Hải Ngoại Ngày Nay


LIÊN KẾT HẢI NGOẠI YỂM TRỢ QUỐC NỘI ĐẤU TRANH

GIẢI THỂ CHẾ ĐỘ ĐỘC TÀI VIỆT CỘNG

GIẢi TRỪ HIỂM HỌA XÂM LĂNG TRUNG CỘNG

Tin Biển Đông – 16/01/2020

Thursday, January 16, 2020 3:03:00 PM // ,

Tin Biển Đông – 16/01/2020

Chuyên gia Mỹ: Đừng xem thường

tiền đồn Trung Quốc ở Biển Đông

Trọng Nghĩa
Trong những ngày đầu năm 2020, tranh luận trong giới chuyên gia về Biển Đông đã trở nên sôi nổi trên giá trị chiến lược và quân sự của các tiền đồn mà Trung Quốc đã thiết lập và tiếp tục củng cố trên các đảo nhân tạo mà họ đã bồi đắp ở Biển Đông, cả ở Hoàng Sa lẫn Trường Sa. Và ngày càng có nhiều ý kiến báo động về tính chất nguy hiểm của các tiền đồn này đối với lực lượng Mỹ trong trường hợp nổ ra xung đột võ trang với Trung Quốc.
Đáng chú ý nhất là nhận định của chuyên gia Mỹ Greg Poling (giám đốc cơ quan Sáng Kiến Minh Bạch Hàng Hải Châu Á AMTI thuộc Trung Tâm Nghiên Cứu Chiến Lược Quốc Tế CSIS tại Washington), trên trang mạng chuyên về quân sự War On The Rocks ngày 10/01/2020, theo đó sẽ là một “sai lầm nguy hiểm” khi cho rằng các tiền đồn Trung Quốc tại Biển Đông sẽ bị Mỹ tiêu diệt dễ dàng khi xẩy ra chiến tranh.
Tiếp nối theo phân tích của giám đốc AMTI, chuyên gia Ankit Panda, biên tập viên cao cấp của chuyên san Nhật Bản The Diplomat ngày 15/01 đã nhấn mạnh thêm trên “giá trị quân sự đáng kể” của các đảo nhân tạo mà Trung Quốc đã bồi đắp ở vùng quần đảo Trường Sa.
Sẽ sai lầm khi coi thường giá trị quân sự của tiền đồn Trung Quốc ở Biển Đông
Trong bài phân tích “Quan điểm chung về các căn cứ trên đảo của Trung Quốc là một sai lầm nguy hiểm - The Conventional Wisdom on China’s Island Bases Is Dangerously Wrong”, chuyên gia Greg Poling đã không ngần ngại phản bác luồng suy nghĩ rất phổ biến hiện nay cho rằng các căn cứ quân sự mà Trung Quốc xây dựng trên 7 hòn đảo nhân tạo trong tay họ ở Biển Đông chỉ dọa được các láng giềng nhỏ bé trong vùng, chứ không thể tồn tại được trước hỏa lực hùng mạnh của Quân Đội Mỹ.
Theo ông Greg Poling, nhân một cuộc hội thảo về tham vọng hàng hải của Trung Quốc vào tháng 11 năm ngoái, ông đã được hỏi là liệu Hoa Kỳ có thể vô hiệu hóa dễ dàng các tiền đồn quân sự mà Trung Quốc xây dựng trên các đảo nhân tạo ở Biển Đông hay không.
Đối với chuyên gia Poling, câu hỏi đó xuất phát từ một giả định rất phỏ biến hiện nay là các tiền đồn đó rất xa đất liền Trung Quốc do vậy không thể làm gì được trước một lực lượng thống trị trên không và trên biển hiện nay như là Quân Đội Mỹ.
Có điều là, theo ông Poling, giả định đó không đúng. Trên thực tế, vào lúc chiến sự bùng lên, chính Trung Quốc, chứ không phải Hoa Kỳ, sẽ là bên kiểm soát vùng biển và không phận Biển Đông nhờ vào các căn cứ của họ trên các đảo nhân tạo.
Bên cạnh đó, với cách bố trí lực lượng hiện nay của Mỹ trong khu vực, trong giai đoạn đầu của một cuộc xung đột, Hoa Kỳ sẽ phải mất rất nhiều công sức và tổn thất trước khi vô hiệu hóa được các tiền đồn đó để có thể tung lực lượng vào Biển Đông. Điều này cho thấy giá trị quân sự đáng kể của các tiền đồn đó đối với Bắc Kinh.
Hầu hết giới chuyên gia đều quan ngại
Theo chuyên gia Poling, câu trả lời của ông đã gây ra phản ứng nhiều phản ứng bất đồng tình trong số những người tham dự hội nghị, và ông đã quyết định sử dụng mạng Twitter để tham khảo ý kiến các nhà quan sát tình hình và các chuyên gia về an ninh Biển Đông. Kết quả là hầu như tất cả mọi người đều tán đồng lập luận của ông, thậm chí còn nêu thêm một số yếu tố đáng lo ngại cho Hoa Kỳ mà ông đã bỏ qua.
Đối với ông Poling, khác biệt giữa nhìn nhận của giới chuyên gia và suy nghĩ chung thường thấy về giá trị chiến lược của các tiền đồn Trung Quốc trên Biển Đông là một điều đáng quan ngại. Hầu hết những người theo dõi tình hình Biển Đông đều cho rằng các căn cứ Trung Quốc trên các đảo nhân tạo có giá trị thay đổi tương quan lực lượng Mỹ-Trung trong một cuộc xung đột tương lai, trong lúc quan điểm phổ biến tại Mỹ lại coi thường các nhân tố đó, cho rằng chúng không có giá trị chiến lược nào vì có thể bị tiêu diệt dễ dàng.
Đối với chuyên gia Poling, việc coi thường mức độ nguy hại của các tiền đồn quân sự Trung Quốc trên Biển Đông là một sai lầm nguy hiểm.
Quan điểm của ông Greg Poling về các căn cứ quân sự Trung Quốc ở Biển Đông đã được nhiều chuyên gia khác tán đồng, như nhà phân tích Ankit Panda trong bài “Liệu các đảo nhân tạo Trung Quốc trên Biển Đông có hữu dụng và có giá trị về phương diện quân sự hay không? - Are China’s South China Sea Artificial Islands Militarily Significant and Useful?” đăng trên The Diplomat.
Giá trị quân sự của các căn cứ Trung Quốc tại Trường Sa
Theo ông Panda, phân tích của giám đốc cơ quan Sáng Kiến Minh Bạch Hàng Hải Châu Á trong bài viết đăng trên trang mạng War on the Rocks là một lời phản bác đầy sức thuyết phục, chống lại suy nghĩ phổ biến hiện nay cho rằng các tiền đồn mà Trung Quốc xây dựng gấp rút ở vùng Trường Sa sẽ là một nhược điểm chiến lược của Bắc Kinh trong một cuộc xung đột.
Đối với biên tập viên của tờ The Diplomat, các căn cứ Trung Quốc ở Biển Đông trước hết có giá trị trong thời bình. Các tiền đồn này cho phép Bắc Kinh tiến hành các hoạt động cưỡng chế nhắm áp đặt yêu sách chủ quyền của Trung Quốc tại Biển Đông, chống lại các bên tranh chấp khác như Việt Nam, Philippines, Malaysia, Brunei và Đài Loan, cũng như Indonesia cũng bị Trung Quốc tranh chấp một phần vùng đặc quyền kinh tế.
Còn trong thời chiến, theo ông Panda, các tiền đồn Trung Quốc ở Trường Sa không chỉ là bia đỡ đạn, mà sẽ góp phần tăng cường hỏa lực của Trung Quốc, cung cấp thông tin kịp thời về tình hình hiện trường, và phục vụ công tác hậu cần. Ngoài ra, Bắc Kinh cũng có địa thế tốt để sử dụng tên lửa chống hạm và phòng không trên các cơ sở này để ngăn chặn Hải Quân Hoa Kỳ và các nước khác trong khu vực.
Thậm chí Không Quân Trung Quốc vẫn có khả năng xuất phát từ các căn cứ ở Trường Sa để gây khó khăn cho lực lượng Mỹ trong trường hợp xẩy ra xung đột. Trung Quốc đã có ba phi đạo dài trên ĐáChữ Thập, Đá Vành Khăn và Đá Xu Bi đủ sức cho chiến đấu cơ sử dung. Các phi đạo này có thể bị Mỹ tấn công ngay từ đầu, nhưng không thể bị phá hủy hoàn toàn, và Trung Quốc có thể khôi phục các đường bay không lâu sau một cuộc tấn công. Trong bài phân tích của mình, chuyên gia Greg Poling từng nêu bật ví dụ cuộc tấn công bằng tên lửa hành trình của Mỹ vào căn cứ không quân Syria Shayrat năm 2017, đã thất bại trong việc vô hiệu hóa được căn cứ này.
Mặt khác, theo ông Panda, do việc diện tích các đảo nhân tạo khá lớn, như trong trường hợp Đá Vành Khăn và Xu Bi, để có thể phá hủy được hoàn toàn các cơ sở mà Trung Quốc dùng làm điểm tựa cho Hải Quân, Không Quân và có thể là lực lượng tên lửa của họ trong tương lai, Mỹ sẽ cần đến một khối lượng rất lớn tên lửa tầm xa có độ chính xác cao, điều có lẽ khó thực hiện được.
Giúp Trung Quốc triển khai tàu ngầm nguyên tử tấn công đến gần Mỹ
Chuyên gia Panda còn nêu thêm một giá trị quân sự khác của các tiền đồn Trung Quốc tại Trường Sa và Hoàng Sa không được ông Poling nêu lên. Đó là làm căn cứ cho lực lượng tàu ngầm tên lửa đạn đạo của Trung Quốc đang hình thành.
Theo ông Panda, trước những quan ngại về khả năng lực lượng hạt nhân trên bộ của mình dễ bị triệt hạ trong một cuộc xung đột, Trung Quốc đã muốn đưa tàu ngầm tên lửa đạn đạo chạy bằng năng lượng hạt nhân loại 094 của mình vào Biển Đông để khi cần thiết, tìm cách thâm nhập vào chuỗi đảo đầu tiên để phóng tên lửa đạn đạo JL-2 (loại trang bị cho tàu ngầm) tấn công các mục tiêu trên lãnh thổ Hoa Kỳ. Tàu ngầm loại 094 của Trung Quốc nhất thiết phải đến được chuỗi đảo thứ nhất vì loại tên lửa JL-2 không đủ tầm bắn để tấn công nước Mỹ từ Biển Đông.
Các tiền đồn Trung Quốc ở Trường Sa có thể góp phần đáng kể vào việc giúp Bắc Kinh, không chỉ là ngăn chặn hoạt động của Hải Quân Mỹ ở Biển Đông, qua đó tăng cường khả năng sống còn của các tàu ngầm tấn công hạt nhân được triển khai khi xung đột nổ ra, mà còn trở thành địa bàn từ đó tung ra các chiến dịch chống ngầm, phát hiện và đẩy lùi các phương tiện giám sát dưới đáy biển của Mỹ, bao gồm cả tàu ngầm và các loại tàu lặn tự hành khác.
Các đảo nhân tạo của Trung Quốc từ lâu đã bi coi là biểu hiện cụ thể của các hành vị coi thường luật pháp và thay đổi nguyên trạng ở Biển Đông sao cho có lợi cho Bắc Kinh. Trong lúc mục đích chính của các đảo nhân tạo này có thể là nhằm khẳng định các yêu sách chủ quyền đáng ngờ của Trung Quốc, thì trong thời chiến, chúng có thể phát huy năng lực quân sự.

Biển Đông: Ủng hộ Bắc Kinh,

Nga cáo buộc Mỹ bao vây Trung Quốc

Tú Anh
Khi thay thế tên gọi vùng Châu Á Thái Bình Dương bằng khái niệm mới « Ấn Độ- Thái Bình Dương », mục tiêu sâu xa của Mỹ là mở rộng chiến lược bao vây Trung Quốc. Trên đây là tuyên bố của ngoại trưởng Nga Serguei Lavrov, thứ Tư 15/01/2020 tại New Delhi, nhân một hội nghi quốc tế về những thách thức trên thế giới.
Theo phê phán của Ngoại trưởng Nga, khái niệm « Ấn Độ-Thái Bình Dương » do Hoa Kỳ, Nhật Bản và nhiều nước khác đề xuất là nhằm làm thay đổi cơ cấu hiện tại. Cho đến gần đây, khi nói đến hợp tác Châu Á-Thái Bình Dương có nghĩa là tập trung trong vùng Đông Nam Á. Vì vậy, tại sao phải đổi Châu Á-Thái Bình Dương thành Ấn Độ-Thái Bình Dương ? Ngoại trưởng Nga Serguei Lavrov đặt câu hỏi và tự trả lời : Để loại Trung Quốc ra ngoài chứ không phải để liên kết với Trung Quốc.
Theo quan niệm mới của Washington, Ấn Độ-Thái Bình Dương là nơi mà chủ quyền đất nước, chính phủ trong sạch, thượng tôn pháp luật là những yếu tố trong số nhiều chủ đích khác sẽ được Mỹ ủng hộ. Cũng theo quan niệm này, ngoài các sân sau của Trung Quốc, còn có một vùng rộng lớn kéo dài từ châu Á đến tận Ấn Độ Dương.
Biển Đông, con đường hàng hải của hơn một phần ba thương thuyền quốc tế qua lại đã trở thành một điểm nóng vì chính sách tranh giành biển đảo của Trung Quốc với các quốc gia Đông Nam Á.
Vào năm 2018, Bộ Tư Lệnh lực lượng Mỹ tại Châu Á-Thái Bình Dương được đổi tên thành Bộ Tư Lệnh Ấn Độ-Thái Bình Dương
Nhật kêu gọi Trung Quốc bớt hung hăng :
Trước tuyên bố của Ngoại trưởng Nga một ngày, tại diễn đàn của Trung Tâm Nghiên Cứu Chiến Lược Quốc Tế CSIS ở Washington, bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản thúc giục Bắc Kinh « cải thiện tình hình ở biển Hoa Đông », ngưng các hoạt động xâm phạm lãnh hải ở Điếu Ngư/Senkaku.
Theo NHK, bộ trưởng Kono Taro cho biết là Tokyo « không phớt lờ » hành vi gây hấn làm thay đổi nguyên trạng tại Hoa Đông. Tokyo có kế hoạch đón tiếp « trọng thể » chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong muà xuân nhưng phía Bắc Kinh cũng phải « tạo thuận lợi » cho chuyến công du.
Trung Quốc vô hiệu hóa một đề nghị của Nhật về Biển Đông
Dự thảo nghị quyết của hội nghị các nhà lập pháp Châu Á-Thái Bình Dương, quy tụ hơn 350 đại biểu quốc hội của 30 nước khu vực, họp tại Canberra, không có đoạn tuyên bố về tự do hàng hải ở Biển Đông.
Theo báo chí Úc, phái đoàn Trung Quốc gây sức ép để dẹp đoạn tuyên bố này. Giám đốc viện nghiên cứu chiến lược quốc phòng Úc Michael Shoebridge rất bất bình thái độ của Trung Quốc.
Theo ông, cần phải tố giác hành động quân sự hóa của Bắc Kinh tại Biển Đông : « Hành động tự kiểm duyệt của diễn đàn các nghị sĩ rất đáng lo nhưng cùng lúc cho thấy Tập Cận Bình đang tìm cách ngăn chận mọi tiếng nói phản kháng của các nước trong khu vực. Hãy xem gương Hồng Kông, nơi mà người dân cho chúng ta thấy thế nào là đời sống trong bàn tay của đảng Cộng Sản của Tập ».
Diễn đàn các nhà lập pháp Châu Á-Thái Bình Dương lần thứ 28 đang diễn ra tại thủ đô nước Úc trong tuần này.

0 comments

Leave a comment

Powered by Blogger.