Hải Ngoại Ngày Nay


LIÊN KẾT HẢI NGOẠI YỂM TRỢ QUỐC NỘI ĐẤU TRANH

GIẢI THỂ CHẾ ĐỘ ĐỘC TÀI VIỆT CỘNG

GIẢi TRỪ HIỂM HỌA XÂM LĂNG TRUNG CỘNG

Tin Việt Nam – 05/02/2020

Wednesday, February 5, 2020 5:51:00 PM // ,

Tin Việt Nam – 05/02/2020
Tin trong nước

Ninh Thuận nắng nóng đến mức

hoa màu bỗng dưng bốc cháy

Minh Trân/tuoitre
Tin Vietnam.- Báo Tuổi trẻ ngày 4 tháng 2 năm 2020 loan tin, tình hình khô hạn trên địa bàn huyện Thuận Nam, và một phần huyện Ninh Phước của tỉnh Ninh Thuận đang ngày càng gay gắt. ông Phạm Văn Minh, một nông dân ở huyện Thuận Nam cho biết, thời tiết khô hạn kéo dài, nước trên kênh cạn khô khiến cây ăn trái của nhà ông chết khô, 30ha đậu ván cũng bỗng dưng phát hoả cháy rụi khiến những cây ăn trái khác cũng bị cháy theo.
Nhìn những cây trồng bị cháy, gia đình ông Minh chỉ biết đứng nhìn vì không có nước để dập tắt. Ông Quách Tấn Phong, viên chức nông nghiệp xã Nhị Hà, huyện Thuận Nam cho biết, trên địa bàn xã có 1,200ha đất sản xuất nông nghiệp, nhưng do nắng nóng, khô hạn kéo dài nên gần 1 nửa diện tích đã phải dừng sản xuất lúa trong 2 vụ qua. Ông Đặng Kim Cương, Phó giám đốc sở Nông nghiệp- Phát triển nông thôn tỉnh Ninh Thuận cho biết, dung tích 21 hồ chứa nước trên toàn tỉnh này có 194.49 triệu m3 nhưng nay chỉ còn 67 triệu. Trong một diễn biến tương tự, tình trạng xâm nhập mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long đang ở mức độ nghiêm trọng, và nặng hơn so với trung bình nhiều năm trước.
Trong đó tỉnh Bến Tre được xem là nơi đang bị xâm nhập mặn rất nặng, độ mặn gần như đã bao trùm toàn tỉnh Bến Tre. Tình trạng này kéo dài sẽ ảnh hưởng rất lớn đến việc sản xuất lúa của khu vực này nói riêng, và tình trạng an ninh lương thực nói chung của người dân Việt Nam.
An Nhiên
https://www.sbtn.tv/ninh-thuan-nang-nong-den-muc-hoa-mau-bong-dung-boc-chay/

Đề nghị tăng mức phạt tối đa

trong Luật Xử lý vi phạm hành chính

Chính phủ Hà Nội đề xuất tăng mức phạt tối đa có thể lên đến 750 triệu đồng đối với những vi phạm trong các lĩnh vực về giao thông, khám chữa bệnh, thiết bị y tế… Báo trong nước loan tin ngày 5/2, trích nội dung phiên họp thứ 26 của Ủy ban Pháp luật Quốc hội về việc thẩm tra dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính.
Theo Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đặng Hoàng Oanh, sau 6 năm triển khai, Luật đã phát sinh một số vướng mắc, bất cập lớn nên phải sửa đổi, bổ sung. Đặc biệt, theo bà Oanh, mức phạt tiền tối đa trong một số lĩnh vực hiện nay còn quá thấp, thiếu tính răn đe. Ngoài ra, các quy định liên quan đến trình tự, thủ tục áp dụng biện pháp xử lý hành chính còn rườm rà, nhiều quy định chưa thống nhất, một số quy định thiếu tính khả thi.
Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung nội dung của 52/142 điều, sửa kỹ thuật 12/142 điều, bổ sung mới 2 điều và bãi bỏ nội dung liên quan đến 5 điều trong Luật Xử lý vi phạm hành chính.
Cụ thể, dự thảo Luật sửa đổi lần này quy định tăng mức phạt tối đa trong một số lĩnh vực như giao thông đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa lên đến 750 triệu đồng; các hành vi vi phạm trong khám bệnh dược, trang thiết bị y tế… lên đến 100 triệu đồng. Trong khi đó, những vi phạm pháp luật liên quan đến việc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, sản xuất, buôn bán hàng cấm, hàng giả có mức phạt tiền cao nhất lên đến 200 triệu đồng.
Phó chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Trường Giang cho rằng mức phạt tiền tối đa trong các lĩnh vực hiện nay đã cao hơn khá nhiều mức tối thiểu của khung hình phạt tiền được Bộ Luật hình sự quy định.
Phát biểu tại phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu khẳng định việc sửa đổi, bổ sung Luật hiện hành cần hướng đến khắc khục những hạn chế, vướng mắc đã thấy rõ trong 6 năm thực hiện vừa qua, đồng thời đáp ứng đầy đủ yêu cầu phòng, chống vi phạm hành chính trong thời gian tới.
https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/proposal-to-maximize-fines-in-law-on-handling-administrative-violations-02052020072145.html

Ông Nguyễn Bắc Son và các bị cáo khác kháng cáo

Cựu Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Bắc Son cùng 10 bị cáo khác, liên quan thương vụ MobiFone mua 95% cổ phần Công ty Nghe nhìn Toàn cầu (AVG), vừa nộp đơn kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt.
Tòa án Nhân dân Hà Nội cho báo chí trong nước biết thông tin vừa nói hôm 5/2/2020, và cho biết thêm, cựu Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Trương Minh Tuấn, ông Phạm Đình Trọng và ông Phạm Nhật Vũ không kháng án.
Cụ thể trong đơn kháng cáo, ông Nguyễn Bắc Son cho rằng tòa tuyên tổng hình phạt chung thân về 2 tội là quá nặng, đề nghị cấp phúc thẩm khi xét xử được giảm nhẹ hình phạt. Hai tội mà ông Nguyễn Bắc Son bị cáo buộc là ‘nhận hối lộ’ và ‘vi phạm các qui định về quản lý đầu tư, sử dụng vốn công gây hậu quả nghiêm trọng’.
Ông Son cũng cho biết đã tự khai nhận hành vi nhận hối lộ và gia đình đã khắc phục hết số tiền 3 triệu USD nhận từ Phạm Nhật Vũ.
Mười bị cáo khác cùng đề nghị tòa phúc thẩm xem xét khoan hồng, giảm nhẹ hình phạt. Tuy nhiên, không ai cho rằng không có tội.
Trước đó, tòa sơ thẩm xác định năm 2015, MobiFone thực hiện dự án đầu tư dịch vụ truyền hình bằng cách mua 95% cổ phần (AVG) với số tiền 8.900 tỷ đồng. Đây là dự án thuộc thẩm quyền của Thủ tướng quyết định chủ trương đầu tư. Tuy nhiên, khi Thủ tướng chưa quyết định, ông Son đã giao Thứ trưởng Trương Minh Tuấn lúc đó ký quyết định phê duyệt dự án.
Các bị cáo này bị cáo buộc đã có hành vi vi phạm pháp luật trong việc đề xuất dự án đầu tư, đánh giá tài chính AVG, gây thiệt hại 6.500 tỷ đồng.
Sau khi thương vụ hoàn tất, cựu Chủ tịch AVG là Phạm Nhật Vũ đã đưa cho Nguyễn Bắc Son 3 triệu USD; Lê Nam Trà 2,5 triệu USD; Cao Duy Hải 500 ngàn USD và Trương Minh Tuấn 200 ngàn USD.
https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/former-minister-of-information-communication-nguyen-bac-son-and-10-others-appealed-02052020084113.html

Vụ Đồng Tâm: Nhân sĩ Việt Nam

gửi thư đến Tổng Thư ký LHQ kêu gọi can thiệp

Bốn vị nhân sĩ trí thức Việt Nam trong Câu lạc bộ Lê Hiếu Đằng vừa gửi thư đến Tổng Thư ký Liên Hiệp Quốc (LHQ) kêu gọi sự can thiệp trong vụ việc Đồng Tâm, sau khi đã gửi thư đến lãnh đạo Việt Nam vào hôm 22/1 với yêu cầu minh bạch thông tin về vụ việc này cho dư luận trong và ngoài nước.
Giáo sư Tương Lai, một trong 4 vị soạn thảo thư gửi đến Tổng Thư ký LHQ António Guterres, vào tối ngày 4/2 dành cho RFA một cuộc phỏng vắn xoay quanh thông tin vừa nêu.
Trước hết, Giáo sư Tương Lai cho biết về sự trông đợi phản hồi của lãnh đạo Việt Nam đối với lá thư mà 4 vị nhân sĩ đã gửi đi:
Giáo sư Tương Lai: Cho đến hiện nay, chúng tôi chưa hề nhận được bất cứ phản hồi nào và điều này chúng tôi cũng dự tính trước. Thông thường, những loại thư kiến nghị, thư ngỏ…để thể hiện một cách trung thực và công khai, minh bạch ý kiến của công dân, ý kiến của những người trí thức nặng lòng vì đất nước, vì nhân dân nhưng lại trái tai hay không thuận theo chủ trương, đường lối những nhà cầm quyền hiện nay thì thường chúng tôi không hề nhận được những phản hồi. Điều này thì tôi không lạ
Nhưng vì sao biết như thế mà chúng tôi vẫn làm? Vì dù muốn hay không, dù chỉ có một phần trăm tia hy vọng là thư đến được những người lãnh đạo thì chúng tôi vẫn làm. Chính yếu không phải chỉ là để gửi đến những người lãnh đạo, mà là muốn thể hiện ý chí của chúng tôi, những người ý thức yêu nước. Vì vậy, chúng tôi không thể nào ngồi yên trước một nỗi đau quá lớn và chúng tôi buộc phải viết thư đó.
RFA: Trong lá thư gửi cho lãnh đạo Việt Nam, bốn quý vị cũng cho biết là sẽ gửi thư đến LHQ. Việc này được thực hiện hay chưa, thưa Giáo sư?
Giáo sư Tương Lai: Theo đúng như những gì chúng tôi đã nói rõ trong thư gửi Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội và Thủ tướng Chính phủ Việt Nam là chúng tôi chờ đợi sự phản hồi để chúng tôi sẽ có thư đến vị đại diện của Việt Nam đang giữ trọng trách Ủy viên Không Thường trực tại Hội đồng Bảo an LHQ nhiệm kỳ 2020-2021 và nhờ ông Đại sứ Việt Nam ấy chuyển cho ngài Tổng Thư ký LHQ António Guterres.
Sau khi lá thư của chúng tôi gửi cho lãnh đạo Việt Nam không nhận được bất cứ phản hồi nào thì chúng tôi đã tiến hành gửi bức thư đó, đề ngày 31/1/20 nhưng cũng phải đến ngày 1/2/20, chúng tôi mới chuyển được cho Bộ Ngoại giao Việt Nam.
RFA: Lá thư gửi đến Tổng Thư ký LHQ có những nội dung chính đáng lưu ý nào?
Giáo sư Tương Lai: Nội dung trong thư gửi cho Tổng Thư ký LHQ thì cũng là phản ánh những yêu cầu mà chúng tôi từng nêu lên trong thư gửi cho lãnh đạo Việt Nam. Trong lá thư đó, chúng tôi nêu ra 4 câu hỏi:
-Ai đã hạ lệnh tiến hành tập kích vào nhà dân lúc mờ sáng, dùng súng bắn vào dân, hạ sát cụ lão nông Lê Đình Kình ngay trên giường?
-Tại sao không đưa xét xử trước tòa án một cụ già 80 tuổi đời, 50 tuổi Đảng, chưa hề bị kỷ luật bao giờ cả, theo quy định của Hiến pháp và pháp luật mà lại dùng bạo lực tập kích vào đêm khuya?
-Khi ông Chủ tịch nước, sau một ngày xảy ra sự kiện Đồng Tâm, truy tặng cho 3 cán bộ, chiến sĩ có công trạng đặc biệt Huân chương Chiến công hạng Nhất thì chúng tôi chất vấn rằng cần công bố thật minh bạch, công khai cho nhân dân cả nước biết họ đã lập chiến công như thế nào, ở đâu và hành động gọi là can đảm, dũng cảm ấy như thế nào?
-Và khi chưa có một tòa án xét xử tội phạm đã bị bắt chết thì cần ngừng ngay những lời vu khống, thóa mạ người bị hạ sát một cách dã man và hết sức bất minh đang được tiến hành rộng khắp trên các phương tiện truyền thông, báo chí cả nước.
Cả 4 yêu cầu này không hề được lãnh đạo Việt Nam phúc đáp. Thậm chí tất cả những điều đó cho đến hiện nay vẫn là một ẩn số hết sức mù mờ. Chẳng những thế, họ còn tiếp tục vu khống cho người bị hại là khủng bố, là tội phạm và dùng tất cả những từ xấu xa nhất mà có thể dùng được để vu khống họ.
Chính vì thế, chúng tôi gửi thư đến cho ông Tổng Thư ký LHQ có tóm tắt sơ bộ nội dung sự việc và chúng tôi nói rằng nạn nhân thảm khốc của vụ giết người mang rợ đã được gia đình đưa đi khâm liệm và chôn cất và nhân dân ở thôn Hoành, xã Đồng Tâm đã chít khăn tang đưa tiễn người mà họ từng tôn kính và khâm phục vì quá trình cống hiến cho đất nước, luôn bền bỉ đấu tranh cho quê hương, giữ gìn mảnh đất thấm máu và mồ hôi ông cha không cho thế lực đen tối dùng bạo lực và lừa mỵ để cướp bằng được bất chấp sự kiên trì tranh luận, thuyết phục một cách ôn hoà của cụ lão nông Lê Đình Kình và những đồng sự.
Trong thư gửi cho Tổng Thư ký LHQ, chúng tôi đã viết là “Mong Ngài Tổng Thư ký LHQ có tiếng nói kịp thời để ngăn chặn giải pháp tàn bạo của một nhà nước vừa được đảm nhận vai trò Uỷ viên Không Thường trực của Hội đồng Bảo an LHQ nhiệm kỳ 2020-202”. Tại phần cuối bức thư, chúng tôi nhắc lại một điều sự kiện bạo lực thảm khốc mà chúng tôi vừa tố cáo đang hủy hoại nền tảng văn hóa của đất nước chúng tôi, làm băng hoại truyền thống dân tộc chúng tôi. Đó là lý do khiến chúng tôi phải đau đớn và thiết tha gửi đến Ngài Tổng Thư ký lời khẩn cầu cấp bách tiến hành một cuộc nghiên cứu độc lập và trung thực của một tổ chức quốc tế rất có uy tín là LHQ.
RFA: Là một người theo dõi sát thời cuộc ở Việt Nam, Giaso sư nhận định những hậu quả nào trong trường hợp lãnh đạo Việt Nam không minh bạch hóa vụ việc ở Đồng Tâm xảy ra hôm 9/1/20?
Giáo sư Tương Lai: Thực ra mà nói hiện nay các nhà cầm quyền và trong các thế lực cầm quyền, trong cả bộ máy quyền lực này theo tôi suy đoán thì không phải người ta nhất trí hoàn toàn với giải pháp mà ông Nguyễn Phú Trọng đưa ra và ngay sau đó ông Trọng ký lệnh trao tặng Huân chương Chiến công. Điều đó là một cách khẳng định rằng ông Trọng xác nhận vụ sát hại cụ Lê Đình Kình là chủ trương do ông Trọng đưa ra và vì vậy ông Trọng phải ngay lập tức truy tặng Huân chương Chiến công hạng Nhất. Điều đó là thanh thiên bạch nhật, không chối cãi vào đâu được cả.
Thế nhưng trong công luận, người ta cho rằng ở đây đang còn rất phức tạp. Phải nói rằng không có một đòn tấn công nào mà lại khủng khiếp đến như vậy vào uy tín của Đảng, của Nhà nước Việt Nam do ông Nguyễn Phú Trọng đứng đầu. Cho nên theo tôi dù bây giờ ông Trọng muốn nói gì thì nói, tuy nhiên trong công luận cho rằng ông Trọng bị sập bẫy hay bị ông nào đó cài bẫy, cũng có thể bởi vì chuyện đấu đá trước Đại hội Đảng XIII trong cuộc tranh giành quyền lực giữa những nhóm lợi ích đang ở vào hồi cực kỳ gay cấn.
Người ta cho rằng đây là một cụộc sát hại, thực hiện một chủ trương bạo lực vi phạm Hiến pháp và pháp luật một cách trắng trợn lại đúng vào dịp Tết cổ truyền và lại đúng vào dịp đang kỷ niệm 90 năm ngày thành lập cái đảng của các ông ấy. Chính vì vậy càng gây phẫn nộ trong dân và chưa bao giờ sức phẫn nộ ấy lại lên đến như thế.
Tuy là hiện nay vụ việc Đồng Tâm đang tạm thời bị loãng đi vì dịch bệnh coronavirus nhưng vấn đề sự kiện sát hại ở Đồng Tâm vẫn còn nguyên vẹn ở đó. Và, nếu các ông càng lấp liếm, các ông càng lừa mỵ thì các ông càng mất uy tín. Khi một nhà nước, khi một chính quyền mà dân không tin thì chúng ta hiểu là họ đứng trước một nguy cơ như thế nào. Tự họ biết điều này!
Việc hay nhất bây giờ là minh bạch hóa mọi vấn đề ra và căn cứ vào Hiến pháp và pháp luật, xử lý một cách công khai và minh bạch. Có như vậy thì may ra mới lấy lại được niềm tin của dân!
RFA: Cảm ơn Giáo sư Tương Lai dành thời gian cho cuộc phỏng vấn này với Đài Á Châu Tự Do.
https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/vn-intellectuals-calls-un-for-urgent-investigating-the-attack-dongtam-02042020124747.html

Tựa đề ví Đảng Cộng sản VN là dân tộc gây xôn xao dư luận

Tựa đề một bài trên báo Việt Nam của tác giả Nhị Lê, nói Đảng Cộng sản “tự mình ngày càng xứng đáng trở thành dân tộc” đã gây ra nhiều bàn tán trên mạng xã hội nước này.
Bài viết nhân 90 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (03/02/1930-2020) thực ra là để nói về nhu cầu về gần với nhân dân của đảng cầm quyền.
Đoạn dẫn nhập bài có câu nói đến tính cấp bách của thời điểm hiện nay – “chưa bao giờ như bây giờ”, với đảng cầm quyền, “lòng dân phải được nâng niu, chăm bẵm và tôn vinh vô bờ thì mới có thể nói về việc tiếp tục xây dựng Đảng ta đạo đức, văn minh”.
Đảng viên cộng sản ở VN bị cấm rất nhiều thứ
An ninh công an VN: “Thanh bảo kiếm liệu có bị mẻ cùn”?
Đảng Cộng sản VN: 90 năm là dịp để ban hành luật về đảng?
Tác giả cũng coi ‘lòng dân’ là tiêu chí để đánh giá, “Nhà nước ta vững mạnh và liêm chính, Đất nước Việt Nam độc lập và hùng cường”.
Nói một cách khái quát, Đảng phải tự mình không ngừng trở thành dân tộc.”
Theo dòng ‘tự phê bình’, ông Nhị Lê nêu ra một số vấn đề nghiêm trọng trong Đảng CS VN mà ông quy về phạm trù đạo đức:
“Cần nhấn mạnh rằng, tham nhũng hay nói cách khác là nạn ăn cắp, chính là sự phi đạo đức khủng khiếp và tệ hại. Bé thì ăn cắp vặt, to thì đục khoét quốc khố cả ngàn tỷ đồng; táng tận lương tâm thì “đạo danh”, “đạo vị”, tức ăn cắp chức vụ, ăn cắp “ghế ngồi”, danh vị; và nguy hiểm nhất là “đạo tâm” – ăn cắp lòng tin.”
Ông cũng nêu lại nhu cầu để Đảng cộng sản Việt Nam hoạt động trong khuôn khổ pháp luật, vấn đề một số nhân sĩ ngoài đảng đã nêu:
“Đảng là tổ chức chính trị, phải lấy pháp luật là thượng tôn trong toàn bộ hoạt động của mình, dù ở bất cứ cấp nào.”
Bị cho là ‘tối nghĩa’
Tuy thế, tựa đề của cả bài “Đảng tự mình ngày càng xứng đáng trở thành dân tộc” theo bản trên báo Đầu Tư bị một số ý kiến cho là “tối nghĩa” hoặc “sai “ngữ pháp”.
VN: Đảng viên cộng sản và ‘bàn tay nhúng chàm’
VN: Không để ‘lươn chạch’ chui vào bộ máy
Ra mắt sách 600 trang về TBT Nguyễn Phú Trọng
Có ý kiến nói tác giả Nhị Lê, nguyên Phó Tổng Biên tập tạp chí Cộng Sản, đã “hiểu sai ý của Friedrich Engels và Karl Marx trong Tuyên ngôn Cộng sản (1888).
Tác phẩm này viết về vai trò của Đảng Cộng sản là “tự vươn lên thành lực lượng chủ đạo trong dân tộc”, chứ không bao giờ lại “thành dân tộc”.
Dù vậy, có vẻ như bài của ông Nhị Lê cũng giải thích ý này trong phần sau, rằng cần “giữ đạo đức của một đảng cách mạng, dẫn dắt dân tộc”.
Cũng có ý kiến như của Ngoc Nguyen Van trên Facebook viết rằng tựa đề này sẽ dẫn tới hai cách hiểu:
“Thứ nhất, dân tộc đang bị đảng hóa. Thứ hai: người viết chả hiểu thế nào là dân tộc, thế nào là một đảng chính trị…”
Có người thì đùa trên Facebook rằng “Trong đại gia đình các dân tộc VN, giờ Đảng tộc đông chỉ sau mỗi Kinh tộc”.
Bạn Nguyễn Hiệu thì viết trên Facebbook của BBC News Tiếng Việt:
“Nói chung là không hiểu gì? Vậy người không đảng không phải dân tộc hay sao. Lại nữa, thế từ trước đến giờ Đảng là gì mà bây giờ mới ngày càng xứng đáng??? Ôi đau đầu quá.”
Duclong Hoang nêu ý kiến:
“…Cho Đảng là dân tộc là việc không đúng cả về khoa học và trong thực tế. Chỉ có những người u mê do bị nhồi sọ mới có những ý kiến viển vông như thế.”
Số lượng và chất lượng
Hiện Đảng Cộng sản Việt Nam có 5,2 triệu đảng viên, trên dân số 96,2 triệu (2019).
Tính trung bình cứ 19 người dân Việt Nam, gồm cả trẻ em, có một đảng viên cộng sản, tổ chức sống bằng ngân sách quốc gia.
Con số chỉ riêng đảng viên CS VN đã gần bằng dân số một số quốc gia châu Âu như Slovakia, Phần Lan.
Tuy thế, tỷ lệ này ở Việt Nam ít hơn Trung Quốc nơi có 90 triệu đảng viên CS trên 1,4 tỷ dân, tức là cứ 15 người dân thì có một đảng viên.
Một bài trên trang Tuyên giáo (02/2019) thừa nhận số lượng đông không nhất thiết phản ánh chất lượng.
“Khi Đảng Cộng sản Việt Nam được thành lập, toàn Đảng chỉ có 310 đảng viên (theo báo cáo của Nguyễn Ái Quốc gửi Quốc tế Cộng sản ngày 18-2-1930).
“Cũng cần nhìn nhận rõ hơn động cơ vào Đảng của một bộ phận đảng viên có phải vì lý tưởng cách mạng của Đảng, vì dân, vì nước hay để có chức quyền, để mưu lợi riêng.”
Từ nhiều năm qua, đảng cộng sản cầm quyền ở Việt Nam vẫn tập trung vào ngoài các biện pháp kỷ luật ‘đức trị’ mang tính nội bộ.
Bài viết của ông Nhị Lê nằm trong dòng tư duy ‘kêu gọi đạo đức’ và mong Đảng tự chỉnh đốn.
Thế nhưng, Việt Nam hiện không có cơ chế độc lập để dân bầu chọn, quyết định việc cầm quyền của đảng viên cộng sản vốn được ưu đãi về chính trị và kinh tế.
Việt Nam cũng chưa có luật về đảng cộng sản và dư luận không được biết tổ chức này hoạt động từ nguồn thu nào và khai thuế ra sao.
https://www.bbc.com/vietnamese/culture-social-51384874

Việt Nam chặn tuyên bố chung của Liên Hiệp Quốc

về người Rohingya ở Myanmar

Việt Nam và Trung Quốc đã chặn một tuyên bố chung của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc về ngăn chặn nạn diệt chủng người Hồi giáo Rohingya ở Myanmar sau cuộc họp của Hội đồng vào hôm thứ Ba, ngày 4/2.
Hãng tin AP trích lời những nhà ngoại giao giấu tên cho biết thông tin này hôm 5/2.
Trước đó, vào ngày 23/1, Tòa  Công lý Quốc tế (ICJ) đã ra phán quyết yêu cầu Myanmar thực hiện tất cả những biện pháp cần thiết để bảo vệ cộng đồng người thiểu số Hồi giáo  Rohingya. Đây là vụ kiện do Gambia đưa ra trước ICJ, cáo buộc chính phủ Myanmar đã vi phạm Công ước chống diệt chủng của Liên Hiệp quốc năm 1948.
Thay vì một tuyên bố chung ở Hội đồng Bảo an, các thành viên của Liên minh Châu Âu (EU) ở Hội đồng đã có một tuyên bố chung thúc giục Myanmar tuân thủ phán quyết của tòa ICJ. Tuyên bố nhấn mạnh việc tuân thủ phán quyết là điều bắt buộc theo luật quốc tế.
Khoảng 700.000 người Rohingya đã phải chạy khỏi Myanmar để sang lánh nạn tại nước láng giềng Bangladesh từ năm 2017 đến nay, sau khi lực lượng an ninh Myanmar tiến hành chiến dịch trấn áp nhắm vào nhóm người thiểu số Hồi giáo này. Hiện có khoảng hơn 1 triệu người tị nạn Rohingya ở Bangladesh.
Đây không phải là lần đầu tiên Việt Nam phản đối việc Liên Hiệp Quốc đưa ra một quyết định liên quan đến khủng hoảng Rohingya tại Myanmar. Hồi tháng 12 năm 2017, Việt Nam là 1 trong 10 nước bao gồm cả Trung Quốc, Lào và Campuchia đã phản đối một nghị quyết của Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc kêu gọi Myanmar chấm dứt hoạt động quân sự chống lại người Hồi giáo Rohingya ở bang Rakhine.
Hiện Việt Nam là thành viên không thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc.
https://www.rfa.org/vietnamese/news/internationalnews/un-takes-no-action-on-order-against-myanmar-on-rohingya-02052020070315.html

Chờ ông Tô Lâm

Trân Văn
Càng ngày càng nhiều scandal liên quan đến vai trò, trách nhiệm của ông Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Công an Việt Nam nhưng ông vẫn làm ngơ…
***
Vụ Lê Quốc Tuấn, Thượng úy cảnh sát, làm việc tại Công an quận 11 – TP.HCM, giết năm người ở Củ Chi – TP.HCM đã xảy ra đúng một tuần. Cho dù Bộ Công an đã điều động hàng chục ngàn cán bộ, chiến sĩ từ cảnh sát cơ động đến công an nhiều ngành khác nhau ở TP.HCM, Bình Dương,… tham gia vây bắt nhưng đến nay, Bộ Công an vẫn chưa tìm ra Tuấn, vô hiệu hóa được một tội phạm được xếp vào loại đặc biệt nguy hiểm cho cộng đồng.
Cũng vì vậy, hình ảnh đủ loại cảnh sát, công an với vô số trang thiết bị chuyên dụng đổ đến Củ Chi vây bắt Tuấn trở thành phản tác dụng. Đó cũng là lý do nhiều người kết nối thất bại trong việc săn tìm Lê Quốc Tuấn để dè bỉu, bày tỏ sự nghi ngại về những đợt diễn tập chống “khủng bố, bạo loạn, gây rối trật tự công cộng” được Bộ Công an tổ chức rầm rộ trong thời gian vừa qua.
Thay vì đòi ông Tô Lâm giải trình tại sao lực lượng công an được đầu tư đủ loại trang, thiết bị hiện đại đến vậy mà hoạt động lại thiếu hiệu quả như vậy, hệ thống công quyền Việt Nam vừa mượn miệng hệ thống truyền thông chính thức, dọa sẽ xử lý những người đã thực hiện livestream tại hiện trường, ghi hình hoạt động vây bắt và giới thiệu rộng rãi trên mạng xã hội trong suốt tuần vừa qua bởi… “thông tin không đúng sự thật, gây khó khăn cho việc truy bắt” (1)!
Lẽ nào chỉ livestream, ghi hình ở bên ngoài vòng vây mà cũng có thể làm suy giảm mức độ… “tinh nhuệ” của công an Việt Nam? Đó là thắc mắc thứ nhất!
***
Thắc mắc thứ hai: Nếu hệ thống chính trị, hệ thống công quyền Việt Nam thật sự sòng phẳng và thật tâm thực thi cam kết “truy cứu trách nhiệm người đứng đầu”, tại sao không điệu ông Tô Lâm từ hậu trường ra phía trước, yêu cầu ông cho biết, trách nhiệm của ông trong việc quản lý, giáo dục cán bộ, chiến sĩ trong ngành công an đến đâu khi sĩ quan công an dùng vũ khí quân dụng cướp của, thậm chí giết người,… man rợ như Lê Quốc Tuấn? Lê Quốc Tuấn không phải trường hợp cá biệt!
Chẳng hạn tháng 7 năm ngoái, Đào Xuân Tư, một trung úy của Công an huyện Triệu Sơn cũng đã nổ súng uy hiếp nhân viên Chi nhánh ở huyện Tĩnh Gia của Vietcombank để cướp tiền. Tuy nhiên lúc đầu, Tư chỉ bị khởi tố vì “gây rối trật tự công cộng”. Do công chúng chỉ trích kịch liệt, bốn tháng sau (tháng 11 năm 2019), công an mới thay đổi tội danh, cáo buộc Tư “cướp tài sản” (2)…
Dẫu càng ngày càng nhiều sĩ quan công an, kể cả những sĩ quan cao cấp mang hàm tướng, đảm nhận những vai trò đặc biệt quan trọng như Thứ trưởng, Tổng cục trưởng, Cục trưởng,… phạm đủ loại tội ác khác nhau, không chỉ nguy hại cho trật tự – an toàn xã hội mà con đe dọa an ninh quốc gia, có những trường hợp phải kỷ luật toàn bộ sĩ quan lãnh đạo công an một tỉnh như Đồng Nai nhưng ông Tô Lâm luôn luôn vô can và chẳng có viên chức hữu trách nào thắc mắc về vai trò, trách nhiệm của ông.
Lẽ nào cứ là Ủy viên Bộ Chính trị và đảm nhiệm thêm vai trò Bộ trưởng Công an thì trở thành bất khả xâm phạm và bất khả tư nghị?
Trong vụ Thượng úy Lê Quốc Tuấn “cướp tài sản”, “sử dụng vụ khí quân dụng trái phép”, có tới năm người bị giết. Ngành công an nói chung và ông Tô Lâm nói riêng không thèm nói tiếng nào với thân nhân các nạn nhân. Trước giờ, tuy đã gây ra rất nhiều oan án, hủy diệt nhiều số phận, nhiều gia đình, thậm chí trước áp lực của dư luận, đã có một số sĩ quan công an bị truy cứu trách nhiệm hình sự vì tra tấn nạn nhân đến chết nhưng cả ngành công an lẫn ông Tô Lâm chưa bao giờ lên tiếng nhận lỗi và xin lỗi.
Ngay cả với đồng đội, ngành công an và ông Tô Lâm cũng thiếu sòng phẳng về mặt trách nhiệm như thế. Ngành công an và ông Tô Lâm không hề có bất kỳ lỗi lầm nào khi có đến ba sĩ quan công an tử nạn trong vụ đột kích vào thôn Hoành, xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức, thành phố Hà Nội? Trao tặng Huân chương Chiến công Hạng 1, phong Liệt sĩ, đến thăm hỏi, động viên, tổ chức học tập “gương hy sinh” là đủ để có thể xóa sạch cả trách nhiệm tập thể lẫn trách nhiệm cá nhân khi cha mẹ mất con, vợ mất chồng, con mất cha?
Ai dám khẳng định với cách hành xử như thế, những cán bộ, chiến sĩ công an sẵn sàng trở thành những “tấm gương” oan nghiệt khác?
***
Không chỉ “bôi nhọ uy tín của đảng, nhà nước” với nhân dân trong nước, “tiếp tay cho các thế lực thù địch, phản động xuyên tạc đường lối, chính sách của đảng, nhà nước”, ngành công an nói chung và ông Tô Lâm còn làm y như thế ở bên ngoài Việt Nam, “gây nguy hại cho quan hệ đối ngoại”. Cho đến giờ, vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh tại Đức vẫn chưa lắng xuống. Đức và Slovakia đã vỗ mặt Việt Nam nhiều lần về sự càn rỡ này (3) nhưng ngành công an và ông Tô Lâm tiếp tục làm thinh.
Tòa án Đức mới bác đơn kháng cáo của Nguyễn Hải Long, giữ nguyên hình phạt ba năm 10 tháng tù vì đã hỗ trợ công an Việt Nam bắt cóc Trịnh Xuân Thanh (4), ngành công an và ông Tô Lâm vẫn náu mình
trong hậu trường, không nói tiếng nào. Không rõ các giáo trình về “khoa học an ninh” của Việt Nam – ngành hướng dẫn và trao học vị Tiến sĩ cho ông Tô Lâm – được soạn thế nào mà ông Tô Lâm và đồng đội tạo ra, để lại nhiều dấu vết lộ liễu đến như vậy?
Lẽ nào các giáo trình về “khoa học an ninh” của Việt Nam khác hẳn thiên hạ, dạy công an Việt Nam sẵn sàng bỏ rơi, thí sạch những đặc tình như Nguyễn Hải Long chỉ để một cá nhân như Đại tướng, Tiến sĩ Tô Lâm lập thành tích? Sau scandal kéo dài đã hai năm rưỡi này, sẽ có bao nhiêu đặc tình của công an Việt Nam nhìn vào đó rồi ngẫm về số phận của mình và chùn bước?
Ngành công an và Đại tướng, Tiến sĩ Tô Lâm có thể che đậy các lỗi hết sức sơ đẳng mà họ đã mắc phải khi tổ chức bắt cóc Trịnh Xuân Thanh với dân chúng Việt Nam nhưng làm sao hủy được vụ án mà Slovakia đã khởi tố nhằm điều tra chuyện Bộ trưởng Công an Việt Nam dùng danh nghĩa chính phủ Việt Nam thuê chuyên cơ để vận chuyển Trịnh Xuân Thanh ra khỏi khu vực Schengen (6), đến giờ vẫn chưa thanh toán khoản 17.000 Euro còn thiếu khi thuê chuyến chuyên cơ này (7)?
Hệ thống chính trị, hệ thống công quyền Việt Nam có thể lờ đi nhưng vì không ai rõ phạm vi và thời hiệu của vụ án mà Slovakia đã khởi tố, nếu chẳng may lực lượng bảo vệ pháp luật của quốc gia nào đó tiến hành bắt giữ Đại tướng, Tiến sĩ Tô Lâm hay những cá nhân có liên quan khác khi họ đi công tác hoặc du lịch bên ngoài Việt Nam để chuyển giao cho Slovakia thì sao?..
***
Rõ ràng phải chờ ông Tô Lâm, Đại tướng, Tiến sĩ Khoa học An ninh, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Công an, nói gì đó về trách nhiệm của ông đối với cả ta lẫn thiên hạ.
Chú thích
(1) https://nld.com.vn/phap-luat/nong-lap-danh-sach-nhung-nguoi-livestream-sai-su-that-vu-tuan-khi-ban-nguoi-20200203111346749.htm
(2) https://tuoitre.vn/khoi-to-cuu-trung-uy-cong-an-no-sung-tai-ngan-hang-toi-cuop-tai-san-20191106171956916.htm
(3) https://www.bbc.com/vietnamese/world-47183221
(4) https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/laywer-of-trinh-xuan-thanh-01292020134239.html
(5) http://www.rfi.fr/vi/viet-nam/20181002-bat-coc-trinh-xuan-thanh-slovakia-khoi-to-vu-an-chinh-phu
(6) http://www.rfi.fr/vi/viet-nam/20181002-bat-coc-trinh-xuan-thanh-slovakia-khoi-to-vu-an-chinh-phu
(7) https://www.voatiengviet.com/a/vu-tring-xuan-thanh-phat-hien-hoa-don-bo-cong-an-vn-thue-may-bay-tu-slovakia-toi-nga/5191224.html
https://www.voatiengviet.com/a/to-lam-le-quoc-tuan-thuong-uy-cong-an/5274971.html

Virus Corona Vũ Hán

Tất cả những người từ Trung Cộng qua Móng Cái

 được nuôi ăn ở miễn phí tại khách sạn 14 ngày

Tin Vietnam.- Báo Thanh niên ngày 2 tháng 2 năm 2020 loan tin, Uỷ ban nhân dân thành phố Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh cho biết, bắt đầu từ lúc 4 giờ chiều ngày 1 tháng 2, tất cả những người nhập cảng qua cửa Quốc tế Móng cái đều được nhà cầm quyền tỉnh này cách ly 14 ngày để theo dõi.
Theo đó, sau khi làm thủ tục nhập cảnh vào Việt Nam, tất cả những người này sẽ được kiểm tra thân nhiệt, sát trùng tay bằng dung dịch, tiếp đến thành phố Móng Cái sẽ bố trí xe đưa đón họ về các khách sạn trên địa bàn để nghỉ ngơi. Tất cả mọi chi phí ăn, ở của họ đều được miễn phí. Nếu người nào có biểu hiện sốt cao, nhiễm virus corona thì sẽ được đưa về bệnh viện dã chiến.
Trái ngược hoàn toàn với cách đối xử này, vào ngày 1 tháng 2, trên facebook mang tên Tran T Minh Ha cho biết, cô và 97 thành khác phần lớn là người Việt Nam đã đi du lịch Đài Loan nhưng khi về thì bị nhà cầm quyền Cộng sản Việt Nam từ chối không tiếp nhận lại công dân Việt Nam vì nguyên nhân “chính trị”.
Theo facebooker này, vào lúc 4 giờ ngày 1 tháng 2, 98 hành khách đã lên phi cơ để từ Cao Hùng về Hà Nội. Khoảng 30 phút ngồi trên phi cơ thì các hành khách được phi công thông báo rằng, nhà cầm quyền Việt Nam từ chối nhận lại công dân của nước mình vì nguyên nhân dịch bệnh, và một đại diện của hãng hàng không Vietnam airline nói rằng đây là vì nguyên nhân chính trị. Quá bất mãn với cách giải quyết của nhà cầm quyền, nhiều người cho rằng họ là công dân Việt Nam, nếu có nghi bị nhiễm coronavirus thì phải cách ly họ tại Hà Nội, tại sao lại không cho họ trở về nhà?
Trong một diễn biến khác, thông tin trên báo Lao động cho biết, tính đến 7 giờ tối ngày 3 tháng 2, Việt Nam đã có 304 người nghi bị nhiễm virus corona.
An Nhiên
https://www.sbtn.tv/tat-ca-nhung-nguoi-tu-trung-cong-qua-mong-cai-duoc-nuoi-an-o-mien-phi-tai-khach-san-14-ngay/

Bộ Y tế kêu gọi các nhà thuốc phát miễn phí

hoặc bán đúng giá khẩu trang cho dân

Phó Cục trưởng Cục quản lý dược thuộc Bộ Y tế cho biết bộ này kêu gọi, khuyến khích khoảng 50.000 -70.000 các nhà thuốc, các cơ sở bán lẻ trong cả nước cấp phát khẩu trang miễn phí cho người dân để phòng lây nhiễm nCoV.
Phó Cục trưởng Đỗ Văn Đông nói điều đó trong buổi họp báo của Bộ Y tế cung cấp thông tin về dịch bệnh nCoV diễn ra ngày 5/2.
Ông Đông còn nói thêm các nhà thuốc, các cơ sở bán lẻ hãy vì hình ảnh của nhà thuốc mình, của ngành dược, cùng chung tay với toàn thể các ngành, các cấp, xứng đáng là những tuyên truyền viên, không chỉ cấp phát hoặc bán đúng giá mà còn tuyên truyền, hướng dẫn nhân dân cách đeo khẩu trang đúng theo khuyến cáo của ngành y tế.
Cùng với lời kêu gọi đó, Phó Cục trưởng Cục quản lý dược còn đề nghị Sở Y tế các tỉnh, thành tiếp tục tăng cường kiểm tra, nhắc nhở các nhà thuốc không được găm hàng, tăng giá bán khẩu trang tạo ra tình trạng khan hiếm, gây khó khăn cho người dân.
Vừa qua, trước tình trạng dịch nCoV bùng phát mạnh tại Trung Quốc và lây nhiễm đến nhiều quốc gia trong đó có Việt Nam, nhiều nhà thuốc, cơ sở bán lẻ thuốc đã tăng giá bán khẩu trang lên cao gấp 10 lần, có nơi tăng gấp 16 lần như tại hiệu thuốc Thiện Tâm (Hà Nội) và Nhà thuốc Kim Thoa (Hải Phòng), đẩy giá bán 10 chiếc khẩu trang lên giá 400-500 ngàn đồng.
Ngày 2/2, Cục quản lý thị trường Hải Phòng đã phạt hành chính 30 triệu đồng nhà thuốc Kim Thoa và Công an Hà Nội đã niêm phong hiệu thuốc Thiện Tâm.
Việc xử lý trên theo ông Đông là thực hiện theo chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam.  Ông Đam ngày 1/2đã có chỉ đạo về việc xử phạt nặng, thậm chí rút giấy phép với các nhà thuốc, cơ sở bán lẻ thuốc cố ý găm hàng, tăng giá khẩu trang để trục lợi trên dịch bệnh Corona, gây phản cảm và bức xúc.
https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/health-ministry-calls-for-pharmacies-give-free-not-raise-facemask-price-02052020074423.html

Bộ Thông Tin và Truyền Thông yêu cầu

Facebook và Google gỡ bỏ tin sai sự thật

về dịch bệnh Corona

Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng mới đây đã có chỉ thị yêu cầu Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử trao đổi với Facebook và  Google để ngăn chặn, gỡ bỏ các video clip, thông tin sai sự thật về dịch bệnh viêm phổi cấp do virus Corona gây ra. Truyền thông trong nước loan tin này hôm 3/2.
Trong chỉ thị mới, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng xác định thông tin sai sự thật sẽ gây hoang mang trong dư luận và ảnh hưởng đến các nỗ lực phòng chống dịch bệnh của cơ quan chức năng.
Ông cũng chỉ thị yêu cầu tăng cường công tác giám sát, phát hiện và xử lý các đối tượng tung tin thất thiệt.
Đối với các hãng công nghệ thông tin ở trong nước, người đứng đầu Bộ Thông tin và Truyền thông yêu cầu các công ty sử dụng trí tuệ nhân tạo để tìm tin giả và giúp cổng điện tử của Bộ Y tế không bị quá tải vì nhu cầu tìm kiếm thông tin về virus Corona lên quá cao.
Trong những tuần qua, nhiều người ở Việt Nam đã bị mời lên làm việc với công an hoặc Sở Thông tin và Truyền thông địa phương vì những thông tin đưa lên mạng Facebook bị cho là sai sự thật, gây hoang
mang trong xã hội. Theo thống kê của truyền thông trong nước, chỉ trong tuần trước, đã có ít nhất 9 người bị phạt khoảng 12 triệu đồng mỗi người vì hành vi này.
Tại buổi họp báo hôm 5/2, Thứ trưởng Bộ Công an Lương Tam Quang cho biết công an đã triệu tập hơn 170 người, xử lý, yêu cầu cam kết, yêu cầu gỡ bỏ các thông tin sai sự thật về bệnh dịch trên mạng theo Nghị định 174 của Chính phủ. Ngoài ra, công an cũng đang theo dõi hơn 41 trường hợp không hợp tác hoặc có những biểu hiện không thực hiện việc xử  phạt này để củng cố tài liệu và sử lý hình sự nếu đủ điều kiện.
Dịch viêm phổi cấp do virus Corona gây ra xuất phát từ Trung Quốc và hiện đã lan ra nhiều nước trên thế giới. Hiện đã có hơn 24.000 người nhiễm bệnh trên thế giới và hơn 490 người thiệt mạng. Việt Nam hiện cũng đã phát hiện 10 ca nhiễm bệnh.
https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/vietnam-tells-fb-and-google-to-remove-fake-news-02052020071016.html

Đã thông quan cửa khẩu Hữu Nghị

Từ chiều ngày 5 tháng 2, 66 xe container chở hàng hóa nông sản bị ùn ứ tại cửa khẩu Hữu Nghị, Lạng Sơn đã được thông quan xuất sang Trung Quốc.
Tin từ truyền thông Nhà nước Việt Nam cho hay do tình hình dịch bệnh virus corona gây ra, tính đến ngày 5 tháng 2, tại khu vực biên giới tỉnh Lạng Sơn có 362 xe hàng nằm chờ xuất khẩu, trong đó của khẩu quốc tế Hữu Nghị có 66 xe, cửa khẩu phụ Tân Thanh có 205 xe, cửa khẩu phụ Cốc Nam có 33 xe, cửa khẩu phụ Bình Nghi có 57 xe, cửa khẩu phụ Na Hình có 1 xe.
Báo trong nước dẫn lời ông Nguyễn Công Trưởng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn rằng, để giảm thiểu thiệt hại tối đa cho nông dân, doanh nghiệp cũng như hạn chế tình trạng ép giá nông sản, chính phủ cho phép thông quan hàng hóa đang tồn đọng tại cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị với điều kiện các chủ xe, chủ hàng phải sau khi vận chuyển hàng hóa qua biên giới khi nhập cảnh trở về phải cách ly tại cửa khẩu trong 14 ngày và chịu chi phí cách ly.
Việc thông quan được đặt dưới sự giám sát chặt chẽ của các lực lượng hải quan, biên phòng, kiểm dịch, y tế, Ban Kinh tế cửa khẩu tỉnh Lạng Sơn theo phương châm kiểm soát dịch ngay từ vùng biên.
Ông Nguyễn Công Trưởng khẳng định việc giao thương chỉ diễn ra tại bãi xe khu vực lãnh thổ sát mốc biên giới hai nước, chưa đi vào nội địa Việt Nam nên hoàn toàn có thể kiểm soát dịch bệnh.
Bên cạnh đó, Văn phòng Chính phủ cũng đã có có văn bản truyền đạt ý kiến của Thủ tướng Chính phủ về hoạt động xuất nhập khẩu, vận chuyển hàng hóa qua biên giới. Theo đó, việc xuất nhập khẩu, vận chuyển hàng hóa qua biên giới tiếp tục thực hiện theo quy định, phải bảo đảm công tác phòng, chống dịch không làm gián đoạn, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.
Theo số liệu thống kê từ Tổng cục Hải quan Việt Nam, giá trị xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc tháng 1 năm 2020 chỉ đạt 2,75 tỷ USD, giảm hơn 35% so với tháng 12 năm 2019. Các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu của Việt Nam vẫn là dầu thô và quặng các loại. Còn nhập khẩu chủ yếu là xăng đầu, máy vi tính, sản phẩm điện tử, ôtô nguyên chiếc…
https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/Custom-clearance-at-huu-nghi-border-gate-02052020095635.html

Vì sao Hà Nội không thể đóng cửa biên giới

khi dịch bùng phát?

Diễm Thi, RFA
Chống dịch như chống giặc!
Thủ tướng chính phủ Hà Nội, ông Nguyễn Xuân Phúc, lên tiếng kêu gọi tại một cuộc họp về phòng chống virus corona vào cuối tháng 1 vừa qua rằng ‘với tinh thần chống dịch như chống giặc, các bộ, ngành, địa phương không được chủ quan, phải bảo đảm tính mạng, sức khỏe của người dân.
Lý do được cho là vì Việt Nam có đường biên dài với Trung Quốc, nơi phát tán dịch virus corona. Đây là chủng virus corona mới mà vào chiều tối ngày 30 tháng 1 Tổ chức Y tế Thế giới phải tuyên bố “tình trạng khẩn cấp y tế toàn cầu”.
Cũng vào chiều ngày 30 tháng 1, tại cuộc họp phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus corona gây ra do Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì, trả lời ý kiến về việc đóng cửa biên giới, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh cho biết: “Việt Nam và Trung Quốc có ký kết hiệp ước, nếu liên quan an ninh và dịch bệnh thì có thể đóng cửa nhưng phải có thỏa thuận giữa hai bên chứ Việt Nam không thể đơn phương”.
Phát biểu của ông Phạm Bình Minh nhận được nhiều ý kiến phản hồi cả trên báo chí chính thống lẫn trên mạng xã hội. Đại đa số cho rằng việc đóng cửa biên giới là việc làm cần thiết để bảo vệ người dân.
Sao không đóng cửa biên giới?
Vì sao với độ lây nhiễm khủng khiếp như vậy, chỉ trong 6 ngày, từ ngày 29 tháng 1 đến ngày 4 tháng 2, con số nhiễm bệnh tăng từ 6.165 ca lên 20.701 ca trên toàn cầu và 426 trường hợp tử vong tại Hoa Lục (theo thống kê từ trường đại học y khoa Johns Hopkins) mà chính phủ Việt Nam vẫn mở cửa biên giới với Trung Quốc?
Nhà nghiên cứu Biển Đông Đinh Kim Phúc nêu nhận định:
Đóng cửa biên giới không có nghĩa là đoạn tuyệt ngoại giao, cũng không có nghĩa coi Trung Quốc là thù địch mà là ngăn con đường lây lan để tập trung nguồn lực, nhân lực phòng ngừa, chữa trị. – Ông Đinh Kim Phúc
“Vấn đề phòng chống coronavirus theo tôi quan trọng nhất là phải ngăn được nguồn lây lan. Rõ ràng dịch này xuất phát từ Vũ Hán – Trung Quốc rồi qua Việt Nam bằng con đường sinh viên du học, khách du lịch, công nhân lao động…
Đã xác định được ổ dịch là từ Trung Quốc thì chúng ta phải ngăn chặn con đường lây lan bằng cách đóng cửa biên giới.
Đóng cửa biên giới không có nghĩa là đoạn tuyệt ngoại giao, cũng không có nghĩa coi Trung Quốc là thù địch mà là ngăn con đường lây lan để tập trung nguồn lực, nhân lực phòng ngừa, chữa trị.”
Ông nói thêm rằng từ trước đến nay ông không được nghe và cũng không được đọc những hiệp ước ký kết giữa Việt Nam và Trung Quốc, nhưng sau tuyên bố của ông Phạm Bình Minh về hiệp định cửa khẩu thì ông rất ngạc nhiên khi chính quyền báo động, phòng ngừa, tìm mọi cách chữa trị nhưng không ngăn chặn nguồn lây lan một cách quyết liệt.
Khoản 3 Điều 5 Hiệp định về Cửa khẩu và Quy chế quản lý cửa khẩu biên giới trên đất liền Việt Nam-Trung Quốc nêu rõ: “Để bảo vệ lợi ích xã hội, an ninh quốc gia hoặc vì lý do thiên tai nghiêm trọng, dịch bệnh truyền nhiễm lớn, dịch bệnh động thực vật và các trường hợp bất khả kháng khác, một Bên có thể tạm thời đóng hoặc hạn chế việc qua lại cửa khẩu. Tuy nhiên, cần phải thông báo cho phía Bên kia trước 5 ngày, trong trường hợp khẩn cấp không được ít hơn 24 giờ.”
Quan ngại về chủ quyền!
Ông Đinh Đức Long, Trung tá Quân đội nhấn mạnh hai khả năng Việt Nam không đóng cửa biên giới với Trung Quốc dù trong tình hình dịch bệnh nguy hiểm như vậy, thứ nhất là vì lợi ích kinh tế; thứ hai là Việt Nam có thể đã đánh mất chủ quyền và là một nước chư hầu, thuần phục Trung Quốc. Ông phân tích:
“Trong trường hợp cụ thể này thì vẫn có thể đóng cửa biên giới nhưng thực tế họ không làm điều đó. Trong khi các nước khác như Nga, Mông Cổ đã đóng cửa, trong đó Bắc Hàn đóng ngay từ đầu dù họ phụ thuộc rất nhiều vào Trung Quốc nhưng họ rất kiên quyết. Họ đặt lợi ích đất nước, dân tộc họ lên trên hết.
Không biết vô tình hay cố ý, ông Phạm Bình Minh tiết lộ một điều mà xưa nay chúng ta chưa biết, hoặc họ có tình giấu, tức là Việt Nam mất độc lập chủ quyền quốc gia, mất độc lập về việc đóng cửa biên giới”.
Theo phân tích của ông Đinh Đức Long, một nước có chủ quyền có thể chấm dứt hiệu lực, tạm đình chỉ thực hiện điều ước quốc tế trong trường hợp cần thiết theo đúng luật.
Không biết vô tình hay cố ý, ông Phạm Bình Minh tiết lộ một điều mà xưa nay chúng ta chưa biết, hoặc họ có tình giấu, tức là Việt Nam mất độc lập chủ quyền quốc gia, mất độc lập về việc đóng cửa biên giới. – Ông Đinh Đức Long
Cụ thể theo Điều 55 Luật điều ước quốc tế 2016, Quốc hội có quyền quyết định chấm dứt hiệu lực, từ bỏ, rút khỏi, tạm đình chỉ thực hiện điều ước quốc tế mà Quốc hội phê chuẩn hoặc quyết định gia nhập. Trong trường hợp cần thiết, Chủ tịch nước, Chính phủ quyết định tạm đình chỉ thực hiện điều ước quốc tế do Chủ tịch nước, Chính phủ quyết định ký và Quốc hội phê chuẩn, sau đó báo cáo Quốc hội tại kỳ họp gần nhất.
Như vậy rõ ràng Việt Nam có thể đơn phương đóng cửa biên giới với Trung Quốc nhưng Việt Nam không làm.
Ông Võ Minh Đức, một cựu chiến binh hiện đang ở Sài Gòn nhận định rằng, chính quyền Việt Nam cần Trung Quốc để giữ đảng nên họ phải làm thế. Ông nói:
“Theo sự hiểu biết của tôi thì chắc chắn họ muốn giữ thế độc tài, độc quyền lãnh đạo của họ nên họ có những hiệp ước, hiệp định ký kết giữa hai bên mà không bao giờ công bố công khai cho dân biết. Họ cứ lẳng lặng làm, thiệt hại thì dân gánh chịu.
Bất cứ người dân nào chống Trung Quốc thì họ bắt bớ, đàn áp. Như vậy là chính quyền tự đánh mất chủ quyền, tự lệ thuộc vào Trung Quốc để giữ thế độc tài cai trị trong nước”.
Tháng hai hằng năm là thời điểm kỷ niệm cuộc chiến tranh biên giới Việt – Trung năm 1979. Ngày 17 tháng 2 năm 1979, Trung Quốc đem quân tấn công trên toàn tuyến biên giới giữa hai nước. Ngày 5 tháng 3 năm 1979, trong tình thế cấp bách chống quân Trung Quốc xâm lược biên giới phía Bắc, Chủ tịch nước Tôn Đức Thắng đã ra lệnh tổng động viên toàn quân, toàn dân kháng chiến. Mặc dù chịu nhiều tổn thất, nhưng người dân tại các tỉnh biên giới được ghi nhận đã anh dũng chống trả và cuối cùng phía Trung Quốc phải rút quân.
Thắc mắc của nhiều người dân Việt Nam hiện nay, là tại sao chính phủ lại không dám đóng cửa đường biên giới dài hơn 1.449km dọc theo 7 tỉnh phía bắc để ngăn lây lan dịch bệnh nguy hiểm mà cả thế giới đang phải phòng chống. Biện pháp đóng cửa là cấp thiết và hoàn toàn hợp lý!
https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/why-hanoi-cannot-close-its-border-when-an-epidemic-breaks-out-dt-02042020131133.html

Virus corona:

Cộng đồng châu Á ở Melbourne hủy một chợ Tết

Nguyễn Quang DuyGửi tới BBC News Tiếng Việt từ Melbourne, Australia
Đúng mồng một Tết, đại gia đình chúng tôi quay quần ăn Tết nói chuyện người Á châu ăn thịt chuột, thịt dơi, và cả thịt chó.
Chỉ mới nói đến chuyện bố tôi, ông nội ông ngoại các cháu, ăn thịt chó hằng tuần là các cháu đã nhao nhao lên ghê quá không được kể nữa.
Virus corona: TQ cấm bán động vật hoang dã trên cả nước
Virus corona: Lời cảnh tỉnh từ nạn săn động vật hoang dã
Coronavirus, súp dơi, Đảng Xanh và tầm tư duy năm mới
Virus corona lây lan ngay cả ‘trước khi có triệu chứng bệnh’
Người Úc yêu quý cầm thú. Tháng trước những đoạn phim quay cảnh cháy rừng các thiện nguyện viên và dân Úc cứu chữa từng con chim, con thú được nhiều người quan tâm chia sẻ.
Bước sang mồng Hai lại xôn xao chuyện hội chợ Tết vùng Sunshine vắng hoe vì tin đồn một người bán hàng du lịch Vũ Hán trở về nhiễm virus corona phải đưa vào bệnh viện.
Rồi giới chức y tế ra thông báo một người đàn ông cũng mới từ Vũ Hán trở về nhiễm virus corona đến ăn ở một nhà hàng tại vùng Glen Waverley, khuyến cáo các thực khách khác thấy triệu chứng cúm phải khám nghiệm ngay.
Thành phố Melboure, ăn Tết ngay từ giữa tháng chạp Ta, đầu tháng giêng Tây, mỗi Chủ nhật đều có chợ Tết.
Bắt đầu từ khu St Albans, đến khu Footscray, rồi khu Richmond, khu Springvale, khu Sunshine và chợ Tết do Cộng Đồng Người Việt tự do tổ chức tại trường đua Sandown.
Lẽ ra vào cuối tuần này, Chủ Nhật 9/2/2020, còn một chợ Tết nữa tại khu Box Hill, khu này đa số là người Hoa, nhiều người vừa từ Trung Quốc trở về, nên ban tổ chức quyết định hủy bỏ.
Chợ Tết Cộng Đồng, kỷ niệm 45 năm người Việt tự do định cư tại Melbourne, trong lễ khai mạc khá đông chính trị gia Úc tham dự, các màn trình diễn của Hội Sinh Viên, của nhóm trẻ Hai Nguồn Gốc.
Và đặc biệt là lễ phát phần thưởng cho 14 học sinh vừa tốt nghiệp trung học với điểm số cao nhất, nổi bật nét trẻ trung của thế hệ tiếp nối người Việt tại Melbourne.
Nhưng chợ Tết năm nay vắng người tham dự, mấy người bạn lớn tuổi cho tôi biết họ sợ đến chỗ đông người rồi lỡ mang bệnh, nên trước bảo vệ mình, sau bảo vệ gia đình và xã hội, có người đã mua vé định về Việt Nam ăn tết nhưng lại thôi không đi bỏ vé.
Từ Trung Quốc mà ra
Nhà cầm quyền Bắc Kinh đã cô lập hơn 55 triệu dân từ các vùng nhiễm virus corona.
Ngoài Vũ Hán, các thành phố Hàng Châu và Nhạc Thanh tỉnh Chiết Giang, thành phố Trịnh Châu tỉnh Hà Nam, thành phố Lâm Nghi, tỉnh Sơn Đông, Cáp Nhĩ Tân tỉnh Hắc Long Giang và vừa rồi thành phố Nam Kinh tỉnh Giang Tô đã tuyên bố tự phong tỏa việc ra vào.
Tính luôn tỉnh Hồ Bắc, đã có 24 thành phố thực thi hạn chế người dân ra khỏi nhà và hạn chế giao thông.
Người dân trong các vùng bị phong tỏa lại xa lánh những người bị nghi là nhiễm virus corona và rồi người dân lại tự cô lập chính họ. Một tình trạng chưa bao giờ xảy ra.
Nhưng Bắc Kinh lẽ ra phải ra lệnh tự cô lập sớm hơn vì đã có tới 5 triệu người Vũ Hán tản mát khắp nơi, gồm nhiều người mang mầm bệnh lan ra.
Điều này khiến người Vũ Hán đến nơi khác đều bị cách ly.
Hai cách nhìn khác nhau?
Ở Trung Quốc bị cô lập người Úc gốc Hoa sẵn sàng chấp nhận (xem thêm).
Nhưng khi được Úc cho di tản khỏi Vũ Hán sang đảo Christmas, có người trong số họ lại phản đối cho rằng vì họ không phải là “người da trắng” nên bị kỳ thị đối xử.
Nhiều người chỉ ghé sân bay Vũ Hán vài tiếng đồng hồ đã nhiễm virus corona, nên việc cách ly những người di tản từ Vũ Hán là một điều hết sức cần thiết và bắt buộc phải làm.
Đảo Christmas là địa điểm tốt, vì đảo cách ly với các khu dân cư, nếu chính phủ Úc đưa người di tản virus corona đến gần nhà tôi, tôi sẽ phản ứng đến cùng để bảo vệ gia đình.
Tuần trước ghé thăm linh mục Bùi Đức Tiến để tìm hiểu về nhóm những người Việt tị nạn đầu tiên đến Melbourne.
Cha Tiến nhắc chuyện khi vừa đặt chân đến Melbourne mọi người đều được “xịt thuốc” và khám sức khỏe nếu có bệnh sẽ được chữa trị. Với chúng tôi là kỷ niệm đáng nhớ nhưng chẳng bao giờ nghĩ là mình bị kỳ thị đối xử.
Tiệm ăn Cucina 105 ở khu Liverpool, tiểu bang New South Wales bị báo chí và dư luận Úc phản đối, vì diễu cợt không đúng lúc, khi viết trên quầy hàng dòng chữ “Siêu vi khuẩn corona sẽ không tồn tại lâu vì nó được sản xuất tại Trung Quốc!”.
Virus corona phát xuất từ dơi hay từ phòng thí nghiệm vi trùng “Made in China” vẫn là một câu hỏi chưa có câu trả lời.
Nhà cầm quyền Bắc Kinh dấu diếm nhiều thông tin và cho mãi đến ngày 4/2/2022, mới đồng ý để các chuyên gia Mỹ vào giúp họ chống lại sự lây lan nhanh chóng của virus corona.
Số người bị nhiễm bệnh và bị chết được Bắc Kinh thông báo tăng nhanh theo cấp số nhân.
Số thực sự nhiễm bệnh và chết phải cao hơn nhiều lần mới buộc Bắc Kinh phải ra lệnh cô lập một khu vực lên đến 55 triệu người sinh sống và nhiều thành phố đang bị phong tỏa.
Các khoa học gia Úc ở Melbourne ngay khi tái tạo thành công mẫu virus corona là công bố ngay cho thế giới biết để học hỏi và rút ngắn việc bào chế thuốc.
Các khoa học gia cho biết chỉ hơn tháng qua virus corona biến dạng đến đời thứ tư hay thứ năm nên công việc nghiên cứu gặp rất nhiều khó khăn.
Siêu vi khuẩn này có thể truyền nhiễm qua phân, qua không khí, qua tiếp xúc với người bị nhiễm virus ngay cả khi bệnh chưa có triệu chứng bộc phá.
Tối ngày 4/02/2020, cậu bé 8 tuổi là người thứ 13 ở Úc bị nhiễm virus corona.
Cậu thuộc một đoàn du lịch từ Trung Quốc đến Melbourne ngày 22/1/2020, họ ở chơi tại đây 5 ngày xong đi Gold Coast, Queensland.
Ngày 27/1/2020 hai người trong đoàn bị phát hiện nhiễm virus corona. Trường hợp của cậu bé siêu vi khuẩn tiềm ẩn cả 2 tuần.
Vậy trong 5 ngày đoàn khách du lịch tại Melbourne họ ở đâu? họ làm gì? họ lây nhiễm cho ai? và hằng trăm hành khách trên chuyến bay đi Queensland có ai bị lây nhiễm không? Quá nhiều câu hỏi chưa có câu trả lời.
Chiều nay 5/2/2020, nhóm người Úc di tản từ Vũ Hán đầu tiên đã đến đảo Christmas, bỏ lại sau lưng thần chết gõ cửa từng nhà.
Tin giờ chót, chiều 5/2/2020, Bộ trưởng Y tế Nhật Bản xác nhận kết quả có 10 hành khách, trong đó có hai người Úc, trên du thuyền Diamond Princess nhiễm virus corona.
Đầu năm con chuột tôi khai bút mà chẳng lạc quan chút nào.
Chưa kể tới đứa con trai của chúng tôi mấy tuần nay đi Nhật Bản du lịch chưa rõ bao giờ mới về lại nhà. Thật đáng lo.
Bài thể hiện quan điểm riêng của ông Nguyễn Quang Duy từ Melbourne, Australia.
https://www.bbc.com/vietnamese/forum-51386887

Người Việt tại Mỹ hủy chuyến bay

về thăm quê nhằm tránh dịch virus corona

Băng Thanh
Đứng trước đại dịch virus corona, những người Việt sinh sống tại Mỹ đã hủy các chuyến bay về thăm quê.
Ông Nguyễn Mạnh Hiệp, ở Anaheim đã quyết định hủy vé vào ngày 2/2. Ông nói với báo Người Việt: “Tôi đặt vé bay tính về Việt Nam thăm gia đình, bạn bè trong hai tháng. Đã lên kế hoạch đi đâu làm gì hết rồi nhưng tôi theo dõi tin tức về dịch virus ở Việt Nam và toàn thế giới mấy ngày qua thấy tình hình phức tạp quá, nên thôi tốt nhất là hủy vé để lúc khác về”.
“Tôi đặt vé của hãng China Airlines, mặc dù quá cảnh ở Đài Loan, không phải ở Trung Quốc nhưng tôi vẫn lo ngại nếu có chuyện gì sẽ không thể quay về Mỹ được. Theo như tôi biết, hiện các chuyến bay quá cảnh tại Trung Quốc đại lục đã đóng toàn bộ nhưng người ta đang xem xét đóng tiếp các tuyến bay tới Đài Loan, Hồng Kông và Macao. Do đó tôi quyết định hủy vé”.
Ông Vĩnh Lộc ở Huntington Beach cũng đã mua vé bay về Việt Nam vào tháng 3. Mặc dù còn một tháng nữa mới tới ngày đi, nhưng ông cũng quyết định hủy vé. Ông chia sẻ: “Tôi mua vé của hãng bay Japanese Airlines nhưng để cho an toàn, mạng sống mình là trên hết nên tôi quyết định hủy vé. Tôi về chơi thôi. Đi chơi thì đi lúc nào mà chẳng được, tội gì phải đi vào lúc này”.
Nói với báo Người Việt, chị Huỳnh Nhã Ái, chủ văn phòng Rainbow Travel tại thành phố Saint Paul, Minnesota cho hay: “Khoảng một tuần nay chúng tôi làm việc cật lực vì khách đòi đổi vé, hủy vé quá nhiều. Những người đã lỡ về Việt Nam rồi thì họ muốn đổi vé để quay lại Mỹ sớm hơn. Những người đã mua vé nhưng chưa về thì nay họ muốn hủy vé lấy tiền lại. Nói chung là tùm lum hết, rất là đau đầu”.
“Tuy nhiên, không phải hãng bay nào cũng chấp nhận cho hủy vé mà không bị phạt. Chỉ các các hãng bay có chuyến bay quá cảnh tại Trung Quốc thì được phép hủy vé và được hoàn lại đủ tiền. Còn lại các hãng bay khác họ vẫn bay bình thường. Nếu muốn đổi vé, hủy vé thì phải chịu mức phạt có khi lên tới 375 USD/vé. Riêng hãng bay Delta còn không cho hủy vé, chỉ cho đổi vé trong vòng một năm. Trong một năm đó, nếu không đi là mất tiền. Một số hãng bay, chẳng hạn như Nippon Airlines, có trường hợp họ cho hủy vé, có trường hợp không. Thành ra chúng tôi rất khó để giải thích cho khách hàng, nhiều khi họ sẽ hiểu lầm là văn phòng chúng tôi cố tình ‘kiếm chuyện’ để lấy tiền của họ”, chị Ái giải thích.
Ông Trần Nguyên Thắng, chủ văn phòng ATNT Travel & Tours ở Fountain Valley nói rằng, từ khi chính quyền Trung Quốc có ý đồ đánh chiếm Trường Sa, Hoàng Sa, ông đã quyết định không tổ chức các tour du lịch tới Trung Quốc đại lục, với quan điểm chống chính quyền Trung Quốc, chứ không chống người Hoa.
“Tôi chỉ tổ chức các tour đi về các nước Châu Á, nơi có người Hoa theo hướng dân chủ, ví dụ như Đài Loan, Hồng Kông, Singapore, Malaysia, Thái Lan. Nhờ thế mà đợt Tết này văn phòng chúng tôi không bị ảnh hưởng nhiều. Hiện các tour của chúng tôi về những nước này vẫn tiến hành bình thường. Ai muốn hủy chuyến đi thì phải chấp nhận bị phạt tiền. Vậy nhưng cũng có khoảng 50% khách hủy chuyến do lo ngại dịch bệnh corona”, ông cho biết.
Theo ABC news, Mỹ hiện đang gia tăng và siết chặt các biện pháp phòng ngừa chưa từng thấy. Bộ Nội An Mỹ cảnh báo đến các hành khách du lịch đường hàng không rằng phi cơ bay đến Mỹ của họ sẽ bị đổi hướng nếu như phát hiện thấy bất kỳ hành khách nào trên chuyến bay từng có mặt ở Trung Quốc trong vòng 14 ngày qua.
Các công dân Mỹ từng có mặt ở tỉnh Hồ Bắc, khi trở về Mỹ sẽ bị cách ly bắt buộc 14 ngày. Công dân Hoa Kỳ từng có mặt tại Trung Quốc trong vòng 14 ngày qua, nhưng không có đến Hồ Bắc thì sẽ bị buộc phải trải qua những bước kiểm tra và phải tự cách ly 14 ngày tại nhà.
Hầu hết những người không phải là công dân Mỹ sẽ bị từ chối nhập cảnh nếu đã đến Trung Quốc trong vòng 14 ngày qua – ngoại trừ các thường trú nhân (thẻ xanh), nhân viên của hãng hàng không và người thân trực hệ của công dân Mỹ (cha-mẹ và con cái, vợ-chồng).
Ngoại Trưởng Hoa Kỳ Mike Pompeo cho biết sắp tới sẽ có thêm vài chuyến bay tiếp tục di tản công dân Hoa Kỳ ra khỏi tỉnh Hồ Bắc của Trung Quốc.
Trong một buổi phỏng vấn ngày 2/2 với Fox News, khi được hỏi về mức độ quan tâm của mình đối với dịch bệnh, Tổng Thống Trump trả lời rằng: “Chúng tôi gần như là hủy bỏ hết mọi lưu thông đến từ Trung Quốc”.
https://www.dkn.tv/the-gioi/nguoi-viet-tai-my-huy-chuyen-bay-ve-tham-que-nham-tranh-dich-virus-corona.html

Việt Nam lập bệnh viện dã chiến

để ứng phó với dịch nCoV

Việt Nam đang lập các bệnh viện dã chiến với sức chứa hằng ngàn giường để điều trị cho các công dân trở về từ Trung Quốc, nơi xuất phát dịch do virus corona chủng mới nCoV gây nên.
Truyền thông trong nước dẫn nguồn từ Sở Y Tế Hà Nội và loan tin ngày 5 tháng 2 rằng tại hội nghị giao ban công tác tháng 1 của Ủy Ban Nhân Dân Thành phố Hà Nội, Giám đốc Nguyễn Khắc Hiền của Sở Y tế thủ đô Hà Nội nói dự kiến đề xuất trưng dụng trường Đại học Thành Đô ở huyện Hoài Đức làm bện viện dã chiến từ 500 đến 700 giường bệnh. Trong trường hợp dịch bùng phát mạnh, Hà Nội có thể tiếp tục xây thêm 1 bệnh viện dã chiến với sức chứa 1 ngàn giường tại huyện Mê Linh.
Hiện nay tại Hà Nội có hai doanh trại Quân đội đã được chuyển thành trung tâm cách ly với sức chứa 1500 người.
Trong khi đó, Thành phố Hồ Chí Minh ở phía nam cũng đang cho xây dựng gấp rút 2 bệnh viện dã chiến qui mô 500 giường tại huyện Củ Chi và Nhà Bè. Theo dự kiến hai bệnh viện dã chiến này sẽ hoàn thành trước ngày 15 tháng 2.
Hãng tin AFP vào ngày 5 tháng 2 dẫn lời giới chức y tế Việt Nam về biện pháp cho lập những bệnh viện dã chiến với hằng ngàn giường nhằm đối phó với dịch nCoV khi mà nhiều công dân Việt Nam từ Trung Quốc trở về sắp đến.
Lãnh đạo ngành y tế Việt Nam vào ngày 5 tháng 2 cho biết đã chuẩn bị sẵn sàng cho những tình huống xấu nhất. Ngành y tế Việt Nam chuẩn bị sẵn 3 ngàn giường bệnh, trang thiết bị và cơ sở vật chất từ những bệnh viện sẵn có để ứng phó và phòng chống dịch bệnh.
AFP nhắc lại Việt Nam có đường biên giới dài với Trung Quốc và hai lân bang theo chủ nghĩa cộng sản này có mối quan hệ giao thương và du lịch chặt chẽ với nhau.
Cho đến lúc này Việt Nam chính thức công bố có 10 trường hợp nhiễm nCoV, trong số này có ba trường hợp không hề sang Trung Quốc nhưng lây bệnh từ người bị nhiễm.
Truyền thông trong nước vào ngày 5 tháng 2 loan tin có hai du khách Trung Quốc nhiễm virus corona từng lưu trú 6 ngày ở thành phố Nha Trang, Việt Nam. Hai vợ chồng là Xu Jianjiang và Dai Chunxia quê ở Trịnh Châu, Trung Quốc đến du lịch tại thành phố biển Nha Trang từ ngày 23 đến 28 tháng 1 và khi họ về nước thì Cơ quan Y tế Trung Quốc xác nhận nhiễm nCoV.  Cả hai đến Việt Nam trên 1 chuyến bay của hãng hàng không Quốc gia Việt Nam hôm 23 tháng 1.
https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/vietnam-setting-up-field-hospitals-for-possible-virus-influx-02052020081945.html

Phòng virus corona:

Tại Việt Nam, toàn dân đeo khẩu trang có hiệu quả?

Trọng Thành
Việt Nam là một quốc gia có nguy cơ hàng đầu chịu ảnh hưởng của dịch virus corona mới, do lượng khách du lịch Trung Quốc vào Việt Nam đứng hàng thứ tư thế giới. Ngày 30/01/2020, thủ tướng Việt Nam nêu phương án ”mạnh”: Có thể toàn dân sẽ phải đeo khẩu trang để phòng dịch. Liệu biện pháp như trên có chống dịch hiệu quả?
Ngày 20/01/2020, Trung Quốc thừa nhận dịch virus corona chủng mới hoành hành tại thành phố Vũ Hán (Wuhan). Ngày 23/01, Bắc Kinh phong tỏa Vũ Hán để dập dịch. Phương án toàn dân đeo khẩu trang để chống virus từ Trung Quốc được người đứng đầu chính phủ Việt Nam, ông Nguyễn Xuân Phúc, nêu ra như một biện pháp ”mạnh” để ngăn ngừa dịch bệnh.
Theo báo chí trong nước, chiều 30/01, trong cuộc họp do thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì để bàn biện pháp phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do virus corona chủng mới gây ra, ông Phúc
cho hay cần tiếp tục thảo luận thêm nhiều biện pháp mạnh hơn để giảm thiểu tối đa nguy cơ, trong đó có thể toàn dân phải đeo khẩu trang để phòng bệnh.
Cũng vào thời điểm này, trong xã hội Việt Nam dấy lên một phong trào đeo khẩu trang rộng khắp, trên đường phố, tại các cuộc tập hợp đông người, cũng như trong trường học… Sau khi Tổ Chức Y Tế Thế Giới tuyên bố ”tình trạng y tế khẩn cấp” do bệnh dịch virus corona (2019-nCoV), ngày 31/01, nhiều trường học đã bắt buộc học sinh đến trường phải đeo khẩu trang liên tục trong lớp học. Cùng với việc nhu cầu khẩu trang tăng vọt là một phong trào cung cấp khẩu trang miễn phí rộng khắp từ Nam chí Bắc, từ phía nhiều cá nhân, cơ sở tư nhân, hay cơ quan nhà nước, đặc biệt từ phía cảnh sát giao thông.
Khẩu trang có xu hướng ngày càng được đông đảo xã hội Việt Nam nhìn nhận như là một biện pháp hiệu quả, một biện pháp mạnh giúp cho việc ngăn ngừa dịch bệnh corona mới. Tuy nhiên, khẩu trang có thực sự là một biện pháp hiệu quả để phòng chống virus viêm phổi cấp từ Trung Quốc?
Không nên đưa ”khẩu trang đại trà” thành chính sách quốc gia
Giáo sư y khoa Nguyễn Văn Tuấn, Đại Học New South Wales tại Úc, từ nhiều năm nay phản đối mạnh mẽ việc khuyến khích đeo khẩu trang tràn lan, với mục tiêu phòng ngừa các căn bệnh lây qua đường hô hấp. Trong một bài viết mới đây mang tựa đề ”Khẩu trang trong việc phòng chống virus, tiếp cận qua EBM‘ (EBM tức Y học dựa trên bằng chứng), Giáo sư Nguyễn Văn Tuấn nhấn mạnh là ”khẩu trang không có hiệu quả như chúng ta tưởng”. Không kể các loại khẩu trang đặc biệt mà các nhân viên y tế sử dụng trong môi trường bệnh viện, nhiều nghiên cứu thực nghiệm được công bố trên các tạp chí có uy tín cho thấy ”khẩu trang trên thực tế không giúp gì trong việc phòng chống virus cúm ở quy mô cộng đồng, dĩ nhiên không thể loại trừ tính chất tích cực (về mặt tâm lý) của khẩu trang”, với tư cách là ”sự lựa chọn cá nhân. Nhưng không nên đưa khẩu trang thành một chánh sách cấp quốc gia”.
Theo Giáo sư Nguyễn Văn Tuấn, ”hầu như tất cả các cơ quan y tế nước ngoài (1) đều không khuyến cáo công chúng đeo khẩu trang nếu (bản thân) không có triệu chứng và đang ở trong môi trường có nguy cơ thấp. Hiện nay, theo số lượng thực tế, nguy cơ bộc phát 2019-nCoV ở Việt Nam được đánh giá là rất thấp”. Điều đáng ngạc nhiên, theo ông, là ”nhiều người vẫn muốn cho rằng Việt Nam có nguy cơ cao. Và với suy nghĩ đơn giản, người ta nghĩ rằng khẩu trang sẽ là biện pháp phòng ngừa dịch 2019-nCoV. Phát biểu về viễn cảnh cả nước sẽ dùng khẩu trang để phòng chống dịch bệnh chắc được các nhà sản xuất và phân phối khẩu trang đón nhận nồng nhiệt, nhưng nó không nhất quán với dữ liệu khoa học”.
Tác dụng và giới hạn của khẩu trang
Về tác dụng và giới hạn của khẩu trang, RFI Tiếng Việt đặt câu hỏi với Bác sĩ Phan Đình Hiệp (Melbourne, Úc) (cuộc phỏng vấn thực hiện ngày 03/02/2020). Bác sĩ Phan Đình Hiệp cho biết :
Ai cũng biết là khẩu trang có tác dụng phòng ngừa các bệnh lây qua đường hô hấp, nhưng mà mức độ như thế nào, đó là vấn đề chúng ta cân nhắc ở đây. Cái lợi ích, cái thiệt hại như thế nào? Bởi vì nhiều khi chúng ta đeo không đúng, không đúng loại khẩu trang, không đúng mục đích thì lúc đó lợi bất cập hại. Ví dụ nhiều người không biết rằng có loại khẩu trang rất đắt tiền, ví dụ loại N95, chỉ dùng cho những người chăm sóc những bệnh nhân bị những bệnh lây qua đường hô hấp, rất đặc biệt, ví dụ như bệnh sởi hay con virus Vũ Hán. Còn lại, nói chung để ngăn ngừa bệnh, người ta khuyên là nên dùng ở mức thấp hơn, loại ”khẩu trang phẫu thuật”, gọi là khẩu trang ba hay bốn lớp. Nhưng lợi ích của nó không hoàn toàn như mọi người tưởng, nghĩa là cứ đeo vào là bảo vệ được (1). Vì nhiều nghiên cứu đã chỉ ra là khẩu trang trước hết để bảo vệ người khác nếu mình mắc bệnh, bằng cách ngăn lại các dịch tiết ra ngoài, hơn là bảo vệ bản thân khỏi tác động từ bên ngoài vào. Và có thể nói là trên 80% người dùng và thậm chí hơn nữa đeo không chính xác. Rồi khẩu trang còn có cỡ nhỏ, cỡ lớn… làm sao có thể kín hết được. Chưa kể đến việc đeo kín quá, đối với những người vốn bị yếu đường hô hấp, thì đeo cái đó vào, người ta lại càng khó thở thêm. Tóm lại, nó là vật ngăn cản, làm giảm nguy cơ truyền bệnh, nhưng tác động cụ thể thì tùy mỗi người và tùy tình hình cụ thể ở mỗi quốc gia.
Nếu như chúng ta đang ở thành phố Vũ Hán thì phải đeo, vì đó là môi trường quá nhiều người bị. Ở Việt Nam có nên đeo khẩu trang không? Chúng ta có lượng người Trung Quốc qua quá lớn, cả đường không và đường bộ. Và đặc biệt là tuy đường không đã đóng rồi, nhưng đường bộ vẫn còn, như vậy người Trung Quốc hiện diện trên nước chúng ta khá lớn, tức là cái nguy cơ khá lớn… Nếu như phải đi vào những môi trường nguy hiểm, giống như ở sân bay, ở cửa khẩu, hay những lễ hội có thể có rất nhiều người nước ngoài, nhất là người Trung Quốc, thì phải đeo”.
90 triệu dân đeo khẩu trang: Chính quyền lúng túng
Về phương án toàn dân đeo khẩu trang phòng virus đến từ Vũ Hán, Bác sĩ Phan Đình Hiệp nhận xét: ”Mình không thể hình dung là có cả một quốc gia phải mang khẩu trang hết. Có vẻ đây là một sự lúng túng. Giống như đây gọi là vấn đề ”xử lý khủng hoảng truyền thông”. Có lẽ đó cũng giống như là những nơi mà không có sự minh bạch thông tin, hay là những nơi không có sự phản biện về y tế, thì nó thường xảy ra như vậy. Giống như nguyên tắc của vụ Vũ Hán mà chúng ta tính kỹ lại, thì lúc đầu có sự giấu diếm thông tin cơ bản… Những vụ như thế này đâu có cần phải như vậy. Cái này (giải pháp toàn dân đeo khẩu trang) thể hiện ra là người ta quan tâm, nhưng cũng thể hiện là người ta lúng túng”.
Trở lại với thời gian sau khi chính quyền Trung Quốc thừa nhận có dịch (sau ba tuần lễ che giấu), chính quyền Việt Nam bị chỉ trích đã phản ứng chậm trễ, trước hết là đối với số lượng khách du lịch Vũ Hán tại Việt Nam (ước tính khoảng hơn 4.000 người), chưa kể dòng người từ Trung Quốc vẫn tiếp tục đổ sang Việt Nam trong nhiều ngày, sau ngày chính quyền Bắc Kinh công bố dịch, phong tỏa Vũ Hán và nhiều thành phố tỉnh Hồ Bắc (Hubei). Các nhóm khách du lịch Trung Quốc có nguy cơ cao mang virus 2019-nCoV gần như đã không hề bị đặt dưới sự giám sát. Khách quan mà nói, Việt Nam rõ ràng là nạn nhân của tình trạng bất minh của phía Trung Quốc, do Trung Quốc che giấu dịch trong một thời gian dài. Tuy nhiên, cách phản ứng của chính quyền Việt Nam cũng thể hiện cho sự thiếu minh bạch và thiếu mục tiêu rõ ràng trong việc xử lý hệ quả của tình trạng tràn ngập khách du lịch Trung Quốc có nguy cơ mang virus cao.
Đọc thêm: Virus corona – Hơn 4000 người Trung Quốc từ Vũ Hán vào Việt Nam hiện giờ ở đâu ?
Bác sĩ Phan Đình Hiệp tuy thừa nhận số liệu chính thức người nhiễm virus Vũ Hán là không lớn, nhưng khẳng định nguy cơ tiềm ẩn rủi ro là khá lớn, do số lượng lớn du khách Trung Quốc có mặt khắp nơi (chưa kể đến người Việt từ Trung Quốc hồi hương do dịch), điều này giải thích cho tâm trạng lo âu phổ biến trong xã hội Việt Nam, khiến người dân dễ dàng tìm đến khẩu trang, như biện pháp được coi là phòng vệ hiệu quả, cho dù về mặt thực nghiệm y học, không có gì cho thấy đeo khẩu trang đại trà là một biện pháp phòng dịch thực sự hữu hiệu.
Chính trong bối cảnh này, đề xuất thảo luận và các khuyến cáo từ phía chính phủ sử dụng khẩu trang phòng dịch đại trà toàn dân có thể coi như là một giải pháp dễ dãi, đặt gánh nặng tự vệ về phía người dân, mà không coi việc chính quyền đặt mục tiêu cô lập nguồn dịch, kiểm soát nguồn dịch là trách nhiệm số một phải chủ động làm sớm, làm ngay từ đầu. Chính quyền Việt Nam sau đó, cùng với việc WHO công bố tình trạng y tế khẩn cấp, đã có nhiều biện pháp được đánh giá là mạnh mẽ hơn, nhưng chủ trương dùng khẩu trang đại trà vẫn có xu hướng dường như ngày càng được coi là một trụ cột trong chính sách phòng dịch cộng đồng. Và điều này có nhiều nguy cơ lợi bất cập hại.
Khẩu trang trong lớp học: ”Giải pháp không thực tế!”
Tình hình đặc biệt nổi rõ trong hiện trạng sử dụng khẩu trang phổ biến trong nhà trường. Cuối tháng Giêng, đầu tháng Hai 2020, hình ảnh các lớp học tràn ngập khẩu trang được đăng tải rộng rãi trên truyền thông trong nước. Về vấn đề này, Bác sĩ Phan Đình Hiệp nhận xét:
Cái đó không thực tế! Bởi vì nếu dịch mà tràn lan đến nỗi mỗi em đi học phải mang khẩu trang thì phải đeo hết, thì dịch đến mức phải nghỉ học rồi. Người lớn đeo còn khó chuẩn nữa, huống chi là các em. Rồi đi học các em còn phải nói… Đi học làm sao có thể ngồi yên được. Nếu gọi là khẩu trang đi trường học thì không còn thực tế nữa. Em nào bệnh thì em ấy ở nhà, còn nếu cả lớp mà mang khẩu trang đi học thì lúc đó là đại dịch của cả quốc gia. Chứ không còn là tiểu dịch nữa”.
”Cảm giác an toàn giả tạo”
Đeo khẩu trang rõ ràng tạo cảm giác an toàn, nhưng mặt khác khiến người ta có thể sao lãng sự chú ý đến vấn đề quan trọng hơn, đó là xác định ”nguồn dịch bệnh” và tìm cách cách ly nguồn dịch. Bác sĩ Phan Đình Hiệp cho biết:
Có một điều người ta không biết rằng, khi đeo cái khẩu trang vào, thì nó tạo nên một cái cảm giác an toàn giả (2), tức là cảm giác mình an toàn, nhưng thực sự không an toàn. Trong khi chúng ta phải đấu tranh chuyện khác, chuyện công khai giảm nguồn dịch. Cần nhất là giảm nguồn dịch. Nguồn dịch từ đâu? Chắc chắn là từ bên Trung Quốc qua là cái chính ! Rồi chúng ta phải cách ly người bệnh. Chúng ta phải dặn là những người bệnh không đi ra chỗ công chúng đông người. Rồi chúng ta phải dặn người bệnh là không nên cố gắng đi làm, đi học… Tức là phải hiểu vấn đề bệnh, để có trách nhiệm với bản thân và với cộng đồng. Cái đó mới quan trọng. Còn nếu đeo cái khẩu trang như vậy, mà bên cạnh thằng bạn bị bệnh ngồi đó, thì tỉ lệ bảo vệ của cái khẩu trang không được bao nhiêu so với chúng ta dạy được ai đó có bệnh thì ở nhà, tự cách ly, để điều trị tốt. Lợi hại nằm ở điểm đó”.
Hoảng sợ do không có một chính sách quốc gia hiệu quả
Trong không khí hoảng loạn như vậy, thì người ta nghĩ là ai cũng phải cho con khẩu trang để bảo vệ, ai cũng phải lo hết mức cho con mình. Thành ra gia đình nào cũng muốn em bé được đeo khẩu trang đi học. Nhưng mà để hỏi xem họ đeo có chuẩn xác cho con của họ không. Thực sự là đeo không chuẩn xác thì không bảo vệ được bao nhiêu. Đem đứa bé đi học với khẩu trang như vậy thì hệ thống không còn chuẩn. Mình nghĩ là cái đó phải chỉnh từ cái gốc của hệ thống y tế. Chứ không phải là đến lúc mà hoảng quá mỗi người đều tự lo cho mình mà không nghĩ đến cái giải pháp gọi là giải pháp chính sách – giải pháp của quốc gia. Giải pháp quốc gia không có nghĩa là bắt mọi người phải đeo hay bắt mọi người không đeo, mà là sự giáo dục y tế và sự phòng bệnh, định lượng bệnh như thế nào, dịch như thế nào. Nếu cái đó tốt thì sẽ không xẩy ra chuyện cả lớp phải mang khẩu trang”.
Hiện tại tình hình đang có nhiều chuyển biến. Tính đến đêm ngày 04/02, 60 tỉnh và thành phố trực thuộc trung ương tại Việt Nam (trên 63 tỉnh) đã cho học sinh nghỉ học để giảm nguy cơ lây nhiễm, đa số cho đến ngày 09/02. Tình trạng học sinh phải đến trường với khẩu trang đại trà như trước nhìn chung tạm thời không xảy ra. Tuy nhiên, câu hỏi về vai trò của chiếc khẩu trang trong chính sách phòng chống dịch lây nhiễm qua đường hô hấp của chính quyền Việt Nam tiếp tục còn đó.
Dịch do virus 2019-nCoV xuất phát từ Vũ Hán, cho dù tỉ lệ tử vong không cao so với nhiều dịch bệnh nguy hiểm khác, nhưng gây rất nhiều lo ngại từ phía quốc tế, một phần chủ yếu do tính chất không minh bạch của chính quyền Trung Quốc. Việt Nam, một mặt là nạn nhân của chính sách bất minh của Trung Quốc (chính sách bất minh này đã đặt Việt Nam vào tình trạng bị động rất lớn, khi số du khách có nguy cơ nhiễm virus tràn ngập nhiều khu vực tại Việt Nam), nhưng mặt khác, cách phản ứng thiếu minh bạch, thiếu hiệu quả, chậm trễ và rất bị động của chính quyền Việt Nam trong vấn đề khách du lịch Trung Quốc, trong thời gian đầu, cũng gây không khí hoang mang khá phổ biến trong xã hội, cho dù về mặt chính thức, đến ngày 04/02/2020, trên cả nước chỉ có 10 trường hợp được coi là bị nhiễm virus nói trên (nhiều người đặt câu hỏi phải chăng chính quyền Việt Nam bị Trung Quốc chi phối nên đã không thể nhanh chóng có được các biện pháp chủ động).
Chiếc khẩu trang mong manh gánh trách nhiệm cho chính quyền
Trong bối cảnh này, chiếc khẩu trang mong manh – có thể có một số tác dụng nhất định với người Việt Nam (trong việc phòng ngừa nguy cơ nhiễm bệnh, đặc biệt trong một xã hội mà các tập quán bảo vệ vệ sinh chung nơi công cộng chưa phải đã thực sự phổ biến đủ mức) – đã bị phó thác cho một sứ mạng vượt quá xa khả năng thực sự của nó: Giúp Toàn Dân Ngăn Dịch.
Việc nâng quá cao vai trò của loại khẩu trang thông thường trong việc phòng dịch vừa qua, một mặt, đáp ứng tâm lý lo lắng phổ biến của người dân trong xã hội, mặt khác, cũng phần nào đã giúp cho chính quyền giải tỏa được một cuộc ”khủng hoảng về truyền thông” do chậm đối phó với dịch. Tuy nhiên, nhìn rộng hơn trong khi chọn giải pháp này, gánh nặng phòng dịch vô hình chung đã nghiêng hẳn về phía người dân ; trách nhiệm của chính quyền trong việc xác lập một chiến lược phòng chống dịch quốc gia hiệu quả đã bị giảm nhẹ. Những sai lầm của chính quyền, đặc biệt trong việc xác định và khống chế nguồn dịch, dễ dàng được xuê xoa, bỏ qua.
Dịch virus corona 2019-nCoV một khi qua đi, nhiều nỗ lực chống dịch theo hướng đúng của phía chính quyền Việt Nam chắc chắn sẽ được ghi nhận. Thế nhưng, ắt hẳn giới chuyên môn, các nhà y khoa, các nhà kinh tế, các nhà xã hội học, sẽ có những đánh giá toàn diện về những cái giá phải trả cho chiến lược đối phó với dịch bệnh lần này. Trong đó có câu hỏi về những tốn kém và hệ quả nhiều mặt của chiến dịch tuyên truyền cho việc sử dụng khẩu trang đại trà toàn dân, những mặt lợi, mặt hại, ắt hẳn cũng sẽ phải được đặt ra.
Ghi chú
1- Theo bộ Y Tế Pháp, việc mang ”khẩu trang phẫu thuật” (tức loại khẩu trang ”ba lớp” thông thường) chủ yếu có giá trị phòng bệnh cho người khác, khi bản thân mình mang mầm bệnh, ”việc mang loại khẩu trang này cho bộ phận dân cư không nhiễm bệnh, với mục tiêu tránh nhiễm virus không nằm trong các biện pháp phòng bệnh được khuyến cáo, và tính hiệu quả của biện pháp này không được chứng minh” (AFP, ngày 28/01/2020).
2 – Bà Sylvie Briand, giám đốc vụ Đối phó Toàn cầu với các Nguy cơ Lây nhiễm của WHO, nhấn mạnh với người không nhiễm virus, có một nguy cơ lớn là khẩu trang có thể tạo ”cảm giác an toàn giả tạo”. Một trong các biện pháp quan trọng được WHO khuyến cáo là rửa tay thường xuyên, bởi nguy cơ lây nhiễm qua đường tiếp xúc với virus trong các dịch thể mà người bệnh để lại là lớn (AFP, ngày 04/02/2020).
http://www.rfi.fr/vi/vi%E1%BB%87t-nam/20200205-vi%E1%BB%87t-nam-virus-v%C5%A9-h%C3%A1n-to%C3%A0n-d%C3%A2n-%C4%91eo-kh%E1%BA%A9u-trang-c%C3%B3-hi%E1%BB%87u-qu%E1%BA%A3-kh%C3%B4ng

0 comments

Leave a comment

Powered by Blogger.