Đọc báo Pháp – 20/11/2019
Hồng Kông đang mất dần
tính chất thành phố-thế giới của châu Á
Báo chí Pháp ra ngày 20/11/2019 hầu như đồng loạt ưu tiên cho thời sự Pháp, với chủ đề thống trị là kế hoạch cải tổ hưu bổng sắp được chính phủ thúc đẩy và cuộc đình công được cho là rất lớn sắp diễn ra để phản đối. Về quốc tế, hồ sơ nổi bật vẫn là cuộc khủng hoảng tại Hồng Kông, bên cạnh một vấn đề mới là quyết định của Mỹ chính thức công nhận “quyền” của Israel được đi chiếm đất của người Palestine.
Về cuộc khủng hoảng Hồng Kông, báo Pháp dĩ nhiên tập trung theo dõi cuộc đối đầu giữa hàng chục sinh viên cố thủ bên trong trường Đại Học Bách Khoa Hồng Kông – tên tắt tiếng Anh là PolyU – trong vòng vây chặt chẽ của cảnh sát.
Libération chạy tựa máu lửa: “PolyU trong tâm bão”, ghi nhận là trường Bách Khoa Hồng Kông đã trở thành tâm điểm của phong trào phản kháng, trong lúc chế độ Bắc Kinh vẫn duy trì sức ép. Les Echos thì đăng phóng sự về “Những người biểu tình cuối cùng đang cố thủ tại trường PolyU”, nêu bật thái độ nghi kỵ của khoảng 100 sinh viên trước những lời kêu gọi đầu hàng của lực lượng cảnh sát đang bao vậy ngôi trường. Le Monde lạc quan hơn, thấy rằng: “Ở Hồng Kông, đã có tia hy vọng về một kết cục không bạo lực tại trường Đại Học Bách Khoa”.
Đối mặt với khủng hoảng, người nước ngoài sẵn sàng cuốn gói
Đáng chú ý trong các loạt bài là phân tích của Libération về hiện tượng người nước ngoài lục tục rời bỏ thành phố từng được mệnh danh là thành phố quốc tế nhất châu Á.
Dưới tựa đề: “Đối mặt với cuộc khủng hoảng, người nước ngoài sẵn sàng cuốn gói”, tờ báo cánh tả Pháp ghi nhận là dù lo ngại trước các vụ bạo động cũng như việc Hồng Kông mất quyền tự trị, nhiều người nước ngoài làm việc tại đây vẫn còn ngần ngại, chưa muốn rời bỏ một nơi từ lâu là ngõ vào Châu Á đối với các nhà đầu tư.
Thế nhưng thái độ của họ đã có dấu hiệu thay đổi. Libération đơn cử ví dụ của một sinh viên Pháp mà tờ báo gọi là Renaud, đã từng chọn theo học ở Hồng Kông vì chất lượng giảng dạy và vì đây là cánh cửa dẫn vào Châu Á. Thế nhưng năm học của anh, rốt cuộc đã bị đột ngột rút ngắn ngày 13/11 vừa qua.
Sau một đêm bị kẹt ở khu đại học xá, giữa một bên là cảnh sát và bên kia là người biểu tình, anh đã vội vàng thu vén những “vật dụng cần thiết để cầm cự vài ngày”, leo qua các rào cản, đi bộ 40 phút trước khi có được một chiếc taxi. Anh đã đi thẳng đến lãnh sự quán Pháp để rồi vài ngày sau bay thẳng về Paris.
Giống như trường hợp của Renaud, hàng chục sinh viên Pháp, hàng trăm sinh viên nước ngoài khác cũng như sinh viên Trung Quốc, cũng tìm đường ra khỏi khu đại học bằng xe buýt hay bằng tàu thuyền, rồi cũng rời hẳn Hồng Kông.
Theo ghi nhận của Libération, các tập đoàn, công ty thì chưa đến nỗi như vậy, nhưng cũng đang nghiên cứu cách rút lui, trong bối cảnh mà bạo động lên đến mức chưa từng thấy tại Hồng Kông, và suy thoái kinh tế bắt đầu đè nặng lên đặc khu bán tự trị này.
Đối với tờ báo Pháp, Hồng Kông, thành phố-thế giới của Châu Á, cửa ngõ đầu tư của khu vực, miền đất vàng đối với nhiều người Pháp, giờ đây đã mất hào quang và nhiều người đang đặt câu hỏi về sự vững chắc của các định chế và quyền tự trị của Hồng Kông, trên nguyên tắc được bảo đảm đến năm 2047.
Trong một đoạn video rất ăn khách cho thấy cảnh xe hơi bị kẹt trong khu phố kinh doanh Hồng Kông, chìm trong khói hơi cay mà cảnh sát bắn gần đấy, một phụ nữ Nhật Bản nói: « Chúng tôi bắt đầu tự hỏi một cách nghiêm túc về môi trường trong đó chúng tôi đang sống »,
Le Monde: Macron tiến thoái lưỡng nan
về cải cách hưu bổng
Kế hoạch cải tổ chế độ hưu bổng tại Pháp đã được hai tờ Le Monde và Libération đưa lên trang nhất. Trong lúc Le Monde nhìn thấy là quyết định cải cách này đang đặt tổng thống Pháp “Macron trong thế tiến thoái lưỡng nan”, thì Libération nêu bật một vấn đề mà chính phủ Pháp sẽ phải cân nhắc: Đó là tình trạng bất bình đẳng về mặt sức khỏe lúc về hưu giữa người giầu và người nghèo.
Theo tiết lộ của Le Monde, ngày 21/11, Hội Đồng Định Hướng Hưu Bổng (COR) sẽ đệ trình một bản báo cáo mà theo tờ báo Pháp sẽ gia tăng sức ép trên chính phủ. Văn bản mà Le Monde đã tham khảo được xác nhận rằng thâm hụt của quỹ hưu bổng sẽ lên đến mức từ 7,9 đến 17,2 tỉ euro.
Để giảm thiếu hụt, chính phủ có thể ban hành những biện pháp tiết kiệm, nhưng giải pháp đó lại đe dọa một kế hoạch cải tổ lớn của tổng thống Macron: Đó là thống nhất các chế độ hưu bổng cá biệt mỗi ngành nghề thành một kế hoạch phổ quát, chung cho mọi giới.
Theo Le Monde, trước mắt, nhiều công đoàn đã kêu gọi tổng đình công vào ngày 05/12/2019 để bảo vệ chế độ hưu bổng hiện hữu, trong lúc chính quyền đã lên lịch gặp gỡ đại diện các công đoàn cũng như giới chủ trong hai ngày 25 và 26 tháng 11 tuần tới.
Libération: “Về hưu với sức khỏe tốt”
Cùng dành tít lớn trang nhất cho vấn đề hưu bổng như Le Monde, nhưng nhật báo cảnh tả Libération đã khai thác khía cạnh chất lượng của tuổi hưu trong hàng tựa “Về hưu với sức khỏe tốt: Chưa hẳn là như thế”.
Đối với Libération, tổng thống Pháp Macron từng khẳng định rằng “Chúng ta phải làm việc lâu hơn vì chúng ta sống lâu hơn”. Có điều là một công trình nghiên cứu đã cho thấy rằng nếu người Pháp sống lâu hơn, thì sức khỏe của họ không hề tốt hơn.
Vì vậy, trong bài phân tích bên trong, nhật báo Pháp đã đặt câu hỏi về tính đúng đắn của việc quy định một tuổi hưu duy nhất cho tất cả các thành phần trong xã hội.
Bài viết mang tựa đề “Tuổi hưu và sức khỏe: một thời đại bất công mới”, đã nêu bật khả năng chính quyền Pháp sẽ phải quyết định về một “tuổi hưu bản lề” được đề xuất trong một báo cáo mà họ sẽ nhận được vào ngày mai, thứ Năm.
Đối với chính quyền, việc nâng cao tuổi hưu để mọi người làm việc lâu hơn là một giải pháp hợp lý. Chính phủ nào cũng làm như vậy. Vấn đề, theo Libération, là sự việc không đơn giản như vậy nếu tính đến sự bất bình đẳng xã hội trong lãnh vực sức khỏe và tuổi thọ.
Trích dẫn các số liệu chính thức, Libération thừa nhận rằng, tuổi thọ của người Pháp quả thực đã kéo dài. Vào năm 2018, tuổi này là 85,3 đối với phái nữ, và 79,4 đối với nam giới. Nhưng nếu tính theo “số năm mà một người có thể sống khỏe mạnh”, thì “tuổi thọ với sức khỏe tốt” chỉ còn là 64,5 tuổi đối với phụ nữ và 63,4 tuổi đối với nam giới.
Hiện nay tại Pháp, tuổi nghỉ hưu trung bình là 62,4 tuổi đối với nam và 63 tuổi đối với nữ, thấp hơn mức “tuổi thọ với sức khỏe tốt” đó. Nhưng nếu nâng tuổi hưu, có khả năng là một người sẽ phải tiếp tục làm việc trong điều kiện không còn sức khỏe. Mặt khác, cũng phải tính đến tình trạng người giầu có tuổi thọ hơn hẳn người nghèo, do vậy vấn đề bình đẳng khi về hưu cũng được đặt ra.
La Croix: Khẩn trương đối phó với ngày đình công 05/1
Liên quan ít nhiều đến hồ sơ cải tổ hưu bổng tại Pháp, nhật báo Công Giáo La Croix đã dành trang bìa cho nỗi lo ngại của người dân Pháp trước cuộc đình công được cho là sẽ rất được hưởng ứng, dự trù vào ngày 05/12 tới đây để chống cải cách hưu trí.
Dưới hàng tựa lớn trang nhất rất đơn giản: “Đối mặt với đình công”, tờ báo đã liệt kê những cách thức người dân Pháp đã chuẩn bị để có thể tiếp tục sinh hoạt vào ngày hôm đó, và cả những hôm sau nếu đình công kéo dài.
Theo La Croix, người Pháp chờ đợi những khó khăn cực lớn về giao thông hôm đó do việc ngành xe lửa SNCF và xe buýt RATP đều đình công. Hơn nữa đây là cuộc đình công có thể được triển hạn, do vậy khó khăn có thể kéo dài. Và từ nhiều ngày qua, mọi người đã dự trù những cách đối phó, nghĩ đến các phương tiện như xe đạp, xe máy, thuê xe, đi xe chung, làm việc từ xa.
Trong tâm trí những người đã lớn tuổi, kịch bản hãi hùng của năm 1995 đã tái hiện, với ba tuần lễ ròng rã bị khó khăn trong di chuyển, khiến cho việc làm bị bê trễ. Tình hình năm nay có thể còn gay go hơn khi mùa đông bắt đầu.
Tuy nhiên, theo nhà xã hội học Jean Viard, bối cảnh năm 1995 với năm nay có khác đi. Kỹ thuật số phát triển đã khiến cho việc có mặt tại sở làm không còn cần thiết đối với một số đối tượng. Mặt khác, ngày nay, người lao động được hưởng chế độ làm việc 35 tiếng mỗi tuần, do đó đã có thể những ngày nghỉ thêm gọi là RTT, có thể sử dụng nhân cuộc đình công đó.
Cận Đông: Mỹ lại tiếp tay cho Israel
Về tình hình Cận Đông, các báo đã nhất loạt chỉ trích việc Mỹ chính thức cho rằng các khu định cư người Do Thái trên các vùng lãnh thổ Palestine “không đi ngược lại luật quốc tế”. Le Figaro chạy tựa “Donald Trump “hợp pháp hóa” các khu định cư của Israel ở Cisjordanie”, trong lúc Les Echos cho là: “Trump can thiệp một lần nữa vào chính trị Israel”. La Croix giải thích: “Donald Trump bay tới giải cứu Benyamin Netanyahu”.
Tin đọc nhanh
(CNA) - Đài Loan & Việt Nam tịch thu 190 kg ma túy.
Theo Văn phòng chưởng lý ở Cao Hùng (Đài Loan) vào hôm qua, 19/11/2019, trong chiến dịch phối hợp giữa Đài Loan và Việt Nam chống buôn lậu ma túy, an ninh Đài Loan đã chận bắt đường dây buôn lậu, giấu ma túy trong container một chiếc tàu đi từ Việt Nam đến Đài Loan, tịch thu 21 kg. Ở Việt Nam, các nhà điều tra đã khám phá 169 kg ma túy ở một nhà kho Thành phố Hồ Chí Minh. Theo chưởng lý Cao Hùng, đây là lượng ma túy tịch thu lớn nhất từ trước đến nay. Cuộc điều tra vẫn tiếp diễn.
(AFP) -Đức Giáo hoàng đến Thái Lan trong chuyến tông du châu Á.
Máy bay của lãnh đạo Tòa Thánh La Mã đã đáp xuống phi trường quốc tế Don Mueang lúc trưa nay. Trong thông điệp, Đức Giáo hoàng Phanxicô chào mừng Thái Lan là một quốc gia đa sắc tộc, với nhiều nỗ lực kiến tạo hài hòa và chung sống hòa bình giữa các cộng đồng trong nước và khắp khu vực. Nhiều sự kiện và thánh lễ ngoài trời sẽ được tổ chức trong hai ngày thứ Năm và thứ Sáu, trước khi Giáo hoàng bay sang Nhật Bản.
(Vatican News) - Đức Giáo hoàng không quên tín đồ người Việt.
Ngày 20/11/2019 , Đại Hội Giới Trẻ Công Giáo ở Miền Bắc nhận được thông điệp video. Theo Vatican News, trong sứ điệp, Đức Giáo hoàng ca ngợi chữ NHÀ của Việt Nam « ngôi nhà gia đình và ngôi nhà tổ quốc », kêu gọi giới trẻ trở về cội nguồn, vun bồi di sản văn hóa truyền thống Việt Nam. Trong phần kết luận Đức Giáo hoàng Phanxicô khuyến khích tín hữu trẻ Việt Nam noi gương Đức Hồng y Nguyễn Văn Thuận mà ngài gọi là « chứng nhân vĩ đại của hy vọng ».
(SCMP) - Trung Quốc chuẩn bị giao xe quân sự mới cho Thái Lan.
Theo trang Bangkok Business News ngày 18/11/2019, đợt giao lần thứ nhất sẽ diễn ra vào tuần tới, gồm 34 xe thiết giáp chở quân VN-1 và 10 xe tăng VT-4, có tổng trị giá là 76 triệu đô la. Đợt thứ hai sẽ gồm 34 chiếc và đợt thứ ba sẽ gồm 39 chiếc lần lượt được giao trong năm 2020 và 2021. Loạt hợp đồng được Bắc Kinh và Thái Lan ký kết nhằm tăng cường quan hệ quân sự và ngoại giao song phương.
(Reuters) – Trung Quốc xét lại mức tăng trưởng 2018.
Theo cơ quan Thống Kê Quốc gia, Trung Quốc sẽ xem xét lại tỉ lệ tăng trưởng của mình dựa trên kết quả số liệu mới, cách tính toán mới, cũng như xem lại nguồn gốc dữ liệu. Số liệu hiện tại về tăng trưởng 2018 là 6,5%. Lần kiểm lại gần đây thực hiện vào năm 2014, và đã điều chỉnh lại tăng trưởng 2013.
(AFP) - Trung Quốc định khởi động lại nhiều nhà máy nhiệt điện.
Theo một nghiên cứu được công bố ngày 20/11/2019, quyết định trên đi ngược với những cam kết của Bắc Kinh trong việc chống biến đổi khí hậu mà Trung Quốc là nước thải khí CO2 lớn nhất thế giới. Số nhà máy nhiệt điện đang được xây dựng hoặc sắp được mở cửa trở lại có công suất lên đến 147,7 gigawatt, tương đương với khả năng của toàn Liên Hiệp Châu Âu hiện này, là 150 gigawatt.
(AFP) –Biểu tình tại Iran, ít nhất 100 người thiệt mạng.
Trong khi chính quyền Iran vào hôm nay, 20/11/2019, ca ngợi thành công trong việc ‘dẹp loạn’, và thừa nhận có 5 người thiệt mang (4 nhân viêncông lực và một thường dân), thì tổ chức Ân Xá Quốc tế ngay hôm qua, cho là con số người thiệt mạng do đàn áp lên hơn 100 người. Do bưng bít thông tin, con số người thiệt mạng trong các cuộc biểu tình khởi đầu hôm thứ Sáu tuần qua, phản đối việc tăng giá xăng, không được biết chính xác. Liên Hiệp Quốc e ngại có hàng mấy chục người chết.
(AFP) -Israel oanh kích khoảng 12 khu quân sự ở Syria.
Sáng 20/11/2019, quân đội Israel khẳng định đợt oanh kích « quy mô lớn », nhắm vào các kho dự trữ và trung tâm chỉ huy, được tiến hành để nhằm đáp trả bốn quả rocket do « các đơn vị Iran », cụ thể là lực lượng Al-Qods Iran, bắn từ Syria vào hôm trước. Tổ chức Đài Quan Sát Nhân Quyền Syria thống kê có ít nhất 11 chiến binh tại Syria thiệt mạng, trong đó có 7 người nước ngoài.
(AFP) - Số người chết trên thế giới trong năm 2018 vì bị « tấn công khủng bố » giảm 15,2% so với năm 2017.
Theo thống kê của Global Terrorism Index, được Viện Kinh tế và Hòa Bình (IEP) công bố ngày 20/11/2019, có 15.952 người chết vì khủng bố trong năm 2018. Riêng tại châu Âu, số người chết vì khủng bố đã giảm trong hai năm liên tiếp, từ hơn 200 người vào năm 2017, xuống còn 62 người vào năm 2018.
0 comments