở than, gồm 30 chiếc xe đầu kéo của doanh nghiệp vận tải Cty TNHH TM-VT Âu Châu, có trụ sở ở Đồng Nai. Đoàn xe “vua” đã vi phạm các lỗi như chở cồng kềnh, một số xe có chiều cao thùng vượt mức quy định, vượt đèn đỏ và một số tài xế cùng phụ xe dương tính ma túy.
Công an tỉnh Đồng Nai cho biết từ năm 2017 đến nay, chỉ riêng tại địa bàn huyện Nhơn Trạch, đoàn xe “vua” này đã gây ra 22 vụ tai nạn giao thông, trong đó có nhiều vụ nghiêm trọng.
https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/three-police-chiefs-in-dong-nai-are-dismissed-today-04222020090843.html

Một viên chức CSVN bị tử vong sau khi thử rượu ở bữa tiệc

Tin Vietnam.- Báo Vietnamnet loan tin, vào 12 giờ 20 phút ngày 20 tháng 4 năm 2020, bà Lê Thị Phương, giám đốc công ty bất động sản Á Âu đã tổ chức tiệc rượu tại trụ sở công ty ở khu đô thị Bình Minh, thành phố Thanh Hoá.
Tiệc rượu này có 7 người tham gia, trong đó có ông Đặng Phạm Viên, 53 tuổi, là Trưởng cơ quan Thi hành án dân sự thành phố Thanh Hoá. Khi bà Phương mang rượu của gia đình mình ra để dùng trong bữa tiệc, thì ông Viên và ông Nguyễn Văn Thọ, 39 tuổi, Chủ tịch hội đồng quản trị công ty Á Âu đã uống thử rượu. Ngay sau đó, ông Viên và ông Thọ bị ngộ độc phải đưa vào bệnh viện cấp cứu, nhưng ông Viên đã tử vong.
Cũng trong bữa tiệc rượu này, có một người phụ nữ tên Xuyến cũng đã uống thử rượu của gia đình bà Phương nhưng không hiểu sao bà Xuyến đã nhổ ra, nên chỉ bị ngộ độc nhẹ.
Ngoài sự việc trên, cũng trong thời điểm xảy ra vụ ngộ độc ở công ty Á Âu, tại gia đình bà Lê Thị Phương ở đường Quang Trung, thành phố Thanh Hoá cũng có 6 người tổ chức ăn uống, trong đó có chồng bà Phương là ông Trần Xuân Minh. Ông Minh đã uống loại rượu giống như bà Phương mang ra đãi mọi người tại công ty, nên ông này cũng đã tử vong.
Đến ngày 21 tháng 4, công an tỉnh Thanh Hoá cho biết, cơ quan này đã khởi tố vụ án trên với tội danh “giết người”.
An Nhiên
https://www.sbtn.tv/mot-vien-chuc-csvn-bi-tu-vong-sau-khi-thu-ruou-o-bua-tiec/

Xét xử phúc thẩm vụ MobiFone mua AVG

Phiên phúc thẩm cựu bộ trưởng Thông tin-Truyền thông Nguyễn Bắc Sơn và các quan chức trong vụ MobiFone mua 95% cổ phần của Công ty cổ phần Nghe nhìn Toàn cầu (AVG)  sẽ diễn ra vào ngày mai 23 cho đến 26 tháng 4.
Tòa án Nhân dân Cấp Cao Hà Nội cho biết như vừa nêu và vì dịch COVID-19 nên chỉ có người được tòa triệu tập mới được tham dự; đồng thời  tòa sẽ bố trí giãn cách tối thiểu là 2 mét giữa những người tham gia phiên tòa.
Sau phiên tòa sơ thẩm, 11/14 bị cáo làm đơn kháng cáo đề nghị Tòa án nhân dân Cấp cao tại Hà Nội xét xử lại vụ án theo trình tự phúc thẩm và xem xét khoan hồng; không có bị cáo nào kháng cáo kêu oan, không có tội. Trong đó, hai bị cáo đã rút đơn kháng cáo là: Cao Duy Hải (nguyên Tổng GĐ MobiFone) và Võ Văn Mạnh (nguyên GĐ Công ty TNHH Tư vấn đầu tư và thẩm định AMAX).
Ba bị cáo không làm đơn kháng cáo bản án sơ thẩm gồm các ông Trương Minh Tuấn (cựu Bộ trưởng Bộ TT&TT), Phạm Đình Trọng (nguyên Vụ trưởng Vụ quản lý doanh nghiệp, Bộ TT&TT) và Phạm Nhật Vũ (nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị AVG). Như vậy, phiên phúc thẩm sẽ còn 9 bị cáo kháng cáo cùng sự tham gia của 17 luật sư bào chữa.
https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/officials-involved-in-the-case-of-mobifone-buying-avg-to-attend-court-of-appeals-04222020081348.html

Facebook tăng kiểm duyệt tin ‘chống phá nhà nước’ sau khi bị Việt Nam ‘ép’

Các máy chủ của Facebook ở Việt Nam bị cắt mạng, bóp băng thông hồi đầu năm nay cho tới khi công ty mạng xã hội lớn nhất của Mỹ đồng ý tăng cường kiểm duyệt các thông tin “chống phá” nhà nước ở Việt Nam, theo tiết lộ từ hai nguồn tin độc quyền của Reuters.
Các công ty viễn thông của Việt Nam đã thực hiện sự giới hạn này, theo hai nguồn tin mà Reuters trích dẫn, làm cho các máy chủ của Facebook mất mạng trong 7 tuần, và điều đó có nghĩa là trang mạng xã hội được khoảng 65 triệu người dùng ở Việt Nam đã có lúc bị tê liệt trong khoảng thời gian đó.
“Chúng tôi tin rằng hành động này được tiến hành để gây sức ép lớn lên chúng tôi để buộc phải tuân thủ thêm nữa những yêu cầu về gỡ bỏ các nội dung hiển thị đối với người dùng ở Việt Nam,” một trong hai nguồn tin từ Facebook nói với Reuters.
Facebook xác nhận trong một thông cáo gửi tới Reuters qua email rằng họ đã phải miễn cưỡng làm theo yêu cầu của Việt Nam khi buộc phải “hạn chế sự tiếp cận tới các nội dung mà bị cho là bất hợp pháp.”
Chính phủ Việt Nam chưa có bình luận gì về các thông tin mà hai nguồn từ Facebook của Reuters đưa ra.
Nhận định về khả năng này, một chuyên gia phần mềm và cũng là một nhà hoạt động dân chủ ở Việt Nam, Lã Việt Dũng, nói với VOA rằng anh thấy việc Facebook chủ động xoá nội dung là có cơ sở và đưa ra một ví dụ về việc vừa xảy ra với đăng tải của anh trên mạng xã hội này.
“Cách đây khoảng hai hôm tôi đăng hình ảnh về việc người nhà cụ Kình ở làng Đồng Tâm nhận xác cụ từ tay công an Cộng sản Việt Nam,” anh Dũng nói. “Tôi có viết một số comments (bình luận) trên clip đó và clip đó được nhiều người chia sẻ. Nhưng đến hôm nay (22/4) tôi nhận được phản hồi rằng clip đó đã biến mất khỏi Facebook.”
Anh Dũng, người từng viết thư gửi tổng giám đốc Facebook Mark Zuckerberg về tình trạng nội dung thông tin bị tháo gỡ và tài khoản bị khoá tại Việt Nam, nói không hề nhận được bất cứ thông báo nào từ Facebook về việc tại sao video clip đó “lại biến mất.”
Bình luận về ghi nhận của Reuters, tổ chức nhân quyền Ân xá Quốc tế kêu gọi Facebook ngay lập tức đảo ngược quyết định của mình.
“Việc Facebook tuân thủ những yêu cầu (của Việt Nam) đặt ra một tiền lệ nguy hiểm. Các chính phủ trên toàn thế giới sẽ xem đây là một lời mời để ngỏ để đưa Facebook vào danh sách dịch vụ kiểm duyệt nhà nước,” thông cáo của tổ chức này viết hôm 22/4.
Áp lực
Facebook phải đối mặt với áp lực buộc họ phải gỡ bỏ những nội dung chống phá chính phủ ở nhiều nước, trong đó có Việt Nam, trong nhiều năm qua.
Facebook và chính phủ Việt Nam hồi năm 2017 đã đồng ý hợp tác trong việc theo dõi và tháo gỡ thông tin “xấu” và “độc hại” trên mạng xã hội đang có trên 67% người dân Việt Nam sử dụng.
“Nếu Facebook, vì chuyện chính quyền Việt Nam ép băng thông mà buộc phải gỡ bài một cách tuỳ tiện, thì tôi nghĩ rằng họ không nên làm như thế và không cần thiết vì họ hoàn toàn có thể phản đối việc đó một cách bình thường như họ đã từng nhiều lần làm trước đây rằng họ không cung cấp thông tin người dùng cho chính quyền Việt Nam thì chính quyền Việt Nam cũng không có cách nào cả và người dùng Việt Nam vẫn lên Facebook rất là nhiều,” anh Dũng nói.
Năm 2018, các nhà hoạt động và các tổ chức dân sự Việt Nam đã viết một bức thư ngỏ kêu gọi Facebook không thoả hiệp với chính quyền Hà Nội trong việc ngăn chặn thông tin nhằm dập tắt những tiếng nói bất đồng với chính phủ trên mạng xã hội. Sau đó, quản lý Chính sách công khu vực châu Á của Facebook, Helena Lersch, nói rằng mạng xã hội này sẽ cam kết bảo vệ quyền lợi của người dùng Facebook tại Việt Nam.
Đầu năm ngoái, Việt Nam cáo buộc Facebook vi phạm Luật An ninh mạng mới được áp dụng khi cho phép người dùng đăng tải các bình luận chống phá chính phủ lên trang mạng xã hội này. Sau đó tổ chức Ân xá Quốc tế cho biết đã có ít nhất 16 người bị bắt, giam giữ hoặc kết án vì đăng tải những bình luận như vậy. Tháng 11 năm ngoái, truyền thông trong nước ghi nhận việc kết án tù 5 người vì hành động tương tự.
Luật An ninh mạng yêu cầu các công ty nước ngoài như Facebook phải thiết lập các văn phòng ở Việt Nam và lưu dữ liệu người dùng ở đây – mặc dù Facebook nói họ không làm như vậy.
Các nguồn tin từ Facebook nói với Reuters rằng công ty này thường kháng cự lại những yêu cầu chặn sự tiếp cận tới các đăng tải của người dùng ở một nước nào đó, nhưng áp lực về việc các máy chủ bị làm chậm tốc độ buộc họ phải tuân thủ.
“Rõ ràng mà nói, điều đó không có nghĩa là chúng tôi sẽ tuân thủ mọi yêu cầu của chính phủ gửi đến chúng tôi,” một trong hai nguồn tin nói với Reuters. “Nhưng chúng tôi đã cam kết tăng cường hạn chế nhiều hơn các nội dung.”
Việt Nam, dù đã có những cải cách lớn về kinh tế và xã hội, vẫn vận hành dưới sự cầm quyền của Đảng Cộng sản – chính đảng duy nhất hiện đang kiểm soát chặt chẽ truyền thông trong nước và không nhân nhượng đối với những người chống đối. Tổ chức Phóng viên Không Biên giới vừa xếp Việt Nam thứ 175 trên 180 trong danh sách Chỉ số Tự do Báo chí Thế giới.
Thông cáo của Facebook gửi cho Reuters nói rằng họ “tin là tự do biểu đạt là một quyền cơ bản” và họ “làm nhiều việc để bảo vệ sự tự do dân sự quan trọng này trên toàn thế giới.”
“Tuy nhiên, chúng tôi phải thực hiện hành động này để đảm bảo các dịch vụ của chúng tôi được tiếp tục và phục vụ tới hàng triệu người Việt Nam hiện đang dựa vào chúng tôi hàng ngày.”
https://www.voatiengviet.com/a/facebook-tang-kiem-duyet-tin-chong-pha-nha-nuoc-sau-khi-bi-viet-nam-ep/5385439.html

Chính phủ Hà Nội muốn thu hồi nhà công vụ sử dụng sai mục đích

Mục tiêu được Chính phủ Hà Nội đề ra trong năm 2020 là thu hồi 100% nhà công vụ sử dụng không đúng mục đích và hết thời gian sử dụng theo quy định.
Đó là một phần nội dung phiên họp Uỷ ban Thường vụ Quốc hội báo cáo kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2019 của Chính phủ, diễn ra hôm 22 tháng 4 năm 2020 được truyền thông trong nước đưa tin.
Ngoài mục tiêu chấm dứt việc sử dụng tài sản công vào mục đích kinh doanh, cho thuê, liên doanh, liên kết không đúng quy định, Chính phủ đề ra mục tiêu thực hiện tiết kiệm 10% chi thường xuyên dự toán ngân sách nhà nước. Phấn đấu tiết kiệm 12% kinh phí tổ chức hội nghị, hội thảo, tọa đàm, họp, công tác phí, chi tiếp khách, khánh tiết, tổ chức lễ hội, lễ kỷ niệm và tiết kiệm 15% chi đoàn ra, đoàn vào so với dự toán được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Vừa qua báo chí có lên tiếng vụ 12 cựu quan chức không trả lại nhà công vụ. Đến ngày 21 tháng 4, phần lớn trong số họ đã gọi điện cho Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh xin trả nhà, một vài người hẹn chờ qua dịch COVID-19 sẽ trả.
Cũng tin liên quan, theo Báo cáo Đánh giá công tác phòng, chống tham nhũng cấp tỉnh 2018 vừa được công bố, việc xác minh tài sản thu nhập năm 2018 không đạt hiệu quả. Có 51 địa phương trên cả nước không thực hiện xác minh bất kỳ trường hợp nào về kê khai tài sản đối với người có nghĩa vụ kê khai tài sản.
Luật Phòng, chống tham nhũng 2018 có hiệu lực từ ngày 01 tháng 7 năm 2019 quy định cán bộ, công chức không chỉ kê khai tài sản của mình mà còn phải kê khai tài sản của người thân.
https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/vn-gov-aims-at-retaking-state-premises-improperly-used-04222020081700.html

Báo chí Nhà nước cần làm gì để có thể thực sự phục vụ nhân dân’?

Phó Chủ tịch thường trực Hội Nhà báo Việt Nam Hồ Quang Lợi, khi trả lời báo chí hôm 21 tháng 4 năm 2020, nhân kỷ niệm 70 năm Ngày thành lập Hội Nhà báo Việt Nam, cho rằng trong bối cảnh mới, báo chí càng phải khẳng định vai trò quan trọng dẫn dắt, định hướng dư luận bằng thông tin chính xác, khách quan, trung thực…
Ông Hồ Quang Lợi còn nhấn mạnh, làm báo để phục vụ đất nước, nhân dân.
Vậy báo chí Nhà nước cần làm gì để có thể ‘phục vụ nhân dân’ trong thời kỳ mới như lời ông Hồ Quang Lợi?
Tôi thấy báo chí Việt Nam làm gì có phục vụ nhân dân? Tôi chẳng bao giờ muốn đọc. Báo chí cần phải nói thẳng và nói thật, không giấu diếm. Báo chí phải đứng về phía người dân để viết, chứ không viết theo sự chỉ đạo của đảng cộng sản.
-Chị Hằng
Chị Hằng, hiện sinh sống tại Việt Nam, nói với Đài Á Châu Tự Do hôm 21 tháng 4 năm 2020:
“Tôi thấy báo chí Việt Nam làm gì có phục vụ nhân dân? Tôi chẳng bao giờ muốn đọc. Báo chí cần phải nói thẳng và nói thật, không giấu diếm. Báo chí phải đứng về phía người dân để viết, chứ không viết theo sự chỉ đạo của đảng cộng sản. Ngoài ra, người viết bài cần có nghiệp vụ, người viết báo cần có cái tâm và chính nghĩa. Nếu báo chí Việt Nam thay đổi được, thì tôi nghĩ sẽ thu hút nhiều người dân đọc báo hơn.”
Còn Chị Phan Thị Mỹ Xuyên, ở Hà Tĩnh, khi nói với Đài Á Châu Tự Do hôm 21 tháng 4 năm 2020, thì cho rằng, báo chí cần phải trong sáng, nói đúng sự thật bảo vệ quyền lợi chính đáng và hợp pháp của người dân. Nhưng ở Việt Nam hiện nay báo chí còn hùa theo những người tham nhũng, hãm hại dân, đăng tin sai sự thật, dẫn đến việc nhiều gia đình có thể bị cảnh oan sai trong nhiều năm vẫn không được giải quyết.
Mặc dù quy hoạch phát triển và quản lý báo chí Việt Nam đến năm 2025, sẽ theo chiều hướng giảm số lượng. Nhưng theo Bộ Thông tin và Truyền thông, hiện Việt Nam vẫn còn hơn 800 cơ quan báo chí, 67 đài phát thanh truyền hình với đội ngũ nhà báo lên tới khoảng 40 ngàn người. Tất cả các cơ quan báo chí này đều phải chịu sự kiểm soát thông tin của nhà nước mà cụ thể là theo đường hướng của Ban Tuyên giáo Trung ương.
Từ Nha Trang, khi trả lời Đài Á Châu Tự Do hôm 21 tháng 4 năm 2020, Nhà báo Võ Văn Tạo nói:
“Để báo chí phục vụ nhân dân, theo tôi nghĩ trước tiên phải phục vụ một cách thiết thực. Chứ hiện nay, hệ thống tuyên truyền của nhà nước Việt Nam cứ nói báo chí phục vụ nhân dân, nhưng quan điểm của tôi cũng như đa số người dân, báo chí ít phục vụ nhân dân lắm, phục vụ ‘các cụ’ thôi. Khi làm báo trước đây, chúng tôi thường nói lóng, tin bài đó thuộc dạng ‘kính cụ’, tức là tin bài đó được lòng lãnh đạo, dân chả cần xem… ví dụ như tin ‘hôm nay Tổng bí thư Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng tiếp đồng chí gì đó’ Chủ tịch nước kiêm Tổng bí thư Lào…”
Theo Nhà báo Võ Văn Tạo, người dân đâu cần những tin bài lấy lòng lãnh đạo, cái họ cần là những gì thực tế như việc: ‘bao giờ hết giãn cách xã hội và những bước như thế nào để chuẩn bị’…
Báo chí tại Việt Nam phục vụ nhiệm vụ chính trị, không có báo chí tư nhân, định hướng dư luận xã hội… thì không có gì mới, lâu nay vẫn là những cái cơ bản mà nhà nước Việt Nam áp dụng với báo chí. Nhưng nếu so với cách đây khoảng 3 hay 4 thập kỷ, thì việc kiểm soát báo chí có thay đổi. Không chỉ bị kiểm soát trực tiếp từ Ban Tuyên giáo Trung ương đến Ban Tuyên giáo địa phương và các Sở Thông tin – Truyền thông ở các tỉnh thành. Các tờ báo còn bị kiểm duyệt thông qua việc bố trí nhân sự trong các cơ quan báo chí như bí thư chi bộ, đảng bộ của các nơi này.
Để tìm thêm về vấn đề này, Đài Á Châu Tự Do hôm 21 tháng 4 năm 2020, liên lạc Nhà nghiên cứu xã hội học, Tiến sĩ Phạm Quỳnh Hương, và được bà đưa ra nhận định:
“Nhìn chung thì tôi nghĩ những ai làm về báo chí đều biết phải đánh đúng nhu cầu của người dân, những cái người dân đang quan tâm thì mình đánh đúng nhu cầu đó. Thứ hai là cái mà bây giờ người ta hay dùng là ‘hot’, chạy theo những cái ‘hot’ trên thị trường… thì người ta sẽ quan tâm hơn. Còn nói về thông tin không đúng sự thật thì bây giờ nó là một vấn đền rất lớn, vì ngay cả báo lớn nhưng có khi cũng đưa những thông tin không đúng lắm, còn những tờ báo vừa hay người ta còn gọi là lá cải, thì đôi khi người ta còn lợi dụng cả những tin đấy để gây sự chú ý, hoặc là thậm chí tạo ra một scandal, và scandal đó lại càng tăng tranh cãi và tò mò của người đọc, thì có khi họ lại sử dụng nó như một công cụ để tăng người đọc.”
Vậy báo chí Nhà nước cần làm gì để có thể thật sự ‘phục vụ nhân dân’ trong thời kỳ mới như lời ông Lợi?
Việt Nam phải trả lại quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, đồng thời phải gắng chặt tính trách nhiệm đi đôi với quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí… mới giải quyết được tình trạng báo chí như hiện nay.
-Nhà báo Nguyễn Ngọc Già

Nhà báo độc lập Nguyễn Ngọc Già, nguyên Phó trưởng ban Kế hoạch – Dự án và Phó trưởng ban Tư Liệu của Đài truyền hình HTV, khi trao đổi với Đài Á Châu Tự Do hôm 21 tháng 4 năm 2020 từ Sài Gòn, liên quan vấn đề này cho biết ý kiến của mình:
“Báo chí là một sản phẩm của thị trường thì không thể nói phục vụ nhân dân mà phải nói bán ra thị trường, như vậy phải căn cứ vào nền kinh tế thị trường. Người ta hay gọi báo chí là một món ăn tinh thần, như vậy để thị trường quyết định. Nếu đáp ứng đúng nhu cầu thị trường thì người ta sẽ chấp nhận và mua (xem) sản phẩm đó, và tờ báo sẽ sống được. Tóm lại, thứ nhất là phải quy về cái căn bản nhất là nền kinh tế thị trường, như vậy mới có thể vực nền báo chí đang rệu rã, dối trá hiện nay tại Việt Nam.
Thứ hai, theo Nhà báo Nguyễn Ngọc Già, báo chí phải làm việc theo luật, phải bỏ hết những tin bài không liên quan luật báo chí, tức là những kiểu mà người cộng sản Việt Nam hay dùng, đó là những chỉ thị, nghị quyết… thậm chí mệnh lệnh miệng để điều khiển báo chí. Theo ông, việc đó là sai lầm. Ông nói tiếp:
“Thứ ba, quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, là một cái thiếu hụt trầm trọng suốt hàng chục năm qua. Như vậy, nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam phải trả lại quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, đồng thời phải gắn chặt tính trách nhiệm đi đôi với quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí… mới giải quyết được tình trạng báo chí như hiện nay.”
Cũng xoay quanh vấn đề quan trọng nhất là kinh tế thị trường trong lĩnh vực báo chí. Nhà báo Nguyễn Ngọc Già cho rằng, tất cả báo chí Việt Nam phải tự thu xếp, tự nuôi sống bản thân, chứ không thể nào còn nhận ngân sách từ nhà nước cấp. Ví như những trang báo lớn, quan trọng của nhà cầm quyền như báo Nhân dân, Sài gòn Giải phóng… thì hầu như không bán được, mà phải buộc các cơ quan, tổ chức mua những tờ báo của họ, để họ có kinh phí mà họ sống.
Đồng quan điểm, nhà báo Võ Văn Tạo cũng cho rằng, báo chí muốn phục vụ nhân dân thì phải có tự do báo chí, không bao cấp, thì báo chí mới có trách nhiệm, chứ còn nhà nước, đảng bao cấp thì báo chí cũng chỉ là công cụ tuyên truyền cho đảng, chứ không phải báo chí đúng nghĩa.
Vào ngày 21 tháng 4, tổ chức Phóng Viên Không Biên Giới công bố phúc trình về Chỉ số Tự Bo Báo chí Thế giới năm 2020; theo đó Việt Nam bị xếp hạng 175 trên 180 quốc gia được đánh giá.
https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/what-does-the-state-press-need-to-do-to-be-able-to-serve-the-people-04212020134133.html

Giá dầu thế giới giảm ảnh hưởng Việt Nam ra sao?

Diễm Thi, RFA
Ảnh hưởng về kinh tế
Giá dầu thô WTI lần đầu rơi xuống mức -37,63 USD/thùng hôm 21 tháng 4 là giá thấp kỷ lục trên thế giới. Giá dầu âm như vậy nghĩa là các nhà sản xuất phải trả tiền cho người mua chỉ để lấy thùng dầu ra khỏi kho dự trữ. Việc này nghe có vẻ vô lý nhưng thực tế việc đóng cửa hoặc mở lại một giếng khoan dầu tốn chi phí hơn nhiều lần. Các nhà máy lọc dầu cũng đang mất tiền thuê chỗ chứa cho lượng dầu họ chế biến ra. Nếu các nhà máy lọc dầu ngừng hoạt động    , nhiều nhà sản xuất sẽ không thể xuất khẩu dầu thô.
Việc giá dầu thế giới xuống tới mức kỷ lục như vậy ảnh hưởng gì tới Việt Nam khi Việt Nam là nước xuất khẩu dầu thô và nhập khẩu xăng dầu thành phẩm?
Tiến sĩ Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Quản lý Kinh tế Trung ương nói với RFA:
“Việc giá dầu giảm kỷ lục tới mức giá âm ảnh hưởng khá lớn đến kinh tế Việt Nam vì Việt Nam vẫn khai thác dầu để thu ngoại tệ. Sự phụ thuộc vào dầu của Việt Nam giảm đáng kể. Thời cao nhất dầu khí có thể đóng góp đến 20% nguồn thu ngân sách, bây giờ chỉ còn khoảng 7 hoặc 8% thôi. Giá dầu giảm thì ảnh hưởng nguồn thu ngân sách từ bán dầu. Có thể công ty dầu khí Việt Nam sẽ không chịu được giá này vì càng khai thác sẽ càng lỗ.
Mặt khác, giá dầu giảm thì các nguyên liệu xăng dầu cũng giảm, các sản phẩm làm ra từ dầu như sợi tổng hợp cũng giảm. Điều đó sẽ thuận lợi cho nền kinh tế Việt Nam. Làm giảm chỉ số giá cũng như giảm giá thành các mặt hàng nhập khẩu nguyên vật liệu từ dầu, thí dụ như hạt nhựa, sợi tổng hợp, các mặt hàng khác…”
Việc giá dầu giảm kỷ lục tới mức giá âm ảnh hưởng khá lớn đến kinh tế Việt Nam vì Việt Nam vẫn khai thác dầu để thu ngoại tệ. Mặt khác, giá dầu giảm thì các nguyên liệu xăng dầu cũng giảm, các sản phẩm làm ra từ dầu như sợi tổng hợp cũng giảm. – TS. Lê Đăng Doanh
Tiến sĩ Ngô Đức Lâm, nguyên Phó Viện trưởng Viện Năng lượng cho rằng, ảnh hưởng rõ nhất là giá điện sẽ giảm. Giá điện và xăng dầu giảm sẽ tác động lớn đến kinh tế Việt Nam. Ông giải thích:
“Việt Nam vừa có xuất lại vừa có nhập. Nếu xuất giá rẻ thì lại bị thiệt. Dầu cho điện trong giai đoạn này chưa cần đến. Những năm trước thì những tháng này trong nước thiếu điện sản xuất từ thủy điện nên phải dùng dầu để bổ sung thì giá điện sẽ tăng lên. Nếu giá dầu rẻ thì có lợi cho ngành sản xuất điện. Còn về kinh tế quốc dân thì nó lại có bài toán khác.”
Với cái nhìn của một doanh nghiệp vận tải nhỏ, ông Minh Đức chia sẻ rằng, mùa dịch Covid-19 ảnh hưởng đến thu nhập của doanh nghiệp rất nặng nề, mất gần 80% doanh thu từ Tết đến nay. Giá xăng dầu giảm là một cứu cánh cho ông. Ông chia sẻ:
“Ở Việt Nam có đến khoảng 80% người dân sử dụng xe gắn máy. Giá xăng dầu giảm thì có lợi cho người dân và tui ủng hộ.
Khách quan mà nói, khi kinh doanh vận tải, giá xăng dầu giảm mạnh mà giá dịch vụ giảm không đáng kể thì tụi tui cũng có lợi. Ví dụ hôm qua tôi chạy muốn chuyến xe du lịch, cả đi cả về tốn chưa đến 200 ngàn đồng tiền xăng dầu. Như vậy chi phí xăng dầu chưa đến 20% tiền doanh thu.
Tôi vừa nghe VTV nói là với mức độ giảm giá xăng dầu như hiện nay, Bộ Công thương và Chính phủ sẽ cân nhắc xem xét việc giảm giá xăng dầu trong nước từ nay đến cuối tháng 4. Tức là từ nay đến cuối tháng 4 sẽ quyết định có giảm hay không. Theo tôi đó là động thái tốt.”
Theo ông Đức, giá xăng trong nước khó giảm theo kỳ vọng của người tiêu dùng, bởi một lít xăng cõng theo nó đủ thứ thuế, phí mà người dân chỉ nghe và phải chấp nhận. Chưa bao giờ Nhà nước công khai minh bạch những khoản thu, chi này.
Hiện cơ cấu giá xăng được cộng thêm nhiều khoản, gồm giá CIF tính thuế; thuế nhập khẩu (10%); thuế giá trị gia tăng (10%); thuế tiêu thụ đặc biệt (10% với xăng RON95 và 8% với xăng E5); thuế bảo vệ môi trường (4.000 đồng); chi phí định mức kinh doanh (1.050 đồng/lít với xăng RON95 và 1.250 đồng/lít với xăng E5); lợi nhuận định mức (300 đồng) và trích quỹ bình ổn (300 đồng).
Việt Nam có thể làm gì?
Theo báo cáo quý 1 của Bộ Công thương, lượng dầu thô khai thác trong 3 tháng đầu năm giảm gần 11%. Tuy nhiên, nhập khẩu dầu thô tăng gần 68% và tồn kho sản phẩm dầu mỏ tinh chế tăng hơn 47%.
Có nhiều ý kiến cho rằng, khi giá xăng dầu xuống thấp thì Nhà nước nên mua dự trữ, hoặc người dân bỏ tiền ra mua rồi dự trữ trong kho của chính phủ. Khi giá dầu lên, chính phủ mua lại của dân theo giá thị trường…
Tiến sĩ Lê Đăng Doanh nhận định:
“Có lẽ cách tốt nhất là tạm thời không khai thác và mua dầu về dự trữ hết công suất chứa của Việt Nam. Khi nào giá dầu lên cao thì sử dụng kho dầu dự trữ hoặc bán để lấy lời. Tuy vậy việc này lại sử dụng lượng ngoại tệ khá lớn. Điều này cũng cần phải cân nhắc khả năng chi trả ngoại tệ của Việt Nam có cho phép trữ một lượng dầu lớn hay không.”
Tiến sĩ Ngô Đức Lâm lại nêu một trở ngại khác, đó là kho chứa. Ông giải thích nguyên tắc dự trữ năng lượng ở Việt Nam:
Cái khó là muốn dự trữ thêm xăng dầu thì phải có kho chứa phù hợp. Kho chứa ở Việt Nam chỉ có hạn. Nếu bây giờ muốn chứa thêm thì phải xây thêm mà xây thêm thì liệu có kinh tế không!? – TS. Ngô Đức Lâm
“Theo tôi thì dự trữ quốc gia có quy định 60 ngày, tức là người ta tính trong một ngày sử dụng cho giao thông bao nhiêu, sử dụng cho quốc phòng bao nhiêu. Nếu có sự cố chiến tranh hay thiên tai mà không chở dầu về được thì bồn dầu dự trữ phải đủ sử dụng 60 ngày để bảo đảm an ninh trong nước.
Cái khó là muốn dự trữ thêm xăng dầu thì phải có kho chứa phù hợp. Kho chứa ở Việt Nam chỉ có hạn. Nếu bây giờ muốn chứa thêm thì phải xây thêm mà xây thêm thì liệu có kinh tế không!?”
Vào ngày 10 tháng 4 vừa qua, Tập đoàn Dầu Khí Quốc gia Việt Nam (PVN) kiến nghị chính phủ Hà Nội tạm dừng nhập khẩu xăng dầu để ưu tiên sử dụng xăng, dầu đang tồn kho nhiều tại hai nhà máy lọc dầu Nghi Sơn và Dung Quất của Việt Nam.
Giá bán lẻ xăng dầu của Tập đoàn Xăng Dầu Việt Nam (Petrolimex) vào  ngày 21 tháng 4 chưa có gì thay đổi, vẫn là giá của ngày 13 tháng 4. Cụ thể, giá xăng A95 dao động 11.930 – 12.160 đồng/lít, xăng E5 11.340 – 11.560 đồng/lít, dầu diesel 10.820 – 11.030 đồng/lít, dầu hỏa 8.630 – 8.800 đồng/lít.
https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/how-does-world-oil-price-decrease-affect-vn-dt-04212020145848.html

Tin tặc được chính phủ Việt Nam hậu thuẫn

Nhóm tin tặc APT32 được chính phủ Việt Nam hậu thuẫn đã tìm cách thâm nhập vào trang mạng của Bộ Quản lý Khẩn cấp Trung Quốc và chính quyền thành phố Vũ Hán vào giữa khi dịch bệnh COVID-19 bùng phát. Hãng tin Reuters trích thông tin từ công ty an ninh mạng Mỹ có tên là FireEye cho biết như vậy hôm 22/4.
Theo FireEye, APT32 đã tìm cách vào các tài khoản email của các chuyên gia và nhân viên của Bộ Quản lý Khẩn cấp và chính quyền thành phố Vũ Hán để tìm kiếm thông tin dịch bệnh và các nỗ lực để kiểm soát tình hình.
Reuters trích lời ông Ben Read, quản lý cao cấp thuộc FireEye nhận định: “những vụ tấn công (của APT32) cho thấy thông tin tình báo về virus (corona) là một ưu tiên – mọi người làm mọi thứ có thể và đối với Việt Nam APT32 là cái mà Việt Nam có”.
Ông Adam Segal, chuyên gia về an ninh mạng của Hội đồng Quan hệ Quốc tế ở New York nói với Reuters rằng thông tin về những vụ tấn công của tin tặc Việt Nam như vừa nêu cho thấy “sự mất lòng tin đối với những tuyên bố của chính phủ Trung Quốc và khi Trung Quốc hắt hơi thì các láng giềng cũng bị lây cúm”.
Sau khi bệnh dịch COVID-19 bùng phát ở thành phố Vũ Hán và lan rộng ở Trung Quốc, Việt Nam đã nhanh chóng có các biện pháp kiểm soát nguồn lây bệnh từ Trung Quốc như tăng cường kiểm soát biên giới, ngưng các chuyến bay đến và đi từ Trung Quốc.
Hiện chính phủ Việt Nam và Trung Quốc chưa đưa ra bất cứ phản ứng nào trước cáo buộc về các vụ tấn công mạng mới này.
Nhóm tin tặc APT32 cũng đã từng bị các hãng an ninh mạng nước ngoài xác định là đã thực hiện các vụ tấn công, đột nhập để lấy thông tin từ các hãng công nghệ nước ngoài. Gần đây nhất là vụ APT32 tấn công vào mạng của 2 hãng xe hơi BMW và Hyundai hồi tháng 12 năm ngoái. APT32 bị cáo buộc thực hiện các tấn công này để lấy thông tin về công nghệ cung cấp cho hãng VinFast, hãng xe hơi non trẻ của Việt Nam.
FireEye cho biết APT32 cũng nhắm đến các nhà hoạt động chính trị và các nhà hoạt động về nhân quyền ở Việt Nam.
https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/vietnam-linked-hackers-targeted-chinese-gov-over-coronavirus-response-researchers-04222020074432.html

Bắt giám đốc CDC Hà Nội

Giám đốc Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật (CDC) Hà Nội, ông Nguyễn Nhật Cảm, bị Cơ quan Cảnh sát Điều tra Bộ Công an khởi tố, bắt tạm giam. Lý do vì đã cấu kết, gian lận, thông đồng nâng khống giá trị gói thầu mua sắm thiết bị phòng chống dịch COVID-19.
Cũng trong ngày, Bộ Công an ra thông báo về kết quả điều tra xác định có một số sai phạm liên quan đến việc mua sắm thiết bị y tế phòng, chống dịch COVID-19 xảy ra tại Trung tâm y tế dự phòng (CDC) Hà Nội.
Chủ tịch Hà Nội ông Nguyễn Đức Chung cho biết, thời gian qua diễn ra tình trạng tăng giá trang thiết bị y tế, trong đó không loại trừ có sai sót trong việc mua sắm của CDC Hà Nội. Ông Chung còn nhấn mạnh quan điểm rằng cần phải điều tra và xử lý nghiêm, không nương nhẹ bất kỳ ai.
Lãnh đạo Hà Nội cũng yêu cầu Sở Y tế và các quận, huyện đã được phân bổ ngân sách phải chủ động rà soát toàn bộ việc mua sắm trang thiết bị y tế, đảm bảo đúng quy trình, đúng giá, không để xảy ra thất thoát hay tiêu cực.
Đồng thời yêu cầu Sở Y tế TP Hà Nội rà soát toàn bộ việc mua giai đoạn 1 của CDC Hà Nội của các bệnh viện, kiểm tra đã dùng những gì, còn những gì phải kiểm kê, thống kê, đưa vào kho quản lý.
Thống kê của Sở Y tế, Hà Nội hiện có khoảng 8 máy xét nghiệm Realtime PCR, khoảng 17.000 bộ xét nghiệm nhanh chưa sử dụng và hơn 340 máy trợ thở và hiện đang bổ sung kinh phí đợt 2 để mua sắm thêm máy trợ thở nâng tổng số lên hơn 370 máy.
https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/cdc-hanoi-chief-detained-for-corruption-in-anti-covid-19-equipment-procurement-04222020075556.html

Doanh nghiệp thời dịch COVID-19 phải sa thải công nhân

Vào ngày 20 tháng tư vừa qua, gần 600 công nhân Công ty may mặc Yesum Vina, với 100% vốn từ Hàn Quốc trú đóng tại Quận Thủ Đức TP HCM, tiến hành đình công.
Chị Linh, công nhân dệt may làm tại công ty Yesum Vina đã được hơn 3 năm, cho RFA biết trước đó vẫn làm việc bình thường. Nhưng đến ngày 17 tháng 4, công ty thông báo sẽ ngừng hoạt động trong thời gian tới:
“Vào ngày 17 tháng 4, có thông báo nói công ty có khó khăn, ngừng hoạt động báo trước với công nhân. Với trường hợp không xác định thời hạn thì 30 ngày; còn xác định thời hạn thì 45 ngày và phát lương chi trả là 10 tháng 5 và 30 tháng 5, nhưng sổ bảo hiểm là tới 30 tháng 6. Công nhân muốn đòi bảo hiểm vào 30 tháng 5, chứ không chịu ngày 10 và 30 tháng 6. Đình công xong thì vô lại ngày 18/4; ngày 20/4 nói sẽ giải quyết vào ngày 5/5, nhưng không bồi thường cho công nhân cái gì cả.”
Chị Linh cho biết, hiện đơn hàng chị đang may ban đầu dự tính sẽ kéo dài đến tháng 8, tuy nhiên chị và các công nhân khác vẫn nằm trong danh sách bị chấm dứt hợp đồng sắp tới với lý do dịch bệnh, dù họ có thâm niên lâu năm trong công ty. Thay vào đó, các vị trí quản lý vẫn được giữ ở lại công ty:
“Họ nói là do dịch Covid-19 nên công ty khó khăn, nhưng tùy theo đơn hàng. Đơn hàng em đang may phải đến tháng 8 mới hết đơn hàng. Công ty em công nhân lâu năm nhiều lắm, có 17-18 năm nhiều lắm, kiểu như họ muốn tống công nhân cũ đi. Nghe nói cũng có ý định là từ 2-3 tháng nữa mở cửa lại bình thường; họ xin số điện thoại các tổ trưởng để có gì liên hệ vô làm, còn công nhân mình đi ra tay không. Bởi vậy công nhân mới tính đình công hoài đó chị.”
Luật sư Nguyễn Văn Hậu, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Thương mại Luật gia Việt Nam, cho RFA biết theo quy định của Điều 38 trong Bộ luật Lao động Việt Nam, người sử dụng lao động có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trong những trường hợp bất khả kháng:
“Doanh nghiệp có quyền chấm dứt hợp đồng với người lao động khi bị ảnh hưởng dịch Covid-19, mặc dù họ đã tìm mọi biện pháp khắc phục để giảm, thu hẹp sản xuất và giảm chỗ làm việc. Nhưng trong luật lao động có quy định, nếu hợp đồng lao động không xác định thời hạn, phải báo trước cho người lao động ít nhất là 45 ngày; nếu hợp đồng xác định thời hạn, phải báo trước 30 ngày; đối với hợp đồng theo công việc nhất định, phải báo trước 3 ngày.”
Theo luật sư Hậu, khi đơn phương chấm dứt hợp đồng trong trường hợp dịch bệnh, người sử dụng lao động vẫn có trách nhiệm chi trả trợ cấp thôi việc của người lao động đã làm việc thường xuyên từ đủ 12 tháng trở lên—cứ mỗi năm làm việc, họ được nhận trợ cấp nửa tháng tiền lương:
“Thời gian làm việc để tính trợ cấp, hoặc tổng thời gian mà người lao động phải làm việc thực tế trừ đi thời gian tham gia bảo hiểm thất nghiệp và thời gian làm việc mà được người sử dụng lao động chi trả trợ cấp thôi việc. Một điểm nữa là tiền lương tính trợ cấp thôi việc là tiền lương bình quân trong hợp đồng lao động của 6 tháng liền kề trước khi người lao động thôi việc.”
Theo chuyên gia may mặc và da giày Diệp Thành Kiệt, thay vì đơn phương chấm dứt hợp đồng đối với người lao động, các doanh nghiệp đang được khuyến cáo sử dụng hình thức hoãn thời gian thực hiện hợp đồng lao động trong hoàn cảnh bất khả kháng, vì tình hình dịch bệnh rồi cũng qua, dù dài hay ngắn. Khi đại dịch đi qua và có đơn hàng trở lại, các doanh nghiệp vẫn có được nguồn lao động để tiếp tục hoạt động sản xuất của mình. Ông nhận định:
“Chúng ta nên xem đó là một động tác hợp tác với người lao động hơn là đẩy họ ra đường và vô một hoàn cảnh khó khăn. Cho nên nếu người chủ doanh nghiệp sử dụng lao động trong thời gian này sử dụng những biện pháp thiếu sự nhân văn, có thể chính sau này doanh nghiệp sẽ phải trả giá trên sự thiếu nhân văn đó. Theo thông tin chúng tôi nắm được qua nhiều đơn vị, hiện nay người lao động ở các doanh nghiệp rất chia sẻ và sẵn sang đề xuất chuyện giảm lương để doanh nghiệp giảm được chi phí hoạt động trong thời gian này.”
Chị Linh cũng cho biết, nhiều công nhân tại Yesum Vina sẵn sàng chịu tạm nghỉ không lương trong thời gian ngắn nếu công ty có gặp khó khăn, vì theo chị, trong mùa dịch bệnh sẽ rất khó tìm được công việc mới:
“Nhiều người có con nhỏ và gia đình khó khăn lắm chị. Trong mùa dịch này mà ra xin việc làm thì khó có công nhân nào tìm được công việc ổn định. Công nhân vẫn chịu dừng từ 1 đến 2 tháng không lương, nhưng công ty không chịu. Bên công nhân cũng đã đi hỏi luật sư, nhưng mà luật sư nói là phần đúng là công ty, mà (công nhân) chưa có đến Liên đoàn Lao Động gì cả vì chưa có khả năng lên đến đó.”
Luật sư Nguyễn Văn Hậu cho biết, tạm hoãn không có nghĩa là chấm dứt hợp đồng lao động, mà thay vào đó, các công nhân sẽ tạm nghỉ ở nhà và được hưởng trợ cấp của chính phủ trong thời gian đó cho đến khi họ đi làm trở lại, hợp đồng lao động được ký trước đó sẽ tiếp tục được thực thi theo quy định:
“Trong luật lao động có điều về tạm hoãn hợp đồng lao động, điều đó quy định ở Điều 32, tức là trong trường hợp người lao động ví dụ như co thai, người lao động bị tạm giữ, tạm giam, v.v, phía người lao động sẽ tạm hoãn hợp đồng lao động nào đó. Đối với người sử dụng lao động, khi hết thời hạn tạm hoãn, phải nhận người lao động trở lại làm việc và phải bố trí công việc theo hợp đồng ký kết. Trong trường hợp không bố trí đúng công việc, phải thỏa thuận công việc mới, phải sửa đổi hợp đồng lao động đó.”
Luật sư Hậu cũng thừa nhận rằng, đối với người lao động trong thời điểm hiện tại, khả năng tìm việc mới là rất khó nếu bị chấm đứt hợp đồng lao động. Đây là mối lo chính của họ.
Chính phủ Hà Nội có nghị quyết hỗ trợ cho những đối tượng bị tác động bởi dịch COVID-19 gây nên. Tuy vậy đến tuần thứ ba của tháng tư nhiều ý kiến phản ánh chưa hề nhận được khoản giúp đỡ nào từ ngân sách Nhà nước.
https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/businesses-unilaterally-terminating-contracts-during-the-pandemic-04222020094430.html

«Cuộc tiến công mùa xuân» của Việt Nam trước virus corona

Thụy My
Với chưa đầy 300 ca dương tính và không có trường hợp tử vong nào, hiện nay Việt Nam đang thành công trong việc chận đứng được nạn dịch virus corona chủng mới. Trang web của Le Monde ngày 20/04/2020 trong bài viết « Cuộc tổng tiến công mùa xuân thành công của Việt Nam chống lại Covid-19 » đã nhận định như trên.
Có một « ngoại lệ Việt Nam » chăng ? Một số nhà quan sát và báo chí châu Á tự hỏi. Quả thật là tỉ lệ người bị nhiễm rất thấp : theo số liệu của bộ Y Tế Việt Nam đến cuối tuần qua, chỉ có 268 ca bị nhiễm, 171 người đã khỏi bệnh, không có ai bị thiệt mạng vì con virus đến từ Vũ Hán (Cập nhật theo báo chí trong nước : số người khỏi bệnh đến hôm nay 21/4 là 216 người).
Đất nước nằm sát Trung Quốc đã nhanh chóng tránh được hậu quả tai hại của nạn dịch qua việc đóng cửa biên giới với người láng giềng khổng lồ từ ngày 01/02, không mở cửa lại các trường học sau kỳ nghỉ Tết nguyên đán. Việt Nam còn phong tỏa toàn quốc từ đầu tháng Tư, buộc cách ly hàng loạt một số địa phương bị coi là ổ dịch từ giữa tháng Hai.
Le Monde dẫn lời Kidong Park, đại diện Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại Hà Nội : « Việt Nam đã đánh giá nguy cơ từ đầu tháng Giêng, ít lâu sau loan báo của Trung Quốc về việc xuất hiện những ca bị lây nhiễm đầu tiên ». Qua kết quả chống dịch tốt, phó thủ tướng Vũ Đức Đam tuần trước còn loan báo rằng con virus « đang nằm trong vòng kiểm soát ».
Với mạng xã hội, khó thể giấu được một nạn dịch quy mô lớn
Ngoại lệ này không có gì là bí mật, đó là kết quả của một chính sách hiệu quả : nhận diện và theo dõi những người và những nhóm bị lây nhiễm, hoặc có nguy cơ lây nhiễm. Chiến lược này dựa trên hệ thống kiểm soát dân cư, một trong số những dấu ấn của chế độ toàn trị đang lãnh đạo cả nước kể từ khi đoàn quân cộng sản « giải phóng » Saigon năm 1975.
Một người Pháp gốc Việt mới từ Paris về thành phố Hồ Chí Minh (Saigon cũ) cách đây không lâu cho biết qua điện thoại : « Khi xét nghiệm thấy tôi bị dương tính với virus corona, lập tức tôi được yêu cầu trả lời một bảng câu hỏi, trong đó phải ghi ra tên của tất cả những người mà tôi đã gặp gỡ, tiếp xúc. Toàn bộ hành khách và phi hành đoàn của chuyến bay mà tôi đi từ Pháp, đều được xét nghiệm và cách ly ».
Người Việt kiều ẩn danh, thường xuyên qua lại giữa Paris và Việt Nam thổ lộ : « Tại Việt Nam, công an không ngần ngại đánh thức bạn vào lúc 1 giờ sáng để báo cho biết một trong những người mà bạn có quan hệ đã bị dương tính với virus. Đó là một hệ thống can thiệp sâu nhưng đa số người dân đều tuân theo ».
Việc giám sát phong tỏa cũng rất nghiêm ngặt, những ai vi phạm quy định bị trừng phạt nghiêm khắc : gần đây một công dân không đeo khẩu trang và còn đánh lại cán bộ của chốt kiểm soát phòng chống dịch, đã bị lãnh 9 tháng tù.
Đọc thêm: Virus corona : Suy ngẫm của cựu đại sứ Pháp từ giường bệnh ở Hà Nội
Một cựu đại sứ Pháp tại Việt Nam, ông Jean-Noël Poirier vừa nằm viện ở Hà Nội do bị dương tính với virus, trong một bài viết đăng trên trang mạng của tạp chí Causeur cho biết « chiến lược chống dịch của Việt Nam là đơn giản, có phần xâm phạm cuộc sống riêng tư ».
Ghi nhận tính chất « Nho giáo » của một đất nước dựa trên sức mạnh của « một nhóm người gắn bó, kỷ luật – và nếu có thể, được lãnh đạo tốt – luôn chiến thắng một đám đông các cá nhân mạnh ai nấy làm », nhà ngoại giao hoan nghênh tính hiệu quả của một chiến lược đã giúp Việt Nam đạt được « các kết quả phi thường ».
Sự trộn lẫn triết lý Nho giáo với độc đoán chính trị chừng như đã mang lại kết quả tốt : Việt Nam là một trong ba nước Đông Nam Á, cùng với Lào và Cam Bốt, không có trường hợp tử vong nào do con virus từ Vũ Hán. Nếu sự khả tín của số liệu Lào và Cam Bốt còn phải xem lại, thì chế độ Việt Nam bình thường vốn tiết kiệm thông tin, lần này đã tỏ ra minh bạch.
Ông Poirier ghi nhận : « Các bệnh viện không bị quá tải, lượng bệnh nhân nhập viện và ra viện nằm trong vòng kiểm soát ». Còn người Việt kiều bị dương tính trên đây vừa được ra khỏi bệnh viện cũng nhận xét : « Tại Việt Nam, tất cả mọi người đều dán mắt vào mạng xã hội, nên rất khó giấu nổi một nạn dịch có quy mô lớn ».
« Chơi xỏ » Trung Quốc
Trước thành công này, thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phấn khởi so sánh với cuộc « tổng tiến công mùa xuân » năm 1968, đã gây ngạc nhiên cho người Mỹ và đồng minh Việt Nam Cộng Hòa trong chiến tranh trước đây. Hà Nội còn dám « chơi xỏ » Trung Quốc, láng giềng có quan hệ ngày càng phức tạp thậm chí rất ghét nhau. Trong lúc Bắc Kinh lao vào chiến dịch « ngoại giao virus corona » với việc xuất khẩu vật liệu thiết bị y tế, Việt Nam vừa tặng nửa triệu khẩu trang cho Pháp, Đức, Ý, Tây Ban Nha và Anh…
Ngày 06/04, báo chí đã làm đậm chiến lược này khi đăng tải hình ảnh một nhóm đại sứ các nước châu Âu nhận các hộp khẩu trang từ bộ Ngoại Giao Việt Nam.
Hà Nội cũng không quên các nước láng giềng nhỏ bé của Đông Dương cũ ngay bên cạnh là Cam Bốt và Lào, nơi mà ảnh hưởng của Việt Nam trong thời gian gần đây đã bị xói mòn bởi Trung Quốc : gần 800.000 khẩu trang đã được chuyển giao cho Phnom Penh và Viêng Chăn.
Về mặt địa chính trị, quan hệ chiến lược ngày càng được củng cố với Hoa Kỳ. Washington vừa mua 450.000 bộ quần áo bảo hộ của DuPont Hazmat, được Việt Nam huy động nhân công sản xuất khẩn cấp để giúp chống dịch. Nhờ vậy tổng thống Donald Trump đã ngỏ lời cám ơn các « bạn bè » Việt Nam về thương vụ này.
Le Monde kết luận, tại Việt Nam, « cuộc tổng tiến công mùa xuân » đang tiếp diễn bằng các phương tiện khác.
http://www.rfi.fr/vi/vi%E1%BB%87t-nam/20200422-cu%E1%BB%99c-ti%E1%BA%BFn-c%C3%B4ng-m%C3%B9a-xu%C3%A2n-c%E1%BB%A7a-vi%E1%BB%87t-nam-tr%C6%B0%E1%BB%9Bc-virus-corona

Các tỉnh thành giãn cách xã hội theo 3 nhóm nguy cơ

Sau thời gian giãn cách xã hội nhằm ngăn ngừa dịch bênh COVID-19 lây lan, Việt Nam vừa phân chia các tỉnh, thành trong nước thành 3 nhóm chính gồm nhóm nguy cơ cao chỉ duy nhất thành phố Hà Nội; nhóm nguy cơ gồm Thành phố Hồ Chí Minh, Bắc Ninh, Hà Giang; và nhóm nguy cơ thấp là 59 địa phương còn lại.
Tin ngày 22 tháng tư từ truyền thông trong nước cho biết, đề xuất danh sách những địa phương thuộc các nhóm nguy cơ vừa nêu được bộ phận chuyên môn Ban Chỉ đạo đưa ra dựa trên cơ sở khoa học về phòng, chống dịch, khoa học xã hội và có tham khảo quốc tế.
Theo đó, đối với nhóm nguy cơ cao hiện chỉ có Hà Nội, Ban Chỉ đạo kiến nghị cần tiếp tục áp dụng Chỉ thị 16 đến hết 30/4. Tuy nhiên, Ban Chỉ đạo đề xuất Thủ tướng cho phép chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố quyết định theo thẩm quyền việc mở các cửa hàng kinh doanh hàng hóa, dịch vụ không thiết yếu, các loại hình kinh doanh đường phố và theo tình hình thực tiễn tại địa phương nhưng phải bảo đảm phòng, chống dịch.
Đối với nhóm nguy cơ: Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố quyết định theo thẩm quyền việc mở các cửa hàng kinh doanh hàng hóa, dịch vụ không thiết yếu, các loại hình kinh doanh đường phố và theo tình hình thực tiễn tại địa phương nhưng phải bảo đảm phòng, chống dịch.
Đối với nhóm nguy cơ thấp: Các cửa hàng kinh doanh hàng hóa, dịch vụ không thiết yếu được phép hoạt động, phải thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng chống dịch bệnh cho người mua hàng; yêu cầu khách hàng phải thực hiện giãn cách đúng quy định. Chủ cửa hàng phải chịu trách nhiệm về các biện pháp phòng, chống dịch của cơ sở do mình quản lý.
Bên cạnh đó, đối với các địa phương có cửa khẩu, khu công nghiệp lớn, có nhiều lao động tự do ở các thành phố lớn… cần hết sức chú trọng công tác phòng, chống dịch cho các nhóm đối tượng này.
https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/provinces-and-cities-are-social-distancing-according-to-3-risk-groups-04222020095841.html

Người nghèo vẫn chờ tiền Chính phủ hỗ trợ do dịch COVID-19

Cao Nguyên
Để đối phó với những ảnh hưởng của dịch COVID-19, ngày 8/4/2020, Chính phủ Việt Nam ban hành gói an sinh xã hội trị giá 62.000 tỷ đồng, với ước tính sẽ có khoảng 20 triệu người sẽ nhận được hỗ trợ, tuỳ đối tượng, trong vòng 3 tháng, từ tháng Tư đến tháng Sáu năm nay.
Có sáu nhóm chính sẽ nhận được tiền hỗ trợ. Phát biểu về gói an sinh xã hội được cho là “chưa từng có” này, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói rằng mục tiêu là “không để ai bị bỏ lại phía sau”, cũng như đốc thúc “phải làm nhanh hơn vì cuộc sống người dân không thể chờ đợi hơn.”
Tuy nhiên, cho đến ngày 21 tháng Tư, nhiều người mà Đài Á Châu Tự do liên hệ thuộc sáu nhóm được hỗ trợ đều cho biết chỉ nghe thông tin trên báo đài vậy thôi chứ chưa nhận được tiền và nhiều người vẫn đang chờ đợi sự hỗ trợ của Chính phủ.
Ngọc Minh, nhân viên làm việc tại một khách sạn ở Phú Quốc phải nghỉ làm không lương từ đầu tháng Ba do toàn bộ nhà hàng khách sạn ở hòn đảo này bị ngưng hoạt động, cho biết hiện nay chưa rõ làm sao để nhận được tiền hỗ trợ mà Chính phủ hứa:
Chắc là mai mốt có xe về quê lại thì em mới lên xã khai báo để nhận tiền chứ giờ chưa có
Ông Long Trần, một lao động tự do ở Sài Gòn cho biết mình cũng không thể làm gì từ ngày có chỉ thị “cách ly xã hội”. Dù vậy, ông Long cho rằng vẫn có thể xoay sở được nên không quan tâm và cũng sẽ không nhận hỗ trợ của Chính phủ:
Tôi không quan tâm, có cũng không cần nữa, lấy làm chi mấy cái đó. Để cho người khác cần hơn chứ đối với anh nó không đáng. Tôi xoay sở được, không có việc này mình tìm việc khác.”
Trần Thắng, là chủ một khách sạn ở Hà Tĩnh cho biết từ hơn một tháng nay, ông thất thoát gần 100 triệu đồng do khách sạn không thể hoạt động. Nhân viên cũng phải nghỉ việc không lương. Ông Thắng chỉ nghe Sở Tài chính của Tỉnh thông báo về gói hỗ trợ này chứ cũng chưa ai nhận được tiền.
Ông Nguyễn Văn Quang là một người khuyết tật bán vé số ở TP.HCM chia sẻ với RFA rằng cuộc sống của ông khó khăn hơn rất nhiều kể từ khi dịch COVID-19 bùng phát, rồi nhà nước lại ra lệnh tạm ngưng việc buôn bán vé số khiến ông không có thu nhập. Công ty sổ số kiến thiết cũng chỉ hỗ trợ cho người bán vé số 750 ngàn đồng:
Hiện tại Chính phủ đang tạm ngưng cho những người bán vé số hoạt động, chờ lệnh mới, cũng chưa biết tới chừng nào. Nhưng mà bây giờ ngay mùa dịch Corona này tụi mình phải chịu chấp nhận cảnh đó để giữ gìn sự sống và đừng để lây lan chứ biết làm sao.
Mình ở trọ, ông chủ nơi mình ở đưa danh sách lên phường, rồi ở phường họ biết mình bán vé thì họ giúp đỡ cho 750 ngàn đồng. Tiền đó là do xổ số kiến thiết gửi. Phường cũng cho thêm 200 ngàn đồng với gạo và mấy gói mì.
Còn thông tin về gói hỗ trợ an sinh xã hội cho những người nghèo, người lao động không có hợp đồng thì ông Quang hoàn toàn không biết:
Cái đó thì hoàn toàn chú không biết. Khi nào ai kêu thì mình nhận, không kêu thì thôi. Bây giờ cũng khổ lắm ai thương cho thì ăn chứ mình cũng không đòi hỏi gì.
Hiện giờ mặc dù đã 77 tuổi nhưng chú vẫn hy vọng mau hết mùa dịch này để còn ra đường bươn chải. Cuộc sống của chú đã hơn 40 năm gắn liền với việc bán vé số này rồi.”
Tự giúp nhau trong khi chờ Chính phủ
Trong tình cảnh hiện tại, khi không thể làm việc mà cũng chưa nhận được sự hỗ trợ từ Chính phủ, người dân chỉ biết nương tựa nhau, giúp nhau vượt qua giai đoạn khó khăn này.
Thay vì đợi Chính phủ giúp đỡ, nhiều người có lòng hảo tâm trên cả nước đã phát thực phẩm, nhu yếu phẩm, khẩu trang… cho những ai không có điều kiện.
Những điểm phát quà với khẩu hiệu “nếu khó khăn hãy lấy một phần, nếu bạn ổn xin nhường lại cho người khác”, siêu thị 0 đồng hoặc phát kiến ATM gạo nhanh chóng được hưởng ứng khắp cả nước.
Ông Quang chia sẻ rằng hiện giờ mình chỉ nhờ vào lòng thương của mọi người để sống qua ngày:
Bây giờ bị đóng cửa ở nhà không làm gì hết, người này cho gạo, người kia cho tiền có mà xài vậy thôi, cũng ăn tạm sống qua ngày.
Nhà trọ bây giờ đang ở mà cũng không có tiền để đóng. Chủ trọ cho thay vì mỗi lần 2 triệu thì nay giảm còn một triệu. Gạo thóc thì người ta cũng cho ăn, nhưng có cái là không được sung sướng như hồi đi bán vé số muốn ăn gì cũng có, còn bây giờ như vậy thì cũng phải chịu, dịch chung mà ai cũng phải vậy hết.
Nhiều người giúp đỡ hoàn cảnh khó khăn cũng có đem đến cho chú mỗi ngày một phần cơm. Cuộc sống mình đơn giản thì nó cũng được thôi. Nói chung là mạnh thường quân có lòng hảo tâm họ cũng giúp đỡ mỗi người một ít thì cũng đủ sống.”
Hiện nay, ở nhiều góc phố Hà Nội có treo tấm bảng “Hỗ trợ thực phẩm miễn phí” kèm theo số điện thoại để người nghèo có thể liên hệ nhận quà.
Chị Trang, một người trong nhóm thiện nguyện này cho RFA biết về nguyên do “ship quà tận nơi” là để tránh tập trung đông người, phòng ngừa khả năng lây nhiễm chéo cho nhau:
Thực ra bọn em không phải là từ cơ quan, tổ chức, đoàn thể nào cả. Vì việc phong tỏa toàn thành phố Hà Nội nên đã có rất nhiều người vô gia cư và lao động nghèo từ các tỉnh thành khác bị kẹt lại ở đây. Mà nếu ở lại Hà Nội thì cũng phải duy trì các chi phí sinh hoạt ví dụ như vẫn phải trả tiền thuê nhà, rồi phải lo cho việc ăn uống mà lại không có điều kiện đi lao động bởi vì các cơ sở đều phải đóng cửa hết.
Đó là lý do mà mấy chị em mỗi người đóng góp một chút để đầu tiên là chỉ giải quyết tạm thời cứu trợ thực phẩm đến với những người vô gia cư, người già neo đơn và những người lao động nghèo. Họ làm những công việc như lao công, nhặt rác mà không được một sự trợ cấp hoặc hỗ trợ nào từ phía Chính quyền. Bọn em đã phát động chương trình này cách đây hai tuần trước.”
Chị Trang còn cho biết thêm rằng những người mà nhóm tặng quà, giúp đỡ đa phần là vô gia cư, bệnh tật và chưa ai nhận được tiền hỗ trợ từ Chính phủ. Ngoài ra, các phát biểu khác của ông Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc như giảm giá điện, giá thực phẩm cũng chưa thấy gì:
Giá điện vẫn chưa thấy được thông báo giảm, giá xăng thì có giảm, còn thịt cá thì hôm qua em vừa đi mua là khoảng 17 nghìn một lạng, 170 nghìn một ký.
Trước đó, từ ngày 20/3, ông Phúc phát biểu rằng sẽ kiên quyết đưa giá thịt xuống trong thời gian tới, còn khoảng 60.000 đồng/kí để giảm gánh nặng cho người dân trong mùa dịch bệnh.
Trong khi những cam kết hỗ trợ, giúp đỡ dân vẫn chưa được thực thì vào  ngày 21/4, mạng báo VnExpress đưa tin MTTQ huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế thời gian qua đã cử cán bộ đến “gõ cửa” hộ dân kêu gọi góp tiền chống COVID -19. Các hộ nghèo, hộ cận nghèo được miễn, các hộ dân khác ủng hộ mỗi hộ ít nhất 20.000 đồng.
https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/the-poor-waiting-for-gov-supports-in-covid-19-pandemic-04212020192026.html

0 comments

Leave a comment

Powered by Blogger.