Hải Ngoại Ngày Nay


LIÊN KẾT HẢI NGOẠI YỂM TRỢ QUỐC NỘI ĐẤU TRANH

GIẢI THỂ CHẾ ĐỘ ĐỘC TÀI VIỆT CỘNG

GIẢi TRỪ HIỂM HỌA XÂM LĂNG TRUNG CỘNG

Tin Biển Đông – 23/01/2020

Thursday, January 23, 2020 6:57:00 PM // ,

Tin Biển Đông – 23/01/2020

TQ đã tàn phá đá Gạc Ma

thành căn cứ quân sự phi pháp trên Biển Đông

Kể từ khi sử dụng vũ lực chiếm đóng trái phép đá Gạc Ma của Việt Nam, Trung Quốc đã tìm cách cải tạo đá, xây đảo nhân tạo phi pháp, đồng thời tiến hành quân sự hóa, biến đá Gạc Ma thành một trong những tiền đồn quân sự phi pháp hàng đầu của Trung Quốc ở Biển Đông.
Trung Quốc sử dụng vũ lực đánh chiếm đá Gạc Ma
Đầu tháng 3/1988, Hải quân Trung Quốc huy động lực lượng của hai hạm đội xuống khu vực quần đảo Trường Sa, tăng số tàu hoạt động ở đây thường xuyên có từ 9 đến 12 tàu chiến, gồm: tàu khu trục tên lửa, 7 tàu hộ vệ tên lửa, 2 tàu pháo, 2 tàu đổ bộ; tàu hỗ trợ gồm 3 tàu vận tải LSM, tàu đo đạc, tàu kéo và một pông-tông lớn. Trước sự bành trướng ngang ngược của quân Trung Quốc, Quân chủng Hải quân Việt Nam xác định, Gạc Ma giữ vị trí quan trọng, nếu để Trung Quốc chiếm giữ sẽ khống chế đường tiếp tế của ta cho các căn cứ tại quần đảo Trường Sa. Vì vậy, Thường vụ Đảng uỷ Quân chủng Hải quân Việt Nam hạ quyết tâm đóng giữ Gạc Ma, Cô Lin và Len Đao. Quân chủng Hải quân Việt Nam điều 3 tàu vận tải mang khí tài, vật liệu xây dựng đóng giữ các bãi đá Gạc Ma, Cô Lin và Len Đao.
Ngày 12/3/1988, tàu HQ 605 (thuộc Lữ đoàn 125), do ông Lê Lệnh Sơn làm thuyền trưởng, xuất phát từ Đá Đông đến đóng giữ đảo Len Đao. Sau 29 giờ vượt sóng to, gió lớn, Tàu HQ 605 đến Len Đao và cắm cờ Tổ quốc lên đảo (lúc 5h ngày 14/3/1988), khẳng định chủ quyền và quyết tâm bảo vệ đảo của ta. Tiếp đó, 9h ngày 13/3/1988, tàu HQ 604 do ông Vũ Phi Trừ làm thuyền trưởng và tàu HQ 505 do ông Vũ Huy Lễ làm thuyền trưởng, xuất phát từ đảo Đá Lớn tiến về Gạc Ma, Cô Lin. Phối hợp với hai tàu HQ 604 và HQ 505 có hai phân đội công binh (70 người) thuộc Trung đoàn 83, 4 tổ chiến đấu (22 người) thuộc Lữ đoàn 146, do ông Trần Đức Thông, Phó Lữ đoàn trưởng chỉ huy và 4 chiến sĩ đo đạc của Đoàn đo đạc và biên vẽ bản đồ (Bộ Tổng Tham mưu).
Tại Gạc Ma, vào ngày 14/3/1988, một phân đội của Trung đoàn Công binh 83 và bộ phận của Lữ đoàn 146 đã đổ bộ lên đảo cắm cờ Việt Nam, đồng thời, đang vận chuyển vật liệu dựng nhà C3. Sáng hôm đó, Trung Quốc cho lính lên tranh chấp với ta. Khi giật cờ không được, chỉ huy quân Trung Quốc đã dùng súng ngắn bắn thẳng vào đầu Thiếu úy Trần Văn Phương, sỹ quan chỉ huy của Lữ đoàn 146. Đồng chí Nguyễn Văn Lanh, chiến sỹ của Trung đoàn Công binh 83 đã quyết tâm giữ lá cờ Tổ quốc. Khi không giật được, lính Trung Quốc đã dùng lưỡi lê đâm vào vai anh Lanh đến khi gục xuống.
Trước khi ngã xuống, các chiến sỹ Việt Nam đã hành động rất anh dũng. Thiếu úy Trần Văn Phương trước khi bị bắn đã hô: “Thà hi sinh chứ không chịu mất đảo, hãy để cho máu của mình tô thắm lá cờ truyền thống của Quân chủng Hải quân”. Các chiến sỹ của ta lúc đó đã nắm tay nhau đứng vòng quanh quyết bảo vệ lá cờ thiêng liêng của Tổ quốc, dùng xà beng dụng cụ lao động chống trả lại những hành động hung hãn của Trung Quốc. Không thể phá vỡ được “vòng tròn bất tử” của các chiến sỹ Hải quân Việt Nam, Trung Quốc rút quân lên tàu rồi hạ pháo 100 ly, 37 ly 2 nòng xả đạn dã man sát hại gần hết
số cán bộ chiến sỹ của Trung đoàn 83 lắp dựng nhà và cán bộ chiến sỹ của Lữ đoàn 146 ra giữ đảo. Trong trận chiến đơn phương do Trung Quốc gây ra đã có tổng số 64 cán bộ chiến sỹ đã hy sinh ở cả 3 đảo trong đó, có 26 chiến sỹ của Trung đoàn Công binh 83.
Từ đó, “Vòng tròn bất tử bằng máu” của các chiến sĩ quân đội Việt Nam trên đá Gạc Ma đã trở thành bia chủ quyền bằng máu – một trong những bia chủ quyền thiêng liêng nhất của Việt Nam chứng minh Việt Nam có chủ quyền không thể tranh cãi đối với đá Gạc Ma nói riêng và quần đảo Trường Sa nói chung. Bia chủ quyền trên cũng là bằng chứng sống minh chứng cho hành động sử dụng vũ lực của Trung Quốc để đánh chiếm đảo, đá của Việt Nam trên Biển Đông. Máu của các chiến sĩ quân đội Việt Nam đã chảy, nhưng chủ quyền của Việt Nam đối với đá Gạc Ma sẽ luôn được giữ vững, được cộng đồng quốc tế cũng như sử sách ghi nhận.
Trung Quốc chiếm đóng phi pháp đá Gạc Ma cũng chỉ là hành động xâm lược vũ trang, hành động này sẽ luôn bị luật pháp quốc tế phản đối và không thừa nhận. Kể từ vụ thảm sát Gạc Ma, Trung Quốc ngày càng tăng cường sự bành trướng ở Biển Đông. Chiến lược của của họ là sử dụng sự đe dọa đến từ sức mạnh quân sự, vốn không bị thách thức bởi bất kỳ nước láng giềng khu vực nào, làm nền tảng cho việc tuyên bố chủ quyền – những tuyên bố trái với luật pháp quốc tế. Trung Quốc tiếp tục tuyên bố chủ quyền các khu vực khác nhau trên Biển Đông một cách bất hợp pháp để xây dựng các đảo nhân tạo, không hề đếm xỉa đến những tuyên bố chủ quyền của các quốc gia khác.
Trung Quốc đang làm gì trên đá Gạc Ma của Việt Nam
Đá Gạc Ma là rạn san hô nằm ở đầu phía Tây Nam của cụm Sinh Tồn trong quần đảo Trường Sa, thuộc huyện đảo Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa. Nằm cách rạn gần nhất là đá Cô Lin hơn 3km về phía Đông Nam và được bao quanh bởi vành đai san hô trắng, phần lớn bãi đá này chìm dưới mặt nước. Sau khi sử dụng vũ lực chiếm đóng trái phép bãi đá từ năm 1988, Trung Quốc đã từng bước cải tạo, xây dựng trên bãi đá này những cấu trúc vững chắc và biến nơi này thành một trong những tiền đồn quân sự phi pháp của họ trên Biển Đông.
Từ tháng 7/2013, lực lượng kỹ thuật hải quân và Tập đoàn xây dựng giao thông Trung Quốc đã ồ ạt đưa phương tiện, nhân lực xuống Trường Sa để xây dựng căn cứ, biến đá Gạc Ma thành đảo nhân tạo. Hiện tại, phía Trung Quốc đã tôn tạo, xây dựng trên diện tích hơn 13 ha ở đá Gạc Ma. Bên cạnh đó, họ còn nạo vét luồng theo hướng bắc – nam với chiều dài 900 – 1.000 m, rộng khoảng 250 – 400 m, thuận tiện cho các tàu trọng tải 4.000 tấn ra vào âu tàu phía trong bãi và cập cảng phía bắc.
Các công trình của Trung Quốc xây dựng trái phép trên đá Gạc Ma gồm: Tòa nhà kiên cố cao 26 – 27 m gồm 8 tầng, 4 góc nhà đều bố trí các lỗ châu mai. Trên nóc nhà bố trí 2 radar hàng hải, 2 ăng ten parabol và 1 thiết bị đảm bảo bay cùng một số thiết bị thông tin liên lạc khác. Trên tầng 6 của tòa nhà có lắp radar điều khiển hỏa lực, hệ thống kính ngắm quang học hiện đại. Tầng 5 được lắp 2 bệ pháo 30 mm (loại 7 nòng) và tầng 1 lắp 2 bệ pháo 76 mm. Ngoài hệ thống súng pháo trên nhà 8 tầng, còn có 1 vị trí hỏa lực lắp đặt pháo 76 mm, pháo 30 mm quay hướng đông bắc luôn có lính trực canh 24/24 trong tư thế sẵn sàng khai hỏa. Ở khoảng cách gần 8 km, từ đảo Cô Lin nhìn sang Gạc Ma lúc trời quang mây tạnh hiếm hoi, chúng tôi nhìn rõ qua ống kính tele máy ảnh, thấy các công trình khác trên bãi Gạc Ma như: 2 tháp radar đối không – đảm bảo bay, 1 tháp viễn thông thu phát sóng 4G cao khoảng 50 m, 2 cột điện gió cùng hệ thống pin mặt trời, 1 hải đăng cao 50 m, bán kính chiếu xa khoảng 40 km…
Gạc Ma cách đảo Cô Lin gần 8 km và Len Đao gần 13 km. 2 đảo này do bộ đội thuộc Bộ Tư lệnh Vùng 4 Hải quân đóng giữ từ nhiều năm nay, nên khi xây dựng tôn tạo trái phép, phía Trung Quốc đã đầu tư rất kỹ lưỡng vào các công trình có công năng tiếp tế – vận chuyển.
Hiện phía Trung Quốc đã hoàn tất và đưa vào sử dụng 1 bãi đáp trực thăng ở phía đông nam với diện tích 33 x 33 m, 1 cầu cảng ở phía tây bắc của Gạc Ma với chiều dài khoảng 100 m và 1 bến nghiêng rộng 20 – 30 m, phục vụ việc cơ động của các loại xe vận tải, xe bánh xích từ tàu vận tải đổ bộ lên bãi.
Đáng chú ý, từ giữa năm 2017, ngoài việc lắp đặt thêm 2 hệ thống radar đối hải, phía Trung Quốc còn đưa cây phi lao (cây dương) ra trồng để chắn gió mặn, cát bay và nhất là đối phó với công tác trinh sát, nắm tình hình của Hải quân Việt Nam. Các cây mang ra Gạc Ma đều là những gốc to đã trưởng thành, được trồng trong các hố đất đường kính 3 – 5 m. Đến nay, các cây đã lớn rất nhanh, cao gần 10 m và đang dần che các công trình trên bề mặt bãi đá Gạc Ma, từ ngoài nhìn vào rất khó nhận dạng các mục tiêu, công trình.

Diễn đàn Nghị viện châu Á – Thái Bình Dương:

Nghị sĩ Nhật Bản lên án hành vi của TQ ở Biển Đông

Tại Diễn đàn Nghị viện châu Á – Thái Bình Dương lần thứ 28, Nghị sỹ Nhật Bản đã lên án hành vi phi pháp của Trung Quốc ở Biển Đông, cho rằng việc Bắc Kinh bồi đắp đảo nhân tạo là mối đe dọa đối với hòa bình.
Diễn đàn lần này được tổ chức với chủ đề “Quan hệ đối tác nghị viện trong năm 2020 và trong thời gian tới”, với sự tham gia của hơn 300 đại diện đến từ 27 quốc gia thành viên, cùng một số quốc gia khác tham dự với tư cách khách mời.
Tại Diễn đàn, Nghị sỹ Nhật Bản Akihisa Nagashima thuộc đảng Dân chủ Tự do cầm quyền, thành viên của ủy ban An ninh Quốc gia đã lên án các hành vi phi pháp của Trung Quốc ở Biển Đông; cho rằng Trung Quốc đã đẩy mạnh hoạt động bồi đắp và chuyển đổi các thực thể phi pháp ở Biển Đông thành tiền đồn quân sự; nhấn mạnh các hành động của Trung Quốc gây xói mòn lòng tin, làm gia tăng căng thẳng, phá hoại hòa bình và ổn định khu vực. Ông Akihisa Nagashima cũng kêu gọi các quốc gia khác ủng hộ lời kêu gọi từ phía Nhật Bản và khẳng định cộng đồng quốc tế không nên ngồi ngoài lề trước những diễn biến ở Biển Đông. Nếu những hành động như thế này lặp đi lặp lại và không có biện pháp giải quyết thì điều này sẽ phá vỡ trật tự hiện hữu ở khu vực. Chúng ta nên duy trì nguyên tắc rằng bất kỳ hành động đơn phương nào sử dụng vũ lực hoặc cưỡng ép để thay đổi hiện trạng là không thể chấp nhận được. Ngoài ra, ông Nagashima nhấn mạnh tầm quan trọng của “những bộ quy tắc và nguyên tắc vốn khó đạt được nhằm đảm bảo sự ổn định và thịnh vượng ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương”.
Trong khi đó, phái đoàn Trung Quốc cho biết trật tự thế giới đối mặt trước những thách thức nghiêm trọng vào năm 2019, với bất ổn và chủ nghĩa bảo hộ gia tăng, kêu gọi các quốc gia châu Á-Thái Bình Dương tăng cường hợp hợp tác và “kiên quyết phản đối các hành động bắt nạt”.
Giới truyền thông nhân định phía Nhật Bản đưa ra tuyên bố mạnh mẽ trong diễn đàn, vốn thường chỉ thảo luận chung về vấn đề tăng cường hợp tác khu vực. Chẳng hạn, các nghị sĩ Nga dành nhiều thời gian tập trung vào vấn đề an ninh mạng và tuyên bố sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm ngăn chặn những vụ tấn công mạng.
Được biết, Diễn đàn lần thứ 28 có 4 phiên họp: Họp nữ nghị sĩ APPF và 3 phiên thảo luận chính về các vấn đề chính trị và an ninh; các vấn đề kinh tế và thương mại; các vấn đề hợp tác trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Trong đó tập trung thảo luận về việc xây dựng lòng tin, thúc đẩy hòa bình, ổn định, ngăn ngừa xung đột trong khu vực, phát triển hệ thống thương mại mở rộng, tự do và công bằng ở châu Á – Thái Bình Dương, ứng phó với biến đổi khí hậu, giảm khí thải nhà kính, nâng cao vai trò của phụ nữ, thúc đẩy bình đẳng giới, trao quyền cho phụ nữ, trẻ em vì hòa bình và phát triển bền vững…
Đáng chú ý, có thông tin cho biết, dự thảo nội dung Nghị quyết của Diễn đàn do phía Nhật Bản soạn thảo, trong đó tái khẳng định tầm quan trọng của tự do hàng hải trên Biển Đông – bao gồm hoạt động trên biển và trên không. Bản dự thảo cũng công nhận những lợi ích của “một vùng biển hòa bình, ổn định và thịnh vượng”, đồng thời bày tỏ quan ngại về “những hoạt động, yêu sách về lãnh thổ, và những diễn biến nghiêm trọng trên Biển Đông khiến niềm tin bị hủy hoại, căng thẳng leo thang và thậm chí còn phá hoại hòa bình, ổn định an ninh trong khu vực”. Tuy nhiên, phía Trung Quốc đã bày tỏ quan ngại về các cuộc thảo luận liên quan tới bản dự thảo, và sau đó những nội dung liên quan tới Biển Đông đã bị loại bỏ trong phiên bản cuối cùng của Nghị quyết.

0 comments

Leave a comment

Powered by Blogger.