Tin khắp nơi – 20/03/2020
Friday, March 20, 2020
5:29:00 PM
//
- Slider
,
Tin Khắp nơi
Tổng thống Trump thúc giục FDA mở đường
cho các phương pháp tiềm năng
có thể chữa trị COVID-19
Tin Washington DC – Theo bản tin từ Reuters, Tổng Thống Donald Trump vào thứ Năm, 19 tháng 3, đã thúc giục cơ quan quản lý y tế Hoa Kỳ mở đường cho các phương pháp tiềm năng có thể chữa trị Covid-19, nói rằng các phương pháp này có thể tạo ra bước đột phá trong thời gian chờ phát triển vaccine. Trong cuộc họp báo tại Tòa Bạch Ốc, Tổng Thống Trump đã nhắc đến thuốc kháng virus Remdesivir đang thử nghiệm của hãng Gilead, và thuốc chống sốt rét hydroxychloroquine.Tổng thống nói rằng ông đã yêu cầu cơ quan thuốc và thực phẩm Hoa Kỳ FDA đẩy nhanh thủ tục xét duyệt cho 2 loại thuốc này. Giám đốc FDA Stephen Hahn cho biết cơ quan của ông đang cố gắng làm việc nhanh hết sức có thể để đánh giá mọi phương pháp chữa trị tiềm năng. Ông Hahn cho biết, trong giai đoạn trước mắt, FDA đang tập trung vào các loại thuốc đã được phê chuẩn trước đây cho các loại bệnh khác. Một cuộc thử nghiệm trên 1,500 người, thực hiện bởi Đại học Minnesota, đã bắt đầu trong tuần này để tìm hiểu xem liệu thuốc chống sốt rét có thể ngăn chận hoặc làm giảm độ trầm trọng của Covid-19 hay không. Hai cuộc thử nghiệm khác cũng đang tìm hiểu khả năng của thuốc hạ huyết áp losartan trong việc chữa trị các biến chứng của coronavirus. Ngoài tác dụng trực tiếp là chống virus, thuốc trị sốt rét hydroxychloroquine còn áp chế các proteins liên quan đến các phản ứng viêm thường thấy của các căn bệnh do virus gây ra.
Tiến Sĩ Jakub Tolar, trưởng khoa Y dược của Đại học Minnesota, cho biết cuộc thử nghiệm sẽ có kết quả trong vòng vài tuần. Hầu hết bệnh nhân nhiễm coronavirus thường chỉ có triệu chứng nhẹ giống bệnh cúm. Tuy nhiên, khoảng 20% người bệnh sẽ xuất hiện biến chứng dẫn đến viêm phổi và phải nhập viện.
Mộc Miên
https://www.sbtn.tv/tong-thong-trump-thuc-giuc-fda-mo-duong-cho-cac-phuong-phap-tiem-nang-co-the-chua-tri-covid-19/
Phụ tá của TT Trump và Thượng viện thương thảo
gói cứu trợ kinh tế nghìn tỷ đôla
Các phụ tá kinh tế của Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump hôm 20/3 dự kiến có cuộc thương thảo với Thượng viện về gói giải cứu kinh tế trị giá hơn 1 nghìn tỷ đô la trong bối cảnh đại dịch Covid-19 đang bùng phát, theo AP.Đây là nỗ lực lớn nhất đến nay để hỗ trợ các hộ gia đình và nền kinh tế Hoa Kỳ khi đại dịch đang xảy ra khiến các cơ sở kinh doanh trên toàn quốc phải đóng cửa, làm tổn thương đất nước trước một cuộc suy thoái tiềm tàng.
Lãnh đạo khối đa số tại Thượng viện Mitch McConnell đã tiết lộ đề nghị mở của đảng Cộng hòa là sẽ gửi trực tiếp ngân phiếu trị giá 1.200 đô la cho người nộp thuế, 300 tỷ đôla cho các doanh nghiệp nhỏ để trả lương cho công nhân đang tạm nghỉ việc, và cung cấp khoản vay 208 tỷ đôla cho các hãng hàng không và các ngành công nghiệp khác, cũng theo AP.
“Chúng ta cần phải có hành động táo bạo và nhanh chóng càng sớm càng tốt”, Thượng Nghị sĩ Mitch McConnell cho biết hôm 19/3, khi thông báo kế hoạch thảo luận ở Thượng viện.
Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin và Cố vấn Kinh tế Larry Kudlow sẽ có cuộc họp kín với các nhà lãnh đạo Thượng viện.
Trang Market Watch hôm 20/3 trích lời các quan chức kinh tế hàng đầu của chính quyền Tổng thống Trump cho biết họ hy vọng gói cứu trợ kinh tế khổng lồ để giảm ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 có thể được quốc hội Mỹ thông qua vào ngày 23/3.
Ông Larry Kudlow, giám đốc Hội đồng Kinh tế Quốc gia thuộc Nhà Trắng, nói rằng cuộc họp “rất quan trọng, mang tính xây dựng”.
Khoản trợ cấp 1.200 đôla một lần sẽ được gửi cho các cá nhân có thu nhập hàng năm 75.000 đôla trở xuống, hoặc 2.400 đôla cho các cặp vợ chồng có thu nhập hàng năm 150.000 đôla trở xuống. Ngoài ra, mỗi trẻ em sẽ nhận được 500 đôla, theo AP.
Ngoài ra, dự luật McConnell sẽ cung cấp 300 tỷ đôla cho các doanh nghiệp nhỏ, dùng để trả lương cho nhân viên.
https://www.voatiengviet.com/a/phu-ta-cua-trump-va-thuong-vien-thao-luan-goi-cuu-tro-kinh-te/5337915.html
Hai dân biểu Quốc hội Mỹ dương tính với virus corona
Hai dân biểu trong Hạ viện Hoa Kỳ, Mario Diaz-Balart của bang Florida và Ben McAdams của bang Utah, hôm thứ Tư cho biết họ đã xét nghiệm dương tính với virus corona, trở thành những thành viên đầu tiên của Quốc hội Mỹ mắc phải căn bệnh đường hô hấp này.Ông Diaz-Balart, theo Đảng Cộng hòa, cho biết trong một thông cáo rằng ông đã tự cách li ở Washington kể từ cuộc biểu quyết vào ngày thứ Sáu trong Hạ viện. Ông nói rằng ông đã không trở về nhà ở Nam Florida bởi vì ông có thể là nguy cơ lây lan virus rất cao đối với vợ ông, người có những căn bệnh nền.
Nghị sĩ 58 tuổi cho biết ông bị sốt và đau đầu vào tối ngày thứ Bảy và được thông báo ông xét nghiệm dương tính.
Ông McAdams cho biết trong một phát biểu từ West Jordan, Utah, rằng ông bắt đầu có các triệu chứng giống như “cảm lạnh nhẹ” vào tối ngày thứ Bảy sau khi trở về từ Washington và tự cách li tại nhà vào Chủ nhật. Ông và ông Diaz-Balart đều tham gia cuộc biểu quyết trong Hạ viện về dự luật ứng phó với virus corona kéo dài đến khuya ngày thứ Sáu.
Các triệu chứng của ông McAdams trở nặng và ông đi xét nghiệm tại một phòng khám vào ngày thứ Ba theo chỉ thị của bác sĩ. Ông được báo tin vào ngày thứ Tư rằng ông xét nghiệm dương tính, nghị sĩ Đảng Dân chủ 45 tuổi cho biết.
Hạ viện hiện đang nghỉ giải lao và sẽ trở lại hội họp vào tuần sau.
Trong vài tuần qua, một số thành viên khác của Thượng viện và Hạ viện đã tự cách li sau khi có thể đã tiếp xúc với một người bị nhiễm virus corona. Nhưng ông Diaz-Balart và McAdams là hai người đầu tiên nói rằng họ đã xét nghiệm dương tính.
https://www.voatiengviet.com/a/hai-dan-bieu-quoc-hoi-my-duong-tinh-voi-virus-corona/5335908.html
TT Trump: Thế giới ‘trả giá đắt’
vì TQ chậm thông tin về Covid-19
Hôm 19/3, Tổng thống Donald Trump đổ lỗi cho Trung Quốc về đại dịch Covid-19, và một lần nữa ông sử dụng từ ‘virus Trung Quốc’, theo CNBC.“Thế giới đang phải trả giá đắt cho những gì họ [TQ] đã làm”, ông Trump nói, đề cập đến tuyên bố của ông rằng các quan chức Trung Quốc đã không chia sẻ thông tin sớm hơn về sự bùng phát của Covid-19 sau khi nó được phát hiện ở Trung Quốc.
“Lẽ ra nó phải được ngăn chặn ngay tại nơi nó khởi phát ở Trung Quốc”, ông Trump nói trong một cuộc họp báo ở Nhà Trắng.
Ông lập luận rằng các quan chức Mỹ sẽ có thể hành động nhanh hơn giá như ban đầu chính quyền Trung Quốc chia sẻ đầy đủ thông tin về bệnh dịch, xuất phát từ thành phố Vũ Hán, theo Fox News.
Ông Trump nói: “Mọi chuyện sẽ tốt hơn nhiều nếu chúng ta biết về điều này một vài tháng trước đó”.
https://www.voatiengviet.com/a/tt-trump-the-gioi-tra-gia-dac-vi-tq-cham-thong-tin-covid-19/5337811.html
Hoa Kỳ sẽ mua thêm 30 triệu thùng dầu
để dự trữ cho tình huống khẩn cấp
Tin Washington DC – Vào thứ Năm, 19 tháng 3, Bộ Năng Lượng Hoa Kỳ cho biết sẽ mua thêm khoảng 30 triệu thùng dầu thô cho Kho dự trữ dầu chiến lược SPR, trong thời gian từ nay đến cuối tháng 6. Đây là bước đầu tiên trong các mệnh lệnh của Tổng Thống Donald Trump nhằm tăng dự trữ dầu cho tình huống khẩn cấp, đồng thời hỗ trợ các hãng khai thác dầu nội địa. Kho dự trữ dầu, nằm trong các hầm ngầm ở bờ biển Texas và Louisiana, hiện có khả năng chứa thêm 77 triệu thùng dầu.Theo Bộ Năng Lượng, 30 triệu thùng dầu bổ sung sẽ được mua từ các hãng sản xuất nhỏ và vừa. Giá dầu CLc1 tại Hoa Kỳ vào thứ Năm đã tăng 12%, lên gần 23 Mỹ kim một thùng, sau khi đợt bán tháo kéo dài suốt 3 ngày qua khiến giá dầu rơi xuống mức thấp nhất trong gần 2 thập niên. Giá dầu quốc tế hiện đang sụt giảm mạnh vì ảnh hưởng của dịch Covid-19 và cuộc chiến giá cả giữa Ả Rập Saudi và Nga. Theo dự kiến, Bộ Năng Lượng Hoa Kỳ sẽ mua 11.3 triệu thùng dầu thô ngọt, tức dầu thô có lượng sulfur dưới 0.5%, và 18.7 triệu thùng dầu thô chua, tức dầu thô có hàm lượng sulfur trên 0.5%. Ngày giao hàng là từ 1 tháng 5 đến 30 tháng 6, và các đề nghị mua sẽ hết hạn vào 26 tháng 3.
Một số ngân quỹ dùng cho việc mua toàn bộ 77 triệu thùng dầu sẽ phải cần được Quốc Hội cho phép. Bộ Năng Lượng cho biết đang làm việc với điện Capitol để quyết định ngân sách mua dầu, có thể là từ 2 tỷ Mỹ kim trở lên, tùy theo giá dầu thị trường. Kho dự trữ dầu SPR có thể nhận 685,000 thùng dầu mỗi ngày.
Mộc Miên
https://www.sbtn.tv/hoa-ky-se-mua-them-30-trieu-thung-dau-de-du-tru-cho-tinh-huong-khan-cap/
Virus corona: Hai thượng nghị sĩ Mỹ
bị nghi làm giàu nhờ Covid-19
Hai thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa Mỹ đối mặt kêu gọi từ chức vì cáo buộc họ dùng thông tin bên trong để bán cổ phiếu trước khi rớt giá vì lo ngại virus corona.Virus corona: 40 trạm tàu điện ngầm London đóng cửa
Virus corona: Anh Quốc cứu trợ doanh nghiệp và người lao động ra sao?
Richard Burr bị cáo buộc bán 1,7 triệu đôla cổ phiếu hồi tháng Hai.
Kelly Loeffler bị tố cáo bán đi khoảng 3 triệu đôla, vào cùng ngày khi có cuộc họp Thượng viện về virus.
Cả hai thượng nghị sĩ bác bỏ mọi sai trái.
Ông Burr đang là chủ tịch Ủy ban Tình báo Thượng viện.
Các cáo buộc chống ông Burr đưa ra trong một điều tra của ProPublica.
Là chủ tịch ủy ban tình báo, ông Burr được nghe báo cáo hàng ngày về đe dọa cho an ninh Mỹ.
Hôm 7/2, sau khi có vụ nhiễm virus đầu tiên, ông Burr viết trên Fox News rằng chính phủ Mỹ “sẵn sang hơn bao giờ hết” để đối phó.
Nhưng một tuần sau, ông Burr và vợ bán ít nhất 628.000 đôla, và có thể lên tới 1,72 triệu, cổ phiếu.
Còn điều tra riêng của The Daily Beasts tố cáo bà Kelly Loeffler và chồng bán hàng triệu đôla cổ phiếu.
Việc bán đi xảy ra từ ngày khi ủy ban sức khỏe thượng viện, mà bà Kelly Loeffler là thành viên, tổ chức cuộc họp kín về virus.
Trong nhiều tuần sau vụ bán cổ phiếu, bà viết trên Twitter, giảm nhẹ tác động của virus với nền kinh tế.
Bà Kelly Loeffler nói điều tra của The Daily Beasts là “ngớ ngẩn”.
Cáo buộc về hai thượng nghị sĩ làm tăng nghi ngờ rằng giới cầm quyền Mỹ cố tình trì hoãn hành động mặc dù đã biết về đe dọa.
https://www.bbc.com/vietnamese/world-51976412
Virus corona: Thư từ vùng cấm túc California
Bùi Văn PhúGửi đến BBC từ Vùng Vịnh San Francisco, CaliforniaChiều thứ Năm 19/3 Thống đốc California Gavin Newsom ra lệnh cấm túc với 40 triệu cư dân tiểu bang. Bắt đầu ngay lập tức và ông không đưa ra thời hạn khi nào sẽ chấm dứt lệnh này.
Cấm túc là “shelter-in-place”, có nghĩa là ở trong nhà. Tuy nhiên đây không là “thiết quân luật” – martial law – hay cấm cửa như ở Vũ Hán bên Trung Quốc khi cấm dân ra đường hay người nơi khác vào vùng dịch Covid-19 (Cô-Vi) bùng phát.
Theo lệnh này, mọi người không ra đường, trừ những ai làm việc trong các ngành nghề y tế như bác sĩ, y tá, nhân viên bệnh viện hay trong lĩnh vực cung cấp nhu yếu phẩm gồm tiệm thuốc tây, siêu thị, cây xăng, ngân hàng và công nhân sở vệ sinh lo đổ rác.
Cấm túc không có nghĩa hoàn toàn bị nhốt trong nhà, không được ra đường di chuyển. Dân vẫn có thể đi chợ, đổ xăng hay ra đường đi bộ tập thể dục, với điều kiện giữ khoảng 2 mét cách xa nhau.
Virus corona: Khi nào hết dịch và cuộc sống trở lại bình thường?
Virus corona có thể sống trên các bề mặt bao lâu?
Virus corona: California ban hành lệnh yêu cầu 40 triệu dân ở nhà
Không đợi có quyết định của thống đốc, từ ba ngày qua cư dân vùng Vịnh San Francisco đã bị cấm túc và sẽ còn kéo dài ít nhất đến ngày 7/4. Các trường học toàn vùng đã đóng cửa. Đại học chuyển tất cả các lớp sang học qua mạng cho đến hết niên học.
Mấy ngày qua Quận Cam rồi Los Angeles đã theo chân San Francisco với lệnh cấm túc. Nếu không có lệnh của thống đốc, chỉ với ba khu vực trên cũng đã có hơn 20 triệu người bị ảnh hưởng.
Vùng Vịnh San Francisco là khu vực đầu tiên cấm túc dân, theo đề nghị của các giới chức y tế địa phương lo phòng chống lây lan Cô-Vi vì nơi đây có số người lây nhiễm và số tử vong cao nhất trong tiểu bang. California chỉ đứng sau tiểu bang Washington và New York hiện là ba nơi có tâm điểm bùng phát bệnh.
Thống đốc tiểu bang New York Andrew Cuomo tuy chưa ban hành lệnh cấm túc nhưng ông đã yêu cầu các công ti, cơ sở thương mại cắt giảm 75% số người phải vào làm việc.
Các địa phương tùy theo tình hình phải tự lo liệu lấy và đưa ra những quyết định phòng chống. Lo nhất là nếu số bệnh nhân Cô-Vi tăng sẽ không đủ nơi điều trị vì thiếu giường bệnh, sẽ thiếu trang thiết bị y khoa cần thiết.
Theo một mô hình do Thống đốc Gavin Newsom đưa ra thì số dân California bị nhiễm vi-rút có thể lên đến 56% trong vòng hai tháng tới và cần đến 20 nghìn giường bệnh. Ông đề nghị Tổng thống Donald Trump cho tầu bệnh viện đỗ bến ở Los Angeles và chính quyền tiểu bang dự trù sẽ biến khách sạn, ký túc xá đại học thành nơi chữa bệnh khi cần.
Cho đến nay vẫn chưa có thuốc chữa bệnh Cô-Vi. Thông tin mới nhất cho biết thuốc chloroquine, tức ký ninh chữa bệnh sốt rét, có thể chữa được và chính quyền liên bang đã cho phép dùng thử ngay với bệnh nhân, thay vì phải qua các thủ tục thử nghiệm kéo dài nhiều tháng, có khi nhiều năm như trước đây.
Nếu con số người lây bệnh và số người được chữa khỏi ở Trung Quốc là đúng, với 81 nghìn ca nhiễm, 71 nghìn được chữa khỏi, là 88%, thì có thể giới chức y tế ở Wuhan đã dùng một loại như thuốc ký ninh
để trị bịnh. Năm 2015 bác sĩ Tu Youyou của Trung Quốc là người khám phá ra loại thuốc chữa sốt rét đã được giải Nobel Y khoa.
So với những số liệu từ Hàn Quốc, Ý hay Pháp, Tây Ban Nha thì cách chữa bệnh ở Trung Quốc hiệu nghiệm hơn rất nhiều. Cũng cần nhắc là nếu các con số do nhà nước đưa ra là khả tín.
Mới tháng trước Vùng Vịnh San Francisco còn chưa lo sợ dịch Covid-19 lây lan. Dân biểu Nancy Pelosi ngày 24/2 đã đi thăm Chinatown San Francisco và mời gọi du khách ghé thăm, vì thương mại ở đây đã xuống thê thảm từ sau Tết, khi nạn dịch được biết đã lây lan nhiều ở Trung Quốc.
Các thị trưởng London Breed của San Francisco và Libby Schaaf của Oakland cũng đã trấn an cư dân và mời gọi khách ủng hộ các nhà hàng Tầu, không có gì phải lo sợ bệnh dịch.
Đến nay thì ai cũng lo sợ bệnh dịch. Vùng Vịnh San Francisco với gần 7 triệu dân là khu vực rộng lớn đầu tiên ở Mỹ có lệnh cấm túc từ thứ Ba 17/3.
Các giới chức trách nhiệm đã nhận ra việc phòng lây bệnh hữu hiệu là tự cách ly nhau, mà lệnh cấm túc sẽ mang lại kết quả tốt nhất, vì có người nhiễm Cô-Vi mà không có triệu chứng nên dễ lây sang người khác qua các tiếp xúc thường ngày trong xã hội. Đó là lây nhiễm cộng đồng mà giới chức y tế lo ngại nhất.
Trong quận hạt Santa Clara, vùng Vịnh San Francisco, nơi có nhiều người bị nhiễm và tử vong nhất California, với 189 ca và 6 tử vong, trong đó gần phân nửa là lây nhiễm cộng đồng, nghĩa là người bị bệnh không du hành đến các nước có dịch bệnh hay có tiếp xúc với người bệnh.
Tổng thống Donald Trump từ lâu cũng không tin Covid-19 là đại dịch, cho đến thứ Sáu tuần trước mới bắt đầu có những biện pháp cấp thiết để phòng chống.
Với lệnh cấm túc ở California, nhưng dân không hỗn loạn. Trên xa lộ vẫn thấy xe chạy, vắng hơn trước. Trong thành phố nhiều chỗ không còn lưu thông hay người qua lại.
Trong một siêu thị Lucky gần nhà, giấy vệ sinh và các loại thuốc lau chùi vi khuẩn không còn. Trên các kệ thực phẩm rau, cây trái còn nhiều nhưng đồ hộp như súp hết sạch. Bánh mì vào giấc trưa cũng không còn.
Các siêu thị Safeway và Lucky cắt giảm giờ mở cửa, dành giờ sáng sớm cho người có tuổi từ 60 trở lên được vào mua hàng trước.
Việt Nam học được gì từ khủng hoảng Covid-19 ở Ý?
Covid-19: Xét nghiệm của VN đã thực sự chính xác?
Virus corona: Ai, đang làm gì, ở đâu, để chặn dịch?
Không có cảnh chen lấn. Tuy nhiên việc giữ khoảng cách xa nhau 2 mét không được dân chú ý lắm khi ra đường. Có lẽ vì thói quen nên chưa ý thức được.
Khi có việc phải ra ngoài đường, tôi quan sát thấy siêu thị Berkeley Bowl thực hiện các biện pháp tránh giao tiếp xã hội đúng nhất với giới hạn người vào mua và khách xếp hàng bên ngoài hay bên trong cũng tự đứng cách xa nhau 2 mét, không mấy người đeo khẩu trang.
Trong khi tại một siêu thị Costco ở thành phố gần đó, đông khách ra vào và người người xếp hàng san sát bên nhau chờ tính tiền, vì thói quen. Nhiều người cũng chưa nhận thức được là phải giữ khoảng cách xa nhau trong lúc này.
Xa lộ, đường phố vắng hẳn xe. Bình thường lái xe từ Berkeley xuống San Jose trong giờ cao điểm mất ít nhất 90 phút. Sáng thứ Năm bảng chỉ đường ghi còn 47 phút.
Từ sáng thứ Hai tuần trước, bảng chỉ đường ghi từ Berkeley xuống đến phi trường San Jose là 55 phút. Đài phát thanh đưa tin xa lộ 280, 101, 87 lượng lưu thông ít hẳn đi và không có kẹt xe vì từ hôm đó nhiều công ti đã cho nhân viên làm việc ở nhà. Khi đó trường học chưa đóng cửa.
Khách đi xe điện BART ngày hôm đó cũng giảm 25% rồi hôm sau giảm 30%. Thứ Tư nhiều trường bắt đầu đóng cửa và một tuần sau coi như vùng Vịnh rơi vào tình trạng hoang vắng.
Với lệnh cấm túc, số khách đã giảm 90% nên trong những ngày tới tầu điện chỉ còn chạy từ 8 giờ sáng đến 9 giờ tối, thay vì từ 5 giờ sáng đến 12 giờ khuya như trước đây.
Tôi đã ở nhà một tuần từ khi trường đóng cửa vào thứ Tư tuần trước. Không ra ngoài nhưng vẫn làm việc vì các lớp đã chuyển sang online.
Nhiều du sinh từ Việt Nam kéo nhau về nước vì tình hình bất ổn và lo ngại đến an nguy sức khoẻ khi biết rằng người dân Mỹ còn chưa được chữa trị thì làm gì đến lượt các em, nếu chẳng may lâm bệnh.
Trước những lo lắng không tiên liệu được tình hình, nhiều trường đã đồng ý nếu sinh viên trở về nguyên quán và vẫn được gia hạn I-20 để trở lại Mỹ khi nạn dịch qua đi.
Nếp sống ở đây trong những ngày qua không còn bình thường, nhưng không lo thiếu thực phẩm, xăng dầu. Lo nhất là bị bệnh, dù bất cứ bệnh gì vì có mấy ai muốn nhập viện lúc này.
Tôi đã trải qua động đất tháng 10/1989, biến cố 11/9, khủng hoảng kinh tế tài chánh 2008, nhưng lần này có lo lắng hơn vì không biết bệnh dịch sẽ hoành hành đến đâu và kéo dài bao lâu.
Tình hình lây bệnh Cô-Vi với số người nhiễm tăng lên mỗi ngày theo cấp số lũy thừa và thiếu thuốc thử nghiệm cũng như cách chữa trị là điều làm mọi người lo sợ. Đúng là chúng ta đang chiến đấu với một kẻ thù vô hình.
Như thế còn biết làm gì hơn ngoài việc thường xuyên rửa tay, giới hạn ra ngoài, ăn uống đầy đủ và giữ tinh thần lạc quan, vui với những gì có thể làm được để qua cơ đại dịch này.
Chẳng cần phải tranh cãi về tên gọi kẻ thù vô hình làm gì. Tôi gọi đó là Cô-Vi cho thân thương, rút ngắn từ Corona Virus thường được truyền thông dùng ở Mỹ. May ra cô bớt khắc nghiệt với con người.
Bài viết phản ánh quan điểm riêng của tác giả, hiện dạy đại học cộng đồng và là một nhà báo tự do từ vùng Vịnh San Francisco
https://www.bbc.com/vietnamese/forum-51971392
Bệnh nhân trẻ chiếm tỷ lệ cao
trong các ca COVID-19 nhập viện tại Mỹ
Dữ liệu của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC) cho thấy gần 40% bệnh nhân nhiễm virus corona phải nhập viện là trong độ tuổi từ 20-54, dù nguy cơ tử vong cao hơn ở các bệnh nhân lớn tuổi.New York Times dẫn báo cáo hôm 19/3 của CDC về 2500 ca bệnh đầu tiên ở Mỹ cho biết thêm rằng gần phân nửa số bệnh nhân được đưa vào điều trị-chăm sóc đặc biệt vì COVID-19 tại Mỹ là dưới 65 tuổi.
Điều này càng củng cố thêm lời kêu gọi từ lực lượng đặc nhiệm chống corona của Toà Bạch Ốc khi thấy ngày càng có nhiều bệnh nhân trẻ ở Pháp và Ý trở thành nạn nhân của COVID-19. Giới chuyên môn khuyến cáo mọi người, mọi lứa tuổi nên cẩn thận trước dịch bệnh corona, cho dù là người trẻ hay là người khoẻ mạnh, bằng cách tự bảo vệ mình và ngưng tiếp xúc xã hội.
Vẫn theo báo cáo của CDC, nhóm trẻ tuổi nhất, dưới 19, chiếm chưa tới 1% các ca nhập viện và trong nhóm bệnh nhân này không có ai phải vào khu điều trị-chăm sóc đặc biệt hay tử vong. Điều này cũng tương tự như dữ kiện tại các nước.
Tuy nhiên, trong tuần này, một cuộc nghiên cứu lớn nhất về các ca bệnh nhỏ tuổi ở Trung Quốc phát hiện một phần nhỏ trong số các bệnh nhi của COVID-19 cần phải nhập viện vì các triệu chứng nghiêm trọng và rằng ở Trung Quốc có một cậu bé 14 tuổi thiệt mạng vì virus corona.
Tại Hoa Kỳ, ngày 18/3, tiểu bang Maryland báo cáo có bệnh nhi đầu tiên dương tính với virus corona: một cô bé 5 tuổi ở quận Howard, theo tờ Baltimore Sun.
https://www.voatiengviet.com/a/b%E1%BB%87nh-nh%C3%A2n-tr%E1%BA%BB-chi%E1%BA%BFm-t%E1%BB%B7-l%E1%BB%87-cao-trong-c%C3%A1c-ca-covid-19-nh%E1%BA%ADp-vi%E1%BB%87n-t%E1%BA%A1i-m%E1%BB%B9-/5336495.html
Mỹ có thể điều hàng chục ngàn Vệ binh Quốc gia
giúp dân chống corona
Hàng chục ngàn lính Vệ binh Quốc gia Hoa Kỳ có thể được điều động để giúp các tiểu bang đối phó với dịch virus corona đang lây lan nhanh chóng, người đứng đầu lực lượng Vệ binh Quốc gia Mỹ loan báo ngày 19/3.Tướng Joseph Lengyel cho biết tổng cộng có 2 ngàn lính đã được điều động và từ đây tới cuối tuần có thể tăng gấp đôi.
Vệ binh Quốc gia, một phần của lực lượng trừ bị trong Lực lượng Võ trang Mỹ, đã được gọi đi phục vụ tại 27/50 tiểu bang của Mỹ để hỗ trợ dọn dẹp khử trùng các nơi công cộng và phân phối thực phẩm tới nhà dân trong mùa dịch corona.
“Khó nói các yêu cầu cụ thể thế nào nhưng tôi dự kiến hàng chục ngàn lính sẽ phục vụ bên trong các tiểu bang khi tình hình dịch bệnh tăng,” Tướng Lengyel phát biểu tại cuộc họp báo ở Ngũ Giác Đài.
Gần 9 ngàn ca nhiễm virus corona được báo cáo tại Mỹ.
51 quân nhân Mỹ được chẩn đoán mắc COVID-19 nhưng tính tới ngày 19/3 không ai trong số này phải nằm viện và 2 người đã hồi phục.
https://www.voatiengviet.com/a/m%E1%BB%B9-c%C3%B3-th%E1%BB%83-%C4%91i%E1%BB%81u-h%C3%A0ng-ch%E1%BB%A5c-ng%C3%A0n-v%E1%BB%87-binh-qu%E1%BB%91c-gia-gi%C3%BAp-d%C3%A2n-ch%E1%BB%91ng-corona-/5336474.html
Virus corona:
California ban hành lệnh yêu cầu 40 triệu dân ở nhà
California vừa ban hành sắc lệnh “ở nhà” với người dân để cố gắng ngăn chặn sự bùng phát của virus corona trên toàn tiểu bang đông dân nhất Hoa Kỳ.Thống đốc Gavin Newsom nói với dân California rằng họ chỉ nên rời khỏi nhà khi cần thiết trong đại dịch này.
Trước đó, ông ước tính hơn một nửa dân số trong bang 40 triệu người sẽ bị nhiễm Covid-19 chỉ trong vòng hai tháng tới.
Cho đến nay, virus corona chủng mới này đã cướp đi mạng sống 205 người ở Mỹ và lây nhiễm 14,000 người.
Toàn thế giới có khoảng 250,000 người dương tính với virus và khoảng 9,900 người tử vong.
Sắc lệnh này có nghĩa gì?
Thống đốc Newsom nói: “Đây là thời điểm chúng ta cần đưa ra quyết định cứng rắn. Chúng ta cần chấp nhận thực tế.”
Lệnh của ông cho phép cư dân rời khỏi nhà để mua đồ tạp hóa hoặc thuốc, dắt chó đi dạo hoặc tập thể dục, nhưng hạn chế giao tiếp công cộng.
Lệnh này sẽ buộc các doanh nghiệp kinh doanh không thiết yếu phải đóng cửa. Còn các doanh nghiệp khác bao gồm cửa hàng tạp hóa, hiệu thuốc, ngân hàng và trạm xăng được tiếp tục hoạt động.
Khoảng một nửa dân số của bang phải chịu biện pháp nghiêm ngặt tương tự, bao gồm cả thành phố San Francisco.
Thống đốc đảng Dân chủ cho biết nhiều nơi của tiểu bang này cho thấy tỷ lệ lây nhiễm tăng gấp đôi chỉ sau bốn ngày.
Ông đưa ra một dự đoán thảm khốc trong một bức thư gửi Tổng thống Donald Trump vào thứ Tư, kêu gọi sự giúp đỡ khẩn cấp của chính quyền liên bang.
“Chúng tôi dự đoán khoảng 56% dân số của bang – tức 25,5 triệu người – sẽ bị nhiễm virus trong khoảng thời gian tám tuần,” Thống đốc Newsom viết.
Cho đến nay, California đã ghi nhận ít hơn 1,000 trường hợp nhiễm virus và 19 trường hợp tử vong, theo Los Angeles Times.
Virus corona: Trump đặt Mỹ vào cuộc chiến chống bệnh dịch
Sân bay Mỹ hỗn loạn vì kiểm tra sức khỏe
New York: thành phố không bao giờ ngủ thành thị trấn ma
Virus corona: Vấn đề Donald Trump chưa từng phải đối mặt
Những ‘vùng nóng’ khác ở Mỹ
Cùng với New York và Washington, California là một trong những tiểu bang của Hoa Kỳ bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi đại dịch virus corona.
Chỉ riêng hôm thứ Năm, số ca nhiễm Covid-19 ở New York đã tăng hơn gấp đôi, lên 3,954 – cao hơn số lượng người nhiễm virus corona được xác nhận trên toàn Vương quốc Anh.
Thị trưởng Bill de Blasio nói với CNN, thành phố đông dân nhất nước Mỹ sẽ hết nguồn cung cấp y tế trong vòng ba tuần nếu sự lây lan tiếp tục “bùng nổ” với tốc độ như vậy.
Ông kêu gọi chính phủ liên bang hỗ trợ New York 15,000 máy thở, ba triệu khẩu trang chuyên dụng, 50 triệu khẩu trang giải phẫu và 45 triệu đồ bảo hộ, găng tay và quần yếm.
Thị trưởng cho biết virus này đã cướp đi sinh mạng của 26 người dân trong thành phố.
Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ hôm thứ Năm kêu gọi công dân hủy bỏ các chuyến du lịch nước ngoài.
Cảnh báo du lịch nói lên điều gì?
Trong nỗ lực ngăn chặn đại dịch, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đưa ra cảnh báo du lịch ở cấp độ 4 – mức độ cao nhất, thường chỉ áp dụng đối với các quốc gia có chiến tranh – yêu cầu “không được du lịch”.
Chỉ bốn ngày trước, chính phủ đã gửi cảnh báo ở cấp độ 3, khuyến nghị công dân nên xem xét việc du lịch.
Cảnh báo mới nhất nói rằng: “Nếu bạn du lịch quốc tế, kế hoạch có thể bị gián đoạn nghiêm trọng. Bạn có thể bị buộc phải ở ngoài nước Mỹ trong thời gian không xác định”.
Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết hôm thứ Năm, chính phủ của ông đã làm việc với quân đội để đưa hàng trăm người Mỹ bị mắc kẹt ở nước ngoài, trong bối cảnh toàn cầu ngừng các hoạt động du lịch quốc tế.
Lệnh cấm du lịch của Mỹ tương tự các biện pháp được ban hành bởi các quốc gia khác, bao gồm Canada một tuần trước.
https://www.bbc.com/vietnamese/world-51971241
Quận Cam chỉnh sửa lệnh cấm
sau khi nhiều cư dân hiểu lầm
Các viên chức của Quận Cam đang tiến hành sửa đổi lệnh cấm từ giám đốc y tế của quận, sau khi lệnh này khiến cư dân hiểu lầm và nghĩ rằng họ nên ở yên trong nhà trong đại dịch coronavirus. Cán bộ Y tế Quận Cam, Tiến sĩ Nichole Quick, đã ban hành một lệnh vào thứ ba (ngày 17 tháng 3) cấm các cuộc tụ họp và các sự kiện cộng đồng, nhưng ngoại trừ “các hoạt động thiết yếu”. Lệnh này khiến một số cư dân và chủ thương nghiệp nghĩ rằng họ bị yêu cầu đóng cửa văn phòng và cửa hàng.Tuy nhiên, lệnh do ông Quick đưa ra chỉ cấm dịch vụ ăn tại chỗ ở các nhà hàng và yêu cầu đóng cửa quán bar của quận nếu họ không phục vụ thức ăn. Các nhà hàng được khuyến khích vẫn mở để phục vụ khách hàng mua thực phẩm mang về. Giám Sát Viên Quận Cam Don Wagner cho biết ông hiểu vì sao có sự nhầm lẫn này, giải thích rằng một số chủ công ty nghĩ rằng lệnh cấm có nghĩa là “mọi văn phòng kinh doanh cùng nhân viên đều phải đóng cửa trừ khi công ty đó cung cấp một dịch vụ thiết yếu.” Rất nhiều người không cung cấp dịch vụ thiết yếu lo lắng nếu họ đã đi làm hôm nay họ sẽ bị cảnh sát bắt. “Các dịch vụ thiết yếu” bao gồm những hoạt động liên quan đến công việc của chính phủ, chăm sóc sức khỏe, nhân viên khấn cấp, cửa hàng tạp hóa và các công ty khác bán nhu yếu phẩm.
Nó cũng bao gồm các dịch vụ truyền thông tin tức, các chuyên gia khác như thợ ống nước, ngân hàng và công ty vận tải. Các công ty chăm sóc trẻ em cũng thuộc nhóm này, nhưng các dịch vụ “phải được thực hiện trong các nhóm ổn định” và “trẻ em sẽ không thay đổi từ nhóm này sang nhóm khác”.
Mộc Miên
https://www.sbtn.tv/quan-cam-chinh-sua-lenh-cam-sau-khi-nhieu-cu-dan-hieu-lam/
Khu vực xét nghiệm coronavirus Drive-Thru
tại thành phố Yorba Linda mở cửa
cho những bệnh nhân có giấy giới thiệu của bác sĩ
Tin từ Yorba Linda, California – Quận Cam đang thử nghiệm một hệ thống xét nghiệm drive-thru có khả năng tối ưu hóa việc xét nghiệm coronavirus. Vào thứ ba (ngày 17 tháng 3), người dân đã có thể lái xe hơi đến bệnh viện St. Jude Heritage Medical Group ở thành phố Yorba Linda để xét nghiệm loại virus mới. Tuy nhiên, dịch vụ xét nghiệm drive-thru này chỉ dành cho những bệnh nhân nhận được giấy giới thiệu từ bác sĩ gia đình xác định họ có triệu chứng của coronavirus và cần xét nghiệm.Những bệnh nhân không có giấy giới thiệu sẽ được yêu cầu ra về. Trong một tuyên bố, St. Jude Heritage Medical Group đã kêu gọi các thành viên của cộng đồng liên hệ với các nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe của họ hoặc Bộ Y tế Công cộng để xác định xem họ có các triệu chứng chính của coronavirus – sốt, ho khan và khó thở – hay không. Những người có các triệu chứng nhẹ được khuyến khích ở nhà và nhường cho những người khác có thể đang bị các triệu chứng nghiêm trọng.
Mộc Miên
https://www.sbtn.tv/khu-vuc-xet-nghiem-coronavirus-drive-thru-tai-thanh-pho-yorba-linda-mo-cua-cho-nhung-benh-nhan-co-giay-gioi-thieu-cua-bac-si/
Hoa Kỳ cân nhắc can thiệp vào cuộc chiến giá dầu
giữa ả rập Saudi và Nga
Tin Washington DC – Theo bản tin từ Wall Street Journals, chính phủ Trump hiện đang cân nhắc can thiệp vào cuộc chiến giá dầu giữa Ả Rập Saudi và Nga nhằm ổn định thị trường, bằng cách dùng áp lực ngoại giao để buộc Saudi giảm sản lượng, và đe dọa ban hành các lệnh trừng phạt nhắm vào Nga. Các chiến lược này được cân nhắc sau khi nhiều hãng dầu Hoa Kỳ yêu cầu chính phủ Trump can thiệp vào thị trường dầu mỏ thế giới.Cuộc chiến giá cả giữa Saudi và Nga đang khiến giá dầu thô thế giới rơi tự do, đặt hàng chục hãng dầu Hoa Kỳ vào nguy cơ phá sản. Theo dự kiến, các nhà ngoại giao Hoa Kỳ sẽ tìm cách thuyết phục chính quyền Riyadh quay lại mức sản xuất vào trước tháng 3, tức khoảng 9.65 triệu thùng một ngày. Saudi hiện đang đe dọa sẽ sản xuất ở mức cao kỷ lục là 12.3 triệu thùng dầu một ngày, bắt đầu từ tháng 4. Đối với Nga, Hoa Kỳ đang cân nhắc đưa ra các lệnh trừng phạt mới. Tuy nhiên, chi tiết của các lệnh trừng phạt này chưa được quyết định, và Tòa Bạch Ốc cũng cần phải đề phòng các hành động đáp trả của Nga. Các viên chức Hoa Kỳ cũng đang tìm kiếm các giải pháp dài hạn, đặc biệt là tăng hợp tác với Ả Rập Saudi, để nước này không quay sang liên minh với Nga. Mâu thuẫn giữa Saudi và Nga bắt đầu khi tổ chức các nước sản xuất dầu OPEC không thể thuyết phục Moscow giảm sản lượng để làm tăng giá dầu, vốn đang sụt giảm mạnh do ảnh hưởng của dịch Covid-19.
Mộc Miên
https://www.sbtn.tv/hoa-ky-can-nhac-can-thiep-vao-cuoc-chien-gia-dau-giua-a-rap-saudi-va-nga/
Mỹ: Iran không thoát lệnh trừng phạt
dù bị dịch Covid-19
Hoa Kỳ vừa gửi cho Iran một thông điệp thẳng thừng trong tuần này nói rằng sự lây lan của Covid-19 sẽ không cứu nước này khỏi các lệnh trừng phạt của Hoa Kỳ, theo Reuters.Iran là quốc gia Trung Đông bị Covid-19 tấn công nặng nhất, với số người chết lên tới 1.284, và cứ 10 phút lại có một người tử vong, và mỗi giờ có 50 người bị nhiễm bệnh, theo tin từ Bộ Y tế Iran.
Trong tuần này Hoa Kỳ vừa áp đặt các lệnh trừng phạt mới đối với Iran, nhưng không gây cản trở dòng lưu chuyển hàng cứu trợ nhân đạo. Washington lập luận rằng chiến dịch “áp lực tối đa” của họ là nhằm kiềm chế các hoạt động về hạt nhân, tên lửa và ở khu vực của Iran.
Chính quyền của Tổng thống Donald Trump đã đưa các công ty có buôn bán dầu hỏa với Iran vào danh sách đen, bao gồm 5 công ty có trụ sở tại Các Tiểu vương quốc Ả rập Thống nhất, ba công ty ở Trung Quốc đại lục, ba ở Hong Kong và một ở Nam Phi.
Một quan chức Iran nói với Reuters: “Áp lực gia tăng của Washington đối với Iran là một tội ác chống lại loài người. Tất cả các nước trên thế giới nên giúp đỡ nhau để vượt qua bệnh dịch này”.
Hôm 16/3, Trung Quốc kêu gọi Hoa Kỳ giảm nhẹ trừng phạt đối với Iran vì lý do nhân đạo nhưng các quan chức Hoa Kỳ, các nhà ngoại giao nước ngoài và các nhà phân tích không thấy có dấu hiệu gì về điều này.
https://www.voatiengviet.com/a/my-iran-khong-thoat-lenh-trung-phat/5338044.html
Con trai Tổng thống Brazil nói
dịch COVID-19 là lỗi của Trung Quốc
Hải LamÔng Eduardo Bolsonaro, con trai Tổng thống Brazil, hôm 19/3 đăng trên Twitter rằng, đại dịch COVID-19 là lỗi của Trung Quốc.
“Đó là lỗi của Trung Quốc”, ông Bolsonaro viết khi chia sẻ lại một dòng tweet có nội dung: “Bên chịu trách nhiệm cho đại dịch toàn cầu này có họ và tên là: Đảng Cộng sản Trung Quốc”, đề cập đến dịch COVID-19 khởi phát tại Vũ Hán, thủ phủ tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc vào cuối năm 2019.
Vụ việc trên diễn ra trong bối cảnh Mỹ – Trung đang căng thẳng về nguồn gốc của virus corona chủng mới. Tổng thống Trump gần đây hay dùng cụm từ “virus Trung Quốc” vì theo ông, nCov xuất phát từ Trung Quốc.
Theo The Guardian
Hải Lam dịch và biên tập
https://www.dkn.tv/the-gioi/con-trai-tong-thong-brazil-noi-dich-covid-19-la-loi-cua-trung-quoc.html
Giám đốc Chương trình Lương thực Thế giới
nhiễm virus Vũ Hán
Hải LamGiám đốc điều hành Chương trình Lương thực Thế giới (WFP) của Liên Hợp Quốc David Beasley thông báo trên Twitter vào ngày 20/3 (giờ Việt Nam) rằng ông đã nhiễm virus Vũ Hán.
Ông Beasley cho biết ông bắt đầu cảm thấy không khỏe vào cuối tuần trước sau chuyến đi đến Canada và ông quyết định tự cách ly trong 5 ngày qua.
“Cho đến nay, các triệu chứng của tôi tương đối nhẹ, và tôi có tinh thần tốt. Tôi may mắn được gần gũi với gia đình và được tiếp cận với sự hỗ trợ y tế tốt”, Giám đốc điều hành WFP cho biết.
Ông Beasley cho hay, ông đang làm việc với đội ngũ tại WFP để tìm bất kỳ người nào có thể từng tiếp xúc gần với ông vào khoảng thời gian mà ông chưa biết mình bị nhiễm bệnh.
Giám đốc điều hành WFP cho hay, ông đang làm việc tại nhà ở Nam Carolina. Ông nói sẽ tiếp tục duy trì điều này cho đến khi thời gian tự cách ly kết thúc.
Ông Beasley, 63 tuổi, từng là thống đốc bang South Carolina từ năm 1995 đến năm 1999. Ông đảm nhận vai trò Giám đốc điều hành Chương trình Lương thực Thế giới của Liên Hợp Quốc từ năm 2017 với sứ mệnh cung cấp lương thực cho hơn 80 triệu người bị đói trên toàn thế giới.
Theo abc4News
Hải Lam dịch và biên tập
https://www.dkn.tv/the-gioi/giam-doc-chuong-trinh-luong-thuc-the-gioi-nhiem-virus-vu-han.html
Virus corona:
Khi nào hết dịch và cuộc sống trở lại bình thường?
James GallagherPhóng viên Khoa học và Y tếThế giới đang đóng cửa. Những nơi từng tấp nập với cuộc sống hối hả hàng ngày đã trở thành những thị trấn ma với những lệnh cấm áp lên đời sống của chúng ta – từ giới nghiêm tới đóng cửa trường học đến hạn chế đi lại và cấm tụ tập đông người.
Đó là một phản ứng toàn cầu vô song đối với một căn bệnh. Nhưng khi nào nó sẽ kết thúc và khi nào chúng ta có thể tiếp tục cuộc sống của mình?
Virus corona: ‘Tôi hồi phục sau khi tự cách ly điều trị ở nhà’
Virus corona có thể sống trên các bề mặt bao lâu?
Thủ tướng Anh Boris Johnson nói ông tin rằng Vương quốc Anh có thể “xoay chuyển tình thế” chống lại sự bùng phát trong vòng 12 tuần tới và nước này có thể “tống khứ virus corona”.
Nhưng ngay cả khi số lượng các ca nhiễm Covid-19 bắt đầu giảm trong ba tháng tới, thì chúng ta vẫn sẽ còn lâu mới kết thúc.
Có thể mất nhiều thời gian để tình trạng này lắng xuống – có thể là nhiều năm.
Rõ ràng chiến lược hiện nay, đóng cửa một phần xã hội, là giải pháp không bền vững trong dài hạn, thiệt hại xã hội và kinh tế sẽ thảm khốc.
Những gì các quốc gia cần là một “chiến lược thoát hiểm” – một cách để dỡ bỏ các lệnh cấm và trở lại bình thường.
Nhưng virus corona sẽ không biến mất.
Nếu bạn gỡ bỏ các lệnh cấm hiện đang kìm hãm virus, thì các ca nhiễm chắc chắn sẽ tăng vọt.
“Chúng ta có một vấn đề lớn trong việc tìm ra ‘chiến lược thoát hiểm’ là gì và làm thế nào chúng ta thoát khỏi điều này”, Mark Woolhouse, giáo sư dịch tễ tại Đại học Edinburgh nói.
“Không chỉ ở Anh, không có quốc gia nào có chiến lược thoát thân.”
Virus corona: Phụ nữ gánh vác bao điều trong mùa dịch
Virus corona: Anh và Việt Nam tương phản nhau cách chống dịch
Đó là một thách thức lớn về khoa học và xã hội.
Về cơ bản có ba cách thoát khỏi mớ hỗn độn này.
Chích ngừa
đủ người phát triển khả năng miễn dịch thông qua nhiễm bệnh
hoặc thay đổi vĩnh viễn hành vi / xã hội của chúng ta
Mỗi cách nói trên sẽ làm giảm khả năng lây lan của virus.
Vắc xin – ít nhất 12-18 tháng
Một loại vắc-xin sẽ cung cấp miễn dịch cho người dân để họ không bị bệnh nếu họ bị phơi nhiễm.
Miễn nhiễm đủ số người, khoảng 60% dân số và virus không thể gây ra dịch bệnh – khái niệm được gọi là miễn nhiễm bầy đàn hay miễn nhiễm cộng đồng.
Người đầu tiên đã được tiêm vắc-xin thử nghiệm ở Mỹ trong tuần này sau khi các nhà nghiên cứu được phép bỏ qua các quy tắc thông thường về thực hiện thử nghiệm trên động vật trước tiên.
Nghiên cứu vắc-xin đang diễn ra với tốc độ chưa từng thấy, nhưng không có gì đảm bảo nó sẽ thành công, và sẽ cần tiêm chủng trên quy mô toàn cầu.
Dự đoán tốt nhất là mất tới 12 đến 18 tháng nữa mới có vắc xin nếu mọi việc suôn sẻ. Đó là một khoảng thời gian chờ đợi dài trong khi phải đối mặt với những hạn chế xã hội chưa từng có trong thời bình.
Miễn dịch tự nhiên – ít nhất hai năm nữa
Chiến lược ngắn hạn của Vương quốc Anh là ngăn chặn số ca nhiễm càng nhiều càng tốt để ngăn chặn việc các bệnh viện bị quá tải – khi hết giường chăm sóc đặc biệt thì số ca tử vong sẽ tăng đột biến.
Khi các ca nhiễm bị trấn áp, có thể cho phép một số lệnh cấm hiện nay được dỡ bỏ trong một thời gian – cho đến khi các ca mắc lại tăng lên và một đợt cấm khác lại cần phải được áp đặt.
Khi điều này có thể không chắc chắn. Cố vấn Y tế trưởng của Vương quốc Anh, Ngài Patrick Vallance, cho biết “đặt các mốc thời gian tuyệt đối vào mọi thứ là không thể”.
Thực hiện điều này có thể, vô tình, dẫn đến khả năng miễn dịch của cả cộng đồng khi ngày càng có nhiều người bị nhiễm bệnh.
Nhưng điều này có thể mất nhiều năm để thực hiện, theo Giáo sư Neil Ferguson từ Đại học Hoàng gia London: “Chúng tôi đang nói về việc ngăn chặn lây lan ở mức độ mà, theo đó, hy vọng, chỉ một phần rất nhỏ của đất nước sẽ bị nhiễm bệnh.
“Vì vậy, cuối cùng, nếu chúng tôi tiếp tục điều này trong hơn hai năm qua, có lẽ một phần nước Anh ở thời điểm nào đó có thể đã bị nhiễm bệnh đủ để có một mức độ bảo vệ cộng đồng.”
Nhưng có một dấu hỏi về việc khả năng miễn nhiễm này sẽ kéo dài bao lâu. Các loại virus corona khác, gây ra các triệu chứng cảm lạnh thông thường, dẫn đến phản ứng miễn dịch rất yếu và mọi người có thể mắc cùng một loại virus nhiều lần trong đời.
Biện pháp thay thế – không có điểm dừng rõ ràng
“Biện pháp thứ ba là những thay đổi vĩnh viễn trong hành vi cho phép chúng ta giữ tốc độ lây nhiễm thấp,” Giáo sư Woolhouse nói.
Điều này có thể bao gồm việc giữ một số biện pháp cấm đã được đưa ra. Hoặc xét nghiệm và cách ly nghiêm ngặt bệnh nhân để có số người nhiễm ít nhất trong bất kỳ đợt bùng phát nào.
“Chúng tôi đã thực hiện lần đầu tiên biện pháp phát hiện sớm và truy tìm người tiếp xúc với người nhiễm nhưng nó không hiệu quả”, Giáo sư Woolhouse cho biết thêm.
Phát triển các loại thuốc có thể điều trị thành công việc nhiễm Covid-19 cũng có thể hỗ trợ cho các chiến lược khác.
Chúng có thể được sử dụng ngay khi người bệnh có triệu chứng trong một quy trình gọi là “kiểm soát truyền nhiễm” để ngăn chặn họ lây cho người khác.
Hoặc để điều trị bệnh nhân trong bệnh viện để làm cho bệnh ít nguy hiểm hơn và giảm áp lực phải chăm sóc tích cực. Điều này sẽ cho phép các quốc gia đối phó với nhiều ca nhiễm hơn trước khi lại cần thực hiện các lệnh phong tỏa.
Tăng số lượng giường chăm sóc đặc biệt sẽ có tác động tương tự thông qua tăng khả năng đối phó với các vụ dịch lớn hơn.
Tôi đã hỏi Cố vấn sức khỏe của Vương quốc Anh, Giáo sư Chris Whitty, chiến lược thoát hiểm của ông là gì.
Ông nói với tôi: “Về lâu dài, rõ ràng vắc-xin là một cách và tất cả chúng ta đều hy vọng điều đó sẽ xảy ra nhanh nhất có thể.”
Và rằng “trên toàn cầu, khoa học sẽ đưa ra giải pháp”.
https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-51971740
Trả lại tên cho em: Đúng,
em là virus “ĐCSTQ”, quê em ở Vũ Hán
Thuần ChânTác giả người Ý Marco Respinti viết trên Bitter Winter ngày 17/3 kể về 2 học giả Trung Quốc từng có nhận định rằng virus viêm phổi Vũ Hán xuất phát từ những con dơi được nhốt trong hai trung tâm nghiên cứu của Vũ Hán. Bài của 2 học giả Trung Quốc lập tức bị kiểm duyệt. Marco Respinti cho rằng ĐCSTQ cần phải giải thích với thế giới về những gì chính xác đã xảy ra ở đó…
Cả một đất nước Ý đang bị cách ly. Các quốc gia khác lần lượt theo sau. Điều này chưa từng xảy ra trước đây.
Virus corona đang đe dọa cuộc sống của chúng ta ở khắp mọi nơi, và con số sinh mệnh bị đe dọa ở Ý, đất nước tôi, đang lớn lên từng giờ…
Nhưng chúng ta thực sự đã biết gì về loại virus gây chết người mới này, đặc biệt là về nguồn gốc của nó? Rất ít, và mọi người chìm đắm lẫn lộn vì tất cả các phương tiện truyền thông dường như quá thường xuyên phục vụ chủ nghĩa giật gân hơn là thông tin trung thực.
Nếu một người Ý gõ Google “mercato pesce Vũ Hán”, tức là “chợ hải sản Vũ Hán”, thì những gì anh ấy hoặc cô ấy nhận được là một ví dụ khá ấn tượng về sự mâu thuẫn rõ rệt. Như mọi người có thể nhìn thấy từ ảnh chụp màn hình ở trên, Corriere della Sera, tờ nhật báo lớn nhất của Ý, khẳng định rằng virus corona không có nguồn gốc ở chợ hải sản Vũ Hán, như nhiều lần lặp lại trong những tuần qua. Nhưng hồ sơ thứ hai của Google, từ National Geographic, lại nói ngược lại: virus đến từ chợ hải sản Vũ Hán. Cả hai bài viết đều có cùng ngày: 20 tháng 1 năm 2020 và chúng là hai bài báo đầu tiên xuất hiện trong mục tìm kiếm Google của tôi vào ngày 9 tháng 3 năm 2020.
Vào ngày 15 tháng 2, tạp chí y học uy tín của Anh The Lancet đã bác bỏ một cách khoa học về nguồn gốc của virus corona từ chợ hải sản Vũ Hán. Trường hợp nhiễm virus corona đầu tiên ở Trung Quốc trên thực tế là ghi nhận ngày 1 tháng 12 năm 2019 và không thể thiết lập được mối liên hệ nào với chợ hải sản Vũ Hán. Ngoài ra, 13 trường hợp trong số 41 (một tỷ lệ khá cao trong thống kê) cũng không có liên hệ gì với chợ hải sản Vũ Hán. Truyền thông trên thế giới đã khởi chạy lại tin tức này.
Vậy là hồ sơ khép lại? Không. Trong khi các nhà nghiên cứu học thuật nghiêm túc và một số ít hơn những nhà nghiên cứu nghiệp dư đang suy đoán về nguồn gốc của virus, thì vào giữa tháng Hai, 2 nhà nghiên cứu Trung Quốc, thay mặt cho Đại học Công nghệ Nam Trung tại Quảng Châu, Tiến sĩ Botao Xiao và Tiến sĩ Lei Xiao, đã nhận ra dơi mới là nguồn gốc thực sự của lây nhiễm.
Điều thú vị là, bài báo đã biến mất khỏi Cổng Nghiên Cứu dữ liệu học thuật quốc tế, đây không phải là sự cố đầu tiên đối với các tài liệu nghiên cứu từ Trung Quốc mà ĐCSTQ không thích, tuy vậy, chúng vẫn còn được lưu lại thông qua Wayback Machine, một công cụ phục hồi tài liệu Internet đã bị xóa mà Trung Quốc tới đó là không thể kiểm soát được nữa.
Bài báo không phải nói là về loài dơi hoang dã, vì không có loài động vật đó sinh sống trong khu vực xuất hiện corona virus. Nơi gần nhất có dơi hoang dã nằm cách Vũ Hán hơn 900 km, khiến cho chúng không thể bay suốt quãng đường đó mà không lây nhiễm cho bất kỳ ai trên đường. Những con dơi đó, do vậy, theo hai chuyên gia Trung Quốc, có thể đến từ hai trung tâm nghiên cứu ở Vũ Hán hoặc gần đó. Một là Trung tâm Kiểm soát & Phòng ngừa dịch bệnh Vũ Hán, nằm cách chợ hải sản Vũ Hán chưa đầy 300 mét, và bên kia là Viện Virus học Vũ Hán, do Viện Hàn lâm Khoa học Trung Quốc quản lý, cách chợ khoảng 12 km. Bài báo của hai nhà nghiên cứu Trung Quốc báo cáo rằng các thí nghiệm về virus được tổ chức tại các trung tâm đó, kết luận rằng “điều tra viên chính đã tham gia vào một dự án, dự án đó đã tạo ra virus tinh tinh, sử dụng hệ thống di truyền ngược SARS-CoV, và đã báo cáo về khả năng xuất hiện ở người. Một suy đoán trực tiếp là chủng SARS-CoV đó hoặc phái sinh của nó có thể bị rò rỉ từ phòng thí nghiệm”.
Dơi quả thực chịu trách nhiệm về coronavirus. Chúng lây nhiễm cho con người. Một câu trả lời khả dĩ cho câu hỏi về nguồn gốc coronavirus, là có một điều gì đó đã vượt khỏi tầm kiểm soát của hai trung tâm nghiên cứu, và dịch bệnh đã lan rộng. Điều mà hai nhà nghiên cứu Trung Quốc rõ ràng không nói trong bài báo của họ là loại virus chết người đang hoành hành trên thế giới kia đã được tạo ra và cho lây nhiễm có chủ đích.
Tạp chí phương Tây đầu tiên công bố tin tức về hai bài báo của các nhà nghiên cứu Trung Quốc là tờ Daily Mail của Anh, đã soi tỏ vào trung tâm nghiên cứu thứ hai của khu vực, được thành lập vào năm 2015 và mở vào tháng 1 năm 2018 để nghiên cứu các mầm bệnh nguy hiểm như SARS và Ebola. Lo sợ rằng một loại virus có thể thoát khỏi đó, ngay từ năm 2017, các chuyên gia an toàn sinh học Hoa Kỳ đã bày tỏ lo ngại, bởi vào năm 2004, một loại virus SARS đã trốn thoát khỏi một phòng thí nghiệm ở Bắc Kinh.
Hiện nay, không ai ở Bitter Winter chúng tôi nghiên cứu về virus hoặc về bệnh truyền nhiễm, và do đó chúng tôi để lại toàn bộ vấn đề cho các chuyên gia thực sự nghiên cứu. Chúng tôi thậm chí không ở trong điều kiện có thể đánh giá liệu lý thuyết của Tiến sĩ Botao Xiao và Lei Xiao có đáng tin cậy hay không. Nhưng có một điều chúng tôi chắc chắn: chúng tôi muốn minh bạch. Cộng đồng quốc tế có đủ thẩm quyền và sức mạnh để yêu cầu Trung Quốc giải thích rõ ràng với toàn thế giới về điều gì đã xảy ra ở các trung tâm nghiên cứu Vũ Hán, cách họ xử lý các virus và thử nghiệm trên động vật, và họ làm gì với chúng.
Chúng ta đang sống trong một thế giới toàn cầu hóa, và bệnh tật đang cho chúng ta thấy sức nặng của từ này. Chúng ta không cáo buộc Trung Quốc về bất kỳ âm mưu nào. Nhưng chúng ta cần phải biết sự thật. Mọi người trên thế giới muốn biết, và những người bị kìm nén ở Trung Quốc cũng muốn biết. Và điều khiến chúng ta bối rối nhất, trong cơn bão thông tin, nhận định, ý kiến, nghiên cứu… dù là thực tế hay giả định, không một ai hỏi Trung Quốc, một quốc gia có hồ sơ khủng khiếp về vi phạm quyền và dối trá thông tin, để giải thích rõ ràng những gì xảy ra tại những trung tâm nghiên cứu đó, một ở cách chợ hải sản Vũ Hán chưa đến 300 mét và cái kia chỉ cách 12 km. Không ai trong chúng ta đang buộc tội Trung Quốc với một cái tâm sáng tỏ. Chúng ta đang đặt câu hỏi, và chúng ta muốn câu trả lời. Và tại sao thế giới cũng không hỏi?
Lời người dịch: Câu trả lời có lẽ là, chúng ta không cần phải hỏi, bởi vì nếu có hỏi thì những gì chúng ta nhận được sẽ chỉ là những lời dối trá bài bản. Không chỉ vậy, hiện tại chính quyền ĐCSTQ còn đang sử dụng phương pháp “gắp lửa bỏ tay người” khi gắng sức định hướng dư luận thế giới, đánh lạc hướng công chúng, bằng cách “tặng” con virus chết người cho “kẻ thù” của họ, Mỹ, bằng cách gọi tên chủng virus chết người mới là “virus Mỹ”…
Marco Respinti là một nhà báo, nhà tiểu luận, dịch giả và giảng viên chuyên nghiệp người Ý. Ông đã và đang đóng góp cho nhiều báo và tạp chí, cả báo in và trực tuyến, cả ở Ý và nước ngoài. Một trong những cuốn sách của ông, được xuất bản năm 2008, liên quan đến quyền con người ở Trung Quốc. Ông cũng là một thành viên cao cấp tại Trung tâm Đổi mới Văn hóa Russell Kirk, một tổ chức giáo dục phi lợi nhuận, phi đảng phái của Hoa Kỳ có trụ sở tại Mecosta, Michigan, ông cũng là thành viên sáng lập cũng như thành viên Hội đồng của Trung tâm Đổi mới Châu Âu, một tổ chức giáo dục phi chính phủ, phi lợi nhuận, phi đảng phái châu Âu có trụ sở tại The Hague, Hà Lan. Ông cũng là Giám đốc phụ trách của Tạp chí CESNUR và Bitter Winter, đồng thời là Tổng biên tập của Tin tức gia đình quốc tế.
Theo Bitter Winter
Thuần Chân dịch và biên tập
https://www.dkn.tv/the-gioi/tra-lai-ten-cho-em-dung-em-la-virus-dcstq-que-em-o-vu-han.html
Gọi tên đúng cho loại virus
đang gây ra đại dịch toàn cầu
Ngọc MaiGần đây có những cuộc tranh cãi dấy lên về cách gọi đúng của loại virus đang gây nên đại dịch toàn cầu. Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) thích cái tên virus corona, trong khi nhiều người gọi là “virus Vũ Hán” vì nó nói đến nguồn gốc phát tán của virus.
Tuy nhiên, gần đây tờ The Epoch Times đã đề xuất một cách gọi khác là “virus ĐCSTQ” vì cách gọi này “có tính chính xác hơn”.
Cái tên “virus ĐCSTQ” nhắc nhở chính quyền Trung Quốc phải chịu trách nhiệm cho sự coi thường sinh mệnh dẫn đến dịch bệnh bùng phát tại nhiều quốc gia trên thế giới, gây ra nỗi sợ hãi lan rộng trong người dân và sự tàn phá nền kinh tế tại những nước đang phải đối mặt với đại dịch.
Trước đó, vào đầu tháng 12/2019, các quan chức của ĐCSTQ đã biết virus này xuất hiện ở Vũ Hán, nhưng họ che giấu thông tin tới 6 tuần. Chính quyền bắt giữ những người dân cố gắng cảnh báo sự nguy hiểm của virus và cáo buộc họ “truyền bá tin đồn”. Ngoài ra, ĐCSTQ sử dụng hệ thống kiểm duyệt gắt
gao để ngăn chặn thông tin, xóa tất cả tin tức liên quan về bệnh dịch trên các phương tiện truyền thông xã hội.
Vậy là một lượng lớn người dân, đáng lẽ đã có sự chuẩn bị, đề phòng trước bệnh dịch lại trở thành nạn nhân. Số người tử vong tại Vũ Hán được cho là lớn hơn nhiều so với những báo cáo của ĐCSTQ. Cuối tháng 1, hãng truyền thông Hồng Kông Initium Media cho biết số liệu tử vong xác thực có lẽ rất đáng sợ, chỉ riêng Nhà tang lễ Hán Khẩu đã có 14 lò hỏa táng hoạt động suốt ngày đêm để xử lý các thi thể.
Bên cạnh đó, chính quyền Trung Quốc cũng đẩy mạnh tuyên truyền những hình ảnh tích cực về các nỗ lực ứng phó với virus của mình.
Cơ quan “kiểm soát dịch bệnh” tỉnh Hồ Bắc liệt kê những “thành tựu” của họ trong “báo cáo tuyên truyền” vào ngày 20/2: Có 215 câu chuyện tích cực trên ứng dụng của Hubei Daily, một tờ báo do chính phủ điều hành; 25 câu chuyện tích cực trên WeChat, một nền tảng truyền thông xã hội giống như Facebook; 39 video tích cực trên ứng dụng Tiktok; 72 câu chuyện tích cực trên ứng dụng tin tức Toutiao; và 42 bài đăng trên Weibo, một nền tảng giống như Twitter. “Tổng số lượt xem trang đạt 50 triệu”, theo báo cáo.
Trong khi đó, trên mạng lan truyền rất nhiều video về tình cảnh thê thảm của người dân Vũ Hán như người dân tuyệt vọng ném tiền qua cửa sổ, dân chúng la hét trong khủng hoảng, các bác sĩ suy sụp, cảnh sát tấn công dân thường, dùng vũ lực cưỡng chế bắt những người nghi nhiễm đến các bệnh viện dã chiến.
Thực chất, “nói dối” chính là một kịch bản đã được ĐCSTQ lặp lại nhiều lần. Theo một báo cáo đặc biệt gần đây của hãng tin Reuter, cách chính quyền Trung Quốc kiểm soát thông tin về dịch viêm phổi Vũ Hán rất giống với cách họ che giấu số liệu dịch tả lợn châu Phi diễn ra năm 2018-2019.
Trong đại dịch viêm phổi Vũ Hán, ĐCSTQ đã từ chối hợp tác với các nước phương Tây để tìm ra lời giải về nguồn gốc của virus. Các chuyên gia nước ngoài không được phép đến Vũ Hán.
Ngoài ra, thế giới cũng đặt ra nghi vấn về hoạt động của Viện Virus học Vũ Hán, vốn là phòng thí nghiệm P4 duy nhất của Trung Quốc. Nơi này chuyên dùng để nghiên cứu các mầm bệnh dễ lây truyền có thể gây bệnh chết người. Khi các thông tin chính thức về nguồn gốc của virus không được chứng minh, nhiều người đặt câu hỏi liệu virus Vũ Hán có phải bị rò rỉ từ Viện nghiên cứu này không?
Khi không thể đưa ra câu trả lời hợp lý về nguồn gốc của virus Vũ Hán, ĐCSTQ bắt đầu đưa ra các cáo buộc vô căn cứ rằng nước Mỹ phải chịu trách nhiệm. Điều này khiến cả thế giới thấy khó hiểu, nếu không muốn nói là lố bịch. Tổng thống Mỹ sau đó đã đáp trả bằng cách gọi tên virus là “Virus Trung Quốc“.
Tờ The Epoch Times chọn gọi virus corona là “virus ĐCSTQ” vì sự che giấu và đường lối quản lý sai lầm của chính quyền này khiến cho bệnh dịch lây lan rộng khắp Trung Quốc và toàn cầu (ảnh: Pixabay).
ĐCSTQ đã tuyên truyền nguồn gốc của dịch bệnh với người dân Trung Quốc bằng cách đổ lỗi cho Hoa Kỳ. Ban đầu, để ‘ổn định tình hình một cách giả tạo’, ĐCSTQ đã phủ nhận virus, che giấu thông tin dịch bệnh và bây giờ, để tiếp tục tô vẽ mình ĐCSTQ lại đổ trách nhiệm cho Mỹ, nhằm kích động tình yêu nước của dân chúng, khiến họ quay ra chỉ trích Hoa Kỳ. ĐCSTQ dường như tự biến mình thành nạn nhân.
Điểm này cho thấy cái tên “virus ĐCSTQ” là cần thiết để phân biệt rõ “thủ phạm”, ĐCSTQ là tác nhân chính làm phát tán virus. Cũng cần phân biệt nguồn gốc “Trung Quốc” với “ĐCSTQ”. Đất nước Trung Quốc và người dân Trung Quốc là nạn nhân của sự khoác lác và bất tài của ĐCSTQ.
Cái tên “virus ĐCSTQ” cũng là một lời cảnh báo cho những quốc gia và cá nhân có quan hệ mật thiết với ĐCSTQ, họ sẽ phải chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất trong đại dịch lần này. Iran và Ý là hai quốc gia duy nhất trong nhóm G-7 tham gia Sáng kiến Vành đai và Con đường của chính quyền Trung Quốc, đã trở thành những quốc gia có số ca nhiễm virus lớn nhất ngoài Trung Quốc. Đài Loan và Hồng Kông, vốn rất cảnh giác với ĐCSTQ, đã có rất ít ca nhiễm.
Cuối cùng, “virus ĐCSTQ” nhắc nhở mọi người đến sự tà ác của ĐCSTQ. Bởi hình ảnh ĐCSTQ gắn với những thảm họa mà chính quyền Trung Quốc đã gây ra cho người dân Trung Quốc như vụ thảm sát tại Quảng trường Thiên An Môn; bức hại tín ngưỡng, phá chùa chiền hủy hoại văn hóa; mổ cướp nội tạng sống các tù nhân lương tâm…
Cái tên “virus ĐCSTQ” là một cặp đôi hoàn hảo, virus gây ra bệnh độc, ĐCSTQ gây ra tin độc, đến nỗi một thượng nghị sĩ Ý từng phải thốt lên “Trung Quốc dưới thời của ĐCSTQ đã trở thành quốc gia tồi tệ nhất thế giới….Trung Quốc là khối u của toàn cầu“.
Theo The Epoch Times
Ngọc Mai dịch và biên tập
https://www.dkn.tv/the-gioi/goi-ten-dung-cho-loai-virus-dang-gay-ra-dai-dich-toan-cau.html
Các nhà khoa học chạy đua với thời gian
nhằm tìm ra loại thuốc hữu hiệu với coronavirus
Hiện nay, nhiều nhà khoa học trên toàn cầu đang nỗ lực ngày đêm để xác định xem liệu có một loại thuốc hiện hành nào có thể tạm thời chống lại coronavirus hay không. Một trong những nhà khoa học, ông Nevan Krogan, cho biết họ có thể biết kết quả của thí nghiệm này trong thời gian một tuần. Trong quá trình tìm kiếm phương thuốc, ông Krogan không chỉ tập trung vào virus, mà cả vật chủ của nó là con người.Bằng cách đó, nhà khoa học nói rằng ông có thể xác định được các tế bào người mà virus cần để tồn tại và vạch ra các gene của nó, nhằm giúp các nhà khoa học thu hẹp quá trình tìm kiếm giải pháp. Theo ông Krogan, cần ít nhất 6 năm để sáng chế ra một loại thuốc mới, nhưng nếu chúng ta có thể sử dụng các loại thuốc có sẵn cho các bệnh khác và tái sử dụng chúng, coronavirus có thể được chữa trị ngay bây giờ.” Ông Kevan Shokat, chủ tịch của Khoa Tế bào và Phân tử tại đại học University of California, San Francisco, đã có thể xác định 60 loại thuốc tương tác với cùng loại DNA có trong coronavirus, và 10 phương thuốc trong số đó đã được FDA chứng nhận. Ông Krogan và ông Shokat đang hoàn thiện bản đồ chi tiết về coronavirus và lên kế hoạch chia sẻ nó với toàn bộ cộng đồng khoa học càng sớm càng tốt.
Hiện tại, ông Krogan đã gửi bản đồ này tới một số phòng thí nghiệm trên toàn thế giới bao gồm cả Viện Pasteur ở Paris và ông Adolfo Garcia-Sastre, người làm việc tại Mount Sinai Hospital ở New York. Ông Garcia-Sastre là một nhà virus học đã giúp tạo ra vaccine trong nhiều năm, bao gồm vaccine cúm dạng xịt flu mist.
Mộc Miên
https://www.sbtn.tv/cac-nha-khoa-hoc-chay-dua-voi-thoi-gian-nham-tim-ra-loai-thuoc-huu-hieu-voi-coronavirus/
Thế giới “chiến đấu” với coronavirus
khi số người tử vong gia tăng ở Ý và Pháp
Tin từ MADRID/Bắc Kinh – Vào hôm thứ Tư (18/3), hàng trăm triệu người phải đối mặt với một thế giới bị đảo lộn bởi các biện pháp khẩn cấp chưa từng có chống lại đại dịch coronavirus đang giết chết những người cao niên và dễ bị tổn thương và gây đe dọa lâu dài cho nền kinh tế.Thủ tướng Úc Scott Morrison khuyến cáo cuộc khủng hoảng này có thể kéo dài sáu tháng khi quốc gia của ông trở thành nước mới nhất hạn chế các cuộc tụ họp và du lịch nước ngoài. Căn bệnh lây truyền từ động vật sang người ở Trung Cộng này hiện lây nhiễm hơn 212,000 người và gây ra 8,700 ca tử vong ở 164 quốc gia, khởi động các cuộc phong tỏa khẩn cấp và bơm tiền mặt chưa từng có kể từ Đệ nhị Thế chiến.
Tình hình ở Ý đặc biệt đáng báo động, với một tỷ lệ tử vong cao bất thường – gần 3,000 vụ trong số 35,713 trường hợp. Nước này kêu gọi sinh viên và bác sĩ nghỉ hưu hỗ trợ một dịch vụ y tế đang ngày càng bị đè nặng vì số người bệnh gia tăng .
Vào hôm thứ Tư (18/3), Ý báo cáo 475 trường hợp tử vong mới, mức tăng lớn nhất kể từ khi dịch bệnh bắt đầu và tổng số trong ngày cao nhất được đăng bởi bất kỳ quốc gia nào. Pháp cũng báo cáo một sự gia tăng đột biến trong số người chết – tăng thêm 89, tương đương 51%, lên tổng số 264 trong 24 giờ.
Trên khắp thế giới, cả người giàu và nghèo đều chứng kiến cuộc sống bị đảo lộn khi các sự kiện bị hủy bỏ, các cửa hàng bị mua sạch, nơi làm việc trống vắng, đường phố không người, trường học đóng cửa và việc đi lại bị giảm thiểu. (BBT)
https://www.sbtn.tv/the-gioi-chien-dau-voi-coronavirus-khi-so-nguoi-tu-vong-gia-tang-o-y-va-phap/
Ý kiến chuyên gia: WHO quan tâm
lợi ích lãnh đạo Trung Quốc,
chứ không phải người dân thế giới
Duy NghĩaÔng Peter Zhang, nhà nghiên cứu về kinh tế chính trị Trung Quốc, cho rằng WHO quan tâm nhiều đến giới lãnh đạo Bắc Kinh, chứ không phải người dân thế giới.
Ông Peter cho hay, bị cư dân mạng Trung Quốc gắn cho biệt danh “Tổ chức Vũ Hán”, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), cùng với Tổng giám đốc Tedros Adhanom Ghebreyesus, đã khiến nhiều người trong thời gian qua đặt câu hỏi về tính ‘chính trị hóa’ của tổ chức này, do “nỗ lực ’trơ trẽn’ của họ nhằm làm hài lòng giới lãnh đạo Trung Quốc, trong khi Bắc Kinh vẫn tiếp tục che dấu virus Vũ Hán”.
WHO được cho là đã có tiếng xấu về thất bại thảm hại trong việc đối phó với các dịch bệnh chết người trong những năm qua. Chẳng hạn như trong năm 2015, dưới sự lãnh đạo của bà Trần Phùng Phú Chân (Margaret Chan) do Bắc Kinh hậu thuẫn, WHO đã phải thừa nhận rằng họ đã “chuẩn bị không cẩn thận” khi đối phó với dịch Ebola.
Liệt kê 8 bài học mà họ rút ra được từ cuộc khủng hoảng, bao gồm việc “truyền đạt rõ ràng hơn những gì cần thiết’’, WHO sau đó đã đề xuất 9 biện pháp để thực hiện công việc tốt hơn trong trường hợp bùng phát dịch bệnh trong tương lai, như thiết lập ‘Lực lượng Khẩn cấp Y tế Toàn cầu’ (GHEW), với một quỹ dự phòng.
Những tính toán của Bắc Kinh
Theo ông Peter, thất bại lần này của WHO tất cả không chỉ là sự bất tài của tổ chức này, mà còn bao gồm cả nỗ lực tinh vi của họ, để trợ giúp những toan tính của Bắc Kinh trong cuộc khủng hoảng virus Vũ Hán.
Đã có những chỉ trích trên toàn thế giới về việc WHO lặp lại ý kiến của Bắc Kinh, hạ thấp tính nghiêm trọng của virus vào đầu tháng 1/2020. Các chuyên gia y tế trên khắp thế giới cũng đều thất vọng khi thấy điều đó, trong bối cảnh có bằng chứng Bắc Kinh kiểm soát chặt chẽ những thông tin về virus, bao gồm đe dọa và bắt giữ những người tố giác dịch bệnh. Tuy nhiên, ông Tedros, người đứng đầu WHO, lại ca ngợi Bắc Kinh vì đã giúp “chúng ta an toàn hơn’’, và chỉ tuyên bố tình trạng khẩn cấp y tế toàn cầu, nhiều ngày sau khi Vũ Hán, tâm chấn của virus corona, bị phong tỏa hôm 23/1. Vào lúc đó, loại virus chết người này đã lây lan sang Bắc Mỹ và châu Âu.
Ông Peter cho rằng vì sợ làm mất lòng Bắc Kinh, WHO đã do dự trong nhiều ngày trước khi đặt tên cho loại virus Vũ Hán này là ‘COVID-19’.
Phản ứng chậm chạp của WHO để cảnh báo phần còn lại của thế giới về căn bệnh gây tử vong này, đã dẫn đến sự phản đối công khai chống lại ông Ghebreyesus, người đứng đầu WHO. Trong vài ngày, hơn 456.000 người đã kiến nghị trên trang www.change.org, yêu cầu ông Tedros từ chức.
Theo trang web của WHO, Trung Quốc đứng thứ 16 trong bảng xếp hạng 20 nước, đóng góp hàng đầu cho WHO, kém xa Mỹ, nhà tài trợ dẫn đầu, ngay cả sau khi chính quyền Trump đề xuất cắt giảm 65 triệu USD tài trợ cho WHO. Tuy nhiên, ảnh hưởng của Bắc Kinh tại WHO có thể nhận thấy trong nhiều lĩnh vực quan trọng.
Một trong những hành động đáng lo ngại của WHO là quản lý gian dối thông tin trên trang web của mình về virus Vũ Hán. Chẳng hạn, trên trang web của WHO ban đầu được nêu bằng tiếng Anh với nhận định: “Các biện pháp sau đây KHÔNG hiệu quả đối với COVID-2019, và có thể gây hại: Hút thuốc. Dùng thảo dược truyền thống. Đeo khẩu trang nhiều lớp. Dùng thuốc tự điều trị như kháng sinh”.
Cảnh báo đối với những người dùng các biện pháp thảo dược truyền thống như là một biện pháp chống dịch có trong các phiên bản tiếng Pháp / tiếng Ả Rập / tiếng Nga, nhưng không có trong phiên bản tiếng Trung Quốc. Sau đó, phiên bản tiếng Anh cũng không còn cảnh báo này.
WHO rõ ràng rất chú ý đến các chiến dịch truyền thông nhà nước của Trung Quốc nhằm quảng bá thuốc thảo dược truyền thống của Trung Quốc để chống lại vi-rút Vũ Hán.
Rõ ràng, WHO rất chú ý đến các chiến dịch truyền thông nhà nước của Trung Quốc, nhằm quảng bá thuốc thảo dược truyền thống Trung Quốc, để chống lại virus Vũ Hán.
“Việc thao túng thông tin che dấu sau đó của họ hoặc có thể là thông tin sai lệch về đại dịch, là không phù hợp, phi đạo đức và vô trách nhiệm, đặc biệt đối với các bệnh nhân bị ảnh hưởng và các chuyên gia y tế dũng cảm trên tuyến đầu trên thế giới”, ông Peter chỉ trích.
Theo ông Peter, khi Trợ lý Tổng Giám đốc của WHO, bác sĩ Bruce Aylward, công bố rằng việc xử lý virus Vũ Hán của Trung Quốc có thể được nhân rộng, ông ấy chắc chắn đã lờ đi, nếu không nói là ủng hộ, hệ thống của một xã hội toàn trị, trong đó luật pháp, nhân quyền, sự minh bạch, và tự do báo chí, đều không có.
Ông Peter cho hay khi bác sĩ Aylward nói với báo chí: “Nếu tôi bị nhiễm COVID-19, tôi muốn được điều trị ở Trung Quốc”, cư dân mạng Trung Quốc ngay lập tức đặt câu hỏi về sự ngu ngốc và thiếu hiểu biết của ông này về thực tế khủng khiếp tại các cơ sở cách ly của Trung Quốc. Một cư dân mạng thậm chí còn chế giễu rằng, nên có một lời mời cho người Canada ngây thơ này, trở thành cư dân Vũ Hán ngay lập tức.
Sự thật là virus Vũ Hán đã được các bác sĩ Trung Quốc phát hiện lần đầu tiên vào tháng 12/2019. Tuy nhiên, việc tiết lộ công khai đã bị Bắc Kinh trì hoãn cho đến tận ngày 23/1/2020.
Theo một báo cáo nghiên cứu mới với tiêu đề “Sự lây lan dịch bệnh bị kiểm duyệt” được Đại học Toronto công bố, Bắc Kinh đã tiến hành kiểm duyệt nội dung liên quan đến virus Vũ Hán trên các nền tảng truyền thông xã hội phổ cập ở Trung Quốc như WeChat và YY kể từ tháng 12/2019, và tiếp tục hạn chế thông tin về dịch bệnh.
Điều này bao gồm các thông tin của bác sĩ Lý Văn Lượng (Li Wenliang), người đã tố giác về virus Vũ Hán và sau đó đã bị chết do virus này. Sự kiểm soát thông tin như vậy có thể hạn chế tin tức liên quan đến virus và các biện pháp phòng ngừa.
“Việc WHO, các phương tiện truyền thông toàn cầu và chính phủ trên thế giới sử dụng mà không có dữ liệu bình luận và thống kê từ Bắc Kinh, là vô trách nhiệm trong bối cảnh Bắc Kinh có tiếng xấu về việc làm sai lệch số liệu trong dịch SARS [trước đây], và một lần nữa trong đợt bùng phát virus Vũ Hán này”, ông Peter nhận định.
Tuy nhiên theo ông Peter, các phương tiện truyền thông, chính phủ phương Tây và WHO dường như đã tin tưởng vào số liệu do Bắc Kinh đưa ra khi trích dẫn nó mà không đặt câu hỏi.
Ông Peter cho rằng “Tổ chức quốc tế này dường như tập trung vào việc giải quyết các nhu cầu của các nhà lãnh đạo Bắc Kinh thay vì sức khỏe của 1,3 tỷ người Trung Quốc cũng như 23,7 triệu người ở Đài Loan”.
Thành công của Đài Loan
Trong những năm qua, việc hòa lẫn chính trị với sức khỏe cộng đồng, không phải là điều bất thường đối với WHO.
Bất chấp những nỗ lực nghiêm túc của nhiều quốc gia thành viên, Đài Loan đã không được cấp một vị trí tại WHO. Sự từ chối này ngăn cản Đài Loan tiếp cận với dữ liệu và tài nguyên tại WHO. Sự cố này đặc biệt nghiêm trọng trong cuộc khủng hoảng SARS năm 2003, và hiện tại là với sự bùng phát virus Vũ Hán.
Ông Peter lưu ý rằng để thuyết phục Đài Loan chấp nhận ‘’Một quốc gia, hai chế độ”, tuyên truyền của Bắc Kinh thậm chí mô tả người Đài Loan là “những người đồng bào ruột thịt”, còn khi họ gặp khủng hoảng về sức khỏe như SARS và virus Vũ Hán hoặc khi Đài Loan cố gắng đạt được tư cách thành viên WHO, thì sự ràng buộc ruột thịt như vậy là không nơi nào được nhìn thấy.
Tiến sĩ Trần Kiến Nhân (Chen Chiến-jen), một nhà dịch tễ học được đào tạo tại Đại học Johns Hopkins, và là Phó tổng thống Đài Loan, cho hay Đài Loan đã có được thông tin liên quan đến SARS trong năm 2003 từ Mỹ, vì Bắc Kinh đã từ chối cung cấp bất kỳ sự trợ giúp nào.
Theo tờ ‘Foreign Policy’, “Có khoảng 60.000 chuyến bay chở 10 triệu hành khách giữa Đài Loan và Trung Quốc mỗi năm. Đài Loan có mối quan tâm sâu sắc trong việc bảo vệ sức khỏe của chính họ và thế giới trước mối đe dọa sức khỏe mới nhất này. Tuy nhiên, Đài Loan đã bị loại khỏi các cuộc họp khẩn cấp của WHO về cuộc khủng hoảng virus corona mới”.
Do những hoạt động gây ảnh hưởng của Bắc Kinh đối với WHO và các tổ chức quốc tế khác, đã không được chú ý, hôm 14/5/2019, hai nhà nghiên cứu tại Trung tâm An ninh Mỹ mới, đã công bố một báo cáo về ảnh hưởng của Trung Quốc đối với Liên Hợp Quốc, nhằm nâng cao nhận thức về ảnh hưởng của Trung Quốc trong các tổ chức quốc tế.
Báo cáo này nêu rõ: “Trung Quốc đang ngày càng sử dụng sức mạnh kinh tế, chính trị và thể chế của mình, để thay đổi hệ thống quản trị toàn cầu, từ bên trong các tổ chức quốc tế, do đó đã trở thành một đấu trường cho sự cạnh tranh về ý thức hệ, trong đó mục tiêu của Bắc Kinh là làm cho sự cai trị độc đoán, có vẻ hợp pháp như là một chính phủ dân chủ”.
Là một chế độ dân chủ độc lập, Đài Loan, với dân số 23,7 triệu người, nằm cách Trung Quốc đại lục khoảng 130km. Việc Bắc Kinh ngăn chặn nỗ lực của Đài Loan để trở thành thành viên của WHO trong vụ dịch SARS, đã dạy cho quốc đảo này xây dựng cơ sở hạ tầng y tế công cộng, để đáp ứng được cuộc khủng hoảng tiếp theo.
Đồng thời, Đài Loan đã quyết định từ chối sự ảnh hưởng của Bắc Kinh bằng cách ủng hộ bà Thái Anh Văn tái đắc cử Tổng thống. Điều này thể hiện ý chí mạnh mẽ của công chúng trong việc duy trì quyền tự trị trước Trung Quốc đại lục, từ đó từ chối ứng cử viên do Bắc Kinh hậu thuẫn, cũng như đề xuất của chính quyền Trung Quốc về “Một quốc gia, hai chế độ”.
Với hơn 850.000 người Đài Loan sống ở Trung Quốc đại lục, và 400.000 người khác làm việc ở đó, chỉ riêng năm ngoái, Đài Loan đã tiếp nhận khoảng 2,7 triệu du khách Trung Quốc đại lục, khiến hòn đảo này có lẽ là nơi dễ bị tổn thương nhất vì sự bùng phát virus Vũ Hán.
Theo quan sát của nhiều chuyên gia y tế, biện pháp quan trọng nhất là việc chính phủ Đài Loan đã đưa ra một quyết định nhanh chóng, áp đặt lệnh cấm du lịch với Trung Quốc đại lục và Hồng Kông, trước khi dịch bệnh có thể lan rộng.
Hậu quả của những nước theo đuổi lợi ích với Trung Quốc
Ngược lại, Hàn Quốc, Nhật Bản, Ý và Iran đã chậm trễ, hoặc từ chối đình chỉ các chuyến bay từ Trung Quốc, nên đã phải chịu hậu quả nặng nề trong đợt bùng phát virus Vũ Hán này.
“Có lẽ không phải ngẫu nhiên mà virus Vũ Hán dường như lan truyền mạnh tại những nước theo đuổi lợi ích địa chính trị với Trung Quốc như Iran, Hàn Quốc, Nhật Bản và Ý’’, ông Peter nhận xét.
Trong khi Hàn Quốc và Nhật Bản có được một tiêu chuẩn chăm sóc sức khỏe cao tương tự như Đài Loan, cả 2 nước này, không giống như Đài Loan, đã háo hức tìm kiếm mối quan hệ ngoại giao và kinh tế gần gũi hơn với quốc gia này.
Nhiều tập đoàn của Hàn Quốc và Nhật Bản đang hợp tác với Bắc Kinh, khiến họ trở nên phụ thuộc hơn bao giờ hết vào Trung Quốc. Nhìn thấy mối quan hệ ngày càng tăng với Trung Quốc, nhiều người Hàn Quốc hiện đang yêu cầu luận tội Tổng thống Moon Jae-in về lập trường thân Bắc Kinh của ông Moon. Họ gọi ông Moon là “Chủ tịch Trung Quốc Moon”.
Theo ông Peter, Ý là quốc gia G7 đầu tiên (và duy nhất) tham gia ‘Sáng kiến Vành đai và Con đường’ của Bắc Kinh, và có biên giới rộng mở với mọi người từ Trung Quốc, ngay cả sau khi virus Vũ Hán xuất hiện ở châu Âu.
Theo một bài báo được đăng trên tờ ‘The Guardian’ cách đây 9 năm, chỉ riêng ở thành phố Prato thuộc tỉnh Tuscany của Ý, số lượng cư dân Trung Quốc ở đây đã lên tới hơn 50.000 người, chiếm hơn 30% dân số thành phố; 32% trẻ em sinh ra trong bệnh viện trọng yếu nhất của thành phố Prado có mẹ là người Trung Quốc.
Ngày nay, Ý đang phải đối mặt với một cộng đồng di dân Trung Quốc, ngày càng phát triển, ủng hộ lập trường thân Bắc Kinh.
Điều chắc chắn không may là Trung Quốc đã mang đến cho Ý một loại virus chết người, trước khi có được lợi ích kinh tế hứa hẹn từ dự án ‘Một vành đai Một con đường’ (BRI) của Bắc Kinh. Quyết định gần đây của Ý về việc cách ly toàn quốc đến hơi muộn, theo các nhà phê bình.
Còn đối với Iran, đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc, Bắc Kinh có ảnh hưởng to lớn đối với nền kinh tế và chính sách đối ngoại của Iran.
Iran ủng hộ, đứng về phía Trung Quốc hầu như trên tất cả các vấn đề tại Liên Hợp Quốc, và hiện đã bị ảnh hưởng nặng nề bởi COVID-19 trong đó một số nhà lãnh đạo hàng đầu của Iran đã trở thành nạn nhân của virus Vũ Hán
“Thật đáng buồn khi các nền văn minh cổ xưa vĩ đại như Iran và Trung Quốc ngày nay bị thống trị bởi các chế độ độc tài vô luật pháp, quan tâm nhiều đến việc họ nắm giữ quyền lực hơn là phúc lợi của người dân”, ông Peter nhận xét.
Theo ông Peter, từ bao đời nay, luôn có người tin rằng “Gieo nhân nào gặp quả nấy”. Nhìn nhận lại, việc từ chối tư cách thành viên Đài Loan của WHO có thể là ‘trong cái rủi có cái may’ vì Đài Loan đã nhanh chóng tự mình đối phó lại dịch bệnh, mà không cần lời khuyên tồi của WHO, vốn dựa trên các tính toán chính trị.
Theo The Epoch Times
Duy Nghĩa dịch và biên tập
https://www.dkn.tv/the-gioi/y-kien-chuyen-gia-who-quan-tam-loi-ich-lanh-dao-trung-quoc-chu-khong-phai-nguoi-dan-the-gioi.html
Ngân hàng trung ương Châu Âu sẽ in 1 ngàn tỷ EURO
trong năm nay để ngăn chặn khủng hoảng coronavirus
Tin từ FRANKFURT, Đức – Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đưa ra các giao dịch mua trái phiếu mới trị giá 750 tỷ euro tại một cuộc họp khẩn cấp vào cuối hôm thứ Tư, nhằm ngăn chặn một cuộc rối loạn tài chính do đại dịch đang tàn phá nền kinh tế khu vực đồng euro và làm gia tăng mối lo về khả năng tồn tại của khối.Với phần lớn châu Âu đang bị phong tỏa trong bối cảnh dịch coronavirus bùng phát, hoạt động kinh tế gần như đình trệ và thị trường rơi vào tình trạng khó khăn, báo trước một cuộc suy thoái nghiêm trọng ngang với cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008 và đặt ra câu hỏi về sự gắn kết của khu vực đồng euro vào thời điểm căng thẳng. Dưới áp lực phải giảm chi phí vay đối với các quốc gia mắc nợ bị virus tấn công như Ý, ECB đưa ra một chương trình mua trái phiếu chuyên dụng mới, nâng kế hoạch mua trong năm nay lên 1.1 ngàn tỷ euro với giá trị mua mới được thỏa thuận trị giá 6% GDP của khu vực đồng euro. ECB cho biết việc mua trái phiếu sẽ tiếp tục cho đến khi “giai đoạn khủng hoảng” trên thế giới chấm dứt và thương phiếu phi tài chính cũng sẽ được bao gồm lần đầu tiên trong số các tài sản đủ điều kiện.
Đồng euro EUR = tăng trở lại sau thông báo này và gần đây nhất tăng 0.16% ở mức 1.0929 mỹ kim, và thị trường chứng khoán châu Á ổn định. Mặc dù họ vẫn sẽ mua trái phiếu chính phủ theo cổ phần của từng quốc gia trong ngân hàng, nhưng ECB cho biết họ sẽ linh hoạt và có thể phá bỏ quy tắc này.
Mộc Miên
https://www.sbtn.tv/ngan-hang-trung-uong-chau-au-se-in-1-ngan-ty-euro-trong-nam-nay-de-ngan-chan-khung-hoang-coronavirus/
Covid-19: Liên Âu quyết định
lập kho dự trữ chiến lược về thiết bị y tế
Trọng ThànhĐại dịch Covid-19 bùng lên tại châu Âu đòi hỏi sự chung tay đối phó. Một số nước đang trong tình trạng kiệt quệ về trang thiết bị y tế. Nhiều quốc gia thành viên Liên Âu đã đưa ra lời kêu gọi đóng góp. Hôm qua, 19/03/2020, Uỷ Ban Châu Âu đi xa hơn khi ra quyết định lập kho dự trữ chiến lược về trang thiết bị y tế, để cung cấp cho những quốc gia lâm nạn.
Đây là lần đầu tiên Liên Hiệp Châu Âu thành lập một kho dự trữ chiến lược như vậy. Lãnh đạo Uỷ Ban Châu Âu, bà Ursula von der Leyen, nhấn mạnh là chỉ có đoàn kết, tương trợ lẫn nhau, Liêu Âu mới vượt qua cuộc thử thách sống còn này.
Thông tín viên Pierre Bénazet tường trình từ Bruxelles :
“Kho dự trữ chiến lược của Liên Hiệp Châu Âu sẽ bao gồm các thiết bị cho phòng xét nghiệm, vác-xin, dược phẩm, trang bị bảo hộ cho cá nhân, ví dụ như các khẩu trang có thể dùng nhiều lần. Có thể có cả các trang thiết bị đặc biệt cho các đơn vị chăm sóc tăng cường, như máy trợ thở.
Đối với uỷ viên Liên Âu phụ trách xử lý khủng hoảng, Janez Lenarčič, các quốc gia thành viên Liên Hiệp Châu Âu, về cơ bản, trong giai đoạn vừa qua, đã không biết được là tại các kho dự trữ của mình có rất ít trang thiết bị cần thiết. Ông giải thích: Gần như là tất cả các nước đã bị bất ngờ. Theo tôi, đây là một bài học cho tương lai. Tuy nhiên, trong hiện tại, việc nhiều nước ban hành lệnh cấm xuất khẩu các trang thiết bị y tế trong nội bộ Liên Hiệp Châu Âu, một mặt làm tổn hại tinh thần đoàn kết mà Liên Hiệp Châu Âu cần phải dựa vào, mặt khác gây khó khăn rất lớn cho các cơ chế như cơ chế bảo vệ người dân trong các thảm họa. Chính vì vậy, Ủy Ban Châu Âu kêu gọi dỡ bỏ các lệnh cấm này.
Cho đến nay, đã có khoảng 5, 6 thành viên Liên Hiệp Châu Âu tuyên bố sẵn sàng làm nơi tiếp nhận kho dự trữ chiến lược này. Uỷ Ban Châu Âu dự kiến chi trả 90% kinh phí của việc mua trang thiết bị, và hiện đã quyết định bỏ ra 50 triệu euro.
Cơ chế đối phó khủng hoảng thông thường của châu Âu hiện nay cho phép Bruxelles đáp ứng các đề nghị trợ giúp, theo yêu cầu cụ thể của từng quốc gia thành viên, trong khi đó, với kho dự trữ chiến lược nói trên, việc sử dụng như thế nào là do Liên Hiệp Châu Âu quyết định”.
http://www.rfi.fr/vi/t%E1%BB%95ng-h%E1%BB%A3p/20200320-qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF-li%C3%AAn-hi%E1%BB%87p-ch%C3%A2u-%C3%A2u-thi%E1%BA%BFt-b%E1%BB%8B-y-t%E1%BA%BF
Virus corona: Anh Quốc cứu trợ doanh nghiệp
và người lao động ra sao?
Anh Quốc chuẩn bị công bố thêm các biện pháp cứu trợ kinh doanh để các công ty không phải sa thải nhân viên vì dịch virus corona.Virus corona: Thư từ vùng cấm túc California
Virus corona: ‘Tôi hồi phục sau khi tự cách ly điều trị ở nhà’
Được biết thảo luận của Bộ trưởng Tài chính Anh, Rishi Sunak với các đại diện giới doanh nghiệp, nghiệp đoàn kéo dài tới quá nửa đêm 19/03.
Cuối ngày 20/03, ông Sunak sẽ công bố thêm những biện pháp hỗ trợ trực tiếp tới người lao động để họ có lương, và các quy chế giảm thuế, giãn thuế để công ty không phải sa thải người.
Có ý kiến yêu cầu chính phủ Anh làm như Đan Mạch là đảm bảo trả 75% lương cho mọi người lao động bị ngưng việc, hoãn việc, hoặc đuổi việc vì dịch Covid-19.
Đảng Lao động Anh, hiện ở ghế đối lập, yêu cầu có chế độ đảm bảo 80-90% lương trong giai đoạn kinh tế ngưng trệ vì dịch virus.
Doanh nghiệp vừa và nhỏ được giúp gì?
Cho đến nay, chính phủ Anh đã công bố gói cứu trợ 330 tỷ bảng Anh, để bình ổn kinh tế, hỗ trợ các ngành sản xuất, dịch vụ lớn.
Các công ty tuyển trên 250 người có thể nộp đơn xin vay tới 5 triệu bảng với lãi suất thấp để duy trì hoạt động hoặc giữ nhân công.
Chừng 2 triệu doanh nghiệp ở Anh cũng được hưởng trợ cấp bồi hoàn thất thu do nhân viên nghỉ ốm, không đi làm được vì dịch virus, trong khoản tiền khắc phục ‘sick leave’ lên tới 2 tỷ bảng.
Bên cạnh khoản 330 tỷ, có thêm gói cựu trợ 20 tỷ bảng Anh cho doanh nghiệp mà chính phủ của thủ tướng Boris Johnson tung ra tuần này gồm khoản tiền mặt 25 nghìn cho các doanh nghiệp trong khu vực dịch vụ, ẩm thực, bán lẻ, khách sạn và giải trí.
Theo BBC News Tiếng Việt tìm hiểu thì nhiều công ty của người Việt hoặc gốc Việt tại Anh hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ và bán lẻ.
Ngoài ra là các công ty xuất nhập khẩu làm ăn với châu Á.
Ông Harry Trần Trọng Hoàn từ London nói với BBC:
“Vì dịch virus corona, tình hình công nợ và thanh khoản rất khó khăn: Chúng tôi xuất hàng về Việt nam cho các nhà máy theo hình thức thanh toán trả thư tín dụng trả chậm 90 ngày trong khi chúng tôi phải thanh toán cho nhà cung cấp trong vòng 30 ngày.
Do đại dịch, hoạt động kinh doanh trở nên có rủi ro cao, ngân hàng cắt giảm hạn mức. Chúng tôi bị mất cân đối nặng nề về luồng tiền…”
Cần tìm hiểu cụ thể để xin cứu trợ
Nếu tiền thuê mặt bằng một năm của doanh nghiệp nhỏ là từ 15 nghìn tới 51 nghìn bảng Anh, họ đều có thể xin khoản trợ cấp 25 nghìn nói trên.
Các chủ doanh nghiệp được mời nộp đơn với hội đồng địa phương thuộc địa bàn họ có hoạt động kinh doanh để nhận hỗ trợ dạng cash grant này.
Với các doanh nghiệp nhỏ nhất (smallest businesses), chính quyền địa phương cấp ngay – không cần đơn – khoản cứu trợ 10 nghìn bảng trong tháng 4/2020.
Virus corona: 40 trạm tàu điện ngầm London đóng cửa
Virus corona: Khi nào hết dịch và cuộc sống trở lại bình thường?
Các gói cứu trợ này nằm trong ngân sách tài khóa 2020-21 của chính phủ Anh công bố hôm 11/03.
Ngoài ra, một quỹ cho vay chống Covid-19, ‘Coronavirus Business Interruption Loan Scheme’ do Ngân hàng ‘British Business Bank’ cho doanh nghiệp vay tới 5 triệu bảng, và chính phủ sẽ đảm bảo trả tiền cho 80% thua lỗ mà doanh nghiệp không cần trả phí.
Doanh nghiệp có thể nhận khoản vay đó không trả lãi suất trong sáu tháng đầu.
Các công ty Anh được hướng dẫn tìm hiểu với sở thuế HMRC về cách nhận ưu đãi thuế qua đường dây 0800 0159 559.
Các thông tin liên quan được công bố tại trang này, và cập nhật liên tục:
https://www.gov.uk/government/news/coronavirus-covid-19-guidance-for-employees-employers-and-businesses
https://www.bbc.com/vietnamese/business-51976387
Virus corona: 40 trạm tàu điện ngầm London đóng cửa
Tới 40 trạm tàu điện ngầm trên mạng lưới toàn London phải ngừng hoạt động khi thành phố cố gắng giảm sự lây lan của dịch virus corona.Vì sao Anh đột ngột thay đổi chính sách chống Covid-19
Virus corona: Nước Pháp gắng sống xứng tầm thử thách
Sở giao thông London (TfL) cho biết sẽ ngừng hoạt động một phần mạng lưới này mà từ sáng thứ Năm.
Sẽ không có dịch vụ tàu điện ngầm ban đêm và xe bus chạy đêm cũng sẽ bị giảm, vẫn theo cơ quan này.
Thị trưởng London Sadiq Khan nói mọi người không nên đi lại và cảnh báo các dịch vụ vận tải hành khách “có thể sẽ giảm, với khả năng rất đáng kể”.
Động thái này được đưa ra sau khi Thủ tướng Anh, Boris Johnson nói rằng virus đang lây lan nhanh hơn ở London so với các vùng khác của Vương quốc Anh.
Số liệu mới nhất của chính phủ cho thấy đã có hơn 900 trường hợp được xác nhận nhiễm virus corona ở London và 34 người đã tử vong ở thành phố này.
Đầu tuần này, Thủ tướng Johnson kêu gọi mọi người làm việc tại nhà và tránh các quán bar, quán rượu và nhà hàng.
Trường học sẽ đóng cửa từ ngày thứ Sáu, 20/3.
Số lượng hành khách đi lại trên mạng lưới tàu điện ngầm London đã giảm mạnh trong tuần này.
Tuy nhiên, một số hành khách đã phàn nàn rằng các chuyến tàu đã trở nên bận rộn hơn, đặc biệt là trên một số tuyến có ít các chuyến tàu chạy hơn.
Một y tá được yêu cầu giấu tên, nói rằng các chuyến tàu “đông hơn rất nhiều” khi cô đi trên tuyến District Line, so với đầu tuần.
Nữ y tá nói rằng cô cảm thấy “quan ngại hơn” khi sử dụng tàu điện ngầm vì ít chuyến hơn đồng nghĩa với việc “có nhiều người hơn trong một không gian hạn chế”.
“Không cảm thấy như là mọi người đang ở nhà nhiều hơn,” cô nói.
Maria, một người đi làm đáp tàu điện ngầm từ Oxford Circus, gần trụ sở BBC, sau khi kết thúc ca làm việc lao công của mình, nói với BBC rằng cô “lo lắng” về tình hình này nhưng sẽ chỉ ngừng làm việc khi được công ty đang tuyển dụng yêu cầu như thế.
“Tôi có nhiều hóa đơn chi tiêu phải thanh toán và nếu tôi không làm việc thì tôi không được trả lương”, cô nói.
‘Làm theo lời khuyên của chuyên gia’
Chín trạm tàu điện ngầm hiện đóng cửa nhưng hành khách được khuyên nên kiểm tra thông tin trên trang web của Sở giao thông London trong trường hợp có nhiều hơn nữa các trạm bị đóng cửa.
Từ thứ Sáu 20/3, các tuyến Waterloo và City sẽ đóng cửa hoàn toàn và từ thứ Hai 23/3, cơ quan giao thông London cho biết họ sẽ giảm dần các bộ phận khác trong mạng lưới của mình.
Các cắt giảm thêm bao gồm tàu điện nổi London Overground, các tuyến tàu hỏa TFL Rail và tàu nhẹ chạy trên cao DLR cùng mạng lưới xe điện ở phía nam London.
Các ông chủ ngành vận tải nói rằng các nhân viên sẵn sàng làm việc sẽ được triển khai lại “để đảm bảo khả năng phục hồi của các dịch vụ tàu điện ngầm và xe điện nổi thông thường”.
Từ thứ Hai, xe bus sẽ chạy theo thời gian biểu như lịch trình cuối tuần vào các ngày thứ Bảy, mặc dù các dịch vụ ban đêm sẽ tiếp tục “cung cấp cho người làm công ăn lương trong các lĩnh vực dịch vụ công thiết yếu một lựa chọn đi giao thông, đi lại ban đêm đáng tin cậy”, Sở giao thông London nói.
Phát biểu tại chương trình Câu hỏi dàn cho Thị trưởng, ông Khan cho biết số lượng dịch vụ có thể sẽ “tiếp tục giảm, có khả năng rất đáng kể, trong những ngày và tuần tới”, nhưng Sở Giao thông London sẽ “đảm bảo rằng những nhân viên trong các lĩnh vực thiết yếu vẫn có thể đi lại”.
Ông chỉ trích người dân London không tuân thủ hướng dẫn chính thức về đi lại quanh thành phố.
“Tôi không thể nói điều này đủ rõ ràng: mọi người không nên đi lại bằng bất kỳ phương tiện nào trừ khi họ thực sự bắt buộc có việc.
“Tôi muốn thấy nhiều người London hơn nữa làm theo lời khuyên của chuyên gia, có nghĩa rằng điều quan trọng là chúng ta thấy cư dân London sử dụng mạng lưới giao thông công cộng của chúng ta ít hơn nhiều và hơn nữa, so với hiện tại”, ông nói.
Mặc dù trung tâm thủ đô yên tĩnh hơn so với ngày thứ Năm thông thường, nhưng vẫn có một số hoạt động trên đường phố.
Các điểm du lịch như Quảng trường Trafalgar yên tĩnh chỉ có lác đác người lẻ loi chụp ảnh “tự sướng”, nhưng những con đường xuyên qua thành phố vẫn tấp nập và có nhiều người ở những nơi truyền thống bận rộn như khu Oxford Street.
Mặc dù không có kế hoạch đình chỉ áp dụng phí chống tắc nghẽn giao thông, người phát ngôn của Sở giao thông London nói: “Một số nhân viên y tế nhà nước (NHS) đã đủ điều kiện để được bồi hoàn phí này trong một số trường hợp nhất định.
“Bệnh nhân được đánh giá lâm sàng là quá ốm khi đi lại bằng phương tiện giao thông công cộng đủ điều kiện được bồi hoàn phí chống tắc nghẽn giao thông.”
Theo phân tích của Tom Edwards, phóng viên giao thông của BBC London, thì tất cả chúng ta đều biết việc này đang đến nhưng nó vẫn là một cú sốc và cảm giác như đây chỉ là khởi đầu.
Để đối phó với việc vắng mặt của nhân viên, TFL đang cắt giảm các dịch vụ của mình.
Ban đầu, 40 trạm vắng vẻ hơn sẽ đóng cửa và các dịch vụ tàu xe sẽ giảm – nhưng điều quan trọng là nó “có thể còn giảm hơn nữa”.
TGL muốn bảo toàn một dịch vụ giao thông cho nhóm “nhân viên thiết yếu”, đặc biệt là cán bộ, công nhân viên bệnh viện.
Và ngôn ngữ đã thay đổi hoàn toàn – chỉ từ vài ngày trước, nơi giao thông công cộng “an toàn”, thị trưởng hiện nói rằng mọi người nên tránh sử dụng phương tiện giao thông trừ khi “thực sự cần thiết”.
Ở chỗ riêng tư, các hãng hỏa xa cũng nói rằng không thể tránh khỏi việc họ cũng sẽ phải cắt giảm các chuyến tàu.
https://www.bbc.com/vietnamese/world-51966777
Thủ tướng Johnson:
Anh có thể ‘đánh bại Covid-19 trong 12 tuần’
Anh có thể “đánh bại” dịch Covid-19 trong vòng 12 tuần, BBC dẫn lời Thủ tướng Boris Johnson cho biết hôm 19/3.Ông nói rằng các cuộc thử nghiệm về vắc-xin phòng Covid-19 dự kiến sẽ bắt đầu trong vòng một tháng và ra cảnh báo rằng ông sẽ “ép buộc” người dân London phải giữ khoảng cách “nếu cần thiết”.
Phát biểu tại Phủ Thủ tướng ở phố Downing, ông Johnson nói với các phóng viên: “Tôi tin rằng sự kết hợp của các biện pháp mà chúng ta đang yêu cầu công chúng thực hiện và các cuộc thử nghiệm vắc-xin khả dĩ hơn, cùng với tiến bộ khoa học, sẽ cho phép chúng ta chặn dịch trong vòng 12 tuần tới”.
Trong cuộc họp báo vào tối 19/3, ông Johnson đã loại trừ việc đóng cửa hệ thống giao thông công cộng ở London, nhưng chỉ ra rằng người dân ở một số khu vực của thủ đô đã không tuân theo hướng dẫn của chính phủ về giữ khoảng cách trong xã hội và sẽ được “cưỡng bức thực thi” nếu cần thiết.
Trang Daily Mail trích lời ông Johnson nói: “Để quý vị có thể hình dung về những gì sắp xảy ra, hôm nay chúng tôi đã đàm phán để mua bộ xét nghiệm kháng thể, đơn giản như một que thử thai, nó có thể cho biết quý vị có bị bệnh hay không. Dù dụng cụ này vẫn đang trong giai đoạn đầu, nhưng nếu nó hoạt động đúng như lời của những người ủng hộ, thì chúng tôi sẽ mua hàng trăm ngàn bộ dụng cụ này ngay khi có thể”.
Tại Anh, tính đến cuối ngày 19/3, có đến 144 người tử vong và 3.269 người nhiễm bệnh Covid-19.
https://www.voatiengviet.com/a/thu-tuong-johnson-anh-co-the-danh-bai-covid-19-trong-12-tuan/5338059.html
Virus corona : Pháp rất có thể kéo dài lệnh phong tỏa
Thanh PhươngLệnh phong tỏa toàn nước Pháp nhằm kềm chế đà lây lan của dịch Covid -19 rất có thể sẽ được kéo dài thêm, do có quá nhiều người không tuân thủ nghiêm chỉnh.
Hôm nay, 20/03/2020, tổng thống Pháp Emmanuel Macron chủ trì một cuộc họp mới của Hội đồng Quốc phòng để xem xét tình hình dịch bệnh sau 4 ngày áp dụng lệnh phong tỏa toàn quốc. Hôm qua, khi đến thăm Viện Pasteur ở Paris, ông Macron đã tỏ vẻ bực bội vì thấy nhiều người dân Pháp nhân lúc trời đẹp vẫn kéo nhau ra đường, mặc dù mọi người được yêu cầu phải ở trong nhà, chỉ ra ngoài trong những trường hợp tối cần thiết.
Hôm nay, phát ngôn viên chính phủ Pháp Sibeth Ndiaye tuyên bố rất có thể chính phủ phải kéo dài lệnh phong tỏa, hiện nay là 15 ngày. Theo thẩm định của tổng giám đốc cơ quan Y tế Công cộng Pháp, phải mất từ 2 đến 4 tuần mới có thể quan sát được tác động của lệnh phong tỏa lên sự lây lan của virus corona. Một bác sĩ được AFP trích dẫn hôm nay cho rằng lệnh phong tỏa cần phải được kéo dài đến 6 tuần, hoặc hơn nữa.
Hôm qua, trong cuộc họp báo hàng ngày về tình hình dịch Covid-19 tại Pháp, giáo sư Jérôme Salomon, Tổng cục trưởng Tổng cục Y tế, cũng đã nhấn mạnh đến việc tuân thủ nghiêm chỉnh lệnh phong tỏa, nhất là trong bối cảnh mà dịch Covid-19 lây lan ngày càng nhanh tại Pháp. Giáo sư Salomon thông báo, tính đến cuối buổi chiều 19/03, đã có 372 ca tử vong, tức là trong vòng 24 tiếng đồng hồ đã có thêm 108 người chết. Tổng số người bị lây nhiễm đã lên tới 10.995 ca và nhất là số ca bệnh nặng phải nằm ở phòng hồi sức tiếp tục tăng, lên tới 1.122 ca. Theo lời giáo sư Salomon, số ca bệnh nặng phải vào phòng hồi sức cứ bốn ngày lại tăng gấp đôi, làm gia tăng nguy cơ các bệnh viện Pháp quá tải.
Sáng sớm nay, Thượng viện Pháp trong lần biểu quyết đầu tiên đã thông qua dự luật về việc ban hành tình trạng khẩn cấp y tế, kèm theo các biện pháp hỗ trợ nền kinh tế Pháp. Tối qua, Hạ Viện Pháp cũng đã nhất trí thông qua luật tài chính sửa đổi để đối phó với tác động của dịch Covid-19 lên nền kinh tế Pháp, theo kịch bản GDP của Pháp năm nay sẽ sụt giảm 1% và mức thâm thủng ngân sách lên tới 3,9% GDP.
Theo dự kiến cả hai văn bản luật này sẽ được cả hai viện thông qua trước cuối tuần này để chính phủ có thể ban hành ngay tình trạng khẩn cấp y tế, nhằm huy động toàn lực trong cuộc chiến chống virus corona.
Ngoài việc đặt mua thêm khẩu trang bảo hộ để trang bị cho các nhân viên y tế, chính phủ nay còn phải lo việc hồi hương 130 ngàn công dân Pháp đi du lịch đang bị kẹt lại ở nước ngoài.
http://www.rfi.fr/vi/ph%C3%A1p/20200320-virus-corona-ph%C3%A1p-r%E1%BA%A5t-c%C3%B3-th%E1%BB%83-k%C3%A9o-d%C3%A0i-l%E1%BB%87nh-phong-t%E1%BB%8Fa
Virus corona : Pháp đóng cửa nhiều bãi biển
vì người dân coi nhẹ phong tỏa
Thu HằngKhông cưỡng lại được thời tiết đẹp, nhiều người dân Pháp đã vi phạm lệnh phong tỏa hạn chế tối đa di chuyển để ngăn virus corona lây lan. Ngày 19/03/2020, tổng thống Pháp Emmanuel Macron cũng phải lên tiếng rằng nhiều người dân Pháp vẫn coi nhẹ biện pháp này.
Theo đài Franceinfo ngày 19/03, nhiều người dân Paris, có nhà phụ ở các tỉnh ven biển, đã vội rời thủ đô trước khi lệnh phong tỏa có hiệu lực. Ví dụ trên đảo Ré, người dân Paris chiếm phần lớn những vụ vi phạm khi đi dạo trên bãi biển hoặc cả gia đình đạp xe ngoài trời… Còn tại Nice, tuyến đường đi bộ Promenade des Anglais dọc bờ biển cũng đông người đi dạo trong những ngày đầu phong tỏa.
Trả lời truyền thông, cảnh sát trưởng vùng Bouches-du-Rhône, Emmanuel Barbe, nhắc lại quy định : « Đối với những người tập thể thao, họ phải tập ở gần nhà, trong vòng bán kính từ 1-2 km ». Ông cũng chỉ trích thái độ của một bộ phận nhỏ người vi phạm : « Đây không phải là kỳ nghỉ mà là phong tỏa ».
Trước tình trạng có quá nhiều người đi dạo, sở cảnh sát nhiều thành phố từ miền nam như Saint-Tropez, Marseille, Biarritz, Lorient đến miền bắc Pas-de-Calais… đã quyết định đóng cửa các bãi biển từ ngày 19/03. Để người dân nghiêm chỉnh chấp hành yêu cầu « ở nhà », khoản tiền phạt vi phạm có thể tăng lên gấp đôi, thay vì 135 euro như hiện nay.
http://www.rfi.fr/vi/ph%C3%A1p/20200320-ph%C3%A1p-d%E1%BB%8Bch-b%E1%BB%87nh-phong-t%E1%BB%8Fa-b%C3%A3i-bi%E1%BB%83n
Virus corona: Nổi loạn ở nhiều nhà tù Pháp
vì tạm hoãn thăm thân
Trọng ThànhKhông khí tại nhiều trại giam tại Pháp đột ngột trở nên căng thẳng, sau khi chính quyền ra quyết định hôm thứ Ba, 17/03/2020, đình chỉ các cuộc thăm viếng của thân nhân, trong vòng 15 ngày. Chính quyền ngay lập tức đưa ra nhiều biện pháp điều chỉnh, do lo ngại tình trạng tù nhân nổi loạn, như tại Ý mới đây.
Sau biện pháp được đưa ra trong khuôn khổ kế hoạch phong toả chung của chính phủ đầu tuần này, tù nhân ở một số nơi ngay từ sáng hôm 18/03, đã tỏ thái độ phản đối mạnh, như không trở lại phòng giam, sau thời gian đi dạo. Tại một trại giam ở vùng Normandie, hôm qua, hơn 10 tù nhân đã leo lên mái trại giam, bày tỏ thái độ, chống lại quyết định này. Trước đó, nhiều tù nhân đã nổi loạn tại Nantes, Angers hay Val de Reuil.
Lãnh đạo nghiệp đoàn FO – Pénitentiaires (nghiệp đoàn của giới các nhân viên làm việc tại các trại giam) đã yêu cầu chính phủ có các biện pháp như cho phép tù nhân được xem truyền hình miễn phí, gọi điện thoại cố định miễn phí.
Giảm mạnh số lượng người vào tù hàng ngày
Hôm qua, 19/03, bộ trưởng Tư Pháp đã thông báo một số biện pháp, để đáp ứng tình hình mới, như mở truyền hình miễn phí, hạn mức cho sử dụng điện thoại miễn phí (tối đa 40 euro/tháng) và trợ giúp tài chính cho các tù nhân khó khăn nhất. Bên cạnh đó, bộ trưởng Tư Pháp Nicole Belloubet cũng yêu cầu các cơ quan tư pháp lùi thời hạn thi hành án, trong trường hợp các án nhẹ, để giảm tải cho các nhà tù hiện nay, theo yêu cầu của nhiều hiệp hội, với mục tiêu giảm mạnh lượng người nhập trại hàng ngày, từ 200 người/ngày như thường lệ xuống còn khoảng 30 người.
Theo báo Ouest-France, chính trị gia Jacques Toubon, đảm nhiệm chức vụ bảo vệ các quyền căn bản, do tổng thống bổ nhiệm, đã gửi thư đến bộ trưởng Tư Pháp đề nghị cơ quan tư pháp, ra chỉ thị cho bên công tố, yêu cầu mở rộng tối đa các biện pháp thi hành án khác, thay thế cho việc giam giữ, như để người bị phạt tù được tại ngoại dưới sự kiểm soát của tư pháp, hay đình chỉ án tù vì lý do sức khoẻ, đặc biệt với các tù nhân cao tuổi, sức khoẻ yếu, cũng như có ”các biện pháp thay thế” với những thiếu niên bị phạt giam.
Theo France Info, đã có một tù nhân đầu tiên thiệt mạng vì Covid-19, hôm thứ Ba, 17/03. Phát ngôn viên bộ Tư Pháp cho biết người tù 74 tuổi, có tiền sử tiểu đường, vừa được chuyển đến trại giam tại tỉnh Val-de-Marne, vùng thủ đô Paris, cách đây gần hai tuần, được giam giữ trong một phòng riêng, và hoàn toàn không tiếp xúc với các tù nhân khác.
http://www.rfi.fr/vi/ph%C3%A1p/20200320-ph%C3%A1p-n%E1%BB%95i-lo%E1%BA%A1n-%E1%BB%9F-nhi%E1%BB%81u-nh%C3%A0-t%C3%B9-sau-khi-t%C3%B9-nh%C3%A2n-kh%C3%B4ng-%C4%91%C6%B0%E1%BB%A3c-g%E1%BA%B7p-ng%C6%B0%E1%BB%9Di-th%C3%A2n-v%C3%AC-covid-19
« Sát thủ giấu mặt » đằng sau Paracetamol,
dược phẩm được người Pháp chuộng nhất
Thùy DươngNhằm tránh tình trạng khan hiếm thuốc hiện đang rất cần trong mùa dịch Covid-19 đang hoành hành trên toàn cầu, Cơ quan quốc gia Pháp về an toàn dược phẩm (ANSM) ngày 18/03/2020 thông báo hạn định mức bán thuốc từ 1-2 hộp Paracetamol/người, tùy theo việc có dấu hiệu sốt hay không và ngưng bán thuốc trên mạng. Tại Pháp, thuốc giảm đau, hạ sốt Paracetamol là loại dược phẩm « ngôi sao » trong các hiệu thuốc. (Tạp chí phát lần đầu ngày 21/08/2020).
Có thể nói, Paracetamol là loại thuốc được người Pháp chuộng nhất. Mỗi năm, các hiệu thuốc bán được tổng cộng một tỉ hộp thuốc có chứa Paracetamol.
Theo thống kê, có đến 200 loại thuốc chỉ chứa Paracetamol, hoặc phối hợp Paracetamol và các hoạt chất khác, phổ biến nhất là các loại thuốc Doliprane, Efferalgan, Fervex, Dafalgan. Lượng thuốc Paracetamol
đã tăng 53% trong vòng 10 năm qua, và 84% lượng thuốc được bán cho những người không có đơn thuốc của bác sĩ.
Mặc dù được coi là loại thuốc giảm đau, hạ sốt hiệu quả, ít tác dụng phụ, rẻ tiền, dùng được cho cả trẻ nhỏ và phụ nữ mang thai hoặc đang cho con bú, nhưng nếu vô tình dùng quá liều, Paracetamol sẽ gây những hậu quả khủng khiếp không thể khắc phục, vĩnh viễn phá hủy lá gan người dùng chỉ sau 24-48 giờ, bệnh nhân sẽ nhanh chóng tử vong nếu không được ghép gan kịp thời.
Báo Le Figaro trích ghi nhận của Trung tâm chống độc Paris cho biết số vụ ngộ độc thuốc Paracetamol do uống quá liều nhiều đứng hàng thứ hai chỉ sau các vụ ngộ độc thuốc bromazépam, loại thuốc vốn dùng để ngăn ngừa và điều trị một số rối loạn về cảm xúc như căng thẳng, lo âu, mất ngủ, trầm cảm… Dùng Paracetamol quá liều cũng là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến các vụ ghép gan, bị tổn thương vì dùng thuốc.
Điều đáng ngại là dù dùng nhiều thuốc Paracetamol, nhưng người dân Pháp không ý thức được về mối nguy đó. Theo một khảo sát hồi năm 2017 của khoa Y, đại học Nancy, các câu trả lời của 19,1% người bệnh cho thấy họ đối mặt với nguy cơ vô tình dùng Paracetamol quá liều.
Để hạn chế rủi ro cho người dùng, đầu tháng 07/2019, Cơ quan quốc gia Pháp về an toàn dược phẩm (ANSM) yêu cầu các hãng dược phẩm ghi chú trên mặt trước vỏ hộp thuốc có chứa Paracetamol : « Quá liều = Nguy hiểm. Uống thuốc quá liều có thể phá hủy gan ». Các hãng dược có 9 tháng để thực hiện quy định mới của ANSM.
Nhân dịp này, RFI Việt ngữ có cuộc trao đổi với ông Nicolas Authier, trưởng khoa Dược, bệnh viện đại học Y Clermont- Ferrand (Puy-de-Dôme), chủ tịch Đài quan sát thuốc giảm đau (OFMA) của Pháp về những nguy cơ khi dùng thuốc Paracetamol quá liều và các biện pháp phòng tránh.
RFI : Paracetamol có phải là loại thuốc được người dân Pháp tiêu thụ nhiều nhất ? Tại sao Paracetamol lại được ưa chuộng như vậy ?
Nicolas Authier : « Vâng, đúng là Paracetamol là loại dược phẩm được người Pháp tiêu thụ nhiều nhất, kể cả do bác sĩ kê toa hay do người dân tự ý mua thuốc về uống. Số lượng Paracetamol bán ra trên thị trường đã tăng từ nhiều năm nay, nhất là từ năm 2011 sau khi một loại thuốc giảm đau khác là dextropropxyphène không còn được lưu thông trên thị trường. Paracetamol là thuốc giảm đau không chỉ được nhiều người Pháp lựa chọn nhất, mà còn được nhiều bác sĩ kê toa nhất khi người bệnh có cơn đau nhẹ hay đau ở mức độ vừa.
Vào năm 2018, theo kết quả một nghiên cứu của Cơ quan quốc gia Pháp về an toàn dược phẩm (ANSM), lượng thuốc chỉ chứa hoạt chất Paracetamol và dành cho người lớn bán được đã tăng 140% từ năm 2004 đến năm 2015. Các loại thuốc giảm đau kết hợp Paracetamol với hoạt chất tramadol hoặc codéine cũng tăng lần lượt 62% và 42% trong giai đoạn này.
Theo Đài quan sát của Pháp về các loại thuốc giảm đau (OFMA), trong năm 2018, trên 50% người Pháp đã ít nhất một lần được bác sĩ kê thuốc chỉ chứa hoạt chất Paracetamol và được bảo hiểm y tế hoàn tiền.
Điều có thể giải thích phần nào việc tại sao bác sĩ lại hay kê thuốc Paracetamol cho người bệnh và tại sao nhiều người tự ý mua Paracetamol về dùng, là tính an toàn của thuốc, vì rất ít người được ghi nhận là có phản ứng phụ khi dùng Paracetamol, đương nhiên là khi họ không dùng thuốc quá liều ».
RFI : Thuốc Paracetamol có tác dụng phụ hay gây biến chứng gì không ? Nếu dùng thuốc quá liều thì hậu quả sẽ ra sao ? Có nguy hiểm lắm hay không ?
Nicolas Authier : « Vâng, cũng giống như mọi loại thuốc, Paracetamol có thể có tác dụng phụ nhưng rất ít và hiếm khi gây tác dụng phụ nghiêm trọng. Tất nhiên là trừ trường hợp dị ứng thuốc (nếu bị dị ứng thuốc Paracetamol thì không nên dùng tiếp) và trường hợp uống thuốc quá liều.
Biến chứng nguy hiểm nhất khi dùng Paracetamol xuất hiện trong trường hợp uống thuốc quá liều, tức là khi vượt quá liều tối đa 3-4g/ngày theo khuyến cáo. Paracetamol thường chuyển hóa một phần thành một chất mới độc hại cho tế bào gan. Nếu dùng theo đúng liều khuyến cáo, chất độc này sẽ được đào thải ra khỏi gan một cách tự nhiên nhờ một chất khác có trong cơ thể chúng ta, đó là chất glutathione.
Nhưng nếu dùng thuốc quá liều, lượng chất độc được chuyển hóa từ thuốc Paracetamol quá lớn, cơ thể sẽ không thể vô hiệu hóa và đào thải chúng. Các chất độc đó sẽ gây hại cho các tế bào gan. Các tế bào gan bị phá hủy nhanh chóng, có thể dẫn đến suy gan cấp.
Nếu không được chữa trị nhanh chóng bằng thuốc, nhất là trong vòng 8 giờ sau khi dùng Paracetamol quá liều, gan có thể bị tổn thương vĩnh viễn và bệnh nhân chỉ có thể sống sót nếu được ghép gan. Có một phương thuốc giải độc khi dùng Paracetamol quá liều, đó là dùng thuốc N Acétyl cystéine. Thuốc này có tác dụng ngưng việc gan bị phá hủy và hỗ trợ việc đào thải chất độc sinh ra từ Paracetamol ».
RFI : Người dân Pháp dùng nhiều thuốc Paracetamol nhưng họ có am hiểu về loại thuốc giảm đau, hạ sốt này không ? Nguy cơ dùng thuốc quá liều hay bị xem thường ?
Nicolas Authier : « Tất nhiên là cần phải tăng cường thông tin cho người Pháp, nhất là để giúp họ thay đổi thói quen tự ý mua thuốc về uống và có nguy cơ uống Paracetamol quá liều. Cần thông tin cho bệnh nhân là họ nên nhanh chóng ngưng dùng thuốc nếu liều 3-4g/ngày không làm giảm cơn đau và cần đi khám bệnh để đổi thuốc.
Đa số người Pháp đều dự trữ thuốc Paracetamol trong tủ thuốc khiến việc đánh giá và phòng ngừa nguy cơ dùng thuốc quá liều trở nên khó khăn hơn. Điều này cho thấy cần tăng cường thông tin trực tiếp tới người sử dụng thuốc ».
RFI : Ai dễ có nguy cơ dùng Paracetamol quá liều, bị ngộ độc thuốc ?
Nicolas Authier : « Đúng là có một số người dễ gặp nguy cơ bị tác dụng phụ ngoài mong muốn hoặc vô ý dùng thuốc quá liều. Chẳng hạn với người cao tuổi, những người suy dinh dưỡng hoặc cơ thể mất nước, những người mắc bệnh gan hoặc thường xuyên uống rượu, cũng như những người suy thận nặng. Đối với những bệnh nhân này, khoảng cách giữa hai lần uống thuốc cần được kéo dài hơn và liều uống một ngày cũng phải giảm đi.
Thông tin cảnh báo về nguy cơ uống thuốc quá liều được ghi trên vỏ hộp thuốc chứa hoạt chất Paracetamol hoặc có chứa Paracetamol kết hợp với hoạt chất khác, nên khi bán thuốc cho người bệnh thì nhà thuốc cần lưu ý họ là không vứt bỏ vỏ hộp thuốc để lúc nào uống thuốc người bệnh cũng nhìn thấy thông điệp cảnh báo phòng ngừa nhằm giảm thiểu nguy cơ.
Các bậc phụ huynh khi cho con uống thuốc thì cũng không nên để lẫn ống đo liều lượng thuốc Paracetamol ở dạng lỏng với ống đo liều lượng thuốc của các loại thuốc nước, chẳng hạn thuốc ibuprofène hoặc một số loại thuốc kháng sinh, để tránh mọi nguy cơ cho trẻ uống thuốc nhầm liều lượng.
RFI : Đâu là những quy tắc khi dùng Paracetamol để tránh uống thuốc quá liều ?
Nicolas Authier : « Các quy tắc để dùng thuốc Paracetamol đúng liều thì khá đơn giản. Trước tiên, và nhất là đối với trường hợp người dân tự mua thuốc về uống, đây là những trường hợp phổ biến nhất, cần bắt đầu dùng thuốc với liều khởi đầu thấp nhất, tức là 500 mg, và không bao giờ vượt quá liều 1g, tức là 1.000mg cho mỗi lần uống thuốc. Chúng ta cũng không được vượt quá liều 3g/ngày khi tự mua thuốc về uống mà không có đơn của bác sĩ.
Khi uống thuốc mà cơn đau không thuyên giảm thì phải đi khám bác sĩ. Nên đợi 4-6 tiếng rồi mới uống thuốc tiếp. Chúng ta cũng phải kiểm tra để biết chắc chắn là không dùng đồng thời nhiều loại thuốc có chứa Paracetamol, để đảm bảo không uống quá 3g/ngày. Và tất nhiên là cần tránh uống rượu khi đang điều trị bằng thuốc Paracetamol và không bao giờ uống thuốc quá 5 ngày nếu đó là tự ý mua thuốc mà không có đơn của bác sĩ.
Cũng không thể vì thấy cơn đau và sốt không thuyên giảm, vì Paracetamol cũng dùng để hạ sốt, mà chúng ta dùng thuốc với liều mạnh hơn hoặc tăng lượng thuốc lên thành quá 4g/ngày. Nếu thấy thuốc không hiệu quả ngay từ ngày đầu tiên dùng thuốc, thì nên đi khám bác sĩ hoặc nha sĩ hoặc bác sĩ nhi khoa, tùy trường hợp cụ thể ».
http://www.rfi.fr/vi/ph%C3%A1p/20200320-ph%C3%A1p-t%C3%A2n-d%C6%B0%E1%BB%A3c-paracetamol-khoa-h%E1%BB%8Dc
Ý: hơn 3.400 người tử vong vì Covid-19,
nhiều hơn Trung Quốc
Số ca tử vong vì Covid-19 tại Ý, tâm dịch ở châu Âu, đã lên đến 3.405 người tính đến cuối ngày 19/3, vượt xa số tử vong ở Trung Quốc đại lục, nơi virus này bắt nguồn, theo Reuters.Covid-19, được cho là có nguồn gốc từ động vật hoang dã ở Trung Quốc đại lục vào cuối năm ngoái, đã lây sang 172 quốc gia và vùng lãnh thổ khác, lên đến mức kỷ lục với hơn 20.000 ca nhiễm mới được báo cáo trong 24 giờ qua.
Các binh sĩ Ý đã vận chuyển xác chết qua đêm từ một nghĩa trang đang bị quá tải khi nước này có con số tử vong lên đến 3.405, cũng theo Reuters.
Theo số liệu của đại học John Hopkins, con số tử vong của Trung Quốc là 3.100.
Tại Anh, nơi có 144 trường hợp tử vong, đã đóng cửa hàng chục nhà ga tàu điện ngầm ở London và yêu cầu các trường học đóng cửa từ 20/3.
Hôm 19/3, Nga báo cáo trường hợp tử vong đầu tiên do Covid-19.
Trong khi đó, Trung Quốc báo cáo không có ca bệnh mới, một dấu hiệu thành công cho các chính sách ngăn chặn hà khắc của họ kể từ tháng 1/2020. Các trường hợp khách nhập cảnh chiếm tất cả 34 ca bệnh mới ở Trung Quốc.
Tại Hoa Kỳ, số ca nhiễm đã tăng lên 13.000 và ít nhất 205 trường hợp tử vong.
Trên toàn cầu, tính đến cuối ngày 19/3, có hơn 242.000 ca nhiễm và gần 10.000 người chết, dịch bệnh đã làm rúng động cả thế giới.
Người đứng đầu LHQ, ông Antonio Guterres, cảnh báo rằng một cuộc suy thoái toàn cầu, “có lẽ lên tới mức kỷ lục về diện rộng”, là một điều gần như chắc chắn.
“Đây là một khoảnh khắc đòi hỏi phải có sự phối hợp, quyết đoán và hành động chính sách đổi mới từ các nền kinh tế hàng đầu thế giới”, ông Guterres nói với các phóng viên thông qua một cuộc họp báo trực tuyến.
Ông nói thêm: “Chúng ta đang ở trong một tình huống chưa từng có và các quy tắc thông thường không còn được áp dụng”.
https://www.voatiengviet.com/a/y-hon-3400-nguoi-tu-vong-vi-covid19/5337819.html
Giá dầu giảm mạnh:Liệu nước Nga đã tiên liệu trước tất cả?
Minh AnhNăm 2016, Nga thực hiện một chiến lược mới: Liên minh với các nước xuất khẩu dầu lửa trong khuôn khổ OPEC+. Chiến lược này đã tồn tại cho đến ngày 06/3/2020.
Khi tỏ thái độ không phối hợp, điện Kremlin đang tạo ra một mối tương quan lực lượng mới trên thị trường dầu hỏa. Phản ứng của Ả Rập Xê Út đã làm giá dầu tụt thê thảm. Nền kinh tế Nga bắt đầu bị tác động. Liệu nước Nga có lường hết được các hậu quả khác nhau của chiến lược này hay không? Ông Gérard Vespierre, chủ tịch Hội đồng Chiến lược trên tờ La Tribune phân tích.
Chiến lược đưa ra năm 2016 của Nga là gì?
Trong khuôn khổ OPEC+, kể từ năm 2016, Nga phối hợp với Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) giảm bớt sản lượng dầu thô nhằm duy trì giá cả và nguồn thu. Chiến lược của Nga còn có mục tiêu khác rất rõ ràng: Gây khó khăn và thậm chí đẩy các nhà sản xuất Mỹ ra khỏi thị trường năng lượng, do giá thành khí đá phiến của Mỹ cao hơn giá dầu của Nga.
Điện Kremlin đưa ra chính sách này có lẽ là vì hai lần bị “hẫng hụt”. Lần thứ nhất, có tính chất trực tiếp và địa lý gần, khi nhìn thấy Hoa Kỳ phản đối việc cung cấp khí đốt từ Nga sang Đức bằng các lệnh trừng phạt nhắm vào những tập đoàn tham gia xây dựng dự án đường ống dẫn khí Nord Stream 2. Lần thứ hai là vào năm 2010, thị phần năng lượng của Mỹ tăng đều gây thiệt hại cho các nhà sản xuất chính và các hãng xuất khẩu dầu hỏa của Nga. Kể từ năm đó, Hoa Kỳ, nhờ vào dầu đá phiến, hầu như tăng gấp đôi thị phần, chiếm 14% thị trường dầu hỏa thế giới.
Vì sao Nga thay đổi chiến lược?
Trong bối cảnh nhu cầu tiêu thụ tại Trung Quốc giảm, khối OPEC đề nghị Nga cùng giảm sản lượng là 1,5 triệu thùng/ngày. Không như mọi khi, lần này nước Nga đột nhiên từ chối. Theo ông Gérard Vespierre, Nga đột ngột thay đổi chiến lược có lẽ là kết quả phân tích và ảnh hưởng của chủ tịch tập đoàn dầu khí Nga Rosneft, ông Igor Setchine, một người thân cận, bạn đồng hành của tổng thống Vladimir Putin kể từ cuộc gặp đôi bên tại tòa thị chính Saint-Petersburg năm 1990.
Đầu tiên hết là trong bộ máy hành chính phủ tổng thống, rồi khi Putin làm thủ tướng trong giai đoạn 2008-2012, suýt nữa đã bổ nhiệm Igor Setchine làm phó thủ tướng. Việc Vladimir Putin trở lại làm tổng thống đã cho phép Igor Setchine nắm lấy chức chủ tịch Rosneft, tập đoàn dầu khí lớn nhất của Nga.
OPEC đã phản ứng như thế nào?
Trước thái độ quay ngoắc của Nga, phản ứng của Riyad không chậm trễ. Ả Rập Xê Út sớm hiểu ngay thái độ của Nga và đã có phản ứng nhanh chóng chỉ sau vài giờ lời từ chối của Nga. Chiến lược của Ả Rập Xê Út gây bất ngờ không chỉ vì tốc độ nhanh, mà cả việc thay đổi đường hướng và quy mô của chiến lược. Sau khi đề nghị giảm sản lượng để tăng giá dầu nhưng không được đáp ứng, Ả Rập Xê Út thông báo hạ giá ngay tức thì, từ 4-10 đô la/thùng dầu, và tăng 25% sản lượng kể từ ngày 01/4.
Như một phản ứng dây chuyền, vài ngày sau, đến lượt Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất và Koweit (+ 1 triệu thùng/ngày), Irak, Nigeria thông báo tăng mức sản xuất. Ả Rập Xê Út còn cho biết ngoài mức tăng 25%, nước này sẵn sàng tăng thêm một triệu thùng/ngày.
Chỉ trong vòng chưa đầy một tuần, đối đầu chiến lược giữa Matxcơva và Riyad biến thành cuộc đọ sức giữa OPEC và Nga. Chuyến thăm Matxcơva của quốc vương Salmane và chuyến công du Riyad của Vladimir Putin ở Riyad có nguy cơ trở thành những kỷ niệm xa vời về tầm ảnh hưởng của Nga tại Trung Đông.
Vậy Nga đáp trả thế nào?
Tổng thống Putin sẽ quyết định ra sao? Mọi cặp mắt giờ đều đổ dồn về điện Kremlin. Trong trước mắt, bộ trưởng Năng Lượng Nga cẩn trọng khẳng định rằng ngân sách của Nga cho năm 2020 được lập trên cơ sở mức bán 42 đô la/thùng dầu. Chuyên gia Gérard Vespierre cho rằng các số liệu này khá gây ngạc nhiên bởi vì giá dầu thô trong những năm 2018 và 2019 lần lượt ở các mức 69 và 65 đô la/thùng. Do vậy, dựa theo cơ sở này, việc dự báo mức giá bán tương lai thấp hơn đến 38% là điều khá nghịch lý, nhất là sau khi tổng thống Putin có tuyên bố là thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, mở rộng đầu tư sẽ là mục tiêu quản lý của ông.
Đâu là những hệ quả đối với nền kinh tế Nga?
Tác giả cho rằng trong khi chờ đợi các phản ứng của Nga trong những tuần sắp tới, những quyết định đưa ra bắt đầu tác động đến nền kinh tế Nga. Giá dầu trên thế giới tụt giảm mạnh, trong đó của Rosneft là 42%. Trên thị trường chứng khoán, nếu như chỉ số Down Jones bị tụt giá 20%, thì RTS của Nga mất đến 36%. Đồng tiền rúp trượt giá đến 20% so với đồng đô la.
Trả bằng đô la hay euro, các hãng dầu khí của Nga rất có thể có thêm một nguồn thu ngoại tệ nhờ vào việc đồng rúp mất giá. Nhưng mức giảm giá một thùng dầu cao hơn mức mất giá của đồng rúp, các nguồn thu nhập bằng đồng rúp trong một giai đoạn trên thực tế sẽ bị giảm đi.
Quyết định chiến lược của Nga nhằm làm chao đảo các nhà sản xuất dầu đá phiến của Mỹ cuối cùng rất có thể gây ra một tình trạng tiêu cực mạnh mẽ cho nước Nga. Cổ phiếu của những doanh nghiệp có niêm yết trên sàn chứng khoán bị mất giá mạnh tác động nhiều đến chỉ số nợ của họ. Đồng rúp mất giá đến 20% sẽ dẫn đến tình trạng tăng giá tất cả các mặt hàng nhập khẩu. Lạm phát vừa được giảm xuống ở mức 3-4%, rủi thay sẽ lại tăng lên. Đó là chưa nói đến việc lãi suất ngân hàng trung ương Nga từ hai năm qua thường xuyên bị hạ, nay ở mức khoảng 6%.
Tất cả những tiêu chí này đều đi ngược lại với những gì cần thiết cho một chính sách tăng trưởng và đầu tư như chính quyền Nga cam kết. Thực tế kinh tế có lô-gích phũ phàng. Hơn nữa, chính quyền Mỹ và các nhà sản xuất khí đá phiến sẽ không nằm yên bất động. Chiến lược mở van dầu hạ giá mà Ả Rập Xê Út thực hiện năm 2015 khiến cho giá dầu xuống đến mức 27 đô la/thùng đã không thể nào đánh gục được các đối thủ Mỹ và phải chấm dứt vào ngày 20/01/2016.
Cuộc đọ sức Nga và Ả Rập Xê Út sẽ còn đẩy giá dầu xuống thấp đến đâu, kéo dài trong bao lâu, nhất là trong bối cảnh thế giới đang phải đối mặt với một trận đại dịch? Có một điều thấy rõ là hậu quả của chiến lược này sẽ còn đè nặng lên nền kinh tế của Nga nếu như chiến lược đó ngày càng trở nên triệt để hơn.
Cuối cùng tác giả đặt câu hỏi: Liệu rằng điện Kremlin, vốn rất hợp lý trong các tính toán rủi ro, sẽ từ bỏ tư duy hợp lý này ?
http://www.rfi.fr/vi/qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF/20200320-nga-%E1%BA%A3-r%E1%BA%ADp-x%C3%AA-%C3%BAt-d%E1%BA%A7u-h%E1%BB%8Fa-qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF
COVID-19 tại Iran: Thiếu thiết bị y tế, người dân
lo ngại biện pháp kiểm dịch của chính quyền
Hải LamTrong một bài đăng trên tờ Independent hôm 19/3, các chuyên gia y tế Iran tiết lộ điều kiện chữa trị tại các bệnh viện không đảm bảo vì các vật dụng y tế dần cạn kiệt trong khi số người nhiễm virus Vũ Hán tại nước này đang gia tăng.
Một y tá làm việc tại Karaj, cách thành phố Tehran 25km về phía Tây Bắc, nói với Independent rằng khẩu trang chỉ dành cho những người làm việc trong bộ phận cấp cứu, làm tăng nguy cơ lây nhiễm cho các nhân viên y tế tại các bộ phận khác cũng như các bệnh nhân.
“Chúng tôi thực sự thiếu các thiết bị y tế. Các bệnh viện của chúng tôi đều quá tải và các y bác sĩ đã kiệt sức”, người y tá nói.
“Trong những ngày đầu, các nhân viên y tế có khẩu trang và quần áo bảo hộ. Nhưng bây giờ những thứ này trở nên khan hiếm hơn khi số người nhiễm bệnh trên cả nước đang gia tăng”, cô nói thêm.
Một nam kỹ thuật viên phòng thí nghiệm ở Tehran cho biết mỗi nhân viên y tế được phát hai khẩu trang mỗi ca, nhưng số lượng này là không đủ.
“Các trường hợp lây nhiễm trong số các bác sĩ, y tá và nhân viên y tế khác nhìn chung đang tăng nhanh chóng”, ông nói. “Chúng tôi rất lo lắng cho gia đình của mình vì chúng tôi có thể bị nhiễm bệnh và lây virus cho người nhà”.
Một cư dân ở Tehran cho biết các thi thể đang được chất đống tại nhà xác và khi chính quyền chôn cất, họ đã rắc thêm vôi để ngăn chặn sự lây lan của căn bệnh này.
Còn ở nhiều vùng nông thôn, nơi người dân chủ yếu tự mình xoay sở, một người đàn ông cho biết người dân địa phương nhanh chóng chôn xác trong các ngôi mộ tạm thời mà không tổ chức nghi lễ.
“Vài ngày trước, một trong những người thân của tôi sống xa thành phố phát hiện ra một người hàng xóm đã chết vì virus corona. Gia đình anh ấy sợ đến gần thi thể”, người dân nói.
“Họ hàng của tôi đã dùng một chiếc chăn để bọc thi thể, sau đó di chuyển thi thể và cuối cùng ném vào nơi chôn, mà không có bất kỳ nghi lễ nào – giống như chôn một con vật đã chết”, người đàn ông nói thêm.
Mặc dù các báo cáo cho biết Iran đã cấm các sự kiện tập trung đông người, nhưng người này nói rằng chính quyền đã thất bại trong việc cách ly các thành phố và cách ly xã hội.
Thay vào đó, nhiều công dân chuẩn bị cho dịp “Tết Ba Tư” của Iran vào ngày 20/3.
“Thật không may, nhiều người không hiểu và vẫn đi du lịch khắp nơi và đang chuẩn bị đi nghỉ”, cư dân Tehran cho biết.
“Chính quyền Iran chỉ đơn giản là không muốn thừa nhận sự bất tài của mình”, người này nói thêm.
Y tá ở Karaj cũng báo cáo cảnh sát ít khi hiện diện và thực thi lệnh giới nghiêm.
Chính quyền đã đưa ra các tuyên bố khuyến cáo mọi người ở nhà và tránh đi du lịch trong kỳ nghỉ năm mới để ngăn chặn việc lây nhiễm virus. Nhưng vào hôm 19/3, những bức ảnh được chia sẻ trực tuyến cho thấy tình trạng kẹt xe trên đường cao tốc Tehran – Qom.
Dịch viêm phổi Vũ Hán bắt đầu tại thành phố Qom, cách thủ đô Tehran của Iran 120km về phía Tây Nam và là thành trì của Hồi giáo dòng Shiite. Các nhà chức trách đã yêu cầu đóng cửa các nhà thờ, song vấp phải sự phản đối mạnh mẽ của dân chúng.
“Theo các nguồn tin từ dân chúng, do tận mắt chứng kiến hoặc tiếp cận được các báo cáo từ những nơi chủ chốt, số ca nhiễm COVID-19 cao hơn ít nhất 4 lần so với những gì giới chức xác nhận”, ông Mzahem Alsaloum, một nhà nghiên cứu làm việc cho nhà thầu quốc phòng phương Tây nói.
“Các nhà chức trách không thể thực hiện các xét nghiệm chính xác, họ chỉ kiểm tra những người có triệu chứng nặng. Họ không có khả năng áp dụng các biện pháp kiểm dịch hoặc cách ly xã hội, và có những lo ngại về năm mới. Quản lý của chính quyền căn bản là yếu kém”, ông nói thêm.
Iran có quan hệ chặt chẽ với Trung Quốc về mặt chính trị và thương mại. Giới chức Iran đã thừa nhận sự xuất hiện của virus corona tại nước này vào ngày 19/2 sau nhiều tuần phủ định. Một diễn viên truyền hình đã công khai chỉ trích chính quyền nói dối và không phong tỏa thành phố Qom để ngăn dịch bệnh lây lan.
Hiện Iran ghi nhận 18.407 ca nhiễm virus Vũ Hán, trong đó 1.284 người đã tử vong. Phát ngôn viên Bộ Y tế Iran Kianush Jahanpur ngày 19/3 cho biết, cứ 10 phút lại có 1 người ở nước này chết vì virus Vũ Hán, và khoảng 50 trường hợp nhiễm mới mỗi giờ.
Theo Independent
Hải Lam dịch và biên tập
https://www.dkn.tv/the-gioi/covid-19-tai-iran-thieu-thiet-bi-y-te-nguoi-dan-quan-ngai-bien-phap-kiem-dich-cua-chinh-quyen.html
Covid-19 : Châu Á tự vệ trước nguy cơ đợt lây nhiễm thứ nhì
Thanh HàMột “làn sóng” dịch Covid-19 thứ nhì từ châu Âu, Mỹ và Trung Đông tràn sang là kịch bản toàn châu Á đang hy vọng tránh khỏi. Các biện pháp kiểm soát người nước ngoài đặt chân đến châu Á đang được siết chặt. Cả Bắc Kinh lẫn Seoul đều lo ngại trước những ca bệnh du nhập “từ bên ngoài”.
Tính đến ngày 19/03/2020, số ca tử vong tại Ý đã vượt quá số nạn nhân tại Trung Quốc. Iran bị xem là “ lò lửa” tại Trung Đông. Châu Mỹ cũng không còn là vùng virus corona “bất khả xâm phạm“.
Các số liệu thống kê cho thấy từ Trung Quốc đến Hàn Quốc và nhất là Đài Loan, Hồng Kông, Singapore, cuộc chiến chống Covid-19, đã rất hiệu quả, đà lây lan đã được kềm hãm. Tỷ lệ tử vong ở những người bị nhiễm tại Trung Quốc, và đặc biệt là tại Đài Loan, Hồng Kông, rất thấp. Chính vì thế, từ nhiều ngày qua các chính quyền trong vùng đã lo bảo vệ bức tường thành còn mong manh đó để đối phó với virus corona.
Là ổ dịch chính tại châu Á, trong hai ngày liên tiếp, Trung Quốc thông báo không có thêm ca lây nhiễm trong nước, nhưng số bệnh nhân từ nước ngoài vào Trung Quốc đã tăng nhanh, với hơn 30 người mỗi ngày. Trung Quốc đã mở lại bệnh viện từng được sử dụng để điều trị cho các bệnh nhân SARS hồi 2002-2003 để theo dõi những trường hợp này. Trong tuần tất cả những hành khách châu Âu đến Bắc Kinh đều được yêu cầu tự cách ly tại một số khách sạn đặc biệt. Riêng người độc thân hay phụ nữ mang thai thì được cách ly tại nhà.
Mối lo ngại dịch Covid-19 bùng phát đợt hai đã được thể hiện qua tuyên bố của bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga trưởng đặc khu hành chính Hồng Kông hôm 17/03/2020 : « Tại rất nhiều nơi trên thế giới số người nhiễm virus corona đang bùng nổ, nếu không có những biện pháp ngăn ngừa nghiêm ngặt (…) tôi e rằng tất cả những nỗ lực của chúng ta trong hai tuần qua sẽ vô ích ».
Về phần Hàn Quốc, trong bốn ngày liên tiếp, nước này thông báo số ca lây nhiễm mới vẫn dưới ngưỡng tâm lý 100 người. Có nhiều hy vọng nước này đã vượt qua được giai đoạn khó khăn nhất. Tuy nhiên, các giới chức y tế Hàn Quốc vẫn trong tình trạng báo động trước khả năng những ổ dịch mới bùng phát. Ngoài hai ổ dịch chính là Daegu và Bắc Gyeongsang, đến lượt Seoul, Incheon và tỉnh Gyeonggy đã phát hiện 35 ca trong ngày Thứ Năm 19/03/2020.
Tương tự như Trung Quốc, Hàn Quốc cũng lo ngại nguy cơ người nước ngoài đem bệnh về cho xứ mình. Để phòng ngừa kịch bản tai hại đó, từ Chủ Nhật 22/03/2020 tất cả những người nhập cảnh vào Hàn Quốc đều phải tự cách ly trong vòng 14 ngày, cho dù không có triệu chứng bị viêm phổi, ho, sốt … Quyết định này được đưa ra sau khi 44 hành khách đem bệnh vào Hàn Quốc.
Tại Đài Loan, 24 những ca lây nhiễm mới đều du nhập từ bên ngoài. Tại Singapore, 11 trên tổng số 17 ca nhiễm được thông báo hôm đầu tuần (16/03/2020) cũng trong diện này.
Tuy nhiên, nếu như dịch bệnh đã thuyên giảm tại Trung Quốc, Hàn Quốc hay Đài Loan, Hồng Kông … thì ngay trong khu vực châu Á, Malaysia, Indonesia và Thái Lan đang trở thành những điểm nóng.
Để tự vệ, các nước châu Á có hai phương án : Thứ nhất là cách ly hay phạt nặng những ai không thi hành nghiêm chỉnh các quy định y tế của chính quyền sở tại, như trường hợp của Hồng Kông hay Đài Loan. Biện pháp thứ nhì là tạm ngưng cấp visa nhập cảnh. Đây là giải pháp Việt Nam đã chọn.
Thế nhưng, nhà nghiên cứu Anne Wilkinson, thuộc Viện Nghiên Cứu và Phát Triển của Anh Quốc báo động : những khu nhà ổ chuột từ Philippines đến Ấn Độ có thể là những “quả bom nổ chậm“. Đây là nơi có mật độ dân số cao, điều kiện vệ sinh tối thiểu không được bảo đảm.
Theo một báo cáo của Ngân Hàng Thế Giới năm 2017, tại châu Á Thái Bình Dương có khoảng 250 triệu dân sống trong những khu nhà ổ chuột. Tại Trung Quốc, Philippines và Indonesia, có nhiều nơi dân cư không có nước sạch để dùng, không có xà phòng rửa tay, thì cầm chắc đó sẽ là những ổ dịch mới của virus corona.
Cho dù một nửa dân số Philippines, kể cả tại thủ đô Manila, được kêu gọi ở yên trong nhà, nhưng còn dân cư tại các khu ổ chuột thì sao ? Có gì cấm cản họ đi vào thành phố ? Tới nay, cả Ấn Độ lẫn Indonesia đều không ban hành bất kỳ một lệnh phong tỏa nào và cũng không thấy Jakarta hay New Delhi có kế hoạch ngăn chận dịch tại những khu nghèo đó.
http://www.rfi.fr/vi/ph%C3%A2n-t%C3%ADch/20200320-ch%C3%A2u-%C3%A1-d%E1%BB%8Bch-b%E1%BB%87nh-x%C3%A3-h%E1%BB%99i-ph%C3%A2n-t%C3%ADch
Nam Hàn đánh bại Hoa Kỳ trong cuộc đua
xét nghiệm người nhiễm coronavirus
Tin từ SEOUL, Nam Hàn – Vào cuối tháng 1, các viên chức y tế Nam Hàn triệu tập đại diện của hơn 20 công ty y tế tư nhân sau lễ đón Tết Nguyên Đán của họ đến một phòng hội nghị nằm trong nhà ga tấp nập của Seoul.Một trong những viên chức bệnh truyền nhiễm hàng đầu của Nam Hàn đưa ra một thông điệp khẩn cấp: Nam Hàn cần một xét nghiệm hiệu quả ngay lập tức để phát hiện ra coronavirus, vào thời điểm đó đang lan truyền ở Trung Cộng. Ông cam kết với các công ty rằng ông sẽ nhanh chóng phê duyệt quy định.
Một tuần sau cuộc họp ngày 27 tháng 1, Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC) của Nam Hàn phê duyệt thử nghiệm chẩn đoán của một công ty. Một công ty khác cũng sớm thực hiện theo.
Vào cuối tháng 2, Nam Hàn trở thành tiêu điểm trên khắp thế giới về các trung tâm xét nghiệm drive-through và khả năng xét nghiệm hàng ngàn người mỗi ngày. Hành động nhanh chóng của Nam Hàn hoàn toàn trái ngược với những gì xảy ra ở Hoa Kỳ.
Bảy tuần sau cuộc họp ở nhà ga, người dân Nam Hàn xét nghiệm hơn 290,000 người và xác định được hơn 8,000 ca nhiễm bệnh. Các trường hợp mới đang suy giảm. Chín mươi ba ca được báo cáo vào hôm thứ Tư, giảm từ mức cao nhất hàng ngày là 909 vào hai tuần trước đó.
Hoa Kỳ có trường hợp đầu tiên được phát hiện cùng ngày với Nam Hàn, thậm chí còn không đáp ứng chỉ tiêu xét nghiệm.
Vào hôm thứ ba (17/3), các viên chức liên bang cho biết khoảng 60,000 cuộc thử nghiệm được thực hiện bởi các phòng thí nghiệm công cộng và tư nhân ở một quốc gia có 330 triệu dân. (BBT)
https://www.sbtn.tv/nam-han-danh-bai-hoa-ky-trong-cuoc-dua-xet-nghiem-nguoi-nhiem-coronavirus/
Tàu Đài Loan bị hơn 10 tàu Trung Quốc tấn công
Lục DuCơ quan bảo vệ bờ biển Đài Loan (CGA), hôm thứ Năm (19/3) cho biết, các tàu của họ đã bị hơn 10 tàu cao tốc Trung Quốc ném đá, chai lọ và đâm đụng.
CGA cho biết thêm, tàu tuần tra số hiệu CP-1022 của họ bị hư hại động cơ sau khi bị tàu Trung Quốc đâm vào. CGA đã yêu cầu phía Trung Quốc phải truy tìm thủ phạm, bắt giữ họ và bồi thường thiệt hại đã gây ra cho tàu Đài Loan.
Sự việc xảy ra vào khoảng 9 giờ sáng ngày 16/3. Khi các tàu tuần tra số hiệu CP-1022 và CP-2006 cùng với ba tàu đánh cá của Đài Loan đang yêu cầu một số tàu cá Đại lục hoạt động đánh bắt cá bất hợp pháp rời khỏi vùng biển của hòn đảo thì bị 10 tàu cao tốc Trung Quốc ập tới tấn công. Một tàu cao tốc Trung Quốc đã cố tình đâm vào phía sau tàu mang số hiệu CP-1022, con tàu này có giá 197.000 USD và mới chỉ đưa vào hoạt động vào ngày 13/3.
Để chống lại các tàu cao tốc Trung Quốc, các sĩ quan CGA đã ném sáu quả lựu đạn gây choáng và bắn năm viên đạn đậu vào các tàu Trung Quốc, buộc những tàu này phải nhanh chóng bỏ chạy. Một sĩ quan CGA được Liberty Times dẫn lời nói: “Chúng tôi chưa bao giờ chứng kiến hơn 10 tàu cao tốc Trung Quốc và lại tấn công điên cuồng như vậy”.
Sau khi các tàu Trung Quốc rút lui, hai động cơ nổi nằm phía sau của tàu CP-1022 trị giá 600.000 Đài tệ đã bị hư hỏng nặng và trên boong của tàu này rơi vãi đầy các dị vật mà các tàu cao tốc của phía Trung Quốc ném sang. Tuy nhiên, không có nhân viên CGA nào bị thương sau vụ tấn công.
Trần Kiến Văn, chỉ huy đơn vị thứ 9 của CGA tại bờ biển đảo Kim Môn, cho biết, vụ việc xảy ra trên đường trung tuyến ở eo biển Đài Loan. Ông Trần nói thêm rằng, CGA sẽ không ngần ngại ngăn chặn những kẻ xâm lược nước ngoài.
Theo Apple Daily, CGA đã đưa hai động cơ nổi bị hư hỏng của tàu CP-1022 từ Cao Hùng tới Kim Môn để thay thế. Con tàu này dự kiến sẽ tiếp tục quay trở lại làm nhiệm vụ vào thứ Hai (23/3).
Theo Taiwan News
Lục Du dịch và biên tập
https://www.dkn.tv/the-gioi/tau-dai-loan-bi-hon-10-tau-trung-quoc-tan-cong.html
Đại diện Đài Loan tại Đức:
Đừng tin chính quyền Trung Quốc
Thiện LanVào ngày 18/3, trong một cuộc phỏng vấn với tờ The Epoch Times tại Đức, ông Jhy-Wey Shieh, đại diện chính phủ Đài Loan ở Đức nói rằng, điều khiến hòn đảo thành công khi đối phó với virus Vũ Hán là nhờ việc không tin Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ).
Trong khi phần lớn thế giới đang bị phong tỏa nhằm ngăn chặn virus Vũ Hán, cuộc sống hàng ngày ở Đài Loan vẫn tiếp tục gần như bình thường với hầu như không có bất kỳ hạn chế nào.
Việc Đài Loan xử lý đại dịch viêm phổi Vũ Hán tốt hơn nhiều so với hầu hết các quốc gia trên thế giới đã làm một số chuyên gia ngạc nhiên. Cho đến nay, Đài Loan chỉ có 100 ca nhiễm virus và một trường hợp tử vong.
Đài Loan được biết đến là nơi phải đối mặt với nhiều yếu tố bất lợi trong việc phòng chống đại dịch. Gần với Trung Quốc đại lục, hàng triệu người Đài Loan đến và đi Trung Quốc mỗi năm, thêm vào đó, quốc đảo này đã bị loại khỏi hầu hết các tổ chức quốc tế, bao gồm Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) do áp lực từ Bắc Kinh.
Tuy nhiên, ông Shieh cho rằng, chính “sự ngăn chặn này đã dạy cho chúng tôi, và đây là điều đã cứu sống người dân Đài Loan, rằng chúng ta cần phải dựa vào chính mình trước tiên”, và đó là yếu tố quan trọng nhất.
Ông Shieh nói rằng, Đài Loan đã học được cách đối phó với ĐCSTQ từ kinh nghiệm của đợt dịch SARS năm 2002 và 2003, vào lúc đó, Bắc Kinh đã ngăn WHO hỗ trợ Đài Loan và ĐCSTQ đã cung cấp cho Đài Loan thông tin không chính xác về dịch bệnh. Điều này khiến cho 73 người Đài Loan phải mất mạng.
“Bất kỳ thông tin nào nhận được từ Bắc Kinh, các vị nên phải được xác minh trước khi kết luận đó có phải là sự thật hay không”, ông nói. “Đây là một chế độ độc đoán, nếu không muốn nói là độc tài có hệ thống và đó là đặc điểm của một chế độ đặt sự ổn định lên trên sự thật”.
Khi ĐCSTQ lần đầu tiên báo cáo về virus, Đài Loan đã sớm gửi một nhóm y tế đến Vũ Hán để tìm hiểu thực tế. Trong khi ĐCSTQ nói rằng sẽ không có sự lây truyền virus từ người sang người, Đài Loan đã không tin và bắt đầu chuẩn bị cho một dịch bệnh.
Ông Shieh cho biết, Đài Loan là quốc gia đầu tiên kiểm soát tất cả các chuyến bay từ Vũ Hán và theo dõi từng hành khách. Đài Loan cũng đảm bảo có các thiết bị bảo vệ cần thiết bằng cách ban hành lệnh dừng xuất khẩu và tăng cường sản xuất. Vì hầu hết các trường hợp nhiễm bệnh đều là “ngoại nhập”, Đài Loan đã cấm hầu hết người nước ngoài nhập cảnh vào hòn đảo từ ngày 18/3.
Theo NTD
Thiện Lan dịch và biên tập
https://www.dkn.tv/the-gioi/dai-dien-dai-loan-tai-duc-dung-tin-chinh-quyen-trung-quoc.html
Covid-19: Hồng Kông tăng cường
các biện pháp cách ly người mới nhập cảnh
Mai VânLiên tiếp trong hai ngày 19 và 20/03/2020, Trung Quốc không ghi nhận một người dân tại chỗ nào nhiễm virus corona. Tại đặc khu Hồng Kông cũng vậy, các trường hợp lây nhiễm virus mới không còn đến từ Trung Quốc mà lại đến châu Âu, Anh Quốc và Hoa Kỳ.
Chính quyền sở tại buộc phải tăng cường biện pháp cách ly đối với tất cả khách mới đến Hồng Kông, trong đó có quy định phải mang vòng kiểm soát điện tử ngay từ ngày 19/3.
Thông tín viên RFI tại Hồng Kông, Florence de Changy, giải thích:
“Tất cả những ai đến Hồng Kông kể từ nay sẽ phải đeo một chiếc vòng điện tử nhỏ có chức năng kiểm soát chặt chẽ việc tôn trọng chu vi được phép đi lại khi bị cách ly. Vòng điện tử này cùng loại với vòng mang ở bệnh viện nhưng có gắn thêm một ứng dụng đặc biệt cho biết tình hình hiện tại.
Khi về đến nhà hay khách sạn, người đeo phải ghi vào chiếc vòng giới hạn của vùng cách ly. Và khi chu vi được phép di chuyển đã được xác nhận, thì người đeo không được vượt ra ngoài, nếu không thì có báo động ngay. Ngoài ra, một số người mới đến Hồng Kông còn nhận được thiết bị lấy nước bọt, và một người thân sẽ trao lại cho giới hữu trách.
Những người trốn cách ly có thể bị phạt đến 6 tháng tù giam và 3.000 euro. Trong hoàn cảnh dịch bệnh đang lan tràn dữ dội khắp nơi trên thế giới, Hồng Kông dự trù sẽ phải đón hàng chục nghìn cư dân trở về trong những tuần lễ tới đây. Cho dù kề cận Trung Quốc và có mật độ dân cư đông đúc, Hồng Kông cho đến giờ chỉ có 4 ca tử vong. Mối lo ngại hiện nay là hầu như tất cả những ca nhiễm mới đều là mang từ ngoài vào.”
http://www.rfi.fr/vi/ch%C3%A2u-%C3%A1/20200320-h%E1%BB%93ng-k%C3%B4ng-virus-corona-c%C3%A1ch-ly
TQ tăng tốc chế tạo tàu đổ bộ Type-075
nhằm chuẩn bị đối phó các xung đột trên biển
Việc Trung Quốc đẩy nhanh tốc độ hiện đại hóa hải quân, nhất là chế tạo các loại tàu đổ bộ cỡ lớn cho thấy nước này không chỉ muốn giới hạn trong các cuộc tấn công chớp nhoáng như đối với các xung đột có thể xảy ra trên Biển Đông hay eo biển Đài Loan, mà thậm chí sẽ hoạt động xa bờ, mang tính viễn chinh rộng ra khu vực liên Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương.Ngay sau khi thông tin Trung Quốc chuẩn bị hạ thủy tàu đỏ bộ cỡ lớn thứ hai Type 075, giới chuyên gia và truyền thông khu vực, quốc tế cho rằng việc này cho thấy quyết tâm của Bắc Kinh trong nỗ lực thúc đẩy hiện đại hóa hải quân đủ năng lực tác chiến tại các vùng biển xa.
Type 075 của hải quân Trung Quốc dài 250m, chiều rộng 30m, mớn nước 8m, lượng giãn nước đầy tải 40.000 tấn, và có thể di chuyển với vận tốc tối đa khoảng 23 hải lý trên giờ tương đương với khoảng 42,5 km/h. Tàu có khả năng mang 30 trực thăng các loại trong khoang chứa phía trong, ngoài ra có 4 thang máy nâng hạ để phục vụ việc đưa máy bay từ trong ra ngoài mặt boong. Những loại trực thăng dự kiến sẽ được Trung Quốc đưa lên tàu đổ bộ Type 075 bao gồm trực thăng săn ngầm hạng nhẹ Z-9D hoặc loại hạng trung Z-20, đi kèm trực thăng vận tải hạng nặng Z-8.Đặc biệt, Z-9 còn có thể phóng tên lửa đối không và tích hợp cả khả năng săn tàu ngầm. Chính vì thế, tàu đổ bộ mang máy bay trực thăng Z-8 hay Z-9 có thể được triển khai cho các hoạt động tấn công đảo, đổ bộ tấn công quy mô lớn vào đất liền. Ngoài ra, Type 075 còn có khả năng triển khai lính thủy đánh bộ theo cách truyền thống thông qua xuồng đệm khí và xe thiết giáp lội nước.
Theo Tiến sỹ Swee Lean Collin Koh (chuyên gia quốc phòng thuộc Trường Nghiên cứu quốc tế S.Rajaratnam, Singapore) nhận định tốc độ đóng mới tàu đổ bộ mang máy bay trực thăng thứ 2 thuộc Type-075 phản ánh nhiều thực tế trong việc hiện đại hóa của hải quân Trung Quốc. Dường như dự án tàu vận tải đổ bộ lớp Type-071 đang bị chững lại – dù đã đóng được 7 chiếc. Qua đó, nhiều khả năng hải quân Trung Quốc đang tập trung vào việc phát triển tàu đổ bộ cỡ lớn, mà Type-075 đóng vai trò trọng tâm nhằm tăng cường cả khả năng đổ bộ lẫn tấn công. Thực tế, đến nay thì các tàu vận tải đổ bộ loại nhỏ hơn vẫn đang đóng vai trò chủ chốt đối với hải quân Trung Quốc. Nhưng đây là mô hình có từ thời Chiến tranh Lạnh, nên có lẽ không còn phù hợp với tham vọng mà Bắc Kinh đặt ra. Việc tập trung phát triển tàu vận tải đổ bộ cỡ lớn như Type-071, rồi tàu đổ bộ mang máy bay trực thăng Type-075 phản ánh rõ hơn mục tiêu thể hiện sức mạnh mà hải quân Trung Quốc hướng đến. Ngoài ra, nó còn cho thấy Bắc Kinh không chỉ muốn giới hạn trong các cuộc tấn công chớp nhoáng như đối với các xung đột có thể xảy ra trên Biển Đông hay eo biển Đài Loan, mà thậm chí sẽ hoạt động xa bờ, mang tính viễn chinh rộng ra khu vực liên Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương.
Trong khi đó, Tiến sỹ Satoru Nagao (Viện Nghiên cứu Hudson, Mỹ) cảnh báo dù trong lúc cả thế giới đang ứng phó với dịch Covid-19 thì cũng đừng nên bỏ lơ mối đe dọa quân sự từ Trung Quốc. Thực tế, Trung Quốc gần đây không hề giảm bớt tần suất tăng cường quân sự. Bằng chứng là việc đang không ngừng đẩy nhanh tiến độ hoàn thành chiếc thứ hai thuộc lớp tàu đổ bộ mang máy bay trực thăng Type-075. Đây là loại khí tài mang theo một lượng binh sĩ lớn cùng nhiều loại vũ khí hạng nặng mà có thể dùng đến cho các cuộc tấn công nhằm vào một số quốc gia ven Biển Đông, hay bên kia eo biển Đài Loan và thậm chí là mục tiêu xa hơn ở Ấn Độ Dương. Những chiếc tày Type-075 thể hiện cho tham vọng đó của Bắc Kinh.
Được biết, trong những năm gần đây, Chính phủ Trung Quốc đang nỗ lực khiến cho quân đội nước này trở nên hùng mạnh, hiệu quả và tiến bộ hơn về công nghệ để trở thành lực lượng hàng đầu trong vòng 30 năm tới. Với ngân sách tăng vọt trong thập kỷ qua, PLA đã được xếp vào hàng ngũ các quân đội hàng đầu thế giới ở nhiều lĩnh vực, trong đó có trí tuệ nhân tạo và tên lửa đạn đạo chống hạm. Các chuyên gia cảnh báo rằng sau khi được hiện đại hóa, quân đội Trung Quốc có thể trở nên quyết đoán hơn trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương bằng cách tăng cường sức ép đối với Đài Loan và tiếp tục quân sự hóa các đảo bị tranh chấp ở biển Hoa Đông và Biển Đông.
Đáng chú ý, tiến trình hiện đại hóa quân đội của Trung Quốc được đặc biệt chú trọng kể từ khi Tập Cận Bình lên nắm quyền. Theo đo, ông Tập Cận Bình đã tập trung thực hiện những thay đổi lớn về mặt cơ cấu. Những cải cách quan trọng nhất của ông bao gồm việc sáp nhập các vùng tác chiến, cắt giảm mạnh về nhân sự và cải thiện hợp tác dân sự-quân sự. Ông đang đẩy mạnh chuyển đổi PLA từ một lực lượng chủ yếu hoạt động trên đất liền thành một thế lực hùng mạnh trên biển. Hải quân Trung Quốc đã được mở rộng với tốc độ đầy ấn tượng, trở thành lực lượng hải quân lớn nhất thế giới tính về số lượng tàu.
Năm 2016, Hải quân Trung Quốc đã đưa 18 tàu vào hoạt động, trong khi đó Hải quân Mỹ mới chỉ có 5 tàu. Chất lượng tàu của PLA cũng đã được cải thiện: Theo ghi nhận của tổ chức RAND, hơn 70% hạm đội của PLA có thể được xếp vào loại hiện đại trong năm 2017, tăng so với mức dưới 50% trong năm 2010. Các chuyên gia cho biết với quân số ước tính 250.000 binh sĩ đang tại ngũ, Hải quân Trung Quốc đã trở thành lực lượng chiếm ưu thế tại các vùng biển gần Trung Quốc và đang tiến hành nhiều hoạt động hơn ở những vùng biển xa hơn. Một trong những ưu tiên của Trung Quốc trong công cuộc hiện đại hóa quân sự là trang bị thêm tàu ngầm hạt nhân và tàu sân bay. Trung Quốc có hai tàu sân bay, trong khi đó Mỹ có 11 tàu. Tàu sân bay thứ ba của Trung Quốc đang được chế tạo trong nước và dự kiến sẽ đi vào hoạt động vào năm 2022.
http://biendong.net/bien-dong/33665-tq-tang-toc-che-tao-tau-do-bo-type-075-nham-chuan-bi-doi-pho-cac-xung-dot-tren-bien.html
TQ tức tối vô lý
khi tàu sân bay Mỹ thăm Việt Nam lần thứ 2
Sáng ngày 05/03/2020, hàng không mẫu hạm nguyên tử USS Theodore Roosevelt (CVN 71) của Mỹ, có tuần dương hạm USS Bunker Hill (CG 52) tháp tùng, đã đến cảng Tiên Sa, Đà Nẵng, miền Trung Việt Nam. Chuyến thăm kéo dài cho đến ngày 09/03/2019, đánh dấu 25 năm ngày hai nước Mỹ-Việt bình thường hóa quan hệ ngoại giao.Chuyến thăm của tàu sân bay Theodore Roosevelt lần này nối tiếp chuyến thăm lịch sử của hàng không mẫu hạm USS Carl Vinson (CVN 70) cách đây tròn 2 năm vào ngày 0/5/3/2018, khi lần đầu tiên sau hơn 40 năm một tàu sân bay Mỹ thăm Việt Nam.
Từ các giới chức chính quyền Bắc Kinh đến các cơ quan nghiên cứu của Trung Quốc, các học giả, nhà nghiên cứu Trung Quốc thì hầu hết tỏ ra không hài lòng thậm chí tức tối khi tàu sân bay Theodore Roosevelt thăm Việt Nam. Ngay từ khi Việt Nam bình thường hóa quan hệ với Mỹ, Bắc Kinh đã tỏ ra không vui, họ tìm mọi cách ngăn cản quan hệ Việt – Mỹ phát triển. Cứ sau mỗi bước phát triển của quan hệ Việt – Mỹ, Bắc Kinh lại “làm mình làm mẩy” để gây sức ép với Việt Nam.
Nguyên nhân Trung Quốc tỏ thái độ không hài lòng khi quan hệ Việt – Mỹ phát triển, nhất là quan hệ quốc phòng thể hiện qua các chuyến ghé thăm Việt Nam của tàu sân bay Mỹ:
Một là, từ trong lịch sử xa xưa, Trung Quốc luôn tìm mọi các khống chế Việt Nam, thúc ép Việt Nam đi theo quỹ đạo của Trung Quốc. Trong thời kỳ chiến tranh lạnh, Trung Quốc còn muốn dùng Việt Nam làm lá chắn bảo vệ cho họ ở phía Nam, Bắc Kinh giúp Việt Nam trong chiến tranh chống Mỹ là nhằm mục tiêu này. Việc Việt Nam cải thiện và phát triển quan hệ với Mỹ ảnh hưởng trực tiếp đến yêu cầu này của Bắc Kinh vì thế mà họ tìm cách ngăn cản quan hệ Việt – Mỹ.
Hai là, cuộc cạnh tranh chiến lược giữa Trung Quốc và Mỹ ngày càng trở nên gay gắt khi Mỹ xác định Trung Quốc là “đối thủ nguy hiểm nhất” thách thức vị trí siêu cường của Mỹ. Việt Nam có vị trí địa chiến lược quan trọng ở khu vực. Quan hệ Việt – Mỹ, nhất là quan hệ quân sự phát triển giúp cho Mỹ tăng cường sự hiện diện ở khu vực, ảnh hưởng trực tiếp đến những mục tiêu của Trung Quốc trong cuộc cạnh tranh chiến lược với Mỹ.
Ba là, Việt Nam là nước láng giềng có tranh chấp lớn nhất với Trung Quốc ở Biển Đông; hai bên đã nhiều lần xảy ra va chạm trên biển, thậm chí xung đột khi Trung Quốc dùng vũ lực đánh chiếm quần đảo Hoàng Sa năm 1974 và một số cấu trúc thuộc quần đảo Trường Sa năm 1988. Quan hệ Việt – Mỹ phát triển sẽ tạo thêm sức mạnh cho Việt Nam trong cuộc đối đầu với Trung Quốc ở Biển Đông.
Là nước chịu nhiều sức ép nhất từ Bắc Kinh trên vấn đề Biển Đông, trong 25 năm qua, Việt Nam âm thầm, từng bước phát triển quan hệ với Mỹ. Từ chỗ là thù địch, giờ đây hai bên đã xây dựng được một mối quan hệ bạn bè, mối quan hệ đối tác hợp tác toàn diện và đang hướng mối quan hệ chiến lược. Mỹ trở thành đối tác kinh tế hàng đầu của Việt Nam.
Nếu như cách đây 25 năm, kim ngạch thương mại song phương chỉ chưa đầy 500 triệu USD, thậm chí một vài năm trước đó con số này gần như bằng 0. Nhưng hiện tại giá trị thương mại giữa Việt Nam và Mỹ đã đạt mức hơn 60 tỉ USD mỗi năm. Việt Nam trở thành quốc gia có số lượng du học sinh đứng thứ 5 trên thế giới tại Mỹ với trên 30.000 sinh viên.
Trong lĩnh vực quốc phòng, Tổng thống Mỹ Obama gỡ bỏ lệnh cấm vận vũ khí sát thương đối với Việt Nam cách đây 4 năm; Mỹ hỗ trợ Việt Nam nâng cao năng lực quản lý biển, cung cấp cho Việt Nam tàu tuần tra cỡ lớn: Mỹ giúp Việt Nam đào tạo phi công và đang xem xét việc bán máy bay tuần tra cho Việt Nam….
Rõ ràng những con số kể trên không làm giới cầm quyền Bắc Kinh hài lòng. Những người lãnh đạo Bắc Kinh đã dùng nhiều cách, thông qua nhiều kênh (kể cả kênh hợp tác 2 Đảng) để ngăn cản quan hệ Việt – Mỹ. Từ chỗ cảnh báo dùng quan hệ chính trị ý thức hệ đến công khai đe dọa Việt Nam đừng “dẫn sói về nhà”, thậm chí là tiến hành các hoạt động răn đe trên biển.
Tuy nhiên, Hà Nội không chịu khuất phục mà kiên trì đường lối độc lập, tự chủ từng bước tăng cường hợp tác mọi mặt với Mỹ. Hai chuyến thăm Việt Nam của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ trong năm 2018 và việc Việt Nam mua vũ khí và tàu tuần tra của Mỹ cũng như để tàu sân bay USS Theodore Roosevelt thăm cảng Đà Nẵng lần này cho thấy rõ điều đó.
Nhiều nhà quan sát đã chỉ ra rằng những hoạt động gây hấn lấn lướt của Trung Quốc ở Biển Đông chính là chất xúc tác thúc đẩy quan hệ quốc phòng Việt – Mỹ phát triển; chính việc Bắc Kinh quân sự hóa Biển Đông và ngày càng hung hăng đã thôi thúc Hà Nội thấy cần ngấm ngầm ủng hộ sự hiện diện của Mỹ ở Biển Đông.
Nhằm thực hiện mưu đồ độc chiếm Biển Đông, nhà cầm quyền Bắc Kinh luôn tìm cách đẩy Mỹ và các đồng minh của Mỹ ra khỏi Biển Đông, họ còn cao giọng yêu cầu các nước ASEAN đưa vào Bộ Quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC) nội dung này trong đàm phán (COC) với các nước ASEAN. Sự hiện diện của tàu sân bay nguyên tử USS Theodore Roosevelt tại Đà Nẵng trong vòng 5 ngày qua đã đi ngược lại tính toán này của Bắc Kinh.
Cách đây 2 năm, khi tàu sân bay Mỹ lần đầu tiên đến thăm Việt Nam, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã hằn học nói rằng đó là một hành động mang tính thù địch và phê phán Hoa Kỳ là gây ra căng thẳng trong vùng.
Trung Quốc tránh công khai phê phán Việt Nam bởi họ biết rõ điều này là vô lý là can thiệp vào công việc của Hà Nội. Bắc Kinh đã thúc đẩy quan hệ với Mỹ tranh thủ vốn và kỹ thuật công nghệ của Mỹ để phát triển và cho tàu chiến Mỹ ghé thăm các cảng biển của Trung Quốc trước Việt Nam từ lâu nên họ không có lý do gì để công khai lên tiếng phê phán Hà Nội.Bắc Kinh đổ tất cả cho phía Mỹ, bởi vì họ muốn đánh lừa dư luận rằng nếu không phải là phía Mỹ, tất cả vấn đề trong vùng sẽ được ổn định và tất cả vấn đề có gì xấu thì đều là do Mỹ cả.
Mỹ và Việt Nam đều có các chiến lược và tiếp cận riêng về an ninh, quân sự và quốc phòng của mình ở khu vực, trong đó với phía Mỹ có điều chỉnh trọng tâm liên quan tới chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, còn Việt Nam dường như vẫn tiếp tục các nguyên tắc của mình trên tổng thể chiến lược cân bằng không đứng về phía Trung Quốc hay ngả về Mỹ.
Chuyến thăm cảng Tiên Sa, Đà Nẵng của tàu sân bay Mỹ lần này là một minh chứng về sự trùng hợp về lợi ích giữa Mỹ và Việt Nam ở Biển Đông.
Đó là duy trì một Biển Đông hòa bình, ổn định, hợp tác dựa trên luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên hợp quốc về Luật biển 1982. Biển Đông là tuyến đường hàng hải quan trọng của thế giới chứ không phải “ao nhà” của Bắc Kinh mà họ có quyền làm gì thì làm.
Thái độ hằn học của Bắc Kinh đối với chuyến thăm Việt Nam của tàu sân bay Mỹ lần thứ 2 này thể hiện rõ qua ý kiến của ông Chen Xiangmuo, chuyên gia thuộc Viện nghiên cứu Hàng hải Trung Quốc nói với hãng truyền thông Sputnik – Nga hôm 06/3/2020 rằng “Việt Nam đang cố gắng sử dụng chính sách ngoại giao cứng rắn của Hoa Kỳ để đối phó với ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc ở Biển Đông”.
Ông ta còn cáo buộc rằng “Mỹ và Việt Nam đã đạt được sự đồng thuận về chuyến thăm của tàu sân bay đến Đà Nẵng ngay sau cuộc đối đầu giữa Trung Quốc và Việt Nam tại khu vực Bãi Tư Chính ở Biển Đông hồi năm ngoái. Đây có thể được coi là một kế hoạch để chống lại Trung Quốc”. Ông ta kêu gọi để đáp trả điều đó, Trung Quốc nên củng cố vị thế “một cường quốc hàng hải” và tăng cường năng lực cho lực lượng hải quân.
Có lẽ ông Chen Xiangmuo hiểu đúng về nguyên nhân của việc tăng cường hợp tác quốc phòng Việt – Mỹ là do hành động hiếu chiến của Trung Quốc ở Biển Đông, trong đó có việc Trung Quốc cho tàu khảo sát địa chất Hải Dương 08 cùng nhiều tàu hải cảnh, tàu dân quân biển Trung Quốc xâm lấn vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa Việt Nam từ đầu tháng 7 đến cuối tháng 10 năm ngoái. Ấy vậy thì ông ta nên khuyên nhà cầm quyền Bắc Kinh hãy hành xử có trách nhiệm, tuân thủ luật pháp quốc tế, tôn trọng vùng biển của các nước láng giềng chứ đừng tỏ ra hằn học một cách vô lý và đưa ra những lời kêu gọi hiếu chiến như vậy.
http://biendong.net/bien-dong/33664-tq-tuc-toi-vo-ly-khi-tau-san-bay-my-tham-viet-nam-lan-thu-2.html
Trung Cộng tuyên bố
bác sĩ Lý Văn Lượng đã bị khiển trách sai
Tin Bắc Kinh, Trung Cộng – Chính quyền Trung Cộng vào thứ Năm, 19 tháng 3, cho biết cảnh sát thành phố Vũ Hán đã hành động không phù hợp khi khiển trách bác sĩ Lý Văn Lượng, người đầu tiên cảnh báo về dịch Covid-19, đã khiến hơn 9,000 người chết trên toàn thế giới. Vào tháng 12 năm ngoái, Bác sĩ Lý cùng một nhóm bạn bè cũng là nhân viên y tế đã chia sẻ các bài đăng trên mạng xã hội, khuyến cáo về một loại virus giống bệnh Sars đang lây lan trong thành phố.Tuy nhiên, Bác sĩ Lý sau đó đã bị công an triệu tập và khiển trách vì tội tiết lộ thông tin, đồng thời anh bị buộc phải ký vào một bản cam kết, hứa hẹn không thực hiện thêm bất kỳ hành động phạm luật nào khác. Bác sĩ Lý qua đời vào tháng 2 năm nay vì coronavirus, khiến dư luận Trung Cộng hết sức giận dữ trước cách chính quyền đối phó khủng hoảng, dẫn đến làn sóng đòi Bắc Kinh phải tôn trọng quyền tự do ngôn luận. Theo đài truyền hình nhà nước CCTV đưa tin hôm thứ Năm, một cuộc điều tra của chính quyền trung ương, diễn ra sau khi Bác sĩ Lý qua đời, kết luận rằng cảnh sát Vũ Hán đã hành động không phù hợp khi ra khiển trách Bác sĩ Lý, và đã thực hiện các thủ tục hành pháp sai quy định.
Các nhà điều tra cũng cho biết các đồng nghiệp của Bác sĩ Lý đã nhiều lần cố gắng cấp cứu hồi sinh cho vị bác sĩ 34 tuổi này trước khi anh được tuyên bố tử vong. Theo đài CCTV, chính quyền trung ương đã yêu cầu thành phố Vũ Hán giám sát và giải quyết vấn đề, và thúc giục cơ quan công an địa phương phải thu hồi thư khiển trách đã gởi cho Bác sĩ Lý.
Mộc Miên
https://www.sbtn.tv/trung-cong-tuyen-bo-bac-si-ly-van-luong-da-bi-khien-trach-sai/
Tuyên bố của Bắc Kinh ngày 19/3 ‘không có
ca nhiễm mới’ mâu thuẫn với thực tế phơi bày
Hương ThảoLần đầu tiên kể từ khi dịch bùng phát, Ủy ban Y tế quốc gia Trung Quốc đã tuyên bố vào ngày 19/3 rằng không có ca nhiễm mới trên toàn quốc. Nhưng các công dân Trung Quốc thì đang mô tả một thực tế khác. Tại Vũ Hán, tâm điểm đầu tiên của dịch bệnh, người dân đã chứng kiến hàng dài bệnh nhân xếp hàng tại bệnh viện trong khi nhiều cơ sở được báo cáo là được thiết lập để chứa bệnh nhân bị bệnh. Do đó, cư dân mạng cho biết họ không tin tưởng vào câu chuyện kể bởi chính quyền Trung Quốc.
Virus viêm phổi Vũ Hán, thường được gọi là corona virus mới, lần đầu tiên xuất hiện ở Vũ Hán vào tháng 12/2019. Tờ The Epoch Times đã gọi corona virus mới là ‘Virus ĐCSTQ’ vì sự che đậy và xử lý sai của họ đã cho phép virus lây lan khắp Trung Quốc và tạo ra một đại dịch toàn cầu.
Tại các bệnh viện
Trong một video được đăng lên phương tiện truyền thông xã hội vào ngày 19/3, một công dân Trung Quốc cho thấy Bệnh viện Liên minh Vũ Hán, một trong 46 cơ sở được chỉ định để điều trị COVID-19 có hàng dài người xếp hàng phía trước. “Nhìn kìa! Mọi người đang xếp hàng trước phòng khám sốt tại Bệnh viện Liên minh Vũ Hán,” người đó nói. The Epoch Times xác nhận cảnh quay được quay tại bệnh viện.
Hơn 30 người được nhìn thấy đang xếp hàng chờ đợi và giữ khoảng cách an toàn với người trước mặt họ. Một nhân viên bảo vệ bệnh viện ở gần đó, mặc một bộ đồ bảo vệ và đeo khẩu trang N95. Những người chờ đợi trong hàng đeo khẩu trang, một số mặc áo choàng phẫu thuật hoặc áo mưa bằng nhựa được dùng bởi nhiều người trong đợt bùng phát ban đầu khi mọi người tìm cách tự bảo vệ mình khỏi nhiễm virus.
Trong khi đó, ông Vũ, một người dân ở thành phố Huanggang gần đó, đã kêu cứu. Ông nói rằng không có bệnh viện nào ở Huanggang hay Vũ Hán có thể chẩn đoán bệnh của ông vì tất cả các cơ sở ông đến đều chứa đầy bệnh nhân nhiễm virus. Con gái của ông Vũ nói với The Epoch Times trong một cuộc phỏng vấn qua điện thoại: “Tôi đã gọi bác sĩ từ Vũ Hán. Họ nói rằng rất có thể cha tôi bị u thận, nhưng họ không thể cho ông nhập viện. Các bệnh viện của họ có rất nhiều bệnh nhân [nhiễm virus]”.
Các cơ sở điều trị mới được thiết lập
Trùng hợp với chuyến thăm đầu tiên tới Vũ Hán kể từ khi dịch bệnh bùng phát của nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình, chính quyền đã đóng cửa các bệnh viện dã chiến tạm thời, nói rằng họ không còn cần đến chúng nữa.
Nhưng vào ngày 19/3, một công nhân xây dựng đã chia sẻ một đoạn video về một bệnh viện tạm thời mới được thiết lập trong một sân vận động ở ngoại ô Vũ Hán. “Sau một đêm nữa, nhiệm vụ của chúng tôi sẽ hoàn tất,” người đàn ông nói. “Một bệnh viện tạm thời mới sẽ sớm đi vào hoạt động.”
Cô Li, một cư dân ở Vũ Hán, nói với The Epoch Times rằng các nhà chức trách gần đây đã thiết lập cái gọi là trạm chuyển tiếp quanh thành phố. Điển hình là được thiết lập bên trong các trường đại học, các bệnh nhân được chẩn đoán nhiễm virus đang bị giam giữ tại đó. “Sau khi 14 bệnh viện tạm thời bị đóng cửa [vào ngày 10/3], họ đã thiết lập 300 trạm chuyển tiếp. Tôi tin rằng chúng giống như một loại cơ sở tạm thời mới,” Li nói. Cô Li cũng cho biết nhiều người không được chẩn đoán và tự cách ly tại nhà. “[Từ những gì tôi biết], mỗi khu dân cư ở quận Jiang [một khu vực của Vũ Hán] đều có người nhiễm bệnh. Các bệnh nhân bị buộc phải ở nhà.”
Zhang, một cư dân Vũ Hán khác, cho rằng dịch bệnh nghiêm trọng hơn nhiều so với chính quyền đang thừa nhận. “Nếu dịch bệnh không bùng phát nghiêm trọng, thì [chính phủ] sẽ cho phép chúng tôi trở lại làm việc. Đến bây giờ tất cả các con đường vẫn bị chặn, các doanh nghiệp không tiếp tục sản xuất ở Vũ Hán”, Zhang nói trong một cuộc phỏng vấn qua điện thoại ngày 17/3.
Kể từ cuối tháng 1, Vũ Hán đã bị phong tỏa hoàn toàn. Để ngăn chặn virus lây lan, nơi làm việc đã bị đóng cửa, giao thông công cộng và du lịch đường bộ bị cấm và các sự kiện công cộng bị hủy bỏ. Ngoài Tân Cương và Quý Châu, hai khu vực hẻo lánh của Trung Quốc gần đây có mở lại các trường trung học dành cho người lớn tuổi thi tuyển sinh, tất cả các trường học ở các tỉnh và khu vực khác đều bị đóng cửa. Các trường học của Trung Quốc vẫn đóng cửa kể từ kỳ nghỉ Tết Nguyên đán. Các lớp học được tổ chức trực tuyến.
Cư dân mạng tự đặt tiêu chí
Nhiều cư dân mạng hoài nghi về tuyên bố của chính quyền rằng dịch bệnh đã được ngăn chặn. Một bài báo được lưu hành rộng rãi đăng trên một bảng tin internet của Trung Quốc nói rằng, chỉ khi đáp ứng được ba tiêu chí thì dịch bệnh mới thực sự kết thúc.
Ba tiêu chí đó là: tất cả các trường học ở Trung Quốc mở cửa trở lại; Bắc Triều Tiên và Nga mở lại biên giới với Trung Quốc; và ĐCSTQ tổ chức hội nghị thường niên của Đảng, gọi là Hội nghị Tham vấn Chính trị Nhân dân Trung Quốc. Năm nay, hội nghị đã được lên kế hoạch từ ngày 3/3 đến ngày 13/3 nhưng đã bị tuyên bố hoãn lại vào ngày 24/2 do dịch bệnh.
Theo Nicole Hao, The Epoch Times ngày 20/3
Hương Thảo dịch và biên tập
https://www.dkn.tv/the-gioi/tuyen-bo-cua-bac-kinh-ngay-19-3-khong-co-ca-nhiem-moi-mau-thuan-voi-thuc-te-phoi-bay.html
Dịch corona: Trung Quốc tiếp cứu EU, cãi cọ với Mỹ
Khi châu Âu trở thành tâm điểm của dịch bệnh do virus xuất phát từ Vũ Hán (Trung Quốc) gây ra, Bắc Kinh tăng cường hỗ trợ hoặc cam kết giúp đỡ từng chính phủ trong khối EU trong lúc khẩu chiến với Mỹ.Kết quả là một cuộc chiến lý trí mà Trung Quốc xem ra đang thắng lợi, ít nhất là cho tới thời điểm này, theo nhận định trên tờ Straits Times.
Đối với Bắc Kinh, vươn tới EU là một phần trong nỗ lực trèo trở lại vào vai trò lãnh đạo quốc tế sau khi đã thoạt đầu che đậy bệnh dịch khiến virus lan tràn ra khỏi biên giới.
Chính phủ của Chủ tịch Tập Cận Bình đã tìm cách bóp nghẹt những chỉ trích và phát tán thuyết âm mưu về nguồn gốc virus.
Về mặt địa chính trị, động thái của Bắc Kinh tự dán nhãn cho mình như cứu tinh của châu Âu nhằm cải thiện vị thế trên sân khấu quốc tế khi cả đôi bên đang có xích mích với chính quyền Mỹ do Tổng thống Donald Trump lãnh đạo, theo Straits Times.
Mỹ-Trung vẫn tiếp tục cuộc chiến giành ảnh hưởng toàn cầu, Bắc Kinh tuần này vừa trục xuất hơn chục ký giả Mỹ trong khi cũng tìm cách đánh lạc hưởng những chỉ trích về cách xử lý bệnh dịch của họ.
Tổng thống Trump nhiều lần gọi COVID-19 là ‘virus Trung Quốc’ khiến Bắc Kinh phẫn nộ. Ông cũng cấm cửa những ai tới từ châu Âu để ngăn ngừa dịch bệnh, khiến EU bức xúc.
Tuần này, Chủ tịch Trung Quốc mô tả việc Bắc Kinh triển khai hàng loạt viện trợ y tế sang châu Âu là nỗ lực ‘Con đường Tơ lụa Y tế’, nối dài sáng kiến Vành đai Con đường về cơ sở hạ tầng và thương mại.
Cùng với các hỗ trợ được quảng bá rầm rộ của nhà nước Trung Quốc dành cho Ý, các công ty tư nhân cũng rải viện trợ khắp châu Âu nhân danh Bắc Kinh hầu đánh bóng hình ảnh của Trung Quốc từ Pháp tới Ukraine.
Hôm 18/3, đại sứ Trung Quốc tại Athens giao hơn 50 ngàn khẩu trang cho Bộ Y tế Hy Lạp.
Sứ quán Trung Quốc loan báo viện trợ đang được đưa tới Pháp, Bulgaria và Slovakia cũng nhận được viện trợ, trong khi Chủ tịch Trung Quốc cũng đã hứa với Thủ tướng Tây Ban Nha rằng Bắc Kinh hỗ trợ nước này chống dịch bệnh.
Tập đoàn Alibaba và Quỹ Jack Ma cũng tham gia không vận hàng tiếp tế tới Bỉ và Ukraine.
Các nước khác trong lúc này cũng quay sang Trung Quốc. Cyprus, Luxembourg và ngay cả Na-uy cũng kêu gọi Bắc Kinh ủng hộ hoặc đang cân nhắc tới việc này.
Việc Trung Quốc đề nghị đóng góp cho EU nói chung và cho từng nước thành viên trong khối ‘hết sức được cảm kích’, một phát ngôn nhân EU được Straits Times dẫn lời.
Tuy nhiên, EU xem sự hỗ trợ này mang tính cách đối ứng vì khi Trung Quốc cần giúp EU đã nỗ lực hết lòng hỗ trợ.
Chủ tịch Ủy ban Châu Âu, Ursula von der Leyen, lưu ý rằng EU đã quyên tặng 50 tấn thiết bị cho Trung Quốc hồi tháng Giêng khi bà lên Twitter đăng tin Trung Quốc loan báo sẽ cấp 2 triệu khẩu trang phẫu thuật, 200 ngàn khẩu trang N95 và 50 ngàn bộ xét nghiệm sang châu Âu.
Bà Lucrezia Poggetti, nhà phân tích tại Viện Mercator ở Đức chuyên nghiên cứu về Trung Quốc, cho rằng lúc này hãy còn quá sớm để biết rằng việc Trung Quốc vươn tới châu Âu có mang lại tác động lâu dài hay không.
Nhà nước độc đảng Trung Quốc và hồ sơ nhân quyền của Bắc Kinh thường bị đánh giá tiêu cực tại châu Âu, nhưng hành động của Trung Quốc trong cuộc khủng hoảng hiện nay có thể giúp Bắc Kinh chinh phục được một chút.
https://www.voatiengviet.com/a/d%E1%BB%8Bch-corona-trung-qu%E1%BB%91c-ti%E1%BA%BFp-c%E1%BB%A9u-eu-c%C3%A3i-v%E1%BA%A3-v%E1%BB%9Bi-m%E1%BB%B9/5336561.html
Myanmar có chung biên giới với Trung Quốc
nhưng ‘miễn nhiễm’ với virus Vũ Hán?
Triệu HằngĐường biên giới Myanmar – Trung Quốc trải dài hơn 1.400 dặm, nhưng các ca nhiễm virus Vũ Hán chỉ được báo cáo ở phía một bên.
Trung Quốc đã thống kê hơn 80.800 người mắc virus corona, nhưng theo bà Aung San Suu Kyi, lãnh đạo dân sự của Myanmar, nước này vẫn chưa thấy có ai nhiễm virus.
“Cho đến nay, nước ta không có ai nhiễm COVID-19”, bà Aung San Suu Kyi phát biểu trên truyền hình hôm thứ Hai (16/3).
Trong khi đó, về phía Tây của đất nước, Ấn Độ xác nhận 114 ca nhiễm virus corona, còn ở Bangladesh ghi nhận 5 trường hợp. Quốc gia láng giềng phía Nam, Thái Lan, đã báo cáo 114 trường hợp.
Để giải thích cho sự lạ thường này, một phát ngôn viên của chính phủ Myanmar đã tuyên bố rằng, do “lối sống và chế độ ăn uống” của người dân đã bảo vệ họ khỏi căn bệnh – đặt ra những lo ngại đất nước này đang hạ thấp tác động của căn bệnh do virus Vũ Hán gây ra.
The Guardian ngày 17/3 trích dẫn một phát ngôn viên của chính phủ Myanmar, Zaw Htay, cho biết, việc sử dụng tiền mặt thay vì thẻ tín dụng đã giúp hạn chế sự lây lan của căn bệnh.
Nhưng không có bằng chứng cho thấy chế độ ăn kiêng hoặc tiền giấy có thể ngăn chặn sự lây lan của virus corona.
Aung Aung, một bác sĩ phẫu thuật tại bệnh viện đa khoa ở Myanmar, cho biết với tờ Thời báo New York: “Tôi không nghĩ rằng Myanmar có các kỹ thuật hiện đại để biết liệu virus có ở đây hay không”.
Dù tuyên bố không có ca nhiễm nào, nhưng chính phủ đã cấm các lễ hội và sự kiện giải trí vào tháng Tư, bao gồm ngày Tết té nước Thingyan, lễ lớn nhất hằng năm ở nước này.
Chính phủ cũng bắt đầu khởi động chiến dịch gây quỹ từ công chúng để hỗ trợ chính phủ đối phó với căn bệnh.
https://www.dkn.tv/the-gioi/myanmar-co-chung-bien-gioi-voi-trung-quoc-nhung-mien-nhiem-voi-virus-vu-han.html
0 comments