Hải Ngoại Ngày Nay


LIÊN KẾT HẢI NGOẠI YỂM TRỢ QUỐC NỘI ĐẤU TRANH

GIẢI THỂ CHẾ ĐỘ ĐỘC TÀI VIỆT CỘNG

GIẢi TRỪ HIỂM HỌA XÂM LĂNG TRUNG CỘNG

Đọc báo Pháp – 23/01/2020

Thursday, January 23, 2020 7:04:00 PM // ,


Đọc báo Pháp – 23/01/2020

Trung Quốc ho, cả thế giới lo

Anh Vũ
Coronavirus lạ gây bệnh viêm phổi cấp từ Trung Quốc làm cả thế giới lo ngại. Donald Trump từ Davos khiêu chiến thương mại với Liên Âu. Đó là hai chủ đề lớn của các tờ báo chính ra hôm nay.
Như thường thấy với các chủ đề quan trọng, nhật báo Libération đăng bức ảnh lớn phủ kín trang nhất : Hai người Trung Quốc, mặt bịt khẩu trang, ánh mắt đầy lo lắng, cùng hàng tựa « Coronavirus : Cơn sốt ». Tờ báo đưa con số thống kê mới nhất, đợt dịch viêm phổi cấp tại Trung Quốc đã làm 17 người chết cho đến hôm qua. Mức độ lây lan của dịch đang làm các cơ quan y tế trên khắp thế giới lo ngại, họ cố gắng phản ứng nhanh nhất. Libération dành 5 trang báo cố gắng giải mã nguồn gốc và những nguy cơ tiềm ẩn của đợt dịch viêm phổi cấp mới đến từ Trung Quốc.
Dưới tiêu đề « Trung Quốc ho, cả hành tinh lo », Libération điểm lại : « Sự xuất hiện một chủng virus lạ đã được báo hiệu từ hôm 30/12/2019, từ nhiều trường hợp bệnh nhân bị viêm phổi không rõ nguồn gốc tại thành phố Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc. Trong vòng ba tuần, một chủng mới trong họ coronavius ra đời, tấn công vào bộ máy hô hấp của con người. Đến nay, loại virus này đã làm 17 người chết, theo con số thống kê mới ngày hôm qua của chính quyền Trung Quốc. Hàng trăm người được chẩn đoán đã nhiễm bệnh khác cũng được phát hiện ở Vũ Hán và rất nhiều tỉnh, thành phố của Trung Quốc. Còn hàng nghìn người khác cũng có thể đã bị nhiễm virus ở trong và bên ngoài Trung Quốc ».
Tình hình đã trở nên nghiêm trọng, Tổ chức Y tế Thế giới (OMS) tối qua đã có cuộc họp khẩn, dự kiến hôm nay sẽ ban hành tình trạng « khẩn cấp về y tế trên phạm vi toàn cầu ». Nếu lệnh báo động khẩn trên được ban hành tức là các quốc gia được kêu gọi khẩn cấp hợp tác nhằm tìm ra cách điều trị hay vaccin ngừa bệnh. Tình trạng khẩn cấp gần đây nhất được OMS ban hành là vào tháng 7/2019 đối với trường hợp của virus Ebola, đợt dịch từng làm hơn 2.000 người chết.
Virus gây bệnh viêm phổi ở Trung Quốc lần này được các chuyên gia y tế thế giới định tên là : « 2019-nCoV », một chủng mới rất gần với virus gây ra dịch viêm phổi cấp SARS hồi năm 2002 -2003, cũng khởi phát từ Trung Quốc. Tuy nhiên, hoàn cảnh xuất hiện virus « 2019-nCoV » vẫn còn là bí ẩn. Theo các chuyên gia, có nhiều khả năng, virus có nguồn gốc từ một loài vật sau được truyền qua người rồi đột biến.
Quy mô lây lan của bệnh thế nào ?
Theo các chuyên gia y học được Libération trích dẫn, hiện tại chưa thể nói được gì nhiều, chỉ biết rằng việc phát hiện bệnh nhân khá phức tạp khi mà các triệu chứng bệnh cũng giống như các bệnh cúm hay viêm phổi thông thường.
Mức độ nguy hiểm của virus ?
Theo các thông tin có được, nạn nhân của dịch này chủ yếu là người cao tuổi trước khi nhiễm virus đã mắc một số bệnh kinh niên. Nói cách khác, những người có sức đề kháng yếu có nguy cơ nhiễm virus cao. Hiện tại, chưa có cách điều trị hay vaccin phòng bệnh. Trong trường hợp bị lây nhiễm, người ta chỉ có thể điều trị bằng tăng cường kháng sinh, và trông chờ vào khả năng tự điều chỉnh của cơ thể. Có điều nguy hiểm là virus có thể đột biến và lây lan từ người sang người dễ dàng.
Trung Quốc : Sau tấm khẩu trang là lời hứa minh bạch
Có vẻ như đã rút được kinh nghiệm sau đợt dịch SARS 2002-2003, khi bị cộng đồng quốc tế lên án cố che đậy thông tin làm cho dịch trở nên nghiêm trọng khiến hơn 800 người chết, lần này chính quyền Trung Quốc phản ứng và cung cấp thông tin nhanh hơn.
Le Figaro nhận xét : « Dịch không kiểm soát được, Bắc Kinh bị áp lực » phải minh bạch thông tin và nhanh chóng đưa ra các biện pháp ngăn chặn dịch lây lan. Đặc biệt,đợt dịch bùng phát mạnh vào giữa kỳ nghỉ Tết nguyên đán, hàng trăm triệu người Trung Quốc phải di chuyển, tập trung đông đúc ở các đầu mối giao thông.
Về phía cộng đồng quốc tế, từ châu Á, qua châu Mỹ, châu Âu đã có những phản ứng nhanh chóng, trước mắt là tăng cường kiểm soát phát hiện bệnh từ cửa khẩu và đặc biệt chú ý đến các hành khách đến từ Trung Quốc.
Hậu quả kinh tế có thể ?
Nhật báo Les Echos chú ý ở khía cạnh thiệt hại kinh tế mà trận dịch này có thể kéo theo. Theo Les Echos, nhiều chuyên gia nhìn vào những hậu quả kinh tế trong trận dịch SARS 2003 để dự tính khả năng thiệt hại của trận dịch lần này. Các nhà phân tích của ngân hàng UBS cho rằng nếu như trận dịch này không được kiềm chế nhanh thì chắc chắn nhiều lĩnh vực kinh tế như bán lẻ, du lịch, khách sạn, nhà hàng ở Trung Quốc sẽ phải chịu hậu quả trước tiên và sau đó là thị trường thế giới. Ngay từ giờ, trước nguy cơ dịch có thể lây lan rộng, các thị trường chứng khoán ở châu Á, châu Âu, châu Mỹ đã có dấu hiệu bất ổn. Từ đầu năm, các hãng hàng không Trung Quốc, đã mất từ 5% đến 10% giá trị tài sản chứng khoán.

Chưa xong Trung Quốc,

Donald Trump quay sang châu Âu

Một thời sự nổi bật khác trên các trang báo Pháp là diễn đàn kinh tế thế giới Davos, với tâm điểm là sự xuất hiện hăng hái của tổng thống Mỹ Donald Trump. Le Monde chú ý đến « bài diễn văn tự đắc của Trump tại Davos ».
Tờ báo ghi nhận ông Trump đã biến Davos thành diễn đàn vận động tranh cử tổng thống Mỹ cuối năm nay để khoe khoang thành tích trong nhiệm kỳ tổng thống. Ông Trump cũng không quên khẳng định lại thái độ hoài nghi về các vấn đề cấp bách của khí hậu đang đặt ra cho thế giới.
Có một điểm quan trọng khác được các báo Pháp chú ý hơn trong diễn văn của tổng thống Mỹ, đó là ông khiêu chiến thương mại với châu Âu sau khi đã đọ sức với Trung Quốc, Mêhicô và Canada. Ông luôn cho là thành công. Tờ Les Echos chạy tựa trang nhất : « Thương mại : Trump thách thức châu Âu».
Nhật báo kinh tế cho hay: « Tổng thống Mỹ tiếp tục theo đuổi chiến lược mà ông cho là thắng lợi bằng việc áp đặt lên các đối tác thương mại chính một tương quan lực lượng dựa trên sức mạnh. Sau khi ký được thỏa thuận thương mại ban đầu với Trung Quốc, ông Trump lại khuấy động Davos với đe dọa đánh thuế nặng lên xe hơi châu Âu, nếu Mỹ không có được một thỏa thuận nhanh chóng với Liên Hiệp Châu Âu ». Với Donald Trump, các nước châu Âu không có sự lựa chọn nào khác khi mà kinh tế Mỹ phải thua thiệt hơn 150 tỷ đô la mỗi năm do cách trao đổi buôn bán hiện nay với châu Âu. Để tăng áp lực, Donald Trump dọa tăng thuế 25% hàng xe hơi châu Âu xuất vào Mỹ.
Thực ra, từ đầu năm 2019, 28 nước thành viên liên Âu đã có chương trình đàm phán thương mại với Mỹ, nhưng các cuộc đàm phán chưa được khởi động vì mục tiêu của hai bên còn nhiều khác biệt. Hoa Kỳ từ chối ngồi vào đàm phán vì các sản phẩm nông nghiệp bị loại ra ngoài. Nông sản là lĩnh vực mà châu Âu không chấp nhận đàm phán với Mỹ.
Về chủ đề này, báo Công giáo La Croix cũng lên tiếng qua bài xã luận khá bực dọc với tiêu đề : « Trump, kẻ gây rối ».
Tờ báo nhấn mạnh : « Sự đe dọa này minh họa cho chiến lược của Donald Trump khi ông ta nhảy vào các cuộc mặc cả. Phương pháp thường thấy của ông vẫn là trừng phạt. Ông ta coi rẻ thương lượng và cơ cấu đa phương ». Ông ta chơi trò ỉ thế mạnh đối lại với quan điểm về một thế giới có tổ chức xung quanh các định chế lớn vì sự cân bằng lợi ích các quốc gia khác nhau. La Croix viết tiếp : « Bằng chiến thuật thông tin rất cá nhân mang tính bản năng nhưng nhằm vào những tranh chấp cụ thể, tổng thống Mỹ công khai tỏ bất đồng với các nước đối tác. Bằng hết twitt này đến twitt khác, ông ta muốn chứng tỏ mình luôn có cú đánh trước để đánh lạc hướng đối phương và để làm thay đổi đường hướng. Nhưng cái hình thức quấy nhiễu đó đang phá hỏng lâu dài hệ thống quan hệ quốc tế. Không một ai, kể cả Mỹ có thể vui vì điều đó ».

Tin tổng hợp

(Yonhap) –Hàn Quốc muốn tổ chức gặp gỡ cho các gia đình bị ly tán trước khi quá muộn. 
Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae in hôm nay 23/01/2020 tuyên bố chính phủ cố gắng tạo cơ hội cho các công dân Hàn Quốc gặp lại người thân sống ở Bắc Triều Tiên « trước khi quá muộn ». Ông Moon, trong thông điệp video nhân dịp Tết âm lịch, tái khẳng định ủng hộ sự hợp tác và trao đổi giữa hai miền, trong đó có việc tổ chức gặp gỡ các gia đình bị ly tán sau chiến tranh Triều Tiên.
(AFP) – Máy bay chữa cháy rơi tại Úc, ba lính cứu hỏa Mỹ chết. 
Ba lính cứu hỏa Mỹ đã thiệt mạng hôm nay 23/01/2020 khi chiếc phi cơ chữa cháy bị rơi tại vùng đông nam nước Úc. Kiểm soát không lưu bị mất liên lạc với chiếc C-130 Hercules vào lúc 13h30 (2h30 GMT), và sau đó người ta thấy một quả cầu lửa rơi xuống cách Canberra 120 km. Ba lính cứu hỏa Mỹ nhiều kinh nghiệm, làm việc cho công ty Canada Coulson Aviation, đến để giúp Úc chữa cháy rừng. Nguyên nhân tai nạn chưa được rõ, nhưng vào thời điểm máy bay rơi, gió lốc rất mạnh và nhiệt độ tăng cao
(AFP) – Libya : Phi trường Tripoli lại bị đóng cửa. 
Sân bay duy nhất ở Tripoli lại bị đóng cửa từ tối hôm qua 22/01/2020 sau lời đe dọa của lực lượng trung thành với thống chế Khalifa Haftar là sẽ phá hủy tất cả các phi cơ quân sự hoặc dân sự bay qua không phận thủ đô. Một hội nghị mở ra hôm nay tại Alger với sự tham dự của ngoại trưởng các nước Tunisie, Ai Cập, Sudan, Tchad, Niger, Mali, trong nỗ lực tìm ra một giải pháp chính trị cho Libya ; trong khi thủ lãnh hai lực lượng đối địch ở Libya từ chối gặp gỡ tại Berlin.
(RFI) – Israel long trọng kỷ niệm 75 năm ngày giải phóng trại tập trung Auschwitz.
Tham dự lễ kỷ niệm ngày 23/01/2020 còn có 45 lãnh đạo các nước và các tổ chức quốc tế. Auschwitz, Ba Lan, là trại tập trung và hủy diệt lớn nhất của Đức Quốc Xã trong suốt Đệ Nhị Thế Chiến. Việc giải phóng trại này đánh dấu chấm hết cho chiến dịch « Shoah » của phát xít Đức, giết chết gần 6 triệu người Do Thái. Lễ kỷ niệm cũng sẽ được tổ chức tại Ba Lan, và tại Đức hai ngày sau đó. Nhưng chính tại Israel là nơi diễn ra lễ kỷ niệm long trọng và lớn nhất.
(Reuters) – Trung Quốc bị cáo buộc vi phạm nghị quyết LHQ về người nhập cư Bắc Triều Tiên.
Một quan chức cao cấp thuộc bộ Ngoại Giao Mỹ ngày 22/01/2020 khẳng định Bắc Kinh đã không trục xuất người lao động Bắc Triều Tiên đang có mặt trên lãnh thổ Trung Quốc. Nghị quyết trừng phạt được Liên Hiệp Quốc thông qua năm 2017 nhằm triệt tiêu nguồn tài chính của Bắc Triều Tiên cho các chương trình phát triển hạt nhân và tên lửa đạn đạo, yêu cầu tất cả các nước có sử dụng lao động Bắc Triều Tiên phải trả họ về nước trước cuối năm 2019. Hoa Kỳ ước tính mỗi năm chế độ Bình Nhưỡng thu về 500 triệu đô la từ các lao động Bắc Triều Tiên ở nước ngoài, trong đó tại Trung Quốc có khoảng 50.000 người và Nga là 30.000 người.
(AFP) – Hạ Viện Douma nhất trí thông qua những đề xuất sửa đổi Hiến Pháp Nga.
Sau vỏn vẹn hai giờ thảo luận lần thứ nhất sáng 23/01/2020, 432 dân biểu Nga nhất trí thông qua các đề xuất được tổng thống Vladimir Putin tiết lộ cách nay ba hôm. Chủ tịch viện Douma thông báo một cuộc thảo luận thứ nhì được dự trù vào ngày 11/02/2020.
(AFP) – Bắc Triều Tiên lần đầu tiên dự Hội nghị an Ninh Munich-Đức. 
Ban tổ chức ngày 23/01/2020 cho biết thứ trưởng ngoại giao Bắc Triều Tiên Kim Son Gyong sẽ đến dự Hội Nghị An Ninh tại Munich vào tháng Hai. Hội nghị này là điểm hẹn của các nhà ngoại giao và quốc phòng thế giới. Ngoại trưởng Mỹ và Iran cùng có mặt tại cuộc họp về an ninh quốc tế. Căng thẳng tại Trung Đông là đề tài lớn được các bên thảo luận năm nay.
(AFP) – Điện thoại cầm tay của chủ nhân tập đoàn Amazon bị nhiễm virus. 
Theo giới điều tra, hoàng thái tử Ả Rập Xê Út muốn dọ thám tỷ phú Mỹ Jeff Bezos. Hai nhà điều tra của Liên Hiệp Quốc ngày hôm 22/01/2020 đã yêu cầu cho mở điều tra về nghi án chính hoàng thái tử Mohammed Ben Salman có dính líu tới vụ này. Theo các nguồn tin thông thạo, hoàng thái tử Ben Salman muốn thâm nhập điện thoại của chủ nhân Amazon, do Riyad bất bình về một loạt các bài báo trên tờ Washington Post liên quan tới cái chết thảm khốc của nhà báo Jamal Khashoggi hồi tháng 10/2018. Ngoài Amazon, Jeff Bezos còn là chủ tờ báo Washington Post.

Tạp chí tiêu điểm

Ảnh hưởng của Nga tại Libya ngày càng gia tăng

Đức Tâm
Áp đặt được lệnh hưu chiến trên thực địa, « lôi » được cả hai phe xung đột trong cuộc nội chiến tại Libya đến Matxcơva để thảo luận việc ký kết lệnh ngừng bắn lâu dài, tổng thống Vladimir Putin được mời đến dự hội nghị quốc tế về Libya tại Berlin… Tất cả những động thái này cho thấy, ngoại giao Nga đã giành được những thắng lợi quan trọng trong hồ sơ Libya.
Với cái giá phải trả quá khiêm tốn, Nga đã không ngừng mở rộng được ảnh hưởng tại Libya và từng bước khẳng định là tác nhân không thể thiếu vắng trong các hồ sơ quốc tế nóng bỏng ở Trung Đông.
Với sự trợ giúp của Thổ Nhĩ Kỳ, « đồng minh tình thế », Nga đã áp đặt được lệnh hưu chiến tạm thời kể từ ngày 12/01/2020 tại Libya, quốc gia rơi vào tình trạng hỗn loạn kể từ năm 2011 và hiện là đối tượng giằng xé giữa một bên là Chính phủ Đoàn kết Dân tộc (GNA), đóng đô ở Tripoli, được Liên Hiệp Quốc công nhận, với đại diện là Fayez al-Sarraj, và bên kia là Quân đội Quốc gia Libya, dưới sự lãnh đạo của thống chế Khalifa Haftar, kiểm soát vùng Benghazi, ở phía đông nước này.
Tuy ngoại giao Nga không thuyết phục được các bên ký thỏa thuận ngừng bắn tại Matxcơva vào dịp đó, vì thống chế Haftar muốn có thêm thời gian để suy tính, nhưng theo nhận định của Elena Volochine, phóng viên đài truyền hình France 24 tại Matxcơva, khi thuyết phục được đại diện của cả hai phe ở Libya tới Matxcơva để bàn việc ký kết thỏa thuận ngừng bắn, tổng thống Vladimir Putin muốn chứng tỏ ông có khả năng nắm lại một hồ sơ địa chính trị quan trọng, mà cho tới giờ, mọi tiếp xúc cùng lúc với cả hai phe đều bất khả.
Ngay từ năm 2011, Libya được coi là một hồ sơ riêng biệt, thậm chí là một nỗi đau của điện Kremlin, trong tầm nhìn về đối ngoại của Nga. Theo báo Le Monde, vào năm đó, sự thụ động của chính quyền Nga dưới thời tổng thống Dmitry Medvedev, trước sự can thiệp của Liên Minh Bắc Đại Tây Dương (NATO) chống lại chế độ Kadhafi, đã làm dấy lên một cuộc xung đột gay gắt với Vladimir Putin, và làm gia tăng quyết tâm của ông phải trở lại điện Kremlin.
Trên đài RFI, ông Florent Parmentier, giảng viên Học viện Khoa học Chính trị, Paris, chuyên gia về Nga, giải thích :
« Điều cần biết là đối với Nga, trong cuộc khủng hoảng Libya, thất bại lớn nhất hay điều kinh khủng nhất là đã không dự ứng được sự sụp đổ của chế độ Kadhafi năm 2011. Từ đó đến nay, lập trường của Nga là kiên trì xây dựng các mối liên hệ với Libya và đặc biệt là tạo dựng mối quan hệ với thống chế Khalifa Haftar. Viên tướng này được đào tạo tại bộ tổng tham mưu Liên Xô vào cuối những năm 1970 đầu 1980. Và nhờ vậy, Nga đã lấy lại được vị thế của mình, có lập trường ủng hộ tướng Hafter – điều này có thể thấy rõ – đồng thời không hoàn toàn quay lưng lại với phe chống tướng Haftar, qua đó, Nga có thể đóng vai trò là một cường quốc thúc đẩy đàm phán giữa hai phe.
Điểm đặc biệt của Nga trong hồ sơ Libya, đó là mong muốn nói chuyện được với cả hai phe tại nước này, đồng thời vẫn lựa chọn một phe để ủng hộ. Ý tưởng của Nga là tạo dựng được vị thế để có thể đưa ra các giải pháp ngoại giao. »
Chuyên gia Adrei Tchoupriguine, giáo sư trường Cao học Kinh tế Matxcơva, khẳng định : « 2011 là một tội tổ tông. Rất nhiều người coi đó là một sự phản bội của Nga. Và tất cả những gì mà Kremlin làm từ đó đến nay là nhằm chứng minh với mọi người rằng Nga không bỏ rơi những người bạn của mình ».
Vậy Nga muốn gì khi dấn thân vào Libya ? Chuyên gia Parmentier cho biết :
« Nga tìm kiếm nhiều thứ. Trước tiên, ở cấp độ khu vực, Nga tìm cách gia tăng ảnh hưởng. Matxcơva đã làm được điều này ở Syria kể từ năm 2015 khi can thiệp quân sự vào nước này. Thông qua các kênh tiếp xúc khác nhau, Nga đã quay lại được khu vực này, ví dụ thông qua các tiếp xúc thường xuyên với Israel, với Ả Rập Xê Út vốn cách nay không lâu là khách hàng mua vũ khí, thiết bị quân sư, rồi thông qua Iran… Như vậy, Nga muốn có thể nói chuyện với tất cả mọi người, nhưng điều này không có nghĩa là Nga có thể thúc đẩy ký kết được các hiệp định hòa bình.
Thực ra, có ba yếu tố thúc đẩy Nga chú ý tới Libya. Trước tiên, Libya là một nước có trữ lượng lớn về dầu khí. Đó là một yếu tố trong phương trình và Nga ý thức được tầm quan trọng của thách thức này. Nhưng đó không phải là thách thức duy nhất. Trong quá khứ, Nga và Libya đã có quan hệ trong lĩnh vực mua bán vũ khí, sản phẩm nông nghiệp. Libya không cách xa Nga lắm và trên góc độ này, đối với Nga, đây là một thị trường hợp lý. Nga đóng vai trò trung gian giữa các phe phái, cho dù ở Matxcơva, các phe phái ở Libya không được ký thỏa thuận hưu chiến. Việc các bên tới Matxcơva để đàm phán thông qua trung gian Nga đã là một động thái có ý nghĩa đáng kể.
Chúng ta cũng có thể nêu thêm yếu tố thứ tư. Việc hiện diện mạnh mẽ tại Libya là một phương tiện để Nga nói chuyện với châu Âu. Đồng thời, Nga cũng có thể nói với các bên ở Libya theo kiểu : các vị thấy không, trong số những nước láng giềng kề cận Libya, chính liên minh Pháp-Anh vào năm 2011 đã lật đổ Kadhafi, nhưng liên minh này không đủ khả năng tái lập một trật tự ổn định. Còn người Nga chúng tôi thì đang cố gắng làm việc này. Đó là điều mà Matxcơva tìm cách làm ở Libya. »
Ngày 19/01/2020, hội nghị thượng đỉnh quốc tế về Libya, dưới sự bảo trợ của Liên Hiệp Quốc, họp tại Berlin, nước Đức. Các cường quốc, trong đó có Nga, tham dự hội nghị cam kết tôn trọng lệnh cấm vận vũ khí của Liên Hiệp Quốc đối với Libya và không can thiệp vào công việc nội bộ của nước này, thúc đẩy một giải pháp chính trị…Vì sao tổng thống Nga Vladimir Putin lại có thể gật đầu đồng ý cam kết như vậy ? Theo ông Thornike Gordadze, giảng viên Học viện Khoa học chính trị Paris, cựu bộ trưởng Gruzia, phụ trách các vấn đề châu Âu, đó là vì chính sách đối ngoại của Nga rất uyển chuyển, mang tính thực dụng, không hề bị ràng buộc theo hệ tư tưởng và phương pháp hành động.
Tại Syria, nơi vẫn tồn tại một chính quyền bất chấp cuộc nội chiến kéo dài, Nga đánh cược vào tổng thống Bachar al Assad. Theo thỏa thuận hợp tác quân sự song phương, Nga trực tiếp can thiệp vũ trang vào Syria, kể từ tháng 09/2015 và đã cứu được chính quyền Bachar al Assad, đồng thời duy trì được quyền lợi của Nga tại nước này.
Tình hình ở Libya phức tạp hơn. Điện Kremlin thực hiện một chiến lược « nước đôi », mập mờ, chờ đợi xem phe nào « chào hàng » tốt nhất. Theo nhiều nguồn tin từ Matxcơva, được tuần báo Le Courrier International trích dẫn, thống chế Haftar, trong năm 2018, đã hứa hẹn dành cho Nga nhiều quyền lợi tại Libya, đặc biệt là dầu lửa. Thế nhưng, chỉ đến tháng 02/2019, sau khi lực lượng của Haftar kiểm soát được El-Charara và Al Fil, thì Matxcơva tin rằng phe này sẽ nắm được văn phòng đại diện của Công ty dầu lửa quốc gia Libya (NOC), và chuyển hoạt động của NOC về Banghazi hoặc thay thế được chủ tịch công ty bằng một người của phe này. Và Nga có thể hưởng lợi về lâu dài nếu đứng về phe Haftar.
Tuy vậy, Matxcơva không hào hứng ủng hộ chiến dịch tấn công Tripoli mà thống chế Haftar phát động từ tháng 04/2019. Do nhận thấy có nhiều cường quốc bên ngoài dính líu vào cuộc tấn công Tripoli, trong đó có Pháp, Thổ Nhĩ Kỳ, Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất, điện Kremlin quyết định không tham gia vì cho rằng đây chỉ là một « trò chơi có tổng bằng không ».
Trong bối cảnh đó, giải pháp tốt nhất đối với Nga là dùng lính đánh thuê, hỗ trợ Haftar và đồng thời đóng vai trò « nhà cung cấp » giải pháp an ninh cho Libya.
Chuyên gia Parmentier giải thích :
« Theo điện Kremlin, nước Nga có ít vùng đặc thù trên thế giới để có thể dựa vào đó mà khẳng định vị trí trên bàn cờ quốc tế. Do vậy, cần phải tập trung vào một trong những nhiệm vụ trong đối ngoại, đó là trở thành tác nhân cung cấp các giải pháp bảo đảm an ninh, theo kiểu « chìa khóa trao tay » cho các khách hàng là những quốc gia dân chủ hoặc phi dân chủ và thường là các khách hàng phi dân chủ. Đó là những giải pháp giúp bảo đảm chủ quyền quốc gia, ổn định và an ninh.
Nga đề xuất các giải pháp bảo đảm an ninh, đi kèm với những thỏa thuận hợp tác quân sự, cho các nước ở Trung Đông hay châu Phi. Và cái tốt nhất mà Nga đề xuất là thông qua lực lượng lính đánh thuê. Do vậy, Wagner gần như là một trong những công cụ thực hiện chính sách đối ngoại đó. Có nghĩa là một phương tiện để thực hiện vai trò như nhân viên an ninh. Lính đánh thuê có vai trò như lá bài, như một yếu tố trong chính sách đối ngoại của Nga.
Tôi không biết rõ có bao nhiêu lính đánh thuê Nga hiện diện tại Libya. Tuy nhiên, cũng không cần một số lượng quá lớn. Tất cả phụ thuộc vào vai trò của lính đánh thuê. Đôi khi, lực lượng này còn làm nhiệm vụ cố vấn quân sự. Số lượng không nhất thiết tương ứng với chất lượng hỗ trợ quân sự. »
Bị suy yếu và cô lập do các trừng phạt của Hoa Kỳ và Liên Hiệp Châu Âu sau vụ can thiệp vào cuộc xung đột ở Ukraina và sáp nhập Crimée, Nga quay sang Trung Đông để phát triển các quan hệ đối tác chiến lược mới và mở rộng ảnh hưởng. Theo nhận định của chuyên gia Julien Nocetti, thuộc Viện Quan Hệ Quốc Tế Pháp (IFRI), kể từ khi can thiệp quân sự vào Syria, Nga thực hiện chính sách ngoại giao « cơ hội » và trở thành « nhà ngoại giao chủ chốt » trong khu vực. Không thể thay thế Hoa Kỳ trong vai trò tác nhân bảo đảm an ninh chủ yếu, vì không có đủ phương tiện quân sự như Mỹ, Nga đề xuất một dạng giải pháp thay thế được coi là khả tín và khả thi. Đấy chính là điều mà Nga tìm kiếm và giải pháp này có thể có sức thuyết phục đối với một số nước trong vùng.
Về phần mình, chuyên gia Parmentier nhận định :
« Trong mọi trường hợp, Nga đã thành công trong việc tạo được vị thế, có được một chỗ đứng đặc biệt tại Trung Đông. Về mặt lịch sử, Nga đã tự khẳng định là cường quốc bảo vệ những tín đồ Thiên Chúa Giáo phương Đông, điểm thứ hai là Nga có thể nói chuyện được với cả hai hệ phái đạo Hồi Shia và Sunni và đây là điểm đặc trưng trong chính sách đối ngoại của Nga so với chính sách đối ngoại của các nước khác. Điểm thứ ba là trong thời kỳ hậu « Mùa Xuân Ả Rập », Nga có thể đưa ra các giải pháp ngoại giao cho các cuộc nội chiến.
Tuy nhiên, về điểm này, Nga không đạt được mục tiêu của mình, không thành công trong tiến trình đàm phán hậu nội chiến ở Syria. Và cho đến nay, Nga cũng chưa thành công trong hồ sơ Libya.
Tóm lại, việc tranh giành, lấy được ảnh hưởng của các cường quốc khác ở Trung Đông cũng chưa đủ để lấp được chỗ trống mà sự suy yếu tương đối của Mỹ trong khu vực này gây ra ».

0 comments

Leave a comment

Powered by Blogger.