Hải Ngoại Ngày Nay


LIÊN KẾT HẢI NGOẠI YỂM TRỢ QUỐC NỘI ĐẤU TRANH

GIẢI THỂ CHẾ ĐỘ ĐỘC TÀI VIỆT CỘNG

GIẢi TRỪ HIỂM HỌA XÂM LĂNG TRUNG CỘNG

Đọc báo Pháp – 05/02/2020

Wednesday, February 5, 2020 5:54:00 PM // ,

Đọc báo Pháp – 05/02/2020

Virus corona :

Chính quyền Trung Quốc và quả báo gian dối

Tú Anh
Công xưởng của thế giới tê liệt, người Trung Quốc bị kỳ thị, trong nước dân bị cách ly thô bạo, ngoài nước bị cấm cửa. Liệu các biện pháp phong tỏa nghiêm ngặt này có hiệu quả ngăn chận virus corona hay không ? Vì sao tâm trạng sợ virus làm bùng lên tâm lý bài Trung Quốc ? Đó là những chủ đề tốn hao giấy mực trên báo Pháp hôm nay.
Nỗi lo khánh tận
Kinh tế Trung Quốc ngưng trệ. Đường giao thông bị phong tỏa, hãng xưởng đóng cửa, hàng quán thưa khách … tác hại của siêu vi corona mới bắt đầu được thấy rõ. Nhiều chủ doanh nghiệp loại vừa lo sợ khánh tận.
Le Monde mượn trường hợp cụ thể để minh họa cho tình trạng suy nhược của đại cường kinh tế, liệt giường vì siêu vi viêm phổi mới.
Giả Quốc Long, chủ nhân thương hiệu 400 nhà hàng Tây Bắc (Xibei) tại 60 thành phố Trung Quốc, sử dụng 20.000 nhân viên than thở với báo chí Nhà nước : « Kéo dài tình trạng sống dở chết dở này tối đa ba tháng là tôi sạt nghiệp ». Doanh nghiệp này chỉ là một trong muôn ngàn trường hợp cụ thể.
Tình trạng đóng cửa nhà máy, biện pháp cô lập thành phố, cách ly cư dân đã làm cho đại cường kinh tế số hai thế giới gần như tê liệt. Oxford Economics hạ điểm tăng trưởng của Trung Quốc trong quý đầu là 4%, tăng trưởng toàn năm 2020 được 5,4% là cao nhất.
Hồng Kông : Tâm lý bài Hoa lục có thêm nhiên liệu
Siêu vi « Vũ Hán », theo cách gọi của dân Hồng Kông, đã gây chết người tại đặc khu. Cuộc đấu tranh chống ảnh hưởng Trung Quốc có thêm nhiên liệu. Đặc khu trưởng Lâm Trịnh Nguyệt Nga chịu áp lực đình công của hàng chục ngàn nhân viên y tế.
Kể từ đêm thứ Hai, những trạm biên giới cuối cùng giữa Hồng Kông và Hoa lục phải đóng cửa trừ hai điểm : đồn Thâm Quyến phía Hoa lục và chiếc cầu vượt sông Châu Giang nối Hông Kông với Chu Hải và Macao. Tuy nhiên, biện pháp trấn an này không xoa dịu được giới y tế Hồng Kông, 2700 người đã đình công, 9000 người sẽ gia nhập phong trào trong nay mai nếu bà Lâm không nhượng bộ. Đa số dân Hồng Kông chủ trương phong tỏa biên giới cấm triệt để người dân Hoa lục.
Một câu hỏi được đặt ra ở đây là tại sao tâm lý bài Trung Quốc dâng cao với con virus corona? Theo nhận định của Le Figaro, nguy cơ dịch bệnh tràn sang Hồng Kông làm giảm đi các cuộc xuống đường. Bù lại, phong trào dân chủ có một hướng tấn công mới : Tại sao cho dân Hoa lục mang bệnh qua Hồng Kông ? Tại sao bác sĩ Hồng Kông phải chết vì Trung Quốc ? Một nhân viên y tế tên Kai Yeung gằn giọng : « Nếu có một người Hồng Kông chết vì bị lây bệnh, những người Trung Quốc này sẽ xuống hỏa ngục ».
Cũng cùng một câu hỏi, nhật báo công giáo La Croix mượn ngòi bút của một bác sĩ về bệnh truyền nhiễm và một sử gia y tế cộng đồng. Theo bác sĩ Christoph Rapp, công luận ở Tây phương lo sợ nhiều
hơn là chính phủ. Các nước giàu, rút kinh nghiệm khủng hoảng dịch viêm phổi cấp tính 2003 cũng xuất phát từ Trung Quốc, nên đã có « bí kíp » ngăn chận lan truyền. Thế nhưng, Trung Quốc là một thế giới khác, có lẽ vì dân số quá đông, biện pháp chống dịch ban hành quá trễ. Hậu quả là hơn 20 nước cấm cửa dân Trung Quốc làm Trung Quốc cảm thấy bị cô lập.
Nhân quả vụ SARS : chỉ cần đọc báo Hồng Kông và Việt Nam
Face au coronavirus, le monde s’inquiète-t-il trop ?
Trong bài « Trước dịch bệnh virus corona, phải chăng thế giới lo ngại quá mức? », trên báo La Croix, sử gia y tế cộng đồng Patrick Zylberman cho rằng « sự gian trá của Trung Quốc trong vụ dịch SARS để lại nhiều dấu vết » và ông khuyến cáo Bắc Kinh hãy xét mình trước khi trách người : « Chúng ta không rõ chính quyền Trung Quốc lương thiện đến mức độ nào trong vụ virus corona chủng mới 2019 nhưng chỉ cần đọc báo chí Hồng Kông và Việt Nam là thấy rõ Trung Quốc lừa đảo như thế nào trong vụ SARS 2003 ».
Rất có thể họ đã trung thực hơn vào thời điểm này nhưng họ đã che giấu thông tin trong hơn một tháng, từ cuối tháng 11 cho đến cuối tháng 12/2019. Tổ Chức Y Tế Thế Giới bị Bắc Kinh gây sức ép không cho báo động toàn cầu. Vấn đề là thái độ của Bắc Kinh tạo ra một loạt hệ quả và phản ứng khắp thế giới. Nếu dịch kéo dài, nhiều dây chuyền sản xuất sẽ đình trệ như trường hợp của Hyundai ở Hàn Quốc.
Một hệ quả nữa là chính cộng đồng người Hoa phải trả giá. Năm 2003, tại một quốc gia không có tiếng kỳ thị như Canada mà tài xế xe điện ở Toronto, mỗi khi sắp đi ngang khu chợ châu Á là họ lấy khẩu trang che nửa mặt. Tại Pháp, đã xuất hiện tâm lý tránh các nhà hàng người Hoa, cho dù thận trọng không chính đáng.
Bắc Kinh hãy tự soi gương
Trước khi trách người ghét mình, Trung Quốc hãy tự xét mình vì sao nên nỗi. Le Monde phân tích : Ngay trên mặt ngoại giao, Bắc Kinh cũng bị thất bại vì xem trọng quyền lợi chính trị, địa chính trị hơn tình người. Bắc Kinh đã thuyết phục được giám đốc Tổ Chức Y Tế Thế GiớiWHO không những không chỉ trích cách xử lý khủng hoảng của chính quyền Trung Quốc mà còn khen ngợi phản ứng « nhanh và minh bạch ».
Thế mà, cùng ngày, công luận được tin chính quyền câu lưu 8 bác sĩ ở Vũ Hán vì họ phổ biến thông tin. Phải mất ba tuần im lặng, Bắc Kinh mới nhìn nhận có dịch. Một dấu hiệu khác chứng minh Bắc Kinh xem trọng chính trị hơn sinh mạng con người là nhất quyết không cho Đài Loan gia nhập Tổ Chức Y Tế Thế Giới để được chia sẻ thông tin về dịch, trong lúc siêu lây đến hải đảo.
Đài Loan không cô đơn
Trong cuộc khủng hoảng dịch tễ này, Đài Loan nỗ lực chứng minh là một quốc gia độc lập. Khác với vụ dịch SARS, Đài Bắc tạo được kênh liên lạc với WHO, Tổ Chức Y Tế Thế Giới.
Khủng hoảng viêm phổi cấp tính mới là cơ hội để thấy thái độ « nhập nhằng » của Trung Quốc đối với Đài Loan. Bất chấp kêu gọi của Mỹ, Canada và Nhật Bản, chính quyền Trung Quốc vẫn khư khư không cho Đài Loan trở lại làm thành viên của Tổ Chức Y Tế Thế Giới, bất chấp số phận của 23 triệu dân hải đảo. Thế nhưng, Đài Loan trên thực tế, không bị cô lập.
Một mặt, qua kênh liên lạc « Quy định vệ sinh quốc tế », một cơ cấu của Tổ Chức Y Tế Thế Giới thành lập năm 2005, Đài Loan được cung cấp thông tin đầy đủ về dịch bệnh hiện nay đang hoành hành Hoa lục. Thêm vào đó, giữa Bắc Kinh và Đài Bắc có một thỏa thuận chia sẻ thông tin y tế khi có khủng hoảng, ký vào năm 2010. Hệ quả là hai chuyên gia Đài Loan đã đến Vũ Hán hồi giữa tháng Giêng để lấy mẫu siêu vi.
Trung Quốc rơi vào thế bị động
Vì sao thế giới chia sẻ xúc động với Paris khi Nhà Thờ Đức Bà bị cháy mà không một chút tình tương thân với người dân Vũ Hán ? Vì sao chính quyền Nga cấm cửa dân Trung Quốc ? Vì sao dân Hồng Kông, hào phóng giúp Trung Quốc tái thiết Tứ Xuyên sau trận động đất năm 2008, bây giờ đòi đóng cửa biên giới với đại lục ?
Theo bài xã luận của Le Monde, Bắc Kinh thất bại trên mọi mặt trận vì xem tình người nhẹ hơn quyền lực.
Từ khi dịch corona chủng mới hết có thể bị giấu giếm, tâm lý bài Trung Quốc hiện rõ qua những bình luận kiểu « trời trả báo kẻ ăn thịt dơi » hay qua tuyên bố của bộ trưởng Thương Mại Hoa Kỳ « khuyến khích doanh nghiệp bỏ Trung Quốc về đầu tư tại Mỹ ».
Theo Le Monde, Trung Quốc bị rơi vào thế thủ vì thất bại trên mọi mặt trận. Trước hết về khắc phục nhân tâm trong lẫn ngoài nước. Năm 2008, dân Hồng Kông hào phóng giúp Tứ Xuyên tái thiết sau động đất. Năm 2020, giới y tế đình công đòi đóng biên giới. Ngay những nước như Kazakhstan, Philippines, nằm trong chiến lược « một vành đai một con đường » của Tập Cận Bình cũng đóng cửa không nhận du khách Trung Quốc.
Nước Nga của Putin cũng đóng biên giới với Trung Quốc, một biện pháp mà Matxcơva không làm trong vụ khủng hoảng dịch SARS 2003. Những nước bạn của Trung Quốc chỉ áp dụng phương pháp của Bắc Kinh đối với dân Trung Quốc mà thôi : Phong tỏa Hồ Bắc, cách ly hơn 50 triệu dân trong một tỉnh nội bất xuất, ngoại bất nhập.
Hỏa Thần Sơn : bệnh viện dã chiến hay nhà tù ?
Liên quan đến hai bệnh viện dã chiến Hỏa Thần Sơn và Lôi Thần Sơn ở Vũ Hán, Libération cảnh báo : đó là hai pháo đài do quân đội Trung Quốc quản lý nghiêm ngặt « có vào mà không có ra ». Một đoạn phim quay lén trong ngày khánh thành và được phát tán trên mạng Taiwan News đã gây « sóng gió » trên các mạng xã hội. Tác giả giấu tên vào các phòng dành cho bệnh nhân giải thích : « Không cách nào mở cửa ra từ bên trong. Quý vị hãy ở nhà thì tốt hơn. Những người không qua khỏi sẽ bị đưa ngay đến lò thiêu ».
Si Meng Wang, một nhà nghiên cứu xã hội học Trung Quốc quốc tịch Pháp lo ngại : Trông giống trại lính hơn là bệnh viện. Chống dịch là chuyện của bộ Y Tế sao lại trao cho quân đội ? Quyền lợi của bệnh nhân có được tôn trọng hay không ? Những người lính quân y có được phép tiếp xúc hay liên lạc với gia đình hay không ?
Châu Âu đứng giữa hai đế chế công nghệ số
Trái lại, Le Figaro nhắc nhở độc giả là Trung Quốc ngày nay không còn là « công xưởng » của thế giới mà là một đại cường công nghiệp cạnh tranh nguy hiểm. Trong bài xã luận « Hai đế chế », nhật báo thiên hữu cảnh báo : cuộc chạy đua giữa hai siêu cường công nghệ số Hoa Kỳ và Trung Quốc sẽ vô cùng khốc liệt. Các đại tập đoàn GAFAM của Mỹ , Google, Apple, Faccebook, Amazon và Microsoft, hoạt động và thu lợi nhuận tối đa trong năm 2019. Sức mạnh này cho phép Mỹ áp đảo thị trường internet.
Nhưng trong lúc Hoa Kỳ suy nghĩ hai lần trước khi hành động, thì trái lại Trung Quốc, không cần phép tắc của một chế độ dân chủ. Bắc kinh cấm cửa các đối tác Mỹ, rồi thành lập những tập đoàn giống hệt đối phương, để cạnh tranh lại. Theo Le Figaro, châu Âu có trong tay những vũ khí công nghiệp hàng đầu, phải tận lực khai thác để bảo vệ quyền lợi và chủ quyền.

Tin tổng hợp


(AFP) – Một nhà báo Malaysia bị buộc tội đưa tin gây hoang mang trong công chúng về virus corona mới.
Wan Noor Hayati Wan Alias, biên tập viên của một tờ báo Malaysia, bị cáo buộc vi phạm các luật cấm các tuyên bố gây sợ hãi và lo lắng trong dân. Theo truyền thông Malaysia, nhà báo này được cho là đã đăng cảnh báo trên mạng Facebook về một du thuyền đến bang Penan với khoảng 1.000 du khách Trung Quốc trên tầu. Trước tòa án ở Kuala Lumpur, nhà báo nữ 40 tuổi này đã bác ba cáo trạng nhắm vào bà. Nếu bị kết án, bà có thể phải lĩnh án 2 năm tù.
(AFP) – Hoa Vi lập « các đơn vị sản xuất » tại châu Âu. 
Phát biểu tại Bruxelles ngày 04/02/2020 nhân dịp Năm mới âm lịch, ông Abraham Liu, phó chủ tịch tập đoàn công nghệ của Trung Quốc, khẳng định việc lập cơ sở sản xuất ở châu Âu « để thực sự có được mạng 5G cho châu Âu, được thiết kế riêng cho châu Âu ». Trước đó, ngày 29/01, Liên Hiệp Châu Âu đã công bố một loạt khuyến cáo chặt chẽ đối việc triển khai mạng 5G tại châu Âu nhằm tránh « mọi rủi ro đối với an ninh », nhưng không loại trừ Hoa Vi, bị Mỹ cáo buộc làm gián điệp cho Bắc Kinh.
(RFI) - Miến Điện lại cắt internet ở bang Arakan và Chin.
Từ tối thứ Hai 03/02/2020 cho đến nay, internet đã bị cắt tại hai bang Arakan và Chin, nơi xảy ra xung đột giữa quân đội Miến Điện và quân nổi dậy ở địa phương. Trước đó từ tháng 6/2019, chính quyền cũng đã cúp liên lạc internet ở bốn quận với lý do « an ninh ». Các tổ chức phi chính phủ tố cáo việc này gây khó khăn cho việc đưa viện trợ nhân đạo đến tay những người tị nạn.
(AFP) - Mỹ lần đầu triển khai một vũ khí nguyên tử « loại nhỏ ». 
Bộ Quốc Phòng Hoa Kỳ hôm 04/02/2020 loan báo triển khai loại đầu đạn nguyên tử công suất thấp W76-2 trên hỏa tiễn đạn đạo cho Hải quân, có thể bắn ra từ tàu ngầm. Washington khẳng định việc này nhằm ngăn cản Nga sử dụng vũ khí tương tự. Theo phía Mỹ, Matxcơva đang hiện đại hóa 2.000 vũ khí nguyên tử chiến thuật, đe dọa các quốc gia châu Âu láng giềng và tránh né hiệp ước giải trừ vũ khí New START.
(AFP) - Twitter sẽ gỡ bỏ hoặc cảnh báo các nội dung « giả mạo » và « độc hại »
Mạng xã hội Twitter hôm 04/02/2020 loan báo sẽ tập trung chống lại các hình ảnh và video bị chỉnh sửa. Kể từ tháng Ba, các tweet nhằm lừa dối công chúng hoặc làm hại người khác, chẳng hạn cổ vũ bạo lực hay vi phạm tự do ngôn luận sẽ bị gỡ bỏ hoặc đánh dấu cảnh báo. Twitter có động thái này chủ yếu do áp lực từ châu Âu và Hoa Kỳ, để đối phó tình trạng lợi dụng mạng xã hội để lũng đoạn, đặc biệt là trong chiến dịch tranh cử tổng thống Mỹ, hay cuộc trưng cầu dân ý Brexit trước đây.
(AFP) - Máy bay Canada phải quay lại vì khách nói dối « bị nhiễm virus corona ». 
Một chiếc phi cơ của hãng hàng không Canada Westjet chở 243 người hôm 04/02/2020 đã bay được nửa chặng đường đến Jamaica phải quay lại vì một vị khách nói rằng vừa từ Trung Quốc về và đã bị nhiễm chủng virus corona mới. Phi hành đoàn đưa cho người này khẩu trang và găng, buộc ngồi sau đuôi máy bay nhưng cuối cùng đã quyết định quay về Toronto. Nam hành khách 29 tuổi sẽ phải ra tòa ngày 9/3. Như vậy con virus corona trở thành một mô-típ mới cho những người thích đùa với pháp luật, thay vì tuyên bố có mang bom !
(AFP) – Một nửa triệu dân bỏ xứ đi lánh nạn trong vòng hai tháng ở miền tây bắc Syria. 
Thống kê được Liên Hiệp Quốc công bố ngày 04/05/2020. Lý do là quân đội của chế độ Damas, được Nga yểm trợ, đã tấn công vùng Idlib gần như hàng ngày để chiếm lại thành trì cuối cùng của lực lượng nổi dậy và thánh chiến. Cuộc tấn công đã đẩy quan hệ ngoại giao Syria-Thổ Nhĩ Kỳ thêm căng thẳng vì Ankara ủng hộ một số lực lượng quân nổi dậy và có quân trong khu vực trên, nằm gần biên giới với Thổ Nhĩ Kỳ.

Điểm tin thế giới sáng 5/2:

Cảnh báo việc Hồng Kông

có thể đối mặt với sự bùng nổ của dịch Vũ Hán

Lục Du
Sáng nay, thứ Tư (5/2), Đại Kỷ Nguyên xin gửi tới quý độc giả phần tổng hợp những tin thế giới nổi bật đêm qua:
Cập nhật thông tin đại dịch virus Vũ Hán
Theo báo cáo hôm thứ Tư (5/2) của quan chức Trung Quốc, số ca tử vong do virus Vũ Hán tính tới hết ngày thứ Ba, đã tăng thêm 65 người, khiến số người chết vì loại virus này ở Đại Lục tăng lên 490 (492 người tính trên toàn thế giới), theo Reuters và SCMP.
Bên cạnh đó, tỉnh Hồ Bắc tâm trấn của đại dịch, có thêm 3156 ca được phát hiện dương tính với chủng mới của virus corona, đưa số người nhiễm loại virus nguy hiểm ở tình này lên 16.678, ở Trung Quốc là 23.648 và trên phạm vi thế giới là 23.858.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã tuyên bố dịch do virus Vũ Hán gây ra là một trường hợp khẩn cấp toàn cầu và các chuyên gia cho biết vẫn còn nhiều điều cần nghiên cứu thêm, bao gồm tỷ lệ tử vong và các đường lây truyền của loại virus gây chết người.
Cảnh báo việc Hồng Kông có thể đối mặt với sự bùng nổ của dịch Vũ Hán
Hồng Kông có thể đối mặt với nguy cơ virus Vũ Hán lan rộng trong cộng đồng, các quan chức y tế cảnh báo hôm thứ Ba (4/2), khi hòn đảo có thêm 3 trường hợp nhiễm bệnh mới được xác nhận, chỉ vài giờ sau khi một bệnh nhân 39 tuổi, người đầu tiên ở Hồng Kông, tử vong vì chủng virus corona mới, theo SCMP.
Tình hình phòng dịch ở Hồng Kông trở nên căng thẳng hơn khi có 5.000 nhân viên ở các bệnh viện đã nghỉ việc vào ngày thứ Hai, để gây sức ép buộc lãnh đạo đặc khu phải đóng cửa hoàn toàn với Đại lục nhằm hạn chế tối đa sự lây lan của virus Vũ Hán.
Trưởng đặc khu Carie Lam, hôm thứ Ba, bị chỉ trích vì đưa ra yêu cầu các quan chức không đeo khẩu trang phòng dịch khi làm việc, ngoại trừ các tình huống đặc biệt được chỉ định. Người dân nói rằng quyết định của bà Lam không dựa trên khoa học và có thể gây ra sự hoảng loạn hơn nữa.
Đài Loan chỉ trích Trung Quốc ngăn cản họ tiếp cận thông tin dịch bệnh
Đài Loan tiếp tục chỉ trích Bắc Kinh vào hôm thứ Ba (4/2) vì lực lượng cầm quyền ở Trung Quốc ngăn cản họ tham gia WHO, nói rằng Trung Quốc “hèn hạ”, bằng việc này, đang khiến Đài Loan không có được thông tin kịp thời về sự lây lan của virus Vũ Hán, theo Reuters.
Trung Quốc nói với WHO hôm thứ Hai rằng họ đã chia sẻ thông tin đầy đủ về dịch virus Vũ Hán với Đài Loan và việc thông tin liên lạc về dịch bệnh giữa hai bên là “thông suốt”. Nhưng phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Đài Loan, Joanne Ou, cho biết Đài Bắc chỉ nhận được thông tin rất hạn chế và không kịp thời từ Bắc Kinh.
“Mặc dù virus này thực sự nghiêm trọng, nhưng họ vẫn đang sử dụng nguyên tắc ’một Trung Quốc’ để ngăn chặn Đài Loan tham gia vào các cuộc họp kỹ thuật của WHO”, bà Joanne nói.
Đã có 11 trường hợp được xác nhận là nhiễm virus Vũ Hán ở Đài Loan. Vì không phải là thành viên của WHO, bà Joanne cho biết, Đài Loan đang phải tìm kiếm thông tin về đại dịch do virus corona mới từ các đồng minh thân thiết như Mỹ hay Nhật Bản.
Tướng Mỹ đầu tiên thăm Iraq kể từ sau vụ ám sát Qassem Soleimani
Chỉ huy hàng đầu của Hoa Kỳ tại Trung Đông, tướng hải quân Frank McKenzie, đã đến thăm Iraq hôm thứ Ba (4/2). Đây là chuyến thăm đầu tiên của một quan chức cấp cao Lầu Năm Góc kể từ sau khi chính quyền Trump cho tiêu diệt tướng Iran khét tiếng chống Mỹ Qassem Soleimani khi ông này đang ở trên lãnh thổ Iraq, theo Fox News.
Ông McKenzie đã gặp các nhà lãnh đạo Iraq ở Baghdad và thăm quân đội Mỹ tại căn cứ không quân al-Assad, nơi bị Iran ném bom hồi tháng trước để trả thù vụ Qassem Soleimani.
“Tôi nghĩ rằng chúng tôi sẽ có thể tìm ra một con đường phía trước”, ông McK McKie nói với các phóng viên, và cho biết thêm rằng ông đã bị “hút vào” các cuộc họp với quan chức Iraq. Ông thừa nhận, do mối quan hệ hiện nay đang căng thẳng, các hoạt động quân sự và huấn luyện chung giữa quân đội Hoa Kỳ và Iraq đã bị thu hẹp lại. Tướng McKenzie cho biết thêm, mối quan hệ giữa hai nước vẫn còn trong giai đoạn “hỗn loạn” nhưng các lực lượng đặc nhiệm Mỹ vẫn đang phối hợp với lực lượng Iraq.
Mexico: Xả súng tại sới bạc, 9 người thiệt mạng
Reuters đưa tin hôm thứ Ba (4/2), 9 người, bao gồm một cậu bé 12 tuổi, đã bị bắn chết tại một máy đánh bạc ở bang Michoacan, miền trung Mexico.
Tổng chưởng lý Michoacan cho biết trong một tuyên bố vào cuối ngày thứ Hai rằng 8 người đã chết ngay trong vụ xả súng ở Uruapan, thành phố lớn thứ hai của bang, và 1 người khác chết sau khi đưa tới bệnh viện. Ngoài ra còn có nhiều người khác bị thương trong vụ xả súng.
Các nhà chức trách không đề cập tới động cơ của vụ xả súng ở Uruapan, một thành phố từ lâu đã nổi tiếng với các hoạt động của các băng đảng xã hội đen tranh giành quyền kiểm soát việc sản xuất và vận chuyển ma túy.

Điểm tin thế giới chiều 5/2:

Ngân hàng Trung Quốc khử trùng tiền mặt;

Kỷ lục tuần tra hàng hải của Mỹ ở Biển Đông

Hải Lam
Mục Điểm tin thế giới chiều thứ Tư (5/2) của Đại Kỷ Nguyên xin gửi tới bạn đọc những tin sau:
Ngân hàng Trung Quốc khử trùng tiền mặt
Theo Bloomberg, ngân hàng Trung ương Trung Quốc sử dụng tia cực tím và lò sấy nhiệt độ cao để khử trùng tiền mặt giữa dịch viêm phổi cấp do virus corona. Ngoài ra, ngân hàng này cũng bắt đầu thay thế các tờ tiền cũ bằng tiền mới được in.
Chi nhánh ngân hàng Trung ương Trung Quốc ở thành phố Tây An, thủ phủ tỉnh Thiểm Tây được bơm khí ozone để đẩy lùi nguy cơ lây lan virus corona. Chi nhánh này cũng giới hạn chỉ hai nhân viên được mở kho tiền mỗi lần.
Kỷ lục tuần tra hàng hải của Mỹ ở Biển Đông
Bưu Điện Hoa Nam Buổi Sáng dẫn dữ liệu từ Hạm đội Thái Bình Dương cho biết, hải quân Mỹ đã thực hiện 9 đợt hoạt động tự do hàng hải trên Biển Đông vào năm 2019. Đây là con số lớn nhất kể từ khi Trung Quốc bắt đầu bồi lấp đảo nhân tạo trái phép vào năm 2014.
Cụ thể, Hải quân Mỹ đã thực hiện 5 hoạt động tự do hàng hải trong năm 2018, 6 hoạt động trong năm 2017, (năm đầu tiên trong nhiệm kỳ Tổng thống Trump), 3 lần trong năm 2016, 2 lần trong năm 2015 và không có lần nào trong năm 2014.
“Mỹ xem quyền tự do hàng hải như một nguyên tắc. Các nhiệm vụ tự do hàng hải trong chương trình được tiến hành một cách hòa bình, không thiên vị hoặc chống lại bất kỳ quốc gia cụ thể nào”, bà Rachel McMarr, phát ngôn viên Hạm đội Thái Bình Dương nói.
Thủ tướng Campuchia Hun Sen không thể thăm Vũ Hán vì Trung Quốc bận đối phó nCoV
Reuters dẫn thông báo từ Bộ Ngoại giao Campuchia cho biết, do Trung Quốc bận đối phó với dịch viêm phổi virus corona mới (nCoV) nên không thể sắp xếp chuyến thăm của Thủ tướng Hun Sen tới Vũ Hán.
Hãng tin Khmer Times ngày 4/2 dẫn lời Thủ tướng Campuchia Hun Sen cho biết, sau khi kết thúc hội nghị ở Hàn Quốc, chiều nay 5/2, ông sẽ đáp chuyến bay đến Trung Quốc và thăm sinh viên Campuchia ở vùng tâm dịch Vũ Hán.
“Do Trung Quốc đang bận đối phó dịch, nên giới chức ở thành phố Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc không có đủ thời gian sắp xếp tiếp đón chu đáo Thủ tướng”, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Campuchia Koy Kuong nói với Reuters.
Ông Koy Kuong cho biết thêm, phía Trung Quốc đã đề nghị Thủ tướng Hun Sen chuyển kế hoạch sang thăm Bắc Kinh.
Iran muốn ‘làm hòa’ với Vùng Vịnh
Al Jazeera cho hay, đại sứ Masjedi hôm 4/2 nói Iran muốn hàn gắn quan hệ với Arab Saudi và Các tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) “sớm nhất có thể”.
“Iran cởi mở trong việc giải quyết bất đồng với các đối thủ ở Vùng Vịnh như Arab Saudi và Các tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) sớm nhất có thể”, hãng thông tấn nhà nước Iraq ngày 4/2 dẫn lời đại sứ Iran Iraj Masjedi.
Ông Masjedi cũng ca ngợi các nỗ lực hòa giải của Iraq trong thời gian gần đây. “Tehran hoan nghênh vai trò của Iraq trong việc giải quyết những bất đồng giữa Iran và Arab Saudi”, ông nói.

0 comments

Leave a comment

Powered by Blogger.