Hải Ngoại Ngày Nay


LIÊN KẾT HẢI NGOẠI YỂM TRỢ QUỐC NỘI ĐẤU TRANH

GIẢI THỂ CHẾ ĐỘ ĐỘC TÀI VIỆT CỘNG

GIẢi TRỪ HIỂM HỌA XÂM LĂNG TRUNG CỘNG

Tin Biển Đông – 12/02/2020

Wednesday, February 12, 2020 6:01:00 PM // ,

Tin Biển Đông – 12/02/2020

Tính toán chiến lược của Mỹ

và một số nước đồng minh ở Biển Đông

Biển Đông không chỉ quan trọng đối với Trung Quốc, mà còn có ý nghĩa lớn, tác động trực tiếp đến lợi ích, an ninh quốc gia của Mỹ và một số nước đồng minh. Trong nhiều năm trở lại đây, Mỹ và nhiều nước đồng minh đã gia tăng hiện diện trong khu vực nhằm ngăn chặn, phản đối các hoạt động phi pháp của Trung Quốc ở Biển Đông.
Tính toán chiến lược của Mỹ ở Biển Đông
Mỹ luôn khẳng định rằng Mỹ cũng như các quốc gia khác có lợi ích quốc gia trong việc đảm bảo tự do thông thương hàng hải, quyền tự do tiếp cận các vùng biển chung của châu Á và sự tôn trọng luật pháp quốc tế ở Biển Đông; nhấn mạnh Mỹ ủng hộ tiến trình đàm phán hòa bình giữa tất cả các bên có yêu sách chủ quyền ở Biển Đông, phản đối bất kỳ sự sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực bởi bất kỳ
bên nào; cam kết không đứng về bên nào trong tranh chấp chủ quyền Biển Đông và khẳng định sẵn sàng hỗ trợ các sáng kiến và biện pháp xây dựng lòng tin phù hợp với Tuyên bố năm 2002 giữa Trung Quốc và ASEAN về ứng xử giữa các bên ở Biển Đông.
Trên thực tế, tính toán chiến lược của Mỹ ở Biển Đông là nhằm: Thứ nhất, thông qua các hoạt động tuần tra hàng hải, bảo vệ tự do hàng hải, hàng không ở Biển Đông. Thứ hai, tăng cường phản đối việc Trung Quốc quyết đoán khẳng định “chủ quyền” của Bắc Kinh trái với luật pháp quốc tế, ngăn chặn Trung Quốc độc chiếm Biển Đông, nỗ lực duy trì hiện trạng sao cho các đảo ở Biển Đông được nhiều nước chiếm lĩnh. Thứ ba, Mỹ chủ trương giải quyết tranh chấp thông qua đàm phán đa phương, tích cực ủng hộ chủ trương ASEAN hóa, khu vực hóa, quốc tế hóa vấn đề Biển Đông của Việt Nam, Philippines và các nước tuyên bố chủ quyền khác. Mỹ không chấp nhận Trung Quốc công bố chủ quyền phi lý trên Biển Đông, coi những hành động ngang ngược của Trung Quốc là nhân tố gây mất ổn định trong khu vực. Thứ tư, Mỹ không thừa nhận cơ sở pháp lý của các đòi hỏi chủ quyền đối với Biển Đông của bất kỳ nước nào, kể cả Philippines (đồng minh truyền thống), nhằm tránh cho Mỹ khỏi dính líu vào cuộc chiến pháp lý phức tạp và chắc chắn sẽ kéo dài, làm hao tổn các nguồn lực của Mỹ. Tuy nhiên, lý do được xem là quan trọng hơn, đó là việc thừa nhận cơ sở pháp lý của các yêu sách chủ quyền của bất kỳ bên nào cũng sẽ bất lợi cho Mỹ. Nếu thừa nhận yêu sách chủ quyền của một bên, tức là Mỹ đã giúp cho bên đó có lợi thế hơn. Về phương diện chiến lược, nếu một nước nào đó làm chủ Biển Đông, ưu thế chiến lược ở châu Á – Thái Bình Dương sẽ nghiêng về họ, tuyến phòng thủ của Mỹ ở Tây Thái Bình Dương có nguy cơ bị phá vỡ. Còn nếu Mỹ thừa nhận cơ sở pháp lý của các yêu sách chủ quyền của các nước Đông Nam Á có liên quan, Mỹ sẽ đối đầu trực tiếp với Trung Quốc. Trong bối cảnh còn phải đối phó với các vấn đề trong và ngoài nước, Mỹ không muốn tiếp tục bị lôi kéo vào một cuộc xung đột nữa, nhất là đối với Trung Quốc. Thứ năm, Biển Đông là “quân cờ” quan trọng của Mỹ trong mục tiêu kiềm chế tham vọng của những nước muốn độc chiếm khu vực này, bởi nếu để xảy ra tình trạng đó, lợi ích chiến lược của Mỹ tại châu Á – Thái Bình Dương sẽ bị tổn hại nghiêm trọng. Ngoài ra, Mỹ muốn qua Biển Đông để thể hiện vai trò của Mỹ đối với thế giới thời kỳ “hậu Irắc”. Thứ sáu, sự suy thoái của nền kinh tế Mỹ sau khủng hoảng tài chính khiến cho nhiều nước cho rằng vai trò của Mỹ đối với thế giới đang yếu đi. Để lấy lại hình ảnh và cũng là để trấn an dư luận quốc tế về sức mạnh của mình, Mỹ rất cần một địa điểm để làm mới vai trò của mình và Mỹ đã lựa chọn Biển Đông.
Để thực hiện được tính toán trên, Mỹ đã triển khai tổng hợp nhiều biện pháp: Đầu tiên, Mỹ tăng cường sự hiện diện quân sự ở Biển Đông. Từ năm 2009 đến năm 2018, Mỹ đã nhiều lần tổ chức diễn tập quân sự song phương cũng như đa phương quy mô lớn cạnh Biển Đông và khu vực vành đai Thái Bình Dương, chẳng hạn như cuộc diễn tập hợp tác huấn luyện và sẵn sàng chiến đấu trên biển với nhiều nước: Brunei, Idonesia, Malaysia, Philippines, Singapore, Thái Lan. Bên cạnh đó tiến hành tập trận quân sự hỗn hợp vai kề vai với Philippines, đồng thời đã tổ chức cuộc diễn tập quân sự Vành đai Thái Bình Dương ở phạm vi rộng hơn với sự tham gia của 14 nước: Nhật Bản, Indonesia, Malaysia, Singapore, Thái Lan, Hàn Quốc, Hà lan, Peru… Thứ hai, Mỹ tăng cường hoạt động đối ngoại, phản ứng mạnh mẽ hành động sai trái của Trung Quốc, bảo vệ đồng minh. Mỹ đã có cam kết rõ ràng với Philippines trong việc ủng hộ Philppines nâng cao năng lực phòng vệ chủ quyền biển đảo, thông qua các biện pháp cụ thể như cung cấp các trang thiết bị, vật tư thỏa đáng để góp phần nâng cao lực lượng quân sự của Philippines, nhất là đối với lực lượng hải quân. Ngoài ra, Mỹ sẽ tăng cường hợp tác trên biển với Việt Nam và nghiêm chỉnh tuân thủ cam kết bảo vệ hòa bình, phồn vinh và an ninh ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương, đồng thời ám chỉ rất rõ sự quan tâm của Mỹ đối với căn cứ hải quân ở vịnh Cam Ranh. Thứ ba, Mỹ cũng tăng cường quan hệ kinh tế thương mại và hợp tác khai thác dầu khí trên biển với các nước tranh chấp liên quan. Mỹ cũng tăng cường hợp tác với các nước ngoài khu vực như Nhật Bản, Ấn Độ để can thiệp vào tình hình Biển Đông. Thứ tư, Mỹ củng cố quan hệ với đồng minh và đối tác để bảo vệ lợi ích của mình, Mỹ củng cố quan hệ với đồng minh như Nhật Bản và Philippines để triển khai lực lượng quân sự, đảm bảo an ninh khu vực và vị thế tại Biển Đông. Mỹ đã đạt được một số thỏa thuận về đảm bảo hoạt động của quân đội Mỹ ở khu vực như tiếp tục sử dụng hai căn cứ Clark và Subic ở Philippines; quyền sử dụng các công trình quân sự của Thái Lan; thực hiện giai đoạn một Hiệp định xây dựng cảng nước sâu cỡ lớn cho quân đội Mỹ tại Singapore. Mỹ cũng khuyến khích các nước châu Á phát triển quan hệ an ninh đa phương. Để giải quyết với vấn đề tranh chấp tại quần đảo Trường Sa, Mỹ nhấn mạnh tầm quan trọng của liên minh quân sự với Philippines và ủng hộ nỗ lực xây lực cơ chế đa phương của ASEAN. Thứ năm, Mỹ ủng hộ và khuyến khích ASEAN hợp tác để giải quyết hòa bình các tranh chấp ở Biển Đông, duy trì ổn định trong khu vực. Mỹ đã phát triển một cơ chế hợp tác chính thức giúp hài hòa cả hai bên dựa trên luật quốc tế. Mỹ cũng dự định bắt đầu tiến trình tiến tới gia nhập Hiệp định Hữu nghị và Hợp tác của ASEAN, can dự vào tiến trình Thượng đỉnh Đông Á. Trong những năm qua, Mỹ cũng luôn ủng hộ những nỗ lực giữa các bên nhằm giải quyết tranh chấp Biển Đông bằng con đường hòa bình theo tinh thần của UNCLOS 1982 và Tuyên bố ứng xử Biển Đông giữa Trung Quốc và ASEAN (DOC) 2002. Đặc biệt là Mỹ đang tích cực ủng hộ đàm phán ASEAN – Trung Quốc về việc đi tới ký kết Bộ quy tắc ứng xử Biển Đông (COC), nhấn mạnh rằng Bộ quy tắc cần đưa ra “khuôn khổ dựa trên các quy định có tính ràng buộc để ngăn chặn và quản lý tranh chấp”. Đồng thời, thông qua các cơ chế khu vực như Diễn đàn an ninh khu vực ARF, Hiệp ước TAC, ADMM+,… Mỹ đã đóng góp tiếng nói đối với việc duy trì an ninh khu vực tại Biển Đông. Trên lĩnh vực quân sự, việc Mỹ triển khai các hợp tác an ninh – quốc phòng với các quốc gia ASEAN đã giúp tăng cường khả năng đối trọng với Trung Quốc của những nước này. Trong những năm gần đây, Mỹ đã cùng các nước ASEAN tiến hành hơn 30 cuộc tập trận, tức hơn 2/3 các cuộc tập trận ở châu Á. Cuối cùng, Mỹ vừa tăng cường quan hệ với Trung Quốc vừa tìm cách kiềm chế Trung Quốc trong vấn đề Biển Đông. Mỹ vừa tranh thủ những cơ chế đối thoại, hợp tác với Trung Quốc nhằm xây dựng một giải pháp đa phương, lại vừa thực hiện các hoạt động do thám, nghiên cứu tại Biển Đông nhằm thăm dò sức mạnh quân sự của Trung Quốc. Mỹ quan ngại tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc tại Biển Đông, ngân sách quân sự ngày càng tăng, các hoạt động kinh tế và quân sự để khẳng định chủ quyền trong khi phủ nhận chủ quyền của các nước khác. Nhưng đồng thời Mỹ tăng cường quan hệ với Trung Quốc, hợp tác khai thác dầu khí để bảo vệ lợi ích kinh tế, chống hải tặc để bảo vệ an toàn hàng hải ở Biển Đông. Mỹ còn muốn tăng cường hợp tác hải quân giữa Mỹ và Trung Quốc nhằm duy trì an ninh ở châu Á- Thái Bình Dương và Biển Đông.
Tính toán chiến lược của Nhật Bản ở Biển Đông
Biển Đông có vai trò quan trọng, mang tính sống còn đối với Nhật Bảntrên nhiều mặt như kinh tế, thương mại, ổn định về chính trị, an ninh và giao thông hàng hải. Quan điểm và mục tiêu xuyên suốt của Nhật Bản đối với vấn đề Biển Đông là duy trì hòa bình, đảm bảo an ninh và tự do hàng hải quốc tế, trên nguyên tắc mọi bất đồng tranh chấp chủ quyền và tranh chấp biển phải được giải quyết dựa trên cơ sở luật pháp quốc tế và luật biển quốc tế bằng các biện pháp hòa bình. Mục tiêu quan trọng của Nhật Bản khi can dự vào vấn đề Biển Đông là tăng cường sự ảnh hưởng của nước này tại khu vực Biển Đông, tích cực can dự đối với cục diện an ninh khu vực, xây dựng hình ảnh nước lớn ở khu vực. Về chính thống, Nhật Bản luôn tuyên bố không đứng về bên nào trong tranh chấp lãnh thổ và vùng biển; Nhật Bản chủ trương các tranh chấp phải giải quyết một cách hòa bình, tôn trọng luật pháp quốc tế, tôn trọng trật tự toàn cầu dựa trên luật pháp; Nhật Bản cũng lo việc đảm bảo một khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương (trong đó bao gồm Biển Đông) tự do và mở, các nước tôn trọng tự do hàng hải và hàng không, thương mại biển không bị cản trở ảnh hưởng đến thịnh vượng của Nhật Bản; Nhật Bản giúp nâng cao năng lực tuần tra hàng hải cho một số nước liên quan tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông.
Để triển khai mục tiêu chiến lược trên, Nhật Bản đã nhiều lần lên tiếng phản đối các hành động như xây dựng và quân sự hóa các đảo trên biển ở quy mô lớn của Trung Quốc; ủng hộ phán quyết của Toà trọng tài; phản đối các hành động đơn phương của Trung Quốc trong giải quyết tranh chấp trên biển… nhằm thúc đẩy quốc tế hóa tranh chấp ở Biển Đông tại các diễn đàn song phương và đa phương, từng bước ngăn chặn các hành động đơn phương không tuân theo luật pháp quốc tế của Trung Quốc. Không những vậy, Nhật Bản cũng hỗ trợ trang thiết bị như tàu tuần tra, máy bay tuần tra và hỗ trợ đào tạo, huấn luyện kỹ năng cho cán bộ chấp pháp biển cho một số nước ASEAN đã góp phần nâng cao năng lực chấp pháp biển của một số nước, hỗ trợ các nước đối phó với âm mưu, hoạt động phi pháp của Trung Quốc trên Biển Đông và qua đó gia tăng áp lực quân sự đối với Trung Quốc. Nhật Bản là một quốc gia biển đã có những công nghệ vượt trội về khai thác và bảo vệ nguồn lợi từ biển nên việc hỗ trợ của Nhật Bản sẽ trong lĩnh vực này sẽ rất có ích cho phát triển kinh tế biển của một số nước liên quan, nhất là Việt Nam, trong việc khai thác, nuôi trồng, chế biển thuỷ, hải sản cũng như lập các khu vực bảo tồn biển… nhằm tránh cạn kiệt nguồn lợi thuỷ sản. Ngoài ra, Nhật Bản cũng tích cực củng cố mối quan hệ đồng minh Nhật – Mỹ, coi quan hệ đồng minh Nhật – Mỹ là khuôn khổ cơ chế hợp pháp cho việc can dự vào Biển Đông. Chiến lược bảo đảm an ninh quốc gia của Nhật Bản chỉ rõ là những nước có mạng lưới thương mại toàn cầu phụ thuộc vào đường biển, Mỹ và Nhật Bản luôn nhấn mạnh tầm quan trọng của việc duy trì trật tự trên biển dựa trên nền tảng luật pháp quốc tế, trong đó có quyền tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông.
Tính toán chiến lược của Ấn Độ ở Biển Đông
Tuy không liên quan trực tiếp và không tuyên bố chủ quyền đối với khu vực Biển Đông, song Biển Đông có vai trò và ảnh hưởng lớn đối với kinh tế, chính trị, an ninh và quốc phòng của Ấn Độ. Ấn Độ đang ngày càng khẳng định vai trò lớn hơn khi công bố có lợi ích ở Biển Đông, phản đối các hành động
thay đổi nguyên trạng ở Biển Đông và khẳng định sự cần thiết phải giải quyết hòa bình các tranh chấp trên cơ sở luật pháp quốc tế, tăng cường giao lưu, hợp tác quốc phòng và an ninh biển với các nước trong khu vực. Trong đó, Tuyên bố chung Ấn – Mỹ ký kết hồi tháng 9 năm 2014 lần đầu tiên đề cập đến vấn đề Biển Đông và nêu rõ Ấn Độ, Mỹ có lợi ích chung về an ninh biển, bao gồm tự do hàng hải, thương mại không bị cản trở và giải quyết hòa bình các tranh chấp theo luật quốc tế. Ngoài ra, Ấn Độ tăng cường hiện diện ở Biển Đông tập trung vào các mục tiêu: (1) Đảm bảo hòa bình, ổn định trong khu vực, giữ cho các tuyến đường biển luôn rộng mở; (2) Đảm bảo không có cường quốc nào khống chế toàn bộ khu vực này. Thông qua chính sách này, Ấn Độ đã theo đuổi các mục tiêu này bằng cách tìm kiếm tăng cường can dự với các quốc gia ASEAN. (3) Tăng cường hiện diện hải quân ở Biển Đông để đối trọng sự bành trướng của Trung Quốc ra Ấn Độ Dương. Hiện Trung Quốc đang tích cực sử dụng các biện pháp quân sự, ngoại giao, kinh tế để can thiệp sâu hơn vào khu vực Ấn Độ Dương thông qua chiến lược “chuỗi ngọc trai” nhằm kiềm chế Ấn Độ. Vì vậy, Ấn Độ phải tăng cường hiện diện ở Biển Đông thông qua các hoạt động giao lưu, tập trận hải quân; theo sát các diễn biến ở Biển Đông để đảm bảo rằng các hành động quyết đoán, cứng rắn và phi pháp của Trung Quốc trên Biển Đông sẽ không diễn ra ở Ấn Độ Dương, nhất là khi Trung Quốc đưa việc bảo vệ các tuyến đường giao thông hàng hải thành lợi ích quốc gia. (4) Thắt chặt quan hệ với các nước trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương.
Để thực hiện mục tiêu trên, Chính phủ Ấn Độ đã có sự điều chỉnh chính sách liên quan vấn đề Biển Đông theo hướng linh hoạt hơn. Lãnh đạo cấp cao của Ấn Độ bày tỏ quan điểm và lập trường ủng hộ tự do hàng hải, giải quyết hòa bình các tranh chấp trên cơ sở luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước Liên hợp quốc về Luật biển năm 1982 (UNCLOS), nghiêm túc thực thi Tuyên bố về Ứng xử ở Biển Đông (DOC), thúc đẩy đàm phán ký kết Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) và ủng hộ vai trò trung tâm của ASEAN. Ấn Độ cũng tăng cường hợp tác hàng hải với các nước có lợi ích ở Biển Đông như Mỹ, Nhật Bản, Australia như Tuyên bố chung Ấn Độ – Nhật Bản (từ năm 2010 – 2014) đều nhấn mạnh hợp tác an ninh biển song phương, Ấn – Mỹ – Nhật (10/2015) tổ chức tập trận chung ở Ấn Độ Dương, Ấn – Australia (9/2015) tập trận chung ở Ấn Độ Dương…; ký kết nhiều hợp đồng quân sự với các nước ASEAN. Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ và Việt Nam đã ký bản ghi nhớ về tuyên bố chung hợp tác quốc phòng giai đoạn 2015 – 2020, nhấn mạnh việc hợp tác về cảnh sát biển; Ấn Độ cũng đã cho Việt Nam vay tín dụng ưu đãi 100 triệu USD để mua các tàu tuần tra của Ấn Độ nhằm nâng cao năng lực bảo vệ an ninh hàng hải. Ngoài ra, Ấn Độ cũng đang tích cực tăng cường hiện diện quân sự trên thực địa, dần khẳng định vị thế một cường quốc trên thế giới. Ấn Độ đã điều nhiều tàu chiến, trong đó có một tàu khu trục tàng hình và một tàu hộ tống tham gia tập trận hải quân với Singapore, thăm một số cảng tại Jakarta của Indonesia, Freemantle của Australia, Kuantan của Malaysia, Sattahip của Thái Lan và Sihanoukville của Campuchia.
Nhìn chung, việc Mỹ và một số nước đồng minh gia tăng hiện diện trong khu vực và ngăn chặn, phản đối các hoạt động phi pháp của Trung Quốc trên Biển Đông phần nào đã hạn chế bước leo thang của Trung Quốc, góp phần duy trì, đảm bảo hòa bình, ổn định trong khu vực. Tuy nhiên, những nước này cần có các biện pháp mạnh hơn nữa để trấn áp Trung Quốc.

Sử dụng vũ lực đánh chiếm biển đảo của Việt Nam:

TQ vi phạm luật pháp quốc tế

Việc Trung Quốc đưa quân chiếm đóng quần đảo Hoàng Sa và một phần quần đảo Trường Sa của Việt Nam vi phạm nghiêm trọng các quy định của luật pháp quốc tế đương đại như Hiến chương Liên hợp quốc, Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982.
Trung Quốc đã chiếm đóng biển, đảo của Việt Nam
Năm 1956, Trung Quốc đã lợi dụng khoảng trống bố phòng mà quân đội Pháp vừa mới rút đi để đưa quân chiếm đóng phía Đông quần đảo Hoàng Sa và đảo Ba Bình thuộc quần đảo Trường Sa. Năm 1974, quân đội Trung Quốc sử dụng vũ lực đánh chiếm toàn bộ các đảo, đá, bãi cạn nửa nổi nửa chìm thuộc quần đảo Hoàng Sa. Năm 1988, Trung Quốc tiếp tục sử dụng vũ lực để chiếm đóng 6 thực thể địa lý thuộc quần đảo Trường Sa gồm: Chữ Thập, Châu Viên, Gạc Ma, Xu Bi, Huy Gơ (Tư Nghĩa), Ga Ven.
Năm 1995, Trung Quốc tiếp tục chiếm đóng bãi cạn nửa nổi nửa chìm Vành Khăn. Năm 2005, Trung Quốc mở rộng chiếm đóng bãi cạn nửa nổi nửa chìm Bàn Than. Trung Quốc hiện tại đang chiếm đóng trên toàn bộ quần đảo Hoàng Sa và 9 thực thể địa lý ở quần đảo Trường Sa.
Từ đó đến nay, Trung Quốc đã tiến hành xây dựng, cải tạo trái phép trên các đảo, đá chiếm đóng của Việt Nam. Tại quần đảo Hoàng Sa, Trung Quốc đã tiến hành rất nhiều hoạt động quân sự. Điển hình là năm 2014, Trung Quốc xây đường băng trên đảo Phú Lâm có chiều dài 2.000m và sau đó là điều máy bay chiến đấu ra đảo Phú Lâm; năm 2016, nước này xây dựng căn cứ trực thăng quân sự trên đảo Quang Hòa và bố trí tên lửa đất đối không HQ-9 trên đảo Phú Lâm.
Tại quần đảo Trường Sa của Việt Nam, hoạt động đáng chú ý nhất là kể từ năm 2014 Trung Quốc đã đẩy nhanh tiến độ xây dựng và cải tạo đá Tư Nghĩa, đá Ga Ven, đá Gạc Ma, đá Chữ Thập, đá Châu Viên, đá Xu Bi. Cụ thể: Tại đá Tư Nghĩa, Trung Quốc đã cải tạo, mở rộng trái phép 62.710m2, xây dựng các công trình được kiên cố như các công sự ven biển, bốn pháo phòng thủ, cầu cảng, cơ sở quân sự đa cấp, trạm radar, bãi đáp trực thăng, hải đăng. Tại đá Ga Ven, Trung Quốc đã mở rộng trái phép 114.000m2; xây dựng kênh tiếp cận, bệ súng phòng không, thiết bị liên lạc, tháp phòng thủ, cơ sở quân sự, bãi đáp trực thăng và đê chắn sóng. Tại đá Gạc Ma, Trung Quốc mở rộng trái phép 10,9ha (109.000m2), xây dựng sáu công trình khác nhau với một khu vực cảng có thể đốn các tàu tải trọng lên tới trên 5.000 tấn, xây dựng đường băng dài 1,6km đủ cất và hạ cánh các loại máy bay chiến đầu. Tại đá Chữ Thập, Trung Quốc mở rộng trái phép 2,79km2 (2.790.000m2), trở thành đảo nhân tạo lớn nhất Trường Sa. Tại đá Châu Viên, Trung Quốc mở rộng tới 119.711m2, xây dựng nhiều công trình như kênh tiếp cận, đê chắn sóng, bãi đáp trực thăng, các tòa nhà hỗ trợ, cơ sở quân sự, ăng-ten liên lạc vệ tinh, radar. Các hình ảnh vệ tinh cho thấy, nhiều công trình vẫn đang tiếp tục được xây dựng. Tại đá Xu Bi, Trung Quốc mở rộng lên tới 2,27km2 (2.270.000m2), xây dựng các công trình gồm có kênh tiếp cận, cầu cảng, các thiết bị thông tin liên lạc, radar, đê chắn sóng gia cố, bãi đáp trực thăng, cơ sở quân sự, xây một đường băng dài khoảng 3.300m, có thể tiếp nhận được hầu hết các loại máy bay chiến đấu của lực lượng Trung Quốc. Tại đá Vành Khăn, Trung Quốc đã mở rộng trái phép 2,42 km2 (2.420.000m2), xây dựng nhiều công trình quân sự trên đá Vành Khăn.
Trung Quốc phạm luật
Việc Trung Quốc sẵn sàng sử dụng vũ lực, thậm chí là quân đội chính quy, đã vi phạm nghiêm trọng các nguyên tắc cơ bản của luật quốc tế được pháp điển hóa trong Hiến chương Liên Hợp quốc 1945 và Tuyên bố 1970, cụ thể: Một là, vi phạm nguyên tắc bình đẳng chủ quyền giữa các quốc gia quy định tại khoản 1 Điều 2 Hiến chương Liên hợp quốc năm 1945. Trung Quốc đã dựa vào vị thế nước lớn nên tự cho mình có nhiều quyền và lợi ích trên biển hơn quốc gia khác, từ đó, tiến hành hàng loạt hoạt động quân sự nhằm “bảo vệ” cho những quyền và lợi ích đó bất chấp việc xâm phạm chủ quyền, quyền chủ quyền và các quyền, lợi ích hợp pháp của những quốc gia nhỏ hơn. Hai là, vi phạm nguyên tắc các quốc gia giải quyết tranh chấp quốc tế bằng biện pháp hòa bình quy định tại khoản 3 Điều 2 Hiến chương Liên hợp quốc năm 1945. Ở cả ba vùng biển mà Trung Quốc tiếp giáp đều có tranh chấp quốc tế, ngược hẳn với tinh thần nguyên tắc này, Trung Quốc càng thúc đẩy hiện đại hóa quân đội, triển khai hoạt động quân sự trên biển ở cường độ cao hơn. Ba là, vi phạm nguyên tắc cấm dùng vũ lực và đe dọa dùng vũ lực trong quan hệ quốc tế, quy định tại khoản 4 Điều 2 Hiến chương Liên hợp quốc 1945: “Tất cả các quốc gia thành viên Liên Hợp quốc từ bỏ đe dọa bằng vũ lực hoặc sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế nhằm chống lại sự bất khả xâm phạm về lãnh thổ hay nền độc lập chính trị của bất kỳ quốc gia nào dưới bất kỳ hình thức nào trái với những mục đích của Liên Hợp quốc”. Trung Quốc đã và đang sử dụng vũ lực trên các vùng biển thông qua hàng loạt hoạt động quân sự, trực tiếp xâm phạm chủ quyền, quyền chủ quyền và các quyền, lợi ích trên biển của quốc gia khác, đe dọa đến hòa bình và an ninh khu vực cũng như trên thế giới trước nguy cơ chiến tranh quân sự. Bốn là, nguyên tắc tận tâm thực hiện các cam kết quốc tế (Pacta sunt servanda). Trung Quốc đã tham gia ký kết nhiều điều ước quốc tế cả song phương lẫn đa phương. Việc sử dụng vũ lực, sẵn sàng điều động lực lượng quân đội ngoài vi phạm những quy định chung của luật quốc tế còn vi phạm tất cả các cam kết song phương và đa phương của nước này.
Bên cạnh đó, hoạt động quân sự trên biển của Trung Quốc cũng vi phạm các nguyên tắc và quy định của luật biển quốc tế, cụ thể: Vi phạm quyền tự do hàng hải, quyền tự do hàng không. Trước cường độ hoạt động quân sự trên biển của Trung Quốc, an ninh hàng hải và hàng không bị ảnh hưởng rất lớn, quyền tự do hàng hải và quyền đi qua không gây hại của các quốc gia khác cũng như quyền tự do hàng không bị thu hẹp và phải đối mặt với nguy cơ mất an toàn cho sức khỏe và tính mạng con người và rủi ro tổn thất hàng hóa. Đặc biệt, đối với các đảo nhân tạo mà Trung Quốc xây dựng ở Trường Sa và yêu sách vùng nước xung quanh các đảo nhân tạo đó đã làm rối loạn tuyến đường giao thông huyết mạch
này. Vi phạm vào các “đặc quyền kinh tế” của quốc gia khác. Trong luật biển quốc tế, chỉ có quốc gia ven biển mới có đặc quyền xây dựng đảo nhân tạo trong nội thủy, lãnh hải và vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của mình căn cứ theo Điều 60 và Điều 80 UNCLOS 1982. Các vị trí mà Trung Quốc đã và đang tiến hành hoạt động quân sự để bồi lấp xây dựng đảo nhân tạo thì không nằm trong các nội thủy, lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế của Trung Quốc nên nước này không có quyền xây dựng các đảo nhân tạo. Vi phạm nghĩa vụ giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình. UNCLOS 1982 tại Điều 279 quy định nghĩa vụ bắt buộc đối với các quốc gia phải giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình. Trong khi đó, Trung Quốc lại tăng cường hoạt động quân sự trên biển, sử dụng và đe dọa sử dụng vũ lực trong các tranh chấp trên biển.
Cần làm gì để Trung Quốc tuân thủ luật quốc tế
Cộng đồng quốc tế, đặc biệt là Mỹ, Nhật Bản, Australia, Ấn Độ… cần gia tăng mức độ can dự ở Biển Đông bằng nhiều hình thức khác nhau; phản đối việc Trung Quốc tuyên bố chủ quyền phi pháp và ngăn chặn Bắc Kinh độc chiếm Biển Đông; chủ trương giải quyết tranh chấp thông qua đàm phán đa phương, tích cực ủng hộ chủ trương quốc tế hóa vấn đề Biển Đông; coi những hành động ngang ngược của Trung Quốc ở Biển Đông là nhân tố gây mất ổn định trong khu vực. Các nước cần thúc đẩy quốc tế hóa vấn đề Biển Đông bằng cách kêu gọi các bên tôn trọng quyền tự do hàng hải, hàng không trên Biển Đông, ủng hộ các nước ASEAN đấu tranh chống việc Trung Quốc xây dựng đảo nhân tạo tại Trường Sa, thúc đẩy quốc tế hóa vấn đề Biển Đông tại các diễn đang quốc tế. Không những vậy, các nước cần chuẩn bị sẵn sàng về hồ sơ tài liệu để kiện Trung Quốc ra các cơ quan tài phán quốc tế về việc vi phạm các quy định, cam kết liên quan vấn đề Biển Đông.
Tuy nhiên, không loại trừ khả năng Trung Quốc sẽ rút khỏi UNCLOS nhằm tránh bị cộng đồng quốc tế lên án, chỉ trích. Trong quan hệ quốc tế và luật pháp quốc tế thì việc tham gia ký kết các công ước quốc tế là tự nguyện và chấm dứt hay rút khỏi UNCLOS cũng thuộc về quyền của Trung Quốc. Về mặt pháp luật mà nói thì không ai có thể ràng buộc, áp đặt không cho Trung Quốc rút khỏi UNCLOS.

Những cơ chế do ASEAN dẫn dắt có thể

đóng vai trò quan trọngtrong những nỗ lực

giải quyết tranh chấp Biển  Đông hiện nay

Trong các vấn đề an ninh khu vực, bao gồm cả vấn đề Biển Đông, ASEAN tiếp tục đóng vai trò trung tâm và tiếng nói quan trọng trong việc thúc đẩy đối thoại, duy trì hòa bình, ổn định và hợp tác giữa các nước thông qua hàng loạt cơ chế an ninh, chính trị, kinh tế.
Hội nghị cấp cao Đông Á (EAS) hay còn được gọi là ASEAN+8
Ra đời vào tháng 12/2005 với sự tham gia ban đầu của 10 nước ASEAN và 6 nước đối tác, bao gồm Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, Australia, New Zealand, sau đó thêm Nga và Mỹ (2011). Tại Hội nghị EAS đầu tiên, lãnh đạo các nước đã ký Tuyên bố chung về Cấp cao Đông Á, trong đó đề ra mục tiêu, nguyên tắc, lĩnh vực và các phương thức chính cho hoạt động của EAS. Theo đó, EAS là diễn đàn của các nhà lãnh đạo để đối thoại và thúc đẩy hợp tác về các vấn đề chiến lược cùng quan tâm trong các lĩnh vực chính trị – an ninh và hợp tác phát triển, bổ sung cho các diễn đàn khu vực khác hiện có, nhằm hỗ trợ mục tiêu xây dựng cộng đồng ở khu vực Đông Á. EAS được thiết kế là một tiến trình mở, trong đó ASEAN giữ vai trò chủ đạo, họp hằng năm nhân dịp Hội nghị cấp cao ASEAN. Tuy nhiên, thực tiễn những năm qua cho thấy, EAS chưa phát huy được vai trò như mong muốn và chưa đi vào các vấn đề chính trị – an ninh thực chất của khu vực.
Diễn đàn an ninh khu vực (ARF)
ARF được thành lập vào tháng 7/1994 với sự tham gia ban đầu của 17 nước thành viên (đến nay đã có 27 thành viên) để đối thoại và hợp tác về các vấn đề chính trị – an ninh ở châu Á – Thái Bình Dương giữa các quan chức ngoại giao ở cả ba cấp độ (cấp bộ trưởng, cấp thứ trưởng/SOM và cấp làm việc) với sự tham dự của các quan chức quốc phòng – an ninh. Theo thỏa thuận ban đầu, ARF sẽ trải qua ba giai đoạn phát triển tuần tự là: 1- Xây dựng lòng tin (CBM); 2- Ngoại giao phòng ngừa (PD); 3- Giải quyết xung đột. Tuy nhiên, đến nay tiến trình ARF đang phát triển rất chậm, mới chuyển từ giai đoạn CBM sang PD trong lúc vẫn tiếp tục thực hiện CBM. Các lĩnh vực đối thoại và hợp tác của ARF ngày càng
được mở rộng, bao gồm cả các vấn đề an ninh truyền thống và an ninh phi truyền thống, nên hiệu quả còn thấp. Mặc dù ARF đã đi vào cụ thể, chuyên sâu hơn, nhạy cảm hơn, nhưng đến nay vẫn chưa có đột phá.
Cơ chế ASEAN+1
Đây là khuôn khổ được hình thành sớm nhất, trong đó Nhật Bản là nước đầu tiên mà ASEAN thiết lập quan hệ đối thoại (năm 1973), tiếp đến là Australia (1974), New Zealand (1975), Mỹ (1977), Canada, Liên minh châu Âu (EU), Liên hợp quốc (1977), Hàn Quốc (1989), Trung Quốc, Nga (1991) và Ấn Độ (1992). Như vậy, ASEAN đã thiết lập “quan hệ đối thoại” với 9 nước, một tổ chức khu vực (EU) và một tổ chức quốc tế (Liên hợp quốc). Ngoài ra, ASEAN còn thiết lập nhiều quan hệ đối tác ở mức độ thấp hơn một cách thực chất, như “quan hệ đối thoại theo lĩnh vực” với Pakistan, quan hệ đối tác dưới tên gọi khác nhau (trong đó có đối tác phát triển) với một số nước, như Na-uy và một số tổ chức khu vực, như Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), Hiệp hội Nam Á vì sự hợp tác khu vực (SAARC)… Các cơ chế hợp tác ASEAN với 11 đối tác chính được thiết lập ở nhiều cấp, kể cả cấp cao. Hợp tác được triển khai trong nhiều lĩnh vực với sự hỗ trợ tài chính ở các mức độ khác nhau của các đối tác; sự hợp tác đã thu được nhiều kết quả quan trọng, trong đó có các thỏa thuận thành lập Khu vực Thương mại tự do giữa ASEAN với từng đối tác. Đến nay, ASEAN đã hình thành các khuôn khổ đối tác chiến lược hoặc toàn diện mang tính lâu dài với các đối tác này, kèm theo các chương trình, kế hoạch hành động cụ thể để thực hiện. Trong nhiều thập niên qua, ASEAN+1 luôn là khuôn khổ chính để ASEAN tranh thủ sự ủng hộ chính trị, sự hỗ trợ về nguồn lực và kinh nghiệm của các đối tác cho mục tiêu an ninh và phát triển của Hiệp hội, trước hết là xây dựng Cộng đồng và liên kết khu vực. Tuy nhiên trong những năm gần đây, do nhiều khó khăn, cùng với sự phát triển mạnh mẽ của ASEAN, các đối tác chủ chốt của ASEAN đang muốn cải tiến cơ chế này để phản ánh thực tiễn mới trong quan hệ và sự cân bằng hơn giữa ASEAN và các đối tác.
Cơ chế ASEAN+3
Đây là cơ chế hợp tác giữa ASEAN với Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc, được hình thành từ năm 1997 (chính thức đi vào hoạt động từ năm 1999), chủ yếu do nhu cầu hợp tác nhằm đối phó với tác động của cuộc khủng hoảng tài chính khu vực năm 1997. Hợp tác ASEAN+3 đã phát triển nhanh cả về bề rộng lẫn chiều sâu, đến nay đã có 24 lĩnh vực và 54 cơ chế ở các cấp, kể cả họp cấp cao hằng năm. Các lĩnh vực hợp tác ngày càng được mở rộng, từ tài chính – tiền tệ, kinh tế – thương mại đến chính trị – an ninh, văn hóa – xã hội. Tuy vậy, đến nay kết quả lớn đạt được của ASEAN+3 chủ yếu là về tài chính – tiền tệ và phần nào là về kinh tế – thương mại, văn hóa – xã hội. Riêng hợp tác chính trị – an ninh ít được đề cập và chưa đạt nhiều kết quả.
Hội nghị bộ trưởng quốc phòng ASEAN mở rộng (ADMM+)
ADMM+ được tổ chức lần đầu tiên vào năm 2010 tại Việt Nam, với thành phần tham gia gồm 10 nước ASEAN và 8 nước đối tác (các thành viên tham gia EAS); họp 2 năm/lần, có sự hỗ trợ của cơ chế Hội nghị Quan chức cấp cao SOM và các Nhóm công tác (WG) trên 5 lĩnh vực: hỗ trợ nhân đạo và cứu trợ thảm họa; an ninh biển; chống khủng bố; quân y và hoạt động gìn giữ hòa bình. Đây là cơ chế mở rộng của Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN (ADMM) nhằm thúc đẩy đối thoại và hợp tác giữa các quan chức quốc phòng về các vấn đề an ninh khu vực, bổ trợ với ARF và các tiến trình hợp tác chính trị – an ninh khác ở khu vực. Tuy nhiên, do sự nhạy cảm của cơ chế này, đến nay mặc dù còn nhiều dư địa để phát triển nhưng ADMM+ vẫn chưa phát huy hết khả năng.
Diễn đàn Biển ASEAN mở rộng (EAMF)
Được thiết lập vào năm 2012, EAMF là sự mở rộng của Diễn đàn Biển ASEAN (AMF), với sự tham gia của 18 nước (ASEAN+8, giống như EAS) ở cấp SOM, nhằm đối thoại và hợp tác về các vấn đề trên biển. Tuy nhiên, trong vài năm qua, cơ chế này ít được đề cập, mặc dù tình hình Biển Đông diễn biến hết sức phức tạp. Hiện nay, ngày càng nhiều nước muốn quay trở lại cơ chế EAMF và nâng cấp diễn đàn này để có tính đại diện và bao trùm hơn. Tuy nhiên, tương lai của cơ chế này hiện nay vẫn chưa rõ ràng.
Các quy tắc ứng xử, mang tính ràng buộc pháp lý hoặc không có tính ràng buộc pháp lý
(1) Hiến chương ASEAN. Được ký vào năm 2007 (chính thức có hiệu lực vào năm 2008), Hiến chương ASEAN là cơ sở pháp lý và khuôn khổ thể chế cho liên kết ASEAN, trong đó đề ra những định hướng, mục tiêu, nguyên tắc cơ bản cho liên kết ASEAN. Đến nay, sau 10 năm triển khai, Hiến chương ASEAN cũng bắt đầu bộc lộ một số hạn chế, đơn cử như quy định về vấn đề nhân quyền, tư cách pháp nhân của ASEAN chưa sát với thực tế. (2) Hiệp ước Thân thiện và Hợp tác ở Đông Nam Á (TAC). TAC được thiết lập vào năm 1976, bao gồm các nguyên tắc cơ bản điều chỉnh mối quan hệ giữa các nước Đông Nam Á với nhau, sau đó được mở rộng để các đối tác của ASEAN tham gia nhằm tạo cơ sở pháp lý điều chỉnh các quan hệ giữa ASEAN với các đối tác. Đến nay đã có hơn 30 nước đối tác của ASEAN tham gia TAC. Tuy nhiên, hạn chế của TAC là một số nước tuy đã ký TAC, công khai ủng hộ ASEAN, nhưng trên thực tế lại có những hành động làm rạn nứt khối thống nhất trong ASEAN. (3) Hiệp ước Khu vực Đông Nam Á không có vũ khí hạt nhân (SEANWFZ). Năm 1995, SEANWFZ được thiết lập và chính thức có hiệu lực kể từ năm 1997 sau khi cả 10 nước ASEAN phê chuẩn. Kèm theo Hiệp ước còn có Nghị định thư để các nước có vũ khí hạt nhân (Mỹ, Anh, Pháp, Nga và Trung Quốc) tham gia bảo đảm; và hiện ASEAN đang trao đổi với 5 nước có vũ khí hạt nhân để họ tham gia Nghị định thư. SEANWFZ thực chất là một hiệp định quân sự do ASEAN chủ động tuyên bố từ bỏ vũ khí hạt nhân trước. Tuy các nước lớn đều hoan nghênh SEANWFZ, nhưng nhiều nước không muốn ký cam kết vì sợ bị ràng buộc hoặc chỉ muốn ký khi có bảo lưu. Do vậy, mặc dù SEANWFZ tạo được cho ASEAN một số lợi thế nhất định, nhưng ASEAN cũng “không tạo được sức ép” đối với các nước lớn. (4) Quy tắc ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC). DOC do các ngoại trưởng ASEAN và Trung Quốc ký vào tháng 11/2002, bao gồm 10 điều, trong đó Điều 10 quy định sẽ hướng tới thông qua Bộ Quy tắc ứng xử của các bên ở Biển Đông (COC). Từ năm 2013, Trung Quốc đã nhất trí và tiến hành tham vấn với ASEAN về xây dựng COC đồng thời với tiến trình thực hiện DOC. Trung Quốc và ASEAN cũng chính thức đồng ý đi vào đàm phán xây dựng COC thực chất sau khi đã hoàn thành khuôn khổ COC trong năm 2017. Tuy nhiên, hiệu quả của DOC còn thấp. Phải mất tới gần 10 năm sau khi ký DOC, Trung Quốc và ASEAN mới cho ra được Bản hướng dẫn thực thi. Nhưng sau đó, tình hình Biển Đông ngày càng diễn biến phức tạp và DOC không đủ hiệu lực để duy trì hòa bình, ổn định ở Biển Đông.

0 comments

Leave a comment

Powered by Blogger.