Hải Ngoại Ngày Nay


LIÊN KẾT HẢI NGOẠI YỂM TRỢ QUỐC NỘI ĐẤU TRANH

GIẢI THỂ CHẾ ĐỘ ĐỘC TÀI VIỆT CỘNG

GIẢi TRỪ HIỂM HỌA XÂM LĂNG TRUNG CỘNG

Đọc báo Pháp – 03/02/2020

Monday, February 3, 2020 3:52:00 PM // ,

No sub-categories

Đọc báo Pháp – 03/02/2020

Virus corona :

Vũ Hán, địa ngục trần gian ở Trung Quốc

Thanh Hà
Virus corona đang hoành hành tại Trung Quốc khiến cả thế giới lo sợ. Sống với virus corona, Vũ Hán không khác gì “địa ngục”. Le Figaro dành đến ba bài báo để nói về chủ đề này.
Trong bài thứ nhất tờ báo tóm lược tình hình : “Thế giới dựng thành lũy đối mặt với virus corona” dù chỉ có 1% các ca bệnh. Giám đốc Tổ Chức Y Tế Thế Giới tuần qua đã nhấn mạnh rằng tình hình không đến nỗi phải giới hạn mọi giao thương với Trung Quốc. Điều đó không cấm cản các nước từ Mỹ, Nhật Bản đến Anh, Pháp, Đức và cả Maroc hay Indonesia hối hả hồi hương kiều dân khỏi ổ dịch Vũ Hán, các hãng hàng không lớn bé trên thế giới ngừng phục vụ các chuyến bay sang Hoa lục. Đó là bằng chứng rõ rệt cho thấy Tổ Chức Y Tế Thế Giới đã đánh mất uy tín.
Vũ Hán : Người bị đầy xuống địa ngục
Những người trong cuộc ở ngay ổ dịch Vũ Hán đang sống ra sao ? Bà Shi Muying, một phụ nữ 37 tuổi, sống tại Luân Đôn về nước thăm mẹ bị ung thư giai đoạn cuối kể lại với phóng viên báo Le Figaro : Bà về đến Vũ Hán 12 ngày trước khi thành phố bị phong tỏa và đã từng bước “rơi xuống địa ngục”.
Chuyến về thăm quê lần này của bà vốn đã mang màu tang tóc nhưng với dịch viêm phổi virus corona, bà và gia đình còn khổ hơn. Từ khi đáp xuống phi trường, ngày ngày người phụ nữ Vũ Hán này cùng cha vào bệnh viện thăm người mẹ chỉ còn đợi ngày ra đi. Đó cũng là thời gian hai bố con bà Shi Muying bắt đầu bị sốt, rồi ho. Họ đạp xe đi khắp thành phố tìm một hiệu thuốc.
Cuối cùng, hôm 26/01 họ đành phải đi bệnh viện khám xem chỉ cảm cúm qua loa hay đã nhiễm virus corona. Vào gặp được bác sĩ, họ mới biết rằng, phải tự đi tìm lấy dụng cụ xét nghiệm, nhưng trong một thành phố đã bị phong tỏa, những ca bị ho, sốt bị “cách ly”, hai cha con bà “bó tay”. Nhân chứng này nói rõ : bị cách ly có nghĩa là họ bị trả về nhà và không được phép ra khỏi cửa. Ba ngày sau, phụ nữ này trở lại bệnh viện tái khám và đã phải đợi “từ bốn đến năm tiếng đồng hồ trong một gian phòng nhỏ, đông kín người”.
Khám xong ra về, bà quá tuyệt vọng nên cất tiếng kêu cứu trên mạng xã hội Vi Bác. Nhờ vậy, đến hôm 30 tháng Giêng, hai bố con được nhập viện. Phụ nữ 37 tuổi này không nuôi ảo vọng và biết rằng dù ở bệnh viện hay không thì cũng chẳng được chăm sóc. Cùng phòng với Shi Muying có hai người phụ nữ khác, lớn tuổi hơn, họ ăn nói ồn ào. Thân phụ của bà được giữ ở một tầng khác trong cùng một nhà thương. Hai bố con nói chuyện với nhau bằng điện thoại.
Ngồi trên giường bệnh, nhìn ra dòng sông Dương Tử, người phụ nữ sống ở Luân Đôn trở về Vũ Hán này biết chắc, cách đấy vài cây số, mẹ bà đang trút những hơi thở cuối cùng, không một người thân bên cạnh. Điều khiến bà lo lắng là liệu có được xuất viện để nhận xác mẹ về mai táng hay không. Bà cũng không chắc là người cha già sẽ vượt qua được thử thách này.
Khủng hoảng y tế : Giải pháp nào cho thích hợp ?
Cách xa Vũ Hán ngàn trùng, tại Paris, ông Emmanuel Hirsh, giám đốc tổ chức của vùng Ile de France (Paris và vùng phụ cận) chuyên nghiên cứu về những khía cạnh đạo đức trong đời sống hàng ngày, nêu lên câu hỏi : Trước một cuộc khủng hoảng về y tế, làm thế nào để tránh bị chỉ trích hoặc là không phản ứng kịp thời để cho dịch bệnh lây lan, hoặc là đưa ra những biện pháp quá mạnh tay hành xử như một chế độ độc tài ?
Tác giả bài viết nêu lên trường hợp cụ thể của Trung Quốc : nhân danh chống dịch bệnh, chính quyền đã tăng cường các biện pháp kiểm tra, bế quan tỏa cảng nhiều thành phố gây trở ngại cho quyền tự do đi lại. Các nền dân chủ làm sao có thể ban hành được những biện pháp này ? Đây là bài báo thứ ba Le Figaro dành để nói về virus corona.
La Croix đề cập đến một khía cạnh gần gũi và dễ hiểu hơn : “Ngành nghiên cứu của thế giới dốc lực chống virus corona”. Một tháng đã trôi qua kể từ khi Trung Quốc công bố những ca bệnh đầu tiên, chúng ta biết thêm được những gì về siêu vi corona ? Còn những gì cần tìm hiểu thêm về loài siêu vi mới lạ này ?
Viện Y Tế Quốc Gia và Nghiên Cứu Y Khoa của Pháp – INSERM cuối tuần trước cho biết đã xác định được thời hạn ủ bệnh là từ 5 đến 8 ngày. Tỷ lệ tử vong do virus corona trung bình là từ 2 đến 3%. (Thấp hơn so với 10% do virus gây viêm phổi cấp tính SARS gây nên. Còn virus MERS xuất phát từ vùng Trung Cận Đông có tỷ lệ tử vong là 25%). Ngoài ra, INSERM cũng xác định được rằng cứ 1 người bệnh có nguy cơ lây nhiễm cho từ 1,4 đến 2,5 người chung quanh. Để so sánh, một người bị ban đỏ có thể lây cho từ 15 đến 20 người.
Bên cạnh đó, virus corona cũng còn nhiều ẩn số giới khoa học chưa giải mã được hết. Thí dụ tại sao một số trường hợp, bệnh tình đã nguy ngập hơn hẳn sau 7 ngày được phát hiện ? Tại sao trẻ nhỏ dưới 15 tuổi ít bị lây nhiễm ?
Trung Quốc bị tê liệt
Báo kinh tế Les Echos chú ý đến những thiệt hại khi mà không chỉ Vũ Hán, mà cả nước Trung Quốc bị thế giới xa lánh. “Bắc Kinh huy động 160 tỷ đô la cứu nguy kinh tế”.
Tình trạng bị cô lập, có nguy cơ đẩy nền kinh tế thứ nhì của thế giới vào suy thoái. Sau 10 ngày nghỉ Tết, các thị trường tài chính Trung Quốc hoạt động trở lại. Biết trước chỉ số chứng khoán đồng loạt sụt giá, Ngân Hàng Trung Ương đã vội vã bơm thêm 1.200 tỷ nhân dân tệ vào cỗ xe kinh tế. Chính quyền thông báo sẽ “kề vai sát cánh” với các doanh nghiệp gặp khó khăn. Nhiều cơ quan, nhà máy không thể khai trương đúng ngày như mong đợi.
Một thành phố năng động như Thượng Hải phải quyết định kéo dài thời gian nghỉ Tết thêm một tuần lễ. Thiệt hại về tài chính kèm theo đó không biết đâu mà lường. Thành phố Bắc Kinh khuyến khích các doanh nghiệp nghỉ thêm đến hết tuần này. Thậm chí, một số nhà máy còn thông báo chỉ hoạt động lại vào ngày 14/02/2020. Ba tuần lễ được nghỉ để ăn Tết, một hiện tượng chưa từng thấy tại Trung Quốc.
Tập đoàn mua bán địa ốc lớn thứ ba trên toàn quốc ngưng tiếp khách cho đến ngày 16/02, cho nhân viên tại hơn 1.200 công trường nghỉ ngơi đến ngày 20/02. “Toàn quốc bị một con virus làm tê liệt”, trong lúc học sinh, sinh viên nước ngoài tìm đường “hồi hương”.
Cũng Les Echos cho biết các trường đại học của Pháp và các trường lớn gửi sinh viên sang Trung Quốc đều trong tư thế sẵn sàng, cho dù bộ Giáo Dục chưa ra chỉ thị “hồi hương” tất cả các sinh viên Pháp khỏi Trung Quốc. Khoảng 200 sinh viên của trường thương mại Skema tại Tô Châu, cách ổ dịch Vũ Hán 750 cây số, từ Thứ Năm tuần trước đã rời thành phố từng được mệnh danh là kinh đô tơ lụa của Viễn Đông.
Ở mãi tận Paris, trường thương mại nổi tiếng HEC thông báo “ngưng các chương trình trao đổi sinh viên với Trung Quốc cho đến khi có lệnh mới”.

Mỹ : Đảng Dân Chủ bầu cử sơ bộ

Nhìn sang Hoa Kỳ, đảng Dân Chủ bắt đầu cuộc chạy đua marathon để chỉ định người ra tranh cử tổng thống vào tháng 11 tới đây.
Libération ví von : Iowa là chặng đầu trong số 57 hiệp kéo dài từ nay cho đến tháng 6/2020. Đảng Dân Chủ tìm người để “trục xuất” Donald Trump ra khỏi Nhà Trắng.
“Donald Trump thách thức đảng Dân Chủ đang bị chia rẽ”, tựa hồ sơ lớn của báo Le Monde trong phần trang địa chính trị. Hiện chỉ còn 11 ứng viên lao ra đấu trường, nhưng trước đây từng có đến 26 người trong đảng Dân Chủ muốn được quyền đọ sức với Donald Trump. Theo Le Monde, số ứng viên này đủ cho thấy bên đảng Dân Chủ đang bị chia rẽ đến mức độ nào.
Le Figaro chạy tựa trên trang nhất : “Đảng Dân Chủ tìm kiếm một nhà vô địch để so găng với Trump”. Trong cuộc meeting cuối tuần qua tại Des Moines, bang Iowa, tổng thống Mỹ “làm trò và trêu gan” các đối thủ muốn đọ sức với ông vì biết chắc là ông đang “một mình một chợ”.
Báo Les Echos đưa ra hai hình ảnh tương phản với nhau : bên đảng Dân Chủ đang bị chia năm xẻ bảy, ngược lại phía đảng Cộng Hòa lại đoàn kết chặt chẽ chung quanh Donald Trump. Năm nhân vật thân cận nhất của chủ nhân Nhà Trắng gồm có thượng nghị sĩ Lindsey Graham, Mitch McConnell, có dân biểu bang Florida, Matt Gaetz – ông này thân với nguyên thủ Mỹ đến nỗi được mệnh danh là Baby Trump, có giám đốc điều hành chiến dịch vận động tranh cử Brad Parscale và có cô con gái của tổng thống Ivanka.

Pháp và những cuộc đọ sức kéo dài

Nhìn đến phần bài vở trên các tờ báo Paris nói về thời sự Pháp, chuyến công du Ba Lan của tổng thống Macron được quan tâm đến nhiều.
Trong chuyến viếng thăm Ba Lan đầu tiên kể từ khi bước vào điện Elysée, Emmanuel Macron đến Vacxava để xoa dịu những bất đồng. Libération nhắc lại nguyên thủ Pháp đã nhiều lần trực tiếp chỉ trích Ba Lan là một “nền dân chủ kém tự do” vi phạm những “nguyên tắc của một Nhà nước pháp quyền”… Vacxava khó chịu vì thái độ “lên giọng dậy đời” của tổng thống Pháp.
Không chỉ có thế, chủ trương của Pháp chìa bàn tay thân thiện với Nga đang khiến Ba Lan hoang mang. Tờ Le Figaro nêu lên thêm một số hồ sơ khác gây bất đồng giữa Pháp với Ba Lan, đứng đầu trong số đó là vấn đề nhập cư, là chính sách phòng thủ chung của Liên Hiệp Châu Âu.
Nhân dịp tổng thống Emmanuel Macron công du Ba Lan trong hai ngày, tờ báo này điểm lại một mối quan hệ song phương tựa như “một chuyện tình phức tạp” : hoàng hậu Catherine de Médicis từng đặt con trai bà là Henri de Valois lên ngai vàng của Ba Lan nhưng rồi ông đã quay về Pháp ; nhiều cuộc hôn nhân giữa hoàng gia hai nước từng được thắt chặt thêm quan hệ giữa Paris với Vacxava, nhưng rồi kể từ năm 1989 trở đi, Pháp và Ba Lan đã nhiều lần lỡ hẹn với nhau, đã có những hiểu lầm làm rạn nứt thân tình. Lần này, tổng thống Macron muốn “làm lại từ đầu”. Đây sẽ là công việc dài hơi như kết luận của tờ báo.

Tiêu chuẩn để trở thành một người phụ nữ đẹp

Thế nào là một phụ nữ đẹp ? Le Figaro dành hẳn một trang báo lớn dưới tựa đề “Soi X quang vào những chuẩn mực của một người phụ nữ đẹp”. Tờ báo nhắc lại tên tuổi một vài người đẹp theo năm tháng.
Từ hoàng hậu Ai Cập Nefertiti thế kỷ 14 trước Công Nguyên. Trong thế kỷ 20, người đẹp phải có gương mặt khả ái như minh tinh màn bạc Greta Garbo hay cô đào Marilyn Monroe, nếu không thì cũng phải đẹp như búp bê Barbie.
Đến thời đại này của chúng ta, người đẹp thường có khuôn mặt dài, hơi xương xương, gò má cao như Angelina Joly, Kim Kardashian hay cựu đệ nhất phu nhân Pháp, Carla Bruni. Có điều với Instagram, phụ nữ trên thế giới đang trở thành những “phiên bản của nhau”.

Tin tổng hợp

(AFP) – Daech nhận trách nhiệm về vụ tấn công bằng dao ở Luân Đôn. 
Ngày 03/02/2020, tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo vừa lên tiếng nhận trách nhiệm về vụ tấn công bằng dao hôm 02/02 tại Luân Đôn. Sudesh Amman, 20 tuổi, đã bị cảnh sát bắn chết sau khi đâm bị thương 2 người. Theo cảnh sát Anh Quốc, đây là một vụ tấn công khủng bố Hồi Giáo. Hung thủ vừa mới được thả sau khi thi hành phân nửa bản án 3 năm 4 tháng tù giam vì tội tàng trữ và phổ biến các nội dung khủng bố. Ngày 03/02, chính phủ Anh Quốc chuẩn bị thông báo những biện pháp cứng rắn hơn đối với những người từng bị tuyên án về tội khủng bố.
(AFP) – Virus corona : Tổ chức Y Tế thế giới tuyên chiến với tin giả. 
Trong cuộc hợp hôm 03/02/2020, tổng giám đốc WHO thông báo hợp tác với Google để những ai tìm kiếm thông tin về virus corona sẽ nhìn thấy thông tin của Tổ Chức Y Tế Thế Giới ngay đầu tiên. Các mạng xã hội Twitter, Facebook, Tencent và Tiktok cũng có các biện pháp để hạn chế tin giả lan truyền. Tổng giám đốc WHO cho biết, hiện nay thế giới đang tràn ngập thông tin không đúng, không chính xác về dịch bệnh viêm phổi cấp do virus corona gây ra.
(AFP) – Tổng thư ký NATO : Đợt tập trận quy mô lớn của Mỹ tại châu Âu không nhắm vào Nga. 
Defender-Europe 20 là đợt tập trận lớn nhất của Mỹ tại châu Âu từ 25 năm nay. Có 37.000 quân nhân của 18 nước tham dự, trong đó có 29.000 quân Mỹ. Đợt diễn tập diễn ra vào tháng 05-06/2020, chủ yếu tại Đức, Ba Lan và các nước vùng Baltic. Ngày 02/02/2020, tổng thư ký NATOJens Stoltenberg nhấn mạnh đợt diễn tập là minh chứng cho thấy Mỹ vẫn gắn bó với NATO và vì tự do, an ninh của châu Âu, nhưng không nhằm chống lại một quốc gia cụ thể nào.
(AFP) – Hạt nhân : Người đứng đầu Ngoại Giao Liên Hiệp Châu Âu đến Iran nhằm xoa dịu căng thẳng. 
Ngày 03/02/2020, ông Jose Borrell có mặt tại Teheran và họp bàn với ngoại trưởng Iran, sau đó gặp tổng thống và chủ tịch Nghị Viện nước Cộng Hòa Hồi Giáo.Mục tiêu là tìm giải pháp cho hồ sơ hạt nhân Iran trong bối cảnh căng thẳng Washington – Tehean gia tăng. Liên Hiệp Châu Âu cho thấy họ vẫn muốn duy trì thỏa thuận hạt nhân Iran 2015.
(AFP) – Syria : Căng thẳng quân sự gia tăng mạnh chưa từng có giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Syria. 
Các vụ tấn công giữa binh sĩ Thổ Nhĩ Kỳ và quân đội Syria đã làm 17 người chết trong ngày 03/02/2020 tại miền tây bắc Syria. Các cuộc tấn công bắt nguồn từ việc đêm hôm trước, quân đội của chế độ Syria pháo kích vào các vị trí có quân lính Thổ Nhĩ Kỳ, khiến 4 lính Thổ chết và 9 người bị thương. Các cuộc phản công của Thổ Nhĩ Kỳ khiến ít nhất 13 lính Syria chết và 20 người khác bị thương.
(AFP) – Mỹ : Ngày 03/02/2020, bang Iowa khởi đầu bầu cử sơ bộ bên đảng Dân Chủ, 
để chọn người đại diện cho đảng này ra tranh cử tổng thống trong cuộc bầu cử tháng 11/2020. Nhiều ứng cử viên của đảng Dân Chủ, trong đó có Bernie Sanders và Joe Biden, đã đến Iowa ngày 02/02 để cố thuyết phục cử tri đảng này về khả năng giành chiến thắng trước tổng thống Donald Trump, người sẽ đại diện đảng Cộng Hòa tái tranh cử.
(AFP) – Đa số dân Canada không muốn chi tiền bảo đảm an ninh cho gia đình hoàng tử Anh Harry. 
Hoàng tử Harry và vợ con hiện đang sống tại miền tây Canada. Theo một khảo sát của viện Nanos, 77% số người được hỏi cho rằng dân Canada không có nghĩa vụ trả tiền bảo đảm an ninh cho gia đình hoàng tử Anh vì họ không sống ở Canada với tư cách đại diện cho Nữ hoàng. Chỉ có 19% không phản đối việc Canada đảm đương một phần chi phí này.
(RFI) – Hoa Kỳ : Chính trị xen vào giải bóng đá Mỹ.
Chủ Nhật 02/02/2020, hàng triệu người dân Mỹ theo dõi trận cầu giữa San Francisco 49ers và Kansas City Chiefs. Đáng chú ý, vào giờ nghỉ giữa hai hiệp đấu, một trận đấu chính trị đã diễn ra giữa Donald Trump và ông Michael Bloomberg bằng những màn quảng cáo. Đây là lần đầu tiên quảng cáo chính trị được phát vào giờ nghỉ giữa hai hiệp trong giải bóng đá Mỹ Super Bowl. Đương nhiên, giá phải trả cũng không phải là rẻ : 10 triệu đô la cho một phút quảng cáo cho mỗi ứng viên.

Điểm tin thế giới sáng 3/2:

Luận tội không làm thay đổi thái độ

của người Mỹ với ông Trump

Lục Du
Sáng nay, thứ Hai (3/2), Đại Kỷ Nguyên xin gửi tới quý độc giả nội dung tóm lược những tin thế giới nổi bật đêm qua:
Một cuộc thăm dò của NBC News / Wall Street Journal cho thấy người dân Mỹ phản đối việc loại ông Trump khỏi Nhà Trắng, theo USA Today.
USA Today nhận định, quá trình luận tội dường như không ảnh hưởng gì tới quan điểm của người dân Mỹ đối với Tổng thống Trump, bằng chứng là con số thăm dò giữ ở mức gần như không thay đổi so với các cuộc khảo sát trước đây của NBC News / Wall Street Journal. Cụ thể, 46% người Mỹ được hỏi cho biết họ tán thành những việc làm của ông Trump và 51% có ý kiến ngược lại.
“Chúng ta đã trải qua một cuộc điều tra luận tội tại Hạ viện, một phiên tòa tại Thượng viện và thái độ của người Mỹ về Donald Trump hầu như không thay đổi”, người tổ chức cuộc thăm dò, ông Jeff Horwitt, người ủng hộ đảng Dân chủ, cho biết.
Điều “trớ trêu” với những người ủng hộ đảng Dân chủ là quá trình luận tội lại đang khiến những người ủng hộ Tổng thống Trump càng thêm yêu mến ông hơn. 36% người được hỏi cho biết họ “mạnh mẽ” tán thành thành tích của ông Trump, con số cao nhất trong các cuộc thăm dò kể từ khi ông nhậm chức tổng thống Mỹ. Trong khi đó, 33% người Mỹ cho biết họ có cảm xúc “rất tích cực” đối với ông Trump, đây cũng là một mức cao mới dành cho vị tổng thống thứ 45 của Hoa Kỳ.
Doanh nghiệp Trung Quốc khốn đốn vì virus Vũ Hán
Các nhà sản xuất vừa và nhỏ ở Trung Quốc đang ngày càng lo ngại về tác động của sự bùng phát dịch virus Vũ Hán, sợ rằng doanh nghiệp của họ sẽ phải phá sản nếu như đại dịch đang diễn ra không được kiểm soát sớm, theo bản tin hôm thứ Hai (3/2) của SCMP.
Các doanh nghiệp cần nhiều lao động đang lo lắng nhất vì chính quyền địa phương đã ra yêu cầu hạn chế tập trung đông người để ngăn chặn sự lây lan của virus Vũ Hán, điều này ảnh hưởng lớn tới việc sản xuất của họ. Các cửa hàng nhỏ, nhà hàng và các công ty hậu cần địa phương cũng đang chịu sức ép lớn từ sự kiểm soát dịch bệnh của chính phủ, nhiều cơ sở kinh doanh thuộc nhóm này nói rằng họ chỉ có thể cầm cự trong hai hoặc ba tháng trước khi buộc phải đóng cửa mãi mãi.
Theo cập nhật mới nhất của SCMP, tính tới hết ngày Chủ nhật, có thêm 55 người thiệt mạng vì virus Vũ Hán, đưa số người chết vì loại virus nguy hiểm này lên 361 người (360 người ở Trung Quốc), và 16,762 ca nhiễm bệnh (16,582 ca ở Trung Quốc), tăng hơn 2000 ca so với một ngày trước. Số người chết và số ca nhiễm bệnh mới đã tăng mạnh so với con số thống kê được báo cáo hôm Chủ nhật.
Ngoại trưởng Mỹ thúc giục Kazakhstan gây sức ép với Trung Quốc
Ngoại trưởng Hoa Kỳ, Mike Pompeo, hôm Chủ nhật (2/2), đã kêu gọi Kazakhstan hãy cùng với Washington gây sức ép để buộc Bắc Kinh phải thay đổi cách đối xử với người Hồi giáo ở Trung Quốc, theo Reuters.
Phát biểu trong chuyến thăm quốc gia từng là thành viên của Liên Xô, Ngoại trưởng Pompeo cho biết ông đã nêu ra vấn đề này trong cuộc hội đàm với Ngoại trưởng Kazakhstan, Mukhtar Tleuberdi.
“Chúng tôi đã thảo luận về vấn đề buôn bán người và tình cảnh của hơn một triệu người Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ và người Kazakhstan bị Đảng Cộng sản Trung Quốc giam giữ ở Tân Cương, ngay bên kia biên giới với Kazakhstan”, ông Pompeo nói. “Hoa Kỳ kêu gọi tất cả các nước tham gia với chúng tôi trong việc gây sức ép để chấm dứt ngay lập tức đối với sự đàn áp này. Chúng tôi đề nghị đơn giản là họ [Kazakhstan] hỗ trợ nơi ẩn náu an toàn và quy chế tị nạn cho những người tìm cách chạy trốn khỏi Trung Quốc”.
Ả Rập Xê Út cấm Iran tham gia hội nghị của OIC
Ả Rập Xê Út đã không cho phép một phái đoàn Iran tham dự một hội nghị của Tổ chức Hợp tác Hồi giáo (OIC) diễn ra vào thứ Hai (3/2) tại nước này. Hội nghị của OIC dự kiến sẽ thảo luận về kế hoạch hòa bình của Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump đối với Trung Đông, theo Reuters.
Chính quyền Ả Rập Xê Út đã không cấp thị thực cho phái đoàn Iran, người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Iran, Abbas Mousavi, nói.
Ông Mousavi cho hay, Iran đã đệ đơn khiếu nại lên OIC và cáo buộc Ả Rập Xê Út lạm dụng vai trò chủ nhà của hội nghị. Hiện phía Ả Rập Xê Út chưa đưa ra bình luận nào về việc này.
Cảnh sát Anh bắn chết người đàn ông đâm hai người trên phố
Hôm Chủ nhật (2/2), Cảnh sát Anh đã bắn chết một người đàn ông đâm hai người trên một con phố đông đúc ở phía Nam London. Người bị bắn chết được cho là một kẻ khủng bố Hồi giáo cực đoan, theo Reuters.
Cảnh sát cho biết trong một tuyên bố rằng một thiết bị dùng cho hoạt động khủng bố đã được tìm thấy trên xác người đàn ông đâm người trên phố.
“Vụ việc đã nhanh chóng được xác định là một vụ khủng bố và chúng tôi tin rằng nó liên quan đến Hồi giáo [cực đoan]”, ông Lucy DémOrsi, một quan chức cảnh sát của Metropolitan, nói.

Điểm tin thế giới chiều 3/2:

Nỗi sợ virus ‘thổi bay’ 393 tỷ đô la

khỏi thị trường chứng khoán Trung Quốc

Triệu Hằng
Mục Điểm tin thế giới chiều thứ Hai (3/2) của Đại Kỷ Nguyên xin gửi tới bạn đọc những tin sau:
Các nhà đầu tư đã mất trắng 393 tỷ đô la khỏi thị trường chứng khoán của Trung Quốc vào thứ Hai, bán tháo đồng nhân dân tệ và bán phá giá vì lo ngại virus corona lan rộng vào ngày giao dịch đầu tiên tại Trung Quốc kể từ Tết Nguyên đán, Reuters thông tin hôm nay (3/2).
Sự sụt giảm gần 8% trên sàn giao dịch Shanghai là mức giảm hàng ngày lớn nhất trong hơn 4 năm qua.
Hoạt động bán tháo này diễn ra ngay cả khi ngân hàng trung ương Trung Quốc đã thực hiện đợt bơm tiền lớn nhất vào hệ thống tài chính kể từ năm 2004 và bất chấp các động thái điều tiết để kiềm chế bán.
Trung Quốc chưa đồng ý cho Mỹ tới hỗ trợ ngăn virus corona
Cố vấn an ninh Mỹ Robert O’Brien hôm Chủ nhật (2/2) cho hay Trung Quốc đã minh bạch hơn về dịch virus corona so với các cuộc khủng hoảng trước nhưng vẫn chưa chấp thuận đề nghị cho đội ngũ y tế của Mỹ tới hỗ trợ kiểm soát dịch bệnh.
“Chúng tôi vẫn chưa có câu trả lời từ phía Trung Quốc về các đề nghị này, nhưng chúng tôi đã sẵn sàng tiếp tục hợp tác với họ”, cố vấn an ninh Mỹ nói.
“Chúng tôi có rất nhiều chuyên môn. Đây là một mối lo toàn cầu. Chúng tôi muốn giúp các đồng nghiệp Trung Quốc nếu có thể và chúng tôi đã đề nghị trợ giúp, chúng ta sẽ chờ xem họ có đồng ý hay không”.
Trong khi chưa được mời vào Trung Quốc, Ngoại trưởng Mike Pompeo nói trong chuyến thăm Kazakhstan hôm 2/2 rằng các quan chức CDC hiện có mặt ở nước láng giềng Kazakhstan để giúp ngăn chặn sự lây lan của virus.
Hồng Kông sẽ công bố “vực thẳm” suy thoái năm 2019 do biểu tình, chiến tranh thương mại
Hồng Kông sẽ tiết lộ chiều sâu của cuộc suy thoái đầu tiên trong một thập niên vào thứ Hai, khi các cuộc biểu tình chống chính phủ bạo lực và cuộc chiến áp thuế quan thương mại giữa Washington và Beijing đã làm bốc hơi nền kinh tế đặc khu này trong quý cuối cùng của năm ngoái, theo Reuters (3/2).
Nhưng điều tồi tệ nhất vẫn chưa xảy ra khi đợt bùng phát virus corona mới ở lục địa Trung Quốc đang tiếp tục làm kinh tế suy thoái.
Hồng Kông cho đến nay đã phát hiện 15 trường hợp nhiễm virus corona, chính quyền đã thực hiện các biện pháp nhằm giảm lưu lượng khách từ Trung Quốc, nơi số người chết vì virus đã tăng lên 361 người.
Số người chết vì virus corona tiếp tục tăng
Số người tử vong vì virus corona đã tăng lên 362 trường hợp, trong số này có 361 người Trung Quốc, số ca nhiễm cũng lên hơn 17.000 trên toàn cầu.
Ủy ban Y tế tỉnh Hồ Bắc hôm nay cho biết, tại tỉnh đã có thêm 56 ca tử vong, thêm 2.103 ca dương tính với virus corona chủng mới (nCoV).
Cùng ngày, Uỷ ban Y tế Quốc gia tại Bắc Kinh ghi nhận có thêm 2.829 trường hợp mắc virus corona trên toàn quốc.
Người Vũ Hán bị hắt hủi vì dịch bệnh
Người dùng Ludougao chia sẻ trên mạng xã hội Weibo rằng cô bị đuổi khỏi một nhà nghỉ ở thành phố Trường Sa, tỉnh Hồ Nam chỉ vì cô là người Vũ Hán.
Ludougao rời Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc hôm 20/1, ba ngày trước khi chính quyền lệnh phong tỏa thành phố này vì dịch virus corona mới (nCoV). Cô viết trên Weibo vì cô là du khách người Vũ Hán nên nay cô không được chào đón ở Hồ Nam.
Ludougao than thở: “Tôi không thể hiểu nổi. Ngay cả khi tất cả người Vũ Hán chúng tôi đều là ‘xác sống’, tôi không được  ở trong nhà để ngăn dịch lây lan hay sao? Giờ tôi bị đuổi ra ngoài rồi và không biết phải đi đâu”.
Nỗi sợ hãi vì dịch virus corona lan rộng đã châm ngòi cho làn sóng căm ghét và phân biệt đối xử với những người đến từ Vũ Hán. Một số người dân đã bị chối bỏ trên chính đất nước của họ.
Có thể bạn quan tâm:
Nỗi lo về dịch virus corona kích hoạt thái độ chống Trung Quốc trên toàn thế giới
Dịch virus corona ở Trung Quốc đang ảnh hưởng đến nền kinh tế thế giới như thế nào?

0 comments

Leave a comment

Powered by Blogger.