Hải Ngoại Ngày Nay


LIÊN KẾT HẢI NGOẠI YỂM TRỢ QUỐC NỘI ĐẤU TRANH

GIẢI THỂ CHẾ ĐỘ ĐỘC TÀI VIỆT CỘNG

GIẢi TRỪ HIỂM HỌA XÂM LĂNG TRUNG CỘNG

Tin Biển Đông – 22/04/2020

Wednesday, April 22, 2020 3:41:00 PM // ,

Tin Biển Đông – 22/04/2020

Tàu chiến Mỹ, Úc cùng tham gia tập trận trên Biển Đông

Bộ Quốc phòng Úc cho hay đã điều tàu chiến đến tập trận trên Biển Đông cùng các tàu của Mỹ.
Bộ Quốc phòng Úc ngày 22.4 cho biết tàu hộ vệ tên lửa HMAS Parramatta (thuộc lớp Anzac) của Hải quân Hoàng gia Úc đã tập trận với các tàu chiến Mỹ ở Biển Đông.
Úc duy trì một chương trình giao lưu quốc tế mạnh mẽ với các nước trong và quanh khu vực Biển Đông trong nhiều thập niên, theo Twitter chính thức của Bộ Quốc phòng Úc. Thông tin cũng được dẫn lại trên Twitter của Bộ Tư lệnh Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương của Mỹ.
Các tàu chiến tại cuộc tập trận
Cụ thể, tàu HMAS Parramatta tham gia tập trận với các tàu của Mỹ gồm tàu tấn công đổ bộ USS America, tàu tuần dương mang tên lửa dẫn đường USS Bunker Hill và tàu khu trục USS Barry. Tuy nhiên, Bộ Quốc phòng Úc không nói rõ thời điểm tập trận.
Trước đó vào ngày 21.4, Hải quân Mỹ xác nhận có 2 tàu USS America và USS Bunker Hill đang hoạt động ở Biển Đông, sau khi có thông tin nhóm tàu khảo sát Hải Dương Địa chất 8 của Trung Quốc hiện diện tại vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Malaysia.
Người phát ngôn Bộ Tư lệnh Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, bà Nicole Schwegman, cho biết sự hiện diện và hoạt động liên tục ở Biển Đông giúp Mỹ thúc đẩy tự do hàng hải và hàng không cùng các nguyên tắc quốc tế làm nền tảng cho an ninh và thịnh vượng cho khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương.

“Lưỡi bò” thời Covid-19

Ngày 20-3, truyền thông Trung Quốc, không giấu sự hoan hỷ, khoe khoang rằng, TQ đã xây dựng hai “trạm nghiên cứu” mới tại đá Chữ Thập và đá Subi – hai thực thể Biển Đông bị Trung Quốc chiếm đóng trái phép ở quần đảo Trường Sa của Việt Nam, với mục đích “hỗ trợ điều tra thực địa và nghiên cứu khoa học về sinh thái, địa chất và môi trường” (?).
Đá Subi ở quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền của VN
Giải thích của Bắc Kinh khó ai tin. Tin vào lời TQ là “đặt niềm tin sai chỗ” – nhưTiến sĩ Patrick Cronin – Chủ tịch chương trình An ninh châu Á – Thái Bình Dương, Viện Nghiên cứu Hudson, Mỹ – cảnh báo. Chuyên gia này còn nhấn mạnh rằng: “…suốt nhiều năm qua (TQ) đã phá hoại hệ sinh thái biển”, và còn “nhiều lần quấy rối vùng biển và tàu bè của VN, Malaysia, PLP, Indonesia…”.
Vậy nên, cái gọi là “trạm nghiên cứu” kia, theo đánh giá của nhiều người, thực chất phục vụ cho hoạt động quân sự trên các đảo TQ cưỡng chiếm, xây dựng trái phép. Và để hoàn thành hai trạm nghiên cứu vào trung tuần tháng 3, TQ đã tiến hành xây dựng gấp rút từ trước đó, kể cả những ngày dịch nặng nề nhất diễn ra tại Vũ Hán.
Chưa nguôi câu chuyện “trạm nghiên cứu”, TQ lại gây một “vụ Cỏ Rong” mới: cho tàu hải cảnh đâm chìm tàu cá ngư dân VN ngày 2/4 hành nghề trên ngư trường truyền thống. Hành động vô nhân đạo này khiến dư luận nổi giận. Ngay cả PLP vốn “giữ ý” lời lẽ trước Bắc Kinh, cũng ra tuyên bố phê phán ông bạn phương Bắc ở mức “trên bình thường” – theo nhận định của dư luận.
Bỏ ngoài tai sự lên án của dư luận; phớt lờ phản đối của Mỹ, chỉ hai tuần sau vụ đâm chìm tàu cá VN, ngày 18-4, mạng lưới truyền hình toàn cầu TQ (CGTN) loan tin nước này đã thông qua quyết định thành lập cái gọi là “quận Tây Sa” và “quận Nam Sa” thuộc “thành phố Tam Sa”.
Thời báo Hoàn cầu còn dẫn lời Trương Tôn Sự thuộc Viện nghiên cứu quân sự Trung Quốc: “8 năm sau khi Trung Quốc lập thành phố Tam Sa, giờ là lúc chia nhỏ với các huyện khác nhau với trách nhiệm bảo vệ chủ quyền” – một kiểu nói như muốn thách thức cộng đồng quốc tế.
Liên quan đến cái gọi là “Tam Sa”, hẳn mọi người còn nhớ, nó là “đơn vị hành chính” TQ ngang ngược thành lập năm 2012 để tự cho mình quyền quản lý quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa (của VN), bất chấp sự phản đối kịch liệt của VN và phê phán của dư luận quốc tế.
Với hành động tiếp theo ngày 18/4, rõ ràng, những lời phê phán, lên án, cho dù mạnh mẽ đến đâu, cho dù của ai, cũng chưa hề làm TQ bớt hung hăng.
Chỉ một ngày sau, ngày 19/4, Bắc Kinh tiếp tục thể hiện là kẻ vô pháp hiện đại khi để Bộ Dân chính nước này công bố cái gọi là ‘danh xưng tiêu chuẩn’ của “25 đảo, đá và 55 thực thể địa lý dưới biển ở biển Đông”, trong đó, có những bãi cạn nằm sâu trong vùng đặc quyền kinh tế của VN; thậm chí, có điểm chỉ cách bờ biển VN chưa đầy 60 hải lý hoặc đường cơ sở VN khoảng 50 hải lý, khiến dư luận VN sôi sùng sục, cũng như khiến các nước láng giềng cũng có tuyên bố chủ quyền trên biển Đông không thể không lo ngại.
Những ngày này, lại thêm một lo ngại nữa khi TQ cho tàu khảo sát địa chất Hải Dương 8 di chuyển xuống biển Đông. Nên nhớ, đây chính là tàu đã thực hiện cái gọi là “khảo sát địa chất” trong vùng đặc quyền kinh tế của VN năm 2019. Trước sự nghi vấn của dư luận quốc tế, Bộ Ngoại giao Trung Quốc ngày 14/4 nói rằng tàu Hải dương 8 “không làm gì bất thường”.
Lại giọng lưỡi Bắc Kinh ! Chỉ cần nhớ, đây cùng là câu trả lời của Bắc Kinh vào năm 2019, khi tàu Hải dương 8 tiến hành khảo sát tại khu vực Bãi Tư Chính thuộc vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Việt Nam trong nhiều tháng, đủ biết Bắc Kinh quan niệm như thế nào là “không làm gì bất thường”.
Không khó để nhìn thấu tim đen của TQ khi thực hiện những hành động mới, trắng trợn nêu trên. Cho dù những hành động đó không thay đổi hiện trạng trên biển Đông nhưng chắc chắn, nó là một bước đi có tính toán nhằm nhằm hiện thực hóa yêu sách chủ quyền và hợp thức hóa việc chiếm giữ các đảo, thực thể trên biển Đông cũng như muốn tiến thêm một bước trong việc “bình thường hóa” các hành vi vi phạm luật pháp quốc tế của họ.
Còn về việc TQ thực hiện dồn dập các hành động gây hấn trên vào thời điểm này thể hiện điều gì ?
Câu trả lời không khó: TQ chơi trò tiểu nhân, coi khó khăn của người làm cơ hội của mình, chọn thời điểm cả thế giới đang bận rộn tập trung chống dịch Covid-19, Mỹ thành ổ dịch lớn nhất, còn mình thì đã qua đỉnh dịch, qua giai đoạn khủng hoảng nghiêm trọng nhất, để tiến thêm một bước mới trong âm mưu biến biển Đông thành “ao nhà” của họ.

Việt Nam theo dõi sát tình hình phức tạp ở Biển Đông

Liên quan đến những diễn biến phức tạp hiện nay trên Biển Đông, Việt Nam đã lên tiếng mong muốn quyền, lợi ích chính đáng, hợp pháp của các quốc gia được tôn trọng.
Phát ngôn nhân Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng ngày 21/4 đã lên tiếng như vậy khi trả lời câu hỏi của phóng viên về vấn đề phức tạp gần đây ở lãnh hải của một số quốc gia Đông Nam Á.
Vietnamplus đã loan tin này vào cùng ngày.
Bà Lê Thị Thu Hằng nói thêm rằng Việt Nam luôn theo dõi sát tình hình ở Biển Đông.
“Việt Nam chân thành mong muốn quyền, lợi ích chính đáng, hợp pháp của các quốc gia phù hợp với Công ước của Liên hợp quốc về luật Biển 1982 được tôn trọng; các bên liên quan phải có trách nhiệm tuân thủ luật pháp quốc tế, Công ước của Liên hợp quốc về luật Biển 1982, thể hiện cam kết phát triển quan hệ hữu nghị giữa các quốc gia và hoà bình, ổn định, hợp tác ở Biển Đông, khu vực và trên thế giới”.
Được biết, tàu khảo sát Hải Dương 8 và nhóm tàu hộ tống của Trung Quốc đã và đang tiến hành khảo sát trong vùng đặc quyền kinh tế của Malaysia, gần khu vực khai thác của hãng dầu khí quốc gia Malaysia Petronas, cũng gần vùng biển chồng lấn giữa Việt Nam và Malaysia từ ngày 18/4.
Hôm 19/4 tờ Hoàn Cầu Thời Báo của Đảng Cộng sản Trung Quốc cho hay Bắc Kinh đã công bố “danh xưng tiêu chuẩn” cho hàng chục đảo và bãi đá ở khu vực Biển Đông, một hành động mà nước này gọi là để khẳng định chủ quyền của Trung Quốc ở vùng biển đang tranh chấp.
Cùng lúc đó, Bộ Dân Chính và Bộ Tài Nguyên Trung Quốc cũng đã công bố các tên, kinh độ và vĩ độ đối với 25 đảo và 55 thực thể địa lý dưới biển ở khu vực này.
Trong ngày 21/4, Reuters cho biết Mỹ đã đưa hai chiến hạm đến Biển Đông giữa lúc Trung Quốc và Malaysia căng thẳng và cho biết sự hiện diện của hai tàu chiến Mỹ cũng nhằm mục đích kêu gọi Trung Quốc ngừng hành động bắt nạt ở vùng biển tranh chấp.

0 comments

Leave a comment

Powered by Blogger.