Tin Biển Đông – 05/02/2020
Đề phòng TQ, Indonesia
sẽ mua khinh hạm lớp Gowind của Pháp
Trong bối cảnh Trung Quốc gia tăng các hoạt động khiêu khích, xâm phạm lãnh hải và vùng đặc quyền kinh tế của Indonesia ở Natuna, khiến nước này phải đẩy nhanh tiến trình hiện đại hóa lực lượng chấp pháp và hải quân.
Theo thông tin trên, truyền thông Indonesia cho biết, nước này nhiều khả năng sẽ mua một loạt các tàu mặt nước và tàu ngầm từ phương Tây để củng cố sức mạnh cho lực lượng hải quân nước này. Theo thông tin được truyền thông Indonesia đăng tải, nước này có ý định sẽ mua 2 hộ vệ hạm lớp Gowind và 4 tàu ngầm Scorpene của Pháp thay vì đặt hàng thêm tàu ngầm từ phía Hàn Quốc.
Tàu khinh hạm lớp Gowind có chiều dài 111m, rộng 16m, lượng giãn nước 3.000 tấn, thủy thủ chỉ 71 người. Khinh hạm này trang bị động cơ CODAD với tổng công suất khoảng 60.000 mã lực cho phép chúng có thể chạy với tốc lực đối đa 53km/h, và khi chạy với vận tốc tiết kiệm nhiên liệu, tàu có thể thực hiện hành trình liên tục dài 7.000km. Gowind được trang bị hệ thống điện tử tối tân bao gồm radar mảng pha đa năng Smart-S Mk2 có thể theo dõi 500 mục tiêu ở khoảng cách xa 200km, cùng với đó là radar điều khiển hỏa lực Theinmetall TMEO Mk2 hoạt động trên băng tần I và J, radar sẽ dẫn bắn cho hệ thống vũ khí trên tàu. Đáng chú ý, hệ thống vũ khí đáng sợ bao gồm sát thủ diệt hạm – tên lửa Exocet MM40 Block III có khả năng tiêu diệt tàu chiến cỡ hàng nghìn tấn ở khoảng cách 180km, ngoài ra khinh hạm này cũng có thể trang bị tên lửa diệt hạm NSM, loại tên lửa diệt hạm hiện đại nhất thế giới hiện nay. Bên cạnh đó là pháo hạm hiện đại OTO Melara có tầm bắn 16km với tốc độ 120 phát/phút. Tàu được phòng không bằng tên lửa VL MICA, những tên lửa này có tầm bắn 20km. Về chống ngầm, tàu được trang bị hệ thống ống phóng để phóng ngư lôi ECAN, đây là một trong những ngư lôi nguy hiểm nhất hiện nay.
Trước đó, Malaysia cũng đã mua 02 khinh hạm lớp Gowind nhằm tăng cường sức mạnh cho lực lượng Hải quân nước này. Theo đó, Malaysia đã chính thức ký kết hợp đồng đặt mua 6 khinh hạm tàng hình hiện đại của Pháp trị giá hơn 3 tỷ USD, đây được coi là những tàu chiến mạnh mẽ và cũng đắt nhất khu vực Đông Nam Á. Với thiết kế hiện đại theo xu thế tàng hình hiện nay, trang bị kho vũ khí có khả năng công thủ toàn diện, cùng với hệ thống điện tử thuộc loại tối tân nhất thế giới, Gowind luôn là niềm tự hào của Hải quân Pháp và là nỗi khiếp sợ cho kẻ thù.
Trong khi đó, Hải quân Trung Quốc hiện tại được đánh giá là một trong những lực lượng hải quân lớn hàng đầu thế giới và là lực lượng có tốc độ phát triển nhanh nhất. Lực lượng này có khoảng 500 tàu chiến các loại, hơn 350.000 nhân lực và khoảng 710 máy bay. Hải quân Trung Quốc được chia làm ba hạm đội bao gồm Hạm đội Bắc Hải, Hạm đội Đông Hải và Hạm đội Nam Hải. Ngoài ra,Trung Quốc đang đầu tư lớn chưa từng thấy để phát triển lực lượng hải quân trong một thập kỷ qua, với thành tựu đáng chú ý nhất là tự đóng một tàu sân bay và biên chế nhiều tàu ngầm hạt nhân mới. Ngoài ra, Bắc Kinh cũng đang phát triển một loạt tàu mặt nước khác, đóng vai trò trụ cột hải quân nước này trong tương lai.
Trong biên chế của lực lượng hải quân Trung Quốc có một số loại vũ khí hiện đại bậc nhất như: (1) Tàu khu trục đa năng lớp Type-052D, nó rất giống lớp Arleigh Burke của Mỹ cả về hình dáng bên ngoài và nhiệm vụ. Nó được trang bị 4 cụm radar mảng pha quét điện tử Type-346A ngay dưới đài chỉ huy để thực hiện nhiệm vụ cảnh giới phòng không, phát hiện mục tiêu xung quanh biên đội tàu chiến, đặc biệt là cụm tàu sân bay chiến đấu. Đến nay, Bắc Kinh đã biên chế 5 tàu khu trục lớp Type 052D. Tàu này được trang bị 64 ống phóng tên lửa thẳng đứng (VLS). Hệ thống này chủ yếu trang bị tên lửa phòng không tầm xa HQ-9, nhưng cũng có thể lắp tên lửa hành trình tấn công mặt đất tương tự mẫu Tomahawk của Mỹ. HQ-9 là biến thể của tên lửa S-300 Nga, có tầm bắn 200 km, tốc độ tối đa 4.900 km/h và trang bị đầu đạn nổ mạnh nặng 180 kg. Ngoài ra, tàu còn được trang bị 8 tên lửa chống hạm YJ-83, pháo chính cỡ nòng 100 mm, hai hệ thống vũ khí phòng thủ cực gần (CIWS) Type-1130, 6 ngư lôi chống ngầm cùng 4 bệ phóng rocket có khả năng tấn công tàu ngầm ở khoảng cách 5 km. Tàu cũng có bãi đáp và nhà chứa cho một trực thăng cỡ trung. (2) Tàu hộ vệ hạng nhẹ Type-056. Được sản xuất ồ ạt với ít nhất 32 chiếc trong biên chế từ năm 2013, Type-056 được xếp vào nhóm tàu hộ vệ cỡ nhỏ dùng để tuần tra biển, đặc biệt tại các khu vực tranh chấp. Đây là sự kết hợp giữa vũ khí phòng vệ và khả năng chống hạm, chống ngầm uy lực. Tàu được lắp pháo chính 76 mm để chống mục tiêu mặt nước và phòng không, bên cạnh hai bệ CIWS cỡ nòng 30 mm tương tự hệ thống Phalanx của Mỹ. Type-056 được trang bị tổ hợp tên lửa FL-3000N, mỗi bệ 8 quả đạn để đánh chặn tên lửa chống hạm đối phương. Nó còn được trang bị vũ khí tấn công gồm 4 tên lửa diệt hạm YJ-83 tầm bắn 200 km. Ở pha cuối, trước khi trúng mục tiêu, tên lửa bay ở độ cao 4,5 m so với mặt biển với tốc độ siêu thanh, khiến nó rất khó bị bắn hạ. Tàu
còn được trang bị một bãi đáp và nhà chứa cho một trực thăng Z-9, cùng hai cụm ống phóng ngư lôi chống ngầm. (3) Tàu đổ bộ Type-071. Đây là xương sống của lực lượng tàu đổ bộ Trung Quốc. Nhà máy đóng tàu ở Thượng Hải đã hoàn thành ba chiếc, trong khi ba tàu Type-071 khác đã được lên kế hoạch đóng. Type-071 có thể chở một tiểu đoàn hải quân đánh bộ với quân số 500-800 lính, cùng hai khoang chứa cho 18-20 phương tiện đổ bộ bọc thép, 4 tàu đệm khí và 4 trực thăng Z-8. Vũ khí tự vệ trên tàu gồm một pháo 76 mm và 4 bệ CIWS 30 mm. Với vũ khí phòng thủ hạn chế, Type-071 đòi hỏi lực lượng tàu hộ tống hùng hậu. Nhiệm vụ chính của lớp tàu này là triển khai bộ binh ở khoảng cách xa, nơi không có sự hỗ trợ từ lực lượng mặt đất hoặc không quân. Type-071 có thể đóng vai trò soái hạm trong cụm tác chiến, cũng như tiến hành các hoạt động cứu trợ nhân đạo. (4) Tàu trinh sát điện tử Type-815. Điểm nổi bật của tàu trinh sát điện tử lớp Type-815 là cụm ba vòm hình cầu. Hai chiếc Type-815 trong biên chế hải quân Trung Quốc có nhiệm vụ theo dõi các vụ thử tên lửa trên biển. Bên trong ba vòm hình cầu là hàng loạt thiết bị cảm biến, đặc biệt là radar theo dõi và hệ thống bám bắt quang học. Tàu cũng được trang bị cần cẩu để trục vớt tên lửa đã sử dụng từ mặt biển. Các chuyên gia phương Tây cho rằng Type-815 là tàu gián điệp, có chức năng theo dõi hoạt động và thu tín hiệu tình báo điện tử của hải quân nước ngoài, sau đó truyền dữ liệu về Trung Quốc để phân tích. Vũ khí trên Type-815 rất hạn chế, chỉ gồm một pháo 37 mm vận hành thủ công, hai pháo nòng kép 25 mm và ba ngư lôi chống ngầm.
Chuyên gia Philippines: Các nước ASEAN
bắt đầu chống lại sự gây hấn của Trung Quốc
ở Biển Đông
Duy Nghĩa
Tàu Hải cảnh Trung Quốc chạy sát cạnh một tàu hải quân Indonesia trong một cuộc tuần tra tại vùng đặc quyền kinh tế của Indonesia ở phía bắc đảo Natuna hôm 11/1/2020 . (Ảnh: Antara Foto / Reuters)
Học giả Philippines Richard Heydarian nhận định Việt Nam, Malaysia và Indonesia đang thách thức các yêu sách của Bắc Kinh trên biển Đông, theo Nikkei Asian Review hôm 3/2.
Là tác giả của cuốn sách nổi tiếng “The Indo-Pacific: Trump, China and the New Struggle for Global Mastery” [Tạm dịch: “Ấn Độ-Thái Bình Dương: Tổng thống Trump, Trung Quốc và Cuộc đấu tranh mới để bá chủ toàn cầu”], ông Heydarian cho rằng trong nhiều thập kỷ, Bắc Kinh đã mưu toan thu hút và ‘dụ dỗ’ các nước láng giềng Đông Nam Á, chấp thuận với việc mở rộng hàng hải của mình, thông qua các hành động đồng bộ, bao gồm khuyến khích kinh tế, đe dọa quân sự và tấn công ‘ngoại giao quyến rũ’.
Tuy nhiên, theo ông Heydarian, hiện các nước lớn trong khu vực đã bắt đầu khẳng định quyền chủ quyền của mình với quyết tâm cao hơn trước.
“Chỉ trong 3 tháng qua, Indonesia, Malaysia và Việt Nam đã thách thức các yêu sách hàng hải mở rộng của Trung Quốc và xâm phạm bất hợp pháp vào vùng biển của họ – với những tác động đáng kể đến cán cân quyền lực địa chính trị”, ông Heydarian lưu ý.
Sau một cuộc tranh chấp kéo dài hàng tháng trời ở Bãi Tư Chính giàu tài nguyên vào năm ngoái, Việt Nam đe dọa kiện pháp lý Trung Quốc lên trọng tài quốc tế. Trong tháng 11/2019, thứ trưởng Ngoại giao Việt Nam Lê Hoài Trung cảnh báo Hà nội đang xem xét các biện pháp để bảo vệ lợi ích hợp pháp của mình, và không thừa nhận cơ sở pháp lý của các yêu sách của Bắc Kinh, đối với các vùng biển nằm trong đặc quyền kinh tế của các nước láng giềng nhỏ hơn.
Đặc biệt, Hà Nội được khích lệ bởi tiền lệ, với phán quyết của Tòa trọng tài quốc tế trong năm 2016 đối với đơn kiện của Philippines, trong đó vô hiệu hóa và bác bỏ “đường 9 đoạn” của Trung Quốc. Phán quyết này đã làm suy yếu các yêu sách của Trung Quốc ở Biển Đông, và cái mà Bắc Kinh gọi là “các quyền lịch sử”.
Trung Quốc sau đó đã phải bỏ thuật ngữ này khỏi các tuyên bố chính thức của mình, và tìm kiếm các học thuyết và tài liệu pháp lý thay thế, để hỗ trợ cho các yêu sách phi lý của mình.
Theo ông Heydarian, Việt Nam, với tư cách là chủ tịch hiện tại của ASEAN, có một vị trí thuận lợi để tiến hành một chính sách ngoại giao cứng rắn hơn, chống lại hành vi gây rối của Trung Quốc đối với các nước láng giềng nhỏ hơn.
Ông Heydarian cho rằng với “liên minh không chính thức” với Mỹ trong những năm gần đây, bao gồm hợp tác quốc phòng và viện trợ quân sự quy mô lớn, Việt Nam có thể công khai kêu gọi các cường quốc bên ngoài, hỗ trợ các nỗ lực trong khu vực, nhằm ngăn chặn sự gây hấn của Trung Quốc.
“Trên thực tế, Việt Nam đã đóng vai trò này gần như đúng một thập niên trước, khi Hà nội khích lệ thành công chính quyền Obama thách thức các mối đe dọa của Trung Quốc đối với tự do hàng hải ở Biển Đông”, ông Heydarian nhận xét.
Ngay sau các lời đe dọa kiện pháp lý của Việt Nam, Malaysia cũng đã bất ngờ thách thức pháp lý đối với Trung Quốc. Quốc gia này, vốn trong lịch sử đã duy trì mối quan hệ nồng ấm với Bắc Kinh, đã đệ trình lên Liên Hợp Quốc, một bộ hồ sơ, được chuẩn bị trong năm 2017, tuyên bố chủ quyền đối với một phần lớn hơn của thềm lục địa, bao gồm một phần biển, nằm trong yêu sách của Trung Quốc đối với Quần đảo Trường Sa, và các phần trung tâm của Biển Đông.
Việc đệ trình, có khả năng được chuẩn bị ngay sau phán quyết của Tòa trọng tài đối với đơn kiện của Philippines, đã bị hoãn lại trong khi Thủ tướng Mahathir Mohamad, người lên nắm quyền vào năm 2018 nhờ ủng hộ quan điểm chống Trung Quốc, tập trung vào việc hạn chế nợ của nước này đối với các dự án cơ sở hạ tầng của Trung Quốc, với chi phí rất lớn.
Nhưng ngay khi ông Mahathir đạt được các điều chỉnh và giảm giá lớn cho các dự án của Trung Quốc, nhà lãnh đạo phi đảng phái này đã chuyển sang thách thức sự xâm nhập của Bắc Kinh vào vùng đặc quyền kinh tế và vùng biển truyền thống của nước này. Bộ trưởng Ngoại giao Saifuddin Abdullah đã mô tả các yêu sách quá mức của Trung Quốc trong khu vực là “nực cười”.
Theo ông Heydarian, có lẽ phản ứng kịch tính và có ý nghĩa nhất là đến từ Indonesia, quốc gia lớn nhất Đông Nam Á và được cho là sẽ có vai trò dẫn đầu. Để từ bỏ “ngoại giao thì thầm” lâu đời, tránh đối đầu công khai với một đối tác kinh tế lớn, Indonesia hiện đã chính thức chất vấn tính hợp pháp của các yêu sách của Trung Quốc, và củng cố vị thế quân sự của Manila gần khu vực tranh chấp.
Indonesia đã chứng kiến sự gia tăng mạnh mẽ số lượng tàu đánh cá bán quân sự và phi pháp của Trung Quốc ở ngoài khơi quần đảo Natuna, nơi rất giàu tài nguyên và chồng lấn với đỉnh của đường 9 đoạn của Trung Quốc. Ban đầu, Indonesia áp dụng chính sách “Đánh chìm tàu” mạnh mẽ, nhắm vào hàng chục tàu Trung Quốc hoạt động bất hợp pháp tại vùng biển này.
Ông Heydarian cho rằng lập trường cứng rắn này của các nước ASEAN ở Biển Đông sẽ có 3 hậu quả như sau:
Thứ nhất, nó cho thấy sự mong manh của chính sách của Trung Quốc trong việc lôi kéo “giới tinh hoa” trong khu vực và viện trợ kinh tế của Bắc Kinh ở đó. Các nhà lãnh đạo khu vực, ngay cả những người quá thân thiện với Trung Quốc, đã phải chịu áp lực mạnh mẽ của công chúng, phải đứng lên chống lại Bắc Kinh.
Ở Việt Nam, chủ nghĩa dân tộc vốn có từ lâu, chống lại sự xâm lược của Trung Quốc, đã trở nên phổ biến do các các tranh chấp ngày càng gia tăng ở Biển Đông. Trong khi đó, tại các nước Hồi giáo như Indonesia và Malaysia, quan điểm chống Trung Quốc đã trở nên trầm trọng thêm bởi cuộc đàn áp của Bắc Kinh đối với người Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương.
Theo ông Heydarian, “áp lực chống Trung Quốc từ dưới lên, đối với các nhà lãnh đạo khu vực, sẽ chỉ tăng lên nếu Bắc Kinh tiếp tục cách cư xử hiện nay của họ”.
Thứ hai, nó báo hiệu sự đối kháng ngày càng tăng của ASEAN đối với bất kỳ hiệp ước nào, nếu nó làm suy yếu lợi ích chiến lược và quyền chủ quyền của các nước láng giềng. Điều này là thích hợp khi xem xét các cuộc đàm phán về Bộ quy tắc ứng xử Trung Quốc-ASEAN ở Biển Đông, dự kiến sẽ được ký kết vào năm 2021.
Cuối cùng, ông Heydarian cho rằng người ta có thể sẽ thấy sự hợp tác quốc phòng sâu sắc hơn, mặc dù ‘bí mật’, giữa các quốc gia ASEAN cốt lõi với các cường quốc bên ngoài quan trọng như Mỹ, Nhật Bản và Ấn Độ.
Mỹ và các cường quốc có cùng chí hướng đã tăng cường các cuộc tập trận hải quân chung, chia sẻ thông tin tình báo và viện trợ quốc phòng cho các quốc gia trong khu vực như Việt Nam và Indonesia, vốn đang nhanh chóng phát triển khả năng an ninh hàng hải của riêng họ. Dưới sự lãnh đạo của của Thủ tướng Mahathir, ASEAN sẽ khẳng định tính trung tâm và tự chủ khỏi ảnh hưởng của Trung Quốc.
“Trung Quốc đang nhận ra rằng họ không thể đơn giản mua sự im lặng và sự phục tùng của các nước láng giềng thông qua các khoản đầu tư kinh tế. Chủ nghĩa bành trướng hàng hải không suy giảm của họ, đã gia tăng sự đối kháng, đẩy [các nước ASEAN] vào vòng tay của các cường quốc bên ngoài, những nước muốn kiềm chế bản năng tồi tệ nhất của Bắc Kinh”, ông Heydarian kết luận.
Mỹ lập kỷ lục tuần tra ở Biển Đông năm 2019
Thu Hằng
Số lần tuần tra ở Biển Đông của Hải Quân Mỹ không ngừng tăng hàng năm. Tuy nhiên, năm 2019, tầu chiến của Mỹ đã 7 lần tuần tra bên trong khu vực 12 hải lý của các đảo nhân tạo bị Trung Quốc chiếm đóng ở Biển Đông. Đây là kỉ lục mới so với những năm trước, theo nhận định của báo Hồng Kông South China Morning Poste ngày 05/02/2020.
Theo dữ liệu được Hạm Đội 7 Hoa Kỳ công bố, những chuyến tuần tra vì tự do lưu thông hàng hải (FONOP) được tiến hành kể từ khi Trung Quốc bắt đầu bồi đắp, củng cố và quân sự hóa các đảo và đá mà nước này chiếm đóng ở Biển Đông.
Hải Quân Mỹ đã tiến hành 5 đợt tuần tra trong khuôn khổ FONOP năm 2018, 6 chuyến vào năm 2017, năm đầu tiên nhiệm kỳ tổng thống Trump. Trước đó, dưới thời tổng thống Barack Obama, Hải Quân Mỹ tiến hành 3 chuyến năm 2016, chỉ có 2 chuyến năm 2015 và không có chuyến nào vào năm 2014.
Ngày 25/01, Hải Quân Mỹ đã tiến hành chuyến tuần tra đầu tiên của năm 2020, chỉ cách đá Chữ Thập vài km, nhằm « khẳng định các quyền và quyền tự do lưu thông hàng hải ở quần đảo Trường Sa, phù hợp với luật pháp quốc tế », theo phát ngôn viên Hạm Đội 7 Hoa Kỳ.
Hạm Đội 7 Hoa Kỳ công bố những dữ liệu trên sau khi South China Morning Post yêu cầu được cung cấp thông tin. Đây là lời xác nhận chính thức đầu tiên của Mỹ về quy mô các chuyến tuần tra vì tự do lưu thông hàng hải ở Biển Đông trong vòng 5 năm qua.
0 comments