Đọc báo Pháp – 03/03/2020
TT. Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan:
Trùm bắt bí trên trường quốc tế
Trọng NghĩaSiêu vi Covid-19 trên thế giới và ngày Siêu Thứ Ba – Super Tuesday – tại Mỹ là hai chủ đề chia nhau trang nhất các báo Pháp ra ngày thứ Ba 03/03/2020.
Chen vào hai trọng tâm lớn này là vòng đàm phán Liên Âu-Anh Quốc thời hậu Brexit bắt đầu mở ra, và nhất là tình hình căng thẳng tại biên giới Hy Lạp-Thổ Nhĩ Kỳ với việc Ankara mở cửa xua người xin tị nạn vào châu Âu để bắt bí Bruxelles.
Vấn đề làn sóng người tị nạn đang mấp mé ngoài cửa ngõ châu Âu đã được nhật báo thiên hữu Le Figaro nêu bật trong tựa lớn trang nhất: “Trước dòng người di cư dồn đến, tiếng kêu báo động từ Hy Lạp”. Tờ báo ghi nhận các cố gắng mà chính quyền Athens đang bỏ ra nhằm chặn bước tiến của hàng chục ngàn người xin tị nạn, giờ được chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ đẩy sang Liên Hiệp Châu Âu.
Tờ báo cũng hoan nghênh việc giới lãnh đạo Liên Âu kiên quyết phản đối hành vi “bắt chẹt không thể chấp nhận được” của tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan, và hứa sẽ giúp đỡ Hy Lạp. Một cách cụ thể, theo Le Figaro, bà Ursula von der Leyen, chủ tịch Ủy Ban Châu Âu đã tuyên bố: “Thách thức đối với Hy Lạp cũng là một thách thức đối với châu Âu”.
Để cho thấy rõ lập trường của mình, hôm nay, thứ Ba 03/03, bộ ba lãnh đạo Liên Âu là các chủ tịch Ủy Ban, Nghị Viện và Hội Đồng Châu Âu sẽ cùng với thủ tướng Hy Lạp, Kyriakos Mitsotakis, đến thăm vùng biên giới Hy Lạp – Thổ Nhĩ Kỳ.
Thủ đoạn bắt bí châu Âu của tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan
Sau khi mở cửa biên giới với Hy Lạp, Thổ Nhĩ Kỳ hôm 02/3 đã đe dọa để cho “hàng triệu” người di cư tràn ngập Liên Hiệp Châu Âu, vào lúc Ankara muốn được phương Tây giúp đỡ trong các hoạt động quân sự ở Syria. Đối với Le Figaro, “Ở vùng biên giới Thổ Nhĩ Kỳ – Hy Lạp, đang có một ‘cuộc di cư’ được điều khiển từ xa”, mà người gây ra không ai khác hơn là tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ “Erdogan, bậc thầy về việc dùng mối đe dọa di cư để bắt bí”.
Trong bài xã luận mang tựa đề “Người di cư: Mặt trận chung”, phó ban biên tập nhật báo Pháp đã không ngần ngại tố cáo việc tổng thống Erdogan lợi dụng số 3,5 triệu người Syria đang lánh nạn tại Thổ Nhĩ Kỳ để tiến hành một hình thức bắt bí châu Âu.
Le Figaro lưu ý: “Tổng thống Thổ muốn buộc châu Âu can dự nhiều hơn vào cuộc xung đột Syria bên cạnh ông, (mà trước tiên hết là) mở rộng đóng góp tài chính vào việc quản lý những người tị nạn đã có mặt trên lãnh thổ Thổ Nhĩ Kỳ, cũng như một làn sóng mới đến từ vùng Idleb”.
Tờ báo nêu rõ những thủ đoạn mà chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ đã dùng để xúi giục người tị nạn tràn vào châu Âu qua biên giới trên bộ với Hy Lạp. Chính những con người khốn khổ này đã cho biết là họ được cung cấp các bản đồ chỉ rõ các tuyến đường dẫn đến vùng biên giới, được hưởng giá cực thấp khi mua vé xe. Trên đài truyền hình, những kẻ buôn người được cho quảng cáo ở khung giờ bản tin thời sự.
Đối với tờ báo Pháp, các hành động trên đúng là nằm trong khuôn khổ một chiến dịch có phối hợp, đã biến hàng chục ngàn người xin tị nạn thành “cánh tay vũ trang” mà ông Erdogan dùng để đánh vào châu Âu.
Ngăn chặn làn sóng nhập cư từ Thổ Nhĩ Kỳ: Một hành động can đảm
Tuy nhiên, Hy Lạp đã có phản ứng nhanh chóng và kịp thời. Trong vòng bốn ngày gần đây, các lực lượng biên phòng Hy Lạp đã đẩy lùi gần 20.000 người xin tị nạn từ Thổ Nhĩ Kỳ dồn về vùng biên giới. Theo Le Figaro, đây là một hành động can đảm của chính quyền Athens.
Tờ báo giải thích: “Hy Lạp đã đóng kín cửa vào Liên Hiệp Châu Âu với nguy cơ là sẽ phải gánh chịu búa rìu dư luận về những phản ứng ngăn chặn thô bạo”. Có điều, theo Le Figaro đó là một sự thô bạo mà Hy Lạp phải chịu đựng mà không hề mong muốn.
Vì sợ rằng một mình không chận nổi dòng người di cư, Athens đã kêu gọi châu Âu giúp đỡ bằng cách kích hoạt Điều 78-3 của Hiệp ước Rôma. Cùng với Hy Lạp, giới lãnh đạo Liên Hiệp Châu Âu đều tố cáo hành vi bắt chẹt không thể chấp nhận được của ông Erdogan.
Le Figaro hết sức tán đồng phản ứng cứng rắn đối với Ankara: “Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ đã hành xử như kẻ thù, hãy đối xử với ông ta đúng như thế, hãy ngừng các khoản tài trợ cũng như đình chỉ cuộc đàm phán gia nhập Liên Âu của nước này. ”
Dẫu sao thì châu Âu cũng không có tiếng nói trong hồ sơ Syria, vốn có thể sẽ được giải quyết trong cuộc họp tay đôi Erdogan-Putin dự kiến vào thứ Năm 05/3 này.
Từ đền Angkor đến thuyền gondola Venise:
Du lịch khốn đốn vì covid-19
Hồ sơ nặng ký trên các báo Pháp hôm nay vẫn là diễn biến đáng lo ngại của dịch Covid-19 trên cấp độ thế giới và đặc biệt là tại châu Âu và tại Pháp. Các báo càng lúc càng nói nhiều về tác hại kinh tế ngày càng rõ nét của dịch bệnh, nhất là đối với ngành du lịch, giải trí.Les Echos đã chạy tựa lớn trang nhất trên chủ đề: “Ngành công nghệ thế giới: Nạn nhân chính của con virus corona”. Nhật báo kinh tế ghi nhận một loạt dấu hiệu: Các nhà máy hoạt động chậm hẳn lại, chuỗi cung ứng hậu cần bị trục trặc, các cửa hàng bị đóng cửa, sức cầu thấp hẳn.
Kể từ trung tuần tháng 2/2020, các đại gia trong ngành công nghệ đã bắt đầu lo lắng cho doanh thu trong nửa đầu năm 2020 này. Có điều, theo Les Echos, dịch bệnh sẽ không xóa bỏ được các xu hướng mang tính cơ cấu đang hỗ trợ cho ngành phát triển.
Le Monde thì dành nguyên một hồ sơ cho tình trạng điêu đứng mà ngành du lịch đang phải trải qua, với bài viết chính mang tựa đề: “Cuộc khủng hoảng mang tính toàn cầu. Không một nước nào thoát được”, và “con virus corona đang làm tê liệt ngành du lịch”.
Tờ báo Pháp khẳng định rằng tác hại kinh tế đã được ước tính lên đến khoảng hai mươi tỷ euro thất thu trong ngành du lịch và giải trí. Tại khắp nơi trên thế giới, các nhà điều hành tour du lịch và khách sạn đang lo lắng về sự sụt giảm đột ngột của lượng du khách tại các điểm đến ăn khách.
Cam Bốt:
Mất du khách Trung Quốc là thảm họa quốc gia
Trong một bài viết riêng rẽ, Le Monde nêu ví dụ của khu đền Angkor tại Cam Bốt, đã trở nên vắng vẻ khác thường vì không còn du khách Trung Quốc. Trên một đất nước mà ngành du lịch chiếm hơn 12% của nền kinh tế, và một phần ba du khách nước ngoài là đến từ Trung Quốc, dịch bệnh Covid-19 đã mang quy mô một thảm họa quốc gia.Trong số khoảng hơn 6,6 triệu người nước ngoài đến du lịch tại Cam Bốt trong năm 2019, có hơn 2,3 triệu đến từ Trung Quốc, hơn hẳn số khách đến từ Việt Nam và Lào, hơn cả du khách Hàn Quốc và Nhật Bản, hai nước vốn đã bỏ xa khách châu Âu và Mỹ.
Một bài viết thứ hai phân tích tình hình tại Ý với một tựa đề rất châm biếm: “Từ Milano đến Venise, ngành du lịch Ý bị nhiễm virus corona”. Chính quyền địa phương đã ước tính một mức thiệt hại tài chính có thể lên tới 2 tỷ euro.
Siêu thứ ba tại Mỹ:
Ngày đăng quang của Bernie Sanders?
Sau siêu vi mang đến dịch Covid-19, báo Pháp cũng rất quan tâm đến một sự kiện được đánh giá là siêu hạng khác: Ngày Super Tuesday tại Mỹ hôm nay 03/3, khi có không dưới 14 tiểu bang bầu sơ bộ chọn ứng cử viên đại diện đảng Dân Chủ ra tranh cử tổng thống vào tháng 11 tới đây.Nhật báo Le Monde đã dành cho sự kiện này tựa đề lớn nhất trải dài trên 5 cột báo ở ngay trang nhất với một nội dung hết sức khách quan: “Đảng Dân Chủ: Cuộc đối đầu Biden-Sanders”.
Libération, cũng đưa sự kiện Mỹ lên trang bìa, nhưng không ngần ngại chọn phe khi chạy tựa: “Bernie Sanders: Một nước Mỹ khác là điều có thể”.
Tờ báo Pháp có xu hướng thiên tả này đã nhắc lại rằng các nhà bình luận truyền thống thường viện dẫn nhận định truyền thống: chỉ có chuyển vào phía trung thì mới thắng cử. Đó là trường hợp của những người như Kennedy, Clinton, Obama.
Thế nhưng lần này Libération đặt niềm tin vào Bernie Sanders, một người có xu hướng cấp tiến, vẫn thiên tả, hiện đang dẫn đầu cuộc đua.
Riêng Le Figaro thì lại chú ý đến nhân vật thứ ba trong số các ửng cử viên đảng Dân Chủ: Michael Bloomberg, một doanh nhân giàu có, nguyên là thị trưởng New York.
Đối với Le Figaro, ngày hôm nay sẽ mang tính quyết định đối với nhà tỷ phú, từng chủ trương bỏ qua các cuộc bầu cử sơ bộ nhỏ và lẻ tẻ, để tập trung vào ngày hôm nay.
Đàm phán Liên Âu-Anh Quốc thời hậu Brexit:
Coi chừng “no deal”
Dù rất chú ý đến các đề tài khác, nhưng La Croix hôm nay đã dành trang nhất cho vòng đàm phán về quan hệ Liên Hiệp Châu Âu-Anh Quốc thời hậu Brexit.Dưới tựa lớn trang nhất: “Trận đấu ở thượng tầng”, nhật báo công giáo nhắc lại rằng các cuộc đàm phán về mối quan hệ hậu Brexit trong tương lai giữa Luân Đôn và Liên Hiệp Châu Âu đã khai mạc hôm 02/3 tại Bruxelles.
Có điều, theo tờ báo, sự kiện đã mở ra trong không khí căng thẳng, cả hai bên đều mạnh mẽ cho thấy các giới hạn mà đối phương không thể vượt qua, xác nhận sự bất đồng sâu sắc.
Theo La Croix, nếu đàm phán thất bại, tiến trình Brexit áp dụng vào cuối giai đoạn chuyển tiếp, vào ngày 31/12, sẽ là “không thỏa thuận”, với hậu quả kinh tế khốc liệt – đối với cả Vương Quốc Anh lẫn lục địa châu Âu.
La Croix kết luận: “Đàm phán Luân Đôn-Bruxelles, phần gay go nhất đã bắt đầu”.
http://www.rfi.fr/vi/qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF/20200303-tt-th%E1%BB%95-nh%C4%A9-k%E1%BB%B3-erdogan-tr%C3%B9m-b%E1%BA%AFt-b%C3%AD-tr%C3%AAn-tr%C6%B0%E1%BB%9Dng-qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF
Tin tổng hợp
(Inquirer) – Biển Đông : 136 tầu Trung Quốc « vây » đảo Thị Tứ từ ngày 01/01 đến 25/02/2020.
Ngoài ra, theo phát biểu ngày 02/03 của phó đô đốc Rene Medina, người đứng đầu Lực lượng Vũ trang Philippines, cùng trong thời gian trên, có hai tầu của lực lượng tuần duyên Trung Quốc xuất hiện trong khu vực và một tầu của hải quân Trung Quốc hoạt động vào đầu tháng Hai. Tuy nhiên, từ ngày 28/02, chỉ còn hai đến ba tầu cá Trung Quốc hoạt động gần đảo Thị Tứ.
(Yonhap) – Pháp tạm thời đóng cửa văn phòng hợp tác tại Bắc Triều Tiên.
Trong thư điện tử trả lời đài Voice of America, bộ Ngoại Giao Pháp cho biết quyết định được đưa ra sau khi đã tham khảo nhiều nước châu Âu khác, có thể là nhằm phản đối các biện pháp nghiêm ngặt mà Bình Nhưỡng áp dụng đối với các nhà ngoại giao nước ngoài kể từ cuối tháng 01/2020 khi dịch Covid-19 bùng phát. Bộ Ngoại Giao Pháp cũng khuyến cáo công dân nước này không đến Bắc Triều Tiên. Chính phủ Đức cũng đã tạm thời đóng cửa đại sứ quan tại Bắc Triều Tiên và hồi hương nhân viên, theo thông tin ngày 28/02 của nhật báo Frankfurter Allgemeine Zeitung.
(AFP) – OPEP họp khẩn vì giá dầu giảm mạnh do dịch Covid-19.
Tổ chức các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEP) và các đối tác dự kiến họp trong hai ngày 05 và 06/03/2020 tại Vienna (Thụy Sĩ) nhằm tìm biện pháp kìm hãm đà giảm giá dầu, mất đến 30% so với mức cao nhất vào đầu tháng Giêng. Hiện tại giá dầu dao động từ 45 đến 50 đô la/thùng. Trước đó, vào đầu tháng Hai, OPEP đã cắt giảm sản lượng 600.000 thùng mỗi ngày do nhu cầu của Trung Quốc giảm vì dịch Covid-19.
(AFP) – Người dân bị giảm tuổi thọ khoảng 3 năm vì ô nhiễm không khí.
Theo một nghiên cứu của Viện Max Planck (Đức), được đăng ngày 03/03/2020 trên tạp chí của Hội tim mạch châu Âu (Cardiovascular Research), « ô nhiễm không khí là một trong những rủi ro lớn nhất cho sức khỏe cộng đồng, ngang với thuốc lá ». Hàng năm, khoảng 8,8 triệu người chết sớm vì ô nhiễm không khí. Người dân châu Á bị tác động mạnh nhất : Tuổi thọ bị giảm 4,1 năm tại Trung Quốc ; 3,9 năm tại Ấn Độ và 3,8 năm tại Pakistan.
(AFP) – Taliban sẽ không đàm phán với chính phủ Afghanistan chừng nào Kaboul chưa trả tự do cho 5.000 chiến binh Taliban.
Lực lượng Taliban hôm qua 02/03/2020 thông báo như trên. Theo thỏa thuận Taliban ký với Mỹ tại Doha ngày 29/02, Taliban và Kaboul sẽ trao trả tù nhân cho nhau trước ngày 10/03. Tuy nhiên, do tổng thống Afghanistan không tham gia các cuộc thương lượng giữa Mỹ và Taliban, nên hôm 01/03 ông tuyên bố Kaboulkhông thả 5.000 tù nhân Taliban.
(AFP) – Tổng thống Nga Vladimir Putin đề xuất đưa điều khoản cấm hôn nhân đồng giới vào Hiến Pháp.
Chủ tịch Nghị Viện hôm qua 02/03 cho biết theo đề xuất chủ nhân điện Kremlin trình lên Nghị Viện, chỉ có đám cưới giữa nam và nữ mới được công nhận. Hồi tháng 01/2020, tổng thống Vladimir Putin thông báo Nga sẽ chỉnh sửa Hiến Pháp 1993. Kế hoạch này được cho là nhằm củng cố quyền lực của ông Putin.
(AFP) – Nghị Viện Châu Âu sẽ ngưng đón khách ít nhất 3 tuần để phòng dịch Covid-19.
Nghị Viện Châu Âu hôm qua 02/03/2020 thông báo như trên. Trung bình mỗi năm Nghị Viện đón 700.000 khách tại 2 trụ sở ở Strasbourg, Pháp và Bruxelles, Bỉ. Những người bị hạn chế đến trụ sở Nghị Viện Châu Âu không chỉ có du khách mà cả các nghị sĩ, trợ lý nghị sĩ, thành viên các tổ chức vận động hành lang và khách mời đến các cuộc hội thảo.
(AFP) – Israel : Netayahu sẽ lại thắng cử.
Mặc dù đang bị truy tố về tội tham nhũng, thủ tướng Israel Benjamin Netayahu hôm nay, 03/03/2020, đang tiến đến một chiến thắng trong cuộc bầu cử Quốc Hội. Sau khi kiểm 90% số phiếu bầu, kết quả cho thấy ông Netayahu thu được 29,3% số phiếu, trong khi đảng cánh trung của đối thủ Benny Gantz chỉ thu được 26,3%. Với kết quả nói trên, đảng Likoud của ông Netayahu sẽ nắm 36 ghế trong Quốc Hội mới, còn đảng của Benne Gantz chỉ có 32 ghế. Nếu liên minh với các đảng cực hữu và các đảng Do Thái cực đoan, phe của thủ tướng Israel sẽ có tổng cộng 59 ghế.
(AFP) – Indonesia : Núi lửa gây cản trở giao thông hàng không.
Hôm nay, 03/03/2020, núi lửa Merapi ở Indonesia, một trong những núi lử hoạt động mạnh nhất trên thế giới, đã phun lửa, bắn lên một đám mây tro cao đến hơn 6 ngàn mét, khiến sân bay quốc tế của thành phố Solo, nằm cách đó 40 km, phải đóng cửa.
http://www.rfi.fr/vi/qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF/20200303-tin-t%E1%BB%95ng-h%E1%BB%A3p
Điểm tin thế giới sáng 3/3:
Lãnh đạo thượng viện Mỹ
muốn sớm thông qua luật về nCoV
Lục DuMục Điểm tin thế giới sáng thứ Ba (3/3) của Đại Kỷ Nguyên xin gửi tới quý độc giả những tin sau:
Lãnh đạo thượng viện Mỹ muốn sớm thông qua luật về nCoV
Lãnh đạo phe Cộng hòa ở Thượng viện Hoa Kỳ, Mitch McConnell, hôm thứ Hai (2/3), bày tỏ quan điểm rằng ông muốn Thượng viện thông qua dự luật cấp ngân sách cho việc phòng chống virus nCoV trong vòng hai tuần tới, Reuters đưa tin.
Dự luật này nếu được ban hành sẽ cung cấp hàng tỷ đô la cho các hoạt động dập dịch COVID-19. Hạ viện Mỹ dự kiến sẽ bỏ phiếu về dự luật này sớm nhất vào ngày thứ Tư.
Tình hình dịch COVID-19 ở Hoa Kỳ đang diễn biến theo chiều hướng xấu, với số người chết và tử vong tăng khá cao. Tính tới hết ngày 2/3, ở Mỹ có 6 trường hợp tử vong vì nCoV, 99 trường hợp nhiễm bệnh, trong đó có 9 ca phục hồi và 7 trường hợp ở tình trạng nguy kịch.
Cập nhật thông tin COVID-19
Theo cập nhật của Worldometers về COVID-19, tính tới 21:00 GMT, ngày 2/3, trên thế giới có 90.306 người nhiễm bệnh, 3.087 người chết, 1.918 người nhiễm mới, 45.705 người đã phục hồi, và 7.398 ca nhiễm nCoV ở tình trạng nguy kịch.
Hiện đã có 76 quốc gia và vùng lãnh thổ báo cáo có người nhiễm nCoV. Các quốc gia ngoài Trung Quốc có số người chết và người nhiễm cao hàng đầu là Hàn Quốc: 4.335 người nhiễm, 28 người chết; Italia: 2.036 người nhiễm, 52 người chết; Iran: 1.501, 66 người chết. Hiện tại, xét theo tỷ lệ số người chết/số người nhiễm thì Iran xếp đầu tiên trong danh sách các nước đang bị virus SARS-CoV-2 tấn công.
Theo AP, Hoa Kỳ đã ghi nhận trường hợp tử vong thứ 6 vì nCoV vào ngày thứ Hai (2/3). Pháp báo cáo có người tử vong thứ ba. Trong khi đó số người nhiễm và chết vì nCoV ở Trung Quốc có dấu hiệu suy giảm, với 202 trường hợp nhiễm mới và 42 người tử vong, tính tới hết ngày hôm qua.
Washington đang giảm mạnh số phóng viên của Bắc Kinh tại Mỹ
Chính quyền Trump đang chế tài để giảm mạnh số lượng người Hoa được phép làm việc trong các văn phòng đại diện đặt tại Mỹ của các hãng truyền thông nhà nước Trung Quốc, Ngoại trưởng Mỹ, Mike Pompeo, cho biết hôm thứ Hai (2/3), theo Reuters.
Theo ông Pompeo, sở dĩ Hoa Kỳ hành động như vậy là vì Bắc Kinh “gia tăng mạnh mẽ việc giám sát, quấy rối và đe dọa các nhà báo Mỹ”, ám chỉ việc chính quyền Trung Quốc, vào tháng trước, đã thu thẻ hành nghề và trục xuất 3 nhà báo của tạp chí WSJ có trụ sở hoạt động tại New York.
“Mục tiêu của chúng tôi là có đi có lại”, Ngoại trưởng Mike Pompeo cho biết trong một tuyên bố. “Như chúng tôi đã thực hiện trong các lĩnh vực khác của mối quan hệ Mỹ-Trung, chúng tôi tìm cách xây dựng một sân chơi lâu dài. Chúng tôi hy vọng rằng hành động này sẽ thúc đẩy Bắc Kinh áp dụng cách tiếp cận công bằng và tương hỗ với Mỹ và các hãng truyền thông nước ngoài khác [hoạt động] ở Trung Quốc”.
Mỹ phạt hai người Trung Quốc dính líu đến tin tặc Triều Tiên
Bộ Tài chính Hoa Kỳ hôm thứ Hai (2/3) đã áp dụng các biện pháp trừng phạt đối với hai người Trung Quốc có liên quan đến một nhóm tin tặc được Bình Nhưỡng bảo trợ, theo Yonhap.
Hai người Trung Quốc có tên là Tian Yinyin và Li Jiadong bị cáo buộc nhận 91 triệu đô la từ nhóm tin tặc Triều Tiên Lazarus Group. Số tiền này được Lazarus Group đánh cắp từ vụ hack một sàn giao dịch tiền điện tử vào tháng 4 năm 2018.
Lazarus đã bị đưa vào danh sách trừng phạt của Bộ Tài chính Hoa Kỳ vì thực hiện các cuộc tấn công mạng để kiếm tiền cho chính phủ Bắc Triều Tiên phát triển các chương trình hạt nhân và tên lửa.
Theo biện pháp trừng phạt, toàn bộ lợi ích và tài sản cá nhân của Tian Yinyin và Li Jiadong ở Hoa Kỳ hoặc tài sản của họ đang được sở hữu bởi người Mỹ sẽ bị phong tỏa.
Tài liệu nội bộ tố giác Huawei làm ăn phi pháp với Iran
Các tài liệu nội bộ vào năm 2010 của Huawei cho thấy, gã khổng lồ công nghệ của Trung Quốc đã trực tiếp liên quan tới việc gửi các thiết bị máy tính cho công ty kinh doanh điện thoại lớn nhất Iran, vi phạm lệnh trừng phạt quốc tế, theo bản tin ngày 2/3 của Reuters.
Theo các tài liệu nội bộ mà Reuters tiếp cận được, danh sách hai kiện hàng của Huawei, ghi ngày 12 tháng 12 năm 2010, chứa các thiết bị máy tính do Hewlett-Packard sản xuất được lên kế hoạch gửi tới khách hàng ở Iran.
Một tài liệu khác của Huawei, vào hai tháng sau đó, ghi chú: Hiện tại thiết bị đã được chuyển đến Tehran và chờ thông quan.
Mặc dù vậy, liên tục trong nhiều năm qua, Huawei luôn bác bỏ cáo buộc của Mỹ và phương Tây rằng họ dính líu tới Teheran và vi phạm các lệnh trừng phạt quốc tế đối với giới cầm quyền Iran.
https://www.dkn.tv/the-gioi/diem-tin-the-gioi-sang-3-3-lanh-dao-thuong-vien-my-muon-som-thong-qua-luat-ve-ncov.html
Điểm tin thế giới chiều 3/3:
Tổng thống Hàn Quốc tuyên bố
cuộc chiến chống dịch COVID-19
Hải LamMục Điểm tin thế giới chiều thứ Ba (3/3) của Đại Kỷ Nguyên xin gửi tới bạn đọc những tin sau:
Tổng thống Hàn Quốc tuyên bố cuộc chiến chống dịch COVID-19
Yonhap cho hay, Tổng thống Moon Jae-in hôm nay tuyên bố Hàn Quốc bước vào cuộc chiến chống COVID-19, yêu cầu các cơ quan chính phủ “trực chiến” 24/24.
“Cuộc khủng hoảng ở Daegu và tỉnh Bắc Gyeongsang đã đạt đến đỉnh điểm. Cả nước đã bước vào một cuộc chiến chống lại căn bệnh truyền nhiễm này”, ông Moon Jae-in phát biểu trong cuộc họp với các bộ trưởng và quan chức y tế hàng đầu ở Seoul hôm nay.
Ngoài ra, ông Moon ra lệnh cho mọi cơ quan chính phủ chuyển sang trạng thái “tình huống khẩn cấp 24/24” để tăng cường khả năng sẵn sàng xử lý việc cách ly cũng như các biện pháp liên quan đến kinh tế. Ông cho biết chính phủ Hàn Quốc đã lên kế hoạch bổ sung 25 tỷ USD nhằm đối phó dịch bệnh.
Hàn Quốc chiều nay ghi nhận thêm 374 ca dương tính nCoV, đưa số ca nhiễm mới hôm nay lên 851 và tổng số trên cả nước lên 5.186, trong đó 28 người đã tử vong.
Báo Ý nói Giáo hoàng âm tính với COVID-19
Reuters dẫn tin từ tờ Il Messaggero của Ý đưa tin ngày 3/3 cho biết, Giáo hoàng Francis bị ốm nhẹ và kết quả xét nghiệm cho thấy ngài âm tính với COVID-19.
Người phát ngôn Tòa thánh Matteo Bruni chưa bình luận về thông tin này.
Giáo hoàng Francis tuần trước có biểu hiện “ốm nhẹ” và phải hủy cuộc gặp các tín đồ ở Rome sau khi bị ho và hắt hơi trong buổi Thánh lễ hôm 26/2. Giáo hoàng cũng lên kế hoạch tham gia tuần lễ Mùa Chay với các quan chức cấp cao của Vatican, bắt đầu từ tối 1/3 tại một dinh thự ở phía Nam Rome, nhưng bất ngờ thông báo chỉ theo dõi buổi lễ từ nhà khách của Vatican.
Kim Jong Un giám sát tập trận pháo tầm xa
Truyền thông nhà nước Triều Tiên KCNA hôm nay cho biết ông Kim đã giám sát “cuộc tập trận hỏa lực” của các đơn vị pháo binh tầm xa, một ngày sau khi quan chức cấp cao Hàn Quốc nói rằng nước láng giềng dường như đã bắn hai tên lửa đạn đạo.
Theo KCNA, ông Kim “bày tỏ sự hài lòng với thực tế các pháo thủ sẵn sàng phản ứng nhanh trước mọi tình huống và thực hiện hoàn hảo nhiệm vụ chiến đấu hỏa lực”.
Mỹ từ chối yểm trợ lính Thổ Nhĩ Kỳ ở Syria
Theo Sputnik, Bộ trưởng Quốc phòng Mark Esper hôm 2/3 cho biết, không quân Mỹ sẽ không hỗ trợ lực lượng Thổ Nhĩ Kỳ tham chiến tại tỉnh Idlib, Syria.
Ông Esper cho biết ông đã thảo luận với Ngoại trưởng Mike Pompeo về việc cung cấp viện trợ nhân đạo bổ sung cho dân thường Syria tại Idlib. Ông cũng đã trao đổi với Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg về tình hình ở Syria và cho hay NATO đã sẵn sàng cho bất cứ điều gì xảy ra tại đây.
Giao tranh tại tỉnh Idlib giữa quân đội Thổ Nhĩ Kỳ với quân đội chính phủ Syria leo thang trong những tuần gần đây, khi Damascus phát động chiến dịch quy mô lớn dưới sự yểm trợ của không quân Nga để tái chiếm tỉnh này.
https://www.dkn.tv/the-gioi/diem-tin-the-gioi-chieu-3-3-tong-thong-han-quoc-tuyen-bo-cuoc-chien-chong-dich-covid-19.html
Tạp chí kinh tế
Kinh tế : Những bài học lớn từ một con virus nhỏ
Thanh HàGuồng máy sản xuất đang ngon trớn của thế giới bị chựng lại. Dịch virus corona (Covid-19) làm lộ rõ nhược điểm của mô hình kinh tế toàn cầu hóa, nhưng sẽ là một sai lầm khi nghĩ rằng, dịch viêm phổi chủng mới đang lan rộng trên thế giới lần này sẽ chặn đứng tham vọng của các nhà sản xuất di dời cơ sở đến những “miền đất hứa” lợi nhuận.
Virus corona sẽ giúp Donald Trump thúc đẩy các doanh nghiệp quay trở lại về Mỹ ? Dịch bệnh lần này có “hiệu quả” hơn các chương trình “Choose France” hay “Made in France” quảng bá cho hình ảnh của nước Pháp trong mắt các nhà đầu tư Pháp và các nước bạn ?
Các ngân hàng trung ương trên thế giới lần lượt tuyên bố hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua thử thách do dịch Covid-19 gây nên. Bộ trưởng 7 nền công nghiệp phát triển nhất thế giới, khối G7, họp bàn về tác động của Covid-19 đối với kinh tế toàn cầu và những biện pháp hỗ trợ kinh tế.
Virus corona làm lộ rõ nhược điểm của kinh tế thế giới : lệ thuộc quá nhiều vào Trung Quốc, vào các nhà sản xuất ở phương xa mà quên mất rằng chuỗi cung ứng có thể bị “động” vì những yếu tố bất ngờ. Những yếu tố bất ngờ đó có thể là dịch bệnh như lần này, hay do xung đột địa chính trị, gây xáo trộn các trục giao thông, trên biển, trên bộ và trên không.
Nhìn từ góc độ vi mô, với Covid-19, dây chuyền sản xuất của hầu hết mọi ngành nghề đều bị đe dọa gián đoạn. Chỉ cần các nhà máy ở tận Vũ Hán đóng cửa trong nhiều tuần lễ cũng đủ để nhân viên hãng xe Ý Fiat-Chrysler đặt tại Kragujevac, miền trung Serbia phải nghỉ việc bất đắc dĩ. Dịch Covid-19 hoành hành tại Trung Quốc khiến các nhà máy sản xuất sốt cà chua nổi tiếng của Ý không có hàng để phân phối cho các siêu thị Pháp.
Các hãng dược phẩm tên tuổi của Âu, Mỹ đang lo thiếu các hoạt chất nhập khẩu từ Trung Quốc để chế tạo những loại thuốc cần thiết nhất trong đời sống hàng ngày, từ thuốc chữa bệnh tiểu đường đến thuốc điều trị về tim mạch, thuốc chống trầm cảm … Không chỉ có nhà bào chế của châu Âu hay Hoa Kỳ lo lắng vì đã “khoán trắng” cho các tập đoàn Trung Quốc sản xuất các hoạt chất cần thiết cho bào chế thuốc, mà cả Ấn Độ, một nguồn cung cấp thuốc quan trọng khác của thế giới, cũng phải nhập khẩu đến 80 % các hoạt chất “made in China”.
Dẹp bỏ các nhà kho chứa hàng
Câu hỏi đặt ra là vì sao ngay từ khi dịch bệnh còn khoanh vùng tại Hoa lục, các công ty lớn nhỏ từ Âu sang Á đều dự báo mức sản xuất sụt giảm trong những tháng tới ? Câu trả lời khá đơn giản. Trong thế giới mở rộng, dây chuyền sản xuất đã được quốc tế hóa. Thí dụ như những thiết bị phụ tùng cho phép sản xuất ra từ chiếc điện thoại thông minh, đến động cơ của máy bay Airbus hay Boeing đều được nhập từ khắp mọi nơi. Xe ô tô điện của Pháp, của Nhật hay của Mỹ dùng các bình điện của Trung Quốc.
Trong cuộc chạy đua tìm lợi nhuận và cắt giảm tối đa các chi phí sản xuất, các doanh nghiệp đã dẹp bớt rất nhiều các nhà kho. Thậm chí một số công ty còn chủ trương là không cần phải thuê đất dựng bãi kho ở gần các nhà máy, bởi vì quản lý các nhà kho vừa tốn chỗ, vừa tốn kém trong lúc trên nguyên tắc, hàng vẫn được cung cấp đều đặn. Hệ quả kèm theo là khi Trung Quốc “ho“, các cơ sở sản xuất của Âu, Mỹ thiếu nguyên liệu để hoạt động.
Chính vì muốn biến Trung Quốc thành “nhà kho” mà thành phố Vũ Hán mới chỉ bị bế quan toả cảng trong vòng 2 tuần lễ đầu, tập đoàn xe hơi Hyundai ở Hàn Quốc đã phải tạm cho nhân viên nghỉ việc vì không được cung cấp đúng thời hạn các phụ tùng xe hơi. Khi dịch viêm phổi vừa bùng phát tại Trung Quốc, hãng điện thoại Apple ở mãi tận Cupertino, bang California đã vội vàng thông báo, số lượng điện thoại bán ra trong quý I năm 2020 giảm từ 5 đến 10 %.
Ngưỡng tử vong hơn 3.100 người và trên 90.000 ca lây nhiễm virus corona trên toàn thế giới cũng đủ để các cơ quan tài chính đa quốc gia nêu lên “tình trạng khẩn cấp về kinh tế“. Trên thị trường tài chính, tuần lễ cuối của tháng 2/2020, các chỉ số chứng khoán rơi xuống mức thấp nhất kể từ khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008-2009 và 42 tỷ đô la bốc hơi. Trả lời đài RFI tiếng Việt, Eric Chaney, cố vấn kinh tế viện nghiên cứu Montaigne Paris giải thích về hiện tượng hoảng hốt này :
“Cỗ máy sản xuất tại Trung Quốc đã bị chựng lại vì mục tiêu ngăn chận virus corona lây lan. Kinh tế qua đó bị đình trệ. Vấn đề đặt ra là ngày nay, với GDP gần bằng 20 % của địa cầu, Trung Quốc đã chiếm một vị trí rất quan trọng trên bàn cờ thế giới. Trung Quốc là một nguồn nhập khẩu lớn của thế giới, là một khách hàng không thể thiếu của châu Âu, Mỹ hay Úc. Thành thử các quốc gia này cũng bị vạ lây. Với tình trạng hiện nay, tăng trưởng của Trung Quốc trong quý I năm nay sẽ bị giảm ít nhất là 2 %. Trong trường hợp khả quan nhất, phải đợi đến quý tới cỗ máy sản xuất mới hoạt động lại bình thường. Nhìn rộng ra cả năm, tổng sản phẩm đội địa của nước này có thể sụt giảm tối thiểu là từ 2 đến 3 điểm. Còn thế giới thì sẽ mất đi khoảng 0,5 điểm GDP vì virus corona”.
Báo động về mức độ lệ thuộc vào Trung Quốc
40 % hàng dệt may của thế giới do Trung Quốc xuất khẩu; hơn 1/4 đồ nội thất cũng do Trung Quốc làm ra. Về viễn thông, 25 % cáp quang sử dụng trên thế giới được sản xuất ngay tại thành phố Vũ Hán, 95 % động cơ xe hơi điện sản xuất tại Trung Quốc, trên dưới 85 % pin điện mặt trời cũng do Trung Quốc tạo ra, trong lúc Pháp, Đức đều đã làm chủ công nghệ này từ trước nhưng không thể cạnh tranh nổi với nhân công rẻ của nước đông dân nhất địa cầu.
Chuyên gia Eric Chaney giải thích thêm virus corona đang làm lộ rõ những bất cập cụ thể của mô hình kinh tế toàn cầu hóa quá đã đi quá xa và cái giá phải trả :
“Kể từ khi Bắc Kinh gia nhập Tổ Chức Thương Mại Thế Giới đầu những năm 2000, đã có rất nhiều doanh nghiệp di dời cơ sở sản xuất sang Trung Quốc. Là một thị trường lớn, có nhân công rẻ và một mô hình kinh tế có hiệu quả, chọn Trung Quốc là tính toán rất khôn ngoan. Tuy nhiên chiến tranh thương mại Mỹ- Trung từ năm 2017 đã bắt đầu buộc giới đầu tư phải suy tính lại. Dịch Covid-19 có lẽ lại càng thôi thúc các chủ doanh nghiệp phải cân nhắc kỹ hơn cái được, cái thua trong quyết định đi tìm những địa bàn có nhân công rẻ để giảm giá thành. Dịch bệnh tại Trung Quốc lần này cho thấy, chúng ta cũng phải trả giá cho mô hình toàn cầu hóa đó, và đôi khi đó là cái giá mà chung ta không lường trước được. Rất có thể là với kinh nghiệm lần này, các doanh nghiệp sẽ phải tính tới chuyện thu hẹp khoảng cách về địa lý giữa các nhà máy và người tiêu dùng”.
Phương Tây lạm dụng công xưởng của thế giới ?
Thảm họa sóng thần Nhật Bản năm 2011 và đợt lũ lụt kéo dài trong nhiều tuần lễ tại miền bắc Thái Lan cùng năm, từng làm xáo trộn dây chuyền sản xuất của một số công ty trên thế giới. Gần đây hơn, từ cuối năm 2017 chiến tranh thương mại Mỹ- Trung do tổng thống Donald Trump khơi mào đã khiến một số công ty chuyển hướng đầu tư quay trở về nguyên quán, hoặc đi tìm những địa bàn mới, gần với các nhà máy sản xuất, gần với thị trường tiêu dùng chính của mình hơn.
Tại Hoa Kỳ, một trong những yếu tố khiến nhà tỷ phú New York Donald Trump đắc cử năm 2016 là cam kết “làm sống lại những vùng công nghiệp” của Mỹ với khẩu hiệu “America First“. Tại châu Âu, các làn sóng dân túy tràn lên từ uất hận của một phần công luận trước hiện tượng các nhà máy liên tục đóng cửa, công ty mẹ dời cơ sở sản xuất đến những vùng có nhân công rẻ, ít bị ràng buộc vì luật lao động hay các chuẩn mực môi trường.
Không chỉ trong ngành công nghiệp, mà ngay cả một số dịch vụ cũng đã di dời cơ sở sang những miền “đất hứa“. Thí dụ như một người Pháp liên lạc với ngân hàng qua điện thoại, đầu dây bên kia được đặt mãi ở tận Tunisia, Maroc hay thậm chí là Ấn Độ !
Ảo vọng nếu cho rằng Covid-19 khai tử mô hình kinh tế toàn cầu
Trở lại với khu vực sản xuất, câu hỏi đặt ra là liệu sau kinh nghiệm lần này, khi mà dây chuyền của thế giới bị đe dọa gián đoạn, các công ty có xem Covid-19 như một khúc quanh và tính tới khả năng giảm bớt mức độ lệ thuộc vào Trung Quốc hay không ? Theo chuyên gia Eric Chaney, viện nghiên cứu Montaigne – Paris, câu trả lời là Không. Ông giải thích :
“Theo tôi, chúng ta đã trông thấy khúc quanh từ thời điểm 2017, có điều để nói một cách ví von, các khúc ngoặt ngày càng gắt thành thử ta phải bẻ tay lái nhanh hơn. Ngay từ cuối 2017 chính quyền Trump đã lao vào cuộc đọ sức thương mại với Trung Quốc. Châu Âu ý thức được về một số giới hạn trong việc trao đổi với Trung Quốc. Do vậy nhiều doanh nghiệp đã bắt đầu rà soát lại mô hình sản xuất và đã bắt đầu tái di dời sản xuất – thí dụ như một vài doanh nghiệp Mỹ đã từ Mêhicô trở lại về Hoa Kỳ. Covid-19 lại càng làm lộ rõ những thiếu sót của mô hình kinh tế toàn cầu. Rất có thể là nhịp độ phi toàn cầu hóa sẽ tăng mạnh hơn với khủng hoảng lần này (..)
Đây sẽ là giai đoạn để bố trí lại các chính sách phát triển của các doanh nghiệp, giảm vốn đầu tư vào Trung Quốc để chuyển hướng đi nơi khác với những lý do có thể là không liên quan gì đến virus corona cả. Phương Tây thận trọng trước các vụ cưỡng ép chuyển giao công nghệ, trước mô hình quản lý thiếu minh bạch và cạnh tranh bất bình đẳng của Trung Quốc.
Bản thân Trung Quốc cũng sẽ giảm các dự án vào châu Âu hay Mỹ. Thực ra, Trung Quốc không còn lệ thuộc vào đầu tư trực tiếp nước ngoài như hồi đầu những năm 2000 nữa. Bắc Kinh đã phát triển những công nghệ riêng và những nghiên cứu khoa học riêng. Tuy nhiên, sẽ hoàn toàn không có chuyện phương Tây đột nhiên đóng cửa với Trung Quốc”.
Bốn bài học của virus corona
Bài học thứ nhất từ dịch Covid-19 lần này là từ lâu nay, thế giới đã “ỷ lại” vào Trung Quốc, tin tưởng vào sức mạnh sản xuất của nước đông dân nhất địa cầu. Mức độ tin tưởng đó cao đến nỗi trong vài thập niên, ông khổng lồ châu Á này vừa là hầu bao của thiên hạ, vừa là nguồn tiêu thụ vừa là nhà cung ứng “nuôi” cả thế giới.
Bài học thứ nhì virus corona đang đem lại là trên con đường đi tìm lợi nhuận, các hãng xưởng, bất luận đông hay tây, đã trông thấy nguồn nhân lực dồi dào và rẻ của Trung Quốc, thấy thị trường rộng lớn 1,4 tỷ dân, trông thấy lợi thế khi các nhà máy tại Trung Quốc hoạt động hết công sức nhả khói gây ô nhiễm cho môi trường và không khí hay sông ngòi bị ô nhiễm đó thì dân Trung Quốc hứng chịu. Có điều, chuỗi cung ứng đó cũng có những lỗ hổng, và có thể bị một con virus nhỏ đe dọa.
Điểm thứ ba là mâu thuẫn trong mục tiêu chống biến đổi khí hậu mà nhiều nước phương Tây đang trên tuyến đầu. Thế giới đề ra mục tiêu giảm hiệu ứng nhà kính làm hâm nóng bầu khí quyển, mà không nghĩ đến chuyện giới hạn những chuyến tàu chở hàng, đi cả vòng trái đất để đưa hàng Trung Quốc đến tay người tiêu dùng ở bên kia địa cầu.
Bài học thứ tư là vào thời điểm này, Bắc Kinh đang lo sợ dịch bệnh càng kéo dài, uy tín của Trung Quốc trong mắt các nhà đầu tư càng mai một. Tuy nhiên cầm chắc là một khi Covid-19 chìm vào quá khứ thì mọi việc đâu sẽ hoàn đấy : không còn mấy ai nói đến một mô hình kinh tế “phi quốc tế hóa” hay “phi toàn cầu hóa“, bởi vì giới tư bản luôn có những sáng kiến trên con đường đi tìm lợi nhuận.
Vả lại nếu Trung Quốc không còn được xem là một bãi đáp an toàn, thì các doanh nghiệp quốc tế sẽ đi tìm những bãi đáp mới. Cũng có không ít các quốc gia đang phát triển muốn được trở thành “công xưởng của thế giới” như con đường mà Trung Quốc đã đi qua.
http://www.rfi.fr/vi/ch%C3%A2u-%C3%A1/20200303-kinh-t%E1%BA%BF-nh%E1%BB%AFng-b%C3%A0i-h%E1%BB%8Dc-l%E1%BB%9Bn-t%E1%BB%AB-m%E1%BB%99t-virus-nh%E1%BB%8F
0 comments