Tin Việt Nam – 16/01/2020
Thursday, January 16, 2020
3:06:00 PM
//
- Slider
,
- Tin Việt Nam
Đồng Tâm: Tang lễ trọng thể
cho ba cảnh sát chết trong đụng độ tại thôn Hoành
Chính phủ Việt Nam sáng 16/1 đã tổ chức long trọng tang lễ ba cảnh sát thiệt mạng trong vụ đụng độ ở Đồng Tâm hôm 9/1.Truyền thông Nhà nước đưa tin rộng rãi về tang lễ tại Nhà Tang lễ Quốc gia số 5, Trần Thánh Tông, Hà Nội.
Tới dự lễ tang có Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Hà Nội Nguyễn Đức Chung và đại diện Đảng ủy Công an Trung ương, Bộ Công an. Ba cảnh sát của Bộ Công an thiệt mạng “khi làm nhiệm vụ tại xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức”.
Bàn Tròn Thứ Năm 16/01/2020: Mô hình giải quyết vụ Đồng Tâm, những dấu hỏi
Tranh chấp đất Đồng Tâm: Máu đổ, người chết
Ông Lê Đình Kình ‘chết sau khi công an vào Đồng Tâm’
Đồng Tâm: Đâu là mảnh đất tranh chấp gây ra cái chết cụ Kình?
Ba cảnh sát thiệt mạng gồm Đại tá Nguyễn Huy Thịnh, Đại úy Phạm Công Huy, Thượng úy Dương Đức Hoàng Quân. Lễ tang diễn ra theo nghi thức của lực lượng Công an nhân dân, theo truyền thông Việt Nam.
Truyền thông Việt Nam cũng đưa tin đại diện người dân thôn Hoành, xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức, Hà Nội – nơi xảy ra vụ đụng độ chết người – cũng có mặt tại tang lễ.
Theo Vietnamnet, gia đình của các cố cảnh sát cho biết sau tang lễ sẽ đưa họ về an táng ở nghĩa trang quê nhà.
Ba cảnh sát được phong liệt sỹ, được chính phủ Việt Nam trao Bằng Tổ quốc Ghi công và Chiến công hạng nhất sau khi thiệt mạng trong vụ đụng độ tại Đồng Tâm rạng sáng 9/1.
Ba cảnh sát thiệt mạng thế nào?
Bộ Công an công khai nguyên nhân cái chết của ba cảnh sát hôm 14/1.
Thứ trưởng Bộ Công an Lương Tam Quang nói với báo chí Việt Nam rằng ba cảnh sát trong lúc ‘truy đuổi các đối tượng chạy thì ngã xuống giếng trời giữa hai gian nhà, sâu khoảng 4 m.” Và ‘Khi thấy lực lượng ngã xuống hố thì các đối tượng đổ xăng phóng hỏa”, theo tường thuật của Pháp luật TP Hồ Chí Minh.
Ông Quang cũng nói ông Lê Đình Doanh, cháu ông Lê Đình Kình, đổ xăng vào chậu đưa cho ông Lê Đình Chức, con ông Lê Đình Kình, để đổ xuống giếng rồi châm lửa…
Tuy nhiên, Đài Truyền hình Việt Nam trước đó có phóng sự dẫn lời khai rằng ông Lê Đình Chức chỉ đạo phóng lửa đốt các chiến sỹ bị rơi xuống giếng.
Trên mạng sau đó xuất hiện video và hình ảnh được cho là giếng trời nơi ba cảnh sát ngã xuống, làm dấy lên câu hỏi trong dư luận.
Nhiều người thắc mắc là cái giếng trời bé như vậy làm sao ba người có thể cùng ngã xuống một lúc? Nếu các chiến sỹ nhảy qua giếng trời này để trèo vào cửa sổ của nhà liền kề, thì cửa số đó cũng không rộng đủ để ba người trèo và nhảy qua một lúc. Nếu từng người nhảy, thì người trước rơi, không lẽ người sau không biết để tránh?
Một số ý kiến khác cũng đòi chính quyền công khai hình ảnh và bản giám định pháp y ba chiến sỹ thiệt mạng.
Hôm 13/1, đám tang ông Lê Đình Kình cũng được tổ chức ở quê nhà, thôn Hoành, xã Đồng Tâm, Mỹ Đức, Hà Nội. Tuy nhiên gần như không có hình ảnh nào về lễ tang của ông được lọt ra ngoài, điều được cho là do bị chính quyền phong tỏa.
Mời quý vị bấm vào đường dẫn này để theo dõi Bàn Tròn Thứ Năm của BBC về mô hình giải quyết xung đột trong vụ Đồng Tâm cùng những dấu hỏi đặt ra.
https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-51130855
Chính phủ Việt Nam tổng tấn công
ngăn chặn thông tin vụ Đồng Tâm ra bên ngoài
Sau vụ đụng độ giữa công an và người dân xã Đồng Tâm, ngoại thành Hà Nội vào rạng sáng ngày 9/1, vào cuối tuần qua, một loạt các trang Facebook và YouTube có nhiều người theo dõi và đưa tin về Đồng Tâm bị đồng loạt báo cáo, đánh sập, trong đó có cả kênh YouTube của Đài Á Châu Tự Do (RFA).Khoảng 2 ngày sau vụ đụng độ, kênh YouTube của RFA bị một “gậy cộng đồng” từ YouTube khiến một playlist đưa tin hàng ngày bị biến mất và kênh bị mất khả năng đăng tin cũng như livestream. YouTube không hề đưa ra bất cứ lời giải thích cụ thể nào về quyết định này.
Trước đó, báo Hà Nội Mới của chính quyền Hà Nội trích lời của đại diện Bộ Thông Tin và Truyền Thông ca ngợi YouTube và Google nhanh chóng đáp ứng các yêu cầu của chính quyền Việt Nam trong việc gỡ bỏ các nội dung được cho là xấu liên quan đến vụ Đồng Tâm.
Khi được hỏi liệu YouTube đưa ra quyết định phạt “gậy cộng đồng” với RFA có phải là do yêu cầu từ Chính phủ Việt Nam hay không, YouTube đã không trả lời. Nhưng chỉ khoảng 1 ngày sau, YouTube đã nối lại hoạt động bình thường cho kênh của Đài Á Châu Tự Do.
Ngoài RFA, một số trang Facebook được nhiều người theo dõi khác và đưa các thông tin về Đồng Tâm cũng bị báo cáo như Café Ku búa, Thanh Niên Công Giáo…
Vào ngày 10/1/2020 trên fanpage Hồ Sơ Diệt Phản có loan tải một bản thông báo về việc Tổng tấn công các Fanpage Café Ku Búa, Việt Tân, Thân Hữu Việt Tân Úc Châu, RFA…vì lợi dụng vụ việc Đồng Tâm để tuyên truyền, xuyên tạc, kích động người dân thiếu hiểu biết tạo ra những sự việc không đúng. Ngoài ra, thông báo còn hướng dẫn cụ thể từng bước thực hiện việc tấn công và thời gian cụ thể rõ ràng.
Sau đó, trên trang fanpage Café Ku Búa cũng đã đăng dòng trạng thái nêu rõ “Hiện tại đang có nỗ lực tập thể để report và spam comment page. Vì lý do an toàn cho cộng đồng và các thành viên của ban quản trị, chúng tôi xin off vài ngày cho đến khi mọi chuyện giảm mức độ cực đoan. Cảm ơn các bạn đã theo dõi trong suốt thời gian qua.”
Trên trang Facebook có tên Đơn vị tác chiến điện tử, được cho là một trang của dư luận viên sau đó còn có phần hướng dẫn các dư luận viên cách làm thế nào để báo cáo, đánh sập các trang Facebook đưa tin bất lợi cho chính quyền, mà cụ thể là Café Ku búa vừa được khôi phục lại.
Sau vụ chính quyền Hà Nội điều hàng ngàn quân đến Đồng Tâm vào rạng sáng ngày 9/1 để bắt giữ những người bị cáo buộc là chống đối chính quyền trong vụ tranh chấp đất đai ở xã này, các thông tin về vụ đụng độ, người bị thương, bị thiệt mạng chủ yếu đến từ các báo của nhà nước. Một số ít các facebooker thường xuyên liên lạc với người dân Đồng Tâm cũng có được một số những thông tin trái ngược hoàn toàn với những gì báo chí nhà nước và Bộ Công an thông báo.
Bộ Công an cho biết đã có ít nhất 4 người thiệt mạng bao gồm 1 dân thường và 3 công an. Đã có khoảng 30 người bị bắt giữ và 22 người bị truy tố với các tội danh giết người, chống người thi hành công vụ, sở hữu và sử dụng vũ khí trái phép.
Ngay sau khi vụ việc xảy ra, báo chí nước ngoài đã xin được tiếp cận Đồng Tâm để đưa tin nhưng chưa được phép.
Việc chính quyền Việt Nam huy động lực lượng dư luận viên tấn công các trang Facebook hoặc báo cáo trực tiếp với các mạng xã hội nước ngoài là điều không mới khi xảy ra những vụ việc gây tranh cãi ở trong nước. Nhất là khi Việt Nam hiện có tới hơn 10.000 người trong lực lượng 47 là lực lượng đấu tranh trên không gian mạng, theo thống kê mới công bố hồi năm ngoái của giới chức Việt Nam.
Nhà báo Lê Trung Khoa chủ trang thoibao.de từ Đức cho biết ông cũng từng bị rơi vào tình trạng tương tự như RFA khi đưa tin về một số vấn đề nóng ở Việt Nam. Ông cho biết các video của ông trên YouTube về sức khỏe của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và vụ Thứ trưởng Bộ Giáo dục Đào tạo chết bất ngờ hồi năm ngoái đã bị YouTube xóa. Theo thông báo của Youtube với ông Khoa, hành động xóa của họ: “là yêu cầu của chính phủ Việt Nam nên chúng tôi bắt buộc phải xóa bản tin Youtube này của Thoibao.de tại Việt Nam.”
Nhà hoạt động xã hội Nguyễn Lân Thắng, thành viên nhóm No-U từ Hà Nội chia sẻ với RFA rằng, đối với anh chuyện ngăn chặn như thế vẫn thường xuyên xảy ra nên anh cảm thấy bình thường.
“Đối với tôi nó cũng bình thường vì nó cũng từng diễn ra trong một số vụ việc khác tuy nhiên lần này sự việc Đồng Tâm thì nó quá nghiêm trọng. Ngay bản thân dư luận Việt Nam cũng đang tranh cãi và chia rẻ rất là nhiều. Tất nhiên trong xã hội bao giờ cũng có luồng ý kiến đối chọi nhau trên mạng xã hội vì trên đó cũng khá là tự do, nhưng lần này có đặc điểm là có nhiều cán bộ công chức, thậm chí cả những người trong lực lượng vũ trang, cựu quân dân, cựu công an phản đối việc này nên đương nhiên Việt Nam không muốn để sự việc tiếp tục nóng và họ tìm mọi cách họ bưng bít, ngăn chặn.”
Tuy nhiên, anh Thắng cho rằng vụ việc Đồng Tâm thật sự rất lớn, rất nghiêm trọng và ảnh hưởng đến tính chính danh của chế độ cũng như tạo ra hệ lụy trong các mối quan hệ quốc tế của Việt Nam. Do đó, chính phủ Việt Nam đã làm mạnh tay hơn; “Tôi không lạ có một lực lượng rất đông cơ quan nhà nước tham gia vào, cũng như lực lượng do nhà nước tổ chức mà người ta hay gọi là lực lượng 47 là họ report (báo cáo), họ chửi bới, họ lăng mạ, họ đe dọa giết những người blogger bình thường đến các trang fanpage rất là lớn.”
Kể từ sau vụ Đồng Tâm, trang Facebook của RFA cũng đột ngột nhận một loạt các nhận xét và lời thóa mạ, đánh giá 1 sao chỉ trong vòng một ngày khiến Facebook phải ngừng việc đưa đánh giá trên trang Facebook của RFA. Đây là điều chưa từng xảy ra trước đó.
Nhà báo Lê Trung Khoa cho biết sau vụ việc Đồng Tâm, trang Facebook và YouTube của trang báo do ông phụ trách cũng thường xuyên nhận những lời chửi bới.
“…ngay cả FB và Youtube của Thoibao.de liên tục một thời gian sau vụ Đồng Tâm diễn ra thì bị số lượng người được gọi là Dư luận viên (DLV) vào chửi bới, nói bậy thì nó tăng lên gấp 10 lần so với bình thường. Chúng tôi cũng liên tục có những biện pháp để ngăn chặn các từ nói tục tĩu của nhiều dư luận viên rất mới. Đây là làn sóng và sự huy động rất rõ ràng của phía Việt Nam khi họ dùng những mạng lưới dư luận viên của họ để tấn công và báo cáo các tài khoản FB mà không như mong muốn, điều đó là hoàn toàn có thật và bằng chứng là chúng tôi cũng đã bị đe dọa giết chết và nhiều hình thức khác nhau.”
Ngày 12/1 Facebooker Chung Hoàng Chương với nick FB là Chương May Mắn bị công an quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ bắt giữ vì đăng tải thông tin liên quan đến vụ đụng độ giữa cảnh sát và người dân Đồng Tâm mà chính quyền cho là xuyên tạc. Ngoài ra, một số facebookers khác cũng bị phía cơ quan chức năng mời lên làm việc vì những thông tin chia sẻ được cho là sai trái.
https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/the-vietnamese-government-has-attacked-to-prevent-dong-tam-case-from-outside-01152020135346.html
Báo cáo đầu tiên về vụ Đồng Tâm
được xuất bản không do chính quyền kiểm duyệt
Một nhóm các nhà báo, nhà hoạt động ở Việt Nam mới đây đã thành lập nhóm Hành động vì Đồng Tâm nhằm thu thập, kiểm chứng và công bố các thông tin liên quan đến vụ đụng độ ở Đồng Tâm.Nhóm này cho biết sẽ thu thập thông tin từ các bên liên quan nhằm tìm kiếm sự thật và công lý cho các nạn nhân, bao gồm cả người dân lẫn nhân viên công lực.
Hôm 16/1, tiếp theo sau sự thành lập của nhóm Hành Động vì Đồng Tâm, Nhà Xuất Bản Tự Do đã xuất bản Báo cáo Đồng Tâm bằng tiếng Anh với những thông tin mới nhất tổng hợp từ các nguồn bao gồm từ các Facebooker vẫn giữ liên lạc với người dân Đồng Tâm và cả nguồn của báo chí nhà nước.
Nhà báo Phạm Đoan Trang, một trong những người sáng lập nhóm Hành động vì Đồng Tâm, viết trên trang Facebook cá nhân rằng báo cáo được xuất bản chỉ 7 ngày sau vụ đụng độ, vào khi các thông tin đến từ Đồng Tâm rất hạn chế.
“Suốt từ vụ tấn công đêm mồng 8, rạng ngày 9/1/2020 đến nay, nhà cầm quyền vẫn đang bao vây làng Đồng Tâm, cắt điện, cắt internet… Nguồn thông tin mà chúng tôi có được chỉ từ các facebooker nổi tiến có mối liên hệ với dân Đồng Tâm và một ít sự thật khó khăn lắm mới gạn lọc, cóp nhặt được từ các nguồn chính thống của chính quyền. Tuy nhiên, vẫn có nhiều thông tin mập mờ và trái ngược nhau, vì ngay cả người dân Đồng Tâm cũng chưa có đủ thông thông tin về người thân của họ, những người đang bị bắt giữ hoặc mất tích”. Nhà báo Phạm Đoạn Trang viết trên Facebook về bản báo cáo.
Báo cáo được cho biết đã và đang được gửi tới các tổ chức nhân quyền quốc tế và đại sứ quán các nước tại Việt Nam, nhằm kêu gọi sự quan tâm và vào cuộc của cộng đồng quốc tế đối vụ việc bi thảm ở Đồng Tâm.
https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/first-report-about-dongtam-clash-launched-by-civil-societ-group-01162020075137.html
Thú tội qua truyền hình: Chiêu trò của nhà nước độc tài
Diễm Thi, RFAVới gương mặt bầm tím và nhiều vết xước trên sống mũi, ông Lê Đình Công, con ông Lê Đình Kình, người bị chính quyền cáo buộc là chủ mưu tấn công lực lượng chức năng ở Đồng Tâm hôm 9 tháng 1, thừa nhận những hành động sai trái của mình trên truyền hình Việt Nam ngày 13 tháng 1:
“Tôi đóng xăng vô chai bia, tổng cộng được 4 két”
“Lúc đầu chúng tôi cũng ném đá, xong rồi ném bom xăng. Các lực lượng chức năng kêu gọi chúng tôi đầu hàng. Chúng tôi không đầu hàng và chúng tôi tiếp tục ném đá và bom xăng.”
Cùng thú tội việc chế tạo bom xăng, đổ xăng đốt công an còn có những người họ hàng gần khác của ông Lê Đình Kình, người đã tử nạn trong vụ công an tấn công vào xã Đồng Tâm, ngoại thành Hà Nội rạng sáng ngày 9/1 vừa qua.
Phóng sự này của VTV ngay lập tức vấp phải những phản ứng từ nhiều người trên mạng xã hội vì họ cho rằng đây chỉ là những lời thú tội bị cưỡng bức.
Theo thông tin từ người dân Đồng Tâm mà Đài Á Châu Tự Do nhận được, rạng sáng ngày 9/1, chính quyền Hà Nội đã huy động hàng ngàn quân có trang bị vũ khí và chó đến để bắt giữ những người dân chống đối việc cưỡng chế đất ở khu đồng Sênh thuộc xã Đồng Tâm. Người dân cho rằng đất này là đất canh tác của dân trong khi chính quyền khẳng định đây là đất quốc phòng.
Theo thông báo của Bộ Công An, vụ đụng độ đã khiến ít nhất 4 người thiệt mạng bao gồm 1 người dân và 3 công an, khoảng 30 người khác bị bắt giữ.
Tôi thấy đây là một phương pháp đã ăn vào não trạng của ngành công an cũng như truyền hình. Cách làm của VTV theo tôi là ngu ngốc và coi thường dư luận cũng như cộng đồng quốc tế. – Ông Lã Việt Dũng
Chiều 13 tháng 1 năm 2020, Cơ quan Cảnh sát Điều tra Công an Hà Nội ra quyết định khởi tố 22 bị can với các tội danh “Giết người” và “Chống người thi hành công vụ”. Quyết định khởi tố này cũng trùng với những lời thú tội của các ông Lê Đình Công, Lê Đình Quang và Lê Đình Danh trên VTV vào cùng ngày.
Thế nhưng, người dân trong nước từ lâu không lạ gì với việc nhận tội tương tự vì nó xảy ra cả chục năm trước với những video “nhận tội”; “ân hận”; “xin được khoan hồng”… của các nhà bất đồng chính kiến như Trần Anh Kim, Nguyễn Tiến Trung, Trần Huỳnh Duy Thức, Lê Công Định…
Đó là chuyện của một thập niên trở về trước, khi mạng xã hội chưa lớn mạnh như bây giờ, người dân không có thông tin gì khác ngoài báo chí và truyền hình trong nước. Với một thế giới được coi là phẳng như hiện nay, thông tin không chỉ gói gọn trong khuôn khổ truyền thông nhà nước thì cách đưa những video ‘thú tội’ lên truyền hình có còn tác dụng hay không?
Nhà hoạt động Lã Việt Dũng từ Hà Nội lên tiếng:
“Tôi thấy đây là một phương pháp đã ăn vào não trạng của ngành công an cũng như truyền hình. Họ sẵn sàng bất chấp mọi phương pháp với mục đích miễn sao người bị bắt nhận tội trên truyền hình. Khi làm như vậy họ cho rằng đã trấn an được dân chúng. Cách làm của VTV theo tôi là ngu ngốc và coi thường dư luận cũng như cộng đồng quốc tế.”
Ông Lã Việt Dũng không tin vào những lời được cho là nhận tội này, bởi theo ông, những nông dân can trường giữ đất bao nhiêu năm, phản đối việc chính quyền cướp đất bao nhiêu năm không thể nhận tội ngay chỉ sau vài ngày bị giam giữ như vậy. Ông cho rằng, những người bị đưa ra ‘thú tội’ đã chứng kiến việc ông Kình bị bắn chết, họ bị đánh đập đến bầm tím mặt mày nên tinh thần họ bị lung lay và họ buộc phải “nhận tội”.
Có thể dẫn chứng một ví dụ, tháng 10 năm 2018, trong một bức thư gửi về cho gia đình, anh Nguyễn Văn Hóa – người đang phải thụ án 7 năm tù tại Trại An Điềm, Quảng Nam về cáo buộc tuyên truyền chống nhà nước – cho biết Phó giám thị Trại Tạm giam Công an tỉnh Nghệ An đã đánh đập anh tại phòng cách ly của Tòa án khi anh được đưa đến để làm chứng trong phiên xử ông Lê Đình Lượng vào ngày 16 tháng 8.
Việc đánh đập xảy ra sau khi Nguyễn Văn Hóa và Nguyễn Viết Dũng phản cung tại toà, bác bỏ mọi cáo buộc mà cả hai tù nhân trẻ này cho là qui chụp nhắm vào ông Lê Đình Lượng.
Luật sư Ngô Anh Tuấn, người trợ giúp pháp lý cho người dân Đồng Tâm trong vụ tranh chấp đất đai, nói với RFA rằng việc “nhận tội” như vậy không có nghĩa là họ “phạm tội”. Ông giải thích:
“Theo như báo chí và truyền thông nhà nước đưa tin thì đại đa số họ nhận tội. Tuy nhiên việc nhận tội đó không đồng nghĩa với việc có quyền hồ đồ phán quyết họ là những người phạm tội, bởi vì vẫn có thể xảy ra oan sai trong suốt quá trình tố tụng. Thực tế ở Việt Nam các tình huống bị can, bị cáo nhận tội trên truyền hình, thậm chí nhận tội trước phiên tòa vẫn có sự oan sai.”
Nhà hoạt động Vũ Quốc Ngữ, giám đốc tổ chức Người Bảo vệ Nhân quyền (Defend the Defenders), người được vinh danh giải Nhân Quyền & Pháp Quyền năm 2019, nói với RFA rằng chính quyền Việt Nam làm như vậy để cố chứng minh cho người dân trong nước và cộng đồng quốc tế rằng họ bắt đúng người đúng tội; để chứng minh ở Việt Nam không có tù nhân lương tâm, không có tù nhân chính trị mà chỉ có những người làm sai pháp luật. Mục đích của họ chỉ là tuyên truyền.
Ông Vũ Quốc Ngữ khẳng định cách làm của chính phủ Việt Nam rập khuôn Trung Quốc:
“Đây là cách làm bắt chước Trung Quốc!. Theo báo cáo của Tổ chức Safeguard Defenders thì đây là hình thức rất phổ biến ở Trung Quốc, đã có mấy chục nhà bất đồng chính kiến bị đưa lên truyền hình nhận tội như vậy.
Báo cáo của Tổ chức Safeguard Defenders có tên”Behind the scenes of China’s forced TV’s confessions” (Tạm dịch: Phía sau những lời thú tội trên TV) đưa ra con số 45 trường hợp thú tội trên truyền hình từ năm 2013 dến năm 2018. Báo cáo có bằng chứng cho thấy những người bị tạm giam và gia đình của họ bị đe dọa, bị tra tấn và cảnh sát chỉ đạo những lời thú tội.
Liệu có còn tác dụng?
Ngoài việc những nhà bất đồng chính kiến, những người tranh đấu cho tự do, dân chủ trong nước bị đưa lên truyền hình với những lời ‘thú tội’, một người được đưa lên truyền hình “nhận tội” khiến người dân ngỡ ngàng là vụ ông Trịnh Xuân Thanh, một cựu quan chức chính phủ bị bắt cóc từ Đức về.
Ông Trịnh Xuân Thanh xuất hiện trên VTV vào tối 3 tháng 8 năm 2017 ‘thú tội’ về việc bỏ trốn sang Đức vì ‘lo sợ trước kết luận về vi phạm và phải chịu trách nhiệm là người đứng đầu trong thua lỗ của PVC’. Trên truyền hình, ông Thanh cũng tỏ ra hối lỗi và nhận đầu thú. Trong khi đó, Chính phủ Đức cáo buộc tình báo Việt Nam bắt cóc ông Trịnh Xuân Thanh ở Berlin vào ngày 23 tháng 7 năm 2017.
Ông Vũ Quốc Ngữ cho rằng chính phủ Việt Nam vẫn có thể lừa được quốc tế nếu không có những báo cáo từ phía những người bất đồng chính kiến trong nước đưa ra. Chính vì vậy, tổ chức Defend the Defenders và Tổ chức Safeguard Defenders đang phối hợp làm một báo cáo về tình trạng ép nhận tội trên truyền hình ở Việt Nam, trong đó có cả vụ mới nhất là Đồng Tâm. Ông nói:
“Tổ chức của chúng tôi cũng như tổ chức Safeguard Defenders sẽ đưa vụ này ra quốc tế với những báo cáo rõ ràng. Chúng tôi sẽ công bố báo cáo về hiện tượng này trong vòng một vài tuần tới.”
Một trường hợp nữa là tối 18 tháng 6 năm 2018, anh William Nguyễn, người Mỹ gốc Việt, bị bắt do tham gia biểu tình phản đối Luật đặc khu và An ninh mạng vào ngày 10 tháng 6, đã xuất hiện trên Đài truyền hình Thành phố Hồ Chí Minh – HTV phát biểu rằng anh lấy làm tiếc những hành động vi phạm luật Việt Nam, gây tắc nghẽn giao thông trên đường ra sân bay, gây phiền nhiễu cho người thân và gia đình.
Lúc bấy giờ AFP cho rằng hình thức thú tội được dàn dựng là phổ biến tại Việt Nam với việc những người bị cáo buộc phải công khai lên tiếng nhận tội để đổi lại một mức án nhẹ hơn.
https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/confession-via-television-the-trick-of-the-dictatorial-state-dt-01152020141732.html
Xôn xao lời chia buồn của Nguyễn Xuân Phúc
khi ghi sai họ liệt sĩ té giếng chết
Tin Vietnam.- Báo Vietnamnet ngày 16 tháng 1 năm 2020 loan tin về hình ảnh ông Nguyễn Xuân Phúc, Thủ tướng Chính phủ Cộng sản Việt Nam có mặt trong đám tang 3 liệt sĩ chết vì té giếng trong quá trình đi giết cụ Lê Đình Kình, ở thôn Hoành, xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức, Hà Nội.Tại tang lễ, ông Phúc đã ghi lại những dòng chia sẽ về tâm trạng của mình trong quyển sổ tang đối với cái chết của các liệt sĩ té giếng. Tờ giấy này của ông Phúc được đăng tải trên báo Vietnamnet và ngay lập tức gây chú ý dư luận Việt Nam không chỉ vì cách viết không ra hàng lối của ông Phúc, chỉ có một cái họ ngắn ngủi nhưng ông Phúc cũng lười viết cho đầy đủ, và nhất là ghi sai cả họ của một “liệt sĩ” té giếng.
Cụ thể, họ của liệt sĩ té giếng Nguyễn Huy Thịnh thì ông Phúc chỉ ghi mình chữ ng và dấu ngã. Còn họ của đại uý Phạm Công Huy ông Phúc đã đổi sang thành họ Nguyễn và chỉ ghi tắt. Còn phần nội dung thì khá là khó đọc vì chữ của ông Phúc vừa thiếu nét vừa sai lỗi chính tả.
Ngay sau khi được đăng tải, tờ giấy trên đã gây xôn xao dư luận vì nhiều người không ngờ trình độ viết của một vị Thủ tướng Chính phủ lại thua cả học sinh lớp 1 hiện tại. Nhiều người còn cho rằng, tờ giấy trên cũng đã tố cáo sự giả dối của ông Phúc khi ngay cả họ của viên công an mà ông đang lăng xê là liệt sĩ bảo vệ đất nước cũng không nhớ được.
Ngoài ra, trong buổi tang lễ này, ông Phúc còn yêu cầu bộ Công an phát động phong trào học tập noi gương 3 liệt sĩ té giếng chết trong lúc đi giết dân khiến dư luận không khỏi ngao ngán.
An Nhiên
https://www.sbtn.tv/xon-xao-loi-chia-buon-cua-nguyen-xuan-phuc-khi-ghi-sai-ho-liet-si-te-gieng-chet/
Tin trong nước
Bắt giam Phó tổng giám đốc
thuộc Tổng Công ty Máy động lực vì tham ô tài sản
Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an vào ngày 16/1 đã ra quyết định khởi tố và bắt tạm giam Phó giám đốc và một nhân viên của nhà máy ô tô VEAM thuộc Tổng Công ty Máy động lực để điều tra về hành vi “tham ô tài sản”.Cơ quan điều tra cho biết đang tiến hành điều tra vụ án tham ô tài sản tại nhà máy ô tô VEAM theo quyết định khởi tố vụ án hình sự trước đó vào ngày 10/1 của Cơ quan Điều tra Bộ Công an.
Cơ quan điều tra đã thi hành lệnh bắt tạm giam và khám xét nơi ở, nơi làm việc của ông Nguyễn Đức Toàn phó giám đốc và bà Trần Thị Thanh Tâm nhân viên nhà máy ô to VEAM để điều tra về hành vi “tham ô tài sản” theo điều 353 Bộ luật hình sự.
Hiện cơ quan điều tra Bộ Công an vẫn đang tiếp tục mở rộng điều tra vụ án, truy tìm tài sản thu lợi bất chính và xử lý theo quy định.
Nhà máy ô tô VEAM là dự án thuộc Tổng Công ty Máy động lực và Máy nông nghiệp VN (VEAM) trực thuộc Bộ Công thương, có địa chỉ tại tỉnh Thanh Hóa. Dự án này được triển khai từ năm 2004 với tổng mức đầu tư dự kiến ban đầu là khoảng 600 tỉ đồng, bằng cách mua lại nhà máy từ Hàn Quốc. Dự kiến, nhà máy sẽ đi vào hoạt động sau 18 tháng tháo dỡ, vận chuyển hàng từ Hàn Quốc về Việt Nam lắp đặt. Tuy nhiên quá trình thực hiện dự án gặp nhiều trục trặc dẫn đến chậm tiến độ.
Kết luận Thanh tra của Bộ Công thương đầu năm 2019 cho thấy đến cuối tháng 12/2018, tổng vốn đầu tư vào VEAM chuyển cho dự án nhà máy ô tô lên đến gần 2.000 tỷ đồng, lỗ lũy kế 343 tỷ đồng. Hàng tồn kho vào thời điểm cuối tháng 12 là gần 3.000 xe.
Vào tháng 8 năm 2019, Cơ quan Cảnh sát Điều tra Bộ Công an đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự về tội vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí xảy ra ở VEAM và một số đơn vị thành viên. Đã có bốn lãnh đạo của VEAM bị khởi tố là ông Trần Ngọc Hà – nguyên Chủ tịch HĐQT, nguyên Tổng giám đốc VEAM; Lâm Chí Quang – nguyên Tổng giám đốc VEAM; Vũ Từ Công – Phó tổng giám đốc VEAM; Nguyễn Mạnh Chung – Giám đốc công ty TNHH máy kéo và máy nông nghiệp.
https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/arresting-deputy-general-director-of-veam-automobile-factory-for-embezzlement-01162020102426.html
3 bị can trong đường dây
buôn bán hổ xuyên quốc gia lĩnh án tù
Tòa án Nhân dân (TAND) Hà Nội đã tuyên án 5 đến 6 năm tù đối với 3 bị can về hành vi vận chuyển, buôn bán trái phép cá thể hổ đông lạnh từ Lào.Truyền thông trong nước ngày loan tin ngày 16/1 cho biết, Nguyễn Hữu Huệ, 52 tuổi, được xác định là người cầm đầu đường dây buôn bán trái phép này, lãnh 6 năm tù; đồng phạm của Huệ là Phan Văn Vui, 34 tuổi và Hồ Anh Tú, 28 tuổi mỗi người bị tuyên phạt 5 năm tù.
Nhóm của Huệ bị Công an bắt vào tháng 7/2019 khi đang trên đường vận chuyển 7 cá thể hổ đông lạnh đi tiêu thụ. Các cá thể hổ này được phát hiện trong xe ô tô đậu tại bãi chung cư trên đường Xuân Thủy, Quận Cầu Giấy.
Cáo trạng cho biết Huệ thường sang Lào để mua cá thể hổ đã chết sau đó đông lạnh chúng và vận chuyển về Việt Nam. Mỗi lô hàng nặng 300kg.
Huệ được biết là giám đốc của một Công ty dịch vụ thương mại và thường giao dịch buôn bán trái phép hổ và các động vật quý hiếm khác xuyên quốc gia từ nhiều năm nay.
Trung tâm giáo dục Thiên nhiên cho rằng, hình phạt tù với các đối tượng này thể hiện sự quan tâm của Chính phủ Việt Nam trong việc xử lý tội phạm liên quan đến buôn bán trái phép động vật hoang dã.
Xương hổ thường được sử dụng tại Việt Nam để làm thuốc trị các chứng bệnh về xương khớp.
Việt Nam là một trong 13 quốc gia còn hổ sinh sống ngoài tự nhiên song con số này đang ngày càng giảm.
Theo thống kê của Quỹ bảo vệ động vật hoang dã thế giới, năm 2011 Việt Nam còn 30 cá thể thì đến năm 2016 chỉ còn 5 cá thể.
https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/3-jailed-for-trafficking-tiger-carcasses-from-laos-01162020074551.html
Việt Nam phát hiện 2 người Trung Quốc nhập cảnh
nghi nhiễm virus viêm phổi cấp
Hai người Trung Quốc nghi nhiễm virus viêm phổi cấp nhập cảnh Việt nam hôm 14 tháng 1 đang được cách ly, theo dõi. Báo trong nước đưa tin hôm 15/1/2020.Theo đó, cả hai người xuất phát từ thành phố Vũ Hán nhập cảnh vào Việt qua sân bay quốc tế Đà Nẵng có biểu hiện sốt qua máy đo thân nhiệt từ xa. Họ được cách ly, theo dõi chặt chẽ. Các mẫu bệnh phẩm được lấy gửi về Viện Pasteur Nha Trang để xét nghiệm xác định tác nhân gây bệnh; lập danh sách những người tiếp xúc gần để theo dõi sức khỏe. Chiều 15/1, Bộ Y tế đã tổ chức cuộc họp về “Các biện pháp phòng, chống dịch bệnh viêm phổi cấp do chủng coronaviruses mới”.
Coronaviruses (Virus corona) là một họ các virus có thể gây ra các bệnh lý của đường hô hấp trên và đường tiêu hóa ở người, một số loài động vật và thường lây nhiễm qua tiếp xúc trực tiếp với chất tiết đường hô hấp của người bệnh.
Theo thông báo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), tại thành phố Vũ Hán, Trung Quốc có các trường hợp viêm phổi cấp do chủng coronavirus mới. Trường hợp bệnh đầu tiên khởi phát vào ngày 12/12/2019.
Tính đến ngày 13/1/2020 đã có 59 trường hợp mắc, 7 trường hợp nặng, 1 trường hợp thiệt mạng, 2 trường hợp hồi phục hoàn toàn.
Theo đại diện Bộ Y tế, Việt Nam chưa ghi nhận trường hợp mắc bệnh nào nhưng nguy cơ dịch bệnh lây truyền vào Việt Nam là hoàn toàn có thể do Việt Nam có giao lưu thương mại, du lịch rất lớn với Trung Quốc.
Tại cuộc họp báo tại Geneva (Thụy Sĩ) vào ngày 14/1, bà Maria Van Kerkhove, người đứng đầu đơn vị nghiên cứu các bệnh mới nổi của WHO đã đưa ra cảnh báo nguy cơ lây nhiễm từ người sang người của căn bệnh viêm phổi lại do virus corona mới phát hiện tại Vũ Hán (Trung Quốc). Theo bà Maria, khả năng virus này lây truyền từ người sang người là khá thấp, đặc biệt những người trong cùng một gia đình.
https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/tracking-two-chinese-who-have-a-fever-entered-vietnam-01152020143114.html
Đăk Nông bắt giữ
nhóm cung cấp hơn 14 tấn thịt chó ra thị trường
Cơ quan công an huyện Đắk R’Lấp tỉnh Đăk Nông vừa tiến hành bắt giữ 3 người với cáo buộc trộm cắp chó của người dân và bán ra thị trường hơn 14 tấn thịt chó trong một năm.Truyền thông trong nước hôm 15/1 loan tin cho biết, ba người này gồm bà Trần Thị Nguyệt – 46 tuổi, Nguyễn Đình Thảo – 28 tuổi và Nguyễn Văn Nở – 38 tuổi. Cả ba bị bắt giữ khi Thảo và Nở đang bán 7 con chó cho bà Nguyệt. Lực lượng chức năng tiến hành khám xét nơi ở phát hiện rất nhiều chó đã bị làm thịt để trong tủ đông chuẩn bị cung cấp ra thị trường.
Tại cơ quan chức năng, nhóm người này khai nhận rằng, bà Nguyệt buôn bán thịt chó tại chợ Kiến Đức từ năm 2012 đến nay. Để có nguồn thịt cung cấp cho thị trường, bà Nguyệt đã kết hợp với Thảo và Nở để trộm chó của người dân.
Nguyệt giao ước với 2 thanh niên trên sẽ mua 40.000 đồng/kg chó sống khi trộm được. Trước khi đi trộm chó, Thảo và Nở sẽ điện báo cho Nguyệt chuẩn bị bao cùng các thiết bị hỗ trợ việc trộm cắp.
Theo công an, Nở và Thảo trộm trung bình từ 5 đến 7 con chó mỗi đêm.
Công an tỉnh Đăk Nông xác định nhóm trên đã thực hiện trót lọt đưa ra thị trường tiêu thụ hơn 14 tấn thịt chó trộm cắp.
Theo tổ chức Liên minh Bảo vệ Chó Châu Á thì tại Việt Nam hàng năm tiêu thụ khoảng 5 triệu con chó và chỉ đứng sau Trung Quốc với hơn 20 triệu con.
Tại Châu Á có khoảng 30 triệu con chó bị giết mổ mỗi năm, theo số liệu ghi nhận của Tổ chức Xã hội Quốc tế Nhân đạo. Các tổ chức bảo vệ động vật cho rằng rất nhiều con vật được nuôi lấy thịt là do bắt trộm và chúng bị giết hại một cách dã man.
https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/gang-arrested-after-stealing-14-tons-of-dogs-for-meat-01152020134833.html
Vụ học sinh lớp 1 tử vong ở trường Gateway:
Ban giám hiệu vô can
Tin từ Hà Nội: Ban giám hiệu trường tiểu học quốc tế Gateway ở quận Cầu Giấy (thành phố Hà Nội) được cho là vô can trong vụ học sinh lớp 1 chết một cách bí ẩn trong ngày 06/8/2019.Theo kết luận cuối cùng của Toà án cộng sản quận Cầu Giấy trong phiên toà sơ thẩm ngày 15/1, chỉ có 3 bị cáo bị kết án tù giam: bà Nguyễn Bích Quy, người đưa đón học sinh của trường, bị án 2 năm tù giam, tài xế Doãn Quý Phiến bị án 15 tháng tù, cả hai bị cho là có tội “Vô ý làm chết người” theo Điều
128 còn giáo viên chủ nhiệm Nguyễn Thị Thủy bị kết án 1 năm tù giam về tội danh “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” theo Điều 360 của Bộ luật hình sự.
Sự việc về cái chết của cháu nhỏ tên Long diễn ra trong năm trước và được cho là cháu bé bị “bỏ quên” trên xe đưa đón học sinh của trường nên dẫn đến cái chết.
Hội đồng xét xử trong ngày 15/1 khẳng định cháu Long bị bỏ quên trên xe từ 7h 30 đến 16 giờ ngày 6/8 và bị tử vong do suy hô hấp, sốc nhiệt trong không gian giới hạn.
Vụ án đã gây chú ý và nhiều tranh luận trong xã hội. Nhiều người dân cho rằng vẫn còn nhiều khuất tất trong điều tra vụ án và trách nhiệm chính phải thuộc về trường Gateway, những người quản lý của trường đã để xảy ra sự việc. Họ cho rằng khó có chuyện cháu Long- một đứa trẻ thông minh lại bị tử vong vì nóng và ngạt khí trong xe 16 chỗ. Rất nhiều chứng cứ chỉ ra rằng cháu không bị bỏ quên trên xe à tử vong trong khuôn viên nhà trường.
Gateway là trường tư thục và hai cổ đông chính của trường là con gái của thủ tướng cộng sản Nguyễn Xuân Phúc và con gái của trung tướng công an Trần Văn Vệ.
Quốc Tuấn
https://www.sbtn.tv/vu-hoc-sinh-lop-1-tu-vong-o-truong-gateway-ban-giam-hieu-vo-can/
Đình bản sách về Phan Thanh Giản
Cuốn sách Phan Thanh Giản – Nhà ái quốc và người mở đường cho nước Việt Nam hiện đại: Những năm cuối đời (1862-1867) của hai tác giả Phan Thị Minh Lễ và Pierre Ph.Chanfreau vừa bị đình bản sau một tháng phát hành.Truyền thông trong nước loan tin hôm 16/1, trích công văn tạm dừng cuốn sách của Nhà xuất bản Hà Nội gửi cho đối tác liên kết xuất bản là Công ty cổ phần sách Omega Việt Nam, ký hôm 14/1.
Theo công văn, cuốn sách đã được Nhà xuất bản Hà Nội làm thủ tục lưu chiểu, nhưng trong quá trình rà soát, Nhà xuất bản Hà Nội nhận thấy một vài nội dung cần có sự nghiên cứu kỹ lưỡng để có thể chỉnh sửa cho phù hợp hơn.
Công văn của Nhà xuất bản Hà Nội không cho biết thời gian cuốn sách sẽ được phát hành trở lại.
Sách Phan Thanh Giản – Nhà ái quốc và người mở đường cho nước Việt Nam hiện đại: Những năm cuối đời (1862-1867) được chuyển ngữ từ sách tiếng Pháp cùng tên do nhà xuất bản L’Harmattan ở Paris, Pháp phát hành vào năm 2002.
Theo truyền thông trong nước, cuốn sách gồm những hình ảnh và tài liệu quý, phong phú và chưa từng được công bố liên quan đến ông Phan Thanh Giản nhằm chứng minh ông là một người yêu nước. Các tác giả cuốn sách muốn chứng minh Phan Thanh Giản là một người đáng ngưỡng mộ nhất trong số những nhà cải cách vĩ đại tại Việt Nam.
Cụ Phan Thanh Giản sinh năm 1796, là người đỗ Đại khoa tiến sĩ đầu tiên của Đất Nam Kỳ. Nhiều ý kiến cho rằng ông là người có tội “bán nước” vì đã để mất 6 tỉnh Nam Kỳ vào tay quân Pháp thời ông làm Chánh sứ toàn quyền hồi năm 1862.
Cuối đời, cụ Phan Thanh Giản tự tử bằng cách uống thuốc độc vào ngày 4/8/1867, hưởng thọ 72 tuổi.
https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/suspend-publishing-books-about-phan-thanh-gian-01162020075301.html
Việt Nam hưởng lợi từ thương chiến Mỹ-Trung
sau thỏa thuận Washington?
Natalie ShermanPhóng viên kinh doanh của BBC News, New YorkHoa Kỳ và Trung Quốc đã ký một thỏa thuận nhằm xoa dịu căng thẳng do cuộc chiến thương mại gây ra.
Phát biểu tại Washington, Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết hiệp ước này sẽ “biến đổi” nền kinh tế Mỹ. Các nhà lãnh đạo Trung Quốc gọi đó là thỏa thuận “đôi bên cùng có lợi” sẽ giúp thúc đẩy mối quan hệ tốt hơn giữa hai nước.
Trung Quốc cam kết tăng cường nhập khẩu thêm 200 tỷ đôla hàng hóa của Mỹ so với mức 2017 và tăng cường các quy tắc sở hữu trí tuệ.
Đổi lại, Mỹ đã đồng ý giảm một nửa mức thuế mới áp dụng với các sản phẩm của Trung Quốc.
2019: Năm ngoại giao Trung Quốc tích cực tham gia mạng xã hội
Mỹ tháo nhãn “quốc gia thao túng tiền tệ” cho Trung Quốc
Kinh doanh năm 2019: Boeing, Huawei và Brexit
Kinh tế VN 2019: ‘Mặt trời’ chỉ ‘tỏa sáng’ trên báo cáo?
Hoa Kỳ và Trung Quốc lao vào một cuộc chiến thuế quan bắt đầu từ năm 2018, dẫn đến sự gia tăng thuế nhập khẩu với số hàng hóa trị giá hơn 450 tỷ đôla. Tranh chấp làm gián đoạn dòng chảy thương mại, suy giảm tăng trưởng kinh tế toàn cầu và khiến các nhà đầu tư lo lắng.
Tại một buổi lễ ký kết tại Washington, có sự tham dự của các nhà tài trợ và các lãnh đạo doanh nghiệp hàng đầu của đảng Cộng hòa, ông Trump nói rằng thỏa thuận này tạo tiền đề cho mối quan hệ bền chặt hơn giữa Mỹ và Trung Quốc.
“Cùng nhau, chúng ta đang sửa chữa những sai trái của quá khứ và mang đến một tương lai của công bằng và an ninh kinh tế”, ông nói.
“Vượt xa cả thỏa thuận này, nó sẽ dẫn đến một nền hòa bình thế giới thậm chí còn mạnh mẽ hơn”, ông nói thêm.
Thỏa thuận có những gì?
Trung Quốc cam kết tăng nhập khẩu ít nhất 200 tỷ đôla hàng Mỹ so với năm 2017, thúc đẩy mua sản phẩm nông nghiệp thêm 32 tỷ đôla, hàng sản xuất thêm 78 tỷ đôla, sản phẩm về năng lượng thêm 52 tỷ đôla và mặt hàng dịch vụ tăng 38 tỷ đôla.
Trung Quốc cũng đồng ý có thêm nỗ lực chống hàng giả và giúp các công ty Mỹ dễ dàng có biện pháp pháp lý hơn với hành vi trộm cắp bí mật thương mại.
Mỹ sẽ duy trì mức thuế lên tới 25% đối với hàng hóa Trung Quốc trị giá 360 tỷ USD; Trung Quốc, nước đã đánh thuế lên các sản phẩm trị giá 100 tỷ đôla Mỹ, cũng dự kiến sẽ duy trì phần lớn mức thuế mới này.
Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc, người ký kết thỏa thuận thay mặt Trung Quốc, cho biết thỏa thuận này bắt nguồn từ “sự bình đẳng và tôn trọng lẫn nhau”.
“Trung Quốc đã phát triển một hệ thống chính trị và một mô hình phát triển kinh tế phù hợp với thực tế quốc gia,” ông nói.
“Điều này không có nghĩa là Trung Quốc và Mỹ không thể làm việc cùng nhau. Ngược lại, hai nước chúng ta có lợi ích thương mại chung rất lớn.”
“Chúng tôi hy vọng cả hai bên sẽ tuân thủ và giữ thỏa thuận một cách nghiêm túc.”
Ai được lợi?
1. Donald Trump
Một số nhà phê bình cho rằng kết quả ít ỏi nhưng, việc ký kết thỏa thuận mang đến cho Tổng thống Mỹ Donald Trump cơ hội tạm gác cuộc chiến thương mại qua một bên để tuyên bố những thành tích tạm có trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2020 sắp tới.
Các cuộc thăm dò cho thấy hầu hết người Mỹ đồng ý với tổng thống rằng Trung Quốc giao dịch không công bằng, nhưng họ vẫn ủng hộ thương mại tự do và phản đối thuế quan. Chính vì vậy, đảng Cộng hòa đã mất một số ghế quốc hội vào năm 2018.
2. Tập Cận Bình
Trung Quốc dường như có lợi khi các điều khoản đã được đồng ý trước được thông qua, bao gồm cả việc nới lỏng tiếp cận thị trường với các công ty tài chính và xe hơi Mỹ.
Cục Dự trữ Liên bang ước tính rằng nền kinh tế Trung Quốc đã bị ảnh hưởng 0,25%, do nhu cầu của Mỹ đối với hàng hóa của họ giảm khoảng một phần ba. Vì vậy việc đạt được thỏa thuận sẽ có ý nghĩa lớn với kinh tế Trung Quốc.
3. Việt Nam/Đài Loan/Mexico
Trên toàn cầu, các nhà kinh tế ước tính rằng cuộc chiến thương mại sẽ giảm tỷ lệ tăng trưởng xuống 0.5%. Nhưng một số quốc gia được hưởng lợi từ cuộc chiến, tiếp nhận 165 tỷ đôla giá trị thương mại.
Các nhà phân tích tại Nomura xác định Việt Nam là quốc gia được lợi nhiều nhất, trong khi Liên Hiệp Quốc thấy rằng Đài Loan, Mexico và Việt Nam đã nhận được nhiều đơn đặt hàng của Mỹ vào năm ngoái.
Ai là phe bị thiệt hại?
1. Các công ty và người tiêu dùng Mỹ
Thỏa thuận mới làm giảm một nửa mức thuế đối với hàng hóa trị giá 120 tỷ đôla, nhưng hầu hết các mức thuế cao hơn – như số hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc trị giá 360 tỷ đôla và số hàng xuất khẩu của Mỹ trị giá hơn 100 tỷ đôla – vẫn còn hiệu lực. Và đó là tin xấu cho công chúng Mỹ.
Các nhà kinh tế đã phát hiện ra rằng các chi phí phát sinh – hơn 40 tỷ đôla tính đến nay – đều do các công ty và người tiêu dùng Mỹ chịu ảnh hưởng hoàn toàn. Và con số đó thậm chí còn chưa đo lường những doanh nghiệp bị thiệt hại do bị trả đũa.
Nhìn chung, Văn phòng Ngân sách Quốc hội ước tính rằng sự không chắc chắn và chi phí liên quan đến thuế quan đã làm tăng trưởng kinh tế Mỹ giảm 0,3%, đồng thời thu nhập hộ gia đình trung bình cũng giảm $580 kể từ năm 2018.
2. Nông dân và công nhân Hoa Kỳ
Thỏa thuận mới cam kết Trung Quốc tăng cường mua hàng trong sản xuất, dịch vụ, nông nghiệp và năng lượng có trị giá lên tới 200 tỷ đôla, so với 2017.
Ông Trump nói rằng có thể bao gồm hàng hóa nông nghiệp trị giá 50 tỷ đôla một năm.
Nhưng các số liệu chính thức cho thấy con số thấp hơn, các nhà phân tích không chắc đây là mức có thể đạt được và Trung Quốc cũng nói rằng việc mua sẽ phụ thuộc vào nhu cầu thị trường.
Nông dân, nhiều người đã bị thuế quan của Trung Quốc nhắm vào, đã bị phá sản dẫn đến một khoản cứu trợ liên bang trị giá 28 tỷ đôla.
Trong khi đó các nhà sản xuất thì mất nhiều việc làm, xuất phát từ chi phí nhập khẩu cao và sự trả đũa của Trung Quốc.
Về lâu dài, các công ty Mỹ có thể định tuyến lại chuỗi cung ứng tránh khỏi Trung Quốc để tránh thuế quan – nhưng đó là một triển vọng đắt đỏ.
3. Giới chỉ trích Trung Quốc tại Washington
Cố vấn của Trump, ông Peter Navarro đã thúc đẩy lập trường cứng rắn đối với Trung Quốc.
Mỹ nói rằng Trung Quốc đã đồng ý các biện pháp bảo vệ mới đối với sở hữu trí tuệ, bao gồm hạ thấp ngưỡng truy tố hình sự và tăng hình phạt. Quan trọng hơn, hai bên nói rằng họ đã đồng ý cách giải quyết các tranh chấp đó.Đó là một trong những vấn đề gây ra cuộc chiến thương mại.
Nhưng các nhà phân tích nói rằng không rõ liệu các cam kết mới có khác với những lời hứa mà Trung Quốc đã từng đưa ra trước đó hay không. Và thỏa thuận mới không giải quyết một số khiếu nại chính của Mỹ về các hoạt động thương mại của Trung Quốc – chẳng hạn như các khoản trợ cấp mà nó cung cấp cho một số ngành công nghiệp.
Nhà Trắng tuyên bố sẽ giải quyết các thêm các vấn đề khác trong “giai đoạn hai” nhưng các nhà phân tích nói rằng họ không mong đợi sẽ sớm có bất cứ điều gì cụ thể.
https://www.bbc.com/vietnamese/business-51131524
Ai đã “bức tử” đồng bằng sông Cửu Long
Yến NhiSông Mekong là con sông lớn nhất ở Đông Nam Á và là một trong những con sông lớn trên thế giới. Về độ dài, sông Mekong xếp hàng thứ 12 trên thế giới với dòng chảy kéo dài 4800 km. Sông Mekong khởi nguồn từ cao nguyên Tây Tạng (hiện đang bị Trung Quốc chiếm đóng và coi là một bộ phận lãnh thổ của Trung Quốc) và nó chảy qua lãnh thổ của Myanmar, Lào, Thái Lan, Campuchia rồi đổ vào khu vực Đồng bằng sông Cửu long ở miền Nam Việt Nam, và từ đây, nước trên dòng Mekong đổ ra biển Đông.
Trung Quốc và Myanmar là hai quốc gia nằm ở thượng nguồn. Khu vực hạ nguồn sông Mekong nơi dòng chảy đi qua các quốc gia Lào, Thái lan, Campuchia và Việt Nam, khu vực này là địa bàn sinh sống của hơn 65 triệu người, hầu hết là cư dân nông nghiệp.
Sông Mekong là tên gọi quốc tế, nó còn được gọi bằng các tên khác. Người Tây Tạng gọi nó là Zachu. Tại Trung Quốc nó được gọi là sông Lan thương, người Lào gọi nó là sông Menam (sông Mẹ), hồ nước ngọt khổng lồ từ Mekong đổ vào Campuchia được người Campuchia gọi là Biển hồ Tongle Sap, đến Việt Nam, theo truyền thuyết xưa, sông Mekong đổ ra biển Đông theo chín cửa biển nên người dân nơi đây ví như chín con rồng, nên được gọi là sông Cửu long.
Sông Mekong giàu tài nguyên thiên nhiên hơn bất kỳ con sông nào khác trên thế giới. Sông Mekong mang trong lòng nó hơn 1500 loài cá nước ngọt khác nhau. Lượng thủy sản đánh bắt hàng năm trên dòng Mekong được tính toán vào khoảng 2 triệu tấn, gấp đôi lượng thủy sản đánh bắt trên biển Bắc.
Các tranh chấp về việc sử dụng nguồn nước quốc tế đang được nảy sinh trên dòng sông Mekong. Đây thực sự là một con sông quốc tế, thế nhưng mỗi một quốc gia ven sông lại có những tính toán riêng cho lợi ích của mình, đặc biệt là các quốc gia thượng nguồn như Trung Quốc. Trong đó các dự án xây các con đập phục vụ các công trình thủy điện ở vùng thượng nguồn luôn ẩn chứa các mối đe dọa cho dân cư vùng hạ nguồn, khi dòng nước bị ngăn lại, khiến cho môi trường thủy sinh bị thay đổi, và cuộc sống người dân phụ thuộc vào con sông này bị ảnh hưởng nặng nề.
Các quốc gia ven sông Mekong đã tích cực phát triển các nhà máy thủy điện trên dòng Mekong, Trung Quốc đã và đang xây 11 nhà máy thủy điện. Ngoài ra, Trung Quốc cũng đang dự định xây thêm 20 con đập trên dòng sông này. Lào đang cho xây dựng đập cho dự án thủy điện Xayaburi và đang có dự án xây 11 nhà máy thủy điện tiếp theo. Dự án xây đập chắn Xayaburi đã bị nhiều quốc gia trên thế giới lên tiếng phản đối vì nó chưa thực hiện nghiên cứu đầy đủ về ảnh hưởng đối với sự biến đổi môi trường và có phương án giải quyết thích hợp, đảm bảo cuộc sống của cư dân vùng ven sông này không bị chịu tác động xấu.
Một số nhà nghiên cứu chỉ ra nguyên nhân đe doạ nguồn sống ở Đồng bằng sông Cửu long gồm hai nguyên nhân: Tác động của biến đổi khí hậu và ảnh hưởng của các đập thuỷ điện, trong đó, ảnh hưởng của các con đập ở thượng nguồn mới là nguyên nhân chính.
Báo cáo đánh giá môi trường của Uỷ hội sông Mekong (MRC) năm 2010 đã nhận định có nhiều thiệt hại kinh tế khi những đập nước trên dòng chính được xây dựng, riêng thiệt hại về lượng thủy sản ước tính khoảng 476 triệu USD mỗi năm, 54% ruộng vườn dọc theo con sông sẽ bị biến mất, thiệt hại về nông nghiệp ước tính khoảng 49,1 triệu USD mỗi năm, chưa kể đến việc ảnh hưởng đến nông nghiệp và đời sống của 20 triệu cư dân nông nghiệp Việt Nam sống dựa vào con sông này sẽ bị ảnh hưởng mà không thể tính toán được thiệt hại là bao nhiêu.
MRC cũng dự báo rằng khu vực hạ lưu Mekong sẽ sụt giảm 40% các đàn cá vào năm 2020, và đến năm 2040 sẽ bị mất khoảng 80% các loài cá nước ngọt ở đây, chủ yếu là do tác động của các đập thuỷ điện ở vùng thượng lưu Mekong, mà các đập này chủ yếu là của Trung Quốc hoặc liên quan đến Trung Quốc.
Nằm ở cuối nguồn của Mekong, Việt Nam là nước chịu thiệt hại nặng nề nhất khi dòng Mekong bị tác động. Báo chí gần đây đã cho biết 10/13 tỉnh thành ở Đồng bằng Sông Cửu long bị nước mặn xâm nhập do lượng nước ngọt giảm.[1] Trong đó, tỉnh Bến tre mới đây đã phải ban bố tình trạng khẩn cấp bởi lý do nước mặn xâm nhập địa bàn toàn tỉnh.[2]
Một nghiên cứu của Trường đại học Fulbright Việt Nam gần đây cho biết, khu vực Đồng bằng sông Cửu Long có thể sẽ thiệt hại mỗi năm 40 tỉ USD nếu không có chính sách thích ứng kịp thời.[3]
Trong một cuộc hội thảo năm ngoái tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, giới chức chính quyền và các nhà nghiên cứu cho biết sự suy giảm của khu vực này chịu ảnh hưởng bởi các đập thuỷ điện ở thượng nguồn.[4]
Còn một nhà nghiên cứu người Mỹ, trong cuốn sách của ông ta “Những ngày cuối cùng của dòng Mekong hùng mạnh” cho rằng, Trung Quốc đang tăng cường trữ nước trên các đập thuỷ điện trên đất của họ, tại thượng nguồn Mekong, nhưng không phải vì mục đích lấy điện mà vì muốn tích trữ nước cho tương lai.[5] Việc trữ nước cũng có thể bao gồm các mục đích địa chính trị, trong đó sẽ “trừng phạt” các nước cuối nguồn bằng cách đóng nguồn nước từ trên thượng nguồn lại.
Sự tham lam của các quốc gia thượng nguồn, đặc biệt là Trung Quốc, đã khiến dòng Mekong giảm lượng nước nghiêm trọng. Điều đó sẽ dẫn tới “cái chết trong tương lai” của Đồng bằng sông Cửu long – vốn được coi là vựa lúa của Việt Nam.
[1] https://thegioihoinhap.vn/nong-nghiep-4-0/8-13-tinh-thanh-o-dbscl-bi-man-xam-nhap-sau/?fbclid=IwAR1iKUBSE8MAmBteXqSis0HeahGsUWwaDQMFxk3jQ8_KzThzn6NaBWQTPZE
[2] https://tuoitre.vn/nuoc-man-bao-trum-toan-tinh-ben-tre-ban-bo-tinh-huong-khan-cap-20200114135409743.htm?fbclid=IwAR2QQSJlrT3m3uGk_s-3rT_NnD7fGzQojJDN4ta4Bn8KGcMUanKeS8qLO2Y
[3] https://fulbright.edu.vn/vi/dong-bang-song-cuu-long-doi-mat-thiet-hai-hang-chuc-ty-do-moi-nam/?fbclid=IwAR1vn14luqMZszDuILS1UJIKYebRgnomhzsRxoILbKUQJYKQb21CLVEdRvU
[4] https://tuoitre.vn/thuy-dien-thuong-nguon-mekong-lam-giam-90-phu-sa-dbscl-20190618115945503.htm
[5] https://vnexpress.net/the-gioi/chuyen-gia-my-trung-quoc-xay-dap-tren-mekong-khong-de-lay-dien-3993662.html?fbclid=IwAR353o-0aeTddLANf2pPvXTZhdBUssh4QVV7fmzctwE0TBVoecdN3oJGhXU
https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/who-s-killing-cuu-long-delta-01162020104818.html
0 comments