Tin Việt Nam – 13/03/2020
Friday, March 13, 2020
7:14:00 PM
//
- Slider
,
- Tin Việt Nam
Bệnh nhân nhiễm coronavirus số 17 ở Việt Nam
dùng 2 sổ thông hành để lách kiểm dịch
Tin Vietnam.- Báo Vietnamnet ngày 12 tháng 3 năm 2020 loan tin, thượng tá Nguyễn Thị Bình Phương, Trưởng công an cửa qua phi trường Nội Bài, Hà Nội cho biết, nữ bệnh nhân Nguyễn Hồng Nhung, 28 tuổi, là ca nhiễm dịch coronavirus thứ 17 ở Việt Nam đã dùng 2 sổ thông hành trong chuyến đi du lịch của mình.Theo đó, Nhung đã có quốc tịch của Vương Quốc Anh, nên vừa có sổ thông hành là công dân Việt Nam, và có thêm sổ thông hành khác là công dân của Anh Quốc. Bà Phương giải thích, vào ngày 2 tháng 3, Nhung nhập cảng trở lại Việt Nam sau chuyến du lịch ở châu Âu, lúc này, các nhân viên an ninh ở phi trường kiểm tra sổ thông hành do nhà cầm quyền Việt Nam cấp cho Nhung thì không phát hiện ra Nhung có đến Ý.
Nhung đã sử dụng sổ thông hành Việt Nam để đi từ Hà Nội sang Anh, và ngược lại. Vì vậy, bà Phương phán đoán, khi đi từ Anh sang Ý, Nhung đã sử dụng sổ thông hành do phía Anh Quốc cấp để được tự do đi lại trong các nước thuộc khối Schengen, mà không cần có sổ chiếu khán, và các nước đi, đến không đóng dấu kiểm chứng xuất nhập cảng trên sổ thông hành của khách.
Trong một diễn biến khác, cùng chung chuyến bay ở hạng thương gia với Nhung là giáo sư Nguyễn Quang Thuấn, thành viên tổ tư vấn kinh tế của Chính phủ Cộng sản Việt Nam cũng đã dương tính với coronavirus 19. Sau khi bị nhiễm dịch bệnh, việc đảng viên này có vợ bé và con riêng đã bị bại lộ.
Vợ con của ông Thuấn cũng đã bị đưa đi cách ly, sau khi nhà chức trách điều tra ra chuyện ông Thuấn xuống phi trường thì đến thẳng nhà vợ bé chứ không về nhà vợ chính.
An Nhiên
https://www.sbtn.tv/benh-nhan-nhiem-coronavirus-so-17-o-viet-nam-dung-2-so-thong-hanh-de-lach-kiem-dich/
VN xác nhận ca Covid-19 thứ 47,
Thủ tướng kêu gọi dân làm ‘pháo đài’ chống dịch
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc kêu gọi mỗi người dân phải là “pháo đài” phòng chống dịch bệnh giữa bối cảnh số ca nhiễm virus corona được xác nhận tại Việt Nam gia tăng nhanh chóng trong một tuần qua, lên đến 47 người tính đến tối 13/3.Trong số 3 ca nhiễm mới được Bộ Y tế Việt Nam xác nhận vào ngày 13/3, có 2 ca ở Hà Nội (1 người là tiếp viên hàng không trên chuyến bay từ Anh về Việt Nam, 1 người là giúp việc của bệnh nhân thứ 17) và 1 ca ở TPHCM (là nam thanh niên có tiếp xúc với bệnh nhân số 34 tại Bình Thuận).
“Pháo đài”
Tại cuộc họp ngày 13/3, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc lặp lại tuyên bố trước đó của Phó thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng ban chỉ đạo quốc gia về phòng chống dịch Covid-19, nói rằng Việt Nam đã bước vào “giai đoạn 2” của việc phòng chống dịch, sau khi giai đoạn 1 được các lãnh đạo đánh giá là “giành chiến thắng”, với toàn bộ 16 ca nhiễm bệnh đều được chữa trị thành công và xuất viện.
“Mỗi doanh nghiệp, mỗi người dân, mỗi khu dân cư phải là pháo đài phòng chống dịch”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói, đồng thời cảnh báo thêm rằng nếu chậm trễ, “dịch bệnh sẽ hạ knock-out chúng ta”.
Lời kêu gọi của ông Nguyễn Xuân Phúc được đưa ra khi Việt Nam chỉ trong vòng một tuần qua đã công bố thêm 31 ca nhiễm bệnh, tăng gần gấp đôi so với 16 ca bệnh được xác nhận trước đó kể từ đầu dịch.
Ca bệnh thứ 17 được xác nhận khi Việt Nam đã bước sang ngày thứ 22 không có ca nhiễm mới và chuẩn bị để công bố “hết dịch”.
Nhận định về nỗ lực của chính phủ Việt Nam trong việc phòng chống dịch Covid-19, blogger Nguyễn Chí Tuyến ở Hà Nội cho rằng giới hữu trách đã “làm hết khả năng” của mình, duy chỉ có một điều là thông tin trong giai đoạn trước khi công bố ca nhiễm thứ 17, theo ông, là “không rõ ràng, minh bạch”.
Ông Nguyễn Chí Tuyến giải thích thêm với VOA:
“Cứ đứng mãi ở con số 16. Nhiều người dân nói rằng tình hình dịch bệnh không thể nào cứ đứng mãi thế được. Nhiều người nói thẳng là có những người có thể có rất nhiều khả năng [mắc bệnh], ví dụ có những người đột tử, thậm chí là đột tử giữa đường. Nôm na người ta nói rằng chính phủ vẫn chưa công khai minh bạch, rõ ràng tất cả, đầy đủ cho dân cùng biết”.
Thu phí điều trị với người nước ngoài
Cũng trong cuộc họp ngày 13/3, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tuyên bố sẽ thu phí điều trị Covid-19 đối với người nước ngoài, sau khi có một số ý kiến trên mạng vào tuần trước tỏ ý lo ngại rằng Việt Nam có thể trở thành “bệnh viện miễn phí” cho dân của những nước giàu nếu như vẫn tiếp tục áp dụng chính sách chữa trị miễn phí cho tất cả những người bị nhiễm dịch bệnh Covid-19.
“Việt Nam không khéo sẽ trở thành vùng trũng của những người ngoại quốc đến trốn bệnh và chữa bệnh không mất tiền”, nhà báo Nguyễn Công Khế viết trên trang Facebook cá nhân.
Đề cập đến chính sách này, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc hôm 13/3 khẳng định người nước ngoài nếu mắc bệnh thì phải trả phí điều trị, nhưng không phải trả chi phí cách ly và xét nghiệm. Trong khi đó, người dân Việt Nam vẫn được hưởng chính sách miễn phí điều trị Covid-19.
“Tôi hoàn toàn đồng ý như thế”, blogger Nguyễn Chí Tuyến nói. “Ngay cả các nước như Mỹ, châu Âu… thì không phải nước nào cũng miễn phí hết cho công dân và người nước ngoài. Trong khi đó, Việt Nam đâu phải là nước giàu có gì, cho nên trong thời gian tới, nhiều khả năng sẽ có rất nhiều bệnh nhân, trong đó có người nước ngoài, nên một số dịch vụ sẽ phải tính tiền”.
Tính cho đến ngày 13/3, Việt Nam hiện đang theo dõi, cách ly gần 29.000 người, trong đó có 440 người cách ly tại bệnh viện, hơn 11.500 người cách ly tập trung tại các cơ sở và gần 17.000 người cách ly tại nhà và nơi lưu trú.
https://www.voatiengviet.com/a/vn-x%C3%A1c-nh%E1%BA%ADn-ca-covid-19-th%E1%BB%A9-47-th%E1%BB%A7-t%C6%B0%E1%BB%9Bng-k%C3%AAu-g%E1%BB%8Di-d%C3%A2n-l%C3%A0m-ph%C3%A1o-%C4%91%C3%A0i-ch%E1%BB%91ng-d%E1%BB%8Bch/5327670.html
Việt Nam công bố thêm
3 ca nhiễm COVID – 19 trong một ngày
Bộ Y tế Việt Nam trong ngày 13/3 đã công bố thêm 3 ca nhiễm COVID – 19 mới nâng tổng số người nhiễm virus corona mới ở Việt Nam lên 47 ca.Tin từ trong nước cho biết Hà Nội có thêm 2 trường hợp nhiễm mới. Cụ thể, bệnh nhân thứ 46 là nữ 30 tuổi ở Khương Trung. Bệnh nhân này là nữ tiếp viên Vietnam Airlines. Cô này phát bệnh sau chuyến bay VN0054 từ Luân Đôn về Nội Bài ngày 9-3-2020.
Đến ngày 11 tháng 3, nữ tiếp viên này mới được cách ly tại Bệnh Viện Nhiệt Đới Trung ương 2. Sang ngày 12 tháng 3 kết quả xét nghiệm dương tính với virus COVID-19.
Bệnh nhân số 47 là nữ, 43 tuổi, ngụ ở Trúc Bạch, Ba Đình, Hà Nội. Bệnh nhân là giúp việc trong tòa nhà của bệnh nhân số 17, có tiếp xúc gần.
Bệnh nhân số 45 là người ở thành phố Hồ Chí Minh có tiếp xúc gần với nữ bệnh nhân số 34 ở tỉnh Bình Thuận.
Ca bệnh COVID-19 thứ 34 tại Việt Nam là một phụ nữ người Việt, 51 tuổi, đi du lịch từ Mỹ về và có quá cảnh tại 2 sân bay Incheon (Hàn Quốc) và Quatar. Người này sau khi bay từ Mỹ về VN vào ngày 29/2 có quá cảnh tại Quatar và nhập cảnh vào VN tại sân bay Tân Sơn Nhất vào ngày 2/3. Đến ngày 9/3 người này mới nhập viện tại Bệnh viện Đa Khoa tỉnh Bình Thuận và kết quả xét nghiệm dương tính với COVID – 19.
Lực lượng chức năng thành phố Hà Nội vào ngày 13 tháng 3 đến dựng rào chắn cách nhà bệnh nhân thứ 46 chừng 20 mét tại ngõ Khương Trung, phường Khương Đình. Chủ tịch phường Khương Đình thông báo toàn bộ khu vực nhà của nữ tiếp viên nhiễm bệnh được phun khử khuẩn. Chồng cô được cách ly tại Bệnh Viện Hà Đông. Mẹ và con của ca nhiễm 46 vừa nêu tự cách ly ở nhà.
Tại khu vực nam trung bộ, tỉnh Bình Thuận vừa có tờ trình gửi Bộ Y tế Việt Nam đề nghị cho công bố dịch tại tỉnh này. Lý do vì tính đến nay tại Bình Thuận đã có 9 ca dương tính với SARS-CoV-2 và hằng chục người có tiếp xúc gần những ca đó đang phải cách ly.
Ban Chỉ đạo Phòng Chống Dịch COVID-19 tỉnh Bình Thuận cho biết đã có phương án chuẩn bị thêm 2 khu cách ly nếu khu cách ly hiện đặt tại Trung đoàn Bộ Binh 812 trở nên quá tải.
Tại Hà Nội trong ngày 13 tháng 3, Thường trực Chính phủ tiến hành cuộc họp ứng phó dịch COVID-19 dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc.
Theo ông Phúc từ khi Việt Nam có trường hợp nhiễm thứ 17, giai đoạn 2 chống dịch của Việt Nam bắt đầu. Người đứng đầu chính phủ Việt Nam thừa nhận trong thời gian tới có thể số người nhiểm COVID-19 tại Việt Nam sẽ tăng lên.
Ông Nguyễn Xuân Phúc hứa sẽ hy sinh lợi ích kinh tế trong ngắn hạn để bảo vệ tốt nhất sức khỏe người dân.
https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/vietnam-reports-47-cases-of-covid-19-03132020090041.html
Học sinh tại 46 tỉnh, thành
tiếp tục nghỉ học tránh dịch COVID-19
46 tỉnh, thành tại Việt Nam đã thông báo cho học sinh các cấp tiếp tục nghỉ học đến hết tháng 3 hoặc đến khi có thông báo mới khi Việt Nam ghi nhận 47 ca nhiễm COVID-19 tính đến ngày 13/3. Truyền thông trong nước loan tin này vào cùng ngày.Riêng tại TPHCM ngày 13/3, UBND thành phố có thông báo cho học sinh, học viên các cơ sở giáo dục nghỉ học đến hết ngày 5/4. Tỉnh Đồng Nai hôm 12/3 đã có quyết định cho học sinh khối mầm non, tiểu học và trung học cơ sở nghỉ học đến hết ngày 4/4.
Bộ giáo dục đào tạo trong cùng ngày cũng đã có quyết định lùi thời gian kết thúc năm học và thi trung học phổ thông (THPT) quốc gia năm 2020.
Theo đó, thời gian kết thúc năm học sẽ là 15/7/2020 và kỳ thi THPT quốc gia sẽ diễn ra vào các ngày 8 ,9, 10, 11/8/2020.
Đây là lần thứ 2 Bộ GD-ĐT điều chỉnh khung thời gian năm học 2019-2020.
Trước đó, thời điểm kết thúc năm học được quyết định vào trước 30/06/2020 và thi THPT quốc gia vào ngày 23, 24, 25, 26 tháng 7 năm 2020.
https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/no-schooling-for-pupils-in-46-provinces-cities-03132020083248.html
TP.HCM: 99% khách du lịch
huỷ tour đi miền Trung, miền Bắc
Báo cáo từ các doanh nghiệp lữ hành gửi sở Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh cho biết hầu hết lượng khách liên hệ với các doanh nghiệp này trong tuần qua là để huỷ những chương trình du lịch đã đặt trước. Trong đó, những tour đi miền Trung và miền Bắc bị huỷ đến 99%.Theo nhận định được truyền thông trong nước loan đi dịch COVID-19 là nguyên nhân khiến khách du lịch huỷ tour đồng loạt. Hậu quả doanh thu của các doanh nghiệp lữ hành bị ảnh hưởng nặng nề và giảm mạnh so với cùng kỳ năm ngoái.
Cụ thể, lượng khách du lịch Nhật Bản giảm 76%, khách Đức giảm 54% so với tuần trước. Doanh thu từ các cơ sở lưu trú giảm hơn 58%, kinh doanh hội nghị giảm 60,8%, kinh doanh nhà hàng, tiệc và loại hình khác giảm 60,1%.
Theo thống kê của Sở Du lịch TP.HCM, lượng khách quốc tế trong tháng 2/2020 đạt 1,1 triệu lượt, giảm 52% so với cùng kỳ. Doanh thu toàn ngành du lịch thành phố trong tháng 2 đạt 8100 tỷ đồng, giảm gần 30% so với cùng kỳ, giảm 37% so với tháng 1/2020.
Để tránh dịch bệnh lây lan mạnh, nhiều địa điểm du lịch của Việt Nam trong các ngày qua đã ra thông báo tạm đóng cửa, ngừng đón du khách. Tỉnh Ninh Bình vào ngày 12/3 đã có văn bản chính thức tạm ngừng đón khách tham quan. Thời gian mở cửa chưa thông báo, sẽ tuỳ theo diễn biến của dịch và khi điều kiện cơ sở được đảm bảo.
Trước đó, vào ngày 11/3, tỉnh Quảng Ninh cũng quyết định tạm dừng hoạt động du lịch trên địa bàn. Cụ thể, dừng dịch vụ nghỉ đêm trên vịnh Hạ Long, tạm dừng đón khách tham quan vịnh Hạ Long, vịnh Bái Tử Long, đảo Cô Tô, Vân Đồn, khu di tích lịch sử và danh thắng Yên Tử và các di tích, danh lam thắng cảnh, điểm du lịch khác trên địa bàn tỉnh. Thời gian là từ ngày 12/3 đến hết ngày 26/3.
Tại khu vực miền nam, Uỷ Ban Nhân Dân tỉnh Tiền Giang cũng đã thông báo ngừng đón khách du lịch quốc tế từ ngày 12/3.Nhiều khu du lịch tại tỉnh Tiền Giang và Bến Tre cũng thông báo đóng cửa vì lượng khách đến tham quan giảm mạnh đến 70-80%.
https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/hcmc-99-percent-international-tourists-canceled-tours-03132020084148.html
Dịch COVID – 19: Việt Nam từ chối du thuyền
có nhiều người Ý vào cảng
Chính quyền thành phố Hồ Chí Minh hôm 13/3 đã từ chối không cho du thuyền Silver Spirit với 826 người vào cảng vì lo ngại sự lây lan của dịch bệnh COVID – 19.Truyền thông trong nước vào cùng ngày cho biết, UBND thành phố vừa có văn bản khẩn, chấp thuận đề nghị của Sở Y tế không cho phép tàu khách Silver Spirit, quốc tịch Bahamas nhập cảnh vào thành phố.
Theo Sở Y tế thành phố Hồ Chí Minh, tàu khách này dự kiến nhập cảnh vào thành phố vào ngày 13/3. Trên tàu có 826 người bao gồm 403 thuyền viên và 423 hành khách trong đó có nhiều người Ý trong thuỷ thủ đoàn. Dự kiến, sau khi ghé cảng, hành khách sẽ tham quan thành phố và các địa điểm du lịch khác.
Sở Y tế lo ngại việc cho tàu vào cảng và để hành khách vào thành phố sẽ khiến dịch bệnh lây lan trong cộng đồng vào khi diễn biến bệnh dịch trên thế giới phức tạp, nhất là Ý lại là nước hiện có hơn chục nghìn ca nhiễm COVID – 19 và khoảng 1000 người tử vong vì bệnh dịch.
Việt Nam cũng đã từng từ chối một du thuyền nước ngoài khác vào Quảng Ninh hồi tháng 2 vừa qua.
https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/vietnam-refuse-foreign-ship-to-call-at-port-03132020080506.html
Kỹ sư của Samsung Display
không phải cách ly bắt buộc ở Việt Nam
Khoảng 700 kỹ sư làm việc cho Samsung Display khi đến Việt Nam sẽ không phải chịu cách ly theo quy định 14 ngày của Việt Nam. Truyền thông Hàn Quốc trích thông báo từ Đại sứ quán Hàn Quốc tại Việt Nam cho biết như vậy hôm 13/3.Theo quy định của Chính phủ Việt Nam, tất cả người đến từ Hàn Quốc, một trong những ổ dịch COVID – 19 lớn nhất thế giới, sẽ phải chịu cách ly 14 ngày.
186 kỹ sư đầu tiên của Samsung Display đã rời Hàn Quốc và đến sân bay Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh trong tối ngày 13/3. Sau đó họ sẽ được đưa ngay lập tức đến nhà máy của Samsung Display ở Bắc Ninh. Những kỹ sư này sẽ được làm việc tại văn phòng riêng để giảm thiểu những tiếp xúc với các công nhân.
Số kỹ sư còn lại sẽ đến Việt Nam trong những tuần tiếp tới nhưng hiện chưa có thông tin họ sẽ đến cụ thể vào ngày nào.
Phát ngôn viên của Samsung Display xác định thông tin về việc miễn cách ly này với báo giới Hàn Quốc nhưng từ chối không cung cấp thêm thông tin chi tiết.
Quyết định này của Việt Nam được đưa ra sau khi Đại sứ quán Hàn Quốc yêu cầu Việt Nam miễn áp dụng các biện pháp cách ly với các kỹ sư Hàn Quốc nếu họ có thể cung cấp các báo cáo kiểm tra sức khoẻ chứng minh họ không nhiễm virus gây dịch bệnh COVID – 19.
Hãng tin Yonhap của Hàn Quốc cho biết hiện phía Đại sứ quán Hàn Quốc vẫn đang làm việc với phía Việt Nam để xin miễn cách ly với các kỹ sư làm việc cho các công ty Hàn Quốc khác có nhà máy ở Việt Nam.
Ông Park Noh-wan, Đại sứ Hàn Quốc tại Việt Nam được Yonhap trích lời nói rằng: “Đây có thể là điểm khởi đầu cho việc các công ty Hàn Quốc tại Việt Nam được miễn cách ly cho các kỹ sư của họ. Hiện chúng tôi cũng đang bàn thảo về việc miễn cách ly cho các kỹ sư của LG Display”.
Hiện Samsung là nhà đầu tư lớn nhất tại Việt Nam. Xuất khẩu của Samsung từ Việt Nam chiếm tới 1/4 xuất khẩu của Việt Nam.
Hồi đầu tháng này, Samsung đã bắt đầu khởi công xây dựng một cơ sở nghiên cứu tại Hà Nội trị giá đến 220 triệu đô la.
https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/samsung-display-worker-exempted-from-vn-mandatory-quarantine-03132020075322.html
3,000 gia đình kinh doanh ở Hà Nội giải thể
vì dịch coronavirus 19
Tin Vietnam.- Đài VOV của nhà nước cộng sản Việt Nam ngày 12 tháng 3 năm 2020 loan tin, cơ quan thuế Hà Nội cho biết, tính riêng trong tháng 2 của năm 2020, Hà Nội có hơn 1,089 gia đình kinh doanh, buôn bán tuyên bố giải thể, và 2,351 gia đình tạm ngưng kinh doanh do ảnh hưởng của coronavirus 19.Phía cơ quan Thuế cho biết thêm, trong tháng 2 năm 2020, Hà Nội chỉ có 4,281 gia đình kinh doanh có hóa đơn, giảm 57.4% so với cùng thời kỳ của năm ngoái. Dẫn đến doanh thu bị giảm 53.1%, và giảm 50.7% số thuế phải nộp so với cùng thời kỳ của năm ngoái.
Theo cơ quan thuế, tổng doanh thu bán hàng hoá, dịch vụ của các công ty, tổ chức kinh tế lớn trên địa bàn thành phố đã giảm 6% so với cùng thời kỳ, và số thuế giá trị gia tăng phát sinh đã giảm 10.5%. Các loại hình kinh doanh giảm chủ yếu là trong các lĩnh vực như khách sạn, nhà nghỉ, ăn uống, hoặc các mặt hàng kinh doanh có liên quan đến thị trường Trung Cộng, hoặc hàng hoá được sản xuất tại Trung Cộng được nhập về Việt Nam.
An Nhiên
https://www.sbtn.tv/3000-gia-dinh-kinh-doanh-o-ha-noi-giai-the-vi-dich-coronavirus-19/
Các hãng hàng không Việt Nam cắt giảm lương,
khuyến khích nghỉ không lương do dịch corona
Tin từ Hà Nội, Việt Nam – Vào hôm thứ Tư (12/3), ba nguồn tin thân cận với tình hình cho biết, các hãng hàng không Việt Nam buộc phải cắt giảm lương cho các vị trí cao cấp và khuyến khích nhân viên của họ nghỉ phép không lương, trong bối cảnh các hãng này đang găp khó khăn do ảnh hưởng của dịch coronavirus đối với nhu cầu đi lại.Các hãng hàng không gần đây đã đình chỉ tất cả các chuyến bay đến Trung Cộng và Nam Hàn, mặc dù khách du lịch đến từ Trung Cộng và Nam Hàn chiếm hơn một nửa trong số 18 triệu du khách ngoại quốc đến Việt Nam vào năm ngoái, đồng thời các hãng còn giảm bớt các chuyến bay đến các điểm đến quốc tế khác sau khi xảy ra dịch bệnh làm chết hơn 4,200 người trên toàn thế giới.
Nguồn tin thứ hai cho biết mức lương cho các vị trí cao cấp tại Vietnam Airlines đã bị cắt giảm ít nhất 20%. Trong khi đó, hai nhân viên của hãng hàng không giá rẻ Vietjet Aviation cho hay, hãng này yêu cầu các tiếp viên của họ có ít nhất một tuần nghỉ không lương mỗi tháng. Cổ phiếu của Vietnam Airlines giảm 33% từ đầu năm đến nay, còn Vietjet Aviation giảm 27%.
Vào cuối tháng trước, ông Dương Trí Thành, giám đốc điều hành của Vietnam Airlines, nói với truyền thông địa phương rằng 40% trong số 100 máy bay của công ty không có khách do dịch bệnh, ảnh hưởng trực tiếp đến 20,000 nhân viên của hãng.
Cơ quan Hàng không Dân dụng Việt Nam cho biết các hãng hàng không địa phương sẽ mất tới 25 ngàn tỷ đồng (hơn 1 tỷ mỹ kim) doanh thu trong tam cá nguyệt đầu năm nay. (BBT)
https://www.sbtn.tv/cac-hang-hang-khong-viet-nam-cat-giam-luong-khuyen-khich-nghi-khong-luong-do-dich-corona/
Virus corona: Tuổi, sức khỏe
và Đại hội 13 của Đảng Cộng sản Việt Nam?
Đại dịch Covid-19 là một biến cố đang có nhiều tác động đến ‘sức khỏe’ nền chính trị của đảng Cộng sản Việt Nam vào lúc đảng cầm quyền này còn khoảng 10 tháng chuẩn bị cho Đại hội toàn quốc lần thứ 13, một số nhà quan sát thời sự và phân tích chính trị Việt Nam nói với BBC News Tiếng Việt.Hôm 12/03/2020, từ Sài Gòn, Luật sư Trần Quốc Thuận, nguyên Phó Chủ nhiệm thường trực Văn phòng Quốc hội Việt Nam, từ Sài Gòn đưa ra bình luận với Bàn Tròn Thứ Năm:
“Tôi theo dõi tình hình ở thành phố và ở phía Nam, chuẩn bị cho Đại hội 13 bắt đầu từ đại hội cơ sở, thì các cơ sở, các phường, xã này nọ đang tiến hành đại hội cũng nhưu bình thường, nhưng trong đại hội đó đến bây giờ vẫn chưa thấy báo cáo chính trị của Trung ương, đó là báo cáo lõi, báo cáo trung tâm, vẫn chưa thấy gửi tới xuống cơ sở.
Vẫn chưa thấy báo cáo chính trị của Trung ương, đó là báo cáo lõi, báo cáo trung tâm, vẫn chưa thấy gửi tới xuống cơ sởLuật sư Trần Quốc Thuận
Bàn tròn BBC: Covid-19 cập nhật tình hình ở VN và việc chuẩn bị ĐH Đảng 13
Virus corona: Anh sắp vào giai đoạn 2 chống Covid-19
Virus corona và viễn cảnh kinh tế Việt Nam
“Còn tổ chức ở cơ sở diễn ra bình thường và theo lịch thì vẫn là cấp quận, cấp thành phố, nhưng nếu lên cấp thành phố, thì nó sẽ có ngàn đại biểu, thì lúc đó nếu còn dịch Covid-19 thì không biết sẽ có hoãn, lùi hay không. Đến bây giờ, Đại hội lần thứ 13 này sẽ diễn ra vào tháng Giêng năm 2021, khoảng đó, đầu quý một, nếu không có gì thay đổi,
“Nhưng có những vấn đề nổi bật, nổi trội lên thì đại hội này ngoài những vấn đề thông thường như báo cáo chính trị, báo cáo kinh tế – xã hội, báo cáo công tác xây d đảng, thì kỳ này nổi trội lên những vấn đề lớn như là vấn đề quyền sở hữu đất đai, mà đó cũng là điểm nóng, mấu chốt mà xảy ra những chuyện rất đau lòng như là vụ Đồng Tâm và nhiều địa phương khác như ở Vĩnh Long, rồi tỉnh này, tỉnh kia, rất nhiều.
“Tiếp theo nữa, vấn đề đòi hỏi cũng khao khát là vấn đề phải thực hiện dân chủ ở Việt Nam như thế nào, nhất là dân chủ ở trong đảng.
“Bây giờ kỳ đại hội này vẫn triển khai cái diện bầu cử ở trong đảng theo quyết định 214, do cấp trên dự kiến cấp dưới và đại hội hạn chế quyền ứng cử, bầu cử, mặc dù quyền ứng cử, bầu cử đã quy định trong điều lệ đảng và điều lệ đảng không có gì thay đổi.
“Còn vấn đề tuổi, thì nó trở lại vấn đề, hiện tại, gần đây đang trở lại vấn đề tuổi, nếu theo quy định hiện hành, những người đang làm Bộ Chính trị mà quá 65 tuổi, thì không được tái cử, mà dưới 65 thì được tái cử Bộ Chính trị đương nhiệm.
“Còn nếu 65 thì là trưởng hợp đặc biệt như vừa qua lấy ví dụ như là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng là trường hợp đặc biệt, không những trên 65 mà trên 70 cũng là trường hợp đặc biệt. Còn bây giờ như vậy thì ai đi, ai ở, thì đó cũng là một vấn đề lớn trong tình hình bây giờ,
‘Manh nha’ về nhân sự và đường lối?
Dịch COVID-19 cho thấy điểm yếu của TQ và VN cần làm gì?
Covid-19: Mạng xã hội Việt Nam, những ngày nóng dịch
Virus corona: Bệnh nhân 21 gây ra bình luận bức xúc ở VN
Vang tiếng Thủ Thiêm, Đồng Tâm trong phim ‘VN: Tiếng gào thét từ bên trong’
Từ Hà Nội cùng ngày, Tiến sỹ Hà Hoàng Hợp, nhà phân tích chính trị đang là nghiên cứu viên cao cấp khách mời thuộc Viện Nghiên cứu Đông Nam Á (Iseas – Singapore) đưa ra bình luận với BBC ngay trước Bàn tròn về hai khía cạnh là quy hoạch nhân sự và chủ trương, đường lối, ông nói:
“Manh nha thì từ năm ngoái người ta cũng nói là quy hoạch người này, người kia vào chỗ này, chỗ kia, thì đến nay vẫn thế thôi, không có gì thay đổi cả, thực tế mà nói phải lúc vào đại hội mới biết được.
“Nhưng mà theo quy hoạch, tiếng đồn, thì ai cũng biết rồi, ví dụ ông Nguyễn Xuân Phúc và bà Nguyễn Thị Kim Ngân thì đủ tiêu chuẩn để làm ứng cử viên chức Tổng Bí thư.
Nhưng việc này mới chỉ là trên giấy, tức là mới dựa vào quy chế, dựa vào những gì quy định ở trên giấy, còn thực tế chính trị Việt Nam vô cùng phức tạp, nói thì là nói thôi, thế còn phải để đến sát nút thì mới biết đượcTS Hà Hoàng Hợp
“Ông Phạm Minh Chính thì đủ tiêu chuẩn vào (ứng viên chức) chủ tịch Quốc hội, rồi hình như là ông Vương Đình Huệ đủ tiêu chuẩn để cử vào ứng cử chức gọi là chức Thủ tướng.
“Nhưng việc này mới chỉ là trên giấy, tức là mới dựa vào quy chế, dựa vào những gì quy định ở trên giấy, còn thực tế chính trị Việt Nam vô cùng phức tạp, nói thì là nói thôi, thế còn phải để đến sát nút thì mới biết được.”
Về đường lối, chủ trương có thể diễn ra tại Đại hội 13, nhà phân tích Hà Hoàng Hợp đưa ra bình luận:
“Đã có những manh nha từ Đại hội 9 là tái cơ cấu khối doanh nghiệp nhà nước thông qua cổ phần hóa và thông qua việc phát triển, cũng như là mở rộng các hình thức về sở hữu, phát triển khối doanh nghiệp tư nhân và doanh nghiệp không phải của nhà nước.
“Thế thì đại hội 11, 12, hướng ấy là vẫn có, thế nhưng có một số người bảo lưu theo hướng coi doanh nghiệp nhà nước là chủ đạo, thế thì tôi hy vọng rằng đại hội 13 sẽ có một sự cải biến nào đó để cho khối doanh nghiệp nhà nước nhỏ đi, nhưng nó có đóng góp tốt hơn, làm ăn có lãi hơn.
“Và đồng thời, khối doanh nghiệp ngoài nhà nước, tức là không phải nhà nước được phát triển tốt đẹp nhất. Đây là một hướng có thể nhìn thấy tương đối rõ, còn khó có thể hy vọng rằng là có bất kỳ một thay đổi về thể chế chính trị nào cả.”
Ý thức hệ ’bảo thủ’ tiếp tục thắng thế?
Đưa ra bình luận Bàn Tròn Thứ Năm từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư trong bối cảnh Việt Nam đang đối đầu với dịch Covid-19 với nhiều quan tâm và câu hỏi được đặt ra trong dư luận xã hội và cộng đồng gần đây, nhà phân tích chính sách công, PGS. TS. Phạm Quý Thọ nói:
“Thứ nhất phải xác minh xem các cán bộ trong quy hoạch của chúng ta (Việt Nam) vừa rồi được phản ánh trên các dư luận như thế nào và cần phải xác minh, kể cả đặt lại các chuyến đi như thế nào cho nó tiết kiệm, cho nó đạo đức và cho nó có lương tâm.
“Thứ hai về dịch này, không được chủ quan, không hoảng sợ, nhưng không chủ quan, bởi vì theo kinh nghiệm thì không thể theo Trung Quốc được, mà bây giờ nhìn Ý, chúng ta thấy tỷ lệ chết rất là cao so với số ca lây nhiễm rồi, chứ không phải là 2% hay là 2,3% nữa, mà Việt Nam cần phải tiếp tục kiểm soát rất chặt chẽ về mặt dịch tễ và những chữa chạy.
Và một hướng theo tôi nghĩ là theo thị trường tương đối tích cực là chúng ta phải tư nhân hóa mạnh mẽ hơn nữaPGS. TS. Phạm Quý Thọ
“Thứ ba về mặt đường hướng và chính trị, tôi nghĩ rằng vẫn chia thành hai hướng, một là vẫn ý thức hệ bảo thủ vẫn có thể thắng thế ở trong đại hội tới thì nó sẽ làm chậm quá trình cải cách.
“Và một hướng theo tôi nghĩ là theo thị trường tương đối tích cực là chúng ta phải tư nhân hóa mạnh mẽ hơn nữa, theo tôi nghĩ là thế, phải thành lập, phải viết lại, trong đại hội phải nhấn mạnh thêm khía cạnh đó, để chúng ta (Việt Nam), như là Luật sư Trần Quốc Thuận đã nói, là về những nền tảng của kinh tế thị trường, trong đó đặc biệt là vấn đề sở hữu, mà trong sở hữu nói chung là vấn đề đất đai.
“Mà nếu không có, thì trong nhiệm kỳ tới sẽ rất là khó khăn, còn nói chung chung theo kiểu làm việc mà cần phải có nghị quyết, thì theo tôi nghĩ, cách làm việc như thế đã quá lạc hậu rồi, mà bây giờ chúng ta phải căn cứ vào thực tế để viết, còn những gì chưa chín hay là chín rồi, thì đấy chẳng qua là sự chỉ đạo thôi, còn những gì bức xúc trong cuộc sống, cần phải lường trước được.
“Ngoài ra, như tôi thấy, đại hội 13 này chuẩn bị rất nhiều chiến lược và những tầm nhìn, thì tôi nghĩ rằng đây cũng là một cơ sở để chúng ta xem xét lại các chiến lược lần trước để chúng ta lường trước tương lai của đất nước, của dân tộc.
“Để cho nó phát triển, không tụt hậu nữa và hướng tới thịnh vượng và có thể ngẩng cao đầu đối với thế giới trong không chỉ chống dịch, không chỉ những cái mạnh mẽ về tình huống khẩn cấp, mà phải trong cuộc sống bình thường.
“Sự phát triển bình thường dân chủ và kinh tế đi đôi với nhau, tôi nghĩ đấy mới là cái chính mà cũng phải nhân cơ hội này để chúng ta làm tốt tầm nhìn cho đất nước và cho dân tộc.”
Sẽ xuất hiện ’điểm sáng’ nhân sự qua vụ Covid-19?
Từ nơi đang thăm viếng ở Austin, Texas, Hoa Kỳ, bác sỹ, Tiến sỹ Trần Tuần, chuyên gia phản biện chính sách và tư vấn giám định xã hội tại Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (Vusta), nêu quan điểm:
“Tôi cho rằng lúc này là giai đoạn then chốt, chắc chắn rằng các sự kiện lớn, thí dụ như vụ Đồng Tâm xảy ra hôm 09/01 vừa rồi và dịch Covid-19 này sẽ ảnh hưởng rất đáng kể đối với sự chuẩn bị, định hướng đường lối cũng như nhân sự của đại hội đảng CSVN sắp tới.
“Trong thời gian tới sẽ có các thảo luận và những phân tích đi theo hướng là phải nhìn lại những điểm mà vừa rồi tôi tóm tắt năm cái, trong đó có vấn đề gọi là sự minh bạch hóa và sự giám sát, đánh giá độc lập cho sự vận hành của hệ thống.
Về mặt nhân sự, chắc chắn rằng qua vụ Covid-19 này cũng sẽ hiện ra một vài nhân vật mà có thể là điểm sáng hơn, như thế có thể sự thay đổi trong nhân sự thời gian tới, cũng như chuyện mà các quan chức bộ phận mà đi, chúng ta gọi là chi tiêu công một cách vô lý, một cách lãng phí, thì sẽ phải có nhìn nhậnTiến sỹ, bác sỹ Trần Tuấn
“Và như thế có thể thấy rằng sẽ có những sự thay đổi để cân bằng hơn vấn đề mục tiêu phát triển bền vững, đặc biệt trong vấn đề phòng chống dịch, trong toàn cầu hóa.
“Như thế trong thời gian tới có thể thấy rằng tính kinh tế không còn được ưu tiên cải cách cho kinh tế phát triển, đầu tư nước ngoài sẽ không được ưu tiên như trong những năm trước đây.
“Điểm thứ ba nữa là về mặt nhân sự, chắc chắn rằng qua vụ Covid-19 này cũng sẽ hiện ra một vài nhân vật mà có thể là điểm sáng hơn, như thế có thể sự thay đổi trong nhân sự thời gian tới, cũng như chuyện mà các quan chức bộ phận mà đi, chúng ta gọi là chi tiêu công một cách vô lý, một cách lãng phí, thì sẽ phải có nhìn nhận.
“Bởi vì nếu không thì thực ra đó là một sự đào phá lòng tin của người dân ghê gớm vào lãnh đạo.
“Cho nên nhân sự phải thay đổi qua vụ Covid-19 vừa làm sáng rõ của chúng ta.”
Mời quý vị bấm vào đường dẫn này để theo dõi Bàn Tròn Thứ Năm với phần nội dung thảo luận (từ phút 12’10′‘) liên quan Covid và chính trị Việt Nam và chuẩn bị đại hội 13 của ĐCS.
https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-51858997
Tin tổng hợp 13/3: Bình Thuận thêm 5 ca nhiễm COVID-19,
Gần 3/4 doanh nghiệp có thể phá sản
nếu dịch COVID-19 kéo dài đến 6 tháng
Tâm TuệKính chào quý vị đến với bản tin trong nước tổng hợp ngày 13/3 của Đại Kỷ Nguyên. Bản tin hôm nay sẽ có những nội dung sau:
Bình Thuận thêm 5 ca nhiễm COVID-19
Thông tin trên được Bộ Y tế công bố vào chiều 12/3, theo Zing cập nhật. Theo đó, tính đến sáng nay tổng số người mắc COVID -19 ở Việt Nam là 44 người trong đó có 9 người thuộc tỉnh Bình Thuận.
Trong 5 trường hợp, có 4 trường hợp ở TP. Phan Thiết, Bình Thuận, bao gồm:
Bệnh nhân thứ 40 là bé gái 2 tuổi, tiếp xúc gần với ‘bệnh nhân 34’.
Bệnh nhân thứ 41 là nam, 59 tuổi, tiếp xúc gần với ‘bệnh nhân 34’.
Bệnh nhân thứ 42 là nam, 28 tuổi, tiếp xúc gần với ‘bệnh nhân 34’.
Bệnh nhân thứ 43 là nữ, 47 tuổi, tiếp xúc gần với ‘bệnh nhân 38’ là con dâu của ‘bệnh nhân 34’.
Bệnh nhân thứ 44 là bé trai 13 tuổi, con trai của ‘bệnh nhân 37’, trú tại huyện Hàm Thuận Bắc, Bình Thuận (‘bệnh nhân 37′ là nhân viên, tiếp xúc gần với bệnh nhân 34’).
Đến nay (13/3), tất cả 9 bệnh nhân ở tỉnh Bình Thuận đang được điều trị tại bệnh viện đa khoa của tỉnh này.
Ngân hàng Nhà nước yêu cầu khử trùng tiền cũ
Ngân hàng Nhà nước vừa có yêu cầu chi nhánh các tỉnh, thành phố khử trùng tiền cũ chống dịch bệnh COVID-19 khi giao dịch tiền mặt.
Theo đó, các loại tiền cũ khi nộp về phải được phun thuốc khử khuẩn (bó, bao) và được lưu giữ một thời gian nhất định trước khi chi ra tùy thuộc vào khả năng cân đối của từng Ngân hàng chi nhánh.
Cũng có thể sử dụng lượng tiền mặt dự trữ trong kho tiền (loại tiền mới in, nhất là các loại mệnh giá nhỏ) để cung ứng cho các tổ chức tín dụng. Trường hợp tiền mới không đủ thì sử dụng tiền đã qua sử dụng và đã được khử khuẩn tại kho.
Có biện pháp vệ sinh khử trùng tiền mặt (bó, bao) thu về trước khi nhập kho cuối ngày hoặc trước khi nộp về Ngân hàng Nhà nước. Trường hợp lượng tiền mặt tồn kho nhiều, chi nhánh các tổ chức tín dụng sau khi khử khuẩn có thể lưu giữ tại kho một thời gian nhất định trước khi xuất tiền chi ra cho khách hàng.
Đối với các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, yêu cầu phải khử trùng, sát khuẩn, vệ sinh thường xuyên tại các khu vực giao dịch tiền mặt, kho quỹ và các máy giao dịch tự động (ATM).
Gần 3/4 doanh nghiệp có thể bị phá sản nếu dịch COVID-19 kéo dài đến 6 tháng
Đài RFA dẫn thông tin từ Cục Thuế Hà Nội ngày 12/3 cho biết, trong 2 tháng đầu năm 2020, Hà Nội có hơn 3.000 hộ kinh doanh giải thể, tạm ngừng hoạt động do ảnh hưởng của dịch COVID-19
Cụ thể, trên 1.089 hộ kinh doanh giải thể, bỏ kinh doanh và 2.351 hộ tạm nghỉ kinh doanh.
Không chỉ các doanh nghiệp nhỏ ngừng hoạt động mà trong ngày 12/3 một số lãnh đạo của các tập đoàn lớn như Sun Group, BRG, Thaco, Vietjet…cũng chia sẻ những khó khăn đang gặp phải khi đối mặt với dịch bệnh COVID-19.
Trong đó, Cục hàng không (Bộ Giao thông) ước tính, hàng không Việt Nam có thể thiệt hại 25 ngàn tỷ đồng (hơn 1 tỷ đô la Mỹ).
Ông Trương Gia Bình – Chủ tịch tập đoàn FPT cho biết trên VnExpress rằng 74% doanh nghiệp nói sẽ phá sản nếu dịch bệnh kéo dài 6 tháng, do họ không thể bù đắp các khoản chi cho hoạt động như trả lương, lãi vay ngân hàng, tiền thuê mặt bằng…Bên cạnh đó, khoảng 30% doanh nghiệp mất 20-50% doanh thu, 60% thậm chí doanh thu bị giảm hơn một nửa.
Ở một diễn biến khác liên quan đến dịch COVID-19, trong ngày 12/3, 2 khu du lịch lớn tại Lai Châu là khu du lịch sinh thái đỉnh đèo Ô Quy Hồ và Cầu kính Rồng Mây thông báo ngừng đón khách.
Lãnh đạo TP. Hội An cũng cho biết thành phố này tạm dừng bán vé tham quan phố cổ và phố đi bộ từ ngày 12/3 đến 31/3.
Khoảng 4.000ha lúa ở Sóc Trăng bị thiệt hại do xâm nhập mặn
Khu vực ĐBSCL đang bước vào đợt hạn mặn gay gắt nhất tính từ đầu năm đến nay. Theo tin từ đài VTV, hôm nay (13/3) là ngày thứ 3 của đợt xâm nhập mặn đạt đỉnh. Độ mặn tăng cao và xâm nhập sâu vào các cửa sông từ 100-110 km. So với đợt xâm nhập mặn vào giữa tháng 2, đợt này gay gắt và lấn sâu hơn từ 30-40 km.
Theo Đài Khí tượng Thủy văn Sóc Trăng, mức độ rủi ro thiên tai do xâm nhập mặn trên sông Hậu và sông Mỹ Thanh đã ở cấp 2. Độ mặn cao nhất trên sông Hậu tại Trần Đề là 22,5 phần ngàn; tại Đại Ngãi cách sông Hậu 35km là 10,5 phần ngàn; tại An Lạc Tây 5,5 phần ngàn.
Tỉnh này mặn gần như bao phủ khắp nơi khi có khoảng 4.000 ha lúa vụ 3 (Đông Xuân muộn) bị thiệt hại, chủ yếu nằm ở các huyện Long Phú, Trần Đề, Châu Thành, Kế Sách.
Hiện nay, nhiều diện tích lúa đã bị chết do ngộ độc mặn và bị chết khô. Diện tích bị thiệt hại đang ngày càng tăng lên.
Không đồng ý du thuyền 5 sao cập cảng
Báo VnExpress cho biết, tàu khách Silver Spirit, có quốc tịch Bahamas đã xin nhập cảnh vào TP. HCM ngày 13/3, tuy nhiên Sở Y tế đề nghị Cảng vụ hàng hải TP không đồng ý cho con tàu nói trên nhập cảnh vào cảng.
Động thái của Sở Y tế nhằm hạn chế nguy cơ COVID-19 xâm nhập vào thành phố trước tình hình dịch bệnh lan rộng toàn thế giới.
Trên tàu có 826 người, trong đó 403 thuyền viên và 423 hành khách, một số thủy thủ đoàn đến từ Italy. Theo đó, các hành khách trên tàu sẽ dự kiến tham quan thành phố và các điểm du lịch khác.
Trước đó, cuối tháng 2 du thuyền Silver Spririt cũng cập cảng Hiệp Phước (TP. HCM), Chân Mây (Thừa Thiên – Huế) và Tiên Sa (Đà Nẵng) đưa khách tham quan nhiều điểm đến tại 3 địa phương trên.
https://www.dkn.tv/thoi-su/tin-tong-hop-13-3-binh-thuan-them-5-ca-nhiem-covid-19-gan-3-4-doanh-nghiep-se-pha-san-neu-dich-covid-19-keo-dai-den-6-thang.html
Cuộc chiến trên mạng giữa lực lượng chuyên trách
và dư luận viên với giới hoạt động
Tổ chức Phóng viên Không Biên giới – RSF vào ngày Thế giới Chống Kiểm duyệt Internet 12 tháng 3 năm 2020, đã công bố danh sách 20 kẻ thù lớn nhất trên Internet, trong đó có Lực lượng 47 của Quân đội nhân dân Việt Nam.Theo Tổ chức phóng viên không biên giới RSF, Lực lượng 47 gồm 10.000 người chiến đấu chống lại những tiếng nói dân chủ và những người bị cho là chống đối chính phủ.
Lực lượng 47 đã sử dụng các công nghệ kỹ thuật số để đe dọa, giám sát hoặc kiểm duyệt các nhà báo và do đó làm giảm nghiêm trọng quyền tự do thông tin trên Internet.
Trả lời RFA hôm 12/3, Tiến sĩ Nguyễn Quang A, nguyên chủ tịch Hội tin học Việt Nam nhận định:
“Thật sự đây là cuộc đấu tranh không cân sức, bởi vì những người đấu tranh cho tự do dân chủ thì không có nguồn lực bằng lực lượng 47 của họ, họ có hàng chục ngàn người. Họ được nhà nước tài trợ không chỉ tiền bạc mà còn kỹ thuật, có thể nói họ có nguồn lực vật chất hơn hẳn các nhà đấu tranh.”
Nhà báo Lê Trung Khoa ở Đức nhận định:
“Việc lực lượng 47 tìm cách đánh phá và hạn chế tự do ngôn luận, tự do báo chí của người Việt trong và ngoài nước, là điều báo chí nhất là Tổ chức phóng viên không biên giới RSF đã rất để tâm và chú ý. Chính vì vậy, trong báo cáo RSF đưa ra vào năm 2020, có đưa lực lượng 47 vào 1 trong 20 tổ chức là kẻ thù lớn nhất của internet.”
Theo ông, đây là điều rất chính xác, và cũng là thông tin để các tổ chức và các nước, nhìn vào thông tin này của Tổ chức phóng viên không biên giới RSF, để đánh giá về sự tệ hại của tự do internet tại Việt Nam.
Tuy nhiên, TS Nguyễn Quang A cho rằng sự thật mới là sức mạnh vô địch, cho nên nếu các nhà đấu tranh biết và đừng lãng phí nguồn lực của mình, đó là nêu lên sự thật, và cố gắng tránh những chuyện đưa những thông tin không đúng sự thật thì có thể chiến thắng. Ông giải thích thêm:
“Bởi vì khi mình đưa tin giả, tin không đúng sự thật, tin không được kiểm chứng, thì mình tự làm mất uy tín của mình, và sức mạnh của mình sẽ giảm đi cả ngàn lần. Như thế mình lại không khác gì bọn dư luận viên, bởi vì bọn dư luận viên rất đông nhưng tác động không nhiều, bởi vì họ không nói sự thật. Thật sự tuy họ có sức mạnh vật chất, tiền bạc rất nhiều, nhưng tôi nghĩ, nếu những người đấu tranh biết cách của mình và quan trọng nhất là chuyên đưa sự thật, không bóp méo thông tin, không đưa tin giả, thì cái số ít người đấu tranh ấy sẽ ngày càng nhiều lên và chắc chắn sẽ chiến thắng.”
Tổ chức Freedom House vào ngày 5/11/2019, cũng liệt Việt Nam vào danh sách những quốc gia không có tự do Internet.
Với nhan đề “Khủng Hoảng Mạng Xã Hội “ Freedom House cho biết tiến trình khảo sát tự do mạng ở 65 quốc gia cho thấy Việt Nam nằm trong nhóm các quốc gia có điểm số từ 0 đến 39, là quốc gia không có tự do Internet. Dưới mắt Freedom House, Việt Nam là quốc gia độc đảng, bị chi phối trong nhiều thập kỷ bởi một đảng cộng sản Việt Nam cầm quyền, chưa kể Luật An Ninh Mạng nhằm hạn chế tự do Internet.
Nhà báo Ngô Nhật Đăng lại có nhận định:
“Tôi thấy tình hình thực tế như thế này, khi luật an ninh mạng có hiệu lực thì đáng lẽ việc kiểm duyệt internet ngày càng khó khăn hơn, nhưng tôi lại thấy hiện tượng nó có vẻ dễ dàng hơn, những chuyện bị ngăn chặn gỡ bỏ, report tấn công tài khoản Facebook nó không khắc nghiệt như trước đây. Theo suy nghĩ cá nhân của tôi, thứ nhất nhà nước không còn đủ tiềm lực, để ngăn chặn mạng xã hội về mặt kỹ thuật, nhân lực, tài lực… Thứ hai là mạng xã hội và người dân ngày càng nhiều người lên tiếng trong tỷ lệ hàng chục triệu người dùng internet, nên để bóp nghẹt như trước là điều bất khả thi.”
Cũng theo Tổ chức Freedom House, Việt Nam trước đây từng nói rằng Luật An ninh mạng không hạn chế quyền tự do ngôn luận của người dùng trên mạng mà chỉ nhằm “bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp” của các cá nhân và tổ chức sử dụng không gian mạng. Tuy nhiên nhà chức trách đã gia tăng các vụ bắt bớ và bỏ tù trong những năm gần đây nhắm vào những người bày tỏ quan điểm bất đồng chính kiến trên Facebook, mạng xã hội phổ biến nhất tại Việt Nam.
Theo RSF, khi các phương tiện truyền thông Việt Nam đều tuân theo mệnh lệnh của Đảng Cộng sản, nguồn thông tin được báo cáo độc lập là các blogger và nhà báo công dân, những người đang phải chịu những hình thức khủng bố khắc nghiệt hơn bao gồm bạo lực cảnh sát mặc thường phục.
Để biện minh cho việc tống giam và trừng phạt với các án tù dài, Đảng ngày càng sử dụng các điều 79, 88 và 258 của bộ luật hình sự, theo đó các hoạt động của các tiếng nói dân chủ nhằm lật đổ chính quyền, tuyên truyền chống nhà nước và lạm dụng quyền tự do và dân chủ để đe dọa lợi ích của nhà nước.
RSF nhận định, dưới sự lãnh đạo của đảng do ông Nguyễn Phú Trọng đứng đầu, mức độ khủng bố các tiếng nói đã tăng mạnh trong hai năm qua, với nhiều nhà báo công dân bị bỏ tù hoặc bị trục xuất liên quan đến các bài viết của họ, trong đó có người đã bị kết án đến 20 năm tù. Đó là trường hợp nhà hoạt động Lê Đình Lượng ở Nghệ An.
Nhà báo Lê Trung Khoa nói:
“Về vấn đề tự do internet thì như các bạn đã biết, Việt Nam là đất nước do đảng cộng sản lãnh đạo, và độc quyền dẫn đến độc tài, độc đảng. Ở Việt Nam có gần 4 triệu đảng viên được đảng sắp đặt những công việc khác mà 90 triệu người dân không có giá trị gì với đảng cộng sản cả. Chính vì vậy trong thời đại thông tin internet mở rộng, lực lượng 47 là lực lượng khá nồng cốt của đảng, tìm mọi cách chống lại tất cả những thông tin sự thật đang tràn vào Việt Nam. Nhưng những người làm chuyện đó có trình độ văn hóa có vẻ là thấp, nên cũng gây ra khá nhiều phiền phức.”
Nhà báo Lê Trung Khoa cho biết, Tổ chức phóng viên không biên giới RSF đưa ra thống kê việc lực lượng 47 đã báo cáo làm nhiều người đấu tranh bị khóa tài khoản, hoặc đưa ra những bình luận rất thô tục… nhằm mục đích để những người đấu tranh ngại không viết nữa. Tuy nhiên ông cho rằng tại Việt Nam hiện có hàng chục triệu tài khoản và dám mạnh dạn nói lên sự thật. Do đó Lực lượng 47 ngày càng lép vế trước những thông tin sự thật của người dân Việt Nam trong và ngoài nước.
https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/vn-s-47th-force-is-on-the-list-of-the-20-biggest-enemies-on-the-internet-03122020134230.html
Cựu chánh thanh tra Bộ TT&TT bị tuyên
34 tháng cải tạo không giam giữ, được trả tự do tại tòa
Cựu chánh thanh tra Bộ Thông tin và truyền thông (TT&TT) Đặng Anh Tuấn vừa bị Tòa án nhân dân tỉnh Phú Thọ hôm 13/3, tuyên phạt 34 tháng cải tạo không giam giữ, được trả tự do tại tòa.Truyền thông trong nước loan tin vừa nói cùng ngày và cho biết ông Tuấn đồng thời bị cấm đảm nhiệm chức vụ trong 2 năm, kể từ khi chấp hành xong hình phạt cải tạo không giam giữ.
Đại diện Viện kiểm sát tại phiên xử, vẫn giữ nguyên đề nghị truy tố bị cáo Đặng Anh Tuấn về tội “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ” và đề nghị Hội đồng xét xử tuyên án từ 15 đến 18 tháng tù giam.
Tại phiên tòa, Hội đồng xét xử nhận định, bị cáo Đặng Anh Tuấn với với tư cách là Chánh thanh tra Bộ TT&TT, là người chịu trách nhiệm cá nhân cao nhất về các hoạt động thanh tra, kiểm tra.
Cụ thể ông Tuấn đã nhận được báo cáo, biết rõ các cá nhân tổ chức vận hành đối với 14 game có yếu tố cờ bạc, trong đó có game bài Tip.Club để xử lý theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, trong khi đoàn kiểm tra chưa trực tiếp làm việc được với cá nhân, tổ chức phát hành 14 game có yếu tố cờ bạc, để có biện pháp xử lý theo quy định pháp luật, thì bị cáo Đặng Anh Tuấn lấy tư cách là chánh thanh tra để yêu cầu trưởng đoàn kiểm tra phải đề xuất bộ trưởng giải thể đoàn kiểm tra.
Tòa cho rằng, hành vi của bị cáo Tuấn đã gây hậu quả: để cho các đối tượng phạm tội lợi dụng mạng viễn thông quốc gia tổ chức đánh bạc với quy mô đặc biệt lớn, gây ảnh hưởng xấu trật tự xã hội…
Tuy nhiên, Hội đồng xét xử cho rằng, bị cáo Tuấn có nhân thân tốt, chưa có tiền án, tiền sự nên không phải chịu tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự nào. Ngoài ra, cha đẻ của bị cáo được tặng thưởng nhiều huân, huy chương trong kháng chiến và công tác… nên được hưởng tình tiết giảm nhẹ.
https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/former-chief-inspector-was-released-in-court-03132020083817.html
Việt Nam phát hiện hơn 1 tấn trứng gia cầm
nhập lậu từ Trung Quốc
Trong hai ngày 11 và 12 tháng 3, Hải quan Lào Cai đã phát hiện bắt giữ hơn 1,2 tấn trứng gia cầm non đông lạnh nhập lậu từ Trung Quốc. Báo trong nước đưa tin hôm 13 tháng 3.Cụ thể, trong hai ngày, Hải quan Lào Cai phối hợp với Công an tạm giữ 2 xe ô tô chở hàng chục bao tải chứa trứng gia cầm non đông lạnh đã bốc mùi.
Tại thời điểm kiểm tra, lái xe và chủ hàng không xuất trình được giấy tờ chứng minh nguồn gốc hàng hóa.
Sau đó, chủ hàng khai nhận đã thuê người vận chuyển nhỏ lẻ các hộp trứng gia cầm non đông lạnh từ Trung Quốc về khu vực biên giới thuộc xã Bản Phiệt, tỉnh Lào Cai, rồi thuê 2 xe ô tô chở vào nội địa tiêu thụ.
Cùng ngày, Phòng Cảnh sát môi trường (Công an Thành phố Hà Nội) phối hợp với đội 11 Quản lý thị trường cũng đã bắt giữ 2 xe container chở hàng thực phẩm đông lạnh nhập lậu tại siêu thị MM Mega Market, đường Phạm Văn Đồng, Q. Bắc Từ Liêm, Hà Nội.
Hai xe này chở hàng tấn lưỡi vịt, trứng, nầm lợn, nội tạng gà, xương, sườn lợn, ngỗng hun khói có tem nhãn Trung Quốc được bảo quản lạnh nhưng bốc mùi hôi thối, đang trong quá trình phân hủy. 2 xe container này đều được dán logo của siêu thị Mega Market.
Trong khi đó vào ngày 12/3 truyền thông trong nước loan tin Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam chỉ đạo triển khai quyết liệt phòng, chống dịch bệnh cúm gia cầm.
Theo báo cáo của Cục Thú y, tình hình dịch bệnh cúm gia cầm cơ bản được kiểm soát tốt, nhưng vẫn còn 11 ổ dịch đã qua 15 ngày; 6 ổ dịch đã qua 8 ngày và 3 ổ dịch đã qua 3 ngày.
Hiện trên toàn lãnh thổ Việt Nam còn 20 ổ dịch cúm gia cầm với 18 ổ dịch do H5N6 và 2 ổ dịch do H5N1 tại 10 tỉnh, thành phố chưa qua 21 là Hà Nội, Bắc Ninh, Thanh Hóa, Nghệ An, Trà Vinh, Thái Bình, Ninh Bình, Hải Phòng, Hòa Bình và Hà Nam.
https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/over-1-tons-of-poultry-eggs-smuggled-fr-china-03132020075509.html
Thanh tra hàng loạt dự án sân golf tại 5 tỉnh, thành
Tổng cục Quản lý đất đai sẽ kiểm tra việc quản lý và sử dụng đất đai tại nhiều địa phương, đặc biệt việc sử dụng đất các dự án sân golf.Theo thông tin từ truyền thông trong nước loan đi ngày 13 tháng 3, Tổng cục Quản lý đất đai (Bộ TN-MT) ban hành quyết định kiểm tra việc chấp hành pháp luật trong quản lý và sử dụng đất đai dự án sân golf tại 5 địa phương gồm Vĩnh Phúc, Hà Nội, Hải Phòng, Ninh Bình, Hòa Bình.
Bên cạnh đó, kiểm tra việc quản lý, sử dụng đất của dự án, công trình không triển khai hoặc chậm đưa đất vào sử dụng tại Thái Nguyên, Nghệ An, Quảng Bình; kiểm tra việc thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất tại Cao Bằng, Bắc Kạn; Cà Mau và Bình Phước.
Đây là một trong 4 chuyên đề lớn trong thanh kiểm tra lĩnh vực đất đai mà Tổng cục Quản lý đất đai đã đề ra từ đầu năm.
Theo thống kê, trên địa bàn Vĩnh Phúc, Hà Nội, Hải Phòng, Ninh Bình, Hòa Bình hiện có 17 dự án sân golf được cấp phép.
Năm 2019, Hà Nội đã tiến hành thanh tra dự án sân golf tại Long Biên và tỉnh Vĩnh Phúc. Theo kết luận thanh tra, các dự án chậm tiến độ so với quy định, không có hồ sơ cắm mốc giới theo quy hoạch đã được duyệt; các sai phạm liên quan đến giải phóng mặt bằng, sử dụng đất và môi trường.
Đặc biệt, nhiều khu đất có dấu hiệu xây dựng trái phép, không nằm trong giấy chứng nhận đầu tư nhưng vẫn được thi công công trình.
Theo đánh giá của các chuyên gia, việc bùng nổ quá nhiều sân golf trái phép có thể gây ra nhiều hệ lụy đến quy hoạch cũng như cho môi trường khi các dự án sử dụng hóa chất độc hại ở mực độ lớn.
https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/golf-courts-in-5-provinces-to-be-inspected-03132020085417.html
Một số dự án thành phần cao tốc Bắc – Nam
được chuyển sang hình thức đầu tư công
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vào ngày 12/3 đã đồng ý đổi hình thức đầu tư từ đối tác công tư sang đầu tư công đối với các dự án thành phần trên tuyến đường bộ cao tốc Bắc – Nam phía Đông giai đoạn 2017 – 2020.Báo trong nước loan tin trong cùng ngày, trích dẫn nội dung phiên Thường trực Chính phủ về các giải pháp đẩy nhanh tiến độ các dự án đầu tư xây dựng một số đoạn trên tuyến đường bộ cao tốc Bắc – Nam và dự án cao tốc Mỹ Thuận – Cần Thơ.
Tin cho biết, Bộ Giao thông Vận tải đã đề xuất phương án chuyển đổi hình thức đầu tư sang đầu tư công đối với một số dự án cấp bách. Như vậy có thể sử dụng tối đa hiệu quả nguồn vốn, đẩy nhanh tiến độ đầu tư, sớm đưa công trình vào sử dụng, góp phần vào thúc đẩy sự tăng trưởng.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc sau khi lắng nghe các ý kiến đã đồng ý với đề xuất Bộ Giao thông Vận tải đưa ra, yêu cầu bộ này phối hợp với các bộ liên quan có báo cáo chính thức về vấn đề này, trình cấp có thẩm quyền. Thủ tướng nhấn mạnh tinh thần là phải bảo đảm tiến độ, thời gian, chất lượng.
Ông Nguyễn Xuân Phúc cho rằng việc đẩy nhanh tiến độ giải ngân các dự án, công trình hạ tầng giao thông – vận tải lớn là cần thiết, đặc biệt quan trọng trong bối cảnh nền kinh tế đang chịu tác động lớn từ dịch COVID-19.
Đối với dự án cầu Mỹ Thuận 2, Thủ tướng yêu cầu Bộ Giao thông Vận tải thúc đẩy triển khai để sớm đưa vào sử dụng. Ông Phúc cho rằng dự án tuyến cao tốc Mỹ Thuận – Cần Thơ là tuyến rất quan trọng để kết nối với tuyến cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận nên chính phủ Hà Nội sẽ hỗ trợ dự án này một cách tốt nhất.
Tuyến cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận dự kiến thông tuyến trong năm 2020, khánh thành vào năm 2021.
https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/some-north-south-expressway-component-projects-have-been-transformed-into-public-investment-03132020083147.html
UNDP viện trợ hơn 30 triệu USD cho nông nghiệp
ứng phó biến đổi khí hậu ở Việt Nam
Quỹ Khí hậu Xanh, thuộc Chương trình Phát triển Liên Hiệp Quốc (UNDP) viện trợ không hoàn lại hơn 30 triệu đô la Mỹ (USD) cho ngành nông nghiệp Việt Nam ứng phó tình trạng biến đổi khí hậu.Truyền thông trong nước, vào ngày 13/3 cho biết khoản viện trợ này vừa được phê duyệt tại cuộc họp Ban điều hành lần thứ 25 của Quỹ Khí hậu Xanh, diễn ra hôm 11/3, tại Geneva, Thụy Sĩ.
Số tiền viện trợ 30,2 triệu USD được sử dụng cho Dự án “Tăng cường khả năng chống chịu của sản xuất nông nghiệp quy mô nhỏ trước tình trạng mất an ninh nguồn nước do biến đổi khí hậu ở khu vực Tây Nguyên và Duyên hải Nam Trung Bộ của Việt Nam”, gọi tắt là “SACCR”.
Dự án “SACCR” được cho biết sẽ tập trung vào hiện đại hóa hệ thống tưới tiêu, cải thiện an ninh nguồn nước và sinh kế, tăng cường kiến thức về rủi ro khí hậu, áp dụng kỹ thuật nông nghiệp nhằm có khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu cũng như tiếp cận thông tin về khí hậu và thị trường.
Trưởng đại diện thường trú của UNDP tại Việt Nam, bà Caitlin Wiesen được báo giới dẫn lời cho biết đây là dự án do UNDP và Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) cùng thiết kế nhằm tăng cường khả năng chống chịu với biến đổi khí hậu ở Việt Nam.
Bộ Nông nghiệp-Phát triển Nông thôn Việt Nam cũng cho biết dự án “SACCR” sẽ được thực hiện trong 6 năm, với kỳ vọng mang lại lợi ích gián tiếp cho hơn 335 ngàn người và lợi ích trực tiếp cho hơn 220 ngàn người ở 5 tỉnh miền Trung; bao gồm Đăk Lắk, Đăk Nông, Bình Thuận, Ninh Thuận và Khánh Hòa.
https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/undp-aids-vn-more-than-usd30million-in-agriculture-03132020090544.html
Năm 2020, tàu tuần duyên lớp Hamilton thứ hai
về đến Việt Nam
Phát biểu trong chuyến thăm Việt Nam, Tư lệnh Hạm đội Thái Bình Dương của hải quân Mỹ, Đô đốc John Aquilino (06/3) cho biết Mỹ sẽ chuyển giao tàu tuần duyên lớp Hamilton thứ hai cho Việt Nam trong năm nay, nhằm giúp Việt Nam xây dựng năng lực về an ninh biển.Việc Mỹ cam kết chuyển giao tàu tuần duyên lớp Hamilton cho Việt Nam được đưa ra trong chuyến thăm của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Esper. Theo đó, phát biểu tại Học viện Ngoại giao, Bộ trưởng Esper tái khẳng định ủng hộ việc giải quyết các tranh chấp trên Biển Đông bằng các biện pháp hòa bình, phù hợp với luật pháp quốc tế; đồng thời tuyên bố Mỹ sẽ chuyển giao tàu tuần duyên lớp Hamilton thứ hai cho Việt Nam; cho rằng việc chuyển giao tàu tuần duyên lớp Hamilton, một trong những lớp tàu lớn nhất trong hạm đội Tuần duyên Mỹ, là biểu tượng cho quan hệ Đối tác toàn diện giữa hai nước, giúp Việt Nam tăng cường thực thi luật hàng hải và khả năng tìm kiếm cứu nạn. Ngoài ra, ông Esper cho rằng Mỹ cam kết mở rộng mối quan hệ đối tác chiến lược với Việt Nam bằng cách tăng cường hợp tác trong các lĩnh vực quan tâm chung như an ninh hàng hải, bao gồm việc trang bị cho Việt Nam năng lực cần thiết để bảo vệ chủ quyền và tài nguyên thiên nhiên để tiếp tục phát triển.
Ngay sau tuyên bố của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ, giới truyền thông nhận định nhiều khả năng tuần duyên lớp Hamilton mà Mỹ sắp chuyển giao cho Việt Nam là tàu tuần tra cỡ lớn USCGC John Midgett (WHEC 726) thuộc lớp Hamilton. Theo nhận định từ giới chuyên môn, khả năng cao (gần như chắc chắn 100%) tàu tuần tra lớp Hamilton tiếp theo được Mỹ chuyển giao cho Việt Nam sẽ là chiếc USCGC John Midgett (WHEC 726) khi nó đã được lên kế hoạch loại biên trong năm 2020.
Theo thông tin mới nhất, tàu tuần tra John Midgett (WHEC-726, 1/2/2020) của Lực lượng tuần duyên Mỹ chuẩn bị bàn giao cho Việt Nam đã tiến hành tháo dỡ đạn dược khỏi tàu. Tàu tuần tra John Midgett đã được đưa đến khu vực Indian Island để tiến hành tháo dỡ đạn dược khỏi con tàu. Thủy thủ đoàn đã hoàn tất việc tháo dỡ các viên đạn pháo 76 mm của khẩu pháo chính MK-75 Oto Melara và chuyển xuống lưu giữ trong kho đạn dược của hải quân tại Indian Island. Được biết, số đạn tối đa mà một khẩu Oto Melara có thể sử dụng trong khoang nạp đạn tự động là 80 viên. Hoàn tất việc tháo dỡ đạn dược, tàu được lai dắt về lại bến đậu ở cảng Seattle, bang Washington. Theo Tuần duyên Mỹ, tàu John Midgett vẫn còn tiến hành thêm một số công việc khác để có thể hoàn tất việc loại biên. Các hợp đồng gọi thầu cho việc tháo dỡ một số trang thiết bị, vệ sinh tàu, sơn lại thân… cũng đã được tiến hành và mọi việc sẽ
hoàn tất trước ngày 1/4/2020. Dự kiến tàu John Midgett sẽ làm lễ loại biên vào ngày 26.3.2020 tại Seattle, bang Washington. Sau đó Tuần duyên Mỹ sẽ đào tạo huấn luyện thủy thủ đoàn của Cảnh sát biển Việt Nam để tiếp nhận con tàu. Theo lịch trình, tàu John Midgett sẽ chính thức bàn giao cho Cảnh sát biển Việt Nam vào cuối năm 2020.
USCGC John Midgett có lượng giãn nước đầy tải 3.250 tấn; chiều dài 115m; chiều rộng 13m; mớn nước 4,6m; thủy thủ đoàn 160 người (20 sĩ quan, 140 thuyền viên). WHEC 726 được trang bị hệ thống động lực kết hợp gồm 2 động cơ diesel và 2 động cơ turbine khí, cho tốc độ tối đa 29 hải lý/h (53,7 km/h), tầm hoạt động 14.000 hải lý (22.531 km), thời gian bám biển liên tục 45 ngày. Vũ khí chính của tàu là 1 khẩu hải pháo MK-75 Oto Melara loại 76 mm, được điều khiển tự động bởi hệ thống điều khiển hỏa lực MK 92. Khẩu pháo này có thể bắn với tốc độ 80 phát/phút, tầm bắn xa 18 km, có thể bắn mục tiêu trên biển lẫn trên không. Phía sau đuôi tàu là 1 khẩu pháo bắn nhanh cận chiến MK-15 Phalanx (6 nòng, bắn đạn 20 mm) có tốc độ bắn 4.500 phát/phút, tầm bắn xa 1,5 km, dùng chống các mục tiêu trên không như tên lửa, UAV. Tàu còn có 2 khẩu pháo tự động M242 Bushmaster bắn đạn cỡ 25 mm bố trí hai bên thân tàu, cùng một số súng máy, và 2 dàn phóng mồi bẫy chống tên lửa MK 36 SRBOC. Trừ khẩu hải pháo 76 mm, những vũ khí còn lại đều bị tháo gỡ khi Mỹ chuyển giao tàu tuần tra cho các nước theo chương trình bán vũ khí dư thừa (EDA). Bên cạnh đó trên tàu còn có pháo tự động M242 Bushmaster cỡ 25 mm, súng máy hạng nặng M2 Browning cỡ 12,7mm và súng máy hạng nhẹ M240 cỡ nòng 7,62mm.
Tàu có chức năng tuần tra lãnh hải, cứu hộ cứu nạn, khảo sát đại dương, và có thể hoạt động ở mọi vùng biển trên thế giới, chịu được sóng to gió lớn, nên lớp tàu này còn có tên là tàu tuần duyên cỡ lớn có độ bền cao (high endurance cutter). Tàu John Midgett hiện đã trải qua đại tu giữa kỳ và nâng cấp vào năm 1992. Sau hơn 40 năm phục vụ, hầu hết các tàu lớp Hamilton đã được loại biên và chuyển giao cho các nước đối tác của Mỹ. Thay thế các tàu lớp Hamilton là các tàu lớp Legend hiện đại hơn và lớn hơn.
Trước đó, Mỹ (5/2017) cũng đã chuyển giao tàu USCGC Morgenthau số hiệu 722 thuộc tàu tuần tra lớp Hamilton cho Lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam. Tàu tuần duyên Morgenthau được sản xuất ở nhà máy Avondale, chính thức đưa vào sử dụng ngày 10/3/1969 và sau đó ngừng hoạt động ngày 18/4/2017 để chuyển giao cho phía Việt Nam. Con tàu có trọng tải 3.250 tấn, chiều dài 115m, chiều rộng 13m, có sức chứa 160 người (20 quan chức và 140 thủy thủ đoàn). Tàu Morgenthau được trang bị hai động cơ diesel và hai động cơ tua-bin khí, đạt tốc độ tối đa 29 hải lý (53,7km/h), dự trữ hành trình 14.000 hải lý (22.531km), 45 ngày hoạt động liên tục trên biển. Hệ thống trang thiết bị trên tàu bao gồm rada tìm kiếm mục tiêu trên không SPS-40 với tầm trinh sát tối đa 450km, khẩu pháo hạm Oto Breda 76,2mm, hệ thống phòng thủ tầm cực gần Phalanx CIWS, súng tự động Bushmaster M242 25mm, và súng máy hạng nặng M2 Browning 12,7mm…
Liên quan vấn đề trên, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng (21/11/2019) cho biết: “Có thể nói, quan hệ đối tác toàn diện Việt Nam – Hoa Kỳ trong thời gian qua đã duy trì đà tiến triển trên nhiều lĩnh vực, trong đó có hợp tác về an ninh và quốc phòng. Trên cơ sở những thỏa thuận 2 bên đạt được, trong đó có bản ghi nhớ về hợp tác quốc phòng năm 2011, Tuyên bố tầm nhìn chung về hợp tác quốc phòng năm 2015 và Kế hoạch hợp tác quốc phòng 2018-2020, 2 bên đã tiếp tục thúc đẩy hợp tác quốc phòng song phương, trong đó có hợp tác an ninh hàng hải và nâng cao năng lực thực thi pháp luật trên biển, góp phần duy trì hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển trong khu vực và quốc tế. Thông tin về vấn đề chuyển giao tàu sẽ được các cơ quan chức năng thông báo vào thời điểm thích hợp”.
http://biendong.net/bien-dong/33529-nam-2020-tau-tuan-duyen-lop-hamilton-thu-hai-ve-den-viet-nam.html
0 comments