Tin Biển Đông – 21/02/2020
Bộ trưởng Quốc phòng Malaysia kêu gọi
các cường quốc phương Tây đóng vai trò
trong việc duy trì hòa bình ở Biển Đông
Phát biểu tại Đức trong khuôn khổ tham dự Hội nghị An ninh Munich năm 2020, Bộ trưởng Quốc phòng Malaysia Mohamad Sabu đã đề cập đến vấn đề Biển Đông hiện nay, trong đó đáng chú ý, ông đã kêu gọi các siêu cường phương Tây đóng vai trò trong việc duy trì hòa bình và ổn định ở Biển Đông và đảm bảo không để chiến tranh như ở Trung Đông diễn ra ở châu Á.
Bộ trưởng Quốc phòng Mohamad Sabu tham dự Hội nghị An ninh Munich tại Đức cùng hàng trăm quan chức quốc phòng, ngoại giao, chính trị gia và chuyên gia từ khắp các quốc gia trên thế giới. Trong các phát biểu của mình được báo chí trích dẫn, ông cho rằngmặc dù nền kinh tế suy yếu của Nga, đất nước này có vũ khí, bao gồm cả một thế hệ tên lửa mới.Theo quan điểm này, ông cho biết các quốc gia châu Âu đang hiện đại hóa vũ khí để cạnh tranh với Nga.Ông nói thêm rằng ngoại trừ căng thẳng địa chính trị do Chiến tranh Lạnh mang lại, không có xung đột lớn nào khác giữa châu Âu và Nga kể từ Thế chiến thứ hai.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Quốc phòng Malaysia nhấn mạnh rằng các cuộc chiến ủy nhiệm đang diễn ra ở Trung Đông. Các nhóm đang được tài trợ và tài trợ, trong đó, Libya là một ví dụ rõ ràng về điều này. Ông kêu gọi người Mỹ và người châu Âu không mang các cuộc chiến ủy nhiệm đến châu Á, đặc biệt là ở Biển Đông.
Hội nghị An ninh Munich diễn ra từ ngày 14-16/2 nhằm đưa ra những giải quyết pháp cho các mối quan tâm an ninh toàn cầu, bao gồm kiểm soát vũ khí, thách thức đối với an ninh khu vực, các sáng kiến đối thoại tên lửa, đa phương và chuyển dịch quyền lực toàn cầu. Bộ Quốc phòng Malaysia cho biết sự tham dự của Bộ trưởng Mohamad tại hội nghị là một phần của mối quan hệ đối tác đáng tin cậy như được nêu trong Sách trắng Quốc phòng (DWP). Nó nằm trong khuôn khổ của sáng kiến ngoại giao quốc phòng nhằm thúc đẩy quan hệ quốc phòng tích cực thông qua các nền tảng song phương và đa phương trong việc giải quyết các vấn đề quốc phòng và an ninh khu vực và quốc tế của Chính quyền Malaysia. Phiên họp này nhằm mục đích chia sẻ thông tin minh bạch của DWP, trong đó vạch ra một chiến lược quốc phòng dài hạn để đảm bảo Malaysia vẫn là một quốc gia an toàn, có chủ quyền và thịnh vượng.
Trước đây, phát biểu tại Đối thoại Shangri-La 2018 cách đây hai năm, Bộ trưởng Quốc phòng Malaysia từng cho rằng sự hiện diện của các tàu chiến nước ngoài ở vùng biển ngoài khơi Biển Đông được coi là “không tốt” cho an ninh của khu vực Đông Nam Á vì lo ngại điều này có thể dẫn đến xung đột quân sự. Bộ trưởng Quốc phòng Mohamad Sabu nói rằng tất cả các bên nên tôn trọng các quốc gia trong khu vực, bao gồm cả Malaysia, nơi đã áp dụng lập trường trung lập. Như vậy, rõ ràng tại Hội nghị An ninh Munich 2020, những phát biểu của người đứng đầu Bộ quốc phòng Malaysia đã có sự thay đổi. Điều này cũng phản ánh sự điều chỉnh trong chính sách đối với Biển Đông của nước này trước các hành vi xâm phạm chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông hiện nay.
Nhìn lại chiến thuật dùng lực lượng trên thực địa
kết hợp với sự ủng hộ của người dân của Indonesia
để xua đuổi đội tàu TQ xâm phạm EEZ
Trong thời gian cuối năm 2019 và đầu năm 2020, Trung Quốc liên tục đưa tàu thuyền xâm phạm Vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Indonesia ở vùng biển Natuna. Chính quyền Jakarta đã thuy động lực lượng quân sự trên thực địa và kết hợp sức ép từ ngoại giao, người dân để buộc Bắc Kinh phải rút lui.
Chính phủ Indonesia tố cáo Trung Quốc nhiều lần xâm phạm vùng biển phía Bắc quần đảo Natuna của nước này trong khu vực EEZ. Tàu hải cảnh Trung Quốc đã hộ tống nhiều tàu cá đánh bắt trong EEZ của Indonesia ở đảo Ranai, mà Bắc Kinh gọi là “ngư trường truyền thống”. EEZ của Indonesia ở ngoài khơi quần đảo Natuna chồng lấn với “đường lưỡi bò” mà Trung Quốc đơn phương vẽ ra, bao trùm hầu hết diện tích Biển Đông, bất chấp quy định của luật pháp quốc tế. Có thời điểm, khoảng 50 tàu cá Trung Quốc dưới sự bảo vệ của hai tàu hải cảnh cỡ lớn ngang nhiên khai thác tại vùng biển này. Đây được coi là một phần trong chiến lược “vùng xám” của Trung Quốc nhằm lợi dụng lực lượng tàu cá, dân quân biển để củng cố yêu sách chủ quyền phi lý của Biển Đông. Trước động thái bất ngờ này của Trung Quốc, Indonesia ban đầu dường như lép vế. Cơ quan An ninh Hàng hải Indonesia (Bakamla), lực lượng có chức năng hành pháp trên biển, không thể ngăn cản số lượng tàu cá Trung Quốc quá đông, do hạn chế về lực lượng. “Động thái của Trung Quốc ở quần đảo Natuna có thể là để thăm dò chính quyền Tổng thống Joko Widodo sau khi ông tái đắc cử hồi năm ngoái”, theo nhận định của Collin Koh, chuyên gia an ninh hàng hải thuộc Đại học Công nghệ Nanyang (Singapore).
Quan hệ song phương Trung Quốc – Indonesia duy trì ổn định trong nhiều năm qua. Bắc Kinh đã dành nhiều năm để “lấy lòng” Jakarta sau căng thẳng hồi năm 2016, khi tàu chiến Indonesia bắn tàu cá Trung Quốc xâm phạm EEZ, khiến một ngư dân bị thương. Quan hệ kinh tế song phương cũng khởi sắc từ đó. Trung Quốc là một trong những nhà đầu tư chính của Indonesia, với 2,3 tỷ USD trong nửa đầu năm 2019, chiếm 16,2% tổng vốn đầu tư nước ngoài. Phát triển cơ sở hạ tầng là một trong những cam kết giúp Widodo tái đắc cử. Vai trò của Trung Quốc trong lĩnh vực này dường như không thể phủ nhận. Hồi
đầu tháng 12/2019, Ban Điều phối Đầu tư Indonesia (IICB) đưa ra các dự án cơ sở hạ tầng trị giá 91,1 tỷ USD cho các nhà đầu tư Trung Quốc theo Sáng kiến Vành đai và Con đường.
Trên thực tế, hồi năm 2019, chính quyền Widodo còn kỳ vọng Trung Quốc tham gia vào kế hoạch di dời thủ đô từ Jakarta đến Đông Kalimantan. Vào tháng 7/2019, Widodo đề xuất Chủ tịch Tập Cận Bình thành lập “quỹ lãi suất thấp” để tạo điều kiện cho hoạt động đầu tư của Trung Quốc ở 4 hành lang đầu tư trong khuôn khổ Sáng kiến Vành đai và Con đường. Theo chuyên gia Koh, những động thái này khiến Bắc Kinh tin rằng nội các mới của Widodo có thể “thân thiện” với Trung Quốc về vấn đề Biển Đông hơn trước đây. Các lãnh đạo Bắc Kinh dường như cho rằng Jakarta sẽ phải cân nhắc “thiệt hơn” trong vụ 50 tàu cá Trung Quốc xâm phạm EEZ ngoài khơi Natuna. Tuy nhiên, phản ứng của Indonesia có vẻ như nằm ngoài dự liệu của Trung Quốc.
“Cứng rắn, kiên quyết” về mặt ngoại giao
Trước hành vi xâm phạm EEZ đó, chính quyền Tổng thống Widodo đã ngay lập tức có động thái phản đối mạnh mẽ về ngoại giao. Bộ Ngoại giao Indonesia hai lần gửi công hàm phản đối hoạt động đánh cá phi pháp của Bắc Kinh vào ngày 30/12/2019 và 2/1. Bộ này khẳng định Trung Quốc đã vi phạm EEZ của Indonesia, chỉ ra rằng EEZ đó được thiết lập theo luật quốc tế thông qua Công ước Liên Hợp Quốc về Luật biển 1982 (UNCLOS). Cơ quan ngoại giao Indonesia kêu gọi Trung Quốc tôn trọng việc thực thi UNCLOS mà nước này là thành viên. Jakarta cũng viện dẫn phán quyết của Tòa Trọng tài Thường trực năm 2016 tuyên bố Trung Quốc không có cơ sở pháp lý để đòi quyền lịch sử với các nguồn tài nguyên bên trong “đường lưỡi bò”.
“Đối phó kiềm chế” trên thực địa
Kết hợp với phản ứng về ngoại giao, Indonesia đã tiến hành chiến lược “đối phó kiềm chế” trên thực địa, khi các quan chức cấp cao trong chính phủ quyết định tại cuộc họp hôm 3/1 rằng lực lượng chức năng nước này sẽ tránh đối đầu trực tiếp hoặc bắt giữ ngư dân Trung Quốc. Bakamla, một cơ quan dân sự, sẽ phụ trách hoạt động đẩy đuổi tàu cá Trung Quốc, trong khi tàu chiến Indonesia sẽ hiện diện ở phía sau để hỗ trợ. Không giống như sự cố năm 2016, khi tàu chiến Indonesia bắn cảnh cáo làm ngư dân Trung Quốc bị thương, lực lượng chức năng Indonesia lần này đã rút kinh nghiệm và ưu tiên giải quyết tình hình ngoài khơi Natuna bằng biện pháp ngoại giao hòa bình. Jakarta coi việc đối phó một cách quyết liệt và tương xứng là chìa khóa để giải quyết vấn đề.
Tăng cường lực lượng quân sự
Ngay sau đó, hải quân Indonesia đưa 8 chiến hạm đến quần đảo Natuna để “tuần tra và cứu nạn” nhằm tăng cường hiện diện. Không quân Indonesia cũng thông báo triển khai các chiến đấu cơ F-16 đến quần đảo Natuna để “tuần tra thường nhật”. Trước những phản ứng mạnh mẽ trên nhiều mặt trận của Indonesia, sau khoảng 20 ngày xâm phạm EEZ nước này, hầu như toàn bộ đội tàu cá Trung Quốc cùng tàu hải cảnh hộ tống đã lẳng lặng rút khỏi khu vực hôm 9/1.
Kết hợp trên mặt trận truyền thông
Các bộ trưởng trong chính phủ Indonesia liên tục xuất hiện trên truyền hình, trấn an dư luận bằng các tuyên bố mạnh mẽ với người dân rằng họ có thể đối phó được với Trung Quốc. Để thể hiện quyết tâm bảo vệ quyền chủ quyền, nước này thông báo kế hoạch đưa ngư dân từ Tây Java tới đánh bắt ở vùng biển phía bắc Natuna để bảo vệ vùng đặc quyền kinh tế. Trước những lo ngại trong nước rằng Indonesia đang trở nên quá phụ thuộc vào vốn đầu tư của Trung Quốc, Luhut Panjaitan, Bộ trưởng Điều phối Các vấn đề Hàng hải và Đầu tư, khẳng định Indonesia sẽ không đánh đổi chủ quyền lãnh thổ để đổi lấy nguồn tiền từ Trung Quốc. Tổng thống Widodo gia tăng mức độ phản ứng của Indonesia lên một bậc khi đến thăm đến quần đảo Natuna và lên tàu chiến KRI Usman Harun tại căn cứ hải quân Lampa Strait hôm 8/1.
Đánh giá, nhận định của giới chuyên gia
Chuyên gia nghiên cứu cấp cao tại Đại học công nghệ Nanyang Jefferson Ng, cho rằng thông qua ngoại giao hòa bình và xử lý các vấn đề trong nước, Indonesia đã khiến Trung Quốc phải chùn bước trên vùng biển ngoài khơi Natuna. Lợi ích quốc gia của Indonesia ở EEZ được bảo vệ, trong khi mối quan hệ kinh tế với Bắc Kinh không bị ảnh hưởng, cũng như không khiến dư luận trong nước bất bình với các hoạt động đầu tư của Trung Quốc. Để tránh các sự việc tương tự xảy ra trong tương lai, chuyên gia Jefferson cho rằng Indonesia sẽ có thêm các biện pháp phòng bị để bảo vệ lợi ích quốc gia của mình trên Biển Đông. Indonesia đã nỗ lực tăng cường sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế về vấn đề chủ quyền trên biển. Nước này dự định hợp tác với Nhật Bản để phát triển một cơ sở đánh cá và tiếp nhận hỗ trợ kỹ thuật đối với lực lượng cảnh sát biển, điều cho thấy hai nước có chung lợi ích trong việc duy trì nguyên trạng khu vực.
Theo Jefferson, Indonesia sẽ tìm cách đa dạng hóa nguồn đầu tư nước ngoài để giảm sự phụ thuộc vào Trung Quốc. Mặc dù nợ tư nhân Indonesia với Trung Quốc đã tăng gấp ba lần trong giai đoạn 2014-2018 lên 16,1 tỷ USD, con số này vẫn ở mức thấp so với các nhà đầu tư dài hạn như Singapore và Nhật Bản. Indonesia cũng đang tìm kiếm đầu tư từ Các tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE), Nhật Bản và Mỹ. Việc kết hợp giữa sự ủng hộ của dư luận trong nước với sức mạnh của mình sẽ giúp Indonesia có chiến lược đối phó cứng rắn nhưng vẫn linh hoạt với Trung Quốc.
0 comments