Hải Ngoại Ngày Nay


LIÊN KẾT HẢI NGOẠI YỂM TRỢ QUỐC NỘI ĐẤU TRANH

GIẢI THỂ CHẾ ĐỘ ĐỘC TÀI VIỆT CỘNG

GIẢi TRỪ HIỂM HỌA XÂM LĂNG TRUNG CỘNG

Tin Việt Nam – 20/03/2020

Friday, March 20, 2020 5:40:00 PM // ,

Tin Việt Nam – 20/03/2020

Cán bộ, công chức gây nợ – ai sẽ trả?

Diễm Thi, RFA
Vì sao vỡ nợ?
Huyện uỷ và UBND huyện Yên Định, Thanh Hóa đang nợ khoảng 52 tỷ đồng. Trong đó UBND huyện Yên Định đang nợ khoảng 23 tỷ đồng, còn Huyện ủy nợ khoảng 29 tỷ đồng. Lý do nợ được nêu là tiền sửa sang cơ sở vật chất công sở Huyện ủy, UBND huyện; tiền xăng xe đi công tác của lãnh đạo; tiền sửa xe; tiền quà tặng các dịp đại hội, lễ kỷ niệm; tiền mua sắm bàn ghế, tổ chức tiếp khách, ăn uống; tiền khen thưởng cho cá nhân, tập thể trên địa bàn…
Ông Lưu Vũ Lâm, Chủ tịch UBND huyện Yên Định cho báo chí trong nước biết số nợ này chủ yếu tập trung vào các năm từ 2013 đến năm 2015 và hiện tại thì địa phương không thể chi trả vì không có hóa đơn chứng từ.
Bà Ngô Thị Hoa, nguyên Chủ tịch UBND huyện Yên Định giai đoạn 2012 – 2015 xác nhận trong thời gian bà đương chức, việc chi tiêu và nợ nần nhiều người cả trong và ngoài cơ quan bà có biết nhưng “con số cụ thể nợ bao nhiêu, chi như thế nào thì không nắm rõ”.
Rất nhiều nơi các sếp rủ nhau ăn nhậu ở các nhà hàng quen rồi cho nhân viên ở lại lấy hóa đơn về thanh toán với kế toán. Họ gọi đó là những khoản tiền tiếp khách. – Ông Đường Văn Thái
Ông Đường Văn Thái, người từng có 10 năm làm việc trong cơ quan công quyền Hà Nội, cũng là một nhà báo cho hay, các khoản nợ phát sinh do rất nhiều lý do. Một phần họ không có tiền nhưng vung tay quá trán. Một phần do các doanh nghiệp, các lãnh đạo phòng ban khác muốn lấy lòng các sếp lớn nên cứ chi tiền ra trước. Đa số các khoản chi đều không có chứng từ nên không ai biết, không ai lo. Một hóa đơn ăn nhậu của các sếp lên đến mấy chục triệu đồng. Các sếp thì cứ vô tư tiêu xài mặc cho ngân sách không còn và quỹ đang âm hàng chục tỷ.
Ông Thái nói:
“Chuyện ăn nhậu là chuyện nhỏ. Họ còn cố tính vung tay quá trán. Biết không có tiền nhưng vẫn cố tình vẽ ra những dự án để tham nhũng.
Rất nhiều nơi các sếp rủ nhau ăn nhậu ở các nhà hàng quen rồi cho nhân viên ở lại lấy hóa đơn về thanh toán với kế toán. Họ gọi đó là những khoản tiền tiếp khách. Nhưng những hóa đơn này cũng bị kê giá cao hơn để ăn chênh lệch. Ví dụ ăn hết 500 ngàn thì viết hóa đơn 800 ngàn.”
Thông tư số 71/2018 của Bộ Tài Chính có quy định về việc tiếp khách trong nước phải tiết kiệm, không phô trương hình thức và thành phần tham dự chỉ là những người trực tiếp liên quan. Các khoản chi cho tiếp khách này không được sử dụng kinh phí từ ngân sách nhà nước.
Việc lạm chi ngân sách hay ăn xài quá trớn của các cán bộ huyện Yên Định tỉnh Thanh Hóa bị báo chí đưa tin khiến người dân sửng sốt với con số 52 tỷ đồng không phải là trường hợp duy nhất và đầu tiên.
Cuối năm 2019, Thanh tra tỉnh Gia Lai công bố sai phạm về việc sử dụng các nguồn kinh phí tại UBND huyện Chư Sê trong năm 2016 và 2018. Số tiền sai phạm tại UBND huyện và các đơn vị liên quan cần phải thu hồi vào ngân sách hơn 4,1 tỷ đồng. Trong đó tiền tiếp khách là hơn 1 tỷ đồng.
Ông Nguyễn Khắc Mai, nguyên Vụ trưởng Vụ Nghiên cứu – Ban Dân vận Trung ương nhận định đây là vấn đề nan giải. Muốn thay đổi thì việc trước tiên là phải thay đổi thể chế chính trị. Ông nói:
“Không phải chỉ một nơi đâu. Nhiều nơi lắm. Số nợ đang còn rất là nhiều. Hiện nay ngân sách thu không đủ chi. Luôn luôn lạm chi. Năm nào cũng thế. Thành ra đây là một việc nan giải của chính quyền hiện nay. Số nợ vay của các địa phương là rất nhiều, chưa có cách gì thu hồi lại cho Nhà nước.
Cái này là một quả bóng. Nó phình lên thì đến lúc nó sẽ vỡ thì là chuyện lớn chứ không đơn giản đâu. Cái lớn nhất hiện nay là làm sao để họ trả lại quyền làm chủ xã hội cho người dân.”
Ai sẽ trả nợ?
Thông tư về tổ chức thực hiện dự toán ngân sách nhà nước năm 2019 quy định, các khoản chi tiêu dùng cho bộ máy chính quyền cấp huyện sẽ được chi từ nguồn ngân sách địa phương. Hàng năm sẽ phải tiến hành lập dự toán ngân sách, đối với Ủy ban nhân dân cấp huyện quyết định ứng trước dự toán ngân sách năm sau của cấp mình; định kỳ 6 tháng báo cáo Thường trực Hội đồng nhân dân, báo cáo Hội đồng nhân dân cùng cấp tại kỳ họp gần nhất.
Như vậy, việc chi tiêu dùng sẽ phải nằm trong định mức đã được cho phép. Với những khoản chi vượt mức ngân sách như vậy thì ai sẽ trả nợ?
Ông Đường Văn Thái cho hay:
“Bây giờ giải quyết hậu quả thì chắc chắn sẽ lấy từ ngân sách mang ra trả. Mà ngân sách là tiền thuế của dân chứ chắc chắn không ông bà nào bỏ tiền túi ra trả cả. Tôi làm ở UBND huyện Đông Anh 10 năm nên biết rõ. Toàn bộ là vẽ hươu vẽ vượn để rút ruột tiền ngân sách.
Khi chuyện đã vỡ lở như ở Thanh Hóa thì họ sẽ trích từ ngân sách ra, còn những nơi chưa bị lộ thì họ sẽ nâng khống những khoản chi khác để bù đắp vào những khoản nợ nhằm xử lý êm đẹp mọi chuyện. Khi thanh tra đến quyết toán sẽ không thấy dấu vết nữa.”
Chuyện lãnh đạo các tỉnh vi phạm chỉ bị cách chức hay rút kinh nghiệm là chuyện người dân thấy quá rõ từ xưa đến nay.
Lâu nay những địa phương gây nhưng khoản nợ như thế vẫn cứ ỳ ra. Nó đi tới chỗ đề nghị giải tỏa hay xóa nợ chứ khả năng địa phương đó trả nợ là không có đâu! – Ông Nguyễn Khắc Mai
Có thể dẫn chứng việc Trưởng phòng Cảnh sát Hình sự, Trưởng phòng An ninh điều tra, Trưởng và Phó phòng CSGT Đồng Nai bị cách hết mọi chức vụ trong đảng vào ngày 7/3/2020.
Theo Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy, trong thời gian giữ các chức vụ, bốn cán bộ trên chịu trách nhiệm về một số vi phạm trong lĩnh vực được phân công liên quan đến xử lý sai quy trình một số vụ án.
Trước đó, tháng 8/2019, Ủy ban Kiểm tra Trung ương xác định Ban Thường vụ Đảng ủy Công an Đồng Nai đã vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ và quy chế làm việc; thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, chỉ đạo, thiếu kiểm tra, giám sát.
Ông Nguyễn Khắc Mai kết luận:
“Lâu nay những địa phương gây nhưng khoản nợ như thế vẫn cứ ỳ ra. Nó đi tới chỗ đề nghị giải tỏa hay xóa nợ chứ khả năng địa phương đó trả nợ là không có đâu!”
Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan bày tỏ với RFA rằng, dịch cúm lần này ảnh hưởng khá nhiều đến nền kinh tế, rất nhiều doanh nghiệp khó khăn, chính phủ đang phải lo tìm cách hỗ trợ doanh nghiệp. Nên bất cứ nơi nào dùng tiền ngân sách vào những việc không mang lại lợi ích kinh tế xã hội đều là việc không nên làm.
https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/public-officials-causing-debt-who-will-pay-dt-03192020142501.html

Chính quyền dùng vụ án Luật sư Trần Vũ Hải

trốn thuếđể khuyến cáo người dân: Dư luận nói gì?

Lần đầu tiên đưa ra khuyến cáo
Báo mạng Pháp Luật TP.HCM, vào ngày 19/3 dẫn lời của ông Nguyễn Văn Thắng, Chi cục trưởng Chi cục Thuế thành phố Nha Trang rằng  đây là lần đầu tiên cơ quan này đưa ra khuyến cáo để người nộp thuế biết khi giao dịch bất động sản.
Thông báo của Chi cục Thuế thành phố Nha Trang đã trưng dẫn vụ án hình sự liên quan Luật sư Trần Vũ Hải, được ghi nhận là vụ án trốn thuế đầu tiên về giao dịch bất động sản ở địa phương, để cảnh giác người dân không vi phạm pháp luật.
Tòa án tỉnh Khánh Hòa, vào ngày 21/2 vừa qua, đã tuyên bản án phúc thẩm y án sơ thẩm đối với 4 bị can trong vụ án trốn thuế khi giao dịch, chuyển nhượng nhà đất tại thành phố Nha Trang. Hai bị can trong vụ án là vợ chồng Luật sư Trần Vũ Hải, mỗi người bị tuyên 12 tháng cải tạo không giam giữ, phạt bổ sung mỗi người 20 triệu đồng. Hai bị can còn lại gồm ông Ngô Văn Lắm và bà Nguyễn Thị Ngọc Hạnh, mỗi người bị tuyên 18 tháng cải tạo không giam giữ, phạt bổ sung 50 triệu đồng.
Là người theo dõi sát sao vụ án vợ chồng Luật sư Trần Vũ Hải bị cáo buộc tội trốn thuế, cựu tù nhân nhân quyền-Nhà báo Nguyễn Đình Ngọc, vào tối ngày 19/3 lên tiếng về việc Chi cục Thuế thành phố Nha Trang dùng vụ án này để khuyến cáo người dân:
“Việc đưa ra chuyện Luật sư Trần Vũ Hải để khuyến cáo người dân thì đó chỉ là một sự răn đe mà thôi. Điều này sẽ không có giá trị gì trong thực tế cho tương lai, đặc biệt trong thời điểm dịch virus Vũ Hán hiện nay khi thị trường bất động sản hoàn toàn bị tê liệt nên những lời của họ chỉ mang tính chất răn đe và muốn khẳng định rằng họ có pháp luật.”
Đài RFA liên lạc với Luật sư Trịnh Vĩnh Phúc, một trong những luật sư tham gia bào chữa cho vụ án trốn thuế liên quan Luật sư Trần Vũ Hải và được ông chia sẻ quan điểm đối với thông báo vừa nêu của Chi cục thuế thành phố Nha Trang. Qua ứng dụng messenger, Luật sư Trịnh Vĩnh Phúc khẳng định:
“Động thái tuyên truyền pháp luật qua dẫn chứng bằng vụ án thì không trái pháp luật, thậm chí còn cho thấy họ tỏ ra “khôn ngoan” trong ứng biến tình huống…Có điều lấy vụ án mà bị án đang kêu oan, dư luận xã hội đang có 2 luồng đối nghịch, tức chưa có sự đồng thuận, thậm chí gây phẫn nộ của nhiều người, nhất là giới luật sư và cộng đồng mạng, thì quả là một việc làm thiếu nhân văn, lợi bất cập hại.”
Hiểu biết rõ hơn về chính sách bất cập trong đất đai và thuế?
Vào ngày 22/2, tức một ngày sau khi Tòa án tỉnh Khánh Hòa xét xử phiên phúc thẩm, qua trang Facebook cá nhân, Luật sư Trần Vũ Hải tổ chức một cuộc hội đàm trực tuyến cùng với 5 vị luật sư để cung cấp thông tin chi tiết trong tòa phúc thẩm cũng như cho biết những tình tiết liên quan pháp lý chưa được xét xử rõ ràng và công minh tại phiên tòa. Các luật sư tham gia cuộc hội đàm bao gồm Nguyễn Thị Hoàng Anh, Trần Hồng Phong, Nguyễn Văn Miếng, Phạm Văn Thọ và Trịnh Vĩnh Phúc. Nội dung cuộc hội đàm được các luật sư lần lượt phân tích xoay quanh 5 điểm chính: trong số 4 bị cáo ai là người trốn thuế, giá trị pháp lý của kết luận giám định đúng hay không, cần xác định bị cáo Nguyễn Thị Ngọc Hạnh thuộc đối tượng được miễn thuế hay không và nếu thuộc trường hợp được miễn thuế thì không có hành vi phạm tội, thẩm quyền thụ lý và xét xử vụ án cả cấp sơ thẩm và phúc thẩm tại Khánh Hòa được khách quan hay không, cần lãm rõ vai trò đồng phạm giúp sức của vợ chồng Luật sư Trần Vũ Hải như thế nào?
Nhà báo Nguyễn Đình Ngọc khẳng định tòa án tỉnh Khánh Hòa có mưu đồ trong quyết định áp đặt tội trốn thuế lên Luật sư Trần Vũ Hải. Nhà báo Nguyễn Đình Ngọc lý giải:
Động thái tuyên truyền pháp luật qua dẫn chứng bằng vụ án thì không trái pháp luật, thậm chí còn cho thấy họ tỏ ra “khôn ngoan” trong ứng biến tình huống…Có điều lấy vụ án mà bị án đang kêu oan, dư
luận xã hội đang có 2 luồng đối nghịch, tức chưa có sự đồng thuận, thậm chí gây phẫn nộ của nhiều người, nhất là giới luật sư và cộng đồng mạng, thì quả là một việc làm thiếu nhân văn, lợi bất cập hại
-Luật sư Trịnh Vĩnh Phúc

“Vụ án của Luật sư Trần Vũ Hải mà cho rằng trốn thuế thu nhập cá nhân, theo quan điểm của tôi với tư cách tôi đã từng kinh doanh về bất động sản, thì tôi cho rằng không có một chút thuyết phục nào hết. Nếu xử Luật sư Trần Vũ Hải có tội trong việc trốn thuế thì phá sản hoàn toàn thị trường bất động sản nếu họ vẫn tiếp tục. Bởi vì:
-Thứ nhất, căn cứ hiện nay thì không có một căn cứ pháp lý nào để đủ buộc tội Luật sư Trần Vũ Hải là tội trốn thuế.
-Thứ hai, tất cả mọi giao dịch mua bán ở tại Việt Nam là hoàn toàn giá do nhà nước quy định. Không có một cái giá nào khác vì đó là hậu quả của kinh tế phi thị trường. Như vậy bất kể một người mua/bán khai giá thế nào chăng nữa thì nhà nước vẫn là người quyết định. Thế thì tại sao lại đổ thừa cho Luật sư Trần Vũ Hải?
Tóm lại, với hai lý do đó để tôi khẳng định rằng việc kết tội Luật sư Trần Vũ Hải có tội trong việc trốn thuế là một động cơ chính trị, nhằm mục đích không cho ông tham gia vào phiên tòa của Nhà báo Trương Duy Nhất. Thế thôi!”
Giới quan sát cho rằng Tòa án Việt Nam cáo buộc Luật sư Trần Vũ Hải tội trốn thuế nhằm ngăn cản ông tham gia phiên tòa của Blogger Trương Duy Nhất. Blogger Trương Duy Nhất tại phiên toà ở Hà Nội hôm 9/3/2020. AFP
Nhà báo Điếu Cày-Nguyễn Văn Hải từng bị tòa án tại Việt Nam cáo buộc tội trốn thuế và xử tù ông, do ông cùng Câu lạc bộ Nhà báo Tự do biểu tình chống Trung Quốc. Nhà báo Điếu cày-Nguyễn Văn Hải kể lại tòa án đã ngụy tạo vụ án trốn thuế qua việc ông cho một công ty kinh doanh mắt kính thuê nhà:
“Trong quá trình điều tra, họ buộc công ty đó xuất toán toàn bộ số thuế đã đóng trong nhiều năm để tạo ra một vụ án trốn thuế. Cho nên trong hồ sơ hoàn toàn không có những thông báo thuế và quyết toán thuế. Tại vì hàng tháng phải có quyết toán thuế thì người đóng thuế mới đóng thuế được. Thế thì Luật sư Trần Lâm hỏi tòa rằng không có quyết toán thuế thì làm sao biết trốn thuế? Rõ ràng tòa không trả lời được câu hỏi này, vì họ tạo ra mà. Thế nhưng, họ vẫn móc bản án trong túi ra họ đọc.”
Đối với vụ án trốn thuế liên quan Luật sư Trần Vũ Hải, Nhà báo Điếu Cày-Nguyễn Văn Hải trình bày quan điểm của ông:
Họ áp đặt một vụ án rất vô lý đối với Luật sư Trần Vũ Hải. Tại vì lỗi này do chính quyền dành quyền áp đặt trên giá trị tài sản trên đất đai của người dân, kể cả việc đền bù và việc đóng thuế. Cả hai việc này là một, do họ dành cái quyền áp đặt giá cả của người dân, chứ không phải do thị trường quyết định giá cả đó. Cho nên chính quyền đền cho người dân bao nhiêu thì cũng thu thuế theo giá mua bán (quy định) bấy nhiêu. Chứ chính quyền không có quyền khi đền thì áp theo giá của chính quyền, nhưng khi thu thuế thì áp theo giá thị trường. Trong khi chính quyền lấy đất của người dân xong rồi xây dựng lên những cao ốc hay những dự án bất động sản thì bán theo giá thị trường. Nhưng đền bù cho người dân thì đền bù theo giá nhà nước quy định. Đấy là những bất cập về chính sách đất đai của Việt Nam, gây ra sự bất công và vô lý cho người bị thu hồi đất cũng như vô lý trong việc đóng thuế cho nhà nước
-Nhà báo Điếu cày-Nguyễn Văn Hải

“Họ áp đặt một vụ án rất vô lý đối với Luật sư Trần Vũ Hải. Tại vì lỗi này do chính quyền dành quyền áp đặt trên giá trị tài sản trên đất đai của người dân, kể cả việc đền bù và việc đóng thuế. Cả hai việc này là một, do họ dành cái quyền áp đặt giá cả của người dân, chứ không phải do thị trường quyết định giá cả đó. Cho nên chính quyền đền cho người dân bao nhiêu thì cũng thu thuế theo giá mua bán (quy định) bấy nhiêu. Chứ chính quyền không có quyền khi đền thì áp theo giá của chính quyền, nhưng khi thu thuế thì áp theo giá thị trường. Trong khi chính quyền lấy đất của người dân xong rồi xây dựng lên những cao ốc hay những dự án bất động sản thì bán theo giá thị trường. Nhưng đền bù cho người dân thì đền bù theo giá nhà nước quy định. Đấy là những bất cập về chính sách đất đai của Việt Nam, gây ra sự bất công và vô lý cho người bị thu hồi đất cũng như vô lý trong việc đóng thuế cho nhà nước.”
Nhà báo Điếu cày-Nguyễn Văn Hải xác quyết với RFA rằng mặc dù Chi cục Thuế thành phố Nha Trang đưa ra khuyến cáo với mục đích giúp người dân không vi phạm pháp luật trong giao dịch bất động sản; thế nhưng một khi tòa án tuyên án Trần Vũ Hải phạm tội trốn thuế thì tất cả người dân Việt Nam đều sẽ bị như ông.
Luật sư Trần Vũ Hải được nhiều người biết đến vì ông tham gia bào chữa trong nhiều vụ án chính trị đối với các tiếng nói phản biện. Trong đó có vụ án của Blogger Trương Duy Nhất. Tuy nhiên, Luật sư Trần Vũ Hải bất ngờ bị cơ quan chức năng Việt Nam cáo buộc tội trốn thuế và ông không thể nào tiếp tục bào chữa cho ông Trương Duy Nhất.
Luật sư Trần Vũ Hải bị Tòa án tỉnh Khánh Hòa tuyên tội trốn thuế, do đã ghi giá hợp đồng thấp hơn trong giao dịch chuyển nhượng nhà và đất của khách hàng tại số 78/40 đường Tuệ Tĩnh, thành phố Nha Trang. Số tiền trốn thuế được cáo trạng xác định là 280 triệu đồng.
https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/authority-uses-the-case-of-lawyer-tran-vu-hai-to-deter-not-paying-tax-in-real-estate-transaction-concerns-03192020145532.html

Nông dân việt Nam tiêu thụ hơn 3 triệu tấn phân giả,

phân kém phẩm chất mỗi năm

Tin từ Hà Nội: Theo Hiệp hội Phân bón Việt Nam, nông dân Việt Nam tiêu thụ hơn 10 triệu tấn phân cho sản xuất nông nghiệp mỗi năm, và hơn 1/3 trong số đó là phân kém phẩm cấp.
Còn theo báo cáo của Cơ quan Quản lý thị trường (Bộ Công Thương), bình quân mỗi năm phát hiện, giải quyết trên 3,000 vụ phân bón giả, kém phẩm chất. Hằng năm đơn vị này đã kiểm tra hàng ngàn gia đình kinh doanh phân bón, với hàng trăm gia đình vi phạm. Kiểm nghiệm hàng ngàn mẫu phân bón, khoảng 31% mẫu không đạt tiêu chuẩn về phẩm cấp.
Theo Hiệp hội Phân bón Việt Nam, các đối tượng sản xuất kinh doanh phân bón giả, kém phẩm cấp đã “đánh” vào tâm lý hám lợi của các đại lý phân phối nhỏ và nông dân, nhất là những nông dân ở vùng sâu, xa, do thiếu kiến thức về sử dụng và nhận biết phân bón thật – giả.
Còn theo một số nhà bình luận thì cai quản lỏng lẻo và tham nhũng của viên chức là nguyên nhân chính. Nông dân sử dụng phân bón kém phẩm cấp có khi mất trắng cả một mùa vụ. Hậu quả còn nghiêm trọng hơn là đất đai hoang hóa, làm giảm phẩm cấp, sụt giảm năng suất, giảm giá trị sản phẩm nông sản, gây thiệt hại cho nền kinh tế nông nghiệp.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đang dự thảo nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực trồng trọt. Bộ này đề xuất xử phạt lên đến 200 triệu đồng đối với vi phạm về buôn bán phân bón.  Tuy nhiên, một số người nhận định mức phạt chưa đủ tính răn đe, và nên hình sự hoá hành vi sản xuất và buôn bán phân giả, kém phẩm cấp để bảo vệ người nông dân.
Quốc Tuấn
https://www.sbtn.tv/nong-dan-viet-nam-tieu-thu-hon-3-trieu-tan-phan-gia-phan-kem-pham-chat-moi-nam/

Bộ Chính trị cách chức nguyên bí thư

Thành ủy TP.HCM của ông Lê Thanh Hải

Bộ Chính trị, do ông Nguyễn Phú Trọng đứng đầu, cách chức Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh nhiệm kỳ 2010 – 2015 với ông Lê Thanh Hải, sau khi xem xét cả cống hiến cách mạng của ông.
Ông Lê Thanh Hải chờ kỷ luật, ông Nguyễn Văn Đua ‘được tha’
Ông Hoàng Trung Hải và Lê Thanh Hải ‘chờ mức kỷ luật Đảng’
Đây là kết luận cuộc họp ngày 20/3 do Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng chủ trì, xem xét, thi hành kỷ luật Ban Thường vụ Thành uỷ Thành phố Hồ Chí Minh nhiệm kỳ 2010 – 2015.
Dựa theo báo cáo của Uỷ ban Kiểm tra Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư của Đảng kết luận:
“Ban Thường vụ Thành uỷ Thành phố Hồ Chí Minh nhiệm kỳ 2010 – 2015 đã vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ và Quy chế làm việc của Thành uỷ; thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, thiếu kiểm tra, giám sát, để xảy ra nhiều vi phạm, khuyết điểm kéo dài trong quá trình thực hiện Dự án đầu tư Khu đô thị mới Thủ Thiêm, ảnh hưởng xấu đến uy tín của Đảng bộ và chính quyền Thành phố, gây bức xúc trong xã hội, đến mức phải xem xét, thi hành kỷ luật.”
Ban Thường vụ Thành uỷ Thành phố Hồ Chí Minh nhiệm kỳ 2010 – 2015 bị Khiển trách
Ông Lê Thanh Hải bị cách chức bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh nhiệm kỳ 2010 – 2015.
Vẫn giữ ‘nguyên ủy viên Bộ Chính trị?
Ông Lê Thanh Hải nguyên là Ủy viên Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khóa X, XI.
Ông còn là Bí Thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh hai khóa, từ 2006 tới cuối 2015.
Thông báo của Bộ Chính trị ngày 20/3 chỉ nói “kỷ luật đồng chí Lê Thanh Hải bằng hình thức Cách chức Bí thư Thành uỷ Thành phố Hồ Chí Minh nhiệm kỳ 2010 – 2015″.
Như vậy có thể hiểu rằng ông Lê Thanh Hải vẫn sẽ được gọi là nguyên Ủy viên Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khóa X, XI.
Tương tự, ông cũng vẫn giữ vị trí “nguyên Bí thư Thành ủy TPHCM khóa 2006-2010″.
Chịu trách nhiệm chính
Bộ Chính trị kết luận ông Hải chịu trách nhiệm chính về những vi phạm, khuyết điểm của Ban Thường vụ và Thường trực Thành uỷ nhiệm kỳ 2010 – 2015 đối với việc lãnh đạo, chỉ đạo đầu tư Khu đô thị mới Thủ Thiêm.
“Cá nhân đồng chí đã vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, Quy chế làm việc của Thành uỷ, trực tiếp kết luận về nhiều vấn đề thuộc thẩm quyền của Ban Thường vụ Thành uỷ.”
“Với cương vị là Phó Bí thư Thành uỷ, Bí thư Ban cán sự đảng, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân Thành phố, đồng chí chịu trách nhiệm chính về các vi phạm của Uỷ ban nhân dân Thành phố; trực tiếp ký một số văn bản không đúng với chủ trương của Hội đồng nhân dân Thành phố và quy định của Luật Ngân sách năm 2002, Luật Xây dựng năm 2003.”
Ngoài ra, ông Lê Hoàng Quân, nguyên Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố, bị Bộ Chính trị Cảnh cáo.
Hồi đầu tháng Ba, Uỷ ban Kiểm tra Trung ương đề nghị Bộ Chính trị, Ban Bí thư xem xét, thi hành kỷ luật Ban thường vụ Thành ủy TP HCM nhiệm kỳ 2010-2015; ông Lê Thanh Hải, ông Lê Hoàng Quân.
Thông báo ngày 5/3 của Ủy ban Kiểm tra Trung ương là cập nhật mới nhất, sau một thông báo của cơ quan này hồi tháng Giêng.
Ủy ban này cũng đề nghị Ban Bí thư xem xét kỷ luật ông Lê Hoàng Quân, nguyên Chủ tịch UBND TPHCM.
Hồi tháng Giêng, thông cáo của Ủy ban Kiểm tra Trung ương nói một loạt lãnh đạo cao cấp của TPHCM giai đoạn 2010-2016 đã có vi phạm trong quá trình thực hiện dự án đầu tư Khu đô thị mới Thủ Thiêm.
Tuy vậy, hôm 5/3, cơ quan này nói vi phạm của hai ông, Nguyễn Văn Đua, nguyên Phó Bí thư Thường trực Thành ủy và Vũ Hùng Việt, nguyên Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh đến mức phải kỷ luật bằng hình thức khiển trách, song đã hết thời hiệu xử lý kỷ luật theo quy định của Đảng.
Người còn lại, bà Nguyễn Thị Hồng, nguyên Phó Chủ tịch UBND Thành phố, bị ủy ban kỷ luật khiển trách.
Ông Lê Thanh Hải, từng là một trong những chính khách nổi tiếng và quyền lực nhất Việt Nam, đã nghỉ hưu sau Đại hội Đảng 12 năm 2016.
Thanh tra Chính phủ nói về Thủ Thiêm
Vào tháng Sáu 2019, Thanh tra Chính phủ đã chuyển kết luận thanh tra Thủ Thiêm đến Ủy ban Kiểm tra Trung ương để xem xét, xử lý kỷ luật Đảng.
Kết luận của Thanh tra Chính phủ nói về các nguyên nhân, trách nhiệm chủ yếu dẫn đến khuyết điểm, vi phạm ở dự án Thủ Thiêm.
Họ cho rằng Nguyên nhân khách quan là:
Những khó khăn, biến động khó lường về kinh tế, xã hội trong và ngoài nước; nhất là thị trường bất động sản có nhiều diễn biến xấu bất thường, thay đổi liên tục, có lúc có chiều hướng đi xuống, khó thu hút các nhà đầu tư;
Cơ chế thực hiện quản lý đầu tư KĐTM Thủ Thiêm cũng như cơ chế thanh toán bằng quỹ đất sạch cho các dự án BT không rõ ràng, có nhiều hạn chế, khó thực hiện.
Thanh tra Chính phủ nói Nguyên nhân chủ quan là:
Việc nhận thức, chấp hành các chủ trương của Thủ tướng Chính phủ và hướng dẫn của các bộ, ngành cũng như các quy định của pháp luật chưa đúng, chưa đầy đủ, có lúc chưa nghiêm trong công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành của UBND Thành phố và các sở, ngành tham mưu; sự phối hợp giữa các sở, ngành của Thành phố còn chậm trễ, chưa xác định rõ trách nhiệm, nghĩa vụ;
Một số nơi còn thể hiện sự thiếu trách nhiệm, buông lỏng trong quản lý đầu tư và xây dựng, nhiều vi phạm chưa được kiểm tra, xử lý kịp thời.
Hậu quả là đã để xảy ra nhiều khuyết điểm, vi phạm, gây lãng phí, nguy cơ gây thất thoát tiền của nhà nước với giá trị lớn; xét tổng thể đến thời điểm thanh tra, việc đầu tư KĐTM Thủ Thiêm là chưa có hiệu quả, mất cân đối về tài chính.
https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-51976197

Nhân sự lãnh đạo đảng và sự tồn vong của chế độ!

Tổng Bí thư đảng cộng sản kiêm Chủ tịch nước Việt Nam, ông Nguyễn Phú Trọng, vào ngày 19 tháng 3 chủ trì cuộc họp Tiểu ban Nhân sự đảng.
Trong buổi họp, người đứng đầu Đảng Cộng sản, ông Nguyễn Phú Trọng, đồng thời cũng là trưởng tiểu ban nhân sự Đại hội đảng XIII, cho biết trong thời gian tới tiểu ban nhân sự, bộ chính trị, ban chấp hành trung ương tập trung công sức nhiều hơn cho việc xây dựng phương hướng công tác nhân sự và việc lựa chọn nhân sự tham gia ban chấp hành trung ương đảng khóa XIII.
Đáng quan tâm là phát biểu của ông Nguyễn Phú Trọng tại cuộc họp cho rằng công tác nhân sự là nhiệm vụ ‘then chốt’ của ‘then chốt’, có liên quan đến sự sống còn của đảng, của chế độ.
Nhận xét về phát biểu vừa nêu của ông Tổng Bí thư, Blogger Nguyễn Ngọc Già cho rằng:
“Cái chuẩn bị nhân sự đó họ khuếch trương lên ra vẻ trở thành nghiêm trọng, quan trọng để tiếp tục đánh lừa người dân là họ vì dân vì nước, nhưng như chính ông Nguyễn Phú Trọng có nói là vì sự tồn vong của chế độ cộng sản. Nên dù có là then chốt hay không then chốt cũng chỉ là phục vụ cho chế độ và tôi tin rằng đó là sự sắp xếp và thỏa thuận trong nội bộ Đảng Cộng sản Việt Nam mà họ đã thu xếp cho những cái ghế để sẵn.”
Còn theo Tiến sĩ Nguyễn Quang A, nhà hoạt động xã hội dân sự tại Hà Nội cho rằng phát biểu của ông Trọng không sai. Ông giải thích:
“Sự tồn vong của Đảng Cộng sản Việt Nam và của nhà nước cai trị đúng là phụ thuộc rất nhiều vào nhân sự của đảng lãnh đạo trong nhiệm kỳ tới thế nào. Bởi vì một sự thật mà chúng ta đành phải thừa nhận là Đảng Cộng sản Việt Nam đứng ra cai trị, chưa có những đảng khác để cạnh tranh. Nếu đội ngũ lãnh đạo của nó tốt thì sẽ tốt hơn cho bản thân họ, nhưng mặt khác cũng tốt chung cho đất nước.”
Trao đổi với RFA vào tối ngày 19/3, trước hết, nhà báo tự do Ngô Nhật Đăng bày tỏ hoài nghi đối với tư cách Tổng Bí thư kiêm Chủ tịch nước của ông Nguyễn Phú Trọng, nhân vật cao cấp nhất trong đảng và về mặt nhà nước:
“Trong suốt kỳ đất nước cần có mặt ông ta nhất trong lúc nước sôi lửa bỏng, dịch bệnh xuất hiện và nhiều vấn đề khác như khô hạn ở đồng bằng sông Cửu Long, dịch bệnh virus Vũ Hán thì không hề thấy ông Tổng Bí thư có mặt. Biết bao nhiêu người đồn đoán là người đứng đầu nguyên thủ quốc gia không xuất hiện trong khi ngày hôm nay chuẩn bị cho nhiệm vụ nhân sự Đảng ông lại nói đấy là nhiệm vụ quan trọng, “then chốt của then chốt” và ông ta đặt tất cả vấn đề về quyền lực của đảng trong đó ông ta là người đứng đầu tối cao. Theo ý kiến của tôi là một người dân bình thường thì tôi chi rằng ông ta không xứng đáng làm nguyên thủ đất nước.”
Nhân sự Đảng có thực sự vì dân hay chỉ đấu đá nội bộ?
Báo trong nước trích nội dung cuộc họp cho biết công tác nhân sự Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư phải được tiến hành theo quy trình chặt chẽ, khoa học và nhất quán, bảo đảm thật sự dân chủ, công tâm, thật sự trong sáng, khách quan.
Tuy nhiên, blogger Nguyễn Ngọc Già lại có nhận định khác cho rằng thực tế không đúng như những gì được báo lề đảng đăng tải:
“Truyền thống của người cộng sản Việt Nam qua nhiều năm là mỗi kỳ Đại hội Đảng là sự đấu đá giữa các phe phái, phe nào mạnh hơn, phe nào yếu hơn ta thấy rất rõ.”
Xác nhận sự việc này, nhà báo tự do Ngô Nhật Đăng khẳng định trước đại hội đảng Việt Nam, hàng loạt thông tin bên lề về nhân sự Đảng lại được ‘bỏ nhỏ’, những ‘tin mật’ sẽ được những kênh truyền thông không chính thống đăng tải:
“Chúng ta thường thấy trường hợp ở ngoài vỉa hè nhân dân hay đồn đoán những người nào sẽ nắm chức vụ gì và hầu như những dự đoán đó có vẻ chính xác. Đấy là những lúc thanh trừng bằng các chiến dịch như đốt lò củi mà ta thấy rất rõ. Những nhân vật bị thanh trừng đều thuộc nhóm người khác, những người không bị đụng tới sẽ thuộc một nhóm mới. Trên cơ sở đó, có thể một số thông tin rò rỉ là để chúng ta thấy rõ những dàn xếp cho việc chuẩn bị dân sự thực ra là thanh trừng phe nhóm.”
Theo quan điểm cá nhân, Tiến sĩ Nguyễn Quang A cho rằng việc đấu đá nội bộ như vậy không hẳn là một việc xấu trong tình hình chính trị tại Việt Nam hiện nay. Ông tiếp lời:
“Chuyện cạnh tranh giữa những thế lực khác nhau luôn là một chuyện mà ai cũng biết. Trong lúc không có dân chủ thì có sự cạnh tranh nội bộ một chút cũng là chuyện lành mạnh, còn hơn là bên Trung Quốc,
ông trùm chỉ định ai thì người đó được vào. Nói cách khác, cạnh tranh nội bộ trong đảng không có còn dở hơn có.”
Đại hội Đảng Cộng sản XIII của Việt Nam sẽ diễn ra vào đầu năm 2021, từ đó bầu ra các ủy viên trung ương, Bộ chính trị, Ban bí thư và người lãnh đạo đảng là Tổng bí thư.
Blogger Nguyễn Ngọc Già cho rằng kì lựa chọn nhân sự lãnh đạo đất nước Việt Nam lần này sẽ có thay đổi tích cực hơn so với những năm trước do không bị Trung Quốc chi phối. Nguyên nhân được ông cho rằng vị thế của Trung Quốc hiên nay bị suy sụp quá lớn và đen tối nhất từ trước tới nay đối với Đảng Cộng sản Trung Quốc qua dịch virus Vũ Hán.
Còn theo nhà báo Ngô Nhật Đăng, thực tế tình hình nhân sự đảng ra sao từ lâu đã không được người dân quan tâm chú ý đến. Ông đưa ra lý do:
“Câu hỏi quan trọng nhất của người dân khi quan tâm đến hệ thống chính trị là ai thay ai, người ấy lên có làm cho đời sống nhân dân có tốt hơn không, có được thêm tự do không? Nhưng qua rất lầu, hơn 7 thập kỷ rồi, hầu như những câu hỏi đấy không bao giờ được trả lời, chỉ như thế hoặc xấu hơn. Nên người dân thậm chí cũng không quan tâm đến chuyện nhà nước, thanh từng nội bộ, ai thay thế ai, ở vị trí nào…
Vẫn theo nhà báo Ngô Nhật Đăng, những điều ông vừa nêu cũng chính là lý do để thể chế này tồn tại được do nhiều người dân ngày càng tỏ ra vô cảm.
https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/party-leadership-personnel-and-the-survival-of-the-regime-03192020154817.html

Bộ Y tế xác định

19 chuyến bay có người nhiễm COVID-19

Ngày 20/3, Bộ Y tế Việt Nam ra thông báo khẩn số 5 về 2 chuyến bay từ nước ngoài về Việt Nam có người nhiễm COVID – 19, đưa tổng số chuyến bay có người nhiễm COVID – 19 ở Việt Nam được chính thức xác định từ ngày 4/3 đến 17/3 lên 19 chuyến.
2 chuyến bay mới được đưa vào danh sách bao gồm: EK 394 của Emirates từ Dubai về Nội Bài, Hà Nội hôm 12/3 và chuyến bay QR 976 của Qatar Airway từ Doha đến Nội Bài ngày 17/3.
Bộ Y tế đề nghị tất cả hành khách trên các chuyến bay này liên hệ ngay với các Trung tâm kiểm soát Bệnh tật các tỉnh, thành phố để được hướng dẫn theo dõi sức khoẻ.
Trước tình hình dịch bệnh COVID-19 lây lan nhanh, hôm 19/3, truyền thông trong nước cho biết một loạt các hãng hàng không trong nước đã tuyên bố ngừng khai thác các đường bay quốc tế. Trong đó, Vietnam Airlines và Jestar Pacific thông báo tạm đóng các đường bay này cho tới ngày 30/4.
Trong ngày 20/3, Bộ Giao thông vận tải gửi văn bản hoả tốc yêu cầu tất cả các hành khách nhập cảnh Việt Nam phải được cách ly tập trung 14 ngày, bắt đầu từ 0 giờ ngày 21/3. Những trường hợp vào Việt Nam vì mục đích công vụ hay ngoại giao phải được cách ly tại cơ quan ngoại giao hoặc cơ sở lưu trú dưới sự giám sát của chính quyền và cơ quan y tế.
https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/health-ministry-warns-1-flights-with-patients-of-covid-19-03202020084434.html

VN có hai nữ điều dưỡng mắc COVID-19

đưa tổng số ca nhiễm lên 87 người, 17 người xuất viện

Bộ Y Tế Việt Nam vào chiều ngày 20 tháng 3 thông báo có 2 nữ điều dưỡng Bệnh viện Bạch Mai tại Hà Nội dương tính với SARS-CoV 2. Đây là hai nhân viên y tế đầu tiên ở Việt Nam nhiễm COVID-19.
Hai nữ điều dưỡng này được đánh số bệnh nhân 86 và 87. Ca số 86 là điều dưỡng 54 tuổi làm tại Phòng Khám ngoại trú HIV, Trung tâm Bệnh Nhiệt đới, thuộc Bệnh Viện Bạch Mai. Ca số 87 là điều dưỡng chuyên trách tiếp đón tại khu cách ly Trung tâm Bệnh Nhiệt đới thuộc Bệnh Viện Bạch Mai.
Bệnh nhân COVID-19 mới nhất trong số 17 trường hợp được chữa khỏi  tại Việt Nam là bệnh nhân nam 27 tuổi từ Hàn Quốc về nước hôm ngày 4 tháng 3. Anh này bị phát hiện dương tính hôm ngày 7/3. Sáng ngày 20 tháng 3, anh được bệnh viện Đa khoa tỉnh Ninh Bình, nơi anh được chữa trị trong thời gian qua, cho xuất viện sau 3 lần xét nghiệm âm tính với SARS-CoV 2.
Như vậy tính đến chiều ngày 20 tháng 3, Việt Nam có tổng cộng 87 trường hợp nhiễm COVID-19; trong số này, 17 ca được chữa khỏi và xuất viện.
Trong ngày 20 tháng 3, Tổng bí thư-Chủ tịch nước Việt Nam, ông Nguyễn Phú Trọng chủ trì cuộc họp của Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Việt Nam bàn về công tác phòng chống dịch COVID-19.
Đây là lần xuất hiện mới nhất của người đứng đầu Đảng và  Nhà nước Việt Nam. Vào ngày 19 tháng 3, ông Nguyễn Phú Trọng cũng đứng ra chủ trì cuộc họp của tiểu ban nhân sự đại hội đảng XIII.
https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/vietnam-reports-2-more-cases-of-covid-19-totaling-the-infected-patients-to-87-17-cured-03202020085837.html

Hơn 1000 sinh viên Y khoa Tp HCM

sẵn sàng hỗ trợ đối phó dịch Covid-19 /

Nhiều tỉnh gia hạn thêm thời gian nghỉ cho học sinh

Hơn 1.000 sinh viên Y khoa năm cuối sẵn sàng chờ sự điều động của ngành y tế Thành phố Hồ Chí Minh (TP.HCM), tham gia chống dịch Covid-19.
Trả lời báo chí trong nước hôm 20/3, Phó giáo sư, Tiến sĩ Ngô Minh Xuân, Hiệu trưởng Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch, TP.HCM, cho biết trường đã lập danh sách các sinh viên y khoa năm cuối để hỗ trợ lực lượng y tế chống dịch trong tình huống khẩn cấp, ngay sau khi nhận được chỉ đạo của Ủy ban Nhân dân (UBND) TP.HCM.
Cụ thể, sinh viên y khoa sẽ được hướng dẫn thực hiện một số công việc như: nhập dữ liệu các thông tin ca bệnh và đối tượng liên quan; lập cây phả hệ theo dõi sự lan truyền của dịch bệnh; tham gia các đội giám sát điều tra dịch tễ (F2 trở đi) và tham gia hoạt động hỗ trợ chuyên môn tại khu cách ly… Phó giáo sư Ngô Minh Xuân nói.
Cũng tin liên quan, hôm 20/3, các tỉnh, thành phố tại Việt Nam tiếp tục cho học sinh nghỉ học vì dịch COVID-19. Tỉnh Tây Ninh cho học sinh các cấp nghỉ đến hết ngày 18-4, Hà Nội quyết định cho học sinh nghỉ đến hết ngày 5/4, các địa phương khác tiếp tục kéo dài thời gian nghỉ học.
Riêng tỉnh An Giang và Bình Dương cho học sinh, học viên, sinh viên các cơ sở giáo dục, tiếp tục nghỉ cho đến khi có thông báo mới.
https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/1000-medical-students-are-available-to-assist-with-the-covid-19-epidemic-03202020075349.html

Siết chặt khai báo và tổ chức cách ly

người từ nước ngoài trở về để chống Covid-19

Ban chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch Covid 19 của Việt Nam vào ngày 20/3 ban hành công văn về việc yêu cầu tổ chức cách ly người nhập cảnh từ quốc gia hay vùng lãnh thổ có dịch Covid19 gửi các Bộ ngành, các tỉnh thành cả nước.
Cụ thể, sau khi các máy bay hạ cánh toàn bộ tiếp viên phải hướng dẫn hành khách nhập cảnh hoàn chỉnh thực hiện thủ tục khai báo y tế điện tử ngay tại máy bay Hành khách phải khai tờ khai y tế điện tử, đo thân nhiệt. Máy bay phải được vệ sinh, khử khuẩn máy bay theo quy định. Trong trường hợp ùn tắc tại sân bay thì việc kiểm dịch y tế được tiến hành tại cơ sở cách ly tập trung.
Ngoài ra, các trường hợp được miễn thị thực hoặc có giấy miễn thị thực nhập cảnh khi nhập cảnh thì phải có giấy xác nhận không dương tính với virus SARS-CoV-2 do cơ quan có thẩm quyền nước sở tại cấp và giấy này được cơ quan y tế Việt Nam chấp thuận. Biện pháp này không áp dụng đối với người nhập cảnh vì mục đích ngoại giao, công vụ.
Đồng thời, Ban chỉ đạo quốc gia yêu cầu các bộ liên quan, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố có trách nhiệm tổ chức cách ly tập trung đối với người nhập cảnh từ: Mỹ, Trung Quốc, Hàn Quốc và Iran. Các thành viên ASEAN bao gồm 9 nước: Brunei, Campuchia, Indonesia, Lào, Malaysia, Myanmar, Phillipines, Singapore, Thái Lan. Và 46 quốc gia thuộc khu vực Châu Âu.
https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/strictly-managing-declaration-and-isolation-of-people-from-abroad-returning-to-vietnam-03202020084139.html

Hoãn phiên xử vụ đặt bom ở Bình Dương

vì dịch COVID-19

Do ảnh hưởng của dịch COVID-19, Toà án Nhân dân tỉnh Bình Dương hôm 20/3 cho biết sẽ hoãn phiên xử ông Trương Dương (40 tuổi, thường trú tại Thành phố Dĩ An) bị xác định là người đã đặt bom vụ nổ tại Cục thuế tỉnh Bình Dương hồi tháng 9/2019.
Truyền thông trong nước loan tin cùng ngày cho biết phiên xử dự kiến vào ngày 27/3 sẽ được dời sang ngày 3/4.
Cáo trạng của Cơ quan điều tra cho hay ông Trương Dương trong lúc không có tiền đã liên lạc với bà Lisa Phạm, là thành viên của tổ chức Chính phủ Quốc gia Việt Nam lâm thời ở Mỹ để xin viện trợ.
Tin nói vào giữa tháng 9/2019, ông Dương trong lúc đang làm tài xế cho một công ty đã khảo sát trụ sở Cục thuế tỉnh Bình Dương ở Phường Phú Hoà, Thành phố Thủ Dầu Một.
Sau đó ông này bị nói đã nhận 4 trái nổ với khoảng 1,2 kg thuốc nổ từ một người do bà Lisa Phạm cử mang tới. Hai người gặp nhau tại một cửa hàng tạp hoá trên đường Võ Thành Long (Thành phố Thủ Dầu Một).
Vào lúc 8 giờ 40 phút sáng ngày 30/9, ông Dương bị xác định đã lái ô tô vào Cục thuế tỉnh và giấu 4 trái nổ vào thùng rác tại nhà vệ sinh nam. Đến 9 giờ trái nổ phát nổ khiến các bức tường ở khu vệ sinh của toà nhà bị sập hoàn toàn, nhiều cửa kính bị nể nát và hư hỏng một số tài sản; nhưng không có thiệt hại về người.
Ông Dương bị Cơ quan an ninh điều tra bắt giữ sau đó không lâu.
Người giao 4 quả nổ cho ông dương bị xác định là ông Hà Xuân Nghiêm (57 tuổi ở Tây Ninh). Hiện ông này đã bỏ trốn khỏi nơi cư trú, chưa rõ tung tích và đang bị truy nã.
Chủ cửa hàng tạp hoá nơi ông Dương và Nghiêm nhận các quả nổ được xác định không là đồng phạm.
https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/the-case-of-bombing-in-binh-duong-postponed-due-to-covid-19-03202020082753.html

COVID-19: Người Việt ở Philippines tự chống chọi

 trong những ngày bị phong toả

Cao Nguyên
Bắt đầu từ ngày 20/3/2020, thủ đô Manila của Philippines sẽ bị phong toả hoàn toàn. Các chuyến bay nội địa hay quốc tế đều bị huỷ. Người dân của đảo quốc này bị cấm rời khỏi đất nước và cũng chỉ có người mang quốc tịch Philippines và một vài trường hợp ngoại lệ mới được nhập cảnh.
Các biện pháp này nằm trong một chiến dịch gọi là “kiểm dịch cộng đồng nâng cao”, được áp dụng trên toàn bộ hòn đảo Luzon (bao gồm cả thủ đô Manila và nhiều thành phố lớn khác của Philippines). Chiến dịch này dự tính sẽ kéo dài cho đến ngày 14/4, nhằm ngăn chặn sự lây lan của của dịch COVID-19.
Thực hiện triệt để
Theo tờ Rappler của Philippines, người dân được yêu cầu phải làm việc và học tập tại nhà. Tất cả các phương tiện giao thông công cộng như bus, tàu điện, jeepny, taxi đều không được hoạt động.
Bạn Ngô Thảo, du học sinh chuyên ngành Quản lý nhà hàng khách sạn tại Manila cho biết tất cả các ngã tư đều có chốt cảnh sát kiểm tra người đi đường:
“Khu vực Metro Manila đều bị phong tỏa hết. Ở các trục đường giao nhau thì họ sẽ có các cảnh sát đứng canh ở đó. Ai đi qua thì người ta sẽ hỏi đi đâu, có giấy tờ ID gì không. Nếu không có thì người ta sẽ không cho đi. Hiện tại thì taxi và các dịch vụ xe máy giao hàng, vận chuyển đều bị đình chỉ.”
Ông Nguyễn Văn Long, một người Việt sinh sống ở Manila khoảng 10 năm nay cho biết Chính phủ Philippines thực hiện lệnh phong toả này một cách triệt để. Các xe cứu thương và xe cảnh sát chạy liên tục ngoài đường yêu cầu người dân nhanh chóng trở về nhà:
“Cảnh sát hay dừng xe lại hỏi đi đâu, nếu không xuất trình được là mình đi đâu, có việc gấp thì nó sẽ đưa về đồn. Ví dụ trên ô tô chở hai ba người mà có việc khẩn cấp như đi viện hoặc ra sân bay thì họ cho, nhưng đi loanh quanh ngoài đường thì nó sẽ đưa về đồn.
Hiện tại Chính phủ vẫn đang họp rất nhiều. Một số công ty ở các toà nhà lớn có cảnh sát đứng chắn ở dưới, không cho người lên làm việc, đuổi về. Các công ty hiện giờ đang cho nhân viên ở nhà làm việc tại nhà.”
Ông Long nói rằng tất cả người dân không được ra đường. Mỗi gia đình chỉ có một người được ra ngoài một lần trong ngày để mua các nhu yếu phẩm. Mọi người phải xếp hàng dài trước các siêu thị để kiểm tra y tế trước khi vào siêu thị mua hàng:
“Chỉ duy nhất siêu thị bán đồ cho dân dùng và các tiệm thuốc thì được mở thôi. Nhưng nói chung là phải xếp hàng hơi dài, còn những cái chợ hoa quả hay nói chung là nhu yếu phẩm thì vẫn được mở, người dân vẫn có thể đi mua bán.”
Theo thông báo, lệnh phong toả chỉ áp dụng ở tại đảo Luzon, nhưng nhiều tỉnh ở các đảo khác cũng đang bị đặt trong tình trạng tương tự. Ông Vương Thái, hiện đang ở đảo Palawan cho biết mọi người không được ra đường vào giờ giới nghiêm từ 8 giờ tối đến 5 giờ sáng, và cũng không được di chuyển qua các tỉnh khác:
“Tình hình là đóng cửa trong vòng một tháng, và các tỉnh khác cũng như vậy luôn. Đóng cửa hết, nghĩa là ai ở tỉnh nào ở luôn tỉnh đó, không đi lại được.”
Công việc, học tập bị ảnh hưởng
Việc Tổng thống Duterte ban bố lệnh phong toả hoàn toàn vào ngày 17/3, mọi người chỉ có 72 giờ để rời khỏi Philippines và chuẩn bị mọi thứ, khiến cuộc sống của nhiều người bị ảnh hưởng. Người Việt Nam đang làm việc, học tập ở đảo quốc này cũng không là ngoại lệ.
Bạn Ngô Thảo chia sẻ việc không được đến trường có nhiều bất tiện, nhưng bạn vẫn chọn ở lại trong giai đoạn này vì quan trọng nhất là hạn chế di chuyển và cách mình đối phó với dịch bệnh:
“Việc đó thì cũng một phần bất ngờ. Việc học của mình tự nhiên bị đình chỉ cho nên mình phải đổi phương pháp học. Nhưng mình là một sinh viên nước ngoài mà phải học online như vậy thì có nhiều cái hơi bất cập. Ví dụ, mình đến trường thì có thể nghe thầy cô giảng trực tiếp, còn về nhà vẫn có lớp học online, nhưng làm sao mà bằng thực tế được.
Nhưng nếu về bây giờ thì sẽ khó theo kịp tiến trình của lớp. Về thì sẽ cũng bị cách ly 14 ngày, ra sân bay bây giờ thì cũng nguy hiểm.
Với lại em cũng chưa tìm thấy mục đích thực sự để về. Ví dụ như mục đích mình về nhà để tránh dịch nhưng bây giờ thì ở đâu cũng như vậy, ở Việt Nam mình cũng dịch nhiều rồi. Chủ yếu là bản thân mình đáp ứng cái hoàn cảnh như thế nào thôi, cách đối mặt của bản thân mình. Nếu mình muốn về để tránh dịch thì ở đây mình cũng có thể tránh được, tự cách ly trong nhà, mua đồ ăn về đủ dùng.”
Ông Long cho biết cả công việc làm hành chính ở công ty và việc buôn bán đều phải tạm dừng vì lệnh cấm ra đường nếu không có việc gấp.
Còn ở những khu vực người dân sống chủ yếu nhờ vào khách du lịch như El Nido thuộc đảo Palawan thì người dân đang gặp nhiều khó khăn hơn:
“Tổng thống Duterte nói là phong tỏa Manila, nhưng mà các tỉnh khác cũng bị phong tỏa luôn. Có một số người đồn thổi là sẽ đóng dài nên mình cũng không biết. Những người có kinh tế khá giả thì không sao, nhưng cuộc sống ở Palawan rất là khó khăn, nghe tới đóng cửa thì ai cũng sợ hết, sợ đói. Kinh tế, điều kiện của họ không có, nền y tế thì lại yếu kém, chỉ thông báo đóng cửa vậy thôi chứ Chính phủ không có tài trợ gì hết.”
Không thiếu thực phẩm, chỉ lo y tế kém
Tính đến sáng ngày 19/3, số người mắc COVID 19 ở Philippines là 202. Trong đó, có đến 19 ca tử vong. Điều này làm cho nhiều người Việt Nam lo ngại về khả năng chống dịch cũng như hệ thống y tế ở đây.
Ông Long cho biết mình đã đoán trước được tình hình bùng phát dịch bệnh ở Philippines vì có rất nhiều người Hàn Quốc đang sinh sống ở đây, nên đã chủ động chuẩn bị thực phẩm cho mình và gia đình. Tuy nhiên, điều ông lo ngại nhất là năng lực y tế của đất nước này:
“Lúc vẫn chưa bùng nổ dịch thì tôi cũng dự đoán là chắc chắn sau khi Hàn Quốc nó bùng thì bên Phil này chắc chắn cũng sẽ bị tiếp theo, nên tôi cũng có dự trữ một ít lương thực, gạo, đồ ăn, nhu yếu phẩm đủ dùng trong một vài tháng, rồi thì hạn chế ra ngoài thôi.
Sau khi Chính phủ ra lệnh phong tỏa hoàn toàn, đóng cửa tất cả mọi nơi thì tôi ở nhà. Nói chung cũng không ảnh hưởng gì nhiều
Mọi người ai cũng có lo lắng bởi vì khi người ta nhìn thấy tỉ lệ nhiễm chỉ có 50 người, mà chết đến 10 người thì nó thể hiện một nền y tế, khả năng y tế không được tốt cho lắm. Cho nên ai cũng hoang mang khiếp sợ.”
Ông Thái ở Palawan cũng bi quan về hệ thống y tế yếu kém:
“Hiện tại bây giờ ở khu vực của mình chưa có trường hợp bệnh tật nào, chưa có trường hợp nào nhiễm.  Mình ở đây lâu năm thì cũng thấy rằng là nếu như ở Manila có dịch bệnh thì còn có thể giải cứu được, chứ ở khu vực như Palawan này thì có dịch bệnh là tiêu. Nói chung y tế là yếu kém.”
Bạn Ngô Thảo cho biết hiện giờ chưa xảy ra tình trạng thiếu lương thực ở thủ đô Manila:
“Việc khan hiếm thực phẩm thì không có đâu, bởi vì các cửa hàng thực phẩm vẫn được mở, chợ công cộng vẫn được mở và các siêu thị lớn vẫn mở cửa để bán hàng. Chỉ là các công ty thì sẽ bị đóng cửa thôi. Cho nên vấn đề thực phẩm thì cũng không đến nỗi.
Vì em ở trong một dãy nhà trọ mà bà chủ cũng hơi khó nên cũng hạn chế cho mọi người ra ngoài vì sợ ảnh hưởng của virus. Em đã mua từ vài ngày trước những đồ khô như ngũ cốc, sữa, vitamin C, các sợi bún phở, những thứ có thể dự trữ lâu được, những thứ đó có nhiều năng lượng cho mình, để có thể không ra ngoài trong một thời gian dài.”
Không thấy thông tin gì từ Đại sứ quán Việt Nam
Cả 3 người mà chúng tôi phỏng vấn đều cho biết họ không hề nhận được bất kỳ một thông  báo hỗ trợ nào từ phía Đại sứ quán Việt Nam tại Philippines.
Ông Long không biết chắc chắn Đại sứ quán có thông tin hỗ trợ gì không, nhưng cá nhân ông chưa nghe thấy gì:
“Hiện tại thì cũng không thấy thông báo. Tôi cũng không để ý nhưng đối với tôi thì tôi chưa nhận được tin tức nào từ Sứ quán về vấn đề này. Nhưng nhiều lúc sứ quán cũng không thể liên lạc hết với tất cả mọi người bên này được. Hiện tại chưa thấy đại sứ quán có động tĩnh gì đến tai tôi, còn không biết những người khác thì có biết gì hay không. Cho nên tôi cũng không dám nói là Đại sứ quán không có hành động gì.
Bạn Ngô Thảo nói:
“Em ở ngay  gần Đại sứ quán luôn mà em không thật sự không biết gì về Đại sứ quán luôn. Em không biết là họ có thông báo hay không luôn.
Thứ nhất là mình không đi ra ngoài. Thứ hai là mình đọc các trang thông tin về tình hình hiện tại của Phil để biết mình nên làm gì, chứ cũng chẳng biết trang web của Đại sứ quán ở đâu luôn.”
Ông Vương Thái nói rằng Đại sứ quán không làm gì hết, để người Việt ở Philippines “tự xử”:
Ở Philippines này có rất nhiều đảo, có thể người ta không thể phổ quát hết được. Hàng ngày mình cũng có lên Facebook hoặc YouTube đọc tin, hoàn toàn Đại sứ quán Việt Nam ở Philippines này họ không có tiếng nói gì hết, cũng không có phát động gì hết, cũng không báo động gì hết, nghĩa là tự xử.”
Trên trang web chính thức của Đại sứ quán Việt Nam tại Philippines, hoàn toàn không có thông tin nào cảnh báo cũng như hỗ trợ người Việt đối phó với dịch COVID-19. Các tin tức gần nhất là các hoạt động mà Đại sứ quán Việt Nam chào đón, hỗ trợ các vận động viên Việt Nam tham dự SEAGAMES 30.
https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/covid-19-philippine-isolated-cities-viet-people-struggle-03202020094852.html

Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng lần đầu

chủ trì cuộc họp phòng, chống dịch COVID-19

Tại cuộc họp, Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng phát biểu rằng chống dịch Covid-19 phải quyết liệt nhưng không hốt hoảng, sợ hãi đến mức không dám làm gì.
Ông Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đánh gía cao công tác phòng, chống dịch thời gian qua cho rằng Thủ tướng Chính phủ đã kịp thời có những chỉ đạo sát sao đem lại hiệu quả tốt trong việc kiểm soát dịch bệnh.
Ông Trọng cũng lưu ý tuyệt đối không được chủ quan, thoả mãn; nên chuẩn bị khả năng xấu nhất để có phương án tốt nhất trong việc phòng, chống dịch COVID-19.
Tuy vậy, ông Trọng cũng không quên nhấn mạnh nhiệm vụ của VN trong năm 2020, khi ông cho rằng song song với việc đối phó dịch COVID-19, thì năm 2020 này, đất nước có nhiều sự kiện quan trọng, năm Việt Nam đảm nhận vai trò Chủ tịch ASEAN; Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020-2021; năm tiến hành đại hội đảng bộ các cấp, hướng tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng…, do đó ông nhấn mạnh:
“…tiếp tục phát huy hơn nữa sức mạnh của cả hệ thống chính trị và khối đại đoàn kết toàn dân tộc, trên dưới một lòng, mỗi người dân là một chiến sĩ trên mặt trận chống dịch, kịp thời ngăn chặn, hạn chế tối đa nguồn lây nhiễm, ưu tiên tạo mọi điều kiện, nguồn lực để dập dịch theo đúng tinh thần “chống dịch như chống giặc”.
Kết thúc cuộc họp, một trong những nhiệm vụ cấp thiết được ông Nguyễn Phú Trọng cho là cần thực hiện trong thời gian đến, đó là ông không quên hứa sẽ tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19
https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/party-chief-trong-chairs-firs-ever-meeting-prevent-covid-19-03202020090316.html

ĐIỂM TIN TRONG NƯỚC chiều 20/3: Thêm 2 ca

mắc virus Vũ Hán là điều dưỡng bệnh viện Bạch Mai;

Mỹ và EU ngưng nhập hàng dệt may của Việt Nam

Khôi Minh
Kính chào quý vị đến với ĐIỂM TIN TRONG NƯỚC chiều ngày 20/3 của báo Đại Kỷ Nguyên. Bản tin hôm nay có những nội dung chính như sau:
Thêm 2 ca mắc virus Vũ Hán là điều dưỡng bệnh viện Bạch Mai
Chiều 20/3, Bộ Y tế công bố thêm 2 ca mắc virus Vũ Hán là nhân viên y tế của Trung tâm Bệnh nhiệt đới (Bệnh viện Bạch Mai).
Kết quả xét nghiệm từ Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương và báo cáo của Bệnh viện Bạch Mai cho biết, 2 điều dưỡng của Bệnh viện Bạch Mai đã được xác định dương tính với virus Vũ Hán.
Theo đó, bệnh nhân 86 là nữ, 54 tuổi, điều dưỡng của Phòng khám ngoại trú HIV – Trung tâm Bệnh nhiệt đới thuộc Bệnh viện Bạch Mai.
Bệnh nhân 87 cũng là nữ, 34 tuổi, điều dưỡng làm việc tiếp đón tại khu cách ly Trung tâm Bệnh nhiệt đới thuộc Bệnh viện Bạch Mai.
Ngay khi 2 bệnh nhận được phát hiện, những người trong gia đình, những người có tiếp xúc gần với 2 người này đã được xét nghiệm và cách ly. (Xem chi tiết)
Mỹ và EU ngưng nhập hàng dệt may của Việt Nam
Thông tin trên được ông Phan Văn Việt, Phó chủ tịch Hội Dệt may – thêu đan TP. HCM cho biết trên tờ điện tử VTV vào ngày 19/3.
Trước đó, do ảnh hưởng của dịch virus Vũ Hán bùng phát tại Hàn Quốc, Mỹ và EU, các đối tác nhập khẩu tại các nước này đã giảm từ 30-50% lượng đơn hàng. Hiện thị trường EU đã có thông báo ngưng nhập hàng trong vòng 1 tháng, thị trường Mỹ ngưng nhập hàng trong vòng 3 tuần. (Xem chi tiết)
TP. HCM phong tỏa hai chug cư, và 2 khu dân cư
Chiều 19/3, TP. HCM đã phong tỏa hai chung cư cao cấp, và 2 khu dân cư vì có ca dương tính với virus Vũ Hán.
Theo đó, chung cư M.One Nam Sài Gòn bị phong toả từ tối 19/3. Chung cư cao cấp Ascent bị phong tỏa từ chiều qua 19/3, sau khi phi công người Anh (43 tuổi) sống tại căn hộ A23.02 có kết quả xét nghiệm lần đầu dương tính virus Vũ Hán.
Hẻm 248 đường Phạm Ngũ Lão.
Theo báo Dân Trí, ngoài 2 chung cư trên, tại TP. HCM còn 2 khu dân cư khác bao gồm hẻm 248 Phạm Ngũ Lão, quận Gò Vấp (nơi bệnh nhân số 65 ngụ) và con hẻm trên đường Nguyễn Thị Tần đã bị phong tỏa vì có ca nhiễm Vovid-19. Khu dân cư trong con hẻm ở quận 8 là nơi nữ bệnh nhân (35) tuổi dương tính virus Vũ Hán được xác định vào chiều 17/3. Đây là ca nhiễm Covid thứ 64 tại Việt Nam.
Hành khách nhập cảnh sân bay Nội Bài tăng 600 người sau 1 ngày
Ngày 20/3, 25 chuyến bay đưa 2.585 hành khách về sân bay Nội Bài, tăng​ 600 người so với hôm 19/3.
Trước đó, ngày 19/3, hơn 1.910 khách nhập cảnh, trong đó 734 người (724 người Việt Nam, 10 khách quốc tế) được chuyển đến địa điểm cách ly. Tuần trước, khách nhập cảnh tại sân bay Nội Bài trung bình 1.000-1.500 người/ngày.
Ông Nguyễn Huy Dương, Phó giám đốc Cảng hàng không quốc tế Nội Bài cho hay, khách nhập cảnh tăng cao do nhiều người Việt ở châu Âu và khu vực ASEAN đổ về nước trước khi nhiều quốc gia phong tỏa để phòng chống dịch viêm phổi Vũ Hán, các chuyến bay tạm dừng.
(Xem tiếp)
Chuyên mục kính chúc quý độc giả nhiều an lành và may mắn
https://www.dkn.tv/thoi-su/diem-tin-trong-nuoc-chieu-20-3-them-2-ca-mac-virus-vu-han-la-dieu-duong-benh-vien-bach-mai-my-va-eu-ngung-nhap-hang-det-may-cua-viet-nam.html

0 comments

Leave a comment

Powered by Blogger.