Hải Ngoại Ngày Nay


LIÊN KẾT HẢI NGOẠI YỂM TRỢ QUỐC NỘI ĐẤU TRANH

GIẢI THỂ CHẾ ĐỘ ĐỘC TÀI VIỆT CỘNG

GIẢi TRỪ HIỂM HỌA XÂM LĂNG TRUNG CỘNG

Tin khắp nơi – 05/02/2020

Wednesday, February 5, 2020 5:42:00 PM // ,

Tin khắp nơi – 05/02/2020

Bầu cử sơ bộ Iowa:

Pete Buttigieg và Bernie Sanders dẫn đầu

Pete Buttigieg và Bernie Sanders đang dẫn đầu trong cuộc bầu cử sơ bộ của tiểu bang Iowa.
Đây là kết quả một phần từ cuộc bỏ phiếu đầu tiên hỗn loạn trong cuộc đua chọn ứng cử viên Nhà Trắng cho đảng Dân chủ.
Đảng Dân chủ tiểu bang Iowa cho biết kết quả đếm phiếu từ 62% các khu vực cho thấy ông Buttigieg được trên 26,9% với ông Sanders được trên 25,1% số phiếu.
Elizabeth Warren đứng thứ ba với 18,3% và Joe Biden thứ tư với trên 15,6%.
Vũ khí bí mật chống Trump của các ứng cử viên Dân chủ
Ai đang dẫn đầu cuộc đua vào Nhà trắng của đảng Dân chủ?
‘Vì sao chúng tôi muốn Trump tái đắc cử năm 2020?’
Ứng cử viên được đảng đề cử cuối cùng sẽ thách thức Tổng thống Donald Trump, đảng Cộng hòa, trong cuộc chạy đua vào Nhà Trắng tháng 11.
Amy Klobuchar chiếm 12,6% và Andrew Yang trên 1,1%, theo kết quả sơ bộ khác được công bố vào tối thứ Ba từ tất cả 99 quận của Iowa. Tom Steyer và Tulsi Gabbard chỉ ở mức dưới 1%.
Nhưng đảng Dân chủ tiểu bang hiện vẫn chưa tuyên bố ai là người chiến thắng từ cuộc bỏ phiếu hôm thứ Hai, đã bị hỗn loạn bởi các trục trặc kỹ thuật.
Kết quả cho thấy phần của các đại biểu cần thiết để giành được sự đề cử của đảng theo hệ thống chính trị kỳ quặc của nước Mỹ. Iowa chỉ có thể trao 41 trong số 1.991 đại biểu cần thiết để trở thành ứng cử viên tổng thống của đảng Dân chủ.
Nhưng trong số phiếu phổ thông, kết quả một phần cho thấy ông Sanders dẫn đầu với 28.220 phiếu bầu, trong khi ông Buttigieg đứng thứ hai với 27.030.
Bà Warren đứng thứ ba với 22.254, tiếp theo là ông Biden ở mức 14.176 và bà Klobuchar là 13.357.
Iowa là cuộc bầu cử đầu tiên trong một loạt các tiểu bang trên toàn quốc, được gọi là bầu cử sơ bộ và họp đảng kín, sẽ lên đến đỉnh điểm trong việc đề cử ứng cử viên tổng thống của đảng Dân chủ tại đại hội đảng ở Milwaukee, Wisconsin, vào tháng Bảy.
Hiện có 11 ứng cử viên trong cuộc đua đạt đề cử, giảm nhiều từ con số hơn hai chục lúc ban đầu.
Tại sao lại xảy ra hỗn loạn?
Chủ tịch đảng Dân chủ tiểu bang Iowa, Troy Price, phát biểu tại một cuộc họp báo tối thứ Ba, rằng sự hỗn loạn đã “đơn giản là không thể chấp nhận được”.
“Tôi xin lỗi sâu sắc vì điều này”, ông nói thêm về tình trạng hỗn loạn, điều đã khiến có những lời kêu gọi tước vị trí đáng thèm muốn trên lịch bầu cử tổng thống của tiểu bang.
“Đây là một lỗi mã hóa”, ông nói, trong khi khẳng định rằng dữ liệu n toàn và hứa hẹn sẽ xem xét kỹ lưỡng.
Giới chức trong đảng của Iowa trước đó nói rằng vấn đề không phải là kết quả của “một vụ hack hay một vụ xâm nhập”.
Các quan chức đã được phái đi khắp tiểu bang để lấy bản sao của kết quả bằng giấy.
Họ đã phải kiểm soát lại những con số này với kết quả bầu cử được tường trình thông qua một ứng dụng di động mà nhiều giám đốc các khu vực cho biết đã bị hỏng, không dùng được.
Trump nói sẵn sàng ‘nhận’ tin xấu về đối thủ từ nước ngoài
Cử tri đã đổ về hôm thứ Hai tới hơn 1.600 địa điểm bầu phiếu, bao gồm thư viện, trường trung học và trung tâm cộng đồng.
Tổng thống Trump trước đó nói rằng các cuộc họp kín của đảng Dân chủ tại Iowa là một “thảm họa chưa được giải quyết”.
Pete Buttigieg là ai?
Nếu đắc cử, ông Buttigieg, 38 tuổi, sẽ là tổng thống Mỹ đồng tính công khai đầu tiên.
Ông là cựu thị trưởng của South Bend, tiểu bang Indiana, một thành phố chỉ có hơn 100.000 người.
Ông là cựu học giả của Đại học Harvard và Đại học Oxford, từng là một sĩ quan tình báo quân sự ở Afghanistan và từng làm việc cho công ty tư vấn quản lý toàn cầu McKinsey.
Các đối thủ cho rằng ông Buttigieg, người trẻ hơn Macaulay Culkin và Britney Spears, quá thiếu kinh nghiệm để trở thành tổng thống Mỹ.
Nhưng ông nói mình là người ngoài cuộc có thể biến đổi cục diện, người có thể phá vỡ sự bế tắc ở Washington và đánh bại Tổng thống Trump.
Vận động tranh cử tại Laconia, New Hampshire vào tối thứ Ba, ông Buttigieg hoan nghênh kết quả sơ bộ.
“Chiến dịch tranh cử bắt đầu một năm trước với bốn nhân viên, với cái tên không ai biết, không có tiền, chỉ là một ý tưởng lớn, một chiến dịch tranh cử mà nhiều người nói không có lý do gì để vào cuộc, đã diễn ra và tiến tới phía trước của cuộc đua thay thế tổng thống hiện tại này bằng một tầm nhìn tốt hơn cho tương lai, “ông Buttigieg nói.
Phân tích của Anthony Zurcher
Cuối cùng chúng ta đã có một số kết quả bầu cử sơ bộ 2020 của Iowa để bàn luận. Và cuộc bầu cử của họ sẽ tạo ra rất nhiều cuộc nói chuyện – một cách hùng hổ.
Có những người rõ ràng là kẻ thắng, cả Bernie Sanders và Pete Buttigieg đều có thể nói là mình đã thắng theo một mức độ nào đó, tùy thuộc vào kết quả cuối cùng.
Cũng có một kẻ thua cuộc rõ ràng – Joe Biden. Hôm thứ Hai ông đứng đầu trong một số các cuộc thăm dò và kỳ vọng một kết quả tốt để có thể dẹp đi những lo ngại rằng ông là một người dẫn đầu không hoàn hảo.
Thay vào đó, những lo ngại đó càng trở nên rõ hơn.
Không giống như các ứng cử viên Bernie Sanders, Elizabeth Warren và Peter Buttigieg, kho bạc tranh cử của Biden rất mỏng – và thành quả ở Iowa này không giúp ông kiếm thêm được tiền gây quỹ ở bất cứ đâu.
Tình trạng có thể tồi tệ hơn cho cựu phó tổng thống – ông có thể đã phải đưa ra một bài phát biểu nhượng bộ vị trí thứ tư vào tối thứ Hai – nhưng dù sao kết quả cuối cùng cũng vẫn thế.
Việc Biden đã không thể giáng một đòn chí tử vào đồng nghiệp trung dung Amy Klobuchar, trong khi Buttigieg và Sanders đều đã ra khỏi tiểu bang Iowa trong vị trí tốt hơn, cho thấy Biden có thể sẽ phải đứng vào vị trí thứ ba – hoặc thấp hơn – ở New Hampshire.
Cho đến khi được chứng minh khác đi, Biden vẫn còn có tường lửa về phía nam, dựa trên sự hỗ trợ từ các cử tri cao tuổi và người da đen. Nhưng rất có thể ông đang ở tình trạng cấp bách.
Các chiến dịch tranh cử khác phản ứng ra sao?
Sau khi bơm gần 800 triệu đôla vào chiến dịch tranh cử ở Iowa, các đối thủ của Biden bày tỏ sự thất vọng trước sự hỗn loạn.
Bernie Sanders, một thượng nghị sĩ tiểu bang Vermont, nói với các phóng viên rằng ông “rõ ràng thất vọng” với sự trì hoãn thông báo kết quả, nói rằng “không phải là một đêm tốt cho dân chủ”.
Ông nói rằng không có lý do gì để ”nguyền rủa” kết quả, nhưng chỉ trích quyết định tuyên bố chiến thắng của ông Buttigieg tối thứ Hai, mặc dù chưa có bất kỳ kết quả chính thức nào.
“Tôi chưa từng thấy ai tuyên bố chiến thắng trước khi bạn có tuyên bố chính thức từ kết quả bầu cử, chúng tôi thậm chí không tuyên bố chiến thắng”, ông Sanders nói.
Bà Elizabeth Warren, một thượng nghị sĩ tiểu bang Massachusetts, và cựu Phó Tổng thống Hoa Kỳ, ông Joe Biden trước đó hôm thứ Ba đã đặt câu hỏi về quyết định của đảng Dân chủ Iowa về việc công bố một phần kết quả.
Cố vấn cấp cao của chiến dịch tranh cử Biden, Symone Sanders nói với các phóng viên: “Điều chúng tôi đang nói là có một số điểm không nhất quán, rằng quá trình, tính toàn vẹn, đang bị đe dọa.”
https://www.bbc.com/vietnamese/world-51382004

Những điều cần biết trước khi

Tổng Thống Trump đọc diễn văn tình trạng liên bang

Tin Washington DC – Vào tối thứ Ba, 4 tháng 2, Tổng Thống Donald Trump sẽ lần thứ 3 đọc diễn văn Tình trạng liên bang tại Quốc Hội. Bài diễn văn của ông Trump dự kiến bắt đầu lúc 9 giờ tối giờ miền đông, tức 6 giờ chiều giờ miền tây. Theo đài NPR dẫn lời một viên chức chính phủ cho biết, Tổng Thống Trump sẽ nhắc lại những lời hứa mà ông đã thực hiện được trong tư cách tổng thống, đồng thời ca ngợi sức mạnh của nền kinh tế và quân đội Hoa Kỳ.
Tổng Thống Trump dự kiến sẽ nhắc đến 5 lĩnh vực, đầu tiên là các vấn đề kinh tế, bao gồm thỏa thuận thương mại giai đoạn 1 với Trung Cộng, hiệp ước mới ký kết USMCA với Mexico và Canada, và chương trình Opportunity Zone, khuyến khích đầu tư vào các vùng thu nhập thấp. Tổng thống cũng sẽ nhắc đến các vấn đề gia đình, như việc lựa chọn trường học, kế hoạch cho nghỉ thai sản có trả lương, và tăng hỗ trợ về dịch vụ giữ trẻ. Chủ đề thứ 3 là giảm và minh bạch chi phí y tế. Tổng Thống Trump dự kiến cũng sẽ nêu các điểm khác biệt giữa kế hoạch y tế của ông và kế hoạch của đảng Dân Chủ. Vấn đề di trú, bao gồm cả tình trạng biên giới phía nam và các thành phố dung dưỡng cho di dân lậu, cũng sẽ được tổng thống nhắc đến. Chủ đề sau cùng trong diễn văn Tình trạng liên bang sẽ là an ninh quốc gia.
Tòa Bạch Ốc cho đến nay chỉ mới tiết lộ 2 khách mời, là ông Tony Rankins, cựu quân nhân Afghanistan, và ông Raul Ortiz, phó giám đốc Cơ quan Tuần tra biên giới. Sau bài diễn văn của tổng thống, Thống Đốc Michigan Gretchen Whitmer sẽ đọc diễn văn trả lời của đảng Dân Chủ.
Mộc Miên
https://www.sbtn.tv/nhung-dieu-can-biet-truoc-khi-tong-thong-trump-doc-dien-van-tinh-trang-lien-bang/

Ông Trump không bắt tay Chủ tịch Hạ viện,

bà Pelosi xé đôi bản in Thông điệp Liên bang

Hải Lam
Trước khi Tổng thống Trump đọc diễn văn Thông điệp Liên bang 2020 vào tối 4/2 (sáng 5/2 giờ Việt Nam), ông đưa tập bản sao cho Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi rồi quay mặt đi ngay, dù bà chìa tay muốn bắt. Sau khi tổng thống kết thúc bài phát biểu, bà Pelosi xé ngay tập tài liệu trước các máy quay.

Theo CBS News, Phó tổng thống Mike Pence và Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi được bố trí ngồi ngay phía sau ông Trump. Tổng thống quay lại trao tài liệu cho hai người. Bà Pelosi nhận tài liệu và chìa tay muốn bắt tay ông Trump, nhưng ông nhanh chóng quay mặt đi. Động thái này khiến bà bất ngờ. Chưa rõ tổng thống không nhận thấy hành động chìa tay của bà Pelosi hay do ông không muốn bắt tay Chủ tịch Hạ viện.
Reuters cho hay, ngay sau khi Tổng thống Trump kết thúc bài phát biểu dài khoảng 80 phút, nhiều nghị sĩ đứng dậy và vỗ tay, trong khi đó, bà Pelosi xé đôi bản in Thông điệp Liên bang với một vẻ mặt dường như khó chịu.
Sau đó, bà còn giơ bản Thông điệp bị xé lên cao. Chủ tịch Hạ viện nói đó là “điều lịch sự nhất có thể làm” để phản ứng trước những phát biểu của ông Trump.
Theo Reuters, trợ lý của ông Trump và bà Pelosi biết họ đã không trò chuyện với nhau kể từ hồi tháng 10/2019. Nhà Trắng khi đó công bố bức ảnh bà đứng lên và chỉ tay vào ông Trump.
Nhà Trắng đã lên án hành động xé bản in Thông điệp Liên bang của Chủ tịch Pelosi. Nhà Trắng cho rằng bà Pelosi đã không tôn trọng những khách mời trong sự kiện.
“Chủ tịch Hạ viện Pelosi vừa xé: Một trong những phi công còn sống cuối cùng của Tuskegee Airmen. Một đứa trẻ sống sót khi được sinh ra ở tuần thứ 21. Tang quyến của Rocky Jones và Kayla Mueller. Cuộc đoàn viên của một quân nhân với gia đình anh. Đó là di sản của bà ấy”, Nhà Trắng đăng trên tài khoản Twitter.
https://www.dkn.tv/the-gioi/ong-trump-khong-bat-tay-chu-tich-ha-vien-ba-pelosi-xe-ban-in-thong-diep-lien-bang.html

TT Trump khẳng định với cử tri: ‘Nước Mỹ lại vĩ đại!’

Đứng trước những người ủng hộ và cả những ai tố cáo mình, Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump tối ngày 4/2 đọc thông điệp Liên bang 2020 tại điện Capitol hùng tráng, ngay trước ngày ông sẽ được tuyên trắng án trong phiên tòa luận tội ở Thượng viện, và cũng trùng vào lúc mở màn cuộc đua vào Nhà trắng của phe Dân chủ, theo AP.
Tổng thống Trump mạnh mẽ kêu gọi cử tri cả nước ủng hộ ông trong cuộc tranh cử nhiệm kỳ hai, ngay cả khi họ bất đồng với phong cách lãnh đạo của ông.
“Ba năm trước, chúng ta đã phát động sự trở lại tuyệt vời của nước Mỹ”, ông Trump bắt đầu bài diễn văn, với khẩu hiệu chiến thắng đặc trưng của ông. “Tối nay, tôi đứng đây cùng quý vị để chia sẻ kết quả đáng kinh ngạc vừa qua”.
Thông điệp Liên bang của ông Trump phát đi ngay vào một thời điểm mang tính đột phá cho ông Trump. Sau một thời gian bị luận tội bầm dập, ông sẽ được tuyên trắng án vào thứ Tư 5/2 với sự ủng hỗ hoàn toàn của Đảng Cộng hòa. Trong khi đó Đảng Dân chủ khởi động cuộc đua với trong tình trạng nội bộ của họ rối ren, khi mà cuộc bầu cử sơ bộ của Đảng Dân chủ ở bang Iowa mãi mới đưa ra kết quả vì gặp vấn đề về kỹ thuật.
Ông Trump đặt kinh tế vào vị trí hàng đầu và trung tâm, làm nổi bật tỷ lệ thất nghiệp thấp tuy không chấp nhận một thực tế rằng ông được thừa hưởng một nền kinh tế đang phát triển từ người tiền nhiệm. Ông cũng liên tục phóng đại những tuyên bố về tăng trưởng kinh tế và sự phát triển của lĩnh vực chế tạo trong nhiệm kỳ tổng thống của ông, vẫn theo AP.
Ông Trump dường như từ chối bắt tay với bà Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi khi bắt đầu bài phát biểu của mình. Sự kiện này kết thúc với việc bà xé toạc bản in bài phát biểu của ông Trump khi ông rời khỏi phòng họp quốc hội trong tiếng vỗ tay nồng nhiệt của cử tọa.
Với cuộc bầu cử được coi là một cuộc chiến giữa một bên là những người Mỹ đánh giá cao về tình trạng của quốc gia dưới thời ông Trump, và một bên tự hỏi liệu họ có thể tiếp tục chịu đựng bốn năm nữa trong nhiệm kỳ của một tổng thống “khác thường” hay không, thật không có gì ngạc nhiên khi chủ đề hỏi-đáp “Nước Mỹ lại vĩ đại phải không?” đã là nội dung cốt lõi trong Thông điệp Liên bang của Tổng thống Trump.
https://www.voatiengviet.com/a/tt-trump-khang-dinh-voi-cu-tri-nuoc-my-lai-vi-dai/5274672.html

Luận tội TT Trump:

Thượng viện Mỹ bỏ phiếu phán quyết chiều 5/2

Phiên tòa thứ ba luận tội một đương kim tổng thống Hoa Kỳ tại Thượng viện sẽ đi đến hồi kết vào chiều 5/2 (giờ thủ đô Washington), với một cuộc bỏ phiếu dự kiến sẽ tuyên trắng án cho ông Donald Trump, theo CNN.
Bản tin của CNN cho biết Thượng viện sẽ bỏ phiếu lúc 4 giờ chiều đối với bản án nêu hai điều khoản luận tội ông Trump: lạm quyền và cản trở Quốc hội.
Kết quả bản án là điều được biết trước, vì phe Cộng hòa ở Thượng viện chiếm đa số, 53 ghế, trong khi phe Dân chủ chỉ có 47 ghế, và cho đến nay không có thành viên nào trong phe Cộng nói rằng họ sẽ bỏ phiếu để loại ông Trump khỏi chức tổng thống. Để kết tội ông Trump, cần phải có 2/3 số phiếu thuận.
Trước đó vào tháng 12, Hạ viện mở các phiên luận tội ông Trump, khiến ông trở thành Tổng thống thứ ba của Hoa Kỳ bị luận tội.
Theo trang USA Today, cuộc bỏ phiếu lịch sử hôm 5/2 là đỉnh điểm sau nhiều tháng điều tra và tranh luận về những nỗ lực của phe Dân chủ cáo buộc ông Trump gây áp lực buộc Ukraina phải điều tra đối thủ chính trị của mình, cựu Phó Tổng thống Joe Biden, bằng không sẽ tìm cách giữ lại 391 triệu đôla viện trợ an ninh.
Các luật sư của Tổng thống Trump cho CNN biết rằng Hạ viện trước đây đã không buộc được tội Tổng thống và đã vội vàng trong quá trình luận tội.
“Họ chỉ làm giảm đi giá trị sức mạnh của việc luận tội và thật không may, tất nhiên, đất nước này không có điều đó thì sẽ tốt hơn biết bao”, ông Jay Sekulow, luật sư riêng của Tổng thống Trump cho biết hôm 3/2.
Ông Sekulow nói thêm: “Chúng tôi kêu gọi cơ quan này hãy vứt bỏ các điều khoản luận tội mang tính đảng phái này vì lợi ích của quốc gia, vì lợi ích của Hiến pháp”
https://www.voatiengviet.com/a/luan-toi-tt-trump-bo-phieu-chieu-5-2/5274753.html

Virus corona có thể giúp Donald Trump

 dễ dàng tái đắc cử tổng thống Mỹ !

Đức Tâm
Thuyết âm mưu hay « bình loạn » cho vui ? Hoàn toàn không. Dịch bệnh virus corona có thể làm tăng khả năng tái đắc cử của tổng thống Mỹ Donald Trump. Theo tạp chí kinh tế, tài chính Bỉ Trends-Tendances, đó là nhận định của một kinh tế gia nổi tiếng Hoa Kỳ.
Dịch bệnh virus corona đôi khi làm xuất hiện những phản ứng, bình luận kỳ cục. Vào lúc Trung Quốc đang căng thẳng đối phó với khủng hoảng y tế, bộ trưởng Thương Mại Mỹ Wilbur Ross, một người thân cận với Donald Trump, không nghĩ ra điều gì hay hơn khi ông tuyên bố rằng dịch virus corona sẽ nhanh chóng tạo thêm việc làm tại Hoa Kỳ.
Vị bộ trưởng này cho rằng dịch virus corona làm cho một phần lãnh thổ Trung Quốc bị cô lập, cách ly, các tập đoàn đa quốc gia phải tính tới việc có nên tiếp tục duy trì các cơ sở sản xuất của họ tại Trung Quốc hay không. Do vậy, có nhiều khả năng là các công ty đa quốc gia này quay trở lại Hoa Kỳ và qua đó, tạo thêm công ăn việc làm cho người dân Mỹ.
Theo tạp chí Bỉ, tuyên bố của bộ trưởng Thương Mại Mỹ không chỉ « vô duyên » vì dịch bệnh làm cho hàng trăm người chết, hàng ngàn người nhiễm bệnh, cả thế giới lo lắng, mà còn phản ánh sự thiếu hiểu biết về các quy luật kinh tế. Các công ty đa quốc gia sẽ không quay lại Mỹ mà sẽ đặt các cơ sở sản xuất ở những nơi gần Trung Quốc, có giá nhân công rẻ, như Việt Nam, Indonesia, hya Bangladesh.
Tuy nhiên, phát biểu rất vụng về của bộ trưởng Thương Mại Mỹ lại cho thấy là dịch bệnh virus corona có thể gây ra những hiệu ứng chính trị không ngờ tới. Chính vì thế, Tyler Cowen, một trong những kinh tế gia có uy tín tại Mỹ cho rằng con virus này sẽ cho phép Donald Trump tái đắc cử khá dễ dàng.
Chuyên gia này giải thích : Người ta thường phê phán Donald Trump có đầu óc dân tộc chủ nghĩa thái quá. Thế nhưng, khi mà hàng chục hãng hàng không quốc tế ngừng bay tới Trung Quốc và nhiều nước từ chối đón tiếp công dân Trung Quốc từ Trung Quốc tới, thì các phát biểu dân tộc chủ nghĩa thái quá của Trump giờ đây lại trở thành điều bình thường, dễ chấp nhận. Với dịch virus corona, việc cấm người dân di chuyển không bị coi là vi hiến nữa.
Trước đây, Trump nhất quyết muốn xây tường ở biên giới chung với Mêhicô để ngăn chặn di dân, giờ đây đòi hỏi này không bị coi là quá lố nữa vì nhiều nước đang dựng lên các « hàng rào » nhập cảnh đối với khách du lịch Trung Quốc. Vả lại, nhiều khu làng tại Trung Quốc cũng lập hàng rào, ngăn chặn người dân Vũ Hán lui tới.
Tóm lại, theo kinh tế gia Tyler Cowen, tất cả những nghi kỵ của Donald Trump đối với Trung Quốc, tất cả những chỉ trích của ông trong cuộc chiến thương mại với Trung Quốc ba năm vừa qua, giờ đây trở
thành đúng trong con mắt một bộ phận dân chúng Mỹ. Họ có thể có suy nghĩ theo kiểu, nhìn chung những điều tệ hại chỉ có thể từ Trung Quốc tới mà thôi.
Do vậy, hơn bao giờ hết, người ta cho rằng Trump có lý khi đưa ra lập trường cứng rắn. Theo nhận định của tạp chí Bỉ, thực ra, mọi lập luận chính trị của Donald Trump là phải tìm ra một vật bung xung để chỉ trích. Giờ đây, Trump đã tìm thấy và được « phục vụ » liên tục : trong nhiều tháng tới, dịch bệnh virus corona sẽ xuất hiện thường xuyên trên trang nhất các phương tiện truyền thông, và điều này chỉ có lợi cho chủ nhân Nhà Trắng.
http://www.rfi.fr/vi/qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF/20200205-virus-corona-c%C3%B3-th%E1%BB%83-gi%C3%BAp-donald-trump-d%E1%BB%85-d%C3%A0ng-t%C3%A1i-%C4%91%E1%BA%AFc-c%E1%BB%AD-t%E1%BB%95ng-th%E1%BB%91ng-m%E1%BB%B9

Hoa Kỳ : Đảng Dân Chủ bị lu mờ trước Donald Trump

Hôm qua, 04/02/2020, tổng thống Donald Trump đã tận dụng cơ hội đọc diễn văn về tình hình liên bang trước Quốc Hội để làm một cuộc vận động tranh cử tổng thống vào tháng 11/2020 và nhất là để làm lu mờ hình ảnh của phe Dân Chủ.
Trước đó một hôm, đảng Dân Chủ vừa bước vào cuộc bầu cử sơ bộ chọn người ra chạy đua vào Nhà Trắng với ông Trump. Cuộc bầu chọn ứng cử viên Dân Chủ ra tranh cử tổng thống mở màn tại bang Iowa đã diễn ra trong bầu không khí khá lộn xộn, gây tranh cãi cùng kết quả ngoài dự kiến.
Một sự khởi đầu nan cho phe Dân Chủ trong cuộc đua còn dài nhất là khi ứng viên đương kim tổng thống Donald Trump tiếp tục trên thế thượng phong trong bối cảnh sân khấu chính trị Mỹ bị chia rẽ ngày càng sâu sắc.
Nhà báo Phạm Trần tại Washington tường trình.
http://www.rfi.fr/vi/qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF/20200205-hoa-k%E1%BB%B3-%C4%91%E1%BA%A3ng-d%C3%A2n-ch%E1%BB%A7-b%E1%BB%8B-lu-m%E1%BB%9D-tr%C6%B0%E1%BB%9Bc-donald-trump

Tuyết, băng và giông bão lớn ảnh hưởng việc đi lại

 của hàng chục triệu người trong tuần này

Hơn 25 triệu người được khuyến cáo về bão tuyết từ dãy núi Rockies đến đồng bằng phía nam và trung tây Hoa Kỳ. Luồng không khí lạnh ở đồng bằng phía nam kết hợp với hơi ẩm từ Vịnh Mexico sẽ tạo ra bão lớn, gây tuyết, băng và giông bão có khả năng tạo ra mưa đá, gió lớn và lốc xoáy trong vài ngày tới.
Cơn bão đã đổ lượng tuyết dày đặc xuống phía nam Hoa Kỳ và dãy Rockies. Vào hôm thứ Ba (04 tháng 02), tuyết tiếp tục rơi ở dãy Rockies, trong khi vùng trung nguyên và trung tây tới New England có tuyết rơi nhẹ từ 0.10 inch đến 0.25 inches, đủ để khiến đường trơn trượt và gây mất điện. Ở phía nam cơn bão, các phần ở Tennessee, Arkansas, Louisiana, Texas và Mississippi có bão mạnh với gió lớn và mưa đá. Vào thứ Tư (05 tháng 02), đồng bằng phía nam Hoa Kỳ, gồm các phần của Texas và Oklahoma có tuyết rơi từ trung bình đến nặng. Từ tây nam Texas đến Missouri có tuyết rơi 2-8”. 9 triệu người ở New Orleans, Mobile, Birmingham và thành phố Panama được khuyến cáo về giông bão nghiêm trọng. Đến thứ Năm (06 tháng 02), bão sẽ đến bờ Đông Hoa Kỳ.
Đông bắc Hoa Kỳ có tuyết nhẹ vào buổi sáng trước khi chuyển sang một cơn mưa lạnh vào buổi chiều. Bắc New England chủ yếu có tuyết, có thể đến 9-12 inch. 28 triệu người trên khắp các vùng của Florida, Georgia, North Carolina và South Carolina bị ảnh hưởng bởi giông bão lớn, với gió lớn và mưa đá và có thể có lốc xoáy.
Mộc Miên
https://www.sbtn.tv/tuyet-bang-va-giong-bao-lon-anh-huong-viec-di-lai-cua-hang-chuc-trieu-nguoi-trong-tuan-nay/

Hoa Kỳ nỗ lực phát triển các chương trình điện toán 5G

để thay thế thiết bị của Huawei

Tin Washington DC – Nhằm phá vỡ thế áp đảo của hãng Huawei của Trung Cộng, Tòa Bạch Ốc hiện đang làm việc với nhiều hãng kỹ thuật Hoa Kỳ để tạo ra các chương trình điện toán hiện đại dùng cho mạng viễn thông 5G. Theo kế hoạch, các hãng kỹ thuật Hoa Kỳ sẽ cùng thiết lập một bộ tiêu chuẩn chung, cho phép các chương trình điện toán 5G có thể hoạt động trên các máy móc đến từ mọi hãng sản xuất thiết bị.
Điều này sẽ giúp làm giảm, nếu không nói là loại bỏ hoàn toàn, sự phụ thuộc vào thiết bị của Huawei. Theo cố vấn Tòa Bạch Ốc Larry Kudlow, các hãng lớn như Microsoft, Dell, và AT&T, đều tham gia vào dự án này. Ông Kudlow nói, mục tiêu sau cùng của Washington là muốn toàn bộ phần thiết kế và cơ sở hạ tầng của mạng 5G đều sẽ được thực hiện bởi các công ty Mỹ. Hoa Kỳ lâu nay vẫn cho rằng Huawei có mối liên hệ gần gũi với quân đội Trung Cộng, khiến việc sử dụng thiết bị của hãng này sẽ tạo ra nguy cơ cao về an ninh quốc gia. Hãng Huawei luôn bác bỏ cáo buộc và khẳng định hãng này hoạt động động lập. Cố vấn Kudlow nói các hãng Dell và Microsoft đang tập trung phát triển các chương trình điện toán có thể thay thế rất nhiều thiết bị 5G.
Dự án này hiện chỉ mới ở giai đoạn ban đầu và vẫn còn đối mặt nhiều khó khăn, do các hãng kỹ thuật có các mục tiêu rất khác nhau. Tuy nhiên, Tòa Bạch Ốc đang hết sức cố gắng do kỹ thuật 5G có giá trị tiềm năng rất lớn đối với nền kinh tế Hoa Kỳ nói chung.
Mộc Miên
https://www.sbtn.tv/hoa-ky-no-luc-phat-trien-cac-chuong-trinh-dien-toan-5g-de-thay-the-thiet-bi-cua-huawei/

Người Mỹ gốc Hoa sợ bị kỳ thị vì virus corona

George Chen, đầu bếp và là chủ một tiệm ăn hàng đầu ở San Francisco, đang theo dõi sát tin tức về virus corona.
Công việc kinh doanh chưa bị ảnh hưởng nhưng Chen nhớ lại thời gian bị suy sụp năm 2003 trong đợt bùng phát dịch bệnh SARS và phải mất nhiều năm mới vực dậy được.
“Tôi đang tìm cách thay đổi nhận thức về thức ăn Tàu,” ông Chen, chủ nhà hàng China Live, nói. “Tôi không muốn các dịch bệnh kiểu này tàn phá chúng tôi.”
Nỗi sợ
Trong lúc giới chức y tế đang tìm cách đối phó với virus corona, một số người Mỹ gốc Hoa lo sợ sẽ có sự kỳ thị chống lại cộng đồng gốc Hoa khi mà nỗi sợ bệnh tật biến thành nỗi sợ người Hoa.
Đối với nhiều người trong cộng đồng người Mỹ gốc Hoa ở đây, chưa có gì thay đổi.
Kế hoạch diễn hành Tết Nguyên đán vào thứ Bảy tới đây vẫn xúc tiến cho dù thiếu vắng đội vũ công từ Trung Quốc vì lệnh cấm du hành của Mỹ mà họ không tới được. Một số cư dân cao niên mang khẩu trang khi ra ngoài mua sắm hồi cuối tuần. Cư dân ở đây nói họ mang khẩu trang để đề phòng.
Tuy nhiên, đối với một số người Mỹ gốc Hoa, lệnh cấm nhập cảnh Mỹ những ai đến từ Trung Quốc làm khơi dậy hồi ức của các thời kỳ đen tối như Đạo luật Loại trừ người Hoa năm 1882 và các định kiến về người Mỹ gốc Á.
Hong Mei Pang, giám đốc vận động của tổ chức Người Hoa Hành động Quả quyết ở Phố Tàu San Francisco, nhấn mạnh virus corona là vấn đề sức khỏe và kêu gọi mọi người chớ nên liên hệ tới một nhóm sắc dân này hay một nhóm thiểu số khác.
Còn đối với chủ nhà hàng China Live, các mối quan tâm y tế công cộng liên quan đến virus corona rất nghiêm trọng nhưng ông không muốn người ta dùng một dịch bệnh để có thành kiến với người Mỹ gốc Hoa và đặc biệt là ẩm thực Trung Hoa.
“Nó không liên quan gì tới đồ ăn Trung Hoa,” đầu bếp Chen nói.
https://www.voatiengviet.com/a/ng%C6%B0%E1%BB%9Di-m%E1%BB%B9-g%E1%BB%91c-hoa-s%E1%BB%A3-b%E1%BB%8B-k%E1%BB%B3-th%E1%BB%8B-v%C3%AC-virus-corona/5273702.html

TQ lao đao vì dịch bệnh,

Mỹ gánh nhiệm vụ giải cứu kinh tế toàn cầu?

Giới phân tích cho rằng, nền kinh tế Mỹ sẽ phải gánh nhiệm vụ hỗ trợ tăng trưởng kinh tế toàn cầu cho đến khi Trung Quốc ổn định sau dịch bệnh.
 Kinh tế Trung Quốc bị tổn thất nặng nề
Có một câu ngạn ngữ cho rằng đêm tối thường đến trước bình minh, nghĩa là mọi việc sẽ diễn ra rất tồi tệ trước khi chúng bắt đầu trở nên tốt hơn. Điều này có thể đúng với nền kinh tế Trung Quốc ở thời điểm hiện tại. Theo các nhà phân tích, kinh tế của Trung Quốc có thể chịu nhiều thách thức trong thời gian ngắn do virus corona bùng phát, nhưng nó sẽ nhanh chóng lấy lại đà tăng trưởng khi cuộc khủng hoảng chấm dứt
Dịch viêm phổi cấp do virus corona gây ra khiến hơn 400 người thiệt mạng và hơn 20.000 nghìn người khác bị nhiễm bệnh, đã gây tổn thất nặng nề cho nền kinh tế Trung Quốc. Hàng loạt nhà máy phải tạm dừng hoạt động, nhiều chuyến bay bị hủy bỏ và chuỗi cung ứng bị phá vỡ. Dịch bệnh có thể làm chậm tiến độ của Trung Quốc trong việc thực hiện cam kết đưa ra trong thỏa thuận thương mại giai đoạn I đã ký kết với chính quyền Tổng thống Trump.
Các nhà kinh tế cho  rằng, liệu nền kinh tế Trung Quốc có sụp đổ hay không sẽ phụ thuộc vào cách thức nước này xử lý dịch bệnh lây lan, cũng như việc quay trở lại làm việc của các lao động nhập cư – vốn chiếm một phần đáng kể trong lực lượng sản xuất tại Trung Quốc. Song nhìn chung triển vọng tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc sẽ giảm mạnh. Theo dự báo, tốc độ tăng trưởng của Trung Quốc có thể giảm từ 1 đến 2 điểm phần trăm trong quý I năm nay. Đây không phải tin tức tốt cho một nền kinh tế đã mất đà tăng trưởng trong những năm gần đây. Trong bối cảnh đó, Trung Quốc có thể đưa ra nhiều chính sách điều tiết, chẳng hạn như nới lỏng tín dụng, kích thích tài chính, giảm giá đồng Nhân dân tệ để có thể khôi phục lại triển vọng tăng trưởng kinh tế.
Gánh nặng đặt lên vai Mỹ
Không ai biết trước được cuộc khủng hoảng sẽ nghiêm trọng đến mức nào và cũng chưa thể đánh giá được những thiệt hại mà virus corona gây ra đối với kinh tế toàn cầu. Tuy nhiên, đã có dự báo không mấy lạc quan rằng, dịch bệnh này sẽ khiến nền kinh tế thế giới “bốc hơi” hàng trăm tỷ USD. Trung Quốc và Mỹ đều có mối quan tâm chung trong việc thúc đẩy tăng trưởng toàn cầu. Với bối cảnh hiện nay, việc củng cố niềm tin là rất quan trọng.
Theo giới quan sát, nền kinh tế Mỹ, vốn đang phát triển mạnh mẽ sẽ phải gánh nhiệm vụ hỗ trợ sự tăng trưởng toàn cầu cho đến khi Trung Quốc trở lại bình thường. Sự tương trợ lẫn nhau có thể diễn ra suốt một chặng đường dài, giúp chấm dứt cuộc chiến thương mại giữa Bắc Kinh với Washington, mang lại một khởi đầu mới. Nhưng để đạt được điều đó, các bên cần phải nỗ lực hết mình.
Khi nền kinh tế Trung Quốc đang lao đao vì sự lây lan của virus corona, Cục dự trữ liên bang Mỹ (FED) và Tổng thống Donald Trump đã gửi thông điệp lạc quan đến người tiêu dùng và các doanh nghiệp Mỹ.
Mỹ đang khởi động năm 2020 dựa trên một nền tảng kinh tế vững chắc, có khả năng phát triển tốt hơn nữa. Kinh tế Mỹ đã tăng trưởng 2,3% trong năm 2019, sau khi mở rộng 2,1% trong quý 4, nhưng vẫn ở tốc độ tăng trưởng chậm nhất kể từ năm 2016. Tỷ lệ thất nghiệp giảm xuống mức thấp nhất trong vòng 50 năm qua song tăng trưởng kinh tế chưa tương xứng với tiềm năng.
Cục dự trữ liên bang Mỹ đã nỗ lực nới lỏng chính sách tiền tệ trong thời gian dài nhất có thể, không loại trừ khả năng thực hiện một đợt cắt giảm lãi suất khác. Tuy vậy, các chuyên gia tài chính cho rằng, cách tiếp cận “chờ đợi và quan sát” hiện tại của FED là chưa đủ và cơ quan này nên chủ động hơn nữa để phòng ngừa những rủi ro có thể xảy ra đối với tăng trưởng kinh tế.
Tổng thống Trump đã gây mâu thuẫn với Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) Jerome Powell khi nhiều lần yêu cầu cơ quan này phải cắt giảm lãi suất cơ bản mạnh hơn và nhanh hơn, nhưng giờ là lúc ông cần ngừng gây áp lực và hướng tới sự hòa giải để phối hợp với cơ quan này. Bởi ông Trump đang cần rất nhiều đồng minh trong bối cảnh cuộc bầu cử Mỹ sắp diễn ra vào tháng 11/2020. Thời gian không còn nhiều và cuộc đua vẫn đang diễn ra nhằm giúp nền kinh tế Mỹ tăng trưởng vượt bậc. Nếu Tổng thống Trump và Cục dự trữ liên bang Mỹ có thể hợp tác ăn ý với nhau  thì tăng trưởng kinh tế Mỹ có thể đạt tới 3% vào cuối năm 2020.
Ông Trump cần có được sự ủng hộ của tầng lớp nông dân và công nhân, nhưng quan trọng hơn, ông cần phải đưa tầng lớp trung lưu ở Mỹ đứng về phía mình. Điều này đồng nghĩa với việc ông phải giải quyết cuộc chiến thương mại với Trung Quốc, đề xuất các sáng kiến cắt giảm thuế mới, xây dựng lại niềm tin đối với người tiêu dùng và doanh nghiệp Mỹ. Nếu Mỹ và Trung Quốc có thể thu hẹp bất đồng trong vấn đề thương mại thì tất yếu sẽ có lý do để lạc quan về triển vọng tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2020
http://biendong.net/goc-nhin-moi/32789-tq-lao-dao-vi-dich-benh-my-ganh-nhiem-vu-giai-cuu-kinh-te-toan-cau.html

Hoa Kỳ hoàn thiện luật mới để trừng phạt

những quốc gia cố tình

định giá thấp đồng tiền của họ so với đồng Mỹ kim

Tin từ Washington, D.C. – Vào thứ hai (ngày 3 tháng 2), Bộ Thương mại Hoa Kỳ đã hoàn thiện một luật mới để áp đặt rào cản thuế lên những sản phẩm đến từ các quốc gia cố tình định giá thấp đồng tiền của họ so với đồng mỹ kim, trong đó có Trung Cộng.
Theo Reuters, hành động này có khả năng sẽ gây khó khăn cho các cuộc đàm phán thương mại giữa Hoa Kỳ và Trung Cộng chỉ vài tuần sau khi hai nền kinh tế lớn nhất thế giới ký kết thỏa thuận thương mại giai đoạn 1, và một ngày sau khi Bắc Kinh cáo buộc Washington lan truyền nỗi sợ hãi về coronavirus có nguồn gốc từ Trung Cộng.
Về lý thuyết, luật mới sẽ cho phép Bộ Thương mại áp thuế đối với Trung Cộng, mặc dù Bộ Tài chính Hoa Kỳ gần đây đã loại bỏ việc chỉ định Trung Cộng là một quốc gia thao túng tiền tệ như một phần của thỏa thuận thương mại giai đoạn 1. Bên cạnh đó, Bộ Thương Mại cho biết họ sẽ chỉ áp dụng rào cản thuế đối với các sản phẩm nhập cảng  được hưởng lợi từ các khoản trợ cấp đối ứng và được Ủy ban Thương mại Quốc tế Hoa Kỳ nhận định rằng sẽ gây bất lợi cho các ngành công nghiệp trong nước.
Bộ Thương mại cho biết luật mới là một phản ứng trước những yêu cầu từ lâu của lưỡng đảng trong việc sử dụng luật hiện hành để giải quyết các hoạt động ngoại tệ không công bằng, và là một phần trong nỗ lực của chính quyền Tổng Thống Trump trong việc giải quyết sự mất cân bằng thương mại. (BBT)
https://www.sbtn.tv/hoa-ky-hoan-thien-luat-moi-de-trung-phat-nhung-quoc-gia-co-tinh-dinh-gia-thap-dong-tien-cua-ho-so-voi-dong-my-kim/

Các chuyên gia đặt cược vào các loại thuốc hiện có

để chống lại virus corona

Hương Thảo
Các bác sĩ và nhà nghiên cứu đang thử các loại thuốc hiện có để điều trị viêm phổi do virus corona chủng mới gây ra, nhưng các chuyên gia cảnh báo rằng cần có thêm các xét nghiệm và mọi người không nên đặt hy vọng vào các báo cáo chưa được xác minh, theo Asia Nikkei ngày 4/2.
Bộ Y tế Công cộng Thái Lan đã công bố vào Chủ nhật rằng một bệnh nhân nhiễm virus corona đã cải thiện sau khi được sử dụng hỗn hợp thuốc cúm oseltamivir và thuốc HIV lopinavir và ritonavir. Trước khi dùng thuốc, du khách Trung Quốc 71 tuổi không có dấu hiệu phục hồi trong 10 ngày sau khi được xác định là người mang virus. Tuy nhiên, trong vòng 48 giờ sau khi nhận được thuốc, tình trạng của bà đã cải thiện và xét nghiệm âm tính với virus. Các bác sĩ Thái Lan cho biết hỗn hợp thuốc mới có hiệu quả trong trường hợp này, nhưng các chuyên gia vẫn nghi ngại.
Viện Hàn lâm Khoa học Trung Quốc đang thử nghiệm khoảng 30 loại thuốc, bao gồm cả những loại được sử dụng cho bệnh nhân đang hồi phục và thuốc Kaletra chống HIV từ nhà sản xuất thuốc Hoa Kỳ AbbVie.
Trung Quốc đã tiến hành một thử nghiệm trên người bằng cách sử dụng Kaletra, dẫn đến việc hãng AbbVie tuyên bố rằng họ sẽ quyên góp khoảng 2 triệu đô la thuốc Kaletra cho chính phủ Trung Quốc.
Các công ty dược đang chạy đua để tìm ra những cách mới để chống lại virus. GlaxoSmithKline đã công bố vào thứ Hai rằng họ sẽ hợp tác với Liên minh Đổi mới Phòng chống Dịch bệnh để phát triển một loại vắc-xin. Công ty có trụ sở tại U.K. hiện có 14 loại thuốc HIV trên thị trường.
Một số báo cáo về các loại thuốc ứng cử viên có tiềm năng đã được đăng lên các tạp chí y tế trực tuyến. Tính đến sáng thứ Ba (4/2), tám báo cáo đã được công bố, trong đó có một báo cáo về các loại thuốc được sản xuất bởi một công ty dược phẩm Nhật Bản.
Các nhà nghiên cứu tại Viện Hàn lâm Khoa học Trung Quốc và những chuyên gia khác đã báo cáo về thuốc nelfinavir của Nhật Bản vào ngày 28/1, trong khi các nhà nghiên cứu tại Trường đại học quân sự Trung Quốc và Đại học Tứ Xuyên đã báo cáo về thuốc HIV do nhà sản xuất Gilead Science của Hoa
Kỳ sản xuất vào ngày 30/1. Tuy nhiên, cả hai xét nghiệm đều là mô phỏng trên máy tính, nghi ngờ về hiệu quả của thuốc đối với bệnh nhân thực tế.
Thuốc ứng cử viên được lựa chọn dựa trên cách virus phát triển. Virus corona, HIV và cúm là những virus RNA, chúng nhân lên theo những cách tương tự. Nhiều loại thuốc hiện có ức chế sự phát triển của virus và do đó nó được dự kiến ​​sẽ có tác dụng tương tự đối với virus corona chủng mới.
Sử dụng thuốc hiện có sẽ tăng tốc độ trị bệnh và kiểm soát dịch, vì sự phát triển thuốc mới thường phải mất hàng thập kỷ do nhu cầu thử nghiệm an toàn kéo dài trên động vật và thử nghiệm lâm sàng trên người.
Do tình trạng cấp bách của tình hình, Trung Quốc được cho là đã nới lỏng các quy định để rút ngắn thời gian phát triển cho việc điều trị bằng virus corona. Thông thường, việc quản lý các loại thuốc hiện có để điều trị các bệnh khác để được phê duyệt đòi hỏi phải thử nghiệm riêng.
Tại Nhật Bản, bảo hiểm y tế công cộng thường không bao gồm các loại thuốc đang được phát triển trừ khi họ lần đầu tiên trải qua các thử nghiệm lâm sàng về tính an toàn và hiệu quả. Mặc dù chính phủ chưa đưa ra ngoại lệ cho đợt bùng phát dịch hiện tại, nhưng nó có thể cho phép bệnh nhân nhiễm bệnh dùng thuốc ứng cử viên trong môi trường thử nghiệm lâm sàng hoặc trợ cấp sử dụng các thuốc đó. Tuy nhiên, hầu hết các chuyên gia đồng ý rằng không có loại thuốc nào được xác nhận có hiệu quả.
“Nhiều bệnh nhân chỉ biểu hiện các triệu chứng nhẹ từ virus corona, hoặc hồi phục hoàn toàn mà không cần điều trị”, Hitoshi Oshitani, giáo sư tại Đại học Y khoa Tohoku nói. “Vì vậy, bạn không thể chắc chắn nếu một loại thuốc có ảnh hưởng đến một bệnh nhân đã hồi phục sau khi dùng nó”.
“Có nhiều báo cáo mới rằng các loại thuốc điều trị các bệnh khác đã được tìm thấy có hiệu quả, nhưng cuối cùng không có loại thuốc nào được đưa ra”, Oshitani nói.
Mặc dù có thể có nhiều báo cáo về việc ai đó đã tìm thấy một loại thuốc điều trị hiệu quả trong tương lai, bạn chỉ nên dùng chúng với sự đề phòng cho đến khi được chứng minh lâm sàng.
https://www.dkn.tv/the-gioi/cac-chuyen-gia-dat-cuoc-vao-cac-loai-thuoc-hien-co-de-chong-lai-virus-corona.html

Vũ khí siêu vượt âm trong cuộc đua giữa các cường quốc

Hiện Nga, Trung Quốc và Mỹ đang đẩy nhanh tốc độ nghiên cứu, phát triển tên lửa siêu vượt thanh. Điều này làm gia tăng nguy cơ về một cuộc chạy đua vũ khí siêu vượt thanh và mối lo về an ninh trên thế giới.
Vũ khí siêu thanh được định nghĩa là loại công cụ chiến tranh có thể bay với tốc độ gấp 5 lần âm thanh, cụ thể 1.482-6.174 km/h, tương đương 412-1.715 mét/giây. Do đó, vũ khí siêu vượt âm thường có tốc độ khoảng 6.175-12.000 km/h. Về nguyên lý hoạt động, vũ khí siêu vượt âm đánh đổi tốc độ hồi quyển cực lớn của đầu đạn tên lửa đạn đạo xuyên lục địa để tăng tầm bắn và khả năng lẩn tránh lưới phòng không đối phương. Ngoài ra, vũ khí này cũng có khả năng cơ động phức tạp trong khi bay, khiến các hệ thống phòng thủ tên lửa không thể xác định chính xác quỹ đạo để đánh chặn. Tên lửa đạn đạo hiện đại nhất hiện nay vẫn bị theo dõi và đánh chặn tương đối dễ dàng. Vì vũ khí siêu vượt âm di chuyển linh hoạt nên cũng sẽ khó biết chúng sẽ tấn công mục tiêu nào.
Nga mới đây tuyên bố thử nghiệm thành công hệ thống tên lửa siêu thanh Avangard có tầm bắn thuộc hàng liên lục địa, với tốc độ bay lên đến Mach 20 (Mach 1, tương đương 1.235km/h), tức là hơn 24.000km/h. Avangard là tên lửa đạn đạo xuyên lục địa chiến lược được trang bị phương tiện phương tiện lướt siêu vượt âm. Theo các nguồn tin công khai, vũ khí “đột phá” này được phát triển bởi Hiệp hội Nghiên cứu và Chế tạo máy ở thành phố Reutov thuộc khu vực Moscow. Loại vũ khí mới đã được đưa vào thử nghiệm từ năm 2004. Phương tiện lướt có khả năng bay ở tốc độ siêu vượt âm trong những tầng dày đặc của khí quyển và có thể điều khiển đường bay, độ cao cũng như xuyên thủng bất kỳ hệ thống phòng thủ tên lửa nào. Tên lửa siêu thanh Avangard là loại tên lửa có thể bay và hoạt động ở khí quyển tầng cao với tốc độ trên Mach 5. Điều này khiến cho các tên lửa Avangard trở nên khó chặn hơn các đầu đạn thông thường. Hiện chưa có nhiều thông tin kiểm chứng về vụ thử tên lửa Avangard vừa được quân đội Nga thực hiện hồi giữa tuần – một cuộc thử nghiệm kết thúc quá trình thử nghiệm của loại vũ khí mới của Nga. Tuy nhiên, Phó Thủ tướng Nga Yuri Borisov mới đây đã hé mở một số thông tin về dự án tối mật này. Cụ thể, ông Borisov đã tiết lộ trên kênh truyền hình Rossiya 24 TV rằng cuộc thử nghiệm mới nhất đã cho thấy, tên lửa Avangard có thể phóng đi với tốc độ kinh khủng là 27 Mach, vượt quá 27 lần tốc độ âm thanh và tương đương hơn 30.000 km/giờ. Sự linh hoạt vượt trội của tên lửa Avangard
khiến nó trở thành một trong những mục tiêu khó tấn công nhất, gần như không có tên lửa nào có thể bắn hạ nó ở tốc độ như vậy và sẽ cực kỳ khó để đoán được đường đi của tên lửa siêu vượt âm Avangard. Quân đội Nga trước đó vừa cho biết, họ đã thực hiện thành công vụ thử nghiệm cuối cùng đối với tên lửa siêu vượt âm Avangard trước khi nó được đưa vào biên chế của quân đội. Chỉ huy Lực lượng Tên lửa Chiến lược của Nga – Thượng tướng Sergei Karakayev cũng từng tiết lộ, những tên lửa siêu thanh Avangard đầu tiên được đưa vào trực chiến năm 2019 tại sư đoàn tên lửa Dombarovsky đóng ở Khu vực Orenburg, nam Urals.
Trung Quốc đã trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới tuyên bố công khai việc triển khai vũ khí siêu vượt âm khi tên lửa DF-17 của họ có mặt trong cuộc diễu binh vào dịch 70 năm Lễ Quốc khánh ngày 1/10/2019. Theo các thông tin ban đầu từ truyền thông Trung Quốc, quá trình phát triển DF-17 diễn ra từ năm 2009, thử nghiệm đầu tiên được tiến hành vào năm 2014. Tình báo Mỹ sau khi phát hiện việc Bắc Kinh thử vũ khí mới đã đặt cho nó tên định danh Wu-14 và sau đó là DF-ZF. Tên gọi chính thức DF-17 của vũ khí này được tiết lộ vào năm 2017. Tính từ thời điểm phát triển đến khi hoàn thành chỉ mất 10 năm, một khoảng thời gian kỷ lục. Nhìn từ bề ngoài dễ nhận thấy DF-17 có một tầng tên lửa đẩy thông thường và phần đầu đạn kiểu tàu lượn siêu âm thiết kế tương tự HTV-2 của Mỹ hay Avangard của Nga. Ước tính thông số kỹ thuật của DF-17 bao gồm chiều dài 14,4 m; trọng lượng 14 tấn, phần đầu đạn tàu lượn nặng khoảng 1,4 tấn; tầm bắn 1.700 km; tốc độ gia đoạn công kích mục tiêu lên tới 3200 m/s. Theo thông tin ban đầu, tên lửa đạn đạo DF-17 hiện trực thuộc căn cứ số 61 là quân đoàn nằm ở phía Đông nhắm đến Đài Loan, Okinawa (Hàn Quốc, Nam Nhật Bản cũng nằm trong phạm vi tấn công của nó). Một thông tin khác cho biết DF-17 hiện đang triển khai đến 3 lữ đoàn, nó là vũ khí chiến thuật cùng cấp DF-11/15/16. Dự kiến, DF-17 sẽ chính thức đạt trạng thái sẵn sàng chiến đấu đầy đủ vào cuối năm nay.
Trong khi đó, Mỹ được coi là đang yếu thế hơn so với Trung Quốc trong việc nghiên cứu, phát triển vũ khí siêu vượt âm. Văn phòng Trách nhiệm giải trình chính phủ Mỹ (GAO) mới đây công bố một báo cáo thừa nhận Washington hiện không có biện pháp đối phó hay phòng thủ hiệu quả chống lại những vũ khí siêu thanh mới đang được Trung Quốc phát triển bởi vì chúng có thể xuyên thủng hầu hết hệ thống phòng thủ tên lửa. Báo cáo trên cho biết, Trung Quốc đang theo đuổi các vũ khí siêu thanh với những tính năng nổi bật về tốc độ, độ cao và khả năng cơ động, có thể đánh bại hầu hết hệ thống phòng thủ tên lửa. Những vũ khí siêu thanh này có thể được sử dụng nhằm cải thiện năng lực tấn công hạt nhân và thông thường tầm xa. Báo cáo của GAO nhấn mạnh tới những thách thức cho an ninh nước Mỹ xuất phát từ vũ khí chống vệ tinh và máy bay chiến đấu tàng hình của Trung Quốc. Cụ thể, các vũ khí này của Trung Quốc có thể “bay nhanh hơn, bay xa hơn và mang theo vũ khí tiên tiến”. Báo cáo lưu ý rằng sự phát triển nhanh chóng của công nghệ hiện đại này có thể “buộc máy bay Mỹ hoạt động ở khoảng cách xa và đưa các mục tiêu của Mỹ vào vòng nguy hiểm”. Không những vậy, quân đội Mỹ cũng thừa nhận đang phát triển các loại vũ khí siêu thanh có thể phóng từ các máy bay, tàu chiến hay tàu ngầm nhằm giúp lấp khoảng trống đáng kể trong khả năng phòng thủ tên lửa của Mỹ. Đáng chú ý, Mỹ vừa thử nghiệm thành công nguyên mẫu khí động học của dòng tên lửa siêu vượt âm thế hệ mới. Dù mới chỉ đang ở giai đoạn thử nghiệm hình dáng khí động trên không và chưa tiến hành phóng thử, nhưng nguyên mẫu tên lửa AGM-183A ARRW có hình dáng tương tự như dòng tên lửa siêu thanh Kh-47M2 Kinzhal của Quân đội Nga. Quá trình thử nghiệm nguyên mẫu tên lửa AGM-183A ARRW được tiến hành trên máy bay ném bom chiến lược B-52H mang số hiệu 003 tại căn cứ không quân Edwards. Điểm khác biệt có thể nhận thấy giữa AGM-183A và Kinzhal là việc tên lửa siêu vượt âm của Nga sử dụng bệ phóng là máy bay tiêm kích hạng nặng Mig-31BM có khả năng hoạt động trên độ cao lớn, còn AGM-183A lại sử dụng nền tảng phóng là máy bay ném bom hạng nặng.
Chứng kiến năng lực siêu thanh vượt bậc của Nga và Trung Quốc, Bộ Quốc phòng Mỹ đã triển khai khoảng 12 chương trình nhằm đối phó vũ khí siêu thanh. Cơ quan các dự án nghiên cứu tiên tiến thuộc Lầu Năm Góc (DARPA) đã giới thiệu dự án vũ khí đánh chặn tên lửa siêu thanh mang tên Glide Breaker. Theo các chuyên gia quân sự Mỹ, thiết bị bay này sẽ hoạt động như một viên đạn, hạ gục tên lửa siêu thanh của đối phương bằng động năng của chính nó.
Bộ Quốc phòng Mỹ vừa công bố đề xuất ngân sách cho năm tài khóa tiếp theo, trong đó yêu cầu khoản tiền 2,6 tỷ USD cho chương trình phát triển vũ khí siêu vượt âm. Khoản tiền này nằm trong gói ngân sách 7,5 tỷ USD dành cho hoạt động nghiên cứu và phát triển các công nghệ quốc phòng mới của Mỹ. Chương trình vũ khí siêu vượt âm của Mỹ đặt mục tiêu chế tạo thêm các mẫu thử nghiệm cho không quân, phát triển các phiên bản tên lửa siêu vượt âm phóng từ chiến hạm và đất liền. Bên cạnh chương trình vũ khí siêu vượt âm, Bộ Quốc phòng Mỹ muốn đầu tư nhiều cho các chương trình phát triển vũ
khí thế hệ mới. Theo quyền Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Patrick Shanahan, “với đề xuất cho nghiên cứu và phát triển lớn nhất trong vòng 70 năm qua, ngân sách mang tính chiến lược này bao gồm những khoản đầu tư cần thiết cho công nghệ thế hệ mới, tên lửa, năng lực tác chiến trong vũ trụ và trên không gian mạng”. Bản đề xuất này dành 3,7 tỷ USD cho chương trình phát triển hệ thống tự động và không người lái như robot quân sự hoặc máy bay không người lái (UAV), 1,2 tỷ USD còn lại được chia cho chương trình phát triển trí tuệ nhân tạo (AI) và phát triển năng lượng định hướng như pháo laser trong tổ hợp phòng thủ tên lửa thế hệ mới.
Ngoài ra, Mỹ cũng có kế hoạch triển khai hệ thống vệ tinh chuyên phát hiện vũ khí siêu âm. Phát biểu trong cuộc điều trần với Ủy ban Quân vụ Thượng viện Mỹ, Thứ trưởng Quốc phòng Mỹ phụ trách chính sách John Rood (4/4) cho biết, Bộ Quốc phòng Mỹ đang lên kế hoạch triển khai vệ tinh cảm biến giá rẻ trên quỹ đạo nhằm phát hiện các vụ phóng tên lửa siêu vượt âm và theo dõi chúng. Quan chức này không cung cấp thông tin chi tiết về phương án đánh chặn loại vũ khí này, cho biết quỹ đạo bay của nó rất phức tạp và gây khó khăn cho các hệ thống phòng thủ tên lửa, tiết lộ quân đội Mỹ đang nghiên cứu giải pháp “tác động đến mục tiêu trong hành trình”. Trong phiên điều trần dành cho các yêu cầu ngân sách quân sự, ông Rood đặc biệt nhấn mạnh sự cần thiết phải phát triển “hệ thống phòng thủ chống tên lửa vượt siêu âm”. Nguyên nhân là vì cả Nga và Trung Quốc đều đang phát triển vũ khí tinh vi, bao gồm cả vũ khí vượt siêu âm. Quan chức quốc phòng Mỹ cũng đồng thời lưu ý rằng các tên lửa như vậy có khả năng cơ động trong bầu khí quyển nên chúng cực kỳ nguy hiểm và khó đánh chặn.
Không những vậy, Mỹ và Nhật Bản cũng đã cùng phát triển radar đối phó tên lửa siêu vượt âm. Theo đó, radar mới sẽ hạn chế điểm mù trong lá chắn tên lửa Aegis, tăng khả năng đối phó với mối đe dọa từ tên lửa siêu vượt âm. Dự án hợp tác này dường như cũng giúp củng cố quan hệ liên minh giữa Tokyo và Washington. Hệ thống radar mới sẽ thay thế tổ hợp AN/SPQ-9B trên tàu chiến Mỹ và Nhật Bản, vốn có nhiều điểm mù và không thể theo dõi cùng lúc khoảng không gian 360 độ xung quanh.
Giới quan sát tỏ ý lo ngại quyết định này sẽ khơi mào một cuộc chạy đua vũ trang mới ở khu vực Đông Á, cũng như giữa các cường quốc trên thế giới. Nhật Bản gần đây có nhiều động thái tăng cường sức mạnh quân sự và rời xa chính sách tập trung phòng thủ, điển hình là hoán cải khu trục hạm trực thăng lớp Izumo thành tàu sân bay và trang bị tên lửa hành trình tầm xa cho phi đội siêu tiêm kích F-35. Tàu chiến trang bị hệ thống Aegis của Mỹ và Nhật Bản thường được trang bị hai cụm radar nhằm đối phó với các mối đe dọa khác nhau. Các đài radar AN/SPY-6 cố định chuyên phát hiện mục tiêu tầm cao như tên lửa đạn đạo, trong khi tổ hợp AN/SPQ-9B đặt trên bệ xoay sẽ theo dõi mục tiêu bay thấp như tên lửa hành trình và tiêm kích.
http://biendong.net/bien-dong/32802-vu-khi-sieu-vuot-am-trong-cuoc-dua-giua-cac-cuong-quoc.html

Virus corona :

Anh, Pháp khuyến cáo công dân rời Trung Quốc

Thụy My
Trước dịch virus corona đang lan rộng, bộ Ngoại Giao Anh khuyến cáo tất cả các công dân nước này nên rời Trung Quốc, và hôm nay 04/02/2020 thông báo cuối tuần này sẽ có « chuyến bay thứ hai và cuối cùng » di tản công dân Anh khỏi Hồ Bắc. Về phía Pháp cũng khuyến cáo công dân tạm thời rời Hoa lục, trừ trường hợp có lý do quan trọng phải ở lại.
Một phi cơ dân sự Anh có nhân viên y tế và ngoại giao hỗ trợ sẽ rời Vũ Hán Chủ Nhật 09/2, đưa công dân đến một căn cứ không quân ở miền nam nước Anh, tại đây họ sẽ bị cách ly trong 14 ngày.
Bộ Ngoại Giao Pháp một lần nữa ra thông cáo khuyên công dân, đặc biệt là các gia đình nên trở về Pháp, khuyến cáo không đến Hồ Bắc và ngưng những chuyến giao lưu với các trường đại học Hồ Nam, Hà Nam, Quảng Đông, Chiết Giang. Riêng 6 người bị nhiễm hiện nay dù tình trạng có ổn định nhưng vẫn phải bị cách ly tại bệnh viện, một khi trong cơ thể còn virus corona.
Tại Bỉ đã phát hiện trường hợp nhiễm virus corona đầu tiên trong số 9 công dân di tản khỏi Vũ Hán cuối tuần qua. Tổng cộng tại châu Âu đã có 28 người bị nhiễm virus corona ở Đức (12 người), Pháp (6), Nga, Ý, Anh, Phần Lan, Thụy Điển, Tây Ban Nha, Bỉ.
Hôm nay một chiếc máy bay New Zealand chở 190 công dân của nước này và Úc cùng với các đảo quốc Thái Bình Dương sơ tán khỏi Vũ Hán, đã hạ cánh xuống Auckland, nơi họ bị cách ly hai tuần. Cũng trong hôm nay, Matxcơva hồi hương nhóm đầu tiên 78 người trong số 144 công dân Nga từ Hồ Bắc.
Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ tối qua thông báo sẽ có thêm hai chuyến bay đưa 305 người Mỹ rời Vũ Hán, nâng tổng số công dân Mỹ di tản khỏi thành phố trung tâm dịch bệnh lên trên 500 người. Chính phủ Brazil hôm nay gởi hai máy bay đến Vũ Hán để di tản công dân.
Trên biển, hiện có hai chiếc tàu du lịch đang bị phong tỏa do virus corona. Khoảng 3.700 hành khách mang 56 quốc tịch khác nhau trên chiếc Diamond Princess đang ở gần cảng Yokohama (Nhật) bị buộc phải cách ly trong ca-bin tàu 14 ngày, do phát hiện ít nhất 10 trường hợp dương tính với virus, sau khi quá cảnh Hồng Kông.
Trong khi đó tại Hồng Kông, 1.800 hành khách của tàu World Dream hôm nay 05/2 cũng bị buộc ở lại trên tàu, sau khi 3 hành khách vừa đi trên chiếc tàu này bị phát hiện nhiễm virus. Chính quyền đặc khu hôm nay 05/2 tuyên bố, tất cả khách từ Hoa lục đến Hồng Kông kể từ thứ Bảy 08/2 sẽ bị cách ly hai tuần.
Cũng tại châu Á, hai mẹ con người Malaysia vừa được đưa từ Vũ Hán về hôm nay 05/2 xét nghiệm dương tính với corona. Tại Nhật Bản, các nhà tổ chức Thế vận hội Tokyo 2020 « vô cùng lo lắng » cho Olympic năm nay, sẽ diễn ra từ 24/7 đến 09/8, tiếp theo đó là Thế vận hội cho người tàn tật từ 25/8 đến 06/9.
http://www.rfi.fr/vi/ph%C3%A1p/20200205-virus-corona-anh-ph%C3%A1p-khuy%E1%BA%BFn-c%C3%A1o-c%C3%B4ng-d%C3%A2n-r%E1%BB%9Di-trung-qu%E1%BB%91c

Trượt băng nghệ thuật Pháp chao đảo

vì cáo buộc bạo hành tình dục

Thu Hằng
Sau lĩnh vực văn học, điện ảnh, đến lượt bộ môn trượt băng nghệ thuật vướng tai tiếng lạm dụng và bạo hành tình dục. Nữ nghệ sĩ, nhà cựu vô địch trượt băng nghệ thuật Pháp, Sarah Abitbol, đã viết một cuốn sách, trong đó bà lên án cựu huấn luyện viên Gilles Beyer đã cưỡng hiếp bà khi bà mới chỉ 15 tuổi.
Bộ trưởng bộ Thể Thao Pháp Roxana Maracineanu yêu cầu người đứng đầu bộ môn trượt băng nghệ thuật, Didier Gailhaguet, từ chức. Ngày 04/02/2020, tư pháp của Pháp cho biết sẽ mở điều tra về các tội cưỡng hiếp và xâm hại trẻ vị thành niên do một người có quyền hạn đối với nạn nhân gây ra.
Trong cuốn sách tựa đề Un si long silence (tạm dịch : Sự im lặng quá lâu), được phát hành ngày 30/01, Sarah Abitbol thuật lại những vụ việc xảy ra từ năm 1990 đến 1992, lúc bà mới chỉ 15 – 17 tuổi. Trả lời một số đài truyền hình, Sarah Abitbol, cho biết, bà đã quên những vụ cưỡng bức đó trong một thời gian dài, nhưng cuốn nhật kí ghi lại vẫn được cất sâu dưới ngăn kéo.
Trên đài truyền hình BFM TV, Sarah Abitbol cho biết : « Lòng tôi nhẹ nhõm. Quyết định lên tiếng của tôi cuối cùng cũng bắt đầu mang lại hiệu quả. Tôi xúc động, vì đó là cả 30 năm đấu tranh ».
Về phía cựu huấn luyện viên Gilles Beyer, hiện 62 tuổi, trong một thông cáo gửi đến AFP ngày 31/01, ông thừa nhận « có những quan hệ mật thiết » và « không phù hợp » với Sarah Abitbol, đồng thời xin lỗi cựu học trò. Nhưng lời xin lỗi đã không được Sarah Abitbol chấp nhận.
Nhiều vận động viên trượt băng nghệ thuật khác cũng đã tố cáo Gilles Beyer và một số huấn luyện viên khác, cụ thể Hélène Godard cũng tố cáo Gilles Beyer đã có quan hệ tình dục với bà trong thập niên 1970, khi bà mới chỉ 13-14 tuổi.
Sự quản lý lỏng lẻo của bộ ngành liên quan cũng bị lên án trong vụ việc này. Vào đầu thập niên 2000, nhiều phụ huynh đã thông báo về những lạm dụng tình dục của Gilles Beyer. Ông bị điều tra tư pháp nhưng không bị kết án, sau đó là một cuộc điều tra hành chính với kết quả là ông bị cách các chức vụ cán bộ quản lý trong quy chế công chức Nhà nước vào ngày 31/03/2001.
http://www.rfi.fr/vi/ph%C3%A1p/20200205-m%C3%B4n-tr%C6%B0%E1%BB%A3t-b%C4%83ng-ngh%E1%BB%87-thu%E1%BA%ADt-ph%C3%A1p-r%C3%BAng-%C4%91%E1%BB%99ng-v%C3%AC-c%C3%A1o-bu%E1%BB%99c-b%E1%BA%A1o-h%C3%A0nh-t%C3%ACnh-d%E1%BB%A5c

Tổng thống Ba Lan

phê chuẩn đạo luật đàn áp giới thẩm phán

Thụy My
Tổng thống Ba Lan Andrzej Duda hôm qua 04/02/2020 đã phê chuẩn dự luật cải cách tư pháp được Quốc Hội thông qua tuần rồi, chỉ vài tiếng đồng hồ sau khi tổng thống Pháp trong chuyến công du Ba Lan đã cổ vũ cho Nhà nước pháp quyền.
Đạo luật này trừng phạt những thẩm phán nào chỉ trích việc cải cách tư pháp do phe bảo thủ đề xướng, được vội vã soạn thảo và thông qua, bất chấp những lời kêu gọi của giới thẩm phán và đối lập cũng như châu Âu.
Từ Vacxava, thông tín viên Thomas Giraudeau tường trình :
Vào đầu giờ chiều, ông Emmanuel Macron cảnh báo các sinh viên ở Krakow, rằng để hưởng những lợi ích từ thị trường chung, Ba Lan cần phải tôn trọng Nhà nước pháp quyền và độc lập tư pháp. Sau đó tổng thống Pháp lên máy bay trở về Paris.
Dường như đồng nhiệm Ba Lan Andrzej Duda chỉ chờ có thế. Cuối buổi chiều, ông Duda ký đạo luật bịt miệng – như những người phản đối vẫn gọi. Từ nay chính quyền có thể loại ra ngoài những thẩm phán nào dám tố cáo việc vi phạm độc lập tư pháp.
Tất cả báo chí Ba Lan đều đưa chủ đề này lên trang nhất, và các phản ứng thì không thể đếm xuể. Andrzej Duda không còn là tổng thống của chúng ta, ông ta đã phản bội người dân Ba Lan – đối thủ chính của ông Duda trong cuộc bầu cử tổng thống tháng Năm tới tố cáo. Cựu chủ tịch Tòa Bảo hiến nói rằng đây là khởi đầu của độc tài.
Các tổ chức phi chính phủ Ba Lan khẩn cấp yêu cầu Ủy Ban Châu Âu khởi kiện luật này. Bruxelles cũng đã từng kêu gọi tổng thống Ba Lan không ký duyệt đạo luật, nhưng Vacxava làm ngơ. Một cố vấn thân cận của tổng thống Duda biện minh : Luật này không đi ngược lại cả Hiến Pháp Ba Lan lẫn luật pháp châu Âu.
http://www.rfi.fr/vi/qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF/20200205-t%E1%BB%95ng-th%E1%BB%91ng-ba-lan-ph%C3%AA-chu%E1%BA%A9n-%C4%91%E1%BA%A1o-lu%E1%BA%ADt-%C4%91%C3%A0n-%C3%A1p-b%E1%BB%8B-c%C3%A1c-th%E1%BA%A9m-ph%C3%A1n-ph%E1%BA%A3n-%C4%91%E1%BB%91i

Nga cử Ngoại trưởng Lavrov tới Venezuela

‘kháng cự’ lệnh trừng phạt của Mỹ

Triệu Hằng
Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov sẽ đến thăm Venezuela vào thứ Sáu (7/2) để thể hiện sự ủng hộ cho Tổng thống Nicolas Maduro, Reuters thông tin hôm 4/2.
Reuters cho rằng, chuyến thăm này của ông Lavrov nhằm “kháng cự” lệnh trừng phạt của Mỹ.
Chính quyền Nga đã có động thái giúp Maduro thoát khỏi một cuộc khủng hoảng chính trị khi Hoa Kỳ đưa ra các biện pháp trừng phạt nhắm vào Caracas. Giống như hàng chục quốc gia khác, Mỹ công nhận chính trị gia đối lập Juan Guaido là nhà lãnh đạo lâm thời của Venezuela.
Moscow đã lên án các lệnh trừng phạt của Mỹ là “bất hợp pháp” và “gây tổn hại” trong khi phe đối lập Venezuela kêu gọi Washington tăng áp lực đối với Nga vì đã hỗ trợ kinh tế, ngoại giao cũng như quân sự cho chính quyền Maduro.
Ngoại trưởng Nga Lavrov, đã bay tới Mỹ Latinh vào thứ Tư (5/2), dừng chân ở Cuba trước khi tới Mexico vào thứ Năm và đến Venezuela ngày hôm sau.
Chuyến đi của ông Lavrov theo sau chuyến công du của Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo tới 4 quốc gia thuộc Liên Xô cũ là Ukraine, Belarus, Kazakhstan và Uzbekistan – trong một khu vực mà Moscow coi là sân sau.
Tại Venezuela, ông Lavrov sẽ gặp ông Maduro cũng như gặp Phó Tổng thống Delcy Rodriguez và Bộ trưởng Ngoại giao Jorge Arreaza để thảo luận về việc hợp tác sâu hơn về năng lượng, khai thác mỏ, giao thông, nông nghiệp và quốc phòng, Bộ Ngoại giao Nga cho biết.
Hoa Kỳ năm ngoái đã tăng áp lực ngoại giao đối với Venezuela và áp lệnh trừng phạt đối với công ty dầu mỏ PDVSA.
Phe đối lập ở Venezuela đã tranh cãi về tính hợp pháp của lần tái đắc cử vào năm 2018 của ông Maduro, và lãnh đạo phe đối lập Guaido đã tuyên bố mình là tổng thống lâm thời vào tháng 1 năm ngoái. Ông Guaido nhận được sự ủng hộ của Washington và các nước khác.
Tới nay, ông Maduro vẫn duy trì quyền lực, được quân đội Nga, Trung Quốc và Cuba hậu thuẫn.
https://www.dkn.tv/the-gioi/nga-cu-ngoai-truong-lavrov-toi-venezuela-khang-cu-lenh-trung-phat-cua-my.html

Nga thiết lập khu cách ly tại Siberia

dành cho những người về từ Hồ Bắc, Trung Quốc

Minh Lam
Nga đang thiết lập khu cách ly ở khu vực Tyumen của Siberia, nơi những người Nga di tản từ Hồ Bắc, Trung Quốc sẽ được theo dõi trong 14 ngày (ảnh: chụp tại Siberia / Klara Kulikova / Unsplash).
Nga hôm 4/2 cho biết họ đang ngăn ngừa sự lây lan của virus corona bằng cách đóng cửa trường học và hủy bỏ các sự kiện công cộng ở một số khu vực, theo Reuters.
Nga có biên giới đất liền 4.300 km với Trung Quốc. Vào tuần trước, nước này phát hiện hai trường hợp nhiễm virus corona ở Siberia. Cả hai người này đều có liên quan với công dân Trung Quốc.
Moscow đã hạn chế các cửa khẩu biên giới từ Trung Quốc, đình chỉ các chuyến tàu chở khách và các chuyến bay thương mại, ngoại trừ một số tuyến đang được chuyển qua một nhà ga riêng biệt tại sân bay Moscow để hỗ trợ cho công tác sàng lọc hành khách. Chính phủ Nga cũng tăng cường quyền hạn cho các cơ quan chức năng trong việc trục xuất bất kỳ người nước ngoài nào nhiễm virus.
“Chúng tôi đang chuẩn bị cho sự lây lan rộng rãi của bệnh truyền nhiễm”, Thứ trưởng Bộ Y tế Sergei Krayevoy cho biết, theo hãng tin Interfax.
Các quan chức cho biết, hai máy bay quân sự Nga sẽ sơ tán 130 người Nga mắc kẹt tại tỉnh Hồ Bắc, trung tâm của dịch bệnh, và nước này đang thiết lập khu cách ly ở khu vực Tyumen của Siberia, nơi những người di tản sẽ được theo dõi trong 14 ngày, Phó Thủ tướng Tatiana Golikova cho biết.
Cơ quan Giám sát sức khỏe người tiêu dùng Nga đã khuyến cáo mọi người nên đeo khẩu trang y tế trên các phương tiện giao thông công cộng và thường xuyên thay mới, nhưng các nhà chức trách ở miền Đông nước Nga cho biết, do nhu cầu về khẩu trang gia tăng đột ngột có khả năng gây ra sự thiếu hụt.
“Không được mua nhiều khẩu trang y tế”, chính quyền khu vực Primorsk viết trên phương tiện truyền thông xã hội, nhấn mạnh thêm rằng số lượng lớn khẩu trang tiếp theo sẽ chỉ có vào ngày 14/2.
Tại St Petersburg, Nhà hát Mariinsky nổi tiếng đã hoãn buổi biểu diễn vào ngày 11/02 của một đoàn nhạc kịch và múa quốc gia Trung Quốc cho đến “thời gian thuận lợi hơn khi người nghe có thể thưởng thức âm nhạc mà không phải lo lắng”.
“Tất cả các quốc gia trên thế giới đều muốn chứng minh rằng họ có thể kiểm soát tình trạng này, vì vậy họ đã cố gắng hết sức”, Alexei Zhdanov, người đã bay đến Moscow từ Bắc Kinh nói.
https://www.dkn.tv/the-gioi/nga-thiet-lap-khu-cach-ly-tai-siberia-danh-cho-nhung-nguoi-ve-tu-ho-bac-trung-quoc.html

Virus corona: OPEC đối phó với giá dầu giảm

Thanh Phương
Dịch bệnh do virus corona từ Trung Quốc đã khiến giá dầu trên thế giới sụt giảm mạnh trong những ngày qua, đến mức mà các nước xuất khẩu dầu hỏa phải tìm cách đối phó.
Hôm qua, 04/02/2020, Tổ chức các nước xuất khẩu dầu hỏa (OPEC) và đồng minh Nga đã họp tại Vienna trong hai ngày để thảo luận về khả năng cắt giảm hơn nữa mức sản xuất. Do thị trường Trung Quốc quá quan trọng cho nên cuộc họp của OPEC tại Vienna lần này đặc biệt có mời một đại biểu từ Trung Quốc đến dự.
Trong vòng chưa tới một tháng, giá « vàng đen » đã sụt 20%, và ngày 03/02 đã rơi xuống mức thấp nhất kể từ tháng 01/2019. Lý do là vì các nhà đầu tư lo ngại tác động của dịch viêm phổi cấp tính do virus corona Vũ Hán gây ra. Trung Quốc là nước nhập khẩu dầu hỏa hàng đầu thế giới và là nước tiêu thụ đứng hàng thứ hai. Cho nên mức tiêu thụ của cường quốc kinh tế thứ nhì thế giới có tác động rất lớn đối với giá dầu của thị trường toàn cầu. Khi kinh tế bị chựng lại thì nhu cầu tiêu thụ sẽ sụt giảm ngay.
Theo cơ quan xếp hạng tín dụng Fitch, nếu tiếp tục lan rộng, dịch virus corona mới sẽ chặn đứng đà tăng của mức cầu, khiến cho mức cung bị dư thừa, trong bối cảnh các nước Brazil, Hoa Kỳ và Na Uy đang tăng mức sản xuất dầu hỏa.
Trước mắt, việc Trung Quốc cắt giảm số chuyến bay nội địa cũng như chuyến bay quốc tế đã bắt đầu ảnh hưởng đến nhu cầu nhiên liệu cho máy bay, góp phần khiến giá dầu sụt giảm mạnh trong những tuần qua.
Theo nhà phân tích Olivier Jakob, thuộc viện Petromatrix, được hãng tin AFP trích dẫn hôm qua, dịch bệnh do virus corona có thể gây một cú sốc dài hạn đối với nhu cầu về dầu hỏa, nhưng vấn đề đối với OPEC đó là họ chưa biết tầm mức của sự sụt giảm tiêu thụ của Trung Quốc.
Theo nhà phân tích Craig Erlam, cũng được hãng tin AFP trích dẫn hôm qua, cuộc họp hôm nay của tổ chức OPEC có thể sẽ đưa ra khuyến cáo cắt giảm thêm sản lượng dầu từ 500 ngàn đến 1 triệu thùng mỗi ngày, để đẩy giá dầu lên trở lại.
Thật ra thì theo phát ngôn viên của bộ Dầu Hỏa Irak, các đại biểu dự cuộc họp ở Vienna xem xét các kịch bản khác nhau và mọi quyết định cắt giảm sản lượng sẽ chỉ được thông báo trong một cuộc họp cấp bộ trưởng của tổ chức OPEC. Cuộc họp cấp bộ trưởng kỳ tới trên nguyên tắc sẽ diễn ra trong 2 ngày 05 và 06/03, nhưng có thể được triệu tập sớm hơn, có thể là ngay trong tháng 2 này, tùy theo nhu cầu của thị trường và diễn tiến tình hình dịch bệnh.
Hiện giờ Nga là quốc gia sản xuất dầu hỏa đứng hàng thứ hai thế giới, còn Ả Rập Xê Út là quốc gia xuất khẩu dầu nhiều nhất thế giới. Hai nước này đóng vai trò hàng đầu trong liên minh giữa OPEC (gồm 13 thành viên) với 10 cường quốc dầu hỏa khác. Từ cuối năm 2016, Nga và Ả Rập Xê Út đã ký thỏa thuận về việc hạn chế sản lượng nhằm giữ cho giá dầu không bị giảm trong trường hợp mức cung vượt quá mức cầu.
Nhưng không chắc hai quốc gia nặng ký nhất sẽ thuyết phục được các nước khác chấp nhận cắt giảm sản lượng khi mà, như phân tích ở trên, OPEC vẫn chưa nắm rõ tầm mức sự sụt giảm tiêu thụ dầu hỏa của Trung Quốc.
http://www.rfi.fr/vi/qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF/20200205-opec-%C4%91%E1%BB%91i-ph%C3%B3-v%E1%BB%9Bi-t%C3%A1c-%C4%91%E1%BB%99ng-c%E1%BB%A7a-virus-corona-l%C3%AAn-gi%C3%A1-d%E1%BA%A7u

Công dân châu Phi đầu tiên nhiễm virus corona

Hải Lam
Nam sinh 21 tuổi đến từ Cộng hòa Cameroon, hiện đang học tại Đại học Dương Tử, Trung Quốc, là trường hợp công dân châu Phi đầu tiên nhiễm virus corona chủng mới.
Hãng tin Africanews dẫn thông báo hôm 3/2 từ trường Đại học Dương Tử cho biết, nam sinh này đã đến thăm thành phố Vũ Hán, vùng tâm chấn của dịch bệnh và trở về Kinh Châu vào ngày 19/1, trước khi chính quyền Vũ Hán phong tỏa thành phố. Hiện du học sinh 21 tuổi đang được điều trị tại một bệnh viện ở Kinh Châu.
“Nhà trường đã tư vấn tâm lý cho sinh viên này và đã thông báo tình hình cho phụ huynh và Đại sứ quán. Hiện tại, sinh viên này đang tích cực hợp tác để điều trị trong bệnh viện. Thân nhiệt nam sinh bình thường trong 2 ngày liên tiếp. Anh ấy có tinh thần tốt, ăn ngon miệng và các cơ quan trọng yếu đều ổn định”, Đại học Dương Tử tuyên bố.
Africanews cho biết, hiện có nhiều sinh viên châu Phi đang theo học ở Trung Quốc. Hàng trăm sinh viên đang bị mắc kẹt ở Vũ Hán. Nhiều người than phiền rằng họ đang thiếu nước uống, đồ ăn và khẩu trang. Hầu hết các nước châu Phi, trừ Morocco, hiện không chọn phương án đưa sinh viên của mình về nước.
https://www.dkn.tv/the-gioi/cong-dan-chau-phi-dau-tien-nhiem-virus-corona.html

Iran kết án tù 2 người thuộc tổ chức từ thiện

với tội danh làm ‘gián điệp CIA’

Triệu Hằng
Hai người làm việc cho một tổ chức từ thiện đã bị kết án tù với tội danh làm gián điệp cho Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA), Reuters dẫn lời phát ngôn viên Bộ Tư pháp Iran cho biết trong hôm thứ Ba (4/2).
“Hai điệp viên CIA đang làm việc dưới vỏ bọc của một tổ chức và quỹ từ thiện đã bị nhận diện, xét xử và kết án 10 năm tù vì tội gián điệp cùng 5 năm tù vì có hoạt động chống phá an ninh quốc gia”, người phát ngôn Gholamhossein Esmaili cho biết trong cuộc họp báo được phát trực tiếp trên trang web của Bộ Tư pháp hôm 4/2.
Danh tính các cá nhân chưa được công bố vì bản án chưa hoàn thiện, ông Esmaili nói trong cuộc họp.
Căng thẳng Mỹ – Iran đã trầm trọng kể từ khi Mỹ rút khỏi Thỏa thuận hạt nhân năm 2015 vào năm ngoái và tái áp đặt các lệnh trừng phạt, leo thang sau khi Washington không kích hạ sát tướng Lực lượng Quad Qassem Soleimani ở Baghdad (Iraq) hồi đầu tháng này, Tehran (Iran) trả đũa bằng tập kích tên lửa nhắm vào căn cứ có lính Mỹ đồn trú ở Iraq.
Hôm 10/1, Mỹ công bố áp lệnh trừng phạt mới đối với 8 quan chức cấp cao và 17 nhà sản xuất kim loại Iran.
https://www.dkn.tv/the-gioi/iran-ket-an-tu-2-nguoi-thuoc-to-chuc-tu-thien-voi-toi-danh-lam-gian-diep-cia.html

Hàng ngàn khách trên 2 du thuyền châu Á

 bị cách ly vì virus corona

Hôm 5/2, hàng ngàn hành khách và thuyền viên trên hai tàu du lịch ở vùng biển châu Á, trong đó có một tàu đến Việt Nam, đã được kiểm dịch khi con số thiệt mạng vì chủng mới của virus corona lên gần 500, theo Reuters.
Khoảng 3.700 người đang phải đối mặt với ít nhất hai tuần bị cách ly trên một tàu du lịch neo đậu ngoài khơi Nhật Bản sau khi các quan chức y tế xác nhận hôm 5/2 rằng 10 người trên tàu đã cho kết quả dương tính với virus này.
Tại Hong Kong, hơn 1.800 hành khách và thuyền viên đã bị giam lỏng trong du thuyền cập cảng tại thành phố này khi diễn ra quá trình kiểm tra virus, sau khi ba người trên tàu đã có kết quả xét nghiệm dương tính.
Hành khách trên du thuyền Diamond Princess xuất phát từ Nhật Bản, cho biết tình trạng của họ trên mạng xã hội, đăng tải hình ảnh các quan chức đeo khẩu trang và áo bảo hộ kiểm tra sức khỏe, cung cấp thức ăn, phục vụ phòng, trong khi bên ngoài boong tàu thì vắng vẻ, đìu hiu.
“Đây không phải là một tình huống tốt”, ông David Abel, hành khách người Anh, cho biết nói trong một video quay trong cabin tàu và đăng lên trang Facebook cá nhân.
Ông cho biết tất cả các hành khách bị buộc phải ở lại trong cabin của họ vào sáng ngày 5/2, và thức ăn được nhân viên giao đến tận phòng.
Tại Hong Kong, nhà chức trách cho biết họ không rõ du khách trên tàu World Dream sẽ bị giam lỏng trong bao lâu. Con tàu này, do tập đoàn Dream Cruise khai thác, đã phải cập cảng Hong Kong sau khi cảng Cao Hùng của Đài Loan từ chối đón khách hôm 4/2.
Truyền thông Việt Nam trích lời Cảng vụ Hàng hải Quảng Ninh cho biết chuyến cuối cùng gần đây nhất, du thuyền World Dream có đến Hạ Long vào ngày 14/1/2020 và dời đi vào ngày 15/1/2020.
Sau đó khoảng 1 tuần, tàu này lại trở lại Việt Nam nhưng đi Nha Trang, Đà Nẵng, và không đến Quảng Ninh.
https://www.voatiengviet.com/a/hang-ngan-kh%C3%A1ch-tren-2-du-thuyen-chau-a-bi-cach-ly-vi-corona/5274603.html

Xuất hiện khẩu trang chống dịch nCoV in cờ Đài Loan

Triệu Hằng
Taiwan News thông tin hôm 3/2, vào tuần trước, khi xuất hiện những lo ngại bao trùm về một virus corona chủng mới (2019-nCoV) bắt đầu “lên cơn sốt” cùng với việc Trung Quốc thu mua khẩu trang làm cạn kiệt nguồn cung toàn cầu, trên các phương tiện truyền thông xã hội đã lan tỏa một hình ảnh của một loại khẩu trang in hình cờ Đài Loan.
Những hình ảnh về loại khẩu trang này xuất hiện trên Twitter và Reddit với chú thích là: “Đài Loan in quốc kỳ lên khẩu trang thì như vậy bất kỳ người Trung Quốc đại lục nào mua khẩu trang cũng sẽ phải đeo cờ Đài Loan trên mặt”.
Tiếp theo, hình ảnh này được đăng trên mạng xã hội Nhật Bản Ameba khi một blogger người Nhật là Rie Ogasawara (小笠原理惠) đã đăng nó lên mạng vào ngày Chủ nhật (2/2), cô thêm chú thích tiếng Nhật cũng có nội dung tương đồng nội dung đăng trên 2 mạng xã hội nói trên.
Theo Taiwan News, sự việc dẫn đến việc nhiều cư dân mạng Đài Loan trên diễn đàn trực tuyến PTT hiểu nhầm bài đăng và tin là khẩu trang được sản xuất ở Nhật Bản. Tuy nhiên, cư dân mạng Đài Loan cũng phát hiện được là nhãn trên khẩu trang là của một nhà sản xuất Đài Loan là Champ Mask.
Có ý kiến cho rằng khẩu trang với hình ảnh này nhằm ngăn chặn những đầu nậu Trung Quốc tích trữ khẩu trang Đài Loan nhằm trục lợi trong khủng hoảng.
https://www.dkn.tv/the-gioi/xuat-hien-khau-trang-chong-dich-ncov-in-co-dai-loan.html

Nhà hoạt động Hồng Kông, Nathan Law

tham dự buổi phát biểu về thông điệp

liên bang Hoa Kỳ của Tổng Thống Trump

Khi tổng thống Trump đưa ra Thông điệp Liên bang thường niên trước Quốc hội vào tối thứ Ba (04/02/2020), nhà hoạt động Hồng Kông, Nathan Law Kwun-chung sẽ có mặt với tư cách là khách mời của thượng nghị sĩ Cộng hòa ở Florida, Rick Scott. Ông Scott xem lời mời như một cách để giữ cho việc Hồng Kông tiếp tục phong trào phản kháng và đấu tranh cho dân chủ là một vấn đề trong chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ.
Nathan Law, người sáng lập của nhóm hoạt động thanh niên Demosisto, xác nhận trong một tweet rằng anh sẽ tham dự. Law, 26 tuổi, nổi lên như một người tham gia cuộc biểu tình đòi quyền dân chủ  Hồng Kông 2014, còn được gọi là phong trào ô dù. Khi chiến dịch đó sụp đổ sau 79 ngày, anh Nathan Law và hai nhà hoạt động dân chủ khác đã bị buộc tội biểu tình bất hợp pháp và bị kết án sáu đến tám tháng tù. Thượng nghị sĩ Scott thường xuyên chỉ trích các chính sách nhân quyền, công nghệ, xã hội và kinh tế của Bắc Kinh. Ông là một trong một số nhà tài trợ của Đạo luật Nhân quyền và Dân chủ Hồng Kông, được thông qua bằng bỏ phiếu gần như thống nhất và trở thành luật vào tháng 11/2019. Thomas Kellogg, giám đốc điều hành của Trung tâm Luật châu Á Georgetown, nói rằng lời mời của ông Scott là một cách để làm nổi bật các vấn đề nước ngoài trong một bài phát biểu chủ yếu tập trung trong nước, và để cho thấy sự quan tâm của Quốc hội đối với Hồng Kông không mất đi.
Ông Kellogg cho rằng sẽ là một sai lầm đối với Bắc Kinh và chính phủ Hồng Kông khi coi sự tạm lắng hiện tại của các cuộc biểu tình ở thành phố là một dấu hiệu cho thấy sự bất mãn tiềm ẩn đã biến mất.
Mộc Miên
https://www.sbtn.tv/nha-hoat-dong-hong-kong-nathan-law-tham-du-buoi-phat-bieu-ve-thong-diep-lien-bang-hoa-ky-cua-tong-thong-trump/

Dịch nCoV:

Hong Kong sẽ siết kiểm soát biên giới với Trung Quốc

Hong Kong sẽ đóng cửa hai cảng du thuyền và sẽ cách ly bắt buộc 14 ngày đối với bất kỳ ai đến từ Trung Quốc đại lục, Đặc khu trưởng Hong Kong Carrie Lam cho biết hôm 5/2, theo Reuters.
Bà Lam cho biết các biện pháp này nhằm mục đích kiềm chế dòng người qua biên giới để ngăn chặn sự lây lan của virus corona chủng mới (nCoV), có nguồn gốc từ Hoa lục.
Cũng theo Reuters, một số nhân viên y tế đã đình công trong ba ngày qua, yêu cầu đóng cửa biên giới hoàn toàn với Trung Quốc.
Bà Lam cho biết hiện đã có 21 trường hợp được xác nhận dương tính với virus corona tại Hong Kong.
Hôm 4/2, Hong Kong loan báo ca tử vong đầu tiên do dịch corona. Người đàn ông 39 tuổi đã ở trong tình trạng ổn định vào cuối tuần trước, theo Trung tâm Bảo vệ Sức khỏe Hong Kong, nhưng sức khỏe đã xấu đi nhanh chóng trong những ngày sau đó. Ông này đã đi đến Vũ Hán vào ngày 21/1, hai ngày sau trở về Hong Kong và được đưa vào bệnh viện vào ngày 31/1.
https://www.voatiengviet.com/a/dich-ncov-hong-kong-se-siet-kiem-soat-bien-gioi-voi-trung-quoc/5274823.html

Virus corona:

Người Vũ Hán nói ‘thà chết ở nhà còn hơn đi cách ly’

Vương Văn Quân là cư dân ở Vũ Hán, thành phố tâm chấn của dịch virus corona gây chết người.
Vương làm nội trợ, năm nay 33 tuổi và gia đình bà vẫn ở lại thành phố kể từ khi Vũ Hán bị phong tỏa vào 23/1.
Kể từ đó, virus đã lây nhiễm cho hơn 20.000 người trên toàn thế giới, dẫn đến ít nhất 427 người tử vong.
Trong một cuộc phỏng vấn hiếm hoi từ bên trong Vũ Hán, Vương Văn Quân nói với BBC về cuộc đấu tranh sinh tồn đầy đau đớn của gia đình bà.
TQ cáo buộc Mỹ lan truyền ‘hoảng loạn’ về virus corona
TQ thừa nhận ‘thiếu sót’ trong ứng phó với virus corona
Bác sĩ TQ tìm cách cảnh báo về virus bị cảnh sát đe dọa
Virus corona: Bệnh viện Chợ Rẫy khẳng định tin 33 người chết là không đúng
Kể từ khi dịch virus corona bùng phát, chú tôi đã qua đời, bố tôi bị bệnh nặng và mẹ và dì tôi bắt đầu xuất hiện một số triệu chứng.
Chụp CT cho thấy phổi của họ bị nhiễm trùng. Anh trai tôi cũng bị ho và khó thở.
Bố tôi bị sốt cao. Nhiệt độ của ông ấy là 39,3 độ C ngày hôm qua và ông ấy liên tục ho và khó thở. Chúng tôi có cho ông ấy thở bằng máy oxy ở nhà và ông ấy phải phụ thuộc vào cái máy đó 24/7.
Hiện tại ông ấy đang phải dùng cả thuốc Đông y và Tây y. Không có bệnh viện cho ông ấy nhập viện đến vì trường hợp của ông ấy vẫn chưa được xác nhận do họ thiếu bộ dụng cụ xét nghiệm.
Mẹ và dì của tôi đi bộ đến bệnh viện mỗi ngày với hy vọng có được một chiếc giường cho bố tôi bất chấp tình hình sức khỏe của chính họ. Nhưng không có bệnh viện nào chịu nhận.
‘Không ai giúp đỡ chúng tôi’
Ở Vũ Hán, có nhiều điểm cách ly để chứa những bệnh nhân có triệu chứng nhẹ hoặc vẫn đang trong thời gian ủ bệnh.
Những cơ sở này đơn giản và cơ bản nhưng đối với những người nguy kịch như cha tôi thì lại không có giường cho họ.
Chú tôi thực sự đã chết ở một trong những điểmcách ly vì không có cơ sở y tế cho những người có triệu chứng nghiêm trọng. Tôi thực sự hy vọng cha tôi có thể được điều trị thích hợp nhưng không ai chịu tiếp xúc với chúng tôi hoặc giúp chúng tôi vào lúc này.
Tôi đã liên lạc với các nhân viên xã hội nhiều lần, nhưng câu trả lời tôi nhận được là, “chúng tôi không thể nào có được một chiếc giường trong bệnh viện”.
Chúng tôi ban đầu nghĩ rằng điểm cách ly mà bố và chú tôi đã đến là một bệnh viện, nhưng hóa ra đó là một khách sạn.
Không có y tá hoặc bác sĩ và không có máy sưởi. Họ đến vào buổi chiều và các nhân viên ở đó phục vụ họ với một bữa tối lạnh lẽo tối hôm đó. Chú tôi lúc đó rất ốm, với các triệu chứng hô hấp nghiêm trọng và bắt đầu bất tỉnh.
Không có bác sĩ nào đến để điều trị cho ông ấy. Ông ấy và bố tôi ở trong phòng riêng và khi bố tôi đến gặp ông ấy lúc 6:30 sáng, ông ấy đã qua đời rồi.
‘Chúng tôi thà chết ở nhà hơn là đi cách ly’
Các bệnh viện mới đang được xây dựng dành cho những người đã ở trong bệnh viện rồi. Họ sẽ được chuyển sang những bệnh viện mới.
Nhưng đối với những người như chúng tôi, chúng tôi thậm chí không thể có được một chiếc giường bây giờ, chứ đừng nói đến việc có được một chiếc giường trong các bệnh viện mới.
Nếu chúng tôi làm theo hướng dẫn của chính phủ, nơi duy nhất chúng tôi có thể đến bây giờ là những điểm cách ly đó. Nhưng nếu chúng tôi đi, những gì xảy ra với chú tôi có thể sẽ xảy ra với bố tôi.
Vì vậy, chúng tôi thà chết ở nhà còn hơn.
‘Số người bị lây nhiễm rất lớn’
Có rất nhiều gia đình như chúng tôi xung quanh, tất cả đều phải đối mặt với những khó khăn tương tự.
Bố của bạn tôi thậm chí đã bị nhân viên tại các điểm cách ly từ chối vì ông bị sốt cao.
Nguyên vật liệu có hạn nhưng dân số bị nhiễm bệnh là rất lớn. Chúng tôi sợ, chúng tôi không biết điều gì sẽ xảy ra tiếp theo.
Thông điệp của bà Vương gửi ra thế giới
Điều tôi muốn nói là, nếu tôi biết họ sẽ phong tỏa thành phố này vào 23/1, tôi chắc chắn sẽ đưa cả gia đình tôi ra ngoài, bởi vì chẳng có sự giúp đỡ nào ở đây.
Nếu chúng tôi ở một nơi khác, có thể sẽ có hy vọng. Tôi không biết liệu những người như chúng tôi, những người lắng nghe chính phủ và ở lại Vũ Hán, đã đưa ra quyết định đúng đắn hay không.
Nhưng tôi nghĩ cái chết của chú tôi đã trả lời câu hỏi đó.
https://www.bbc.com/vietnamese/world-51367793

Trung Quốc, “một lần bất tín, vạn lần bất tin”

Đinh Yên Thảo, Dallas, Texas
Chính quyền Vũ Hán vừa khánh thành bịnh viện dã chiến khẩn cấp Huoshenshan đầu tiên, một trong hai bịnh viện đã được xây dựng cấp tốc trong 10 ngày nhằm cách ly và chữa trị các bịnh nhân nhiễm dịch cúm Vũ Hán. Nhóm bịnh nhân đầu tiên đã được chuyển đến bịnh viện có trên một ngàn giường bịnh và được khoảng hơn một ngàn các bác sĩ, y tá quân y của quân đội trực tiếp điều hành, theo như các bản tin cho biết.
Việc xây dựng đã được “live-stream”, phát hình trực tuyến qua mạng cho người dân Hoa Lục có thể thấy được đảng và nhà nước đã không chỉ bảo vệ cho người dân của mình mà “cho cả thế giới” trước đại dịch ra sao trong cuộc chiến chống đại dịch, theo như một xã luận kêu gọi người dân đoàn kết trên tờ báo đảng Nhân Dân Nhật Báo tiếng Anh (China’ virus battle unites people and protects world).
Điểm qua một số bài xã luận trên báo Nhân Dân hay Thời Báo Toàn Cầu của đảng trong vài ngày qua thì phần lớn các tin tức hay bài báo là nói về “quyết tâm” của đảng và chính phủ trước việc phòng chống và kiểm soát đại dịch. Nào là Tổng Bí Thư Tập Cận Bình chủ tọa phiên họp Bộ Chính Trị, tuyên bố “đại dịch là một thử nghiệm to lớn cho hệ thống và năng lực quản trị của chính quyền, cần tổng hợp kinh nghiệm và rút ra bài học”.  Trong một bài báo khác thì viết rằng, “thành tựu khoa học cùng công nghệ sinh học và thông tin của Trung Quốc đã đóng vai trò to lớn trong cuộc chiến chống dịch bịnh Vũ Hán”. Các bài báo còn xác quyết rằng, ”thời gian sẽ chứng minh những quyết định sáng suốt của Trung Quốc và làm đất nước mạnh mẽ hơn sau khi chiến thắng cơn đại dịch”.
Không chỉ những bài báo ca ngợi đảng và nhà nước như vậy, các bài báo còn chỉ trích Mỹ và phương Tây đã tận dụng cơ hội dịch bịnh tại Hoa Lục để chống lại Trung Quốc, “tạo ra sự sợ hãi và hoang mang không cần thiết” và là những “vi-rút chính trị” tạo ra sự thù địch và kỳ thị.
Tất nhiên những quốc gia cộng sản như Trung Cộng vẫn luôn tận dụng mọi cơ hội cho mục đích tuyên truyền của mình, kể cả trong thiên tai hay cơn dịch bịnh như hiện nay. Báo đài, truyền thông, các trang mạng xã hội tại Hoa Lục đã có vô số những bài viết kiểu ca ngợi, phản bác lại các thông tin được các chính phủ và truyền thông khắp thế giới theo dõi diễn tiến cơn dịch đưa ra. Nhưng việc phát hình trực tuyến hình ảnh, quang cảnh xây dựng các bịnh viện dã chiến nói trên còn có một nguyên do xa hơn mục đích tuyên truyền. Nó nhằm bào chữa, gỡ gạc lại chút uy tín, nếu có, của báo đài cùng quan chức đảng trước đó.
Ngày 27 tháng Một, tờ báo Thời Báo Toàn Cầu của đảng đã đăng tải một tấm hình bịnh viện Huoshenshan nói trên với đề tựa, “Quả Kinh Ngạc! Building đầu tiên của bịnh viện Huoshenshan được xây trong 16 giờ đồng hồ” (Amazing!  Huoshenshan Hospital ‘s 1st building completed in 16 hours!).
Tờ Nhân Dân cũng đăng cùng tấm hình. Rồi đến Phó Tổng Cục Trưởng Thông Tin của Bộ Ngoại Giao Trung Cộng Lijian Zhao cũng dùng mạng xã hội để gởi lại tấm hình này ra. Zhao là một khuôn mặt trẻ của Bộ Ngoại Giao, được thăng quan tiến chức rất nhanh nhờ thái độ hiếu thắng, thường tấn công Mỹ cũng như không bỏ dịp tung hô đảng qua các trang mạng xã hội.
Quả là kỳ tích! Trung Quốc vốn nổi tiếng với tốc độ xây dựng tính bằng giờ, bằng ngày, theo như các tin tức vẫn thường được báo chí Trung Quốc đăng tải. Ai chẳng phấn khích trước việc xây bịnh viện chưa đến một ngày?
Chỉ hơi đáng tiếc là tấm hình đó đã bị cộng đồng mạng phát hiện là … giả mạo, sau khi nó được lan truyền quá nhanh, quá nhiều về “kỳ tích” của đảng. Bởi thật ra nó là một building đang được rao bán và nằm tại Thanh Đảo, cách Vũ Hán gần một ngàn cây số. Các mẩu tin bị gỡ bỏ lập tức và tin nhắn của Zhao cũng bị xóa bỏ. Những bản tin, các tấm hình giả mạo trên báo chí đảng vốn chẳng có gì lạ nhưng đây quả là một cú hớ quá lớn của các báo đảng, không ngờ rằng bị người dân “bắt giò” giữa khi đại dịch bùng phát và có quá nhiều người theo dõi.
Sau khi bị thế giới lên án việc giấu nhẹm các thông tin dịch bịnh ban đầu cũng như phản ứng chậm trễ để nó lan tràn, trong những ngày qua Trung Cộng luôn tuyên bố sẽ “minh bạch thông tin” và hợp tác cùng Tổ Chức Y Tế Thế Giới với các nước trong việc ngăn ngừa và phòng chống dịch bịnh. Nhưng thế giới đã có quá dư lý do để nghi ngờ về ”sự minh bạch” hay tin tưởng vào các số liệu, dữ kiện mà Trung Quốc đưa qua. ”Một lần bất tín, vạn lần bất tin”, một đôi lần dối trá đã khó làm người khác tin tưởng được, huống hồ Trung Quốc đã hàng vạn lần gian dối, bất tín.
https://www.rfa.org/vietnamese/news/ReadersOpinions/wuhan-mis-trust-02042020143024.html

Dịch corona, các nước khó xử với TQ

vì lợi ích kinh tế, ngoại giao

Trong khi các nước triển khai biện pháp ngăn sự lây lan của dịch virus corona gây viêm phổi cấp xuất phát từ Trung Quốc, có một nhân tố ảnh hưởng quyết định tới điều này: sức mạnh kinh tế của Trung Quốc.
Tính tới sáng 4-2, số người chết vì virus corona chủng mới tính riêng ở Trung Quốc đại lục đã lên con số 361, với hơn 17.000 ca nhiễm tổng cộng.
Cấm du khách: vấn đề nhạy cảm
Đã hơn 25 quốc gia và vùng lãnh thổ xác nhận có ca nhiễm virus corona, vốn được cho xuất hiện và bùng phát từ thành phố Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, miền trung Trung Quốc.
Vì vậy, các nước trên thế giới buộc phải thực hiện biện pháp cứng rắn với việc nhập cảnh của người Trung Quốc. Các nước giàu có như Mỹ và Úc, vốn đều là đối tác thương mại lớn của Trung Quốc, hiện cấm nhập cảnh đối với toàn bộ du khách nước ngoài nhập cảnh vào hai nước này từ Trung Quốc.
Nhưng với các nước kém phát triển hơn, đây là giải pháp khó thực hiện.
Hãng tin Bloomberg cho rằng các quốc gia kém phát triển hơn buộc phải chọn cách tiếp cận mềm mỏng hơn đối với vấn đề nhập cảnh từ Trung Quốc, do phải cân nhắc giữa mối quan tâm về sức khỏe với tình hình kinh tế và hậu quả tiềm tàng từ chính trị trong nước.
Trung Quốc hiện là nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, và dĩ nhiên là đối tác thương mại cũng như nguồn khách du lịch lớn nhất của nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ khác.
Những quốc gia và vùng lãnh thổ chịu sự ảnh hưởng lớn từ Trung Quốc này nếu áp dụng biện pháp ngăn cấm du khách Trung Quốc, phải đối diện nguy cơ sụt giảm doanh thu và tăng trưởng nói chung.
Thêm vào đó, các biện pháp hạn chế như đã nêu cũng có khả năng tạo ra căng thẳng ngoại giao, do giới chức Trung Quốc vừa phải chống dịch virus corona, vừa tìm cách giữ hình ảnh của quốc gia trên toàn cầu.
“Các nước áp dụng hình thức hạn chế du lịch nhắm vào Trung Quốc sẽ cố gắng xem xét cẩn thận đối với bất kỳ căng thăng thẳng chính trị tiềm tàng nào. Một mối đe dọa đại dịch nghiêm trọng, tức một sự bùng phát dịch tiềm năng ở các quốc gia này, sẽ có tác động đến chính trị trong nước của họ, chẳng hạn như bầu cử, và sẽ vượt qua giới hạn địa chính trị.
Tuy nhiên các nước này cũng rất cẩn trọng với cách họ đưa ra quy định giới hạn du khách nhằm tránh chọc giận Bắc Kinh cũng như các hậu quả địa chính trị”, Bloomberg ngày 4-2 dẫn lời Kaho Yu, nhà phân tích cấp cao tại Công ty tư vấn rủi ro Verisk Maplecroft.
Thực tế Trung Quốc đã có phản ứng không hài lòng với một số quy định hạn chế du khách. Quyền đại sứ Trung Quốc tại Israel gần đây còn ví việc Israel hạn chế du khách Trung Quốc với tình huống trong lịch sử, khi người theo đạo Do Thái (của Israel) bị đối xử trong thảm họa diệt chủng thời Đức Quốc xã.
Theo Hãng tin AP, Đại sứ quán Trung Quốc sau đó đã phải xin lỗi về việc này.
Trong một ví dụ khác, sau khi Bộ Ngoại giao Mỹ ban bố tình trạng cảnh báo cao nhất, khuyến cáo công dân ngưng đến Trung Quốc, ngang với cảnh báo dành cho các địa điểm như Iraq và Afghanistan, Bộ Ngoại giao Trung Quốc cũng phản đối mạnh mẽ.
Người phát ngôn Hoa Xuân Oánh nói “Hành động và lời nói của Mỹ không hề dựa trên thực tế, cũng không giúp ích gì trong giai đoạn này”.
Tại cuộc họp báo thường kỳ của Bộ Ngoại giao Trung Quốc đầu tuần, bà Hoa cũng chỉ trích Mỹ khi Mỹ là quốc gia đầu tiên rút nhân viên Lãnh sự quán khỏi thành phố Vũ Hán và công bố lệnh cấm du lịch tới Mỹ đối với công dân Trung Quốc.
 Khó xử
Đối với một số nước nghèo hơn Úc và Mỹ, đặc biệt đồng thời có quan hệ kinh tế gần gũi với Trung Quốc, tình hình sẽ khó xử hơn.
Bloomberg lấy Campuchia làm ví dụ. Campuchia được cho là đối tác đáng tin cậy nhất của Trung Quốc trong khu vực Đông Nam Á, đến nay đã thu hút khoảng 8 tỉ USD vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) của Trung Quốc từ năm 2016 tới 2019, chiếm một phần ba tổng FDI của Campuchia.
Do vậy, việc cấm bay đối với Trung Quốc có thể “hủy hoại nền kinh tế của Campuchia và ảnh hưởng tới mối quan hệ tốt đẹp giữa hai nước”, theo nhận định từ văn phòng của Thủ tướng Campuchia Hun Sen.
Tương tự, Pakistan là một đồng minh ngoại giao và quân sự với Trung Quốc, cũng từng cấm các chuyến bay tới Trung Quốc nhưng chỉ sau 5 ngày đã dừng việc cấm này. Theo lời ông Zafar Mirza, cố vấn đặc biệt về y tế cho thủ tướng Pakistan, việc nước này không cấm bay với Trung Quốc là tuân thủ hướng dẫn của Tổ chức Y tế thế giới WHO.
WHO tới nay tuyên bố không cần thiết phải cấm bay đối với Trung Quốc. Nhưng dư luận, đặc biệt những người hoài nghi về tính minh bạch trong đợt virus corona, cũng chỉ trích WHO về cách nhìn nhận của tổ chức này đối với tình trạng dịch bệnh và quan điểm mềm mỏng với Trung Quốc.
Nhìn chung, giới phân tích cho rằng một khi đưa ra các lệnh cấm đối với Trung Quốc thì rất khó đảo ngược. Vì vậy trong bối cảnh tình hình dịch bệnh chưa có dấu hiệu mang tính bước ngoặt trong hàng tháng tới, cả Trung Quốc lẫn đối tác đều thiệt hại như nhau.
Bloomberg cũng nhận xét rằng các nước Đông Nam Á tuy vậy lại bắt đầu có những biện pháp cứng rắn hơn đối với du khách Trung Quốc trong mùa dịch.
Philippines ra lệnh cấm hai chiều đối với việc du lịch tới Trung Quốc cũng như tất cả các công dân Trung Quốc tới nước này.
Singapore ngừng cấp visa cho công dân Trung Quốc.
Myanmar dù chưa có ca nhiễm nào được xác nhận cũng tạm cấm du khách du khách trên mọi miền Trung Quốc, đồng thời sơ tán 59 du học sinh tại Vũ Hán.
Tựu trung, các nước Đông Nam Á đều hành xử mạnh tay nhưng rạch ròi chuyện đóng cửa với thái độ ủng hộ người dân Trung Quốc chống dịch.
Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte tuyên bố hợp tác với Trung Quốc, lên án thái độ bài Trung Quốc.
Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long cũng khẳng định các biện pháp biên giới chỉ nhằm bảo vệ sức khỏe người dân chứ không nên ác cảm với công dân Trung Quốc.
http://biendong.net/goc-nhin-moi/32785-dich-corona-cac-nuoc-kho-xu-voi-tq-vi-loi-ich-kinh-te-ngoai-giao.html

Chính quyền Trung Quốc

ngăn người dân đưa tin về dịch virus corona

Khi chủng mới của virus corona có nguồn gốc từ Trung Quốc lan rộng khắp thế giới, các nhà hoạt động của nước này đã cố gắng điều tra mức độ nghiêm trọng của vụ dịch. Tuy nhiên, cho đến nay, có hơn 300 công dân Trung Quốc đã bị chính quyền bắt giữ, phạt tiền hoặc trừng phạt vì tội “truyền bá tin đồn”, theo Tổ chức Bảo vệ Nhân quyền Trung Quốc.
Trong đêm, những người đàn ông đeo khẩu trang trong bộ đồ bảo hộ gõ cửa nhà Fang Bin, một người bán quần áo ở Vũ Hán, Trung Quốc, yêu cầu anh phải đến nơi cách ly.
“Cậu đã đi đến một nơi nguy hiểm như vậy, cậu không thể bị nhiễm bệnh sao? Nếu cậu bị bệnh lây sang người khác thì sao?”, một người đàn ông trong nhóm hỏi anh.
Fang trở nên nghi ngờ. Anh không bị ốm, và không ai trong số họ là bác sĩ.
“Nhiệt độ của tôi là bình thường”, Fang cãi lại. “Các anh hãy trở lại với lệnh kiểm tra”.
Nhưng họ đã xông vào nhà anh, tịch thu các thiết bị điện tử và đưa anh đi – không phải đến bệnh viện, mà là đến đồn cảnh sát.
Fang bị thẩm vấn về các video mà anh đã đăng lên mạng, trong đó có một video anh phát hiện 8 xác chết trong vòng 5 phút tại một bệnh viện công ở Vũ Hán, trung tâm của dịch virus corona.
“Không hề có một bác sĩ nào” trong những người thẩm vấn tôi, Fang nói với tờ Los Angeles Times trong cuộc phỏng vấn qua điện thoại vào ngày 2/2. “Tất cả bọn họ đều là cảnh sát”.
Anh nói rằng các nhà chức trách cáo buộc anh đã nhận tiền từ các tổ chức nước ngoài để làm video trực tuyến, và ra lệnh cho anh ngừng đăng “tin đồn” trên mạng.
Trong một video, anh đếm số túi xác chết bên ngoài bệnh viện, sau đó đi vào một căn phòng nơi một người đàn ông đang thở hổn hển và khóc nức nở khi các bác sĩ nói về một bệnh nhân vừa mới chết.
“Đã hết. Đã hết”, giọng nói vang lên.
“Ông ấy là gì của anh?”, Fang hỏi người đàn ông.
“Cha tôi”, người đàn ông khóc.
Fang, chủ một cửa hàng quần áo truyền thống của Trung Quốc ở Vũ Hán, cho biết anh quyết định thử vai trò “báo chí công dân”, vì theo anh đó là nguồn thông tin trung thực, đặc biệt là đối với dân Vũ Hán bị mắc kẹt trong nhà và ngại ra ngoài.
“Tôi muốn đi và xem những gì thực sự đang xảy ra. Đó là những gì mà mọi người dân bình thường nên làm”, anh chia sẻ.
Anh đeo khẩu trang và mặc trang phục truyền thống anh thường bán, và dành buổi sáng đến thăm các bệnh viện công ở Vũ Hán và đăng video lên mạng. Và đêm đó, những người đàn ông trong bộ đồ bảo hộ đã đến nhà anh.
Khi chủng mới của virus corona bắt nguồn từ Vũ Hán lan rộng khắp thế giới, nhà cầm quyền Trung Quốc đã cố gắng đàn áp các nhà hoạt động điều tra mức độ nghiêm trọng của vụ dịch, và không cho phép truyền thông trong nước được tự do báo cáo về dịch bệnh. Trong những ngày gần đây, sự kiểm duyệt và tuyên truyền trở nên tăng cường. Các bác sĩ, y tá ở Vũ Hán và các địa phương khác được cho là đã ngừng nói chuyện với báo chí. Nhiều bài đăng trên truyền thông xã hội từ các cá nhân bị bệnh hoặc thành viên gia đình của họ đã biến mất.
Theo tờ Los Angeles Times, cảnh sát đã trừng phạt 8 người, trong đó có một bác sĩ đã cố gắng cảnh báo công chúng về virus mới nguy hiểm gây truyền nhiễm vào ngày 1/1. Họ đã bị giam giữ trong một thời gian ngắn vì “truyền bá tin đồn” và bị buộc phải ký biên bản cam kết không đưa ra những “bình luận sai sự thật”, “phá vỡ nghiêm trọng trật tự xã hội”.
Tuy nhiên, trong một động thái bất thường, Tòa án Nhân dân Tối cao Trung Quốc đã khiển trách cảnh sát Vũ Hán trong một bài đăng trên WeChat vào tuần trước, nói rằng những người đăng tin không nên bị chỉ trích.
“Sự bùng phát virus corona đòi hỏi một phản ứng nhanh chóng, toàn diện và tôn trọng quyền con người”, Yaqiu Wang, nhà nghiên cứu về Trung Quốc của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền, cho biết trong một báo cáo về phản ứng đối với dịch virus corona của Trung Quốc.
“Các nhà chức trách nên công nhận rằng việc kiểm duyệt chỉ gây ra sự mất lòng tin nơi công chúng, và thay vào đó cần khuyến khích sự tham gia của xã hội dân sự và thông tin truyền thông về cuộc khủng hoảng sức khỏe cộng đồng này”, ông Wang nói.
Các nhà báo nước ngoài bị buộc phải xóa các video mà họ đã quay gần bệnh viện. Trong khi các kênh tin tức nhà nước phát sóng câu chuyện Trung Quốc xây dựng nhanh chóng các bệnh viện mới, các nhà máy sản xuất khẩu trang đang cố gắng bù đắp sự thiếu hụt, nhân viên y tế nắm tay bệnh nhân trên giường bệnh viện và hát những bài hát yêu nước để xoa dịu họ.
Một bài báo trên truyền thông địa phương độc lập hơn, tờ Caijing viết về “những người không được đếm”, nhằm nói về những người đã chết mà không được kiểm tra hoặc báo cáo là nạn nhân của virus corona đã bị xóa khỏi internet Trung Quốc hôm 3/2.
Nỗi sợ hãi lan rộng trong cộng đồng các nhà hoạt động xã hội dân sự Trung Quốc tại Vũ Hán, nhiều người trong số họ đã tổ chức các hoạt động thiện nguyện để chia sẻ vật tư y tế và quyên góp từ “bạn bè trực tuyến” trên toàn quốc. Một nhóm trong số họ đã đến khu dân cư của Fang. Không biết anh đang ở tòa nhà nào, họ hét tên anh, nhưng không có phản hồi.
Hoảng sợ, họ bắt đầu chia sẻ video mà Fang quay được lên mạng, và khi bài đăng của họ lan truyền, cảnh sát đã thay đổi giọng điệu, Fang kể với tờ Los Angeles Times.
Sau đó, cảnh sát đã để Fang đi, nhưng họ giữ máy tính của anh. Anh đi về nhà và đăng một video lên mạng, cảm ơn các nhà hoạt động và kêu gọi mọi người lên tiếng.
“Ở đó, không có tác dụng nếu bạn sợ hoặc cầu xin họ. Bạn càng sợ, họ càng bắt nạt bạn”, anh nói. “Chỉ khi mọi người đứng lên cùng nhau, đó là lý do tại sao tôi nói rằng phong trào của chúng ta phải đổi từ ‘mọi người tự cứu mình’ thành ‘tất cả cùng cứu nhau’, các bạn chính là người đã cứu tôi”.
http://biendong.net/bi-n-nong/32-sukien/32791-chinh-quyen-trung-quoc-ngan-nguoi-dan-dua-tin-ve-dich-virus-corona.html

Trước đại dịch,

Tập Cận Bình dường như đã quên lời cảnh báo của cha?

Secret China | Tâm Thanh biên tập 6 giờ trước
Tập Cận Bình đã dấn thân vào sự nghiệp chính trị như thế nào? Lời khuyên của Tập Trọng Huân đối với ông lúc đầu là gì? Bây giờ bệnh dịch đang hoành hành, thiên tai nhân họa xảy ra liên miên khiến thảm họa ngày càng tàn khốc hơn. Đứng trước đại ôn dịch, Tập Cận Bình sẽ kết thúc vở kịch này như thế nào?
Tập Trọng Huân yêu cầu một người con của mình ở lại làm chính trị
Vào những năm 1960, vì cuốn tiểu thuyết “Lưu Chí Đan” được viết bởi một cựu lãnh đạo của Đảng Cộng sản miền bắc, Thiểm Tây, Trung Quốc, Tập Trọng Huân bị cho là một “kẻ phản bội” đất nước . Ông bị đàn áp dã man, bị thẩm tra, bị nhốt trong thời kỳ Cách mạng Văn hóa suốt 16 năm. Ông bị tra tấn tới mức thần trí thất thường, có lần ông giả điên để bảo vệ gia đình khỏi bị dính líu. Sau Cách mạng Văn hóa, Tập Trọng Huân được minh oan và được giao trách nhiệm nặng nề: giám sát Quảng Đông.
Từ thời ông phụ trách Quảng Đông, Tập Trọng Huân đã yêu cầu các con mình nếu có cơ hội thì hãy “cao chạy xa bay”, nếu ở lại đất nước không chừng một ngày nào đó sẽ bị bức hại vì chính trị, chứ đừng nói đến việc phục vụ quê hương. Tuy nhiên, trong số các con của mình ông yêu cầu một người ở lại làm chính trị.
Tập Trọng Huân nói chuyện riêng với Tập Cận Bình
Dương Bình, người bạn vong niên của Tập Trọng Huân, xuất bản bài báo kể về tình cảm cha con cảm động lòng người trong gia đình của ông Tập, nói rằng vào sinh nhật lần thứ 23 của Tập Cận Bình, năm 1976, Tập Trọng Huân đã khóc ròng 2 giờ đồng hồ vì nhớ về tuổi thơ đau thương của Tập Cận Bình “Cửu tử nhất sinh”.
Một tháng sau sinh nhật lần thứ 23 của Tập Cận Bình, Tập Trọng Huân đã gọi Tập Cận Bình và Tập Xa Bình đến Lạc Dương. Sau khi đến nơi, ông bảo Dương Bình đưa Xa Bình đi chơi, còn ông nói chuyện riêng với Cận Bình.
Vào lúc 8 giờ 30 phút sáng ngày 20 tháng 7, Dương Bình đưa Xa Bình ra ngoài để xem một bộ phim và trở về nhà vào khoảng 12 giờ trưa. Tập Xa Bình lúc đó chưa tròn 20 tuổi, là người trẻ nhất trong gia đình. Ngay khi bước vào cửa, Xa Bình nói thao thao bất tuyệt, người khác chỉ biết nghe chứ không có cơ hội để nói. Lúc này, Cận Bình mới hiểu vì sao ba mình lại để Dương Bình đưa Xa Bình đi ra ngoài chơi.
Sau khi hai anh em rời đi, Tập Trọng Huân nói với Dương Bình: “Tương lai con đường chúng đi sẽ khác nhau”.
Tập Trọng Huân đã nhiều lần nói chuyện chính trị với Tập Cận Bình, và dạy con trai cách trở thành một quan chức như thế nào. Trương Quốc Anh, thư ký của Tập Trọng Huân nhớ lại rằng Tập Trọng Huân đã từng nói với Tập Cận Bình, bất kể làm quan to đến đâu, muốn có được sự liên kết, ủng hộ từ quần chúng, thì cần phải tiếp cận mọi người một cách gần gũi, giản dị.
Tập Xa Bình tưởng nhớ đến người cha Tập Trọng Huân
Một nhà văn ở nước ngoài viết rằng: ngày 15 tháng 10 năm 2013 là sinh nhật lần thứ 100 của Tập Trọng Huân, 11 năm kể từ khi ông qua đời. Con trai út của Tập Trọng Huân – Tập Xa Bình đã viết một bài báo dài hơn 7.000 từ để tưởng nhớ cha mình.
“Khi còn nhỏ, cha tôi đã dạy chúng tôi rằng: “Gửi tặng than củi trong ngày giá rét. Tức là phải giúp đỡ người khác khi họ gặp hoạn nạn. Ông cũng đã nhiều lần viết cho các con: “Gửi tặng than củi trong ngày giá rét là nguyện của ta”. Tấm lòng đối đãi với người “gửi tặng than củi trong ngày giá rét” đó không chỉ xuyên suốt một đời của ông, mà còn để lại chuẩn tắc đối nhân xử thế cả đời cho chúng tôi ngày từ khi chúng tôi còn nhỏ.”
Kể từ khi ĐCS Trung Quốc được thành lập, những vụ giết người đẫm máu trong và ngoài đảng vẫn chưa có hồi kết. Tập Xa Bình cho biết cha anh đã dành cả cuộc đời của mình để giúp đỡ người gặp nạn. Những gì nên nhường bước, ông ấy đã nhường bước, những gì nên kiên nhẫn, ông ấy đã kiên nhẫn, những gì nên gánh vác, ông ấy đã thực hiện, khi cần phải đứng lên, ông ấy đã dũng cảm bước ra.
Tập Trọng Huân từng nói: “Cả đời này, tôi chưa từng ‘chỉnh’ ai bao giờ”. Câu này nói thì rất dễ, nhưng làm được lại vô cùng khó. Bởi lẽ mỗi khi Đảng Cộng sản Trung Quốc phát động một chiến dịch, đều là một lần người ta mất dần đi nhân tính.
Tập Xa Bình đã viết:  “Trong những năm bất công ấy, những “vấn đề” bêu xấu, không chân thật đối với cha tôi, ông luôn  một mình ôm lấy trách nhiệm, thà bản thân mình chịu đựng còn hơn khiến người khác bị dính líu. Ông nói: “Hạt vừng trên người tôi là dưa hấu trên người khác; hạt dưa hấu trên người khác là hạt vừng đối với tôi.” Nhiều người nghe thấy điều này liền rơi lệ. Chưa từng “chỉnh” người khác là điều quan trọng nhất mà cha đã làm trong đời đối với việc “đưa tặng than củi trong ngày giá rét”.
Tập Xa Bình kể rằng trong sách giáo khoa tiểu học có một câu chuyện “Khổng Dung nhường lê”. “Tôi nhớ rất rõ từng chữ một. Đó là một giáo huấn đặc biệt của gia đình mà cha đã dạy tôi từ thời thơ ấu. Cha tôi từng hơn một lần cầm sách giáo khoa, nắm tay tôi và đọc cho tôi nghe câu chuyện ấy, dạy tôi những điều tốt đẹp trong bài học đó. Khiêm nhường là bài học nhân sinh quan trọng nhất trong đời mà cha đã dạy cho tôi. Ở nhà, cần khiêm tốn với cha mẹ, anh chị em, ra ngoài cần khiêm tốn với người lớn tuổi, bạn bè, đồng nghiệp. Trong cuộc sống cần khiêm tốn với chính danh dự và lợi ích của cá nhân. Khiêm nhường là giá trị của tất cả mọi thứ! Khiêm nhường không chỉ là xem nhẹ danh dự, lợi ích của bản thân, mà còn là sự thăng hoa của đạo đức con người. Tôi vô cùng biết ơn cha tôi đã dẫn dắt và định hướng cho tôi một con đường chân chính để bước đi trong cuộc đời.
Sau này lớn lên, hòa nhập vào dòng chảy của xã hội, tôi mới thực sự minh bạch được rằng, đối diện với những quan hệ phức tạp ngoài xã hội, sự khiêm nhường mà cha tôi đã dạy dỗ, nuôi dưỡng nó thành thói quen trong tôi từ khi còn nhỏ đã đem lại rất nhiều điều tốt đẹp cho tôi trong cuộc sống!
Tập Cận Bình đã quên lời cảnh báo của cha?
Bây giờ, nhìn thấy các loại thảm họa tự nhiên cũng như nhân tạo đang xảy ra trước mắt, Tập Cận Bình dường như đã quên mất lời cảnh báo của cha mình. Trên thực tế, nếu ông ấy có thể xem nhẹ quyền lực, biết vì dân chúng, thì sức mạnh chân chính sẽ xuất hiện. Sự độc tài của chính quyền Bắc Kinh đã khiến cho người dân Trung Quốc sống trong đau khổ, hy vọng mong manh của họ, sự chờ đợi để được chính quyền “gửi tặng than củi ngày giá rét” sẽ không thể đến nếu như hệ thống toàn trị, tất cả vì “ổn định chính trị” vẫn còn tồn tại ở đó?
https://www.dkn.tv/the-gioi/truoc-dai-dich-tap-can-binh-duong-nhu-da-quen-loi-canh-bao-cua-cha.html

Biện pháp phong tỏa thành phố

nhằm ngăn dịch virus corona

của chính quyền Trung Quốc liệu có hiệu quả?

Hải Lam
Nhằm ngăn sự lây lan của dịch virus corona, chính quyền Trung Quốc đã ra lệnh phong tỏa thành phố, hạn chế việc đi lại của hàng chục triệu người dân. Thế nhưng, biện pháp này có thực sự hiệu quả?
Reuters cho biết, thành phố Vũ Hán, nơi được coi là khởi phát của dịch viêm phổi do chủng virus corona mới gây ra, đã bị phong tỏa từ 24/1. Sau đó, chính quyền Trung Quốc tiếp tục ra lệnh phong tỏa hơn 10 thành phố lân cận, khiến hơn 50 triệu người dân của tỉnh Hồ Bắc mắc kẹt.
Hôm 2/2, thành phố Ôn Châu với 9 triệu dân bị phong tỏa. Người dân bị cấm ra vào thành phố, trong khi nhà chức trách đóng mọi con đường nối Ôn Châu với các khu vực lân cận.
Hôm 4/2, giới chức Trung Quốc cho biết nhiều thành phố lớn khác tại tỉnh Chiết Giang bị phong tỏa hoặc đặt dưới sự kiểm tra nghiêm ngặt, ảnh hưởng đến sự sinh hoạt của khoảng 12 triệu dân.
Việc phong tỏa thành phố của chính quyền Trung Quốc trong bối cảnh dịch viêm phổi đang lan rộng liệu có  phải là một biện pháp hữu hiệu? Dưới đây là nhận định của các chuyên gia về vấn đề này được đăng trên trang Global News.
Còn quá sớm để kết luận
Tiến sĩ Isaac Bogoch, giảng viên về bệnh truyền nhiễm tại Đại học Toronto, cho biết việc hạn chế người dân Trung Quốc đi lại đến mức này là chưa từng xảy ra trong quá khứ.
Mặc dù các nỗ lực phong tỏa thành phố tương tự từng được thực hiện trên thế giới, ví dụ trong đại dịch Ebola, hay trong đợt bùng phát virus H1N1, song ông Bogoch cho biết không có gì chứng minh đây là biện pháp thành công.
Tuy nhiên, tiến sĩ Bogoch nói rằng vẫn còn quá sớm để kết luận quyết định phong tỏa của chính quyền Trung Quốc nhằm ngăn dịch virus corona lây lan là hiệu quả hay không.
“Tôi không cho rằng ai cũng có thể nhìn vào mắt bạn và nói thẳng với bạn liệu điều này có hiệu quả hay không, bởi vì chúng tôi chưa bao giờ chứng kiến bất cứ điều gì như thế này trước đây”, ông nói.
Ông Bogoch cho biết các biện pháp hạn chế đi lại có thể làm chậm sự lây lan của dịch bệnh và giảm nguy cơ lây nhiễm ra các khu vực khác.
Tuy nhiên, tiến sĩ Bogoch nói rằng virus corona đã “vượt khỏi sự kiểm soát”.
“Tôi nghĩ một câu hỏi quan trọng là, ‘Mức độ dịch bệnh ở các vùng khác của Trung Quốc như thế nào?’ và tôi không nghĩ rằng chúng ta có được một câu trả lời chính xác về vấn đề này”, ông Bogoch cho hay.
Ông Steven Hoffman, giáo sư sức khỏe toàn cầu, luật pháp và khoa học chính trị tại Đại học York, cho biết ông đã sốc khi nghe về việc phong tỏa thành phố tại Trung Quốc. Điều này khiến ông liên tưởng tới một thứ gì đó mà người ta có thể thấy trong phim.
Ông nói rằng các lệnh cấm đi lại thường không hiệu quả vì những người muốn ra ngoài sẽ cố gắng tìm cách, và điều này làm thất bại toàn bộ kế hoạch kiểm dịch.
“Nhưng từ quan điểm khoa học, lệnh phong tỏa ở Trung Quốc thực sự thú vị”, ông nói. “Nếu mọi người tuân thủ và nếu có biện pháp đảm bảo lệnh được thực thi và cung cấp được thực phẩm cho 20 triệu người, có lẽ lệnh phong tỏa sẽ hiệu quả”.
Lệnh phong tỏa gây lo ngại về vấn đề đạo đức
Ông Kerry Bowman, Giáo sư trợ lý (Assistant Professor) tại Trường Y tế Công cộng Toronto, Đại học Toronto, đồng ý rằng còn quá sớm để kết luận lệnh phong tỏa của giới chức Trung Quốc có phải là một chiến lược hiệu quả hay không, nhưng ông nói rằng biện pháp này gây ra một số lo ngại về vấn đề đạo đức.
“Từ quan điểm đạo đức mà nói, nếu có những người khỏe mạnh ở khu vực phong tỏa, chắc chắn là có, mà bị nhiễm bệnh, bạn sẽ tăng nguy cơ mất mạng vì virus”, ông Bowman nói. “Vì vậy, những người hoàn toàn khỏe mạnh ở trong khu vực phong tỏa, trên thực tế, có thể bị lây nhiễm virus”.
Ông nói thêm rằng, chính quyền Trung Quốc đang vật lộn để “kiểm soát tình thế khó khăn”.
Ông Bowman nhấn mạnh, có sự khác biệt lớn về cách chính quyền các nước phương Tây và chính quyền Trung Quốc nhìn nhận các quyết định liên quan đến đạo đức, ví dụ như việc phong tỏa thành phố. “Vì vậy, Trung Quốc đang đưa ra một quyết định rất võ đoán”, ông Bowman khẳng định.
Ông Bowman nói rằng ở Canada, lệnh hạn chế đi lại ở mức độ này có thể sẽ không bao giờ xảy ra, chủ yếu là vì lý do dân quyền.
“Chúng tôi xem xét quyền của người dân – chúng tôi thực sự có quyền cách ly nhiều người như thế không? Khả năng chúng tôi sẽ nói không”.
Giáo sư Hoffman cho biết các biện pháp kiểm dịch trên phạm vi rộng và cực đoan như vậy là “sự hạn chế quyền của người dân và đây là điều không hợp pháp”, và sẽ vi phạm Hiến chương về Quyền và Tự do của Canada.
“Nếu ở Canada, điều này là không thể nào”, ông Hoffman nói.
https://www.dkn.tv/the-gioi/bien-phap-phong-toa-thanh-pho-nham-ngan-dich-virus-corona-cua-chinh-quyen-trung-quoc-lieu-co-hieu-qua.html

Hơn 24.500 ca nhiễm bệnh và gần 500 người

chết do virus corona,

Trung Quốc phong toả Hàng Châu

Dương Minh
Tính đến ngày 5/2, số người chết do bệnh viêm phổi cấp từ virus corona mới đã lên đến con số 493 trong khi số người nhiễm bệnh đã tăng lên 24.562 ca.
Như vậy, chỉ sau 1 ngày, số người tử vong đã tăng 66 trường hợp và thêm hơn 3.000 ca nhiễm bệnh mới, theo SCMP. Đồng thời, trên thế giới đã có 910 ca phục hồi sức khoẻ sau khi bị nhiễm bệnh.
Tỉnh Hồ Bắc (Trung Quốc) là tâm điểm của dịch bệnh, với 479 người chết (chiếm 97%) và 16.678 ca nhiễm bệnh (chiếm 68% tổng số).
Thành phố Vũ Hán (tỉnh Hồ Bắc), nơi virus lần đầu lây sang người, ghi nhận 49 ca tử vong mới trong ngày 4/2, tăng so với 48 ca ngày trước đó. Tổng cộng 362 người tại Vũ Hán đã thiệt mạng vì virus. Số ca nhiễm mới tại thành phố cũng tăng thêm 1.967 ca trong ngày 4/2, so với 1.242 ca ngày trước đó.
Hơn 2.500 bệnh nhân đang chữa trị tại Hồ Bắc được cho là đang trong tình trạng nghiêm trọng hoặc nguy kịch, theo những dữ liệu mới nhất công bố sáng 5/2.
Dù vậy, với thói quen che giấu thông tin của chính quyền Trung Quốc, con số thực tế có thể cao hơn nhiều lần. Một nghiên cứu của các nhà khoa học tại Đại học Hồng Kông dự đoán rằng có đến 75.815 người ở thành phố Vũ Hán đã nhiễm loại virus nguy hiểm này.
Ngoài ra, nhiều chuyên gia y tế cũng cho rằng số liệu chính thức nhìn chung chỉ phản ánh các trường hợp bệnh nhân nhập viện. Trong khi đó, nhiều trường hợp nhiễm bệnh và tử vong ở nhà có thể không được thống kê đầy đủ.
Chứng khoán Trung Quốc lao dốc với màn giao dịch sau kỳ nghỉ năm mới kéo dài, chỉ số CSI 300 trên sàn giao dịch Thượng Hải và Thâm Quyết giảm 9,1% vào thứ Hai (3/2) đánh dấu mức mở cửa tồi tệ nhất trong gần 13 năm qua.
Trung Quốc phong tỏa thêm Hàng Châu và một số thành phố
Theo Reuters, Trung Quốc cho biết nhiều thành phố lớn tại tỉnh Chiết Giang đã bị phong tỏa hoặc đặt dưới sự kiểm tra nghiêm ngặt trong ngày 4/2.
Hàng Châu, thành phố 7 triệu dân cách Thượng Hải khoảng 175km, đã bị phong tỏa trong ngày 4/2. Tại thành phố này, người dân được yêu cầu bắt buộc đeo khẩu trang, kiểm tra thân nhiệt và kiểm tra căn cước tại một số điểm kiểm soát.
Tại một số khu vực của Hàng Châu, mỗi hộ gia đình chỉ được phép cử 1 người ra ngoài mỗi 2 ngày để mua nhu yếu phẩm cần thiết. Các biện pháp tương tự cũng áp dụng đối với toàn bộ thành phố Thái Châu và một số khu vực của thành phố Ninh Ba.
Theo ước tính, các biện pháp phong tỏa và kiểm soát mới ban hành trong ngày 4/2 ảnh hưởng tới sinh hoạt của khoảng 12 triệu dân. Trước đó, thành phố Ôn Châu với 9 triệu dân của tỉnh Chiết Giang đã bị phong tỏa hôm 2/2.
Virus corona ở bên ngoài Trung Quốc
Ngoài Trung Quốc, 27 quốc gia và vùng lãnh thổ đã có người bị nhiễm virus corona mới là:
Hồng Kông: 18 ca
Thái Lan: 25 ca
Macau: 10 ca
Úc: 13 ca
Singapore: 24 ca
Đài Loan: 11 ca
Mỹ: 11 ca
Nhật Bản: 22 ca
Hàn Quốc: 16 ca
Malaysia: 10 ca
Pháp: 6 ca
Các tiểu vương quốc Ả rập: 5 ca
Việt Nam: 10 ca
Campuchia: 1 ca
Canada: 4 ca
Đức: 12 ca
Nepal: 1 ca
Sri Lanka: 1 ca
Phần Lan: 1 ca
Ấn Độ: 3 ca
Philippines: 2 ca
Italy: 2 ca
Nga: 2 ca
Anh: 2 ca
Tây Ban Nha: 1 ca
Thuỵ Điển: 1 ca
Bỉ: 1 ca
Tổng số có 213 trường hợp nhiễm bệnh bên ngoài Trung Quốc tính đến ngày 5/2. Hai trường hợp tử vong ngoài Trung Quốc đại lục là một người đàn ông Vũ Hán tại Philippines và một người đàn ông tại Hong Kong.
Sau một ngày, Thái Lan xác nhận thêm 6 bệnh nhân nhiễm virus corona, khiến nước này có đến 25 trường hợp nhiễm bệnh, cao nhất ngoài Trung Quốc. Tiếp theo là Singapore với 24 ca nhiễm bệnh và Nhật Bản là 22 ca.
Trung Quốc thiệt hại 144 tỷ USD trong 7 ngày
Theo Nikkei Asia Review, sự bùng phát của virus nCoV-2019 gây chứng viêm phổi cấp, đã khiến kinh tế Trung Quốc chịu thiệt hại hơn 144 tỷ USD trong tuần lễ Tết nguyên đán. Lý do là người dân hạn chế đi lại, hủy các chuyến du lịch, và tránh những địa điểm công cộng hoặc nơi đông người.
Nhà hàng, các chuỗi bán lẻ, ngành du lịch và điện ảnh Đại lục được đánh giá chịu thiệt hại nặng nề nhất. Trong trường hợp dịch bệnh kéo dài, tốc độ tăng trưởng GDP của Trung Quốc có thể chỉ đạt 5% trong năm 2020.
Việt Nam đã có 10 trường hợp nhiễm bệnh
Đến ngày 5/2, Việt Nam có 10 người mắc nCoV. Trong đó, 2 cha con người Trung Quốc (1 người đã khỏi); 5 công dân Việt Nam đều trở về từ Vũ Hán (1 người đã khỏi và được xuất viện); 1 công dân Việt Nam là lễ tân có tiếp xúc gần với 2 cha con người Trung Quốc; 1 công dân Mỹ đến Việt Nam, trước đó có quá cảnh tại Vũ Hán.
Bệnh nhân thứ 10 tại Việt Nam là nữ công nhân, 42 tuổi, sinh sống xã Sơn Lôi, huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc. Cô là người nhà của nữ bệnh nhân 23 tuổi – thành viên trong đoàn công nhân 8 người đi tập huấn ở Vũ Hán, Trung Quốc, về nước ngày 17/1.
Bệnh nhân thứ 9 tại Việt Nam nhiễm virus corona được xác định là anh T.C.P. (30 tuổi), trú tại xã Minh Quang, huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc. Anh P. là công nhân Công ty TNHH Nihon Plast của Nhật Bản, là 1 trong 8 người vừa trở về từ Vũ Hán, Trung Quốc.
Đây là bệnh nhân thứ 5 sống tại tỉnh Vĩnh Phúc, là ca thứ hai Việt Nam ghi nhận lây nhiễm bệnh từ bệnh nhân sang người nhà (trường hợp trước đó là bố con ông Li Ding người Trung Quốc).
Hà Nội đang chuẩn bị cách ly 950 người Việt Nam trở về từ vùng có dịch virus corona trong vòng 14 ngày để phòng ngừa lây lan dịch bệnh.
Phía Trung Quốc đã thống nhất dừng đôi tàu khách liên vận quốc tế Gia Lâm – Nam Ninh – Bắc Kinh giữa Việt Nam – Trung Quốc trong thời gian dịch bệnh do virus corona (nCoV) gây ra.
Chính phủ yêu cầu các địa phương rà soát tất cả người Trung Quốc hoặc người từng đi qua Trung Quốc nhập cảnh Việt Nam để cách ly 14 ngày, từ 3/2. “Các địa phương khi có người mắc bệnh phải công bố dịch ngay; cho học sinh, sinh viên nghỉ và dừng tất cả hoạt động tập thể đông người, lễ hội”, theo văn bản của Chính phủ.
https://www.dkn.tv/the-gioi/so-nguoi-tu-vong-do-virus-corona-cap-nhat.html

Nhân viên tuyến đầu của nhà tang lễ Vũ Hán

 tiết lộ nội tình ít người biết đến

Vũ Dương
Sau thông tin vụ việc 14 lò hỏa thiêu của nhà tang lễ ở thành phố Vũ Hán vận hành liên tục  24 giờ bất kể ngày đêm và sự thiếu hụt trầm trọng của túi đựng thi thể và vật tư bảo hộ, một nhân viên tuyến đầu của nhà tang lễ Vũ Hán đã tìm kiếm sự giúp đỡ từ bên ngoài thông qua mạng xã hội và tiết lộ nội tình ít người biết đến.
Ngày 3/ 2, một người dùng WeChat có tên tài khoản“谷雨实验室-腾讯新闻” đã đăng tải lời tự thuật của ông Hoàng – một nhân viên công tác tại nhà tang lễ Vũ Xương. Ông Hoàng vốn là nhân viên dân sự của nhà tang lễ, nhưng dưới áp lực nặng nề của dịch bệnh, ông cũng phải lên tuyến đầu tiếp nhận công việc vận chuyển thi thể.
Theo Cục Dân sự Vũ Hán, trong số ba nhà tang lễ ở thành phố Vũ Hán, thì nhà tang lễ Hán Khẩu phụ trách tiếp nhận thi thể của bệnh nhân được chẩn đoán mắc bệnh viêm phổi Vũ Hán, trong khi nhà tang lễ Vũ Xương và nhà tang lễ Thanh Sơn phụ trách tiếp nhận vận chuyển thi thể khác trong thành phố,
bao gồm cả những người tử vong nghi ngờ do mắc bệnh viêm phổi và thi thể của những người chết thông thường khác.
Trước Tết, số người chết đã tăng đáng kể
Ông Hoàng kể rằng ông đã làm việc được gần 10 năm, và hiện giờ là đoạn thời gian mà ông cảm thấy khủng hoảng và mệt mỏi nhất. Từ mùng hai Tết (26/1) trở đi, tất cả nhân viên của nhà tang lễ đều phải đi làm, không ai được nghỉ.
Ông Hoàng tiết lộ rằng, trên thực tế, trước tết áp lực đã đến rồi. Cấp trên ở thành phố Tùy Châu đã cử 4 người đến trợ giúp, và trang thị thêm cho 1 chiếc xe.
“Bây giờ tất cả các nhân viên nam của nhà tang lễ chúng tôi phải phụ trách đi vận chuyển thi thể, còn các nhân viên nữ phụ trách khử trùng ….. Hiện giờ tất cả 4 chiếc điện thoại của nhà tang lễ đều đang hoạt động, nhân viên túc trực liên tục 24 giờ. Mọi người đều đã kiệt sức rồi”.
Một ca trực phải hơn 30 giờ đồng hồ, làm việc thâu đêm suốt sáng
Ông Hoàng nói rằng người bình thường hoàn toàn không thể tưởng tượng được tình hình của họ. “Đi xe trở về, giỏi lắm là rửa tay xong, rồi khử trùng cho bản thân, ngồi nghỉ được vài phút. Làm gì có thời gian hành chính, 24 giờ cứ luân phiên như vậy. Ví dụ, một ca trực của tôi phải làm việc từ 7 giờ sáng mãi cho đến 6 giờ chiều ngày hôm sau”. “Buổi tối thường là làm việc thâu đêm, mệt đến nỗi nhiều khi chẳng muốn ăn cơm”. Có những người ngay cả nước cũng không dám uống, bởi nếu uống nước thì phải đi vệ sinh, và không dễ để cởi quần áo bảo hộ. Có những công nhân bị bệnh cũng phải đi làm.
Ông Hoàng còn nói rằng vốn dĩ công việc này đòi hỏi phải vượt qua quan ải về mặt tâm lý. Nhưng mỗi khi nhìn thấy những gia đình và những thi thể này không khỏi khiến người ta đau lòng. Có những bệnh nhân từ khi nhập viện đã không gặp được người nhà, mãi cho đến lúc ra đi.
Ông nói rằng, hiện giờ nhà tang đã hủy bỏ nghi thức tưởng niệm. Chỉ còn tiếp nhận thi thể và hỏa táng. Đợi sau khi dịch bệnh kết thúc, người nhà sẽ đến nhận hũ tro cốt.
Thiếu thốn trang thiết bị, quần áo bảo hộ phải mặc đi mặc lại
Ông Hoàng tiết lộ rằng, mỗi lần đi tiếp nhận thi thể đều phải mặc quần áo bảo hộ, đeo găng tay, khẩu trang và kính bảo hộ. Nhưng hiện giờ vật tư khan hiếm, hàng trăm chiếc kính bơi lội được tặng bởi các công ty đã được sử dụng làm kính bảo hộ. Nhưng nguồn cung cấp vật dụng khử trùng, đặc biệt là rượu cồn, cũng như quần áo bảo hộ, găng tay và khẩu trang đều thiếu thốn trầm trọng. Bây giờ mọi người đều sử dụng găng tay nhựa dùng một lần, và đeo hai lớp găng tay cứ thế mà đi.
Ông Hoàng chia sẻ thêm rằng nguyên chúng là quần áo bảo hộ chỉ dùng một lần nhưng mọi người phải khử trùng nhiều lần và mặc đi mặc lại. “Mỗi lần sau khi chúng tôi đưa di thể trở về nhà tang lễ, chúng tôi phun dung dịch khử trùng đó khắp người, xong thì treo quần áo bảo hộ lên. Nếu có thêm di thể cần được vận chuyển, chúng tôi lại mặc lại quần áo bảo hộ này. Mỗi nhân viên công tác đều là khử trùng nhiều lần, khử trùng rồi mặc, mặc rồi  khử trùng, mặc, cứ lặp đi lặp lại như vậy”.
Ông tiết lộ rằng, rượu cồn không đủ dùng, và mọi người đã phải sử dụng một loại thuốc khử trùng tương tự như thuốc khử trùng 84 (dung dịch khử trùng). Nhưng ông thấy rằng nó không hề khởi được tác dụng khử trùng thật sự, hơn nữa thuốc đó rất có hại cho da, tay ông đã xuất hiện lở loét như bệnh mẩn ngứa vậy.
Ông Hoàng nói thêm, sau khi xuất hiện những ca chết người đầu tiên tại khu chợ hải sản Hoa Nam hồi đầu năm, nhà tang từ sớm đã có chuẩn bị và đã đặt mua một lô quần áo bảo hộ y tế, khẩu trang, gồm cả chất khử trùng 84, nhưng không ngờ số lượng dùng lại lớn đến như vậy.
Cuối cùng ông Hoàng kêu gọi, “Tôi đã xem thấy những video trên mạng, các bác sĩ thực sự đã rất vất vả, cũng rất suy sụp. Trên thực tế, nhân viên tang lễ của chúng tôi cũng rất suy sụp. Thật đấy! Tôi chỉ mong mọi người có thể lên tiếng giúp chúng tôi. Hiện giờ vật tư quá thiếu thốn, xem có nhà hảo tâm nào có thể giúp chúng tôi những người làm việc ở nhà tang lễ hay không? Còn với những khó khăn đó, chúng tôi tự biết trong tâm mình là được rồi”.
https://www.dkn.tv/the-gioi/nhan-vien-tuyen-dau-cua-nha-tang-le-vu-han-tiet-lo-noi-tinh-it-nguoi-biet-den.html

Virus corona: Hồi ký Vũ Hán của ba phóng viên AFP

Thu Hằng
Ngày 23/01/2020, Leo Ramirez, Hector Retamal và Sebastien Ricci lên chuyến máy bay cuối cùng (hoặc gần như cuối cùng) đến thành phố Vũ Hán. Phi hành đoàn và số hành khách ít ỏi trong máy bay nhìn họ với ánh mắt ái ngại : Tại sao đi vào ổ dịch, trong khi nhiều người muốn thoát khỏi đó ?
Họ đến Vũ Hán lúc 10 giờ, giờ địa phương, khi thành phố vừa được lệnh bị cách ly hoàn toàn. Ra thì khó, nhưng vẫn có cách để vào. Trong suốt 8 ngày, bộ ba của AFP là cơ quan báo chí nước ngoài duy nhất hoạt động ở thành phố hơn 11 triệu dân hoàn toàn bị cách ly.
Leo Ramirez, 32 tuổi, là điều phối viên mảng video ở Trung Quốc, không hề thiếu kinh nghiệm sau 10 năm bươn trải làm báo ở Venezuela, quê hương của anh, cũng như ở Nam Mỹ. Hector Retamal, 44 tuổi, nhiếp ảnh gia gốc Chilê, từng sống ở Haiti và từng chứng kiến dịch tả, là tác giả của nhiều bức ảnh gây ấn tượng về hòn đảo này trong những năm vừa qua. Người thứ ba, Sébastien Ricci, nhà báo Pháp 38 tuổi, sống ở Bắc Kinh từ gần 10 năm nay và từng hoạt động ở Iran, vùng của người Kurdistan, Afghanistan và Bắc Triều Tiên.
« Đây là chuyến đưa tin lớn nhất mà tôi từng làm kể từ khi tôi bắt đầu làm việc cho AFP, cách đây 10 năm », nhà báo video Leo Ramirez cho biết. Ở ngay giữa lòng trung tâm dịch virus corona, « kể lại câu chuyện này mà không được để bị nhiễm, biết rằng bạn phải tự bảo vệ, nhưng lại không biết phải làm gì, làm như thế nào ».
« Mỗi lúc, tôi đều tự hỏi liệu mình có đau họng không. Nhưng khi tôi muốn ho, tôi lại nuốt nước bọt (miếng) » vì sợ bị giữ lại. Tôi tự nhủ « miễn là mình không hắt hơi, mình không ho, rồi găng tay không bị rách… và liệu người này đã hắt hơi bắn lên áo khoác của mình chưa ? », Leo Ramirez kể lại qua điện thoại, chỉ vài giờ sau khi hạ cánh xuống miền nam nước Pháp, trên chuyến bay đầu tiên tiên hồi hương khoảng 200 kiều dân Pháp.
Sébastien Ricci, nhà báo Pháp, kể lại : « Những hành khách hiếm hoi đi cùng chuyến bay sửng sốt nhìn tôi. Chỉ có khoảng 30 người trong máy bay. Điều này làm tôi nhớ lại chuyến công tác đầu tiên ở Bắc Triều Tiên. Những nữ tiếp viên đeo khẩu trang, tất cả mọi người quan sát nhau đầy vẻ nghi ngờ. Những người Trung Quốc trong chuyến bay về đoàn tụ gia đình ». Trước ngày Tết nguyên đán, « ngày lễ quan trọng nhất ở Trung Quốc », họ chỉ thấy một thành phố ma.
Trong vòng một tuần, ngày nào ba nhà báo của AFP cũng rời khỏi khách sạn, đi bộ trên những con phố vắng lặng với hy vọng kể lại đời thường của những người dân Trung Quốc bị cắt khỏi thế giới. Họ có cách riêng « để kể câu chuyện như vô hình, câu chuyện về con virus ».
Đáng ngạc nhiên là « người dân đến nói chuyện với chúng tôi », Sébastien nhớ lại. « Chúng tôi thấy những bệnh viện chật cứng người, nhiều người phải đợi tận hai ngày để được khám, người dân căng thẳng và cảnh sát, thường thì có lẽ đã cấm chúng tôi quanh quẩn gần các bệnh viện, lúc đó thì lại quá bận ở những nơi khác ». Hector Retamal nhớ lại : « Người dân muốn dẫn tôi đi để chỉ cho tôi thấy chuyện gì xảy ra ở bên trong ».
Ngày cuối cùng, Leo Ramirez, ra khỏi khách sạn cùng với Hector Retamal, làm chuyến cuối cùng quanh thành phố, bỗng nhiên gọi gấp cho Sébastien, ở lại khách sạn để viết bài. Leo nói như ra lệnh : « Lấy xe đạp và đi đến đây, ngay bây giờ » nhưng không thêm lời giải thích nào.
Trên vỉa hè, không xa một bệnh viện lắm, một người đàn ông nằm bất động mà không ai dám lại gần. « Chúng tôi không bao giờ có thể kiểm chứng xem liệu có phải ông ấy chết vì virus corona hay không. Nhưng ở một đất nước như Trung Quốc, một người bị bỏ rơi suốt hai giờ trên vỉa hè, chỉ cách lối vào bệnh viện có khoảng 50 mét, thì thật sự phải là điều gì đó nghiêm trọng », Sébastien kể lại. Sau đó, « nhiều cảnh sát mặc trang phục bảo hộ » đến gần người đàn ông nằm bất động, vẫn đeo khẩu trang trên mặt. Cuối cùng, họ mang người đàn ông đó đi.
Sau khi chứng kiến cảnh tượng đau lòng đó, sau đó là nhìn thấy một xe cứu thương chở một người phụ nữ cao tuổi trên băng ca, Leo, Sébastien và Hector phải qua bước giờ đã trở thành thông lệ : đo nhiệt độ bắt buộc để vào khách sạn. Mỗi lần như thế « tôi đều sợ kết quả. Khi thấy nhiệt kết không vượt quá 36,5 độ C, bạn thở phào. Một lần nhiệt kế hiện lên 37,5 độ C, một lần, hai lần, ba lần, cả khách sạn đổ đến xem. Tôi rất sợ… Họ đi tìm một nhiệt kế khác, nhiệt kết thủy ngân cổ hơn. Đúng là cái nhiệt kế kia có trục trặc », Leo Ramirez nhớ lại.
Vào giữa tuần mà lẽ ra phải đông vui hội hè đó, Leo Ramirez, Sébastien Ricci và Hector Retamal cũng có được một cuộc gặp đáng nhớ đêm giao thừa. Pen Lixing và Wang Yangong, một cặp vợ chồng không gặp được con vì lệnh cách ly ở thành phố, đã mời ba nhà báo AFP đến nhà. Khi nhóm tới, họ đã chuẩn bị bàn ăn với các món ăn mời những vị khách đến từ phương xa. Sébastien kể lại : « Chúng tôi vô cùng ngạc nhiên, họ thì vui khi tiếp chúng tôi » mà không sợ bị lây virus. « Nhưng chúng tôi không thể chấp nhận rủi ro khiến họ nhiễm virus. Chúng tôi ở lại một tiếng, chúng tôi vẫn đeo khẩu trang và sau đó, họ mời chúng tôi uống trà. Chúng tôi không muốn làm họ phật lòng đâu, chúng tôi không muốn tháo khẩu trang để tránh nguy hiểm cho họ ». Sébastien cảm thấy « một cử chỉ ấm áp của con người », trong khi mọi người nghi ngờ lẫn nhau.
Sau đó, ba nhà báo của AFP đã lên máy bay A 340 đưa họ về Pháp. Trong sân bay vắng lặng, họ được cấp một vé máy bay, không có số chuyến bay và cũng chẳng có điểm đến. « Hẹn đến miền đất lạ » là điều mà Sébastien Ricci nghĩ trong đầu. Những hành khách thì đùa nhau về chuyến đi như « đi trại hè ». Với Leo Ramirez, « bản năng nhà báo bảo bạn ở lại, nhưng lý trí thì bảo phải đi ».
Cùng với toàn bộ hành khách trên chuyến bay, cả ba nhà áo hiện bị cách ly từ ngày 31/01 trong vòng 14 ngày ở Carry-le-Rouet, bên bờ Địa Trung Hải. Khi « hồi ký » của họ được đăng trên Facebook của AFP, một số người chỉ trích họ vô trách nhiệm, lao mình vào chỗ nguy hiểm. Nhưng một số khác thì lại cảm ơn để có được những thông tin hiếm hoi về bên trong Vũ Hán.
http://www.rfi.fr/vi/ch%C3%A2u-%C3%A1/20200205-hoi-ky-vu-han-nhung-ngay-virus-corona-cua-ba-phong-vien-afp


New Zealand cấm du khách từ Trung Quốc

 ‘để bảo vệ người dân’ khỏi đại dịch

Triệu Hằng
Trung Quốc huy động thêm sân vận động và nơi triển lãm làm bệnh viện điều trị nạn nhân virus corona chủng mới (ảnh chụp màn hình youtube.com/watch?v=oaeC20A1k9s).
Chính phủ New Zealand đã đặt ra các hạn chế nhập cảnh tạm thời vào nước này đối với tất cả các công dân nước ngoài đi từ hoặc đi qua Trung Quốc đại lục nhằm ngăn chặn sự lây lan của virus corona chủng mới và bảo vệ New Zealand cũng như Quần đảo Thái Bình Dương khỏi dịch bệnh, theo Nzherald ngày 2/2.
Chính phủ New Zealand đã tuyên bố quyết định này vào chiều Chủ nhật (2/2), lệnh cấm có hiệu lực từ thứ Hai và có hiệu lực trong 14 ngày và cứ sau 48 giờ thì được xem xét lại.
Lệnh cấm áp dụng với tất cả khách nước ngoài rời đi hoặc quá cảnh qua Trung Quốc đại lục sau ngày 2/2. Công dân và các cư dân thường trú tại New Zealand, cũng như gia đình của họ vẫn có thể vào New Zealand, tuy nhiên họ sẽ bị yêu cầu cách ly trong 14 ngày khi nhập cảnh.
Trong tuyên bố, Thủ tướng New Zealand Jacinda Ardern nhấn mạnh giới chức y tế nước này đã khuyến cáo rằng cần phải có biện pháp thận trọng phòng ngừa do còn “quá nhiều ẩn số về cách thức mà virus lây lan”, Nzherald trích dẫn.
https://www.dkn.tv/the-gioi/new-zealand-cam-du-khach-tu-trung-quoc-de-bao-ve-nguoi-dan-khoi-dai-dich.html

0 comments

Leave a comment

Powered by Blogger.