Tin Biển Đông – 03/02/2020
TQ vi phạm nghiêm trọng các quy định của
luật pháp quốc tế khi chiếm Hoàng Sa
Ngày 17/01/1974, lợi dụng tình hình chiến tranh Việt Nam, Trung Quốc đã sử dụng một lực lượng lớn hải quân tấn công, đánh chiếm quần đảo Hoàng Sa. Hành động sử dụng vũ lực của Trung Quốc đánh chiếm Hoàng Sa không chỉ vi phạm nghiêm trọng Hiến chương Liên hợp quốc mà còn vi phạm các nguyên tắc quốc tế về xác lập chủ quyền lãnh thổ.
Để giải quyết một cách triệt để tranh chấp lãnh thổ giữa các nước, Hội nghị về châu Phi giữa 13 nước châu Phi và Hoa Kỳ năm 1885 và sau khóa họp của Viện Luật pháp quốc tế ở Lausanne, Thụy Sĩ, năm 1888, các nhà khoa học cũng như phần lớn quốc gia trên thế giới đã thống nhất áp dụng một nguyên tắc thụ đắc lãnh thổ mới. Đó là nguyên tắc “chiếm hữu thật sự”. Đây là nguyên tắc pháp lý mà Việt Nam dựa vào để chứng minh và khẳng định Việt Nam có chủ quyền đối với 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa ở giữa Biển Đông.
Nội dung chủ yếu của nguyên tắc “chiếm hữu thực sự” trong luật pháp quốc tế là: Việc xác lập chủ quyền lãnh thổ phải do Nhà nước tiến hành; Sự chiếm hữu phải được tiến hành một cách hòa bình trên một vùng lãnh thổ vô chủ (res nullius) hoặc là trên một vùng lãnh thổ đã bị từ bỏ bởi một quốc gia đã làm chủ nó trước đó (derelicto). Việc sử dụng vũ lực để xâm chiếm là hành động phi pháp; Quốc gia chiếm hữu phải thực thi chủ quyền của mình ở những mức độ cần thiết, tối thiểu thích hợp với các điều kiện tự nhiên và dân cư trên vùng lãnh thổ đó; Việc thực thi chủ quyền phải liên tục, hòa bình.
Do tính hợp lý và chặt chẽ của nguyên tắc này, nên mặc dù Công ước Saint Germain ra đời ngày 10/9/1919 tuyên bố hủy bỏ Định ước Berlin năm 1885 vì lý do thế giới không còn lãnh thổ vô chủ nữa, các luật gia và cơ quan tài phán quốc tế vẫn vận dụng nguyên tắc này để giải quyết tranh chấp chủ quyền trên các hải đảo.
Một số ví dụ cụ thể như: Tòa án Trọng tài Thường trực Quốc tế The Hague tháng 4/1928 đã vận dụng nguyên tắc này để xử vụ tranh chấp đảo Palmas giữa Mỹ và Hà Lan; phán quyết của Tòa án Quốc tế của Liên hợp quốc tháng 11/1953 đối với vụ tranh chấp chủ quyền giữa Anh và Pháp về các đảo Minquiers và Ecrehous; tháng 12/2002, Tòa án Công lý Quốc tế đã quyết định cho Malaysia thắng trong vụ kiện về chủ quyền đối với Pulau Ligitan và Pulau Sipadan vì Tòa nhận thấy rằng Malaysia đã thực hiện thường xuyên một loạt hoạt động của Nhà nước ở đó.
Căn cứ vào nguyên tắc pháp lý này thì quần đảo Hoàng Sa hoàn toàn thuộc chủ quyền của Việt Nam. Rất nhiều tư liệu lịch sử có giá trị pháp lý cao hiện được lưu giữ tại các trung tâm lưu trữ Việt Nam và quốc tế đều chứng tỏ Nhà nước Việt Nam là nhà nước đầu tiên trong lịch sử đã chiếm hữu và thực thi chủ quyền của mình đối với quần đảo Hoàng Sa từ khi chúng còn là đất vô chủ, chí ít là từ thế kỷ thứ XVII. Việc chiếm hữu và thực thi chủ quyền của Việt Nam ở quần đảo này là rõ ràng, liên tục, hòa bình, phù hợp với nguyên tắc thụ đắc lãnh thổ hiện hành – nguyên tắc chiếm hữu thật sự – của Công pháp quốc tế.
Việc chiếm hữu và thực thi chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa thể hiện qua các thời kỳ lịch sử. Suốt trong 3 thế kỷ, từ thế kỷ XVII đến cuối thế kỷ XIX, dù trải qua 3 triều đại khác nhau, Việt Nam đều đã thực hiện sứ mệnh thiêng liêng của mình, với tư cách là Nhà nước Đại Việt, tiến hành chiếm hữu và thực thi chủ quyền Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa.
Đội Hoàng Sa là một tổ chức do nhà nước lập ra để quản lý, bảo vệ, khai thác quần đảo này. Đội Hoàng Sa, về sau lập thêm Đội Bắc Hải do Đội trưởng Đội Hoàng Sa kiêm quản, đã hoạt động theo lệnh của 7 đời chúa, từ chúa Nguyễn Phúc Lan hay Nguyễn Phúc Tần cho đến khi phong trào Tây Sơn nổi dậy, không gặp phải bất kỳ sự tranh chấp, phản kháng nào.
Nhà nước phong kiến Việt Nam đã tổ chức đơn vị hành chính của Hoàng Sa trong hệ thống tổ chức hành chính của nhà nước lúc bấy giờ. Các tài liệu lịch sử Việt Nam ghi nhận rất rõ điều này. Thời chúa Nguyễn, Hoàng Sa thuộc Thừa Tuyên Quảng Nam hay Quảng Nghĩa (Ngãi), lúc là phủ khi thì trấn: “Bãi Cát Vàng trong phủ Quảng Nghĩa” (Toản tập Thiên Nam Tứ chí Lộ đồ thư); “Hoàng Sa ở phủ Quảng Nghĩa, thuộc dinh Quảng Nam, huyện Bình Sơn, xã An Vĩnh” (Phủ biên Tạp lục của Lê Quí Đôn); sang thời Tây Sơn, phủ Quảng Nghĩa đổi thành phủ Hòa Nghĩa. Thời nhà Nguyễn, Hoàng Sa thuộc tỉnh Quảng Ngãi.
Kế tiếp thời kỳ nhà nước phong kiến Việt Nam, với tư cách là đại diện cho Nhà nước Việt Nam về mặt đối ngoại theo Hiệp ước Patenotre 1884, chính quyền thực dân Pháp đã tiến hành bảo vệ và quản lý quần đảo Hoàng Sa theo đúng thủ tục pháp lý đương đại. Rất nhiều tư liệu, kể cả các giấy tờ pháp lý đang lưu giữ tại Pháp và Việt Nam chứng minh điều này.
Đến thời kỳ Việt Nam chia 2 miền Nam Bắc, theo Hiệp định Geneve 1954, quần đảo Hoàng Sa nằm dưới vỹ tuyến 17 nên thuộc quyền quản lý của chính quyền Việt Nam Cộng hòa ở miền Nam Việt Nam. Chính quyền Việt Nam Cộng hòa là một chủ thể có tư cách pháp lý trong quan hệ quốc tế, đã tiếp tục bảo vệ và quản lý quần đảo Hoàng Sa từ năm 1954. Chính quyền Việt Nam Cộng hòa đã liên tục thực thi chủ quyền trên quần đảo Hoàng Sa bằng các văn bản hành chính nhà nước, cũng như bằng việc triển khai thực thi chủ quyền thực tế cho đến khi bị Trung Quốc tấn công đánh chiếm bằng vũ lực năm 1974.
Sau năm 1975, thống nhất hai miền Nam Bắc, trước bất cứ hoạt động nào của Trung Quốc ở Hoàng Sa, chính quyền Hà Nội luôn bày tỏ sự phản đối và khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với Hoàng Sa; nhấn mạnh các hoạt động của Trung Quốc là bất hợp pháp, vi phạm chủ quyền của Việt Nam. Việc đánh chiếm bằng vũ lực và các hoạt động bất hợp pháp của Trung Quốc không thể tạo ra cái gọi là “chủ quyền” của Trung Quốc đối với quần đảo này.
Để biện minh cho hành động xâm chiếm bằng vũ lực, Trung Quốc lập luận rằng Trung Quốc có “chủ quyền lịch sử” đối với quần đảo Hoàng Sa (mà phía Trung Quốc gọi là Tây Sa). Họ khẳng định rằng, tổ tiên người Trung Hoa từ hàng nghìn năm nay trong lịch sử đã phát hiện, khai phá, chiếm hữu, thực thi chủ quyền đối với quần đảo này. Đây chính là sự ngụy biện theo nguyên tắc “chủ quyền lịch sử” mà nhiều lần giới cầm quyền ở Bắc Kinh đã nói. Vin vào lập trường này, Trung Quốc đã và đang tìm mọi cách, viện dẫn nhiều sách, tài liệu địa lý, lịch sử để chứng minh và bảo vệ cho quan điểm pháp lý về quá trình xác lập và thực thi cái gọi là “chủ quyền lịch sử” đối với Hoàng Sa.
Trên thực tế, Trung Quốc không tìm được các tư liệu xác thực để minh chứng cho lập luận này mà chủ yếu là họ bóp méo sự thật, trích dẫn sai lệch, cắt xén các tài liệu. Bởi trên các bản đồ do chính Trung Quốc xuất bản từ đời nhà Thanh trở về trước đều thể hiện biên giới phía Nam của Trung Quốc kết thúc ở đảo Hải Nam. Cần phải đề cập đến điều này bởi lẽ nếu đúng là có chứng cứ xác thực về chủ quyền đối với Hoàng Sa thì Trung Quốc việc gì phải e ngại đưa vấn đề ra cơ quan tài phán quốc tế để giải quyết?
Ngay cả ông Lý Lệnh Hoa, một chuyên gia nổi tiếng về Công pháp quốc tế người Trung Quốc cũng cho rằng: “Chứng cứ (lịch sử) đó có ý nghĩa ngày càng nhỏ trong luật quốc tế hiện đại…, chứng cứ thật sự có sức thuyết phục chính là sự kiểm soát thực sự. Anh nói chỗ đó của anh, vậy anh đã từng quản lý nó chưa, người ở đó có phục tùng sự quản lý của anh không, có phải người khác không có ý kiến gì không? Nếu đáp án của những câu hỏi này đều là “có” thì anh thắng là điều chắc. Chúng ta (Trung Quốc) không có được điều đó…”.
Bà Monique Chemillier Gendreau, Giáo sư công pháp quốc tế và khoa học chính trị ở Trường Đại học Paris VII Denis Diderot, nguyên Chủ tịch Hội Luật gia dân chủ Pháp, nguyên Chủ tịch Hội luật gia châu Âu kết luận: “Người Trung Quốc cách đây khá lâu đã biết ở Biển Đông có nhiều đảo mọc rải rác, nhưng điều đó không đủ làm cơ sở pháp lý để bảo vệ cho lập luận rằng, Trung Quốc là nước đầu tiên phát hiện, khám phá, khai thác và quản lý hai quần đảo này”.
Như vậy, có thể khẳng định rằng nguyên tắc “chủ quyền lịch sử” mà Trung Quốc vin vào là vô giá trị, nếu không muốn nói đó là quan điểm rất nguy hại, gây bất ổn cho sự tồn tại hiện thời, hợp pháp của các
quốc gia trên thế giới. Bởi vì, nếu chỉ căn cứ vào lịch sử thì nhiều quốc gia sẽ không tồn tại như ngày nay, kể cả nước Trung Hoa.
Bất chấp sự thật nói trên, để biện minh cho những hành động từng bước dùng vũ lực xâm chiếm quần đảo Hoàng Sa vào các thời điểm năm 1909 (Tổng đốc Lưỡng Quảng), năm 1956, 1974 (Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa), phía Trung Quốc đã và đang sử dụng nhiều thủ đoạn về chính trị, pháp lý, truyền thông, các diễn đàn khoa học, các dự án kinh tế hay bồi đắp, mở rộng các cấu trúc rồi xây dựng các công trình quân sự… để “giành lấy sự công nhận trên thực tế về lập trường “chủ quyền lịch sử” mơ hồ và sai trái của họ.
Việc Trung Quốc đánh chiếm Hoàng Sa bằng vũ lực chính là hành động xâm lược vi phạm nghiêm trọng Hiến chương Liên hợp quốc và các chuẩn mực của luật pháp quốc tế. Sự ngụy biện của Trung Quốc về cái gọi là “chủ quyền lịch sử” vi phạm các nguyên tắc về thụ đắc lãnh thổ.
Nhân ngày ông công ông táo về trời (23 tháng chạp năm Kỷ Hợi) và cũng là ngày mà cách đây 46 năm Trung Quốc huy động một lực lượng lớn hải quân xâm lược quần đảo Hoàng Sa (ngày 17/01/1974), chúng ta cùng nhìn lại vấn đề chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa từ khía cạch pháp lý lịch sử để thấy rõ bộ mặt bành trướng, bá quyền của giới cầm quyền ở Bắc Kinh, đồng thời góp tiếng nói khẳng định mạnh mẽ chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa.
Đầu năm 2020, ASEAN quan ngại
các vụ vi phạm nghiêm trọng trên Biển Đông
Tại Hội nghị hẹp Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN (17/1), các bộ trưởng ASEAN bày tỏ quan ngại về tình trạng tôn tạo, bồi đắp trên biển, nhất là những diễn biến gần đây, trong đó có các sự cố nghiêm trọng vi phạm quyền chủ quyền vùng biển một số thành viên ASEAN.
Tại Hội nghị, các nước ghi nhận tiến triển trong đàm phán COC, đồng thời bày tỏ quan ngại về tình trạng tôn tạo, bồi đắp trên biển, nhất là những diễn biến gần đây, trong đó có các sự cố nghiêm trọng vi phạm quyền chủ quyền vùng biển một số thành viên ASEAN, làm gia tăng căng thẳng, xói mòn lòng tin và không tạo thuận lợi cho tiến trình đàm phán COC. Do đó, các bộ trưởng tái khẳng định cần tăng cường lòng tin, kiềm chế và tránh các hành động làm phức tạp thêm tình hình, hướng tới giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình và cần coi luật pháp quốc tế, UNCLOS là cơ sở, là thước đo cho những đòi hỏi về chủ quyền và quyền chủ quyền trên các vùng biển. Các bộ trưởng cũng nhấn mạnh sự cần thiết phải thực hiện đầy đủ Tuyên bố về cách ứng xử ở biển Đông (DOC) để tạo lập môi trường tin cậy lẫn nhau, tích cực thúc đẩy thương lượng để hướng tới sớm đạt được Bộ quy tắc ứng xử COC hiệu quả, hiệu lực, phù hợp với luật pháp quốc tế, bao gồm UNCLOS năm 1982.
Đáng chú ý, trong Thông cáo sau cuộc họp đã nhấn mạnh một số vấn đề cụ thể: (1) Chúng tôi đã thảo luận sâu rộng về các ưu tiên của ASEAN cho năm 2020 cũng như định hướng về xây dựng Cộng đồng ASEAN, đẩy mạnh quan hệ đối ngoại của ASEAN và củng cố cấu trúc khu vực lấy ASEAN làm trung tâm. Chúng tôi cũng trao đổi về diễn biến tình hình khu vực và thế giới, cách thức để ASEAN có thể thích ứng hiệu quả trước các thách thức và cơ hội đến từ những biến động ở khu vực và thế giới, trong khi duy trì đoàn kết, gắn kết và vai trò trung tâm vì hòa bình, an ninh, ổn định, thịnh vượng và bền vững ở khu vực và thế giới. Theo đó, chúng tôi cũng tái khẳng định cam kết mạnh mẽ của ASEAN về chủ nghĩa khu vực mở và chủ nghĩa đa phương. (2) Chúng tôi tái khẳng định cam kết chung về duy trì và thúc đẩy hòa bình, an ninh và ổn định trong khu vực, cũng như giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, tôn trọng đầy đủ các tiến trình pháp lý và ngoại giao, không đe dọa sử dụng hoặc sử dụng vũ lực, phù hợp với các nguyên tắc được công nhận rộng rãi của luật pháp quốc tế, bao gồm UNCLOS năm 1982. (3) Các bộ trưởng Ngoại giao ASEAN bày tỏ ủng hộ đối với các trọng tâm ưu tiên và các đề xuất sáng kiến chính của Việt Nam dưới chủ đề “ASEAN Gắn kết và Chủ động Thích ứng” trong năm 2020, phù hợp với mục tiêu xuyên suốt của tiến trình xây dựng Cộng đồng ASEAN và tiếp nối những nỗ lực của các Chủ tịch ASEAN tiền nhiệm. Các Bộ trưởng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc củng cố đoàn kết, gắn kết của ASEAN, tăng cường hội nhập kinh tế ASEAN, đẩy mạnh thương mại và đầu tư nội khối ASEAN, thúc đẩy phát triển bền vững, tăng cường kết nối và hợp tác tiểu vùng, bao gồm phát triển tiểu
vùng sông Mekong, nâng cao hình ảnh và sự hiện diện của Cộng đồng ASEAN, đồng thời chủ động ứng phó với các cơ hội và thách thức đang nổi lên từ bối cảnh khu vực và toàn cầu đang thay đổi nhanh chóng cũng như từ những phát triển vượt bậc của công nghệ trong Cách mạng Công nghiệp lần thứ 4. (4) Các bộ trưởng Ngoại giao ASEAN trông đợi kết quả đánh giá giữa kỳ việc thực hiện các Kế hoạch Tổng thể của Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2025 trong năm 2020, đồng thời nhất trí cần có cách tiếp cận hướng tới tương lai thông qua bắt đầu các cuộc thảo luận về tầm nhìn ASEAN sau năm 2025. Các Bộ trưởng cũng nhất trí đẩy mạnh bảo vệ và hợp tác môi trường, đặc biệt về biến đổi khí hậu, rác thải biển, và ô nhiễm khói mù xuyên biên giới, cũng như trong các lĩnh vực về phát triển bền vững, trao quyền cho phụ nữ và bình đẳng giới. (5) Chúng tôi tái khẳng định tầm quan trọng và vai trò phù hợp của Hiệp ước Thân thiện và Hợp tác ở Đông Nam Á (TAC) như là bộ quy tắc ứng xử chỉ đạo quan hệ giữa các quốc gia trong khu vực và là nền tảng duy trì hòa bình và ổn định khu vực. Chúng tôi cam kết tiếp tục thúc đẩy các mục tiêu và nguyên tắc của TAC. Chúng tôi hoan nghênh việc ngày càng nhiều quốc gia ngoài khu vực quan tâm tới việc gia nhập TAC trên cơ sở tôn trọng và tuân thủ các mục tiêu và nguyên tắc của TAC và nhất trí xem xét các đề nghị gia nhập mới trên cơ sở Tài liệu hướng dẫn Sửa đổi về việc Gia nhập TAC. (6) Chúng tôi tái khẳng định tầm quan trọng của Tài liệu Quan điểm của ASEAN về Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương (AOIP) như bộ quy tắc hướng dẫn để ASEAN tham gia, đóng góp vào hợp tác ở châu Á – Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương. Chúng tôi nhất trí tiếp tục thúc đẩy các mục tiêu và nguyên tắc được nêu trong Tài liệu Quan điểm, đồng thời khuyến khích các đối tác bên ngoài ủng hộ và triển khai các nội dung hợp tác thiết thực với ASEAN trong bốn lĩnh vực hợp tác chính là hợp tác biển, kết nối, phát triển bền vững và hợp tác kinh tế. (7) Chúng tôi tái khẳng định tầm quan trọng của việc duy trì và thúc đẩy hòa bình, an ninh, ổn định, an toàn và tự do hàng hải và hàng không trên biển Đông và ghi nhận lợi ích của việc duy trì biển Đông là vùng biển của hòa bình, ổn định và thịnh vượng. Chúng tôi nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thực hiện đầy đủ và hiệu quả toàn bộ DOC năm 2002. Chúng tôi thấy khích lệ trước những tiến triển trong đàm phán thực chất nhằm sớm đạt được COC thực chất và hiệu quả, phù hợp với luật pháp quốc tế, bao gồm UNCLOS 1982. Chúng tôi nhấn mạnh sự cần thiết duy trì và thúc đẩy một môi trường thuận lợi cho đàm phán COC, và theo đó hoan nghênh các biện pháp thực tiễn nhằm làm giảm căng thẳng và nguy cơ xảy ra sự cố, hiểu nhầm và tính toán sai lầm. Chúng tôi nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thực hiện các biện pháp phòng ngừa và xây dựng lòng tin nhằm thúc đẩy lòng tin và sự tin cậy giữa các bên; và chúng tôi tái khẳng định tầm quan trọng của việc đề cao luật pháp quốc tế, bao gồm UNCLOS 1982. (8) Chúng tôi trao đổi về tình hình Biển Đông, trong đó quan ngại đã được bày tỏ về hoạt động tôn tạo bồi đắp, những diễn biến gần đây và các sự cố nghiêm trọng, đã làm xói mòn lòng tin và sự tin cậy, làm gia tăng căng thẳng và có thể đe dọa hòa bình, an ninh và ổn định ở khu vực. Chúng tôi tái khẳng định sự cần thiết thúc đẩy lòng tin và sự tin cậy, tự kiềm chế trong tiến hành các hoạt động và tránh các hành động có thể làm phức tạp thêm tình hình, và giải quyết hoà bình các tranh chấp trên cơ sở luật pháp quốc tế, bao gồm UNCLOS 1982. Chúng tôi tái khẳng định rằng luật pháp quốc tế, bao gồm UNCLOS 1982, là cơ sở để xác định chủ quyền, quyền chủ quyền và lợi ích chính đáng đối với các vùng biển. Chúng tôi tái khẳng định rằng UNCLOS 1982 là khung pháp lý cơ bản cho các vùng biển và phải được tất cả các quốc gia tôn trọng. Chúng tôi nhấn mạnh tầm quan trọng của phi quân sự hóa và tự kiềm chế trong việc tiến hành các hoạt động bởi các bên có tuyên bố chủ quyền và tất cả các quốc gia khác, bao gồm các hoạt động được đề cập đến trong DOC có thể làm phức tạp thêm tình hình và leo thang căng thẳng ở biển Đông. (9) Chúng tôi nhấn mạnh tầm quan trọng của duy trì đối thoại hòa bình giữa các bên liên quan nhằm đạt được hòa bình và ổn định lâu dài ở Bán đảo Triều Tiên được phi hạt nhân hóa. Để đạt được điều này, chúng tôi kêu gọi các bên liên quan nối lại đối thoại hòa bình và tiếp tục hợp tác có tính xây dựng, bao gồm thông qua việc triển khai đầy đủ và nhanh chóng Tuyên bố Bàn Môn Điếm, Tuyên bố chung Bình Nhưỡng và tuyên bố chung giữa lãnh đạo Hoa Kỳ và lãnh đạo Triều Tiên. Chúng tôi tái khẳng định cam kết thực hiện đầy đủ tất cả các nghị quyến liên quan của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc và ghi nhận các nỗ lực quốc tế nhằm đạt được tiến trình phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên một cách hoàn toàn, có thể kiểm chứng và không thể đảo ngược. Chúng tôi cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của các cơ chế do ASEAN dẫn dắt như Diễn đàn Khu vực ASEAN (ARF) trong thúc đẩy môi trường thuận lợi cho đối thoại giữa các bên liên quan. (10) Chúng tôi nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tăng cường các nỗ lực và hợp tác khu vực trong giải quyết các thách thức an ninh phi truyền thống như khủng bố và cực đoan bạo lực, tội phạm xuyên quốc gia, an ninh biển, an ninh mạng và an ninh nguồn nước.
Được biết, hiện các nước ASEAN và Trung Quốc đang đàm phán về COC vốn được kêu gọi tiến hành đàm phán gần hai chục năm qua, đến nay mới chỉ thỏa thuận được cái khung đàm phán. Các chi tiết điều khoản thỏa thuận thì vẫn còn đang cù cưa mà mấu chốt vẫn là có hay không có sự ràng buộc pháp lý.
Indonesia giành thắng lợi
trong cuộc đối đầu với TQ trên Biển Đông
Indonesia đã cứng rắn và giành thắng lợi trong cuộc chiến chống lại sự bành trướng và xâm lấn trên biển của Trung Quốc. Để giành được chiến thắng trên, Indonesia đã huy động sức mạnh tổng hợp, đồng thời thể hiện thái độ cương quyết trong việc bảo vệ chủ quyền ở Biển Đông.
Sau khi Trung Quốc điều hàng chục tàu chấp pháp bảo vệ các tàu cá đánh bắt trái phép trong vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Indonesia ở đảo Ranai, Chính quyền của Tổng thống Joko Widodo đã có những biện pháp cứng rắn, xua đuổi tàu Trung Quốc. Theo đó, kết hợp với phản ứng về ngoại giao, Indonesia đã tiến hành chiến lược “đối phó kiềm chế” trên thực địa, khi các quan chức cấp cao trong chính phủ quyết định tại cuộc họp hôm 3/1 rằng lực lượng chức năng nước này sẽ tránh đối đầu trực tiếp hoặc bắt giữ ngư dân Trung Quốc. Không giống như sự cố năm 2016, khi tàu chiến Indonesia bắn cảnh cáo làm ngư dân Trung Quốc bị thương, lực lượng chức năng Indonesia lần này đã rút kinh nghiệm và ưu tiên giải quyết tình hình ngoài khơi Natuna bằng biện pháp ngoại giao hòa bình.
Trên mặt trận truyền thông, các bộ trưởng trong chính phủ Indonesia liên tục xuất hiện trên truyền hình, trấn an dư luận bằng các tuyên bố mạnh mẽ với người dân rằng họ có thể đối phó được với Trung Quốc. Để thể hiện quyết tâm bảo vệ quyền chủ quyền, nước này thông báo kế hoạch đưa ngư dân từ Tây Java tới đánh bắt ở vùng biển phía bắc Natuna để bảo vệ vùng đặc quyền kinh tế. Trước những lo ngại trong nước rằng Indonesia đang trở nên quá phụ thuộc vào vốn đầu tư của Trung Quốc, Luhut Panjaitan, Bộ trưởng Điều phối Các vấn đề Hàng hải và Đầu tư, khẳng định Indonesia sẽ không đánh đổi chủ quyền lãnh thổ để đổi lấy nguồn tiền từ Trung Quốc. Không những vậy, Tổng thống Widodo (8/1) gia tăng mức độ phản ứng của Indonesia lên một bậc khi đến thăm đến quần đảo Natuna và lên tàu chiến KRI Usman Harun tại căn cứ hải quân Lampa Strait. Ngay sau đó, hải quân Indonesia đưa 8 chiến hạm đến quần đảo Natuna để “tuần tra và cứu nạn” nhằm tăng cường hiện diện. Không quân Indonesia cũng thông báo triển khai các chiến đấu cơ F-16 đến quần đảo Natuna để “tuần tra thường nhật”.
Ngoài ra, Indonesia đang lên kế hoạch mua sắm các tàu lớn hơn để lực lượng tuần duyên mở rộng phạm vi hoạt động tại các vùng biển xa, trong đó có Quần đảo Natuna thuộc tỉnh Quần đảo Riau. Theo truyền thông Indonesia, kế hoạch mua sắm tàu trên được công bố chỉ một thời gian ngắn sau khi Bộ trưởng Quốc phòng Prabowo Subianto thông báo mua các tàu khu trục của Đan Mạch để trang bị cho Hải quân. Bộ trưởng Điều phối Hàng hải và Đầu tư Luhut Binsar Pandjaitan cho biết, Cơ quan An ninh Hàng hải (Bakamla) sẽ sớm được chuyển đổi thành lực lượng tuần duyên và do vậy sẽ cần các tàu lớn có cùng kích cỡ với tàu khu trục của Đan Mạch. Việc chuyển đổi Bakamla thành lực lượng tuần duyên được đề cập trong một dự luật đang được Hạ viện Indonesia xem xét. Dự luật này nhằm giải quyết vai trò chồng chéo giữa các cơ quan an ninh hàng hải quốc gia. Hiện Indonesia có nhiều cơ quan chuyên trách an ninh hàng hải, trong đó có Bakamla, Cảnh sát đường thủy, Hải quân, lực lượng tuần tra biển thuộc Bộ Biển và Nghề cá.
Trước những phản ứng mạnh mẽ trên nhiều mặt trận của Indonesia, sau khoảng 20 ngày xâm phạm EEZ nước này, hầu như toàn bộ đội tàu cá Trung Quốc cùng tàu hải cảnh hộ tống đã lẳng lặng rút khỏi khu vực hôm 9/1.
Jefferson Ng, chuyên gia nghiên cứu cấp cao tại đại học công nghệ Nanyang, cho rằng thông qua ngoại giao hòa bình và xử lý các vấn đề trong nước, Indonesia đã khiến Trung Quốc phải chùn bước trên vùng biển ngoài khơi Natuna. Lợi ích quốc gia của Indonesia ở EEZ được bảo vệ, trong khi mối quan hệ kinh tế với Bắc Kinh không bị ảnh hưởng, cũng như không khiến dư luận trong nước bất bình với các hoạt động đầu tư của Trung Quốc. Để tránh các sự việc tương tự xảy ra trong tương lai, Jefferson cho rằng Indonesia sẽ có thêm các biện pháp phòng bị để bảo vệ lợi ích quốc gia của mình trên Biển Đông. Theo Jefferson, Indonesia sẽ tìm cách đa dạng hóa nguồn đầu tư nước ngoài để giảm sự phụ thuộc vào Trung Quốc. Mặc dù nợ tư nhân Indonesia với Trung Quốc đã tăng gấp ba lần trong giai đoạn 2014-2018 lên 16,1 tỷ USD, con số này vẫn ở mức thấp so với các nhà đầu tư dài hạn như Singapore và Nhật Bản.
Indonesia cũng đang tìm kiếm đầu tư từ Các tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE), Nhật Bản và Mỹ.
Giáo sư Diego Fossati, Khoa Nghiên cứu Châu Á và Quốc tế tại Đại học Thành thị Hong Kong (City University of Hong Kong) cho biết, người đã nghiên cứu nền chính trị Indonesia trong nhiều năm, nói, sự phát triển của Trung Quốc ở Biển Đông đã khiến các nước Đông Nam Á lo ngại. Theo chuyên gia Diego Fossati, Indonesia kiên quyết đáp trả Trung Quốc, có thể là để sát cánh chiến đấu bên cạnh các nước Đông Nam Á khác để chống lại mối đe dọa của Trung Quốc.
Các học giả Trung Quốc thì chỉ ra rằng sự phản kháng của Indonesia đối với Trung Quốc có mục đích khác. Ông Hứa Lợi Bình (Xu Liping), một nhà nghiên cứu tại Viện Chiến lược Châu Á – Thái Bình Dương và Toàn cầu của Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc, nói rằng”Indonesia làm lớn chuyện các tàu Trung Quốc xâm nhập vào vùng biển tranh chấp bắt nguồn từ mạng truyền thông xã hội của Indonesia. Đằng sau họ là cái bóng của một nước lớn nọ” (có lẽ ám chỉ Mỹ).
Trước vấn đề này, Người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng (7-8/1) cho rằng Trung Quốc và Indonesia là đối tác chiến lược toàn diện, hợp tác thân thiện là đại cục, là dòng chính, sự khác biệt là cục bộ và dòng phụ. Là các quốc gia ven Biển Đông và cường quốc trong khu vực, cả hai nước đều gánh vác trách nhiệm nặng nề trong việc duy trì hòa bình và ổn định của khu vực. Trung Quốc luôn xem xét mối quan hệ Trung Quốc – Indonesia từ tầm cao chiến lược và tầm mắt lâu dài, tin rằng phía Indonesia cũng coi trọng quan hệ song phương và đại cục ổn định khu vực, cùng phía Trung Quốc xử lý ổn thỏa các bất đồng. Cảnh Sảng cũng nhấn mạnh một lần nữa rằng “hy vọng Indonesia giữ bình tĩnh”, nói rằng giữa Trung Quốc và Indonesia không có tranh chấp về chủ quyền lãnh thổ, nhưng hai bên có các yêu sách về quyền lợi biển chồng lấn ở một bộ phận vùng biển của Biển Đông. Ông ta đồng thời nhấn mạnh, Trung Quốc có chủ quyền đối với “Quần đảo Nam Sa” (tên Trung Quốc tự đặt cho quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam) và quyền chủ quyền, quyền tài phán đối với các khu vực biển có liên quan. Cảnh Sảng nói, lập trường này phù hợp với luật pháp quốc tế.
0 comments