Hải Ngoại Ngày Nay


LIÊN KẾT HẢI NGOẠI YỂM TRỢ QUỐC NỘI ĐẤU TRANH

GIẢI THỂ CHẾ ĐỘ ĐỘC TÀI VIỆT CỘNG

GIẢi TRỪ HIỂM HỌA XÂM LĂNG TRUNG CỘNG

Tin khắp nơi – 03/02/2020

Monday, February 3, 2020 3:39:00 PM // ,

Tin khắp nơi – 03/02/2020

Hoa Kỳ tin rằng thủ lĩnh Al Qaeda ở Yemen

có khả năng đã bị tiêu diệt trong cuộc không kích

Hôm thứ Sáu (31/01/2020) Các viên chức Hoa Kỳ cho rằng thủ lĩnh của một nhánh Al Qaeda tại Yemen có khả năng đã bị tiêu diệt trong cuộc không kích của Hoa Kỳ hồi đầu tháng này. Qassim al-Rimi được cho là đã chết trong cuộc không kích nhưng vẫn chưa được xác nhận.
Mạng lưới có trụ sở tại Yemen của Rimi được coi là nhánh nguy hiểm nhất của nhóm khủng bố toàn cầu kể từ khi thành lập năm 2009. CIA đã biết về vị trí của al-Rimi từ một người cung cấp thông tin ở Yemen vào tháng 11/2019, và bắt đầu theo dõi ông ta thông qua giám sát trên không và các phương tiện khác.
Rimi, 41 tuổi, trở thành thủ lĩnh của nhánh Al Qaeda viết tắt là AQAP khi Nasir al-Wuhayshi bị giết trong một cuộc không kích bằng phi cơ không người lái năm 2015. Trước đây ông ta được đào tạo ở Afghanistan trước khi trở về Yemen, nơi ông bị bị kết án 5 năm tù vì âm mưu giết một đại sứ Hoa Kỳ. Ông ta đã trốn tù và thăng chức trong nhóm. Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đã treo giải thưởng trị giá 10 triệu Mỹ kim cho al-Rimi, người có liên kết với nhiều âm mưu chống lại Hoa Kỳ.
CIA tin rằng ông ta đã tham gia vào cuộc tấn công tòa đại sứ Mỹ ở Sana năm 2008, giết chết 10 lính canh và bốn thường dân. Ông ta cũng bị nghi ngờ có liên kết với Umar Farouk Abdulmutallab, người được gọi là “kẻ đánh bom đồ lót” và cố gắng đáp chuyến bay của hãng hàng không Northwest Airlines với chất nổ vào ngày Giáng sinh năm 2009. (BBT)
https://www.sbtn.tv/hoa-ky-tin-rang-thu-linh-al-qaeda-o-yemen-co-kha-nang-da-bi-tieu-diet-trong-cuoc-khong-kich/

Mỹ xác nhận 11 trường hợp nhiễm virus corona

Triệu Hằng
Reuters hôm nay (3/1) dẫn tin từ các quan chức y tế California cho biết họ đã xác nhận 11 trường hợp nhiễm chủng virus corona mới ở Hoa Kỳ tính đến Chủ nhật ngày 2/1, với một trường hợp ở hạt Santa Clara và hai trường hợp khác ở hạt San Benito.
Ở hạt Santa Clara, một phụ nữ và gia đình cô đang bị cách ly, hiện cô đang ở một mình tại nhà riêng. Các quan chức y tế của hạt Santa Clara nói trong một cuộc họp báo rằng, người phụ nữ chưa tới mức phải nhập viện.
Người phụ nữ này gần đây đã du lịch tới Vũ Hán (Trung Quốc) và là trường hợp thứ hai ở Santa Clara nhiễm bệnh.
Cơ quan Y tế Cộng đồng hạt San Benito công bố tin về 2 trường hợp khác là một cặp vợ chồng ở hạt này, trong một bản tin phát hành vào cuối ngày Chủ nhật.
Người chồng gần đây đã đi du lịch đến Vũ Hán và dường như đã truyền bệnh cho vợ mình. Cơ quan Y tế Công đồng hạt San Benito cho rằng những người này không phải nhập viện.
Hạt Santa Clara cách 40 dặm (64 km) về phía đông nam của San Francisco, trong khi hạt San Benito nằm khoảng 80 dặm về phía tây Fresno.
https://www.dkn.tv/the-gioi/my-xac-nhan-11-truong-hop-nhiem-virus-corona.html

Chuyên gia Mỹ phản đối chính sách

của các nghị sĩ dân chủ B. Sanders và A.O. Cortez

Duy Nghĩa
Ông Justin Haskins, thành viên nghiên cứu tại Viện Heartland nhận định trên Fox News hôm 2/2, cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa mà nghị sỹ B. Sanders và A.O. Cortez theo đuổi sẽ phá hủy nước Mỹ.
Ông Haskins cho hay ứng cử viên tổng thống của đảng Dân chủ, Thượng nghị sĩ Bernie Sanders (bang Vermont), người đã gặp mặt cử tri [Dân chủ] hôm 27/1/2020 trong cuộc họp kín ở bang Iowa – và hạ nghị sĩ Alexandria Ocasio-Cortez (AOC), bang New York, đã lớn tiếng tự hào gọi mình là những người xã hội chủ nghĩa.
“Họ muốn khởi xướng một cuộc Cách mạng Mỹ lần thứ hai, được điều hành bởi một bộ máy quan liêu của chính phủ khổng lồ, được hỗ trợ bởi các khoản tăng thuế lớn, và một số lượng lớn các quy định mới của luật pháp”, ông Haskins nhận xét.
Theo ông Haskins: “Ông Sanders và bà Ocasio-Cortez muốn các bạn tin rằng họ sẽ biến nước Mỹ thành một thiên đường không tưởng, nơi nghèo đói sẽ biến mất, mọi người đều có thể nhận được ‘những thứ miễn phí’, bao gồm bằng đại học và chăm sóc sức khỏe; thay đổi khí hậu sẽ tạm thời dừng lại, và các lợi ích khác. Họ tuyên bố những người Mỹ duy nhất chịu thiệt hại sẽ là những người siêu giàu – những nhà tư bản tham lam, sẽ phải ‘móc hầu bao’ hàng nghìn tỷ đô la mỗi năm để trả tiền cho tất cả những cần thiết cho những người còn lại chúng ta”.
Theo ông Haskins, thượng nghị sĩ Sanders và một số ứng cử viên Dân chủ cực tả khác, muốn các cử tri Mỹ tin rằng hiện đại đa số người Mỹ đang đau khổ và đang trong hoàn cảnh tồi tệ vì ‘chủ nghĩa tư bản bóc lột, xấu xa’.
Ông Haskins cho rằng “tuyên bố đó là sự lừa lọc theo bất kỳ thước đo khách quan nào. Thất nghiệp đang gần hoặc ở mức thấp kỷ lục đối với tất cả các loại người Mỹ, bao gồm người Mỹ gốc Phi, gốc Tây Ban Nha, phụ nữ và người Mỹ gốc Á. Mỹ đang trải qua thời kỳ tăng trưởng kinh tế dài nhất trong nhiều thập kỷ. Và chúng ta tận hưởng một mức sống vốn là sự thèm muốn đối với hàng tỷ người đang vật lộn trên khắp thế giới, để có được”.
Ông Haskins lưu ý “cách đây không lâu, việc gọi một ứng cử viên chính trị ở Mỹ là xã hội chủ nghĩa hay cộng sản là điều tồi tệ nhất bạn có thể nói về họ. Tuy nhiên, ngày nay, học thuyết Mác-xít tai hại lại đang thịnh hành và phổ biến với hàng triệu người Mỹ, đặc biệt là những người trẻ tuổi”.
Theo ông Haskins, mặc dù chỉ ở [Hạ viện] ở Washington được một năm sau khi từ bỏ công việc phục vụ ở quầy rượu, hệ tư tưởng của bà Ocasio-Cortez đã gây ra thiệt hại đáng kể. Ví dụ, việc đấu tranh của bà Ocasio-Cortez để ngăn chặn Amazon xây dựng một trụ sở thứ hai tại quận mà bà đại diện tại New York, đã khiến thành phố này mất tới 40.000 việc làm, với mức lương trung bình hàng năm là 150.000 đô la Mỹ.
Hân hoan trước chiến thắng của mình, bà Ocasio-Cortez khoe rằng bà ấy và các đồng minh của mình, đã “đánh bại sự tham lam và bóc lột lao động của công ty Amazon”.
“Theo định nghĩa này, mọi người có việc làm đều bị bóc lột để mang lại lợi ích cho công ty, và tất cả chúng ta sẽ tốt hơn khi thất nghiệp và sống nhờ chính phủ”, ông Haskins bình luận.
“Nếu thế kỷ 20 đã dạy chúng ta bất cứ điều gì, thì đó là các chính sách xã hội và cộng sản – bất kể những người ủng hộ họ có thiện chí như thế nào – không giảm được nghèo đói, và trên thực tế, thường làm cho vấn đề trở nên tồi tệ hơn nhiều”.
“Nhưng đừng lấy những lời nói của tôi. Hãy hỏi một trong số hàng triệu người đã chạy trốn khỏi Venezuela trong một thập niên qua, nơi mọi thứ trở nên tồi tệ đến mức mọi người phải ăn cả động vật trong vườn thú để sinh tồn, và buộc phải chịu đựng sự thiếu hụt hàng hóa cần thiết hàng ngày như giấy vệ sinh; Hoặc hãy xem xét hàng chục triệu người bị chết đói hoặc bị cầm tù bởi chính quyền xã hội chủ nghĩa và cộng sản ở Liên Xô và Trung Quốc”, ông Haskins nhấn mạnh.
Theo ông Haskins, đúng là Trung Quốc đã trải qua sự tăng trưởng kinh tế đáng kể trong những năm gần đây, nhưng chỉ sau khi từ bỏ chủ nghĩa cộng sản giáo điều và áp dụng một số yếu tố thị trường tự do trong nền kinh tế, giải phóng hàng trăm triệu người khỏi đói nghèo.
Trung Quốc vẫn còn nhiều việc phải làm trước khi có thể được coi là một cái gì đó, gần với một xã hội thực sự tự do và thịnh vượng, nhưng không thể phủ nhận rằng họ đã đạt được nhiều tiến bộ trong những năm gần đây vì quyết định của họ rời khỏi một số nguyên lý của chủ nghĩa Mác.
Tuy nhiên, ông Haskins cho rằng nói như vậy không có nghĩa là hệ thống kinh tế hiện tại của Mỹ là tốt như mong muốn.
Giống như mọi quốc gia khác, Mỹ vẫn còn quá nhiều người đau khổ trong các cộng đồng nghèo khó, nhiều người trong số đó đã bị hủy hoại bởi tội phạm, lạm dụng ma túy, rượu và nhiều vấn đề xã hội khác.
Thật hấp dẫn khi nói cách tốt nhất để giải quyết nghèo đói là tước đoạt tiền của tầng lớp giàu có và trung lưu, để xây dựng một chương trình lớn khác của chính phủ, chiến lược này đã được chứng minh là một thất bại lớn trên toàn thế giới và ở Mỹ, đặc biệt trong nửa thế kỷ qua.
“Trên thực tế, việc dựa vào chủ nghĩa tư bản với thị trường tự do, thu hẹp chính phủ, giảm bớt các quy định và cắt giảm thuế, sẽ đạt được nhiều hơn nhiều, để giúp người dân thoát khỏi đói nghèo và đạt được Giấc mơ Mỹ, hơn là chủ nghĩa xã hội có thể làm được”, ông Haskins kết luận.
https://www.dkn.tv/the-gioi/chuyen-gia-my-phan-doi-chinh-sach-cua-cac-nghi-si-dan-chu-b-sanders-va-a-o-cortez.html

Báo Mỹ: Những sai lầm từ đầu

của chính quyền Trung Quốc

khiến dịch virus Vũ Hán lan rộng

Quý Khải
Việc chính quyền Trung Quốc tìm cách che giấu tình hình thay vì sớm cảnh báo cho công chúng trong giai đoạn đi lại đông đúc dịp sát Tết là nguyên nhân khiến dịch bệnh lây lan mạnh như hiện nay, theo bình luận của tờ Washington Post.
Đó là vào thời điểm sát Tết nguyên đán và ông Pan Chuntao có thể cảm nhận được rõ bầu không khí lễ hội đang đến gần. Ông có nghe một vài báo cáo về một loại virus xuất hiện trong thành phố Vũ Hán, nhưng giới chức địa phương ra sức trấn an bởi chưa có bằng chứng cho thấy virus lây từ người sang người. Họ cũng không thông báo về trường hợp nhiễm mới trong nhiều ngày.
Ngày 16/1, người đàn ông 76 tuổi rời căn hộ hai phòng ngủ của mình để tham dự hội chợ do chính quyền tổ chức.
“Chúng tôi đã khuyên ông đừng đi bởi nghe một số tin đồn trên WeChat về việc các bác sĩ cũng bị nhiễm virus”, con rể của ông Pan, Zhang Siqiang, kể lại. “Nhưng ông ấy khăng khăng đòi đi. Ông còn nói “Chính phủ đã nói không vấn đề gì, không còn trường hợp nhiễm nữa””.
Ông Pan và con gái của ông giờ đây có thể nằm trong số hơn 14.000 người bị nhiễm chủng virus corona mới đã làm ít nhất 304 người tử vong ở Trung Quốc. Virus cũng lan sang hơn 20 quốc gia, làm gián đoạn nền kinh tế toàn cầu và đẩy 55 triệu người ở tỉnh Hồ Bắc của Trung Quốc vào tình trạng bị phong tỏa chưa từng thấy.
Bệnh viện Chữ Thập Đỏ Vũ Hán hôm 25/1, 5 ngày sau khi Trung Quốc thừa nhận chủng virus corona mới có thể lây từ người sang người (ảnh chụp màn hình/Khmerload).
Ông Pan cũng chỉ là một trong số hàng triệu người dân Trung Quốc phải vật lộn với cuộc sống thường nhật trong khoảng thời gian chủ chốt của dịch bệnh, từ trung tuần tháng 12/2019 tới trung tuần tháng 1/2020.
Đó là khoảng thời gian mà giới chức Trung Quốc bắt đầu nhận ra mối đe dọa dịch bệnh mới ở Vũ Hán nhưng lại không công bố thông tin cho người dân – ngay cả khi họ biết là sắp đến Tết nguyên đán, thời điểm mà hàng trăm triệu người Trung Quốc trở về quê ăn Tết trong dịp “Xuân Vận”.
Kết quả phân tích về những tuần đầu tiên – từ các tuyên bố chính thức, những dữ liệu bị rò rỉ của các chuyên gia y tế Trung Quốc, dữ liệu khoa học mới được công bố và các cuộc phỏng vấn với các quan chức y tế công cộng và các chuyên gia về bệnh truyền nhiễm – đã cho thấy nhiều bước đi sai lầm bởi giới chức y tế nước này.
Phân tích cũng cho thấy rõ rằng thói quan liêu vốn đặt sự bình ổn chính trị lên trên hết đã để cho virus lây lan xa hơn và nhanh hơn như thế nào.
“Rõ ràng là một hệ thống y tế công cộng mạnh hơn đã có thể giúp Trung Quốc tiết kiệm tiền bạc cũng như giữ được tính mạng của nhiều người”, Tom Frieden, cựu giám đốc Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC), nói với tờ Washington Post.
Các chuyên gia y tế từng cố gắng dấy hồi chuông cảnh báo về dịch bệnh đã bị cảnh sát bắt giữ. Truyền thông nhà nước không đề cập đến dịch bệnh trong nhiều tuần. Tất cả chỉ để duy trì sự ổn định, trong khi thực tế là một cuộc khủng hoảng đang trở nên tồi tệ.
Hệ thống y tế công của Trung Quốc đã được hiện đại hóa, nhưng hệ thống chính trị thì không”, Jude Blanchette, chuyên gia nghiên cứu về Trung Quốc tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) ở Washington, nhận định.
Ca bệnh đầu tiên
Vào khoảng trung tuần tháng 12, nhiều bệnh nhân ở Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc bắt đầu xuất hiện các triệu chứng giống bệnh cảm cúm như: Sốt cao, ho, khó thở.
Các triệu chứng gần giống như bệnh viêm phổi do virus. Nhưng các bác sĩ ở thành phố Vũ Hán, một trung tâm giao thông và công nghiệp gồm 11 triệu dân nằm ở trung tâm Trung Quốc, không thể xác định chính xác nguyên nhân gây bệnh. Tin đồn về loại virus “bí ẩn” bắt đầu phát tán rộng trên mạng xã hội Trung Quốc, đặc biệt là trong cộng đồng y tế.
Giờ đây, rõ ràng là các quan chức Trung Quốc đã sớm biết có gì đó không ổn.
Hôm thứ Năm tuần trước (30/1), một bài viết được nhiều trang tin của Trung Quốc đăng tải dẫn lời một kỹ thuật viên giấu tên, người tuyên bố từng làm việc tại một phòng thí nghiệm có hợp đồng với nhiều bệnh viện, tiết lộ rằng công ty của ông đã nhận được nhiều mẫu bệnh phẩm từ Vũ Hán, sau đó đưa ra kết luận gây bàng hoàng ngay trong sáng ngày 26/12/2019: Các mẫu này chứa một chủng virus corona mới, giống virus SARS (hội chứng suy hô hấp cấp nặng) đến 87%.
Một ngày sau đó, các lãnh đạo phòng thí nghiệm đã tổ chức họp khẩn để báo cáo cho các quan chức y tế Vũ Hán và quản lý bệnh viện, vị kỹ thuật viên kể lại.
Báo cáo của kỹ thuật viên nọ bao gồm cả 6 bức ảnh chụp kết quả thí nghiệm, tuy nhiên chưa thể xác định một cách độc lập.
Điểm đáng chú ý là, các nhà khoa học bên ngoài Trung Quốc sau đó xác nhận trình tự bộ gene của chủng virus mới có sự tương đồng đáng kinh ngạc với virus gây bệnh SARS.
Đến chiều tối ngày 30/12, những báo cáo về chủng virus mới bắt đầu được công bố.
Vào lúc 17h43, Li Wenliang, bác sĩ nhãn khoa tại Bệnh viện Trung ương Vũ Hán, đã nói với các bạn học cũ tại trường y trong một phòng chat riêng riêng rằng 7 người đã nhiễm virus mà ông tin là SARS, và một trong số đó đã bị cách ly tại bệnh viện của ông.
Ông Li còn đăng tải một đoạn phân tích RNA cho thấy thấy “virus corona SARS” và vi khuẩn khu trú khắp trên đường thở của bệnh nhân, theo nội dung một cuộc trò chuyện mà sau đó đã được ông và các thành viên khác trong nhóm chia sẻ trên mạng.
Tối hôm đó, cơ quan y tế công cộng Vũ Hán đã có hành động.
Ủy ban y tế thành phố này đã gửi “thông báo khẩn” tới tất cả các bệnh viện về sự tồn tại của “một chủng bệnh viêm phổi không rõ nguyên nhân” – nhưng hoàn toàn không đề cập đến SARS hoặc virus corona – và chỉ đạo mọi bộ phận lập tức thống kê các trường hợp đã nhiễm bệnh và báo cáo lên trên.
27 ca nhiễm
Báo cáo chính thức đầu tiên về dịch bệnh “bí ẩn” ở Vũ Hán xuất hiện vào ngày 30/12, khi giới chức Trung Quốc xác nhận họ đang điều tra 27 trường hợp viêm phổi do virus.
Giới chức y tế Vũ Hán cho rằng dịch bệnh có liên quan đến chợ bán buôn hải sản Hoa Nam, điểm đến của những người tìm mua mọi loại động vật sống tại Vũ Hán, và họ nhanh chóng đóng cửa nơi này.
Giới chức Trung Quốc bắt đầu tìm kiếm những người có triệu chứng nhiễm bệnh lạ, nhưng chỉ tập trung vào những người bị viêm phổi và có mối liên hệ với chợ hải sản Hoa Nam. Họ không hề tìm kiếm những người mắc các bệnh hô hấp khác.
Chỉ mãi sau đó các nhà khoa học và giới chức Trung Quốc mới nghi ngờ rằng rất nhiều người có thể đã bị lây nhiễm. Song các bệnh nhân mà họ phát hiện ra chỉ bị sốt nhẹ và được bệnh viện trả về sau khi khám y tế qua loa, khiến chủng virus corona mới tiếp tục lan rộng, theo các chuyên gia.
Theo nghiên cứu được công bố trên Tạp chí Y học New England, các nhà khoa học Trung Quốc sau đó xác nhận rằng “những biểu hiện nhẹ của bệnh” xuất hiện ở các bệnh nhân là một thách thức đối với việc kiểm soát dịch bệnh.
Ngày 31/12/2019, Trung Quốc đã thông báo cho văn phòng Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại nước này về các trường hợp viêm phổi bí ẩn ở Vũ Hán. Giới chức WHO đã gửi cho Bắc Kinh một danh sách các câu hỏi về dịch bệnh và đề nghị hỗ trợ.
Và trong khi các nhà khoa học và chuyên gia y tế công ra sức để thu thập thêm thông tin về dịch bệnh, các cơ quan an ninh Trung Quốc lại ra sức ém nhẹm.
Trên hãng thông tấn nhà nước Tân Hoa Xã, cảnh sát đã đưa ra cảnh báo:
“Cảnh sát kêu gọi tất cả cư dân mạng không phao tin đồn, không phát tán tin đồn, không tin vào tin đồn”, chính quyền Vũ Hán nói, thêm rằng họ khuyến khích cư dân mạng “chung tay xây dựng một không gian mạng tươi sáng, hòa hợp”.
Ngày 1/1/2020, Cục Công an Vũ Hán đã triệu tập 8 người vì đăng tải và phát tán “tin đồn” về việc các bệnh viện ở thành phố này tiếp nhận các ca bệnh giống như SARS. Thông tin về các vụ bắt giữ được hãng tin Xinwen Lianbo đăng tải.
Tất cả 8 người bị giam giữ ngày hôm đó đều là các bác sĩ, bao gồm Li Wenliang, bác sĩ nhãn khoa ở Vũ Hán nói trên.
Wang Guangbao, bác sĩ phẫu thuật và là cây viết khoa học nổi tiếng ở miền Đông Trung Quốc, sau đó nói rằng chủng virus giống SARS trở thành đề tài thảo luận sôi nổi trong giới y khoa từ ngày 1/1, nhưng chính những vụ bắt giữ kể trên đã khiến nhiều người, trong đó có cả ông, không dám công khai bàn luận về nó.
“8 người đăng tải bị bắt giữ, điều đó khiến cho tất cả bác sĩ chúng tôi cảm thấy rất áp lực”, ông Wang nói.
59 ca lây nhiễm
Dưới sự theo dõi của thế giới, các nhà khoa học Trung Quốc chạy đua giải mã chủng virus mới. Ngày 9/1, khi 59 trường hợp nhiễm được ghi nhận, Trung Quốc tuyên bố rằng họ đã tách và thu được mẫu gien của chủng virus corona mới, đồng thời xác nhận những “tin đồn” trước đây rằng chủng virus mới có liên hệ với SARS và Hội chứng hô hấp Trung Đông (MERS) là sự thật.
Họ đăng tải thông tin trên kho lưu trữ dữ liệu gene cho phép công chúng truy cập, để các nhà khoa học có thể nhanh chóng phát triển các xét nghiệm chẩn đoán và xác nhận sự lây nhiễm ở người.
Công việc của các nhà khoa học Trung Quốc lúc đó được giới khoa học và chuyên gia y tế toàn cầu hoan nghênh – nhưng nhiều thông tin vẫn chưa rõ ràng.
Các nhà dịch tễ học cần biết chi tiết về thời điểm người ta mắc bệnh, các triệu chứng của họ và các đặc điểm nhân khẩu học khác, chẳng hạn như tuổi tác, giới tính và các bệnh lý nền khiến họ gia tăng nguy cơ mắc các bệnh về phổi cao hơn so với người khác.
Nắm được những thông tin này là cách tốt nhất để giới chuyên gia đưa ra những đánh giá về bệnh nhân trong giai đoạn đầu, để xác định tốc độ lây lan của virus và tỷ lệ gây tử vong của nó cao đến đâu.
“Chúng tôi cần biết rõ từng trường hợp vào thời điểm họ bắt đầu bị bệnh, để chúng tôi có thể xác định thời điểm mà bệnh dịch bắt đầu xảy ra”, Jennifer Nuzzo, nhà dịch tễ học và học giả cao cấp tại Trung tâm An ninh Y tế thuộc Đại học Johns Hopkins (Mỹ), nói.
Thế nhưng phải tới vài tuần sau đó, những thông tin quan trọng về những người nhiễm bệnh và thời điểm họ nhiễm bệnh mới được chuyển tới các nhà khoa học.
Nghiên cứu trên Tạp chí Y học New England, công bố hôm 29/1, về 425 bệnh nhân đầu tiên ở Vũ Hán bị bệnh từ ngày 10/12 đến ngày 4/1 cho thấy sự chậm trễ kéo dài trong việc đưa bệnh nhân nhập viện.
Những trường hợp được điều trị muộn thế này cho thấy các nhà nghiên cứu ở Trung Quốc gặp khó khăn trong việc phát hiện và cách ly sớm những người nhiễm bệnh, theo nhận định của các nhà nghiên cứu tại Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Trung Quốc.
Trường hợp lây từ người sang người xảy ra sớm nhất là vào giữa tháng 12 và số ca bệnh đã tăng gấp đôi theo cấp số nhân cứ sau 7 ngày.
Thế nhưng ở Vũ Hán, giới chức thành phố lại tập trung vào một hội nghị của Đảng Cộng sản Trung Quốc, kéo dài từ ngày 11/1 đến 17/1. Trong khoảng thời gian đó, Ủy ban Y tế Vũ Hán mỗi ngày đều tuyên bố không có ca nhiễm mới hay tử vong?!
Nhưng đùng một cái vào lúc 0h10 ngày 18/1, Ủy ban Y tế Vũ Hán lại công bố 4 trường hợp nhiễm mới, tuy nhiên vẫn hạ thấp rủi ro lây nhiễm từ người sang người.
Thậm chí ngay cả khi các ca bệnh đầu tiên được ghi nhận ở Thái Lan và Hàn Quốc, giới chức Vũ Hán vẫn tổ chức nhiều hội chợ mua sắm trong kỳ nghỉ, giống như hội chợ mà ông Pan Chuntao đã đến. Họ cũng tổ chức một sự kiện ẩm thực cộng đồng ở trung tâm thành phố với sự tham dự của hơn 40.000 gia đình. Họ phân phát hàng trăm nghìn tấm vé vào cổng các điểm tham quan ở địa phương.
“Mọi chuyện đều là để không ghi nhận các ca nhiễm mới, không cho công chúng biết”, GS Dali Yang, học giả nổi tiếng về hệ thống quản trị Trung Quốc tại Đại học Chicago (Mỹ), bình luận.
Thiếu đi những cảnh báo rõ ràng của chính phủ, người dân Trung Quốc tự do đi lại và du lịch – cả ở trong lẫn ngoài lãnh thổ Trung Quốc.
Ông Yang Jun – một doanh nhân sáng giá trong ngành công nghiệp quang điện – đã tham dự một cuộc họp ở Vũ Hán vào ngày 6/1 và trở về nhà một tuần sau đó trên chuyến tàu đến Bắc Kinh có đi qua Thượng Hải.
Một ngày trước khi phải nhập viện, ông Yang còn tham dự một sự kiện ở trường học cùng con gái mình và ngồi chung trong một giảng đường với sự góp mặt của hàng trăm bậc phụ huynh khác – theo một tuyên bố của ngôi trường ở Bắc Kinh, trong đó đề nghị cách ly tất cả các bậc phụ huynh từng tham gia sự kiện trên.
Ông Yang đã qua đời vào tuần trước.
221 ca nhiễm bệnh
Ngày 20/1, trong lúc hơn 400 triệu người dân Trung Quốc chuẩn bị trở về quê đón Tết nguyên đán, bầu không khí bắt đầu thay đổi.
Lần đầu tiên vào buổi sáng hôm đó, giới chức y tế Vũ Hán đã thay đổi cách diễn đạt trong các tuyên bố hàng ngày của họ, không đề cập đến việc “lây từ người sang người một cách hạn chế” như trước đây.
Cùng trong ngày đó, bác sĩ chuyên khoa phổi nổi tiếng Zhong Nanshan, 83 tuổi, người từng tham gia khống chế dịch SARS và được coi là anh hùng dân tộc, xuất hiện trên truyền thông nhà nước để tuyên bố rằng virus corona chủng mới có thể thực sự lây từ người sang người.
Chính quyền Bắc Kinh cuối cùng cũng tiết lộ thêm về tình hình dịch bệnh.
Trong suốt nhiều tuần liền, tờ báo chính thức của Đảng Cộng sản Trung Quốc, Nhân dân Nhật báo (People’s Daily), chỉ tập trung đăng tải thông tin về chương trình nghị sự của Chủ tịch Tập Cận Bình trong năm 2020. Nhưng lần đầu tiên trong ngày 21/1, tờ báo này đề cập tới dịch bệnh Vũ Hán cùng các chỉ thị mà ông Tập đưa ra để ngăn chặn dịch bệnh trên trang 2. Bài viết cũng chỉ ra 224 ca bệnh trên toàn quốc và bệnh đã lan sang Thái Lan, Nhật Bản và Hàn Quốc.
Chính phủ dường như đã nhận ra cuộc khủng hoảng đang cận kề. Trong vài ngày, toàn bộ Vũ Hán và một số thành phố lân cận – khu vực có tổng dân số hơn 50 triệu người – bị phong tỏa trong nỗ lực chưa từng có để khống chế sự lây lan.
Giới chức khởi công xây dựng ít nhất 3 bệnh viện dã chiến tại Vũ Hán. Xe buýt liên tỉnh trên toàn quốc bị cấm hoạt động. Nhiều thành phố kéo dài kỳ nghỉ Tết, lùi lại học kỳ mùa xuân và khuyến khích cư dân không trở lại làm việc ngay. Các bệnh viện trên cả nước đã cử các đội y tế tình nguyện vào khu vực cách ly để hỗ trợ.
4.500 ca lây nhiễm
Trong lúc con số trường hợp nhiễm đã lên tới 4.500, giới chức Vũ Hán và nhiều thành phố khác mới bắt đầu công khai nhận lỗi – và cả đổ lỗi.
Trong cuộc phỏng vấn trên truyền thông nhà nước hôm 27/1, Thị trưởng Vũ Hán Chu Tiên Vượng nói ông không được cấp trên cho phép tiết lộ về dịch bệnh sớm hơn. Ngày 31/1, bí thư đảng ủy Vũ Hán thừa nhận trách nhiệm là đã ra lệnh hạn chế di chuyển quá chậm trễ.
“Nếu xã hội lúc đó tin vào những ‘tin đồn’ đó và đeo khẩu trang, sử dụng chất khử trùng và tránh đi đến chợ bán động vật hoang dã như thể đang có dịch SARS, có lẽ chúng ta sẽ có thể kiểm soát tốt hơn virus corona hôm nay”, tòa án tối cao Vũ Hán nói.
Ông Li Wenliang, bác sĩ nhãn khoa bị giam giữ, đã được cảnh sát Vũ Hán thả ra vào ngày 3/1 sau khi ký một văn bản thừa nhận ông đã thực hiện “các hành vi bất hợp pháp”. Ông đã trở lại làm việc nhưng chính ông cũng bị nhiễm virus corona.
Hiện tại, ông đang được chăm sóc đặc biệt ngay tại nơi làm việc của mình, Bệnh viện Trung ương Vũ Hán.
12.000 trường hợp lây nhiễm và vẫn tiếp tục gia tăng
Bên trong khu cách ly, các bệnh viện đã công khai kêu gọi trên mạng xã hội nhờ quyên góp các trang thiết bị cơ bản như khẩu trang và đồ bảo hộ. Rất nhiều người dân Vũ Hán cho biết có sự thiếu hụt nghiêm trọng dụng cụ xét nghiệm, làm tăng khả năng số lượng ca bệnh thực sự lớn hơn nhiều so với số liệu được các quan chức Trung Quốc công bố.
Sau khi các bệnh viện ở thành phố tràn ngập người đến yêu cầu xét nghiệm virus corona, chính quyền địa phương tuần này tuyên bố các bệnh viện sẽ chỉ kiểm tra những người có triệu chứng nghiêm trọng và được giới thiệu từ các bệnh viện nhỏ hơn.
Các bệnh nhân nhiễm virus corona giờ bị nhồi nhét trong các phòng bệnh viện chật cứng, nhiều giường bệnh bị chuyển ra hành lang do hết phòng. Một số bệnh nhân tử vong ngay trong khu vực chờ đợi; ông Chen Qiushi, một vlogger nổi tiếng của Trung Quốc, người đã tới và quay phim tư liệu về các bệnh viện ở Vũ Hán, nói.
Thi thể tại hành lang bệnh viện Vũ Hán:
Ông Pan Chuntao trở về nhà từ hội chợ mua sắm Vũ Hán và phát sốt 6 ngày sau đó. Con gái của ông, Pan Xia, bị ốm vào ngày hôm sau và cơn ho của chị ngày càng trầm trọng hơn, theo người con rể Zhang Siqiang, người từng khuyên vợ của mình không nên đi ra ngoài vào ngày 16/1, kể lại.
Trong tuần trước, Zhang đã cách ly cha vợ và vợ của mình ở 2 phòng ngủ khác nhau, trong khi anh và mẹ vợ phải ngủ tại phòng khách. Họ chuyển thức ăn vào cho hai người bệnh ba lần một ngày.
Sau rất nhiều lần liều mình bước ra ngoài các con phố vắng người để xếp hàng tại Bệnh viện Số 7 của Vũ Hán, anh Zhang cuối cùng đã nhận được một bộ xét nghiệm virus corona vào ngày 1/2.
“Tôi có thể quả quyết rằng những thông tin sai lệch từ đầu của chính quyền đã gây ra tình cảnh của chúng tôi hôm nay. Việc đó không chỉ gây tổn hại cho gia đình tôi, mà còn cho nhiều người khác nữa”, anh Zhang nói.
https://www.dkn.tv/the-gioi/bao-my-nhung-sai-lam-tu-dau-cua-chinh-quyen-trung-quoc-khien-dich-virus-vu-han-lan-rong.html

Cộng đồng quốc tế liên tục

lập các đơn vị chức năng đề phòng, đối phó với TQ

Bắc Kinh trỗi dậy là một xu thế tất yếu không thể ngăn chặn. Tuy nhiên, việc nước này phát triển không hòa bình, đang đe dọa nghiêm trọng đến lợi ích, an ninh và chủ quyền của nhiều nước trên thế giới. Để ngăn chặn và đề phòng Trung Quốc, nhiều nước đã lập các đơn vị chuyên trách đối phó với mối đe dọa từ Bắc Kinh.
Ngay từ những ngày đầu năm 2020, diễn biến tình hình khu vực và thế giới có nhiều biến động khó lường, tác động trực tiếp đối với hòa bình, ổn định và lợi ích, an ninh nhiều nước. Những diễn biến trên đều có liên quan trực tiếp hoặc gián tiếp đối với quá trình trỗi dậy và phát triển của Trung Quốc. Do đó, các nước trong khu vực đang tích cực triển khai các kế hoạch hành động nhằm đối phó với Bắc Kinh.
Đầu tiên, Nhật Bản có bước chuẩn bị sẵn sàng đối phó với Trung Quốc. Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe (20/1) cho biết nước này sẽ thành lập đơn vị phòng thủ không gian để tự vệ trước các đối thủ đang phát triển nhiều loại tên lửa và các công nghệ khác. Đơn vị không gian sẽ đóng tại căn cứ không quân hiện nay ở Fuchu, vùng ngoại ô phía tây của Tokyo, nơi khoảng 20 người sẽ bắt đầu làm việc trước khi được hoàn thiện bộ máy vào năm 2022. Vai trò của đơn vị không gian là tiến hành hoạt động điều hướng và trao đổi thông tin dựa vào vệ tinh để phục vụ lực lượng ở hiện trường. Đơn vị này sẽ phối hợp với lực lượng tương ứng của Mỹ do Tổng thống Donald Trump lập ra gần đây. Theo đó, đơn vị sứ mệnh không gian sẽ bắt đầu hoạt động từ tháng 4 tới và sẽ trực thuộc Lực lượng phòng không Nhật Bản. Theo Thủ tướng Abe, Nhật Bản phải tự vệ trước các mối đe dọa từ không gian và sự can thiệp điện từ nhắm vào các vệ tinh Nhật Bản, nhất là trong bối cảnh Trung Quốc đang tìm cách can thiệp, vô hiệu hóa hoặc phá hủy vệ tinh.
Trước đó, Nhật Bản cũng tuyên bố sẽ thiết lập lực lượng cảnh sát đặc nhiệm được trang bị súng tiểu liên và trực thăng để làm nhiệm vụ tuần tra các đảo tranh chấp ở biển Hoa Đông. Cơ quan Cảnh sát Quốc gia Nhật Bản (2/9/2019) cho biết, hoạt động triển khai lực lượng mới ở quần đảo Senkaku có thể sẽ được bắt đầu vào đầu năm 2020. Theo đó, Nhật Bản sẽ đầu tư một khoản ngân sách cho thêm một lực lượng gồm 159 sĩ quan cảnh sát để lực lượng này ngăn chặn các “vụ đổ bộ bất hợp pháp của các nhóm vũ trang đến những hòn đảo xa xôi”. Giới truyền thông nhận định, việc Nhật Bản thành lập một lực lượng mới sẵn sàng đối đầu với Trung Quốc ở quần đảo tranh chấp chắc chắn sẽ khiến tình hình leo thang. Bắc Kinh đương nhiên không tránh khỏi cảm giác lo ngại trước nước cờ cứng rắn này của Tokyo. Được biết, dưới thời Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe, Nhật Bản luôn thể hiện một thái độ cứng rắn, quyết liệt và không lùi bước trước Trung Quốc trong cuộc tranh chấp ở quần đảo Senkaku/Điếu Ngư. Ông Abe nhiều lần tuyên bố sẽ củng cố sức mạnh của quân đội Nhật Bản để sẵn sàng đối đầu với một Trung Quốc ngày càng hiếu chiến hơn ở biển Hoa Đông. Chính quyền của ông Abe ngoài việc cấp tập tăng cường sức mạnh quân sự cho Nhật Bản còn nới lỏng hiến pháp hòa bình nhằm tạo điều kiện cho quân đội Nhật Bản có phạm vi hoạt động rộng hơn, tự do hơn. Ngoài ra, Tokyo cũng tăng cường các cuộc tập trận huấn luyện quân đội đồng thời mở rộng các mối quan hệ liên minh, hợp tác quân sự với các nước láng giềng xung quanh cũng như với các nước lớn.
Thứ hai, Australia lo đối phó với gián điệp từ Bắc Kinh. Bộ trưởng Giáo dục Australia Dan Tehan (28/8/2019) cho biết, các trường đại học của Australia sẽ được phép làm việc với cơ quan an ninh mạng nước này để ngăn chặn các vụ tấn công tin tặc và gây ảnh hưởng từ nước ngoài, một động thái được cho là nhắm vào Trung Quốc. Nhiệm vụ hàng đầu của lực lượng này là xây dựng lại hệ thống kiểm soát không gian mạng, bảo vệ sở hữu trí tuệ, bảo vệ những nghiên cứu nhạy cảm, đồng thời ngăn chặn ảnh hưởng và thiệt hại có thể xảy ra đối với các trường đại học của Australia trong tương lai. Họ phải đảm bảo các trường đại học, đặc biệt là những trường lớn chuyên nghiên cứu các kỹ thuật có thể áp dụng trong lĩnh vực quân sự lẫn dân sự, sẽ được an toàn trước các vụ tấn công mạng. Ngoài ra, ông Tehan cho biết, một động cơ khác khi thành lập lực lượng này là để đảm bảo sự hợp tác giữa ngành giáo dục Australia và các tổ chức của nước ngoài sẽ luôn “minh bạch”, tránh gây tổn hại cho lợi ích quốc gia. Lãnh đạo các trường đại học sẽ được họp với cơ quan an ninh mạng quốc gia Australia, được hướng dẫn cách thức làm thế nào đảm bảo an toàn khi hợp tác với các tổ chức nước ngoài. Được biết, việc Australia thành lập lực lượng đặc nhiệm bảo vệ an ninh mạng diễn ra chỉ 2 tháng sau khi Trường đại học Quốc gia Australia (ANU) bị tấn công mạng quy mô lớn, làm thất thoát nhiều dữ liệu được lưu giữ trong 19 năm qua và cả các thông tin như tài khoản ngân hàng, hộ chiếu của các sinh viên theo học. Trước đó, báo cáo của Cục Điều tra liên bang Mỹ (FBI) tiết lộ 26 trường đại học của Australia đã trở thành mục tiêu trong một chiến dịch tấn công mạng, đánh cắp thông tin với quy mô toàn cầu.
Thứ ba, Indonesia tăng cường năng lực quốc phòng, lập căn cứ mới đối phó với Trung Quốc. Chính phủ Indonesia đang có kế hoạch xây dựng 3 căn cứ quân sự mới ở phía Đông và Bắc nước này, trong đó có một căn cứ ở tỉnh Riau để theo dõi các diễn biến ở Biển Đông và đối phó với hành động phi pháp của Trung Quốc trong vùng biển Natuna. Chính quyền tỉnh Riau, bao gồm quần đảo Natuna nằm ở phía Nam Biển Đông, đã dành một khu đất rộng 40 ha để xây dựng căn cứ và công trình. Dự kiến, Indonesia sẽ bắt đầu triển khai kế hoạch trên vào đầu năm 2020; đồng thời cho biết căn cứ này sẽ giúp quân đội Indonesia tăng cường hiện diện ở khu vực. Giới truyền thông Indonesia nhận định đó là một trong những động thái mới của Indonesia nhằm tăng cường hiện diện và bảo vệ Natuna sau khi giới chức nước này nhiều lần ngăn chặn tàu cá Trung Quốc đánh bắt trái phép ở khu vực gần Biển Đông. Trong năm ngoái, Indonesia mở một căn cứ quân sự trên đảo Natuna Besar thuộc Natuna, với hơn 1.000 quân nhân đóng trú và một nhà chứa cho đội máy bay không người lái. Trước đó, Tổng thống Joko Widodo (5/10/2019) cho biết sau khi khánh thành căn cứ quân sự tại quần đảo Natuna trên Biển Đông, 4 căn cứ khác sẽ được thiết lập tại Biak, Merauke, Morotai và Saumlaki nhằm nâng cao khả năng sẵn sàng chiến đấu và sự phối hợp giữ 3 quân chủng hải, lục và không quân tại các khu vực biên giới trên biển. Ông Joko Widodo cho biết Indonesia đang nỗ lực nâng cao khả năng phối hợp giữa các lực lượng lục quân, hải quân và không quân, nhằm giải quyết các mối đe dọa an ninh quốc phòng, trong đó có chủ nghĩa khủng bố; nhấn mạnh quân đội Indonesia đang chuyển đổi thành một hệ thống tích hợp hơn, thay vì 3 lực lượng riêng rẽ trước đây; đồng thời cho biết TNI (7/2019) đã thành lập Bộ chỉ huy tác chiến hỗn hợp, quy tụ các lực lượng lục quân, hải quân và không quân. Đáng chú ý, ông Widodo cũng cam kết tăng phúc lợi cho các binh sỹ và tăng ngân sách quốc phòng từ từ 121 nghìn tỷ rupiah (8,6 tỷ USD) trong năm 2019 lên 131 nghìn tỷ rupiah (hơn 9,3 tỷ USD) trong năm 2020.
Thứ tư, Ấn Độ – Sri Lanka hợp tác quân sự đối phó Trung Quốc. Tổng thống Sri Lanka Gotabaya Rajapaksa vừa đón tiếp cố vấn an ninh quốc gia Ấn Độ Ajit Doval sang thăm. Hai ông thảo luận chuyện thành lập một trung tâm điều phối hàng hải cho phép quốc gia khác tham gia với tư cách quan sát viên. Họ còn bàn về tăng cường hợp tác quân sự lẫn tuần duyên nhằm ngăn chặn và đề phòng các hoạt động khiêu khích của Trung Quốc. Được biết, lên nắm quyền từ tháng 11/2019, Tổng thống Gotabaya Rajapaksa kêu gọi Ấn Độ cùng phương Tây tăng đầu tư nhằm tạo đối trọng với Trung Quốc. Thủ tướng Narendra Modi ngay sau đó lập tức cung cấp khoản viện trợ 450 triệu USD cho nước láng giềng.
Thứ năm, Ấn Độ hợp tác Indonesia đối phó với Trung Quốc. Trong chuyến thăm Indonesia, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi (5/2018) cho biết Ấn sẽ cùng Indonesia là đối tác xây một quân cảng mới ở Indonesia, tuyên bố kế hoạch trên nhằm hạn chế Trung Quốc trỗi dậy cả về kinh tế lẫn quân sự. Đến ngày 24/01/2019, lo ngại trước việc Trung Quốc gia tăng hiện diện quân sự tại Ấn Độ Dương, New Delhi cho biết sẽ mở thêm một căn cứ Không quân thứ ba trên quần đảo Andaman và Nicobar. Đây là quần đảo có vị trí chiến lược quan trọng, án ngữ lối vào phía Tây của eo biển Malacca, con đường hàng hải huyết mạch của thế giới, nối liền Ấn Độ Dương với Biển Đông. Căn cứ không quân mới của Ấn Độ mang tên INS Kohassa, được bố trí tại một địa điểm cách Port Blair, thủ phủ của quần đảo khoảng 300 cây số về phía Bắc. Theo người phát ngôn của Hải quân Ấn Độ, ông D. K. Sharma, cơ sở Không quân mới sẽ có một đường băng dài 1.000 mét cho trực thăng và máy bay trinh sát, nhưng có thể sẽ được trang bị thêm một đường băng dài 3.000 mét, đủ để tiếp nhận các máy bay trinh sát tầm xa và chiến đấu cơ. Theo nhiều chuyên gia và giới chức quân sự Ấn Độ, mục tiêu của New Delhi khi lập thêm một căn cứ Không quân mới tại quần đảo Andaman và Nicobar là để tăng cường giám sát tàu chiến và tàu ngầm của Trung Quốc đi vào khu vực Ấn Độ Dương, qua ngả eo biển Malacca. Được biết, hàng năm có
khoảng 120.000 tàu thuyền qua lại Ấn Độ Dương, trong đó gần 70.000 chiếc đi qua Malacca. Cựu sĩ quan hải quân Anil Jai Singh lưu ý là Trung Quốc đang có xu hướng mở rộng ảnh hưởng tại khu vực này, và để có thể theo dõi được thực sự các hoạt động của Hải quân Trung Quốc, cần có đủ phương tiện. Theo ông, cùng với Không quân, Ấn Độ phải triển khai thêm nhiều tàu chiến tại căn cứ quân sự nói trên. New Delhi lo ngại Bắc Kinh sử dụng một số cảng biển mà họ xây dựng tại Sri Lanka và Pakistan, làm các căn cứ tiền tiêu của Trung Quốc ở Ấn Độ Dương. Tăng cường lực lượng tại quần đảo Andaman và Nicobar để đối phó với Trung Quốc là chủ trương của thủ tướng Narendra Modi khi lên nắm quyền vào năm 2014.
http://biendong.net/bien-dong/32748-cong-dong-quoc-te-lien-tuc-lap-cac-don-vi-chuc-nang-de-phong-doi-pho-voi-tq.html

Virus corona :

Cuộc chạy đua với thời gian để bào chế vac-xin

Đức Tâm
Chỉ một tháng sau khi Trung Quốc báo động về virus corona mới (2019-nCoV), các phòng thí nghiệm, nghiên cứu, cơ quan y tế của nhiều nước trên thế giới đã lao vào cuộc chạy đua với thời gian để bào chế vac-xin.
Ngày 31/01/2020, cơ quan nghiên cứu dịch tễ nổi tiếng thế giới, Viện Pasteur Pháp, thẩm định sẽ bào chế được vac-xin trong 20 tháng nữa, trong khi đó, Trung Quốc hay Viện Dị ứng và Bệnh truyền nhiễm quốc gia Mỹ (NIAID) cho biết sẽ có được vac-xin ứng viên để thử nghiệm trên người trong 3 tháng tới. Thậm chí, ngày 30/01, công ty dược phẩm Mỹ Inovio, hợp tác với tập đoàn Trung Quốc Beijing Advaccine Biotechnology, thông báo đã tiến hành thử nghiệm tiền lâm sàng.
Tuy nhiên, bên cạnh những tuyên bố mang tính tuyên truyền, việc bào chế ra được một vac-xin hữu hiệu và sau đó tiến hành sản xuất hàng loạt, khá phức tạp và đòi hỏi nhiều thời gian, nhiều tháng trời.
Sau đây là một vài câu hỏi mà website ici.radio-canada.ca đặt ra với giới chuyên gia :
1- Phải chăng đã có vac-xin hiện đang được sản xuất hàng loạt ?
Không. Nhưng các công việc đã được bắt đầu để đạt được mục tiêu này. Theo giải thích của bác sĩ Raymond Tellier, chuyên gia vi sinh thuộc Trung tâm Y Tế đại học McGill, Canada, thoạt tiên, khi tìm cách sản xuất một loại vac-xin kháng một loại virus cụ thể, người ta không nhất thiết phải biết trước cách thức hoặc phương pháp bào chế để có thể đạt được kết quả tốt. Hiện nay, các chuyên gia đang nghiên cứu nhiều hướng, đặc biệt là dựa vào những kinh nghiệm mà họ đã có được trong đợt dịch viêm phổi cấp tính SRAS năm 2003.
2- Ai sản xuất vac-xin ?
Chính phủ (thông qua các định chế công) tài trợ cho các phòng thí nghiệm công và tư tiến hành nghiên cứu. Các công ty dược phẩm cũng đầu tư vào việc bào chế vac-xin. Một phòng thí nghiệm của đại học Saskatchevawn (phía tây Canada), trước đây đã bào chế thành công các loại vac-xin kháng được các virus corona liên quan đến gia súc được chăn nuôi. Hiện nay, phòng thí nghiệm này đang cố bào chế một loại vac-xin mới và đã được phép của Cơ quan Y tế Công Canada để tiến hành các thử nghiệm.
3- Có sự phối hợp trên thế giới trong việc bào chế vac-xin hay không ?
Theo bác sĩ Tellier, không hề có một tổ chức quốc tế nào có thẩm quyền để phối hợp các hoạt động bào chế vac-xin của các nước, các tập đoàn dược phẩm…
4- Cần bao nhiều thời gian để bào chế được một vac-xin ?
Tối thiểu nhiều tháng, thậm chí một năm hoặc hơn. Sau khi tiến hành thử nghiệm trên súc vật và người, phải đợi có giấy phép và lúc đó mới có thể sản xuất hàng loạt. Bác sĩ Tellier nhấn mạnh : Đương nhiên, nếu phải đối mặt với đại dịch, người ta có thể rút ngắn các giai đoạn. Nhưng như vậy, thì nguy cơ hiệu ứng phụ của vac-xin sẽ cao.
5- Việc sản xuất vac-xin thường phải trải qua những giai đoạn nào ?
Chuyên gia Pierre Talbot, thuộc Trung tâm nghiên cứu khoa học quốc gia (INRS), giải thích : Trước tiên, người ta thử nghiệm vac-xin ứng viên trên súc vật. Sau đó là các thử nghiệm lâm sàng trên người. Nếu một vac-xin được đánh giá là an toàn, tạo ra khả năng miễn dịch và bảo vệ, theo đúng như tiêu chuẩn đã đề ra thì sản phẩm này sẽ được phép sản xuất hàng loạt để tiêm phòng chủng cho người dân. Cụ thể, giai đoạn 1 nhằm đánh giá mức độ độc hại. Giai đoạn hai đánh giá hiệu quả. Trong giai đoạn cuối, vac-xin được thử nghiệm trên diện rộng, có nghĩa là tiêm thử cho hàng trăm thậm chí hàng ngàn bệnh nhân.
Giai đoạn cuối này cho phép các chuyên gia hiểu được hơn hiệu quả và những lợi thế của thuốc, cũng như các phản ứng tiêu cực mà thuốc có thể gây ra.
6- Liệu virus corona có thể biến mất trước khi người ta làm ra được vac-xin ?
Chuyên gia Talbot khẳng định : Hoàn toàn có thể. Virus SRAS đã biến mất sau 8 tháng. Do virus corona mới rất giống virus SRAS, thậm chí còn kém tai ác hơn, tôi nghĩ là trong vài tuần hoặc lâu nhất là trong vài tháng nữa, dịch bệnh virus corona mới có thể được ngăn chặn do các biện pháp được triển khai tại Trung Quốc và tại các nước có người bị lây nhiễm.
http://www.rfi.fr/vi/qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF/20200203-virus-corona-cu%E1%BB%99c-ch%E1%BA%A1y-%C4%91ua-v%E1%BB%9Bi-th%E1%BB%9Di-gian-%C4%91%E1%BB%83-b%C3%A0o-ch%E1%BA%BF-vac-xin

WHO: Không cần cấm du lịch rộng rãi

vì virus từ Trung Quốc

Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus hôm 3/2 nói rằng không cần phải có các biện pháp can thiệp “gây xáo trộn không cần thiết về du lịch quốc tế và thương mại” trong khi nỗ lực ngăn chặn sự lây lan của virus corona, hiện tại đã giết chết 361 người tại Trung Quốc, theo Reuters.
“Chúng tôi kêu gọi tất cả các quốc gia đưa ra quyết định dựa trên bằng chứng và nhất quán”, ông Tedros nói với ban điều hành của WHO, nhắc lại thông điệp từ tuần trước, khi ông tuyên bố tình trạng khẩn cấp quốc tế.
Trung Quốc đang đối mặt với sự cô lập quốc tế ngày càng tăng do những hạn chế về chuyến bay đến/đi từ nước này, và lệnh cấm nhập cảnh đối với du khách đến từ Trung Quốc.
Ông Tendros cho biết đã có 17.238 ca nhiễm được xác nhận ở Trung Quốc, trong đó có 361 trường hợp tử vong; 151 ca nhiễm tại 23 quốc gia và 1 trường hợp tử vong được ghi nhận từ Philippines vào ngày 2/2.
“Nếu không có chiến lược này và không có Trung Quốc, số lượng các ca nhiễm bên ngoài Trung Quốc sẽ cao hơn rất nhiều”, ông nói thêm.
Nhắc đến sự lây lan của virus ở nước ngoài, ông Tendros cho rằng mức độ hiện nay là “tối thiểu và chậm”, trong khi cảnh báo rằng nó có thể trở nên tồi tệ hơn.
Ông Tedros đã có cuộc hội đàm tại Bắc Kinh một tuần trước với Chủ tịch Tập Cận Bình và các nhà lãnh đạo khác của Trung Quốc.
Trong khi đó, đại biểu của Trung Quốc đã “chiếm diễn đàn” Ban điều hành của WHO và tố cáo các biện pháp của một số quốc gia như từ chối không cho những người mang hộ chiếu được cấp ở tỉnh Hồ Bắc – trung tâm của dịch bệnh tại Trung Quốc – được nhập cảnh, bác thị thực và hủy các chuyến bay.
“Tất cả các biện pháp này đều chống lại khuyến nghị của WHO một cách nghiêm trọng”, Đại sứ Trung Quốc, Lý Tùng, về giải trừ quân bị tại Liên Hiệp Quốc ở Geneva, nói.
Đại diện thường trực của Trung Quốc trong Ban điều hành đã không thể tham dự cuộc họp sau khi chuyến bay của bà từ Bắc Kinh bị hủy bỏ, theo lời các nhà ngoại giao Trung Quốc nói với phóng viên hôm thứ Sáu.
Đại sứ Hoa Kỳ Andrew Bremberg nói rằng cần phải tập trung chú ý đến dịch bệnh đã lan ra hơn hai chục quốc gia.
“Chúng tôi bày tỏ sự ủng hộ, cầu nguyện, cảm thông và đánh giá cao người dân Trung Quốc và đặc biệt là những người phụ trách ứng phó về y tế ở tuyến đầu, những người đang bảo vệ không chỉ đối với cộng đồng của họ mà cho cả thế giới”, ông Bremberg nói.
“Chúng tôi đang tìm hiểu thêm về virus mỗi ngày và thực hiện các biện pháp y tế công cộng phù hợp, tuân thủ các khuyến nghị của WHO, để giảm thiểu sự lây lan dựa trên bằng chứng tốt nhất hiện có. Hoa Kỳ cam kết hợp tác với tất cả các đối tác để giải quyết nạn dịch này”, Reuters dẫn lời ông Bremberg nói thêm.
https://www.voatiengviet.com/a/who-kh%C3%B4ng-c%E1%BA%A7n-c%E1%BA%A5m-du-l%E1%BB%8Bch-r%E1%BB%99ng-r%C3%A3i-v%C3%AC-virus-t%E1%BB%AB-trung-qu%E1%BB%91c/5271618.html

Nỗi lo về dịch virus corona kích hoạt

thái độ chống Trung Quốc trên toàn thế giới

Băng Thanh
Thái độ chống Bắc Kinh vốn đang âm ỉ khi chính quyền Trung Quốc muốn gây ảnh hưởng trên toàn cầu, tạo ra tranh chấp thương mại, chính trị và ngoại giao với nhiều quốc gia. AP đưa tin, khi loại virus mới đáng sợ từ Trung Quốc lan rộng ra khắp thế giới, thì sự phẫn nộ đối với quốc gia này cũng tăng lên theo.
Nhà hàng ở Hàn Quốc, Nhật Bản, Hồng Kông đã từ chối chấp nhận khách đến từ Trung Quốc. Người Indonesia diễu hành gần một khách sạn và kêu gọi khách Trung Quốc ở đó rời đi. Báo chí ở Pháp và Úc đối mặt với những lời chỉ trích về các dòng tít mang xu hướng phân biệt chủng tộc.
Hai chục quốc gia bên ngoài Trung Quốc đã báo cáo các trường hợp nhiễm virus corona mới. Nhiều quốc gia đã gửi máy bay đến thành phố Vũ Hán của Trung Quốc để sơ tán công dân của họ.
Hàn Quốc
Một nhà hàng hải sản nổi tiếng ở Seoul thường xuyên được khách du lịch Trung Quốc lui tới đã đăng một tấm biển ghi rằng “không có chỗ cho người Trung Quốc”, trước khi gỡ nó xuống vào ngày 29/1 sau khi bị phản ứng dữ dội trên mạng.
Hơn 650.000 người Hàn Quốc đã ký một bản kiến ​​nghị trực tuyến đệ trình lên Nhà Xanh của tổng thống, kêu gọi lệnh cấm tạm thời đối với du khách Trung Quốc. Một số nhà lập pháp đối lập bảo thủ công khai ủng hộ kiến nghị này, và khoảng 30 người tập hợp gần Nhà Xanh hôm 29/1 yêu cầu chính phủ cấm khách du lịch Trung Quốc ngay lập tức.
Hiện tượng bài ngoại “chống lại người Trung Quốc đang tăng cường vô điều kiện” ở Hàn Quốc, tờ JoongAng Ilbo của Hàn Quốc cho biết trong một bài xã luận hôm 30/1.
“Bệnh truyền nhiễm là một vấn đề của khoa học, không phải là vấn đề có thể được giải quyết thông qua việc biểu thị bằng cảm xúc”, bài báo cho biết.
Hoa Kỳ
Sau khi tin tức nổ ra rằng ai đó đang theo học tại Đại học bang Arizona nhiễm virus, cô sinh viên Ari Deng, người Mỹ gốc Hoa, chia sẻ với AP rằng các sinh viên khác bắt đầu thì thầm.
“Họ đã thực sự căng thẳng và họ nhanh chóng thu thập đồ đạc của họ và rời đi cùng một lúc”, cô cho biết.
Deng cho biết, trong một buổi học kinh doanh gần đây, một sinh viên không phải người châu Á nói rằng “Không phân biệt chủng tộc, nhưng có rất nhiều sinh viên quốc tế sống trong khu chung cư của tôi. Tôi cố gắng hết sức để giữ khoảng cách, và tôi nghĩ đó là một biện pháp phòng ngừa tốt cho tất cả chúng ta ngoài việc rửa tay”.
“Nó đau nhói nhưng tôi không cho phép nó chiếm chỗ trong tâm trí tôi hoặc đè nặng lên tâm của tôi”, cô chia sẻ.
Trong khi đó, trung tâm dịch vụ y tế của Đại học California, Berkeley, trong một bài đăng trên Instagram hôm 30/1 cho biết: “nỗi sợ hãi về việc tiếp xúc với những người có thể đến từ châu Á và cảm thấy tội lỗi về những cảm xúc này” là một phản ứng bình thường đối với sự bùng phát của virus corona. Bài đăng này đã bị xóa.
“Cho dù chúng ta dành bao nhiêu thời gian ở đất nước này, đôi khi chúng ta gần như ngay lập tức được xem là người nước ngoài”, Gregg Orton, Giám đốc quốc tế của Hội đồng quốc gia về người Mỹ gốc Á Thái Bình Dương cho biết. “Nó là một thực tế khá khó chịu đối với nhiều người trong chúng ta”.
Hồng Kông
Virus đã làm sâu sắc thêm tình cảm chống Trung Quốc ở Hồng Kông, nơi nhiều tháng xảy ra các cuộc biểu tình trên đường phố chống lại ảnh hưởng của Bắc Kinh.
Trước đó, Trưởng đặc khu Hồng Kông, bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga đã đình chỉ phà và dịch vụ tàu cao tốc đến Trung Quốc đại lục và giảm các chuyến bay giữa Hồng Kông với các thành phố của Trung Quốc.
Tenno Ramen, một nhà hàng mì Nhật ở Hồng Kông, đã từ chối phục vụ khách đến từ Trung Quốc đại lục.
“Chúng tôi muốn sống lâu hơn. Chúng tôi muốn bảo vệ khách hàng địa phương. Xin thứ lỗi”, nhà hàng viết trên Facebook.
Châu Âu
Pháp có một cộng đồng châu Á đáng kể và đang phát triển, và du khách Trung Quốc được cho là trụ cột của ngành du lịch Pháp. Nhưng theo AP, một tờ báo ở miền bắc nước Pháp trên trang nhất, giật dòng tít “đề phòng da vàng”, và sau đó đã phải xin lỗi khi bị chỉ trích.
“Nó là virus có nguồn gốc từ một khu vực ở Trung Quốc. Nó có thể đến từ Bắc Phi, Châu Âu hoặc bất cứ nơi nào. Mọi người không nên nghĩ rằng chỉ vì chúng tôi là người châu Á chúng tôi có nhiều khả năng lây lan virus”, Soc Lam, cố vấn pháp lý cho các nhóm cộng đồng Trung Quốc ở Paris nói với AP.
Jyllands-Posten, một tờ báo của Đan Mạch, đã xuất bản một bộ phim hoạt hình thay thế các ngôi sao màu vàng trong quốc kỳ Trung Quốc bằng hình ảnh của virus. Đại sứ quán Trung Quốc tại Copenhagen nói rằng phim hoạt hình là “một sự xúc phạm đến Trung Quốc” và yêu cầu tờ báo xin lỗi.
Tạp chí Der Spiegel của Đức đã đăng một bài báo với dòng tít “sản xuất tại Trung Quốc” cùng với bức ảnh của một cá nhân trong đồ bảo hộ.
ANSA, hãng tin của Ý cho biết, vào ngày 31/1, một quán cà phê gần đài phun nước Trevi ở Rome, một địa điểm du lịch nổi tiếng, đã đăng một thông báo cho biết “Tất cả những người đến từ Trung Quốc đều không được phép tới nơi này”. Tuy nhiên, khi các nhà báo AP đến đó để kiểm tra, thông báo đã không còn.
Úc, New Zealand
Tại Úc, một đơn yêu cầu trực tuyến với hơn 51.000 chữ ký nhằm yêu cầu hai tờ báo phải xin lỗi vì các bài báo của họ, với tờ Herald Sun giật dòng tít “Virus pandamonium Trung Quốc” (cách viết lái của từ “pandemonium” có nghĩa “đại dịch”, nhưng mỉa mai từ “panda” tức loài gấu trúc biểu tượng của Trung Quốc); và tờ The Daily Telegraph trong bài báo “Trẻ em Trung Quốc ở nhà”.
Kiwi Dollice Chua, người Singapore, sống ở New Zealand được 21 năm, nói với tờ New Zealand Herald rằng khi cô đến một trung tâm mua sắm ở Auckland vào tuần trước để mua thiệp cưới, một người phụ nữ đã nhìn cô một cách khinh bỉ và nói với cô: “Những người châu Á là những người mang virus này”.
Nhật Bản
Nhiều người Nhật đã lên mạng xã hội để kêu gọi lệnh cấm du lịch đối với du khách Trung Quốc. Một người viết trên Twitter rằng “xin vui lòng cấm khách du lịch Trung Quốc ngay lập tức”, trong khi một người khác viết “tôi rất lo lắng vì con tôi có thể bị nhiễm virus”.
Một cửa hàng kẹo ở thị trấn Hakone, thị trấn suối nước nóng ở phía tây Tokyo, đã đăng một ghi chú cho biết “Người Trung Quốc bị cấm vào cửa hàng”. Vào ngày 29/1, Menya Hareruya, một chuỗi cửa hàng mì ramen nổi tiếng ở Sapporo, Nhật Bản đã đăng một tấm biển ghi rằng “không có chỗ cho khách du lịch Trung Quốc”.
Zhang Jiaqi, một sinh viên Trung Quốc ở Tokyo, cho biết anh đã không phải đối mặt với bất kỳ phản ứng khó chịu nào từ các bạn cùng lớp và bạn bè Nhật Bản, nhưng “tôi nhận thấy rằng một số người đã quay lại hoặc nhìn tôi với vẻ mặt giận dữ khi tôi nói chuyện với bạn bè bằng tiếng Trung Quốc”.
Đông Nam Á
Cuối tuần trước, hàng trăm cư dân tại thành phố du lịch Bukit Tinggi của Indonesia đã diễu hành đến khách sạn Novotel, nơi có khoảng 170 khách du lịch Trung Quốc đang ở, để phản đối việc họ tới Indonesia. Họ chặn đường gần khách sạn để ngăn người Trung Quốc đến. Sau đó, chính quyền địa phương quyết định đưa du khách trở lại Trung Quốc trong ngày.
Hơn 400.000 người Malaysia đã ký một bản kiến ​​nghị trực tuyến kêu gọi lệnh cấm du khách Trung Quốc và kêu gọi chính phủ “cứu gia đình và con cái chúng tôi”.
Abner Afuang, một cựu sĩ quan cảnh sát và thị trưởng, cho biết ông đã đốt một lá cờ Trung Quốc vào ngày 31/1 trước Câu lạc bộ báo chí Quốc gia ở Manila để phản đối những vấn đề mà Trung Quốc đã mang đến Philippines và các nước Đông Nam Á khác, bao gồm dịch virus corona và yêu sách của Bắc Kinh đối với các đảo tranh chấp ở Biển Đông.
Văn phòng Tổng thống Philippines nói trong một tuyên bố: “Chúng ta không nên tham gia vào hành vi phân biệt đối xử, cũng không hành động với bất kỳ sự thiên vị đối với đồng bào của chúng ta. Thực tế là mọi người đều dễ bị nhiễm virus”.
https://www.dkn.tv/the-gioi/noi-lo-ve-dich-virus-corona-kich-hoat-thai-do-chong-trung-quoc-tren-toan-the-gioi.html

Liên Hiệp Châu Âu sau ngày Brexit

Thu Hằng
Đúng 23 giờ ngày 31/01/2020 (giờ GMT), Anh Quốc chính thức rời khỏi Liên Hiệp Châu Âu. Một sự kiện được so sánh như bức tường Berlin sụp đổ, nước Đức thống nhất, làm đảo lộn cảnh quan châu Âu. Khối 27 nước còn lại sẽ ra sao ? Liệu virus Brexit có lây lan sang những nước khác không ? RFI Tiếng Việt trích lược hai bài viết về Brexit đăng trên Le Monde ngày 27/01 và Les Echos ngày 01/02/2020.
Liên Hiệp Châu Âu xáo trộn sau Brexit
Thay đổi thứ nhất liên quan đến số liệu. Sau Brexit, Liên Hiệp Châu Âu mất đi 66 triệu dân, cùng với 15% GDP của khối. Anh Quốc, từ một thành viên giờ trở thành “một nước cạnh tranh ngay ở cửa ngõ chúng ta”, theo nhận định của thủ tướng Đức Angela Merkel. Sau Brexit, Liên Hiệp Châu Âu chỉ còn một thành viên thường trực ở Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc, đó là Pháp.
Mất mát thứ hai là sự trống vắng về mặt tư tưởng. Một nhà ngoại giao ẩn danh nhận định : “Từ Thatcher đến Blair, Luân Đôn đã kiến tạo quá trình xây dựng châu Âu, định hướng theo mô hình ủng hộ thị trường và ủng hộ mở rộng”. Tóm lại, thủ tướng Margaret Thatcher thời đó muốn biến thị trường nội địa của khối thành nền tảng cho việc xây dựng châu Âu.
Anh Quốc đã hình thành được mạng lưới liên minh gồm Hà Lan, ba nước bán đảo Scandinavie và một phần Đông Âu để mang lại cho Liên Hiệp một hình ảnh tự do hơn. Eric Maurice, phụ trách văn phòng tại Bruxelles của Quỹ Robert Schuman nhận định : “Từ những năm 1990, và sau khi khối mở rộng năm 2004, cách nhìn của Pháp tại châu Âu đã bị thụt lùi”. Và Đức, nước đầu tầu kinh tế trong khối, được lợi nhất trong việc Liên Hiệp Châu Âu mở rộng thành viên.
Sau Brexit : Eurozone mạnh hơn ?
Việc Anh Quốc rời khỏi Liên Hiệp Châu Âu là một tổn thất cho khối. Sự kiện này mang ý nghĩa quan trọng và có thể được so sánh với việc bức tường Berlin sụp đổ. Sau khi nước Đức được thống nhất, Liên Hiệp Châu Âu đã ghi dấu ấn với quyết định lập đồng tiền chung châu Âu euro. Vậy sau Brexit, liệu 27 nước còn lại có khởi sắc được không ? Một số người coi đây là một cơ hội để tái lập một dự án chung. Một số khác lo ngại Liên Hiệp Châu Châu suy yếu nếu tiếp tục hoạt động như hiện nay.
Tuy nhiên, Brexit cũng có thể làm eurozone mạnh hơn. Thực vậy, dù là thành viên của Liên Hiệp Châu Âu, nhưng Anh Quốc thường một mình một kiểu từ năm 1973, thậm chí bị coi làm suy yếu khối này : không tham gia khối đồng tiền chung châu Âu, không tham gia khối Schengen và thường xuyên yêu cầu được miễn trừ, như về mặt tư pháp và nội vụ.
Khi Anh Quốc (không thuộc eurozone) rời khỏi Liên Hiệp Châu Âu, liên minh tiền tệ có thể sẽ trở nên mạnh hơn, chiếm khoảng 85% GDP của khối, thay vì gần 72% hiện nay. Và tỉ lệ này sẽ còn cao hơn vì Croatia và Bulgari đang muốn tham gia eurozone. Như vậy, “khối đồng tiền chung sẽ ngày càng trở thành động cơ cho Liên Hiệp”, theo Enrico Letta, cựu thủ tướng Ý, hiện là chủ tịch Viện Jacques Delors.
Brexit làm thay đổi cân bằng trong Liên Hiệp Châu Âu
Brexit cũng sẽ làm thay đổi cân bằng trong khối. Dự án “địa chính trị” của tân chủ tịch Ủy Ban Châu Âu Ursula von der Leyen, người muốn xây dựng một châu Âu mạnh hơn, nhiều chủ quyền hơn và đầu tư vào xã hội nhiều hơn, có lẽ đã không có những ưu tiên như vậy nếu Anh Quốc can thiệp. Thực vậy, Luân Đôn đã bớt tham gia vào việc của châu Âu kể từ năm 2016 sau cuộc trưng cầu dân ý về Brexit. Philippe Lamberts, một nghị sĩ Bỉ, nhận định : “Rất nhiều nước nấp sau Luân Đôn”, như Bỉ, Hà Lan, Luxembourg về vấn đề thuế khóa, hoặc Hà Lan và Đức về ngân sách châu Âu.
Ngoài ra, vai trò của các nước đầu tầu cũng được phân bổ lại, thay cho bộ ba trước đây là Pháp, Đức và Anh. Theo ông Nicolas Véron, đồng sáng lập think tank Bruegel, bộ đôi Pháp-Đức vẫn là trung tâm của khối, nhưng hai nước không phải lúc nào cũng có chung quan điểm : Berlin thường nghĩ đến sức mạnh kinh tế, Paris thì nghĩ đến địa chính trị. Sự khác biệt này càng trở nên rõ ràng vào thời kỳ cuối nhiệm kỳ của thủ tướng Đức Merkel.
Các nước nhỏ hơn trong khối không thể hiện thiên về Pháp hay Đức. Họ hiểu rằng“với một Liên Hiệp Châu Âu, từ một thị trường trở thành một chiến lược, người ta có lẽ sẽ chuyển từ Merkel sang Macron !”. Trong quá trình tái bố trí này, các chuyên gia về châu Âu chú ý quan sát Hà Lan, thường cùng phía với Anh Quốc, sẽ làm gì. Về một số chủ đề, Hà Lan thiên về lập trường của Pháp như tái đàm phán chỉ thị về lao động biệt phái. Về những chủ đề khác, ví dụ ngân sách châu Âu, Hà Lan lại ngả về Berlin.
Một chuyên gia thân cận với điện Elysée bình luận : “Mọi chuyện sẽ trơn chu trong khoảng một thời gian”. Cả Paris và Berlin sẽ phải thận trọng tiến trong bối cảnh biến động này nếu như cả hai không muốn làm các bên căng thẳng.
Thị trường nội bộ Liên Hiệp Châu Âu với khoảng 450 triệu người tiêu dùng chắc chắn vẫn là đòn bẩy hàng đầu cho sự thống nhất châu Âu, “là chất kết dính chúng ta lại với nhau”, theo so sánh của một nhà ngoại giao. Ngoài ra, khả năng châu Âu thuyết phục Ba Lan cam kết vào mục tiêu trung hòa khí thải cac-bon năm 2025, hoặc xây dựng một chính sách chung về nhập cư sau nhiều tháng bế tắc, cũng như định hướng về ngân sách đang được đàm phán sẽ là những bài trắc nghiệm đầu tiên về khả năng vươn dậy của Liên Hiệp Châu Âu sau Brexit.
Tuy nhiên, tác giả bài viết cho rằng chính cách đàm phán giữa Luân Đôn và Bruxelles về mối quan hệ tương lai cũng mang tính quyết định cho Liên Hiệp Châu Âu. Bởi vì, một mặt, điều này giúp hạn chế những thiệt hại do Brexit gây ra, kể cả về địa chính trị. Mặt khác, đây cũng là phép thử về sự đoàn kết của 27 nước còn lại, mà trong cuộc đàm phán này, lợi ích của mỗi nước lại không tương đồng. Nếu 27 nước còn lại chia rẽ thì rõ ràng Brexit thực sự làm suy yếu Liên Hiệp Châu Âu.
Tại sao virus Brexit không lây sang các nước khác ?
Giờ thì Brexit đã xong, câu hỏi đặt ra là liệu làn sóng này có lây lan sang các nước khác, nơi phong trào dân túy ngày càng lan rộng ? Các đảng cực hữu Rassemblement national (Pháp), AfD (Đức), Lega (Ý), đảng Dân Chủ Thụy Điển (bảo thủ và bài nhập cư) đều từ bỏ đòi trưng cầu dân ý rút khỏi Liên Hiệp Châu Âu và cho rằng phải thay đổi Liên Âu từ bên trong. Như vậy, sau Brexit, sẽ không có Frexit, Nexit, Swexit hay Czechxit.
Giáo sư khoa học chính trị Thierry Chopin, trường ESPOL (European School of Political and Social Sciences), kiêm cố vấn tại Viện Jacques Delors, nhận định : “Tại những nước do lực lượng dân túy điều hành, họ nhận ra rằng ra khỏi Liên Hiệp Châu Âu sẽ phải thanh toán một hóa đơn lớn. Các nước Đông Âu được hưởng lợi rất nhiều từ các chính sách nông nghiệp chung, từ những quỹ khác nhau của Liên Hiệp Châu Âu. Chủ nghĩa thực dụng vẫn chiếm ưu thế”.
Ngoài ra, công luận ngày càng ủng hộ việc tham gia Liên Hiệp Châu Âu, kể cả tại các nước do các đảng theo khuynh hướng dân tộc chủ nghĩa cầm quyền. Theo kết quả thăm dò gần đây nhất, thực hiện vào tháng 10/2019, 59% người dân châu Âu đánh giá việc nước họ là thành viên Liên Hiệp Châu Âu là một “điều tốt”, chỉ có 11% đánh giá là “không tốt”.
Ngoài ra, vẫn theo giáo sư Thierry Chopin, “Nghịch lý ở chỗ Brexit lại tăng cường sự gắn kết của 27 nước còn lại. Họ thể hiện một mặt trận chung trong các cuộc đàm phán Brexit, trái ngược với những chia rẽ và hỗn độn bên phía Anh”.
Tuy nhiên, giai đoạn hai sắp mở ra về đàm phán quan hệ thương mại với Luân Đôn sẽ mang tầm quan trọng rất lớn, vẫn theo giáo sư Chopin, và sẽ cho thấy mức độ đoàn kết của 27 nước. Nếu Bruxelles lép vế trước một Boris Johnson không ngừng gây sức ép đối với các nhà thương lượng châu Âu, có lẽ một số nước sẽ thử tìm cách rời mái nhà chung.
http://www.rfi.fr/vi/qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF/20200203-lien-hiep-chau-au-sau-ngay-brexit

Mô hình thương mại EU-Canada

mà Anh muốn áp dụng sau Brexit là gì?

Anh Quốc muốn ký thỏa thuận thương mại ‘kiểu Canada’ với EU sau Brexit, cho phép 98% hàng hóa hai bên thông thương miễn trả thuế quan, nhưng không rõ Brussels có đồng ý.
Trong bài diễn văn quan trọng ở London sáng 03/02/2020, Thủ tướng Anh, Boris Johnson đề ra các nét chính cho quá trình đàm phán hậu Brexit của London với EU.
Điều được báo chí Anh chú ý nhất điểm ông Johnson nói về ‘mô hình Canada’ cho quan hệ thương mại Anh – EU trong tương lai.
Ngoài ra, ông mong muốn Anh không còn phải tuân thủ mọi tiêu chuẩn thương mại của EU như trước.
Anh bác bỏ trưng cầu dân ý độc lập 2 của Scotland
Brexit: Sai lầm hay Định mệnh của Anh?
Brexit: Chia tay EU, người ở Anh có buồn?
Bất mãn với nền dân chủ tại Anh và Mỹ ‘ở mức cao kỷ lục’
Thuế quan bằng không cho gần 100% hàng hóa
Theo phóng viên kinh tế của BBC News, Andrew Walker, thì “thuế quan hai bên Canada – EU” hiện đã bằng không cho gần như tất cả các mặt hàng.
Nhưng vấn đề là Anh Quốc muốn khu vực dịch vụ tài chính không chịu chế độ “đồng đẳng” với quy chế của Liên hiệp châu Âu.
Ngoài ra, EU chưa chắc đã muốn chấp nhận để Anh, nước bao quanh bởi các quốc gia EU, hưởng chế độ giống như Canada, quốc gia nằm ở lục địa khác tại Bắc Mỹ.
Các nét chính trong thỏa thuận thương mại Canada – EU -CETA là gì?
Thuế quan của 90% hàng hóa hai bên bằng 0, giảm từ các mức khác nhau, ví dụ hàng nhập từ Canada vào EU từng chịu thuế: cá trích đông lạnh 20%, yến mạch 51.7%, syrup mật phong (8%), phụ tùng xe hơi (4.5%). Có thể thấy rõ một số mặt hàng rất đặc trưng cho kinh tế Canada.
Hàng EU bán sang Canada cũng giảm xuống 0, từ mức không nhỏ trước đó: chocolate từng chịu thuế nhập 10%, hàng vải, quần áo 16%, thiết bị y tế (8%, máy công nghiệp 9.5%
Hạn định (quota) cho hàng EU miễn thuế, như phó mát nhập vào Canada tăng 18,5 nghìn tấn lên 31,9 nghìn tấn.
Tương tự, hạt ngô của Canada bán vào EU tăng từ 0 lên 8 nghìn tấn trong năm năm.
Chừng 98% thuế quan đánh vào hàng hóa EU-Canada sẽ bị xóa bỏ theo từng bước, đa số trong năm đầu tiên khi hiệp định hai bên có hiệp lực và sẽ bỏ hết trong 7 năm.
Các công ty Canada và EU có thể tham gia đấu thầu giành hợp đồng công ở thị trường của nhau, ví dụ công ty Canada nếu trúng thầu có thể xây tuyến hỏa xa cho Pháp. Công ty Anh (khi còn trong EU), cũng có quyền đấu thầu xây trường học ở Ontario, Canada.
CETA, có hiệu lực từ tháng 09/2017, cũng cho phép chính phủ hai bên công nhận bằng cấp hành nghề, tay nghề nhân viên, chuyên gia của nhau.
Di sản Anh và gần gũi Mỹ
Các quan sát ở Anh và Hoa Kỳ chỉ ra rằng Canada là một ví dụ thú vị, vừa có di sản của văn hóa, luật pháp Anh, vừa ở cạnh Hoa Kỳ.
Tính đặc thù này đến từ di sản: Canada chỉ độc lập hoàn toàn từ 1982 sau hàng trăm năm thuộc đế chế Anh, và ngày nay, Nữ hoàng Elizabeth II vẫn là nguyên thủ quốc gia Canada.
Tuy thế, về kinh tế, Canada đã “bỏ Anh” để hướng tới Mỹ từ những năm 1920.
Tom McTague viết trên The Atlantist (21/01/2020) về khả năng Anh có trở thành một Canada cạnh EU, như Canada từng là “biểu hiện của Anh” cạnh Hoa Kỳ hay là không.
Cách nhìn này nói cần tách biệt vấn đề chính trị, địa lý và thương mại.
“Với Canada, vấn đề luôn là quan hệ với Hoa Kỳ và Anh, còn với Anh thì đó là quan hệ với Mỹ và EU.”
Vấn đề chính vì thế là ở chỗ Anh sẽ cân bằng ra sao nhu cầu quan hệ với Mỹ, kể cả việc ký thỏa thuận thương mại với Washington, và quan hệ với EU sau Brexit.
Khúc mắc sẽ là gì?
Hiện điều khiến chính phủ Johnson mong muốn là Anh sẽ không phải chịu sự ràng buộc của Tòa án EU.
London cũng không muốn bị ràng buộc bởi quyền tự do di chuyển (freedom of movement) của công dân EU vào Anh.
Đây thực chất không phải là quyền đi thăm miễn trừ visa vốn đã có, mà là quyền sang Anh làm việc không cần giấy phép và định cư vĩnh viễn.
Điều này thì Canada đã đạt được theo CETA: công dân EU không thể sang Canada tự do định cư và ngược lại.
Cùng lúc, hai bên công nhận miễn visa cho công dân của nhau đi thăm, với người Canada được vào khu vực tự do đi lại Schengen tới 90 ngày.
CETA cho phép Canada nằm ngoài phạm vi chế tài của Tòa án Công lý EU (ECJ) và khi hai bên có tranh tụng thì một cơ chế tòa trọng tài thường trực sẽ được áp dụng.
Tuy thế, đây sẽ là điểm gay cấn trong đàm phán hậu Brexit giữa Anh và EU.
Lãnh đạo Liên hiệp châu Âu muốn Anh tiếp tục chấp nhận quy chế ‘đồng đẳng’ về các tiêu chuẩn hàng hóa, lao động và tuân thủ phán quyết của Tòa Công lý EU.
https://www.bbc.com/vietnamese/business-51361542

Cảnh sát London bắn chết

một người đàn ông đâm nhiều người đang đi ngoài đường

Tin từ London. — Cảnh sát đã bắn chết một người đàn ông ở phía nam London vào ngày Chủ nhật  2 tháng 2, sau khi có nhiều người đã bị đâm trong một hành động cảnh sản cho rằng có liên quan đến  khủng bố. Cảnh sát London cho biết người đàn ông này đã thiệt mạng tại hiện trường.
Sky News dẫn nguồn tin an ninh  cho biết sự việc có liên quan đến phiến quân Hồi giáo. Cảnh sát đã cô lập toàn bộ khu vực, trên đường phố mua sắm chính ở Streatham, một khu dân cư sầm uất phía nam sông Thames. Cảnh sát yêu cầu  mọi người nên xa tránh khu vực này.
Hành động khủng bố cuối cùng xảy ra ở London là vào tháng 11 năm ngoái, khi cảnh sát bắn chết một người đàn ông đâm chết hai người và làm bị thương thêm ba người trước khi bị người  đi đường  can thiệp và vật nghi can xuống đất. Nhà chức trách cho đó  là một cuộc tấn công khủng bố. (BBT)
https://www.sbtn.tv/canh-sat-london-ban-chet-mot-nguoi-dan-ong-dam-nhieu-nguoi-dang-di-ngoai-duong/

Hậu Brexit : Cuộc đọ sức giữa Anh

và Liên Hiệp Châu Âu chỉ mới bắt đầu

Minh Anh
Ngày 31/01/2020, nước Anh chính thức rời Liên Hiệp Châu Âu sau 47 năm quan hệ thăng trầm, và ba năm rưỡi « dùng dằng » đi ra. Nhưng đó mới chỉ là mặt hình thức bởi vì con đường đi đến cuộc chia tay « thật sự » được dự báo còn lắm chông gai.
Ngày 31/01/2020 được đánh giá là « lịch sử » đối với Anh Quốc và Liên Hiệp Châu Âu, nhưng thực ra, chỉ là thời điểm « nghỉ cho lại sức » ngắn ngủi giữa hai hiệp đấu. Hiệp thứ nhất, đôi bên mất hết ba năm rưỡi để cố đạt đồng thuận về khuôn khổ cuộc chia tay. Trong hiệp hai tới đây, hai bên chỉ có 11 tháng để xác định mối quan hệ tương lai.
Và hiệp hai này mới chính là phần khó nhất, liên quan đến nhiều vấn đề : Số phận của kiều dân Liên Hiệp đang sinh sống và làm việc tại Anh Quốc, Kinh tế, Giáo dục, An ninh… Ước tính có khoảng 600 thỏa thuận sẽ phải được ký kết, trong số này, hồ sơ gai góc nhất chính là quan hệ kinh tế – thương mại giữa hai bên. Cuộc thương lượng chỉ có thể chính thức khai màn vào đầu tháng Ba năm 2020 nhưng đôi bên bắt đầu có những lời lẽ cứng rắn, răn đe, bảo vệ bằng mọi giá các lợi ích của mình.
Thủ tướng Anh Boris Johnson muốn kết thúc nhanh chóng các cuộc thương lượng và cho rằng hai bên có thể đạt được một thỏa thuận thương mại tham vọng từ đây đến cuối năm 2020. Ông cảnh cáo không có chuyện kéo dài giai đoạn chuyển tiếp và mong muốn thỏa thuận tự do mậu dịch Luân Đôn – Bruxelles phải giống như văn bản được ký kết giữa Liên Hiệp với Canada.
Nghĩa là, thỏa thuận mới không kèm theo các quy định của Liên Hiệp Châu Âu về cạnh trạnh, tài trợ, bảo vệ người lao động, môi trường… và trong thỏa thuận này, Vương Quốc Anh vẫn sẽ duy trì việc kiểm soát các vùng ngư trường và hệ thống kiểm soát di dân.
Theo nhận định của thông tín viên đài RFI, Muriel Delcroix tại Anh, thách thức cho phía Luân Đôn là khá lớn. Với 440 triệu dân, châu Âu vẫn là một đối tác thương mại hàng đầu. 47% hàng hóa xuất khẩu của Anh là vào Liên Hiệp Châu Âu. Nhiều lĩnh vực chủ chốt như thực phẩm, xe ô tô hay dược phẩm phụ thuộc nhiều các trao đổi thương mại với 27 nước thành viên.
Về phía Liên Hiệp Châu Âu, trưởng đoàn đàm phán Michel Barnier đưa ra hai điều kiện chính để đúc kết một hiệp định thương mại : « Một thỏa thuận dựa theo các luật chơi chung » sao cho Luân Đôn không là một đối thủ cạnh tranh gian lận ; và một quy định cho hồ sơ đánh bắt cá.
Điều kiện thứ hai này là một vấn đề cực kỳ nhậy cảm, có liên quan đến nhiều nước thành viên. Những nước như Pháp, Đan Mạch có nhu cầu tiếp tục được đánh bắt thủy sản tại các vùng lãnh hải của Anh được cho là dồi dào hải sản. Ngược lại, Anh Quốc xuất khẩu 80% thủy hải sản vào Liên Hiệp Châu Âu.
Do vậy, theo phân tích của AFP, thủ tướng Boris Johnson có thể sử dụng hồ sơ đánh bắt cá như là một công cụ mặc cả trong các cuộc thương thuyết chẳng hạn như cho phép các dịch vụ tài chính Anh, tiếp cận thị trường Liên Hiệp Châu Âu. Một hồ sơ mà Paris cho biết là « sẽ theo dõi sát sao ».
Trước triển vọng này, chiếc bóng « Brexit không thỏa thuận » vẫn còn lởn vởn. Ngày 31/01/2020 chỉ tạm thời được đẩy lùi nguy cơ một Brexit thật sự « no deal ». Mười một tháng sắp tới là quãng thời gian chuyển tiếp. Nước Anh vẫn tiếp tục được hưởng những quy định hiện có dành cho một nước thành viên. Thay đổi duy nhất hiện nay là Luân Đôn sẽ không còn được tham dự vào việc đưa ra các quyết sách cho khối.
http://www.rfi.fr/vi/qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF/20200203-hau-brexit-cuoc-do-suc-giua-anh-va-eu-chi-moi-bat-dau

Hậu Brexit :

Thủ tướng Anh cam kết không cạnh tranh bất chính

Minh Anh
Ngày 03/02/2020, trong bài phát biểu trình bày quan điểm của ông về quan hệ tương lai giữa Anh và 27 nước thành viên còn lại của Liên Hiệp Châu Âu, thủ tướng Boris Johnson trấn an rằng Anh Quốc sẽ « không là đối thủ cạnh tranh bất chính ».
Để giải tỏa mối ngờ vực của Liên Hiệp Châu Âu, thủ tướng tuyên bố : « Chúng tôi sẽ không cạnh tranh gian lận bất kể là trong thương mại, kinh tế hay môi trường » khi cam kết không xem xét hạ thấp các chuẩn mực của Liên Hiệp Châu Âu.
Tuy nhiên, thủ tướng Anh bác bỏ việc phải đi theo các quy định của châu Âu như là « cái giá để được trao đổi mậu dịch ». Ông hỏi : « Liệu Anh Quốc có buộc Liên Hiệp phải làm như chúng tôi không ? Đương nhiên là Không. »
Thủ tướng Anh khẳng định sẽ « tái lập đường biên giới bảo vệ toàn vẹn chủ quyền lãnh thổ, kiểm soát di dân, cạnh tranh, các quy định về tài trợ, cung cấp, bảo vệ dữ liệu ». Lãnh đạo chính phủ Anh cho rằng hợp tác với châu Âu trên phương diện quốc phòng và chính sách đối ngoại là cần thiết nhưng « không nhất thiết bằng một hiệp định ».
Lời trấn an này của thủ tướng Anh được đưa ra sau khi trưởng đoàn đàm phán châu Âu cảnh cáo mọi ý đồ cạnh tranh bất chính. Dù vậy, Liên Hiệp Châu Âu tuyên bố sẵn sàng thương lượng một « thỏa thuận thương mại đầy tham vọng ».
http://www.rfi.fr/vi/qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF/20200203-hau-brexit-thu-tuong-anh-cam-ket-khong-canh-tranh-bat-chinh

Máy bay sơ tán công dân châu Âu

khỏi Vũ Hán hạ cánh ở Pháp

Một chiếc máy bay chở 250 công dân Pháp và các nước châu Âu khác từ Vũ Hán, Trung Quốc, tâm điểm của đại dịch virus Corona, đã hạ cánh xuống một căn cứ quân sự ở Istres, miền nam nước Pháp, hôm 2/2, theo Reuters.
Tin cho hay, nhiều nước đang phối hợp với Trung Quốc để sơ tán công dân khỏi Vũ Hán và các khu vực lân cận ở tỉnh Hồ Bắc.
Quan chức Pháp cho biết rằng khoảng 65 công dân Pháp sẽ được cách ly tại một khu nghỉ dưỡng ở Carry-Le-Rouet hoặc tại một trung tâm huấn luyện cứu hỏa gần Aix-en-Provence.
XEM THÊM:
Hàng không Việt tiếp tục bay tới Đài Loan, Hong Kong và Macau
Ngoại trưởng Pháp Jean-Yves Le Drian nói rằng chiếc máy bay của Pháp chở công dân của 30 nước, và rằng phần lớn những người không phải là công dân Pháp sẽ di chuyển tiếp về nước họ.
Theo Reuters, Cộng hòa Séc nói rằng nước này có 5 công dân trên máy bay và họ sẽ bay tới Brussels để được đưa về nước trên một chiếc máy bay của Séc.
Thụy Điển thì nói có khoảng 10 công dân trên máy bay. Tin cho hay, công dân Anh cũng có mặt trên chuyến bay của Pháp.
https://www.voatiengviet.com/a/m%C3%A1y-bay-s%C6%A1-t%C3%A1n-c%C3%B4ng-d%C3%A2n-ch%C3%A2u-%C3%A2u-kh%E1%BB%8Fi-v%C5%A9-h%C3%A1n-h%E1%BA%A1-c%C3%A1nh-%E1%BB%9F-ph%C3%A1p/5270631.html

Tổng thống Pháp thăm Ba Lan

để hàn gắn quan hệ song phương

Thanh Phương
Hôm nay, 03/02/2020, tổng thống Pháp Emmanuel Macron tới Ba Lan, trong chuyến công du đầu tiên của năm 2020, để nối lại quan hệ với một trong những đối thủ chính trong Liên Hiệp Châu Âu, quốc gia vẫn đối đầu với Paris trên nhiều hồ sơ : khí hậu, Nhà nước pháp quyền hay chính sách di dân. Quan hệ giữa hai nước đã trở nên căng thẳng kể từ khi Đảng Pháp luật và Công Lý ( Pis ) lên cầm quyền tại Ba Lan.
Từ Vacxava, thông tín viên Thomas Giraudeau gởi về bài tường trình :
« Đám trẻ sao không sang Ba Lan biểu tình vì khí hậu đi !», hay « Ba Lan xứng đáng có một chính phủ tốt hơn ». Vacxava vẫn còn cay cú với những tuyên bố này của Emmanuel Macron, nhưng về phần tổng thống Pháp, ông muốn lật qua một trang mới trong quan hệ giữa hai nước.
Theo điện Elysée, chuyến viếng thăm lần này là nhằm làm sáng tỏ một số điểm chưa được hiểu đúng. Việc tổng thống Pháp xích gần lại Matxcơva gây lo ngại cho nhiều người tại Vacxava. Trong khi Ba Lan trông chờ rất nhiều vào lực lượng của NATO để bảo vệ an ninh trước mối đe dọa từ nước Nga, thì tổng thống Macron lại có những tuyên bố bài bác NATO, xem khối này đang trong tình trạng « chết não ».
Pháp khẳng định đồng nhất quan điểm với Ba Lan về chuyển tiếp năng lượng : làm cách nào áp dụng cho toàn châu Âu, nhưng thực hiện một cách linh hoạt theo từng nước. Tuy vậy, có một điểm gây bất đồng sẽ được thảo luận trong chuyến viếng thăm lần này, đó là Nhà nước pháp quyền, sự độc lập của ngành tư pháp. Cả hai điều này đang một lần nữa bị đe dọa bởi một luật vừa được Quốc Hội Ba Lan thông qua cách đây vài ngày.
Chính phủ Vacxava đang tự hỏi không biết chuyến viếng thăm của vị nguyên thủ quốc gia Pháp sẽ mang tính xây dựng, hay đây sẽ là dịp để ông Marcon một lần nữa chỉ trích các lãnh đạo Ba Lan ».
http://www.rfi.fr/vi/ph%C3%A1p/20200203-t%E1%BB%95ng-th%E1%BB%91ng-ph%C3%A1p-th%C4%83m-ba-lan-%C4%91%E1%BB%83-h%C3%A0n-g%E1%BA%AFn-quan-h%E1%BB%87-song-ph%C6%B0%C6%A1ng

Tòa án Đức bác kháng cáo

trong vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh

Tòa án ở Liên bang Đức vào ngày 3 tháng 2 xác nhận đã bác kháng cáo của một người Việt Nam bị kết án liên can trong vụ bắt cóc cựu quan chức dầu khí Trịnh Xuân Thanh gây nên căng thẳng giữa quan hệ Berlin- Hà Nội.
Hãng AP loan tin ngày 3 tháng 2 như vừa nêu và nhắc lại hồi tháng 7 năm 2018, một tòa ở Berlin đã kết án người đàn ông có tên Long N.H. 3 năm 10 tháng tù về cáo buộc gián điệp và tòng phạm trong vụ bắt giữ phi pháp. Người này từng sống tại Cộng Hòa Czech.
Tòa Công lý Liên bang Đức đã giữ nguyên bản án của tòa dưới đối với Long N.H. Sau này tên người này được công khai là Nguyễn Hải Long.
Phía công tố cáo buộc ông Long thuê xe để đưa ông Trịnh Xuân Thanh, cựu Chủ tịch chi nhánh xây dựng của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, và một phụ nữ tháp tùng ông Thanh ra khỏi nước Đức.
Cơ quan chức năng Đức nói rõ cả hai người bị giới chức tình báo và viên chức tại Sứ quán Việt Nam ở Đức bắt cóc tại Berlin vào năm 2017. Đức cáo buộc Việt Nam vi phạm luật pháp quốc tế và trục xuất tùy viên tình báo tại Tòa Đại sứ Việt Nam.
Ông Trịnh Xuân Thanh bị đưa về Việt Nam và sau đó bị tuyên án chung thân về tội tham nhũng.
Luật sư người Đức của ông Trịnh Xuân Thanh, và Petra Isabel Schlagenhauf, vào ngày 28 tháng 1 vừa qua ra thông cáo báo chí yêu cầu chính phủ Berlin tiếp tục can thiệp với chính phủ Hà Nội trả tự do cho thân chủ của bà.
Theo bà luật sư Petra Isabel Schlagenhauf thì vấn đề giữa Đức và Việt Nam lúc này không còn nằm ở lĩnh vực pháp lý nữa vì nếu đúng theo luật thì lẽ ra Hà Nội phải trả ông Trịnh Xuân Thanh về lại Đức ngay ngày đầu tiên.
Tuy nhiên theo lời bà luật sư Petra Isabel Schlangenhauf nói với RFA hôm 29 tháng 1 thì Hà Nội sẽ không bao giờ chính thức thừa nhận đã bắt cóc ông Trịnh Xuân Thanh. Bà cho rằng nếu Hà Nội có thả thân chủ của bà thì sẽ thực hiện một cách im lặng. Bà Schlangenhauf khẳng định Việt Nam không hề muốn mất mặt trong vụ Trịnh Xuân Thanh.
https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/german-court-rejects-appeal-in-kidnapping-case-02032020093149.html

Virus corona: Nga thông báo

sẽ trục xuất người nước ngoài nhiễm bệnh

Thùy Dương
Ngày 03/02/2020, chính quyền Nga thông báo sẽ trục xuất những người nước ngoài bị nhiễm virus corona mới và triển khai các biện pháp cách ly.
Trong một cuộc họp nội các được phát trên truyền hình, thủ tướng Nga Mikhail Michoustine nhấn mạnh virus corona đã được đưa vào danh sách các bệnh đặc biệt nguy hiểm.
Hồi tuần trước, Matxcơva thông báo hàng loạt biện pháp phòng bệnh, trong đó có biện pháp đóng cửa 4.250 km biên giới với Trung Quốc và giảm các chuyến tầu nối hai nước, hạn chế các chuyến bay, khôi phục chế độ visa với khách du lịch Trung Quốc, tạm ngưng cấp visa nhập cảnh cho người lao động tới từ Trung Quốc.
Trong những ngày sắp tới, các máy bay quân sự của Nga sẽ được điều đến các tỉnh đang có dịch bệnh đang lây lan ở Trung Quốc để đưa dân Nga về nước. AFP cho biết thủ tướng Nga còn đề nghị lùi ngày tổ chức Diễn đàn Kinh tế Nga tại Sotchi dự kiến diễn ra từ ngày 12 đến 14/02.
Pháp : Chuyến bay hồi hương thứ hai đã hạ cánh
Tại Pháp, chuyến bay thứ hai từ Vũ Hán hồi hương người Pháp và kiều dân nhiều nước khác đã hạ cánh vào chiều 02/02. Trong tổng số 254 hành khách trên chuyến bay, 36 người có triệu chứng nhiễm virus, 16 người nước ngoài được chuyển ngay lập tức về nước họ, 20 người khác được xét nghiệm tại Pháp, nhưng các xét nghiệm đều cho kết quả âm tính. Tất cả hành khách lưu lại Pháp được đưa về cách ly 14 ngày trong một trường sĩ quan cứu hỏa ở Aix-en-Provence và khu du lịch Carry-le-Rouet, miền nam nước Pháp.
Trong khi đó, tại Mỹ, chính quyền California ngày 02/02 thông báo có thêm 3 người nhiễm corona, nâng số người bị lây nhiễm siêu vi tại Mỹ lên thành 11 người.
Chứng khoán Hoa lục sụt giảm, G7, OPEC họp bàn
Trong bối cảnh dịch bệnh vẫn không ngừng lây lan, thị trường chứng khoán Hoa lục đã mở cửa phiên giao dịch đầu tiên hôm 03/02 sau kỳ nghỉ Tết nguyên đán. Theo AFP, chỉ số chứng khoán Hoa lục vào phiên cuối ngày sụt giảm hơn 7%, mức sụt giảm trong ngày cao nhất tính từ năm 2005.
Trước bối cảnh dịch bệnh lan rộng tại Trung Quốc, sau một cuộc điện đàm hôm 02/02 với đồng nhiệm Mỹ, bộ trưởng Y Tế Đức Jens Spahn thông báo các bộ trưởng Y Tế của khối G7 sẽ tổ chức họp qua mạng viễn thông để tìm cách đối phó với dịch bệnh đang hoành hành tại Trung Quốc.
Còn tổ chức các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC) và Nga, cũng trong ngày 02/02, đã thông báo tổ chức một cuộc họp trong hai ngày 04-05/02 tại Vienna, Áo để phân tích về tình trạng sụt giá dầu thô do tác động của virus corona.
http://www.rfi.fr/vi/qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF/20200203-nga-thong-bao-se-truc-xuat-nguoi-nuoc-ngoai-nhiem-virus-corona

Những người biểu tình Iraq phản đối kịch liệt

trước sự bổ nhiệm Tân Thủ Tướng

Tin từ Baghdad — Hôm chủ nhật (2/2), những thanh niên chống chính phủ đã tiến hành biểu tình tại Baghdad và và miền Nam Iraq. Họ phản đối kịch liệt về việc đề cử ông Mohammad Allawi trở thành thủ tướng vào ngày 1/2, sau nhiều tháng biểu tình và tê liệt chính trị.
Kể từ tháng 10/2019, các cuộc biểu tình đã làm rung chuyển Baghdad và miền nam Iraq. Người biểu tình yêu cầu tổ chức các cuộc bầu cử nhanh chóng, có một thủ tướng độc lập, và chịu trách nhiệm về tham nhũng và các hành động bạo lực của chính quyền trong thời gian gần đây.
Theo AFP đưa tin, ông Allawi được bổ nhiệm làm thủ tướng sau khi có sự đồng thuận giữa các đảng đối lập của Iraq. Các đảng này đã gặp khó khăn trong việc đồng ý chọn ra một ứng cử viên mới, kể từ khi thủ tướng Adel Abdel Mahdi từ chức hồi 2 tháng trước.
Những người biểu tình trẻ tuổi đã bày tỏ sự khinh miệt đối với giới cầm quyền và chỉ trích mạnh mẽ ông Allawi. Những thanh niên quấn khăn choàng ca rô xung quanh mặt đã dành cả đêm chủ nhật để đốt lốp xe hơi, nhằm bày tỏ sự tức giận trước việc ông Allawi được bổ nhiệm.
Ở thành phố Diwaniyah, phía nam Iraq, những người biểu tình đã tiến vào các tòa nhà chính phủ để yêu cầu họ đóng cửa. Bên cạnh đó, học sinh, sinh viên bắt đầu chiếm đóng tại các trường học và trường đại học. Tại thành phố Hillah, người biểu tình chặn tất cả các con đường dẫn vào thành phố. (BBT)

https://www.sbtn.tv/nhung-nguoi-bieu-tinh-iraq-phan-doi-kich-liet-truoc-su-bo-nhiem-tan-thu-tuong/

Eritrea chỉ trích lệnh cấm Visa của Hoa kỳ;

Nigeria thành lập ủy ban để giải quyết vấn đề

Tin từ Lagos – Vào hôm thứ Bảy (1 tháng 2), Eritrea chỉ trích lệnh cấm visa của Hoa Kỳ đối với công dân của họ là không thể chấp nhận được. Trong khi đó, chính phủ Nigeria cho biết họ đã thành lập một ủy ban để giải quyết các vấn đề về việc Tổng thống Trump thêm quốc gia của họ vào lệnh cấm.
Trong một tuyên bố của tổng thống Trump, Nigeria và Eritrea nằm trong số sáu quốc gia, và bốn trong số đó ở Phi Châu, vừa được thêm vào một kế hoạch mở rộng của lệnh cấm visa do Hoa Kỳ công bố vào hôm thứ Sáu (31 tháng 1). Các viên chức Hoa Kỳ cho biết các quốc gia kể trên không đáp ứng các tiêu chuẩn về chia sẻ thông tin và an ninh của Hoa Kỳ, vì vậy họ cần đưa ra những hạn chế mới. Nigeria – quốc gia đông dân nhất Phi Châu – là quốc gia lớn nhất nằm trong danh sách các nước có công dân bị đình chỉ visa. Eritrea, Kyrgyzstan và Myanmar cũng bị thêm vào danh sách này.
Bộ trưởng Thông tin Nigeria nói với Reuters rằng họ không nhận được khuyến cáo nào về việc Hoa Kỳ sẽ đưa họ vào danh sách này, trước khi nó xuất hiện trên các cơ quan truyền thông. Bộ trưởng Ngoại giao Eritrea Osman Saleh Mohammed cho biết chính phủ của họ xem lệnh cấm là một hành động chính trị làm tổn thương mối quan hệ của Eritrea với Hoa Kỳ. Chính phủ Hoa Kỳ cũng cho biết họ sẽ ngừng cấp nhiều loại visa cho các công dân Sudan và Tanzania. Nh
ững visa này nằm trong chương trình xổ số cho người nộp đơn thường trú nhân từ các quốc gia có tỷ lệ di dân thấp, tuy nhiên tổng thống Turmp đã chỉ trích chương trình này. (BBT)
https://www.sbtn.tv/eritrea-chi-trich-lenh-cam-visa-cua-hoa-ky-nigeria-thanh-lap-uy-ban-de-giai-quyet-van-de/

Khu trục hạm Nhật Bản đến Trung Đông

Nhật Bản hôm qua 2.2 điều khu trục hạm Takanami đến Vịnh Oman nhằm bảo vệ các tàu chở dầu của nước này trong bối cảnh căng thẳng kéo dài giữa Iran và Mỹ, theo AFP.
“Đảm bảo an toàn cho tàu thương mại là nghĩa vụ quan trọng của chính phủ”, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe phát biểu trước thủy thủ đoàn của khu trục hạm Takanami trước khi tàu rời khỏi căn cứ Yokosuka, phía nam thủ đô Tokyo.
Khu trục hạm Takanami sẽ phối hợp với hai máy bay trinh sát Nhật Bản đang hoạt động trong khu vực.
Mỹ tiến hành chiến dịch nhằm bảo vệ tuyến đường biển ở Trung Đông sau khi cáo buộc Iran tấn công các tàu dầu. Tuy nhiên, Nhật Bản quyết định không tham gia chiến dịch này.
Nhật Bản thiếu nguồn tài nguyên thiên nhiên nên phụ thuộc vào các quốc gia giàu dầu mỏ ở Trung Đông, bao gồm cả Iran. Ông Abe thời gian qua đã gặp gỡ với nhiều lãnh đạo Trung Đông và nỗ lực xoa dịu căng thẳng Mỹ – Iran.
http://biendong.net/bi-n-nong/32743-khu-truc-ham-nhat-ban-den-trung-dong.html

Đáp trả lời đe dọa của TQ,

Đài Loan tổ chức tập trận bắn đạn thật quy mô lớn

Sau chiến thắng vang dội của Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn và Đảng Dân tiến trong cuộc bầu cử vừa qua, Chính quyền Trung Quốc đã đưa ra những đe dọa sẽ sử dụng biện pháp cứng rắn nếu Đài Loan tuyên bố độc lập. Đáp trả, Lực lượng phòng vệ Đài Loan đã tổ chức cuộc tập trận bắn đạn thật quy mô lớn nhằm thể hiện sức mạnh và sự ủng hộ với lãnh đạo Thái Anh Văn tái đắc cử.
Lời đe dọa vô lý của Trung Quốc
Ngay sau chiến thắng của bá Thái Anh Văn và Đảng Dân tiến (DPP), Bộ Ngoại giao Trung Quốc (12/1) đã tuyên bố nhấn mạnh “dù có chuyện gì thay đổi với tình hình nội bộ ở Đài Loan thì thực tế cơ bản rằng chỉ có một nước Trung Quốc trên thế giới và Đài Loan là một phần của Trung Quốc sẽ không thay đổi”; tái khẳng định “sự đồng thuận phổ quát của cộng đồng quốc tế tôn trọng nguyên tắc ‘Một Trung Quốc’ cũng sẽ không thay đổi”. Bắc Kinh hy vọng thế giới ủng hộ người dân Trung Quốc phản đối các hoạt động ly khai và “hiện thực hóa việc thống nhất đất nước”. Trong thông báo tương tự, Người phát ngôn Văn phòng phụ trách các vấn đề Đài Loan của Trung Quốc Mã Hiểu Quang nhấn mạnh mô hình “một quốc gia, hai chế độ” và Trung Quốc “kiên quyết phản đối các hành động và ý đồ ly khai vì ‘Đài Loan độc lập’ dưới bất cứ hình thức nào”. Ông Mã Hiểu Quang cũng cho biết bất kỳ hoạt động ủng hộ độc lập nào muốn tách hòn đảo khỏi đại lục sẽ không được dung thứ và “chúng tôi kiên quyết lên án và chống lại các hình thức hoạt động đòi độc lập và ly khai khác nhau của Đài Loan nhằm duy trì hòa bình và ổn định chung ở eo biển Đài Loan. Bà Thái Anh Văn đã dung túng cho phong trào ủng hộ độc lập ở Đài Loan, và làm thiệt hại các hoạt động trao đổi, hợp tác xuyên eo biển bằng cách từ chối chấp nhận nguyên tắc Một Trung Quốc”; đồng thời nhấn mạnh “Đài Loan là một phần thiêng liêng và không thể tách rời của Trung Quốc. Chúng tôi sẽ quyết tâm bảo vệ chủ quyền quốc gia và toàn vẹn lãnh thổ. Chúng tôi sẽ không cho phép bất kỳ người nào, tổ chức chính trị sử dụng bất kỳ phương pháp nào để phá vỡ bất kỳ phần nào của Trung Quốc”.
Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị (13/1) cũng đã đưa ra một phát ngôn cứng rắn sau khi bà Thái Anh Văn tái đắc cử lãnh đạo Đài Loan, đồng thời nhấn mạnh rằng không thay đổi quan điểm về “Một Trung Quốc”. Theo ông Vương Nghị, “những kẻ ly khai sẽ phải chịu số phận diệt vong và để lại mùi hôi thối bốc lên trong một vạn năm”; đồng thời tiếp tục khẳng định rằng, nguyên tắc “Một Trung Quốc” từ lâu đã công nhận Đài Loan là một phần của Trung Quốc đại lục và nhận được sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế. Sự đồng thuận về nguyên tắc “Một Trung Quốc” vẫn sẽ không thể bị thay đổi một chút nào chỉ vì một cuộc bầu cử địa phương tại Đài Loan, và sẽ không thể bị lung lay vì những phát ngôn và hành động sai lầm của một số chính trị gia phương Tây.
Đài Loan tập trận đáp trả
Theo thông tin trên, Thủy quân lục chiến thuộc Lực lượng phòng vệ Đài Loan (16/1) đã tổ chức cuộc tập trận bắn đạn thật quy mô lớn vào ngày, như là một phần các hoạt động quân sự sau bầu cử, nhằm thể hiện sự ủng hộ với nhà lãnh đạo Thái Anh Văn vừa tái đắc cử. Cuộc tập trận tập trung vào kịch bản vô hiệu hóa mối đe dọa từ các nhóm tấn công nhỏ, sử dụng vũ khí cá nhân và chiến đấu tay đôi với kẻ thù giả định. Trước đó vài ngày, Lực lượng phòng vệ Đài Loan cũng tổ chức cuộc tập trận có sự tham gia của không quân. Lực lượng này vừa trải qua đợt nâng cấp lớn, thông qua việc mua lại phiên bản mới nhất của gia đình tiêm kích F-16 và một số công nghệ tiên tiến khác của Mỹ.
Trước đó, trong bài phát biểu sau khi giành thắng lợi, bà Thái Anh Văn cho biết Trung Quốc rằng nước này hãy từ bỏ việc đe dọa để lấy lại hòn đảo bằng vũ lực. Theo Tổng thống Đài Loan, “hòa bình có nghĩa là Trung Quốc phải từ bỏ các mối đe dọa vũ lực chống lại Đài Loan”; đồng thời bày tỏ hy vọng rằng chính quyền Bắc Kinh hiểu rằng Đài Loan dân chủ và chính phủ được bầu cử dân chủ của Đài Bắc, sẽ không nhượng bộ trước các đe dọa và hành động hăm dọa”.
http://biendong.net/bien-dong/32750-dap-tra-loi-de-doa-cua-tq-dai-loan-to-chuc-tap-tran-ban-dan-that-quy-mo-lon.html

Virus corona:

TQ cáo buộc Mỹ gây hoảng loạn và ‘lan truyền nỗi sợ’

Chính phủ Trung Quốc cáo buộc Hoa Kỳ đã gây ra “hoảng loạn” qua phản ứng của nước này với dịch viêm phổi do virus corona.
Động thái này diễn ra sau khi Mỹ quyết định tuyên bố tình trạng y tế khẩn cấp và từ chối nhập cảnh đối với các công dân nước ngoài đã vào Trung Quốc trong hai tuần vừa qua.
Hiện đã có hơn 17000 trường hợp bị nhiễm virus corona được xác nhận ở Trung Quốc.
361 người đã chết ở Trung Hoa đại lục.
Bên ngoài Trung Quốc, đã có hơn 150 trường hợp bị nhiễm, với một trường hợp tử vong ở Philippines cũng là người TQ.
2019-nCov: Y tế VN có sụp đổ nếu dịch virus corona lan ra?
Virus corona tàn phá nền kinh tế Trung Quốc
Virus corona: Tác động đến cơ thể như thế nào?
Vì sao người hay bị lây bệnh từ động vật?
Trung Quốc nói gì nữa?
Trong một cuộc họp báo hôm thứ Hai 3/2, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh nói hành động của Mỹ “chỉ có thể tạo ra và lan truyền nỗi sợ” thay vì đưa ra sự trợ giúp. Bà này nói Mỹ là quốc gia đầu tiên thực hiện cấm nhập cảnh đối với người Trung Quốc và là nước đầu tiên gợi ý rút một phần nhân viên sứ quán tại Bắc Kinh.
“Chính các nước phát triển như Mỹ với khả năng phòng chống dịch bệnh tốt… đã dẫn đầu trong việc áp đặt những hạn chế quá mức, trái với khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới WHO,” bà Hoa Xuân Oánh nói, hãng tin Reuters đưa tin.
Tuy thế, chính quyền TQ cũng thừa nhận “thiếu sót” trong việc ứng phó với dịch virus corona và yêu cầu quốc tế trợ giúp.
Một số quốc gia như Australia cũng đã cấm người Trung Quốc nhập cảnh ngay sau khi Mỹ ra lệnh cấm.
Hôm thứ Hai, Hong Kong nói họ đóng cửa 10 trong số 13 cửa khẩu với Trung Quốc lục địa từ nửa đêm giờ địa phương.
WHO đã cảnh báo rằng đóng cửa biên giới có thể làm tăng việc lây lan virus, nếu người dân tìm cách nhập cảnh bằng con đường không chính thức.
Mỹ đã thực hiện các biện pháp nào?
Hôm 23/1, Mỹ ra lệnh đưa các nhân viên chính phủ không chủ chốt và người nhà của họ ra khỏi thành phố Vũ Hãn, tỉnh Hồ Bắc, ổ dịch của virus corona.
Chưa đầy một tuần sau, Mỹ cho phép các nhân viên chính phủ không chủ chốt và người nhà của họ ở Trung Quốc trở về Mỹ nếu họ muốn.
Hôm 30/1, WHO tuyên bố tình trạng y tế khẩn cấp toàn cầu về chủng virus corona mới này. Sau đó, Mỹ ra lệnh đưa toàn bộ người nhà của nhân viên chính phủ Mỹ dưới 21 tuổi ra khỏi Trung Quốc.
Bất kỳ công dân Mỹ nào đã ở tỉnh Hồ Bắc sẽ được kiểm dịch 14 ngày sau khi trở về Mỹ.
Virus corona lây lan ngay cả ‘trước khi có triệu chứng bệnh’
Virus corona đẩy tâm lý kỳ thị Trung Quốc lên cao
Virus corona: video time lapse TQ xây bệnh viện khẩn cấp
Các quốc gia khác đã làm gì để ngăn dịch lan tràn?
Các quốc gia khác nhau hạn chế đi lại ở các mức độ khác nhau.
Từ chối nhập cảnh đối với tất cả người nước ngoài đã tới Trung Quốc trong thời gian gần đây: Mỹ, Australia, Singapore
Từ chối nhập cảnh đối với người nước ngoài đi từ Trung Quốc tới: New Zealand, Israel. ( Nga cũng sẽ áp dụng chính sách này, nhưng không cho sân baySheremetyevo của Moscow).
Từ chối nhập cảnh đối với người nước ngoài đã tới tỉnh Hồ Bắc: Nhật, Hàn Quốc
Tạm ngưng tất cả các chuyến bay tới Trung Quốc đại lục:Anh, Indonesia, Phần Lan, Ai Cập, Ý
Đóng cửa biên giới với Trung Quốc: Mông Cổ, Nga (một phần)
Hiệp hội đại diện cho các hãng du thuyền lớn nhất thế giới, Cruise Lines International Association, tuyên bố hôm thứ Hai hành khách và nhân viên đã đến Trung Quốc trong thời gian gần đây sẽ không được phép lên tàu.
Việc cấm đi lại có tác dụng ngăn dịch không?
Các quan chức y tế thế giới khuyến cáo không nên cấm đi lại.
“Việc hạn chế đi lại có thể gây hại nhiều hơn lợi qua việc cản trở chia sẻ thông tin, chuỗi cung ứng trang thiết bị y tế và làm hại các nền kinh tế,” giám đốc WHO, BS Tedros Adhanom Ghebreyesus, nói hôm thứ Sáu.
WHO khuyến cáo các nước thực hiện kiểm tra tại các cửa khẩu.
Virus mới này nguy hiểm tới mức nào?
Hơn 75.000 người có thể đã bị nhiễm virus ở thành phố Vũ Hán, tâm điểm của dịch bệnh, các chuyên gia nói.
Nhưng theo ước tính của Đại học Hong Kong, tổng số các trường hợp bị nhiễm có thể cao hơn rất nhiều so với con số chính thức.
Một báo cáo về những giai đoạn đầu của dịch của Tạp chí Y học Lancet nói hầu hết các bệnh nhân tử vong do virus này đều có các bệnh từ trước.
Báo cáo này cho thầy, 99 bệnh nhân đầu tiên được điều trị ở Bệnh viện Jinyintan ở Vũ Hán, 40 người có tim yếu hay mạch máu bị tổn hại. 12 người khác có bệnh tiểu đường.
Virus này gây nhiễm trùng đường hô hấp cấp và các triệu chứng bắt đầu với sốt, sau đó là ho khan.
Virus corona lây lan ngay cả ‘trước khi có triệu chứng bệnh’
Hầu hết những người nhiễm virus đều bình phục hoàn toàn – cũng như đối với virus cúm bình thường.
Một chuyên gia từ Ủy ban Sức khỏe Quốc gia Trung Quốc nói những người mắc corona virus nhưng có triệu chứng nhẹ chỉ cần một tuần là bình phục.
https://www.bbc.com/vietnamese/world-51357912

Virus corona và H5N1 tái phát

ảnh hưởng xấu tới kinh tế Trung Quốc

Hôm 1/2, chính quyền Trung Quốc tuyên bố dịch cúm gia cầm tái phát ở nước này ở miền Trung Trung Quốc đã làm tăng thêm lo ngại kinh tế mới trong bối cảnh quốc gia này đang quay cuồng với virus corona chủng mới.
Cùng lúc, Trung Quốc phản ứng lại lệnh cấm nhập cảnh mọi công dân nước ngoài vừa thăm Trung Quốc gần đây, gồm cả mọi người Trung Quốc.
Bà Hoa Xuân Oánh, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao TQ nói hôm 03/02 rằng hành động của chính phủ Mỹ “chỉ làm lan tỏa lo sợ”.
Bà nói Hoa Kỳ là nước đầu tiên cấm “nhập cảnh mọi người đến từ Trung Quốc” và cũng là quốc gia đầu tiên gợi ý rút một phần nhân viên sứ quán của họ.
Tin từ Trung Quốc cho biết cúm gia cầm H5N1 đã bắt đầu tại tỉnh Hồ Nam, tức là gần với tâm dịch viêm phổi cấp do virus corona chủng mới gây ra.
Trung Quốc mở bệnh viện 1.000 giường
Virus corona lây lan ngay cả ‘trước khi có triệu chứng bệnh’
Vì sao người hay bị lây bệnh từ động vật?
Bộ Nông nghiệp và Nông thôn Trung Quốc thông báo cho biết cúm gia cầm H5N1 đã khiến 4.500 con gà chết vì nhiễm bệnh, khiến chính quyền địa phương tiêu hủy 17.828 con gia cầm.
Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), cúm gia cầm H5N1 có khả năng lây nhiễm sang người thấp và nhưng khi đã lây, có thể gây tử vong ở người với tỉ lệ lên tới 60%.
Trước đó, năm ngoái, Trung Quốc đã vật lộn với dịch tả heo châu Phi, khiến nước này rơi vào cơn sốt thịt heo, đẩy giá tiêu dùng lên mức cao nhất trong 8 năm.
Trong khi đó, theo số liệu đến sáng 3/2, virus corona chủng mới đã làm 361 người tử vong trong khi hơn 17 ngàn người nhiễm bệnh.
Thiệt hại nặng về kinh tế
Không chỉ gây thiệt hại về nhân mạng, dịch bệnh do virus corona chủng mới còn ảnh hưởng nặng đến kinh tế Trung Quốc, theo CNN.
CNN dẫn lời các chuyên gia kinh tế cho rằng, tốc độ tăng trưởng của Trung Quốc có thể giảm tới hai điểm phần trăm trong quý này do sự bùng phát của dịch.
Điều đó, theo CNN, tương đương với sự suy giảm 62 tỉ đô la.
Bên cạnh đó, cho đến nay, chính quyền trung ương và địa phương Trung Quốc đã bỏ ra 12,6 tỉ đô la cho thiết bị y tế và điều trị.
Tờ Thời báo Hoàn cầu thì cho rằng, những nỗ lực của chính phủ nhằm ngăn chặn virus bằng cách kéo dài kỳ nghỉ Tết Nguyên đán và buộc các nhà máy phải đóng cửa khiến sản xuất bị chậm lại và phá vỡ chuỗi cung ứng toàn cầu.
Một kịch bản lạc quan nhất, theo CNN, được ông Zhang Ming, chuyên gia về kinh tế Trung Quốc tại Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc, đưa ra tuần này dự đoán rằng nếu dịch bệnh kéo dài đến cuối tháng Ba, tăng trưởng kinh tế nước này sẽ giảm xuống 5% trong quý I.
Còn sớm để dự đoán chính xác?
Nhưng xem ra vẫn còn quá sớm để đánh giá sự tác động của dịch đến mức nào.
Bởi dịch sẽ có nguy cơ gây mất nhiều việc làm và đẩy giá tiêu dùng lên cao, ảnh hưởng có thể vượt ra ngoài những dự báo nói trên.
290 triệu công nhân nhập cư của Trung Quốc sẽ là những người chịu ảnh hưởng nặng nhất. Nhiều người trong họ vốn di cư từ nông thôn lên các thành phố để làm các việc xây dựng, hoặc các công đoạn sản xuất nặng nhọc nhưng lương thấp, hay lao động giản đơn.
Nhưng do nhiều nhà máy đang phải ngừng hoạt động do dịch, hàng triệu công nhân có thể khó tìm việc làm sau Tết Nguyên đán.
Bởi thế, ông Zhang cảnh báo rằng tỷ lệ thất nghiệp ở Trung Quốc có thể đạt mức cao kỷ lục trong những tháng tới, trong khi tỉ lệ ở nước này đã dao động khoảng 4% hoặc 5%.
Virus corona: Tác động đến cơ thể như thế nào?
Virus corona đẩy tâm lý kỳ thị Trung Quốc lên cao
Ông cho biết thêm, virus cũng có thể khiến hàng tiêu dùng đắt đỏ hơn. Trong khi ngân sách đã bị thắt chặt vì nợ công tăng; còn khủng hoảng thịt heo do dịch tả heo châu Phi bùng phát năm ngoái đã khiến giá thịt tăng vọt.
Và giờ, giá rau lại tăng khi mọi người đổ xô đi mua nhu yếu phẩm trong đợt bùng phát virus corona.
Du lịch – ngành kinh tế trị giá tới hàng tỷ đô la chỉ trong dịp Tết Nguyên đán – đã bị ảnh hưởng nặng khi chính phủ quyết cách ly nhiều thành phố lớn và du khách tránh đi du lịch vì sợ nhiễm bệnh.
Các công ty du lịch, khách sạn và hãng hàng không lớn đã đề nghị hoàn tiền lại cho khách đến gần như hết tháng Hai. Nhiều hãng hàng không đã dừng các chuyến bay đi và đến từ Trung Quốc.
Số người chết, nhiễm bệnh do virus corona tiếp tục tăng
Úc đưa người Úc gốc Trung ở Vũ Hán ra đảo cách ly
Nhật ký Vũ Hán: Sống một mình trong thành phố bị phong tỏa
Các nhà chức trách ở Bắc Kinh cam kết hỗ trợ nhiều hơn nhằm trấn an các nhà đầu tư.
Ngân hàng Trung ương Trung Quốc, trong một tuyên bố chung với các cơ quan khác thuộc chính phủ, cho biết là các doanh nghiệp trong khu vực bị ảnh hưởng nặng bởi dịch virus corona, gồm cả những công ty cung cấp vật tư y tế, có thể được giảm lãi suất cho vay.
Các ngân hàng ở Trung Quốc cũng cho biết, họ sẽ gia hạn khoản vay trong vài tháng với người dân ở Vũ Hán nói riêng và tỉnh Hồ Bắc nói chung nếu họ mất nguồn thu nhập.
Ông Zhang cho rằng, thông qua các biện pháp như cắt giảm thuế, đầu tư nhiều hơn cho cơ sở hạ tầng, tạo việc làm… có thể giúp tăng trưởng Trung Quốc phục hồi trong quý II và đẩy GDP hàng năm của nước này tăng khoảng 5,7%, tức thấp hơn mức tăng trưởng 6,1% của năm ngoái.
https://www.bbc.com/vietnamese/world-51353575

Trung Quốc sắp mở bệnh viện khẩn cấp 1.000 giường

để chữa trị virus corona

Trung Quốc chuẩn bị mở cửa bệnh viện Hỏa Thần Sơn với 1.000 giường sau khi được xây dựng trong 8 ngày giữa bối cảnh số người nhiễm virus corona đã lên đến hơn vạn người.
Bệnh viện này là một trong hai cơ sở chuyên dụng được xây dựng “thần tốc” nhằm đối phó với dịch bệnh.
Trung Quốc hiện đã có hơn 17.000 ca nhiễm bệnh và 361 người đã tử vong.
Virus corona đẩy tâm lý kỳ thị Trung Quốc lên cao
Úc đưa người Úc gốc Trung ở Vũ Hán ra đảo cách ly
Virus corona: Tác động đến cơ thể như thế nào?
Hôm Chủ nhật, một người đàn ông chết vì virus corona ở Philippines. Đây là ca tử vong đầu tiên được xác nhận bên ngoài Trung Quốc.
Bệnh nhân là một người đàn ông Trung Quốc 44 tuổi, đến từ TP Vũ Hán, dường như đã bị nhiễm bệnh trước khi đến Philippines.
Nhiều quốc gia đã cấm những người đến từ Trung Quốc và đang cách ly các công dân của họ vừa trở về từ quốc gia này.
Số liệu mới nhất từ ​​Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc hôm thứ Hai tiết lộ rằng, bên cạnh các trường hợp được xác nhận, có:
• 21.558 trường hợp nghi ngờ bị nhiễm bệnh
• 152.700 người trong diện “theo dõi y tế”
• 475 người đã xuất viện
Đã có hơn 150 trường hợp được xác nhận nhiễm virus corona chủng mới bên ngoài Trung Quốc.
Các bệnh viện ở tỉnh Hồ Bắc được cho là quá tải và phải vật lộn để điều trị cho số lượng bệnh nhân ngày càng tăng.
Trong khi đó, nhân viên bệnh viện ở Hong Kong đang chuẩn bị đình công từ thứ Hai nếu như biên giới lãnh thổ với Trung Quốc đại lục không hoàn toàn đóng cửa.
Chính quyền lãnh thổ đã từ chối đóng cửa, trích dẫn các khuyến nghị của Tổ chức Y tế Thế giới về việc sàng lọc kiểm tra tại biên giới thay vì đóng cửa.
Số ca mắc virus corona trên toàn thế giới đã vượt qua cả dịch SARS vốn đã lây lan sang hơn hai chục quốc gia trong năm 2003.
Nhưng tỷ lệ tử vong của virus mới thấp hơn nhiều, cho thấy tỉ lệ gây chết người không nhiều như SARS.
Những gì đã biết về bệnh viện mới?
Truyền thông nhà nước Trung Quốc đưa tin hôm 2/2 rằng, việc xây dựng bệnh viện Hỏa Thần Sơn mới đã hoàn thành, và sẽ mở cửa vào ngày 3/2.
Báo cáo truyền hình địa phương cho biết, 1.400 nhân viên y tế của quân đội Trung Quốc, một số người có kinh nghiệm về các bệnh truyền nhiễm, đã đến Vũ Hán và đã đến khu vực bệnh viện mới.
Một bệnh viện thứ hai tại Lôi Thần Sơn sẽ hoàn thành vào thứ 5/2.
Các bệnh viện khác ở Hồ Bắc thì sao?
Các bệnh viện trong tỉnh Hồ Bắc được báo cáo là thiếu nhân viên và quá tải, vì số lượng nhiễm bệnh tăng mạnh.
Theo Washington Post, một số nhân viên bệnh viện đã phải mặc tã vì không có thời gian đi vệ sinh khi phải điều trị cho bệnh nhân.
Các bệnh viện khác cũng đang đối phó với sự thiếu hụt về vật tư y tế. Bệnh viện trẻ em Vũ Hán đăng trên mạng xã hội rằng: “Nguồn cung cấp y tế đang bị thiếu hụt – xin hãy giúp đỡ!”
Video trên mạng xã hội cho thấy cảnh hàng dài người xếp hàng bên ngoài bệnh viện.
Trong một video, một người đàn ông có giọng Vũ Hán tại một bệnh viện địa phương cho biết, có thể mất “10 giờ” để một bệnh nhân có thể được chữa trị bởi bác sĩ.
Liệu số lượng người nhiễm bệnh có thể cao hơn?
Ước tính của Đại học Hong Kong cho thấy, tổng số trường hợp bị nhiễm virus corona chủng mới có thể cao hơn nhiều so với con số chính thức.
Hơn 75.000 người có thể đã bị nhiễm bệnh ở thành phố Vũ Hán, nơi đang là ổ dịch, các chuyên gia cho biết.
Vũ Hán đang bị phong tỏa và các thành phố lớn khác trên cả nước đã đình chỉ các hoạt động kinh doanh không thiết yếu.
Quốc gia nào đang hạn chế khách đến?
Hoa Kỳ và Úc cho biết, sẽ từ chối nhập cảnh đối với tất cả các du khách nước ngoài gần đây đã đến Trung Quốc, nơi chủng coronavirus 2019-nCov xuất hiện lần đầu tiên vào tháng 12.
Các quốc gia khác bao gồm Nga, Nhật Bản, Pakistan và Indonesia cũng đã công bố hạn chế đi lại.
New Zealand đã công bố hôm 3/2 rằng, họ cũng sẽ chặn những du khách đã đi qua Trung Quốc đại lục.
Vào ngày 2/2, Hàn Quốc cho biết sẽ cấm nhập cảnh với những người nước ngoài gần đây đã đến thăm Hồ Bắc.
Nhật ký Vũ Hán: Sống một mình trong thành phố bị phong tỏa
Virus viêm phổi corona đáng lo ngại tới đâu?
Tại Hoa Kỳ, công dân và cư dân trở về từ Hồ Bắc sẽ bị cách ly trong 14 ngày. Những người trở về từ các vùng khác của Trung Quốc sẽ được phép tự theo dõi tình trạng của mình trong một khoảng thời gian tương tự.
Lầu Năm Góc cho biết họ sẽ cung cấp nhà ở cho 1.000 người có thể cần phải cách ly sau khi nhập cảnh.
Úc cho biết bất kỳ công dân nào của họ đến từ Trung Quốc cũng sẽ bị cách ly trong hai tuần.
Cũng đã có một số cuộc di tản khỏi Trung Quốc khi các chính phủ nước ngoài tìm cách đưa công dân của họ trở lại.
Lệnh cấm đi lại liệu có hiệu quả?
Các quan chức y tế toàn cầu đã phản đối các lệnh cấm.
“Hạn chế đi lại có thể gây ra nhiều tác hại hơn khi cản trở việc chia sẻ thông tin, chuỗi cung ứng y tế và ảnh hưởng đến kinh tế,” người đứng đầu WHO cho biết hôm thứ Sáu.
WHO khuyến nghị việc sàng lọc tại các cửa khẩu biên giới và cảnh báo rằng, đóng cửa biên giới có thể đẩy nhanh sự lây lan của virus, với những người tìm cách vào các quốc gia khác một cách không chính thức.
Trung Quốc cũng đã chỉ trích làn sóng các lệnh hạn chế đi lại, cáo buộc chính phủ nước ngoài bỏ qua khuyến nghị của WHO.
https://www.bbc.com/vietnamese/world-51353047

Diễn tập đánh chiếm Đài Loan:

TQ đang đẩy quan hệ hai bờ Eo biển tới xung đột

Sau khi đưa ra những cảnh báo cứng rắn về khả năng sử dụng vũ lực “thống nhất” với Đài Loan, Trung Quốc lại tiến hành diễn tập đánh chiếm Đài Bắc. Hành động trên của Bắc Kinh chỉ khiến quan hệ hai bờ Eo biển căng thẳng, dễ dẫn đến những xung đột, va chạm ngoài ý muốn.
Truyền thông Trung Quốc mới đây tiết lộ một số ảnh về một hoạt động bị nghi ngờ là diễn tập tấn công ở Đài Loan của quân đội Trung Quốc (PLA). Xuyên suốt các bức ảnh, các nhân tố chính bao gồm huy hiệu Lục quân PLA, Sở chỉ huy hỗn hợp tác chiến đổ bộ đảo phía Nam. Một trong số đó là tấm bản đồ khổng lồ có nội dung “Sơ đồ hành trình tác chiến đổ bộ đảo phía Nam”. Vị trí dường như là vùng biển phía Nam eo biển Đài Loan và xuất hiện hai tuyến hành trình khác nhau từ bờ biển Đại Lục đến phía Nam của đảo Đài Loan. Ngoài ra địa hình của sa bàn điện tử rất giống với phần phía Nam của đảo Đài Loan. Dựa trên điều này, nhiều người dân Trung Quốc Đại lục, sau khi nhìn thấy những bức ảnh này, nghĩ rằng đây là một cuộc diễn tập trên sa bàn được thực hiện bởi “Nhóm tác chiến đổ bộ đảo phía Nam” do PLA thành lập. Tuy nhiên, do không rõ nguồn gốc, người ta chưa thể xác minh được tính xác thực của nó. Nhiều người cho rằng sau khi bà Thái Anh Văn được bầu lại làm người đứng đầu chính quyền Đài Loan và đưa ra lý thuyết chiến tranh đã đụng chạm vào lằn ranh đỏ của Đại Lục, phía Đại Lục tất yếu tiến hành một số hành động đáp trả cứng rắn.
Đáng chú ý, trong thời điểm Đài Loan tổ chức bầu cử Tổng thống (11/1/2020), nhiều đơn vị quân đội Trung Quốc cũng đồng loạt tổ chức “diễn tập” quân sự. Theo đó, đơn vị không quân Tập đoàn quân 73 của Chiến khu miền Đông PLA đã ban hành lệnh huấn luyện “khai chiến” vào đúng ngày 11/1. Chiến khu miền Đông tuyên bố rằng “việc huấn luyện bắt đầu ngay lập tức với khói lửa mù mịt”. Các bức ảnh cuộc huấn luyện được công bố cho thấy lữ đoàn này được trang bị máy bay tấn công vũ trang Zh-10 và máy bay trực thăng vận tải Mi-17. Ngoài ra, các sĩ quan chỉ huy Lữ đoàn Hàng không này cũng tiến hành diễn tập bắn ném. Ngoài ra, Hạm đội Đông Hải cũng ra thông báo rằng một chi đội tàu khu trục cũng thực hiện cuộc tập trận chiến đấu trên biển cường độ cao “5 ngày 4 đêm” tại một vùng biển nhất định. Mặc dù việc huấn luyện và tập trận là những hành động thường lệ, nhưng thời gian được chọn cho việc huấn luyện của lữ đoàn hàng không Tập đoàn quân 73 và cuộc tập trận của Hạm đội Đông Hải trùng với ngày diễn ra cuộc bầu cử Đài Loan năm 2020 cho thấy quyết tâm “thống nhất” hai bờ Eo biển của Trung Quốc.
Trước đây, Trung Quốc cũng từng tiến hành diễn tập đổ bố đánh chiếm Đài Loan vào những thời điểm nhạy cảm. Tháng 6/2018, đơn vị Phòng không, Tập đoàn quân 73 thuộc Chiến khu miền Đông của PLA đã tiến hành các cuộc tập trận ở Bắc Thìn Sơn, Hạ Môn và trong bối cảnh của sở chỉ huy tập trận đã xuất hiện hai tấm bản đồ của Đài Loan liên quan. Hai bản đồ này, một là bản đồ triển khai các điểm trọng yếu ở khu vực Kim Môn; tấm bản đồ kia là bản đồ các trạm radar và sân bay quân sự trên đảo Đài Loan. Tên của các sân bay bao gồm Tân Trúc, Thanh Tuyền Cương, Gia Nghĩa, Đài Nam, Cao Hùng, Bình Đông, Đài Đông, Hoa Liên, Giai Sơn. Ngoài ra, năm 2008, Trung Quốc cũng ban bố tình huống chuẩn bị chiến đấu khẩn cấp cho tình hình ở Eo biển Đài Loan, yêu cầu “Ngoài chùng trong căng” và ra lệnh cho tất cả các tàu đang sửa chữa phải rời khỏi nhà máy đợi lệnh vào cuối năm 2007. Tuy nhiên, do rò rỉ kế hoạch chiến đấu, cùng với sự nắm quyền của Mã Anh Cửu (Ma Ying-jeou) tại Đài Loan, nên kế hoạch tấn công Đài Loan một lần nữa bị dừng lại.
Tuy nhiên, giới chuyên gia nhận định, Trung Quốc sẽ không dễ dàng “nuốt trôi” Đài Loan. Phó Giáo sư Michael Beckley, Đại học Tufts của Mỹ, cho rằng lực lượng phòng vệ Đài Loan có thể đẩy lùi hoàn toàn các cuộc tấn công của Trung Quốc bằng chiến lược chống xâm nhập/chống tiếp cận khu vực (A2/AD) với sự hỗ trợ tối thiểu của Mỹ. Với sự hậu thuẫn của Mỹ, Đài Loan gần đây đang tăng cường nỗ lực nhằm cân bằng sức mạnh quân sự ở Đông Á. Cán cân sức mạnh này sẽ ổn định trong vài năm tới, vì Trung Quốc chưa đủ khả năng triển khai sức mạnh cần thiết để áp đảo năng lực A2/AD của Đài Loan. Chiến lược A2/AD thường được Trung Quốc sử dụng để ngăn Mỹ can thiệp vào mọi cuộc xung đột khu vực hoặc khiến Mỹ trả giá đắt nếu tham chiến. Tuy nhiên, Washington và các đồng minh châu Á cũng có thể áp dụng trở lại chiến lược này để đối phó Trung Quốc. Theo đó, thay vì tìm cách chiếm
ưu thế trên không và trên biển theo chiến thuật truyền thống, lực lượng phòng vệ Đài Loan có thể áp dụng các biện pháp để phong tỏa vùng trời, vùng biển trước các lực lượng đổ bộ của Trung Quốc. Để tấn công được Đài Loan, quân đội Trung Quốc sẽ phải tiến hành chiến dịch cơ động lực lượng vượt qua eo biển và đổ bộ lên các đảo nhỏ vòng ngoài trước khi tiến tới đảo chính. Đây sẽ là thách thức rất lớn với quân đội Trung Quốc, bởi hoạt động đổ bộ từ biển luôn là hình thức tác chiến khó khăn nhất. Lực lượng tấn công của Trung Quốc sẽ rất dễ bị các loại vũ khí dẫn đường chính xác của Đài Loan tập kích khi đang cơ động vượt eo biển. Do đó, để chiến dịch thành công, Bắc Kinh sẽ phải hoàn toàn chiếm ưu thế trên không và kiểm soát vùng biển trong khu vực. Nếu Đài Loan sở hữu các vũ khí diệt hạm và phòng không uy lực mạnh, Trung Quốc sẽ không thể thực hành tấn công đổ bộ do những vũ khí này có thể tiêu diệt tàu đổ bộ khi chúng di chuyển qua eo biển.
Để có thể phá hủy năng lực phòng thủ của Đài Loan và đảm bảo chiến dịch đổ bộ thành công, Trung Quốc phải giữ được yếu tố bất ngờ về thời điểm tấn công và đồng loạt phóng nhiều tên lửa vượt eo biển để tiêu diệt các tổ hợp phòng không, diệt hạm hay sân bay quân sự của đối phương. Tuy nhiên, nếu được cảnh báo trước về cuộc tấn công, Đài Loan có thể phân tán chiến đấu cơ đến 36 sân bay quân sự trên hòn đảo, chưa kể một loạt sân bay dân sự và đường cao tốc cũng có thể được sử dụng trong trường hợp khẩn cấp. Đài Loan cũng có các bệ phóng tên lửa di động và vũ khí phòng không cũng như tàu chiến và tàu ngầm đối phó đòn phủ đầu bằng tên lửa của Trung Quốc. Trung Quốc hầu như không thể loại bỏ toàn bộ hệ thống phòng thủ của đối phương trong đòn tấn công phủ đầu, bởi Đài Loan hiện sở hữu các hệ thống cảnh báo sớm tối tân.
Ngoài ra, Quân đội Trung Quốc vốn chưa từng tham gia cuộc chiến lớn nào trong ba thập kỷ qua cũng không thể đảm bảo được rằng sẽ thành công trong chiến dịch tấn công đổ bộ vào Đài Loan. Chỉ 10% bờ biển Đài Loan thích hợp cho hoạt động đổ bộ, nên nếu tập trung lực lượng phòng thủ ở một số khu vực trọng yếu, Đài Loan hoàn toàn có thể áp đảo lực lượng đổ bộ Trung Quốc. Trong chiến lược phòng thủ kiểu A2/AD này, Mỹ không cần triển khai tàu sâu bay hay tiêm kích tới eo biển Đài Loan để hỗ trợ đồng minh và hứng chịu rủi ro  lớn về con người và vũ  khí. Quân đội Mỹ có thể sử dụng năng lực trinh sát, do thám và cảnh báo tầm xa của mình để cung cấp thông tin về hoạt động điều chuyển lực lượng của Trung Quốc, cũng như dữ liệu mục tiêu để lực lượng phòng vệ Đài Loan có thể phong tỏa vùng biển, vùng trời xung quanh hòn đảo. Trong trường hợp cần thiết, Mỹ có thể dùng các loại máy bay tàng hình tối tân như oanh tạc cơ B2, tiêm kích F-35 hoặc tàu ngầm lớp Ohio để tấn công các lực lượng đổ bộ của Trung Quốc tại bờ biển Đài Loan, giúp đồng minh đẩy lùi cuộc tấn công quy mô lớn.
Theo nhà bình luận quân sự Denny Roy, khi phát động chiến dịch đổ bộ nhằm tấn công Đài Loan, quân đội Trung Quốc sẽ phải đối mặt với thách thức đầu tiên là các hệ thống phòng thủ bờ biển của hòn đảo. Các tàu đổ bộ vốn di chuyển chậm chạp của Trung Quốc khi vượt qua eo biển rộng 160 km sẽ trở thành mục tiêu cho các loại tên lửa đất đối hải của Đài Loan. Trung Quốc chỉ có khả năng vận chuyển khoảng vài chục nghìn quân cho mỗi lần đổ bộ. Phần lớn số binh sĩ này sẽ không qua được eo biển và số còn lại sẽ phải đối mặt với lực lượng áp đảo gồm 180.000 lính chính quy và 1,5 triệu quân dự bị của Đài Loan. Để giảm thiểu rủi ro, quân đội Trung Quốc có thể không ngay lập tức đổ bộ trực tiếp vào Đài Loan, mà sẽ đột kích chiếm các đảo nhỏ xung quanh, tiến hành phong tỏa hải cảng, sân bay, tấn công hệ thống thông tin liên lạc trước khi trút tên lửa xuống hòn đảo. Tuy nhiên, một chiến dịch quân sự kéo dài sẽ gia tăng khả năng Mỹ có biện pháp can thiệp để bảo vệ Đài Loan. Nếu Washington quyết định can thiệp, máy bay chiến đấu Mỹ từ các căn cứ trong khu vực chỉ mất vài giờ để vận chuyển lực lượng tiếp viện, khí tài đến Đài Loan. Trung Quốc có thể phóng tên lửa phá hủy các đường băng ở Đài Loan để ngăn cản tạm thời các chiến đấu cơ Mỹ hạ cánh xuống hòn đảo, nhưng điều này sẽ làm giảm số lượng tên lửa tấn công Đài Loan. Việc máy bay Mỹ bị tấn công cũng tăng nguy cơ khiến các đồng minh của Mỹ trong khu vực như Nhật Bản tham chiến. Denny Roy nhận định một trong những yếu tố quan trọng nhất quyết định đến sự thành công trong hành động quân sự của Trung Quốc đối với Đài Loan là phản ứng của Mỹ. Chính phủ Mỹ cho đến nay luôn có những biện pháp hỗ trợ Đài Loan nâng cao khả năng phòng thủ và ngăn chặn một đợt tấn công từ Bắc Kinh.
http://biendong.net/bien-dong/32753-dien-tap-danh-chiem-dai-loan-tq-dang-day-quan-he-hai-bo-eo-bien-toi-xung-dot.html

46 năm TQ sử dụng vũ lực đánh chiếm

quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam

Ngày 19/1/1974, Trung Quốc đưa quân cưỡng chiếm toàn bộ quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam sau khi đã chiếm cụm phía đông hồi thập niên 1950. Từ đó đến nay, nước này liên tục ngang ngược tiến hành hàng loạt biện pháp nhằm củng cố hiện diện dân sự lẫn quân sự phi pháp tại Hoàng Sa, nhất là trong những năm gần đây, bất chấp sự phản đối quyết liệt của Việt Nam và làn sóng lên án từ cộng đồng quốc tế.
Hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa đã được nhà nước Việt Nam xác lập và thực thi chủ quyền liên tục qua các thời kỳ. Đại Việt là nhà nước đầu tiên trong lịch sử Biển Đông đã chiếm hữu các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Trong hơn ba thế kỷ dưới thời chúa Nguyễn (từ năm 1558 -1775), vương triều Tây Sơn (1788 – 1802), vương triều Nguyễn (từ năm 1802 đến Hoà ước Patenôtre 1884 xác lập quyền bảo hộ của Pháp), các nhà nước Việt Nam đã thực thi chủ quyền của Việt Nam ở quần đảo Hoàng Sa cũng như Trường Sa trên Biển Đông. Chúng ta có đầy đủ căn cứ pháp lý và lịch sử khẳng định việc chiếm hữu và thực thi chủ quyền đó là thực sự, rõ ràng, hoà bình và liên tục. Nhưng đã từ lâu, Trung Quốc có tham vọng tiến về phía Nam, độc chiếm Biển Đông để vươn lên thực hiện “giấc mộng Trung Hoa”.
Hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam là mục tiêu trong chiến lược ấy. Nên chính quyền Trung Quốc qua nhiều thời kỳ đã toan tính kỹ lưỡng, chờ thời cơ thuận lợi để cưỡng chiếm hai quần đảo này. Hải đội Hoàng Sa đã được thành lập trước năm Tân Mùi (1631), dưới thời chúa Nguyễn Phúc Nguyên (1613-1635) – vị chúa thứ hai của nhà Nguyễn ở Đàng Trong. Ngoài đội Hoàng Sa còn có đội Bắc Hải (thành lập khoảng cuối thế kỷ XVII) hoạt động ở phía Nam của Biển Đông. Đội Hoàng Sa kiêm quản đội Bắc Hải, người chỉ huy là một chức quan lớn, có người được phong đến tước hầu, như các cai đội Thuyên Đức Hầu, Phú Nhuận Hầu.
Năm 1909, Tổng đốc Lưỡng Quảng phái một số thuyền chiến ra quần đảo Hoàng Sa bắn mấy loạt đạn, đổ bộ lên một số đảo nhưng phải rút ngay vì khi đó người Pháp đang bảo hộ Đông Dương. Từ đó, chính quyền Trung Quốc luôn nuôi tham vọng đánh chiếm Hoàng Sa, Trường Sa. Năm 1925, chính quyền miền Nam Trung Quốc tuyên bố sáp nhập Hoàng Sa vào đảo Hải Nam khiến dư luận Việt Nam phản ứng dữ dội. Chính quyền thuộc địa Pháp ở Đông Dương quyết định cử tàu chiến đến Hoàng Sa cắm mốc, bia chủ quyền.
Sau khi Nhật đầu hàng Đồng Minh, năm 1946, lợi dụng danh nghĩa giải giáp quân Nhật ở Việt Nam, Trung Hoa quốc dân đảng của Tưởng Giới Thạch đã đem quân chiếm giữ đảo Phú Lâm (quần đảo Hoàng Sa) và đảo Ba Bình (quần đảo Trường Sa). Tuy nhiên sau đó, quân Tưởng phải rút về. Năm 1956, hai năm sau khi hiệp định Geneve được ký kết, Việt Nam bước vào buổi giao thời với nhiều biến động. Pháp bắt đầu rút quân khỏi Đông Dương. Cả nước tạm thời phân chia thành hai miền quân quản từ vĩ tuyến 17. Quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa ở dưới vỹ tuyến 17 nên thuộc quản lý của Quốc gia Việt Nam và sau này là Việt Nam Cộng hoà. Nhưng khi đó, lực lượng quân đồn trú bảo vệ đảo chưa có nhiều. Trung Quốc chớp thời cơ, đưa quân đánh chiếm nhóm An Vĩnh phía Đông Hoàng Sa. Năm 1959, Trung Quốc cho quân đóng giả ngư dân đánh cá tiến ra chiếm nhóm đảo Lưỡi Liềm phía Tây Hoàng Sa, nhưng bị quân đội Việt Nam Cộng hoà phát hiện, bắt hơn 80 người, đưa về Đà Nẵng giam giữ.
Tuy nhiên chính quyền Trung Quốc không từ bỏ tham vọng chiếm đóng toàn bộ Hoàng Sa. Năm 1972, tổng thống Mỹ Nixon thăm Trung Quốc, hai nước đạt được nhiều thoả thuận. Sau hiệp định Paris năm 1973, chính quyền Việt Nam Cộng hoà bắt đầu suy yếu vì Mỹ cắt viện trợ, rút quân về nước. Từ ngày 17 đến 20/1/1974, Trung Quốc một lần nữa tận dụng thời cơ đưa quân chiếm đóng nhóm đảo phía Tây Hoàng Sa do chính quyền Việt Nam Cộng Hoà quản lý, chiếm đoạt toàn bộ quần đảo Hoàng Sa.
Khi quân đội Trung Quốc có hành động cưỡng chiếm, Bộ Tư lệnh Hải quân Việt Nam Cộng Hoà đã điều tàu chiến và binh lính ra bảo vệ Hoàng Sa. Những người lính ấy đã chiến đấu anh dũng đến giọt máu cuối cùng để bảo vệ đảo, là hình ảnh lay động tâm thức của nhiều người Việt suốt mấy chục năm qua. Sau trận hải chiến, Chính phủ Việt Nam Cộng hoà đã lập tức có nhiều hành động như loan tin cho toàn dân biết, xuống đường biểu tình, tổ chức họp báo, gửi thư đến Liên Hợp Quốc, kêu gọi các nước lên án hành động xâm lược bằng vũ lực của Trung Quốc.
Ngày 19/1/1974, Bộ ngoại giao chính quyền Việt Nam Cộng Hoà ra tuyên cáo kêu gọi thế giới lên án hành động của Trung Quốc tại Hoàng Sa và buộc Trung Quốc chấm dứt ngay hành động đó. Chính quyền Sài Gòn cũng yêu cầu Chủ tịch Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc xem xét hành động xâm phạm chủ quyền lãnh thổ của Việt Nam tại Hoàng Sa. Cũng trong thời gian này, Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hoà miền Nam Việt Nam ra tuyên bố khẳng định chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ là những vấn đề thiêng liêng và bất khả xâm phạm. Những hành động này một lần nữa chứng minh rằng, từ khi đất
nước còn chia cắt đến khi thống nhất, nhà nước Việt Nam luôn thực thi liên tục chủ quyền quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa.
Trong những năm gần đây, Trung Quốc liên tục gia tăng các hoạt động phi pháp ở quần đảo Hoàng Sa nhằm khẳng định cái gọi là “chủ quyền” trên Biển Đông. Bắc Kinh từ năm 2005 đã tiến hành xây dựng bia chủ quyền phi pháp tại một số điểm trên quần đảo này. Đến năm 2007, Quốc vụ viện Trung Quốc ngang ngược phê chuẩn thành lập cái gọi là “Thành phố Tam Sa” thuộc tỉnh Hải Nam để đơn phương áp đặt quản lý quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam. Từ cuối tháng 5/2010, Trung Quốc đưa tàu khảo sát M/V Western Spirit cùng nhiều tàu bảo vệ tiến hành khảo sát địa chấn tại khu vực đảo Tri Tôn và tại các lô dầu khí 141, 142 và 143 trên thềm lục địa Việt Nam, cách đảo Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi khoảng 90 – 116 hải lý. Nước này còn tiến hành san lấp, mở rộng đảo Tri Tôn để xây dựng công trình phi pháp. Song song đó, các hoạt động quân sự được tăng cường từ tháng 2/2011 khi Hạm đội Nam Hải diễn tập phòng ngự tại Hoàng Sa, theo Đài phát thanh quốc tế Trung Quốc (CRI). Cũng trong năm này, Cục Hải dương nhà nước Trung Quốc công bố “Báo cáo phát triển hải dương Trung Quốc năm 2011”, trong đó đơn phương tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc đối với Biển Đông và 2 quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam, in một số bản đồ có vẽ “đường lưỡi bò” chiếm đến 80% diện tích Biển Đông, đồng thời nêu kế hoạch triển khai tự thăm dò, khai thác dầu khí ở khu vực quần đảo Trường Sa và mở tuyến du lịch ra quần đảo Hoàng Sa.
Sự ngang ngược của Bắc Kinh lại lấn thêm một bước lớn vào năm 2012 khi giới chức tỉnh Hải Nam thông báo kế hoạch tăng tốc xây dựng cơ sở hạ tầng cái gọi là “Thành phố Tam Sa” tại đảo Phú Lâm. Đến tháng 12/.2012, Trung Quốc thông báo xây các trạm giám sát biển và khởi công dự án mở rộng 2 con đường ở đảo Phú Lâm để kết nối với bến tàu, các đơn vị dân sự và quân sự đồn trú trái phép tại đây. Song song đó, biên đội tàu hộ vệ của Trung Quốc tiến hành huấn luyện bắn đạn thật ở vùng biển thuộc quần đảo Hoàng Sa và Tổng công ty dầu khí hải dương Trung Quốc (CNOOC) ngang nhiên mời thầu dầu khí 19 lô ở khu vực phía bắc Biển Đông, trong đó có lô 65/24 cách đảo Cây thuộc Hoàng Sa khoảng 1 hải lý. Cũng trong năm 2012, tàu du lịch Coconut Princess của Công ty cổ phần vận tải biển Hải Hiệp Hải Nam bắt đầu thực hiện hành trình thử nghiệm tuyến du lịch đường biển từ Tam Á (Hải Nam) đến đảo Đá Bắc ở Hoàng Sa. Ngày 29/9/2012, giới chức Trung Quốc phác thảo kế hoạch phát triển cho 4 dự án cơ sở hạ tầng ở đảo Phú Lâm. Các dự án bao gồm tu sửa và xây mới 7 con đường với tổng chiều dài 5 km, xây dựng cơ sở tách muối để lọc nước biển có công suất 1.000 m3 mỗi ngày và hệ thống cấp thoát nước cùng bến tàu, mạng lưới vận tải trên đảo Phú Lâm. Tháng 7/2018, truyền thông Trung Quốc dẫn văn bản của Cục Hải dương và Ngư nghiệp Hải Nam ngang nhiên kêu gọi “mọi tổ chức hay cá nhân” đăng ký tham gia “phát triển du lịch và xây dựng” những đảo không người ở tại các khu vực mà nước này chiếm đóng phi pháp trên Biển Đông. Kế hoạch này bước đầu chủ yếu nhằm vào Hoàng Sa, nơi vẫn còn hàng trăm thực thể chưa có người ở. Rõ ràng, Trung Quốc đang tiến hành bước tiếp theo để thể hiện cái gọi là “chủ quyền” tại những địa điểm chiếm đóng phi pháp thông qua dân sự.
Bên cạnh các kế hoạch phát triển dân sự ngang ngược, Trung Quốc tiếp tục tiến hành tập trận và nhiều lần đưa tàu hải giám, trực thăng đến tuần tra phi pháp ở Biển Đông trước khi đưa giàn khoan Hải Dương 981 đến Hoàng Sa. Vụ việc bắt đầu từ ngày 1/5/2014 và kéo dài suốt 2 tháng rưỡi khiến tình hình khu vực vô cùng căng thẳng. Trung Quốc thậm chí huy động hơn 120 tàu thuyền ngang ngược đâm va tàu của Việt Nam đến khẳng định chủ quyền và kêu gọi Bắc Kinh dừng các hành động phi pháp xâm phạm lãnh hải. Cũng trong thời gian này, Trung Quốc gấp rút tiến hành kế hoạch xây dựng phi pháp ở Hoàng Sa, bao gồm hải đăng trên đảo Đá Bắc, Đá Hải Sâm, Cồn cát Nam, Duy Mộng và Hòn Tháp. Đến tháng 10, đường băng quân sự dài 2 km trên đảo Phú Lâm được xây dựng hoàn tất. Đường băng cùng các cơ sở hạ tầng tiếp tục được cải tạo và đến tháng 2/2016, ảnh chụp từ vệ tinh của trung tâm ImageSat (ISI) cho thấy Trung Quốc đã triển khai trái phép 2 hệ thống tên lửa đất đối không với 8 giàn phóng và một radar tại đảo Phú Lâm. Đài Fox News dẫn lời một quan chức Mỹ cho rằng đây là hệ thống tên lửa phòng không HQ-9, tương tự loại S-300 của Nga với tầm bắn lên đến 201 km, có thể là mối đe dọa cho bất cứ máy bay quân sự hoặc dân sự nào bay gần đó. Chưa hết, Bắc Kinh còn triển khai gần 10 máy bay chiến đấu gồm tiêm kích J-11 và máy bay chiến đấu ném bom JH-7 cùng máy bay không người lái trinh sát tầm xa Harbin BZK-005 đến đảo này.
Theo Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS, Mỹ), đến năm 2017, Trung Quốc đã nâng cấp hàng loạt cơ sở quân sự phi pháp trên 8 đảo ở Hoàng Sa gồm đảo Cây, Phú Lâm, Lin Côn, Tri Tôn, Quang Ảnh, Quang Hòa, Hoàng Sa và Duy Mộng. Hình ảnh vệ tinh cho thấy 3 trong số 8 đảo (đảo Cây, Phú Lâm và Quang Hòa) hiện có những cảng có thể tiếp nhận một số lượng lớn các tàu dân sự và hải
quân. Năm đảo có sân bay trực thăng, đảo Quang Hòa có một căn cứ trực thăng và đảo Phú Lâm có đường băng, nhà chứa máy bay và các dàn tên lửa đất đối không HQ-9.
Trong năm 2018, Trung Quốc tiếp tục tiến hành nhiều cuộc tập trận tại Hoàng Sa, bao gồm diễn tập của oanh tạc cơ H-6K và tập trận bắn đạn thật vào tháng 5. Tờ PLA Daily còn ngang nhiên đưa tin một số tàu hải cảnh và tàu hải quân nước này lần đầu tiên tuần tra chung tại vùng biển xung quanh Hoàng Sa. Tháng 11/2018, chương trình Sáng kiến minh bạch hàng hải châu Á (AMTI) chia sẻ hình ảnh chụp từ vệ tinh cho thấy Trung Quốc tiếp tục hành vi phi pháp ở Biển Đông khi xây dựng cấu trúc trái phép nghi phục vụ mục đích quân sự, được giấu dưới mái che radar trên Đá Bông Bay tại Hoàng Sa.
Nhìn chung, Trung Quốc sử dụng vũ lực chiếm đóng trái phép quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam là hành động vi phạm nghiêm trọng các quy định của luật pháp quốc tế. Bắc Kinh bất chấp tất cả, tìm mọi cách xâm chiếm lãnh thổ, lãnh hải của Việt Nam để phục vụ âm mưu bá quyền, từng bước độc chiếm Biển Đông. Hành động trên của Trung Quốc là không thể chấp nhận được, Bắc Kinh cần chấm dứt ngay lập tức và trao trả quần đảo Hoàng Sa cho Việt Nam.
http://biendong.net/bien-dong/32749-46-nam-tq-su-dung-vu-luc-danh-chiem-quan-dao-hoang-sa-cua-viet-nam.html

Mỹ đề nghị giúp chống dịch corona, TQ vẫn chưa nhận lời

Cố vấn An ninh quốc gia Mỹ Robert O’Brien cho biết Trung Quốc minh bạch hơn thông tin về virus corona nhưng vẫn chưa chấp nhận lời đề nghị giúp đỡ của Mỹ để ngăn chặn dịch bệnh.
“Đến nay, Trung Quốc minh bạch hơn so với các cuộc khủng hoảng trong quá khứ và chúng tôi đánh giá cao điều đó”, Robert O’Brien nói trong một cuộc phỏng vấn với CBS hôm 2/2.
Tuy nhiên, Bắc Kinh vẫn chưa đáp ứng lời đề nghị giúp đỡ của Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh liên bang (CDC) và các chuyên gia y tế khác từ Mỹ.
“Chúng tôi chưa nhận được phản hồi nào từ phía Trung Quốc về những lời đề nghị đó nhưng chúng tôi đã sẵn sàng tiếp tục hợp tác với họ”, Robert O’Brien nói.
“Chúng tôi có chuyên môn rất cao. Đây là một mối quan tâm trên toàn thế giới. Chúng tôi muốn giúp đỡ các đồng nghiệp Trung Quốc nếu có thể và chúng tôi đã đưa ra lời đề nghị và chúng tôi sẽ chờ xem họ có chấp nhận đề nghị này không”, Robert O’Brien cho hay.
Trong khi Mỹ chưa được mời vào Trung Quốc, các quan chức CDC đang ở láng giềng Kazakhstan để giúp bảo vệ chống lại sự lây lan của virus, Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ Mike Pompeo cho biết hôm 2/2 trong chuyến thăm tới dây.
“Kazakhstan có biên giới dài với Trung Quốc”, ông Pompeo nói trong một cuộc phỏng vấn với một nhà báo người Kazakhstan. “Và chúng tôi đã đưa nhân viên từ Trung tâm kiểm soát dịch bệnh Mỹ đến đây, giúp Kazakhstan giải quyết vấn đề này để Kazakhstan không có một ổ dịch lớn”.
Bộ trưởng Bộ Y tế và Dịch vụ Nhân sinh Mỹ Alex Azar tiết lộ trong cuộc họp báo hôm 29/1, cho biết Washington 3 lần đề nghị Trung Quốc để Mỹ gửi chuyên gia về bệnh truyền nhiễm tới giúp đối phó với dịch cúm corona nhưng đều bị Bắc Kinh từ chối. Theo ông Azar, lời đề nghị đầu tiên được đưa ra vào ngày 6/1, tức là gần 1 tuần sau khi Vũ Hán xác nhận ca nhiễm bệnh đầu tiên.
Tuy nhiên, gần đây Bắc Kinh đã đồng ý để Tổ chức Y tế Thế giới cử chuyên gia quốc tế đến Trung Quốc để hỗ trợ nghiên cứu và ngăn chặn sự bùng phát của virus corona.
Tính đến sáng 3/2, Trung Quốc báo cáo 57 ca thiệt mạng mới, nâng tổng số người chết vì bệnh hô hấp cấp do virus corona chủng mới gây ra trên toàn thế giới là 362 người.
http://biendong.net/bi-n-nong/32-sukien/32747-my-de-nghi-giup-chong-dich-corona-tq-van-chua-nhan-loi.html

Báo TQ cảnh báo tính không chắc chắn

sau thỏa thuận thương mại với Mỹ

Báo chí Trung Quốc hôm nay 16.1 ca ngợi thỏa thuận thương mại giai đoạn một với Mỹ, nhưng cảnh báo vẫn còn những điều không chắc chắn có thể làm tổn hại quan hệ song phương.
Ngày 15.1, tại Nhà Trắng, Tổng thống Mỹ Donald Trump và Phó thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc ký thỏa thuận thương mại giai đoạn 1, giúp hạ nhiệt cuộc chiến tranh thương mại giữa hai bên kéo dài gần 2 năm qua.
Phản ứng về sự kiện này, Hoàn Cầu thời báo mô tả thỏa thuận mới đạt được là thỏa thuận “đấu tranh gian nan mới có được” nên cả hai cần quý trọng.
Tờ China Daily thì viết “với việc ký thỏa thuận, bây giờ có hy vọng tình trạng hạ nhiệt căng thẳng sẽ dẫn tới hòa bình lâu dài”.
Còn Nhân dân nhật báo gọi thỏa thuận là “điểm khởi đầu mới” cho quan hệ Mỹ-Trung, và Đài truyền hình trung ương Trung Quốc (CCTV) khẳng định thỏa thuận là lợi ích chung của hai bên.
Mặt khác, báo chí Trung Quốc cũng cảnh báo nước này nên chuẩn bị cho những xung đột tương lai với Mỹ. Tờ China Daily cho rằng có “nhận thức rõ” rằng nếu thỏa thuận sụp đổ, điều này sẽ gây tổn hại cho giai đoạn kế tiếp của thỏa thuận và đưa căng thẳng trở lại.
“Một thỏa thuận tạm thời đạt được trong lúc các quan hệ chiến lược Mỹ-Trung rõ ràng đang xuống dốc thì liệu có hiệu quả hay không? Nó sẽ được thay thế bằng những xung đột mới hay tiến triển xa hơn khi các cuộc đàm phán tiếp tục?”, Hoàn Cầu thời báo đặt câu hỏi và cảnh báo: “Điều không chắc chắn lớn vẫn còn”.
http://biendong.net/goc-nhin-moi/32746-bao-tq-canh-bao-tinh-khong-chac-chan-sau-thoa-thuan-thuong-mai-voi-my.html

Sáng kiến ‘Vành đai con đường’ của Trung Quốc

gây nhiều tranh cãi

Theo tin ngày 01/02 của trang Thebl, sáng kiến “Vành đai con đường” của Trung Quốc ngay từ khi bắt đầu đã gặp phải nhiều vấn đề gây tranh cãi, các nước tham gia sáng kiến có nguy cơ mắc nợ rất cao.
Sáng kiến “Vành đai, con đường” do Tập Cận Bình đề xuất được bắt đầu từ năm 2013. Đây là một trong những đề xuất tham vọng nhất của Trung Quốc, một chiến lược khổng lồ, không chỉ trong lĩnh vực kinh tế mà còn cả văn hóa xã hội. Sáng kiến  này nhằm kết nối Trung Quốc với phần lớn châu Á, châu Phi, Trung Đông và châu Âu.
Theo một báo cáo của Trung tâm Phát triển Toàn cầu có trụ sở tại Washington, 23 trong số 68 quốc gia mà Trung Quốc đang đầu tư đã chứng kiến ​​nền kinh tế của họ bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi dự án lớn bắt đầu vào năm 2013.
Các quốc gia trong khu vực châu Á và một số quốc gia có chung biên giới đã bất mãn về các dự án, điều đó làm chậm tiến trình phát triển của sáng kiến.
Ví dụ, tháng 8/2018, Thủ tướng Malaysia Mahathir Mohamad đã hủy hơn 20 tỷ đô la cho các dự án đường sắt và đường ống trong sáng kiến “Vành đai và Con đường”.
Pakistan quyết định hủy dự án 14 tỷ đô la cho dự án xây đập, sau đó tiếp tục cắt thêm 2 tỷ đô la từ kế hoạch cho đường sắt.
Tạp chí Forbes đã chỉ ra, gần 7 năm sau khi các dự án lớn trong sáng kiến “Vành đai và Con đường” bắt đầu, sự chậm trễ, vấn đề tài chính, “bẫy nợ” , sự bùng nổ của tâm lý tiêu cực dẫn đến một triển vọng ngày càng không chắc chắn.
Cũng theo tạp chí Forbes, kể từ khi Trung Quốc bắt đầu tiếp cận các dự án quốc tế, Tập Cận Bình đã hợp tác với cựu Tổng thống Sri Lanka Mahinda Rajapaksa, người hiện đang phải đối mặt với cáo buộc bất thường về tài chính liên quan đến việc xây dựng một loạt các dự án lớn ở Hambantota. Bắt đầu bằng việc xây dựng một cảng nước sâu mới, sân bay, sân vận động, trung tâm hội nghị khổng lồ và hàng trăm dặm đường mới, đã dẫn đến Sri Lanka kết thúc trong nợ nần, cuối cùng Trung Quốc đã chiếm 70% cổ phần cảng biển sâu tại Hambantota trong 99 năm  với giá 1,12 tỷ USD. Mặc dù lúc đầu đây dường như là một sự hoán đổi nợ bằng vốn, nhưng sau đó có tin Sri Lanka thực sự sử dụng tiền để tăng dự trữ ngoại hối và thực hiện một số khoản trả nợ nước ngoài khác để tự cứu mình khỏi sự sụp đổ kinh tế.
Forbes đã chỉ ra, tình hình ở khu vực Hambantota khiến các chiến lược tài chính của chính quyền Trung Quốc trở nên nổi tiếng là ngoại giao “bẫy nợ”. Các dự án lớn của “Vành đai và Con đường” bị Bangladesh, Malaysia, Myanmar và Sierra Leone từ chối hoặc hạn chế.
Theo Nikkei Asian Review tháng 11/2018, chính quyền Tổng thống Rodrigo Duterte đã tạm gác các dự án  cơ sở hạ tầng mà họ cho là không khả thi, bao gồm ít nhất 2 thỏa thuận lớn do Trung Quốc tài trợ.
Ông Jonathan Hillman thuộc Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc tế cho biết, khi các công ty Trung Quốc tiến sâu hơn vào các thị trường mới nổi, thực thi không đầy đủ và thực tế kinh doanh kém đang biến “Vành đai con đường” thành một vấn đề toàn cầu.
Một danh sách dài các công ty Trung Quốc đã được gỡ bỏ từ Ngân hàng Thế giới và các ngân hàng phát triển đa phương khác do gian lận,  tham nhũng, lạm phát chi phí, hối lộ, ông Jonathan nói thêm.
Forbes lưu ý rằng sáng kiến ​​”Vành đai và Con đường” đã mất đi sự hỗ trợ do các vụ bê bối, bẫy nợ và các dự án thất bại xuất hiện trong những năm gần đây.
Phát biểu trước chuyến thăm tới  Myanmar gần đây nhất của Tập Cận Bình, Thứ trưởng Bộ Thương mại Myanmar cho biết, Trung Quốc đang tìm cách ký các thỏa thuận liên quan đến Đặc khu kinh tế Kyaukphyu và cảng trị giá 1,3 tỷ USD ở Rakhine.
Một cuộc đàn áp quân sự tàn bạo vào năm 2017 đã khiến hơn 700.000 người Rohingyas, bang Rakhine phải chạy trốn qua biên giới vào Bangladesh. Một tuyên bố được đưa ra bởi Cao ủy Nhân quyền Liên Hợp Quốc rằng gần 600.000 người Rohingyas vẫn có nguy cơ bị đàn áp nghiêm trọng.
Nicholas Bequelin, giám đốc khu vực của Tổ chức Ân xá Quốc tế, bày tỏ lo ngại về vai trò của chính quyền Trung Quốc liên quan đến cuộc khủng hoảng nhân quyền ở Myanmar. Trung Quốc phải ngừng sử dụng vị trí của mình trong Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc để bảo vệ các tướng cao cấp của Myanmar khỏi trách nhiệm. Điều này  càng thúc đẩy chiến dịch không ngừng vi phạm nhân quyền và tội ác chiến tranh chống lại các dân tộc thiểu số của quân đội trên phạm vi cả nước.
Với các thỏa thuận kinh tế và cơ sở hạ tầng lớn nhưng thiếu minh bạch dự kiến ​​sẽ được ký kết trong chuyến thăm của Tập Cận Bình, đó là điều rất đáng lo ngại, ông Nicholas nói thêm.
https://www.dkn.tv/the-gioi/phan-tich-binh-luan/sang-kien-vanh-dai-con-duong-cua-trung-quoc-gay-nhieu-tranh-cai.html

Người phụ nữ Trung Quốc không chịu

đeo khẩu trang trên xe buýt

khiến cộng đồng mạng dậy sóng

Triệu Hằng
Giữa dịch virus corona chết người đang bùng phát, một người phụ nữ cao tuổi đã không chịu đeo khẩu trang trên một chuyến xe buýt ở Trung Quốc dù người soát vé đã yêu cầu thậm chí các hành khách muốn đuổi bà xuống xe.
Kênh YouTube SCMP hôm 28/1 phát hành một video clip cho thấy đoạn trao đổi giữa cảnh sát, người soát vé và người phụ nữ cao tuổi nọ, trong video, người soát vé đưa cho bà ấy một chiếc khẩu trang và nói rằng: “Khẩu trang của bà đây, bà đeo nó vào có được không? “.
Có vẻ bực dọc, bà trả lời: “Chả cần, tôi có một chiếc ở nhà rồi”.
Trước thái độ của bà, viên cảnh sát bên cạnh nói: “Đừng để tôi bắt bà xuống xe đấy nhé”.
Tuy nhiên, người phụ nữ vẫn khăng khăng bà có một chiếc ở nhà rồi nên bà không chịu cầm chiếc khẩu trang đó để đeo.
Thái độ của bà này đã khiến viên cảnh sát bực bội nói: “Nếu bà muốn đến bến thì phải đeo khẩu trang”.
Tuy nhiên bà trả lời: “Tôi sẽ tìm chiếc tôi có ở nhà và đeo nó sau”.
Dù vậy, viên cảnh sát vẫn cố gắng thuyết phục người phụ nữ cầm khẩu trang để đeo và hứa trả tiền cho bà chiếc khẩu trang đó.
Lúc này 2 vị hành khách khác đeo khẩu trang ngồi hàng ghế trên đã quay lại xem câu chuyện thế nào.
Nhưng bà tiếp tục tảng lờ mặc cho viên cảnh sát lớn tiếng và người soát vé ra sức nói: “Đeo khẩu trang vào đi”, còn các hành khách khác thì nhao nhao: “Đuổi bà ấy xuống, đừng để mọi người mất thời gian chỉ vì bà ấy”.
Nhưng người phụ nữ nói vì bà đã trả tiền vé xe buýt nên bà không xuống, bà khẳng định bà đã có khẩu trang ở nhà và bà đeo nó sau.
Rốt cuộc, các hành khách xuống xe, còn bà thì không.
Người dùng có tên Soap trên YouTube đã bình luận dưới video này rằng:
“Có thể thắng trong một cuộc tranh cãi với một người thông minh, nhưng không thể thắng nổi lý lẽ của một kẻ ngốc”.
Bình luận đã nhận được hơn 2.000 lượt “like”.
Nguồn: You Tube.
https://www.dkn.tv/the-gioi/nguoi-phu-nu-trung-quoc-khong-chiu-deo-khau-trang-tren-xe-buyt-khien-cong-dong-mang-day-song.html

Hơn 17.000 ca nhiễm bệnh và 362 người chết

do virus corona, Trung Quốc cách ly 20 thành phố

Dương Minh
Tính đến ngày 3/2, số người chết do bệnh viêm phổi cấp từ virus corona mới đã lên đến con số 362 trong khi số người nhiễm bệnh đã tăng lên 17.205 ca.
Như vậy, chỉ sau 1 ngày, số người tử vong đã tăng 57 trường hợp và thêm gần 3.000 ca nhiễm bệnh mới, theo Uỷ ban Y tế Trung Quốc.
Tỉnh Hồ Bắc (Trung Quốc) đang là tâm điểm của dịch bệnh, với 350 người chết (chiếm 96%) và 11.177 ca nhiễm bệnh (chiếm 60% tổng số). Trong đó, 1.118 trường hợp trong tình trạng nghiêm trọng và 444 ca nguy hiểm.
Dù vậy, với thói quen che giấu thông tin của chính quyền Trung Quốc, con số thực tế có thể cao hơn nhiều lần. Một nghiên cứu của các nhà khoa học tại Đại học Hồng Kông dự đoán rằng có đến 75.815 người ở thành phố Vũ Hán đã nhiễm loại virus nguy hiểm này.
Hơn 50 triệu người đang mắc kẹt ở bên trong và xung quanh Vũ Hán, thủ phủ tỉnh Hồ Bắc, nơi phát hiện ca nhiễm nCoV đầu tiên. Vũ Hán và gần 20 thành phố xung quanh thuộc Hồ Bắc đã bị đặt trong tình trạng cách ly nhằm khống chế sự lây lan của virus. Ôn Châu, thành phố công nghiệp thuộc tỉnh Chiết Giang, hôm 2/2 trở thành địa phương đầu tiên bên ngoài Hồ Bắc áp dụng biện pháp phong tỏa.
Tổ chức Y tế Thế giới ngày 31/1 đã ban bố tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng toàn cầu (PHEIC) đối với sự lây lan của virus corona bên ngoài Trung Quốc, mô tả đây là “sự bùng phát chưa từng có tiền lệ”.
Virus corona ở bên ngoài Trung Quốc
Tổ chức Y tế thế giới hôm 2/2 cho biết một bệnh nhân nhiễm chủng virus corona mới đã tử vong ở Manila, Philppines, đánh dấu ca chết người đầu tiên ngoài Trung Quốc. Bệnh nhân tử vong là người đàn ông Trung Quốc 44 tuổi đến từ Vũ Hán.
Ngoài Trung Quốc, 26 quốc gia và vùng lãnh thổ đã có người bị nhiễm virus corona mới là:
Hồng Kông: 15 ca
Thái Lan: 19 ca
Macau: 8 ca
Úc: 12 ca
Singapore: 18 ca
Đài Loan: 10 ca
Mỹ: 8 ca
Nhật Bản: 20 ca
Hàn Quốc: 15 ca
Malaysia: 8 ca
Pháp: 6 ca
Các tiểu vương quốc Ả rập: 5 ca
Việt Nam: 8 ca
Campuchia: 1 ca
Canada: 4 ca
Đức: 10 ca
Nepal: 1 ca
Sri Lanka: 1 ca
Phần Lan: 1 ca
Ấn Độ: 2 ca
Philippines: 2 ca
Italy: 2 ca
Nga: 2 ca
Anh: 2 ca
Tây Ban Nha: 1 ca
Thuỵ Điển: 1 ca
Các quốc gia mới xuất hiện người nhiễm bệnh là: Nga, Anh, Tây Ban Nha, Thuỵ Điển. Tổng số có 180 trường hợp nhiễm bệnh bên ngoài Trung Quốc tính đến ngày 3/2.
Tại Mỹ đã xuất hiện trường hợp lây nhiễm giữa người với người, sau các nước: Nhật Bản, Đức, Đài Loan và Việt Nam.
Một loạt nước cấm người Trung Quốc nhập cảnh, đóng cửa biên giới
Nhiều quốc gia đã cấm hoặc hạn chế nhập cảnh đối với công dân Trung Quốc và các khách nước ngoài đã ở Trung Quốc gần đây nhằm ngăn chặn loại virus này.
Mỹ thắt chặt kiểm soát vào ngày 31/1 bằng việc ban bố tình trạng khẩn cấp quốc gia, tạm thời không cho người nước ngoài nhập cảnh nếu họ đã ở Trung Quốc trong vòng hai tuần qua. Gia đình của công dân Mỹ hay người có thẻ thường trú nhân là những ngoại lệ.
Công dân Mỹ trở về từ tỉnh Hồ Bắc của Trung Quốc, là tỉnh bắt nguồn dịch bệnh, sẽ được cách ly bắt buộc 14 ngày khi về Mỹ. Công dân Mỹ trở về từ các nơi khác của Trung Quốc sẽ được kiểm tra y tế.
Italy, Singapore và Mông Cổ đã có những động thái tương tự. Mỹ, Nhật, Anh, Đức và một số nước khác đã khuyến cáo công dân không đến Trung Quốc.
Tương tự Mỹ, Australia cấm nhập cảnh đối với công dân nước ngoài đã đến Trung Quốc trong 14 ngày qua.
Một số nước đã đóng cửa biên giới với Trung Quốc. Nga cho biết ngày 30/1 nước này đóng cửa biên giới vùng Viễn Đông với Trung Quốc.
Kazakhstan đã dừng các chuyến xe buýt và tàu chở khách xuyên biên giới với Trung Quốc. Mông Cổ đã đóng cửa biên giới với Trung Quốc đối với xe hơi, trong khi Triều Tiên, quốc gia bị cô lập và dựa chủ yếu vào Trung Quốc, đã cấm du khách nước ngoài.
Nepal đóng cửa cửa khẩu Rasuwagadi ở biên giới với Trung Quốc trong 15 ngày kể từ 29/1. Papua New Guinea thậm chí còn đóng cửa cảng hàng không và cảng biển vào ngày 29/1 đối với mọi du khách từ châu Á.
Tình trạng khẩn cấp quốc tế
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã quyết định dịch bệnh virus corona giờ đây có được coi là tình trạng khẩn cấp quốc tế và là “sự bùng phát chưa từng có.”
Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus trong cuộc họp báo hôm 30/1 cho hay: “Lo ngại lớn nhất của chúng tôi là khả năng virus [corona mới] lây lan tới các nước có hệ thống y tế yếu kém hơn, và các nước không sẵn sàng để đối phó với nó.”
Được biết, trước tuyên bố hôm 30/1, trong quá khứ WHO mới chỉ 5 lần tuyên bố tình trạng khẩn cấp sức khỏe cộng đồng toàn cầu.
WHO mô tả động thái này là “một sự kiện bất thường được xác định là gây ra rủi ro sức khỏe cộng đồng cho các quốc gia khác thông qua sự lây lan của bệnh dịch quốc tế và có khả năng cần phải có một phản ứng quốc tế phối hợp”.
Hiện đã có 9 trường hợp bị lây nhiễm giữa người và người, xảy ra ở Đức, Nhật Bản, Việt Nam, Mỹ và Thái Lan.
Việt Nam đã có 8 trường hợp nhiễm bệnh
Sáng 3/2, Việt Nam ghi nhận thêm một ca dương tính với virus corona, nâng tổng số ca mắc tại Việt Nam lên 8 trường hợp.
Trước đó, ngày 2/2, Việt Nam xác nhận trường hợp thứ 7 nhiễm viêm phổi Vũ Hán. Bệnh nhiệt đới TP.HCM nói đang điều trị cho bệnh nhân dương tính với virus corona, đó là ông T.H.K., sinh năm 1947, quốc tịch Mỹ.
Ngày 1/2, Bộ Y tế công bố ca thứ 6 nhiễm viêm đường hô hấp cấp do virus corona mới. Bệnh nhân là lễ tân khách sạn ở Khánh Hoà.
“Bệnh nhân đang bị cách ly tại Bệnh viện Nhiệt đới Khánh Hòa đã hết sốt, sức khỏe dần ổn định,” giới chức Khánh Hoà nói.
Đến nay, Việt Nam ghi nhận 6 trường hợp dương tính với virus corona (nCoV). Trong đó, 3 người là công dân Việt Nam gồm 2 người ở Hà Nội, 1 ở Thanh Hóa. Cả 3 đều trở về từ Vũ Hán.
“Ba người này đã dùng qua các phương pháp xét nghiệm khác nhau vẫn cho ra kết quả dương tính với virus corona”, đại diện Bộ Y tế cho biết.
Trước đó, 2 trường hợp nhiễm nCoV đầu tiên tại Việt Nam là hai cha con người Trung Quốc Li Ding (66 tuổi)  và Li Zichao (28 tuổi). Li Ding cùng vợ từ Vũ Hán sang Việt Nam thăm con trai đang sinh sống và làm việc tại Long An.
Xem thêm:
Quan chức y tế Trung Quốc thừa nhận viêm phổi Vũ Hán nghiêm trọng hơn dịch SARS
Nhiều quan chức Trung Quốc nhiễm virus corona, đã có người tử vong
Thiếu tướng, nguyên TBT báo Quân Đội: “Pháp Luân Công mà Chính phủ phổ biến cho nhân dân thì chỉ có lợi”
Có thể bạn quan tâm:
https://www.dkn.tv/the-gioi/so-nguoi-tu-vong-do-virus-corona-cap-nhat.html

Virus corona: Người Vũ Hán bị “truy lùng”

như tội phạm tại Trung Quốc

Thùy Dương
Tại nhiều nơi ở Trung Quốc, người dân thành phố Vũ Hán, tâm ổ dịch bệnh viêm phổi cấp do virus corona gây ra, đang bị truy lùng như thể họ là tội phạm.
Để khuyến khích người dân cung cấp thông tin về người Vũ Hán, chính quyền nhiều địa phương ban hành biện pháp thưởng tiền, các cuộc tra hỏi nhắm vào người Vũ Hán được siết chặt.
Tuần trước, Ủy ban Vệ sinh – Y tế Trung Quốc kêu gọi các địa phương không lơ là việc xác minh người dân trong khu vực đã từng đi đến đâu. Khắp nơi, chính quyền địa phương phải chịu sức ép về việc trục xuất những người đến từ tỉnh Hồ Bắc.
Ở Bắc Kinh, một số quận đã tự rào chắn, buộc du khách hoặc những người quay lại thành phố sau kỳ nghỉ Tết nguyên đán cung cấp thông tin về hành trình đi lại của họ thời gian qua.
Một nhân viên an ninh nói với AFP là những ai đến từ Hồ Bắc phải thông báo cho nhà chức trách khu vực, vì có thể những người này làm lây nhiễm bệnh. Những người được xác minh là người Hồ Bắc hoặc Vũ Hán sẽ bị theo dõi chặt chẽ, không thể tự ý ra, vào một khu phố, thậm chí còn không được đi mua thức ăn. Bí thứ đảng ủy một khu phố ở Bắc Kinh cho biết nếu cần, khu phố sẽ cử người đi mua thực phẩm giúp.
Nhà chức trách một khu vực ở Thạch Gia Trang, phía tây nam Bắc Kinh, treo thưởng 2.000 nhân dân tệ cho bất kỳ ai cung cấp thông tin về những người đã ở Vũ Hán trong 2 tuần qua. Tại một số vùng, người dân trở về từ tỉnh Hồ Bắc, Vũ Hán bị dân làng tẩy chay. Cư dân từ Hồ Bắc cũng nhận được các cuộc gọi điện thoại hàng ngày và phải ghi lại nhiệt độ của họ trong khoảng hai tuần.
Hồng Kông : Nhân viên y tế đình công đòi đóng cửa biên giới với Hoa lục
Ngày 03/02/2020, hàng ngàn nhân viên các bệnh viện công tại Hồng Kông đã đình công đòi chính quyền đóng toàn bộ biên giới với Hoa lục để hạn chế nguy cơ lây nhiễm virus corona.
Phong trào đình công của nhân viên y tế đặc khu diễn ra trong bối cảnh chính phủ Hồng Kông, vốn trung thành với Bắc Kinh, không đồng ý đóng cửa toàn bộ biên giới với Hoa lục, trong khi Hồng Kông đã ghi nhận 11 ca nhiễm virus, đa phần tới từ Hoa lục.
Theo AFP, chính quyền đặc khu đánh giá biện pháp đóng cửa biên giới mang tính kỳ thị, phân biệt đối xử, có hại cho kinh tế Hồng Kông và trái với khuyến cáo của tổ chức Y Tế Thế Giới – WHO. Chính quyền cho biết sau khi cho đóng một số cửa khẩu hồi tuần trước, số người đến từ Hoa lục đã giảm 50%.
http://www.rfi.fr/vi/ch%C3%A2u-%C3%A1/20200203-trung-quoc-nguoi-vu-han-bi-truy-lung-nhu-toi-pham

Virus corona :

Trung Quốc cần “khẩn cấp” khẩu trang y tế

Thanh Phương
Trung Quốc đang cần « khẩn cấp » nhiều thiết bị bảo hộ y tế, đặc biệt là khẩu trang y tế, kính bảo hộ và quần áo bảo hộ để đối phó với dịch viêm phổi cấp tính do virus corona mới gây ra, hiện số ca tử vong đã lên tới 361 người, cao hơn con số của dịch SARS năm 2002-2003.
Phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh đã tuyên bố như trên trong cuộc họp báo ngày 03/02/2020. Theo hãng tin AFP, việc Bắc Kinh nhìn nhận không đủ khả năng đối phó với một cuộc khủng hoảng trong nước là một điều bất thường. Cho tới nay, chỉ có một lần duy nhất mà Trung Quốc phải nhờ đến sự trợ giúp của quốc tế, đó là vào năm 2008, khi xảy ra trận động đất kinh khủng khiến hơn 80.000 người chết và mất tích.
Dịch bệnh do virus corona mới tiếp tục lan rộng tại Trung Quốc, với số người chết lên tới 361, cao hơn con số tử vong của dịch viêm phổi cấp tính nặng SARS năm 2002-2003. Trước tình hình này, ngoài tỉnh Hồ Bắc, nhiều tỉnh và thành phố khác của Trung Quốc đã bắt buộc người dân đeo khẩu trang khi ra ngoài đường. Tổng cộng hơn 300 triệu người buộc phải đeo khẩu trang ở Trung Quốc. Cho dù không bắt buộc, người dân Trung Quốc trong những ngày qua cũng đã đổ xô đi mua khẩu trang vì sợ lây bệnh, gây nên tình trạng khan hiếm.
Bình thường khi chạy hết công suất, các nhà máy của Trung Quốc sản xuất được 20 triệu khẩu trang mỗi ngày, nhưng theo một quan chức của bộ Công Nghiệp Trung Quốc, các nhà máy mới hoạt động trở lại sau kỳ nghỉ Tết, và hiện chỉ chạy khoảng từ 60 đến 70% công suất, nên không đáp ứng kịp nhu cầu.
Theo phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Trung Quốc, nhiều quốc gia, trong đó có Pháp, Anh Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc đã gởi các thiết bị bảo hộ y tế cho Trung Quốc.
http://www.rfi.fr/vi/ch%C3%A2u-%C3%A1/20200203-virus-corona-trung-quoc-can-khan-cap-khau-trang-y-te

Virus corona: Malaysia

tặng Trung Quốc 18 triệu đôi găng tay y tế

Thùy Dương
Ngày 03/02/2020, bộ Ngoại Giao Trung Quốc cho biết nước này có nhu cầu khẩn cấp về trang thiết bị y tế để đối phó với dịch viêm phổi cấp do virus corona mới gây ra, nhất là khẩu trang, kính, găng tay và trang phục phòng hộ y tế.
Phát biểu trước báo giới, một phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Trung Quốc cho biết nhiều nước như Pháp, Anh, Nhật Bản, Hàn Quốc đã gửi tặng Trung Quốc nhiều thiết bị, dụng cụ phòng hộ.
Malaysia cũng không phải một ngoại lệ. Nhà chức trách nước này đã quyết định bày tỏ tình đoàn kết với Trung Quốc bằng cách gửi tặng các bệnh viện ở Hoa lục 18 triệu đôi găng tay y tế.
Từ Kuala Lumpur, thông tín viên RFI Gabrielle Maréchaux cho biết thêm :
« Chính bộ trưởng Thương Mại là người đầu tiên đề cập đến việc này hôm thứ Bảy vừa rồi (01/02) : Malaysia sẽ gửi tặng cho Trung Quốc 18 triệu đôi găng tay y tế bằng cao su latex để hỗ trợ các nhân viên y tế đang phải chống chọi với dịch bệnh viêm phổi cấp do virus corona gây ra. Vào Chủ Nhật, đến lượt hiệp hội hữu nghị Trung Quốc – Malaysia thông báo gửi 100.000 đôi găng tay y tế cho Trung Quốc.
Đây không phải lần đầu tiên chính quyền và các nhà công nghiệp Malaysia có hành động hào phóng như vậy. Vào năm 2014, 20 triệu đôi găng tay y tế đã được nước này gửi tặng châu Phi để hỗ trợ công cuộc đối phó với virus Ebola. Là một nước chế biến nhiều cao su, Malaysia là một trong những nhà sản xuất hàng đầu thế giới về dụng cụ y tế bằng cao su latex.
Thế nhưng, hành động hào phóng lần này của Malaysia diễn ra trong bối cảnh chưa từng có. Từ khi có thông báo là trên lãnh thổ Malaysia có 8 người bị lây nhiễm virus, nhiều phát ngôn bài Trung Quốc lan tràn trên các mạng xã hội.
Hiện giờ đã có 400.000 người ký tên vào một đơn kiến nghị theo đó hải quan không cho phép bất cứ người nào mang quốc tịch Trung Quốc được nhập cảnh vào Malaysia. Nhưng trước mắt, đòi hỏi này bị chính phủ Malaysia bỏ qua. Chính quyền nước này muốn thể hiện tình đoàn kết với Trung Quốc ».
http://www.rfi.fr/vi/ch%C3%A2u-%C3%A1/20200203-malaysia-hao-phong-tang-trung-quoc-18-trieu-doi-gang-tay-y-te

Indonesia trục xuất một ký giả người Mỹ

sau làn sóng phản đối việc ông bị bắt giữ

Tin từ Jakarta, Indonesia – Vào hôm thứ Sáu (31 tháng 1), ông Philip Jacobson, một ký giả Hoa Kỳ, bị trục xuất sau khi bị bắt giữ vì cáo buộc vi phạm visa. Ông bị giam giữ 45 ngày trước đó tại Palangkaraya, thủ phủ tỉnh Central Kalimantan, trên đảo Borneo.
Các nhóm nhân quyền lên tiếng phê bình việc ông bị giam giữ vì họ cho rằng nó làm dấy lên sự lo lắng về tự do truyền thông tại Indonesia.
Theo Reuters đưa tin, ông Jacobson vào Indonesia bằng visa kinh doanh để tham gia một số cuộc họp. Vào ngày ông chuẩn bị rời khỏi Indonesia, cơ quan di trú tịch thu passport của ông, và ra lệnh cho ông ở lại thành phố để đợi tiến hành một cuộc điều tra. Các cơ quan di trú cho biết ông nên có một visa báo chí. Ông chính thức bị bắt vào ngày 21/1. Tuy nhiên, ông Aryo Nugroho, luật sư của ông Jacobson nói rằng, các cuộc họp của ông ở Indonesia không có liên quan đến báo chí.
Theo luật di trú của Indonesia, ông Jacobson có thể phải đối mặt với án tù 5 năm. Ông Jacobson là một ký giải làm việc tại hãng tin môi trường Mongabay. Ông viết những câu chuyện về sự hủy hoại môi trường ở Indonesia, bao gồm một số cáo buộc về việc các công ty ở Indonesia đã sử dụng giấy phép giả để phá hủy một khu rừng nhiệt đới rộng lớn ở vùng cực đông Papua. (BBT)
https://www.sbtn.tv/indonesia-truc-xuat-mot-ky-gia-nguoi-my-sau-lan-song-phan-doi-viec-ong-bi-bat-giu/

Nỗi sợ hãi virus corona đóng băng

các dự án Vành đai Con đường ở Pakistan

Triệu Hằng
Những lo sợ về chủng virus corona mới đang lan tới Pakistan khiến nước này trì hoãn một vài dự án trong Hành lang Kinh tế Trung Quốc – Pakistan vốn là một thành phần quan trọng trong Sáng kiến Vành đai và Con đường của Trung Quốc, tại Lahore và Nam Punjab, theo bài viết của Adnan Aamir đăng trên Nikkei Asian Review (1/2/2020).
Mặc dù Pakistan chưa có bất kỳ trường hợp nào được xác nhận nhiễm virus chết người chủng mới, nhưng số người chết vì dịch do nó gây ra đã lên tới hơn 300 người ở Trung Quốc, theo giới chức y tế Bắc Kinh. Hơn một chục quốc gia đã có những trường hợp nhiễm bệnh, bao gồm Ấn Độ và Nepal ở Nam Á.
Các dự án hành lang kinh tế đã bị ngưng lại vào thứ Năm (30/1) tại Nam Punjab, theo nhật báo Pakistan The Nation.
71 kỹ sư Trung Quốc cùng với nhân viên an ninh địa phương đang tiến hành sàng lọc virus corona, báo cáo nói.
Công việc trong dự án Tàu điện ngầm Orange Line ở Lahore cũng bị đình chỉ. Các lao động Trung Quốc được yêu cầu ở lại trong chỗ trú 3 ngày, trong thời gian đó họ sẽ được kiểm tra virus corona, theo nhật báo The News.
Orange Line là dự án giao thông đô thị lớn nhất diễn ra dưới sự bảo trợ của hành lang kinh tế, với kinh phí 1,63 tỷ đô la, Uzair Shah, tổng giám đốc của dự án nói với các phương tiện truyền thông rằng các công việc thuộc dự án đã tạm ngừng.
Người Trung Quốc làm việc trong dự án Thành phố An toàn Lahora cũng bị hạn chế rời khỏi nơi ở như một biện pháp phòng ngừa.
Tổng lãnh sự quán Trung Quốc tại Lahora cũng đã hủy bỏ tất cả các cuộc họp sắp tới do lo ngại khả năng lây lan virus.
Peng Zhengwu, phó tổng lãnh sự, xác nhận với truyền thông địa phương rằng các cuộc họp đã bị hủy, nói rằng quyết định này là một biện pháp kiểm dịch nội bộ.
Theo The News, tổng lãnh sự Trung Quốc tại Lahore đã chỉ thị tất cả người Trung Quốc đã đến Pakistan trong những ngày gần đây phải ở nguyên chỗ trú trong hai tuần tới.
Đồng thời, Pakistan đã gửi một thông điệp động viên Trung Quốc sau khi số ca nhiễm virus corona được xác nhận vượt quá 9.000 và số người chết lên tới 200 người.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) trong hôm thứ Năm ban bố virus corona là trường hợp khẩn cấp về sức khỏe toàn cầu.
Chính phủ Pakistan đã tạm dừng tất cả các chuyến bay đến và đi từ Trung Quốc cho tới Chủ nhật. Reuters trích lời bộ trưởng hàng không Abdul Sattar Khokhar xác nhận việc ngừng các chuyến bay.
Có những đồn đại rằng virus corona đã lan đến Gwadar, một thị trấn cảng biển ở phía tây nam Pakistan. Còn trên các phương tiện truyền thông xã hội lan các tin đồn rằng có 6 người Trung Quốc làm việc tại cảng đã được chẩn đoán mắc bệnh. Tại cảng này có hàng trăm người Trung Quốc làm việc trong công ty liên doanh Cổ phần Cảng Nước ngoài Trung Quốc (Chinese Overseas Port Holding Company).
Nhân viên y tế quận Gwadar sau đó đã bác bỏ những tin đồn và nói là không có ai xét nghiệm dương tính với virus corona trong thành phố. Trao đổi với Nikkei Asian Review, các nguồn tin địa phương nói rằng nhân viên Trung Quốc không tiếp cận gần với công dân của Gwadar, nên nguy cơ truyền virus rất là thấp.
Mặc dù Trung Quốc và Pakistan là láng giềng và dòng người khổng lồ qua lại giữa hai nước, nhưng cho tới thứ Bảy  (1/2) chưa có trường hợp nào ở nước này nhiễm virus corona.
Trong các cuộc tranh luận xung quanh virus ở Pakistan, vấn đề lớn nhất là các sinh viên Pakistan mắc kẹt ở Trung Quốc.
“4 cá nhân nghi nhiễm virus đã được theo dõi và lấy mẫu, và chúng tôi có thể khẳng định rằng họ không nhiễm virus corona”, Bộ trưởng Y tế Pakistan Zafar Mirza nói.
Ông Mirza cho biết đã nhận được báo cáo về 4 sinh viên Pakistan ở Vũ Hán, tâm chấn của dịch bệnh. Tuy nhiên, ông cho biết, Pakistan đã quyết định không sơ tán công dân khỏi Trung Quốc để ngăn chặn virus corona lan rộng hơn.
Ông nói thêm rằng đó là vì “lợi ích lớn hơn của khu vực” nên không di tản người Pakistan ở Vũ Hán.
Quyết định này của chính quyền Pakistan đã thu hút sự chỉ trích gay gắt từ các chính trị gia đối lập và các tổ chức xã hội dân sự.
Thượng Nghị sĩ Raza Rabbani, cựu chủ tịch Thượng viện, yêu cầu phải đưa người Pakistan mắc kẹt về nhà trong những chuyến bay đặc biệt. Còn Thượng Nghị sĩ Mushahidullah Khan yêu cầu chính phủ hành động ngay lập tức để giúp đỡ công dân của mình ở Trung Quốc.
Nhưng các nhà lập pháp thuộc đảng cầm quyền Pakistan như Tehreek-e-Insaf đã bảo vệ quyết định không đưa người Pakistan mắc kẹt ở Trung Quốc về nhà.
Còn nghị sĩ Seemi Ezdi cho rằng Trung Quốc “có cơ sở y tế tốt hơn và cũng đang cố gắng đưa ra các phương pháp điều trị virus. [Pakistan] không thể điều trị virus này. Quyết định của chính phủ là vì lợi ích tốt nhất cho công dân”, bà nói.
https://www.dkn.tv/the-gioi/noi-so-hai-virus-corona-dong-bang-cac-du-an-vanh-dai-con-duong-o-pakistan.html

0 comments

Leave a comment

Powered by Blogger.