Tin Phát thanh - Cherry Radio
Chương trình Thời sự thứ Sáu, 20/03/2020
Cẩm Nhung | 20/03/2020 | 43 Lượt nghe
Tin nước Úc:
- Tin Úc: Úc cấm tất cả những người không phải thường trú nhân và công dân nhập cảnh vào Úc từ ngày 20/3
- Tin Úc: Quan chức y tế Úc tiếp tục theo dõi tình hình của các trường học
- Victoria: Đại học Melbourne thực hiện các biện pháp “cực đoan” để hạn chế dịch bệnh lây lan
- Victoria: Các trường học đang bị cạn kiệt giấy vệ sinh, nước rửa tay và xà phòng
- Victoria: Ra mắt trang web mới hỗ trợ các trường tạm đóng cửa tiếp tục giảng dạy từ xa
- Victoria: Công bố dự luật mới nhằm chấm dứt tình trạng ăn chặn tiền lương của người lao động
- Di trú: Cập nhật thay đổi mới nhất liên quan đến visa du học ở Úc
- Victoria: Đường dây nóng trợ giúp các doanh nghiệp xử lý tác động của dịch COVID-19
- Tin vắn
Tin thế giới:
Covid-19 đã xuất hiện tại 179 quốc gia và vùng lãnh thổ trong bối cảnh các lãnh đạo thế giới giải ngân gần một nghìn tỷ USD để hỗ trợ nền kinh tế toàn cầu. Đại dịch của thế kỷ dường như đang vượt khỏi tầm kiểm soát. Italy ghi nhận thêm 5.322 ca nhiễm mới và 427 ca tử vong, nâng số ca nhiễm lên 41.035 và số người chết lên 3.405. Tỷ lệ tử vong là 8,3%, cao gấp đôi tỷ lệ trung bình toàn cầu là 4,1%, chủ yếu do Italy có dân số già nhất châu Âu. Tây Ban Nha, Đức và Pháp lần lượt xuất hiện số ca nhiễm mới là 3.308, 2.993 và 1.861. Iran tiếp tục là vùng dịch lớn thứ hai ở châu Á, sau Trung Quốc đại lục với 1.046 ca nhiễm mới, đưa số ca nhiễm lên 18.407. Thêm 149 người chết do đại dịch, nâng số ca tử vong lên 1.284. Tại Mỹ, thêm 4.412 ca nhiễm mới được xác định, nâng số ca nhiễm trên cả nước lên 13.671, trong đó 191 người đã chết. Tổng thống Mỹ Donald Trump đã quyết định hủy hội nghị thượng đỉnh G7 tại Trại David dự kiến diễn ra vào tháng 6. Thay vào đó, sự kiện sẽ được tổ chức bằng cầu truyền hình để "mỗi quốc gia tập trung tất cả nguồn lực đối phó Covid-19". Thế giới hiện ghi nhận 244.615 ca nhiễm, 10.015 ca tử vong và 87.407 người đã bình phục.
Đại dịch COVID-19 sẽ gây ra cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu và thế giới có thể sẽ có thêm gần 25 triệu người thất nghiệp. Đây là đánh giá của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) thuộc LHQ. Dựa trên các kịch bản khác nhau về tác động của đại dịch COVID-19 đối với tăng trưởng kinh tế toàn cầu, ILO ước tính, thế giới sẽ có thêm 5,3 - 24,7 triệu người thất nghiệp. Để so sánh, ILO cho biết, cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu giai đoạn 2008 - 2009 đã làm tăng thêm 22 triệu người thất nghiệp trên thế giới. Cũng theo ILO, tính từ nay cho đến cuối năm 2020, thu nhập của người lao động trên thế giới sẽ giảm 3,4 nghìn tỷ USD.
Bộ Y tế Nga ngày 19/3 cho biết, các nhà khoa học nước này đã giải mã thành công đầy đủ bộ gene của virus Corona chủng mới SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19. Bộ gene hoàn chỉnh đầu tiên của virus SARS-CoV-2 được giải mã từ mẫu bệnh phẩm một bệnh nhân mắc COVID-19 tại Nga. Theo ông Dmitry Lioznov, quyền Giám đốc Viện nghiên cứu nói trên, việc phân tích di truyền hoạt động của virus SARS-CoV-2 rất quan trọng để hiểu được sự tiến hóa và khả năng lây lan của virus corona chủng mới. Theo hãng tin RT, các dữ liệu này đã được gửi vào mạng cơ sở dữ liệu quốc tế đang được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và các nhóm nghiên cứu quốc tế sử dụng để theo dõi sự phát triển của virus corona chủng mới trên toàn cầu.
Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố không có lý do gì để nước này xem xét việc hoãn áp thuế đối với hàng hóa nhập khẩu của Trung Quốc. Tuyên bố được đưa ra trong bối cảnh dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 đang gây tổn hại đến nền kinh tế. Ngày 18/3, Tổng thống Trump đồng thời cho biết, Bắc Kinh cũng đã không yêu cầu Washington làm điều này. Mặc dù, hai bên đã đạt được thỏa thuận thương mại giai đoạn 1, qua đó tạm thời chấm dứt cuộc chiến thương mại kéo dài trong suốt thời gian qua, các biện pháp tăng thuế mà hai bên áp dụng trong thời gian căng thẳng thương mại vẫn được thực thi đối với 2/3 tổng lượng hàng hóa giao thương giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Ngày 19/3, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres cảnh báo thế giới khó tránh khỏi một cuộc suy thoái toàn cầu, trong khi những hành động ứng phó ở từng quốc gia riêng lẻ hiện nay sẽ không đủ để chống chọi với quy mô rộng lớn và phức tạp của đại dịch COVID-19. Ông Guterres khẳng định cộng đồng quốc tế cần hành động theo chính sách phối hợp, quyết liệt và sáng tạo với đầu tàu là những nền kinh tế hàng đầu thế giới. Theo ông Guterres, toàn cầu đang ở trong một cuộc khủng hoảng chưa có tiền lệ và các quy tắc thông thường không còn phát huy tác dụng. Ông Guterres bày tỏ hy vọng cuộc họp khẩn của Nhóm các nước phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) vào tuần tới sẽ là dịp để các nước đưa ra những giải pháp hữu hiệu đối với dịch COVID-19.
Lực lượng Phòng vệ trên Biển Nhật Bản đã chính thức đưa vào phiên chế tàu khu trục có trang bị hệ thống phòng thủ tên lửa Aegis mới nhất. Đây là loại tàu đầu tiên được trang bị một tên lửa đánh chặn do Nhật Bản và Mỹ cùng phát triển. Tàu khu trục có tên Maya này có khả năng ngăn chặn các mối đe dọa tầm ngắn và tầm trung với tên lửa đánh chặn Standard Missile-3 Block IIA. Tàu Maya trọng tải 8.200 tấn, có chiều dài 170m và cũng được trang bị hệ thống có thể xác định vị trí tên lửa, máy bay, có thể chia sẻ thông tin này với lực lượng của Mỹ cùng các nước đồng minh khác. Theo Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản, tàu khu trục Maya sẽ đi đầu trong năng lực phòng không tên lửa toàn diện của nước này. Đây cũng là tàu khu trục thứ 7 của Lực lượng Phòng vệ trên biển Nhật Bản được trang bị hệ thống phòng thủ tên lửa Aegis.
Điện Buckingham ngày 19/3 thông báo chuyến thăm cấp nhà nước của Nhật Hoàng Naruhito và Hoàng hậu Masako tới Vương quốc Anh vào tháng Sáu tới đã được hoãn lại và sẽ được lên kế hoạch vào một ngày khác. Thông báo trên được đưa ra trong bối cảnh dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 tại châu Âu diễn biến khá phức tạp, khi số ca tử vong do căn bệnh này tại châu Âu đã lần đầu tiên vượt số ca tử vong ở châu Á.
Ngày 19/3, hai quả bom đã phát nổ trên đường cao tốc M4, phía Tây tỉnh Idlib, Syria, trong lúc quân đội Thổ Nhĩ Kỳ đang tuần tra ở khu vực này. Tổ chức Giám sát nhân quyền Syria cho biết, vụ nổ khiến một binh sỹ Thổ Nhĩ Kỳ thiệt mạng và một số người khác bị thương. Nguồn tin cũng cho biết, một nhóm phiên quân Hurras al-Deen đã liên kết với al-Qaeda thực hiện các vụ đánh bom này. Trước đó, ngày 15/3, Bộ Quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ tuyên bố đã đạt được Thỏa thuận với Nga về việc thiết lập một hành lang an toàn dọc theo tuyến đường từ Latakia phía Tây đến Aleppo ở phía Đông. Quân đội hai nước đã thành lập các trung tâm điều phối để bắt đầu thực hiện các cuộc tuần tra chung trên tuyến đường cao tốc M4. Các phiến quân cho rằng, hành động của Thổ Nhĩ Kỳ và Nga có thể mở đường cho lực lượng Chính phủ Syria trở lại khu vực này, nên tiến hành các cuộc tấn công chống phá.
Tin thể thao:
Pogba mặc áo Juventus truyền thông điệp chống Covid-19: Trên trang cá nhân, tiền vệ Paul Pogba đăng video tập luyện tại nhà trong thời gian tránh dịch Covid-19. Điều đặc biệt là trong video này, Pogba mặc áo đấu của Juventus chứ không phải MU, đội bóng anh đang thi đấu. Hành động của Pogba dễ gây hiểu lầm trong giai đoạn tương lai của anh ở MU đang bất ổn và Juventus chưa ngừng thể hiện sự quan tâm tới tiền vệ người Pháp. Để tránh bị hiểu lầm, Pogba giải thích anh mặc áo Juventus để động viên đồng đội cũ Blaise Matuidi, cầu thủ được xác nhận đã nhiễm virus corona.
MU chi lương kỷ lục cho tiền vệ 16 tuổi: Truyền thông Anh loan tin MU sẵn sàng trả mức lương 100.000 bảng/tuần để thuyết phục tiền vệ 16 tuổi Jude Bellingham rời Birmingham City cập bến Old Trafford. Nếu chấp thuận đề xuất của MU và thương vụ thành công, Bellingham sẽ trở thành cầu thủ tuổi teen nhận lương cao nhất lịch sử Quỷ đỏ. Sở dĩ MU chịu chi vì họ tin rằng chỉ có như vậy mới đánh bật được sự cạnh tranh từ Dortmund trong thương vụ này. Ngoài tiềm lực tài chính, MU còn nhờ cậy cựu HLV Sir Alex Ferguson và huyền thoại Bobby Charlton khuyên nhủ Bellingham và gia đình. Bellingham ra mắt đội một Birmingham ở giải hạng Nhất Anh 2019/20, tạo ấn tượng nhờ sức mạnh thể chất, kỹ thuật và sự đa năng, có thể chơi mọi vị trí ở tuyến giữa và tiền đạo.
Messi bỏ xa Ronaldo trong danh sách cầu thủ giá trị nhất thế giới: Theo định giá của Transfermarkt, Lionel Messi đứng thứ 8 trong bảng xếp hạng những cầu thủ đắt giá nhất làng túc cầu, với định giá khoảng 140 triệu euro. Cristiano Ronaldo chỉ xếp khiêm tốn ở vị trí 46 trong danh sách, với giá trị rớt xuống còn 75 triệu euro. Việc Messi và Ronaldo rớt vị trí là điều dễ hiểu khi M10 đã 33 tuổi và CR7 bước sang tuổi 35. Dù vẫn còn duy trì ảnh hưởng ở các đội bóng họ khoác áo, giá trị tiềm năng của 2 siêu sao không còn như xưa. Dẫn đầu danh sách của Transfermarkt là tiền đạo trẻ Kylian Mbappe của PSG, được định giá 200 triệu euro. Xếp ngay sau Mbappe lần lượt là Raheem Sterling của Man City và Neymar của PSG, với cùng 160 triệu euro. Những vị trí còn lại trong Top 10 lần lượt thuộc về Sadio Mane (Liverpool - 150 triệu euro), Mohamed Salah (Liverpool - 150 triệu euro), Harry Kane (Tottenham - 150 triệu euro), Kevin de Bruyne (Man City - 150 triệu euro), Messi (Barcelona - 140 triệu euro), Jadon Sancho (Dortmund - 120 triệu euro) và Antoine Griezmann (Barcelona -120 triệu euro).
Neymar rời Pháp về Brazil: ESPN đưa tin tiền đạo Neymar đã rời khỏi Pháp để về quê nhà Brazil. Cùng đi với Neymar có gia đình của đồng đội Thiago Silva. Neymar lên máy bay chỉ ít giờ trước khi chính phủ Pháp ban lệnh phong tỏa đất nước để hạn chế sự lây lan của virus corona. Hiện tại, không ai biết bất cứ thông tin gì về chân sút số 10 sau khi Neymar để chế độ riêng tư trên mạng xã hội. Khi được truyền thông liên hệ, CLB PSG từ chối trả lời về việc Neymar có đang ở Pháp hay không. Nếu thực sự đã rời Pháp, hành động của Neymar được cho là đáng lên án trong bối cảnh họ cần hạn chế di chuyển. Hiện giải VĐQG Pháp (Ligue 1) đang tạm hoãn đến đầu tháng 4 vì dịch Covid-19.
Arsenal trở lại tập luyện vào tuần tới: Sky Sports đưa tin Arsenal sẽ đón các cầu thủ và ban huấn luyện trở lại sân tập London Colney vào thứ Ba tuần tới. Quyết định được đưa ra sau thời gian toàn đội cách ly, sân tập đóng cửa vì HLV Mikel Arteta có xét nghiệm dương tính với Covid-19. Trải qua thời gian cách ly, kết quả xét nghiệm cho thấy chưa có ca nhiễm chéo nào trong nội bộ đội bóng. Cách đây mấy ngày, Lorena Bernal - vợ của Arteta đã thông báo với người hâm mộ Arsenal rằng chồng mình đang hồi phục tốt và sẽ sớm trở lại với công việc.
Chelsea dẫn đầu cuộc đua giành Coutinho: Nhật báo AS (Tây Ban Nha) loan tin Chelsea đang dẫn đầu cuộc đua giành tiền vệ Philippe Coutinho của Barcelona. Theo các nguồn tin, đại diện của Barca và Chelsea đã gặp mặt và có những bàn thảo ban đầu về tương lai của ngôi sao Brazil. Barca tỏ thiện chí bán Coutinho với mức giá mong muốn khoảng 90 triệu bảng. Sau khi có được sự phục vụ của Hakim Ziyech, Chelsea muốn có thêm một cầu thủ tấn công sáng tạo. Willian cùng Pedro nhiều khả năng sẽ ra đi hè này do hết hạn hợp đồng. Bởi vậy, Coutinho là cái tên lý tưởng thay thế với vai trò đá lệch trái trên hàng công. Mặc dù vậy, Chelsea chỉ muốn bỏ ra số tiền khoảng 60-70 triệu bảng. Con số này chưa đáp ứng được đòi hỏi của Barca nhưng tới thời điểm hiện tại, chưa có CLB có thiện ý trả giá cao hơn cho ngôi sao Brazil đang thi đấu cho Bayern Munich dưới dạng cho mượn.
Ngoại hạng Anh CHÍNH THỨC ra phán quyết: Sau cuộc họp chính thức của FA và ban tổ chức các giải Ngoại hạng Anh, Championship cùng đại diện các CLB, quyết định chính thức đã được đưa ra. Các giải bóng đá chuyên nghiệp sẽ không trở lại với nước Anh ít nhất đến ngày 30 tháng 4. Không có gì đảm bảo rằng ngày 30 tháng 4 sẽ là kỳ hạn thực sự của việc hoãn Ngoại hạng Anh trong tình hình dịch virus corona vẫn đang diễn biến khó lường. Mọi thứ sẽ trở nên phức tạp hơn bởi UEFA đã ấn định ngày kết thúc mùa giải cho Ngoại hạng Anh.
Barca mua cả Neymar lẫn Lautaro Martinez: Theo Mundo Deportivo, CLB Barcelona lên kế hoạch chiêu mộ bộ đôi tấn công khét tiếng Neymar và Lautaro Martinez trong thị trường chuyển nhượng Hè tới. Khó khăn lớn nhất mà gã khổng lồ xứ Catalan phải đối diện sẽ là phí chuyển nhượng, và họ dự định sẽ trao đổi các cầu thủ của mình để nhằm lách luật công bằng tài chính. Cụ thể, Ivan Rakitic hoặc Arturo Vidal có thể đến PSG, trong khi Ousmane Dembele đang là mục tiêu của Inter Milan.
MU ra giá bán Paul Pogba: Mối lương duyên giữa Pogba và MU dường như đã đi đến hồi kết khi mới đây, đội chủ sân Old Trafford chính thức đặt cầu thủ đắt giá nhất lịch sử CLB lên thị trường chuyển nhượng. Theo đó, 100 triệu bảng là con số MU muốn nhận được nếu bất cứ đội bóng nào muốn có ngôi sao người Pháp. Con số này lớn hơn một chút so với số tiền MU từng bỏ ra để mua Pogba, nhưng đã giảm đi rất nhiều khi cách đây 1 năm, Quỷ đỏ còn định giá Pogba ở mức 180 triệu bảng.
Vì sao Italy 'vỡ trận'?
Italy đến nay ghi nhận hơn 41.000 ca nhiễm nCoV và hơn 3.400 ca tử vong. Số người chết vì nCoV ở Italy chiếm hơn 1/3 số ca tử vong toàn cầu. Nước này đã áp đặt lệnh phong tỏa toàn quốc nhằm ngăn chặn dịch lây lan.
Trong vòng một tháng, Italy từ chỗ chỉ báo cáo ba ca nhiễm đã trở thành nước ghi nhận nhiều ca nhiễm thứ hai, chỉ sau Trung Quốc và số ca tử vong đứng đầu thế giới. Trong khi dịch bệnh ở Trung Quốc đã dần được kiểm soát, cuộc khủng hoảng tại Italy vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại.
"Chúng ta phải từ bỏ một số thứ vì lợi ích của đất nước", Thủ tướng Italy Giuseppe Conte hồi tuần trước nói khi thông báo áp lệnh phong tỏa toàn quốc. "Không còn thời gian nữa", ông nhấn mạnh.
Covid-19 bắt đầu xuất hiện ở Italy vào ngày 20/2, khi một người đàn ông 38 tuổi nhập viện ở thị trấn Codogno, vùng Lombardy, và được xét nghiệm dương tính với nCoV, trở thành ca nhiễm đầu tiên ở nước này. Tuy nhiên, giới chức y tế tin rằng virus đã xâm nhập Italy từ trước khi ca bệnh đầu tiên được phát hiện.
"Virus có lẽ đã tồn tại một thời gian khá lâu rồi", Flavia Riccardo, nhà nghiên cứu tại Khoa Truyền nhiễm Viện Y tế Quốc gia Italy, cho hay. "Nó diễn ra đúng lúc chúng ta đang ở trong đỉnh dịch cúm mùa và mọi người đều biểu hiện những triệu chứng cúm".
Trước ca nhiễm nCoV đầu tiên, một bệnh viện ở Codogno, phía bắc Italy, đã tiếp nhận lượng bệnh nhân mắc viêm phổi cao bất thường, trưởng khoa cấp cứu Stefano Paglia nói với báo La Repubblica. Khả năng đây là những bệnh nhân nhiễm nCoV nhưng được điều trị như mắc cúm mùa. Các cơ sở y tế chữa trị cho những bệnh nhân này có thể trở thành ổ lây nhiễm, khiến virus lây lan nhanh hơn.
Các vùng Lombardy, Veneto và Emilia-Romagna ở phía bắc Italy là những nơi bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi dịch bệnh, chiếm hơn 80% số ca nhiễm và hơn 90% số ca tử vong.
Một số chuyên gia y tế cho rằng Italy báo cáo nhiều ca nhiễm như vậy là bởi virus lây lan mà không được phát hiện sớm. "Dịch khởi phát khi không ai để ý đến nó và đến lúc chúng ta nhận ra, đã xuất hiện vô số chuỗi lây nhiễm ở khắp nơi", Riccardo suy đoán.
Nhiều quan chức lập luận rằng Italy ghi nhận số ca nhiễm cao bắt nguồn từ thực tế là họ tiến hành xét nghiệm virus nhiều hơn các nước khác ở châu Âu.
Tuy nhiên, tỷ lệ tử vong vì nCoV của Italy đang đứng ở mức 8%, cao gấp hai lần mức trung bình thế giới. Độ tuổi trung bình của bệnh nhân tử vong vì virus là 81, theo Viện Y tế Quốc gia.
Italy là một trong những nước có dân số già nhất thế giới và theo giới chuyên gia, đây cũng là một phần nguyên nhân khiến cuộc khủng hoảng Covid-19 trở nên nghiêm trọng. Nghiên cứu cho thấy nCoV gây nguy hiểm hơn đối với người già và những người có các bệnh lý nền.
"Italy là nước già nhất trong lục địa già nhất thế giới", Lorenzo Casani, giám đốc y khoa tại một phòng khám cho người cao tuổi ở Lombardy, nhận xét. "Chúng ta có rất nhiều người trên 65 tuổi".
Casani nhận định tỷ lệ tử vong của Italy có thể cao hơn mức trung bình thế giới bởi họ chỉ xét nghiệm những trường hợp nghiêm trọng. "Chúng ta đang làm chưa đủ", ông nói.
Casani cho biết tình trạng ô nhiễm ở khu vực phía bắc Italy có khả năng là một yếu tố khiến tỷ lệ tử vong cao. Theo một báo cáo do nền tảng theo dõi chất lượng không khí IQAir của Thụy Sĩ công bố, 24 trong 100 thành phố ô nhiễm nhất châu Âu nằm ở Italy.
"Nghiên cứu cho thấy có sự liên quan chặt chẽ giữa tỷ lệ tử vong do bệnh bắt nguồn từ virus đường hô hấp và ô nhiễm", ông nói.
Việc dịch bùng phát nghiêm trọng ở Italy gây ngạc nhiên cho không ít người bởi thực tế, nước này đã theo đuổi những biện pháp tương đối nghiêm ngặt nhằm bảo vệ người dân trước nCoV. Một tuần trước khi ca nhiễm virus đầu tiên được báo cáo, Bộ Y tế Italy đã thành lập một nhóm chuyên trách ứng phó với Covid-19. Italy cũng là nước đầu tiên trong Liên minh châu Âu (EU) cấm các chuyến bay đến và đi từ Trung Quốc. Tuy nhiên, lệnh cấm di chuyển dường như đã thúc đẩy hành khách thực hiện những chuyến bay quá cảnh và che giấu nơi khởi hành của họ.
Italy đang thực hiện những bước đi quyết liệt nhằm ngăn chặn dịch bệnh lây lan. Theo lệnh phong tỏa mới, người dân có thể bị phạt nếu di chuyển trong nước hoặc ra nước ngoài khi chưa được cấp phép. Tất cả các sự kiện công cộng đã bị hủy, trường học đóng cửa trên cả nước. Các không gian công cộng, như phòng tập thể hình, rạp chiếu phim, rạp hát cũng đã bị yêu cầu ngừng hoạt động. Cá nhân nào chống lệnh phong tỏa có thể bị phạt ba tháng tù hoặc nộp phạt 234 USD. Những quy định mới còn cấm thăm viếng tù nhân, gây ra biểu tình tại 27 nhà tù trên khắp đất nước.
Hành động của Italy đã nhận được nhiều sự tán thưởng. Tổng giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khen ngợi Italy trên Twitter vì "những bước đi can đảm, táo bạo" cùng "sự hy sinh".
Dù vậy, một số chuyên gia y tế công cộng và bệnh truyền nhiễm lại bày tỏ lo ngại về hiệu quả của biện pháp phong tỏa.
"Những biện pháp này có thể phát huy hiệu quả trong ngắn hạn", John Edmunds, giáo sư Trường Y học Nhiệt đới và Vệ sinh London, nhận định, song lưu ý rằng chúng "chắc chắn không bền vững".
"Nếu chúng không bền vững về dài hạn, tất cả những gì họ làm chỉ là trì hoãn dịch bệnh trong một khoảng thời gian", ông nói.
Hệ thống chăm sóc sức khỏe quốc gia (SSN) của Italy hiện cung cấp dịch vụ miễn phí cho tất cả bệnh nhân, song vẫn chưa được đầu tư đúng mức. Đầu tư vào y tế công cộng chỉ chiếm 6,8% GDP, thấp hơn các nước khác ở châu Âu như Đức hay Pháp.
"Việc cắt giảm ngân sách dành cho chăm sóc sức khỏe và nghiên cứu rõ ràng đã gây ra vấn đề", Casani nói. "Chúng ta không được chuẩn bị kỹ lưỡng. Chúng ta không có đủ bác sĩ điều trị. Chúng ta không có kế hoạch rõ ràng ứng phó với đại dịch".
Khi số ca nhiễm nCoV tiếp tục tăng, Bộ Y tế Italy đã tăng gấp đôi giường bệnh tại các khoa truyền nhiễm. Thống đốc vùng Lombardy Attilio Fontan yêu cầu các trường đại học y khoa cấp bằng sớm hơn vào đầu năm nay nhằm gia tăng số lượng y tá. Nhưng nhiều quan chức y tế lo ngại những nỗ lực này là chưa đủ.
"Hiện tại ở Lombardy, chúng tôi không có giường trống tại các khoa chăm sóc đặc biệt", Casani cho hay và thêm rằng các bác sĩ "đang phải đưa ra lựa chọn tồi tệ là quyết định xem ai sẽ sống và ai không, ai sẽ được theo dõi sức khỏe, chạy máy thở và nhận được sự chăm sóc mà họ cần".
Tỷ giá đô la Úc so với đồng đô la Mỹ ngày 20/03/2020 là 1 AUD = 0.583 USD.
Tỷ giá đô la Úc so với Việt Nam Đồng ngày 20/03/2020 là 1 AUD = 13,677 VND.
Theo Trung tâm dự báo thời tiết, thứ Bảy tại Sài Gòn, trời ít mây, ngày nắng nhiều, gió nhẹ. Nhiệt độ dao động từ 26 đến 35 độ. Chủ nhật, trời ít mây, ngày nắng nhiều, gió nhẹ. Nhiệt độ dao động từ 26 đến 35 độ.
Tại Hà Nội, thứ Bảy, trời nhiều mây, thỉnh thoảng có mưa dông, gió nhẹ. Nhiệt độ dao động từ 23 đến 28 độ. Chủ nhật, trời nhiều mây, có thể có mưa dông, gió nhẹ. Nhiệt độ dao động từ 22 đến 29 độ.
Tại Adelaide, thứ Bảy, trời có mây rải rác, gió nhẹ. Nhiệt độ dao động từ 13–22 độ. Chủ nhật, trời có mây rải rác, gió nhẹ. Nhiệt độ dao động từ 14–22 độ.
Tại Brisbane, thứ Bảy, trời nắng, gió nhẹ. Nhiệt độ dao động từ 19–32 độ. Chủ nhật, trời có mây rải rác, gió nhẹ. Nhiệt độ dao động từ 21–31 độ.
Tại Sydney, thứ Bảy, trời có mây rải rác, gió nhẹ. Nhiệt độ dao động từ 19–25 độ. Chủ nhật, trời nắng, trong ngày có mưa rào, gió nhẹ. Nhiệt độ dao động từ 18–27 độ.
Tại Melbourne, thứ Bảy, trời nhiều mây, sáng sớm có mưa phùn, gió nhẹ. Nhiệt độ dao động từ 14–19 độ. Chủ nhật, trời có mây rải rác, trong ngày có mưa rào, gió nhẹ. Nhiệt độ dao động từ 13–18 độ.
Cẩm Nhung – Hồng Đào
0 comments