Hải Ngoại Ngày Nay


LIÊN KẾT HẢI NGOẠI YỂM TRỢ QUỐC NỘI ĐẤU TRANH

GIẢI THỂ CHẾ ĐỘ ĐỘC TÀI VIỆT CỘNG

GIẢi TRỪ HIỂM HỌA XÂM LĂNG TRUNG CỘNG

Tin khắp nơi – 20/11/2019

Wednesday, November 20, 2019 7:46:00 PM // ,

Tin khắp nơi – 20/11/2019

Tổng thống Trump dọa đánh thuế mạnh hơn

nếu không đạt thỏa thuận thương mại với Trung Cộng

Tin từ Washington, DC – Hôm thứ Ba (19/11/2019), tổng thống  Trump đe dọa sẽ đánh thuế nhập cảng mạnh tay hơn với hàng nhập cảng Hoa Kỳ nếu không đạt được thỏa thuận nào với Bắc Kinh để kết thúc chiến tranh thương mại, giữa lúc chiến tranh leo thang gây thiệt hại cho tăng trưởng kinh tế thế giới.
Hoa Kỳ và Trung Cộng đã liên tục áp thuế nhập cảng lên nhau khiến thị trường tài chính thế giới lao đao và kéo mức tăng trưởng kinh tế toàn cầu xuống thấp nhất từ khi khủng hoảng kinh tế thế giới 2007-2008. Thế giới đã trông chờ một phần thỏa thuận thương mại có thể được ký kết ở hội nghị thượng đỉnh dự kiến tổ chức vào giữa tháng 11/2019 ở Santiago, Chile. Tuy nhiên, hội nghị đã bị hủy do tình hình bất ổn ở Chile, khiến tương lai của cuộc đàm phán trở nên mơ hồ. Vấn đề chính đàm phán bao gồm cách thức và thời điểm giảm thuế, và Trung Cộng cam kết sẽ mua bao nhiêu nông sản của Hoa Kỳ.
Tuần trước, cố vấn kinh tế Tòa Bạch Ốc, Larry Kudlow nói rằng hai nước đang tiến rất gần đến một thỏa thuận chấm dứt cuộc chiến tranh thương mại kéo dài 16 tháng, nhưng không cho biết thêm thông tin về thời gian ký kết thỏa thuận. Hãng Xinhua cho biết hôm thứ Bảy (16/11/2019), phó thủ tướng quốc vụ viện Trung Cộng Lưu Hạc đã có cuộc gọi “mang tính xây dựng” với đại diện thương mại Hoa Kỳ, Robert Lighthizer và bộ trưởng Bộ Tài chính Hoa Kỳ, Steven Mnuchin. (Mộc Miên)
https://www.sbtn.tv/tong-thong-trump-doa-danh-thue-manh-hon-neu-khong-dat-thoa-thuan-thuong-mai-voi-trung-cong/

Mỹ cam kết hỗ trợ Philippines ở Biển Đông

Vào ngày 19 tháng 11 nhân chuyến công du của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper đến Philippines, hai nước đã tái khẳng định cam kết trong việc duy trì tự do hàng hải, hàng không ở Biển Đông.
AP dẫn lời Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Mark Esper rằng Mỹ sẽ tiếp tục hỗ trợ và giúp hiện đại hóa quân đội Philippines, hướng tới tổ chức huấn luyện trong các cuộc tuần tra chung trên không và trên biển nhằm duy trì các luật lệ và trật tự quốc tế.
Ông Esper cũng nhấn mạnh Mỹ sẽ tiếp tục tiến hành các hoạt động nhằm đảm bảo tự do hàng hải ở Biển Đông, bất chấp mọi cảnh báo ngăn cản từ Trung Quốc.
Bên cạnh vấn đề tranh chấp trên biển, hai Bộ trưởng quốc phòng hai nước cũng đưa ra cam kết đôi bên trong cuộc chiến chống chủ nghĩa khủng bố và chủ nghĩa bạo lực cực đoan.
Được biết trong vài ngày qua, hai tàu tác chiến của Mỹ đã hiện diện và hoạt động tại Biển Đông. Trong đó, tàu tác chiến cận bờ (LCS) USS Gabrielle Giffords lớp Independent của Mỹ đã rời cảng ở Singapore
từ ngày 15/11 để đến Biển Đông. Chiếc USS Montgomery cùng lớp của Mỹ cũng tham gia cuộc diễn tập chung với hai tàu chiến Úc tại Biển Đông từ ngày 6 đến 12/11.
https://www.rfa.org/vietnamese/news/internationalnews/us-pledges-to-support-philippines-at-scs-11202019074358.html

Hoa Kỳ điều chiến hạm duyên hải

để củng cố năng lực tấn công tại Biển Đông

Tin Washington DC – Hải quân Hoa Kỳ đang củng cố sự hiện diện tại biển Đông, bằng cách điều động 2 chiến hạm thuộc lớp Independence, chuyên hoạt động gần bờ. Việc điều động các chiến hạm duyên hải cho thấy chiến lược của Hoa Kỳ đã thay đổi từ việc thăm dò và cản trở chuyển sang tăng cường năng lực tấn công, theo một viện nghiên cứu của Bắc Kinh cho biết. Chiến hạm Gabrielle Giffords đã rời căn cứ Changi ở Singapore vào ngày 15 tháng 11 để làm nhiệm vụ, trong khi chiến hạm USS Montgomery thực hiện một hoạt động chung với 2 chiến hạm Úc từ ngày 6 đến 12 tháng 11.
Cả hai tàu này đều hoạt động chủ yếu ở biển Đông, một trong các tuyến đường hàng hải đông đúc nhất thế giới, nơi Trung Cộng và nhiều nước láng giềng có chung tuyên bố chủ quyền. Bắc Kinh trong thời gian qua đã tăng hiện diện quân sự trong khu vực, bằng cách lập căn cứ quân sự trên đảo nhân tạo, xây phi đạo, đặt radar và các hệ thống hỏa tiễn. Tuy nhiên, nỗ lực này đang bị thách thức bởi Hoa Kỳ, quốc gia thường xuyên đưa chiến hạm đi ngang các quần đảo tranh chấp để thực hiện các nhiệm vụ tự do hàng hải. Bộ Trưởng Quốc Phòng Hoa Kỳ Mark Esper vào thứ Ba, 19 tháng 11, nói rằng việc Hoa Kỳ gia tăng tuần tra trên biển Đông chính là một thông điệp nhắm đến Trung Cộng. Trong chuyến đi đến Philippines, ông Esper nói, Hoa Kỳ phản đối các ý đồ của các nước muốn dùng vũ lực để mở rộng lợi ích quốc gia, bất chấp thiệt hại của nước khác. Ông Esper cũng thúc giục các nước Đông Nam Á khẳng định chủ quyền của họ tại biển Đông, để buộc Trung Cộng phải đi vào khuôn khổ.
Mộc Miên
https://www.sbtn.tv/hoa-ky-dieu-chien-ham-duyen-hai-de-cung-co-nang-luc-tan-cong-tai-bien-dong/

Mỹ bỏ ngang đàm phán

về chia sẻ chi phí quốc phòng với Hàn Quốc

Mỹ đã bỏ ngang đàm phán với Hàn Quốc để đòi Seoul tăng phần đóng góp của họ để binh lính Mỹ tiếp tục trú đóng ở Hàn Quốc, sau khi hai bên không thu hẹp được những khác biệt quan điểm về vấn đề này hôm 19/11, đặt ra những nghi vấn về việc triển khai binh sĩ Mỹ tại miền Nam bán đảo Triều Tiên.
Sự tan vỡ của cuộc đàm phán là dấu hiệu bất hòa công khai hiếm hoi trong liên minh “bền chặt” Mỹ-Hàn, mà trong 70 năm qua đã tạo ra một khu trái độn chống các hành động hung hăng của Bắc Triều Tiên.
Mỹ và Hàn Quốc đều đổ lỗi cho nhau là không sẵn sàng tương nhượng để chia sẻ chi phí nhằm duy trì lực lượng 28.500 quân của Mỹ tại Hàn Quốc.
Tổng thống Mỹ Donald Trump một mực đòi Seoul phải chi trả nhiều hơn và còn đề nghị Mỹ hoàn toàn rút quân ra khỏi Hàn Quốc.
“Đúng là có một sự khác biệt đáng kể giữa đề xuất tổng thể của phía mỹ và các nguyên tắc mà chúng tôi theo đuổi,” nhà đàm phán của Hàn Quốc Jeong Eun-bo nói trong một cuộc họp báo. “Đàm phán không thể tiến hành theo kế hoạch vì phía Mỹ đã bỏ ngang cuộc họp.”
Hai miền Triều Tiên – trên nguyên tắc – vẫn ở trong tình trạng chiến tranh vì Chiến tranh Triều Tiên 1950-53 chấm dứt với một thỏa thuận ngừng bắn, chứ không phải một hiệp ước hòa bình.
Các cuộc đàm phán với miền Nam diễn ra trong bối cảnh các nỗ lực thương thuyết của Mỹ nhằm chấm dứt các chương trình hạt nhân và tên lửa của Bắc Triều Tiên lâm vào bế tắc.
Các nhà lập pháp Hàn Quốc cho biết chính quyền Trump đang đòi Hàn quốc chi ra 5 tỷ USD mỗi năm, cao gấp hơn năm lần so với 890,54 triệu USD (tương đương với 1,04 nghìn tỷ won) mà Hàn Quốc đã đồng ý trả trong năm nay.
Cả hai bên không công khai các số liệu được thương thuyết, nhưng ông Trump trước đó đã nói rằng sự hiện diện quân sự của Mỹ trong và xung quanh Hàn Quốc là hàng rào bảo vệ “trị giá 5 tỷ USD.”
Ông Jeong nói Washington đòi Hàn Quốc tăng mạnh phần đóng góp của họ, trong khi Hàn Quốc mưu tìm một “giải pháp chia sẻ gánh nặng quốc phòng mà hai bên đều có thể chấp nhận.”
Ông Trump từ lâu than phiền về điều mà theo ông là những đóng góp không thỏa đáng của các đồng minh nhằm chia sẻ gánh nặng quốc phòng. Hoa Kỳ dự kiến sẽ bắt đầu các cuộc đàm phán riêng rẽ để đạt thỏa thuận chia sẻ chi phí quốc phòng mới với Nhật Bản, Đức và NATO vào năm tới.
Được hỏi liệu ông có sẵn sàng rút về bất kỳ lực lượng nào nếu không đạt được thỏa thuận với Hàn Quốc hay không, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper không trả lời Mỹ có thể làm gì, nhưng ông lưu ý rằng Bộ Ngoại giao là Bộ đang dẫn đầu các cuộc đàm phán.
https://www.voatiengviet.com/a/my-bo-ngan-dam-phan-ve-chia-se-chi-phi-quoc-phong-voi-han-quoc/5172742.html

Mỹ lật ngược chính sách lâu năm để về phe Israel

Mỹ hôm 18/11 lật ngược chính sách lâu đời, để quay sang ủng hộ quyền của Israel được xây các khu định cư cho người Do Thái trên Bờ Tây, khu vực bị Israel chiếm đóng.
Chính sách của Mỹ từ 4 thập niên nay chống đối Israel xây các khu định cư Do Thái trên các vùng lãnh thổ của Palestine mà họ chiếm đóng, vì cho rằng các khu định cư đó “không phù hợp với luật pháp quốc tế”. Bản tin của Reuters nói rằng động thái mới nhất của Mỹ có nguy cơ đẩy xa hơn nữa triển vọng hòa bình giữa Israel và Palestine.
Loan báo của Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo là một thất bại cho người Palestine, và là một thắng lợi cho Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu, người đang chật vật xoay sở để duy trì quyền lực sau hai cuộc bầu cử trong năm nay.
Thay đổi chính sách của Mỹ như một đòn giáng xuống các nỗ lực của Tổng thống Trump nhằm giải quyết xung đột giữa Israel và Palestine thông qua kế hoạch hòa bình đã được xúc tiến trong hơn hai năm nay, nhưng đã gây hoài nghi rộng rãi ngay cả trước khi nó được công bố.
Ông Pompeo nói các tuyên bố của Mỹ về các khu định cư ở Bờ Tây, bị Israel chiếm đóng từ sau chiến tranh Trung Đông năm 1967, vốn ‘không nhất quán’. Ông nói Tổng thống Jimmy Carter thuộc đảng Dân chủ cho rằng các khu định cư không phù hợp với luật pháp quốc tế, trong khi Tổng thống Ronald Reagan thuộc đảng Cộng hòa, thì nói ông không thấy các khu định cư đó, tự chúng, là bất hợp pháp.
Phát biểu với các phóng viên tại Bộ Ngoại giao, ông Pompeo nói:
“Việc thành lập các khu định cư dân sự của Israel tự chúng, không phải là không phù hợp với luật pháp quốc tế”, lật ngược quan điểm pháp lý chính thức của Mỹ dưới thời Tổng thống Carter năm 1978.
Thông báo của ông Pompeo được ông Netanyahu ca ngợi rằng nó đã “sửa sai một sai lầm lịch sử,” nhưng bị nhà thương thuyết người Palestine, ông Saeb Erekat, lên án. Ông Erekat nói Washington đang đe dọa “thay thế luật pháp quốc tế bằng ‘luật rừng.”
Người Palestine lập luận rằng lập trường mới của Mỹ coi thường luật pháp quốc tế. Theo Công ước Geneva lần thứ Tư năm 1949 và các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc thì cộng đồng quốc tế coi việc đưa thường dân của bất kỳ nước nào đến cư ngụ tại các vùng đất mà nước đó đã chiếm đóng là điều bất hợp pháp.
Nave Abu Rudeineh, người phát ngôn của Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas, nói:
“Mỹ không đủ tư cách cũng như không được phép phủ nhận các nghị quyết hợp pháp quốc tế. Mỹ không có quyền hợp pháp hóa các khu định cư của người Israel.”
Mỹ cho rằng lập trường mới này có thể đưa đến bạo lực, và đã ra cảnh báo đối với công dân Mỹ trong khu vực, rằng họ cần thận trọng đề cao cảnh giác vì sẽ có người phản đối động thái này, và “có thể nhắm” tấn công các cơ sở chính phủ, các lợi ích của Mỹ cũng như công dân Mỹ.
Bộ trưởng Ngoại giao Jordan, Ayman Safadi, tin rằng thay đổi chính sách đó sẽ có “hậu quả nguy hiểm” cho triển vọng đàm phán hòa bình, và ông mô tả các khu định cư Do thái là “một sự vi phạm trắng trợn luật pháp quốc tế.”
Ngoại Trưởng Pompeo nói hành động này không nhằm gây ảnh hưởng đến quy chế của vùng Bờ Tây mà người Palestine hy vọng một ngày, có thể trở thành một phần của một quốc gia Palestine trong một giải pháp rộng hơn để giải quyết cuộc xung đột giữa Israel và người Palestine.
https://www.voatiengviet.com/a/my-lat-nguoc-chinh-sach-lau-nam-de-ve-phe-israel/5172791.html

Kurt Volker trở thành nhân chứng mới nhất

đổi lời khai khi đề cập về mối quan hệ với Biden

Tin từ Washington, DC – Hôm thứ Ba (19/11/2019), trong lời khai trước ủy ban Hạ viện, cựu đặc sứ Hoa Kỳ đàm phán với Ukraine, Kurt Volker nói rằng ông từng chứng kiến những người trong chính quyền tổng thống Trump muốn mở cuộc điều tra gia đình ông Biden, và họ nói với chính phủ Ukraine rằng viện trợ quân sự sẽ phụ thuộc vào yêu cầu đó.
Theo NBC News, lời khai hiện tại của ông Volker khác với lời khai trước đó, khi ông nói rằng ông chỉ mới biết thông tin này gần đây. Tuy nhiên ông Volker vẫn không phủ nhận khẳng định trước đó rằng: ông không biết viện trợ đã bị hoãn để buộc Ukraine điều tra gia đình Biden. Ông khai đã đích thân khuyên chính phủ Ukraine không nên báo động, rằng đó là việc nội bộ Hoa Kỳ và họ sẽ tìm cách giải quyết chuyện đó.
Ông Volker trở thành nhân chứng thứ ba bổ sung thêm thông tin trong phiên điều trần, so với các thông tin họ đã cung cấp trong các phiên điều trần kín trước đó. Hiện nay, ông Volker đang trong tình trạng tiến thoái lưỡng nan, khi trước đó khẳng định rằng ông không tin người Ukraine biết việc viện trợ sẽ bị hoãn đến 29/08/2019, cho tới khi truyền thông Hoa Kỳ đưa tin.
Trước đây, Đảng Cộng hòa tập trung vào những bình luận cho rằng sẽ không có vụ trao đổi lợi ích nếu như chính quyền Ukraine không biết viện trợ đã bị hoãn, ở thời điểm các viên chức Hoa Kỳ đang thúc đẩy cuộc điều tra. Tuy nhiên, các nhân chứng đã khai rằng Ukraine biết việc viện trợ sẽ bị hoãn trước 29/08/2019.
Uy tín của ông Volker bị đe dọa nghiêm trọng khi bị phát hiện có liên quan đến việc thúc đẩy Ukraine mở cuộc điều tra,  khi ông tìm cách bào chữa cho quyết định giúp luật sư riêng của tổng thống Trump, Rudy Giuliani, liên lạc với tổng thống Ukraine. (Mộc Miên)
https://www.sbtn.tv/kurt-volker-tro-thanh-nhan-chung-moi-nhat-doi-loi-khai-khi-de-cap-ve-moi-quan-he-voi-biden/

Luận tội: Quốc hội đang điều tra

xem Trump có nói dối Mueller

Các nhà điều tra của Hạ viện đang xét xem liệu Tổng thống Donald Trump có nói dối công tố viên đặc biệt Robert Mueller trong cuộc điều tra về can thiệp của Nga vào bầu cử 2016 hay không.
“Tổng thống có đã nói dối?” một luật sư của Hạ viện nêu vấn đề tại tòa khi ông yêu cầu xem hồ sơ từ cuộc điều tra của công tố viên đặc biệt.
Các nhà lập pháp luận tội của Quốc hội được cho là đang xem xét kỹ lưỡng lời khai của tổng thống với ông Mueller liên quan đến WikiLeaks.
Động cơ chính của cuộc điều tra do đảng Dân chủ lãnh đạo là về cáo buộc lạm quyền của ông Trump trong quan hệ Mỹ-Ukraine.
Các nhà lập pháp đã yêu cầu được xem tài liệu của đại bồi thẩm đoàn từ tháng Bảy.
Một thẩm phán vào tháng 10 đã cấp cho họ quyền xem những tài liệu này, mặc dù Bộ Tư pháp đã kháng cáo. Phiên điều trần hôm thứ Hai là để xác định xem kháng cáo có thể tạm thời chặn quyền được truy cập trước đó hay không.
Quốc hội đã được xem hầu hết các báo cáo của Mueller – bao gồm một số phần đã bị bôi đen – nhưng một số tài liệu của bồi thẩm đoàn vẫn còn được giữ bí mật.
Tại sao Ukraine rất quan trọng đối với Hoa Kỳ
Điều tra luận tội Trump: những ‘kịch bản’ khả dĩ
Chủ tịch Hạ viện Mỹ: “Dư luận ủng hộ điều tra luận tội Trump”Doug Letter, đại diện của Ủy ban Tư pháp Hạ viện – mà cuối cùng sẽ chịu trách nhiệm nộp các bài viết luận tội tổng thống – đã nói chuyện với tòa phúc thẩm liên bang vào thứ Hai.
Ông nói rằng cuộc điều tra luận tội đang xem xét vấn đề Ukraine nhưng tiết lộ các nhà lập pháp cũng đang điều tra xem liệu ông Trump có nói dối ông Mueller trong quá trình điều tra về việc Nga có can thiệp vào cuộc bầu cử năm 2016 hay không.
Ông Letter đã yêu cầu được xem các phần của báo cáo Mueller bị bôi đen và bản ghi chép đầy đủ liên quan đến các phần đó.Ông Trump đã không ra điều trần trong cuộc điều tra Mueller, nhưng ông đã gửi trả lời bằng văn bản cho một số câu hỏi từ nhóm của công tố viên đặc biệt Mueller.
Trong lời khai của ông Mueller trước Quốc hội vào tháng 7, ông được hỏi liệu các câu trả lời bằng văn bản không đầy đủ của ông Trump cho thấy ông không phải lúc nào cũng nói sự thật. Ông Mueller trả lời: “Tôi có thể nói đại khái là như vậy.”
Không rõ ông Mueller chính xác có ý gì với câu trả lời của mình, nhưng ông Letter nói với tòa hôm thứ Hai rằng ông tin rằng điều đó có nghĩa là tổng thống “đã không trung thực trong một số câu trả lời”.
Truyền thông Hoa Kỳ cho biết ông Letter có thể đã đề cập đến việc ông Trump có nói dối về các liên hệ với WikiLeaks và việc biết trước lúc nào các email Dân chủ bị hack sẽ được WikiLeaks công bố.
Ông Letter nói thêm rằng bằng chứng từ phiên tòa gần đây của ông Roger Stone, đồng minh của Trump, đã củng cố lập luận của các nhà lập pháp là họ cần được đọc các tài liệu bí mật.
Ông Roger Stone, người bị kết án tuần trước đã nói dối trước Quốc hội về công việc của mình với WikiLeaks, đã có nhiều cuộc gọi với ông Trump trong cuộc bầu cử năm 2016.
Tổng thống từng nói rằng ông không hề biết bất kỳ liên hệ nào giữa chiến dịch tranh cử của mình với WikiLeaks và rằng ông không thảo luận gì về WikiLeaks với Stone.
Một luật sư của bộ tư pháp lập luận rằng cuộc điều tra luận tội không phải là một thủ tục tố tụng tư pháp và do đó việc cho các nhà lập pháp xem tài liệu của đại bồi thẩm đoàn không hợp pháp.
Nhưng có tiền lệ về việc này: trong quá trình tố tụng luận tội Tổng thống Richard Nixon, một thẩm phán liên bang đã cấp cho Quốc hội uyền truy cập vào các tài liệu của Đại bồi thẩm đoàn.
Sau những tranh luận hôm thứ Hai, hội đồng kháng cáo đang xem xét vấn đề.
Bản ghi điện đàm cho thấy ông Trump hối thúc điều tra về Biden
Luận tội một tổng thống có dễ không?
Hạ viện Mỹ chính thức mở cuộc điều tra luận tội ông Trump
Trước tin tức mới này về cuộc điều tra, ông Trump đã tweet rằng ông sẽ “có lẽ nghiêng về” việc làm chứng cho cuộc điều tra luận tội ”để cho Quốc hội tập trung trở lại”.
Như ông đã làm với báo cáo của Mueller, tổng thống bác bỏ cuộc thăm dò luận tội, gọi đó là một “cuộc săn phù thủy”.
Tuần này, tám người sẽ ra làm chứng trước Quốc hội như một phần của thủ tục luận tội.
Hôm thứ Ba, Trung tá Alexander Vindman, một chuyên gia về Ukraine trong Hội đồng An ninh Quốc gia, người đã nghe được cuộc gọi tháng 7 của ông Trump với Tổng thống Ukraine Zelensky, sẽ ra làm chứng.
Cuộc điện đàm giữa hai bên vào tháng 7 đã khiến một người tố giác phải lên tiếng khiếu nại và cuối cùng đã dẫn đến cuộc điều tra luận tội.
https://www.bbc.com/vietnamese/world-50470016

Đại Sứ Hoa Kỳ Tại Liên Âu điều trần công khai:

có tính chất “đổi chác” trong vụ Ukraine

Tin từ Washington DC.—vào sáng ngày thứ Tư 20 tháng 11, 2019, Gordon Sondland-  nhà ngoại giao Hoa Kỳ là nhân chứng chính trong cuộc điều tra luận tội Tổng thống Trump- cho biết ông đã làm việc với luật sư tiêng của tổng thống Trump là Rudy Giuliani về các vấn đề Ukraine theo lệnh của Tổng thống.
Ông Gordon Sondland, đại sứ Hoa Kỳ tại Liên minh châu Âu, cho ủy ban điều tra Hạ Viện biết các nỗ lực của ông Giuliani thúc đẩy tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy điều tra đối thủ chính trị của tổng thống Trump là một hành động mà Ukraine cần phải có,  để đổi lấy một buổi thăm viếng tòa Bạch
Ốc của tổng thống Zelenskiy.  Bị áp lực từ mọi phía sau khi nhiều nhân chứng đưa ra các lời khai mâu thuẫn với các lời khai của chính ông trước đó, Sondland đổ lỗi cho tất cả mọi người trừ cá nhân ông cho chiến dịch gây áp lực đối với Ukraine. Ông đã xuất hiện trong phiên điều trần trên truyền hình, và đưa ra hàng loạt tin nhắn và email mới, để chứng minh rằng các cấp cao nhất của Tòa Bạch Ốc và Bộ Ngoại giao đều dính đến việc này.
Ông Sonland nói rằng ông biết các thành viên Hạ Viện đều đặt câu hỏi là có sự trao đổi hay không khi Ukraine muốn thu xếp một buổi thăm viếng Tòa Bạch Ốc thì câu trả lời của ông là “CÓ”. (Mộc Miên)
https://www.sbtn.tv/dai-su-hoa-ky-tai-lien-au-dieu-tran-cong-khai-co-tinh-chat-doi-chac-trong-vu-ukraine/

Thượng viện Mỹ thông qua

dự luật Nhân quyền và Dân chủ Hồng Kông

Thượng viện Mỹ hôm thứ Ba 19/11 đã thông qua dự luật Nhân quyền và Dân chủ Hồng Kông với số phiếu gần như tuyệt đối trong bối cảnh bạo lực leo thang sau 5 tháng biểu tình đòi dân chủ ở thành phố từng là thuộc địa của Anh.
Theo hãng tin Reuters, dự luật này hiện đã trở lại Hạ viện, nơi đã phê chuẩn dự luật này vào tháng trước. Hai viện sẽ phải tìm ra sự khác biệt của họ trước khi bất kỳ dự luật nào có thể được gửi đến Tổng thống Donald Trump xem xét.
Thượng viện cũng thông qua dự luật thứ hai, đồng ý sẽ cấm xuất khẩu một số loại đạn kiểm soát đám đông cho lực lượng cảnh sát Hồng Kông.
Dự luật này cấm xuất khẩu các mặt hàng như hơi cay, bình xịt hơi cay, đạn cao su và súng gây choáng.
Theo dự luật đầu tiên của Thượng viện, Ngoại trưởng Hoa Kỳ Mike Pompeo sẽ phải chứng đặc biệt của Mỹ nhằm củng cố vị thế là một trung tâm tài chính thế giới.
Nó cũng sẽ cung cấp các biện pháp trừng phạt đối với các quan chức chịu trách nhiệm về vi phạm nhân quyền ở Hồng Kông
Theo Thượng nghị sỹ bang nhận ít nhất mỗi năm một lần rằng, Hồng Kông có đủ quyền tự chủ trước Trung Quốc hay không để phù hợp với điều kiện xem xét hưởng giao dịch Arkansas Tom Cotton hôm 19-11 phát biểu trước Thượng viện trước khi dự luật Nhân quyền và Dân chủ Hồng Kông được thông qua thì  dự luật này khi thành luật có thể đóng băng tài sản các quan chức chịu trách nhiệm trong các vụ vi phạm nhân quyền ở Hương Cảng.
Sau khi có tin Thượng Viện Hoa Kỳ thông qua Dự luật Nhân quyền cho đặc khu này, một số sinh viên biểu tình giương cao lá cờ Hoa Kỳ bên trong khuôn viên Đại học Bách khoa Hương Cảng vào sáng ngày 20 tháng 11 năm 2019.
Một số ít người biểu tình ủng hộ dân chủ vẫn cố thủ trong trường đại học Hồng Kông bất chấp cảnh báo của bà đặc khu trưởng Carrie Lam vào ngày 19 tháng 11.
Hãng tin Reuters hôm 20-11-2019 chụp lại bức ảnh khẩu hiệu  ”Không bao giờ đầu hàng!” trong khuôn viên Đại học Bách khoa Hồng Kông, khi vẫn còn một số ít người biểu tình chống chính phủ cố thủ ở đây.
Cũng tin liên quan, hôm 19/11/2019 tại Geneva, Thụy Sĩ – ông Rupert Colville, Người phát ngôn của Cao ủy nhân quyền Liên Hiệp Quốc kêu gọi chính quyền Hồng Kông thực hiện giải pháp nhân đạo cho vụ việc bao vây trường đại học Bách khoa Hương Cảng kéo dài đã nhiều ngày.
https://www.rfa.org/vietnamese/news/internationalnews/hk-up-20-11-11202019075520.html

Nam california đón bão đầu mùa

kể từ tháng 05/2019-dự báo mưa to 20/11/2019

Tối thứ Ba (19/11/2019), cơn bão đầu tiên của mùa đem mưa to và sấm chớp vào miền nam California. Nhà khí tượng học Alex Tardy của Cơ quan Khí tượng Quốc gia cho hay, ngoài mưa to, cơn bão cũng mang tuyết đến miền núi khiến nhiệt độ giảm từ 30 đến 40 độ vào thứ Tư (20/11/2019).
Cơn bão là minh chứng cho sự thay đổi thời tiết rõ rệt ở miền nam California, khi mới hồi cuối tuần trước nhiệt độ hàng ngày ở trung tâm thành phố Los Angeles, Long Beach vẫn còn cao. Lần cuối cùng khu vực này đón lượng mưa lớn là hồi tháng 09/2019; lần cuối cùng có một cơn bão đổ bộ khu vực là  thang 05/2019.
Một số khu vực sẽ có tổng lượng mưa đổ xuống từ 0.5 inch đến 1.5 inches. Một số nơi khác lên đến 2 inch cùng lưu lượng 0.6 inches/giờ. Quận San Diego có mưa lớn nhất trong khoảng 1 đến 2 inches. Cơ quan dự báo cho biết chiều thứ Ba (19/11/2019), mưa to và bão hình thành và thứ Tư (20/11/2019) lượng mưa sẽ đạt cao điểm. Cơ quan dự báo thời tiết khuyến cáo về đường trơn trượt ảnh hướng giao thông, đường phải đóng cửa do lũ lụt, bùn và đá vụn hình thành ở các khu vực bị cháy gần đây.
Khu vực miền núi cao hơn 6,000 feet sẽ có lượng tuyết rơi đạt từ 4 đến 8 inches. Những vùng cao trên 7,500 feet có lượng tuyết rơi đến 10 inches. Vào thứ Tư (20/11/2019), nhiệt độ sẽ giảm mạnh và có tuyết rơi. Thời tiết giá lạnh dự báo sẽ kéo dài đến cuối tuần. Các khuyến cáo về thời tiết lạnh được đưa ra ở một phần quận Los Angeles, kể cả miền núi vào thứ Tư (20/11/2019) và ở Antelope Valley vào thứ Bảy (23/11/2019).
Viên chức y tế quận Los Angeles khuyên cư dân không có đủ ấm nên đến các cơ sở tạm trú hoặc cơ sở công cộng khác như là trung tâm thương mại, thư viện và trung tâm dưỡng lão. (Mộc Miên)
https://www.sbtn.tv/nam-california-don-bao-dau-mua-ke-tu-thang-05-2019-du-bao-mua-to-20-11-2019/

Khủng hoảng Bolivia :

Khan hiếm thực phẩm, xăng dầu

Thu Hằng
Các cuộc đụng độ giữa phe ủng hộ cựu tổng thống Evo Morales và cảnh sát Bolivia tại một khu lọc dầu gần thủ đô La Paz lại khiến thêm ba người chết hôm 19/11/2019. Từ nhiều ngày nay, các trục đường quanh thủ đô La Paz và thành phố lân cận El Alto bị phong tỏa, khiến tình trạng khan hiếm xăng dầu và nhu yếu phẩm thêm trầm trọng.
Chính quyền thành phố phải mở cầu hàng không. Dù nhiều điểm bán được mở tạm thời nhưng người dân vẫn phải kiên nhẫn chờ đến lượt, theo phóng sự của thông tín viên RFI Marie Normand tại La Paz :
« Trong nhiều khu phố, hàng đoàn người vô tận xếp hàng trên vỉa hè. Carla, đứng chờ từ một tiếng đồng hồ, cho biết : Đoàn người xếp hàng đến tít tận đầu kia và dừng ở đây.
Mỗi người cầm một số thứ tự trong tay. Đó là vị trí xếp hàng để mua thịt gà. Ông Pastor Flores, tài xế xe tải đã chuyển mặt hàng đông lạnh quý hiếm này từ sân bay El Alto về trung tâm thành phố, cho biết : Xe có khoảng 900 con gà, được gửi từ Santa Cruz. Chúng tôi hy vọng là sẽ đủ cung cấp cho mọi người vì chặng đường từ sân bay đến đây rất là khó do có nhiều đoạn bị phong tỏa. Rất nguy hiểm. Họ ném đá chúng tôi, chặn đường đi. Tôi đã phải tìm cách lách qua đó.
Vừa lúc tới lượt ông Roberto đến trước xe tải đông lạnh và trả 35 boliviano (khoảng 3,50 euro) để mua một con gà. Ông tỏ ra vui mừng : Xong rồi, cuối cùng tôi cũng có một con gà, sau khoảng 4 tiếng xếp hàng.
Trong khi đó, David vẫn kiên nhẫn chờ. Ông lên án cựu tổng thống đổ thêm dầu vào lửa từ nơi tị nạn Mêhicô, ngoài ra còn khuyến khích phong tỏa các trục đường quanh thủ đô La Paz.
Ông nói : Ông Morales đã khiến người dân Bolivia đối đầu nhau. Chúng tôi thiếu gà, thiếu rau, thiếu gần như đủ mọi thứ cần có để sống. Chúng tôi phải chịu đựng tình trạng này, cùng lúc với việc bảo vệ nền dân chủ. Chúng tôi không muốn kẻ độc tài đó nữa.
David cho biết ông sẽ phải đi xếp hàng ở chỗ khác. Lần này là để mua trứng ».
http://vi.rfi.fr/quoc-te/20191120-khung-hoang-bolivia-khan-hiem-thuc-pham-dan-nong-long-cho-den-luot

Simon Cheng ‘bị TQ tra tấn

để tìm bằng chứng Anh can thiệp’

Một cựu nhân viên của Lãnh sự quán Anh ở Hong Kong nói với BBC rằng ông bị tra tấn ở Trung Quốc với cáo buộc kích động bất ổn chính trị.
Biểu tình Hong Kong: Người biểu tình đu dây trốn thoát
TQ thề ‘trả đũa’ nếu ông Trump ký dự luật Nhân quyền Hong Kong
Simon Cheng, một công dân Hong Kong từng làm cho chính phủ Anh gần hai năm, bị tạm giữ 15 ngày hồi tháng Tám khi đi vào Trung Quốc đại lục.
“Tôi bị trói, bịt mặt và bịt đầu,” người đàn ông 29 tuổi nói với BBC.
Các nguồn thuộc chính phủ Anh nói họ tin lời ông Simon Cheng.
Sau cuộc phỏng vấn của BBC với Simon Cheng, Ngoại trưởng Anh Dominic Raab đã yêu cầu đại sứ Trung Quốc tới gặp.
Ngoại trưởng Anh nói với BBC: “Chúng tôi phẫn nộ vì sự đối xử dã man dành cho ông Chen khi bị tạm giam.”
Nhưng người phát ngôn ngoại giao Trung Quốc nói với BBC rằng Trung Quốc không chấp nhận đến gặp ngoại trưởng Anh, và rằng Bắc Kinh sẽ triệu đại sứ Anh tới để bày tỏ “giận dữ”.
Ông Simon Cheng còn cáo buộc ông trông thấy nhiều công dân Hong Kong khác cùng bị tạm giam.
Ông Simon Cheng từng là một viên chức về thương mại, đầu tư ở lãnh sự quán Anh tại Hong Kong.
Công việc của ông khiến ông thường đi vào Trung Quốc đại lục.
Nhưng vào tháng Sáu, khi Hong Kong xảy ra biểu tình, ông Cheng xung phong làm thêm một việc.
“Lãnh sự quán Anh khi đó yêu cầu nhân viên thu thập thông tin về các cuộc biểu tình,” ông nói.
Ủng hộ phong trào đòi dân chủ, Simon Cheng đã gia nhập một số nhóm biểu tình trên mạng xã hội, với sự đồng ý của lãnh sự quán.
Ông được lãnh sự quán trả tiền làm thêm cho thông tin mà ông thu thập.
Ông và nguồn chính phủ Anh nói rằng ông Simon Cheng chỉ quan sát các sự kiện.
Nhưng Trung Quốc đã cáo buộc Anh can thiệp vào Hong Kong.
Ngày 8/8, ông được lãnh sự quán gửi đi dự hội nghị thương mại ở Thâm Quyến.
Năm ngoái, tuyến đường sắt cao tốc Hong Kong – Thâm Quyến khai trương.
Một văn phòng kiểm tra biên giới được đặt bên trong ga tàu West Kowloon thuộc Hong Kong.
Đây là chi tiết gây tranh cãi. Phong trào đòi dân chủ xem sự có mặt của cảnh sát biên phòng Trung Quốc là thể hiện quyền uy đại lục không được hoan nghênh.
Khi ông Simon Cheng xong hội nghị và quay về, ông bị chặn lại tại đây.
Họ đưa ông lên tàu hỏa chở về lại Thâm Quyến. Ông nói mình bị trao trả cho ba viên chức mặc thường phục làm việc cho cảnh sát Trung Quốc.
Ông nói họ đã tra hỏi ông và muốn ép ông khai rằng ông kích động bạo loạn thay mặt cho nhà nước Anh.
“Họ muốn biết Anh đóng vai trò gì trong biểu tình Hong Kong,” ông kể cho BBC.
Ông nói mình bị bắt đứng theo các kiểu gây stress hàng giờ, và nếu di chuyển là bị đánh.
“Họ đánh vào các phần xương, như gót chân,” ông nói.
Ông cáo buộc rằng công an Trung Quốc không cho ông ngủ, bị ép hát quốc ca Trung Quốc để thức.
Ông cũng cáo buộc đã nhìn thấy nhiều người Hong Kong bị bắt tại đó.
“Tôi nghe một người nói tiếng Quảng, ‘Giơ tay lên, ông đã giương cờ khi biểu tình hả?’”
Ông nói được cho xem hơn 1.000 hình người biểu tình, bị bắt ghi tên những ai mà ông biết.
Ông nói công an bắt ông mở điện thoại di động bằng cách để phone nhận dạng mặt ông rồi tự mở.
Họ in ra các email trong phone của ông.
Ông nói họ ghi hai video “thú tội” của ông.
Trong lúc đi dự hội nghị ở Thâm Quyến, ông Cheng làm một việc mà lãnh sự quán Anh không biết: Ông đi gặp người thân của một người bạn để nhận tiền gửi cho ông bạn.
Người bạn này trước đó đã bị bắt vì tham gia biểu tình ở Hong Kong và đang tạm được tại ngoại.
Mặc dù nhận tiền để người bạn chi xài cho nhu cầu pháp lý không phải là tội, nhưng ông có thể đã bị theo dõi vì việc này.
Ông Cheng cũng đã công bố bản tường trình của ông về toàn bộ sự vụ.
Do việc bị công an Trung Quốc thẩm vấn, Anh quốc nay xem ông là rủi ro an ninh.
Ông được yêu cầu từ nhiệm, mặc dù nguồn chính phủ Anh nói ông được hỗ trợ, trong đó có visa hai năm làm việc cho Anh.
Ông nói mình hiện đang tìm cách xin tỵ nạn ở bất kỳ đâu mà ông thấy an toàn.
Cáo buộc của ông sẽ khiến Trung Quốc đối diện câu hỏi có hay không việc tra tấn khi điều tra sự can thiệp của nước ngoài.
Chính phủ Anh thì sẽ bị hỏi liệu họ đã làm hết sức để bảo vệ ông Cheng hay chưa.
Với người biểu tình Hong Kong, câu chuyện của Simon Cheng sẽ khiến nhiều người tin rằng hệ thống pháp luật đại lục quả thật đáng sợ và khác biệt.
https://www.bbc.com/vietnamese/world-50490457

Các tập đoàn Anh

‘không muốn gắn với tên của Hoàng tử Andrew’

BT, Standard Chartered Bank và KPMG tuyên bố sẽ ngừng hợp tác với các công ty có liên hệ với con trai Nữ hoàng Anh, Hoàng tử Andrew, công tước xứ York.
Nhiều đại học, doanh nghiệp và tổ chức từ thiện cũng bắt đầu xem xét lại mối quan hệ với Hoàng tử Andrew.
Diễn tiến xảy ra sau cuộc phỏng vấn độc quyền của BBC với Hoàng tử Andrew. Trong phỏng vấn, ông Andrew không bày tỏ hối tiếc vì tình bạn với nhân vật tai tiếng ở Mỹ Jeffrey Epstein.
Lúc sinh thời, ông Epstein bị kết án lập đường dây các em gái vị thành viên để phục vụ tình dục cho các nhân vật có thế lực.
Các cáo buộc mà nạn nhân của ông Epstein nêu ra gần đây được một số báo Anh gọi là “những cuộc chơi dùng nô lệ tình dục” (sex slaves).
Standard Chartered đã loan báo cắt đứt quan hệ với công ty hỗ trợ sáng kiến kinh doanh của Công tước xứ York, Hoàng tử Andrew.
Ngân hàng này đã theo chân tập đoàn kiểm toán KPMG dừng hỗ trợ cho chương trình trên.
Họ cho biết không gia hạn tài trợ vì “lý do thương mại”.
Một số doanh nghiệp và trường đại học đang xét lại mối liên kết của họ với Hoàng tử Andrew sau cuộc phỏng vấn của BBC về mối liên lạc của Hoàng tử với Jeffrey Epstein, một tội phạm tình dục đã bị kết án.
Các nguồn tin nói với BBC rằng các quyết định của Standard Chartered và KPMG được đưa ra trước cuộc phỏng vấn Newsnight.
Hoàng tử Andrew đã hủy một chuyến thăm theo kế hoạch đến các khu vực bị lũ lụt ở Yorkshire hôm thứ Ba, ba ngày sau khi cuộc phỏng vấn được phát sóng.
Chuyến thăm được xem là không phù hợp giữa chiến dịch bầu cử.
Các báo Anh và Mỹ đã liên tục đưa tin về Hoàng tử Andrew, với tựa đề một chương trình gọi ông nay trở thành “gánh nặng” (liability) cho hình ảnh Hoàng gia Anh.
‘Câu hỏi rất nghiêm trọng’
Trong khi đó, Thủ tướng Anh Boris Johnson và lãnh đạo đảng đối lập Jeremy Corbyn được hỏi về việc liệu công tước xứ York có “phù hợp với vai trò của mình” hay không, trong cuộc tranh luận trực tiếp trên ITV vào tối thứ Ba 19/11.
Lãnh đạo đảng Lao động Jeremy Corbyn cho biết có “những câu hỏi rất, rất nghiêm trọng cần phải trả lời và không ai được đứng trên pháp luật”.
Thủ tướng Boris Johnson nói: “Tôi nghĩ rằng chúng ta cần dành sự đồng cảm với các nạn nhân của Jeffrey Epstein và luật pháp chắc chắn phải được thực thi.”
Trong cuộc phỏng vấn trên Newsnight, Hoàng tử bị xem là đã không bày tỏ hối hận về tình bạn của mình với nhà tài chính Mỹ Epstein – người đã tự kết liễu đời mình trong tù vào tháng 8 trong khi chờ xét xử về tội buôn bán tình dục ở Mỹ.
Cuộc phỏng vấn đã gây ra phản ứng dữ dội, với các doanh nghiệp, tổ chức từ thiện thông báo rằng họ đang xét lại mối liên hệ của họ với hoàng tử Andrew.
Ngoài Standard Chartered và KPMG, một sổ tổ chức khác cũng đã chấp dứt việc hỗ trợ.
Công ty dược phẩm AstraZeneca và Trường kinh doanh quốc tế Hult đang xét lại quan hệ đối tác của họ với kế hoạch kinh doanh
Outward Bound, tổ chức từ thiện được Công tước xứ Edinburgh bảo trợ trong 65 năm, đã triệu tập một cuộc họp hội đồng để thảo luận về sự bảo trợ của hoàng tử
Đại học London Metropolitan cho biết họ sẽ xem xét bảo trợ của hoàng tử, và nói rằng “phản đối tất cả các hình thức phân biệt đối xử, lạm dụng và buôn bán người”
Các sinh viên đại học Huddersfield đang kêu gọi hoàng tử phải bị cách chức hiệu trưởng danh dự của họ
Hôm thứ Hai, hội đồng sinh viên của Huddersfield đã thông qua một phong trào vận động hoàng tử từ chức hiệu trưởng danh dự.
Trường đại học nói rằng đang lắng nghe quan điểm của sinh viên và sẽ “bàn thảo với họ trong những tuần tới”.
Tin mới nhất, hôm 20/11 cho hay ở nước ngoài cũng có làn sóng không muốn dính líu đến tên tuổi Hoàng tử Andrew.
Hai đại học Úc, trường Bond University và RMIT cho hay họ cắt quan hệ với quỹ từ thiện của Hoàng tử Andrew.
Hoàng tử Anh Andrew “không nhớ” đã gặp một phụ nữ trẻ
Hoàng tử Anh và tỷ phú tai tiếng Jeffrey Epstein
Công tước xứ York vẫn bảo vệ quyết định lên tiếng, sau khi các nhà phê bình coi cuộc phỏng vấn là một “tai nạn”.
Ngoài ra, Rohan Silva, người từng là cố vấn cho cựu thủ tướng David Cameron, cũng cáo buộc Hoàng tử đã có phát ngôn với lời lẽ phân biệt chủng tộc trong một cuộc họp chính thức.
Khi đó, Hoàng tử Andrew còn đóng vai trò đặc sứ thương mại của Anh Quốc.
Một phát ngôn viên của Hoàng gia đã kiên quyết phủ nhận các các buộc, nói thêm rằng Hoàng tử Andrew “không dung thứ cho nạn phân biệt chủng tộc dưới mọi hình thức”.
‘Bi kịch của con người’
Nữ diễn viên Rose McGowan – một trong những nhân vật nổi bật nhất của phong trào #MeToo – nói với chương trình Victoria Derbyshire rằng cuộc phỏng vấn của Hoàng tử trên kênh BBC phát vào tối thứ Bảy tuần trước là “không trung thực”.
“Đó chắc chắn không phải là dấu hiệu của một người có tính cách đồng cảm, quan tâm đến nạn nhân thực sự,” cô nói thêm.
Nữ diễn viên cũng cho biết cô muốn có nhiều câu hỏi hơn về các nạn nhân của Epstein.
“Chúng ta không thể quên có bi kịch của con người đằng sau chuyện này.”
Tuy nhiên, Alastair Campbell – giám đốc truyền thông cũ của Thủ tướng Tony Blair – nói rằng mặc dù ông nghĩ cuộc phỏng vấn trên BBC là một “sai lầm”, nhưng nó không “tệ như đang được mô tả gần đây”.
Ông Campbell, một người Anh nổi tiếng khác được nêu tên trong “sổ đen” dài 97 trang của Epstein, cũng nói với chương trình Today rằng ông đã gặp nhà tài chính trong một chuyến viếng thăm Mỹ vì một đám tang và thấy ông ta “hơi đáng sợ “.
Cuộc phỏng vấn của BBC với Hoàng tử Andrew theo sau cáo buộc của Virginia Giuffre, được biết đến vào thời điểm đó là Virginia Roberts, người tuyên bố hoàng tử đã quan hệ tình dục với cô ba lần – lần đầu tiên khi cô 17 tuổi.
Hoàng tử Andrew “hoàn toàn” phủ nhận việc có quan hệ tình dục với cô.
Trong cuộc phỏng vấn đặc biệt của BBC, Hoàng tử nói:
Ông đã tiến hành điều tra để xác định xem một bức ảnh của ông với bà Giuffre có bị làm giả hay không, nhưng không có kết luận.
Ông sẽ làm chứng trước toà nếu “bắt buộc” và nếu luật sư của ông cũng đồng ý.
Ông không biết gì về lệnh bắt giữ Epstein khi mời ông ta đến bữa tiệc sinh nhật lần thứ 18 của Công chúa Beatrice tại Lâu đài Windsor.
Ông không hối tiếc về tình bạn của mình với Epstein vì “những cơ hội tôi được trao cho” từ ông ta về kinh nghiệm thương mại và kinh doanh.
https://www.bbc.com/vietnamese/world-50484494

Tư lệnh Hải Quân Pháp:

“Luật biển” quốc tế bị đe dọa tại Biển Đông

Mai Vân
Vào lúc Trung Quốc vừa lên tiếng cảnh cáo Mỹ phải dừng việc phô trương sức mạnh tại Biển Đông, phát biểu tại Ấn Độ vào hôm 18/11/2019, đô đốc Christophe Prazuck, tư lệnh Hải Quân Pháp đã cho rằng “luật biển quốc tế” đang bị đe dọa ở Biển Đông, và điều đó đã thúc đẩy Pháp “thường xuyên đến Biển Đông” vì muốn cổ vũ cho quyền tự do hàng hải.
Phát biểu tại New Delhi về chiến lược Ấn Độ-Thái Bình Dương của Pháp, tư lệnh Hải Quân Pháp khẳng định rằng trong tư cách là một quốc gia có vùng đặc quyền kinh tế lớn thứ hai trên thế giới, nước Pháp không thể lơ là vùng Biển Đông khi luật biển quốc tế bị đe dọa.
Đô đốc Prazuck thừa nhận rằng Trung Quốc đang bành trướng sự hiện diện quân sự trong khu vực, nhưng Pháp cũng là một tác nhân có quyết tâm phát huy một trật tự trên cơ sở tôn trọng luật lệ quốc tế tại vùng Biển Đông.
Đối với đô đốc Pháp: “Hải Quân Trung Quốc không hề che giấu tham vọng toàn cầu của họ”.
Theo hãng tin Ấn Độ PTI, tư lệnh Hải Quân Pháp đã giải thích thêm về các hoạt động của chiến hạm Pháp trong khu vực: “Có nhiều cách hành xử khác nhau ở Biển Đông. Trước hết, tại sao chúng tôi lại đến đó 6, 7 lần trong năm? Đó là vì luật quốc tế về biển bị đe dọa trong khu vực đó của thế giới. Chúng tôi không muốn can dự vào các tình hình khu vực liên quan đến các đảo, nhưng chúng tôi đến đó và sẽ tiếp tục bằng hành động của mình, hậu thuẫn cho quyền tự do hàng hải.”
Tóm lại, đối với đô đốc Prazuk, dù nước Pháp ở xa Biển Đông, nhưng rõ ràng vùng Ấn Độ-Thái Bình Dương là một ưu tiên của Pháp. Hải Quân Pháp, theo ông, đang tiến tới việc cùng phối hợp với Hải Quân Ấn Độ để tuần tra chung kể từ năm tới 2020.
http://vi.rfi.fr/chau-a/20191120-tu-lenh-hai-quan-phap-%E2%80%9Cluat-bien%E2%80%9D-quoc-te-bi-de-doa-tai-bien-dong

Hà Lan bắt 25 người

trong thùng đông lạnh trên phà sang Anh

Hà Lan bắt 25 người chưa rõ quốc tịch trên một xe thùng từ cảng Vlaardingen trên đường biển qua phà sang Anh.
Vụ 39 tử thi: Hai mức phí đưa thân nhân về nước
Hành trình người Việt sang Anh, thiên đường hay địa ngục?
‘Áp lực lớn’ buộc VN vẫn phải tiếp tục xuất khẩu lao động và di dân
Vụ việc hôm thứ Ba 19/11 được báo chí châu Âu nêu ra để nhắc lại vụ 39 người Việt Nam ngồi trong thùng xe đông lạnh vào Anh và tử nạn trong tháng 10.
Theo Reuters, đa số 25 người vừa bị bắt là thanh niên nam, chưa xác định quốc tịch.
Họ đã bị trao nộp cho cảnh sát để điều tra thêm.
Một số báo châu Âu nói những người này cũng ngồi trong thùng đông lạnh, giống như vụ 39 người Việt Nam.
Theo đài Deutsche Welle của Đức, chiếc xe đã ở trên phà ra khỏi cảng gần Rotterdam để sang Anh nhưng chó đánh hơi thấy người trong xe.
Cả chuyến phà Britannia Seaways đã quay lại cảng, lái xe bị bắt để điều tra xem có phạm luật về buôn người hay không.
Chiếc phà do công ty Đan Mạch DFDS vận hành và dự kiến sẽ tới cảng Felixstowe, Anh Quốc.
https://www.bbc.com/vietnamese/world-50487454

Nga : Dân chúng gởi thư ngỏ đến tổng thống

về nhân quyền

Mai Vân
Từ sau các cuộc biểu tình phe đối lập vào mùa hè, hơn một chục người bị bắt giam. Thân nhân của họ đã viết thư ngỏ, tố cáo một « trò hề công lý » và kêu gọi tổng thống Putin can thiệp.
Thông tín viên RFI tại Matxcơva, Daniel Vallot, tường thuật :
« Trước trụ sở chính quyền, người mẹ của một thanh niên đọc lên bức thư gởi tổng thống Putin. Các bậc cha mẹ có con bị bắt giam đứng chung quanh bà.
Đây là trường hợp của Mikhaïl Barchaï. Người con trai 21 tuổi của ông bị giam cầm từ tháng 10. Ông nói : Con trai tôi đã tham gia biểu tình vào mùa hè và bị tố cáo xô đẩy một cảnh sát. Trong những vụ việc như thế, thường chỉ bị quản thúc tại gia. Nhưng con của chúng tôi thì bị giam vào tù.
Vào tháng qua, cha mẹ của những thanh niên bị giam đã tập họp lại với nhau để lên án những cáo buộc bị họ xem là lạm dụng, quá đáng.
Bà Alexandra Krylenkova giải thích : Bức thư gởi ông Putin là một bức thư tuyệt vọng. Vì cha mẹ những người bị giam không còn phương cách nào khác. Tư pháp không quan tâm đến chứng cớ, vì tất cả đều là chính trị đến 100%.
Tuyệt vọng vì không hiểu được nguyên do, cha mẹ của những thanh niên bị tù cảm thấy hoàn toàn bất lực trước hệ thống tư pháp và rất lo ngại cho con em họ. Ông Mikhaïl Barchaï rất lo lắng : Andreï là sinh viên không phải là côn đồ ! Từ lúc cháu bị bắt, chúng tôi đã không được gặp một lần nào. Chúng tôi chỉ được chuyển một vài thứ cần thiết. Thế thôi. Bây giờ chỉ có đợi mà thôi.
Đợi đến phiên xét xử tới và phán quyết có thể rất nặng. Nhiều người biểu tình bị bắt vào mùa hè vừa rồi đã bị kết án từ 2 đến 4 năm tù giam ».
http://vi.rfi.fr/quoc-te/20191120-nga-dan-chung-goi-thu-ngo-den-tong-thong-ve-nhan-quyen

Ukraina sẵn sàng chấp nhận

một ‘thỏa thuận hợp lý’ về vùng Donbass

Thu Hằng
Paris sẽ đón thượng đỉnh « Normandie » vào ngày 09/12/2019 để bàn về tình hình miền đông Ukraina. Ngày 19/11, ngoại trưởng Ukraina cho biết Kiev sẵn sàng chấp nhận một « thỏa hiệp hợp lý » để giải quyết xung đột giữa phe ly khai thân Nga ở vùng Donbass.
Phủ tổng thống Pháp cho biết thượng đỉnh bốn bên (Ukraina, Nga, Đức, Pháp) được tổ chức trong bối cảnh các cuộc đàm phán đạt nhiều tiến bộ kể từ mùa hè, trong đó có việc lực lượng các bên rút dần khỏi nhiều vùng căng thẳng.
Cụ thể, theo AFP, ngày 09/11, chính quyền Ukraina và lực lượng ly khai thân Nga ở Donbass đã bắt đầu rút quân khỏi một khu vực quan trọng trên chiến tuyến, gần Donetsk, thủ phủ của vùng, trước sự chứng kiến của các quan sát viên Tổ Chức An Ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE). Trước đó, cả hai bên đã rút bớt lực lượng vào tháng Sáu và tháng Mười. Đến ngày 07/09, Nga và Ukraina đã trao đổi tù binh. Thiện chí gần đây nhất của Matxcơva là đã trả lại cho Kiev ba chiến hạm bị Nga bắt giữ năm 2018 ngoài khơi Crimée.
Theo điện Elysée, cuộc họp thượng đỉnh bốn bên sẽ cho phép « mở ra một giai đoạn mới cho việc áp dụng các thỏa thuận hòa bình Minsk » được đàm phán trong những năm 2014-2015 dưới sự chủ trì của Pháp, Đức và tổng thống Nga Vladimir Putin cũng tham dự.
Tuy nhiên, những người phản đối tân tổng thống Ukraina Volodymyr lo ngại Kiev quá nhân nhượng, trao nhiều quyền tự trị cho vùng Donbass, và như vậy sẽ giúp Nga duy trì kiểm soát tại các vùng ly khai.
http://vi.rfi.fr/phap/20191120-ukraina-san-sang-di-den-mot-thoa-thuan-hop-ly-ve-vung-donbass

Taliban thả con tin Mỹ, Úc để đổi tự do cho 3 chỉ huy

Các quan chức chính phủ Afghanistan cho biết tổ chức Taliban ở Afghanistan hôm 19/11 đã thả hai giáo sư đại học, một người Mỹ và một người Úc đã bị họ bắt làm con tin trong hơn ba năm qua, và như vậy hoàn tất cuộc trao đổi tù nhân đã bị trì hoãn bấy lâu, làm tăng hy vọng về triển vọng hồi sinh của các cuộc đàm phán hòa bình.
Giáo sư Kevin King, người Mỹ, và Giáo sư Timothy Weeks, người Úc, bị bắt cóc vào tháng 8/2016 ở bên ngoài trường American University ở thủ đô Kabul của Afghanistan, nơi hai ông giảng dạy.
Các quan chức cho biết, hai vị giáo sư được phóng thích để đánh đổi tự do cho ba viên chỉ huy Taliban.
Quyết định của chính phủ Afghanistan được Mỹ hậu thuẫn nhằm tiến hành vụ trao đổi tù binh được coi là chiếc chìa khóa có thể đảm bảo các cuộc đàm phán trực tiếp với nhóm chủ chiến Hồi giáo, mà cho đến nay, vẫn khước từ, không chịu liên hệ với cái gọi là “chế độ bù nhìn” bất hợp pháp ở Kabul.
Các cuộc thảo luận giữa Taliban và Mỹ nhằm chấm dứt cuộc chiến kéo dài 18 năm đã tan vỡ hồi tháng 9 sau khi Tổng thống Donald Trump hủy một cuộc họp dự trù diễn ra tại Camp David, khu nghĩ dưõng của tổng thống Mỹ ở thủ đô Washington.
Trước đó trong ngày, ba nguồn tin Taliban biết về vụ trao đổi, một ở Qatar – hiện là trụ sở của nhóm lãnh đạo chính trị Taliban ở Afghanistan, cho biết ba viên chỉ huy Taliban trong vụ đổi từ binh đã được thả khỏi nhà tù ở Afghanistan.
Thủ tướng Úc Scott Morrison xác nhận tin Giáo sư Weeks đã được trả tự do.
Trong hầu hết năm qua, Mỹ và Taliban đã thảo luận với nhau về kế hoạch rút quân của Mỹ khỏi Afghanistan, để đổi lấy bảo đảm an ninh của Taliban.
Nhưng ông Trump đã ngưng đàm phán sau cái chết của một binh sĩ Mỹ và 11 người khác trong vụ đánh bom ở Kabul do quân Taliban thực hiện.
Trước khi đàm phán tan vỡ, Mỹ và Taliban đều nói hai bên đã tiến gần đến mục tiêu đạt được một thỏa thuận.
https://www.voatiengviet.com/a/taliban-tha-con-tin-my-uc-de-doi-tu-do-cho-3-ch%E1%BB%89-huy/5172775.html

Bị cấm vận, nhưng sứ quán Bắc Triều Tiên

vẫn ăn nên làm ra tại Berlin

Thụy My
Bắc Triều Tiên hiếm khi phải nhờ đến tư pháp, thế mà chuyện này đã xảy ra. Đại sứ nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên hôm 28/02/2018 đã nộp đơn đến tòa án Berlin, đòi kết thúc một hợp đồng và trục xuất người thuê nhà. Công ty EGI GmbH quản lý City Hostel, một khách sạn dành cho thanh niên nằm trong khuôn viên tòa đại sứ Bắc Triều Tiên, sẽ phải thu dọn để trả nhà.
Nhiều cơ quan bộ ở Berlin thở ra nhẹ nhõm : họ nghĩ rằng tất cả các biên bản, văn bản nhắc nhở rốt cuộc cũng có kết quả, vụ việc đáng chán này sẽ thuộc về quá khứ.
Bức tường Berlin sụp đổ, Bắc Triều Tiên cho thuê phần lớn sứ quán
Courrier International trích dịch Süddeutsch Zeitung cho biết, cơn ác mộng bắt đầu vào mùa thu 2016, ngày mà Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc họp lại để siết chặt trừng phạt lên Bắc Triều Tiên. Cần phải chặn lại luồng tiền của nhà độc tài Bình Nhưỡng, bị cáo buộc sản xuất vũ khí hủy diệt hàng loạt.
Nghị quyết 2321 được nhất trí thông qua. « Tất cả các Nhà nước thành viên phải cấm Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên sử dụng các tài sản địa ốc mà họ sở hữu hoặc cho thuê trên lãnh thổ của mỗi nước với mục đích ngoài hoạt động ngoại giao hay lãnh sự ». Có thể nói chủ yếu nhằm vào Berlin, vì hầu như không nơi nào trên thế giới Bình Nhưỡng kiếm được tiền nhiều bằng thủ đô nước Đức.
Từ cuối thập niên 60, Bắc Triều Tiên sở hữu một khu đất rộng đến 6.000 mét vuông với hai tòa nhà, tọa lạc ngay khu trung tâm nơi có trụ sở các bộ ngành, giữa cổng Brandebourg và Checkpoint Charlie. Vào thời Đông Đức cũ, có 30 nhà ngoại giao Bắc Triều Tiên ngụ ở đó « trong đó có 27 người ở cùng với vợ », theo khuyến cáo của Stasi. Phải kể thêm « 15 nhân viên hành chính cùng với vợ, và 47 trẻ em ». Ngày nay, họ còn không đến 10 người.
Sau khi Bức tường Berlin sụp đổ, Bắc Triều Tiên bắt đầu cho thuê lại khu vực sứ quán. Trước hết là một trung tâm thể thao, rồi đến một trung tâm trị liệu tâm lý. Parking của tòa đại sứ của rất được ưa chuộng, công ty Hertz thuê lại làm chỗ đậu các xe tải. Đến 2004, EGI GmbH (GmbH : công ty trách nhiệm hữu hạn trong tiếng Đức) âm thầm xuất hiện, thuê cánh trái của sứ quán, xây dựng một tòa nhà năm tầng dùng làm khách sạn giá rẻ cho thanh niên. Khách sạn này có khoảng 100 phòng với 450 giường.
« Một đêm ở khách sạn của Kim Jong Un »
Sau khi nghị quyết của Hội Đồng Bảo An được thông qua, đài CNN gởi ngay đến một ê-kíp, Washington Post  New York Times cũng ào đến. Họ chạy tít « Một đêm ở Bắc Triều Tiên », « Nơi nhà độc tài, hãy còn những phòng trống »…Việc Bình Nhưỡng « làm ăn » ngay tại trung tâm Berlin thu hút chú ý bao nhiêu thì chính quyền Đức lại ngượng ngùng bấy nhiêu.
Một năm rưỡi sau, đâu vẫn hoàn đấy. Đơn yêu cầu trục xuất của Bắc Triều Tiên chưa hề được tòa xét, không có thời hạn nào được đề ra, hồ sơ chưa được nghiên cứu và chưa có nhân chứng nào được thẩm
vấn. Tòa án yêu cầu sứ quán đóng trước án phí, như bất kỳ vụ án nào khác. Nhưng chưa có xu nào được nộp, khách sạn tiếp tục hoạt động, không có thừa phát lại nào được mời đến.
Tom Schreiber, chuyên gia về vấn đề an ninh của đảng Dân chủ Xã hội (SPD) từ 15 năm qua nghiên cứu về tội phạm có tổ chức và buôn lậu ma túy, quan tâm đến vấn đề Bắc Triều Tiên. Ông biết rằng có « Phòng 39 », một đơn vị bí mật thuộc Trung ương Đảng, bất chấp mọi trừng phạt, làm kinh tài cho Đảng.
Tình báo Đức ước lượng thu nhập hàng tháng của một nhân viên Bắc Triều Tiên ở Berlin là 40.000 euro. Số tiền này không chỉ dành cho hoạt động của sứ quán ở Luân Đôn và Paris, mà còn để đãi ngộ giới tinh hoa: bia, dầu gội…được gởi từ Berlin sang Bình Nhưỡng.
Đức không mặn mà với việc trừng phạt
Dù sao đi nữa, sứ quán cũng chẳng có gì để làm, ngoài việc nhận các lá thư phản đối mỗi lần một quả bom được thử nghiệm hay một hỏa tiễn được bắn đi. Cựu đại sứ thích đi câu cá, nhưng không có giấy phép. Một hôm bị cảnh sát Đức kiểm tra và phạt vạ, ông đại sứ vui vẻ nộp phạt rồi ngồi câu tiếp. Y như những gì đang diễn ra ở City Hostel.
Chính quyền Berlin tỏ ra không nhiệt tình lắm với việc áp dụng trừng phạt. Đại sứ quán Đức ở Bình Nhưỡng cũng là trụ sở của Cộng hòa Dân chủ Đức trước đây, với nhiều cây xanh, hồ bơi, có diện tích tương đương với sứ quán Bắc Triều Tiên tại Berlin. Các « nước anh em xã hội chủ nghĩa » thường dành cho nhau đặc quyền.
Khi bức màn sắt sụp đổ, Kim Il Sung (Kim Nhật Thành, ông nội của Kim Jong Un) đã đề nghị cho tổng bí thư Erich Honecker tị nạn. Ngày nay tòa nhà lớn này được Berlin cho Thụy Điển, Anh và Pháp thuê lại một phần làm sứ quán hay văn phòng liên lạc, tuy nhiên không dùng làm khách sạn. Bộ Ngoại Giao Đức không muốn làm ảnh hưởng đến sứ quán ở Bắc Triều Tiên bằng mọi giá.
Đại sứ quán Bắc Triều Tiên ở Berlin còn nợ thuế số tiền lớn là 1.104.205 euro. Sở thuế đồng ý cho trả dần 7.000 euro/tháng, nhưng khi được hỏi có nhận được đồng nào chưa thì cơ quan này từ chối trả lời ông Schreiber. Cũng không rõ EGI GmbH có tiếp tục trả tiền thuê nhà hay không.
« Làm tất cả vì tiền, và chẳng hành động gì nếu không có tiền »
Tuy nhiên chuyên gia Schreiber nói với tờ báo Đức : « Bắc Triều Tiên làm tất cả vì tiền, và chẳng hành động gì nếu không có tiền ». Các nhà ngoại giao Bắc Triều Tiên vẫn nổi tiếng về buôn bán ngà voi, sừng tê giác, buôn lậu Viagra, rượu mạnh, thuốc lá.
Ngay từ thời Cộng hòa Dân chủ Đức, các đồng chí Bắc Triều Tiên đã dùng sứ quán để kiếm tiền. Nhà sử học Bernd Schaefer, trường đại học George Washington (Mỹ) đã tham khảo kho tư liệu của cơ quan an ninh Đông Đức Stasi. Vào giữa thập niên 80, các nhà ngoại giao Bắc Triều Tiên đã lập ra một mạng lưới, mua đồng hồ, cassette ở Tây Berlin và giao cho các sinh viên bán lại, sứ quán lấy hoa hồng. Bản khai của một sinh viên Bắc Triều Tiên nhìn nhận « từ tháng 7/1985 đến tháng 2/1986 đã bán ít nhất 310 chiếc đồng hồ quartz (pin thạch anh) ».
Có một điều chắc chắn là EGI GmbH không hề có ý định đóng cửa khách sạn, vì tòa nhà « được cho thuê dài hạn » và « đã đầu tư rất nhiều để cải tạo, mở rộng thành khách sạn ».
Khoảng đất phía trước nở rộ những đóa thu hải đường. Đây là một giống mới được một nhà trồng hoa Nhật lai tạo và tặng cho Kim Jong Il (Kim Chính Nhật) năm 1988nhân sinh nhật ông, từ đó đến nay loại hoa này được gọi là « kimjongjilia », trở thành quốc hoa Bắc Triều Tiên. Một chiếc hộp thủy tinh được đặt ngay cửa vào có hình Kim Jong Un và Vladimir Putin, có camera giám sát những ai đến gần. Một tấm bảng bằng tiếng Đức và tiếng Anh cảnh báo, cấm chụp hình, quay phim trong khuôn viên tòa đại sứ. Tất nhiên các nhà báo không được hoan nghênh.
Một đêm nghỉ tại đây chỉ mất 29,4 euro, cộng thêm 5% thuế lưu trú. Trước đây mỗi phòng làm việc đều có treo chân dung Kim Il Sung và Kim Jong Il, mỗi ngày đều được kính cẩn lau chùi bằng khăn đặc biệt. Ngày nay những bức tường đều trơ trọi, phòng trọ được kê giường tầng, tủ sắt, bàn ghế đơn sơ.
Bất chấp các cơ quan chức năng, trước các lệnh phạt vạ, đặc biệt là của hải quan Đức, EGI GmbH đã kiện và thắng kiện vì không có gì chứng minh là tiền thuê đến tay người Bắc Triều Tiên. Cuối năm ngoái, tòa thị chính Berlin-Mitte yêu cầu ngưng hoạt động, công ty EGI lại kiện tiếp. Tất nhiên du khách chẳng quan tâm đến điều này, cũng như lá cờ có ngôi sao đỏ phấp phới trước mặt tiền tòa nhà…
http://vi.rfi.fr/chau-a/20191120-bi-cam-van-nhung-su-quan-bac-trieu-tien-van-an-nen-lam-ra-tai-berlin

Hồng Kông : Thua ở đại học Bách Khoa

nhưng phong trào sẽ tiếp diễn

Tú Anh
Cuộc đọ sức bất cân xứng tại đại học Bách Khoa Hồng Kông bước sang ngày thứ tư. Trong số 900 sinh viên, học sinh cố thủ lúc ban đầu, hơn 200 bị bắt và truy tố, đa số chạy thoát và cho đến ngày 20/11/2019, vẫn còn lại hơn 50 thanh thiếu niên vẫn kiên quyết bám trụ trong vòng vây cảnh sát.
Dù kết cục ra sao, nhiều dấu hiệu cho phép giới phân tích suy đoán phong trào tranh đấu vì quyền tự trị vẫn tiếp diễn.
Áp lực của Mỹ
Vào lúc công luận lo ngại đại học Bách Khoa Hồng Kông sẽ là Thiên An Môn thứ hai, phong trào tranh đấu đòi Bắc Kinh tôn trọng công thức « một quốc gia hai chế độ » có lý do lên tinh thần.
Trước hết, về phản ứng quốc tế : Liên Hiệp Quốc kêu gọi Bắc Kinh tìm một giải pháp ôn hoà. Còn tại Hoa Kỳ, được xem là điểm tựa tinh thần của phong trào dân chủ nói chung và sinh viên nói riêng, Thượng Viện Mỹ thông qua « Nghị quyết ủng hộ Nhân quyền và Dân chủ » tại Hồng Kông với những biện pháp trói buộc mà Bắc Kinh , trong phản ứng giận dữ, lên án Washington « yểm trợ cho các phần tử cực đoan chống Trung Quốc, gieo rắc bất ổn ».
Nếu Bắc kinh làm mạnh, áp bức nhân quyền và các quyền tự do tại Hồng Kông thì đặc khu này, con gà đẻ trứng vàng, ngõ giao lưu tài chính của Hoa lục sẽ mất quy chế ưu đãi. Tuyên bố của thượng nghị sĩ Marco Rubio rất rõ ràng : Mỹ sẽ ở bên các bạn Hồng Kông, sẽ không ngồi yên để Bắc Kinh phá hoại quy chế tự trị.
Một nhân vật đáng tin cậy nhập cuộc
Nội bộ Hồng Kông cũng không thiếu những tín hiệu hòa dịu từ phe thân Trung Quốc. Từ đầu tuần, Tăng Ngọc Thành (Tsang Yuk Shing) lãnh đạo đảng DAB (Liên minh Dân chủ Tiến bộ), cánh tay nối dài của đảng Cộng Sản Trung Quốc, đã trực tiếp đứng ra làm trung gian hòa giải. Ông vào đại học Bách Khoa tiếp xúc với ban lãnh đạo, cam kết với người biểu tình là người lớn không bị đánh đập, trẻ vị thành niên được tự do ra về. Tăng Ngọc Thành được xem là « cố vấn » đáng tin cậy của Bắc Kinh, từng là chủ tịch Nghị viện Hồng Kông từ 2008 đến 2016 trong tư thế rất trung lập, không thiên vị.
Giới phóng viên Hồng Kông nghi ngờ « nhiệm vụ » của sứ giả Tăng Ngọc Thành khi vào đại học Bách Khoa là để cứu cháu gái của cựu thủ tướng Chu Dung Cơ.
Thế nhưng, theo hãng tin Asia Times, trong bối cảnh tình hình bế tắc vì thái độ cứng rắn của hai phe, sự kiện Tăng Ngọc Thành đứng ra làm trung gian hòa giải chắc chắn là có sự đồng ý của Bắc Kinh, và đây là tín hiệu tốt. Ít ra là tránh được một vụ Thiên An Môn thứ hai.
Vấn đề là tình hình sẽ ra sao ?
Nhìn từ Tây phương, khi được RFI đặt câu hỏi, chuyên gia Eric Florence, đại học Liège, vương quốc Bỉ cho rằng « với sự ủng hộ nhiệt tình của dân chúng địa phương, phong trào tranh đấu sẽ tiếp tục », nhưng chưa rõ theo hình thức nào.
Trong số năm yêu sách, chính quyền Hồng Kông mới thỏa mãn đòi hỏi thứ nhất là bỏ luật dẫn độ, điểm phát khởi của phong trào.
Từ Hồng Kông, nhà chính trị học Phương Chí Hằng (Brian Fong) nhìn sâu hơn. Ông xem phong trào phản kháng hiện nay là « cuộc cách mạng nước », uyển chuyển, tùy nghi ứng biến. (Le Monde 15/11/2019). Ngày nào mà nghị viện và chính phủ chưa được bầu một cách tự do thì luật dẫn độ hay bất cứ một mưu toan nào khác nhằm phá hỏng công thức « một quốc gia hai chế độ » cũng có thể được Bắc Kinh tiến hành.
Dân Hồng Kông một lòng, phe thân Bắc Kinh chia rẽ
Điều lý thú, vẫn theo nhà chính trị học Phương Chí Hằng, là lực lượng của phe « đỏ » không mạnh và không thống nhất. Phe « tả khuynh » trung thành với Bắc Kinh, trong đó có thành viên đảng DAB, tuy kiểm soát nghị viện, trên thực tế chỉ là thiểu số. Phần gọi là « thân Bắc Kinh » thì họ là đại diện của giới doanh nghiệp, công chức… và chống luật dẫn độ. Trong phe này có đảng Tự Do, còn đòi thành lập cơ quan điều tra độc lập chống cảnh sát bạo hành. Phe này luôn giữ lập trường cách biệt với phe chính phủ.
Nói cụ thể là không người nào dám ủng hộ đường lối bạo lực của Bắc Kinh vì sợ mất uy tín với dân Hồng Kông và với các đối tác thương mại.
Vậy thì tại sao chính quyền đặc khu lại có quyết định sai lầm gây ra làn sóng phản đối ? Theo Phương Chí Hằng, đó là do « Trung Quốc tự tin quá trớn ». Chế độ Tập Cận Bình tưởng đâu có đủ khả năng kiểm sóat tình thế, nên đẩy con chốt đi quá xa, ở Hồng Kông cũng như ở nhiều nơi khác trên thế giới.
Các nhân tố « đồng minh khách quan » này là cơ may cho phong trào dân chủ Hồng Kông.
http://vi.rfi.fr/chau-a/20191120-hong-kong-thua-o-dai-hoc-bach-khoa-nhung-phong-trao-se-tiep-dien

Hồng Kông : Vài chục người biểu tình

tiếp tục cố thủ trong ĐH Bách Khoa

Thu Hằng
Khoảng 50 người biểu tình đòi dân chủ tiếp tục cố thủ trong ngày thứ tư liên tiếp tại Đại học Bách Khoa Hồng Kông hôm 20/11/2019. Để giải thoát họ khỏi vòng vây cảnh sát, những người ủng hộ phong trào tìm cách chặn các phương tiện công cộng để đánh lạc hướng cảnh sát bao vây ngoài trường, đồng thời kêu gọi nhân viên xuống đường tuần hành trong giờ nghỉ ăn trưa.
Theo AFP, đến sáng 20/11, nhiều nhóm thanh niên mặc trang phục đen tiếp tục chuẩn bị các chai bom xăng để đối phó với cảnh sát, trong khi đó nhiều người khác phải ngủ trên các tấm thảm tập yoga trong nhà thi đấu của trường Bách Khoa. Điều kiện sống của họ trở nên khó khăn do không được tiếp viện vì cảnh sát phong tỏa. Trong đêm 19-20/11, cảnh sát đã bắt được nhiều thanh niên tìm cách thoát khỏi trường.
Trong khi Hồng Kông chuẩn bị bầu cử địa phương ngày 24/11, chính quyền đặc khu, cũng như những người ủng hộ dân chủ kêu gọi ngừng bạo lực. Nhiều đợt dọn dẹp đường phố chuẩn bị cho sự kiện được đông đảo người tình nguyện tham gia.
Phóng sự của đặc phái viên RFI Stéphane Lagarde tại đại học Bách Khoa :
« Hai ngày sau cơn bão phản kháng tràn qua những con phố dẫn đến đại học Bách Khoa, khu phố Tiêm Sa Chủy (Tsim Sha Tsui) vẫn mang nhiều vết tích các cuộc đối đầu giữa người biểu tình và lực lượng cảnh sát. Nhựa đường bị nóng chảy vì các chai bom xăng, thậm chí là cát lộ ra dưới lớp gạch bị người biểu tình lật lên.
Bên cạnh những chiếc áo vàng của nhân viên thành phố, nhiều người tình nguyện, chổi trong tay, cũng tham gia dọn dẹp, chủ yếu là phụ nữ. Maria, một người mẹ và sống trong khu phố, hôm qua đã tham gia dọn dẹp và trở lại hôm nay.
Bà nói : Tôi tới đây để giúp đỡ họ. Tôi nghĩ là chính quyền có thể làm chủ tình hình, nếu như chúng tôi cũng gánh phần trách nhiệm. Chúng tôi không tới để ném bom xăng, mà để dọn đường phố».
Tân cảnh sát trưởng thành phố đã kêu gọi công dân tình nguyện khi khẳng định rằng chỉ mình lực lượng cảnh sát không thể giúp thoát khỏi khủng hoảng. Đây là cách đổi hướng lên án hành động bạo lực của một số người đấu tranh đòi dân chủ trong khi, cho đến nay, đa số im lặng vẫn hỗ trợ người biểu tình.
Trong thùng rác của những tình nguyện viên là những chiếc dù, chai lọ cháy đen vì lửa. Bà Maria nói tiếp : Chúng tôi tìm thấy cả kéo, dao, chai bom xăng, tôi còn nhìn thấy cả dao lam nữa. Cuộc bầu cử đang đến gần, sau đó, mọi việc có lẽ sẽ dần ổn định hơn.
Cuộc bầu cử 18 thành viên cấp quận, dự kiến diễn ra vào Chủ Nhật 24/11, có nguy cơ bị hoãn nếu lại xảy ra bạo lực, theo ngụ ý của trưởng đặc khu Hồng Kông. Đây cũng là cách để vận động cử tri ủng hộ tái lập ổn định ».
Nhân viên lãnh sự Anh ở Hồng Kông bị mật vụ Trung Quốc tra tấn
Simon Cheng, một công dân Hồng Kông làm việc cho nhóm phát triển kinh doanh, thuộc lãnh sứ quán Anh ở Hồng Kông, khẳng định đã bị mật vụ Trung Quốc đánh, bị xích và không cho ngủ khi ông bị bắt ở Hoa lục vào tháng 08/2019. Ngoài ra, báo Wall Street Journal ngày 19/11 cho biết mật vụ Trung Quốc còn thẩm vấn Simon Cheng về khả năng Anh đóng vai trò trong cuộc khủng hoảng dân chủ Hồng Kông.
Trả lời Wall Street Journal, ngoại trưởng Anh Dominic Raab lên án hành động « tra tấn », đồng thời cho biết sẽ triệu đại sứ Trung Quốc lên « để phản đối » và yêu cầu chính quyền Trung Quốc điều tra, quy trách nhiệm những người tham gia vụ bắt giữcông dân Hồng Kông trên.
http://vi.rfi.fr/chau-a/20191120-hong-kong-vai-chuc-nguoi-bieu-tinh-tiep-tuc-co-thu-trong-dh-bach-khoa

Đàm phán mật về Hong Kong và nỗi buồn của bà Thatcher

Ngay từ năm 1958 Bắc Kinh đã phản đối một số nỗ lực từ phía Anh muốn tăng quyền và đổi quy chế cho Hong Kong và nhất quyết đòi lại chủ quyền.
Nhưng đàm phán mật của thủ tướng Anh Margaret Thatcher với Trung Quốc thời lãnh tụ Đặng Tiểu Bình trong các năm 1982-84 đã quyết định số phận vùng lãnh thổ mà không có tham vấn dân.
Anh trao lại Hong Kong cho Trung Quốc thế nào?
Lâm Tắc Từ và chuyện Trung Hoa mất đất
Chris Patten: ‘Đừng ảo tưởng rập đầu trước TQ’
Biểu tình Hong Kong: Căng thẳng lan sang Mỹ
Tập Cận Bình lần đầu thăm Hong Kong
1-Tất cả chỉ vì lãnh thổ mở rộng ở Tân Giới
Về nguyên tắc, quan hệ Anh với Hong Kong được xác định qua ba hiệp ước với nhà Thanh.
Năm 1862, Thanh triều nhượng lại hoàn toàn đảo Hong Kong (Hương Cảng) cho Anh.
Năm 1860, Anh nhận thêm bán đảo Cửu Long, nhỏ hơn nhiều so với Hong Kong nhưng có ưu điểm là gắn liền với Quảng Đông.
Sang năm 1898, Anh ký với nhà Thanh, thuê vùng Tân Giới (San-gaai) từ Cửu Long về phía Bắc, vào sâu lãnh thổ Trung Hoa, đến tận bờ nam của sông Thâm Quyến, cộng thêm trên 200 đảo xung quanh Hong Kong.
Khác với hai điều ước trước, điều ước ‘Mở rộng địa giới’, đem lại cho Anh thêm 952 km2 đất đai, lại chỉ là thuê đất, tới 1997.
Bắc Kinh sau nay yêu cầu đàm phán trước hạn 1997 để xem xét số phận của cả Tân Giới, Hong Kong và Cửu Long.
Về mặt lý thuyết, Anh có thể giữ đảo Hong Kong và bán đảo Cửu Long, chỉ trả lại Tân Giới.
Nhưng về mặt thực tế thì điều này là không tưởng vì quá nửa công dân Hong Kong sống, làm việc tại Tân Giới, và vùng đất này trở thành phần không thể tách ra về kinh tế, xã hội, nguồn nước…cho toàn bộ thuộc địa Anh.
Sau khi Đế quốc Anh tan rã, các thuộc địa Singapore, Malaysia và Ấn Độ đều độc lập, Anh không còn quân đóng ở Đông Á nên số phận Hong Kong chỉ là vấn đề thời gian.
2- Ba lần Trung Quốc đe dọa
Ngay từ ngày thành lập Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa (1949), dù không có quan hệ ngoại giao với London, Bắc Kinh vẫn có các tiếp xúc với Anh vì vấn đề Hong Kong.
Năm 1958, Anh có kế hoạch biến Hong Kong thành lãnh thổ phụ thuộc (dominion) như Singapore và một số đảo thuộc địa.
‘Dominion’ có quyền tự trị rộng rãi hơn thuộc địa (colony), và tương lai có thể trở thành độc lập.
Nhưng Thủ tướng Trung Quốc, ông Chu Ân Lai đã ngay lập tức phản đối, rằng mọi “hành động thay đổi quy chế của Hong Kong” là “thù địch”.
Anh Quốc không đạt được mục tiêu này nên tìm cách tăng quyền dân chủ nội bộ cho người Hong Kong, và cũng gặp phản ứng mạnh từ Trung Quốc.
Năm 1960, Trung Quốc đe dọa “tấn công đánh chiếm” (potential invasion) nếu Anh tiếp tục với sáng kiến tăng dân chủ cho Hong Kong.
Trong đàm phán 1982-84, theo lời kể lại của cựu Thủ tướng Thatcher, ông Đặng Tiểu Bình đã đe dọa lần nữa là quân Giải phóng Nhân dân Trung Hoa “bước sang Hong Kong” nếu Anh không trao trả.
3-Cuộc đàm phán bí mật về Hong Kong
Ngay sau khi lên làm Thủ tướng Anh (1979), bà Margaret Thatcher đã phải giải quyết vấn đề tương lai Hong Kong trước hạn 1997.
Anh Quốc tính rằng họ có thể trao trả chủ quyền của Hong Kong cho Trung Quốc và chỉ giữ các quyền kiểm soát khác.
Nhưng ngay từ tháng 9/1979, Đại sứ Anh tại Trung Quốc, Sir Percy Cradock thông báo về rằng chính quyền Trung Quốc bác bỏ hoàn toàn hướng đi này.
Bà Thatcher được Thủ tướng Singapore, ông Lý Quang Diệu khuyên là không nên nhượng bộ Bắc Kinh, nhưng chính giới London thấy “thật là sai lầm” nếu nghĩ Trung Quốc không dám làm mạnh.
Phía Trung Quốc, qua lời đại sứ của họ tại London nói với bà Thatcher, không muốn nhượng bộ một chút nào về hai vấn đề: xóa bỏ các hiệp ước Anh ký với nhà Mãn Thanh, và chuyển nhượng chủ quyền.
Một quốc gia, hai chế độ là thứ được nghĩ ra vài năm trước nữa nhằm áp dụng cho Đài Loan. Nó đến nay cũng chẳng tỏ ra là phù hợp như lúc trước, và cũng không phải là cách cho tương lai Hong KongBà Thatcher
Tuy thế, Anh Quốc vẫn cố gắng giành lại một chút gì đó.
Quan điểm Anh từ 1979 là đảm bảo ‘tự trị’ cho Hong Kong, và biến hợp đồng thuê đất ở Tân Giới sau hạn 1997 thành ‘thuê vĩnh viễn’.
Anh có thể trả chủ quyền Hong Kong cho Trung Quốc nhưng giữ các quyền quản trị để đảm bảo ổn định cho nhà đầu tư và nền kinh tế Hong Kong.
Tháng 2/1982, cựu thủ tướng Anh Edward Heath thăm Trung Quốc và được nghe từ chính lời Đặng Tiểu Bình rằng Trung Quốc chấp nhận để Hong Kong có quy chế “đặc khu hành chính” nhưng Bắc Kinh phải nắm chủ quyền.
Có vẻ như điểm gặp nhau của hai bên là sự tồn tại của nền kinh tế đặc thù đem lại thịnh vượng cho Hong Kong theo hình chức quản trị Anh Quốc.
Cuộc đàm phán mật từ đó đến 1984 xoay quanh ba khái niệm: chủ quyền (sovereignty), ổn định (stability), và thịnh vượng (prosperity).
Các giá trị như dân chủ, nhân quyền cho người Hong Kong không hề được nêu ra.
Tháng 9/1982, Margaret Thatcher trở thành thủ tướng Anh đầu tiên thăm nước Trung Quốc cộng sản và hai bên thảo luận, mà chưa quyết định về Hong Kong.
Nhưng điều bà cảm nhận lại là thái độ cứng rắn của lãnh đạo Trung Quốc.
Ngày 23/09, ông Triệu Tử Dương tiếp bà Thatcher ở Đại lễ đường Nhân dân và cho biết Bắc Kinh đặt chủ quyền lên trên thịnh vượng và ổn định của Hong Kong.
Ngày hôm sau, lãnh tụ Đặng Tiểu Bình tiếp bà Thatcher và nói mạnh hơn, cho Anh 1-2 năm để suy nghĩ.
Trung Quốc nói muộn hơn hạn đó, họ sẽ công bố biện pháp “thu hồi” (recover) lại Hong Kong.
Không chỉ có vậy, như Lady Thatcher tiết lộ trong hồi ký ‘The Downing Street Years’ (1993), Đặng đã đe dọa trực tiếp bằng câu nói:
“Chúng tôi có thể đưa quân bước sang Hong Kong ngay tối hôm nay (walk in and take Hong Kong back later today) nếu muốn”.
Bà Đầm Thép kể lại rằng bà điềm tĩnh trả lời, “Nếu đó là ý định của ngài thì tôi cũng không làm gì được, nhưng đấy cũng là sự sụp đổ của Hong Kong”.
Bà Thatcher nói thêm:
“Thế giới sẽ thấy việc chuyển từ quyền lãnh đạo của Anh sang Trung Quốc là thế nào.” (The world would then see what followed a change from British to Chinese rule’)
4-Vai trò gì cho người Hong Kong?
Trên thực tế, Anh Quốc đã phải chấp nhận mô thức ‘một quốc gia, hai chế độ’ cho Đặng Tiểu Bình đưa ra.
Nhưng người Hong Kong, ngay từ khi Anh-Trung ra Tuyên bố chung về Hong Kong năm 1984, đã lên tiếng nói họ bị bỏ ra ngoài.
Dù thống đốc Chris Patten sau này có các nỗ lực cải thiện cơ chế dân chủ nội bộ, như bầu Viện Lập pháp, dân Hong Kong không được tham gia các cuộc đàm phán của London với Bắc Kinh.
Bà Emily Lau, cựu chủ tịch đảng Dân chủ ở Hong Kong đã chua chát ví số phận người Hong Kong không bằng đàn cừu ở đảo Falklands (Malvinas).
Anh cho Falklands (1800 dân và nhiều cừu) có đại diện khi đàm phán với Argentina sau cuộc chiến ở Nam Đại Tây Dương, còn dân Hong Kong thì không, theo bà Emily Lau.
Tuy thế, công bằng mà nói, Anh Quốc đã nỗ lực bổ sung các quyền cho người Hong Kong qua hiến pháp mini – Luật Cơ bản (Basic Law) sau 1997.
Tuy chỉ giới hạn ở Hong Kong, các quyền dân chủ, tự do báo chí, truyền thông, và quan trọng hơn cả là luật Anh trong mọi lĩnh vực xử bằng tòa án kiểu Anh đã tạo cho Hong Kong vị thế đặc biệt cho tới nay.
5-Nỗi buồn cuối đời của Margaret Thatcher
Năm 2007, nhân kỷ niệm 10 năm trao trả Hong Kong, cựu thủ tướng Thatcher lần đầu tiên nói thật lòng rằng bà “rất buồn” khi phải chấm dứt 145 năm quyền làm chủ của Anh ở Hong Kong.
Bà nhắc lại vào ngày lễ trao trả, ở Hong Kong “trời mưa xối xả” và than rằng “nước Anh đã quá đủ mưa mà sao lại còn có mưa ở Hong Kong”.
Đặc biệt, bà Thatcher nói bà không tin tưởng gì ở công thức “Một quốc gia, hai chế độ” của Đặng Tiểu Bình.
“Một quốc gia, hai chế độ là thứ được nghĩ ra vài năm trước nữa nhằm áp dụng cho Đài Loan. Nó đến nay cũng chẳng tỏ ra là phù hợp như lúc trước, và cũng không phải là cách cho tương lai Hong Kong.”
Điều bà Thatcher thực sự muốn là tiếp tục quyền hành chính của Anh ở Hong Kong nhưng đó là “thứ bất khả”.
Kể từ sau khi dự lễ trao trả Hong Kong năm 1997, bà Thatcher đã không bao giờ quay lại đó.
Qua đời năm 2013, điều bà không dự báo được là giới trẻ Hong Kong ngày nay tự đứng lên đấu tranh cho tương lai của Hong Kong, chứ không trông đợi vào Anh.
https://www.bbc.com/vietnamese/world-48908416

Trung Quốc thề ‘trả đũa’

nếu ông Trump ký dự luật Nhân quyền Hong Kong

Trung Quốc triệu tập một nhà ngoại giao cấp cao của Hoa Kỳ, và cảnh báo sẽ trả đũa nếu Tổng thống Trump ký duyệt Dự luật Nhân quyền và Dân chủ Hong Kong, sau khi dự luật này được Thượng viện Hoa Kỳ thông qua.
Trong một tuyên bố, Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết Thứ trưởng Ngoại giao Ma Zhaoxu đã triệu tập William Klein, Cố vấn Bộ trưởng Đại sứ quán Hoa Kỳ.
“Trung Quốc sẽ áp dụng các biện pháp phản đối mạnh mẽ và Mỹ sẽ phải gánh chịu mọi hậu quả”, tuyên bố nói trên viết.
Đây là lần thứ hai Trung Quốc triệu tập một nhà ngoại giao Mỹ kể từ khi các cuộc biểu tình chống chính phủ ở Hong Kong bắt đầu cách đây năm tháng.
Hôm 19/11, Thượng viện Hoa Kỳ thông qua dự luật bảo vệ quyền con người ở Hong Kong trong bối cảnh Trung Quốc ngày càng mạnh tay đàn áp phong trào biểu tình ủng hộ dân chủ diễn ra nhiều tháng qua, theo Reuters.
Sau cuộc bỏ phiếu bằng miệng, dự luật Dân chủ và Nhân quyền Hong Kong sẽ được gửi đến Hạ viện, nơi đã thông qua phiên bản của họ về dự luật này.
Thượng viện sau đó thông qua dự luật thứ hai, cấm xuất khẩu một số vũ khí giải tán đám đông cho lực lượng cảnh sát Hong Kong. Những loại vũ khí bị cấm gồm hơi cay, bình xịt hơi cay, đạn cao su và súng chích điện.
Lãnh đạo Thượng viện: ‘Trump nên lên tiếng về Hong Kong’
Cảnh sát bắt sinh viên chạy khỏi ĐH Bách Khoa Hong Kong
Biểu tình Hong Kong: Người biểu tình đu dây trốn thoát
Liệu ông Trump có ký thành luật?
Nhà Trắng chưa đưa ra phản hồi chính thức về quyết định này của Thượng viện.
Và hiện vẫn chưa cho biết liệu ông Trump có sẽ ký hay phủ quyết dự luật Nhân quyền Hong Kong.
Một quan chức giấu tên nói nếu dự luật này đến bàn Tổng thống Trump thì có thể sẽ có một cuộc tranh luận gay gắt giữa các trợ lý của ông Trump lo lắng nó có thể làm suy yếu các cuộc đàm phán thương mại với Trung Quốc và những người tin rằng đã đến lúc phải đứng lên chống lại Trung Quốc về nhân quyền và quan điểm của nước này về Hong Kong.
Tại Thượng viện, Thượng nghị sĩ Cộng hòa Marco Rubio nói:
“Những người dân Hong Kong nhìn thấy trước được những gì sẽ diễn ra – họ nhận thấy một quyết tâm không ngừng nghỉ nhằm làm xói mòn quyền tự trị và quyền tự do của họ” và cáo buộc Bắc Kinh về “bạo lực và đàn áp”.
Theo phiên bản của Thượng viện về dự luật Dân chủ và Nhân quyền Hong Kong, Ngoại trưởng Hoa Kỳ Mike Pompeo, ít nhất mỗi năm một lần, sẽ phải xem xét xem Hong Kong có đủ quyền tự chủ, đủ điều kiện để tiếp tục nhận được sự đối đãi đặc biệt từ Hoa Kỳ và củng cố vị thế là một trung tâm tài chính của thế giới hay không.
Dự luật cũng sẽ đưa ra các biện pháp trừng phạt đối với các quan chức liên đới đến các vi phạm nhân quyền ở Hong Kong.
Người biểu tình ở Hong Kong vẫn tiếp tục biểu tình trên đường phố trong bối cảnh bạo lực ngày càng gia tăng và lo ngại rằng Bắc Kinh sẽ tăng cường phản ứng để ngăn chặn tình trạng bất tuân dân sự này.
Gửi một thông điệp đến Tập Cận Bình
Lãnh đạo Dân chủ ở Thượng viện Chuck Schumer nói sau khi thông qua dự luật:
“Chúng tôi đã gửi một thông điệp tới Chủ tịch Tập Cận Bình: Sự đàn áp tự do của ông, dù ở Hong Kong, Tây Bắc Trung Quốc hay bất cứ nơi nào khác, sẽ không được để yên.
Biểu tình Hong Kong: Trường ĐH Bách Khoa bị cảnh sát bao vây sau một cuối tuần bạo lực.
“Ông không thể là một nhà lãnh đạo vĩ đại – và ông không thể là một quốc gia vĩ đại – khi ông chống lại tự do, khi ông quá tàn bạo với người dân Hong Kong, ngay cả với người già và trẻ con tham gia biểu tình.”
Tân Cương, ở Tây Bắc Trung Quốc, là nơi sinh sống của nhiều người Duy Ngô Nhĩ theo đạo Hồi, nhiều người trong số họ đã bị giam giữ trong những trại mà Trung Quốc gọi là “các trại giáo dục”, nhưng Hoa Kỳ gọi đó là những trại tập trung.
Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết trong tháng này rằng Trung Quốc đã tỏ rõ quan điểm với Hoa Kỳ về dự luật Dân chủ và Nhân quyền Hong Kong và yêu cầu Mỹ không thông qua dự luật. Và rằng dự luật sẽ không chỉ gây tổn hại cho lợi ích của Trung Quốc và quan hệ Trung-Mỹ và cả lợi ích riêng của Hoa Kỳ.
Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết “Trung Quốc sẽ không thể tránh khỏi những biện pháp mạnh mẽ để đáp trả một cách chắc chắn, để kiên quyết bảo vệ các quyền lợi chủ quyền, an ninh và phát triển”.
Trump đã gây ra nhiều nghi vấn về cam kết của Hoa Kỳ trong việc bảo vệ các quyền tự do ở Hong Kong khi vào tháng 8, ông đã gọi các cuộc biểu tình là “bạo loạn” và đó là vấn đề Trung Quốc sẽ tự giải quyết.
Kể từ đó, Trump đã kêu gọi Trung Quốc xử lý vấn đề này một cách nhân đạo, đồng thời cảnh báo rằng nếu có bất cứ điều gì tồi tệ xảy ra ở Hong Kong, thì các cuộc đàm phán thương mại sẽ chấm dứt.
https://www.bbc.com/vietnamese/world-50456368

Thượng Viện Mỹ hậu thuẫn Hồng Kông, Bắc Kinh phẫn nộ

Mai Vân
Thượng Viện Mỹ vào hôm qua, 19/11/2019 đã nhất trí thông qua một văn kiện ủng hộ « Nhân Quyền và Dân Chủ » ở Hồng Kông (Hong Kong Human Rights and Democracy Act) và còn đe dọa đình chỉ quy chế kinh tế đặc biệt mà Washington đang dành cho Hồng Kông. Bắc Kinh đã rất bực tức.
Văn kiện về « Nhân Quyền và Dân Chủ ở Hồng Kông », sẽ còn phải chuyển xuống Hạ Viện. Trong tháng qua, Hạ Viện cũng đã thông qua một văn kiện tương tự. Giờ đây các nghị sĩ sẽ thống nhất hai văn bản, trước khi bỏ phiếu thông qua lần cuối và có thể đưa ra để tổng thống Trump ký ban hành.
Các thượng nghị sĩ Mỹ vào hôm qua cũng đã thông qua quyết định cấm bán cho cảnh sát Hồng Kông hơi cay, đạn cao su, cũng như thiết bị khác để trấn áp biểu tình.
Trung Quốc đã rất tức giận trước các động thái của Thượng Viện Mỹ, và lên tiếng cảnh cáo là sẽ có biện pháp trả đũa nếu văn kiện về Hồng Kông được thực sự thông qua.
Phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Trung Quốc Cảnh Sảng cho rằng mục tiêu của Mỹ chỉ là « hỗ trợ những kẻ cực đoan và phần tử chống Trung Quốc đang cố gây hỗn loạn ở Hồng Kông, với mục tiêu là cản trở sự phát triển của Trung Quốc bằng cách lợi dụng vấn đề Hồng Kông ».
Bộ Ngoại Giao Trung Quốc vào sáng nay, 20/11, đã triệu mời đại biện Mỹ William Klein lên để « phản đối » văn kiện của Thượng Viện Mỹ.
Tại Hoa Kỳ , thượng nghị sĩ đảng Cộng Hòa, Marco Rubio, khẳng định : « Thượng Viện Mỹ đã gởi một thông điệp rõ ràng đến người Hồng Kông đang đấu tranh cho các quyền tự do mà họ gắn bó từ lâu… (và) không thể không phản ứng khi Bắc Kinh phá vỡ quyền tự trị của Hồng Kông ».
Trong một thông cáo, thượng nghị sĩ đảng Dân Chủ Bob Menendez, ở Ủy Ban Đối Ngoại, nhấn mạnh là văn bản thông qua « cho thấy rõ là Hoa Kỳ bảo vệ khát vọng chính đáng của dân chúng Hồng Kông. »
http://vi.rfi.fr/chau-a/20191120-thuong-vien-my-hau-thuan-hong-kong-bac-kinh-phan-no

Việc Bắc Kinh bác bỏ phán quyết của tòa án Hong Kong

 có thể báo trước sự can thiệp trực tiếp từ Đại Lục

Tin Bắc Kinh, Trung Cộng – Việc Trung Cộng bác bỏ quyết định của Tối Cao Pháp Viện Hong Kong, vốn cho rằng lệnh cấm đeo khẩu trang là vi hiến, đã khiến nhiều chuyên gia lo ngại Bắc Kinh có thể sẽ sớm hành động để bảo đảm rằng quyền lực của chính phủ trung ương đối với Hong Kong không bị thách thức.
Trước đó vào thứ Hai, Tối Cao Pháp Viện Hong Kong tuyên bố lệnh cấm đeo khẩu trang được chính phủ Hong Kong ban hành vào tháng trước là vi hiến. Sau sự việc, một viên chức cao cấp của Bắc Kinh ám chỉ rằng, chính phủ trung ương có thể sẽ thay đổi chính sách Một quốc gia, hai chế độ, nếu tình hình Hong Kong tiếp tục tồi tệ hơn. Vào thứ Ba, Ủy Ban Lập Pháp của Trung Cộng nói rằng cơ quan này rất lo ngại và hết sức thất vọng, vì phán quyết của tòa án Hong Kong đã làm suy yếu thẩm quyền của Đặc khu trưởng Carrie Lam và chính phủ của bà. Cơ quan này nói, việc đánh giá xem liệu một đạo luật của chính quyền Hong Kong có phù hợp với Luật Cơ Bản hay không là thuộc quyền quyết định của trung ương, và không cơ quan nào khác có quyền phán xét với các luật lệ này. Văn phòng các vấn đề Hong Kong và Macau, thuộc chính phủ Trung Cộng, cũng nói rằng phán quyết của tòa án Hong Kong là công khai thách thức quyền lực của Bắc Kinh, và có thể gây ảnh hưởng nghiêm trọng cho chính trị xã hội. Theo giới chuyên gia, các thông điệp này là dấu hiệu cho thấy đại lục đã sẵn sàng mạnh tay hơn với Hong Kong, để duy trì an ninh quốc gia và bảo đảm rằng hệ thống Một quốc gia, hai chế độ, được thi hành đúng cách.
Trong một diễn biến khác, vào khoảng 100 người biểu tình vẫn còn kẹt trong trường đại học Bách Khoa và đang tìm đường trốn thoát, nhưng bị đẩy lùi lại vào bên trong khi cảnh sát bắn đạn cao su, vòi rồng và lựu đạn cay.  Cảnh sát Hồng Kong cho biết khoảng 800 người biểu tình đã rời khỏi trường đại học trong ôn hòa vào 11 giờ tối thứ Ba và họ sẽ bị điều tra, trong đó có 300 em dưới tuổi 18.
Mộc Miên
https://www.sbtn.tv/viec-bac-kinh-bac-bo-phan-quyet-cua-toa-an-hong-kong-co-the-bao-truoc-su-can-thiep-truc-tiep-tu-dai-luc/

Trung Quốc triệu quan chức ngoại giao Mỹ,

 đòi ngưng can thiệp Hong Kong

Trung Quốc triệu tập nhà ngoại giao cao cấp của sứ quán Hoa Kỳ tại Bắc Kinh hôm thứ Tư sau khi Thượng viện Mỹ nhất trí thông qua Dự luật nhân quyền Hong Kong, hãng tin Reuters và tờ South China Morning Post (SCMP) tường thuật.
Trong một tuyên bố, Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói Thứ trưởng Ngoại giao Mã Triệu Húc (Ma Zhaoxu) đã triệu tập ông William Klein, Cố vấn Bộ trưởng về các vấn đề chính trị của Đại sứ quán Hoa Kỳ, nói với ông rằng tình hình tại Hong Kong là chuyện nội bộ của Trung Quốc, và yêu cầu Mỹ phải ngưng các hành động can thiệp.
“Nếu Mỹ tiếp tục can thiệp, bảo đảm Trung Quốc sẽ phải đề ra những biện pháp mạnh mẽ để đáp trả và kiên quyết bảo vệ các quyền lợi chủ quyền, an ninh và phát triển.”
Tuyên bố của Bộ Ngoại giao Trung Quốc
Tuyên bố này cảnh cáo “Trung Quốc sẽ đề ra những biện pháp mạnh mẽ, và Hoa Kỳ sẽ phải gánh chịu mọi hậu quả” sau khi Thượng viện Mỹ thông qua dự luật nhằm bảo vệ nhân quyền tại Hong Kong- một động thái có thể lót đường cho hành động ngoại giao và các biện pháp chế tài kinh tế chống lại chính quyền Hong Kong.
Tờ SCMP nói đây là lần thứ nhì Trung Quốc triệu tập một nhà ngoại giao Mỹ kể từ khi các cuộc biểu tình bùng phát ở Hong Kong cách đây 5 tháng.
Hôm 14/6 năm nay, Robert Forden, Phó Đại sứ Mỹ tại Bắc Kinh đã bị Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Le Yucheng triệu tập.
Ông Klein bị triệu tập sau khi người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng tuyên bố bất kỳ cố gắng nào của Mỹ nhằm can thiệp vào các vấn đề nội bộ của Trung Quốc cũng đều vô ích.
Ông Cảnh Sảng cảnh báo:
“Nếu Mỹ tiếp tục can thiệp, bảo đảm Trung Quốc sẽ phải đề ra những biện pháp mạnh mẽ để đáp trả và kiên quyết bảo vệ các quyền lợi chủ quyền, an ninh và phát triển.”
Báo SCMP dẫn lời ông Cảnh Sảng nói rằng động thái của Thượng viện Mỹ, thông qua Dự luật Nhân quyền Hong Kong là một sự vi phạm luật pháp quốc tế và cách hành xử thông thường trong các quan hệ quốc tế, mà Trung Quốc “mạnh mẽ lên án và cực lực chống đối.”
Thượng viện Mỹ thông qua Dự luật Nhân quyền Hong Kong sau khi Hạ viện thông qua phiên bản của họ hồi tháng trước. Hai dự luật này đều đòi hỏi chính phủ Mỹ phải ra phúc trình thường niên, được Bộ
trưởng Ngoại giao xác nhận, về liệu Hong Kong có duy trì đủ quyền tự trị từ Bắc Kinh để có thể giữ quy chế thương mại đặc biệt, là quy chế đã bảo vệ Hong Kong tránh bị áp thuế như Mỹ đã làm đối với các sản phẩm do Trung Quốc sản xuất hồi năm ngoái.
Dự luật này, nếu được thi hành sẽ cấm công dân/ công ty Mỹ xuất khẩu các thiết bị kiểm soát đám đông phi sát thương, cùng một số thiết bị quốc phòng khác cho Hong Kong.
Dự luật này cũng kêu gọi các biện pháp chế tài chống lại bất cứ cá nhân hoặc thực thể nào vi phạm các quyền tự do được bảo đảm theo Luật Cơ Bản, tiểu hiến pháp của Hong Kong.
https://www.voatiengviet.com/a/tq-trieu-quan-chuc-ngoai-giao-my-doi-my-thoi-can-thiep-tai-hong-kong/5173727.html

0 comments

Leave a comment

Powered by Blogger.